Nguồn gốc của thiên tài là nguồn gốc của nhiệt huyết.

Benjamin Disraeli

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Tran Hoai Linh
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2986 / 46
Cập nhật: 2015-07-07 01:55:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21
ơn mưa đầu mùa, từ phía biển ầm ào lướt qua rồi tạnh ngay, như là đùa giỡn. Mặt đường nhựa nghi ngút bốc hơi. Những tàu dừa, tàu chuối nhoáng nước, bóng lên như gương. Bầu trời trở lại trong xanh, nhẹ nhõm. Chỉ có gió là vẫn thổi mạnh. Ngoài kia biển động. Tiếng sóng âm vang, theo gió dội sâu vào đất liền. Ở xa bờ biển vài ba cây số vẫn nghe thấy những vang dội, ầm ào của sóng biển. Còn ở đây, ngay bên bờ biển, tiếng sóng nghe càng bồn chồn; khiến những người chiến sĩ chưa quen với biển luôn có cảm giác như mình đang đung đưa, đung đưa theo nhịp sóng và nghĩ rằng: nếu tiếng sóng cứ dội vào bồn chồn, sôi nổi như vậy thì có lẽ mình cũng sẽ “say sóng” mất.
Nhân dân trong thị xã tản cư ra vùng ngoại thị tránh đạn đang lũ lượt trở về. Xe hon-đa, xe Lam-bét-ta, xe đạp, xe hơi các loại chất đầy đồ đạc và người chạy tới, chạy lui như mắc cửi. Cầu Đà Rằng nhộn nhịp người qua, kẻ lại. Nam nữ thanh niên mặc quần áo nhiều màu, dắt nhau đi hàng bốn, hàng năm trên đường, cười nói ríu rít.
Nguyên đi một mình, tha thẩn trên đường, thỉnh thoảng anh lại mỉm cười, gật đầu chào một người nào đó. Đôi lúc anh muốn rảo bước hoặc chạy vung lên, nhưng như thế thì kỳ cục quá, vả lại cũng chẳng vội gì. Vì vậy, anh cứ tha thẩn bước như người say.
Anh đi qua chợ Đông Mỹ. Chợ đã họp bình thường, đông nghịt, ồn ào huyên náo. Trên nóc ngôi nhà lớn của khu chợ, một lá cờ khổ rộng phấp phới bay. Cờ nhiều quá, ở đâu cũng thấy cờ. Cờ giải phóng và cả cờ đỏ sao vàng. Những lá cờ may vội, không giống nhau, thậm chí không đúng kiểu cách, kích thước; cái thì nền đỏ ở trên cái nền xanh ở trên; có cái không phải là hình chữ nhật mà vuông chằn chặn, nom thật vui mắt.
Một tốp thanh niên đang cặm cụi dùng vôi trắng quét đi lá cờ ba sọc sơn trên bức tường của một ngôi nhà lớn. Họ quét đi cả những khẩu hiệu chống Cộng, những câu ca dao hạng bét cổ động cho cuộc “cách mạng hành chánh” mị dân của chính quyền Thiệu, kiểu “Dân làm cán giúp ai ơi. Cách mạng tấn tới, người người ấm no”.
Nguyên rẽ vào trường tiểu học Đông Mỹ, nơi cơ sở chỉ huy trung đoàn đóng quân tạm thời.
Trên sân trường đông nghịt những người. Gần chục chiếc xe lam chất đầy rau, củi, trái cây, ga lợn đỗ trước sân. Một con lợn ma lanh vừa phóng như có đám cháy. Cánh thanh niên hò hét đuổi theo. Một lát sau, họ dồn được con lợn bướng bỉnh ấy vào một góc tường. Cùng đường, con lợn phóng bừa vào giữa cái vòng người đang vây quanh nó.
- Mày chết rồi!
Tiếng cười ran lên. Một anh thanh niên to lớn xách hai cẳng con lợn chạy lại ném vào thùng xe. Những chú lợn còn lại trong xe kêu eng éc, nhảy loạn xị.
