They say love is blind…and marriage is an institution. Well, I’m not ready for an institution for the blind just yet.

Mae West

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhị Lang
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2502 / 49
Cập nhật: 2017-05-20 09:14:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 - ‘‘Con Người’’ Trình Minh Thế''
rong hồ sơ công an do Pháp để lại, Pháp dùng một số danh từ kém lễ độ để nói về lúc thiếu thời của Trình Minh Thế. Đó là theo con mắt của kẻ chinh phục, cướp nước.
Trình Minh Thế vốn xuất thân từ một gia đình nông dân, tín đồ thuần thành của Tôn Giáo Cao Đài, dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đức Giáo Chủ Phạm Công Tắc. Ông là con trưởng cụ Trình Thành Quới, sinh năm 1922 tuổi Nhâm Tuất, tại làng Trà Cau, quận Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Tổ phụ 4 đời của Trình Minh Thế vốn là họ Trịnh) gốc người Bình Định. Vì có dính líu nhiều tới cuộc khởi nghĩa của anh em vua Tây Sơn, nên khi Nguyễn Ánh thành công, các cụ sợ bị nhà Nguyễn trả thù, nên lén bỏ xứ, trốn vào Miền Nam sống lẩn lút, đổi ra là họ Trình, ông có hai người em gái, một gả cho Thiếu Tá Tô Bính Cầm (một Tiểu Đoàn Trưởng của Liên Minh), và một gả cho một viên sĩ quan khác của Quân đội Cao Đài. Ông lại có người em trai tên Trình Minh Đức, theo cha là cụ Trình Thành Quới lập riêng chiến khu nho nhỏ trong rừng Bù Lu, và cùng chết một cách thảm khốc với cụ Quới trong một trận đụng độ khốc liệt với quân cộng sản, trước Tết năm Quý (1953).
Trình Minh Thế ít học, theo tới cấp Primaire rồi ở nhà. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã có tính cương cường, không thích chứng kiến những sự bất công, áp bức. Theo lời ông thuật lại, đã có lần ông dám "chơi đòn" một ông hương cả thế lực trong làng, khiến phụ thân ông phải khó nhọc dàn xếp mới xong. Bà vợ ông tên là Nguyễn Thị Kim, người cùng làng, là một người đàn bà gương mẫu trọn đạo thờ chồng, nuôi con, và đã tiếp tay đắc lực với chồng trong công cuộc kháng chiến, ông có người con trai lớn tên là Trình Minh Nhựt, sau gia nhập Không quân Việt Nam, lên tới cấp Thiếu Tá, và khi cưới vợ, được chính Trung Tuớng Edward Lansdale đứng chủ hôn. Năm 1955, sau khi ông đã về thành hộp tác vói chính phủ Diệm, thì bà Nguyễn Thị Kim lại sinh đôi, nhưng cả hai trẻ sơ sinh đều chết, ông lặng lẽ bỏ hai cái xác trẻ vào một chiếc va li, đặt trong cốp xe Simca-9, rồi đưa thẳng về Tây Ninh chôn cất. Ông không biết uống rượu, không ham mê cờ bạc, mà chỉ nghiện thuốc lá thôi. Nghiện rất nặng, hút rất nhiều thứ thuốc lá bình dân, cho đến nỗi hai ngón tay ông nhuộm vàng nhựa thuốc và cháy xém cả.
Trình Minh Thế tuy là một dũng tướng, nhưng lại có tính nết e lệ với phụ nữ. Ông hay nói đùa và "chọc quê" anh em. Lạ nhất là những khi đang nghiêm nghị bàn bạc các vấn đề quân sự sinh tử, nửa chừng ông cho phép nghỉ ngơi, mọi người tha hồ ăn tục nói phét, kể những chuyện trên trời dưới đất mà cười với nhau. Sau đó lại tiếp tục bàn bạc, và mặt ông lại trở nên nghiêm khắc lạnh lùng như một thỏi sắt. Thỉnh thoảng ông có chơi cờ, và ông thích nhất là trò chơi "Bắt Việt gian". Ai muốn tham gia cái trò ấy, thì ngồi chung lại thành vòng tròn. Mỗi người bốc một mảnh giấy đã được gấp lại, và chỉ có một mảnh giấy ghi chữ "Việt gian" mà thôi. Rủi cho ai bốc phải, tất nhiên là mặt mày phải đổi sắc. Nguời nọ dòm người kia, cố dùng tài tâm lý mà đoán, rồi chỉ cho đúng "thủ phạm". Kẻ bị bắt quả tang mang tội "Việt gian" thì bị trừng phạt, hoặc bằng cách uống cho hết một bát nước thật to, hoặc bị vẽ mặt, tùy theo sự giao kết lúc đầu. Rủi cho Tướng Thế, nhỉều lần ông bị tội "Việt gian", thiên hạ được dịp dùng mực đen vẽ ngang vẽ dọc trên mặt ông, cho đến nỗi không còn chỗ nào để vẽ thêm nữa, trông buồn cuời không thể tả.
Trình Minh Thế quen ăn ở đạm bạc. Cách phục sức rất bình dân. Dù đang ở ngôi cao của đoàn thể, ông không hề biết diêm dúa là gì. Thường ngày ông chỉ mặc một bộ quần áo quân nhân cũ kỹ, đầu tóc không hề chải gỡ lần nào. Ai mới gặp ông lần đầu, không thể nào nhận ra đó là một tướng lĩnh khét tiếng, ông ăn nói khiêm tốn, lễ độ. Đối với anh em cũng như đối với các nhân vật tên tuổi, bao giờ ông cũng nhường nhịn lời ăn tiếng nói, không cưỡng từ đoạt lý, không tỏ ra ta đây hơn người. Chính cái thái độ khiêm tốn ấy đã khiến một số chính khách ngoài thành làm tướng Trình Minh Thế là một quân nhân tầm thường, không đúng với lời đồn đãi. Là vì một khi Thế đã có bụng khi ai, ông chẳng nói ra lời, mà chỉ im lặng nghe người ấy phát biểu, rồi nồng hậu tiễn đưa. Riêng cá nhân tôi đã nhiều lần tham dự những cuộc tiếp xúc, thấy khách hùng hồn đưa ra những đề nghị mơ hồ, những ý kiến không thực tế, hoặc những kế hoạch mà Thế đã thi hành từ lâu. Thế thấy nản, không bồng bột hưởng ứng, khiến khách ra về có cảm tuởng Thế thuộc thành phần quân nhân võ biền, không hiểu biết gì lắm. Họ đâu có hiểu, sau phút tiễn đưa, Thế đã nhìn tôi, nở nụ cười mỉa mai chua chát, im lặng chia xẻ nỗi thất vọng trước những con người mà Thế rất tin tưởng là sẽ được "chỉ bảo" nhiều trong công cuộc đấu tranh. Đáng buồn hơn nữa, là một số đông chính khách ngoài thành như có vẻ "vui buổi chợ đông", lúc đầu thì hăng hái viếng thăm bàn bạc, tới lúc thấy hiểm nguy, thì biến đi biệt tăm biệt tích.
