A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 163 / 71
Cập nhật: 2020-06-12 14:03:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
rừ những ngày mưa không kể, sáng nào cũng vậy, cứ đúng chín giờ là anh Phúc đã ngồi trên một cái ghế xi măng trước nhà Kèn, trong vườn hoa Paul Beri[1].
Đã tám tháng nay nhàn cư như vậy cho nên từ người phu lục lộ quét vườn hoa cho đến mấy đứa sống cầu bơ cầu bất bằng đủ các nghề như trèo me, trèo sấu, câu cá, bắt tổ chim, có khi ăn cắp, giật khăn nữa: nói tóm lại là bọn ma cà bông vẫn lấy nhà Kèn làm khách sạn, đối với anh Phúc, đều đã trở nên ít nhiều thân thuộc. Hễ anh cứ ngồi vừa nóng ghế được năm phút, thì người phu gát đến chỗ chân anh. Mà lần nào cũng vậy, hễ anh co chân lên để tránh những hòn sỏi nhỏ do cái chổi tre hắt bắn lung tung, thì người phu cũng thản nhiên khẽ chào anh: “Cậu chơi!” để cho Phúc vui vẻ đáp: “Không dám! Ấy kìa bác…”. Độ nửa giờ sau, người phu ấy lại quay lại với Phúc, giơ cái điếu thuốc lào quấn bằng lá chuối mà bác ta vẫn gài mang tai khiến Phúc phải gập sách lại, ngừng đọc. Anh ta bèn lôi ngay ở túi áo ra bao diêm và gói thuốc lào. Bao giờ Phúc cũng để người phu hút trước, mình sau. Bao giờ người phu cũng để cho Phúc cái hân hạnh mời mình cả diêm lẫn thuốc, và sự ấy, Phúc coi là một thứ thuế đánh chỗ ngồi của chàng, không phải đóng thẳng cho Nhà nước nhưng đóng cho một người thay mặt Nhà nước vậy. Sau cuộc thù tạc nhỏ mọn ấy, Phúc lại đọc sách, người phu lại vác chổi ra đi.
Còn bọn ma cà bông, giao thiệp với anh ta thì khác. Chúng gọi anh là “cậu áo trắng dài” chỉ vì cái lẽ rất dễ hiểu là xưa nay chúng không thấy Phúc vận gì khác ngoài cái áo trắng dài.
Thoạt đầu, chúng cũng ngạc nhiên không hiểu sao trong đời lại có người vô công rỗi nghề đến bậc ngày nào cũng ra ngồi vườn hoa như thế, nhưng khi thấy Phúc bao giờ cũng đọc sách, chúng bèn đoán hẳn đó là một người học trò sửa soạn đi thi. Đối với bọn ấy, Phúc rất dè dặt. Có đứa đã đến ngồi cạnh chân anh ta, và sau khi hỏi chuyện mà không được đáp lời đằm thắm, đã ngồi ra nghịch những hòn cuộn dưới chân anh hàng nửa giờ mà chưa đi cho. Lại có đứa đã từng có lần moi trong một cái tay nải ra những quả me xanh hoặc sấu chín nó có thể làm cho Phúc nhớ lại cái thời học trò thơ ấu nữa, nhưng Phúc đã trả tiền, sợ ăn không thì thành ra thân mật quá, và thân mật với cái hạng hay văng tục ghê gớm, hay chửi ỏm tỏi, là rất nguy hiểm. Những khi bị bọn quỉ sứ ấy hỏi chuyện, Phúc chỉ đáp thế nào cho phải phép, cho khỏi là đáng ghét mà thôi. Tuy vậy, anh ta cũng đã nhớ tên và hiểu rõ cả tâm tính từng đứa một: thằng Bí Sến Vườn hay đánh chửi nhưng thẳng và tốt, thằng Tẹo mắt híp miệng nói leo lẻo nhưng mà gian, thằng Bôn Tây Lai có cả những tánh xấu của hai thằng kia, nghĩa là vừa hay bắt nạt vừa ăn gian, thằng Sáu Vẩu mềm nắn rắn buông, khôn ngoan đủ khoé, vân, vân…
Những lúc ngừng đọc sách, Phúc tình cờ được quan sát một phần tử kỳ lạ của cái xã hội mà bất cứ ai, nếu không thừa thời giờ như anh ta thì không tài nào được biết lấy mảy may.
Đối lại, bọn kia coi Phúc là một cái đồng hồ. Bởi lẽ chúng dậy trưa như những ông hoàng, nên khi phải đánh thức nhau, chúng đá vào mạng mỡ của nhau mà la: “Tiên sư mày, có dậy không, “cậu áo trắng dài” đã đến rồi kia kìa! Hoặc là: chính thế, “Cậu áo trắng dài” vừa về xong, đã bốn giờ chiều sao được”. Sự đắc dụng ấy chẳng đủ cho Phúc lấy làm vinh, điều ấy, đã cố nhiên. Nhưng mà, vốn có óc một nhà triết lý, anh ta vẫn cố lý luận thế nào để lường mình là không khổ. Nói cho đúng ra hiện đời anh ta đương trải qua một giặng đường luẩn quẩn không vinh hiển nghĩa là lúc ấy, mọi sự nhịn nhục và phục tùng số phận đã khiến anh có một tâm hồn thanh bạch của nhà đạo đức và khiếu lý luận của bậc triết nhân hiền giả; nói tóm lại, nghĩa là những điều kiện đầy đủ để hun đúc anh ta trở nên một kẻ lẩn thẩn vả gàn dở, đến bậc cái người chép truyện này đối với các quý độc giả, chỉ vì nói tới cái giặng đường ấy, mà cũng hóa ra lảm nhảm, ba hoa, chẳng đâu vào đâu.
Trước khi hóa ra lẩn thẩn, Phúc cũng đã có đi học, có đi làm, có lấy vợ như trăm nghìn người khác, chớ nào có kém gì ai? Tại sao anh ta mất việc? Anh ta không để ý, chỉ nhún vai, thản nhiên đáp: “Nó đểu, nó xoay tiền”. Tại sao ngót một năm nay, anh ta chưa có việc? Anh ta lại so vai: “Thời buổi khó khăn!” Tại sao ngày nào anh cũng ra ngồi ở vườn hoa Paul Bert rất đúng giờ, và rất nhiều giờ? Đến điều này Phúc không đáp gì cả, lờ như không nghe tiếng. Anh ta sợ rằng nếu trả lời minh bạch, ắt sẽ bị kết tội là khoe khoang. Và anh muốn tức khắc hỏi vặn lại cái kẻ vừa hỏi anh đại khái rằng: “Tại sao tội gì tôi lại không ngày ngày ra ngồi vườn hoa, nếu tôi đủ tư cách hưởng cái thú ấy?”
o O o
Anh Phúc rất ghét hai tiếng “thất nghiệp”, cho dẫu là “trí thức thất nghiệp”! Khi những bạn hữu của anh - số ấy cũng hiếm - phàn nàn cho anh, thì anh khẽ đáp ra ý không bằng lòng: “Cái đó có hề gì!” Anh ta cho rằng hạnh phúc ở đời chẳng ở chỗ kiếm ra tiền cũng như chẳng phải vì có chức nghiệp, nhưng là học hành và tu thân sửa chí thế nào cho mỗi ngày một giỏi thêm và đạo đức thêm. Đã bao lâu nay, anh không kiếm ra tiền… Những cái đó có hề gì, nếu anh không cần phải nuôi bố mẹ, và trái lại còn được bố mẹ nuôi? Ông cụ Phán mỗi tháng có số lương hưu năm chục, bà cụ Phán buôn sơn cũng khá phát tài, nếu sau này chia gia tài cho anh Phúc, anh cũng sẽ dự một phần tư vào cái nhà phố Hàng Gai, vợ anh phải vừa trông hàng vừa lo công việc nội trợ của người nàng dâu út, như vậy hai vợ chồng anh cũng chả có gì đáng gọi là ăn hại bố mẹ, và anh dẫu có ăn hại đi nữa, thì cũng chẳng ăn hại gì mấy tý. Anh không kiếm được việc làm là phải lắm, bởi cái lẽ rất dễ hiểu rằng, nhờ được cha mẹ có của ăn của để như thế, anh có một địa vị hiếm có của những người muốn tìm một cái nghĩa lý cao thượng cho sự sống còn.
Chứ gì? Thời buổi khó khăn này, trong khi cả bàn dân thiên hạ lầm than tranh nhau miếng sống một cách tàn nhẫn như thế, thiết nghĩ anh cũng nên vượt khỏi sự tầm thường của đời bằng cách đứng lánh hẳn cho rõ xa ra ngoài cái vòng tục lụy, cái đám đông người xô đẩy nhau, vì miếng ăn. Cho nên anh thường đáp những ai hỏi anh sao không kiếm việc gì mà làm đại khái rằng: “Thôi, nhờ giời mình ngồi không cũng đủ ăn, thì cũng nên để công việc cho người khác làm”. Anh rất không bằng lòng rằng thiên hạ lại ô trọc đến bậc hoài nghi tấm lòng thành thực của anh trong câu nói ấy, và đã chê anh là gàn dở hoặc nói đểu hơn nữa, nghĩa là ra ý cười rằng: “Cái thằng ấy không làm gì được thì nói phét như thế cho nó vui tai” … “Honni soit qui mal y pense![2]…” anh bĩu mồm cay đắng, thầm nhắc câu cách ngôn phương Tây. Chính trong những lúc bực mình như thế là anh lại tự thấy rất đáng kiêu ngạo với đời. Thì ra loài người, cái loài người khốn nạn, cái loài người dã man, mặc dù đã tồn tại cho đến thế kỷ thứ hai mươi, mặc dù đã bày vẽ ra thiên hình vạn trạng của vật chất để mệnh danh những cái ấy một cách điêu trá là tiến bộ và văn minh, thì chẳng qua cũng vẫn còn giữ nguyên cái bản tính của kẻ ăn lông ở lỗ đời xưa, nghĩa là vẫn chỉ biết, xưa kia tranh miếng mồi ngày nay tranh nhau tiền, thế thôi. Cái văn minh tinh thần, cái gì là bác ái, là vị tha, là đạo đức, là nhân nghĩa, thì không những họ chẳng khuyến khích thì thôi, lại còn bài bác kịch liệt là khác nữa.
Nhưng không! Anh Phúc nhất quyết chẳng để cho dư luận ấy, một thứ dư luận ấu trĩ và khả dĩ đánh đổ được. Dẫu sao đi nữa, anh cũng phải làm một người khác hẳn mọi người. Dẫu sao đi nữa, anh cũng tin vững rằng một kẻ quyết tu thân sửa chí để lên được địa vị một bậc hiền nhân quân tử ở đời thì rồi ít ra cũng phải được thiên hạ kính trọng như một tay thầy lang “vua thuốc lậu”.
Do cái nhân sinh quan ấy, anh Phúc đã trở nên một người không ai có thể chịu được, kể từ bố, mẹ, vợ, cho đến họ hàng và bạn hữu của anh. Vì những tội gì? Vì từ sau khi mất cái việc thư ký nhà buôn, anh không chịu mầy mò tìm việc làm nào khác nữa, chỉ đi sạo sục mượn sách của những người thân thuộc rồi ngày ngày ra ngồi đọc sáu giờ liền ở vườn hoa Paul Bert. Dẫu rằng anh ta không hề làm gì tốn tiền của cha mẹ: ăn thì ngày hai bữa cơm rau, mặc thì cái áo trắng dài, đôi giầy ta cũ, cái mũ trắng cũ. Không ai tha thứ được cho anh một cuộc đợi thời đại đến như thế và đã vội vàng tuyên bố rằng anh Phúc như thế là “đời bỏ đi”. Đối lại, cứ vững như quả núi Thái Sơn, Phúc cố im lặng để tỏ vẻ khinh bỉ.
Và tìm sự an ủi, cái quên, cùng là cái lý tưởng đời người ở trong những sách cổ điển.
Hôm nay, ngồi xuống ghế, anh sung sướng vì trời mát, nhất là mùa thu vừa về được vài ngày, với những đoạn gió hiu hắt của nó, đã gieo xuống mặt đất những mảnh lá vàng, và gieo vào lòng người một chút lòng thơ. Anh đưa mắt nhìn chung một lượt, dẫu rằng nhà Bưu Điện, phủ Thống Sứ, bức tượng nhà triết học Renan, nhà ngân hàng Đông Dương, sở Kho bạc, tòa Đốc lý,[3] tượng ông Paul Bert, và xa xa. mặt nước lấp lánh những sóng bạc gợn lăn tăn của hồ Hoàn Kiếm, những cái ấy vì nhìn đã quen mắt quá, nên chẳng khiến anh có một chút cảm tưởng gì nữa. Cũng đôi khi những luống hoa bọc trong những bồn cỏ tóc tiên mà người ta thay đổi giồng mùa nào thức ấy, làm cho anh phải triết lý vẩn vơ một chút, nhưng đã tuần lễ nay, vườn hoa bị để trơ trụi, và cảnh vật cũng không có gì lạ nữa. Thỉnh thoảng, chung quanh anh, vèo đưa mấy chiếc lá bàng.
— Cậu chơi!
— Không dám, ấy kìa bác!
Anh co chân lên, những ngọn chổi tre. Và khác hẳn mọi ngày, lần này người phu lục lộ, khi lôi xuống cái điếu lá chuối vẫn gài trên tai, lại đưa luôn cả bao diêm và gói thuốc lào mời mọc nữa. Phúc cũng hơi ngạc nhiên vội nói:
— Ấy, tôi đã có diêm thuốc đây.
Người phu gãi đầu gãi tai như trong cửa quan, mà rằng:
— Thì cậu cứ chiếu cố cho cháu một mồi nào.
— Vâng, cảm ơn bác lắm.
Sau khi hút thuốc, người phu nhăn nhó đôi hàm răng cải mả hỏi Phúc một cách thân mật:
— Cậu thư nhàn sung sướng lắm nhỉ?
Đó là lần đầu Phúc thấy có kẻ ngợi khen mình; Bao nhiêu nỗi uất ức vì bị hiểu nhầm và khinh bỉ bấy nay chỉ vì một lời khen suông ấy, mà hầu như tiêu tán hết. Phúc ta thấy người phu lục lộ ấy quả thật là một tay tri kỷ độc nhất vô nhị của mình, tuy anh ta không ngỏ lời cảm ơn. Và đáp:
— Có gì đâu mà sướng với khổ!
— Con dám chắc rằng được như cậu là ít có lắm, vì phải giầu mới thế được. Vả lại “vạn sự bất như nhàn” cổ nhân đã có câu…
Phúc ngạc nhiên thêm chút nữa ở chỗ người phu ấy xưng con, và nói năng được như thế, ắt cũng phải có chút ít chữ nho. Người phu nói thêm:
— Con xem cậu đứng đắn tột bực! Phải chi như ai, thì ra đây chỉ vì việc giai gái mà thôi. Vậy mà cậu, con thấy cả ngày chỉ đọc sách, lại vừa nhằm lúc các cô vú đầm dắt trẻ con tây ra đây chơi thì cậu đã cắp sách về. Thật người có một. Thế cậu sắp đi thi có phải không? Sao giầu có như cậu lại ăn mặc nhũn nhặn như cậu được, thế thì đứng đắn thật!
Phúc mỉm cười:
— Tôi cũng may đủ bát ăn thôi, gì được là giầu có.
— Ừ, ừ cậu cứ nói. Giấu giầu chứ ai giấu nghèo. Trông tướng cậu, con biết.
— Sao
— Cái tai của cậu ấy à? Cái mũi của cậu ấy à? Cậu mà không có bạc vạn trong tay thì cậu cứ chém cổ con đi.
Phúc cả cười:
— Nếu tôi không có bạc vạn trong tay mà lại còn chém cổ bác nữa thì lấy đâu ra tiền chạy chọt cho khỏi tử hình.
Đáp xong, anh nhìn xuống trang sách vừa bắt đầu đọc, ý muốn tỏ cho người phu hiểu rằng mình không muốn mất thì giờ chuyện lăng nhăng nữa. Anh ta lại bắt đầu khinh bỉ nốt người phu, cho câu nói kia là có ý mỉa mai.
Thế này là nghĩa lý gì? Những người thân thiết của anh ta đều đã xẻo thịt anh ta về những chuyện hôi tanh những hơi đồng, hết kiếm việc làm lại kiếm tiền rồi, nay đến người phu này, một kẻ qua đường tưởng là không có giây mơ rễ má gì với nhau như thế thì thôi chứ, vậy cũng lại nói đến cái chuyện ấy nốt nữa hay sao? thì bao giờ anh ta mới được yên đây. Thấy người phu còn ngồi xổm chồm chỗm đấy, Phúc đuổi một cách nhã nhặn:
— Thôi bác đi làm việc.
Nhưng trái hẳn ý muốn của Phúc, cái anh chàng vô duyên ấy lại gãi tai nhăn nhở:
— Con nói thế này thì không phải… Nhưng quả thật là bần cùng lạy cậu, cậu thương cho.
Phúc giật mình biết rằng sắp có tai biến chi đây, anh ta trừng mắt nhìn người phu, ý muốn cho hắn đừng nói nữa. Nhưng than ôi, “cậu áo trắng dài” không có đủ oai quyền trong con mắt, và người phu kia cũng đã nhất định không tha cho cái cậu “không có bạc vạn trong tay không xong”.
— Bẩm cậu, quê con ở Thái Bình, con ra đây làm ăn một thân một mình tứ cố vô thân. Tình cảnh con khổ lắm nếu cậu không thương con thì chẳng con ai thương con nữa.
Đến lúc hiểm nghèo Phúc mới chịu nhận ra rằng cái chức “trí thức thất nghiệp” mà mình vẫn muốn chối xưa nay bây giờ nhận lấy là đắc dụng và hợp thời lắm. Anh ta bèn đáp:
— Bác dẫu sao đi nữa, thì hiện cũng đương có công việc, mà lại là người nhà nước nữa. Còn tôi, tôi đương thất nghiệp, thì còn ích gì được cho bác?
Trả lời thẳng, trong ngôn ngữ, lắm khi là mắc cỡ. Cho nên người phu lục lộ lờ hẳn câu ấy đi, cứ tiếp theo:
— Dạ, vâng, bẩm nếu cậu không thương con, thì rồi con cũng sẽ đến mất việc, vợ con sẽ chết đói, mà con, chính con thì đến phải tự tử mất!
Vốn giàu tình cảm, lại thấy cái mặt nhăn nhở ấy bỗng buồn rầu một cách thành thực lắm, Phúc sốt sắng hỏi ngay:
— Chết nỗi! Làm sao?
— Bẩm cậu, khốn nạn, nào có gì đâu. Nguyên lúc xin việc làm thì con đã đút lót ngay người cai rồi, nhưng cũng vẫn thiếu của hắn một số tiền… Đã ngót năm nay con chưa chạy được, vì lương không đủ ăn, mà hôm qua hắn đe rằng nếu ba ngày nữa mà không đưa nốt thì hắn cho việc người khác làm mất… Con hỏi đến cậu là người cuối cùng, nếu lại cũng không được nốt, thì thôi thôi!
— Thế thiếu mất bao nhiêu?
— Dạ, bẩm những đúng một đồng bạc ạ.
Phúc thở dài khoan khoái, tựa hồ như chính mình được lúc trút xuống đất một gánh nặng trên vai, cho dẫu lúc ấy anh ta cũng không có số tiền.
— Một đồng… ba ngày, thôi được, cứ khất đi, để rồi tôi cố chạy hộ cho.
Cái bộ mặt buồn rầu thảm đạm kia bỗng lại nhăn nhở như trước:
— Lạy cậu, nếu thế thì thật cậu cứu sống cả gia đình nhà con! Bẩm cậu, cậu không ngại, thế nào rồi con cũng trả cậu sòng phẳng! Dạ, bẩm số con đây này, không có chạy đi đâu mà sợ.
Người phu chỉ tay vào cái băng dạ tím có năm con số đỏ dưới hai chữ T.P[4] Phúc nhìn qua gật gù:
— Bẩm thể độ bao giờ..?
— À, nay mai… Nhưng tôi đã nói thì rồi phải có.
— Bẩm lạy cậu, con cắn rơm cắn cỏ cảm ơn cậu. À, nhưng mà bẩm nhà cậu ở đâu?
— Hỏi làm gì nữa?
— Sợ mưa, cậu không ra đây chăng?
Dầu rằng xưa nay chưa từng hứa và thực hành giúp đõ tiền nong cho ai. Phúc cũng bực mình như Mạnh Thường Quân khi bị nghi là sai lời hứa. Anh ta khẽ gắt:
— Dẫu có mưa thì khi tôi đã nói, tôi cũng phải ra đây đưa tiền cho bác chứ sao?
Trước sự giận dữ ấy, người phu sợ tái cả mặt. Tuy nhiên hắn cũng vẫn cứ giao hẹn:
— Bẩm lạy cậu, ấy con chỉ chắc vào cậu, cậu tha lỗi cho, nếu không thì con chết đấy!
— Được rồi! Được rồi!
Phúc nhăn mặt khó chịu, lườm sau lưng người phu khi hắn xách chổi ra đi. Anh ta lại nhìn xuống trang sách, nhưng than ôi! Những chữ đen đã bắt đầu biết nhảy múa trước mắt anh. Một đồng bạc, trong ba ngày! Thế rồi làm thế nào đây mà dám hứa bừa đi như một người ra tranh nghị viện như thế? Thật vậy, một đồng bạc, làm thế nào có được, dẫu chỉ là một đồng? Phúc ta thở dài, biết dại thì đã quá muộn. Mãi đến lúc ấy anh mới thầm hiểu cái giá trị của lời hứa, vì lẽ nếu người phu kia mai đây có bị trắc trở gì về sinh kế, lỗi ấy trách nhiệm chính là ở anh!
“Ôi, người phu kia ôi, mi có biết đâu rằng ta đây, khi ta phải chờ tới chín giờ rưỡi sáng mới ra được đến đây, chính là gia đình nhà ta không có bữa lót dạ cho nên phải ăn cơm sớm, và khi ta về trước bốn giờ chiều, ấy cũng chỉ vì bữa ăn? Mi có biết rằng mỗi tuần lễ ta chỉ tiêu tốn mất có năm xu diêm thuốc, và ta không bao giờ ngửa tay xin ai tiền hay vay ai tiền, bởi lẽ đã ngót năm nay, ta chẳng kiếm ra tiền. Vả lại chuyện tiền là chuyện bẩn thỉu, ta đã bị khinh bỉ mãi rồi, ta không thể đả động được đến chuyện tiền, sợ lại bị khinh hơn. Vậy mà mi lại còn vay ta một đồng, sau khi bắt ta phải sẽ có bạc vạn! Quân gian ngoan! Thôi nhưng mi đã khốn khổ. Âu ta cũng đành phải liều hy sinh cái thanh khiết của ta đi để đào ngoáy xoay sở ra tiền cho mi mà thôi!!!
Sau khi nghĩ ngợi một cách chua chát và rất khôi hài như thế. Phúc ngồi thừ người ra tựa hồ như bậc vĩ nhân đương nắm cái vận mệnh của cả Tổ quốc phải đương đầu với một sự nghiêm trọng của thời cục mà chưa thấy cách giải quyết. Và anh ta bắt đầu thấy rằng mình là nghèo, là rất nghèo, nghèo đến mức không có nổi lấy một đồng bạc trong tay để làm một việc phúc đức, cũng như anh giác ngộ rằng ở đời này, không tiền thì chẳng làm nổi công việc gì cả, mặc đầu óc ta đầy dẫy những tư tưởng nhân đạo duy tha.
Nhưng khốn thay, cái bệnh lý luận của anh đã thành ra một thứ bệnh nan y, bởi lẽ anh mắc phải nó đã quá lâu ngày. Cái phút tỉnh ngộ kia chẳng qua cũng chỉ là ngắn chẳng đầy gang, cho nên Phúc ta cũng không vượt nổi cái luật chung của những kẻ trác táng khi biết hối hận thì lại đâm đầu vào tửu sắc một cách hăng hái hơn nữa, của những kẻ nạn nhân của thần đổ bác khi biết dại rồi thì máu thua quay gỡ dáo lại bồng bột trong huyết quản hơn nữa, của những con dâm phụ khi biết sám hối rồi thì lại có nhiều tình nhân hơn nữa.
Một vài vấn đề túng kiết bị đặt lên tấm thảm xanh của lý trí là một lần lòng tự ái của anh bị kích động để mà cố công cùng sức triết lý thế nào cho tìm ra kỳ được sự an ủi, sự tự túc về cái thanh bần của anh vốn bị cổ nhân nhồi sọ, nay anh cố nhiên, ngoài cổ nhân ra, không thèm cầu cứu ai khác nữa. Anh rút trong túi áo cuốn sổ tay, trong đó anh đã có ghi chép những danh ngôn kim cổ về cái sự nghèo kiết mà bậc hiền nhân quân tử chỉ nên gọi là thanh bần. Vừa bắt đầu nghiền ngẫm lại mấy câu anh đã gật gù khoan khoái hầu như quên khuấy ngay mất cái vấn đề thiển cận là nội trong ba ngày phải có đồng bạc cho người phu kia.
Anh ta, tự mình với mình, vừa đọc vừa nói lảm nhảm:
— Nghèo có phải đâu là sự đáng hổ thẹn nếu hạnh phúc của con người ta chẳng phải cốt ở giầu hay nghèo. Cho nên có người đã dạy rằng: Nếu của cải chẳng đủ làm cho kẻ giầu được cả một đời sung sướng thì với cái đống vàng súc tích ấy, kẻ giầu ấy chẳng sướng bằng cái anh chàng nghèo xác mỗi ngày đi kiếm đủ ăn thôi. Bởi thế cho nên ông tổng thống Garfield[5] đã nói rằng: “Cái phần gia tài quý báu nhất mà một thiếu niên có thể được hưởng của cha mẹ ấy là sự thanh bạch…”, Vì sao? Vì rằng như Lucien Descaves[6] đã dạy: cái cảnh thanh bạch của người ta chỉ là đáng ghét, không phải vì mọi sự thiếu thốn nó bắt người ta chịu, nhưng mà vì những tư tưởng xấu xa nó xui cho người ta có. Như vậy, riêng về phần ta chẳng hề vì không lắm tiền mà thèm thuồng ham muốn điều gì, đến nỗi không đạt được thì phải có những tư tưởng xấu xa. Trái lại, chính bọn giầu, có khi lại phần nhiều có những tâm hồn ô trọc. Nếu không thế sao một người đàn bà như Colette Yver, mà đã dám viết rằng: “Hạnh phúc vẫn có… Nó ở trong cái cảnh thanh bần mà người nào muốn giữ, hoặc vui lòng cam chịu, nó ở cái tự do của một khối óc trong sạch không bị sự bịn dịn đê hèn, ô trọc hay đắc tội, đến khuấy rối, nó ở trong cái nghèo! Muốn nói cho gẫy nghĩa hơn nữa thì đây, lại một câu danh ngôn của Lucien Descaves: Cái nghèo mới là một điều kiện tối cần không có khôn được, của sự đạo đức và của hạnh phúc vậy. Cho nên Pasteur[7] cũng phải bực mình hạ bút: “Các người chưa đáng mặt hiền nhân quân tử, nếu các người không biết rằng chẳng cần gì phải giầu có, ta cũng có thể sung sướng được lắm”, ừ, cái đó thật lắm chứ, nếu không sao trong phong dao tục ngữ của Tây Ban Nha cố hữu lại có câu này: “Con ếch trần trụi, con ếch nhẵn nhụi, con ếch không len, không sợi, con ếch cũng vẫn ca hát huyên thuyên.
Đến đây Phúc ngừng đọc, lim dim nhắm mắt, thấy câu tục ngữ ấy thú vị lắm, vì muốn hưởng cho hết nghĩa lý câu ấy, anh ta cần phải lơ mơ như người nghiện hưởng cái du dương của khói thuốc phiện. Năm phút qua như thế, thì một chiếc lá bàng rơi vào đầu gối khiến anh ta choàng mở mắt ra, anh dở những trang sách khác, muốn khối óc được vẫy vùng trong tư tưởng giới thêm một khoảng nữa, điều ấy cũng dĩ nhiên thay bởi cớ nếu không cốt cho tinh thần được hoạt động, ắt Phúc đã chẳng ra công viên ngồi ỳ hàng ngày. Anh lại càng vui hơn, khi thấy rằng hôm nay không thể có mặt trời được, và như vậy là tốt lắm. Anh khỏi phải đổi chỗ, khỏi phải chạy từ ghế này sang ghế khác như mọi bận để tránh nắng.
“Người khách lữ hành nghèo, trên dậm trường dấn bước giang hồ vẫn cứ tự do nghêu ngao ca hát mà chẳng sợ thủ đoạn của đám đạo tặc”. Đó là một câu của Rojas. Tầm thường thay và cũng sâu xa thay! Vì rằng loài người ngày nay điêu đứng trăm chiều, khổ vì danh lợi, cho nên lắm khi đã quên khuấy mất những chân lý rất thông thường như hai với hai là bốn. Nhưng ta đây một người khác hẳn nhiều người, ta quyết khám phá cho được hạnh phúc, ta chỉ quyết tìm thấy cho được Tân Thế Giới, mà cũng chỉ bằng cái cách rất tầm thường như cách để đứng quả trứng của Kha Luân Bố[8] mà thôi. Kẻ nào đã thâm hiểu được cái chân giá trị của sự thanh bạch thì cũng phải muốn rằng: thà chỉ có một căn nhà nhũn nhặn và chỉnh tề còn hơn là có một tòa lâu đài đồ sộ để cho thiên hạ khao khát. Ấy đó, Horace[9] đã thay thế. Nhưng đây rồi, câu này còn gẫy nghĩa hơn nữa, câu của Shakespeare: “Người ta thiếu thốn quá đã khổ, mà thừa thãi quá lại càng khổ, lắm hạnh phúc là ở cái thường thường bực trung, người thừa của thấy tóc bạc quá sớm, người đủ ăn họ thấy lâu hơn nữa”. Cho hay nghĩa lý thánh hiền nhập điệu với nhau một cách kỳ khu, vì chúng Sénèque[10] đây, đã nối theo câu trước “Những bông lúa sai quá thường làm gẫy mất ngọn cây; cái cành phải rơi, khi những quả chĩu chịt là quá nặng cho nó, cây quá sây thì quả không kịp chín nữa, ấy cũng in như thế cho nên sự cực kỳ khoái lạc đã hại mất bao nhiêu tấm linh hồn. Hại người khác và hại cả mình, nhất là hại mình”.
Cái bữa ăn tinh thần ấy. Phúc ta nếu chỉ có đến đấy mà đã là và xong cái miếng cuối cùng thì, nói cho thật kể cũng chưa đáng gọi là no. Vì rằng anh chưa biết ước lượng giá trị cái địa vị của anh, nghĩa là anh cứ bâng khuâng không hiểu rằng mình đã giàu quá hay là còn nghèo quá, để mà được hiểu rõ thế nào là hạnh phúc. Sách vở cùng là nghĩa lý thánh hiền, phương ngôn tục ngữ, vốn xưa nay vẫn chỉ có mục đích là chế tạo ra một hạng người nếu không gàn dở thì cũng là hiền giả quá ngu mà thôi, thì cố nhiên cũng phải làm cho anh Phúc, chỉ vì văn chương chữ nghĩa bề bề mà thành ra mất trí khôn. Lúc nào thấy sách nói giàu là nguy hiểm, anh sợ mình đã giàu mất rồi; lúc nào thấy sách dạy phải thanh bạch mới sướng, anh lại lo rằng mình nghèo quá chưa xứng đáng gọi là thanh bần mà chỉ đáng là: nghèo khổ, túng kiết, quẩn bách vv… May sao ở trang sách cuối cùng của anh, xưa kia anh đã có ghi thêm câu này nữa của đức thánh Evremond[11]. “Tôi chỉ muốn được chẳng giàu chẳng nghèo, nghĩa là ở cái địa vị mà người đời không khinh bỉ nổi, cũng như không ghen tị được”.
Phúc ta muốn reo lên: “À đây rồi! Có thế chứ” Anh rất bằng lòng anh vì xưa kia đã dịch và chép vào làm câu cuối cùng trong những danh ngôn triết lý về cái vấn đề hoàng kim hắc thế tâm.
Cho nên Phúc ta đã tưởng mình phát minh điều gì, khi biết rằng hai với hai là bốn, và tưởng bắt được của khi chưa rõ rằng mình kỳ chung chỉ là một người vô nghĩa lý chẳng ai thèm ganh tị, cũng chẳng ai thèm khinh.
— Phúc! Anh ta ngẩng nhìn lên đứng cách mươi bước trước mặt anh là Tấn người bạn đồng sự cũ ở hãng Bảo hiểm, cái hãng xưa kia có anh giúp việc thầy ký.
— À kìa! Chào anh.
Người bạn đứng lại, dùng dằng mất một phút nhưng sau cũng tiến đến phía anh khiến Phúc lấy thế làm rất vui lòng. Chẳng phải Phúc không biết vì là lịch thiệp, nhưng anh ta vốn hay khó tính một chút không biết vồ vập săn đón ai cả, mặc dù anh chẳng khinh người cũng như chẳng hề nghĩ đến cái sợ bị người khinh. Tấn vốn là một thiếu niên con nhà giầu, đi làm chỉ để có tiền chơi bời mà thôi, lại thêm là một tay bán trời không văn tự, tửu, sắc, yên, đổ, món nào cũng khá cả, tiếng tăm dưới đời thật quả cũng đã lừng lẫy lắm, cho nên Phúc lấy làm sợ cái con người vô đạo đức ấy lắm, mặc dầu đối với anh, Tấn bao giờ cũng cư xử rất tốt. Nhưng một người bạn hư thân mất nết mà rất tốt với mình thì đó là điều tối nguy hiểm, vì nếu hễ gặp mặt nhau thì chẳng có gì khác nữa ngoại giả những chuyện chơi bời. Chính là vì Tấn mà Phúc đã nếm những cái hại ghê gớm của loài người như hát xướng, chè rượu, cờ bạc, giai gái, dẫu rằng những cái hại ấy chỉ làm cho ta sung sướng mà thôi, Phúc cứ trờn trợn lo rằng không khéo Tấn dễ thường chính là con quỷ Sa Tăng hiện thành người để cám dỗ mình, quyến rũ mình phá tan mất cái thiện căn trong lòng mình làm cho cái xác thịt của lúc sống được biết những cảnh thiên đường để mà lôi kéo cái linh hồn mình, khi chết, thẳng xuống địa ngục. Chỉ vì lẽ ấy, tự Phúc từ khi không làm cùng sở thì anh ta không đi tìm Tấn nữa, và bây giờ tình cờ gặp nhau thì gặp nhau.
— Thế ra từ dạo ấy đến nay, anh cũng chưa làm đâu à?
— Chưa.
— Thế sao không thấy lại chơi?
— Bận quá.
Tấn trố hai mắt:
— Cái gì? Bận à? Bận mà anh lại được ngồi vườn hoa đọc sách như một thi nhân thế này à? Gớm!
Phúc đã cao hứng lại cụt hứng tức khắc. “Sao nó đã khen mình là thi nhân mà rồi lại chê ngay thi nhân là gớm? Sao nó lại không đến chơi nhà mình? Để nó bắt mình phải cầu thân với nó sao”. Tuy nhiên anh ta cũng đáp bằng một câu nói chẳng thành thực mấy, đầy những kiêu ngạo:
— Những lúc bí cũng chẳng muốn tìm ai cả.
Tấn rộ lên cười mà rằng:
— Thôi! Thế tôi xin lỗi anh! Ừ đáng lẽ thì chính tôi phải đi tìm anh và không được phép trách anh sao không tìm tôi. Khốn một nỗi, tôi cũng có nhiều bổn phận quá, và toàn là bổn phận phải gánh vác với những bạn thân yêu; nếu tôi đi tìm anh, ắt các bạn khác chúng chửi tôi là đồ xỏ lá, là ba que, là đê tiện, là Hán gian[12], thôi thì đủ thứ, bởi cái lẽ rất dễ hiểu rằng vắng tôi, chúng mất bạn đồng chí để đi hát, đi hút, đi uống, đi chơi, chúng sẽ căm tôi ích kỷ, đi ăn mảnh, vì tìm anh để nói những chuyện nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là hưởng một cái khoái lạc hoàn toàn tinh thần.
Phúc cố cười tha thứ rồi bảo:
— Khoan đã! Nói nhảm ít chứ. Thế nào, hai cụ nhà ta dạo này vẫn được bình yên như thường đấy chứ?
Tấn sa sầm ngay nét mặt:
— Cảm ơn anh! Như thường! Nghĩa là thầy tôi đêm nào cũng vẫn tổ tôm điếm tràn cung mây ở Khai Trí Tiến Đức[13] như một vị thượng lưu nhân vật Việt Nam xứng đáng, và đẻ tôi cũng vẫn đồng bóng như một bậc đức phụ Việt Nạm ít có, để mà thỉnh thoảng lại xài tôi một trận, chỉ về vấn đề ép duyên.
Theo thường lệ, Phúc cũng tìm đươc một câu triết lý.
— Thôi, anh cũng chẳng nên phàn nàn. Được thế là may! Những cái khó chịu nhỏ tránh cho ta những cái tai hoạ lớn. Thánh nhân đã dạy: “nhân vô thập toàn” cơ mà!
Tấn cũng hằn học đáp ngay:
— Nếu thế thì bố mẹ tôi cũng không nên phàn nàn mới phải chứ, sao lại cứ muốn bắt tôi hoàn toàn? Tôi có là thánh nhân hay là tăng ni đâu? Mà sư mõ bây giờ thì cũng phải ăn thịt chó, cũng phải đi săm, đi hát, nếu không thì hợp thời trang thế đếch nào được.
— Thế dạo này, anh có gì lạ không?
Tấn trầm ngâm nghĩ ngợi rất lâu rồi mới đáp:
— Có! Kể cũng có cái gì hơi lạ một chút!. Với ai kia thì tôi còn dấu, nhưng với anh tôi nói được. Tôi đã biết rõ bụng dạ anh lắm, cư xử với bạn hữu tốt, đạo đức lắm, tuy hơi ương gàn một chút, nhưng không vụ lợi bao giờ. Nhưng mà ngoài anh ra, cái điều bí mật này không còn một ai biết nữa, vậy phải giữ kín thật kín, sống để dạ chết mang đi đấy nhé! Anh có dám hứa không?
— Cái gì thế? Cái gì mà ghê gớm thế. Vâng tôi xin hứa.
— Thật là sự bất ngờ trong đời tôi. Thật chưa bao giờ tôi lại nghĩ đến nó, hy vọng đến nó. Chiều hôm nay hay ngày mai là cùng thôi, anh có biết tôi sẽ làm một việc phi thường gì không? Tôi sẽ đến sở, không phải để nô lệ như hàng ngày, nhưng mà là để đá vào đít ông xếp của tôi vài ba chiếc. Tôi chỉ còn chờ đi mua một đôi giầy mũi rõ nhọn nữa là khởi công mà thôi.
Chưa hiểu gì cả, Phúc chỉ biết rộ lên một cái:
— Ủa!
Tấn tiếp:
— Phải phải, chính thế! Ngày kia thì các báo sẽ đua nhau đăng ảnh tôi lên trang nhất. Rồi thì tôi sẽ trở nên một nhà giàu lòng từ thiện vô cùng, hoặc sẽ bị gọi là một thằng đểu vô cùng!
— Cái gì lạ lùng đến thế?
— Vậy anh cũng vẫn chưa đoán ra hay sao? Thế tôi cắt nghĩa thêm nữa nhé? Tôi cũng sắp bỏ việc như anh! Các báo, các nhà từ thiện sẽ đến tìm tôi, sẽ xin tiền tôi. Nếu tôi không cho họ đồng nào, họ sẽ chửi tôi đến bật mồ, bật mả! Nếu tôi cho, tôi sẽ là vĩ nhân của thời đại bây giờ.
Trước cái miệng há hốc tròn xoe của Phúc, Tấn nóng ruột quá, đành phải nói thẳng:
— Nghĩa là tôi trúng số, anh nghe rõ ra chưa? Có mấy đâu, bốn nghìn bạc thôi, nhưng mà cũng kể là số độc đắc kỳ này đấy, vì số mười vạn còn những hai tháng nữa mới mở[14].
Đến bây giờ, Phúc mới biết gật gù mà phê bình một cách rất sâu xa, ý vị rằng:
— À… à! Thế cơ à!
Tấn lại trỏ tay vào sống mũi bạn, giao hẹn lần nữa.
— Bí mật đấy nhé! Bí mật hơn cả sự buôn đồ quốc cấm đấy nhé!
Phúc phì cười:
— Nếu nay mai thế nào thì báo giới cũng biết thì còn bí mật quái gì nữa?
— Những cái đó là cái phòng xa thôi, chứ tôi, may ra mà tôi vẫn giữ kín được cũng không biết chừng. Vả lại người trúng số ở xã hội này đã cũng như một tội nhân bị án tử hình chỉ còn đợi ngày lên máy chém thì cố nhiên chậm được ngày nào là hay ngày ấy… Cái gì nhỉ? “On arrivetoujours asseztôt pour être pendu”.[15] Có phải thế không? Tội gì hiện tôi đương Bô Xu[16] bỗng dưng lại được bạc những bốn nghìn, mà tôi lại không nhân cơ hội để thử lòng những bạn thân của tôi, những chủ nợ của tôi, những nhân ngãi của tôi, có phải thế không? Dẫu rằng chỉ giấu được trong 24 tiếng đồng hồ, tôi cũng phải dùng cái thời gian ngắn ngủi ấy, làm ra bộ túng tiền để thử cái bụng tốt của thiên hạ mới được. Chuyện này thì rồi nhiều anh để rơi mất mặt nạ đây!
Phúc khen luôn một lúc bằng ba câu:
— Phải lắm! Khôn lắm! Xỏ đời lắm!
Tấn giơ cổ tay lên xem giờ rồi vội vã giao hẹn:
— Thôi ta tạm biệt nhau nhé. Để tôi vào lãnh tiền kẻo hết giờ mất rồi. Họ còn tra hỏi, căn vặn căn cước và lý lịch của mình hàng giờ chứ chẳng phải dễ như được bạc ở sòng bài đâu. Vậy thì anh hãy cứ ngồi đây để chờ cho đến lúc tôi ra, anh hiểu chưa? Để tôi ra rồi hoặc đi đàng này một lát hoặc tôi hẹn với anh một giờ nào gặp nhau cho đích xác.
— Ừ, thôi thế thì vào ngay đi.
— Phải, phải anh cứ ngồi chờ đây mà xem cái thời cục của xã hội này nó sẽ thay đổi.
Tấn không bắt tay, cắm cổ đi ngay. Phúc nhìn theo người bạn để thở dài một cái rất thành thực, vì anh cho rằng một người chơi bời hư thân mất nết đến thế này mà nay lại còn trúng số, nhất là đến bốn nghìn nữa thì đó chính là một cái mầm đại họa. Thốt nhiên anh nghĩ đến câu danh ngôn của Descaves: “Chính cái nghèo mới là một điều kiện tối cần, không có không được, của sự đạo đức và của hạnh phúc…” Nhưng anh vội xua đuổi ngay cái lời đạo đức bất hợp thời và có hại ấy, vì anh chợt nhớ ngay ra rằng anh đương cần tiền. Thốt nhiên, anh thấy ngay rằng cho dẫu Tấn là một kẻ hư thân mất nết đi nữa thì cũng vẫn là một thiếu niên hư hỏng rất thông minh rất đáng yêu. “Xưa kia Tấn thường đã rủ mình đi chơi láo mất hàng năm bảy đồng bạc không tiếc, hẳn bây giờ, bỗng dưng phát tài có tới bốn nghìn trong tay, nên mình vay hắn đồng bạc cho người phu kia ắt được lắm”. Phúc yên tâm ngay, vui vẻ ngay, cho rằng mình đã được cái hy vọng rất chắc chắn là cứu được cả gia đình người phu lục lộ khỏi nạn đói rét. Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân, cho hay cổ nhân đã nói, ắt phải như đóng đinh vào cột, chẳng có sai một ly bao giờ.
Và những cảm tưởng của Phúc lúc ấy, chẳng phải chỉ dung dị đến thế.
Tức khắc anh cất ngay vào cuốn sổ tay có những danh ngôn đả đảo sự phú quý, và an ủi xuống cái nghèo kiết kia đi. Anh thấy rõ, hơn cả hai với hai là bốn nữa, rằng có tiền vị tất đã là nguy hiểm, và trái hẳn lại, chỉ không tiền như anh mới thật là tai hại. Chứ gì! Anh đang muốn làm một việc thiện to tát mà chỉ đáng giá có một đồng bạc mà suýt nữa cũng không xong. Thật là may quá, đương chưa biết chạy vào đâu thì lại gặp ngay bạn hiền, mà lại một ông bạn hiền trúng số. Do thế, anh muốn hiểu rõ tại sao hai người tình cờ mà lại là bạn thân của nhau. Thật là một sự kỳ công của tạo hóa, vì xem ra tính tình hai người chẳng những không hợp nhau mấy tí mà lại còn trái ngược hẳn nhau là khác nữa.
Một đằng thì sơ sài, giản dị, đạo đức, nhút nhát, nói ít, tư tưởng[17] nhiều chẳng khi nào phủ mồm với ai. Một đằng thì làm dáng như đàn bà, hư hỏng như đồ gái nhảy, táo tợn, thấy gái thì như mèo thấy mỡ, mồm miệng như “cái tôm cái tép” nhưng kỳ chung chẳng có cái tư tưởng sâu xa gì trong đầu, ăn thì chỉ thích ăn toàn miếng ngon, còn nói thì chỉ nói toàn những điều càn dở, bạo thiên nghịch địa. Hai bên như nước với lửa đến thế, vậy mà chẳng những không phản đối nhau, không công kích nhau, lại còn ra vẻ hợp ý nhau, tri kỷ nhau, thân yêu nhau. Sự đời trong cái éo le này, thật quả chẳng còn hai với hai là bốn nữa. Lấy gì cắt nghĩa được. Âu hẳn cũng là duyên nợ chi đây, bởi lẽ nhất ẩm nhất trác cũng gia cho tiền định kia mà.
Sau cùng, Phúc cho rằng hễ con người ta thiếu thốn cái gì thì thích những người nào chẳng có cái nhược điểm ấy, và cái luật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu ắt hẳn nó là như thế. Chứ những người tính nết giống nhau có khi nào lại kết bạn lâu được với nhau.
“Nếu quả như vậy thì dây liên lạc này trông chừng cũng bền chặt được, vì mình ưa nó, ắt hẳn mình thấy hơi thiếu thốn bề nào về những đức tính trong sự trác táng của nó; cũng như nó, nếu nó ưa mình, ắt hẳn nó cũng tha thiết muốn có, muốn rèn đúc, trau dồi cho nó được những cái thanh cao, đạo đức của mình!…”
Nghĩ như thế rồi. Phúc ta muốn được nói lên rõ to: “Chao ôi! Thì ra ngày hôm nay chưa ắt hẳn là một ngày hoàn toàn bỏ đi cho đời ta, vì ngoài một việc thiện ra, ta đã khám phá ra nổi một chân lý ít người nghĩ đến… Không, ta giao thiệp với Tấn chẳng có nguy hiểm như ta vẫn tưởng, và có khi trái lại nữa, có khi vì ta mà Tấn sẽ được cứu vớt ra khỏi vòng hắc ám của tứ hung chi tội[18] để rồi thẳng tiến trên con đường sán lạn, quang đãng và bình tĩnh của những thiện nhân. Nếu quả Tấn chỉ là vì cái xấu của thời đại mà đâm ra ô xú, chán đời, chứ chính thật trong lòng hắn cũng vẫn còn chút ít thiện căn để tha thiết tới cái gì là đạo đức của ta, thì ta quyết sẽ làm cách nào cho bạn cũng trở nên người có đức, có nhân và ta sẽ coi đó là một công nghiệp[19] lớn lao nếu cả một đời ta, ta sẽ chỉ làm được có một việc ấy là thiện. Còn như ta, nếu thật tình ta cũng khuynh hướng về những cái phóng đãng của hắn để mà không đến nỗi sợ tội lỗi mà tuyệt giao với hắn, thì ta đây, ta cũng sẽ đủ tư cách để kiềm chế dục vọng lại cho khỏi đến nỗi gần mực thì đen, chứ như ta đây, ta ngại gì! Và sau cuộc suy nghĩ này, ta lại biết thêm rằng chẳng phải ai ở đời cũng cứ sinh ra mà đã là thánh hiền ngay đâu, có sống mới biết, có từng trải rồi mới gọi là kinh nghiệm được, mỗi ngày là một buổi học, mỗi việc xảy ra đáng gọi là một lúc giảng bài. Như vậy thì không gì nguy hiểm bằng những thành kiến, những quan niệm sẵn có của người khác, và muốn được thẳng bước trên con đường vạn dặm của đời đạo lý, ít nhất ta cũng phải hoài nghi như Montaigne[20].
Thích trí quá, lại nhân ngọn trào tư tưởng trong óc lúc ấy khác nào như những làn sóng bạc vẫn đập vào bờ đá mà lại được thể vì có phong ba, nên chi Phúc ta vỗ đùi khoan khoái, lẩm bẩm thêm nữa: “Ừ may mà mình đã hoài nghi… Nếu cũng nông nổi như thói đời chưa chi đã yên trí ngay rằng Tấn chỉ là một kẻ chơi bời đểu cáng, vô giáo dục, thiếu nhân cách, để mà không giao thiệp với hắn ngay từ lúc đầu, thì có phải bây giờ ta mất một người bạn hiền rồi không? Huống chi phương ngôn đã có câu hữu tài hữu tật, và ăn chơi chẳng qua cũng là một thông bệnh của người đời, từ cổ chí kim mà thôi. Ngoài cái thói phóng đãng ra, tuy nhiên bạn ta cũng đã từng tỏ ra thông minh, có duyên, khinh tài trọng nghĩa, nói tóm lại thì toàn là những đức tính mà những kẻ đạo đức suông, nghĩa là những kẻ không ăn chơi gì thì ít khi có được. Đã thế lại thêm khí khái vô cùng, thân danh chỉ là một anh thầy ký quèn mà tự trọng ra phết, bướng bỉnh ra phết, cấm thấy bao giờ lòi đuôi ra làm nịnh tây, cái con người vô thập toàn ấy, nếu là hòn ngọc có vết, thì cũng vẫn còn hòn ngọc. Còn hơn không có vết gì mà chỉ là hòn đá kỳ”.
Phúc lại nhớ rõ cả những việc vụn vặt ngày trước, mình làm nhầm mà bạn chữa hộ, mình bận rộn được bạn giúp đỡ, mình bị đồng sự khác dèm pha thì bạn hăng hái bênh vực… Phúc đã triết lý kỹ lắm, và chỉ thấy ở Tấn là người đáng yêu mà thôi. Duy có điều này anh ta quên mất không triết lý đến, là bạn anh vừa trúng số được bốn nghìn bạc.
Phúc tưởng chừng như cứ mãi như thế cũng đã được hưởng tất cả những khoái lạc của đức Phật tổ khi thấy cõi Niết Bàn. Đương say sưa ngây ngất đợi cái giờ quý báu là lúc bạn ở nhà kho bạc đi ra, đang tưởng tượng tới mấy cái đá đít oanh liệt mà bạn sẽ tặng cái lão sếp khả ố cũ của mình, nghĩa là đương chờ một sự thay đổi thời cục xã hội, thì thình lình trông thấy vợ với một bộ mặt nhăn nhó vừa đáng sợ, vừa đáng thương, nó cấp báo rằng hẳn ở gia đình nhà anh, thời cục cũng đã có gì thay đổi, anh ta kinh hoảng đứng lên đón vợ, và hỏi ngay, dẫu rằng vợ vẫn còn ở đằng xa.
— Cái gì? Cái gì thế này? Sao mà mợ phải ra tận đây tìm tôi?
Khi đến nơi, vợ Phúc không đáp thẳng câu hỏi kia chỉ bỉu mồm nói rất mỉa mai:
— Gớm, rõ cậu sung sướng đến thế thì thôi! Thật là sống chết mặc bay, lại ngày nào cũng ra vườn hoa đọc sách thế này nữa! Rõ nhàn cư vi bất thiện.
Tuy câu trách móc ấy, Phúc thấy là vô nghĩa lý và khả ố lắm, nhưng mà anh cũng nhịn, bởi xưa nay vẫn coi giống đàn bà là ngu si, chẳng hiểu cái gì, nên chỉ hỏi lại:
— Nhưng có gì phải ra đây tìm thế? Ngồi đây.
Vợ anh ngồi xuống, thừ mặt ra một lúc, nhăn nhó kể lể:
— Chết mất cậu ạ, phen này thì đến bỏ nhà mà đi, thật không dám trông thấy mặt thày mẹ nữa. Cậu không nghĩ cách cứu lấy tôi thì nguy to, chứ tôi, tôi sợ lắm, hóa điên hóa dại đây rồi. Nguyên là mẹ giao cho tôi hai chục bạc để ngày mai đi xuống ô đóng họ, thì không biết đứa nào lấy mất. Tôi cũng không biết đã để chỗ nào cũng không nhớ là mất ở nhà, đầy tớ nó lấy hay bị móc túi lúc đi chợ Đồng Xuân… Nguy quá, hai chục bạc, lại tiền đóng họ, làm thế nào được? Đi vay ai bây giờ, phải bù vào chứ nếu thú thật, thầy đẻ chửi chết, ắt rồi điêu đứng khổ sở.
Phúc so vai thở dài mà rằng:
— Thế mới đẹp mặt! Ai bảo buôn quăng bỏ vại, lúc nào cũng chúi đầu vào tiểu thuyết kiếm hiệp, lúc nào cũng u mê trí não như lên mây xanh.
Vợ anh ta nổi nóng ngay:
— Thế còn cậu, sao cũng biết bỏ nhà cửa đi cả ngày, để đọc sách nhảm.
Phúc ta phát uất đến không thể nói gì được nữa. Thì ra đàn bà đích thị là một giống tối nguy hiểm và nếu đức Thánh Khổng xưa kia phải bỏ vợ, ắt hẳn vì vợ ngài cũng giống như vợ anh mà thôi. Anh lại dám chắc rằng ở đời này chẳng phải hiếm gì những bậc hiền nhân quân tử đâu, nhưng mà vì người ta trót lấy vợ cả cho nên cũng đâm ra tầm thường, nhất loạt như nhau, cá mè một lứa. Phải phải, đàn bà ngày nay thì còn có gì khác nữa, nếu không là bắt chồng phải kiếm ra tiền, rõ nhiều tiền, để có được vùng vẫy, ăn chơi? Đấy! Trông đấy mà xem như vợ chồng anh, tưởng rằng được bố mẹ nuôi cho cả hai thì là anh thoát thân, anh khỏi khổ phải chạy tiền như trăm nghìn người chồng khác, thì bây giờ vợ anh đánh mất tiền đi, để cho anh phải nghĩ cách chạy tiền bằng được! Anh coi đó là một điều cay đắng nhất mà một kẻ nam nhi có thể phải chịu, vì anh đã thường nói rằng không chịu thua kém ai một điều gì cả, ai làm được việc gì anh cũng làm được, ai hiểu được sự gì anh cũng hiểu được, ai nhịn được cái gì anh cũng nhịn được, duy có cái việc làm ra tiền là anh đành chịu thua. Chán nản, nhọc mệt, anh uể oải đáp:
— Tôi mà lại đọc sách nhảm! Có mợ là người không biết gì.
Tức thì vợ anh kéo dài ngay mồm ra:
— Phải y. Y! Tôi thì còn biết gì, chỉ có cậu là tài giỏi! Tưởng ta cừ lắm đấy! Rõ thật cú không biết thân cú hôi có khác.
Sự đại lượng, sự nhịn nhục của con người ta cũng chỉ có giới hạn thôi, cho nên đến đây, Phúc không thể chịu được nữa, anh cau mặt hỏi lại:
— Cái gì mà cú hôi? Ừ. Tôi làm cái gì mà mợ bảo hôi tanh?
Người đàn bà có lẽ cũng biết mình quá lời, không dám nhìn thẳng vào mặt chồng nữa, nhưng trong khi nhìn xuống đất, chỗ mà mũi giày vô tình gí mấy hòn sỏi, vẫn không quên cắt nghĩa một cách hằn học:
— Chả hôi tanh gì thì chẳng có gì là thơm tho! Chồng con như cậu, thật rõ chán như cơm nếp nát!
Phúc không cần nghĩ cũng đã rõ ngay vợ anh muốn những gì rồi. Nhưng xưa nay, vì lẽ không bao giờ hai vợ chồng được ngồi riêng nên anh ta cũng vẫn cứ bưng tai giả điếc thôi, chẳng thèm cắt nghĩa, cho rằng việc cắt nghĩa ấy, dẫu mai hay kia, cũng chưa sợ muộn. Hôm nay, giữa nơi công viên vắng vẻ thật là một việc tốt, âu là anh phải nhân cơ hội để giảng giải cho cái con người ngu dốt ấy hiểu rằng một người chồng như anh không những đã chẳng hôi tanh gì, mà trái lại, còn là rất thơm tho nữa chứ sao lại không? Cho nên anh dàn ngay thế trận khiêu khích:
— Sao vì lẽ gì mà chán đến thế? Ừ, tôi vẫn biết là mợ đã chán tôi lắm, mợ còn thiết gì đến tôi! Nhưng mà hôm nay, tôi muốn mợ thổ lộ cho thật hết cả cái tâm sự của mợ ra để tôi hiểu mợ chán tôi vì những lẽ gì. Nói đi, nói hết đi, đừng ngại lời nữa, vì hôm nay không nói, có lẽ chẳng còn hôm nào được nữa.
Sau một hồi trù trừ, vợ anh bắt đầu, trước còn ấp úng:
— Chứ không ư? Chẳng chọn làm ăn gì cả, dở dở ương ương, khôn chẳng ra khôn dại chẳng ra dại như thế, vợ con nào mà chịu được! Cậu thử nghĩ lại mà xem, tôi lấy cậu chưa được một năm giời mà cậu mất việc từ độ ấy, ngồi ỳ ra chẳng chịu xoay trở gì cả, lại ngày ngày ra vườn hoa đọc truyện như là sung sướng lắm ấy! Tôi đây, đàn bà đã không có nghề nghiệp gì lại vớ phải ông chồng như cậu, thật là thua chị kém em đủ trăm đường, tôi lại không chán mà được ư!
Phúc chua chát gặn hỏi:
— Sao nữa?
— Không làm gì mà vẫn phải ăn, người ta nói đã rác tai lắm! Cậu đi cả ngày, cậu đâu có biết cái nỗi khổ tâm của tôi, những lúc tôi ngồi nhà, trông hàng… Thỉnh thoảng đẻ lại đi ra, đi vào, mỉa mai, chì chiết những là người ăn thì có, người làm thì không! Rồi các cô ấy nữa, lườm nguýt xỏ xiên, cho cả tôi và cậu là đồ ăn hại, mà quả cũng có thế thật!
— Nếu đẻ như thế là đẻ trái chứng, nếu các cô ấy hỗn thế là các cô ấy nhầm, ngu si, không biết gì, còn trẻ con, đáng thương! Còn về phần mợ, tôi khuyên mợ nên xử sự như tôi là lờ đi không biết, để mà khinh bỉ những cái nhỏ nhặt ấy, khinh bỉ bằng sự im lặng. Chỉ có sự yên lặng là đáng kể mà thôi.
— Cậu dở hơi thế nào ấy, khó nói lắm! Im đi thế nào được? Mình ngồi im, nhưng người ta nói lắm mình cũng bật gốc, bật rễ lên! Theo ý tôi ấy à? Thì không phải chỉ có sự im lặng là đáng kể, nhưng mà sự đi làm mới đáng kể.
Phúc nhăn nhó như đau đớn lắm, đáp:
— Không phải tôi không muốn đi làm. Nhưng mà chưa có việc thì mới phải thế này chứ?
— Cậu cứ ra đây mà ngồi thì ai đem việc đến tận mồm cho cậu. Vả lại cậu có để ý vào việc làm ăn gì đâu.
— Sao lại không! Tôi vẫn để ý lắm, hiện giờ chính là lúc đợi thời của tôi. Nếu tôi chịu khó, ắt cũng có việc ngay, nhưng ít tiền, nhục nhã, thì thành khoanh tay chờ có những cơ hội tốt hơn đi làm cho bõ. Một người như tôi, chẳng chóng thì chầy, chứ khi nào lại không có chút công danh.
— Chờ cậu đến lúc sang kiếp tiểu sành.
— Việc gì mà vội? Không làm ngay thì tôi đã để mợ chết đói đâu?
— Nhưng mà ăn hại mãi, thế đã đủ nhục lắm.
— Sao lại ăn hại, sao lại nhục? Mợ có biết cái phần gia tài mai sau chúng ta được hưởng là bao nhiêu không. Tôi mới nghỉ việc chưa quá một năm nay chứ gì! Nếu đẻ nói gì là đẻ trái, nếu các em nói gì là chúng nó hỗn.
— Nhưng đẻ cứ trái, và chúng nó cứ hỗn đấy, cậu về mà cãi!
— Thử nói đến tai tôi xem, nếu mợ ăn thì mợ đã trông hàng giúp đẻ, sao lai gọi là ăn hại được! Nếu tôi có ăn, cũng chỉ là ăn vào phần gia tài tôi được hưởng, chứ nào tôi đã ăn hại của ai! Huống chi cái thời kỳ nghỉ này, tôi vẫn học, tôi đương là học trò.
— Học gì! Cậu học những gì mà kỳ lạ thế?
— Học sách vở, văn chương, nghĩa lý, cái gì mà không phải học? Sự học thì còn có bờ bến nào nữa! Người ta càng học lại càng thấy mình là ngu dốt, cần phải học thêm.
— Nếu vậy, thà tôi không học gì để được yên trí mà giỏi.
— Vả lại ai mà là thánh nhân đâu, cho nên ai cũng phải học, cư xử sao cho phải, để tu thân, sửa chí.
Không cười, người vợ bắt đầu nói rõ to:
— Để quá ra một anh gàn bát sách! Thật thế cậu càng học càng dốt thêm, cho nên càng tu thân sửa chí lại càng gàn!
Phúc tức giận khẽ quát:
— Tôi cấm mợ nói nhảm đấy.
Tin rằng mình không nói nhảm, người vợ làm già hơn nữa:
— Còn tôi, tôi cũng cấm cậu đọc nhảm, học nhảm nói nhảm, chơi nhảm! Từ mai trở đi tôi muốn rằng cậu phải đi làm việc ngay, sở nào cậu cũng phải len lỏi vào với một cái đờ-măng[21]. Tôi không thể nào đợi được nữa, cậu cứ chờ thời thế này thì tôi hóa ra điên mất!
Phúc xua tay, thất vọng vô cùng:
— Thôi, thôi! Mợ về đi! Tôi không thể nói chuyện với mợ được! Mợ ngu dốt không biết đến đâu mà kể! Tôi lấy làm hối hận lắm rồi, thật mợ không xứng đáng làm vợ tôi!
— Đã thế tôi không về! Ừ, cậu đã nói thế, để tôi cũng nói một thể. Rồng vàng tắm nước ao tù, đã hơn một năm nay tôi nặng mình như đá đeo rồi đấy! Tôi không xứng đáng làm vợ cậu thì cậu bỏ tôi đi, ừ,cậu bỏ tôi đi xem. Thật là tôi sẽ ký cả bốn tay nếu tôi có đến bốn tay! Gớm chửa, kia rõ người với ngợm. Cái áo trắng dài kìa, đôi giày cũ kia, cái mũ cũ kìa, cái mặt gàn dở, hủ lậu kia, cậu đuổi tôi về có phải không? Thế thì cậu đứng dậy về, về ngay, tôi muốn như thế?
Sau khi gần nhảy lên chồm chồm như thế, bây giờ vợ anh lại nắm lấy cổ tay anh. Phúc giằng ra quát:
— Cút đi, đồ ngu, đồ khốn nạn!
— Bảo ai khốn nạn hử? Này, bảo thật: không về thì không xong với gái này đâu! Đừng có tưởng bịt mãi mắt người ta được đâu, không ai mù! Học gì! Học chọc bát cơm ấy à? Thảo nào cũng lấy cớ đọc sách để ra đây, nguyên trả có mấy con hàng bưởi, mấy con hàng mía, mấy con vú đầm mà lại!
Đến cái lúc tức quá, không còn cách gì khác nữa, Phúc ta cũng đành xử sự như một kẻ phàm phu, tục tử rất tầm thường mà rằng:
— Đứa nào có thế thì chết một đời cha, ba đời con nhé! Mà đứa nào hàm hồ vu oan giá họa, thì chết trẻ, đẻ ngược nhé.
Vốn đã biết tính chồng không thế bao giờ, người đàn bà chột dạ, đành dịu giọng:
— Nếu không có thế thì cậu về ngay bây giờ với tôi xem! Đi!
— Không về! Bước đi! Muốn tử tế thì về trước đi, không có thì chẳng ra gì đâu!
Cãi vã hỗn láo lúc trước, bây giờ vợ anh đổi về du côn:
— Chẳng ra gì là thế nào! Ừ, anh định làm cái thá gì?
Trông ra xa, thấy Tấn đã từ trong nhà kho bạc bước ra, Phúc sợ hãi lắm, vội hứa liều:
— Thôi, về đi, rồi thì có hai chục bạc… bảo không được thì mặc đấy.
Theo tầm mắt anh, vợ anh quay lại nhìn về phía sau lưng. Khi cũng trông thấy Tấn, người đàn bà ấy nhớ ra rằng xưa kia, Phúc đã mấy lần đi chơi đêm, chính là vì người bạn quý hóa này cả, cho nên hầm hầm:
— À, lại thằng ông mãnh, lại hẹn hò gì với thằng ông mãnh!
Phúc vội vàng đứng phắt ngay lên, cương quyết một cách lạ:
— Im! Câm đi! Ông mãnh ấy có nhiều tiền đấy, nếu phải đi vay thì không có ông mãnh nào khác nữa đấy!
Vừa lúc ấy, Tấn cũng đã đi đến nơi.
— Ơ kìa, lại cả bác gái lại cũng ở đây à.
Vợ Phúc quay lại, tươi cười như không, cúi đầu rất lễ phép:
— Chào bác ạ! Lâu nay không thấy bác quá bộ lại chơi.
Tấn cũng hơi ngạc nhiên về câu nói thân mật bất ngờ đáp:
— Tôi bận việc quá, bác thứ lỗi.
Thấy cái giả dối của vợ là rõ rệt quá. Phúc bảo:
— Mợ cứ về đi nhé! Việc ấy, để rồi tôi về hãy hay, thôi về đi kẻo mẹ đợi.
Trước khi về, người vợ còn nói mấy câu mời mọc làm quà, khiến Phúc bực mình vô cùng. Đấy là vợ anh ác cảm với bạn anh đến thế, mà mới nói đến tiền, đã đổi ngay ngọn lưỡi như thế, nếu nói Tấn trúng số bốn nghìn, không biết vợ anh sẽ có thái độ giả dối và hèn hạ đến bực nào! Hai nữa, anh chỉ sợ Tấn tưởng lầm rằng anh đã nói chuyện Tấn trúng số nên vợ anh mới nịnh thần như kia. Nhưng Tấn vốn là người tốt, hảo hiền, không thắc mắc, nên không để ý gì cả, chỉ hỏi ngay Phúc:
— Bây giờ thì đi đâu chứ, chả nhẽ lại ngồi đây à?
— Ừ, thì đi nhưng đi đâu?
— Đi đâu để tiêu tiền cho nó sướng cái xác thịt chứ? Bây giờ đi ăn cơm là đúng lắm rồi.
— Tuy tôi ăn cơm sáng rồi nhưng cũng sẵn lòng đi với anh.
— Phải lắm, tôi với anh, ta còn phải hỏi nhiều chuyện, bàn luận nhiều điều lắm, vì rằng tôi đã nói, nếu không xoay lại được thời cuộc cho tôi…
— Thế anh trúng số những bốn nghìn thật đấy à?
Tấn nhìn Phúc ngạc nhiên, rồi chỉ đáp bằng cách lôi trong túi áo ra một giấy bạc một trăm có bốn mươi tờ buộc bằng giây gai đỏ, nó khiến cho một người thờ ơ với tiền đến như Phúc mà cũng tối tăm cả mặt mũi.
Trúng Số Độc Đắc Trúng Số Độc Đắc - Vũ Trọng Phụng Trúng Số Độc Đắc