Những chiếc xe chất đầy rau quả, gà lợn đó là quà của các tổ chức nông hội, phụ nữ, hội mẹ chiến sĩ của các thôn ấp xung quanh mang tới úy lạo bộ đội giải phóng. Đoàn đại biểu của các thôn đến khá đông, mỗi đoàn liền cử ra vài người vào để “có mấy lời với các cấp chỉ huy”.
Ban chính trị trung đoàn bố trí một phòng học rộng để làm nơi đón tiếp bà con. Chính ủy Tâm trực tiếp rộng chủ trì cuộc gặp gỡ. Nguyên được mời tới cùng tiếp khách với chính ủy. Anh hơi bị bất ngờ nên có lúng túng đôi chút, nhất là khi thấy mấy cô đại biểu còn trẻ và xinh quá, cứ nép vào vai nhau, thập thò không ai dám vào trước.
Sau khi mọi người đã yêm vị, một ông già đầu tóc bạc phơ bó trong chiếc khăn nhiều màu hồng điều, mặc áo chùng thâm, trịnh trọng đứng lên:
- Thưa các cấp chỉ huy bộ đội giải phóng. Bà con tui đại diện cho các khóm ấp và đoàn thể địa phương tới giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà. Bà con tui xiết kể mừng vui. Bao nhiêu năm bị thằng giặc kềm kẹp, o ép, hôm nay mới lại được tự do. Bà con tui không biết lấy chi để tri ân các liệt sĩ, thương binh, tri ân anh em chiến sĩ. Gọi là có chút quà nhỏ mò mọn, cây nhà lá vườn, bà con tui quyên góp để các chiến sĩ ta thêm phần sức khỏe. Anh em chiến sĩ ta còn nhiều gian lao, vất vả. Mong các cấp chỉ huy xá cho chút tình nhỏ mọn của bà con cô bác.
Chính ủy Tâm bước tới, trịnh trọng bắt tay ông già rồi quay lại, vui vẻ nói với mọi người:
- Thưa các ba, các má, các chị, các anh … Bà con cô bác đã có lòng tới viếng thăm anh em chiến sĩ. Chúng tôi xin thay mặt ban chỉ huy và toàn thể anh em cảm ơn sự chăm sóc tận tình đó của nhân dân.
Mọi người lộp độp vỗ tay.
- …Tôi cũng xin thay mặc ban chỉ huy và toàn thể anh em chúc mừng bà còn ta đã được giải phóng. Xin gửi lời các vị đại biểu về thăm hỏi bà con khóm ấp, thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ và các gia đình có công với cách mạng trong hai cuộc kháng chiến vừa qua.
Tiếng vỗ tay lại ran lên. Các cháu thiếu niên bu kín các cửa sổ cũng hò rei vỗ tay theo. Đợi cho tiếng vỗ tay ngớt, chính ủy mỉm cười, tiếp tục nói:
-… bà con đã có lòng quyên góp rau quả, thực phẩm để tặng anh em bộ đội, chúng tôi xin thay mặt anh em nhận tất cả..
Tiếng vỗ tay bỗng ào lên và kéo dài. Các mà vừa nhai trầu vừa cười móm mém. Các chị, các cô ý tứ nhìn nhau. Mấy ông già phấn khởi gật gù…
Tiếng chính ủy bỗng trầm xuống:
- Nhưng… bà con ta bao nhiêu năm sống dưới ách thống trị của bè lũ bán nước và cướp nước. Cơ khổ đã nhiều. Bị vơ vét bóc lột đã nhiều. Bây giờ được giải phóng mới bắt đầu lại cơ nghiệp, đẩy mạnh tăng gia sản xuất để cho dân giàu, nước mạnh. Tuy còn nghèo khổ nhưng bà con ta thương bộ đội như con cháu ruột thịt mình nên không hề tiếc công, tiếc của. Anh em chúng tôi xin nhận tất cả quà bà con gởi tặng. Nhưng cũng xin đề nghị bà con cô bác cho anh em được sử dụng những món quà đó sao cho thật hợp lý, thật có lợi.
Ông già mặc áo chùng thâm cười vang:
- Bà con tui đã mang tới thời tuy anh em sử dụng chớ sao?
- Vâng- chính ủy cười nhìn mọi người- Vậy tôi xin trình bày dự định của ban chỉ huy đơn vị như sau: rau quả, trái cây, trà, kẹo, thuốc lá chia đều cho các đơn vị. Còn gà, lợn và hình như có cả một con bò phải không ạ? Vâng, tất cả những loại gia súc, gia cầm đó thì như thế này. Anh em chúng tôi xin gửi lại bà con nuôi giùm, để rồi một con sinh ra mười, mười con sinh ra trăm. Tới khi chính quyền địa phương địa phương bán cho nhà nước thì bà con bán giùm. Bởi vì bà chó nhà nước rồi nhà nước cũng để nuôi bộ đội, mà như vậy thì có lãi; có lãi thì dân giàu, nước mạnh. Bà con cô bác tính xem như vậy có được không?
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau rồi một bà má đứng dậy:
- Ông chỉ huy nói vậy là không nhận heo gà của bà con tui úy lạo chiến sĩ?
- Dạ, thưa má, có nhận đấy chứ ạ! – chính ủy ôn tồn giải thích- Nhận, nhưng anh em chiến sĩ bận đi đánh giặc nên phải gửi lại các má, các chị nuôi giùm.
Một bác nông dân chít khăn đầu rìu nói oang oang:
- Mần thịt cho anh em nhậu một bữa, gọi là mừng chiến thắng, có sao?
Bà má vừa nói xong đưa khan lên chấm nước mắt, giọng nghẹn lại: -
- Tụi nó trên xanh cực khổ hoài rồi…
Một cô gái trạc tuổi đôi mươi, bận bộ bà ba đen, đội mũ giải phóng mới tinh đứng dậy rụt rè thưa:
- Thưa chú chỉ huy! Vậy…heo của ấp cháu mần thịt rồi, nuôi sao đặng? Cháu mang về thời ba con la rần lên, cháu biết tính răng?
Chính ủy mời cô gái ngồi xuống, suy nghĩ một lát rồi nói:
- Vậy thế này nhé! Heo của ấp cháu lỡ thịt rồi thì ban chỉ huy xin nhận. Số thịt ấy sẽ đưa về đơn vị quân y để anh em thương binh bồi dưỡng, được chứ?
Cô gái mừng húm, gật đầu cười tươi như ho. Bác nông dân chít khăn đầu rìu chép miệng tiếc rẻ:
- Biết vậy tui cũng cho ấp mần thịt đi cho rồi.
Mọi người cười ồ, vui vẻ. Ông già mặc áo chùng lại trịnh trọng đứng lên:
- Ông chỉ huy đã nói vậy, bà con tui cũng chẳng biết nói sao nữa. bộ đội ta thương dân còn nghèo nên tìm cớ thoái thác vậy thôi. Chỉ có bộ đội Cụ Hồ mới thương dân tới vậy. Chớ ba cái thằng ngụy, chưa về tới đầu ấp nó đã hạch sách, đòi ăn, đòi nhậu rồi. Bà con tui xin nhận lờiồig chỉ huy về nói lại với bà con khóm ấp. Bà con tui đã nhận lời xin nuối cho nó sinh năm đẻ bảy, đặng rồi nộp lại cho Chánh phủ ta để Chánh phủ nuôi quân, kiến quốc. Phải không bà con?
Ông già cười, chòm râu bạc lơ thơ rung lên. Rồi, gương mặt ông trở lại vẻ nghiêm trang:
- Quê hương được giải phóng. Tui mừng quá, gọi là có mấy câu nôm na xin hiến tặng các cấp chỉ huy cùng bà con.