Con đường vào khu vẫn mở rộng, mà bạn cũ không thấy trở lại bao giờ! Một hôm, trước khi Pháp mở cuộc tấn công chính thức, Thế bỗng ôm ra một bó gậy mà bảo với tôi rằng: "Đây anh xem, gậy này là vật kỷ niệm của các bạn chính khách ngoài thành. Họ đã dùng nó đi đường vào thăm ta. Bây giờ không biết họ ở đâu, nhưng tôi vẫn giữ và đợi chờ’’! Ôi, câu nói đượm biết bao nhiêu ý nghĩa!
Quả thật, Trình Minh Thế tuy ít học, nhưng lại rất thông minh, với trình độ hiểu biết không biết đâu là bờ bến. Chẳng những thông minh mà lại có tài. Tài cầm quân, tài quyền biến, tài sáng chế kỹ thuật, tài lãnh đạo, tài thu phục lòng người. Tôi thật không hiểu nổi các thứ tài năng lạ lùng đó ở đâu ra? Hóa ra học vấn chẳng phải là cái thước để đo giá trị con người. Tôi đã nhận được một bài học về vấn đề trí thức hay không trí thức, nơi con người Trình Minh Thế.
Nói về tài thu phục lòng người, tôi xin kể ra đây một thí dụ. Một hôm, viên Thiếu Tá Nguyễn Văn Của phạm kỷ luật, bị gọi về Bộ Tư Lệnh ra mắt Tướng Thế. Ông Thiếu Tá này vốn là một con người ngang tàng, ăn nói bộc trực, không biết sợ ai. Nhưng khi về tới Bộ Tư Lệnh, ông ta hơi có vẻ khiếp đảm. Ông vào gặp tôi trước và hỏi: "Ngài làm ơn cho biết Ngài Thiếu Tướng gọi em về có việc gì" Tôi cảnh cáo: "Thiếu Tá hãy coi chừng. Nghiêm trọng lắm đấy"! Biết là nguy, nhưng ông Thiếu Tá vẫn cứ phải liều mình lén qua cái vách tranh, tiến vào gặp Tướng Thế. Tôi vừa nghe ông ấy ghép mạnh hai chân vào nhau, cất lên hai tiếng ‘‘Chào Ngài’’ thật mạnh bạo theo kỷ luật quân sự, thì chợt có một tràng súng nổ tiếp theo. Tướng Thế giận đến nỗi ông bắn hết cả một gắp đạn trong khẩu súng P-38 của ông vào người Thiếu Tá Của. Nhưng may mắn thay, Thiếu Tá Của không chết, cũng không bị thương chỗ nào, vậy mà người quân nhân ngang tàng ấy vẫn cứ phải ‘‘gồng’’ đứng im một chỗ, không dám bỏ chạy!
Lát sau, tôi hỏi thăm về cái lẽ tại sao bị bắn như thế mà không chết hoặc bị thương, Thiếu Tá Của bèn tươi cười kể lại rằng: "Thiếu Tướng giận bắn em, nhưng nào có bắn thẳng vào người em đâu. Ngài bắn xuống hai bàn chân, và em cứ nhảy như con choi choi, cho tối khi hết đạn"! Vưà thuật chuyên, ông Thiếu Tá vưà diễn lại cái lối nhảy choi choi của ông, khiến ai nấy ôm bụng cười. Lạ lùng thay, viên sĩ quan kia vẫn không hề tỏ dấu buồn lòng, không rắp tâm đào ngũ vì sự trừng phạt nghiêm khắc. Trái lại, ông còn lấy làm hãnh diện mà bảo: "Thiếu Tướng vẫn thương em"!
Tôi đâm ra nghĩ ngợi. Thường tình thiên hạ bất bình nhau chút đỉnh đã tức khắc bỏ nhau. Thế mà vì lẽ gì một quân nhân bị thượng cấp trừng phạt nặng nề thế kia, vẫn không sinh lòng phản trắc? Tôi nghĩ tới cái "đức" của Trình Minh Thế, cái đức thật tiềm tàng, vô hình vô ảnh, nhưng lại được nhìn thấy qua tấm lòng kính yêu, tùng phục, trung thành của các cấp. Cái đức ấy cũng đã một làn thể hiện bằng đôi giồng nước mắt của Tướng Thế. Hôm ấy, một quân nhân bị đưa ra pháp truờng hành quyết, vì phạm tội đánh cắp tài liệu quân cơ, tư thông với giặc Pháp. Tang chứng rành rành, không chối cải được. Theo kỷ luật nội bộ, kẻ phạm trọng tội phải đền tội. Nhưng Tướng Thế vì lòng nhân ái, bất đắc dĩ phải hy sinh một đứa em nhỏ dại dột, nếu không cứng rắn thi hành kỷ luật, thì làm sao lãnh đạo nổi một đoàn quân binh hàng ngàn vạn nguời? Thành thử Tướng Thế giao cho Trung Tá Văn Thành Cao chủ tọa cuộc hành quyết, còn riêng ông thì ôm đầu, rơi nước mắt trong căn phòng bằng vách lá tối tăm!
Về tình huynh đệ mật thiết giữa Tướng Thế với các anh em, tôi muốn thuật tiếp mẩu chuyện sau đây. Đêm hôm ấy là đêm rằm. Trăng sáng đầy trời. Chúng tôi vừa đi thăm một đơn vị, lúc trở về bằng đường thủy. Chúng tôi tấp vào một bến vắng, rồi vì thấy đêm trăng quá đẹp, không vội về rừng. Bèn rủ nhau trải đệm lát ra trên mặt đất, nằm ngữa xem trăng. Bỗng đâu một viên sĩ quan cấp nhỏ, có tính hay đùa, chợt bước tới. Anh ta chẳng để mắt xem ai là ai, cứ tự tiện đặt mình nằm xuống giữa Tướng Thế và tôi. Thế bấm tôi, ra hiệu bảo nằm im để xem anh ta làm gì. Anh ta bỗng húc khuỷu tay vào sườn Thế, rồi bảo: "Nằm xích ra chút mày"! Thế ngoan ngoãn xích ra nhường chỗ. Anh ta khoan khoái gác chân chữ ngũ. Đoạn không biết hứng chí như thế nào, lại chợt cất tiếng nói tiếp: "Đ.M., trăng sáng như thế này, phải chi có một chầu rượu đế với thịt gà xé phay, thì hả hê biết mấy, phải không mày"? Nẩy giờ chúng tôi đã cố sức nín cười, nhưng tới lúc ấy thì không tài nào nín được nữa. Viên Thiếu Úy kia lấy làm lạ, bèn ngồi chồm dậy nhìn sang hai bên, xem thử tại sao thiên hạ cười mình. Khi nhận ra mặt mày ông Tổng Tư Lệnh của anh, thì anh như bị điện giật, đứng phắt lên, dơ tay "Chào Ngài" một tiếng thật to! Mọi nguời đều biết anh ta hoảng sợ như thế nào, vì đã dám gọi Tướng Thế bằng mày, và còn nói những lời lếu láo. Nhưng Tướng Thế chỉ cười, và bảo anh ta cứ ngồi lại chơi, chứ không tỏ vẻ gì tức giận cả.’’.
Tướng Thế bình sinh rất ham mê nghiên cứu các vấn đề khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những gì giúp ích cho việc truyền tin. Chính cá nhân ông đã đóng góp một phần quan trọng vào việc thiết lập đài Phát Thanh Liên Minh, và cũng chính cá nhân ông đã phát minh ra hệ thống "Điện thoại một giây" được dùng trong khắp địa phận chiến khu một cách mầu nhiệm không ai ngờ. Tôi đã chứng kiến trọn vẹn công cuộc phát minh đó. Lúc đầu, Tướng Thế bàn với Đại Úy Hoàng Đình Khâm, một chuyên viên điện tử, về hệ thống kia. Ông bảo:
- Ta hãy cứ lấy một chiếc loa phóng thanh cỡ nhỏ, gắn thêm vào chân loa một bộ phận biến điện, và một cục Pin đèn để phát điện. Rồi ta dùng loại giây đồng thật nhỏ có chất cách điện bên ngoài làm giây liên lạc, và chỉ một giây thôi. Còn đường giây thứ hai, thì ta dùng một thanh sắt cắm sâu xuống đất thay cho "mát". (Masse, tức là giây nguội). Đại Úy thử làm xem!
Đại Úy Khâm tỏ ý ngần ngại, nhăn nhó, muốn phản đối mà không dám nói thẳng:
- Thưa Ngài, theo em thấy, hệ thống này khó thành công được. Em xin đồng ý là bộ phận biến điện với cục đèn Pin kia có thể khuyếch đại tiếng nói một phần nào. Nhưng còn vấn đề liên lạc bằng một giây thôi, thì em thấy là...
Tướng Thế thúc dục:
- Thì Đại Uý cứ thử làm xem sao. Chưa gì đã lo thất bại!
Đại Uý Khâm chẳng dám trì hoãn, bèn cặm cụi đi kiếm các món cần dùng. Ông lấy đâu ra được một bộ phận biến điện nhỏ bằng hộp diêm, rồi ông dùng mỏ hàn gắn chặt nó vào chân loa, theo sự chỉ dẫn của Tướng Thế. Sau đó ông lại gắn một đầu giây điện vào một chỗ khác trên loa, đoạn ghép thêm một cục Pin đèn bên cạnh, để mỗi khi gọi ai, thì khẽ chạm vào một cái chấu của cục Pin, tạo ra tiếng kêu "xẹc xẹc" như tiếng dế khóc. Chuẩn bị xong đâu đấy với 2 chiếc loa đã sẵn sàng, Đại Uý Khâm bèn nhường một chiếc cho Tướng Thế, còn chiếc kia ông thân hành mang ra xa. Song vì lòng ông vốn không tin ở kết quả theo con mắt "Chuyên viên" nhà nghề, nên ông chỉ đứng cách xa chừng vài chục thước, rồi khẽ chạm vào cục Pin đèn, làm hiệu nói chuyện với Tưóng Thế.
Allo, allo, thưa Thiếu Tướng! Allo, tôi nghe đây!
Mầu nhiệm thay, đường điện thoại chỉ có một giây, trông không lớn hơn một sợi tơ trời, mà tiếng nói nghe rõ mồm một. Đại Uý Khâm chịu thất bại keo đầu, liền quay trở lại, thầm nghĩ rằng dẫu có thành công thì cũng chỉ thành công trong khoảng cách ấy là cùng! Nhưng Tuớng Thế bắt buộc ông cứ tiếp tục đi xa, đi xa mãi, một trăm thước, một ngàn thước, rồi tới 5 cây số đường rừng! Tới đâu, hai người vẫn nghe rõ tiếng nhau như đang nói chuyện bằng hệ thống điện thoại tối tân tại Saigon vậy. Truớc sự thành công quá sức lạ lùng, ông "Chuyên viên điện tử ’’ chỉ biết cúi đầu thán phục. Trong thâm tâm, hẳn ông phải tự hỏi vị lãnh tụ của mình học hỏi ở đâu mà tài giỏi sáng suốt như thế? Về phần Tướng Thế, ông không lấy làm kiêu căng trước thành quả tốt đẹp kia, mà chỉ nhẹ nhàng bảo nguời chuyên viên: "Đó, Đại Uý thấy không? Nếu mình không cố gắng, không kiên nhẫn thí nghiệm, thì có phải là hỏng đi một việc quan trọng hay chăng"?
Thế là từ đó, khắp chiến khu Bù Lu cũng như chiến khu Núi Bà Đen đều chằng chịt những đường giây điện thoại xuyên qua rừng, qua núi, giúp cho sự liên lạc giữa các đơn vị thêm dễ dàng nhanh chóng. Nhờ hệ thống điện thoại một giây kia, Quân đội Liên Minh đã thu đoạt được một số thắng lợi vẻ vang. Có lần đã nhanh chóng bố trí bắt trọn một toán cán bộ cộng sản lén lút đi ngang qua chiến khu, tưởng không ai biết. Về sau, tin tình báo cho hay cộng sản thèm khát hệ thống ấy lắm, và treo giải thưởng 20.000 đồng cho ai cướp được một chiếc điện thoại kiểu mẫu của Liên Minh. Không chỉ riêng cộng sản thán phục, mà ngay cả người ngoại quốc cũng cảm phục tài phát minh của Tướng Thế. Trong những dịp vào ra thăm viếng chiến khu hồi cuối năm 1954, Tướng Edward Lansdale đã được mời dùng thử hệ thống điện thoại kia để liên lạc trò chuyện với một sĩ quan Liên Minh ở cách xa ông những 15 cây số, rồi ông quay ra bắt tay Tướng Thế, bày tỏ sự ngạc nhiên và sự hoan nghênh nhiệt liệt của mình!
Cũng từ ngày phát minh ra hệ thống điện thoại kia, các "Anh lớn" trong đoàn thể tha hồ "trao đổi tâm tình ấm lạnh" với nhau. Nhất là đêm khuya, những đêm đông lạnh lẽo trong chốn núi rừng, các anh ấy bỏ ngủ, nói chuyện hàng giờ không dứt! Thậm chí có một lần, Đờn và Trung quá say sưa nói chuyện "tào lao", la hét với nhau trong máy điện thoại. Mà đường giây lại chạy ngang qua tôi, khiến tôi bực mình ngủ không được, bèn hét lên một tiếng thật lớn! Cả Đờn và Trung đều giật mình ngưng lại. Tôi nghe họ hỏi nhau: "Ai vậy kìa? Thôi chắc là... Ông Râu"! Và sau đó, họ lại tiếp tục "chọc quê" tôi nữa là khác. Tôi đành chịu thua. Chỉ tội cho mấy ông chuyên viên. Rủi gặp khi gió bão, đường giây điện thoại vốn đã quá mong manh, lại chạy ngòng ngèo qua rừng, qua núi, những chỗ giây đứt biết đâu mà tìm? Thành ra, cứ mỗi lần rủi ro như thế, thì chuyên viên lại phải lần mò theo đường giây, có khi mất cả một ngày đường mới tìm được manh mối mà sửa chữa. Sở dỉ biết như vậy mà vẫn phải dùng loại giây quá nhỏ, là vì muốn tiết kiệm chi phí, lại thêm, khi giặc tấn công, có thể hy sinh bứt bỏ giây đi mà không tiếc rẻ.
Ngoài các tài năng kể trên, Tướng Thế còn có cái tật rất lạ? Cứ mỗi bận có điều gì suy nghỉ khó khăn, hoặc phải tìm ra một mưu kế thần diệu nào đó để đối phó với tình thế, thì lại thấy ông nằm sấp trên giường, hai chân co lên phía sau, với hai ngón tay bị cháy bỏng vì điếu thuốc này nối sang điếu thuốc nọ. Sống gần nhau, hiểu rõ tâm tính nhau như đôi tri kỷ, tôi thường thấy khổ tâm mỗi khi bắt gặp ông nằm theo tư thế vừa kể, và tôi đã cố gắng giúp đỡ ý kiến để giải quyết những vấn đề trọng đại. Đã có lúc, tôi tưởng ông mắc bệnh lao. Vì trông thân thể ông càng ngày càng ốm yếu, đôi môi thâm, với nhữnng cơn ho húng hắng vì hút thuốc lá quá nhiều. Đó là lúc giặc Pháp tấn công quá dữ dội, hàng ngũ suýt tan rã, ông lo lắng nhiều, đêm không ngủ được. Lại thêm màn trời chiếu đất, ăn gió nằm sương,vì cucộ sống lưu vong, nhà cửa không sao xây dựng nổi. Nhưng tôi mừng rằng mỗi khi ông nằm sấp như thế, thì y như rằng ông đã tìm ra được diệu kế, đoàn thể thoát nguy.
Ngày thường Tướng Thế dịu dàng bao nhiêu, thì khi tiến binh, hoặc lâm trận, ông trở nên nghiêm khắc dữ tợn bấy nhiêu. Lúc đầu, tôi tưởng sự thay đổi kia là sự cố ý của người chỉ huy có trách nhiệm. Nhưng không, càng ngày tôi càng nhận ra đó là một đặc tính trời cho, không dễ cho ai bắt chước được. Nếu sự dễ dãi hàng ngày đã khiến ông không nỡ chấp nhất một hạ cấp dám gọi mình bằng mày, thì sự nghiêm khắc lúc hành quân cũng khiến ông sẵn sàng bắn chết kẻ nào phạm tội "cấm hỏa, cấm ngữ ", ông người nhỏ thấp, nhưng đi bộ rất giỏi, và luôn luôn nhanh nhẹn như một con sóc trong rừng. Lạ nhất là toán quân nào có ông lẫn lộn trong hàng ngũ, thì toán quân ấy tự nhiên thấy phấn khỏi tinh thần, thấy tin tưởng ở số mệnh hơn bao giờ hết. Riêng cá nhân tôi cũng đã có cảm tưởng đó.
Hơn một lần, chúng tôi đổ bộ lên một bờ sông. Trời tối mit, ngửa bàn tay không nhìn thấy. Từ bờ sông vào tới biên rừng lại phải qua một khoảng đất trống mà đồng bào trong Nam gọi là ‘‘bưng" hoặc "trảng". Bất thình lình cộng sản tấn công, đạn từ trong rừng bắn ra như mưa bấc. Chúng tôi không có chỗ núp. Tướng Thế dửng dưng như không, hạ lệnh cho quân sĩ bắn trả lại, rồi cùng chúng tôi cứ thẳng người tiến vào bìa rừng, nơi quân thù đang phục kích. Trong đám quân sĩ, có người thấy thế, liền xung phong đi trước, cố ý đỡ đạn. May mắn thay, địch quân rút chạy, và phía chúng tôi không bị một chút thiệt hại nào!
Đã có một trường hợp rất lạ xảy ra giữa quân Liên Minh và Pháp. Chiều hôm ấy, chúng tôi dùng thuyền, khởi hành từ một cái rạch nhỏ để sang sông. Giữa lúc binh sĩ đang chèo chống, thì bất thình lình, một chiếc thuyền lớn của Pháp lại chạy vào trong rạch, xăm xăm tiến về phía chúng tôi. Trên thuyền kia có lá cờ Pháp bay phất phới. Tình thế quả là thập tử nhất sinh, quá trễ rồi, không sao tránh né được. Nếu bỏ thuyền mà chạy thì lại càng dễ bị tiêu diệt. Chúng tôi đành chấp nhận chiến đấu với cái chết nằm chờ trước mắt. Tướng Thế bèn hạ lệnh cho anh em binh sĩ cứ bình tĩnh như thường. Còn phần ông thì ngồi thụp xuống mạn thuyền, dùng răng rút chốt quả tạc đạn trên tay. Còn tôi thì cũng sẵn sàng với khẩu súng phòng thân. Lạ thay, thuyền Pháp lướt ngang qua, hai mạn thuyền chạm nhau khá mạnh. Nhưng quân Pháp làm như không trông thấy chúng tôi, cứ theo rạch nước mà tiến thẳng! Tới lúc cách nhau chừng vài mươi thước, chúng tôi liền vứt bỏ thuyền, kéo nhau lên rừng tìm chỗ phục kích. Lần ấy, chúng tôi nhìn thấy cái chết quá rõ, nếu không, thì cũng bị Pháp bắt sống trọn ổ! Chúng tôi thực không hiểu tại sao? Pháp không thể nào không biết chúng tôi là Liên Minh, vì nơi ấy thuộc vùng kiểm soát của chúng tôi. Vậy tại sao Pháp không nổ súng? Pháp sợ Liên Minh quyết tử chăng?
Lại một lần khác, nhân một cuộc di binh, chúng tôi đi ngang qua rừng Năm Trại vào lúc nửa đêm. Quân sĩ vô cùng mệt mõi đói khát. Nơi ấy lại sẵn bộ những thửa vườn dưa hấu đầy quả, đã tới mùa ăn được. Việc giải khát cho anh em binh sĩ rất là cần thiết, mà chủ nhân các vuờn dưa kia thì chẳng biết đâu mà tìm. Tự tiện hái ăn là vô liêm sỉ, hơn nửa, cả một đoàn quân đông đảo cùng giải khát một lượt thì còn gì của người ta? Túng cùng, Tướng Thế bèn viết mấy chữ, rồi gối một món tiền vào trong mảnh giấy, đem buộc vào một cây dưa. Sau đó, ông cho phép anh em mỗi nguời thưởng thức vừa phải món dưa hấu ngọt ngào cho qua cơn khát. Nhưng chưa ai kịp mó tới quả dưa nào, thì từ đằng xa, dưới bóng trăng mập mờ, chợt xuất hiện một đoàn người áo đen đang xăm xăm đi tới. Tưởng là địch quân cộng sản, Tướng Thế tức thì hô to: "Ai đó? Đứng lại!" Đoạn ông đua tay đẩy tôi ra phiá sau, còn ông thì rút khẩu súng phòng thân, xung phong tới trước, chuẩn bị nghênh địch. Có một binh sĩ hộ vệ thấy thế, vội vàng phóng tới, không cần hỏi han, gạt phắt cả tôi và Tướng Thế ngã lăn vào bụi rậm, để mặc anh ta đối phó với khẩu súng tiểu liên sẵn sàng nhả đạn!
Ai ngờ đoàn người áo đen kia không phải là địch quân cộng sản, mà lại chính là chủ nhân của mấy thửa vườn dưa. Sau một lúc dọ hỏi, được biết nhau rồi, đoàn người kia bèn tiến lại ngồi nghe tự sự về cái thảm cảnh "buộc tiền vào gốc dưa" để giữ tròn liêm sĩ! Nghe xong, họ khóc ròng rồi ôm lấy Tướng Thế mà nói: '’Tưởng ai chứ gặp Ngài Thiếu Tướng đây, thì xin Ngài cứ tự tiện cho phép anh em chiến sĩ mặc sức dùng dưa cho đở đói lòng. Chúng tôi nhất định không lấy tiền của Thiếu Tướng, cho dù mất hết cả vườn dưa này, chúng tôi cũng chẳng tiếc!"
Thuật lại mấy câu chuyện trên đây, tôi muốn nói rằng người chiến sĩ cách mạng đấu tranh, hạng người luôn luôn gần gũi với cái chết, chỉ trọng nhau, kính nhau, ở cái tinh thần quả cảm, ở cái tư cách anh hùng. Làm chỉ huy một đoàn quân cách mạng không có quyền hèn nhát, ham sống sợ chết. Chỉ cần một lần tỏ rõ cái cung cách khiếp nhược, là kể như suốt đời bị kẻ dưới nguyền rủa, khinh khi, chỉ còn có cách lìa bỏ hàng ngũ mà đi để khỏi phải nghe những thứ "bí danh" mà kẻ dưới đặt cho người chỉ huy "tham sinh úy tử" của họ.
Sự kính phục nhau hàng ngày đưa đến cái quyết tâm sẵn sàng hy sinh mạng sống cho nhau trong con nguy biến. Mấy người chiến sĩ nơi bến sông kia, cũng như người chiến sỉ nơi vườn dưa nọ, tại sao dám tự tiện tiến bước trước vị chỉ huy? Tại sao dám quật ngã người lãnh tụ mà hàng ngày họ coi như thần thánh? Ấy chỉ vì họ ý thức rằng đại cuộc là quan trọng, mạng sống của họ không quý báu và không cần thiết bằng mạng sống một bực anh hùng. Dù sau đó, họ bị khiển trách chăng nữa, họ cũng chẳng lấy làm ân hận. Mà bực anh hùng kia không phải tự mình tuyên xung anh hùng để được kính nể. Mà cái tước vị anh hùng lại do tập thể tuyên phong, xuyên qua nếp sống hàng ngày, xuyên qua những hành động phi thường, xuyên qua những đức độ sáng chói, xuyên qua cái tài biến nguy thành an của con người ấy. Thử tưởng tượng một người cầm đầu tập thể mà suốt đời chỉ thích ăn sung mặc sướng, luôn luôn đòi hỏi những tiện nghi, thấy ăn thì bước trước, mà nguy thì lùi sau, hỏi có ai thấy cần phải xung phong làm bia đỡ đạn cho họ, để họ tiếp tục sống nếp sống ích kỷ, ươn hèn?
Tôi nghĩ rằng sự hy sinh cao độ của Tướng Thế đã làm anh em chiến sỉ hết sức xót xa bùi ngùi, mà chính tôi đây cũng bùi ngùi xót xa không kém. Thẳng thắn mà nói, riêng cá nhân ông vẫn có quyền sống "dễ thở" hơn anh em đôi chút. Dẫu cho hàng ngày ông ăn được miếng cơm ngon, nằm được chỗ nằm êm ái, mặc được tấm áo lành lặn, thì cũng chẳng ai dám chê trách bao giờ. Nhưng không, ông không chấp nhận bất cứ một sự cách biệt nào cả. Cuộc đời vật chất của ông quá khổ, khổ đến độ tôi không muốn nhìn thẳng vào nó nữa. Dăm khi mười họa, gia đình ông mới dám lặn lội băng qua hàng rào phong tỏa cùa đối phương, mang vào tiếp tế cho ông chút thịt cá, dăm ba quả xoài, một vài bao thuốc lá bình dân rẻ tiền. Nhưng nào ông có hưởng thụ một mình! Ông vui vẻ đem chia sớt với chúng tôi, và dĩ nhiên là chỉ trong một thoáng thôi, đã không còn nhìn thấy các món tiếp tế kia đâu nữa. Qua một vài lần "hên" như thế đó, cuộc đời lại trở về với cái nếp buồn tênh, chán chường, đen tối, với thứ cơm nguội lạnh được nấu chín từ lúc nửa đêm để dùng trọn ngày, vì lệnh "cấm hỏa" không cho phép binh sĩ đụng tới củi lửa từ sáng tới chiều, sợ máy bay thám thính địch trông thấy sẽ oanh kích thẳng tay. Lại vẫn mấy miếng cá khô tra tanh tưởi, nướng vội vàng trong bếp lửa, rồi để dành ăn bữa này sang bữa khác. Ấy hãy còn là may, chứ thường thường chỉ có mắm ruốc hoặc muối trắng mà thôi!
Tôi còn nhớ rõ, trong một cuộc hành trình từ Bù Lu sang Núi Bà Đen vào khoảng cuối năm 1953, lúc quá nửa khuya, chúng tôi tạm dừng chân tại một bìa rừng. Người bộ hạ thân tín của Tướng Thế - ông Già Ba, gốc người Thanh Hóa - chợt mang ra một phần cơm nguội đựng trong chiếc gà-mên, với một món ăn hơi lạ mà lúc đầu tôi không biết là món gì. Tướng Thế niềm nở mời tôi cũng ăn với ông cho đở dạ. Nhưng khi nhìn kỹ lại thức ăn kia, tôi đâm hoảng. Đó là mớ thịt lươn với mầu sắc đen sì. Ông già Ba, vốn tuổi tác ốm yếu lại chẳng phải là tay đầu bếp thiện nghệ, khi bắt được con lươn (tôi thật không biết ông bắt được nó ở đâu và bao giờ), đã đem con vật ra chặt ngang chặt ngửa thành những khoanh tròn, rồi cứ thế mà đổ ruốc vào kho, không mỡ dầu, không tiêu ớt, không một thứ gia vị nào hết cả. Thú thật tôi vốn xưa nay chưa hề đụng chạm tới mấy món lươn rùa mà đồng bào trong Nam rất ưa chuộng. Đã thế, việc nấu nướng lại đơn giản như thế kia, nguội lạnh như thế kia, tôi biết làm sao bây giờ? Chẳng dám làm phật lòng người anh em đồng chí kính mến, tôi nhanh nhẹn bốc lấy một cục cơm nguội, nhét hẳn một khoanh lươn vào giữa ép lại, rồi bỏ vào mồm nuốt chửng, chứ không nhai, không thưởng thức! Tướng Thế hỏi tôi: "Anh ăn có được không?" Tôi đáp liều: "Ngon lắm!" Tướng Thế cười, biết tôi nói xã giao cho đẹp lòng ông, nhưng ông không hề biết tôi suýt nữa mắc nghẹn vì cục cơm kia vào nằm chắn ngang giữa cổ!
Đêm ấy, tôi cảm thấy mình có tội, tự nguyền rủa mình thua kém anh em, bởi đã không ăn được thức ăn như họ! Chưa "Lịch tận gian nan" thì chưa thể "Hảo tác nhân" như người xưa đã nói. Bởi thế, từ ngày ấy, tôi làm như tất cả mọi nguời anh em chung quanh, nghĩa là tôi tập ăn tất cả mọi thứ. Nào dế mèn trong rừng biên giới, nào dơi trên Núi Bà Đen, nào thằn lằn, rắn mối, nào thịt chim hồng hoàng, thịt "hón", kể luôn cả các thứ rau lạ chưa từng biết như rau "càng cua" mọc trong kẽ đá, rau hẹ mọc trong rừng tràn ngập nước phèn..v.v.
Để diễn tả trọn vẹn "con người" của Trình Minh Thế trước khi đề cập tới sự nghiệp lãnh đạo kháng chiến của ông, tôi xin phép nói rõ thêm về cái tình nghĩa đồng chí keo sơn giữa Tướng Thế với tôi, tưởng cũng không đến nỗi vô ích.
Trong tập hồ sơ công an Pháp do sở Liêm Phóng Liên Bang cũ để lại, mà sau này tôi được sở An Ninh tòa Đại Sứ Mỹ cho xem tận mắt, Pháp đã nói về tôi khá nhiều. Riêng về khoản tôi nhập cuộc với Tướng Thế, tập hồ sơ ấy viết như sau:
"Monsieur N.L. est un partisan du VNQDD. II est venu du Nord, et après un bref séjour à Saigon, il a disparu secrètement dans les forèts de Tay Ninh aux fins de joindre le Caodaiste révolteur Trinh Minh The pour prendre les armes contre nous. Ce faisant, N.L. est connu comme ayant exécuté l’ordre du "Group, Nguyen Tuong Tam" qui veut qu’il soit auprès de The pour influencer celui-ci dans un sens favorable aux propres intérèts du Group,".
Tôi xin dịch theo nguyên văn:
"Ông N.L. là một đảng viên VNQDĐ. Ông ta từ Bắc vào Nam, và sau một thời gian ngắn tại Saigon, ông ta đã bí mật biến mất vào rừng núi Tây Ninh để liên kết với tên Cao Đài phản loạn Trình Minh Thế, nhằm cầm vũ khí chống lại ta. Sỡ dĩ N.L. hành động như thế, là vì đưọc biết ông ta đã thi hành mệnh lệnh của "Nhóm Nguyễn Tường Tam" muốn ông ta ở gần Thế để gây ảnh hưởng với Thế theo chiều hướng thuận lợi cho các quyền lợi riêng biệt của nhóm ấy".
Đối với đoạn văn phúc trình kể trên, trước hết tôi thấy nên cám ơn người Pháp đã dành cho tôi cái tiếng ‘‘Monsieur’’ trịnh trọng, khác hẳn với cái lối gọi xách mé, khinh miệt mà Pháp vẫn thường dùng đế nói tới những ai chống đối họ. Nhưng tôi không khỏi phì cười, vì đoạn phúc trình ấy hoàn toàn sai sự thật. Tôi không hề nhận chỉ thị nào của "Nhóm Nguyễn Tường Tam" để gây ảnh hưởng với Tướng Thế, mà riêng cá nhân cố văn hào Nhất Linh Nguyên Tường Tam cũng chẳng bao giờ bàn bạc với tôi về Tướng Thế cả. Có chăng là lúc bấy giờ, ông Nhất Linh đang cố viết cho xong, lần thứ ba, cuốn truyện dài "Xóm Cầu Mới" mà ông dự định nhờ tôi sang Pháp liên lạc với nhà xuất bản Nguyễn Ngọc Bích để tái bản toàn thể các sách cũ của Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng cuối cùng kế hoạch ấy đã bị bãi bỏ. Sau khi tôi đi khu rồi, ông Nhất Linh mở nhà xuất bản Phượng Giang, in lại các sách ngay tại Saigon, ông có gửi tặng tôi toàn bộ sách với chữ ký của ông, mà khi từ giã chiến khu, tôi Sơ ý để quên lại trong Núi Bà Đen, dấu trong một hang đá.
Nói cho cùng, dẫu tôi có ý định "lèo lái" Tướng Thế theo một đường lối nào đi nữa, thì một người như Thế dễ gi để cho ai chi phối? Huống chi, lập trường đấu tranh của Tướng Thế đã sáng tỏ như đôi vầng nhật nguyệt, một lập trường dân tộc "Chống cộng, đả thực, bài phong" hoàn toàn phù hợp với lập trường cố hữu VNQDĐ, thì tại sao "Nhóm Nguyễn Tuờng Tam" lại chủ trương chi phối? Nguồn tin trên của Pháp không biết do đâu mà có.
Việc Trình Minh Thế rút quân ra khu, như tôi đã nói trong một đoạn trước, tiếng vang bay tận đất Bắc, giữa lúc chiến sự ngoài ấy đang vô cùng khẩn trương. Hàng đêm, dân chúng Hà Nội hồi hộp lo sợ, nằm nghe tiếng súng ì ầm từ nơi chiến trường vọng về. Chính phủ Trần Văn Hữu đang chuẩn bị rút các bộ sở vào Saigon. Việc bỏ rơi Hà Nội kể như chắc chắn. Riêng tôi đã được Thế bí mật móc nối khi tôi còn ở Hà Nội qua một nguời đồng chí. Đêm tôi vào khu, chính người ấy đứng ra sắp đặt đường đi nước bước. Thế ân cần cắt cử một toán quân tới đón tôi ngay tại bờ sông Vàm Cỏ Đông. Tôi không biết Thế đã nói gì với toán quân ấy, mà sau này, tôi vẫn thường được nghe họ công khai nhắc đi nhắc lại trước mặt tôi điều mà họ coi là "vinh dự ’’ được cắt cử đi đón tôi.
Chúng tôi cùng một tuổi tác, cùng một tâm tư. Nhờ vậy mà mối tình bầu bạn đã nảy nở thật nhanh chóng. Tôi thấy Thế dường như có tâm tưởng cô đơn, đang cần một kẻ tri âm. Tôi đã đến đúng lúc để khỏa lấp nỗi thiếu thốn đó chăng? Trong thời kỳ củng cố chiến khu, khi Pháp chưa mở cuộc tấn công chính thức, Thế với tôi vẫn thường trải nhiều đêm bàn bạc tâm sự. Thế sung sướng cởi mở hết tấm lòng về cuộc đời dĩ vãng của mình, về tình hình đất nước, về những triển vọng mai sau. Ông kể lại việc Pháp chủ trương mua chuộc ông bằng quyền lợi, việc ông ra thăm đất Bắc một vài năm trước, việc ông gặp khó khăn với Tướng Nguyễn Văn Thành khi còn ở trong Quân đội Cao Đài. Thậm chí có những sự bí mật lạ lùng trong phạm vi giáo phái, ông cũng không ngần ngại đem thuật cho tôi nghe, những bí mật mà giờ đây chính riêng tôi cũng đành để bụng, khó thể phơi bày.
Nói thế để chứng tỏ Tướng Thế coi tôi với ông là một. Ông thành thật thú nhận một vài khuyết điểm về phương diện tổ chức buổi đầu. Rồi ông trao ngay cho tôi cái sứ mạng coi sóc và chịu trách nhiệm về con đường chính trị đối ngoại của đoàn thể. Mà công tác đầu tiên là phải chấn chỉnh lại đài Phát Thanh Liên Minh, thẩm duyệt các bài vở, các chương trình hàng ngày của đài. Tôi được ủy nhiệm điều khiển cơ quan Quân Chính Cục, đồng thời tôi mở ngay ra một khóa Huấn Luyện Cán bộ hàm thụ dành chung cho các quân sỉ bên trong lẫn đồng bào bên ngoài. Đáng ghi nhớ nhất là trong số cán bộ hàm thụ kia, có cả bà Nguyễn Thị Kim, phu nhân Tướng Thế. Đáp lại lòng tri kỷ, tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được để tô điểm cho chiến khu Liên Minh có một bộ mặt cứng cỏi, một nếp sống tinh thần đầy tin tưởng, và một tiếng nói càng ngày càng thêm uy tín. Theo chiều hướng ấy, tôi sáng tác bài thơ "Anh Hùng Trình Minh Thế ’’ vào giữa thời kỳ khủng hoảng nhất, bài thơ được nhạc sĩ Trần Ngọc phổ thành bài ca, để ngày ngày anh em chiến sĩ Liên Minh cùng hát với nhau mà nung nấu ngọn lửa đấu tranh. Bài ca ấy nào hay đã trở thành tiếng khóc đau thương của tôi đối với Thế. Sau khi Thế mất, nó đã được khắc vào chân bức tượng đồng đặt nơi mộ Thế trong Nghĩa Trang Liên Minh ở chân núi Bà Đen. Bà quả phụ Nguyễn Thị Kim đã buồn bã trách tôi sao nỡ sáng tác ra chi những vần thơ tiền định!
Lắm lúc tôi thấy ngượng, vì sống trong cùng một hoàn cảnh gian nan thiếu thốn, mà Thế lại quay ra săn sóc tôi quá sức ân cần, chìu chuộng tôi như chìu chuộng một người mà Thế coi như không đáng để nhận chịu cuộc đời ăn gió nằm sương. Nhân một buổi chuyện trò, tôi ngay tình bày tỏ ý thích về món "Phở Bắc". Nào ngờ hôm sau, Thế ra lệnh cho người liên lạc xông pha nguy hiểm lén lút về tận Saigon, mua hàng chục tô phở, đem về chiến khu! Về tới nơi, phở đã biến thành một thứ cháo "hàm bà lằng", không còn gì hương vị, nhưng ai nấy ăn uống thật vui vẻ. Thế yêu tôi cho đến nỗi lâu lâu có liên lạc về thành, thì lại dặn dò người ấy mang về cho tôi một vò rượu đế. Chua xót thay, tôi có nghiện rượu bao giờ đâu? Nhưng Thế bảo tôi, nếu có thể được, thì mỗi ngày nên dùng chút ít để chống bệnh sốt rét. Chuyện này đã thành giai thoại, thấu đến tai thân phụ Thế là cụ Trình Thành Quới, khiến chính bản thân cụ cũng không quên luôn luôn gửi tặng tôi những vò rượu đế thuộc loại hảo hạng.
Trong năm đầu ở chiến khu, có kẻ thừa lúc sơ hở, len lỏi vào hàng ngũ, định làm tai mắt cho Pháp. Đó là một viên sĩ quan, ẩn dưới bí danh D.T. Anh ta cố ý làm thân với tôi để dò la bí mật, vì biết tôi được Thế tin cậy. Hơn một lần, anh ta ngỏ ý muốn thu hình tôi để làm kỷ niệm. Tôi toan nhận lời, thì bỗng Thế nháy mắt ra hiệu bảo đừng. Ít lâu sau, người ấy đã được Thế dành cho cái số phận của kẻ gián điệp, phản quốc. Tôi giật mình khi biết sự thật.
Đêm 28 tháng chạp năm Tân Mão, tức là giáp Tết Nhâm Thìn (1952) quân đội chuẩn bị lià bỏ căn cứ, rút vào rừng sâu. Vì được tin Pháp mở cuộc tấn công. Trước giờ ra đi, Thế bỗng ôm từ phòng riêng ra một bó gậy, nhắc nhở tôi các chính khách ngoài thành. Rồi dưới ngọn đèn lù mù, ông chợt hỏi tôi bằng một giọng hết sức chân thành:
- Anh liệu có chịu nổi không? Gian nan sẽ chồng chất trong những ngày sắp tới. Tôi lo cho anh quá! Tôi đáp cứng cỏi:
- Thiếu Tướng đừng lo, tôi đã sẵn sàng mọi thứ. Anh em chịu được thì lẽ nào tôi lại không?
Tình nghĩa đệ huynh lên cao chót vót, cho tới độ Thế yêu cầu tôi thay mặt cả gia đình ông, đóng vai chủ tang, lo liệu từ đầu chí cuối công cuộc an táng thân phụ ông là cụ Trình Thành Quới và bào đệ ông là Trình Minh Đức, cả hai cùng bị cộng sản sát hại một cách cực kỳ dã man thê thảm vào những ngày giáp Tết năm 1953. Trong một Chương sau, tôi sẽ nói rõ về thân thế và sự nghiệp của nhà cách mạng lão thành Trình Thành Quới, về cái chiến khu nho nhỏ của Cụ lồng trong chiến khu Bù Lu, và về sự xung khắc đụng chạm khá lạ lùng giữa Cụ và người con trai Cụ là Trình Minh Thế.
Trình Minh Thế chọn con đường binh nghiệp khi còn ít tuổi. Thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương, ông đứng vào hàng ngũ chống Pháp, hoạt động bên cạnh người Nhật lúc bấy giờ. Chính giai đoạn ấy đã ảnh hưởng con người ông khá nhiều, ông cảm phục tư cách các sĩ quan Nhật, đường lối chỉ huy của họ, cái triết lý "tiên phong" đã thành truyền thống của tướng lãnh Nhật càng cao cấp bực thì lại càng ở gần mặt trận hơn ai cả. Khác với Pháp ở chỗ sĩ quan Pháp càng lên cao địa vị, thì lại càng lùi xa trận tuyến, càng được an lành tính mạng trong phòng hành quân với ly rượu mạnh trên tay! Phải chăng sự cảm phục kia đã đưa con "Hùm dữ Tây Ninh" tới cái chết tức tưởi tại cầu Tân Thuận ngày mồng 3 tháng 5 năm 1955? Tôi cho là đúng, bởi Thế không đáng chết ở đó, nếu Thế không cần xuất trận mà có thể tạm giao quyền chỉ huy cho cấp dưới đắc lực là Trung Tá Nguyễn Trung Thừa. Thế là một trong những phần tử Cao Đài tham gia đơn vị võ trang trứng nước đầu tiên của Cao Đài mệnh danh là "Chi Đội 78". Nhật đi rồi, Pháp lại đến, cộng sản cũng xuất đầu lộ diện. Chi Đội kia đã lớn mạnh trong hoàn cảnh khẩn trương của đất nước, dần dần biến mình mà lập nên Quân đội Cao Đài với hàng vạn binh sỉ quyết lòng hy sinh giữ Đạo, giữ nước, không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa cộng sản.
Ít chữ nghĩa mặc dầu, Trình Minh Thế đã ‘‘học’’ trong trường đấu trang cách mạng, đã thu góp vào mình bao nhiêu tinh hoa dân tộc. Thế không bao giờ phải hổ thẹn với trình độ học vấn thấp kém? Mà trái lại, Thế đã khiến bao nhiêu thù địch khiếp sợ, bao nhiêu bực thức giả khác kính nể, như Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Cố Vấn Ngô Đình Nhu, như cựu Trung Tướng hồi hưu Edward Lansdale chẳng hạn!
Trong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế Trong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế - Nhị Lang Trong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế