As a rule reading fiction is as hard to me as trying to hit a target by hurling feathers at it. I need resistance to celebrate!

William James

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 163 / 71
Cập nhật: 2020-06-12 14:03:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Mấy Cuộc Hành Hạ Cuối Cùng
ãi tối hôm sau, Phúc mới về nhà.
Anh bước chân qua ngưỡng cửa gia đình với một tinh thần cứng cáp, với cái lòng tự kiêu của một vị tân khoa áo gấm về làng, với cái sự nhũn nhặn của một anh hùng đã chiến thắng quân giặc mà đi vào khải hoàn môn. Phúc không còn thấy đi hát mất một đêm một ngày là phạm phải một tội rất đáng trách mắng như mấy lần trước, mà lần này, trái hẳn lại anh ta còn cho rằng họa may bố mẹ có vì anh chơi bời như thế mà bắt đầu biết nể cái mặt anh được chút nào chăng. Nhất là với số tiền hai chục bạc trong túi, Phúc càng tin rằng đối với vợ anh đã quả nhiên là một vị thần thánh bất khả xâm phạm. Chứ lại gì! Cái luân lý đã được cải cách của cái xã hội kim thời há chẳng là có thể tóm tắt trong một câu này: “Làm gì cũng được tuốt, miễn có tiền đem về nhà thì thôi” đó sao!
Mà quả vậy!
Người thứ nhất anh gặp phải, khi bước vào nhà, là vợ anh… đáng lẽ hoặc lườm chồng một cái rất khinh bỉ, hoặc thản nhiên quay mặt nhìn ra phía khác hoặc cau mặt hỏi sẵng: “Gớm, đi đâu bây giờ mới về thế, hở bố trẻ?” như mọi lần, bây giờ người đàn bà ngoan ngoãn ấy để nở một nụ cười âu yếm và khẽ hỏi: “Thế nào có được không?”. Không đáp bằng lời, Phúc chỉ gật đầu một cái, và vỗ vào túi ba cái.
Đoạn anh đi thẳng vào trong nhà.
Anh hơi bất mãn vì không thấy “ông phán” và vợ con ông ta đâu, vì anh muốn “hạng người ấy” phải biết rằng anh cũng là người chơi bời, chẳng cần ai, chẳng sợ ai. Anh chỉ thấy cô em gái, cô Đức, lúc ấy đương ngồi khâu một cái khăn mặt. Trông thấy anh cô này nhại ngay: “Đừng láu”. Rồi cứ nhìn anh mà cười. Đáng lẽ tức giận, Phúc chỉ cười tha thứ, vì anh đã có những cái gì vững ở nơi anh.
Phúc lên gác, thấy mẹ thì khẽ nói: “Thưa đẻ, con đã về”. Anh chờ bà mẹ căn vặn thì anh cắt nghĩa một thể, nhưng không hiểu sao bà mẹ nhìn anh một cách sợ hãi, và gật đầu một cái thôi, chứ không hỏi gì cả. Phúc cởi áo the, bỏ khăn ra, lại xuống thang.
Ra cửa hàng anh ngồi bục, lấy trong túi ra một tập giấy bạc nhỏ hai mươi lá. Lúc ấy cảm tình của anh là toan đưa cả cho vợ số tiền ấy. Nhưng đến khi vợ anh vội vàng giơ tay ra, anh mới nghĩ lại, mới thấy rằng người đàn bà ấy là khả ố, chẳng đáng hưởng cả cái tử tế của anh. Anh bèn giữ lại ba tờ giấy bạc, nói:
— Đấy, cầm lấy mười bẩy đồng!
Vợ anh nhìn anh, sợ hãi, mãi mới dám nói:
— Sao cậu không cho em cả? Khổ quá, thế này thì biết vay ai được thêm ba đồng nữa cho đủ?
Anh trừng mắt hỏi:
— Thế ngộ không vay được đồng nào thì sao?
Không biết đáp sao cả, người đàn bà ngẩn mặt ra rồi hỏi thêm:
— Nhưng cậu thì tiêu gì những ba đồng?
Đến đây, anh mới nhận ra rằng sở dĩ anh giữ bớt lại chỉ là để tỏ cái quyền của người kiếm ra tiền, và để có cách hành hạ vợ anh cho bõ ghét mà thôi, chứ anh có việc gì phải tiêu đâu! Anh đã toan để cho vợ cầm lấy cả số bạc, thì mới chợt nhớ đến người phu lục lộ cùng ai anh đã hứa. Phúc giật mình, giật ngay lại ba tờ giấy bạc, trù trừ một lúc lâu, rồi đưa thêm cho vợ một tờ, mà rằng:
— Thôi, thế mợ tiêu mười tám đồng.
Tuy đã sung sướng hơn một chút, vợ anh cũng cau có:
— Khổ quá, thế em biết vay ai những hai đồng nữa cho đủ bây giờ!
Đến thế thì anh không thể nào chịu được nữa! Anh gắt đã hơi to tiếng:
— Thế ai bảo đánh mất một lúc hai chục bạc? Thế ngộ người ta không vay được cho lấy một xu nào thì sao? Hở?
Vợ anh lấm lét nhìn vào trong nhà, tưởng chừng đã có ai nghe tiếng, cuống quít kêu vang:
— Thôi! Thôi! Cũng được! Em đi vay vậy!
Rồi cười lẳng lơ ra ý rất hài lòng, để cho chồng cũng được bằng lòng mình. Phúc lặng im khinh bỉ, lại cất hai đồng bạc vào túi áo, rồi quay đi.
Nhưng anh chợt thấy ngờ ngợ rằng chỉ có thế chưa đủ! Người ta không ai đưa tiền cho vợ một cách dễ dãi quá đến thế. Anh lo rằng không khéo mình lại vừa là một thằng chồng ngu mà thôi! Ừ, vợ mình xưa nay vẫn khinh bỉ mình ra mặt, có lý nào mình lại tử tế với nó quá đáng, đi vay tiền cho nó chỉ vì nó vô ý đánh mất số tiền ấy! Tất phải hành hạ, hoặc phải cái gì, cho bõ ghét, cho cân tức thì anh nói nghiến:
— Thế rồi thì từ rày, thỉnh thoảng lại cứ đánh mất tiền một chuyến chơi như thế, cho nó sung sướng cái thằng đi ngửa tay mắc nợ nhé?
Vợ anh hãi hùng nhìn anh rồi cúi đầu, tủi thân.
Phúc chỉ hả hê, tường lời lẽ của mình là độc địa ghê gớm lắm, chứ không biết nói thế là làm hại mất cái phút hạnh phúc hiếm có lúc ấy, vì vợ anh đã vì câu mỉa mai mà lấy ơn làm oán.
Lên đến phòng riêng trên gác, anh ta ngồi thừ mặt ra, không còn biết làm gì nữa, hài lòng như người vừa làm xong một phận sự lớn lao. Thì ra đến lúc ấy anh mới chợt nhớ rằng ngày xưa, khi còn đi làm, lần nào lĩnh lương, anh cũng đã đưa nộp cả cho bà mẹ, còn vợ anh thật vậy, xưa nay chưa từng tự hào được đồng xu nhỏ của anh bao giờ! Chỉ vì lẽ ấy cho nên xưa nay vợ anh mới dám khinh anh, và lần này, được nhận tiền hẳn hoi, mới hết sức kính trọng anh, Phúc bất kỳ có cảm tưởng tốt với vợ, thương hại vợ nữa, vì nếu không vô phúc đánh mất tiền, thì người đàn bà ấy chẳng đời nào lại được cái hân hạnh đặc biệt lấy của anh số tiền khổng lồ hai chục bạc. “Thật đáng tiếc quá, số tiền như thế, mà nó chẳng được tiêu vào cái thân nó cho sướng được lấy nửa đồng!” Sau khi nghĩ thế, anh lại thấy cái cần ghê gớm phải làm thế nào trở nên giàu có, dầu là chỉ cốt để vợ anh được hưởng, chứ chưa nói đến những tư tưởng nhân đạo phi thường của anh làm chi!
Thấy mệt trong người, anh lên giường nằm nghỉ. Trước khi ngủ thật, anh đã phác họa một chương trình cho ngày hôm sau. Từ mai trở đi, anh sẽ chẳng ra ngồi vườn hoa Paul Bert đọc sách nữa, vì như vậy đã vô ích, mà lại gàn. Thật vậy, có thực mới vực được đạo, khi anh còn phải ăn hại người khác, cho dẫu là bố mẹ, thì anh không có quyền vội nói gì đến đạo lý. Mà cái đạo lý tốt nhất bây giờ, là chịu khó cầm lá đơn đi xin việc các sở tư.
Nhưng đến hôm sau, cái lòng hăng hái của anh chưa chi đã nguội lạnh. Trước khi ra đi, anh đã tự đặt cho mình không biết bao nhiêu là câu hỏi nữa: “Đi xin việc, chao ôi! Xin việc gì bây giờ, và xin ở sở nào? Liệu có ăn thua gì không? Ở đâu bây giờ cũng mật ít ruồi nhiều, muốn có công việc, phải có vây cánh, muốn có vây cánh phải có đút lót, muốn có chỗ đút lót, phải có hiểu hữu, quảng giao… Mà muốn được hiểu hữu quảng giao, phải có một ít tiền. Thế mà xưa nay, mỗi tháng ta chi tiêu không đến một đồng bạc, quảng giao vào chỗ nào được?” Chưa chi anh đã hình dung trong óc cái địa vị đáng buồn của một người thất nghiệp vác đơn đến những chỗ mà cũng sẽ chỉ nhìn mình một cách khinh bỉ hoặc sợ hãi mà thôi. Anh đau lòng rằng một người như anh mà không có thể làm được một nghề gì khác cái nghề cạo giấy rất tầm thường, rất đáng chán, ấy là chưa kể rằng đối với anh hiện giờ thì có một chỗ để ngồi mà cạo giấy, sự ấy cũng chẳng dễ chút nào!
Nhưng sau bữa cơm, anh cũng khăn áo ra đi. Dù lòng anh chẳng muốn tí nào, anh cũng không thể không đi tìm việc được. Anh đã chẳng nói khoác với bố mẹ rằng có người bạn tốt đương kiếm việc làm cho anh đó sao? Tai hại hơn thế nữa, anh đã cũng chẳng nói liều cả chính với người bạn tốt ấy rằng nay mai có việc làm thì anh trả nợ cái món tiền vừa vay đó sao?
Phúc vừa đi vừa thở dài.
Bây giờ anh mới biết giá trị của lời nói, dẫu là nói dối, dẫu là nói láo, dẫu là nói khoác. Thế mà con người ở đời hơn kém nhau chỉ ở chữ tín mà thôi!
Qua cả hai dãy phố Tràng Tiền, trước hiệu buôn nào, anh cũng dừng chân đứng lại bên ngoài cửa kính, và ghé mắt tận nơi để đọc rất kỹ lưỡng những mảnh giấy yết thị nhỏ có dán tem. Trong hàng trăm cái mới có một vài cái đề là cần người làm, còn thì toàn là những yết thị gọi thầu, gọi bán đồ cũ, gọi cho thuê nhà v.v… Mỗi lần thấy những chữ cần người làm, anh Phúc lại thấy quả tim đập rất mạnh, nhưng ba lần, anh đều thất vọng cả ba, vì cái yết thị thứ nhất thì cần một người đen tây gác cổng, cái thứ hai cần một chục cu ly, và cái thứ ba, cần một người bán hàng, nhưng lại thuộc giống đẹp. Anh khẽ thở dài. Tuy vậy, thế cũng chưa đến nỗi hoàn toàn thất vọng, vì nếu cũng còn có một vài nhà phải yết thị gọi người làm, thì nghĩa là nạn kinh tế khủng hoảng có lẽ đã bớt, và dân số thất nghiệp ắt cũng chẳng quá nhiều như ta vẫn tưởng xưa nay. Anh ta cứ vững tâm chắp tay sau đít mà ung dung như một người du sơn du thủy, và mỗi khi bên trong cửa kính thấy có người đương bầy hàng mà ngẩng lên nhìn anh, thì đôi mắt anh bỏ phăng những mảnh giấy yết thị. Anh vờ như chỉ khảo sát những hàng hóa để khi nào cần phải mua thì sẽ đến mua.
Hết phố Tràng Tiền, anh qua phố Đồng Khánh, rồi rẽ về con đường Hàng Cỏ. Thấy đồn ít lâu nay, rằng có những đại lý xe hơi mở rộng phạm vi thương mãi bằng cách xây thêm xưởng máy, Phúc kiên tâm đi tìm xưởng ấy thôi, chứ không quan tâm tới những nhà buôn nhỏ anh gặp ở dọc đường. Một thứ linh giác báo cho anh rằng đến đấy, và chỉ đến đấy thôi, là anh có nhiều cái may mắn tìm được việc. Anh lại định trước: Nếu họ chỉ mượn thợ tập sự, thì anh cũng xin.
Cái nghề cạo giấy, thư ký kế toán, thư ký đánh máy chữ, thư ký thường, tuy anh đều biết cả, nhưng anh cũng chán nó đến bậc coi nó như không có giá trị gì cả, coi nó như không là một nghề nữa.
Nếu được học thợ, anh sẽ rất hoan nghênh bộ áo vải xanh. Với học thức của anh, anh dám chắc là có thể nâng cao được giá trị cho thợ thuyền, hạng người vốn bị xã hội khinh là thiếu học. Và có mặc quần áo vải xanh, đi guốc, xách búa, anh sẽ mới là có trong tay quả thật một nghề.
Vừa nghĩ đến đây, Phúc đã đến cửa hãng. Tìm đến chỗ có dán ít nhiều yết thị, anh mừng rỡ vô cùng khi thấy có một tờ chưng là hãng đương cần hai người thư ký, ai muốn xin phải qua một kỳ thi. Nhưng Phúc ta chưa vui mấy đã phải buồn ngay tức khắc, và sự buồn rầu ở trong tâm giới anh chỉ trong nháy mắt đã trở nên một mối thất vọng, rồi từ thất vọng mà biến chứng ra hối hận ghê gớm nữa. Thật thế, vì hạn nộp đơn xin thi, kể đến hôm qua là vừa vặn hết. Nếu người ta chưa bóc giấy yết thị ấy đi, có lẽ là chưa kịp nghĩ đến, có lẽ họ sắp ra bóc đến nơi! Anh đến chậm mất hết một ngày! Than ôi! Số phận hẩm hiu làm sao mà đến nỗi bấy lâu nay, anh cứ ra ngồi vườn hoa mà xem sách một cách vô tích sự như thế! Người nhà vẫn trách anh không chịu mầy mò, sự ấy nào phải oan! Thôi thôi, thật là mình làm mình chịu, anh chỉ còn cách tự mình giận mình. Nếu những tư tưởng đau đớn, tức bực của anh lúc ấy mà phát nên lời, chắc những lời ấy đã tàn nhẫn hơn cả những câu đay nghiến của bố mẹ anh nhiều lắm.
Và, ôi ai oán! Giữa lúc anh tần ngần đứng trước cửa kính, thì sự mỉa mai của số phận sui khiến ra cái sự có người thư ký ra bóc cái yết thị ấy để xé phăng nó đi!
“Ơi, ta ơi là ta ơi! Đáng kiếp cho chưa? Như thế đã đủ là quả báo nhỡn tiền hay chưa? Ai bảo ta khinh tiền bạc xưa nay, đến nỗi thờ ơ cả sự tìm sinh kế? Ai bảo ta cứ mải miết dùi mài kinh sử mãi như một kẻ mất trí khôn? Ai bảo ta chỉ tập tễnh muốn làm một nhà đạo đức, một người chẳng chịu lụy ai, không bị ai bắt nạt, áp chế? Muốn thế, họa chăng là có bậc đế vương ở cái thời buổi ngày nay đi nữa, thì bị bắt nạt, bị áp chế, cũng chỉ là thường. Ta có nhiều lý tưởng cao xa, khốn một nỗi, ta chót quên một điều này: có thực mới vực được đạo! Thế thì bây giờ ta đã sáng mắt ra chưa hở ta? Nếu có chết đói, cũng là đáng kiếp cho ta lắm! Ta tưởng ta là ai? Ta chỉ là đồ xuẩn, đồ khốn nạn, đồ mù!”.
Phúc đăm đăm nét mặt nghĩ ngợi mãi, còn muốn tìm nhiều câu cay đắng, độc địa để tự nhiếc mình một bữa cho thỏa, vì xưa nay anh ta chỉ biết có tự cao, tự túc tự đại, chứ chưa hề có phạm điều gì bứt rứt cho lương tâm. Nhưng anh chỉ có tìm thấy thế thôi; nên còn đứng ỳ ra đấy, như tượng gỗ. Người thư ký bên trong nhìn anh và tủm tỉm cười. Anh quay đi, thì thấy người ấy nói ra: “Đẹp lắm rồi! Ngắm mãi!” Thì ra họ tưởng anh soi gương! Đến lúc ấy, anh mới nhận ra rằng miếng kính to tát của cửa hàng ấy tốt đẹp đến mức không có thủy ngân mà soi vào ta thấy thật mặt hơn gương nữa.
Anh bước đi cho nhanh, ngượng ngùng.
Chợt một tư tưởng bất thần nẩy ra trong óc anh, làm cho đôi mắt anh quắc lên, cả cái mặt đăm chiêu cũng sáng sủa ra, vì một tia sáng hy vọng… Hay anh cứ vào xin nộp đơn, dầu đã chậm một ngày? Anh sẽ nói là không may vắng mặt Hà Thành nên không biết và cố khẩn khoản xin người ta cứ chấp đơn cho. Thì anh cứ thử liều vào hỏi xem, được càng hay, không thì thôi chứ gì? Nghĩ thế anh quay gót trở lại, và cũng chưa quả quyết hẳn. Là vì, ngay lối vào, có ông tây đen gác cổng cao lớn, uy nghi như Trương Phi. Bên trong có ba người Pháp đang đứng nói chuyện cạnh một chiếc xe hơi, ai cũng to tiếng cãi nhau, làm anh chột dạ. Anh phải tìm một người đồng bào, Nam quốc, Nam nhân với nhau, hoạ chăng có hỏi gì thì may cũng được họ vui lòng chỉ bảo cho. Phải dò la “binh tình” thế nào đã. chứ hỏi ngay Tây, vừa khó nói, vừa bất tiện nhiều lẽ. Thêm nữa, chỉ mười lăm phút nữa đã hết giờ làm rồi. Thôi ai cũng đã sắp về, chẳng nên vội, để đến chiều là hơn. Ít ra cũng phải sẵn thời giờ thiên hạ mới có thể đáp lại anh những điều anh xin hỏi.
Thế là anh lại quả quyết quay đi.
Để mà rất mừng rằng không vào hỏi vội là may, chứ vào kè nhè xin nộp đơn mà đơn anh cũng chưa có thì người ta sẽ lộn ruột và Tây nó sẽ chửi cho ấy! Chứ bỡn! Xin việc, chẳng phải trò đùa!
Anh bước nhanh về nhà, để thảo đơn đã.
Đến buổi chiều, anh trở lại với lá đơn trong tay, với nhiều câu tiếng Pháp sửa soạn trong óc. Anh dám chắc nếu người ta sẵn lòng tiếp anh cho anh được phép nói thì thế nào anh cũng xin được, vì cái ngôn ngữ anh sửa soạn để ứng đối nó trôi chảy, lễ phép, tha thiết, và rất văn chương. Anh tưởng tượng: mình chỉ xin một chân thư ký mà mình biết ăn nói như thế, có khi họ nhận ngay, không cần bắt thi nữa.
Anh nói một câu, được người Tây đen gác cổng cho vào ngay. Anh còn ngơ ngác tìm phòng giám đốc thì gặp một người Tây đi qua mặt, và người này trừng trừng nhìn anh. Phúc ta liền vái chào, nói ngay cái trường hợp của mình. Đáng lẽ cho anh biết phòng ông chủ ở chỗ nào, người Tây ấy gọi to:
— Sang! Sang!
Từ cái buồng gần đấy bỗng có tiếng đáp: “Me-xừ” rồi thấy một người to béo, mặt mũi phương phi, chạy vội ra. Anh Phúc đoán: hẳn đó là một tay thế lực trong sở. Người Tây trỏ Phúc, bảo người thế lực ấy đại khái: “Hỏi cái thằng cha kia xem nó muốn xin cái gì. Nó nói lăng nhăng những gì, tôi không hiểu gì cả… ” Rồi người Tây bỏ đấy ra đi ngoài cửa làm cho một con chó khổng lồ từ bên trong sở cũng nhẩy bổ ra, chạy theo. Nếu là người tinh ý một chút Phúc phải biết ngay rằng ông chủ hãng chính là người Tây ấy.
— Cái gì? Hỏi cái gì thế.
Phúc ấp úng, nghĩ ngợi rồi đáp:
— Tôi muốn được vào ông chủ …
Tức thì ông kia phật ý như một người to tát mà phải gặp một kẻ ngu dại không biết mình là ai:
— Ông chủ! Không phải ai cũng vào ông chủ dễ đến thế được!
Đến bây giờ Phúc mới để ý. Anh vội sửa chữa sự sơ xuất của mình:
— Thưa ông, xin lỗi ông… ông có làm ơn cho tôi vào thẳng ông chủ.
Ông kia tặc lưỡi, lừ mắt, quát:
— Thì ông chủ, ông ấy vừa đi ra đấy! Hỏi gì? Ông chủ kêu rằng anh nói gì, ông ấy không hiểu, nên ông ấy gọi tôi ra xem sao đây!
Rồi trông thấy cái đơn trong tay Phúc, ông ấy giơ tay ra:
— Đưa đây xem! Xin gì, cứ đưa đơn đây!
Phúc thở dài đưa đơn, biết rằng thế là hỏng việc.
Anh đã thừa rõ cái lối dìm của những ông ký cựu có thế lực trong những sở, mỗi khi thấy ai muốn xin vào làm. Cái trường hợp của anh là phải vào thẳng được ông chủ, nếu không thì là toi công thảo đơn. Mà quả vậy, vì ông kia đọc qua loa rồi đưa trả ngay Phúc.
— Quá hạn rồi, không chấp đơn nữa.
Phúc còn cố nói:
— Thưa ông, mới quá một ngày…
— Quá một giờ thôi người ta cũng không nhận nữa. Thôi đi về.
Phúc ta trơ trẽn, ngượng ngùng, đỏ mặt lên, toan cố hỏi một điều nữa nhưng phải thôi, bẽn lẽn đi ra. Nhưng ra tới ngoài hè, anh lại trông thấy ông chủ hãng lúc ấy đương miệng thì huýt còi, tay thì giơ cao lên ra hiệu cho con chó khổng lồ phải nhảy lên liếm cái bàn tay. Phúc tự hỏi: “Hay ta lại cứ cố nài xin một lần cuối cùng nữa? Nhục, thì còn sợ gì nhục nữa, nếu cái nghề mà ta xin, tự nó nó cũng đủ là một cái nhục rồi!” Anh bèn đứng lại xa xa phía sau lưng người Tây. Và anh được xem làm phúc cái trò dạy chó chồm lên rõ cao, chắc là phải để con vật quen đi, khi gặp trộm, nó có thể nhẩy lên cắn cổ được kẻ trộm.
Hai mươi phút trôi qua như thế, ông chủ hãng xe hơi mới chịu thôi cho, đút tay vào quần để lững thững đi vào. Phúc ta cầm chắc lấy tất cả cái can đảm của mình vào hai tay vái một cái, quả quyết tiến đến, không nói gì cả, đưa lá đơn lên. Người Tây cầm lá đơn một cách bất đắc dĩ, thì chưa chi con chó đã xông vào mặt Phúc mà sủa om lên, hình như không muốn cho ai làm mất thời giờ của chủ nó. Thành thử người Tây đáng lẽ đọc đơn, lại phải mắng con chó của mình một cách rất vất vả, vì mãi nó mới chịu thôi cắn và chạy vào. Thế mới biết rằng mọi sự may rủi của con người ta ở đời đều mong manh như treo dưới một sợi tóc, vì ông chủ kia, mắt mặt hầm hầm vì giận con chó khó dạy, chỉ đọc qua đơn của Phúc rồi đưa trả ngay. Phúc mới kịp nói một tiếng “Monsteur”… thì ông chủ ấy vứt lá đơn xuống đất, để mà gắt to:
— Mais foutez-moi la paix! (đừng làm rộn).
Phúc ta cúi xuống nhặt tờ giấy cuộn tròn vô duyên. Anh không dám nhìn lại sau lưng nữa, chỉ lủi thủi đi mất. Sang tới bên kia hè, anh mới quay lại, và thấy người Tây đứng khoanh tay nhìn theo anh, không rõ với cảm tưởng gì trong đầu. Phúc dừng chân, thỉnh thoảng lại quay đầu lại với cái hy vọng được người Tây thương tình, đổi ý, mà vẫn gọi mình trở lại chăng. Nhưng đến lúc anh nhìn lại lần thứ tư, thì người Tây cũng xo vai, vào hẳn trong sở.
Phúc vừa đi vừa xé tan lá đơn thành một nghìn, một vạn mảnh vụn, vứt xuống đất, nhìn những mảnh ấy bay theo gió. Anh đã lên tới cái đỉnh chót vót của thất vọng, và thấy mình chóng mặt. Nếu anh cứ bị bó buộc ngất ngưởng mãi trên cái sự cao thượng như thế, ắt có lúc sẽ té đau. Trèo cao ngã đau, xưa nay anh trèo quá, và cái ngã này, anh thấy đau quá.
Nhưng thế, liệu đã hết chưa? Không rồi anh còn ngã nữa cho mà xem, dẫu rằng hiện nay, anh đã từ cái cây cao thượng không tên kia mà tụt xuống rồi, chứ phải đâu là còn dám trèo lên nữa! Phúc rùng mình. Anh thấy hình như chỉ có cái sự này đáng gọi là chân lý: nghĩa là làm người thì không ai khác được, và chẳng một ai là có thể được sống theo ý mình muốn. Anh đã mơ mộng đã điên rồ, thì từ nay trở đi, anh sẽ biết cánh châm chước mình vào tới hoàn cảnh thuận tiện, thế thôi. Đi xin việc không được việc, thế cũng chỉ là thường. Nếu bảo vậy là nhục thì ở đời này còn chán vạn những việc đã nhục hơn thế, và vào những việc xấu xa hơn thế.
Và sở dĩ Phúc kết luận như vậy là vì từ trong thâm tâm của anh, anh đã bắt đầu cảm thấy nguy hiểm của tương lai, những ngày mưa gió, thiếu thốn, nheo nhóc, mà anh đã mục đích ở những gia đình khác, nó làm cho anh lo sợ, bỗng dưng mà giật mình đánh thót một cái, tưởng chừng như con ma nghèo khổ đã đến gõ vào cửa phòng mình vậy.
Trông thấy một bà lão già và ba đứa trẻ rách rưới đương khom lưng nhặt lá hàng hai bên vỉa hè, anh gật đầu, tự nhủ: “Thật thế, phải đề phòng mùa đông… Đến con kiến cũng biết tha lâu đầy tổ, phòng xa những cảnh cơ hàn, cớ sao ta là người, ta chẳng biết đi kiếm tiền, dẫu là không cần ngay thì cũng để dành một chỗ?” Với những tư tưởng thực tế ấy, thế là chương trình đi tìm việc mà anh đã phác họa, anh chẳng bỏ dở nó đâu.
Không phải ở Hà thành chỉ có một hãng ô tô ấy.
Cũng như trong đời anh chẳng phải chỉ có một ngày hôm nay.
Chẳng bữa nay thì bữa mai, chẳng chỗ này thì chỗ khác, vũ trụ còn để thừa nhiều… Giời sinh voi sinh cỏ, hơi đâu mà lo việc man năm! Vả lại, nghĩ cho cùng nào có ai chết?
Anh định về nhà nghỉ. Thế rồi - Ôi mâu thuẫn! Ngay đêm ấy, anh để đèn ngồi viết cái bài đại luận ấy, cái bài báo ghê gớm mà tiên đề là “Sự phá sản của đạo đức” với tất cả tấm lòng hăng hái, sốt sắng và thành thực mà một người thành thực nhất đời có thể có được. Thật thế, tuy anh đương là kẻ chẳng có một địa vị cực kỳ cao thượng song chưa ai biết, mà khi ngồi viết bài ấy anh cũng biết dùng đến giọng đàn anh của một bậc hiền nhân quân tử hẳn hoi, tựa hồ như một nhà triết học danh tiếng đã vang lừng khắp cả Âu, Á, để mạt sát cái trào lưu sùng thượng vật chất, tham vàng bỏ nghĩa, của cả nhân loại, cái nhân loại mù lòa và nô lệ của những công trình do mình sáng tác ra. Cuối bài, anh gọi Thượng đế mau mau trị tội mọi người bằng một trận lụt quốc tế như ở thời ông Noé[31] hay là những đám cháy kinh thiên động địa như hai nạn thủy tai hủy hoại cả thành Sodome và thành Gomorrhe[32]! Bài ấy thật là một thiên hùng biện. Tác giả nó đã có cái giọng kẻ cả viết sấm truyền cửa các nhà tiên tri, và những câu văn thì thực có cái ý vị chua chát, khinh đời vô cùng. Tưởng chừng như giả dụ ký những tên như Cô Hồng Minh, Lương Khải Siêu, Romain Rolland, Duhaniel[33] dưới bài văn kiệt tác ấy, có khi thiên hạ cũng phải tưởng thật.
Viết xong bài, tư vấn lương tâm, Phúc cho rằng hai việc làm của anh hôm nay chẳng có gì mâu thuẫn nhau.
Trái hẳn lại nữa! Bởi lẽ anh đã bị cái trào lưu khốn nạn của đại đa số xô đẩy, cũng phải vác đơn đi xin việc làm như những kẻ rất tầm thường, cho nên anh tự cho phép mình được viết một bài tỏ lòng phẫn uất như thế, và anh được phép hơn cả ai ai nữa. Nếu anh không thất bại một cách nhục nhã trong sự tìm sinh kế như vậy, thì anh lại không có cái quyền phẫn uất như thế nữa. Anh chỉ quên không căn vặn mình rằng nếu được người ta chấp nhận đơn, thì chẳng hay anh có còn khinh bỉ cả nhân loại đến không.
Hôm sau, anh ung dung đến Đông Phương nhật báo. Khác hẳn những lần trước chỉ bỏ bài vào thùng thơ của nhà báo rồi ra về một cách nhũn nhặn, lần này anh đòi vào thăm ông giám đốc hoặc ông chủ bút để trao bài tận tay. Không danh thiếp, anh phải viết tên và một mẫu giấy mà người tùy phái nhà báo đưa ra. Thì anh được vào ngay thức khắc.
Người ta tiếp anh cũng khá long trọng và cảm tưởng đầu tiên của anh khi vào tòa soạn một báo quán, là thấy nghề viết báo cao thượng lắm, làm cho anh phải ao ước được bước vào con đường công danh khẳng khái ấy. Trông thấy những núi báo chí trên cái bàn rộng, những địa đồ trên tường, những cuốn từ vựng khổng lồ trong các tủ, và ống điện thoại, và máy đánh chữ, và hòm vô tuyến truyền thanh, lại nghe tiếng máy in chạy sầm sầm ngay cạnh đó, lại hoa mắt lên vì sự hoạt động chạy đi chạy lại của các biên tập viên và loong toong, anh vui vẻ tự hỏi: “Ừ, còn nghề gì danh giá và anh hùng bằng nghề thông tin và giáo hóa cho quốc dân, mà lại bởi những phương tiện đáo để như chửi bới Hiler, Mussolini, công kích hết thảy những ai là to tát, từ dân chí quan, ai ai cũng có thể bị nói mỉa, bị nói nghiến, cho chí quan Thống sứ, cho chí quan Toàn quyền?” Bỗng dưng anh thấy ngượng nghịu, lúng túng, sợ sệt, trước mặt mấy nhà văn sĩ mà anh vẫn nghe danh, mà bây giờ anh mới được đối diện, những người mà anh vẫn coi như là phục anh lắm, như vậy mới danh giá cho anh chứ!
Ông chủ bút, một người má hõm, vai xo, mắt lờ đờ, trông như là nghiện thuốc phiện - đừng láo! chắc hẳn vì làm cái nghề hao tổn tinh thần, lo việc quốc gia, xã hội cả đêm cho nên, mới có hình dung tiều tụy ấy, trịnh trọng nói với Phúc:
— Văn của tiên sinh khá lắm… ý kiến bao giờ cũng đặc sắc, tỏ ra người độc lập không đời nào khuynh theo những thị dục của thế nhân, thật chúng tôi rất hân hạnh được một người bạn như tiên sinh đó.
Phúc cung kính thưa:
— Bẩm, những bài trào phúng hằng ngày mà ngài ký tên là Mặt Giăng, tôi đọc cũng thấy làm kính phục lắm.
Văn sĩ Mặt Giăng điềm nhiên đưa ra gói thuốc lá Hồng mai cho Phúc, rồi gọi mấy người khác:
— Này các anh, hãy để đấy đã. Đây là Nguyễn Văn Phúc tiên sinh, tác giả những bài luận mà chúng ta vẫn hết sức khen…
Mấy người kia đến gần Phúc, để cho anh biết rằng đó là những tay bình bút trứ danh như: Ngọn Đèn Ló, Bất Tuyệt, Thiên Lôi, Bút Thép, và Hu Hu tức Hi Hi.
Sau cuộc giới thiệu, bắt tay, người ta ngồi hội họp nhau để nhã nhặn ca tụng lẫn nhau là những vị thần thánh bất khả xâm phạm, đến nỗi Phúc dám tưởng chính anh cũng đã thạo nghề rồi.
Mãi đến lúc này, Phúc mới rút trong túi đưa ra bài văn. Anh ngửa cổ tự do vào thành ghế, bắt chân chữ ngũ rõ cao tuy chưa để hẳn lên bàn, vì anh không còn thấy ngượng nghịu gì nữa, cho rằng chỉ trong chỗ các nhà văn thanh khí lẽ hằng với nhau rồi là mới hiểu nổi cái chân giá trị của anh, mặc dầu cái khăn lượt gián nhấm, mặc dầu cái áo the ba chỉ đã bạc mầu ở hai vai.
— Sự phá sản của đạo đức!
— Ái chà! Cái tít[34] ấy hệ trọng lắm đó!
— Phải, bài của ông Phúc, bao giờ cũng đặc sắc…
— Đọc đi cùng nghe! Đọc đi, mày!
— Tiên sinh cho phép nhé?
Vừa lúc ấy có một người thô lỗ, to béo, kính trắng, răng đen, trông như ông chủ hiệu thợ may tây, hớt hải chạy vào. Văn sĩ Mặt Giăng giới thiệu:
— Trần Học Hải, bản báo chủ nhiệm… ông Nguyễn Văn Phúc, bạn thân của tòa soạn.
Sau khi cúi đầu chào và bắt tay Phúc, ông chủ báo cũng ngồi xuống ghế, ngửa mặt ra trịnh trọng nghe.
Nhà văn Bút Thép, đọc bài “Sự phá sản của đạo đức” bằng giọng lè nhè như sự đạo đức phá sản… Tuy vậy, những ý kiến lạ lùng, cách hành văn tha thiết của Phúc cũng vẫn đắc thắng một cách rõ rệt, vì sau mười lăm phút nghe đọc, ai cũng gật gù tấm tắc khen ngợi.
Ông Thiên Lôi phê bình:
— Đến Gandhi thì cũng chỉ viết hay được đến thế!
Ông chủ nhiệm nói rõ hơn:
— Ông thật là người có biệt tài. Để đăng trang nhất.
Rồi mời Phúc một điếu thuốc cũng hiệu Hồng mai, và gọi rót nước ầm lên.
Sướng quá, Phúc chẳng biết nói gì để đáp sự khen lao công cộng đó.
Bữa ấy, anh đã ngồi nói chuyện chính trị, thế giới, văn chương với các ông nhà văn mãi đến lúc họ lấy mũ ra về.
Anh lại muốn ra về vườn hoa. Sự học hành của anh bấy lâu nay chẳng phải vô ích cho sinh kế của anh đâu; ai dám bảo là bây giờ anh không có hy vọng trở nên một nhà viết báo xuất sẳc, và được mời ngay vào làm cho Đông Phương nhật báo? Rồi mà xem! Những người ngu dốt vẫn công kích anh là gàn xưa nay! Anh cũng sẽ kiếm ra tiền, mà không phải làm nghề thầy ký, mà sẽ làm một nghề cao thượng, danh giá, anh hùng bướng bỉnh bênh vực dân nghèo, công kích chính phủ!
Được cái men hy vọng giúp cho anh say xưa một cách đầy thi vị, Phúc tự hỏi một cách ngạc nhiên: “Quái sao ta cứ tưởng muốn giữ cho cao thượng ắt không được làm nghề gì? Sao đến bây giờ ta mới nghĩ đến nghề viết báo, ấy là xem chừng thì chỉ nghề văn, nghề báo là hợp với tâm hồn ta mà thôi? Lạ thật! Lạ thật!”.
o O o
Chưa chi, anh đã thấy mình đến cái chốn công viên yêu quý xưa nay. Người phu lục lộ chạy đến ngay, lễ phép nói:
— Bẩm lạy cậu, con chờ cậu mãi…
— Gì nữa thế?
— Bẩm… con trả nợ cậu và cảm ơn cậu lần nữa. Thật là nhờ cậu, gia đình con mới yên.
— Có gì mà kể ân với nghĩa!
Người phu lục lộ đâm ra văn chương:
— Bẩm cậu, thời xưa, bát cơm Siếu mẫu[35] đáp ơn nghìn vàng nữa là! Con chưa có gì đáp ơn, nhưng thôi, hãy cứ trả nợ cậu sòng phẳng.
Cầm đồng bạc, Phúc nghĩ đến Tấn, tự hỏi bao giờ mình mới sòng phẳng được với bạn để cho khỏi thẹn thầm với người phu áo rách, nhất là khi làm ơn cho mình, bạn còn cho mình được dịp hưởng “của người phúc ta”. Nghĩ đến sự nói dối bạn, anh liên tưởng tới cuộc xổ số mà anh đã mơ màng vào cái đêm nằm dưới xóm. Anh quyết định: “sẵn tiền đây, ta phải mua vé số ngay mới xong! Không mua ngay thì hỏng, vì ta hay quên lắm…”
Tức thì anh từ giã người phu.
Và chỉ mới đến trước tòa Đốc lý, anh đã gặp ngay một người đàn bà bán vé số với một cái bàn nhỏ. Anh đặt ngay tiền lên mặt bàn rất mạnh mà rằng:
— Tùy bà lựa chọn hộ đấy, cứ cái nào sẽ trúng mười vạn thì bà xé cho tôi!
Người đàn bà cười và từ chối:
— Thôi ạ! Để ông xé lấy, vì sợ tôi không xé trúng cái vé quý báu ấy đâu ạ?
Phúc nhắm mắt lại, giở tập vé số rồi rứt ra một cái.
Anh đã nhớ: Thần Tài vốn mù lòa[36]. Đã đánh bạc mà còn kén chọn số này, số khác, anh cho thế là chẳng hiểu sự đời may rủi là chi. Và anh bỗng có một cái cảm giác rất lạ lùng, là rồi anh sẽ trúng số.
Tức thì anh nghĩ đến sự về ngay nhà để lấy bút mực đề rõ tên mình vào lưng cái vé, đề phòng sự đánh mất, hoặc mọi sự hiểm nghèo có thể xẩy ra. Anh chợt nhớ rằng bác phu lục lộ đoán tướng mạo anh, và cam đoan là anh sau này phải có bạc vạn. Nếu sự ấy sẽ đúng, trừ phi trúng số thì thôi, chứ còn cách gì? Nếu đúng thật như lời đoán, anh quyết nguyện sẽ cho người phu tinh đời ấy một số tiền rất to!
Trên con đường về nhà, anh đi ung dung nhẹ nhõm thấy thân thể như cường tráng hơn mọi buổi, anh sung sướng như một thiếu niên mới bước chân trên đường đời, chưa hề bị một thất bại nào đầu độc.
Anh định về nhà thì viết ngay một lá thơ cho ông chủ báo để đả động đến quyền lợi của mình. Nếu người ta không mời ngay anh giúp việc - điều ấy anh chưa hề dám hy vọng, thì người ta có thể đền bù công lao của anh bằng một số tiền nhuận bút cỏn con. Phải thế không, họa chăng sự đời mới có nghĩa lý chứ? “Con có khóc, mẹ mới cho bú” nếu bấy nay họ chẳng đả động tới số tiền nhuận bút của anh, có lẽ chỉ bởi cớ anh không nói gì. Và có lẽ họ còn sợ rằng nếu trả tiền anh tức là khinh bỉ anh cũng nên. “Thế thật, có thể họ tưởng mình không cần gì đến tiền được lắm chứ? Nhưng thôi thôi, xin các ông, các ông nghĩ cho, ai lại không cần tiền!” Thế là anh đã dám có một hy vọng rõ rệt vì xưa nay anh vẫn nghe phong thanh rằng mỗi bài báo thì cứ tính chẻ hoe ba xu một dòng như vậy, anh có thể được nhận của nhà báo một số tiền khá to nữa vì bài báo của anh họ cũng đã đăng lên cột nhất trang nhất hẳn hoi.
Nhưng về đến nhà, anh không được ngồi ngay vào bàn viết thư. Ở nhà quê, có ông Đối là người bác đồng tông với anh vừa ra chơi. Anh phải tiếp chuyện ông ta, vì gia đình, anh để mặc ông ngồi ôm gối trên một cái phản gần nhà bếp.
Xưa nay, Phúc rất có cảm tình với ông Đối.
Anh không bao giờ quên những thời gian sung sướng mà anh đã sống với ông bác nghèo rất đáng yêu ấy, thuở bé, vào mấy vụ nghỉ hè. Ông Đối chiêu đãi anh hết sức, anh muốn gì cũng đã được cả.
Ông Đối đã chặt một cây tre già nhất hàng rào của ông để uốn cung và vót tên cho Phúc đi bắn chim. Ông lại làm cả diều, cả cần câu cho cháu có thêm cách giải trí. Những khi đi bắn chim, đi câu, đi thả diều về vừa nhọc vừa đói, thế nào Phúc cũng biết trước rằng bác Đối đã làm cho mình một món gì ăn rất ngon. Nhờ những bữa nghỉ hè ở nhà quê, Phúc được biết giá trị của cua muối, canh cua nấu bánh đa, óc đậu, bánh đúc nậm, những thứ mà Hà Thành không biết làm cho ngon mà ăn. Nhất là con niêng niễng mà bác Đối bắt được ở ngoài đồng đem về rang lên để phần anh hằng bát, thì anh đã ăn với cái thứ nước bọt của những nhà sư được ăn vụng thịt chó.
Bây giờ thì ông Đối nghèo rồi. Ba năm úng thủy liền, lại một năm đại hạn, cộng với một năm nữa có nạn dịch trâu bò, đã làm cho người nông dân trung lưu tụt xuống cái vũng bùn lầy vô sản. Phúc còn nhớ rằng xưa kia, mặt mũi ông Đối cũng dễ coi, sáng sủa, nếu không gọi là phương phi hẳn hoi. Xưa kia, thỉnh thoảng ông ra tỉnh với cái áo the mới, và đôi giầy Gia Định đóng đanh tre, cài ở cái thắt lưng mầu hoa hiên… Bây giờ mặt mũi ông trông gớm chết, hai mắt hóa ra toét nhèm, hai má hõm lại như hai lỗ đáo, và có điều lạ lùng nhất, không ai hiểu được là xưa kia hai hàm răng ông đều đặn hẳn hoi, thì bây giờ hốt nhiên vẫn tướng mãi ra! Đến nỗi mồm ông lúc nào cũng há hốc mà hình như muốn mím môi lại thì khó khăn lắm. Đến quần áo ông nữa mới lại thảm hại… Cái áo cánh nâu, cái quần nâu mà vá cả vải thâm, cả vải trắng, thật là đeo giây buộc giúm, khâu trùm giá lớp mà vẫn lôi thôi lốc thốc, rách rưới quá một thằng ăn mày.
Chỉ duy cái mũ trên đầu là lành lặn, nhưng đó lại là cái mũ chào mào không biết ông nhặt được ở đâu cho nên sự vôi tội của cái mũ làm cho quần áo ông lại tiều tụy hơn, và làm cho cả người ông thành ra ngợm, không ra cái quái gì nữa! Từ khi ông Đối mặc áo rách, ông ra tỉnh với em ít hơn, cũng như từ đấy Phúc cũng ít được dịp về quê. Và nhiều khi bác ra chơi thì cháu lại đi vắng.
Trông thấy bác, Phúc vui vẻ hỏi:
— Bác mới ra đấy à, lạy bác!
Ông bác nghèo giật mình đánh thót một cái có lẽ ngạc nhiên ở chỗ sao thằng cháu con ông em giàu có lại còn chào mình, ông đương ngồi mà luống cuống đứng lên, chắp hai tay lại, tuy chưa vái rạp:
— À vâng! Ấy kìa anh… Lâu lắm bác mới lại gặp, vì mấy lần ra anh đi chơi vắng cả.
Phúc ngạc nhiên ở chỗ bố mẹ mình sao lại có thể để một mình ông anh họ đồng tông ngồi suông một mình dưới bếp thế được.
Anh bảo:
— Bác ơi, bác lên trên nhà đi.
— Thôi được, sợ có khách khứa…
Mãi Phúc mới mời nổi ông Đối lên được cái gác riêng của anh, Phúc cảm thấy một mối buồn nó làm cho anh tưởng chừng như đến khô héo cả ruột gan, khi thấy người ta nhàn bần khí đoản đến như thế. Thật vậy, bây giờ giữa anh và người bác thân yêu ấy đã có một hàng rào khó vượt rồi, mà chỉ vì nhà anh còn đủ ăn, và gia đình người bác thì đói, thế thôi. Anh ta thấy muốn khinh bỉ bố mẹ lắm. Một lần nữa, anh lại thấy anh cần phải giầu, vì nếu anh chỉ cứ thế mãi, thì mặc dầu những cảm tình của anh với ông Đối là tha thiết đến bậc nào đi nữa, anh ta, kỳ chung cũng vẫn chỉ là ích kỷ, ấy nếu không biết che đậy cái ích kỷ ấy bằng những lời an ủi hão, thương miệng thương môi suông.
— Bác ra từ bao giờ?
— Từ mười giờ ạ.
— Thế thầy đẻ cháu đã mời bác xơi cơm chưa?
— Dạ, tôi đã ăn ở nhà quê rồi ạ.
Câu đáp ấy đủ tỏ cho Phúc biết rằng bố mẹ mình tệ đến nỗi không buồn thí cho ông ấy nổi lấy bữa cơm. Anh to tiếng gọi thằng ở, bảo nó đi mua hai bát phở để mình ăn một bát cho người bác cũng dám ăn, tuy anh không đói. Trông thấy ông Đối ăn nhanh đến thế, anh mới đoán chắc rằng có lẽ ông ta từ sáng chưa có hột nào trong bụng đâu! Anh chợt nhớ ngay: một lần, mẹ anh đã nhăn mặt khẽ nói với bố anh, cách đây ba năm, rằng chính ông Đối đã lên tỉnh lỵ Hưng Yên hành khất chi đó, và bố mẹ anh không những chẳng động tâm thương hại chút nào, lại còn coi sự ấy là nhục nhã cho tổ tiên, với làng nước. Phúc đau đớn nghĩ: “Có thể chính bây giờ ông ấy cũng vẫn đi ăn mày, nhưng mà giấu giếm mình, cũng chưa biết chừng!”. Rồi Phúc nghĩ đến những bữa cơm có canh cua nấu bánh đa khi xưa, ngon lành mà bác cháu vui vẻ có nhau… Thế là anh thấy ứa nước mắt ra, và phải vội nói ngay:
— Chết chửa, bát phở nó cho nhiều ớt đến thế! Bác xơi bát nữa nhé?
— Dạ thôi ạ, cảm ơn anh.
Phúc sai đầy tớ đi mua nữa, và bát thứ hai, ông Đối cũng không từ chối. Cái đói của người bác ấy hiển nhiên lắm rồi.
— Bác ở chơi đây với cháu lâu nhé?
— Dạ, bẩm thôi ạ, có được việc thì tôi phải về ngay.
— Cái gì? Bác vội gì thế?
— Dạ thằng Tẹo nó đi chăn trâu thuê, chẳng may bị con trâu nó nguẩy đầu đuổi ruồi, thành thử cái sừng nó đâm nát cả một bên vế đùi thằng bé.
Ông Đối nói thế một cách rất bình tĩnh, thản nhiên, hình thư thuật chuyện một con gà bị vụt què chân mà thôi.
Phúc trợn mắt hỏi:
— Chết! Thế sao bây giờ bác mới nói! Sao sự can hệ thế mà bác lại đợi tôi phải hỏi bác mới nói?
— Dạ, có dăm hào thôi thì đi lấy thuốc trên Cổ Loa, thì cũng có thể khỏi què được.
— Mà thiếu dăm hào thì… là què suốt đời?
— Dạ, vâng.
— Anh Tẹo là em út con út của bác đấy à?
— Bẩm vâng.
— Tội nghiệp! Thế tiền xe từ đây đến Cổ Loa rồi từ Cổ Loa về quê nhà ta thì độ bao nhiêu?
— Dạ! Thôi để đi bộ, chứ tôi còn đi xe để làm gì.
— Đi bộ thì lâu quá, sợ anh ấy đau nặng thêm ra.
— Dạ cũng tạm rịt thuốc lá cho nó rồi. Nghĩa là có thuốc kia cái gân nó liền lại, khỏi sợ què. Chưa quá mười ngày, thì vẫn còn chữa được.
— Thế thầy đẻ cháu giúp bác số tiền ấy chưa?
Mãi ông Đối mới buồn rầu đáp:
— Ông Phán nhà ta thì bảo tôi đợi bà về, vì bà đi lễ vắng.
Nghe thế Phúc thở dài. Anh rất lấy làm phục cho cái tinh thần nữ quyền ở gia đình anh. Khốn nạn, đối với một người anh họ dăm hào hay đồng bạc, vật thử có đáng là bao, vậy mà bố anh cũng không dám tự quyết phải chờ hỏi vợ đã! Anh tức giận nói lầm bầm như nói với thiên hạ: “Cái thằng đàn ông mà điều gì cũng phải hỏi vợ thì còn làm nên vương tướng đếch gì nữa!” Anh thấy có thể khinh bố như một đứa con đại bất hiếu, như ta khinh một người dưng nước lã rất đáng khinh mà chẳng có tội gì với thiên, địa, qủy thần, chỉ là công bình mà thôi! Muốn cứu chữa sự tồi tệ của bố mình, anh bèn bảo người bác:
— Nếu không vội lắm, thì bác cứ ở trên đến mai. Cháu cũng sắp có một số tiền tiêu đây, để đưa bác ít nhiều, gọi là giúp đỡ anh ấy chút đỉnh.
Cái mặt buồn thiu của ông Đối sáng sủa ngay lên:
— Dạ… Vâng. Nếu anh thương còn gì bằng.
Phúc trầm ngâm nghĩ ngợi đến cái nguy hiểm của lời mình vừa hứa. Ừ… Ngộ nhà báo không trả tiền bài anh thì sao? Anh đã dám chắc đến thế ư? Chuyện đời đã ghi rằng bát cơm bưng đến tận miệng rồi, có khi cũng vẫn còn là chưa chắc. Nhưng anh lại an ủi ngay anh bằng cách lý luận thế này: “Có hứa bừa đi thế là phải ta cũng phải cần tiền, dẫu là chỉ cần cho người khác, vì nếu không phải giữ cái danh dự, thì chẳng mấy khi ta biết thực hành cái thành ngữ “Cố đấm ăn xôi” đâu! Và vạn bất đắc dĩ, nếu thất bại món ấy thì ta đành lại đấm lưng thằng Tấn vậy. Thật thế, khi người ta trúng số những bốn nghìn, thì là cốt để thỉnh thoảng giúp bạn vài ba đồng chứ gì!
Yên trí rồi, anh lại hỏi:
— Thế dạo này, bác làm ăn ra sao?
— Dạ bẩm, đi cấy hái thuê, chả gọi là đủ ăn. Mấy năm thiên tai có tấc đất nào lại bán ăn tất cả, rồi đã có năm phải đi tha phương cầu thực…
Đến đây, ông Đối ngừng bặt, hậm hực, nuốt nước bọt đánh ực một cái y như những kẻ bẩn thỉu ho khạc xong là nuốt luôn cả cục đờm của mình. Chính ra ấy là ông Đối chỉ cố nuốt cái đau đớn của ông mà thôi, và nói “tha phương cầu thực” là ông muốn nói đi ăn mày, tuy ông không làm văn.
— Thôi được, bác cứ ở đây một vài hôm chờ tôi, thế nào bác cũng có tiền.
Ông Đối trù trừ hồi lâu rồi đáp:
— Sợ phiền ông bà quá.
— Không! Đừng sợ! Ấy là tại bác cứ tưởng thế đấy.
Rồi tức khắc anh ngồi vào bàn để viết cái thư tống tiền. Anh cho dùng giấy bút là thượng sách, chứ đối diện với nhau, cái chuyện tiền nong vẫn là khó nói lắm. Đằng này, trên mặt giấy anh tha hồ tự do… Và anh đã khiến ngòi bút khéo léo lắm cái thư tống tiền ấy cũng lại là một thiên hùng biện nốt.
Lúc đọc lại lá thơ, anh rất bằng lòng anh đến bậc sung sướng anh nói với ông bác thế này:
— Bác ạ, chính là vì bác mà tôi sẽ có số tiền đó.
Ông Đối ngẩn mặt ra, hỏi:
— Dạ? Anh dạy thế nào ạ?
Biết ông ấy không thể hiểu được, Phúc chỉ đáp:
— Thôi, không có gì, bác nằm đấy mà nghỉ.
Rồi anh gọi thằng nhỏ lên bảo nó đem thư đến nhà báo, và đợi trả lời nữa, nếu người ta trả lời ngay.
Xong đâu đấy rồi, anh mới cắt nghĩa:
— Lúc này, cháu muốn nói thế này: Nghĩa là muốn giúp đỡ bác mà cháu mới gửi thư hỏi tiền người ta, và cái thư ấy, cháu viết khéo lắm. Nếu bác được cháu giúp tiền, ấy là nhờ ở bác, mà bác vô tình lại còn làm ơn cho cháu nữa.
Nói rồi, anh phải buông xuôi hai tay để thất vọng, vì những lời lẽ văn hoa ý tứ ấy chỉ làm cho ông Đối phô mãi hai hàm răng vẩu ra ngoài mà thôi.
Chợt thấy có tiếng mẹ gọi anh:
— Phúc! Phúc! Anh Phúc trên gác đấy phỏng?
Ông Đối chắp tay đứng ngay lên, như bà em đã lên tới gác rồi.
Phúc quay lại:
— Ấy, để tôi xuống đã, bác hãy cứ ngồi yên đây.
Anh tưởng có sự gì, nhưng đến lúc xuống rồi, thì bà mẹ anh chỉ lấm lét nhìn lên, rồi vẫy anh ra tận ngoài cửa để khẽ hỏi:
— Này, lại bố Đối ở trên đấy phỏng?
Thoạt đầu, muốn rõ bụng mẹ, Phúc chỉ đáp gọn:
— Vâng.
Bà cụ chép miệng rồi than thở:
— Rõ thật cái tội cái nợ. Dễ thường mình nợ tiền kiếp ông ấy chắc! Lại ra nã tiền đấy chứ gì?
Muốn trêu tức mẹ. Phúc điềm nhiên hỏi:
— Thế thì sao?
Bà mẹ trố mắt, ngạc nhiên, có lẽ tưởng mình nghe nhầm chứ con mình không nói thế. Thì Phúc lại tiếp:
— Thầy đẻ giầu có thế này, bác ấy nghèo khổ thế, có đến phiền nhiễu đôi khi thì là thường chứ gì!
Có lẽ đã lộn ruột lắm, nhưng bà mẹ cũng chỉ nói:
— Ôi chà! Của đâu mà lắm thế! Là thường… là thường thế nào được! Hàng họ ế ẩm thế này!... Cho dẫu anh em ruột cũng còn kiến giả nhất phận, nữa là anh em họ!
Phúc cứ nói thẳng:
— Con thì con cho rằng nếu bác ấy không đến đây xin chu cấp, thì thầy đẻ còn có bổn phận đi tìm bác ấy để mà đưa tiền nữa!
Bà mẹ lườm, rồi quay đi, cao giọng mắng con:
— Thôi câm đi, đồ ngu, đồ gàn bát sách! Cha mẹ nhà mày, chứ lại chọc gậy xuống nước với bà à! Nói thì ai chả nói được, có mất cái lông chân nào đâu!
Một lúc lâu, chừng chưa hả giận, bà mẹ quay lại:
— Đấy, có giỏi thì bố già đấy, bỏ tiền túi ra mà cấp dưỡng! Lại đại ngôn với bà à? Từ rày thì cứ chừa ngay cái thói của người phúc ta đi.
Tức thì Phúc cũng đứng thẳng người lên, tuyên ngôn đứng đắn, dõng dạc, như người thông ngôn tòa án nói với dân đi kiện:
— Bẩm vâng! Đẻ không muốn ăn ở cho ra người đại nhân thì thôi, cứ để đấy cho tôi, rồi tôi, tôi sẽ giúp tiền ông ấy.
Bà mẹ rất ngạc nhiên. Thật thế, anh mà lại có tiền. A! Anh có công việc làm, hoặc có dịp phát tài gì đó mà còn giữ bí mật, hẳn thế Phúc trông thấy cả cái phân vân, có lẽ sự bắt đầu hối hận nữa, hiện ra trên mặt bà mẹ anh. Nhất là vợ anh, ngồi đằng xa kia, thì cứ bắt đầu nhìn trộm anh mãi.
— Bẩm, lạy thím ạ.
Phúc không ngờ rằng mẹ mình lại vui nét mặt tựa hồ như không có sự gì xảy ra và giả dối vồ vập người anh họ được ngay như thế này:
— A kìa bác, bác mới ra chơi! Gớm, đã lâu lắm mới lại thấy ông, thế thì ông bận gì thế? Ông ngồi chơi đấy… Tôi vừa đi lễ về. Để tôi vào bếp một lát rồi tôi ra ngay nhé… Các cháu có ngoan không?
Bà cụ vừa hỏi vừa đi vào, chẳng để cho ông Đối kịp đáp nữa. Phúc mím môi đứng nhìn theo, lấy làm ghê rợn cho cái sự thơn thớt nói cười của thế nhân. Anh tự nghĩ: “Một người như thế có là đáng khinh không, cho dẫu người ấy là mẹ mình”. Anh lạ lùng cho anh, sao lại bây giờ mới biết rằng bụng dạ bà cụ là như thế.
Lúc ấy thằng nhỏ đã trở về. Tay nó có một lá thư. Họ đáp lời rồi. Nếu không có tiền ngay trong phong bì thì ít ra ắt cũng phải có lời hứa. Anh mừng rỡ vô cùng, nháy mắt cho ông Đối một cái, bóc cái thư mà quả tim đập rộn, mà tay run.
Nhưng mặt anh rồi dần dần tái xanh, và từ tái xanh đổi da tái xám. Nhưng ngực anh mỗi lúc một phập phồng mạnh hơn…
Bởi có cái thơ ấy, nó như thế này:
“Kính ông Nguyễn Văn Phúc!
Chúng tôi đã nhận được thư ông. Muốn ông khỏi tổn công đợi, nay trả lời ngay. Ông là người cũng biết viết lách qua loa đấy, nhưng ông nhiều lòng tự ái quá. Nếu chúng tôi chịu khó đăng bài của ông, hoặc khen ngợi ông, ấy là muốn khuyến khích ông, thế thôi. Nếu ông muốn tập viết thì cứ viết đi rồi mươi năm nữa, may ra có lẽ cũng viết nổi vài bài sạch sẽ, hợp thời, không gàn dở… Ông kể công lao ông, ông không biết rằng nhà báo gửi báo biếu ông hàng ngày như thế, đã là quá phải rồi”.
Kính thư,
Trần Học Hải”
Phúc thở dài, nói với ông Đối:
— Thôi hỏng rồi, người ta không sẵn tiền.
Tức thì ông Đối có ngay bộ mặt tên tử tù đã bị kết án tử hình lúc sắp ra máy chém. Muốn che chở cho lòng tự ái của mình, Phúc lấy ví, dốc hết tiền ở trong ra bàn tay. Thấy còn hơn tám hào, anh đưa cả:
— Tưởng nếu vay được tiền thì tôi đưa nhiều cho bác, nhưng lại lỡ. Thôi bác cầm tạm chỗ này vậy, rồi đi ngay đi thôi… Đi ngay kẻo anh ấy đợi, và lần sau ra chơi, thế nào bác cũng có tiền nữa.
Ông Đối nhận tiền, sung sướng và cũng hiểu cái ý muốn của Phúc, bèn đáp:
— Vâng, đa tạ anh. Để tôi vào chào bà rồi tôi đi ngay!
Năm phút sau, ông Đối đã ra đi, và còn bị người em dâu đuổi theo bằng những lời tử tế vuốt đuôi:
— Ơ hay, thì ăn cơm chiều đã chứ bác?
Phúc tiễn người bác ra đến bậu cửa, gượng cười và nói:
— Nếu cháu nhờ giời mà trúng số thì thế nào bác cũng được nhờ!
Và anh tưởng mình nói rất đúng đắn.
Trúng Số Độc Đắc Trúng Số Độc Đắc - Vũ Trọng Phụng Trúng Số Độc Đắc