If you have never said "Excuse me" to a parking meter or bashed your shins on a fireplug, you are probably wasting too much valuable reading time.

Sherri Chasin Calvo

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 163 / 71
Cập nhật: 2020-06-12 14:03:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 - Một Người Như Tất Cả Mọi Người
húc đã đi ba tiếng đồng hồ, chân mỏi lắm, miệng khô lắm, bụng đói như cào… Anh nhọc hết sức, tưởng chừng đành phải ngồi liền xuống vệ đường cho chết nắng thế vậy, sắp hoàn toàn thất vọng, thì lại thấy ở đường xa một bụi cây xanh xanh. Anh cố lê hai bàn chân mỏi rũ rượi cho đến chỗ ấy, thì đó là một tòa nhà gạch, bên trong một gia đình đương ngồi ăn cơm rất hết sức vui vẻ. Anh nhìn vào rồi nhìn đến quần áo mình, ngạc nhiên hết sức, thấy rằng bộ y phục ấy đã rách, đã cũ từ đời nào, tuy nó chưa có vẻ của những thứ quần áo của những người làm nghề nhỡ độ đường. Anh mừng rằng mình chưa đến nỗi tiều tụy, lại lo ngay là mình như vậy thì có lẽ chưa đủ gợi lòng thương hại của những người ngồi trong kia. Tuy vậy, anh cũng nói vào:
“- Thưa ngài, tôi là người nhỡ độ đường, xin ngài cho bát nước, tôi khát quá.
“Nói xong, anh đứng chờ, anh rất hổ thẹn thấy mình đã thân tàn ma dại cả phần xác cũng như phần hồn, không hơn gì kẻ hành khất thực thụ nữa. Chờ mãi, ở trong mới thấy đứa tớ mặt sưng mày sỉa đưa ra cái gáo nước lã cho anh. Phúc uống một hơi hết cả gáo lấy cánh tay quệt ngang một cái. Nhưng khỏi khát xong, anh lại thấy đói một cách ghê gớm! Thật thế nếu không có lấy nổi bát cơm trong bụng, thì đến nằm đấy mà thở mà chờ chết nữa thôi! Không còn cách gì khác, anh ta, sau khi nghĩ ngợi rất lâu, đành cố nuốt hổ thẹn lại nói:
“- Thưa ngài, tôi đói lắm, ngài làm ơn cho tôi cái gì ăn…
“Đứa tớ trợn mắt quát ngay anh:
“- Đi đi! Lôi thôi cái gì? Lắm thứ thế?
“Phúc ngượng lắm, nhưng cứ đứng im, nhìn vào mặt ông chủ đương ngồi ăn cơm ở bàn, một người béo tốt mặc quần áo lụa, trông ra vẻ giàu có lắm. Nhưng ông chủ không nhìn ra chỉ cứ việc vừa ăn vừa nói chuyện với vợ con thôi. Chờ mãi cũng đã sốt ruột, lại thêm thấy đói quá lắm. Phúc hỏi xin lần nữa, thì chủ nhân nhìn ra, giận dữ, rồi bỏ đũa bát đấy, đứng lên tiến ra phía anh…
“- Mày là bố người ta đấy à? Sao mày cứ nheo nhéo thế? Có xin ăn thì cũng phải chờ người ta xong đã chứ, quân đâu có quân hỗn láo thế? Đi ăn mày mà hách thế à?
“Phúc ngạc nhiên rồi cãi:
“- Thưa ngài không, tôi chẳng là ăn mày tí nào! Tôi cũng là một người tử tế, cũng như ngài, nhưng chẳng may nhỡ độ đường mà thôi.
“- Mày còn chối là không hành khất.
“- Không! Tôi đã bảo…
“- Thế vì lẽ gì mày nhỡ độ đường? Mày nhỡ độ đường từ bao giờ? Quê quán mày ở đâu?
“- Tôi đã bảo rằng tôi cũng như ông kia mà! Nếu tôi về được nhà tôi sẽ quay lại đây đền ông một số tiền đáng giá một trăm lần cái thức ăn mà ông đã giúp tôi! Nhưng ông phải giúp tôi cho tử tế mới được.
“- Mày bảo mày cũng như tao? Ông lại trói cổ mày lại bây giờ. Mày nhỡ độ đường thì quần áo mày phải khác thế này chớ? Quân ăn mày nhà nghề còn nói láo!
“Phúc nhìn lại quần áo mình rồi ngẩn mặt ra mà thôi. Anh nhỡ độ đường từ hôm nào? Vì lẽ gì? Tại sao quần áo lại tồi thế? Lạ thật! Đến chính anh, anh cũng không nhớ gì cả cũng chẳng hiểu câu chuyện sẩy nhà ra thất nghiệp của anh đầu đuôi ra sao?
“- Có cuốn xéo đi ngay không? Ông lại cho chúng nó ra đánh cho một trận thì về với tổ tiên!
“Phúc tức đến hóa điên, muốn đánh ngay con người có mắt cũng như mù ấy, nhưng không làm gì được, một là vì đói quá, yếu lắm, hai là vì cũng chẳng biết mình có còn là mình không hay mình đã là “ai” mất rồi. “Ai” đây tức là một kẻ ăn mày vậy. Anh ta chưa kịp quay đi thì đã thấy mấy con chó vàng chạy xồng xộc ra cứ nhảy xổ vào chân anh. Phúc phải cắm đầu chạy một lúc lâu để mà ngã ngồi xuống vệ đường, bao nhiêu mạch máu trong người tưởng chừng như đã đứt cả. Anh thở hồng hộc, càng khát nước, vì mặt trời vừa thoát khỏi một đám mây chiếu ánh nắng xuống như đổ lửa. Anh rất lo sợ người ta đuổi theo để đánh anh mà không sao đứng lên được nữa. Rồi thì quả nhiên một người lính cảnh sát đến vồ lấy vai anh tàn nhẫn lay anh một cách dữ dội, ghê gớm.”
Phúc giật mình choàng mở mắt ra.
Bích vẫn gọi:
— Tỉnh chưa mình ơi, chín giờ rồi, dậy đi thôi, ngủ mãi!
Đến lúc ấy, Phúc mới biết rằng mình nằm mê. Anh lấy làm tiếc rẻ cơn ác mộng ấy và gắt:
— Rõ khỉ lắm nữa!
Bích cãi ngay lại một cách rất ngoan:
— Mình đã dặn tôi phải liệu đánh thức mình để mình đi những đâu có việc cần kia mà! Chín giờ rồi đấy!
Phúc lại nhắm mắt lại, vẫn tiếc cơn ác mộng ấy lắm. Một lát rồi anh đành mở mắt ra. Anh thấy hổ thẹn, vì trong mộng anh đã hèn hạ đến bậc quả đã có ngửa tay đi ăn mày. Nếu người chủ nhà đã cho anh bát cơm, ắt anh đã ngồi đầu hè mà ăn, như một người hành khất chánh tông, và như thế thì là một chuyện đáng than ôi! Nhưng… Tại sao anh lại đến nỗi sa cơ nhỡ bước để mà có thể suy vong tinh thần đến thế được? Thật là chẳng còn biết đầu đuôi xuôi ngược ra sao?
Sau cùng Phúc mỉm cười, mới hiểu ra cái lẩn thẩn của mình. Đã đến chuyện mộng mị, đã đến chuyện mê ngủ, thì lại còn khi nào có nghĩa lý và đầu đuôi gì được! Rồi anh nhớ ra rằng đời xưa, có một người nghèo đã được tạo hóa cho một giấc hoàng lương[52], và bây giờ, đến lượt anh, trái ngược hẳn lại, vừa trúng số độc đắc xong thì được nếm trải một giấc mộng đi hành khất! Hoài của, nếu anh chưa bị đánh thức vội, ắt anh còn khổ sở nữa, còn hiểu rõ cái dã man của loài người hơn nữa. Nhưng mà như thế này, trong mộng bị khổ ít thôi, thì lúc tỉnh mộng cũng chỉ sướng vừa phải thôi. Phúc ao ước thỉnh thoảng lại sẽ được hưởng một cơn ác mộng như thế, họa may mới hiểu thấu triệt cái gì là hạnh phúc, vì từ ngày trúng số đến nay, đã hai tháng trời, kể ra cho cùng thì anh cũng chưa hiểu nổi cái gì là sung sướng cực điểm như anh vẫn tưởng tượng lúc còn nghèo xơ xác.
Nghĩ vẩn vơ mãi cũng chán, anh bảo nhân ngãi:
— Này thắp hộ cái đèn.
Anh chỉ vào khay đèn phù dung[53] có đủ những khí cụ mỹ miều, lọc lõi, đáng giá bạc trăm, anh đã bỏ ra không tiếc tiền một tý nào. Bích sa sầm nét mặt rồi đi ra, làm như không nghe tiếng Phúc gọi:
— Bích thắp hộ cái đèn đi!
Vẫn không thấy cô ả quay vào, cáu tiết, anh cất cao giọng:
— Nào thế có nhờ được bà một việc không thế, bà?
Đến lúc ấy, Bích vội chạy vào với một cái mặt hơi tái, cười nhạt để chữa cái ngượng, rồi lắc đầu khẽ nói:
— Chết mất! Thế này thì mấy lúc mà nghiện! Trước kia hút đêm, bây giờ lại quen tính hút cả ban ngày nữa!
Nghe những lời than thở ấy, Phúc chỉ thấy đó là một sự giả vờ giữ gìn, một sự cản ngăn vô vị nó chỉ tỏ cái tính cách nịnh hót không được khôn khéo cho lắm. Anh chẳng để ý rằng Bích đã nói đúng sự thực. Quả vậy, đã hơn một tháng nay, Phúc đã có vẻ thực. Quả vậy, đã hơn một tháng nay, Phúc đã có vẻ say đắm ả phù dung lắm, và sở dĩ hay bỏ nhà mò đến Bích, trước còn vì nhục dục, mà sau là vì thuốc phiện. Cũng như đa số những người chỉ còn vài bước nữa là đến hố chết, Phúc không biết rằng mình sắp nghiện đến nơi. Anh thấy mới hút trong một thời hạn ngắn ngủi thế thôi, thì chưa sợ mắc mà không gỡ được.
Vả lại thuốc phiện, anh thấy nó chẳng hại như xưa kia anh vẫn tưởng, lúc chưa biết mùi. Trái lại nữa, nó làm cho anh khỏe mạnh, nghĩ ngợi nhiều điều xa xôi tuy nó cũng hơi phiền ở chỗ anh không ngủ được. Nhưng thao thức ban đêm thì lại sẽ ngủ mê ban ngày. Và những khi dậy bao giờ là cũng thấy thú vị sau một đêm trằn trọc. Trong năm tuần lễ ấy, cũng có vài ba lần anh trờn trợn lo sợ, muốn đoạn tuyệt phăng đi ngay. Anh đã tự hứa với mình ba lần rồi. Nhưng có ai hứa thưa nhạt với bàn đèn mà lại giữ đúng được lời hứa? Cho nên, đêm trước, khi bội ước với mình, anh đã chép miệng tự nhủ như thế này: “Cho dẫu mình nghiện nữa, thì cũng có sao đâu?” Mà thật thế, vì khi người ta có bạc vạn, lại không phải làm gì, thì có lẽ nghiện là một thượng sách cho sự bảo vệ tài sản, là một cái dây hãm cho mọi sự tư tưởng xã hội, vị tha, có thể bảo là điên rồ. Anh đã chẳng thấy vô số bố mẹ giàu kiếm cách bắt con nghiện đi để khỏi phá của đó hay sao? Cho nên sau những khi cầu cứu đến cái triết lý cuối cùng ấy, thì Phúc lại hút, mặc lòng vừa hút vừa hối hận, hoặc là tự nhủ rằng chỉ hút một lần ấy nữa thì bỏ hẳn, hoặc nghĩ cách quãng.
Tiêm xong điếu thuốc, Bích vừa giơ ra vừa nói:
— Đây mời ông, ông cứ việc mà hút chơi cho!
— Khốn nạn, thân người ta, nếu người ta không lo, cũng chẳng việc gì đến mình cơ mà!
Vốn chỉ muốn được Phúc coi mình là vợ, cho dẫu vẫn biết là mình chỉ có địa vị non vợ chồng mà già nhân ngãi, cho nên khi phải nghe lời ghẻ lạnh ấy. Bích nói dỗi:
— Ừ, thì hút đi chứ sao! Cho dẫu có nghiện thật rồi, thì cũng vẫn có thuốc chữa, chứ có gì mà sợ!
Tuy rất khó chịu, Phúc cũng im lặng, không thèm đáp, cứ đỡ lấy dọc tẩu. Anh súc miệng, uống nước, rồi lim dim mắt kéo một hơi. Đến bây giờ Bích mới mời:
— Thôi tráng miệng một điếu thôi, còn ăn sáng đã.
Phúc quay lại nhìn lên bàn. Cũng như mọi bận, bữa lót lòng của anh hôm nay cũng lại là ba quả trứng, một cái bánh, một cốc cà phê sữa. Anh khẽ thở dài càng thấy rõ là người đàn bà không xứng đáng hầu hạ anh. Lạnh lùng anh hỏi:
— Sao không bảo từ trước?
Bích cười và đáp:
— Tưởng phải có ít nhất là một điếu thì mới mở mắt được.
Phúc càng chán ngán, khinh bỉ bằng im lặng một lần nữa. Vì thấy háo lắm, anh cũng ra ngồi bàn ăn. Chợt anh hỏi:
— Đã ăn chưa?
— Dạ, em đã ăn từ lâu rồi.
— Sao không chờ cho vui?
— Chờ thì biết đến lúc nào anh dậy!
Vừa uể oải nhai những miếng bánh đã nguội. Phúc cau mày tự hỏi bằng một cách sửng sốt: “Kể cũng lạ thay cho ta! Ừ, vì lẽ gì mà ta lại đến đây, chung đụng với ả này như thế này? Duyên nợ gì lại có thứ duyên nợ quái gở đến thế này nữa!” Thật vậy, anh cũng phải lấy làm ngạc nhiên cho cả anh! Ừ, trúng số đến mười vạn, tưởng làm nổi trò trống gì với đời, thế nào mà té ra chỉ được bộ lấy vợ lẽ giấu một nơi, mà lại cũng lấy vợ ả đào như mọi người, có thế thôi! Phúc nhìn mặt Bích, thấy đã xấu hẳn, chẳng có vẻ gì đáng cho anh mê, vì lúc ấy, người đàn bà chưa kịp phấn sáp gì cả.
Người đàn bà ấy cũng đã phạm phải cái lỗi thông thường của nhiều người đàn bà không biết rõ cái nghệ thuật trong cái nghề của mình: Chưa được hẳn là vợ mà đã lần khần y như một người vợ. Bích không biết rằng đáng lẽ mình phải khôn ngoan đủ ý tứ lắm lắm, chớ cho người đàn ông trông thấy mặt mình nếu mình chưa trang điểm, chớ vội có những cử chỉ và ngôn ngữ của một vị phu nhân, nếu mình chỉ mới là nhân ngãi, và phải nâng niu, chiều chuộng Phúc như thế nào cho chàng chớ đến nỗi phai lạt tình yêu. Bích cứ tưởng cái thời gian trên dưới dăm tuần lễ sống chung đụng nhau đã lâu lắm rồi. Bằng cái say đắm lúc đầu, cô ả đã tưởng ngay thế là đã có đủ bảo đảm chắc chắn cho cuộc sum vầy đời đời kiếp kiếp, không biết rằng khi kẻ nào đã có bạc vạn thì bất cứ sự kẻ đó cũng chóng chán, cho nên những mánh khóe đã dùng trên chiếu rượu nó làm cho anh đàn ông say như điếu đổ, chưa chi cô ả đã quên khuấy đi cả, cái tự phụ nhi nữ khiến Bích hay bất thần muốn được tỏ mình là một người vợ, và cô ả chẳng hề lo rằng chính mình sắp gây cái khổ cho mình đến nơi.
