The greatest thing you'll ever learn is just to love and be loved in return.

Eden Ahbez, "Nature Boy" (1948)

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhị Lang
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2502 / 49
Cập nhật: 2017-05-20 09:14:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Tiếng Nói Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam
uy là một quân nhân, nhưng Tướng Thế lại có phong độ một nhà chính trị lỗi lạc, ý thức trọn vẹn các mưu cơ cần thực hiện trong cuộc đấu tranh cân não. Vừa tạm yên việc phân phối lực lượng kháng chiến ra chiếm giữ các nơi trọng yếu nhằm chuẩn bị cái thế cầm cự lâu dài, Tướng Thế liền ban ưu tiên cho việc thiết lập đài Phát Thanh Chiến khu, ngay cả trước khi Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến ra đời.
Địa điểm đầu tiên của đài này nằm tại rừng Bù Lu, cạnh Bộ Tư Lệnh. Kế tiếp dời xuống rừng Doi Da, rồi lưu động theo chiến thuật, và cuối cùng thì thiết lập hẳn tại Chùa Hang, ở lưng chừng Núi Bà Đen. Trước sau đều đặt dưới quyền điều khiển của Thiếu Tá Hồ Đức Trung. Về mặt kiến trúc, quả thật là thê thảm. Một căn nhà tranh vuông vứt, với vách đất dày che phủ bốn mặt, rộng vừa đủ cho ban nhạc và xướng ngôn viên làm việc. Bên trong có một lớp vải mền nhằm giữ tiếng nói, giữa là một đường giây vượt khỏi nóc nhà, ăn thông với giây trời khá cao chằng giữa hai ngọn cây, nhưng vẫn núp dưới lớp lá rừng để tránh cặp mắt thám thính của phi công địch. Máy phát thanh được dùng cho đài do chính chuyên viên Hoàng Đình Khâm tự tay ráp lấy, và thường được gọi là "Máy 807'’. Cả bộ phận này lẫn chiếc máy phát điện đều đặt sâu dưới lòng đất, vừa để tránh bị địch phá hủy, vừa giữ cho tiếng động cơ không ảnh hưỏng tới làn sống của đài. Sức mạnh truyền âm của đài được ước tính vào khoảng 150 cây số đường bán kính chim bay. Buổi đầu, đài mệnh danh là "Đài Phát Thanh Liên Minh". Khi Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến ra đời, thì lại đổi danh hiệu theo Mặt Trận.
Lạ thay, chiếc máy thô sơ kia, với căn nhà tranh vách đất, không ngờ đã đưa tới kết quả tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng. Hàng ngày, vào lúc 8 giờ tối là giờ phát thanh thường lệ, đồng bào các tỉnh Miền Nam nghe thấy tiếng nhạc hiệu quen thuộc phát ra từ một chiếc đàn Mandoline của nhạc sĩ Trần Ngọc, tiếp theo là lời xướng ngôn viên: "Đây, Đài Phát Thanh chiến khu, tiếng nói Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam", rồi lại tiếp bản Quân ca vang lên hùng hồn lanh lãnh. Nội dung chương trình hàng ngày gồm một bài bình luận chính trị, một số tin tức về kháng chiến, rồi đến phần ca nhạc chiến đấu. Đài luôn luôn giữ được ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp, sau này có thêm phần Hoa và Miên ngữ.
Ban Anh ngữ của đài Úy giao cho Trung Úy Bút. Người này vốn là một cựu Trung Uý phi công Đức Quốc Xã, tên thật là Buck, được Việt Nam hoá cho dễ đọc. Anh bị Pháp bắt làm tù binh sau Đệ Nhị Thế chiến, gia nhập đoàn quân Lê Dương Pháp sang Đông dương chiến đấu. Anh trốn bỏ hàng ngũ, theo Quân đội Cao Đài, rồi lại theo Tướng Thế vào khu, vui lòng chịu sống cuộc đời du kích. Tôi tưỡng cũng nên đề cập ít nhiều về người quân nhân ngoại quốc đáng thương này. Anh Bút vừa phụ trách phần Anh ngữ đài Phát thanh, lại vừa làm Huấn luyện viên quân sự tại trường Huấn Luyện Liên Minh. Anh có biệt tài xem thiên văn, đoán thời tiết. Một dạo, Tướng Thế vui vẻ bày cuộc thi đua trời mưa trời nắng với anh em. Tướng Thế được anh Bút bí mật giúp sức, nên bao giờ cũng thắng cả, đoán trúng thời tiết không sai một lần nào. Là vì phải sống trong rừng rậm, nên muốn xem thiên vãn, anh Bút yêu cầu cho anh ra một chỗ quang đãng, mà anh bảo là "Cho tôi một ông trời". Ở đấy, anh nằm ngửa hàng giờ xem mây xem gió, đoạn quay về mách riêng với Tướng Thế để thắng cuộc.
