Người ta sẽ học được nhiều hơn từ lỗi lầm của mình, nếu như họ không quá bận rộn chối bỏ lỗi lầm của mình.

J. Harold Smith

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 163 / 71
Cập nhật: 2020-06-12 14:03:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 - Những Tư Tưởng Bên Cạnh Mỹ Nhân
hi Phúc hồi tỉnh, anh rất lấy làm ngạc nhiên. Mở to hai mắt nhìn quanh bốn phía rồi, anh cũng vẫn tin rằng mình còn đương mê ngủ… Đây là chỗ nào mà lại sang trọng thế này? Trên trần nhà, cái bóng điện giam hãm trong một quả quần Tàu bằng gỗ thếp vàng làm cho cả gian phòng chỗ nào cũng chi chít và đều đặn một lược hoa gấp đẹp mắt lắm. Bốn bề tường, những hộp giồng hoa bằng gỗ trông rất trang nhã bảo nhỏ ta rằng ở chốn này, tứ thời đều là mùa xuân. Ngay bên cạnh anh, một khay đèn thuốc phiện, toàn là những đồ dùng quý giá, và cạnh cái khay ấy một mỹ nhân nằm nghiêng, hai mắt lim dim ngủ làm cho anh tỉnh táo cả tinh thần đến bậc có thể đem thực hành ngay tất cả những tư tưởng bất chính vừa đến với trí não. Mãi đến lúc ấy, Phúc mới chợt nhớ ra: Tấn đã đưa anh đến một nhà ả đào.
Anh hoảng hốt ngồi ngay lên, lẩm bẩm: “mình say rượu đến thế này thì chết thật!” Nhìn ra bộ ghế tiếp khách tân thời gần đấy, thấy những chai, những cốc để bừa bộn, anh mới lại nhớ thêm rằng lúc vào, anh đã bắt tay với các bạn hữu, đùa bỡn với các đào nương, rồi uống luôn mấy cốc sâm banh. Những người có mặt trong cuộc thi này đến bây giờ anh nhớ ra rõ lắm - là Tiếp, Vân, Hựu và Kiến, toàn là những anh em cùng làm một sở cũ cả. Vậy, họ đi đâu rồi? bỗng đâu anh thấy lo sợ một cách vô nghĩa lý, vì anh đã có đọc trong báo một bài truyện ngắn mà anh nhớ lắm, đề tài “Người va ly”. Nghĩ thế xong, anh lại mỉm cười tự mình chế giễu mình: “Ngốc, ngốc quá, nó phát tài thế, đời nào lại xỏ mình bằng một vố như thế được? ” Chợt nhớ được một tiếng lóng, cũng ở bài truyện ngắn ấy anh đắc chí lẩm bẩm: “Họ lại đi ăn mảnh” với nhau chớ quái gì! Được yên trí rồi anh mới nhìn đến cô ả đương thiêm thiếp giấc nồng bên cạnh anh. Anh dụi mắt không tin mình, bàng hoàng… Anh lại nhìn kỹ hơn nữa… thì quả vậy, đó là một sự thực nhỡn tiền rất đáng ngạc nhiên! Người nằm đấy, từ thân thể đến hình dung nếu đem so sánh với trang thục nữ đã làm đau lòng anh một dạo, tức là cô Bích, thật giống nhau như hai tờ giấy bạc mới! Anh lại dụi mắt lần nữa để nhìn cho thật kỹ nữa, thì thấy hơi thất vọng một chút, vì cái sóng mũi dọc dừa của ả đào có phần cao hơn của cô Bích chút ít, thế thôi. Còn từ khuôn mặt trái xoan, đôi lông mày thưa thớt, hai mái tóc loè xòe trên hai cái tai dày dặn có giọt thùy châu, cho đến cặp môi hình trái tim, thật giống như đúc, giống một cách kỳ lạ, giống quá đi mất. Anh chỉ còn phải chờ xem khi đôi mắt ấy mở to ra có “như nhung” nữa không, thì anh sẽ được sung sướng hoàn toàn. Anh bèn khèo khèo vào chân đào nương mấy cái. Ả kia vẫn ngủ say lắm, Phúc lại đập luôn mấy cái nữa… Bất thình lình người con gái ngủ say ấy gạt phắt hai cánh tay anh bắn đi một nơi. Anh rất hổ thẹn, không biết nói năng sao nữa, cũng không dám nhìn cái mặt xinh đẹp ấy nữa. Rồi ả nọ ngồi lên, nét mặt hầm hầm. Hai chân ả đã xỏ vào guốc, ra ý dọa sẽ không thèm nằm đấy với anh nữa.
Riêng Phúc nằm đứng đắn nhất, cười ít nhất, nói hà tiện nhất. Anh đã bắt đầu muốn nghĩ ngợi, muốn triết lý, vì anh đã bắt đầu ghen. Anh đã thấy một cách rõ rệt rằng Bích coi Hựu hơn anh, và lại coi Tấn hơn cả Hựu nữa. Nhất là lúc Tấn nhảy xô vào ôm chầm lấy Bích mà hôn một cách phũ phàng như thể, đã làm cho anh thấy rõ cái địa vị “quan viến che tàn” trơ trẽn của mình để mà phẫn uất đến bậc muốn tuyệt giao ngay với bạn, và muốn bắt đầu, từ đấy đối với vấn đề đàn bà, thì buộc chỉ cổ tay. Vì lẽ cuộc đời của Phúc xưa nay là một cuộc đời bình tĩnh, phẳng lặng của một thiếu niên[25] nhút nhát kém đường giao du, không hề bao giờ có những việc gì to tát hay khác thường nó khiến cho anh thấy được một thứ cảm giác mạnh, cho nên bất cứ một sự gì, dầu là nhỏ mọn đến đâu, cũng bỗng trở nên hệ trọng như một cái đại sự vậy. Bởi cớ ấy, khi gặp cô đào Bích, Phúc ta cho ngay đó là cái đại sự số một trong đời mình. Và khi thấy bạn hôn mất của mình một người mà hình dung giống với người mà mình mơ tưởng, anh lại vội vàng cho đó là cái đại sự số hai.
Cái đó không có gì khó hiểu. Phúc ta còn nhớ rõ ràng một sự rất cỏn con, hầu như vô nghĩa lý mà đã ảnh hưởng to tát vô cùng đến cả cuộc đời của anh. Cũng như buổi chiều vừa qua, một hôm người nhà bận rộn vào những việc khác, đã nhờ anh ngồi trông hàng. Rồi một thiếu nữ mà anh không để ý vì nhan sắc chỉ là tầm thường đã vào hàng mua vài hào sơn then, cố nhiên là anh đã không biết bán và đã gọi bà mẹ từ nhà trong ra, sau khi yêu cầu cô mua hàng đợi cho năm phút. Thế rồi, ba tháng sau, tình cờ một hôm thầy mẹ bắt anh phải nhớ lại hình dung người khách mua hàng ấy để cho biết ý kiến riêng của anh ra sao. Anh ta đã đáp: “A, thế thì con nhớ ra rồi! Cái cô đã đến mua ba hào sơn then ấy chứ gì Người như thế kể cũng không xấu và cũng không đẹp”. Thôi, thế là xong, vì sau cùng, thầy mẹ Phúc bèn cưới ngay người thiếu nữ ấy làm vợ anh, Phúc ta đã bằng lòng lấy vợ cũng như người ta được bằng lòng vì bố mẹ làm quà cho mình một xâu tôm he hay một cặp cá thu vậy. Vả lại, cãi sao được? Xưa nay anh ta vẫn hay nói: “Lấy vợ thì miễn đừng xấu quá, chứ không can phải lấy vợ đẹp. Đẹp lắm, lại chỉ tổ đi theo giai!”. Cho nên cái món ấy, bố mẹ anh tin rằng anh phải cho đó là một “người vợ lý tưởng”.
Mãi về sau anh mới biết rằng giá vụ xưa kia, không phải người thiếu nữ ấy nhưng mà là một thiếu nữ khác đến mua vài hào sơn, thì chắc vợ anh đã chẳng phải là cái người vợ khó chịu bây giờ. Hoặc là có thể anh chưa có vợ, nếu gia đình nhà vợ anh xưa kia đã không sai vợ anh đi mua sơn, mà đã sai đầy tớ chẳng hạn… Vì vậy, bất cứ việc gì, đối với Phúc cũng làm cho anh tin trước rằng phải có tiền nhân hậu quả hẳn hoi. Anh ta trờn trợn lo không khéo cuộc gặp gỡ kỳ ngộ đêm nay sẽ là khởi điểm cho một giăng đường đầy rẫy những chông gai cho anh mà thôi, chứ hạnh phúc thì người ta chẳng nên hy vọng, vẫn biết trong đời có một số rất đông những người được hưởng rất nhiều, được sống thừa thãi. Thí dụ như đêm nay vừa được ái ân lăn lóc với một mỹ nhân nhan sắc tuyệt vời thì ngày mai có gặp nhau ngoài đường cũng chỉ đến hất hàm một cái là xong chuyện. Hay là hôm qua đã từng chén tạc chén thù với mọi người bạn còn sơ giao mà đã tâm đồng ý hợp nhau lập tức, tri kỷ đến nỗi có thể đã đem chuyện gia đình, nồi rau, rế rách ra nói toạc cho nhau nghe để mà một tháng nữa, có tái ngộ thì bắt tay qua loa, khi lờ hẳn nhau đi như là chưa hề quen biết. Nói tóm lại, thì là những người mà, đến với họ, cuộc đời chẳng qua cũng như chầu rượu dưới xóm, cuốn chiếu xong là hết nhân tình, hữu thủy vô chung mà thôi.
Nhưng Phúc ta dễ thường không được liệt vào hạng ấy. “Cái gì nhỉ? Một thiếu nữ, chỉ vì vào mua sơn nhằm lúc ta ngồi, trông hàng thay người khác, mà rồi bây giờ đã thành ra vợ ta! Chỉ vì có tiếp thay gia đình một thiếu nữ vào mua hàng, chỉ có nhìn qua loa đủ biết rằng ấy là một cô gái không đẹp cũng chẳng xấu, mà ngẫu nhiên bây giờ ta đã là người bạn ăn đời ở kiếp với cô gái ấy! Ôi, một việc cỏn con tưởng chừng như vô nghĩa lý vậy mà có thể ảnh hưởng rất to tát, đến mực có thể xoay đổi cả cuộc đời con người ta! Một chuyến đò, một người tình cờ ta gặp trên đường đời, một sự nhỡ giờ tàu, những điều vụn vặt ấy chính ra là lại mà hệ trọng vô cùng, và dám chắc đó là những cái huyền bí mà tạo hóa muốn an bài cho thế nhân.
Chứ gì? Thí dụ sáng hôm nay mẹ ta nóng đầu ta bị ngăn trở không ra được công viên chẳng hạn… Thì sao? Một việc nhỏ nhặt, liệu có gì ảnh hưởng đến cả cuộc đời ta chăng? Sao lại không? Thì người phu lục lộ đã chẳng gặp nổi ân nhân là ta, sẽ mất việc. Một gia đình sẽ tan nát, thì Tấn sẽ chẳng gặp ta, ta chẳng có hy vọng vay hắn được một số tiền, như thế thì cả đời ta sẽ bị vợ khinh, hoặc là không có tiền đền, vợ ta bị mắng chửi, hoặc là vợ ta sẽ bị cha mẹ ta phú về nếu bị mắng chửi mà nó sẽ dám cãi lại rất lăng loàn như đa số các bà nàng dâu ngày nay!… Chỉ vì cớ nhỏ ấy, ta cũng có thể sẽ lấy người vợ khác nữa. Ngay sau đấy thì ta, nếu không gặp Tấn, đã chẳng được bị lôi kéo đến cái tổ quỷ này, để mà bây giờ gặp gỡ một cô Bích của bướm ong suồng sã, dung nhan lại hao hao giống với cô Bích phong kín nhụy đào, nó gợi đống gio tàn của lòng ta, làm cho ta ngơ ngẩn, vẩn vương. Thôi thôi, cái sự này hẳn cũng do tiền định chi đây, nó phải là một cái nhân để giành riêng cho ta một cái quả. Ta những nghĩ đã đủ rùng mình! Ôi, giả dụ mẹ ta nhức đầu, chóng mặt!… Nhưng mà… biết sao trước được việc ngày mai? Vậy ta nên có cái thái độ thế nào? Đi sâu vào chút nữa nghĩa là nhân cơ hội này thì vồ lấy cô Bích ả đào mà ve vãn, mà mồi chài lòng ta, cho nó thỏa cái dục vọng của ta về cô Bích tiểu thư chăng? Hay là nhân cái bất bình, nhân cái mối ghen mới nhóm ở trong đáy lòng, ta nên để mặc Tấn được tự do mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng, để ta có một cớ chính đáng mà tránh trước cái họa mai sau? Đây là khởi điểm của hạnh phúc hay là của chông gai đây? Than ôi thế mới biết sống là mạo hiểm, là đánh xóc đĩa với tạo hóa, dễ vô cùng mà cũng khó vô cùng vì nó chỉ có chẵn hay lẻ mà thôi một là cướp hết hạnh phúc của kẻ khác vào tay mình, hai là mắc bẫy như vạn triệu kẻ chiến bại khác! Thế thì ta đặt bên nào đây.
Cái chuỗi tư tưởng dài dằng dặc ấy đã làm cho Phúc cứ nằm thẳng cẳng, không động đậy, hình như còn say rượu lắm, mặc dầu lúc ấy đầu anh đã thấy nhẹ, chân tay anh đã thấy dễ muốn cử động, vì hơi men rượu mai quế lộ và sâm banh đã bị khói thuốc phiện đánh tan đi từ lâu… Anh tuy băn khoăn mà rất đắc chí, coi sự nghĩ ngợi vừa rồi là một cuộc đắc thắng của tư tưởng đắc thắng vì khám phá ra được một chân lý quý hóa chưa ai tìm thấy. Một việc nhỏ ảnh hưởng cho cuộc đời anh thấy chỉ một mình anh là biết, giữa một đám người ngu. Anh lại dám vững tin rằng những bạn hữu của anh đây chẳng qua cũng là một lũ vô tri như cây cỏ, chẳng hiểu nổi cái nghĩa sự sống, cái lý cuộc đời, và nếu có hỏi thẳng vào mặt họ rằng họ đương làm gì, thật vậy, dễ thường họ cũng không nốt! Kết luận thì đó là thuộc phường giá áo túi cơm, có tiền thì ăn chơi cho thỏa cái xác thịt để bẩn cái linh hồn thêm hơn nữa, chứ có nghĩa lý gì đâu!.
— Em mời anh Phúc đi cho anh ấy được tỉnh rượu.
Đó là lời Tấn từ chối điếu thuốc khi Bích lại giơ dọc tẩu về phía mình. Nhờ thế Phúc mới biết rằng thì ra Bích chưa hề có mời anh, dẫu rằng qua loa. Tức thì anh mở to cặp mắt, đón:
— Xin các anh biết cho rằng tôi không say tí nào nhé?
Hựu reo:
— Ái chà!
Tấn pha trò:
— Thưa tiên sinh, khi ngu này gặp một người điên thì ngu này nói ngay rằng: Thưa ông, ông không điên và người điên vì thế được sung sướng dẫu chúng ta biết sao được rằng người điên chẳng rõ có còn biết gì là sướng hay khổ.
Phúc, trước khi hút còn đáp xa xôi:
— Người điên không khổ. Khổ là những đứa không điên nhưng không hiểu nghĩa lý cái việc họ đương làm.
Hiểu nhầm, Hựu hưởng ứng ngay:
— Chính thế đó!
Nhưng Tấn cau mặt hỏi:
— Anh Phúc, ý anh muốn nói cái gì thế?
Hựu đáp hộ:
— Đi hát là vô nghĩa lý, ăn không ra ăn, uống không ra uống, hút không ra hút, chơi không ra chơi! Thế là cái chó gì?
Tấn cau mày càu nhàu:
— À, ra cái quân này gớm thật? Được ăn, được nói lại được gói mang về! Sao lúc tao cổ động mày hăng hái thế?
Đã hút xong, Phúc vội nói:
— Không, ý tôi không như Hựu nói đâu!
— Bây giờ tao mới nghiệm thấu rằng vì cái sự đi hát thì chỉ vào lúc cổ động, vào lúc rủ nhau lén nhà ra đi là sướng thôi, nhất là bọn có vợ càng sư tử, ta lại càng sướng. Loài người thích mạo hiểm, ưa nói dối, nói dối được rồi thì coi sự thành công, và còn thành công nào đáng kiêu ngạo hơn cái nói dối nhà để đi chơi bậy! Thế thôi chứ vào cuộc hát, ngẫm xem còn nghĩa lý gì! Cho nên ta phải kết luận rằng nếu ở đời không có hạng bố mẹ chửi con như hát và hạng vợ Hoạn Thư, dám chắc bạn nho lỗi lạc chúng ta chẳng thằng nào thích đi hát nữa.
Phúc cười to hơn cả, Tấn nguôi giận, lại hỏi Phúc:
— Thế thằng kia ý mày muốn nói gì nào?
Phúc nghĩ đã. Anh không quên rằng anh đương phải chạy một số tiền cũng như anh vẫn nhớ hiện giờ ai là người đủ tư cách cho anh vay ngay. Đã thế, dẫu mình không thấy thi vị gì thì cũng nói sao cho bạn vui lòng mới được, huống hồ anh còn thấy rằng đi hát không có gì là phạm đạo đức, mà người đứng đắn nào cũng phải biết đi hát là cái gì cho rộng kiến thức, biết thêm nhiều điều tỉ mỉ của cái cớ thất thổ gia vong. Anh bèn ngỏ cả tâm sự.
— Đây này: Chị Bích kia, mặt mũi hao hao giống với một người mà tôi đã … thầm yêu trộm nhớ, lại cũng tên là Bích. Thật lạ quá đi mất, các anh ạ! Sao ở đời lại có hai người không phải là chị em ruột mà lại giống nhau đến thế nữa! Cho nên trông thấy Bích này, tôi lại tưởng nhớ đến Bích kia, tâm sự xốn sang…
Không ngờ có thế thôi mà Hựu vỗ tay, vỗ đùi rối rít một hồi rồi reo to:
— À ạ! Khá quá! Hay hay! Chúng mày ôi! Thì ra thằng Phúc nó cũng mê gái cẩn thận! Ha ha ha ha!
Tấn cũng ngặt nghẽo mãi mà rằng:
— Ừ thật thế, nếu không có tâm sự cạnh khay đèn bữa nay thì không bao giờ ta biết… cái tin sét đánh ấy đấy!
Hựu đứng thẳng như cây hương trong bát nhang và reo:
— Ha ha ha! Chúng ôi, thằng Phúc mến gái!
Đào Bích bắt đầu nhìn trộm Phúc năm bảy lần. Hai người bạn vẫn cười rầm rĩ, gào thét inh ỏi, rất lấy thế làm khoái. Tưởng chừng xưa kia Kha Luân Bố, lúc tìm thấy Mỹ Châu cũng vui vẻ có đến thế mà thôi.
Rồi thì ở hai phòng bên, bật ra hai chuỗi cười to:
— Hớ hớ hớ hớ!… Há há há há!
Đó là Vân và Tiếp, ai cũng tưởng đã ngủ, nhưng chính ra vẫn thức và chỉ cười vào lúc có cái đại sự đáng cười. Họ cười xong thì họ chạy ra để cười thêm to hơn. Mặt đỏ vì hổ thẹn, Phúc khẽ nói:
— Thì nào đã có gì lạ!… Chết chửa kìa, hai bác mà không cười thì tôi quên khuấy đi đấy!
