Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Tác giả: Stefan Wolf
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: “Der Schlangenmensch”
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Hikaru No Go
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 188 / 11
Cập nhật: 2020-07-08 19:33:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tám - Các Cuộc Phỏng Vấn
ại buồng điện thoại của nhà trường, Tarzan hồi hộp mở cuốn danh bạ điện thoại. Mắt hắn sáng lên vì số máy của Jeske sờ sờ trước mặt. Hắn lặng lẽ quay số và áp ống nghe vào tai.
Một giọng nửa đàn ông nửa đàn bà nghe thật khó chịu:
- Walter Jeske đây!
Tarzan nén lợm giọng. Hắn rất dị ứng với những nhân vật “lại cái”. Tiếng của hắn khá khổ sở:
- Chào ông Jeske. Chúng tôi là ban biên tập tờ báo TIẾNG VỌNG của trường nội trú. Xin ông chịu khó chờ một lát, phóng viên nữ của chúng tôi muốn trao đổi với ông.
Hắn nhún vai đưa máy cho Gaby. Cô bé vào vấn đề liền:
- Tôi là Gaby Glockner, thưa ông Jeske. Tôi nghe nói ông là một trong những nhà sưu tập và am hiểu lừng danh về các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập. Trong số báo tới, chúng tôi muốn đề cập về vấn đề này. Ông có cho phép chúng tôi làm một bài phỏng vấn đăng những nhận xét chuyên môn của ông lên mặt báo không ạ?
Coi, con cá cắn câu ngay tức khắc. Còn phải hỏi, với miếng mồi ngọt ngào như Công Chúa thì lão già Yeske háo danh có chết cũng chẳng chối từ. Lão uốn éo như... con gái:
- Tôi không ngờ cô cũng mê nghệ thuật cổ Ai Cập như tôi. Một thế giới mà tiếc rằng chẳng còn tồn tại nữa. Thật tuyệt vời là các bạn trẻ lại quan tâm đến nó. Người ta nhắc cụ thể đến tên tôi ư?
- Vâng, thưa ông. Bao giờ thì tôi có thể đến gặp ông?
- Xin tùy cô định đoạt.
- Vậy thì ba giờ chiều nay chăng?
- Rất sẵn sàng, thưa cô Glockner. Tôi sẽ trình với cô những hiểu biết của tôi.
Gaby cảm ơn rồi gác máy.
Tròn Vo toét miệng cười:
- Mọi việc đều trôi chảy hết ý, thưa cô Glockner. Kế này thành rồi đó.
Cũng bằng cách ấy, Tứ quái gọi đến Karpf.
- Karpf! - Hắn sủa vào máy, trước khi Tarzan kịp đưa máy cho Karl.
- Còn tôi là Karl Vierstein. Xin chào ông. Tôi được biết bộ sưu tập quý giá ở nhà thờ Birnbach vốn là của gia bảo thuộc dòng họ ông. Nếu ông cho phép, ban biên tập báo TIẾNG VỌNG chúng tôi sẽ cử người đến phỏng vấn.
Máy Tính Karl đã cố gắng nói hết sức nhẹ nhàng nhưng vị thân chủ dã man vẫn trả lời cộc lốc:
- Lúc nào?
- Tốt nhất là ngay hôm nay.
- Xong.
- Ba giờ chiều được không thưa ông Karpf?
- Đây có nhà.
- Chúng tôi đến hai người đấy, thưa ông?
- Côôộp...
Karpf cúp máy khô khan không cần câu trao đổi chót. Khuôn mặt của Tarzan như dài ra:
- Thằng này thô bạo lắm, tụi mày phải coi chừng đó.
Bây giờ thì Tứ quái gọi đến đối tượng thứ ba.
Ái chà, điện thoại tư gia của một bá tước có khác. Giọng nói kẻ bên kia đầu dây đài các cực kỳ:
- Phòng quản lý lâu dài Falkenstein đây.
- Chúng tôi là ban biên tập tờ báo trường nội trú. Tôi có thể nói chuyện với bá tước được không ạ?
Cũng may âm điệu uốn éo của lão bá tước không đến nỗi tệ hại như lão Yeske... Tarzan nghe cũng khá lọt tai:
- Tôi chính là bá tước Falkenstein. Quí vị muốn gì?
- Cảm ơn bá tước. Tôi là phóng viên Peter Carsten...
Tarzan loé ra một tia sáng chớp nhoáng trong đầu. Hắn “chế tạo” liền một nội dung mới mẻ:
- Thưa bá tước, nhà trường chúng tôi vừa mở một cuộc thăm dò dư luận học sinh và được biết đa số học sinh tuổi từ mười hai đến mười tám đều tò mò muốn tìm hiểu về đời sống của những nhà quí tộc trong những lâu đài cổ kính của họ. Hầu hết đều muốn đặt những câu hỏi như: Tầng lớp quí tộc ngày nay sống ra sao? Họ có những đẳng cấp nào? Có chức năng chính trị gì? Kinh tế được duy trì ra sao? Các truyền thống được bảo tồn thế nào? Vân vân... Chúng tôi rất biết ơn ông nếu ông bớt chút thời gian vàng ngọc cho một bài phỏng vấn ngắn.
Tròn Vo há hốc mồm nghe.
Vị bá tước cười khùng khục trong cổ:
- Về nguyên tắc thì tôi sẵn lòng. Nhưng với một điều kiện: tôi phải duyệt bài báo đó trước khi đăng lên. Và tôi trông chờ một bài báo có thiện chí.
- Tôi có thể bảo đảm với ông cả hai điều đó.
- Ờ, ờ... lúc nào thì nhà báo đến?
- Ba giờ chiều, thưa ngài bá tước.
Tarzan cảm ơn. Cuộc đàm thoại chấm dứt. Tròn Vo hớn hở:
- Tất cả đều được hẹn lúc 15 giờ. Tụi mình hên quá!
Tarzan nhắc nhở:
- Tụi mình không thể về kịp giờ tự học được. Phải đi xin phép thầy trực ban đã. Hôm nay thầy Plumer trực à? Lại càng hên nữa.
Trong khi Tarzan và Tròn Vo đi xin phép thầy Plumer thì Karl và Gaby gọi điện cho Anke. Cô bé vẫn còn sốt, chưa đi học được. Anke hồi hộp nghe kể những tin tức vừa qua và dự định của Tứ quái chiều nay.
o O o
Trước 15 giờ, Gaby đã đến trước biệt thự của Jeske. Lần đầu tiên trong đời cô chiến đấu đơn độc mà không có sự hỗ trợ của “cận vệ” Tarzan. Cũng ớn lạnh quá đi chứ. Nhưng không đời nào cô bé lại chịu thú nhận là mình sợ.
Gaby dắt xe vào cổng biệt thự và thản nhiên cho con ngựa sắt dựa vô tường gara. Cứ nhìn chiếc Rolls-Royce lộng lẫy dưới ánh nắng mà xem, chủ nhân chiếc xe kiêu kỳ và tự tin đến mức không thèm đóng cửa nhà xe để trông.
Gaby rụt rè ôm chặt cái cặp. Vũ khí của cô bên trong chỉ có cây bút bi và một cuốn sổ. Cô nín thở đưa tay giật mạnh chiếc vòng đồng kiểu cách thay cho cái chuông cửa. Cánh cửa... mở ra.
Trời ạ, bộ mặt tròn trịa như bánh bao của lão Yeske nở nang hết cỡ. Lão chu mồm ra như muốn hôn vào không khí:
- Ố là là, chào tiểu thư xinh đẹp. Có phải cô chính là nữ phóng viên Glockner của báo TIẾNG VỌNG không nào?
- Xin chào ông Jeske. Tôi mới... mười lăm tuổi. Tên thật của tôi là “Gabriele”.
Mình không cho phép lão kêu mình là Gaby thân mật. Còn lâu, với một người khả ố như lão thì cái tên “Gabriele” đã là phước lắm rồi. Nhưng lạy Chúa, hắn tắm trong nước hoa hay sao chớ?
Jeske hôm nay mặc áo màu xanh nõn chuối và hồng.
Phòng khách Jeske nồng nặc mùi nước hoa. Sở thích của lão ngồn ngộn trên các giá đỡ: toàn là những pho tượng điêu khắc loại nhỏ của Ai Cập. Lão hỏi Gaby muốn dùng thứ đồ uống gì nhưng Gaby từ chối khiến hắn thất vọng. Chả là hắn đã chuẩn bị một chai sâm panh và hai cái li.
- Thưa cô Glockner, nếu cô cho phép, tôi hơi khát.
Yeske chúi mũi vô uống ừng ực. Ôi, quỷ sứ. Cô bé quyến rũ đến chừng nào. Lão khui tiếp chai rượu thứ hai mà không biết mình đang lải nhải những gì. Hai vành tai lão lùng bùng. Những câu trả lời bằng giọng bán nam bán nữ của lão đang đi dần đến chỗ... líu lưỡi. Lão thích nói một vấn đề cần thiết với thực tế hơn kia.
Gaby xếp cuốn sổ ghi chép.Cô bé chết điếng khi thấy lão già mỗi lúc một nhích lại gần mình trên chiếc đi-văng bọc da. Cô cảm thấy phải tiến hành cuộc phỏng vấn qua một chiều hướng khác mới mong thoát nạn:
- Tôi muốn được nhìn tác phẩm giá trị nhất trong bộ sưu tập của ông.
Lão già lờ đờ. Lão bật dậy phục phịch đi ra:
- Xin... chờ cho một lát.
Lão biến năm phút rồi quay lại. Cặp môi xám ngoét của lão vều ra thành một chữ O. Hãy ngó cái vật lớn khủng khiếp trên tay lão. Chúa ơi, cả một cái quan tài màu vàng rực mang hình thể một con người. Phần đầu giống hệt mặt nạ với chiếc mũ dành cho các Pharaong.
Yeske thều thào như đọc thần chú:
- Đây... là... quan... tài... chứa... xác... ướp...
Mặt Gaby tái mét, cô bé rùng mình:
- Khiếp quá!
- Người ta đã đào nó lên từ nhà mồ của vua chúa và các bậc đại quý tộc Ai Cập cách đây 3.000 năm. Hà hà, cô bé chịu uống sâm-panh để bớt sợ chưa nào?
- Không, cảm ơn, tôi không uống rượu ạ.
Lão già cụt hứng ôm khệ nệ báu vật địa ngục của lão ra. Trời ạ, lão già ghê tởm thật. Nói năng y hệt một tên thái giám, bôi đầy nước hoa mà máu súc vật lại đầy người. Yếu điểm của Yeske là đó sao? Lúc lão nhún nhảy đi vào, Gaby nhăn cái mũi xinh:
- Tôi biết rằng tiền bạc có thể mua được tất cả mọi thứ, nhưng có những báu vật mà đồng tiền không thể mua được. Ông nghĩ sao?
Yeske muốn rú lên vì... hả dạ. Coi, lão đứng giữa phòng múa may như một thằng hề:
- Cô quả là tuyệt vời. Đúng, đúng một trăm phần trăm. Tôi không hiểu sao... nhà nước lại xây dựng lên những Viện bảo tàng ngu ngốc để tàng trữ tinh hoa nhân loại. Cô thấy đó, thí dụ nghệ thuật cổ Ai Cập bị nằm chết gí trong các bảo tàng, quỷ sứ ạ. Rồi hàng ngày lũ người ngợm du lịch đến tham quan, quỷ sứ ơi. Ôi, chúng nào biết gì về giá trị vĩnh cửu. Trong khi chúng tôi, những nhà sưu tập am tường về chuyên môn thì đành khoanh tay đau đớn nhìn các cổ vật bị tàn phá theo thời gian chỉ vì tội ác của nhà nước. Tại sao không bán cho những “học giả” chúng tôi, tôi thừa tiền...
Bọt mép của Yeske bắt đầu sùi ra làm Gaby nổi da gà. Không khéo lão lại quỳ sụp xuống van lạy các vị thần Chrum, Min, Osiris trời ơi đất hỡi của lão.
Nhưng Yeske không dại dột điên khùng như vậy. Kẻ mộng du đã khứ hồi thực tế. Lão ngồi xuống sát sạt Gaby. Giọng lão lè nhè:
- Hãy bán đấu giá các cổ vật Ai Cập. Còn không bán ư? Hề hề, ta sẽ có con đường khác để đi đến nó...
Ái chà, trong cơn say khướt lão già gần như tự thú. Con chồn đã chui ra khỏi hang. Gaby cắn răng chịu trận mùi nước hoa để khai thác cơ hội cuối cùng. Cô thỏ thẻ:
- Tôi rất thích những pho tượng lạ...
- Hề hề, đêm nay thôi... đêm nay tôi sẽ có nó...
- Làm sao tôi xem được?
Mặt lão già như dại hẳn:
- Có gì khó đâu, nếu mai “cô em” lại tới... hề hề...
Bàn tay ướt rượt mồ hôi của lão đặt lên đầu gối Gaby. Cô bé run bắn lên như bị quào bởi móng vuốt của con thú.
- Tôi sẽ chu cấp cho cô... em rất nhiều tiền, nhiều, nhiều vô số...
Gaby đứng dậy. Đã đến lúc phải trở về. Cô ráng lấy giọng tự nhiên:
- Cảm ơn cuộc phỏng vấn thú vị. Sẽ có ngày gặp lại. Thôi khỏi phiền ông tiễn.
Cô phóng khỏi sào huyệt lão già như một mũi tên. Một đòn “khổ nhục kế” hoàn hảo những suýt bị trả giá đắt. Lão già chui xuống lỗ đến nơi mà còn dám dụ dỗ con gái vị thành niên. Phải báo cáo “bố già” Glockner vụ bẩn thỉu này lập tức.
Gaby nhảy lên yên xe. Thoát nạn.
Mình thành công rồi. Có khi ngay đêm nay… Vậy là đêm nay đấy! Tin thế mới là tin chứ.
Gaby hài lòng đạp xe về nhà.
o O o
Gã Karpf đứng ngay cửa chống nạnh, tướng lùn xủn, chân vòng kiềng. Chưa tới ba mươi tuổi mà mặt gã đã già chát. Gã hất hàm hỏi hai đứa thiếu niên mới đạp xe tới:
- Tên tụi bay?
- Thưa, tôi là phóng viên Karl, bạn tôi là cộng tác viên Kloesen.
- Tốt.
Gã vác khuôn mặt “xà lim” lững thững vô nhà không thèm bắt tay đám nhóc. Trong căn nhà có hai cửa sổ mở ra hướng bìa rừng còn ba cái khác quay về hướng làng. Karpf chỉ tay bốn phía nói cụt ngủn:
- Tất cả thuộc về tôi hết. Cả vùng đất này. Trừ cái làng...
Gã vừa dứt tiếng thì trời xui đất khiến thế nào mà một vị mục sư đạp xe qua. Người đại diện tôn giáo cách gã hơn hai mươi mét nhưng gã cũng không tha thứ. Gã gào thét như một... lãnh chúa thực sự:
- Cút ngay khỏi lãnh địa của ta. Đồ quỷ tha ma bắt. Đồ... váy chùng.
Người mục sư vỗ vỗ vào đầu và thản nhiên đạp tiếp vào rừng khiến Karpf điên tiết:
- Mày vỗ vỗ đầu để chửi tao loạn trí hả? Khốn nạn...
Karl cười méo xệch. Nó bắt đầu thích ứng với sự lạnh lẽo của gã điên. Nó cũng nói nhát gừng y chang gã:
- Tôi hiểu ông có nỗi buồn... Rõ ràng giữa ông và mục sư có sự căng thẳng.
- Cậu khá đó nhóc. Tao buồn triền miên, buồn thống khổ, buồn suốt ba trăm năm dù tao mới ba mươi tuổi. Hiểu chưa hai cậu bé miệng hôi sữa? Tụi nhà thờ trên ngọn đồi đã cướp sạch tài sản của tao.
- Làm gì có chuyện ác nhơn vậy?
- Có chớ. Hai đứa mày vừa thấy thằng ăn cướp đạp xe ngang nhà tao rành rành. Hê hê hê... thằng mục sư. Lá bài đã lật ngược rồi, mày đừng tưởng bở mục sư ạ. Tao cho mày cầu Chúa tới tấp nhưng... chủ nhật sau thì... hê hê hê, mày làm ơn giải thích trước các con chiên rằng tại sao nhà thờ “trống trải” đến thế. Mất rồi, mất sạch rồi... hê hê hê...
Karl Máy Tính ghi ngay vào sổ: “Chủ nhật sau”. Nó gạch đít đến ba lần. Trời ạ, vẫn còn mơ hồ quá. Từ nay đến bữa đó tới sáu đêm, vụ trộm nhà thờ sẽ rơi vào đêm nào?
Gã Karpf nhìn chúng trừng trừng:
- Tao thổ lộ với tụi bay hơi nhiều phải không? Hết thông báo! Cút!
Hai thằng không chần chờ lao ra ngoài, lạy Chúa, chúng mà chậm chân dám lãnh nguyên hai cục đá vô đầu là cái chắc. Lúc trèo lên yên xe, Tròn Vo mới thở phào:
- Đúng là “bản anh hùng ca của một người mất trí”.
o O o
Trong lâu đài của bá tước Falkenstein, Tarzan đối diện với chiếc đi-văng chứa một người đàn ông mồm ngáp, tay giụi mắt lia lịa đang xỏ chân vào đôi ủng kỵ mã. Lão bá tước chớ còn ai. Tướng lão nhỏ con, cái đầu bé tí nhưng hàm răng thì kềnh càng muốn vọt khỏi miệng.
Lão chưa thèm nói chuyện với “nhà báo” Tarzan mà khàn khàn cất giọng trước một nhân vật khuất mặt khác:
- Bà quản gia Melanie, mang trà vô.
- Dạ!
Bây giờ thì lão mới liếc xéo tới hắn:
- Đến phỏng vấn hả? Cuộc đời lừng lẫy của những nhà quý tộc phải không? Đợi đấy. Mà phải đưa tôi duyệt trước.
- Vâng, thưa ngài. Chúng ta đã thoả thuận như vậy.
Bà quản gia Melanie bưng trà vào. Đúng một tách chẵn chòi không có tách thứ hai. Chẳng một nhà quý tộc sắp phá sản nào lại đi phung phí một tách trà cho khách. Falkenstein nhấp tiết kiệm từng hớp rồi khởi sự rung đùi.
Câu chuyện bí ẩn của lão dài lê thê. Nghe thì cũng khá thú vị nhưng hoàn toàn không ăn nhập gì đến... những tên trộm. Tarzan nảy ra một sáng kiến:
- Tôi cần ngó qua toà lâu đài của ngài để bài viết được sinh động hơn. Mong ngài cho phép!
Lão bá tước gật đầu. Và cuộc du hành của Tarzan kéo dài tới nửa tiếng. Ái chà, những bức tranh tuyệt đẹp, không dưới năm mươi bức đã làm hắn bàng hoàng. Hắn càng sửng sốt hơn khi thấy khoảng mười bức tranh được ghim trên khung một mẩu giấy trăng. Chà, lão Falkenstein cho ghim mảnh giấy trắng để làm gì kìa? Hay đó là mười bức tranh mà bụng dạ lão ưng ý nhất?
Hai người quay trở lại phòng làm việc. Tarzan vẫn thẫn thờ. Những mẩu giấy trắng, những mẩu giấy trắng... có phải chúng được đánh dấu trước để dành cho khách xem đặc biệt? Bản năng cảnh giác của hắn thức dậy. Hắn thận trọng ghi nhớ những bức tranh đánh dấu.
Falkenstein liếc đồng hồ:
- Ồ, tôi phải vào thành phố gấp. Đành chia tay vậy.
Trong khi Tarzan cất sổ ghi chép vô túi thì lão bá tước bước đến một cái giá lấy xuống một phong bì màu nâu. Phong bì chưa dán kín nhưng bên trong dày cộm. Lão hú bà quản gia inh ỏi:
- Melanie. Tôi có việc đi thành phố. Nhớ chuẩn bị cơm tối.
Bà quản gia nói vọng từ dưới bếp:
- Ông có hẹn với Poldi và Maudi mà quên rồi sao? Họ tới ngay bây giờ.
- Chết thật!
Lão giậm mạnh đôi ủng kỵ mã thình thịch trên sàn nhà rồi bỏ mặc Tarzan đứng đó đi xiêu vẹo ra khỏi sảnh. Chà, đúng là cơ hội ngàn năm một thuở. Tarzan lao đến bàn giấy lật liền tờ thư nằm sẵn trên mặt bàn. Hắn nghĩ thầm “Đọc trộm thì thiếu trượng phu thật nhưng đặc vũ vẫn phải là... đặc vụ, vả lại Falkenstein nào phải một tay quân tử chánh chánh đường đường”. Y như rằng, nội dung lá thư gần như là một bản cáo trạng của một nhà băng. Đại khái như sau: “Món nợ trong tài khoản của ngài bá tước đã tăng lên 82.000 mark do được chi trả vào tiền bảo hiểm các bức tranh đắt giá trong lâu đài. Yêu cầu được ngài thanh toán các món nợ”.
Tarzan huýt sáo. Té ra ngài bá tước đang cháy túi. Phước đời cho hắn, Falkenstein quay lại vừa kịp lúc Tarzan đã ngả mình trên chiếc ghế bọc da. Coi, lão bá trước đi qua đi lại chắp hai tay sau mông như sắp hoá rồ:
- Thật là tréo cẳng ngỗng. Công việc dở dang hết. Đáng lẽ mình phải... à, tại sao ta có thể quên cậu bé nhà báo này nhỉ?
Lão nghiêng thân thể tí hon về phía Tarzan vuốt ve:
- Này, cậu sẽ vô thành phố chớ?
- Chắc chắn, thưa ngài!
Lão xuống nước thấy rõ:
- Cậu có thể... giúp tôi một việc được không? Tôi bận tiếp hai vị khách ngân hàng nên không đi được. Cậu... chỉ làm động tác chuyển thư thôi mà. Người nhận sẽ hiểu ý.
- Rất sẵn sàng, thưa ngài!
Lão bá tước mừng rỡ chụp chiếc phong bì màu nâu tức tốc. Nhà quý tộc đưa lưỡi liếm phần hồ quét sẵn ở mép bao thư rồi cẩu thả dán lại.
- Tôi sẽ viết địa chỉ người nhận trên bì thư. Cậu làm ơn giao cho ông Malowitz số nhà 12 tại phố “Sau các khu vườn”.
Tarzan choáng váng như bị một tiếng sét giáng vào đầu, nhưng hắn bình tĩnh còn hơn một trinh thám trên màn ảnh. Hắn cười tươi rói:
- Tôi sẽ giao tận tay. Ông khỏi cần ghi địa chỉ. Nào, ông Malowitz số nhà 12 tại phố “Sau các khu vườn”, đúng chưa thưa ngài?
- Ồ, cậu có một trí nhớ siêu việt.
Tứ Quái Tkkg Tập 14 - Người Rắn Tứ Quái Tkkg Tập 14 - Người Rắn - Stefan Wolf Tứ Quái Tkkg Tập 14 - Người Rắn