Ông đưa tay lên vê máy sợi râu. Gương mặt ông chuyển động, giọng ông run run, trầm và đục:
Hôm nay trở lại làng ta
Xây dựng hạnh phúc nhà nhà ấm no
Tri ân bộ đội Cụ Hồ
Về đây giải phóng giúp cho dân mình
Quân dân cá nước nặng tình
Bên nhau chiến đấu hy sinh tới cùng
Đặng cho non nước trùng phùng
Rạng danh nòi giống anh hùng nước Nam.
Đoàn xe chở dân di tản về tới thị xã Tuy Hòa lúc ba giờ chiều.Đây là số dân ở các tỉnh miền xuôi lên làm ăn, buôn bán ở các tỉnh, thị xã vùng cao Nguyên bị mắc kẹt khi chiến sự xảy ra và đã chạy theo quân đội Sài Gòn trong cuộc “tùy nghi di tản” vừa qua. Sau khi thị xã Cheo Reo được giải phóng, ủy ban quân quản đã tập hợp họ lại và tổ chức đưa họ về Tuy Hòa để rồi từ đây họ sẽ tự tìm lấy phương tiện trở về quê quán.
Thanh Mai đã có mặt trong đoàn người ấy.
Khi họ tới nơi thì khu vực tập trung đã đông nghịt những người. Không phải chỉ có dân Tây Nguyên chạy về mà ở đây còn một số khá đông dân ở các thị xã, thành phố miền ngoài chạy vào. Có những gia đình lếch thếch bồng bế nhau chạy từ Huế vào tới đây. Được sự giải thích của chính quyền cách mạng. Còn lại một số tiếp tục đồng ý quay về quê quán làm ăn. Còn lại một số tiếp tục “chạy” vào các tỉnh miền trong vì họ có gia đình hoặc người thân có thể nhờ cậy, ủy ban quân quản thị xã cũng đồng ý để họ đi và cấp cho mỗi người một giấy đi đường để họ dễ dàng vượt qua những trạm kiểm soát của quân giải phóng.
Trong khi chờ đợi đến lượt mình vào làm giấy tờ. Mai tha thẩn đi ra đường, nhìn dân phố đi lại nhộn nhịp. Gương mặt mọi người đều biểu lộ một niềm vui lớn, niềm vui giải phóng. Rõ ràng, đa số nhân dân lao động đã đón quân giải phóng như đón chào những người ruột thịt của mình. Cô cũng bắt gặp những gương mặt sầu muộn, lo toan, thậm chí có cả những gương mặt, những ánh mắt chứa chất sự thù hận. Điều đó có gì là lạ đâu? Cô tin, khi Sài Gòn của cô được giải phóng thì những gương mặt, những ánh mắt ấy cũng không hiếm. Ngay trong gia đình của cô cũng vậy. Ba má cô không thể tin có một điều gì tốt lành ở cách mạng. Cái ý định kể lại cho ba má nghe về những sự thật mà mình đã được chứng kiến của cô thật ngây thơ. Dù cô có kể đúng như thật, ba má cô cũng sẽ không tin, sẽ không tin, sẽ cho rằng cô đã “Nhiễm Cộng”, đã bị lừa phỉnh, bịp bợm. Cũng may, cô còn có bạn bè, có Tuấn. Cô sẽ kể lại cho họ nghe tất cả những điều mà cô đã chứng kiến. Đối với họ, những điều mà cô đã trải qua còn dữ dằn, giật gân hơn cả những chi tiết rùng rợn thường được miêu tả trong các tiểu thuyết trinh thám ba xu nhan nhản trên các vỉa hè Sài Gòn. Còn Tuấn! Trời ơi, sao em ít nghĩ tới anh đến thế? Anh ở đâu? Bây giờ anh đang ở đâu? Em đang trở về với anh đây. Chỉ có anh là người có thể hiểu em, hiểu thấu những nỗi gian lao, nguy hiểm mà em vừa trải qua mà thôi!
Tự dưng chiều nay cô cảm thấy buồn, mặc dầu cô biết mình sắp được trở về Sài Gòn, gặp lại những người thân yêu. Mỗi khi thấy một người chiến sĩ quân giải phóng mặc đồ xanh đi qua cô lại vội vã nhìn xuống hoặc quay đi, tránh ánh mắt họ. Cô cảm thấy như mình có lỗi, hình như cô đã nghĩ rằng: chỉ ngày mai, khi mình trở về vùng chưa giải phóng, tiếp xúc với những người còn lại phía bên kia là mình đã bội ơn những người đã cứu giúp mình trong cơn hoạn nạn. Mai cũng tự biết mình chưa thể làm gì được để cùng với những người mà cô đã bắt đầu yêu mến, tin cậy đẩy lùi cuộc chiến tranh này về quá khứ. Cô mới chỉ đi đón họ được thôi chứ không thể đi cùng họ. Nhưng cô mong sẽ có ngày đón họ được thôi chứ không thể cùng với họ mà tiến vào Sài Gòn.
- “Không! Không bao giờ tôi quên các anh đâu. Về Sài Gòn, tôi sẽ kể cho bạn bè nge về các anh, giúp họ hiểu các anh hơn, để khi các anh tiến vào Sài Gòn sẽ có thêm những bạn bè của tôi vui mừng chào đón các anh”. Trong lòng cô vang lên những lời ấy và cô tự tin ở lòng mình. Điều ấy khiến cô vui hơn và tự chủ hơn, cô mạnh dạn bước lên nhìn những chiến sĩ đi tới bằng ánh mắt trìu mến, như ánh mắt của nhân dân thị xã này vừa được các anh giải phóng.
Bất chợt cô nhìn thấy một gương mặt quen thuộc trong tốp bộ đội đang đi tới. Tim cô đập rộn lên vì hồi hộp. Khi người chiến sĩ ấy đi ngang, cô ngập ngừng cât tiếng gọi:
- Anh Đạt!
Người ấy đúng là Đạt, anh trung đội phó của "Trung đội gió lốc" quen thuộc, người đã trực tiếp chỉ huy các chiến sĩ giải phóng giúp đỡ dân tị nạ khi họ vừa được cứu ra khỏi khu rừng khô rang, đầy đe dọa chết chóc. Anh dừng lại, ngỡ ngàng nhìn cô gái giây lát rồi mỉm cười:
- A! chào cô Mai. Cô cũng đã về tới đây rồi cơ à?
Mai mừng rỡ khi thấy anh nhận ra mình:
- Dạ..em…mới về chiều nay.
- Nhanh nhỉ
Anh trung đội phó chợt cất tiếng cười:
- Thế nào, cô đã biết nấu cơm chưa?
Mai bẽn lẽn lắc đầu:
- Chưa ạ…nhưng em sẽ học..
Mai chợt thấy mắc cỡ khi nhớ lại ngày hôm ấy…Cái ngày mà cô vừa trải qua những cơn khủng khiếp. Khi vừa ở dưới sông lên thì cô gái ở dưới sông lên thì cô gặp ngay anh cán bộ này. Anh đang nói với đồng bào tị nạn: « Bây giờ chúng tôi sẽ mang gạo tới cho bà con. Ai còn khỏe thì chịu khó nấu cơm, cho những người ốm yếu cùng ăn ». Rồi anh quay sang chỉ luôn Mai:
- Cô này đảm nhiệm nấu một nồi, được không?
Mai hoảng hốt đáp:
- Dạ…em.. chưa…nấu cơm bao giờ!...
Anh lắc đầu, cười:
- Con gái mà không biết nấu cơm…hỏng thật!
Suốt đời cô quên không lời trách móc nhẹ nhàng nhưng thấm thía ấy. chiều hôm cô ngồi nhìn các chị phụ nữ khác nấu cơm với vẻ ngượng ngùng. Nhưng cô lại càng xấu hổ hơn khi thấy mấy anh bộ đội xúm lại giúp các chị làm bếp. Ôi, nếu lúc đó có một cái lỗ, hẳn cô đã chui xuống cho đỡ ngượng rồi!
- Cô về đây rồi về Sài Gòn chứ?
Anh bộ đội chợt hỏi. Mai giật mình, đáp lúng túng như kẻ có tội:
- Dạ…em về Sài Gòn…
Nhưng anh bộ đội giải phóng dường như không quan tâm tới vẻ lúng túng của cô. Anh chỉ cười, bảo:
- Biết đâu, chúng ta lại gặp nhau ở Sài Gòn.
Cô ngẩng lên, nhìn anh vui vẻ đáp:
- Em cũng mong như thế!
Anh bộ đội đã có ý muốn chào cô để đi. Mai buột miệng hỏi:
- Xin lỗi anh!...EM muốn hỏi…
- Gì vậy cô?
- Cái gì…sinh viên sư phạm ấy…?
Anh bộ đội giải phóng chợt im lặng. Mai hồi hộp chờ đợi. Lát sau, anh mới ngẩng lên, nói khẽ:
- Anh Hưng. Anh ấy hy sinh rồi!
Mai giật mình ngơ ngác:
- Anh ấy…
- Anh ấy hy sinh rồi ạ. Hy sinh ngày hôm qua, ngay bên bờ biển này.
Mai lặng lẽ cúi đầu. Từ trong lòng cô, một nỗi đau xót chân thành dấy lên. Cô nhớ tới gương mặt trong sáng, hiền dịu của anh, những lời nói chân tinh của anh… Vậy ra, những người tốt, rất tốt cũng vẫn có thể chết đi, vĩnh viễn mất đi một cách nhẹ nhàng như vậy? Cô không hiểu nổi, cô cảm thấy như có một điều gì thật vô lý.
- Thôi, chào cô nhé. Đừng buồn, cô bạn ạ. Chúng ta còn nhiều người tốt, những người mà đất nước và nhân dân có thể tin cậy.
Anh ấy đã đi khuất nhưng Mai vẫn như còn nghe văng vẳng bên tai những lời an ủi của anh. Vậy là anh biết rằng cô đã biết thực sự khi biết tin một đồng đội của anh hy sinh. Như vậy là anh đã tin vào sự chân thành của tình cảm cô. Anh ấy có đủ lý do để tin rằng cái vẻ buồn bã, thương xót của cô chỉ là giả tạo. « Nhưng anh ấy tin! lạ thế, anh ấy tin »… Mai bồi hồi xúc động khi nghĩ tới điều đó. Cô vừa mệt mỏi bước trở về nơi tập trung vừa lẩm nhẩm mấy tiếng ấy « anh ấy tin! lạ thật. Anh ấy tin »…
Không! Mai hoàn toàn không ngờ lại có cuộc gặp gỡ này. Mặc dù cô đã nhận ra, đã cất tiếng gọi thảng thốt, bàng hoàng: « Anh Quang! ». Đã tựa vào vòng tay anh, nhưng Mai vẫn chưa tin là thực.
- Trời ơi! anh..
Quang vội suỵt khẽ, kéo em gái ra một góc,nói nhỏ:
- Không được gọi anh bằng tên thực. Bây giờ anh là Hiếu, một giáo sư trung học, em hiểu chưa?
Mai vẫn chưa hết bàng hoàng:
- Nhưng!... sao anh còn sống?
- Phải sống chứ! – quang chợt bặm môi, ánh mắt lóe lên những tia lạnh ngắt – phải sống, em hiểu chưa? Cốt yếu bây giờ là em đừng có chộn rộn. Họ mà biết anh là sĩ quan thì khốn.
Đến lúc ấy Mai mới như tỉnh ra. Phải, cô không hề nhầm lẫn. Anh cô đấy! Vẫn dáng vẻ ấy, con người ấy. Nhưng hôm nay, tự nhiên cô như thấy anh cô khác hẳn. Cái vẻ hồn nhiên, tươi vui của anh cô đã biến đâu mất; thay vào đó là vẻ mặt ưu tư, lì lợm. Anh cô đã thay đổi cách ăn mặt, thay đổi cả tên tuổi, nhưng anh cô vẫn là thiếu tá Quang, vẫn còn những nét mà cô đã chợt nhận ra ở phòng thẩm vấn hôm nào. Sau những phút mừng vui gặp lại anh, biết anh còn sống, Mai bỗng như bị bước hẫng. Cô lén nhìn những người chiến sĩ giải phóng đang đi lại, cười nói với đồng bào tị nạn và chợt thấy hổ thẹn, tội lỗi. Vậy mà, đã có lúc cô cảm giác như mình đã gần gũi họ lắm. Thì ra cô vẫn ở vị trí của cô, bên anh cô, ngăn cách họ bằng cả một cuộc chiến trường. Cô buồn bã, đau xót khi nhận ra điều đó. Cô không thể làm khác được. Không thể tố cáo anh cô.
Quang dìu em ra một góc vắng và hỏi:
- Sao em còn sống?
Mai định bụng sẽ kể cho anh nghe tất cả, nhưng tư nhiên trong cô bỏ ý định ấy. Hình như cô thoáng nghe trong giọng nói của anh cô một cái gì như tra xét, như hỏi cung.
- May mắn thôi, anh ạ. Anh Thuận, chị Tám, anh Minh đều chết cả rồi…
- Vậy mà em còn sống?
- Vậy đó! Em cũng nghĩ như anh: Phải sống!
Quang bỗng trở nên hoạt bát, sôi nổi:
- Đúng! Phải sống và tiếp tục chiến đấu, em ạ. Anh sẽ trở về Nha Trang gặp tướng Phú. Phải tìm cho được ổng để hỏi cho ra thằng nào đã ra lệnh bỏ cao Nguyên.
Mai bĩu môi:
- Thì ông Thiệu chứ ai?
Quang giận giữ, gục gặc cái đầu:
- ông nào thì ra cái lệnh ấy cũng là ngu ngốc, là có tội với đất nước.
- Đất nước! – Mai cười mỉa – anh thì lúc nào cũng nói đến đất nước, quốc gia(!). sống sót về với ba má là phúc tổ rồi, anh còn đòi gì?
Quang lắc đầu:
- Em lại sắp giỏ giọng gàn. Không có đất nước, quốc gia thì tụi mình sống làm chi?
Mai cười:
- Nếu rủi Việt Cộng họ làm tới, giải phóng luôn miền Nam thì anh tự tử chắc? Hay bỏ sang Mỹ?
Quang vội xua tay:
- Khẽ chứ em! Chưa tới nước đó đâu. Anh vẫn hy vọng
- Em thì thất vọng rồi! em tính anh nên theo em về Sài Gòn với ba má cho rồi.
Quang nhăn mặt, lắc đầu:
- Đâu có được! như thế là đào ngũ. Anh sẽ ở lại Nha Trang, tiếp tục tử thủ. Thà chết còn hơn đầu hàng Việt Cộng!
Quang nói những điều ấy bằng một giọng sắc lạnh, bằng cả ánh mắt hằn học của gã khi gã liếc nhìn những chiến sĩ giải phóng đang làm nhiệm vụ. Mai khẽ thở dài, không nói được gì nữa. cô biết mình không thể lay chuyển được ý chí của anh. Lúc này không nên tranh cái với anh ấy. Không thể nói rằng tất cả những điều anh cô hy vọng là hão huyền, phù phiếm. Cái lý tưởng anh ấy theo đuổi là rỗng tuếch. Anh Quang của cô khác hẳn với những tên lính, tên sĩ quan chiến đấu chỉ vì đồng tiền, vì chức vị. Quang vẫn tự cho mình là một chiến sĩ chiến đấu cho tự do, có lý tưởng(!). anh ấy sẵn sàng chết một cách “anh hùng” cho lý tưởng của mình như có lần Thuận đã nói. Vậy thì, đừng nói gì đến chuyện thuyết phục anh đấy trở về Sài Gòn. Hãy để cho anh ấy theo đuổi cái lý tưởng phù phiếm ấy của mình cho đến khi chính anh ấy thấy nó phù phiếm. Nhưng lúc ấy liệu có quá muộn không?
Mai buồn rầu ngước nhìn anh và chợt thấy thương hại. Vừa lúc đó, từ ban làm việc của những người chiến sĩ giải phóng là nhiệm vụ giải quyết giấy tờ cho dân tị nạn có tiếng gọi:
- Lê Thế Hiếu, giáo sư trung học, đi Nha Trang…
Quang bỗng quay phắt lại, thay đổi hẳn nét mặt, ra bộ tươi cười, cất tiếng thưa:
- Dạ!...có tôi đấy ạ…Dạ!Cám ơn các ông. như thế này thì chu đáo quá…Dạ vâng, Mai tôi sẽ đi xe đò về Nha Trang sớm ạ. Thầy đi du lịch một chuyến mà mất tăm mất dạng, các em học sinh hẳn đang mong. Dạ…cũng vì chiến tranh cả thôi, ai muốn vầy đâu ạ…
Mai chợt phì cười vì cái giọng “kịch” của anh trai mình. Thật đúng “mốt” của một sĩ quan tình báo! Hôm nay, anh cố mới có thời cơ để hiện nguyên hình. Cô ngước nhìn những chiến sĩ giải phóng. Họ vẫn nhìn anh cô bằng ánh mắt vô tư, tin cậy. Họ đã mắc lừa. Cô muốn chạy lại, hét lên: “Không phải! các anh lầm rồi. Hắn là một tên thiếu tá tình báo”. Nhưng chân cô như bị gắn chặt xuống đất và ở đâu đó, trong lòng cô lại vang lên những lời nói khác: “Không! Đó là anh trai mày. Mày không được phản bội. Không được hy sinh người ruột thịt của mày cho bất cứ điều gì”.
… chợt thoáng hiện lên ánh mắt của người vsi giải phóng bị bắt hôm nào… Chợt thoáng hiện gương mặt trong sáng, vô tư của người chiến sĩ đưa cô ra tắm ở dòng sông mát rượi trên cao Nguyên… Chợt vang lên những lời an ủi tin cậy của anh chiến sĩ giải phóng mà cô vừa gặp ngoài đường…
Mai lặng lẽ cúi mặt, cố xua đuổi tất cả những hình ảnh ấy..nhưng, tất cả những điều áy đã in sâu trong lòng cô, không có cách gì xóa được. Cô vội thở dài, quay đi rồi bước tới tựa vào gốc cây. Đầu óc cô quay cuồng bao ý nghĩ trái ngược nhau…Chưa bao giờ cô thấy buồn vì bất lực như lúc này.
Còn Quang, sau khi nhận giấy tờ đi đường trên tay đồng chí cán bộ quân quản, gã vội quay đi, tắt ngay nụ cười giả tạo của mình. Gương mặt gã đanh lại, ánh mắt gã lóe lên những tia căm giận. Gã bước những bước nặng nhọc tới bên Mai và khẽ rít lên:
- Chúng mày cứ vui mừng đi! Hí hửng đi! Rồi sẽ có ngày chúng tao treo cổ tất cả bọn chúng mày lên.
Mai giật mình ngẩng lên, không còn nhận ra đó là anh trai mình nữa. Gương mặt Quang như biến dạng đi hừng hực một mối hằn thù.
Trong Cơn Gió Lốc Trong Cơn Gió Lốc - Khuất Quang Thụy Trong Cơn Gió Lốc