Tiếp xua tay nói:
— Thôi đi cu cậu! Cu cậu đừng khéo đánh trống lảng!
Hựu lại hét to hơn:
— Thằng Phúc cái đinh mê gái
Rồi thì chẳng hai bảo ai cả, bọn ấy tình cờ cùng làm một việc, hình như họ đã đồng mưu ra lệnh cho nhau từ trước, cau mày lại để nhìn chòng chọc vào mặt Phúc, ra điều rất lấy thế làm ngạc nhiên. Tuy không bằng lòng cách đùa nhả ấy, Phúc cũng gượng cười, phải chữa thẹn bằng cách nằm dài xuống mà nói:
— Ông cho chúng mày tha hồ chế giễu…
Anh ta nhắm nghiền mắt lại… “Phúc cái đinh”’ cái tên mà các bạn đồng sự đã đặt cho anh xưa kia nay lại đem về cho hồi ức của anh một chuyện vặt nó vốn là nguyên nhân của sự đặt đề thêu dệt ấy.
Nguyên nhân có một hôm, ông chủ hãng bảo hiểm đã đưa cho anh đánh máy một bản danh sách những nhân viên được hãng thưởng tiền tiêu Tết Nguyên Đán, người thì chục bạc, kẻ thì năm đồng, mà trong số ấy, ác thay, lại không có anh. Vì mới vào làm việc chưa hiểu lệ cũ, anh Phúc đã rất vui sướng hộ người khác và chỗ mình là được hưởng một cái danh dự đặc biệt là biết trước hết mọi người cái tin mừng cho cả sở. Cố nhiên, anh đã làm ra bộ rất bí mật để báo tin cho trọng thể hơn. Đáng lẽ nói ngay cho ai cũng biết, anh lại bắt mọi người phải đợi đến lúc tan sở. Nhiều người đã phải đi theo anh mấy chục bước đường, không được nhẩy lên xe đạp, hoặc không được chễm chệ ngự ngay trên xe nhà. Như thế để rồi đến lúc anh đọc bản danh sách ấy cho họ thì, chẳng những không ai mừng rỡ, rất nhiều người lại còn chửi rủa hãng hoặc bình phẩm việc thưởng tiền tiêu Tết ấy bằng những câu văng tục rất đỗi gớm ghiếc. Thì ra thiên hạ, không ai vui vì cái tin mừng do anh loan báo là rất phải, vì ai cũng bị sụt mất một nửa tiền, kém hơn năm trước. Nhất là khi thấy chính anh thì lại không được đồng nào, ai cũng bỗng giận dỗi anh một cách vô lý, hình như chính anh phải chịu trách nhiệm về cái tin buồn kia. Họ đã tặng anh những trạng từ hay ho như: “Đồ ngu, đồ trẻ con, nhặng xị, đồ mất trí khôn, muốn làm cho mình có vẻ quan trọng, vân vân…” Một người - người ấy là Hựu - đã kể cho anh nghe câu chuyện “Thằng ngọng bắt được cái đinh” nữa. Đấy, thế là, trong một thời kỳ, cả sở gọi anh là thằng Phúc cái đinh. Sự ấy khiến anh phải hổ thẹn cho mãi đến bây giờ.
— Chứ gì! Đàn ông nào chẳng thế!
Nói rồi, Bích cứ để nguyên cái áo tân thời diêm dúa, có lẽ rất đắt tiền nữa, mà nằm một cách tạm bợ xuống cạnh Phúc, cách xa khay đèn. Cô ả không từ chối cái cánh tay của Phúc đã lót xuống dưới gáy, và phủ một mảnh chăn mỏng lên trên phần hạ thể của hai bên. Những ngọn đèn điện của các góc phòng đều đã bị tắt cả bây giờ chỉ còn có một ngọn thức đêm ánh xanh xanh chỗ đầu giường. Một đứa đầy tớ đã lặng lẽ thu gọn khay đèn, điếu, ấm, chén, và cầm chổi lông gà khẽ hắt những mảnh vỏ cam, vỏ lê, vỏ hạt dưa. Nó làm việc bổn phận của nó êm ả và kín đáo đến nỗi Phúc cũng thấy cứ nằm xềnh xệch với gái như thế là rất tự nhiên. Đứa đầy tớ vào dọn dẹp từ lúc nào đi ra lúc nào, cái ấy hình như không ai biết nữa.
Anh nhớ lại việc cũ rồi lấy làm bất mãn lắm, tưởng chừng như một kẻ trọc phú mà bị có người mắng là đồ vô học cũng chỉ bất bình đến thế. Đột nhiên, anh nhớ lại tất cả mọi sự ngốc nghếch, lẩm cẩm, vụng dại trong cái giăng đường làm nghề cạo giấy của anh. Nhất là trước mắt một người đàn bà, một gái giang hồ nữa, mà họ cũng nhắc đến việc cũ, một việc làm anh bị giảm giá trị. Anh đã tưởng chừng như những chuỗi cười của bọn bạn hữu ông mãnh chẳng phải chỉ để khóc chuyện “Thằng ngọng bắt được cái đinh” của anh mà thôi, nhưng mà còn khóc cả nhiều sự ngẩn ngơ khác của anh nữa, tuy không kể nốt ra cho xong! Anh bắt đầu hối hận vì đã nghe bạn hữu mà đi chơi bời mất nết, hư thân, phạm tội với gia đình, nhất là lại bị đem ra làm bia chịu đạn.
Họ vẫn cười.
Anh ngạc nhiên quá, mở mắt ra xem sự thể ra sao. Thì ra họ vẫn châu đầu vào mặt anh, như là nhìn một con vật gì lạ lùng lắm, để khi mở mắt ra, thì họ cười rống lên to hơn nữa.
Anh đã muốn gắt to, nhưng chỉ khẽ:
— Vô lý thật! Thì có cái đếch gì mà cười!
— Ha ha ha ha!
— Ái chà! Thằng Phúc nó lại văng đểu ra nữa!
Hựu thì xua tay bắt cả bọn im hết để nói trịnh trọng:
— Ấy chết! Ngài vừa văng tục đấy!
Phúc cũng phải phì cười nốt, và nhận ra rằng kể từ lúc biết nghĩ, đó là lần đầu trong đời, thật thế, chính là lần đầu trong đời mình đã chẳng kiềm chế được cái phần tục tĩu của linh hồn mình, mà để thoát khỏi miệng một lời khiếm nhã, mà lại đối với bọn anh em. Tiếp lại nói:
— Các người ơi! Ngài lại cười nữa!
Vân nói:
— Thì ra ngài cười là vì khoái chí đã văng tục!
Hựu bắt chước cái giọng đồng cốt.
— Tấn lạy ngài, vạn lạy mớ lạy, chúng con người trần mắt thịt.
Phúc hét lên:
— Thôi đi, xin các bố trẻ!
Câu kêu vang ấy y như lửa cháy lại có thêm dầu. Bọn kia cười to đến nỗi các chị em ở những phòng khác phải bò dậy kéo nhau vào xem, như người rủ nhau ra xem đám cưới, đám ma, đánh nhau… Phúc ngượng quá đi mất, lẳng lặng đứng lên tìm giầy và cái khăn gián nhấm, rồi quả quyết:
— Các anh trẻ con lắm thôi, tôi về.
Nói rồi, anh đi thẳng xuống thang.
Nhưng Tấn đã ra ngay một cái lệnh:
— Các chị mỗi người phải hôn anh ấy một cái cho tôi, mời anh ấy vui lòng ở lại, không thì chầu hát này không kể nữa! Tức thì năm ả đào chạy bổ nhào vào đi lôi anh lại, tranh nhau hôn vào mặt anh như mưa.
Trước anh còn giằng ra, vì giận bạn lúc ấy chính là cái giận thành thực nếu ta chưa nói đó là cái phẫn uất hẳn hoi. Nhưng chợt anh nghe thấy “phựt phựt”, biết rằng đã đứt mất hai ba cái khuyết khuy áo rồi. Sợ rách mất áo, Phúc bắt đầu chỉ giằng co qua loa cho phải phép. Lại thêm bọn đào nương, trong khi giằng co và hôn anh, không biết vô tình hay hữu ý, đã chịu để những chỗ nào tròn tròn trong thân thể họ cho cọ sát vào người anh, làm cho Phúc ta tưởng chừng như thấy mình mẩy chỗ nào cũng là giác quan của mấy đầu ngón tay cả, và cảm động lắm. biết trước được ngay rằng nếu ở lại cả đêm nay, có lẽ chốn này chính là Bồng lai, còn hơn mạo hiểm một mình về nhà để gặp cái mặt thân yêu đáng sợ của bà vợ quí. Nên chi sau cùng, anh cứ để cho bọn phụ nữ mà số phận chưa chắc đáng thương ấy, đặt anh lại nằm lên sập. Anh sung sướng cực điểm, vì mãi lúc ấy mới chợt nhớ ra: chưa hỏi vay tiền. Tức khắc anh tự hạ chiến thư cho mình rằng phải vay cho được tiền, nội trong đêm nay mà thôi!
Nghĩ thế, anh ôn tồn nói với cả bọn:
— Thôi, đừng đùa nữa, các anh nên biết rằng đã bốn giờ sáng rồi đấy. Không ngủ đi, rồi ốm mất.
Bọn ả đào hưởng ứng ngay:
— Ừ! Ông ấy nói phải đấy.
Hựu cũng còn pha trò:
— Đừng láo! Thánh toàn đấy!
Tấn cũng vội ôm lấy cô tình nhân mà nói:
— Ừ! Phải! Chúng ta đi làm cái bổn phận của chúng ta! Thì chúng ta đi làm cái sự mà loài người ai cũng thích, nhưng mà ai cũng kêu là đểu!
Muốn thưởng cho những ý kiến thâm trầm ấy, mấy người kia ôm chầm lấy bọn gái để làm nhũng trò đẹp mắt riêng cho mình và bẩn mắt người khác. Những cái đấm phình phịch, những cái phát đen đét, những tiếng kêu ối, kêu ái, trong một phút vang động lên. Người ta đã nghịch ngợm theo rất đúng cái phong tục đi hát kim thời mà Phúc đã gần như gào thét mới gọi được bạn:
— Anh Tấn! Anh Tấn! Này, tôi bảo! Hãy khoan đã Tấn! Hãy ở đây, moa[26] có câu chuyện riêng đã đây!
Tấn quay lại, cau mặt ngạc nhiên ít nhưng sợ hãi nhiều, biến sắc mặt hỏi:
— Cái gì thế? Cái gì thế?
— Không, không có gì can hệ cả đâu… Nhưng mà, thì anh hãy cứ ngồi đây đã nào!
— Thì nói ngay đi! Moa nóng ruột lắm.
Phúc nhìn đào Bích. Ả này hiểu ý ngay, tức khắc đứng lên, vừa quấn lại tóc vừa đi ra, làm như tình cờ mà đi.
Tấn ngồi xuống hút thuốc lào, Phúc thấy họ như muốn động phòng hoa chúc cả rồi, bây giờ mới khẽ nói:
— Tôi phiền anh lắm, xin lỗi anh nhé?
— Được được! Chỗ anh em, có gì cứ nói!
— Đây này, nói gần, nói xa chẳng qua nói thật, tôi thì hiện đương cần một số tiền …
Tấn im không đáp:
— Một số tiền nho nhỏ thôi!… Giữa lúc chưa biết trông nom vào đâu, may sao gặp ngay anh, mà lại nhằm Iúc anh phát tài nữa…
— Ừ, thôi nói luôn: thế cần bao nhiêu?
— Chắc đối với anh thì số tiền ấy cũng không mấy, tuy tôi thì tôi cho đó là một món tiền rất to. Tôi cần có hai chục bạc, anh ạ.
Tấn trợn mắt hỏi:
— Nói thật hay nói đùa?
— Ô hay! Chuyện tiền nong ai lại dám nói đùa?
— Thế anh còn nhớ lần nào không? Tôi hỏi sao không đi tìm việc làm, thì anh kêu không muốn tìm, vì không muốn đi làm… Anh lại nói đúng thế này: “Có cần tiền mới phải đi làm, mà tôi, tôi cũng không cần tiền để làm gì cả”. Anh có nhớ không?
Phúc ấp úng:
— Bao giờ? Có thế đâu? Hay ta… à quên, chắc. Nhưng mà nếu tôi đã có… đã có nói thế thật, thì vì lúc ấy, thật sự tôi không cần tiền, cho nên tưởng cũng không bao giờ sẽ phải cần tiền… Nhưng mà sự đời nó phải thay đổi chứ? Vả lại, lúc kiếm không được việc làm, thì phải nói khoác thế chứ?
Tấn cười nhạt:
— À ra thế! Vậy mà tôi cứ tưởng anh thật thà lắm! Nhưng mà… anh cần tiền để làm gì thế?
Phúc đã hơi bất bình rồi:
— Tôi có việc riêng… cần lắm. Đây này. thực tình thì chẳng phải vì tôi thấy anh phát tài mà tôi vay tiền, như là không vay thì cũng thiệt, không phải thế đâu! Nếu anh không tin thì thôi, chỉ có thế thôi.
Tấn im. Phúc lại tiếp ngay, sợ bị từ chối thật:
— Cần lắm anh ạ, cần đã mấy hôm nay rồi, chẳng biết chạy vào đâu, may sao lại gặp anh. Mà lại cần vào một việc không nói với anh được.
Tấn cũng bắt đầu cãi cho sự nghi hoặc của mình.
— Không! Nghĩa là… tôi hỏi kỹ là vì tôi ngạc nhiên lắm, thế thôi. Anh mà lại cần tiền! Ăn chơi gì, tiêu pha gì, công nợ ai đâu! Nhà anh thế là khá giả, nếu có việc gì quan trọng cho anh phải chạy tiền, ắt là có gia đình biện cho chứ? Tôi hỏi là vì lấy làm lạ, chứ không phải tiếc đâu.
Phúc đã vui vui, bèn đáp liền:
— Thì vẫn thế… Nhưng việc này tôi thì phải giấu cả thầy đẻ tôi nữa…
Tấn cười nhạt;
— Lạ nhỉ? Anh mà lại cũng có sự gì giấu bố mẹ cơ à? Không phải là có vợ lẽ để riêng một chỗ?
— Bậy!
— Thế thì còn việc cóc gì! Hiền lành như anh, hà tiện như anh, ngoan ngoãn như anh …
Phúc đành phải nói dối:
— Không phải giấu hẳn, nhưng mà bao giờ xong việc thì tôi sẽ nói thật, để thầy đẻ tôi cho tiền để trả nợ anh sau.
Chắc Phúc đương cần tiền để đút lót để kiếm việc làm chi đó, nên Tấn hả hê nói ngay:
— Được, cái việc trả nợ tôi thì không ngại lắm… Thôi được, rồi anh sẽ có số tiền ấy, cứ yên tâm.
Phúc rất mừng, không sợ cái tội đi cả đêm để sẽ bị vợ mắng nữa.
Tấn quay đi, thì Phúc gọi giật lại:
— Thế bao giờ? Ngay bây giờ có được không?
Tấn lại trố mắt ngạc nhiên, để rồi lắc đầu:
— Bây giờ thì làm gì có? Chỉ mang đi có ba chục bạc tiêu vặt và chi chầu hát thôi. Lạ thật cho cái anh này, làm gì mà cần tiêu cấp bách đến thế?
— Thế anh hẹn cho bao giờ?
— Mai, kia!
Tấn đáp xong, đi thẳng về phòng. Coi thời giờ thật là vàng bạc vì đêm sẽ gần hết, gà đã bắt đầu gáy canh năm! Phúc toan gọi lại lần nữa, nhưng không còn đủ can đảm nữa. Vả lại anh cho thế cũng đủ mãn nguyện lắm rồi. Thì mai hay kia, cái thời giờ ấy chẳng có là bao!
Sự mừng rỡ trong lòng Phúc bây giờ thì thật văn chương nào cũng không tả hết được, đến nỗi nó phát sinh ra một phản động lực. Nghĩa là anh ta vì mừng mà đâm buồn. Buồn là vì, sau khi triết lý, mới thấy rằng chỉ có thế thôi mà cũng mừng. Hai chục bạc vay được của một người bạn thân, cái số tiền mà bạn đương sẵn lòng ném qua cửa sổ vào một cuộc vui, mà mừng đến thế, một số tiền nhỏ như thế mà cũng đã bị căn vặn khó khăn đến thế! Anh buồn nhất là, sau khi nhớ lại, thấy rằng cả đoạn đời hai mươi lăm tuổi của anh, chỉ có ba lần anh được mừng rỡ thế thôi. Đấy là lần đầu đỗ bằng sơ học, lần thứ nhì nhận được giấy gọi đi làm việc và lần này, vay được bạn một số tiền. Thật quả chỉ có ba lần anh hiểu gì là cái vui, cái sướng. “Than ôi! Có thể như thế được chăng? Đời mà có vậy thôi à? Ta nhân bần khí đoản đến nỗi này à? Thôi thôi cái tôn chỉ cũ là hỏng cả, hỏng bét? Không có tiền thì không làm gì được! Ta phải kiếm tiền, phải giàu mới được! Ta không giàu? Không được!” Nghĩ thế anh quyết định nay mai phải mua một vé số. Tấn trúng số, vì lẽ gì anh lại không có thể nào trúng số được? Vì lẽ gì anh lại không dám có cả cái hy vọng - cho dẫu là cuồng vọng - rằng anh cũng có thể trúng số được.
Đến đây, Bích đã quay vào.
Phúc vui vẻ gọi:
— Này, nằm đây với anh đi! Nằm đây.
Bích giao hẹn:
— Anh phải ngoan ngoãn mới được!
Phúc chặc lưỡi:
— Làm như người ta là ngáo ộp!
Phúc đương tìm một câu gì đó để bắt chuyện… mắt anh đủ nhìn thấy hai con mối đương kiếm ăn trên trần nhà. Vẩn vơ anh nghĩ, nghĩ xa xôi, thấy rằng con người ta ở đời cho dầu đứng đắn và đạo đức đến bực nào đi nữa, cũng có thể ham mê hát xướng và say đắm ả đào được lắm. Chẳng phải lần này là lần thứ nhất anh được dịp mon men đến chốn ca trường. Lần đầu, anh đi hát, cũng ngủ lại cả đêm, nhưng người ta đã để anh một mình nằm xuống. Đến lần này, anh được mỹ nhân nằm bên, sở dĩ đã đến kết quả ấy có lẽ chính vì anh đã thạo đời hơn trước. Anh dám chắc chỉ đi dăm ba bữa nữa, anh sẽ hoàn toàn là người lão luyện, có thể biết đủ cả mùi vị yến anh mà những kẻ đã khuynh gia bại sản mới được biết… anh chắc mình sẽ chẳng chơi dại như ai đâu.
Và, điều cần nhất, có lẽ là phải ăn nói làm sao để tỏ rằng mình đây ít ra cũng là kẻ có duyên, từng trải, bẻm mép nữa càng hay, để cho đời biết rằng mình chẳng quýnh như thằng ngọng bắt được cái đinh đâu. Anh bèn vỗ vai Bích, bảo:
— Kìa, trông xem hai con mối kia kìa!
Có lẽ lúc ấy đã ngủ được đến ba phút cô đào ậm ừ mà rằng:
— Ừ, phải, không có người đứng làm mối thì ngủ đi!
Phúc phì cười. Anh biết là không còn nên tán tỉnh ai nữa. Vậy thì chỉ còn cách đem lợi dụng hai bàn tay được chút nào hay chút ấymà thôi. Nhưng tay anh vừa kê trên ngực mỹ nhân thì đã bị đặt ngay tức khắc xuống gối. Thì ra Bích không mê ngủ chút nào! Phúc khẽ nghiêng mặt giở mình để thử nhìn một lần nữa đến cái thứ mặt giang hồ dầy dụa, chán chường ấy, té ra cũng lại là-thành trì cuối cùng của đức hạnh nữa. À, đã thế thì xem rồi có đức hạnh nào chẳng chuyển vì anh không nào!
Nhưng… lại Hựu.
Hựu ra phá đám.
Cái anh chàng lôi thôi này bây giờ còn đến chỗ anh tìm một cái gối, ngả lưng xuống cạnh, và nói bô bô một cách tự do nhất thế giới:
— Ở trong ấy không chịu được, để moa nằm đây với toa cho vui.
“Cho vui!” Phúc bĩu môi nghĩ thầm. Anh muốn đuổi bạn đi ngay đi đâu thì đi, nhưng lại sợ trái luật đi hát! Và tự nhiên thấy Bích cũng ủng hộ:
— Phải đấy, anh nằm với chúng em cho vui.
Chua chát, Phúc nhắc lại với Hựu những lời Hựu đã nói:
— Đi hát! Thế là nghĩa lý gì? Ăn không ra ăn, uống không ra uống, hút không ra hút, ngủ không ra ngủ.
Hựu thì khẽ cười và hỏi chuyện khác:
— Này anh, anh có biết cái gì về Tấn không?
Phúc vờ hỏi lại:
— Sao? Cái gì?
— Không biết à? Nó trúng số bốn nghìn kỳ này.
Phúc ngạc nhiên lắm lại hỏi:
— Ô, thế anh cũng biết à? Anh ấy cũng có bảo cho tôi biết, nhưng bắt tôi phải giữ bí mật.
Hựu khẽ cười:
— Nếu thế thì nó bảo khắp thiên hạ rồi, và ai nó cũng bắt phải giữ bí mật chắc? ý kiến anh đối với việc ấy ra sao? À, kể thì Tấn nó cũng là người có bụng dạ khá đấy. Nhưng mà nó càng có nhiều tiền, chỉ càng tổ hại
Phúc đáp ngay:
— Anh nói đúng lắm. Có chưa đủ, phải biết cách dùng đồng tiền cho hữu ích mới được.
Rồi Phúc đọc ngay câu danh ngôn Tây phương với cái giọng một nhà giáo đọc bài ám tả cho học trò:
— Les épis trop chargés briseni! eur tige, la branche rompt sous le Poids des fruits: une fé-condité excessive les empéche demurir, ainsi suc-combe l áme sous l excès du bonheur, elle enabuse contre les autres et surtout con-tre elle-même”[27]
Hựu khen:
— Gớm, thuộc sách vở cổ kim lắm nhỉ?
Phúc khoái chí nói như đọc luôn câu khác:
— On souffre autant de l extrême abondance quedel extrême besoin, le vrai bonheur est dans la médiocrllé, le superflu a plus tol les chevaux bianes, mais l bonnéte nécessiFeux-vit plus long-temps.[28]
Hựu lại khen:
— Khá lắm! Còn câu nào hợp thời nữa không?
Phúc lại đọc tiếp nữa:
— Un hom me trop heureux est omme un voleur de profession: il finit toujours par être pincé.[29]
Ba đoạn tư tưởng thuộc làu làu như thế đã khiến cho Phúc được bạn phải cảm phục là người học thức.
Sự ngâm nghĩ của Hựu đủ rõ thế. Rồi Hựu khen Phúc một cách gián tiếp như thế này:
— Dùng nghĩa lý thánh hiền vào cuộc đàm luận như thế thì tuyệt, nhưng phải cái hại là rồi mình không nói thêm gì vào được nữa. Như Tấn mà lại phất đến số độc đắc nhỏ nữa thì kể cũng là sướng quá đấy, nhất là gia đình hắn cũng phong lưu xưa nay. Nhưng chưa hẳn được sướng về tinh thần. Cho nên Tấn chơi bời, hát xướng quá đáng, càng có tiền càng hại. Như anh thế mà lại hóa hay. Địa vị anh cũng như Tấn, gia đình phong lưu, không phải đi làm cũng có ăn, được tha hồ học hành sách vở, trau dồi trí đức… Thế là sướng hơn, vì có cái sướng tinh thần. Anh lại hơn Tấn cả ở chỗ có vợ con rồi nữa. Anh không chơi bời gì mà chơi bời mà làm quái gì? Như vậy, anh chẳng cần trúng số anh cũng đã sung sướng hơn Tấn nhiều lắm. Phúc vui lòng lắm, cho rằng Hựu đã nói nhầm chân lý. Anh quên khuấy ngay rằng anh vừa được Tấn ban cho một cái hạnh phúc thân hữu, cái hạnh phúc số ba trong đời anh. Và anh lại muốn tha thứ cho Hựu cả cái tội dám đặt tên mình là “thằng Phúc cái đinh” nữa. Tuy nhiên anh cũng hỏi:
— Anh nói thế thì ra tôi không nên trúng số à?
— Chứ gì? Trúng số để làm gì? Để chơi bời cho hư thân mất nết, rồi chết non hay sao?
Phúc xo vai bĩu mồm:
— Đời nào! Nếu tôi trúng số, tôi sẽ biết dùng đồng tiền của tôi hơn người khác.
Hựu còn hoài nghi:
— Thôi, ông nào cũng nói thế cả. Có tiền rồi mới khác.
Phúc cáu kỉnh làm như đối với mình, việc trúng số độc đắc có thể dễ như đút tay vào túi áo:
— Tôi xin cam đoan với anh rằng nếu tôi trúng số, tôi sẽ làm được nhiều việc tốt đẹp hơn hết thiên hạ!
Một lát, lại cắt nghĩa thêm:
— Nhưng phải số độc đắc to, số mười vạn kia. Chứ bốn nghìn thôi, thì vị tất đã làm nổi việc gì!
Hựu chỉ im, nằm lặng ngắm những làn khói thuốc lá thơm từ từ tỏa trên mặt. Đồng hồ đã đánh năm tiếng, nhưng Phúc còn hăng hái nói nữa:
— Này anh ạ, đời này ai cũng chỉ khổ vì muốn kiếm tiền, muốn làm giàu thôi. Tôi, tôi cũng muốn giàu, cũng muốn có nhiều tiền.
— Ủa! Bây giờ lại đến anh này cũng có chí làm giàu nốt?
— Chứ sao? Nhưng tôi muốn làm giàu không phải chỉ vì cái mục đích giàu. Giàu đối với tôi, chỉ là phương tiện, để làm những việc gì vĩ đại, là nhân đạo, là bác ái, là xã hội, nói tóm lại thì để cho người ta được nhờ.
— Nhưng anh sẽ làm giàu bằng cách gì nào?
— Nói thí dụ thế, chứ tôi có chí gì đâu! Họa chăng, nếu tôi sẽ giàu, trừ cách trúng số cũng không còn cách khác.
— Tôi đã biết những người khi hãy còn nghèo thì thôi, có không biết bao nhiêu là tư tưởng tốt đẹp, nhân đạo, thế rồi đến lúc giàu rồi cũng đâm ra đểu cả.
— Cũng có lẽ, nếu phải mất mồ hôi, nước mắt mới trở nên giàu. Nhưng nếu giàu rồi vì trúng số chắc dễ tốt với thiên hạ hơn.
— Quái cho cái anh này! Chỉ toàn chuyện trúng số mãi! ừ, thế cái chương trình nhân đạo của anh sau khi trúng số thì nó ra làm sao?
Phúc cười:
— Trúng đâu mà có chương trình! Nghĩa là cứ biết rằng ở đời này nếu ta có nhiều tiền, thì ta làm được nhiều việc tốt đẹp lắm. Nếu tôi giàu, thì rồi anh xem!
— Thôi, ngủ đi, đừng chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng?
Phúc hơi ngạc nhiên sao Hựu lại không dám tin mình. “Thôi thế, khi ta đã giàu, còn lẽ gì ngăn trở ta không thực hành những tư tưởng cao thượng vẫn sôi nổi trong óc ta? Còn lẽ gì ngăn được ta đem tiền bạc ra dùng cho nó phí cái chí bình sinh vào cái việc cứu chữa lấy một vài trong muôn nghìn phần những sự bất công, ngang tai, chướng mắt, thương tâm, đáng chán dời, mà nguyên nhân là chữ bần và chữ phú? Ôi, chỉ không tiền, vô vật bất linh thì mới đành thúc thủ mà ngán ngẩm suông cho sự đời; nếu ta không muốn làm cái chuyện hão là cái sự thương miệng thương môi.. Chứ nếu có tiền, thì đã là có tất cả! Thì đã có cái thế lực vạn năng xoay chuyển cuộc đời theo ý mình thì đã có cả cái quyền thế thiên hành đạo nữa! Ta mà trúng số mười vạn ấy à? Đối với xã hội lầm than, ta sẽ là vị phúc tinh, cứu tinh, ta sẽ lập nhiều xưởng máy để một là bài trừ nạn thất nghiệp, nuôi sống hàng vạn gia đình thuyền thợ, hai là chế tạo những hóa vật cạnh tranh
Với các ngoại quốc, giữ quyền lợi cho nước mình: ta sẽ trợ cấp rất nhiều cho các hội từ thiện, và hội các hội ấy phải chịu trách nhiệm nếu ra ngoài đường, ta còn thấy những cảnh tượng thương tâm làm rầu lòng ta, khiến cho về nhà ta ăn cơm chẳng thấy ngon ta phải làm thế nào để khi ta chết, cả một xã hội phải thươmg xót và để tang ta, ấy là cái chương trình việc thiện. Vì lẽ ở đời này không phải chỉ làm toàn những việc thiện thôi mà đã là đủ, vì lẽ những cảnh đau lòng chẳng phải chỉ tự những bọn nghèo khổ gây ra mà thôi, nên chi ta lại còn phải làm những việc ác nữa, ác đối với bọn trọc phú, bọn sét-ty[30] vẫn tham lam bóc lột đồng bào, ác với bọn nhà buôn gian giảo bất lương. Người ta còn tay trắng làm nên, huống hồ bỗng dưng có trong tay hàng mười vạn, ta phải dùng cái vốn ấy quật lên cho thành hàng triệu vạn, giàu to, giàu nữa, phú gia địch quốc thế nào cũng là vô cùng, giàu thế nào cho trên trời dưới sông đều là có phi cơ, tầu thủy của ta! Để làm gì? Để có thể cười một cái thì một vạn người được sung sướng, cau mặt một cái thì phải có đứa tự tử, và nhất là có thể nuôi một bọn thầy kiện trong nhà để bỏ tù những thằng giàu mà đểu, cắm nhà chúng nó cho bõ ghét mặt, hay là đè chết chúng nó bằng chiếc xe hơi khổng lồ của ta! Nói tóm lại, đối với bọn nghèo, ta đã muốn làm thiên quan thiên phúc chi tinh, thì đối với bọn phú ông vô lượng tâm, ta phải làm các vì sao Thiên không, Địa kiếp… Ta mà chẳng làm nổi vài ba việc kinh thiên động địa, ta nguyện, sẽ bị tất cả mọi sự cầu toàn trách bị của đời! Ấy đấy hỡi quân giá áo túi cơm đồ thiếu niên vô tư tưởng, vô hy vọng, quân phàm phu tục tử không biết thẹn cho giống người, mi đã hỏi đến chương trình, thì ấy đó là cái chương trình hành sự của ta”.
Nghĩ thế, Phúc quay lại nhìn mặt Hựu, càng khinh bỉ hơn nữa khi thấy Hựu đã ngủ thật: Hai mi mắt nhắm nghiền và thâm quầng, hai cái má hõm lại như hai lỗ đáo, thật đủ tiêu biểu cả đời một con người có óc trâu bò chỉ biết kéo cày trong sự trác tác vô độ mà thôi. Phúc bĩu mồm.
Bên tay phải thì thế, còn bên tay trái của Phúc, thì Bích, cũng đã ngủ. Cũng lại một cái mặt vô tư tưởng của một chị đàn bà không biết người, không biết của gì cả, thật đáng đọa đày làm cái đồ chơi cho bọn đàn ông, mà lại chỉ bọn đàn ông vô học thôi. Tuy cái mặt ấy cũng vẫn giữ những nốt đáng yêu của nó, Phúc cũng vẫn không tha, bĩu mồm. Anh tưởng tượng trước cái sự khúm núm, nịnh hót, khiếp phục của ả đối với anh, không biết nó sẽ như thế nào, nếu nay mai anh trúng số độc đắc hơn cả Tấn.
Chợt nghĩ đến trúng số để mà rủ bạn hữu đi một chầu hát, anh lại mỉm cười. Phải, đối với những kẻ tầm thường thì cái chí khí hẳn chỉ đáng giá một đêm ô trọc dưới xóm là cùng!
Bên ngoài, vừng đông đã dậy đỏ ối.
Cảnh vậy ngoại ô đã náo động vì những thợ thuyền phải đi làm sớm, những hàng quà bánh, bán rong…
Mệt mỏi, Phúc không ngờ cũng đã ngủ thiếp bên cạnh cô Bích số hai của anh.
Trúng Số Độc Đắc Trúng Số Độc Đắc - Vũ Trọng Phụng Trúng Số Độc Đắc