Phúc thấy rõ mình là một kẻ điên rồ. Yêu một người, vì cái dung nhan của người ấy hao hao giống của một người khác, vì cái tên của người ấy trùng với người khác! Mà lại đi yêu cô đào, cái đồ chơi chung của bao người đàn ông đã hưởng trước mình! Thì sao anh không hỏi phăng ngay cô Bích tiểu thư làm lẽ có rảnh chuyện không? Ai cấm? Vợ anh cố nhiên đã không rồi, vì hiện giờ, tuy là biết anh đã có nhân tình ả đào nuôi giấu một nơi mà không dám hé răng, sợ anh đến nỗi ghen chồng là cái nghĩa sống của nhiều đàn bà ở đời mà cũng không dám ghen. Còn bảo bị từ chối thì anh lại càng không sợ nữa, vì làm lẽ một người giàu bạc vạn có khi cũng là lý tưởng của nhiều thục nữ, cho dẫu ở thời buổi bây giờ và nhất là cái chân lý này cũng vẫn là cái chân lý: Có tiền mua tiên cũng được. Nhất là Phúc đã thấy rằng mới trong vòng hai tháng nay, cô Bích đã cùng cô Đức đến chơi nhà anh đến ba lần, ra vẻ thân mật với vợ anh lắm, và lần nào thấy có anh ở nhà thì nói hết chuyện này đến chuyện khác, ngồi lại thì rất lâu, mà thấy anh vắng nhà thì đi ngay. Thêm nữa, cô Bích dạo này chịu khó trang điểm lắm, Phúc đã dám đoán rằng thái độ ấy có lẽ là sự biểu lộ của một mối tiếc rẻ đau đớn, sẵn sàng cứu chữa cho mối tình tuyệt vọng ngày xưa của anh. Kẻ có tiền ở đời bao giờ cũng tưởng tượng mạnh, nhất là khi ngẫm nghĩ lại thấy nó hợp lý.
Nghĩ thế rồi, Phúc lại càng thấy rằng cái số tiền trên dưới xấp xỉ năm chục bạc mỗi tháng cung cho thị mẹt này thì nên đem vứt xuống sông để xem tăm thì còn thú vị hơn. Nhai miếng bánh cuối cùng, uống hớp sữa nguội lạnh cuối cùng, anh càng giận, và lầm bầm: “Mỗi tháng năm chục bạc, mà nó cho mình ăn như cho chó!”
Tuy vậy, anh vẫn không nói gì cả, chỉ lặng lẽ sang nằm cạnh bên khay đèn. Dù sao anh cũng không thấy háo nữa, và no bụng rồi, anh mới chợt nhớ đến giấc mộng, cho rằng vì mình đói nên mới nằm mơ thấy cái cảnh trong đó mình đã hèn hạ đến bậc ngửa tay hành khất. Anh giật mình thấy văng vẳng trong tâm hồn, như có người đương hát vào tai, cái đoạn ca dao bất hủ nghìn năm: Ăn mày là ai? Ăn mày là ta, đói cơm, rách áo hóa ra ăn mày.
Nghĩ thế mà đủ giật mình, hoảng hốt lần nữa, ghê rợn cho cái bất trắc của ngày mai, gớm cho thói đời vô nhân đạo.
Cái gì nhỉ? Lúc giời cho hoạch phát một bước nên giàu, thì tuy vậy, nào phải anh keo bẩn gì đâu? Anh đã quyên cho hội từ thiện bạc nghìn, giúp đỡ họ hàng bạc trăm. Vậy mà lúc anh sa cơ nhỡ đường, đói khát thì đời cho anh một gáo nước lã, rồi lại gọi chó đuổi anh chạy mất mật! Phúc còn nhớ rõ cái thằng béo núng béo nính mặc quần áo lụa đã căn vặn và xỉ vả anh trong giấc mơ. Anh ta nhất định coi cơn mộng mị ấy cũng là sự thật! Và vì lẽ giấc mơ như thế cũng rất có thể là sự thực được lắm, cho nên anh quyết không tha kết án ngay đời: “Đấy, xem mà xem! Đời đểu lắm!” Cơn ác mộng ấy, anh chỉ còn tiếc nó không dài thêm nữa để xem người chủ nhà trong mộng còn tàn nhẫn với anh như thế nào nữa, anh chỉ tức sao “mèo” của anh lại vội đánh thức anh như thế thôi, chứ quả thật đó đã đủ là một bài học rất hệ trọng về nhân tình thế thái cho anh. Sau cơn mê, anh đã mở mắt ra, thì anh phải nguyền rằng dẫu không ngủ mê nữa, từ nay trở đi anh cũng phải sẵn sàng mở mắt cho nhanh, vì nếu làm việc thiện chí cũng in như làm việc ác cho nên phải biết sớm tỉnh ngộ là thế! Không, thật quả vậy, anh chẳng nói đùa! Cuối cùng thì anh kết luận cách tự nhủ: “Thật thế, không thể tử tế với đời được. Tử tế là dại!” Phúc chẳng biết rằng, một lần nữa, thần vị kỷ nhờ sự trợ lực của ả phù dung, đã lại chiếu thẳng vào cái tâm giới vốn tốt của mình.
Hút đến điếu thuốc thứ tư, trí não của anh đâm loạn, đưa anh lên cái thế giới khoái lạc đến mây xanh. Thấy trong người lại khỏe mạnh, khí huyết hình như mới cương thêm, anh mới nhớ đến cái tình dục đêm trước. Anh lại nhìn chòng chọc vào mặt người yêu. Khốn nạn, một người đàn bà không phấn sáp thì còn đẹp làm sao được, cho dẫu là kẻ đẹp nhất thế giới!
Cho nên Phúc phải phân vân tự hỏi thế này! “Cái khoái lạc ấy ở đời, mà ai cũng bảo là nhất tất cả, há nó lại chỉ có thế mà thôi? Ta không tìm thấy nó ở vợ ta, cho nên ta phải đi cầu nó ở đĩ. Vậy mà ta không hề thỏa mãn chút nào cả, đến nỗi rồi chán đĩ như chán vợ mà thôi! Ồ! Ồ! Nếu thế thì còn nói chuyện mà làm gì! Nếu biết trước thế thì thèm vào! Rõ chẳng cái dại nào giống cái dại nào! Đã mang tiếng hư hỏng, dâm đãng, thì phải được thế nào cho bõ cái mang tiếng mới phải chứ? Nhưng mà, thôi thôi, hẳn ả này chưa đủ tư cách, chưa tới trình độ đó thôi! Phải phải, một kẻ ngu si thế này, đã làm thế nào cho ta biết nổi sự đời cho được! Cho dẫu đến cái sự khốn nạn là cái sự dâm dục nữa, mà muốn tận hưởng nó, ít ra người ta cũng phải có đôi chút kiến thức, và dâm dục cho lành nghề, há đó chẳng là một nghệ thuật cực kỳ cao siêu đó ư? Vậy thì ta đã nhờ một ả đào phàm trần dắt ta đến cõi Bồng Lai, cho nên nó mới dắt ta đến cái kiệt lực cái tiêu mòn thân thể, và chỉ cỡ đến cái tai hại ấy là hết chuyện!”
Phúc thở dài, chán đời. Anh lim dim mắt lại, tơ tưởng đến những hình ảnh thoáng qua trí nhớ của anh, một mỹ nhân người Huế, người Sài Gòn, những mỹ nhân Tây phương, đầm thật, đầm lai, nhất là đầm lai. Bao nhiêu thế giới lạ lùng! Bao nhiêu vẻ óng chuốt, ý nhị, mỹ miều, thần bí, ngây ngất, huyền ảo mà cái giống đẹp đã dùng để mồi chài, để cám dỗ, để khêu gợi, để nung nấu cái thứ tâm can thiết thạch, chẳng sắt đá chút nào mà chỉ mềm nhũn nhùn như bún của bọn đực, những thằng trượng phu rẻ tiền, những đứa nam nhi đáng giá ba xu cho dẫu là kẻ đến hạng thế giới anh hùng hoặc phú gia địch quốc. Không quả tình là hình như anh chưa được nếm trải cái yếu ớt vô cùng mạnh mẽ của phái yếu! Tóm lại, anh chưa biết đời là gì!
Đã nhục nhã chưa!
“Cái thú vị tuyệt vời ấy, ta đây, ta giàu bạc vạn, đã chịu khó tiêu tốn bạc trăm vào việc ấy mà té ra ta chưa được hưởng, có thể bảo chưa hiểu mùi là cái chi chi, trong khi thiên hạ, dễ thường có lắm kẻ chẳng có xu nào, chẳng mất cái lông chân, mà đã tận hưởng!”
Rồi như đã tìm thấy cái nghĩa đời người, Phúc thở dài một cái rõ dài. Sự nghĩ ngợi về cái điều bỉ ổi ấy cũng làm cho anh bỗng dưng thấy khoan khoái tâm hồn như một thánh nhân khi đã nghĩ ra một phương châm tề thiên hành đạo vậy!
Phúc hốt nhiên ngồi nhổm dậy.
Không biết người yêu vừa có những tư tưởng nguy hiểm cho số phận của mình, Bích lại nói đùa:
— Ô hay! Đã thôi rồi ư?
Phúc vẫn dịu dàng:
— Làm như người ta đã nghiện có chừng mực rồi ấy?
Bích lại đáp:
— Cũng sắp.
Phúc ra oai bằng cách chỉ tay vào mũi Bích, nói:
— Được nhé! Thế thì tốt lắm! Từ rày trở đi, thằng này mà có còn quay lại đây hút cái bàn đèn này thì thằng này không là giống người!
Bích vẫn giọng châm chọc:
— Thì anh hút tiệm chứ sao!
Phúc cau mày, đã đến lúc phải để lộ cái lòng giận cho nên giọng nói bất kỳ hóa ra gay gắt, đáng sợ:
— Thôi, im đi! Chán lắm rồi! Thằng này xin thề là từ nay thì buộc chỉ cổ tay!
Đến lúc ấy cô đào mới tỉnh ngộ, mới hiểu thấu cái nguy trạng nó sắp đến, cái địa vị lung lay, vì nghe thấy tiếng chán nó không có nghĩa gì với một cặp vợ chồng đã từng nếm mùi tình nghĩa Tào Khang chẳng phải bỗng chốc mà dễ bỏ nhau, nhưng nó là một tiếng sét cho bọn phụ nữ đương trong cảnh ăn xổi ngồi thì. Cái mặt mới lúc trước lần khần thì trông chỉ muốn tát cho vài cái mà bây giờ đã để lộ tất cả cái gì là cái hối hận, thành ra trông cũng ái ngại, Bích nhìn xuống chiếu hồi lâu.
Phúc thương tình, mắng thêm để cắt nghĩa:
— Người ta vời đến mình, là vì người ta hư, thì phải theo chiều cái hư của người ta, cho người ta vừa ý, chứ có phải người ta rước mình về dạy luân lý đâu?
— Thì báu gì cái nghiện ấy, mà còn phải mắng tôi?
Thấy rằng tuy nhiên Bích cũng có lý, Phúc cũng biết nguôi giận, để giảng giải:
— Ừ cho dẫu muốn khuyên ngăn đi nữa thì cũng biết tùy từng lúc chứ? Có phải tôi đến đây là tôi húc đầu ngay vào thuốc phiện đâu? Cái lối gì vẫn tiêm ngoay ngoáy cho người ta, mà hễ giơ tẩu ra là chửi, làm người ta cụt hứng như thế? Tôi nuôi cô để nghe cô chửi đấy à? Muốn can ngăn sao không can ngăn những lúc tôi không hút? Phải biết lựa lời, thừa dịp chứ? Thế khuyên là cốt để người ta thôi hút, hay chỉ cốt nói nghiến cho người ta phát cáu?
Hai má phịu xuống, Bích chỉ còn biết lấu nhấu:
— Nói thế mà bảo rằng chửi đấy! Thôi đến cái lúc đã chán thì chẳng ra gì. Yêu nên tốt, ghét nên xấu.
Cuối cùng, Bích khóc, đau đớn một cách thành thực lo cho ngày mai lại có khi quay về với trầm luân. Những giọt nước mắt ứa ra thấm cả cánh tay áo.
— Thôi nhé, tôi xin bà! Bà chửi mãi tôi, bây giờ bà khóc nữa là quá lắm.
Bích vội vàng cố nín một cách chật vật, cứ hậm hực mãi, y như một đứa trẻ bị bố đánh mà bố cứ bắt im ngay để rồi giơ xe điếu ra vụt luôn.
Phúc ngao ngán thắt nơ, rồi buộc giày. Khi khoác áo vào rồi, anh không dám bỏ đấy đi ngay, phải kéo dài thì giờ bằng cách hút thuốc lào, uống nước, lau giày. Chưa quen tàn nhẫn với gái, anh muốn nói gì cho ngọt ngào, dỗ một cách gián tiếp. Rồi tình cờ anh hỏi đến người của Tấn:
— Ô hay nhỉ? Sao không thấy chị Loan sang chơi?
— Dạ, chị Loan đã ra hàng với anh ấy từ sớm ạ.
Đến lúc ấy, Bích cũng mới chịu làm lành. Cô ả thân đi múc nước và khăn lau mặt xà phòng, tuy cũng được Phúc nuôi cho một vú già hầu hạ hẳn hoi. Vừa rửa mặt Phúc vừa hỏi:
— Chẳng hiểu họ buôn bán thế nào?
Nước mắt đã ráo hẳn, Bích sốt sắng đáp:
— À, trông chừng có thể phát đạt được lắm.
— Làm sao?
— Hôm qua Loan có khoe rằng bán được cái máy 52 đồng với năm cái đĩa nữa, tất cả là năm chục. Cửa hàng mới mở có nửa tháng, thế là khá lắm.
— Thế anh Tấn độ này ra sao?
— Chăm chỉ lắm. Dọn dẹp xếp đặt cửa hàng cả ngày, tối về tính sổ cả đêm.
— Thế à! Tu chí nhỉ?
— Sao đôi ấy thế mà rồi sung sướng đấy.
— Sao lại nói “thế mà”?
— À, vì trước kia, họ chỉ ghen nhau, đánh nhau thôi. Bây giờ hòa thuận lắm. Nhất là cô ả, xưa kia thì lười thế, từ khi dọn hàng, lại chăm chỉ lắm.
Phúc cũng vui lòng, không giận Tấn ở chỗ năm hôm nay không đến chơi. Cái cửa hàng đại lý kèn ấy, Phúc đã bỏ ra hai nghìn góp vốn giúp bạn, nay thấy bạn đã tu chí, anh cũng không sợ toi tiền nữa, cũng như khỏi lo bỏ thêm vốn nữa. Anh đương vui thì Bích lại nói:
— Trông thấy Loan thế mà thèm! Đã nghiễm nhiên bà chủ một cửa hiệu oai rồi! Còn em, cứ ăn dưng ngồi rồi thế này thôi. Cậu đã thương em thế này, thôi thì cũng nên một ngày kia cho em dọn một cửa hàng vặt vậy!
Lời lẽ ấy khiến Phúc cụt hứng. Anh đáp quấy quá cho xong chuyện:
— Thôi đi, vợ lẽ ông trúng số độc đắc ai lại đi dọn hàng vặt!
Nói xong anh hối hận vô cùng. Lần đầu được nghe nhân tình gọi mình là “vợ” Bích sung sướng hết sức, nhan sắc bất kỳ lại tăng thêm, nổi bật hẳn lên. Sướng đến bậc ấy đã toan nói nhiều lắm đấy, mà rồi im lặng mãi, hình như sợ chuyện trò nữa thì là quấy rối mất cái hạnh phúc của lời đáp quý hóa nó vẫn còn để lại nhiều dư âm trong tai.
— Thôi về.
Bích gào vào:
— U già đâu! Đi gọi xe mau lên.
Người đầy tớ còn chạy vào hỏi:
— Bẩm mấy xu, đi đâu?
Bích quát:
— Cứ gọi chứ không phải mặc cả, đồ ngu ở đâu ấy!
Phúc xua tay:
— Thôi được, mặc tôi.
— À này! Mình ơi! Tối đến nhé! Đến sớm rồi về sớm.
— Không dám hẹn.
— À, hay chiều vậy. Ta đi xi lê ma! Em thết mình cơ, chứ em không vời mình phải thết em đâu. Thế cơ!
— Ừ, để liệu đã.
Phúc xuống, Bích ra cửa sổ để nhìn theo, và buồn vì lần này chia tay nhau, người yêu lại nỡ quên hôn mình.
Ra đường Phúc gặp xe ngay. Đó là ở ngõ Bảo Khiêm. Anh bảo xe chạy về phía ngõ Hàng Bông là nơi có cửa hàng của Tấn. Nhưng chợt thấy xa xa Bích số một của anh đương thướt tha đi với em gái anh. Anh vội vàng nện gói giày bảo phu xe chạy về đường Quan Thánh. Tình cờ anh đưa hai tay lên nắn lại cái nơ mà anh thắt chưa được thạo, rồi đội lại cái mũ nhưng mà lúc nãy anh đã hấp tấp úp bừa bãi lên đầu. Thấy rằng sáng hôm nay, người đàn bà thứ nhất mà anh thèm để ý lại chính là Bích số một người nhân tình trong mộng của anh, anh cho đó là một điềm gở cho Bích ả đào, tức Bích số hai.
Về tới nhà, Phúc thấy vợ trang điểm chỉnh tề như sắp đi đâu đó có việc. Người đàn bà thở dài rồi ngồi xuống ghế đối diện với anh. Giá xưa kia, có thể đã rít hai hàm răng mà nói chì chiết đại khái: “Đi với những bố trẻ nào thế? Đừng về nữa có được không?” Nhưng bây giờ chỉ dịu dàng để than thở hơn là rầy la:
— Dạo này cậu bỏ nhà đi chơi đêm nhiều quá.
Không để ý, Phúc cứ lặng thinh.
— Ai lại nỡ thế. Tôi dám đâu cấm hẳn cậu không được chơi bời! Người đàn ông ở thời buổi này mà hiền lành quá thì cũng đụt. Nhưng mà cũng nên thương vợ đôi chút…
Phúc nói để bông đùa:
— Mợ có hiểu không? Nếu dạo này tôi hay đi suốt đêm, ấy chính là vì tôi thương mợ.
Vợ anh đáp lạ lùng thế này:
— Sao tôi lại không hiểu?
Phúc ngạc nhiên hết sức, phải ngơ ngác nhìn thẳng vào mặt vợ mãi, thì thấy rằng vợ anh không mai mỉa, không bông lơn.
Trong một tuần lễ này, Phúc đã bỏ nhà năm đêm để đến cái chỗ mà anh tưởng là ấm áp như một tổ chim. Tuy cũng biết là lỗi đạo một người chồng, nhưng anh đã vì một cái chủ tâm mà khinh vợ ra mặt vậy. Đã đến lúc chán Bích rồi, anh chỉ ao ước sao cho vợ nổi cơn tam bành lên, đi đánh ghen chửi bới hoặc xé Bích thì anh sẽ có cớ rất chính đáng để cắt đứt một mối tình vụng trộm không có thi vị mấy, mà khỏi mất tiếng bạc tình lang. Cho nên cái nhà riêng, mặt mũi và tên tuổi Bích, anh không những chẳng giấu vợ mà lại đã kiếm cách gián tiếp để cho vợ biết rõ cả là khác. Cuộc ái ân vụng trộm ấy, về sau anh đã cố ý khiến cho nó vỡ lở tan tành. Anh tưởng nếu vợ anh không dám động đến anh đi nữa, ít ra cũng phải đánh xé người đáng gọi là “con đĩ”. Vậy mà bây giờ… thì vợ anh đã nói như trên!
Vợ anh, vẫn cứ mãi như miếng thạch, dịu dàng tiếp:
— Vâng, tôi hiểu lắm chứ! Tôi biết thân phận tôi lắm chứ! Về làm bạn với cậu đã hơn năm nay, mãi chẳng đẻ đái gì! Dễ thường số kiếp tôi phải chịu cái khổ ấy chăng? Đáng lẽ ra thì cậu được toàn quyền lấy một người vợ lẽ cho hẳn hoi, mà nếu vì thương tôi mà cậu ngại thì tôi cũng có bổn phận phải ép cậu lấy vợ lẽ cho được. Nhưng mà cậu đã tìm cách khu xử tròn trĩnh lắm, không lấy vợ lẽ, mà chỉ nuôi giấu nhân ngãi một nơi thôi. Tôi dám chắc rằng cái ý xa xôi của cậu là muốn kiếm một đứa con giai cho mai sau nó nối giõi tông đường, thế thôi, chứ không phải vì muốn có vợ lẽ như nhiều người dại khác. Phải phải xưa nay cậu vẫn hiền lành đạo đức, chứ có hư bao giờ! Thế thì hẳn cô ả ấy, nếu có con với cậu rồi, thì hoặc là về sau cậu nói qua với tôi để làm phép cưới hẳn hoi người ta, hoặc là cho người ta một cái vốn để quay về nhà hát hay đi lấy người khác, điều ấy tôi không quan tâm mấy. Còn nếu phải lấy vợ lẽ có phép cưới long trọng ngay, sợ rồi mà cũng phải không đẻ, thì rồi cậu phải lấy thêm vợ lẽ thứ hai, vợ lẽ thứ ba nữa ư! Thế thì loạn nhà! Vậy thì cậu cư xử phải lẽ lắm, mà khi cậu nói một câu “thương tôi” là tôi hiểu ra ngay! Đấy cậu xem, tôi có ghen tuông gì với cô Bích ấy đâu? Khi nào tôi lại đến nỗi nông nổi, không hiểu chồng!
Phúc chỉ còn cách ngẩn mặt ra, gần hóa ra người bằng gỗ. Thoạt đầu anh thấy vợ nói là hay hay, vui vui. Nhưng rồi anh kinh hoàng! Vì thế là mọi sự trù tính của anh đã hoàn toàn thất bại! Anh thật không ngờ một việc xấu xa của anh mà cũng lại được vợ hiểu ra như thế! Mà chỉ vì anh đã giàu! Có tiền, thì ra làm bậy cũng được khen hay! Phúc thất vọng lắm nghĩ mà chán ngán cho sự đời, chỉ muốn ác thêm nữa nếu có thể, cho nó bõ với mọi sự đáng khinh bỉ của thế nhân.
Nhưng anh chợt thấy ngờ ngợ. Hay vợ anh chính là một thứ Hoạn Thư tân thời, rất nguy hiểm, cái mồm thon thót như thế để giấu cái bụng dao găm, đương giương cho anh một cái cạm để trả thù người yêu của anh cho đáo để hơn sự nhảy lên chồm chồm, cào cấu, cắn xé, của đa số những vị đức phụ khác khi thấy quyền lợi bị có kẻ xâm phạm? Phúc lại nhìn vợ như một người lạ, thì thấy cái mặt ấy chỉ tỏ rằng là một người chẳng đủ tư cách ghen cho ra ghen. Thật thế! Khổ sở một cách không thể tả được, đau đớn như một anh chồng đi chơi bậy mà không bị vợ tát mắng thì có thể đau đớn như thế nào? Phúc gay gắt hỏi vợ:
— Đã thế lại còn trách người ta hay.
Vợ anh cau mặt sợ hãi, phân trần:
— Là vì nếu cậu năng đến đấy như thế, thì sợ người ta được thế khinh thường tôi đi. Dầu sao, cậu cũng nên che mặt thế gian mà làm như nể mặt tôi một chút.
Phúc cúi đầu thở dài. Vợ anh đứng lên quên ngay sự ấy.
— À, cậu cần dùng ô tô không?
— Bẩm không!
— Thế để tôi dùng xe đi lễ với đẻ đây.
— Bẩm xin phu nhân cứ tự nhiên.
Người vợ cười khanh khách rất hả hê ra đi.
Tuy đã hiểu là mình có nhiều tiền nên cái tai biến mà mình đợi nó mới trở nên hào biến như thế, Phúc cũng cứ ngồi ỳ ra để ngạc nhiên mãi mãi. Anh bỗng muốn tìm ngay Tấn cho được để khoe câu chuyện rất đáng lạ lùng. Rồi anh lại lo sợ mãi, lo không khéo mà Bích đã có thai thì chí nguy. Thật tình, anh không muốn cô đào ấy được làm vợ anh, cũng như anh chưa hề nghĩ đến sự lấy vợ lẽ.
Một hồi chuông điện khiến anh vội quay đầu ra. Quả như anh đoán, cô Đức và cô Bích đến thật. Anh vui sướng ra tận cổng đón, tự nhủ: “Nếu có lấy vợ lẽ thì ta lấy Bích này chứ không phải là Bích kia”. Con chó Nhật mà anh rất yêu, vì cứ cắn ngậu như một nhà báo vô ý thức có dã tâm, cũng bị anh đá một cái.
— Rõ quý hóa quá, mời hai cô vào chơi.
— Chị em đã dậy chưa, hở anh?
— Chị về dưới nhà đi lễ với đẻ rồi.
— Mời hai cô cứ vào. Gớm, sao hôm nay em gái tôi diện oai thế này!
Phúc khen em gái đấy, nhưng mà là cốt để khen Bích. Liếc nhìn trộm, anh thấy mặt Bích vui tươi hẳn lên, tuy sự vợ anh đã đi vắng nhà đã khiến cô phân vân như chẳng biết có nên vào hay không.
Đến phòng khách, anh trịnh trọng mời cả khách lẫn em gái ngồi. Anh đặt ấm điện đun nước pha trà, lấy thuốc lá thơm đưa ra, nhã nhặn đánh diêm. Lúc đỡ mồi lửa, mặt Bích đỏ lên vì cái hân hạnh ấy.
Chợt cô Đức nói quá thật thà:
— Trông mặt anh hôm nay xanh quá. Chắc anh hay đi chơi.
Phúc gật đầu, điềm nhiên nói chữa:
— Cố nhiên, có tiền thành ra lắm bạn mà có lắm bạn, tất cả giao thiệp, thiết đãi.
Nhưng cô em gái quý hóa còn trẻ con ấy nói luôn:
— Không phải, anh nói dối, em biết cơ!
Phúc bất đắc dĩ phải gượng cười, hỏi:
— Ha ha! Biết! Biết gì nào?
— Em biết anh có nhân tình cô đào! Anh thuê nhà riêng! Ai cũng biết! Thầy đẻ cũng biết!
— Chỉ nói bậy nào!
— Ồ, lại còn nói bậy! Em biết cả mặt cô ấy rồi nữa cơ!
Rồi quay lại cô Bích, Đức vui vẻ khoe:
— Chị ạ, người cô đầu ấy giống chị như đúc, lại cũng tên Bích.
Bây giờ cô Bích mới nói:
— Lạ lùng nhỉ! Thế thì tôi phải kiếm cách xem mặt người ấy mới được.
Phúc để ý thấy người mình đã thầm yêu lúc ấy cố làm ra vẻ mặt thản nhiên nhưng vẫn không giấu được mấy cái nét nhăn của cái buồn phảng phất trong lòng, có lẽ cũng của một mối ghen hão nữa. Anh giận cô em gái vô ý, vì đó là một dịp rất tốt cho anh dò la tư tưởng người đã từ chối anh. Bích lại nói:
— Trông bác cũng xanh thật. Bác cũng nên giữ gìn sức khỏe đi, chơi bời hại lắm. Xưa kia, bác hiền lành, nhu mì như đàn bà, đứng đắn, đạo đức…
Phúc lại dại dột đáp bằng một chân lý đáng lẽ anh nên giấu:
— Xưa kia tôi đạo đức là vì chưa đủ tiền để hư.
Rồi anh vội cứu chữa sự ngạo mạn ấy:
— Vả lại… hiền lành đạo đức thì làm quái gì? Ngay đến đàn bà bây giờ họ cũng không chịu nổi những đàn ông đạo đức và hiền lành. Vì thế là đụt.
Bích hững hờ phản đối:
— Bác cứ nói thế, người hiền lành, đạo đức, ai cũng trọng.
Chẳng để lỡ dịp đặc biệt anh nói:
— Đấy thì rõ ràng là vào khi tôi còn hiền lành ngoan ngoãn, thì hỏi vợ đám nào cũng bị từ chối cả!
Mặt Bích thoạt đầu đỏ bừng lên, sau tái đi. Cô ta không dám nhìn lên nữa, và đến lúc ngẩng mặt lên thì ngượng nghịu quay nhìn lảng ra phía cửa sổ.
Phúc bảo em gái:
— Này bếp nó đương làm dăm bông đấy, có muốn học thì xuống ngay mà xem.
— Ô! Thế thì thích quá nhỉ! Em cứ đợi nó mãi!
Cô Đức trúng kế lon ton chạy đi, làm cho cô Bích ngồi lại càng thêm lúng túng, co quắp. Trong một lúc lâu, Phúc cứ nhìn Bích chòng chọc, làm cho cô này rồi thì phải nhìn lại để rồi gặp đôi mắt hữu tình của Phúc thì lại quay đi ngay.
Phúc thở dài một cách đáng để ý, hồi lâu mới nói:
— Sở dĩ ngày nay tôi hóa ra một kẻ chẳng ra gì, ấy là vì tôi đã thất vọng về một mối tình ngày xưa. Nếu tôi cứ nghèo như cũ, có lẽ tôi đã quên cái đau khổ trước. Nhưng tự nhiên tôi lại trúng số mà giàu! Ở trong cảnh phong lưu rồi, tôi mới thấy rõ là đời tôi vẫn còn cái gì thiếu thốn lắm, không sao chịu được.
Đến đây thôi, anh ngừng, cho rằng thế cũng đủ gợi đống tro tàn. Cô Bích cúi mặt hồi lâu…
— Nhưng bây giờ bác đã yên bề gia thất rồi còn gì!
— Ấy thế mới phiền chứ! Yên rồi cho nên mới càng cay đắng! Nếu chưa yên thì hẳn là tôi lại hỏi người đã từ chối tôi, và chắc là được ngay, vì sở dĩ xưa kia tôi bị từ chối chỉ vì tôi nghèo.
Phúc lại phải ngừng. Đau đớn vì chuyện cũ, anh đã nóng nảy quá, như vậy có lẽ đã lỡ lời, vì nói như thế thì có khác gì chửi vào mặt người ta. Anh đứng lên cho tay vào túi quần, đi đi lại lại. Rồi anh cho mình đã nói vừa phải. Chứ gì! Nếu chính Bích vừa rồi cũng phải nhận rằng xưa kia đúng đắn, đạo đức nữa, thì nếu không vì anh nghèo, gia đình nhà Bích vì còn lẽ gì khác để từ chối anh? Bị từ hôn thế cũng đủ bẽ mặt lắm, và từ hôn chỉ vì là giàu nghèo, thế cũng là đáng bỉ lắm. Không, anh chẳng sợ mình nói quá, chỉ còn chờ xem cái phản động lực của lời lẽ ấy ở Bích ra sao mà thôi.
Bích chỉ hổ thẹn có một chút thôi, vì cô vẫn còn đủ bình tĩnh để vội phân trần:
— Ấy là bác nhầm. Xưa nay, tôi không hiểu vì sao mà thầy đẻ tôi là từ chối việc ấy, nhưng dám chắc không phải vì cái lẽ giàu nghèo đâu.
Phúc ngạc nhiên hết sức, anh vội hỏi:
— Cô? Cô mà lại không hiểu vì sao?
Bích đáp ngay, và đáp rất đáng tin:
— Thầy đẻ tôi cứ việc không nhận lời đấy chứ có hỏi gì đến tôi!
— Chính cô, cô thì đã không từ chối?
Trước lời hỏi xoắn xít quá lỗ mãng. Bích đáp ý tứ:
— Giá dụ thầy đẻ tôi mà đã nhận lời thì cũng chẳng hỏi gì đến ý kiến của tôi, ấy thế.
Phúc ngẩn người ra. Lời đáp ấy rất có lý. Thật thế, nếu Bích đã ưng thuận anh đi nữa thì cũng chẳng có cách gì vồ ngay lấy anh được, nếu bố mẹ Bích đã từ chối anh. Phải phải, người con gái thì còn có quyền gì, cho dẫu là kể đến việc đi lấy chồng. Vậy thì anh chẳng có gì oán hận Bích như anh đã nhầm. Có oán thì phải oán hận gia đình nhà Bích thôi, và đó chẳng phải là một nguyên nhân đáng cho anh chán đời. Anh thở dài, hài lòng, hả dạ. Rồi anh ngồi xuống ghế nghiêm trang tiếp:
— Nhưng mà… Cái điều phiền muộn của tôi cũng không phải là hết phương cứu chữa, nếu cô muốn giúp hộ. Tôi chỉ không được bằng lòng cho lắm ở chỗ bây giờ nếu lại hỏi cô, thì không phải để rước cô về làm chánh thất nữa. Biết làm thế nào! Vậy thì nếu cô đối với tôi cũng vẫn còn mối thiện cảm ngày trước, ắt cô cũng vui lòng ưng cho… Liệu được hay chăng?
Bích cũng không đáp, nhưng cái im lặng ấy cũng có nghĩa của một cái gật đầu, cho dẫu là bây giờ cô chỉ được hỏi làm lẽ, Phúc lại nói:
— Đây này, tôi đã có… đã có một cái nhà vàng rồi. Tôi chỉ còn thiếu một người đàn bà xứng đáng làm chủ cái nhà ấy, nghĩa là người đàn bà mà xưa kia tôi đã yêu. Còn như vợ tôi hiện giờ thì lấy nhau chỉ vì bổn phận.
— Nhưng mà… Dầu sau này có thế nào đi nữa, thì tôi cũng mong bác cứ đối với bác gái như ngày xưa. Nếu mang tiếng tranh vợ cướp chồng ai thì tôi phiền lắm.
Phúc không ngờ rằng, vào một trường hợp khó nói như thế, Bích lại biết trả lời gián tiếp thần tình như thế. Anh rất vui lòng. Rồi đứng lên nói như bông lơn:
— Được rồi! Thế thì để tôi nhờ người đem quả cau đến chuyến nữa xem sao.
Vừa lúc cô Đức đã từ dưới nhà bếp đi lên, cô Bích cũng đứng dậy, xin cáo lui. Cô bé không hề nghi ngờ gì cả.
— Đợi bác gái lâu quá thế này, xin phép bác cho khi khác.
Phúc cúi đầu, trịnh trọng:
— Dạ, bẩm vâng!
Anh lại tiễn khách và em ra tận cổng.
Quay vào, anh nằm dài trên ghế đi văng, nhắm mắt lại, tuy đầy tớ anh vừa đem vào mấy tờ nhật trình hôm nay. Anh muốn để trí nghĩ không bận vào sự gì khác cái hạnh phúc sẽ lấy được Bích. Nhưng anh rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao thấy mình không sướng gì hơn, và sao tâm hồn mình chỉ rung động có thế thôi. Bằng vào lòng yêu Bích nồng nàn xưa kia, căn cứ vào sự tuyệt vọng khi lấy vợ, Phúc vẫn tưởng rằng sự đời đã thế mà nếu lại còn cách gì để sẽ được làm bạn trăm năm của Bích nữa, hẳn anh đến hóa rồ hóa dại vì sướng. Thế mà đến bây giờ, cái thất vọng ngày xưa đã biến cải nên cái cơ thành tựu chắc chắn, dễ như ta thò tay vào túi áo, mà sao anh chẳng thấy cảm động gì! Trái lại, anh chỉ thấy không yêu được Bích như trước nữa, vì người đàn bà lý tưởng ấy té ra mà cũng chỉ hèn hạ như tất cả đàn bà khác, mặc lòng chẳng là thủ phạm trong việc từ chối khi xưa. Anh thấy cũng khinh bố mẹ Bích hơn nữa, và cứ bắt cô con gái cũng liên đới chịu trách nhiệm. Phúc không biết rằng sự giàu có đã khiến anh cậy của mà hỗn xược với đời, và một khi sự đời đối với anh cái gì cũng không còn khó khăn nữa, thì tất nhiên anh nếm chính cái hạnh phúc hẳn hoi mà cũng cứ là thực bất tri kỳ vị.
Chán đời, anh bèn vùng dậy, bóc băng mấy tờ nhật báo định bụng xem có nhà buôn nào vỡ nợ hay tòa án sắp có phiên bán nhà cầm đất nào thú vị hay không.
Thì, trên cả ba tờ báo, những tin vỡ đê ở Bắc Ninh và ở Thái Bình chiếm đặc cả, cùng những ảnh về nước lụt, những gia đình nheo nhóc, những làng mạc phô, những ngọn tre lơ thơ trên mặt nước! Anh giật nẩy mình, tuy nguyên quán anh ở hai tỉnh nước lụt nói trên. Nhưng mà giật mình vì sợ mai kia đây, tất nhiên là sẽ có mọi cuộc lạc quyên, và anh đã trúng số thì không ai lại để cho anh ngồi yên được!
Phúc sợ hãi vứt mấy tờ nhật trình tai hại ấy xuống đất, lại nằm dài xuống ghế trường. Nhưng anh chưa kịp lo sợ cho đủ khôn người ra, thì một hồi chuông lại kêu ran lên. Anh càng chán nữa, vì tâm trạng anh lâu nay là tâm trạng của nhà buôn vỡ nợ, của kẻ đã vay nhiều tiền của tây đen nghe thấy tiếng chuông gọi thì tưởng như toàn lũ nặc nô hoặc mõ tòa[54] đến gây sự. Và bồi của anh đem vào một cái danh thiếp của một ông chủ một xưởng may dệt chiếu ở Thái Bình. Anh đành phải cho lệnh mời khách vào.
Khách là một người bé nhỏ, vận bộ âu phục cổ lỗ, quần ngắn ốp hẹp, áo dài, trên đầu có một cái mũ vành to, chân đi giầy cổ lỗ, mắt đeo kính gọng vàng, răng không nhuộm nhưng cũng đen, vì trầu và khói thuốc lào, khói thuốc lá. Vác cái cặp to hơn người, khách cử động ngượng nghịu, trông có vẻ cũng thực thà, thật là một nhà kỹ nghệ nơi thôn quê không biết gì là ăn chơi.Phúc bỗng đâu thấy có mối thiện cảm đặc biệt với các người lạ ấy, vì anh thấy rằng trong người ấy có một cái gì là “cậu áo trắng dài” của anh ngày xưa, vì đó tiêu biểu của một hạng người chỉ biết có làm ăn thôi.
Thật là khác hẳn phần nhiều bọn nhà buôn hoặc công nghệ đã từng tiếp xúc với Phúc ít lâu nay, trông anh nào cũng có vẻ bịp.
Trước tiên, khách cũng biết dùng lời lẽ văn hoa để cảm ơn sự được tiếp và nói về cái lòng hâm mộ chủ nhân của khách vì ý khác, Phúc là người có thể tin là có tâm huyết với xã hội, bằng những bài báo rất có giá trị, đại khái như bài “sự phá sản của đạo đức”. Phúc lại giật mình đánh thót một cái, tuy những lời tán tụng có khi quê mùa của ông chủ xưởng dệt chiếu chỉ làm cho anh vui tai mà thôi. Nhưng cái ông nhà buôn đặc biệt ấy cứ mãi nói về những ý kiến thâm trầm của những bài báo kia, khiến Phúc phải sốt ruột hỏi xem khách đến chơi chỉ cốt để bình phẩm văn chương thôi hay còn vì mục đích gì khác.
Bây giờ ông chủ máy chiếu mới chịu nói đến công việc của ông. Trong khi đem ra trình bày hàng mấy chục tấm ảnh về xưởng máy, ruộng cói vân vân… khách ta rõ, bằng những con số lấy trong những tập biên bản sự thịnh suy của công việc mình đang theo đuổi. Hiện ông ta đương trải qua một giặng đường rất khó khăn, chẳng phải bởi không có nơi tiêu thụ hàng hóa, nhưng mà bởi lôi thôi về một tờ hợp đồng trong đó đã sơ ý để cho một điều khoản không được minh bạch cho lắm, khiến cho một người Hoa Kiều có những ruộng cói kia muốn trở về lật lọng để vòi tiền.
— Thưa ngài, nếu tôi không thu xếp nổi việc này, cho yên, thì sẽ sai hẹn với mấy thị trường như Hồng Kông, Naille, Java, và như thế thì bao nhiêu công xây dựng của cả một đời tôi đều đổ xuống bể, vì nếu thua kiện, xưởng máy sẽ bị tịch biên, và đổ sụp theo ông chủ, còn ngót năm trăm gia đình thợ thuyền nữa, sẽ bơ vơ, đói khát…
Nhưng cái hiểm tượng ấy không phải là đã hết phương cứu chữa… Vì rằng người Hoa Kiều ấy - vẫn theo lời khách - là một tay hút máu ghê gớm có thể bị sa lưới pháp luật được. Từ khi có đạo luật bắt trước bạ các văn tự nợ, hắn vẫn bình chân như vại, chẳng hề nhúc nhích, và những người mắc nợ hắn không một ai dám kiện lại hắn, tuy số họ có kể hàng trăm con người. Vậy thì bây giờ vẫn có một người nào có thanh thế đứng ra cổ động, hợp họ lại thành một cái lực lượng để có thể góp gió làm bão mà quật đổ cái cây đa yêu quái ấy đi, ngõ hầu trừ được một mối hại cho dân. Một khi bị kiện rồi, tên Hoa Kiều gian hùng ấy phải hủy bỏ hợp đồng về những ruộng cói chiếu, và, do thế xưởng máy sẽ qua khỏi giặng đường khó khăn, thời kỳ nguy hiểm.
Cuối cùng khách kết luận một cách buồn rầu:
— Tôi đã tìm trong cả tỉnh tôi, không có một ai ra tay đảm nhiệm cái việc can đảm ấy, vì ai, cũng sợ tên Hoa Kiều ấy thù hằn. Tôi tin những nơi khác thì có người từ tâm không thiếu, chỉ thiếu người có tiền, có tư cách đương đầu với nó. Tôi sắp thất vọng may sao chợt nhớ đến ngài, giở tờ nhật báo Đông Phương ca tụng từ xưa. Tôi thiết nghĩ một người đã viết nổi một thiên đại luận như “sự phá sản của đạo đức” lúc hàn vi thì khi đã giàu rồi, ắt cũng vẫn sẵn lòng nghĩa hiệp, trọng nghĩa khinh tài. Vậy thì tôi xin ngài vui lòng giúp chúng tôi, đánh đổ cái tên khách trú khốn nạn ấy đi để trừ một mối hại cho dân nghèo một tỉnh, và cứu vớt cho năm trăm gia đình thợ dệt khỏi chết đói. Còn việc mời ngài hùn vốn cho xưởng dệt chiếu thêm thịnh vượng là chuyện nói sau. Chỉ yêu cầu ngài quá bộ xuống thăm xưởng cho mục kích hư thực.
Nói xong khách nhìn vào Phúc chòng chọc, chẳng khác một tội nhân đã bị kết án nặng đương chờ nghe bản án của tòa Thượng Thẩm, Phúc thấy rõ ràng trong đôi mắt ấy đương có một mối phân vân ghê gớm, không phải của một người có một sự nghiệp đang lung lay mà thôi, nhưng của hàng trăm nghìn cái tính mệnh của vô số gia đình đương như cá nằm trên thớt. Sau những câu gạn hỏi ý tứ, sau những câu căn vặn khôn khéo để mà thấy khách chẳng phải là hạng tiền hậu bất nhất, có thể tin được lắm, Phúc cũng động lòng, và phải hứa:
— Thế thì để vài tuần lễ nữa tôi xuống thăm xưởng dệt của tiên sinh.
Thấy khách sướng lắm, vồ ngay lấy:
— Bẩm vâng! Thế ngài nhất định là hôm nào?
— Hôm nay ngày rằm, thế thì 28…
— Bẩm đúng thế? Tuy ngài xuống hơi muộn, nhưng cũng được.
— Vâng. Cuối tháng mới rỗi, còn đúng 13 hôm nữa.
— Xin cảm tạ ngài lắm. Để chúng tôi về sửa soạn nghênh tiếp. Rồi ngài sẽ hiểu là tôi có nói sai điều gì không! Ngài sẽ khám xét sổ sách, tra hỏi số chi tiêu, tiền xuất nhập hàng tháng, hàng năm những mối hàng ở đâu, đã đặt mua bao nhiêu v.v… Ngài sẽ hỏi từng người một.
— Được được.
— Thôi thế… Bẩm lạy ngài và những giấy này xin cứ để lại ngài xem qua.
— Thế thì hay lắm!
Phúc tiễn người ấy ra đến cổng và lúc ấy mới biết rằng nhà doanh nghiệp cũng có xe hơi, tuy đó là một chiếc xe tối cổ, số chưa tới hàng ba con. Quay vào, anh mới thấy đời là khổ và có lẽ chính anh mới là người sướng nhất. Sướng vì chẳng phải lao tâm, lao lực, chẳng mất một cái lông chân mà bỗng dưng được ngồi trên đống vàng, đống bạc. Sướng vì tài sản chưa hề đem dùng vào những cuộc doanh thương nguy hiểm có thể một thì tầy gấp bội, hai thì mất nghiệp như đa số các nhà giàu ngày nay. Sướng vì cái giàu của anh là cái giàu thiết thực, tiền muốn tiêu lúc nào cũng không phải chạy bót tóc gáy như đa số các ông nhà giàu đom đóm mà ngoài bó đuốc. Sướng vì tuy mình mới là giàu bậc trung thôi, nhưng cũng được có kẻ tài sản to hơn mình phải đến cầu cạnh, lạy lục mình, và nhất là sướng vì không có sự gì phải lo.
Cái cuộc đời lãng phí ấy cứ lặng lẽ trôi đi cuốn theo dòng những bọt bèo và cặn bã của mọi cuộc hưởng thụ đắc tội cho con mắt bọn nghèo mà là thuận cảnh và có khi là nhân đạo đối với Phúc. Chẳng có gì đáng kể, nếu tuần lễ sau, một hôm anh ta chẳng nhận được lá thư của Phủ Thống Sứ. Sau cái may trúng số, lá thư ấy cũng là đại sự nữa, trong đời anh. Làm cho khỏi thấy muốn tự kiêu với đời, khi thư nói rằng quan thủ hiến Bắc Kỳ, đệ tam Bắc đẩu bội tinh[55], xin có hân hạnh mời anh đến ngày hai mươi tới đây thì lại súy phủ để cho ngài được dịp nói chuyện thân mật.
Quan thống sứ[56] đương kim là một vị thủ hiến rất thân dân cho nên lá thư mời ấy, Phúc chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, nhất là bây giờ, anh đã nghiễm nhiên là một vị thân hào của thành phố. Trái lại, anh đã hơi đoán biết trước rằng mình được giấy mời có lẽ chỉ vì cái nạn nước lụt của hai tỉnh mà thôi. Tuy vậy, anh cũng không giật mình. Anh chỉ không nhận thấy rằng một người đồng bào nào đưa cho anh một sổ lạc quyền thì anh khó chịu, còn Quan thống sứ mời thì dẫu biết sẽ mất tiền, anh cũng cứ hoan nghênh.
Anh không hề ngờ ngợ rằng mình cũng hiếu danh như bọn trọc phú.
Chiều hôm ấy, một cái cao hứng ghê gớm. Thúc giục cho Phúc tự đánh xe hơi ra đi. Đã ít lâu nay anh vẫn cầm lấy lái xe, mặc dầu chưa được cấp giấy phép chính thức. Nhưng lần này là lần đầu anh không cho tài xế ngồi bên. Đi chơi bậy, anh thấy bị khinh, nếu tài xế của anh thóc mách đôi chút.
Qua phố hàng Buồm, chợt thoáng trông thấy Hựu đi trên hè, anh gật đầu vẫy một cái. Rồi hãm hẳn xe lại.
Hựu đây là người bạn cũ, cũng làm hãng bảo hiểm, đã có lần đi hát với anh. Vì lẽ xưa kia đã từng quá hỗn xược, hay chế bác Phúc, cho nên bây giờ thấy Phúc đường hoàng trên xe hơi, nên Hựu chỉ chào qua thôi, không dám hỏi người bây giờ chẳng còn là “thằng ngọng bắt được cái đinh” ngày trước nữa. Nhưng Phúc cứ hãm xe, cứ săn đón, bởi cớ sợ thiên hạ chửi mình, nếu có khi Hựu sẽ đi kể với ai đã bị mình lờ. Rồi anh hỏi:
— Có gì lạ không?
— Tôi thì còn có gì lạ được nữa. Gớm, từ ngày trúng số, chẳng nhớ đến anh em cũ là ai nữa.
Phúc cười mà rằng:
— Thì anh cứ năng đến chơi với tôi xem!
— Thế thì còn gì bằng! A, dạo này Bích của anh ra sao?
Phúc chép miệng nói:
— Moa thuê nhà cho ở riêng đấy. Hôm nào đến đấy chơi.
— Tôi biết rồi nhưng thôi chả đến, sợ anh ghen.
— Moa mà lại ghen?
— Chứ gì nữa?
Phúc nói ngay:
— Đây này, toa cứ việc chim nó đi, nếu toa ăn thua moa sẽ thưởng cho mười chầu hát.
— Thật hay đùa thế?
— Có ai lại nói đùa như thế không? Đây này Bích đối với moa bây giờ như cái răng đau mới nhổ, ấy chỗ anh em moa cứ nói thành thực. Tự moa thì moa không can đảm, nếu không có ai giúp một tay. Toa có hộ thì hộ.
— Ừ, thế thì tôi ký cả bốn tay! Để rồi tôi xin đến. Nhưng biết hôm nào anh có ở đấy mà đến?
— Được, cứ việc đến, lúc nào cũng có thằng Tấn ở đấy.
Vừa lúc thấy một cô đầm lai khá xinh đẹp ngồi trên chiếc xe cao su từ từ đi qua xe anh. Phúc nháy mắt và vẫy tay ra hiệu. Thì cô đầm tức khắc mỉm cười và nói với anh cái chỗ hẹn:
— Musséc Louis Finot![57]
Phúc gật đầu, còn nói chuyện với Hựu độ mười phút nữa mới từ biệt.
Đi đuổi ái tình cố nhiên Phúc cho xe phóng nước đại. Qua phố hàng Buồm ra đến bờ sông, anh mở đến tám chục chứ không phải sáu chục mà thôi! Chiếc xe khổng lồ văng đi như gió, đi tới đâu gieo rắt sự khủng bố cho người đi đường và bà con hàng phố tới đấy.
Qua nhà nước đá, chợt sầm một cái! Anh chỉ còn kịp hãm nhanh! Một chiếc xe khác ở trong đi ra đã bị xe anh húc đổ lăn chiêng ra đường. Một viên quan đại tá lóp ngóp chui ở chiếc xe đó ra, và lôi ra theo người vợ đầm bị thương nặng ở mặt, máu chảy ra như suối. Phúc chỉ còn biết rất hối hận đã không bảo hiểm cái xe.
Trúng Số Độc Đắc Trúng Số Độc Đắc - Vũ Trọng Phụng Trúng Số Độc Đắc