You can never get a cup of tea large enough or a book long enough to suit me.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 163 / 71
Cập nhật: 2020-06-12 14:03:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 - Vết Xe Thiên Hạ
uy rất bận rộn về việc buôn bán, buổi chiều hôm nay, Tấn cũng phải cố rứt ra một chút thì giờ đến với Phúc. Chẳng phải không có việc gì mà đến chơi suông. Tấn muốn hẹn bạn sớm mai cùng ra tòa xem phiên thượng thẩm[58] sẽ tuyên án về cái nạn xe hơi mà tòa trừng trị đã bắt Phúc phải đền cho người đầm bị thương một vạn, từ hai tháng trước, nó kết liễu ra sao. Thêm nữa, lại có việc anh đứng môi giới cho một vụ bán nhà hộ người cô ruột của anh. Cũng chưa được bạn anh trả lời gãy gọn. Cho nên anh buồn lắm, khi thấy bạn anh vắng nhà. Anh lại hơi ngạc nhiên vì thấy nhà bạn trang hoàng rực rỡ như sắp có đại tiệc.
— Bác cứ đợi đấy một lát, nhà tôi ra Phủ Thống Sứ đấy mà! Thế nào cũng sắp về bây giờ.
Tấn ngồi xuống ghế, đành đợi. Anh mỉm cười nghĩ thầm: “Đấy biết mà, sự đời quanh quẩn chỉ có thế thôi. Ai cũng giống ai như đúc. Lúc còn nghèo anh nào cũng nói thánh nói tướng, anh nào cũng muốn làm toàn những việc xã hội, từ thiện, vĩ đại. Đến lúc giàu rồi, mới trơ khấc ra”. Tấn nghĩ đến mấy công cuộc của Phúc trong vài tháng nay mà thôi. Người bạn hiền lành gần như đụt của anh té ra bây giờ mà cũng nghiễm nhiên là tay đại bợm, đã làm nhiều điều cũng vĩ đại lắm, nếu ta kể rằng vĩ đại là gian hùng, là tàn nhẫn là bóc lột, là đểu. Tuy không được bạn kể rõ cho nghe, Tấn cũng biết đại khái rằng Phúc hai tháng trước không hiểu sao đã xuống Thái Bình đứng đầu cho một số đông người để kiện Cẩm Hà, một chú khách sét ty, đến nỗi người này vì thua kiện mà gần mất nghiệp, và Phúc nhờ đó đã tậu được nhà và đồn điền bằng giá rất hạ của tay hút máu ấy. Rồi Phúc cũng là chủ một xưởng máy chiếu, cũng ở Thái, và không hiểu đã bóc lột thợ thế nào mà mấy tờ báo có khuynh hướng cộng sản đã chửi bới Phúc ỏm tỏi lên. Đối lại Phúc đã kiện mấy cơ quan ngôn luận do bọn cộng sản chủ trương.
Tấn buồn rầu như thấy là chính mình suy đốn về tâm thuật, và vì lẽ xưa nay anh hy vọng ở bạn nhiều điều cao thượng lắm, cho nên anh chỉ muốn tiện dịp cảnh cáo Phúc, để thuyết minh về sự thay đổi quá đỗi bất ngờ để bạn biết rằng nếu cứ mãi thế, Phúc, cuối cùng, cũng sẽ trở nên một nhà tư bản xấu, một kẻ chẳng ra gì mà thôi. Nói cho đúng, ấy là vì Tấn vẫn tâm phục bạn như một đệ tử trung thành của một bậc sư phụ, cho nên mới cứ ngây thơ đuổi theo những tư tưởng mà nay Phúc không còn có nữa.
Còi ô tô gọi mở cửa ran lên, Tấn vội đứng dậy. Phúc bước vào, nét mặt hớn hở lắm, và khi thấy Tấn thì tỏ ra rất ngạc nhiên. Tuy vậy. Phúc cũng không hỏi tại sao lâu nay ít thấy bạn đến, vì chỉ sốt sắng khoe:
— Thôi, thế cũng được. Tôi đã hiểu rõ cái luật thừa trừ của đời rồi. Đã được một cái gì thì phải mất một cái gì. Ngày mai tòa có y án trước, âu tôi cũng vui lòng! Anh có biết tôi vừa được cái gì không? Kể từ hôm nay mà đi, tôi đã nhập Pháp tịch.
Tấn lại thấy thất vọng rằng chưa phải lúc cảnh cáo gì bạn anh, ắt phải để dịp khác, đại khái như lúc nào Tấn say rượu hay say thuốc phiện mà cao hứng bỏ nhân nghĩa và đạo đức chẳng hạn. Anh bèn nói đến việc của mình:
— À này, thế nào, anh đã nhất định về cái nhà ở Lò Đúc hay chưa?
Mặt Phúc lại sa sầm xuống, Tấn chờ đợi mãi, thấy Phúc nghĩ ngợi đến mười lăm phút, để rồi nói ra ngoài đầu đề như thế này:
— Khỉ quá mất! Rõ chẳng cái dại nào giống cái dại nào! Thì ra đời mình chỉ những chậm là chậm! Chỉ vì cái gì cũng chậm quá, nên mới tai hại mà thôi! Chậm bảo hiểm cái xe cho nên mới phải đền, chậm đi lấy giấy phép cho nên mới bị phạt nặng. Mà trong việc nào cũng chỉ chậm mất vài ngày hay vài tháng. Từ nay trở đi ấy à? Đã định làm gì thì nhất quyết phải thi hành ngay!
Thấy bạn đã vui vui, Tấn mới lại nhắc:
— Này, thế định về cái nhà ở Lò Đúc như thế nào.
Mãi Phúc mới cười nhạt mà đáp:
— Tôi cũng chưa nhất định đấy.
— Chết thật! Chồng người ta vào tù, người ta chỉ trông vào anh để lấy tiền đền cho chồng được tha, nỡ nào anh cứ kéo dài mãi. Xin anh chớ quên rằng người bán nhà là cô ruột tôi.
Đến bây giờ, Phúc mới chịu đáp:
— Thôi chỗ anh em, nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Đây này: Năm nghìn đắt quá, chẳng ai tậu đâu. Anh bảo bà ấy có bằng lòng bán bốn nghìn thì được.
— Chết nỗi, thế thì anh trả rẻ quá. Tôi cam đoan rằng năm nghìn là anh lợi được một nghìn rồi. Anh không nên thế! Tôi dám chắc với giá ấy mà cho đi cổ động thì khối người muốn mua.
— Thì sao bà ấy không bán cho người khác đi?
— Vì mời anh thì anh có tiền ngay mọi việc chóng vánh được, có thế thôi. Vì người khác họ bắt đợi.
Phúc nhăn mặt mà rằng:
— Ấy thế đấy, chỉ có bốn thôi, vì có anh nói hộ, tôi nể quá, chứ vốn tôi không chỉ định tậu nhà, là cái việc doanh nghiệp chắc chắn rất tầm thường thiên hạ nó vẫn chửi tôi thế nào, anh hẳn đã biết.
— Gớm, thế này thì anh tàn nhẫn thật.
— Thì thôi, tôi có muốn tậu nhà làm gì đâu!
Tấn tức đến phát uất cả người. Sự thực Phúc đã trả quá rẻ, và vào dịp người ta có tai nạn mà lại bóp chẹt thế, thì thật là bóc lột tàn nhẫn quá. Anh đã đâm ra khinh bỉ bạn. Vì con người ấy nay trở nên giả dối nguy hiểm. Chính ra, Phúc chỉ thích tậu nhà cho chắc chắn thôi. Nay nói không thích, là để bắt chẹt cho có lý. Phải chi người bán không gặp tai nạn thí dụ tự nhiên Phúc đến hỏi thì năm nghìn là hời rồi. Tấn rất hối hận đã nói rõ cảnh ngộ của người cô ra. Anh không ngờ rằng chính anh nói mà cũng khó khăn thế. Không ngờ mà đối với bạn, bây giờ Phúc cũng trơ như đá vững như đồng, đểu đến thế.
— Thôi được để tôi bảo bà ấy xem sao vậy.
Tấn thở dài đứng lên. Thấy giận rồi ra về ngay là thất sách, Tấn nghĩ đến việc hôm sau, lại hỏi:
— À, mai tôi lại đây, rồi cùng anh ra tòa nhé.
— Ừ, được rồi.
Hai người bắt tay nhau, lần đầu cùng thấy cái bắt tay ấy là nhạt nhẽo, mà chẳng ai buồn cứu chữa. Phúc mặc bạn đi ra không tiễn, Tấn cũng chẳng nói gì thêm. Một người đã thấy bạn là đểu, người kia đã thấy nó lôi thôi, phiền nhiễu mình.
Hôm sau, đến lúc cuối cùng, Phúc mới đổi ý. Nhớ lần tòa trừng trị xử đã có vô số kẻ rỗi việc, hiếu sự, kéo đến xem để chứng kiến cái tai họa của mình, để sướng về cái khổ của mình, để chửi chính mình là đểu, là đáng kiếp sau lưng mình nữa, Phúc tởm, thấy muốn nôn ọe, không muốn ra tòa nữa, bắt Tấn đi ngay.
— Thôi tôi đã có thầy kiện thay mặt, không cần ra. Vậy thì anh đi nghe xem sao, rồi về bảo tôi.
Tấn ra đi cùng vợ Phúc, cùng cụ phán ông, cụ phán bà, thì Phúc lại gọi lại dặn!
— Xong thì tìm tôi hoặc ở hàng Buồm, hoặc hàng Mã Mây.
Thế rồi, chán đời, nhưng mà lại chán đời theo cái lối hạng có tiền, nghĩa là buồn thì đi tận hưởng những cái gì là của ngon vật lạ ở đời, Phúc đến hiệu Đông Hưng ăn, và uống hơn đồng bạc rượu Mai Quế Lộ, Thần Lưu Linh[59] chẳng quên nhắc cho anh sự ru ngủ dịu dàng của cô tiên Phù dung, cho nên sau đấy, anh khật khưỡng đến một tiệm hút ở phố Mã Mây, một chỗ anh rất thích, vì chủ tiệm và khách hút chưa biết rõ tên họ của anh. Say quá, anh cứ nhắm mắt lại chờ bồi dí dọc tẩu vào tận miệng, hút hàng mấy chục điếu rồi cũng không nhớ nữa. Anh phân vân lo lắng, chỉ sợ tòa thượng thẩm lại y cái án cũ trừng trị thì thật chí nguy.
Xưa kia, lúc còn nghèo, anh tưởng loài người tuy vậy cũng khá. Bây giờ, giàu rồi, anh càng thấy loài người dã man. Thật thế, chẳng một đứa nào ra gì, vì đứa nào cũng chỉ… tiền! Anh thấy những người tử tế, có lòng nhân đức, đều là ngu dại, lại đáng thương hơn cả những kẻ được họ làm phúc cho! “Chết thật! Năm nghìn mất vào bọn nước lụt rồi, bây giờ nhỡ ra lại một vạn nữa đền cái mặt sẹo, thì đến bỏ mẹ! Vậy thì mau mau ta phải kiếm cách gì bù vào, kiếm cách gì nảy ra tiền! Phải kiếm ra tiền nữa! Phải làm giàu nữa! Tưởng đã túc dụng rồi là đã mất trí khôn!”
Phúc đương chập chờn nghĩ ngợi, bỗng thấy nói:
— Quên hôm nay mình không ra tòa xem xử vụ nạn ô tô đường Bờ Sông. Thôi được, để chốc nữa đọc báo vậy.
Phúc thấy bao nhiêu máu trong người đều chạy đổ dồn lên cả hai thái dương. Anh thấy trong ba giọng nói ấy, có một giọng khàn khàn nghe quen quen, của một người nào hình như đã có nói chuyện với anh một lần không nhớ ở đâu. Tuy vậy anh cũng không vạch cái bình phong để dòm sang, muốn được nghe thiên hạ chửi mình kỹ hơn nữa đã. Thì lại thấy nói:
— Mày có biết không? Tao đến xin nó có một trăm bảo hiểm thôi, mà bị ba lần đi vắng! Đến lần thứ tư gặp nó, nó lại bảo để nó “nghĩ ngợi” trong ít lâu! Nó đãi mình như người ăn mày. Thật là Giời quả báo ăn cháo gãy răng… cho nên được mấy tháng thôi là cu cậu đâm mẹ nó vào xe Tây, bảo hiểm chưa có, giấy phép cũng lại chưa có nốt! Tao cho Giời cũng có mắt lắm.
Một người khác xướng họa:
— Thật thế! Chuyến này ông cho chẳng lệch nghiệp thì cũng phải đại tiêu hao! Cho thế mới đáng kiếp những quân làm bộ. Xưa kia, một xu không có, ngày nào cũng đánh cái áo trắng dài hết đi lang thang ngoài đường thì lại ra ngồi các gốc vườn hoa như đồ ma cà bông! Bây giờ, may mà trúng số, chó ngáp phải ruồi, thì nhặng xị cả lên, ngồi trong ô tô, mặt cứ vác mãi lên như có mấy chục cái chân sào đỡ dưới, trông mới lại khả ố chứ! Mẹ kiếp!
Một người thứ ba lục đến lịch sử:
— Con thứ lão Phán Tích… Có con vợ bán sơn ở hàng Gai ấy mà! Bây giờ thằng bố lên mặt cụ cố gớm.
Rồi người ta cười rộ lên với nhau.
Phúc chỉ muốn đứng lên, ra gây sự, tát cho bọn ấy mỗi đứa một cái, chẳng phải bởi cớ anh tin ở sức khỏe của anh, nhưng bởi cớ anh vẫn đủ sức lôi cổ cả cái bọn ấy ra tòa. Nhưng nếu xuất đầu lộ diện ngay thì chẳng còn nghe thêm được nữa, mặc lòng là nghe chửi. Vì lẽ loài người không những thích nói xấu kẻ khác thôi, nhưng cũng thích nghe kẻ khác chửi vụng mình, cho nên Phúc dằn lòng nằm yên. Cái dư luận của thiên hạ, dẫu sao là anh cũng cần biết rõ lắm, vì xưa nay tai anh vẫn chỉ được nghe lời nịnh hót. Nào, thế thì chúng mày nói nữa đi, ông xem! Nhưng chỉ thấy cái giọng lạ của một người tự nãy chưa góp lời, bây giờ mới nói:
— Rõ các anh cũng thối lắm. Hơi đâu rỗi mồm thế? Người ta hay dở thế nào mặc người ta, nào có việc gì đến mình! Hút thì cứ biết hút, hơi đâu bới móc hết người này đến người nọ!
Một người cãi:
— Anh nói gàn lắm! Hút thuốc phiện chỉ có thú ở cái nói xấu thiên hạ thôi, mà chẳng những thiên hạ, nói xấu cả anh em thân. Cứ thằng nào không có mặt ở bàn đèn là bỏ mẹ, cho nên ai cũng phải đến bàn đèn, vì chỉ sợ vắng mặt là bị bạn thân nói xấu. Vả lại, nói xấu đó chẳng cái mục đích của loài người đó sao? Nhất là lại đối với kẻ nào hơn mình, thì nếu không nói xấu sau lưng, còn có cách gì hả lòng ghen tức nữa?
Một lần nữa người ta lại cười rộ. Và, do thế, cái bọn “Thanh đàm”[60] tân thời ấy nói đến người khác, việc khác, để yên cho Phúc.
Đến bây giờ, Phúc mới tiếc họ chỉ chửi mình có thế. Anh thấy tởm cho loài người. Cái bộ mặt thực của bao nhiêu kẻ vẫn tươi cười bắt tay ta, kính cẩn ngả mũ chào ta, chính nó đã hiện nguyên hình ra đó. Chao ôi, thì ra cái nghĩa lý đời người, cái lẽ chính nhờ nó thiên hạ còn tồn tại được, nhờ nó những kẻ chiến bại chẳng đến nỗi phải chết non chết yểu, chỉ là sự ích kỷ, lòng ghen ghét, nó trước mặt ta thì đeo cái mặt nạ bạc để thơn thớt nói cười mà sau lưng ta thì võ nõ ra bàng nói xấu, phỉ báng, vu oan, có thế thôi. Cái sự bất nhân vị kỷ xưa nay vẫn cầm cân nảy mực cho đời, nó lại cần cho sự tiếp tục của loài người như nạn mãi dâm chẳng hạn, vì không có những cái xấu ấy thì xã hội nào cũng không sống được, vậy mà đến nay, Phúc mới nhận thấy rõ. Anh xin thề ngay với mình là từ rày thì chỉ buộc cổ tay, quyết không chịu cứ làm thằng quých của đời để mà tin tưởng mãi cái nhân. Thôi thì bữa nay anh đã giác ngộ, chẳng đến nỗi mở mắt mà như mù, vì được bài học tốt.
Anh đương lim dim cặp mắt, đi mây về khói với một bầu tư tưởng rất yếm thế, thì bỗng thấy có tiếng giầy thình thịch, rồi tiếng Tấn nói quá to:
— Hay lắm, Phúc ơi! Tòa trên giảm xuống có năm nghìn tiền bồi thường thôi, còn về tiền phạt án phí…
Phúc vội ngồi nhổm lên, xua tay… Tấn ngạc nhiên im đi, lặng lẽ ngồi xuống sập. Phúc đưa mắt cho bạn nhìn ra cái sập bên ngoài. Thì hai người đều cùng nhận thấy một cơn khủng hoảng dữ dội của đám người ấy, họ khẽ nói những gì với nhau và ra những hiệu kín cho nhau. Rồi, sau cùng họ mặc áo, đội mũ, lặng lẽ ra khỏi chỗ ấy, nhưng khi vờ như vô tình tháo lui, trong bọn không khỏi có kẻ hơi quay lại để nhìn trộm cái người ngồi trong góc tối mà họ đã nói xấu.
Phúc cười nhạt, nói đuổi theo:
— Những quân khốn nạn. Một tụi hèn nhát!
Đoạn anh mới cắt nghĩa:
— Ấy đấy anh xem! Họ đã nói xấu tôi mãi, vì không biết chính tôi nằm đây. Bây giờ biết thì họ chuồn đi một cách anh hùng như thế.
— Thế à! Vậy nói những gì?
— Ôi chà, những cái gì là khả thủ, khả ái, của mình họ chửi cả.
Tấn tắc lưỡi, an ủi bạn:
— Cái ấy, thế gian thường tình. Giàu là tất nhiên bị ghét.
— Không! Chẳng những thế! Theo như họ nói, thì lúc mình còn nghèo họ cũng ghét! Thế thì biết làm thế nào?
— Giàu hay nghèo cũng đều bị ghét, điều ấy đã cố nhiên. Duy chỉ có cái đáng để ý là mình giàu dầu có bị ghét, mình cũng chỉ bị nói xấu sau lưng thôi. Còn nghèo thì bị khinh ra mặt.
— Gớm nữa! Thế mới biết đời là đểu! Xưa kia, tôi không thể nào hiểu được sao lại có một nhà nho mà dám làm một câu thơ như thế này: Cha mẹ tiên sư cái sự đời! Bây giờ thì tôi đã hiểu câu thơ ấy một cách rất sâu xa.
— Thôi hơi đâu nghĩ đến cái khen chê của thiên hạ. Cứ biết rằng tòa Thượng thẩm hạ xuống có năm nghìn thì hẳn hôm nay tuy vậy mà cũng là một ngày vui của anh.
Phúc đáp ngay:
— Vui cái nỗi gì. Thế khoản tiền nhà thương tòa tuyên án ra sao?
— À, khoản ấy anh phải trả chứ? Vì năm nghìn là tiền đền nguyên có cái sẹo ở mặt.
— Nếu thế thì kể cả án phí, tiền thầy kiện tất cả ít ra cũng tám nghìn! Hơn nữa một tháng nhà thương Đồn Thủy, đắt lắm… Nghĩa là kể cái tiền chữa hai cái xe nữa, thì mất đúng vạn bạc, còn chó gì nữa! Tai họa thật, chán đời thật.
— Hai cụ và đầm của anh cứ phàn nàn mãi. Sao anh không sớm bảo có hơn không?
Phúc gắt một cách rất vô lý:
— Thôi đi, anh đừng nói nữa. Nếu biết thế thì còn nói chó gì!
Giữa hai người bạn, thế là có một lúc im lặng vô cùng khó chịu. Tấn rất ức nhưng không dám nói gì, đã biết mình ở cảnh há miệng mắc quai. Nhất là đã chịu ơn của Phúc, cho nên Tấn càng thấy bị thương nặng ở lòng tự ái, Tấn chỉ còn hối hận, nghĩ biết thế thì thà mình đừng cần đến tiền của Phúc cho xong! Bỗng dưng anh lấy làm mát ruột cho con người đã trụy lạc cả xác lẫn hồn, lúc ấy đương nằm thẳng cẳng bên khay đèn như chết.
Chợt Phúc lại hỏi:
— Thế thầy kiện của tôi cãi ra sao?
Bất đắc dĩ, Tấn phải thuật kỹ:
— Hai bên đều cùng hùng hồn lắm. Luật sư của anh kêu rằng cả hai xe đều cùng đi bên phải cả, hai bên cùng khai là có bóp còi, vậy thì bên nào có bên nào không, tuy sự ấy tòa không xét rõ được, nhưng cứ biết cả hai xe cùng đi đúng luật.
Phúc gật gù khen:
— Được, nghe được, tuy chẳng ăn thua gì.
— Nhưng luật sư bên kia nêu lên rằng những vết bánh xe của xe gây ra tai nạn, tức là xe anh, trên mặt đường, trong biên bản của Sở Cẩm ghi là rõ rệt lắm, đen sì cả mặt đường nhựa, như vậy tỏ rằng trong thành phố mà bên bị đã mở tới ít ra là cái đà một giờ trăm cây số, úi chà, lão buộc tội gắt gao lắm! Lão nói đúng như thế này: “Thưa các ngài, tại sao người ấy, kẻ sát nhân ấy - đó chính là một kẻ sát nhân, chỉ khác một chút là hắn chưa hoàn công hẳn trong sự dự định gớm ghiếc của hắn thôi - tại sao đã tậu xe nửa năm nay rồi, mà hắn chưa chịu đi thi lấy giấy phép? Điều ấy có đủ tỏ rằng cái tài cầm lái của hắn rất xoàng, cho nên mới trì hoãn lại, vì nếu đi thi, ắt phải trượt? Ấy vậy mà hắn dám làm cái trò nguy hiểm cho bao nhiêu tính mệnh của người khác cũng như cả cho mình! Thưa các ngài, tôi xin các ngài để ý đến điều này: Bên bị là một kẻ xưa kia hàn vi mới trúng số độc đắc mười vạn. Ồ tôi đã biết tôi đã biết cái tâm địa người ấy, cái tâm địa rất xấu xa chỉ vì cậy tiền mà ngông nghênh! Tôi xin cam đoan cái ngông của họ giàu mới chính là cái mối hại ghê gớm cho xã hội! Khi họ ngồi trên xe, họ chỉ nghĩ như thế này: “À, bây giờ ta là một nhà triệu phú rồi, thì âu ta thử nếm cái mùi giết người chơi! Để ta thử đè chết một vài người nào, xem cái cảm tưởng của ta nói ra sao”. Đấy các ngài xem! Không thế, sao chưa có bằng mà dám vặn xe đi giữa một nơi đô hội, vào buổi chiều, trên một con đường đủ mặt giai thanh gái lịch, ngựa xe tấp nập, mà họ lại mở tới cái đà một trăm cây số? Nếu cái thứ tâm địa yêu quái ấy, thưa các quan tòa, mà lại chưa đủ là nguy hiểm cho công chúng cũng như nạn lụt, bệnh dịch hạch, vi trùng lao, nếu các ngài không chịu tin thế thì kẻ này đến uất mà cởi bỏ cái áo luật sư ngay ra bây giờ!”
Phúc tuy vậy cũng phải bật cười mà rằng:
— Cũng lại nghe được lắm! A ha! Thì ra tôi lại còn là một kẻ giết người, dẫu là chưa hoàn toàn thành công! Không ngờ cái ông thầy kiện, thì bây giờ tôi cũng chưa biết thế!
Cười xong, nghĩ một lát, Phúc nói:
— Tiền, chỉ có chuyện tiền! Cứ tiền là hết.
Sau cùng Phúc gọi bồi mang thêm thuốc vào, bắt Tấn phải hút để chia buồn cái tai nạn kia.
Những lời nói xấu của những làng bẹp, sự buộc tội của luật sư bên nguyên đơn, đã đủ khiến cho Phúc từ đấy, lĩnh hội được một nhân sinh quan rất rõ rệt. Anh ta đâm ra rất chán đời. Anh không đủ sức để hoài nghi như trước nữa.
Nhất là cuộc nói xấu vừa rồi, vì nó xúc phạm quá, nên đã làm cho anh đau đớn ở tinh thần mà cũng thấy nhoi nhói như là xác thịt quả có chịu thương.
Từ đó trở đi mãi cho đến về sau nữa, cái đau ấy không bao giờ Phúc quên được, nó như một vết thương tuy lành nhưng mà mang sẹo, và gặp dịp thì nó khiến anh thấy lâm dâm tê tái y như một thứ bệnh kinh niên nó phát ra những lúc trái gió hoặc thay đổi thời tiết. Và đó là một nguyên nhân chính của mọi hành vi thiếu lương tâm hoặc thật sự tàn nhẫn của vị chân hiền của chúng ta. Người đời xưa nay không xấu hẳn được bởi kiêng dè dư luận mà thôi, vậy mà Phúc bất cần dư luận.
Ở tiệm ra, sau khi nhạt nhẽo bắt tay bạn. Phúc đi lang thang khắp phố xá như người thất nghiệp chẳng biết cách tiêu thời giờ. Lần đầu trong đời, anh hiểu rõ cái gì là cái khổ. Anh đi, đi mãi, mãi cho đến lúc mỏi chân rồi mới nghĩ đến cái chỗ hay ngồi thuở trước, cái chỗ tại đó đã bao phen anh được nếm cái thú tinh thần, suy nghĩ về sự đời, điều thiện, điều ác, những gương đạo lý, bao nhiêu tư tưởng siêu phàm thoát tục chỗ ấy là vườn hoa Paul Bert.
Anh muốn được sống lại quãng đời lý thú bằng kỷ niệm và ký ức.
Nhưng, chán ngán biết bao! Khi mới ngồi xuống cái ghế xi măng, chưa kịp được nhìn chung quanh cây cỏ họa chăng đã có thay đổi gì, thì tầm mắt anh đã vấp phải hình thù ủ rũ của người đã ban cho anh cái thú vô song làm được một việc thiện số một trong đời, ấy là bác phu lục lộ. Phúc không hiểu vì lẽ gì mà người ấy hai tay ôm bụng ngồi xổm như thế, như đau đớn lắm, có lẽ đang kêu rên cũng nên. Tò mò anh chạy lại chưa kịp vỗ vai hỏi thì thấy người ấy cầm ngay lấy cán chổi, để rồi khi nhìn lên xong, lại vứt chổi đấy, hổn hển thở và lắp bắp:
— Bẩm lạy cậu… cậu… con, ân nhân của con… thương con.
Phúc đứng yên, vẫn im, chẳng hiểu đầu đuôi ra sao.
Người phu lục lộ nhăn mặt một cái ghê gớm đến nỗi nhe hai hàm răng cải mả ra như dọa nạt chi đó, cố gượng đứng lên, hai bàn chân run mãi, rồi mới gãy gọn.
— Bẩm may quá, cậu ơi, xin cậu cứu con!
— Làm sao?
Quát xong, Phúc tự nhủ: “Đây này, dám chắc lại xin tiền bây giờ đây này!”
Quả nhiên thế thật, bởi dẫu cùng có vẻ sợ hãi vì bị quát, người phu cũng cứ liều mạng tiếp:
— Cậu không cho con ba đồng bạc thì con chết!
Bực mình Phúc lặng thinh quay về với cái ghế dài của vườn hoa. Anh cũng nực cười cho con người ấy, làm như có quyền nã tiền anh, và anh có bổn phận nạp thuế cho, mà lần này thì bằng “chè đen” chứ không bằng bao diêm thuốc nữa, như xưa… Anh tự đánh cuộc với mình: “Mày mà đủ can đảm ra đây kè nhè nữa, thì tao sẽ cho mày tiền” Thì quả nhiên, anh chàng kia lại đến chỗ ghế thật!
— Bẩm lạy cậu, cậu có cho hay không thì thôi nhưng con cứ xin cậu vui lòng nghe câu chuyện con kể đây. Bẩm nguyên do đầu đuôi nó như thế này…
Thì ra buổi chiều hôm ấy, khi đem về nhà mười đồng bạc nó là một cái đại sự trong ngót một đời lầm than, bác phu đưa cho vợ chín đồng để trang trải rất nhiều công nợ và còn thừa thì may quần áo cho mình và cho con. Còn một đồng bác ta dắt lưng vào một hiệu cháo lòng chén một đĩa tiết canh để thỏa mãn cái thèm thuồng trong một kiếp. Rượu say bí tỉ, bác ta định đi xem hát tuồng, thành tâm cốt để xem đức Quan Ngài quả thật có mặt đỏ râu dài đúng như ở cái ảnh chè[61] mà bác ta thờ bằng cách dán vào trong nắp cái hòm gỗ mọt của bác ta hay không!
Qua trước ngõ Sâm Công, bác ta được một bà quần áo rất tân thời, nước hoa thơm lừng, chạy đến nắm lấy cổ tay, làm cho bác ta tưởng mình lọt vào Thiên Thai, và cho rằng một trang tố nữ như thế, quyết không thể nào mà lại là nhà thổ được. Nhìn kỹ đàn bà, bác phu thấy rõ ràng: này là một thương, hai thương, ba thương, này là tóc bỏ đuôi gà, đôi mắt bồ câu, hai má lúm đồng tiền, chẳng thiếu vẻ gì trong những câu ca dao… Nhớ rõ còn năm hào bác gật.
Tuần lễ sau, cố nhiên người có số đào hoa ấy, mắc phải cái bệnh đáng chữa kín.
— Bẩm cậu, con đã phải đi vay mấy đồng để uống thuốc, tưởng đã khỏi, không ngờ bây giờ bệnh đã tái phát nặng hơn xưa. Bẩm cậu thương con phần nào con xin nhờ phần ấy.
Phúc lộn ruột lắm, mắng luôn cho một trận:
— Ai bảo? Ừ, ai bảo? Tôi cho anh tiền để anh làm gì có ích, để anh đong gạo, chứ để cho anh đi nhà thổ đấy à? Đáng kiếp lắm, còn kêu ca nỗi gì? Ừ… ừ, no cơm ấm cật rậm rật mọi nơi mà lại!
Phúc không biết rằng lời mắng ấy giá dụ để anh nghe thì còn đáng hơn người phu. Người này cãi kể cũng có lý lắm:
— Bẩm lạy cậu, cậu mắng thế chứ chửi con, con cũng phải chịu. Nhưng cậu xét cho có ai khôn cả đời bao giờ! Vợ con nó gầy như con mèo ốm đói, nó khô khằn như que củi, váy nó lại sù sì như tờ giấy giáp số bốn thì nó còn làm cho con phải bả bao giờ đâu! Đằng này con mụ kia trông như một bà phán, thật rõ ràng là đàn bà hàng phố, lại quyến rũ con, nhằm lúc con say rượu. Lúc ấy nóng mắt, con nghĩ: ừ, thì cứ liều một cái, rồi có lên máy chém cũng đành lòng! Nào ngờ đâu bây giờ chết chẳng chết cho, cứ khặc khừ thế này mới nhục chứ!
Phúc nhìn kỹ thì thấy đó quả thật là một phế nhân trăm phần trăm. Hai con mắt đục có nhiều tia đỏ hai má như hai cái lỗ đáo, răng lợi thì vàng ệch, tái nhợt, tinh thần thì bạc nhược vì những cơn sốt gầy gẩy buổi chiều. Hai tay như hai ống nứa, hai chân run bần bật, đứng không vững mặc lòng cả thân thể chỉ còn thấy da bọc xương. Dần dần Phúc cũng nguôi giận để chịu nhận rằng mình đã có một phần chịu trách nhiệm rất lớn trong sự suy vong của con người ấy. Anh thở dài, lấy ví ra, vứt mấy tờ giấy bạc xuống đất mà gắt:
— Thôi đây, đi đi kẻo bẩn mắt người ta! Rõ thật làm ơn nên oán, làm phúc nên tội. Mẹ kiếp từ rày thì ông buộc chỉ cổ tay với cái hạng chúng mày!
Đưa tiền xong mới lại càng thấy tiếc tiền, anh hầm hầm ra gọi xe bảo kéo thẳng. Thật là bất ngờ! Cả ngày chỉ gặp toàn những sự chẳng ra gì mà thôi. Anh đã khổ sở như những nhà giàu khác, khi làm được xong một việc nhân đức.
Hôm sau, vì lẽ có bữa tiệc thết mấy ông luật sư và đốc tờ quen thuộc từ khi có hoạch tài. Phúc được đỡ chán đời vì những khách ăn nhiều người đã vừa nịnh hót anh, lại vừa hứa với anh những cuộc bỏ thầu có lợi, vài việc chạy chọt đáng gọi là đại sự. Giao thiệp với hạng này, anh bắt đầu tập cái nghề bán tước buôn danh làm một tay thầy cò thượng lưu. Và anh thấy rằng nếu phải doanh thương, thì chẳng gì nhàn hạ và lắm lãi bằng cái thú buôn bán đó. Nhất là, những việc ám muội ấy nếu anh không làm gì vợ anh cũng làm âu là thà anh đảm đương cho khôn khéo và kín đáo hơn. Phúc lại viện đến cái triết lý cuối cùng của một bọn tài hóa vô lương tâm, làm hại trinh tiết của gái lương gia chỉ vì cái mục đích để được nói: “Chúng không hư với mình thì cũng hư với vô số thằng khác”.
Lại một cớ nữa khiến Phúc hài lòng, là bố mẹ anh rất lấy làm vinh hiển. Cô Đức đã được một ông đốc tờ trẻ, con một cụ Tổng đốc trí sĩ đem trầu cau đến dạm, mà Phúc chưa thèm nhận. Còn về ông phán cả thì cái địa vị của ông thật là không còn có một tí ti gì. Hai cụ đều hễ giáp mặt ông là chửi ông như chửi chó. Có gì là lạ, nếu cụ phán Tích ngày nay, những khi huyễn hoặc thiên hạ, đã dám nói rằng: “Ôi chà, cái lão… nó chơi thân với thằng Phúc nhà tôi như anh em ruột, tôi bảo gì lão chả được” hoặc là: “ai bảo con tôi lấy vợ cô đầu nào? Nó chỉ toàn bắt nhân ngãi với đầm thôi… từ độ vào làng tây, tên nó là Phitippe Nguyễn Văn Phúc”. Thật anh đã sướng như vua. Mỗi lời nói nào của Phúc, đối với hai cụ cũng có giá trị của những lời “Thánh dạy” cho đến cả những sự bậy bạ của anh mà cũng được coi như những sự thất nghiệp anh hùng! Phúc càng được thế, khi đời vì thế! Đến nỗi nhớ lại những tư tưởng cũ, làm cho Phúc phải ngạc nhiên. Anh đã tiến hóa đến bậc có thể tự kỷ phê bình như một người nào khác: “Cái thằng mình ngày xưa nó gàn”.
Hai hôm sau, cô ruột Tấn, người đàn bà bán nhà lại đến. Thật là chẳng may cho bà ta. Vì rằng Phúc đương ở cái thời kỳ cái cáu về vạn bạc sẽ mất, nó khiến anh ta thẫn thờ cả người, hay gắt vợ và đầy tớ, và những hy vọng ở bữa tiệc… mới rồi cũng chỉ mới là như một thứ thuốc đủ làm thuyên bệnh chứ chưa trừ hẳn được bệnh, cho nên trông thấy mặt một người đến phiền mình, Phúc hết so vai lại thở dài.
Tức khắc anh hỏi ngay:
— Thế à? Bà đã bằng lòng hay chưa?
Người đàn bà đi với đứa con độ chừng bảy tuổi, chẳng hiểu có phải cốt để làm người ta động lòng hay chăng? Hai mẹ con đương đứng ở chỗ cửa vào, đương chờ được mời vào hẳn. Bị hỏi ngay, như thế người mẹ tưng hửng, không còn biết nên tiến thoái ra sao. Phúc cũng không nghĩ đến lịch sự là cái gì nữa, lại hất hàm hỏi:
— Bà đã bằng lòng rồi, bà mới đến đây chứ?
— Dạ… bẩm… vâng.
Phúc thở dài một cái hả hê, rồi mới nói:
— Mời bà vào trong này!
Người đàn bà khép nép và rón rén đi vào, sợ sệt ngồi lên một chiếc ghế Tàu, cho đứa con đứng tì ngực vào hai gối. Một lúc khá lâu rồi mới dám nói:
— Bẩm ông, giá ông thương hai thằng cháu bé đây mà ông trả thêm cho ít nhiều nữa thì phải… Bẩm, bốn nghìn cái nhà như thế, thật là rẻ quá?
Phúc cau mày gắt luôn:
— Ô hay! Thế ra bà vẫn chưa bằng lòng? Khổ quá, thì nào tôi có muốn tậu nhà đâu! Đây này bà ép lòng mà bán thì tôi không muốn tí nào cả, vì như vậy, tôi sẽ mang tiếng bắt chẹt bà, giữa lúc nhà bà có tai nạn. Vậy thì thôi, bà tìm người khác cho được cao giá hơn.
— Thôi thì trăm sự nhờ ông, ông giúp cháu. Dẫu ông trả thế thôi, tôi cũng phải bán, nhưng ông rủ lòng thương thằng bé này cho nó thêm chút nữa, gọi là cháu nó được cái vốn để ăn học.
Phúc chán quá đi mất. Thật thế, có nhà tư bản nào khi nghe ai cầu mình làm ơn cho mà lại vui vẻ đâu?
— Nếu bác cứ lôi thôi thế thì khó nói chuyện lắm.
Nói xong, Phúc ung dung bỏ đấy đi vào. Không kể rằng người ta cũng có thể đau xót lắm khi chịu mất cho mình bạc nghìn, Phúc chỉ biết ghét cái hạng người cố đấm ăn xôi mà thôi. Giá vào hạng tư bản khác, trông thấy đứa bé kia, hẳn cũng động lòng thương mà thêm cho ít nhiều rồi đó. Nhưng Phúc vốn thông minh. Anh hiểu ngay đó là một kế để kích thích, một sự xếp đặt chẳng gian ngoan chút nào. Thành thử chẳng những không điềm nhiên mà thôi, anh còn ghét bỏ thêm nữa.
— Bẩm ông thì ông hãy cho tôi được nói vài lời đã nào.
Thấy cái giọng kêu nài ấy có giấu vẻ phẫn uất, Phúc sợ hãi quay ra, sợ mình già néo đứt giây, nhỡ người ta không bán nữa thì sẽ mất một dịp lợi được nghìn bạc. Anh dịu giọng mà rằng:
— Thưa bà, tôi không dìm giá của bà đâu. Tôi biết lắm rồi, còn bà thì bà chưa biết điều…
Thấy con người cương quyết ấy, đã có vẻ chuyển động, người đàn bà được khuyến khích, bèn kể lể:
— Bẩm ông nhà cháu dại dột, đánh bạc mất cái đã hơn ba nghìn rồi. Như vậy là bán cái nhà đi cũng chẳng còn lại được đồng nào mà tiêu…! Vì còn thừa ít nhiều lại phải lo chạy thầy kiện mới mong khỏi tù tội… Ấy là may có nhà quen ông, mách ông, thì cũng tưởng ông thêm cho ít nhiều nữa thôi… Nếu không thì thành ra mất toi cái nhà mà chẳng được xơ múi gì.
Lúc ấy, Phúc nhớ ngay đến khi mình nghèo thì đời chẳng ai tử tế với mình cả. Anh lại nhớ đến cuộc nói xấu của thói đời ở tiệm hút, bữa vừa qua. Sự tức bực lại làm cho anh nóng bừng cả mặt, như là đương nghe họ chửi vụng mình vậy. Thêm nữa, ít lâu anh đã chủ trương cái thuyết sắt đá “không chơi với cảm tình”. Thật thế, muốn làm giàu thì đừng nể ai cả, hoặc muốn cả nể thì đừng làm giàu nữa, ấy chỉ có thế thôi! Dẫu sao, ở đời này chẳng đứa nào vượt khỏi cái công lệ này: Vi nhân bất phú[62]. Vậy mà nào phải anh đã thừa tiền, đã được ở cảnh không bao giờ sợ sa sút nữa! Anh đã là “nhất” đâu? Vẫn chán kẻ được bắt nạn anh đấy thôi, anh vừa phải đền bạc vạn cho một cái sẹo! Ối chao ôi! Đời thì nào có đứa nào tử tế gì với mình, và mình cần nhân đức gì với đứa nào! Cứ ngẫm cái sự ông giời đối với mọi người và cái sự loài người cư xử với nhau, mà đủ chán ngắt! Chỉ tiền thế thôi.
Phúc đứng nhìn kỹ mặt người đàn bà ấy, như một thầy tướng. Anh thấy đó là một cái mặt “sát đến tận xương” của thứ người bụng dạ khô khan, và đôi mắt nhiều lòng trắng hơn lòng đen của thứ người bạc ác, một cái mồm mỏng môi và quá rộng của hạng đàn bà bất trị, lắm điều. Anh nghĩ rằng đây, mụ này, bần cùng khổ sở lắm mới chịu khuất phục nhục nhã thế này đây. Hẳn vào lúc thịnh thời, hạng người này cũng đã lành nghề trong sự gươm trăm giáo mớ, cũng đã biết cái gì là cái đáo để tàn nhẫn, là cái bóc lột… Thử bà không hoạn nạn xem! Thử đi ngửa tay xin bà xem! Thử bà chẳng thất cơ xem! Thử làm tôi tớ bà xem! Thế là nghiễm nhiên Phúc thấy đủ lẽ chính đáng để trả lời rất độc ác:
— Bà cứ nói chuyện có người nhà giới thiệu mà làm gì? Ấy vì thế tôi mới nể, tôi mới mua nhà của bà, chứ không vì anh Tấn nói giúp, thì tôi không mua, dẫu cái nhà của bà bán có một xu! Bà phàn nàn mất toi nhà? Thế ai bảo bà đi lấy hạng chồng cờ bạc, thụt két như thế?
Tủi nhục quá thế, người đàn bà không cầm được nước mắt nữa, trước còn khóc sụt sịt, mà sau dần dần cứ nức nở mãi, khiến đứa con cũng phải phụng phịu khóc theo, và lôi tay mẹ nó để gọi: Mẹ ơi, mẹ! Mẹ sao thế! Mẹ ơi, mẹ!
Không muốn phải hối hận, lại lý luận ngay rằng giảng luân lý như thế đấy, lắm khi cũng là cần cho sự đời, cho dẫu chỉ bị đời oán hận mình. Phúc khoan khoái cho rằng mình đã hy sinh. Phải, bỗng không, ai hoài đi mua thù chuốc oán! Rồi anh lại gắt:
— Thôi đi, tôi xin bà! Tôi đây tôi đã sống nhiều trong những cảnh người cười kẻ khóc lắm, tôi đã hiểu cái gì là sự đời rồi, bà đừng tưởng đem cái hạt lệ nhi nữ ấy cũng đủ lung lạc tôi đâu. Bà không khóc cũng có bốn nghìn bạc, mà bà khóc cũng chỉ có thế! Bà bằng lòng thì sáng mai đem văn tự, địa đồ lại đây! Rồi tôi đưa đến luật sư, ký kết, lĩnh tiền! Nếu sáng mai không đến thì tôi coi chuyện ấy như bỏ đi đấy!
Người đàn bà đứng lên, dắt con đi ra, một tay vẫn lau nước mắt chào nhạt nhẽo:
— Thôi, chào ông.
Đến bây giờ Phúc mới thấy hối hận rằng mình đã trót phũ mồm quá. Sợ hỏng việc, không muốn phải phân vân cả đêm hôm nay, Phúc tiễn mẹ con người ấy ra tận cổng tử tế lắm, rồi gặng hỏi một lần cuối cùng.
— Thế nào? Mai bà có lại buổi sáng không? Tôi hỏi thế là để tối nay tôi có đi đâu, sáng mai tôi cũng phải về. Nếu bà nói ngay là không bán nữa, thì sáng mai tôi khỏi phải quay về nhà đợi bà nữa.
— Vâng, bẩm để tám giờ mai tôi xin đến ạ.
Phúc thở dài nhẹ cả người. Như đa số người thừa tiền thích khao mọi cuộc thắng trận, anh gọi tài xế đánh xe.
Đêm ấy anh đến tiệm nhẩy để rồi đi với một cô gái khách, hú hí với nhau ở một tổ quỷ.
Nói về phần Tấn, thì sau khi được bà cô về thuật lại thái độ cực kỳ tàn nhẫn của Phúc, anh đã đau đớn như là bất cứ ai bị bạn chí thân xử tệ với mình cũng phải đau đớn. Anh bắt đầu thấy bị thương nặng ở lòng tự ái, bắt đầu oán giận Phúc một cách hoàn toàn, nghĩa là chẳng còn giữ được lời cam đoan cao hứng với Phúc dạo nào rằng cái tình đã thâm, cái nghĩa đã nặng như thế thì dẫu sau này giữa hai người có chuyện xích mích gì xảy ra đi nữa. Tấn cũng chẳng được phép oán hận Phúc để phải mắc tiếng là vô ơn. Nhờ Phúc, Tấn lấy được vợ, có tiền ra buôn bán, sự tử tế ấy, nay Tấn phải dằn lòng ngơ đi, để có thể được đắc lực chỉ biết nhớ rằng khi Phúc còn nghèo, thì Tấn đã tử tế rất mực, và vì mình, Phúc mới được dịp trúng số hàng mười vạn. Cái này đã xóa sạch những cái kia. Vì lẽ ấy, Tấn chẳng chịu ơn mà cứ dám nói mới là can đảm. Tấn quả quyết nói một phen cho hả, nói một lần cuối cùng, rồi thì dẫu có tuyệt giao thì tuyệt giao! Nếu tuyệt giao nhau, thì ấy là càng hay. Tấn sẽ được dịp quên ơn, vỡ nợ! Tấn cần cầu cứu ở câu phương ngôn: Con giun xéo lắm cũng quằn… Và không thể nào trị được Phúc nữa.
Thêm vào những sự ấy, lại còn việc này khiến cho Tấn có một cớ rất chính đáng để thấy con người ấy bây giờ đã nghiễm nhiên trở nên một nhà giàu xấu, hoàn toàn đáng khinh. Hựu, cái anh thư ký quèn vô tư tưởng, vô kiến thức ở hãng bảo hiểm nhân thọ, dạo này hay đến cái nhà riêng mà Phúc cho vợ chồng Tấn và Bích cùng ở. Tấn đã nhã nhặn tiếp đãi Hựu, dẫu là Phúc có đấy hoặc không.
Một vài lần đầu thì còn vui. Nhưng Hựu cứ quen mùi đến mãi! Cả ngày đã nhọc mệt về buôn bán. Tấn không sao chịu được cái khổ hình cứ đêm nào cũng phải tiếp bạn bằng cách cùng hút thuốc phiện với ông bạn quý, và hãm bằng nói phét. Mà nào chỉ có thế thôi. Một vài lần, Tấn thấy Hựu có vẻ bất chính cứ tán sát sàn sạt mãi Bích, chẳng còn coi thiên hạ ra cái gì. Đến lần thứ hai, Tấn cự Hựu một trận kịch liệt bằng những lời lẽ quá chửi, vì không thể nào tha thứ cho một hạng quái vật có tà tâm quyến rũ vợ bạn, dẫu là vợ lẽ chưa có cưới cheo. Thì Hựu nhăn răng ra ngạo mạn đáp lại là mình có cái trọng trách, cái sứ mệnh, cái thiên chức phải làm cái việc bỉ ổi ấy, vì Phúc đã treo giải thưởng cho việc ấy. Tấn gần ngã ngửa ra! Anh thật không ngờ Phúc lại suy đốn đến thế.
Bây giờ Tấn mới hiểu rõ tại sao đã lâu Phúc không đến với Bích nữa, mà Hựu cứ lai vãng rất chăm chỉ, và buồn tình, cô ả đào cũng gần sa ngã, tưởng như mình vẫn còn ở cái nghề được có nhiều nhân tình công nhiên. Thật vậy, người bạn hiền của Tấn ngày nay đã đốn đủ đường, không còn một phương tiện nào khả thủ nữa. Chơi mãi với cái quân tráo trở ấy, thử hỏi vinh hiển nỗi gì?
Bởi lẽ ấy, vào một buổi chiều thứ bẩy, Tấn đến tìm Phúc. Anh cũng ngạc nhiên, khi thấy bạn lại không vắng nhà. Vợ Phúc cứ ngồi kèm chồng. Tấn không tiện nói chuyện, rủ bạn đi chơi. Thì bạn anh ừ ngay, và hai người đi ra con đường Cổ Ngư[63].
Mãi không biết nhập đề thế nào.
Chiều hôm ấy, vì tiết trời nóng nực, đường Cổ Ngư bày ra cái cảnh náo nhiệt đầy thi vị của giai thanh gái lịch. Rất nhiều xe hơi đỗ vệ đường như trước nhà Thờ Đạo, vào một ngày có đám cưới to. Bọn người lên đây hóng mát có những y phục đủ các kiểu, đủ các màu ngoạn mục, nó tỏ rằng xã hội này rất nhiều tiến bộ về mặt ăn chơi. Người nhớn thì ngồi chuyện trò bên gốc cây, trẻ con thì nô đùa tung tăng trên thảm cỏ. Ở hồ Trúc Bạch, chỗ này, chỗ kia, những chiếc thuyền nhỏ vẫy vùng khuấy nước, vượt sóng, bên trên có những thanh niên tráng kiện có những cánh tay trùng trục như những khúc thừng tàu biển, hoặc những thiếu nữ với những bộ đùi tuyệt mỹ, nó bắt công chúng phải cứ nhìn. Bên kia trên mặt Hồ Tây, thì năm chục chiếc thuyền buồm trắng nõn đi lại trên mặt nước như bay, của cái xã hội người Âu họ biệt lập riêng một giang sơn để tỏ cái oai quyền chinh phụ và đem cho Hà Thành một cảnh tượng ngoạn mục, tưng bừng tương tự với Deauville[64]. Thật là cảnh vui người có buồn đâu bao giờ! Thêm vào đấy thỉnh thoảng lại có dăm ba thiếu nữ mới giải phóng, người đồng bào chúng ta, mặc những cái quần đùi có mục đích, và phần nửa người ở dưới các cô tuy có khi đã khẳng khiu chân cò, tuy có khi đầy đặn như hình chỉnh, mà cũng được nam nhi ngồi ở vệ đường phải quay đầu lại để ý, để hoan nghênh.
Làm cho Phúc phải khẽ nói:
— Mình cứ mải đi tìm “chân lý” ở những đâu đâu, đến nỗi chẳng biết rằng cách nhà mình có mấy bước đường, cũng có một cảnh Bồng Lai với tất cả những sự khiêu khích của các nàng tiên nữ.
Tấn họa theo bằng cách dằn lòng hát một câu:
— Ca hát đi cho đời ta vui - La vie est belle![65]
Không hiểu sao thấy Phúc khẽ thở dài, Tấn mừng rỡ tóm ngay lấy dịp tốt để hỏi:
— Ô hay, đời đẹp đến thế, anh sung sướng thế, sao tự dưng anh lại thở dài là nghĩa lý gì?
Phúc so vai, cố làm ra bộ thâm trầm khó hiểu:
— Anh hiểu sao nổi cái bí mật của lòng người!
Đi lững thững mãi cũng chẳng thấy gì lạ, hai người nhận thấy một phiến đá nhẵn nhiu cạnh một gốc cây, liền bảo nhau ngồi xuống, thấy đó cũng là một cái hạnh phúc nhỏ. Tấn lại gợi chuyện:
— Anh vừa nói cái gì, tôi không hiểu.
Phúc so vai đáp:
— Như Antole France[66] đã nói rất đúng, thì hạnh phúc là cái gì đó mà người đời chúng ta không hiểu được.
Tấn ra vẻ ngạc nhiên mà rằng:
— Ủa! Tôi tưởng từ khi trúng số đến nay, ít ra anh cũng đã được biết rõ mùi vị của cái sướng, cả vật chất lẫn tinh thần, nó ngọt hay bùi như thế nào. Chứ nếu không thì ra trúng số độc đắc là vô ích hay sao?
— Cũng chả thấy gì khác trước!
— Lạ nhỉ! Tưởng rằng hoạch phát như thế, dẫu xã hội chưa được nhờ, thì ít ra mình, chính mình, mình cũng phải được nhờ vào đấy chứ? Nếu vậy thì biết bao giờ anh mới làm những việc từ thiện, vĩ đại, theo như khi dự định lúc mới chỉ có hy vọng trúng số.
Phúc lườm Tấn, nói bằng một thứ giọng đột nhiên hóa ra chua lanh lảnh:
— Ôi chà! Anh cứ khôi hài mãi làm quái gì thế?
— Ô hay! Thế thì ra xưa kia, khi tôi tin ở anh, trông cậy anh nhiều cao thượng hơn đời, thì tôi là một đứa ngu dại đó chăng?
Phúc lại lườm Tấn cái nữa một cách rất chính đáng.
— Cái đó có thể lắm!
Tấn ngồi trầm ngâm một lúc lâu. Mãi anh mới dám quyết giàn trải thế trận của ngôn ngữ:
— Này anh Phúc ơi, anh là một người chí thân của tôi, một vị ân nhân của tôi. Nhờ anh, vợ chồng tôi mới lấy được nhau, mới có buôn bán. Vậy thì tôi cần thành thực với anh…
Được hởi lòng hởi dạ, Phúc không nghĩ kỹ, hấp tấp đỡ lời:
— Chỗ chúng ta với nhau, anh cứ nói thế làm gì! Nếu anh nói thế, thì tôi bị bó buộc nói lại rằng cái tình của chúng ta nặng hơn anh em ruột, vì khi tôi nghèo anh đã tử tế lắm, mà đến cái giàu ngày nay tôi được hưởng cũng là nhờ anh, anh có cho vay tiền thì tôi có mua vé, và mới phất canh bạc to đến thế.
Tấn tóm ngay lấy cái cao hứng hớ hênh ấy để hỏi:
— Vậy anh có cho phép tôi được thành thực không?
Phúc sốt sắng đáp luôn:
— Ô! Điều ấy là cần lắm chứ! Nếu không sẽ có nhiều sự hiểu lầm nhau nguy hiểm cho tình bằng hữu của ta!
Tấn cũng sốt sắng nói:
— Đây này, ít lâu nay tôi rất lấy làm buồn vì anh. Thật thế, anh thay đổi dữ quá! Xưa kia, anh là một người đạo đức, giàu tình cảm, rất ít tật xấu, rất nhiều nết tốt, có thể gọi là một vị chân hiền, ấy là ta không nói đùa. Khi anh bắt đầu trúng số, tôi rất hy vọng vào anh, mà chẳng phải vì lợi riêng của tôi. Tôi đã bảo thế này: “Hay lắm, rồi mà xem. Người ấy, mà ta rất hân hạnh được làm bạn lúc còn nghèo, mà đã giàu lòng nhân đạo thế thì quyết là sau này sẽ làm nổi những gì cho nhiều người trong thiên hạ được nhờ!” Bây giờ, càng ngày cũng chỉ như nhiều người giàu khác mà thôi. Làm việc tốt thì rất ít, làm việc xấu thì đã khá nhiều, đến nỗi không còn một tí gì là đủ tỏ cái căn bản đạo đức thuở trước nữa! Thế có chết không! Anh Phúc ơi, tôi xin cảnh cáo anh, vì tôi rất sợ rằng mỗi ngày một tí, cứ dần dần như thế, thì lương tâm vốn tốt của anh sẽ hoàn toàn hoen rỉ mà thôi! Anh chớ vội giận, cứ để tôi nói, vì anh đã cho phép tôi được thành thực. Anh Phúc ạ, nếu anh hiểu được tấm lòng tôi kính mến anh và hy vọng ở anh những điều cao thượng hơn đời xưa kia nó sốt sắng đến thế nào, thì anh mới thấu rõ cái buồn lòng của tôi ngày nay! Tôi khổ như thấy chính tôi suy đốn vậy tuy rằng nếu chính tôi đốn thì tôi không sao biết được. Nhân tiện, tôi xin nhắc lại câu danh ngôn xưa kia anh hay nói đến, mà anh đã chép vào cuốn sổ tay: “Người sướng quá cũng tỉ như đứa kẻ cắp nhà nghề, sớm chày rồi cũng có phen bị tóm cổ!” Thế anh nhớ chưa?
— Thế anh trách tôi những gì nào?
— Anh cứ nhớ ra xem. Xưa kia anh có thế này đâu? Bây giờ… bây giờ anh giai gái, hút xách, anh sắp nghiện rồi đó. Mà anh tàn nhẫn, kiêu ngạo, không có thủy chung! Anh lại nỡ xui thằng Hựu chim Bích để hy vọng có cớ bỏ rơi cái người khốn khổ, thật anh đã tệ bạc, nham hiểm quá lắm. Nhất là về cách làm giàu! Anh chủ trương kiện tụng để có cơ hội bắt thường khách ấy bán tống bán tháo cái sản nghiệp cho anh! Chết chửa…
— Thôi đi, anh quá lắm. Một thằng sét ty mà anh dám bênh…
— Tôi sợ bắt đầu là anh trị tội một con mọt đáng trị tội. Nhưng rồi anh quen mùi thì có phen anh sẽ làm hại đến cả người lương thiện. Ấy lương tâm con người ta cứ như thế rồi dần dần hóa xấu mãi đi, nên tôi lo xa, và phải cảnh cáo chớ chưa kết án, vì đến lúc phải kết án thì anh là hoàn toàn bỏ đi rồi, thì còn nói chuyện gì nữa!
Phúc cười nhạt rất đại lượng gật gù mà rằng:
— Ừ, thôi cũng được, thì đó những tội tầy đình của tôi! Nhưng mà, ngoài ra, dễ tôi không làm nổi việc gì tốt đó sao? Anh quên rằng tôi đã cúng vào quỹ Hội Tế Sinh nghìn bạc? Anh quên rằng tôi đã giúp những người nghèo họ nhà tôi cũng gần bạc nghìn? Anh quên rằng vì tôi bỏ tiền ra cho nên hàng mấy nghìn người thuộc những gia đình thợ dệt chiếu mới khỏi thất nghiệp, và do đó, cho đến nay mấy nghìn mạng người ấy vẫn no ấm? Anh quên rằng tôi cho dân lụt năm nghìn? Những cái ấy thì ra anh chẳng kể vào đâu?
Tấn nhăn nhó, bất đắc dĩ phải nói:
— Đây này, tôi, tôi dám tự phụ là hiểu anh hơn ai. Anh cho Hội Tế Sinh những một nghìn, trước là để quảng cáo, sau là để bịt miệng các nhà báo khi anh từ chối các việc thiện khác, các công cuộc xã hội khác. Cho hẳn những người trong họ hàng bạc nghìn là vì ích kỷ, vì cái mục đích rào đường những sự vay mượn quấy rầy về sau…
Anh hùn vốn vào xưởng dệt chiếu chỉ vì cơ ngơi ấy khá được, nhân công rẻ hơn bèo… Mà tại sao tôi lại hiểu kỹ như thế? Là vì chính anh đã nói thế, đã hả hê khoe cả với tôi, mỗi khi anh thành công! Nhưng thôi, thì cứ cho những việc ấy là đáng khen cả, cho dầu anh đã làm ấy là vì thấy lợi. Cũng được! Nhưng mà… thử hỏi! Xưa kia anh chỉ dự định có thế thôi ư? Cái chương trình việc thiện, lúc anh còn nghèo, anh đã nói rõ với tôi. Vậy mà anh chỉ đã làm những việc mà kẻ tiền nào cũng đã làm, đương làm! Đâu tôi chỉ hy vọng ở anh những việc tầm thường như thế ấy? Phải vĩ đại chứ?
Phúc lắc đầu cười nhạt:
— Thế mới biết anh ngây thơ làm sao! Đi tin tôi là bậc chân hiền! Hy vọng tôi trở nên vĩ nhân! Ha ha! Ha ha!… Đây này! Kẻ nào phàm đã trúng số độc đắc như tôi, thì chẳng thể nào trở nên xuất chúng phi thường gì được! Anh xem danh nhân thế giới có ai vì trúng số mà trở nên danh nhân không? Sao anh ngốc thế?
— Anh lại nói thế nữa thì tôi thất vọng vô cùng!
— Ừ, thế anh muốn tôi thế nào bây giờ nào?
— Cái gì? À, tôi chỉ muốn thế này: Anh bỏ cái chí làm giàu đi thế thôi. Nên cho thế là đủ rồi. Và phải nghĩ đến người khác, vì nếu mải nghĩ đến két bạc của mình, rồi thế nào cũng hóa xấu. Ừ, như anh, giàu nữa thì làm gì? Há anh lại chẳng hiểu cái hại của câu “nhân dục vô nhai” hơn ai? Muốn sướng anh nên diệt dục và anh đã ở địa vị được thế rồi đó!
Phúc thân mật vỗ vai bạn mà rằng:
— Đã nói thì nói một thể. Anh Tấn ơi! Anh có bao giờ thấy rằng anh cứ phải ghen ghét tôi, hoặc bực mình và phải yêu cầu tôi một việc gì hay không? Ấy là vì tôi giàu hơn anh, và muốn thỏa lòng tự ái, anh chỉ còn cách phải giàu như thế. Tôi cũng vậy, tôi chỉ bực tức, muốn cướp lấy cái thế lực của những kẻ nhiều tiền hơn tôi. Thế là khổ thân, nhưng mình cứ phải thế, cái luật đời nó buộc ta như vậy. Đã sống, có ai chịu nhìn xuống bao giờ? Anh tưởng tôi thế này là trung tâm điểm của vũ trụ, cả thế giới phải quay mặt lại ngưỡng vọng mình rồi đó sao? Nhầm! Càng giàu lại càng khổ vì cứ trông thấy những kẻ khác giàu hơn! Đấy, tôi cũng đã tưởng như anh, nào ngờ một hôm xảy ra cái nạn xe hơi mới biết là mình chưa có gì, vì phải đền người quyền thế hơn mình vạn bạc vào một cái sẹo! Anh Tấn ơi! Tư tưởng của anh chẳng phải tôi không phục, nhưng phục rồi thì lại để trả anh! Tới đây tôi mới hiểu rõ đời là cái gì! Anh còn non người trẻ dạ, dạy tôi sao nổi? Đây này, tôi đã không ham tiền và đạo đức đúng như ý muốn của anh! Hỏng bét! Mình lạc đạo vong bần thì ai cũng khinh bỉ là ăn hại, là gàn dở, cho dẫu bạn thân, cho dẫu vợ, cho dẫu bố mẹ. Đến lúc ăn hại đời thật sự té ra ai cũng quý hóa, sợ hãi mình! Người đời quây quần quanh một bàn tiệc, thằng nào ăn khỏe, dám ngoặm những miếng to thì ai cũng kính nể, còn kẻ nào nhút nhát, rụt rè, không dám gắp, thì bị chế nhạo, bị dày xéo, thôi thì cứ việc chết đói nhăn răng! Ấy cái khinh cái trọng của thói đời, nghĩa lý cao xa của nó chỉ là vậy. Trong cái cuộc cướp cháo chúng sinh ấy, cứ thằng nào khỏe, đẩy được nhiều đứa khác, thì chính nó là anh hùng, là vĩ nhân! Cái khỏe ấy ta muốn có, thì phải có tiền! Ta tưởng cứ giữ lấy chữ nhân thì rồi có miếng đỉnh chung, thế là ngu xuẩn. Phải lăn xả vào mà cướp lấy cho kỳ được, ấy thế rồi thì thiên hạ sợ ta, lạy lục ta để mong ta bỏ bớt cho. Trong cái cuộc vật lộn khốn nạn, làm gì có ai nhàn rỗi để khảo chân hiền và lại để làm gì, nếu chân hiền thì chỉ thằng ôm bụng chịu đói? Này, anh Tấn ạ, anh cảnh cáo tôi làm gì, nếu chính anh mới là chính người đương mê ngủ, nên chính tôi mới là kẻ tỉnh ngộ, và có phận sự phải cảnh cáo anh? Thôi anh cứ theo gương tôi, kiếm tiền, làm giàu. Không phải giàu thí dụ bằng tôi rồi thì thôi đi, nhưng mà để cũng như tôi, phải mong giàu hơn nữa. Vì dẫu ta phú quý đến bậc nào đi nữa ta cũng sẽ thấy vẫn cứ có lắm kẻ còn quyền thế hơn ta, đè đầu cưỡi cổ được ta. Tôi đây, tôi đã hiểu cái gì là tình mẫu tử, phụ tử, cái gì là nghĩa Tào Khang. Những cái thiêng liêng ấy, muốn cho tốt đẹp được, thì chỉ tiền! Vậy thì anh đừng có làm cái ông đồ gàn đi dạy tôi một bài học về cái đạo cam tâm hèn ngu. Chẳng có anh, xưa kia tôi cũng đã mất trí khôn mãi rồi, vậy thì ta mau mau kịp tỉnh ngộ đi, kẻo mà quá muộn. Chẳng có anh thì tôi cũng đã học được cái bài học trọng đại của đời là loài người không ai tốt cả. Chẳng phải luân lý hay đạo đức vẫn cầm cân nảy mực cho đời, đó chỉ là kiếm tiền giữ quyền thống trị và an bài mọi điều nhân nghĩa, đạo đức, trên cõi thế gian, tự cổ chí kim…
Nếu anh chưa đủ hiểu những lời thành thực ấy thì thôi, từ nay, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Bằng anh đã tỉnh ngộ đồng ý với tôi, thì chiều nay, ta đi tom chát một chầu dưới xóm. Thôi chuyện phiếm mãi rồi, rõ mất cả thì giờ, ta về đi thôi. Và tôi xin nói cho anh biết rằng tôi đã quyết định lấy Bích số một của tôi, cho nên tối nay mới đãi anh chầu hát. Tôi sẽ làm chuyện phi thường, đáng gọi là vĩ nhân, bằng cái sự lấy vợ lẽ, vì tôi là dân Tây, Tây mà lại lấy được vợ lẽ, há đó chẳng là một việc oanh liệt nhất, vĩ đại nhất, tòng lai[67] chưa thấy có hay sao?
Hai người đứng lên, dắt tay nhau thong dong ra về. Đến lúc tạm biệt nhau để ăn cơm chiều, Tấn bắt tay Phúc và gật đầu nhận lời:
— Ừ, thì tối nay đi tom chát vậy!
Trúng Số Độc Đắc Trúng Số Độc Đắc - Vũ Trọng Phụng Trúng Số Độc Đắc