The smallest bookstore still contains more ideas of worth than have been presented in the entire history of television.

Andrew Ross

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 163 / 71
Cập nhật: 2020-06-12 14:03:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 - Một Sự Phát Minh Đời Không Tốt
hiệu cao lâu ra, sau khi từ biệt Tấn và hẹn đến tối sẽ gặp lại nhau. Phúc đem về nhà cái mặt đỏ gay những rượu. Anh rất sợ gia đình cho là đã rượu chè be bét, thì mang tiếng to. Anh chỉ mong sao cho rượu chóng rã, nhưng hình như đến lúc về nhà, sắc đỏ trên mặt cũng vẫn chưa phai, nên anh bần cùng phải có những lý luận tự vệ trước, mặc dầu chưa chắc ai đã để ý đến cái điều vụn vặt ấy. Ô hay, thì ra anh không được hưởng lấy một chút tự do rất tầm thường của mọi người, nghĩa là uống rượu mừng một người bạn có đại hỉ hay sao? Nếu nói gì, anh quyết sẽ cãi mới được. Từ khi cha mẹ sanh ra, nay anh mới say rượu là lần đầu! Mà chưa đến nỗi cãi nhau, chửi nhau với ai, chưa ngã ra đường, thì có gì là đáng thẹn?
Mới bước chân vào cửa hàng, cô Đức em gái anh, lúc ấy đương ngồi đánh phấn với mấy người bạn gái cũng bỏ gương reo lên:
— Ô! Anh Hai đi ăn cỗ đâu về thế? Gớm chửa kìa, mặt trông như mặt đức Thánh Quan!
Mấy cô kia nhớn nhác quay ra nhìn, khiến anh ngượng quá, nhưng cũng mừng rằng, may mà bà mẹ không ngồi trông hàng như mọi khi. Vào đến trong chỗ buồng khách, tức cũng là buồng ăn, anh chỉ thấy một chiếc va ly rất to trên bàn thôi, vậy bà mẹ lúc ấy hoặc ở trên gác, hoặc đi vắng, vội vàng anh rảo cẳng vào sân sau để rửa mặt một lần nữa cho tỉnh táo. Thì chẳng may vợ anh ở nhà bếp chạy ngay ra đón anh một câu như thế này:
— Đi ăn uống với người ta thế rồi tiền đâu mà thết lại!
Phúc lẳng lặng gục cả mặt vào chậu nước mát, thấy như nhẹ cả người. Câu nói tầm thường của vợ, trước anh coi khinh đến bậc không thèm đáp, dần dần hóa ra có nghĩa lý… Thật vậy, Tấn đã thết đãi anh rất nhiều lần, anh chưa hề trả nợ lần nào cả, nếu người bạn tốt ấy sau này sẽ cũng coi miếng ăn là trọng, cũng tha thiết đến sự được trả lại, nghĩa là cũng sẽ tầm thường như vợ anh, thì anh sẽ tính sao? Thật là cả một vấn đề quan trọng nó khiến anh phân vân về sự đối đáp về sau, hối hận về những cuộc hành lạc khi trước, và nản chí về sự định vay tiền, bất cứ ở chỗ nào, bất cứ vào lúc nào! Anh đã bắt đầu ngờ vực cái nhân sinh quan của anh vẫn chủ trương. Không, nếu không kiếm ra được tiền, chẳng ai có thể trở nên hiền nhân quân tử được. Vợ anh khoanh tay đứng nhìn, chờ anh ngẩng mặt lên liền hỏi:
— Thế nào? Thế ông có để ý đến việc của tôi không đấy? Hay rượu vào thì quên mất cả mọi sự rồi?
Bực quá, anh đáp vừa hùng hồn vừa liều lĩnh?
— Cái gì mà ồn lên thế? Chỉ có câu chuyện hai chục bạc thôi, gì mà những “mọi sự”? Tối hôm nay hay mai là cùng, rồi sẽ có!
— Thế đã hỏi chưa?
Phúc gật đầu liều.
— Thế người ta đã nhận lời chưa?
Phúc đáp liều hơn nữa:
— Đã! Đã! Không phải nói lắm!
Anh vắt chiếc khăn mặt lên giá chậu, toan quay ra thì vợ anh gọi giật lại:
— À này cậu! Anh cả vừa về chơi đấy! Cô Đức sắp đi mua bán gì cho anh ấy, còn tôi, bận làm cơm, vậy cậu liệu trông hàng cho tôi.
— Thế đẻ đâu?
— Dễ thường đẻ cũng đi mua bán gì cho anh ấy rồi.
Anh gật đầu, vui mừng lên gác. Tấn đã bảo anh rằng đêm nay thì đi hát một chầu ở Khâm Thiên cho long trời lở đất, vì ham chơi thì ít, vì nghĩa vụ vay tiền cho vợ thì nhiều, anh đã không thể nào từ chối cái việc cũng không hại đạo đức mấy chút ấy, tất nhiên anh phải lục hòm ra xem cái áo the thâm có nhầu nát lắm không, cái khăn lượt cũ đã bị gián nhấm thêm nữa hay chưa… Một tư tưởng chua chát bỗng đến với anh, phải khăn áo chỉnh tề để dấn thân vào cái chỗ ghê gớm nó làm cho nhiều người khôn ngoan đã bỏ vợ, từ con, khuynh gia, bại sản… Mà vì lẽ gì? Vì tiền! Ai đi hát là thừa của, vì quá no cơm ấm cật, còn anh, vì chạy tiền, vì muốn cho vợ khỏi phải bị chửi, vì muốn cho gia đình yên vui! Than ôi, thật là trái ngược thay mà sự hy sinh to tát ấy, thì rồi đến chính vợ anh cũng chưa chắc hiểu rõ cho anh đâu, người nhà mà biết, ắt sẽ đay nghiến, sỉ nhục, rầy rà anh, nhưng thôi, đã có quỷ thần hai vai chứng giám!
Rõ chẳng may, bà mẹ lại không đi vắng, giữa lúc anh lên, bà mẹ đương lục tủ chè, và cái vẻ đầu bù tóc rối ấy cùng là rất nhiều đồ la liệt bầy khắp sập bảo rằng bà cụ đương rất bực mình phải tìm một vật gì mãi chưa thấy. Thấy anh, bà ngừng tay, thẳng người lên, thở dài rồi the thé hỏi:
— Gớm, quý hóa chửa, cậu đã đi chơi về. Sao hôm nay cậu về sớm thế? Thằng cả nó vừa ở Bắc về đấy cái bằng của nó, cậu vứt vào đâu?
— Dạ bẩm con cất bằng của anh con bao giờ ạ!
Tức khắc anh là có tội, vì bà mẹ muốn anh có tội.
— Không cậu thì còn ai? Thế tủ sách của cậu đâu? Thử tìm cho tôi xem nào! Đi cả ngày, chẳng tích sự gì cả!
— Thưa đẻ, nếu con cất, con nhớ ngay, quả thật con không ….
— Thì cậu cứ cố tìm hộ tôi xem nào! Cậu làm ơn.
— Khổ quả, đẻ bắt thì con phải tìm, nhưng chắc là không thấy được đâu! Đấy rồi đẻ xem.
Tức khắc anh mở tủ sách, một cái tủ nhỏ đã mọt trong có rất nhiều sách cũ, sách học khi xưa, sách tàn thư mà anh đã mua khi đi làm. Anh bầy ra sập từng quyển một để phân bua rằng mẹ bắt mình làm một việc vô ích. Trong khi ấy, anh không quên hỏi:
— Anh con bắt tìm bằng thi để làm gì thế không biết!
Cho câu ấy là xúc phạm lắm, bà mẹ gắt một hồi:
— Nào ai biết đâu! Nhưng nó đã bảo tìm, thì phải tìm! Chả gì cũng cái thằng đít lôm[22], đánh mất của nó thì cả nhà này chết với nó!
Phúc nhăn mặt vì câu nói của mẹ là dốt nát một cách khó chịu, nhất là nó bao hàm cái nghĩa sợ sệt vô lý hình như anh cả là bố chứ không phải chỉ là con. Cho dẫu người anh ấy đã có bằng thành Chung[23], Phúc cũng vẫn coi là học lực tầm thường lắm, vẫn khinh để bụng, ấy là chưa kể đến cái nhân cách thảm hại của con người anh ấy cờ bạc như ranh, nợ hơn chúa Chổm, giai gái thì đã mắc giang mai đến bốn lần, vợ đẻ ba lần chết, một lần sẩy, làm cho bố mẹ những chịu tiền cưu mang mấy lần mà điêu đứng, thật đã điếm nhục gia phong. Tuy vậy mà vẫn được bố mẹ kính trọng lắm, chỉ vì đã chạy tiền đút lót mà được làm ông Phán tòa sứ. Người anh ấy lương tháng bảy chục đồng mà cứ luôn luôn về nã tiền nhà tiêu thêm sự thật thì chẳng những chưa giúp đỡ bố mẹ một xu lại làm hại bố mẹ chưa biết đến đời nào mới thôi. Anh như thế thì bố mẹ sợ hãi, mình như thế thì bố mẹ ghét bỏ. Phúc lắm khi chỉ vì sự bất công ấy mà phẫn uất, tuy chưa bao giờ dám để lọt ý nghĩ ấy ra miệng.
Bà cụ lại chấp trách cả đến nét mặt anh lúc ấy nữa - Cứ tươi tỉnh lên một tị, tìm cái bằng ấy chưa nhọc cái thân xác mấy đâu mà đã phải mặt nặng, mặt nhẹ như quân thù quân hằn như thế! Cái giấy gì kia? Không phải rồi đây kia nữa! Bằng nó đấy chứ gì! Thế mà bảo tìm chưa chi đã cãi cang cảng!
Phúc dở ra, hơi gắt:
— Bằng sơ học của con, không phải của anh ấy.
— Ừ, ấy thế! Thế là anh em xử với nhau tốt lắm! Của cậu thì cậu giữ cẩn thận, còn của nó, cậu mặc kệ, cậu vứt đi! Ai để đâu không biết!
— Con có quá điên mà con lại dám vứt cái bằng của anh ấy đi! Anh ấy có giao cho con đâu mà con có bổn phận phải giữ!
— Hết rồi phỏng? Thôi, thu lại! Ấy thế là mất cái bằng!
— Ngộ thầy con có cất đâu chăng…
— Ông lão ấy có thừa hơi. Cậu không săn sóc, còn ai giữ hộ.
— Ngộ anh con cất chỗ nào, hay đã đem sang Bắc thì biết đâu! Đẻ cứ nói làm con phải cãi!
Bà mẹ đập bàn rất mạnh, cho rằng chính anh phải chịu trách nhiệm về cái họa ấy:
— Tôi trái phỏng. Cậu bảo tôi trái chứng sắp chết phỏng. Cứ cầu đi! Có cái bằng của nó mà cậu cũng không biết ai để đâu, thế thì cậu còn được cái tích sự gì nữa? Nói thế mà nghe lọt tai ấy à! Để anh ấy về… Nó về thì nó đập vào mặt cho! Ừ, ừ, thế mà cũng đòi ngậm bút vào mồm[24], cắp sách đi học. Rõ thật văn chương chữ nghĩa bề bề, tối thì ôm lấy vợ, ngày thì cặp quyển sách đi chơi!
Không thể chịu được nữa, Phúc không thu dọn nữa, nói cứng:
— Anh ấy không giao cho con, con không đánh mất, ai đập vào mặt con được? Đẻ vô lý lắm, anh ấy chỉ là anh thôi, chứ đâu là bố con, thì anh ấy cũng phải công bình mới được. Con rất đau lòng phải nói với đẻ chẳng được dịu dàng như thế. Con nào cũng là con, đẻ không nên thiên tư!
Đó là lần đầu Phúc dám cãi lại mẹ, và chính cũng là vì lần đầu cho nên bà mẹ anh coi ngay anh là quân đại bất hiếu chi tử, chứ xưa nay anh ngoan ngoãn, có thế bao giờ. Bà cười nhạt một cách rất phụ nữ, cái đó đã cố nhiên, và giọng bà tuy dịu lại nhưng mà cốt để cho sự kết án gay gắt hơn nữa:
— À, cậu bây giờ giỏi nhỉ, cậu có chửi tôi thì cứ chửi đi!
Đã đâm khùng rồi, Phúc không nghĩ đến hiếu nghĩa gì nữa. Anh thấy rằng như thế mà lại cắn răng chịu vậy, ắt rồi sau này còn bị hành hạ thêm hơn nữa, và cho dẫu có được cái tiếng hiếu thuận không dám cãi mẹ, ắt cũng chẳng ai hơi đâu hiểu cho mình, vì rằng cái thứ hiếu ấy, chẳng qua chỉ là thứ ngu hiếu của kẻ nô lệ mà thôi. Cho nên Phúc quả quyết khoanh tay lại, ngồi xuống sập, nhìn thẳng vào mặt mẹ, nói một cách dịu dàng:
— Con xin đẻ hãy khoan… đánh con kể tội, việc ấy dễ lắm, con xin nhắc lại mấy câu phương ngôn rằng: Bề trên ở chẳng chính ngôi, để cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào… Con giun xéo lắm cũng quằn. Con đã bảo rằng đẻ thiên tư, bây giờ con lại nói như thế, vì rằng đẻ thiên lắm, chứ cho dẫu chính con, con có phạm phải cái tội tày đình là đánh mất cái bằng đi nữa, thiết tưởng đẻ cũng chưa cần nặng lời đến thế… Mất thì đi xin cái khác, nha học chính sao lại cho ngay, chứ có khó gì đâu. Đẻ buộc con chửi lại đẻ vậy đẻ thử nguôi đi, nghĩ lại xem nói thế có quá đáng không? Này con tưởng đẻ chưa quên những phen anh cả cãi lại đẻ bằng vạn thế nữa, hỗn láo bằng vạn thế nữa, bất hiếu bất mục bằng vạn thế nữa, mà đẻ vẫn cứ nhịn được, để mà vẫn yêu quý anh ấy như thường! Lắm khi yêu quý quá, đẻ hóa ra sợ hãi anh ấy nữa, động một tỵ là rối lên, một việc nhỏ mọn cũng coi như một tai họa lớn, có thể cả nhà đến chết với anh ấy, thí dụ như cái việc mất bằng này!
Ngừng lại, không thấy mẹ nói gì. Phúc lại tiếp:
— Con không muốn nói làm gì, phiền cả mẹ lẫn con nhưng mà bần cùng lắm, và đã nói thôi thì xin nói một thể. Cái lối của đẻ như vậy chính là nối giáo cho giặc, vì như thế tức là xui anh ấy được thể hỗn láo hơn nữa, và làm cho con cũng đâm ra hỗn nốt, tuy con mới cãi lần này là lần đầu… Tại sao hai đứa cùng là con đẻ, rứt ruột đẻ ra, mà đẻ lại phân biệt, đứa khinh đứa trọng, đứa ghét đứa yêu như thế? Có phải là vì anh ấy làm ông Phán, kiếm ra tiền, còn con đây, thì thất nghiệp, không kiếm ra được đồng nào, có phải thế không? Ô hay, thế thì ra tình nghĩa mẹ con ở đời này chẳng qua cũng chỉ vì đồng tiền thôi à? Ô hay, thế thì ra đứa con nào kiếm được ra tiền thì mới là cái dở cũng hay, để cho đứa nào không kiếm được tiền thì khi hay cũng thành ra dở? Có lẽ nào? Có lẽ nào đẻ sỉ nhục con chỉ vì con không kiếm ra tiền mà thôi!
Nói câu sau cùng, Phúc nghiến rít hai hàm răng lại, phẫn uất cực điểm. Chừng cũng biết trái, sợ con tủi thân mà đâm liều, nói dại đổ xuống sông xuống biển thì khốn to, bà mẹ cúi đầu xuống, co một chân đặt lên sập, tỳ cằm vào đầu gối, nghĩ ngợi. Nhưng Phúc cũng chưa lấy thế làm hài lòng. Anh muốn nhân cơ hội nói cả một lần cho bà già trái chứng từ nay trở đi phải mau cải tà quy chánh, kệch anh, để cho có thể thống mẹ ra mẹ, con ra con. Anh lại hằn học tiếp:
— Đẻ không cần chối, vì chối cũng không được. Con vẫn biết lắm, từ độ con thất nghiệp đến nay thì con bỗng dưng hóa ra lắm tội lắm! Ăn hại, đái nát, vô tích sự, gàn dở, không đáng bưng bát cơm lên mà ăn! Từ bố mẹ đến anh em chị em, thôi thì không còn thiếu một ai nữa, ra nói, vào nói, vắng mặt thì kể tội, có mặt thì mỉa mai, đay nghiến…
Chính anh, anh cũng không ngờ nói đến đây, anh mủi lòng, tủi thân, thấy nao nao con tim, nước mắt cũng ứa ra lã chã. Anh nghẹn ngào, hậm hực, không muốn nói gì chua cay nữa, vậy mà những nỗi đau đớn cũng để xuất nên lời:
— Con không ngờ! Thật thế con cũng không ngờ! Ngờ đâu chỉ vì không kiếm được lấy miếng cơm mà ăn, phải nhờ vào bố mẹ mỗi ngày hai bữa cơm rau, mà đến nỗi nhục nhã thế này, ai cũng coi như cái đinh trước mắt, nói phải cũng là chửi lại mẹ, không có tội cũng bắt gắt mắng. Đây này, con sẵn lòng bỏ cái nhà này mà đi, khỏi phải ăn hại, thì rồi cái gia đình này ai cũng vui vẻ hả hê.
Theo luật thì con được hưởng một phần gia tài đấy, nhưng thôi, con rất sẵn lòng nhường cho anh cả, vì con đã ăn hại mãi rồi, không đáng hưởng nữa, và vì anh cả là một ông phán tòa sứ, làm rạng rỡ gia tiên, như thế cho xong chuyện!
Một vị hiền mẫu có khi nào lại xin lỗi con cái chăng? Cái đó thì không. Cho nên bà mẹ anh chẳng hề nhếch miệng, mặc dầu bà hối hận lắm. Bà khóc, trước khóc sụt sịt, sau khóc òa… Dẫu rằng vẫn cố tu thân sửa tính để noi theo đạo lý thánh hiền xưa nay, Phúc cũng lấy thế làm hả hê lắm. Có thế họa may mới có sự công bình ở đời! Có thế, bà lão mới chịu, từ giờ trở đi để mình được yên! Có thế, bà lão may ra mới giữ được là mẹ hiền để cho mình khỏi phải trở nên đứa con bất hiếu. Anh rất sung sướng mà khám phá được thêm một chân lý nữa: Thà bất hiếu một lần, trong một phút, để sau này có thể sẽ cứ là hiếu tử cả một đời. Loài người ai cũng ưa nặng chứ có ưa nhẹ cho anh đâu. Anh không an ủi mẹ, lại yên lặng xếp sách vào tủ.
Đến lúc ấy, ông bố hoảng hốt từ dưới nhà chạy lên. Cố nhiên không biết vừa có sự gì xảy ra, ông cứ tự do sợ hãi nói:
— Chết thật! Nguy to! Quế tốt cụ lang bán hết mất cả rồi, bây giờ biết làm thế nào.
Không dám ngửng mặt lên để lộ hai con mắt lúc ấy lẽ còn đỏ hoe, bà cụ vẫn cúi gầm và gắt:
— Thì ông đi hỏi chỗ khác chứ sao!
Vẫn không hiểu sự gì, ông cụ há mồm ra như kẻ mất trí khôn, phàn nàn:
— Chỗ khác thì biết tìm chỗ nào?
Rồi im lặng được một lát, lại nói:
— Nguy thật.
Thái độ sợ hãi con cả của người bố lúc ấy làm cho cả người mẹ cũng hổ thẹn với đứa con thứ hai. Bà cụ đứng lên, lẳng lặng lê đôi dép lệt xệt đi vào gác trong làm cho ông cụ lại càng ngạc nhiên hơn, cứ ngơ ngác nhìn theo, rồi thẫn thờ ngồi xuống một cái ghế. Lúc ấy Phúc đã xếp xong sách vở vào tủ rồi. Anh bèn mở cái hòm da cũ để tìm cái áo the và cái khăn. Trong khi soát lại áo, khăn, anh bèn hỏi bố một cách tinh quái rất kín đáo:
— Thầy mua quế cho anh cả con ấy?
Một cách trịnh trọng và lo sợ nhất đời, ông bố đáp:
— Phải! Thì chính thế!
Phúc lại hỏi luôn:
— Không mua được quế tốt thì làm thế nào?
Như một cái máy ông bố đáp ngay:
— Thế mới chết chứ.
Lời lẽ ấy khiến Phúc phải quay ra nhìn mặt ông bố khổ sở ấy. Thật thế, sự lo lắng của nhân loại, vào trường hợp này, đã hiện nên thành một biểu tượng trên cái tinh thần ấy. Hai bên râu hầu như hơi quặp vào, cái khăn lượt bị đẩy cao lên để lộ cái trán đầy những nếp nhăn. Cái cổ áo khuy không cài, bửa ra rất rộng, làm cho cả hình dáng con người có vẻ một tay cờ bạc vừa đánh một nước bài khuynh gia bại sản, không còn phương gì cứu chữa nữa.
Trông thấy cái mặt bơ phờ ấy, Phúc chẳng thấy đáng thương, cũng chẳng thấy nó còn đáng kính trọng nữa. Anh tưởng chừng cái tình nghĩa cha con rất thiêng liêng lúc bấy giờ đã xa chạy cao bay đi đâu, và trước mặt anh ông bố lúc ấy chỉ là một người rất tầm thường, một viên chức tùy thuộc đã được cái hân hạnh đặc biệt là ông xếp giao phó cho một việc tư, mà lại không lo chạy được chu đáo, nên đương sợ mất lòng người bề trên, thế thôi. Bỗng đâu anh thấy bố là đáng khinh bỉ vô cùng. Cho nên, rất tinh quái, anh mỉa mai một cách kín đáo, bằng câu phàn nàn:
— Thế thì chết thật!
Vẫn ngây như đứa trẻ lên ba, ông già bèn kể lại:
— Nhà cụ lang ý là lắm quế tốt hơn cả, thế mà đến cũng chẳng có. Sao mà dạo này lại khan quế đến thế kia chứ! Cậu cả, cậu ấy không có quế tốt mà dùng thì rồi sẽ đau mắt nặng. Cậu ấy bảo dạo này cứ chiều chiều nó lại bốc hỏa lên mờ cả, trông không cái gì rõ.
Nghe những câu cắt nghĩa ấy, Phúc thấy nó mới vô duyên làm sao! Anh nghĩ thầm: “Cờ bạc, giai gái như thế, rồi thì có phen đến mù ị! Mặc kệ ông với con ông, chứ tích sự gì đến ai…”. Rồi anh lẳng lặng xuống nhà dưới, trong óc đầy một thứ tư tưởng ghen ghét mà anh cho là chính đáng lắm. Nhưng bỗng ông già gọi giật lại:
— A, này Hai!
— Dạ.
Anh đứng lại giữa thang quay mặt lại. Ông cụ vẫy thỏng thẹo cái bàn tay:
— Hãy lên, hãy lên đây tao bảo cái này đã!
Phúc quay lên, đứng trước mặt bố, thấy lâu quá lại giục:
— Thế thầy bảo gì?
Ông cụ muốn gắt:
— Thì hãy đứng đấy một tí!
Anh ta đành đứng nhìn cái ông bố sợ mất hiếu với con ấy đương chống tay lên bóp trán một cách rất trịnh trọng để tư tưởng mãi một cách rất kịch liệt mãi mãi, chứ nhất định không sai bảo gì. Sau cùng ông già mới nói:
— Hay ra thế này …
Đến đấy rồi lại thôi. Ông lại nghĩ ngợi năm phút nữa, để mà bảo một cách bất ngờ thế này:
— Thôi, thôi, bộ anh thì cũng chả làm nổi!
Tuy đã bực mình lắm, Phúc cũng còn sức dịu dàng làm ra bộ đáng yêu để cứ ngửa tay xin việc:
— Thì việc gì thầy cứ bảo truyền lệnh đi, xem con có làm nổi không!
Ông già lắc đầu thất vọng như phải có việc với một thằng ngu, một kẻ hoàn toàn bỏ đi, nên nguây nguẩy:
— Thôi, đi đi, tôi đã biết rõ anh lắm.
— Chết nỗi! Việc gì mà khó khăn đến thế?
Ông già nổi khùng gắt thật:
— Đã bảo đi mà lại! Cái bộ anh thì còn làm được cái đếch gì!
Phúc thấy bất bình như là bất cứ một ai vào trường hợp như thế cũng phải thấy bất bình, nếu người ta chưa đến nỗi đánh mất cái lòng tự ái, anh ta chưa quên rằng vừa cho mẹ một bài học tốt. Bây giờ đến lượt ông bố nữa thì đâu có phải bất hiếu cũng xin bất hiếu một thể, sao ông bố ấy lại không đáng nhận một bài học tốt của anh? Than ôi, nếu ngày nay phong hóa suy đồi đến bậc cha không ra cha, con không ra con, chồng chẳng ra chồng, vợ không ra vợ, há đó chẳng vì không ai biết giữ cái địa vị của mình đến nỗi trật tự, tôn ti bị đảo lộn ngược cả đó hay sao? Nếu ở đời này có được hạng con bất hiếu ghê gớm ấy chính là vì có hạng bố nhu nhược và nô lệ của con, của những đứa con kiếm ra tiền, như thế anh ta liền nói:
— Cái đó thì đã cố nhiên!
Ông bố kinh hoàng nhìn anh, vì hai mươi nhăm năm nay, bây giờ là lần đầu, ông thấy thằng con hiền lành ngoan ngoãn dám nói đối lại ông một câu mất dạy đến thế. Ngạc nhiên quá, đến nỗi tai tuy đã nghe rõ mồn một, ông cũng phải hỏi lại một cách thậm vô ích:
— Cái gì? Phúc! Mày nói cái gì?
— Thưa thầy, con vừa nói rằng: Cái ấy đã cố nhiên. Thầy bảo con là đồ vô dụng, con nhận thế là rất chí lý. Giá dụ con có việc làm kiếm được ra tiền, dám chắc thầy sẽ chẳng nói như thế bao giờ. Dễ hiểu lắm: Ở đời này, thằng con nào kiếm được ra tiền thì bố mẹ mới quý hóa.
Trước một cái chiến như vậy, cố nhiên là ông già đâm khùng:
— À! Cái thằng này bây giờ giỏi nhỉ? Mày chửi ông đi xem. Ừ, mày chửi bố mẹ mày đi!
— Con chỉ đủ can đảm nói ra một điều mà con tin là đúng sự thực, tuy nó chẳng hay lắm.
— Thôi câm đi, đồ mất dạy, đồ vô học, đồ vô giáo dục, quân đại bất hiểu chi tử? Mày thử vấn cái lương tâm mà xem: Đã từng ngậm cái bút lông mèo vào mồm mà dám chửi lại bố như thế nầy đấy à? Thử có hàng xóm láng giềng họ nghe thấy thì họ có đào mồ cuốc mả nhà tao lên không. Này ông bảo thật: Khôn cho người ta đoái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương thì người ta ghét… Làm cái thân con giai con giếc, chả gì cũng ngót ba mươi tuổi đầu rồi, mà như mày, thì thật nhục lắm! Bé thì nhờ mẹ, nhờ cha, nhớn thì nhờ vợ, già thì nhờ con, úi chao ôi là mặt nam nhi! Ôi chao ôi là cái mặt tài giai!
Trúng Số Độc Đắc Trúng Số Độc Đắc - Vũ Trọng Phụng Trúng Số Độc Đắc