Dạo ấy, trong trường Huấn Luyện có một nữ cán bộ tên Thủy, khá xinh đẹp. Bút đem lòng yêu trộm nhớ thầm. Nhưng chẳng bao lâu, Thủy nhận công tác phải đi xa, Bút buồn rầu bỏ ăn bỏ ngủ. Anh thường lắc đầu than thở bằng câu tiếng Việt "Thủy đi, Bút buồn" Anh em thấy thế bèn đâm ra trêu chọc Bút. Tại đài Phát Thanh lại có viên Thiếu Úy Toại vốn có tính hài hước. Anh này nghịch ngợm dạy cho Bút một bài hát dị lạ thường. Bút nào có hiểu biết hết ý nghĩa, nên cố gắng học thuộc lòng, và khi được mời mọc khẩn khoản, thì anh cất tiếng ca như sau:
‘‘Thục con mắt, lắc hầu bao, thù cha, hại mẹ, bỏ cửa đốt nhà’’ v..v..Không ai có thể nín cười được. Chính tôi cũng chả hiểu bài hát kia có ý nghĩa gì mà Thiếu Úy Toại lại đem dạy cho người an hem như thế. Nào đã hết đâu. Bút còn được Toại dạy ca vọng cổ nữa mới là chuyện lạ. Câu ca vọng cổ nổi danh của Bút như thế này: ‘‘Than ôi, một hai ba bốn năm cu li, ăn cơm với muối, luống những đoạn trường!’’…Mỗi lấn Bút ca, mắt anh nhắm nghiền với tất cả nỗi đau khổ, vì khi anh hạ thấp giọng cuống chữ ‘’ trường’’, thì an hem cười nghiêng cười ngả, cười ngả, cười chảy cả nước mắt. Thấy vậy, Bút đâm nghi và tức. Hơn một lần, anh ăn mặc quần áo chỉnh tề, đội mũ chào mào lên, rồi bước thẳng tới Bộ Tư Lệnh, « kiện » việc trên với Tướng Thế và tôi mà anh gọi là ‘’ Gentleman’’. Chúng tôi phải cố xử cho xong câu chuyện quái gở này.
Trong cuộc sống gian lao thiếu thốn, Bút chịu đựng tất cả, chỉ có điều là anh chê món cá mắm của người Việt ta, mà anh bảo là ‘‘Cá chết ba năm, không ăn được’’! Mùa Noël năm 1951, chúng tôi cám cảnh tha hương lữ thứ của anh, nên đặc biệt tặng anh một chai rượu Bia với ít bánh ngọt? Anh khoác đủ lễ bộ quân phục vào mình, rồi đủ lễ bộ quân phục vào mình, rồi ra giữa bãi trống, ngồi một mình vừa uống rượu vừa khóc! Càng về sau, Bút càng bị bệnh sốt rét rừng khá nặng. Người anh đã cao, lại quá gầy ốm, trông chả khác nào một cành tre trụi lá. Anh hết lòng quý mến chúng tôi, tưởng là trọn đời gần nhau. Nào hay trong trận đánh ở gò Sơn Tây vào hồi tháng 3 năm 1953, chúng tôi bị lũ cộng sản âm mưu báo cáo với Pháp để Pháp tới tấn công bất thình lình trở tay không kịp, khiến Bút bị Pháp bắt khi anh đang tắm rửa ngoài giếng. Nghe đâu anh đã được Pháp trả về quê hương, và từ đó không được tin tức gì của anh nữa cả. Ngoài anh Bút ra, trường Huấn Luyện Liên Minh còn có thêm 2 cựu sĩ quan Nhật cũng đều khá tài giỏi. Họ giúp ích rất nhiều trong chương trình huấn luyện.
Sau cuộc tấn công đầu tiên của Pháp hồi tháng 4 năm 1952, đài Phát thanh được di chuyển về khu rừng Doi Da. Pháp tỏ ra căm hận tiếng nói của Đài này lắm. Nên Pháp đã cố dò la thám thính, và dùng không quân oanh tạc phá hủy bằng những quả bom nặng 500 cân Anh, phá nát khu rừng với những lỗ bom sâu hàng chục thước và rộng bằng cả một thửa ruộng lớn. Nhưng Pháp vẫn không tiêu diệt nổi Đài Phát Thanh ấy. Bị Pháp theo dỏi sát nút, chúng tôi đành tổ chức phát thanh lưu động. Và vẫn không chịu bỏ các chương trình Pháp và Anh ngữ, vì chính các chương trình ấy mới làm Pháp điên cuồng lồng lộn. Gặp mùa mưa, nước lũ trong rừng ngập quá gối, lại thêm nạn muỗi mòng sinh sôi nảy nở không sao kể xiết, với đỉa vắt ê hề. Không kịp thiết lập nhà phát thanh, các chuyên viên đành hoạt động giữa trời đêm. Cả ban nhạc lẫn xướng ngôn viên đều vén quần đứng giữa giòng nước lũ, thản nhiên xúc tiến chương trình cho tới khi chấm dứt. Thảm thương nhất là giữa lúc họ đang há miệng, thì từng đàn muỗi bay ngay vào cuống họng, họ chẳng dám ngừng lại cất tiếng ho, đành cố nuốt luôn cả muỗi vào bụng!
Đứng nhìn cái cảnh một nhóm người ốm yếu phong trần, xúm xít chung quanh chiếc máy vi âm, đàn đàn nói nói dưới ánh trăng sao, giữa khu rùng ngập nưóc, tôi cố cảm tưởng chua chát họ là nhũng người điên, hoặc là những bóng ma rừng đêm đêm trỗi dậy làm chuyện quái gở! Càng quái gở hơn nữa là nhóm người ấy thỉnh thoảng đưa tay lên vuốt má, vuốt cánh tay, hoặc thò tay xuống nước tìm kiếm vật gì. Thì ra, họ bị muỗi rừng đòn xóc đốt đau quá, không dám đập mạnh sợ gây tiếng động, nên cứ phải vuốt dài, máu muỗi dính ngập cả tay và mặt! Họ lại còn bị đỉa cắn dưới chân, nên vừa đọc bình luận vừa co chân lên, kéo lằng nhằng những con đỉa đói dài cả tấc đang "nhào dô" hút máu họ!
Đó là thời kỳ khủng hoảng nhất của đoàn thể. Khi chiến khu Núi Bà Đen được thiết lập, đài Phát thanh lại được lệnh dời về núi, đóng tại Chùa Hang đối diện với
Chùa Bà bằng một khe núi. Sở dĩ có cái tên Chùa Hang, vì ngôi chùa này nằm trọn vẹn trong một hang đá rộng bằng cả một căn nhà. Vì Chùa Bà bị Pháp phá hủy hoàn toàn (sẽ nói rõ trong một Chương sau), nên Đài mới phải đặt tại Chùa Hang. Suýt nữa cả Đài lẫn anh em chuyên viên đều tan xác trong trận lụt năm Thìn. Sáng hôm ấy, bỗng nghe có tiếng đất chuyển ầm ỳ một cách đáng sợ, anh em tưởng đâu sắp có cuộc địa chấn, hoặc có thể hàng ngàn chiếc máy bay địch tối tấn công. Ai ngờ, một tảng đá khổng lồ nằm trên đỉnh núi, bị nước mưa xói lỏ mất phần đất ở dưới chân, tảng đá ghê gớm kia mất thăng bằng, lăn xuống khe núi giữa Chùa Hang và Chùa Bà. Đá đi tới đâu, núi lở tới đó. Khi đi ngang qua trước Chùa Hang, sức lôi cuốn mãnh liệt của tảng đá đã đánh bật gốc một cây xoài cổ thụ, thân cây to hơn cả vòng tay ba người nối lại! Phút chốc, cây xoài kia đã bị nghiền nát, trôi theo cái mớ đất bùn lẫn lộn với hàng trăm tảng đá khác, giờ này mang cái kích tấc bé nhỏ của những quả trứng gà nằm trong một bát nước mắm!
Đất sụp tới trước cửa Chùa Hang, chỉ còn trong gang tấc nữa là Chùa Hang cũng biến mất, mà bao nhiêu anh em ở đó cũng chẳng còn. Lạ lùng hơn cả là cuộc "địa chấn" ấy đã đánh tung đất dưới khe núi lên, lấp kín một kho tàng quý báu của Chùa Bà. Kho này được thiết lập dưối nền chùa, chất chứa hàng ngàn hàng vạn mâm thau,nồi đồng, các bộ "tam sự’, "ngũ sự ’’ bằng đồng, mà bá tính thập phương đã cúng cho chùa năm này sang năm khác, nhà chùa không sao dùng hết, nên đem cất vào đó. Thế là cả một kho tàng bí mật bị vùi lấp, muốn phá ra ắt phải dùng tới các phương tiện tối tân mà chưa chắc đã phá nổi. Điều lạ lùng thứ hai là con đường núi lở kia chỉ đi ngang phía vách sau căn nhà của Trung Tá Phó Tổng Tư Lệnh Văn Thành Cao, mà không "thèm" mang ông ta theo! Và điều lạ lùng thứ ba là khi giòng núi lở xuống tới chân núi, nếu cứ thẳng đường mà trôi, thì cả Đại Đội của Đại Uý Võ Minh Đồ đã bị vùi xác. Trái lại, giòng nước ấy chợt quặt ngang về phía tay trái, rồi lan trải ra thành một bãi đất hoang, chẳng còn thấy gì nữa cả. Kết quả là sau cơn "địa chấn" - kéo dài suốt cả một ngày một đêm - một giòng suối trong bỗng thành hình dưới khe núi sâu thăm thẳm. Quả là một biến cố phi thường của năm Thìn lụt lội. Đồng bào Cao Đài vốn tin tưởng thần linh, được tin núi lở, đã lặn lội vào thăm. Và khi nghe chuyện, họ càng thêm tin tưởng, cho là Đức Linh Sơn Thánh Mẫu đã ra tay phù hộ cứu vớt anh em Liên Minh thoát đại nạn!
Trong giai đoạn cuối ở Chùa Hang, đài Phát Thanh có vẻ "ăn nên làm ra" hơn trước. Đài được dân chúng bên ngoài ủng hộ cho một dàn trống đắt tiền, và mua sắm thêm một ít nhạc cụ cho ban văn nghệ. Đài cũng được sự tiếp tay đắc lực của nhiều người khác. Trong số nầy, đáng kể nhất là anh P., một chiến sĩ cách mạng suốt đời lang thang nơi hải ngoại, vừa về nước đã vào khu góp mặt với anh em. Và các anh N.V.S. và L.K.H., vốn là hai cán bộ cộng sản bị bắt khi công tác đi ngang qua chiến khu, và rồi vào ổ phục kích của anh em Liên Minh. Cả hai anh đều dứt khoát lập trường với cộng sản, quay sang hợp tác đắc lực và được anh em yêu mến. Còn anh P. thì chẳng may đã bỏ mình vì tai nạn, và đuợc chôn cất ngay tại đỉnh Núi Bà. Số là buổi sáng hôm ấy, tôi lên thăm đài Phát Thanh, anh P. với tôi cùng bày cuộc cờ giải trí. Đang vui vẻ thì bỗng nhiên có quân Pháp tới đồn Phan ở cách chân núi chừng 2 cây số. Trọng pháo Pháp nhả đạn lên Núi Bà. Hành động này gần như cơm bữa, anh em chẳng hề lo ngại. Nhưng anh P. chợt hoảng hốt đứng lên và bảo:
"Chết! Chết! Chạy đi anh!"
Tôi chưa kịp ngăn lại, thì anh đã thon thốt băng mình qua một chiếc cầu gồm vỏn vẹn có một thanh gỗ dài bắc qua chiếc hố sâu chừng vài mươi thước. Bình thường cứ bước chậm qua cầu, thì chẳng sao cả. Nhưng vì anh P. chạy quá nhanh, thanh gỗ kia bỗng búng mình lên theo nhịp bước, khiến anh P. mất thăng bằng, rơi ngay xuống vực sâu thăm thẳm. Anh bị một tảng đá nhọn đâm thẳng vào sau gáy. Anh chết ngay tức khắc. Anh em đã phải mất bao nhiêu thì giờ và sáng kiến, mới lần mò được xuống tới đáy vực, đưa xác anh lên. Đêm ấy, tôi lại ngủ lại với người chết trong hang đá. Mỗi buổi sáng, người bạn đáng yêu kia còn cười hăng hắc, đòi "diệt chết con xe" của tôi vậy mà bây giờ đã trở thành xác ma, nằm gần đó với cái băng vải trắng bịt trên đầu! Còn cảnh tượng nào bi thiết hơn nữa đây? Cả một cuộc đời giang hồ phiêu bạt, gót chân đã dẫm bao nhiêu đường xa đất lạ, chí trai đợi buổi thành công. Nào hay đâu cuối cùng lại bỏ mình vì một tai nạn quá vô lý, vùi thây nơi đỉnh Núi Bà Đen, sớm chiều hồn tử sĩ chỉ nghe tiếng chim kêu, vượn hú! Việc chôn cất anh P. cũng có tính cách khác thường. Trong chùa Bà sẵn có những tấm ván gõ quý giá, bề dày chừng một tấc, chiều rộng một thước tây, và chiều dài thì những 2 thước rưỡi. Ván ấy nặng vô cùng, người Liên Minh chẳng có phương tiện nào xẻ ra, đành để nguyên như thế mà ghép thành cỗ quan tài vừa rộng, vừa dài, lại vừa sâu hoăm hoắm. Xác người chết nằm giữa một đống lá chuối khô, rồi một số anh em xúm lại buộc giây, ra sức kéo cỗ quan tài tới nơi huyệt mộ!
Nói tới đài Phát thanh, không thể không nói tới một cơ quan chị em với nó. Ấy là tờ Tuần Báo "QUỐC GIA" do chính tay tôi săn sóc. Báo được in bằng máy Ronéo, phát hành đều đặn, biếu không cho các giới đồng bào các tỉnh. Về phần tin tức, tôi mở ra cơ quan "Liên Minh Thông Tấn Xã", thu thập tin tức qua các nhân viên tình báo của mình, và qua sự giúp đở của đồng bào có cảm tình với kháng chiến. Báo được hoan nghênh nhiệt liệt, càng ngày càng phải tăng số phát hành. Muốn cho tờ báo có một bộ mặt chính thức, có tính cách mỹ thuật, chúng tôi dùng cả tài nghệ của một nhà điêu khắc có thành tích đáng kể. Nguời ấy là Thiếu Uý Nguyễn Tuấn Phú, được bổ nhiệm cầm đầu ban Điêu Ấn. Cứ mỗi bức họa của anh lại được khắc vào gỗ, rồi anh em thay phiên nhau, vừa thấm mực in, vừa dùng búa đóng bản gỗ kia lên từng trang giấy. Hì hục suốt ngày đêm, số này vừa ra xong, thì lại tiếp số khác. Thế mà tờ báo cũng có bộ mặt "chuyên nghiệp" đáo để, nào có kém chi những tờ báo được in bằng máy móc tối tân ngoài thành! Anh em đều vui vẻ làm việc, tin tưởng nơi ảnh hưởng sâu rộng của "Cơ Quan ngôn luận của Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam".
Thiếu Uý Phú quả thật tài giỏi. Một mình anh phải đọc qua tất cả bài vở, rồi theo đó mà nảy ra sáng kiến, vẽ hình, vẽ tít. Rồi lại cũng chính anh lo việc điêu khắc cấp thời cho kịp với thời hạn phát hành, nhằm giữ uy tín cho tờ báo. Bên cạnh sự thành công của tờ "QUỐC GIA", tôi muốn kể đến sự thành công của một người trong Tòa soạn. Đó là Chuẩn Uý Nguyễn Văn Đem. Anh gốc người Miền Nam, rất kém văn phạm Việt ngữ, mà lại phụ trách việc đánh máy bài vở vào giấy Stencil, thì quả là một cực hình đối với anh. Tôi ra lệnh cho anh cứ hễ đánh sai chính tả một chữ nào, thì anh phải "ăn" một cái thước! Tội nghiệp thay, anh sợ bị phạt nên phải đi mượn một cuốn Tự Điển Việt Nam đem đặt bên cạnh, mỗi khi gặp chữ nào anh nghi ngờ, thì anh lại lật Tự Điển ra mà tra xét, trước khi gõ vào máy chữ. Nhờ vậy một thời gian sau, anh rất giỏi chính tả, phân biệt, hỏi, ngã, g, t một cách vững vàng. Tiếc rằng anh đã dẫm phải mìn, bị cụt mất đôi chân, rồi chết. Cho tới giờ này, tôi vẫn cò nhớ tới anh, một thanh niên rất đáng yêu, vừa hy sinh chiến đấu, lại vừa cố gắng học hành, lúc nào cũng tuân theo sự chỉ dẫn của tôi.
Tờ "QUỐC GIA" sau về Saigon, đổi thành Nhật báo, đặt Tòa soạn tại số 55 đường Hồ Xuân Hương. Mọi việc nội bộ đều giao cho hai người anh em trong đoàn thể là Nguyễn Văn Phương và Đ.T.B. Tòa soạn tăng cường thêm một số ký giả chuyên nghiệp, như các anh Đạm Phong, "Ba Toác", vì một sự hiểu lầm giữa bộ Thông Tin của Trần Chánh Thành với chúng tôi, mà tòa báo gặp bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống ngắn ngủi từ tháng 3/55 tối cuối năm, năm ấy. Nguyên do là tờ "QUỐC GIA" không đặt nặng vấn đề thương mãi, mà chuyên chú nhiều hơn về mặt đấu tranh chính trị. Quen với nền nếp tự do trong rừng, báo "Quốc Gia" thẳng thắn chỉ trích các lỗi lầm của chính quyền đương thời, và tỏ ra cứng cựa với phòng Kiểm duyệt báo chí. Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành ra mặt ác cảm, và làm khó dễ đủ mọi thứ. Thậm chí Trần Chánh Thành hạ lệnh cho kiểm duyệt gạt bỏ cả hai chữ "thực dân" trong một bài bình luận của chúng tôi. Lúc ấy Phan Quang Bổng, quê Quảng Ngãi, đảng viên VNQDĐ, đang giữ chức Giám Đốc Thông Tin Nam Việt. Tôi giận quá, xách ngay bản vỗ Morasse tới văn phòng Bổng, bắt buộc Bổng giải thích tại sao lại gạch bỏ chữ "thực dân"? Bổng không trả lời được. Tôi bèn mượn điện thoại của Bổng gọi tới Trần Chánh Thành vặn hỏi lý do. Bổng lạy van tôi như chết, năn nỉ tôi mà rằng: "Mày chớ có nói mày đang ở tại văn phòng tao. Nếu nó biết, tao bị hất văng ngay tức khắc!" Sau đó, tôi lên thẳng Bộ Thông Tin ở đường Phan Đình Phùng, gặp Trần Chánh Thành đang sửa soạn bước lên xe dưới cơn mưa. Tôi chận ngay Thành lại, đưa bản Morasse kia ra, bắt buộc Thành cầm bút ký tên và sửa lại hai chữ "thực dân" cho tôi, rồi mới được đi. Thành chịu thua keo đó nên càng tức. Ít lâu sau, báo "Quốc Gia" lại phát hành với bài vở không đúng với bài kiểm duyệt, nghĩa là coi như không có kiểm duyệt vậy. Khi Thành nhìn tới số báo, thì đã trễ. Ông vội vàng gọi giây nói trách cứ tôi. Thế là, tương kế tựu kế, chỉ hôm sau, tôi chính thức cho Thành biết số báo tới, tôi cũng sẽ không tuân kiểm duyệt! Nói vậy, nhưng về Tòa soạn, tôi yêu cầu nhà in hết sức cẩn thận, "người ta bỏ chữ nào, thì mình cứ bỏ chữ đó, đừng sai một li một tí ’’.
Thành yên trí tôi sẽ làm như đã nói vói ông. Thế là nửa đêm hôm ấy, anh em đằng Tòa soạn bỗng gọi giây nói đánh thức tôi dậy, cho hay Tòa Báo đang bị một toán cảnh sát võ trang bao vây, và đòi vào nhà máy tịch thu số báo.
Tôi lập tức tới nơi can thiệp, cứng rắn cho toán cảnh sát của Nguyễn Ngọc Lễ và Trần Bá Thành biết rằng, theo luật lệ, báo chưa ra khỏi nhà in, chưa phát hành, thì không ai có quyền mó tới cả. Muốn tịch thu báo, cứ đợi tới sáng hôm sau! Tôi lại đưa tay chỉ một toán quân Liên Minh đang đứng trên lầu, mà bảo: "Nếu các ông vi phạm, chúng tôi sẽ nổ súng, và ông Trần Chánh Thành sẽ phải gánh lấy trách nhiệm về chuyện này." Toán cảnh sát bèn lặng lẽ rút lui. Nhưng tờ mờ sáng hôm sau, vừa trông thấy mặt báo "Quốc Gia" trên các sạp trong Đô thành, là họ nhắm mắt tịch thu hết cả, tổng cộng hơn 5.000 số. Đợi cho họ làm xong chuyện ấy, tôi mới gọi Trần Chánh Thành, làm bộ hỏi: "Ô hay, tại sao anh sai cảnh sát hốt báo của tôi? Anh hãy xem lại xem tôi có vi phạm kiểm duyệt chữ nào không? Bây giờ anh tính sao đây? Dù anh có trả lại, thì báo cũng chỉ nên đổ vào thùng rác!" Thành chợt hiểu tôi "chơi khăm" ông, nhưng sự đã lỡ, ông đành bỏ tiền chính phủ ra thanh toán 5.000 số báo.
Thuật câu chuyện trên đây là để làm quà cho dư luận ngày sau. Chứ thực ra, một khi đoàn thể chúng tôi đã chính thức nhận lời về hộp tác với chính phủ Diệm, thì còn lòng dạ nào chống phá nhau như thế nữa. Riêng với ông Trần Chánh Thành, tôi cũng không hề ác cảm. Tôi biết chẳng qua ông trót đứng về thế chính quyền, thì đành phải "ăn cây nào, rào cây ấy", quá sộ lệnh trên để phải thi hành những điều mà lòng ông biết là không phải. Bằng cớ là 17 năm sau, qua bao cuộc bể dâu, nước nhà đang tiến dần tới bước suy vi, nhân ngày đầu Xuân Tân Hợi (1971), Thành đã niềm nở nâng chén rượu chúc thọ tôi, với câu nói thật cảm động:
"Anh là người có công to với nền Đệ Nhất Cộng Hòa - lời Thành nói - Nhưng anh đã chẳng nhận ân huệ gì của chế độ, mà chính anh em tôi đây đã hưởng nhiều ơn mưa móc. Vậy xin mời anh chén rượu đầu Xuân này để thắt chặt tình anh em với nhau, và chúc anh may mắn hơn trong đoạn đường sắp tới.".
Tôi đã uống rượu của Thành, bấy giờ đã là một thành viên của "Uỷ Ban Phối Hợp Hành Động Các Chính Đảng" mà tôi là Tổng Thư Ký, với Cụ Trương Vĩnh Lễ làm Chủ Tịch. Chuyện cũ bỏ qua, như mây bay, như gió thoảng. Dù tôi phải, dù Thành trái, thì đã được gì? Giờ đây, nghe đâu Thành đã mất hồi 1975 khi cộng sản mới chiếm cứ Miền Nam. Tôi ước gì hồn linh của Thành đọc được mấy giòng tâm sự này.
Trở lại việc chiến khu, tôi muốn nhấn mạnh rằng tờ báo "Quốc Gia" với đài Phát Thanh Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam là hai cơ quan đã đóng góp một cách thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh của Trình Minh Thế. Cả hai đều chết âm thầm sau khi Thế mất.
Trong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế Trong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế - Nhị Lang Trong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế