"We will be more successful in all our endeavors if we can let go of the habit of running all the time, and take little pauses to relax and re-center ourselves. And we'll also have a lot more joy in living.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Tran Hoai Linh
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2986 / 46
Cập nhật: 2015-07-07 01:55:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ai tỉnh dậy bởi ánh mặt trời rọi thẳng vào mặt, nóng ran. Cô nhỏm dậy, ngơ ngác nhìn xung quanh. Khắp người cô như đau như dần; những vết gai cào ở chân tay, ở cổ, ở mặt vừa xót vừa nhức nhối. Mạch máu trên thái dương cô đập mạnh. Mắt cô hoa đi khi nhìn lên những luồng ánh nắng khiến cô phải vội vã nhắm mắt lại.
Phải một lát sau, trí nhớ của cô mới trở lại hoạt động bình thường. Cô chợt rùng mình khi nhớ ra mình đang ở đâu và vội mở choàng mắt, ngơ ngác nhìn quanh.
Cô gái nằm bên cạnh cô đã dậy từ bao giờ và bỏ đi đâu rồi? Mai ngoảnh nhìn sang chỉ thấy bên mình một đống lá khô dẹp xuống, in hình một người nằm.
Vậy là Mai vẫn không biết cô ấy tên là gì? Nhưng nỗi đau khổ của cô thì Mai biết rõ.
Chiều qua, Mai gặp cô ấy bước thất thểu trong rừng như một cái bóng. Mặt mũi cô tím bầm, áo quần nhàu náy, tóc tai rũ rượi.
- Chị ở đâu? – Mai hỏi
- Plây cu! – Cô ấy trả lời.
Trông dáng người thon thả, nước da trắng hồng, những ngón tay thuôn búp măng trên móng còn vương chút dấu son, Mai đoán cô gái này không thuộc vào hạng người quen lam lũ. Có lẽ cô cũng là một nữ sinh, con một gia đình khá giả nào đó ở thị xã. Nghĩ vậy, nhưng Mai không tiện hỏi. Mai cứ lặng lẽ đi bên cô gái, cùng với những người dân di tản khác đi về hướng đông. Họ nói rằng, cố gắng đi về hướng ấy, vượt khỏi thung lũng sẽ gặp quân quốc gia.
Mãi tới xế chiều, khi đoàn người mệt mỏi dừng lại tìm chỗ ngủ qua đêm, Mai mới nói chuyện được với cô gái ấy. Mai đang vun lá khô lại thành một đống để lấy chỗ nằm thì cô uể oải bước tới.
- Chị cho em nằm với, được không?
Mai vội vã gật đầu:
- Được, nằm hai người cho đỡ sợ.
Khi đã chuẩn bị xong chỗ nằm, họ ngồi bên nahu, cùng im lặng ngắm nhưng chiếc lá khộp cuối cùng vàng vọt rơi trong bóng hoàng hôn. Một lúc lâu, cô gái ấy mới quay sang hỏi Mai:
- Hôm nay chị được ăn gì chưa?
Mai uể oải lắc đầu.
Cô gái kéo cái sắc vải vào lòng, nhìn quanh rồi cô sục tay vài tận đáy túi lôi ra một chiếc bánh mì vàng hươm.
- Chúng mình ăn một nửa thôi nghen, còn để dành sáng mai.
Họ chia nhau một nửa cái bánh mì. Mai để ý thấycô gái bẻ cho mình miếng to hơn. Cô nhai ngấu nghiến tưởng như chưa hề được ăn cái của này bao giờ. Nhìn Mai ăn, cô gái chép miệng, thở dài:
- Tội nghiệp, chị đói quá phải không?
Mai thấy mặt mình nóng ran, bản tính con gái chợt trở lại với cô. Cô thấy mắc cỡ vì đã ăn như ma đói trước mặt một người lạ. Cô gái sục tay vào đáy túi, lôi nữa chiếc bánh mì còn lại bẻ thêm cho Mai một miếng:
- Chị ăn thêm đi.
Mai đỡ miếng bánh mì trên tay người bạn gái rồi vội vão quay đi, ứa nước mắt.
Được ăn, Mai tạm quên cái khát. Nhưng khi đã nuốt xong miếng bánh mì, cơn khát lại bắt đầu cào xé trong cổ, trong ngực cô. Mai cũng không hiểu tại sao mình lại có có đủ nước bọt để thấm vào miếng bánh mì, đưa nó xuống dạ dày. Hình như đoán được cơn khát của Mai hay chính vì mình cũng đang khát cháy họng mà bỗng dưng cô gái nghĩ ra cái trò ấy. Cô hỏi Mai:
- Chị có muốn ăn xoài tượng không?
- Ủa, có xoài à? – Đôi mắt Mau sáng lên – Đưa ăn cho đỡ khát!
- Nhưng còn xanh lắm – Cô gái nhắm mắt lắc đầu – chua lắm, hổng có ăn được đâu.
Mai bắt đầu thấy nước miếng mình tứa ra, mát khắp chân răng, mát cả trong miệng, trong cổ. Nhưng cô cũng vụt hiểu. Cô bạn gái của Mai chỉ nói giỡn vậy để đánh lừa cơn khát của hai đứa thôi chứ làm chi có xoài. Biết vậy, nhưng cô cũng hùa theo cái trò ấy của bạn:
- ừa! thôi để dấm cho chín rồi hãy ăn nghen!- Hai người nhìn nhau, cười, cơn khát quả nhiên có dịu đi thật.
Bóng đêm đen ngòm dần dần sập xuống, đầy đe dọa.
Hai người bạn gái ôm chặt lấy nhau. Một chiếc lá rơi, một tiếng mang tác cũng khiến họ giật mình, run bắn lên. Cô bạn gái siết chặt lấy Mai. Mùi mồ hôi và thứ mùi khó chịu nhất của phụ nữ sau ba bốn ngày không được tắm rửa từ người họ tỏa sang nhau. Nhưng lúc này chả hơi đâu mà nghĩ tới điều đó
Mai lại muốn nói chuyện, muốn hỏi vì sao mà cô bạn của mình lại trôi dại tới đây? Ba má và những người thân thiết của cô hiện đang ở đâu? Cô cũng muốn kể chuyện mình, muốn nói về những ngày khủng khiếp mà mình vừa trải qua với người bạn mới quen. Nhưng, thấy cô bạn gái vẫn nằm im như một khúc cây, Mai cũng không tiện gợi chuyện.-322
Bỗng đôi vai cô gái rung lên từng chặp. Rồi cô nấc lên, rưng rưng khóc. Mai vòng tay qua, vuốt ve đôi vai cô bạn gái của mình, thay cho những lời an ủi.
Cô gái nghẹn ngào, nói trong tiếng nấc:
- Cực nhục quá…. Chị ơi!
Mai lựa lời, an ủi:
- Ráng mà sống, bạn ạ. Mọi nỗi cực khổ rồi cũng sẽ qua đi cả thôi.
- Nhưng…em!.. Hu hu..hự hự… Em hết muốn sống nữa rồi. Bọn chó má! Chúng nó…cướp…hu hu… cướp mất đời con gái của em rồi…
Mai chợt lạnh người. Cô đã hiểu cái điều kinh khủng khiếp mà người bạn gái vừa nói ra. Cô ôm siết bạn vào lòng biểu lộ một nỗi thông cảm sâu sắc. Khóc một chặp, cô gái mới tức tưởi kể chuyện. Qua lời kể đứt nối của cô, Mai hiểu được rằng, khi lạc rừng, người bạn gái của mình, đã bị ba thằng lính thiết giáp thay nhau hãm hiếp.
- Chị ơi! Đời em vậy là hết rồi! – Cô gái nấc lên – Em chỉ còn một ước muốn: có một trái lựu đạn trong tay và gặp lại ba thằng khốn nạn ấy. Em sẽ ăn thua đủ với tụi nó.
Sau đó Mai biết thêm rằng là cô gái là con gái một vị bác sĩ có tiếng ở Plây Cu. Ba cô đã về Sài Gòn từ đầu tháng trước vì có công chuyện. Má cô chết trong vụ lính biệt động và cảnh sát tranh gái chọi lựu đạn giữa phố hồi đầu tháng. Cô điện cho ba lên để chôn cất má nhưng chiến sự đã nổ ra, đường dưới Nha Trang lên tắc nghẽn, ba cô còn mắc kẹt dưới đó. Cô đành nhờ bà con lo lắng chuyện chôn cất cho má. Luýnh quýnh vừa xong công chuyện thì Buôn Mê Thuột thất thủ rồi đến vụ “tùy nghi di tản”. Cô bỏ lại tất cả nhà cửa, đồ đạc, chỉ xách theo một va li gồm toàn đồ nghề quý giá của ba, nhảy nhờ một chiếc xe của người quen để đi di tản. Nhưng cuối cùng, cả cái va-li gồm toàn thứ đồ lương thiện ấy của cô cũng mất, rồi, cay cực hơn, đến tuổi trẻ trinh trắng của cô cũng bị tước đoạt.
Người bạn gái khốn khổ ấy của cô cứ rủ rỉ vừa kể vừa khóc như vậy cho đến khi mệt mỏi ngủ thiếp đi…
Mai bâng khuâng nhìn lại chỗ mình và cô bạn gái đã nằm qua một đêm. Cô ân hận vì chưa kể gì về mình cho cô ấy nghe. Đáng lý cô phải hỏi tên cô ấy, ghi cho cô ấy địa chỉ của mình ở Sài Gòn. Qua cơn tai biến này, hai đứa mà gặp nhau thì hẳn sẽ thương quý nhau lắm.
Vậy mà cô ấy đã đi rồi. Tại sao cô ấy lại lặng lẽ bỏ đi một mình? Cô ấy đi đâu? Mai chợt lo lắng nhìn quanh. Dân tị nạn ngủ đêm ở đây đã đi gần hết, chỉ còn lèo tèo vài người ngủ dậy muộn, đang soạn đồ và lay thức những đứa trẻ mệt mỏi, đói khát cứ nằm li bì không chịu dậy.
Dễ đến tám giờ sáng rồi còn gì. Rừng đã khô sương. Ve kêu râm ran. Nắng bắt đầu le lói.
Mai chợt ngơ ngẩn, cô cảm thấy hình như hôm nay có điều gì khác lạ. Một lúc lâu cô mới hiểu rằng cái khác lạ. Một lúc lâu cô mới hiểu rằng cái khác lạ chính là sự yên tĩnh. Hình như ở ngoài đường không còn đánh nhau nữa. Thỉnh thoảng mới nge một loạt súng ngắn ngủi rồi tất cả lại lặng trang.
Tiếng ve vẫn rộn rã, nồng nhiệt. Hình như bản nhạc rừng ấy đã an ủiMai nhiều, khiến Mai bớt cô đơn; thức dậy trong Mai những tia hy vọng và nỗi khát khao cuộc sống.
Cô đứng dậy, vươn mình vài cái, thở căng lồng ngực bầu không khí trong lành của buổi mai rồi hăm hở bước theo những người dân tị nạn.
Họ lại nhắm theo hướng mặt trời mà đi tới.
Có nhiều tiếng xôn xao ở phía trước rồi một người đàn bà nào đó chợt kêu rú lên:
- Nước! Có nước rồi.
- Trời ơi!
- Có nước thiệt sao?
Một người mẹ rên rỉ”
- Có nước rồi! sống rồi con ơi!
Đoàn người bước nhanh hơn. Có người chen lên trước, tất tưởi chạy như sợ mình sẽ đến chậm. Mai nhắm nghiền mắt, tưởng tượng tới cái giây phút những dòng nước mát cứ từ từ chảy vào cơ thể mình. Cô liếm môi, thấy xót. Trời ơi, đôi môi mình đã nứt nẻ cả rồi sao thế này?
Họ đã gặp những người đã lấy được nước, hay nói cho đúng hơn là đã được uống nước. Họ ngồi tựa vào những gốc cây, lim dim đôi mắt, tiếp tục thưởng thức dư vị ngọt ngào của nước. Mặt mày họ tươi tỉnh như một cái cây sắp chết khô vừa được một cơn mưa.
- Nước ở mô dì?
- Nước ở mô thế bác?
Một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, gương mặt nhăn nhúm, khắc khổ ngồi bên gốc khộp với một đứa con trai chừng sáu bảy tuổi; có lẽ là con ông ta. Trên tay ông vẫn ôm khư khư một cái nón sắt. Trong nón đúng là nước. Nhưng trời ơi! Một thứ nước nhờ nhờ đùng đục. Nhưng, dù sao vẫn là nước. Mai mới nhìn vào đã thấy chóng mặt, chếnh choáng như những người nghiện ngập đã lâu lắm mới được ngửi thấy hơi rượu.
- Nước ở đằng nớ. Nhưng phải có tiền hoặc có thứ chi đổi.
Nhiều tiếng người xôn xao:
- Ủa, sao kỳ vậy?
- Nước của trời của đất chớ của ai?
- Bộ có người bán nước sao?
- Bán nước! phải, bán nước đó. Hực…hực..hức.. hức – Người đàn ông ôm nón nước trong tay cưới sặc sụa – chớ sao! Bán nước. Tui phải đổi một cái đồng hồ Sen – kô mới được nón nước này đó. Hai cha con uống lưng nón rồi. Mà tui phải ghìm thằng nhỏ này, nếu không nó dám làm hết cả nón.
Mặc dù nghe hai năm rõ mười vậy nhưng người ta vẫn không tin. Hoặc có tin nhưng họ vẫn phải bước tới. Bởi vì phía ấy là nước. Dù sao vẫn có nước. Theo tay người đàn ông chỉ, họ tụt xuống sườn đồi, tụt xuống mãi.
Họ lại gặp những người vừa được uống nước đi ngược trở lên. Có người túm nước vào trong những chiếc túi ni lông, vừa đi vừa mút chùn chụt vào những lỗ dò, nước đang phun ra từng tia li ti. Có người dáng chừng không kiếm ra thứ chi để đựng nước nên ở trần, cái áo trên tay ướt sũng.
Cuối cùng, Mai và đoàn người đã tìm ra nước và những kẻ bán nước.
Đó là một cái hố nằm lọt giữa một bãi cỏ rộng kẹp giữa hai dải đồi. Có lẽ, trong mùa mưa voi rừng và bò rừng đã thi nhau đằm đìa ở đây nên tạo nên một cái hố rông như một cái hố bom.
Người có công phát hiện ra nó là một gã đại úy biệt động quân. Sau bao năm lăn lộn, trầy vi tróc vẩy ngoài chiến trường, bây giờ trời bỗng phú cho gã một cơ hội làm giàu hiếm có. Gã và bốn tên lính dưới trướng, có cả súng máy FM và súng phóng lựu M.79 liền chiếm luôn lấy hố nước quý báu đó. Gã đại úy biệt động quân biên phòng hẳn đã lăn lộn nhiều vùng rừng núi khắc nghiệt này nên hiểu giá trị của vũng nước trời cho ấy.
Và cuộc kinh doanh bắt đầu.
Đám dân khốn khổ còn cách gì hơn là lộn tất cả những thứ gì còn lại trên người để đổi lấy nước.
Cái nón sắt của gã chẳng mấy chốc đã đầy ắp những tiền, những đồng hồ, nhẫn, dây chuyền… Gã đứng trên miệng hố, một tay cầm súng ngắn, một tay bê chiếc nón sắt. Mắt gã gườm gườm nhìn “khách hàng”. Mồm gã luôn la hét:
- Ê! thằng kia! Lưng nón thôi nghen. Thôi! một cái đồng hồ cà là mèng mà uống nhiều của tao thế mậy? Lên! Đù mẹ. Cho nó một báng súng đi tụi bay.
Bộ mặt hắn đen cỉn, tối tăm. Ba bốn cái răng vàng lấp lóa trong miệng. Một mắt hắn đã thui, mắt còn lại trắn dã. Giọng hắn the thé, rộn rảng như tiếng xích sắt.
- Mụ ni có chi? Cà rá hả? Ngon đó. Đưa coi đồ thiệt hay đồ giả chớ. Được rồi. Mụ xuống đi. Một nón thôi nghe. Mặc mụ, tui đâu có đồ chứa cho mụ. Xuống đi! Lẹ lên không thôi đây nè…Bộ cái cà rá của mụ quý lắm hẳn? Đây, đưa trả mụ đó!
Hắn ném chiếc cà rá xuống trước mặt. Người đàn bà vội cúi xuống nhặt lên rồi tiến lại thả chiếc cà rá vào bàn tay đầy những sẹo na-pan của tên đại úy. Xong xuôi, chị rên rỉ bước xuống hố nước với lấy chiếc nón sắt vục đầy một nón nước đục ngầu lên rồi nhắm mắt uống một hơi dài. Nhưng dẫu khát chị cũng không thể uống hết cả một nón đầy nước. Chị lúng túng, ngước nhìn mấy người lính rồi kẹp chiến nón vào giữa hai đùi, cởi phăng chiếc áo mình đang mặc ra. Mặc cho bọn lính cười nhăn nhở và tuôn ra đủ những câi tục tĩu, chị nhúng chiếc áo vào nón nước.
Rồi cũng đến lượt Mai.
Trên tay cô còn một chiếc nhẫn có gắn đá quý và trên cổ cô còn một sợi dây chuyền. Hai thứ đó cô phải hy sinh để đổi lấy nước, lấy sự sống. Chiếc nhẫn của má mua cho cô, cô không nỡ. Còn chiếc dây chuỳên là của anh Hai cô mua tặng nhân dịp mừng cô đỗ tú tài hai.
« Anh Quang ơi! Đây là vậy kỷ niệm của anh. Nhưng, em đành phải dứt nó ra thôi, vì em cần phải sống. Dù sao thì anh cũng dùng thứ tiền do anh đi làm công tác cho « áp- phe chiến tranh » mà có để mua nó. Vậy thì, bây giờ em xin lỗi anh, em trả lại nó cho chiến tranh. Nếu anh còn sống sót trở về thì khi gặp nhau em sẽ xin lỗi anh, sẽ kể cho anh nghe chuyện này. Hẳn anh sẽ thông cảm, sẽ không trách em gái tội nghiệp của anh đâu ».
Mai nghĩ vậy rồi tiến lại, khinh bỉ quẳng chiếc dây chuyền vào chiếc nón sắt của tên đại úy rồi bước xuống hố nước. Không hiểu vì căm giận, khinh bỉ hay vì cơn khát chợt bùng lên dữ dội khi đôi môi khô cứng, nứt nẻ của cô sắp được tiếp xúc với nước mà cô run bắn lên, loạng choạng rồi ngã một cái « ạch » giữa đống bùn đất nhão nhoét. Bọn lính cười ré lên. Mặc chúng! Cô chẳng thèm đứng dậy, cứ ngồi nguyên trong đám bùn đất ấy rồi lết xuống, cầm lấy chiếc nón sắt vục nước lên. Băng một cảm giác đê mê trộn lẫn với đắng cay, cô vục đầu vào nón nước tanh tưởi, vừa lùa nước vào lòng mình vừa để mặc cho nước mắt mình rơi lã chã vào chính cái dòng nước đó.
Chưa bao giờ cô thấm thía nỗi thống khổ mà con người phải chịu đựng trong chiến tranh như giây phút ấy.
Mai đã tưởng rằng những nỗi cực khổ, tủi nhục mà mình đã phải chịu đựng đến như thế là tột đỉnh rồi. Bây giờ chỉ còn hoặc chết ở chốn rừng núi xa xôi này hoặc thoát trở về với ba má và những người thân yêu. Ngờ đâu số phận vẫn chưa chịu buông tha cô. Vị thần khổ ải vẫn tiếp tục đẩy cô đi; để bắt cô đã chịu đựng thì hãy chịu đựng tới cùng những nỗi kinh hoàng, khủng khiếp; nỗi cay đắng, gian truân của con người trong chiến tranh; đã chịu đựng thì hãy chịu đựng tới cùng những nỗi kinh hoàng, khủng khiếp; nỗi cay đắng, gian truân của con người trong chiến tranh; đã chứng kiến thì hãy chứng kiến đến tận cùng sự bạc nhược, tàn bạo, vô lương tâm của con người khi họ đã không còn là con người nữa.
Số phận đã đẩy Mai tới với hắn, con người hào hoa phong nhã, có cái tên nửa ta nửa Mỹ: Uy-li- am Minh Thu, trung úy, sỹ quan tâm lý chiến thuộc bộ chỉ hy chiến tranh chính trị quân đoàn 2 ngụy.
Hắn là con một giáo sư triết học ở Sài Gòn. Ông này là một trong những trụ cột của cái gọi là « Hội ái hữu Việt – Mỹ ». Để biểu thị cho tinh thần ái hữu Mỹ – Việt của mình, ông ta đã cúp cái họ của đứa con trai độc nhất đi rồi ghép vào đó với cái họ Mỹ.
Mai quen biết hắn vì hắn là một trong số bạn bè thân thuộc của anh trai cô. Hồi hắn còn học ở « Trường chiến tranh chính trị » tại Đà Lạt, đã có lần Mai theo anh cô lên thăm hắn. Từ đó mỗi kỳ nghỉ, hắn đều về Sài Gòn để lui tới ve vãn cô nhưng không có kết quả gì.
Hồi đó, Mai chưa biết nhận chân giá trị của mỗi con người. Là một cô gái đang tuổi yêu đương, thấy có nhiều người theo đuổi, ve vãn mình cô cũng thích. Nhưng tuyệt nhiên vì cô không hề yêu Uy-li- am Minh Thu.Cô không yêu vì cô không ưa hắn. Không ưa từ cái dáng chải chuốt, ngôn ngữ trưởng giả, tới cái tên nửa ta nửa Mỹ của hắn. Nhưng, cô chỉ tìm cách từ chối khéo mà không có ác cảm với hắn.
Mấy năm nay Mai không gặp hắn. Thỉnh thoảng anh Quang cô có ghé về Sài Gòn cũng thường nhắc tới hắn. Do đó, cô biết hắn đăng tòng sự tại Bộ chỉ huy chiến tranh chính trị quân đoàn 2.
Mai gặphắn vào buổi chiều, sua khi đã được uống no nước và đã theo những người di tản được một chặng đường khá dài. Trong lúc hoạn nạn, cô đơn như thế này mà gặp được một người quen biết, lại là một người đàn ông hiểu biết và từng trải, ai chẳng mừng thầm. Cô hy vọng hắn sẽ đưa cô ra khỏi rừng,cưu mang cô, tìm cách đưa cô về Sài Gòn.
Hai người ngồi lại bên nhau dưới một gốc cây to. Uy-li- am Minh Thu chăm chú nghe Mai kể về chặng đường gian truân của mình. Hắn giả bộ bùi ngùi xót thương, rút khăn lau nước mắt cho Mai và an ủi:
- Cực em quá! thôi, nín đi nghen. Rồi anh sẽ tìm đường đưa em về Sài gòn. Anh là sĩ quan tâm lý nhưng cũng giỏi đi rừng lắm đa. Anh lại có bản đồ, địa bàn, chúng mình khỏi lo.
Nghe hăn nói vậy, Mai mừng quá, cô ngước nhìn hắn bằng đôi mắt biết ơn. Hắn nhận ra ánh mắt ấy và khẽ nhếch mép cười. Bộ ria mép cắt tỉa công phu của hắn khẽ rung rung. Đôi mắt hắn nhìn Mai đằm đắm.Nếu như ở vào hoàn cảnh khác, có lẽ Mai đã nhận ra ở ánh mắt ấy những thèm khát cuồng dại. Nhưng lúc này, Mai lại lầm tưởng đó là ánh mắt ve vuốt, an ủi,xót thương.
Rồi hắn cho Mai ăn. Đôi mắt cô sáng rực lên khi thấy hắn bày ra trước mặt cô một gói bích quy thơm phức và một ổ bánh mì vàng rộm. Cô đã ăn ngấu nghiến, không hề giữ kẽ, không hề biết thẹn. Trong khi cô ăn, hắn chỉ nhấm nháp, đôi mắt vẫn hau háu nhìn, thỉnh thoảng lại khẽ nhếch mép cười.
Sau mấy ngày căng thẳng, mệt mỏi, đói khát, bây giờ được ăn, được nói chuyện với một người quen biết; một ngừoi theo nhận xét của cô lúc ấy, có đủ khả năng để đưa mình ra khỏi cơn hoạn nạn, cô cảm thấy như thần kinh mình chùng lại, gân bắp mình nhão ra, cô bỗng thấy mình yếu đuối hơn bao giờ hết. Tựa lưng vào gốc cây lớn, cô ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Tới lúc ấy, cái con người « hào hoa mã thượng » kia thoắt hiện nguyên hình một con quỷ dâm dục. con mồi ngon mà hắn săn đuổi bao năm không được bỗng rơi vào tay hắn quá ư dễ dàng. Thật không còn một cơ hội nào lý tưởng hơn thế.
Hắn cúi sát, ngắm nhìn cô bằng đôi mắt thèm khát điên dại. Mặc dù đã trải qua ba ngày gian khổ, đói khát, nhưng lúc này, khi Mai ngủ, sắc đẹp của cô vẫn đầy sức quyến rũ. Bộ ngực non tơ phập phồng sau làn áo mỏng. Đôi môi đỏ tươi, cổ trắng ngần. Làn mi mắt khép mơ màng. Những đường cong mềm mại trên thân thể cô như khơi gợi, toát lên sức thanh xuân phơi phới.
Ngọn lửa dục tình ngùn ngụt bốc cháy. Hắn xê dịch tới sát bên Mai và đôi bàn tay bản thỉu của hắn run run đặt nhẹ lên ngực cô. Bộ ngực no tròn như run rẩy. Hắn lần mở nút áo ngực, rồi đôi tay hắn chạm phải da thịt mát rượi nơi bầu vú căng mọng của người con gái. Hắn rên lên một tiếng. Rồi bằng tất cả sức lực trai tráng của mình, hắn ôm choàng lấy cô, dằn ngửa co xuống nền rừng dày lá khô.
Mai choàng tỉnh. Khi cô kịp hiểu điều gì đã xảy đến mới mình thì thân hình vạm vỡ của thằng khốn nạn đã đè nặng trên người cô. Cô sợ hãi kêu thất thanh:
- Trời ơi! Ai…cứu tôi với!
Rồi cô, đạp, giãy, cào cấu, la hét, chửi rủa. Nhưng sức lực đàn bà con gái chủ có hạn, nhất là sau khi cô đã trải qua những ngày mệt mỏi, đói khát. Giãy đạp một lúc, cô kiệu sức. Người cô mềm oặt, buông xuôi. Nước mắt cô ứa ra ra chảy chứa chan trên má.
Nhưng, đúng vào cái phút thằng khốn nạn ấy chỉ còn ung dung hưởng thụ sắc đẹp trinh trắng của cô, thì, từ khoảng rừng trước mặt bỗng vang lên những tiếng loa:
- Hỡi đồng bào! Chúng tôi là bộ đội giải phóng. Con em của nhân dân….
Uy-li- am Minh Thu bỗng giật nảy người. Hắn ngóc đầu dậy, nge ngóng. Tiếng loa lại vang lên như tiếng gầm thét của núi rừng:
Hỡi đồng bào! Chúng tôi là bộ đội giải phóng. Con em của nhân dân. Đồng bào hãy ra khỏi rừng. Tìm gặp chúng tôi…
Hắn rùng mình, ớn lạnh nơi cột sống. Hắn ngồi phắt dậy, hộc lên một tiếng “Đù mẹ tụi nó”.Rồi, bỏ mặc cô gái đang quằn quại, hắn co cẳng, phóng sâu vào rừng.
Mai vẫn nằm nguyên, bất động. Cô lờ mờ cảm thấy mình đã thoát nạn. Nhưng cô không đủ sức để ngồi dậy nữa. Cơn khủng khiếp đã khiến cho thần kinh rối loạn.
Chợt, một ý nghĩ lóe lên khiến cô giật thót: “hắn sẽ trở lại khi tiếng loa kia tắt đi!”. Cô sợ hãi ngồi dậy. “Trời ơi! Hắn sẽ trở lại! Mình làm sao mà chống đỡ nổi”.
Cô đứng dậy, mắt lại hoa lên, tối sầm, cô ôm mặt, loạng choạng rồi lần tới ngồi tựa vào gốc cây.
- Hắn sẽ trở lại!
Lời đe dọa ấy lại vang lên. Cô hốt hoảng nhìn quanh, thở dốc.
- Hãy tự cứu mình khi chưa phải chịu đựng sự mất mát to lớn nhất như người con gái ấy.
Cô vụt hiểu ra. Phải rồi, cô bạn gái ấy còn chạy đi đâu nữa nếu không phải là chạy về phía những người vừa gọi loa kia.
Ý nghĩ ấy như tiếp sức cho cô. Cô đứng phắt dậy. Sửa lại quần áo, đầu tóc cho gọn gàng rồi thoăn thoắt chạy trong rừng. Cô chạy về phía có những tiếng loa đang vang lên tha thiết.
- Hỡi đồng bào! Chúng tôi là bộ đội giải phóng. Con em của nhân dân!
Người chiến sĩ ấy đưa Mai ra đường n, nơi có hàng mấy chục chiếc xe hơi các loại đậu ngổn ngang; chiếc đã cháy sạch trơn chỉ còn trơ lại những bộ khung sắt đen xỉn, chiếc dúm dó như một cái thùng sắt của các bà bán hàng chạp phô (hàn tạp hóa) bị giẫm bẹp trong những buổi quân cảnh dẹp chợ. Anh chỉ một chiếc xe Pho sang trọng, trong xe còn chất đầy những vali, hòm xiểng và bảo:
- Cô lên đó kiếm mấy bộ đồ mà thay.
Mai còn đang ngần ngừ chưa quyết định thì anh ta tiến lại, mở cửa xe rồi quay lại bảo Mai:
- Cô lùi ra để tôi kiểm tra, lỡ bọn nó gài lựu đạn thì khốn.
Mai định kêu lên “thế còn anh?”, nhưng anh ta đã leo lên xe, lục sục một lát rồi xách xuống một chiếc vali màu xanh nước biển. Anh quẳng một cái “huỵch” và bảo:
- Cô xem, tụi nó chết vì của đó.
Mai khẽ gật đầu đồng tình và chợt nhớ tới cái chết của vợ chồng trung tá Biền.
Anh chiến sĩ rút dao găm trong bao ra và bắt đầu nạy khóa chiếc va-li. Hì hụi một lúc anh cũng mở bung được nắp chiếc va-li da. Một “thế giới” những thứ tạp nham của phụ nữ hiện ra. Mai chợt thấy anh chiến sĩ giải phóng thoắt đỏ mặt, tỏ vẻ ngượng ngùng. Anh đứng dậy, bước lui hai bước rồi bảo Mai:
- Xin mời cô cứ tự nhiên mà lựa chọn. Ưng thứ nào thì lấy.
Mai xúc động, lóng ngóng mất một lúc mới dám bước tới chiếc va-li. Cô cũng chẳng mất nhiều thì giờ để lựa chọn. Trong chiếc va-li toàn đồ mới và đồ tốt. Hẳn chủ nó phải là một bậc “mệnh phụ phu nhân”, ít ra cũng cỡ vợ trung ta Biền.
Cô chọn được hai bộ đồ màu nhã nhặn nhất và mấy thứ “tạp nham” dùng cho phụ nữ rồi gói tất cả vào một chiếc khăn len màu xanh. Anh chiến sĩ đóng chiếc va-li lại rồi bê lên xe. Lát sau anh trở xuống, đưa cho Mai một chiếc túi da du lịch, trong túi có mấy cục xà bông, hai hộp kem đánh răng và hai chiếc khăn tay, Mai xúc động quá, lí nhí mãi mới nói được một câu: “Dạ,…xin ông”. Anh chiến sĩ giải phóng đột nhiên cất tiếng cười, tiếng cười của anh mới giòn giã, vô tư làm sao? Chợt, Mai giật mình. Chao ôi! Hình như… Ờ, sao lại có thể có chuyện ấy được. Nhưng… gương mặt ấy, ánh mắt ấy, món tóc hơi quăn xòa xuống trước trán ấy…hay chính là anh?
- Sao cô lại kêu tôi bằng ông? Tôi già quá rồi sao?
- Dạ.. không ạ! Trong ni quen kêu như vầy để biểu lộ sự kính trọng.
Anh chiến sĩ giải phóng không cười nữa, anh đứng dậy lặng nhìn Mai một lát rồi bảo:
- Cô muốn tắm thì xuống sông Ba mà tắm. Ở đoạn này có nhiều chỗ kín và cũng an toàn thôi.
Nghe nói chữ “tắm”, Mai khẽ rùng mình, cô hình dung tơi cái hạnh phúc được đầm mình trong nước, được kỳ cọ, tẩy rửa tất cả những thứ hôi bám, bụi bặm bám trong người mình từ gần một tuần nay. Nhưng, không hiểu vì sao, đột nhiên cô thấy sợ. Dường như hiểu ý cô, anh chiến sĩ mỉm cười, nói:
- Không sao đâu, cô sinh viên ạ. Cô cứ tắm đi rồi về sau. Nhớ đường về nơi tập trung chứ?
Mai khẽ gật đầu ngoan ngoãn:
- Dạ… nhớ rồi ạ!
- Được rồi! chớ đi lạc đường mà phiền đó. Trời lại sắp tối rồi. Tắm xong cô đi lối này, nhìn thấy cái cây cụt ngọn kia làm đích thì không lạc đâu.
Thấy anh chiến sĩ giải phóng sắp quay đi, Mai liền rụt rè hỏi:
- Dạ…tôi, có được…hân hạnh gặp lại…anh nữa không ạ?
Anh chiến sĩ giải phóng gật đầu:
- Tôi vẫn ở quanh đây. Vả lại, nếu không có tôi ở đó thì các đồng chí của tôi vẫn phải có trách nhiệm lo cho cô và bà con chu đáo cơ mà. Cô chớ lo!
- Dạ không…- Mai ngập ngừng – là vì…tôi muốn hỏi anh một điều.
Anh chiến sĩ hơi ngỡ ngàng:
- Có chuyện gì vậy cô?
- Dạ… tôi có biết một người…giống anh quá. Thậm chí, tôi tin anh chính là anh ấy.
- Thế là Mai liền kể một mạch về người chiến sĩ giải phóng mà cô đã gặp ở phòng thẩm vấn của anh cô. Cô đã say sưa nói về khí phách của anh. Cô thuật lại một cách mạch lạc, đầy đủ về buổi hỏi cung ấy. Chính cô đã ngạc nhiên, không hiểu vì sao cô còn nhớ như in tất cả những lời nói, cử chỉ, gương mặt và cả ánh mắt nhìn anh cô và của anh ấy. Cô tưởng rằng, qua bao nhiêu biến cố, bao ngày khủng khiếp hãi hùng, cô sẽ quên sạch, không còn nhớ một chút gì, một bóng dáng nào thuộc về quá khứ nữa. Vậy mà cô nhớ hết, nhớ kỹ đến từng chi tiết của cuộc hỏi cung ấy. Cô cũng không giấu giếm gì nguồn gốc của mình, cô kể về anh trai cô, ba má cô mà không hề sợ người chiến sĩ đang nghe cô nói những thành kiến về nguồn gốc xã hội của mình. Anh chiến sĩ giải phóng đã nghe cô một cách chăm chú, thỉnh thoảng anh mỉm cười khuyến khích hoặc hỏi xen vào một câu. Gương mặt anh biểu lộ rằng, anh hoàn toàn tin vào những điều cô kể. Khi cô kể xong, anh trầm ngâm suy nghĩ giây lát rồi giải thích.
- Cô lầm, điều đó thì đã rõ ràng, nhưng không sao. Cô vừa nói anh ấy tên Tuấn, phải không? Còn tôi lại tên là Hưng. Nhưng cô hãy tin rằng, dù là anh ấy hay là tôi, hay là bất cứ một chiến sĩ giải phóng nào của chúng tôi rơi vào hoàn cảnh ấy cũng đều hành động như vậy cả. Hồi đầu chiến dịch, chúng tôi có được thông báo về chuyện này. Chúng tôi rất xúc động và hứa sẽ chiến đấu xứng đáng với anh ấy. Và cô xem, chúng tôi đã làm trọn lời hứa với anh ấy. Có thể anh ấy đã hy sinh, nhưng sự hy sinh của anh ấy đã mang lại chiến thắng, đã được trả giá xứng đáng. Cô có hiểu điều đó không.
- Dạ.. hiểu. Từ khi gặp anh ấy, em bắt đầu suy nghĩ khác về các anh. Nhưng …phải đến hôm nay…
Anh chiến sĩ giải phóng vội xua tay:
- Tôi hiểu rồi. Như vậy là cô vẫn may mắn, phải không? Con đường đưa cô đến với sự thật khắc nghiệt như vậy đấy. Nhưng, dù sao cô cũng đã có một cơ hội để nhìn ra sự thật của cuộc chiến tranh này, điều đó rất có ích cho cô. Hình như cô vừa kể cô là sinh viên luật phải không?
- Dạ…
- Còn tôi, tôi cũng là một sinh viên, cô bạn ạ. Tôi đang học Đại học Sư phạm, tôi mơ ước trở thành một nhà giáo. Sau này, khi nước nhà thống nhất, tôi sẽ trở lại học tiếp để trở thành người thầy giáo của các em. Tôi muốn các em lớn lên trở thành những người như anh chiến sĩ ấy chứ không thể để thế hệ mai sau của đất nước này lại có những kẻ… xin lỗi cô, như anh cô chẳng hạn.
- Dạ…không sao? Sự thật còn tồi tệ hơn thế nhiều.
Thuận miệng cô kể luôn cho anh nghe về những ngày khủng khiếp mà mình vừa trải qua. Cô kể về cái chết tức tưởi u uất của Thuận, cái chết thảm thương của vợ chồng kỹ sư Minh; kể về những cảnh hãm hiếp, cướp giật của bọn tàn binh địch đối với dân tị nạn; kể về vợ chồng tên trung tá bắn giết nhau; kể về tên đại úy bán nước…Và, lúc đầu cô định giấu nhưng sau đó cô kể nốt, kể về tên Uy-li-am Minh Thu đểu cáng lợi dụng cơn quẫn bách của cô để định hại đời cô. Kể đến đay, tự nhiên cô khóc. Khóc tức tưởi như một đứa trẻ. Đôi mắt Hưng chợt long lên, anh giận giữ buông một câu:
- Những thằng mất dạy, vô lương tâm! Tóm cổ được bọn nó thì chỉ cho ăn đạn.
Nhưng ngay sau đó anh bình tĩnh trở lại ngay, giọng nói của anh trở nên dịu dàng ấm áp:
- Thôi …Cô xuống tắm đi rồi còn về kiếm chỗ ăn ngủ kẻo tối đến nơi rồi. Nói chuyện với cô vui lắm. Không ngờ cô biết nhiều chuyện đến vậy. Khi nào rảnh, tôi sẽ tìm đến để hỏi chuyện với cô đấy, cô Mai ạ. Tôi còn muốn biết, trong những năm tháng vừa qua, thế hệ trẻ của chúng ta ở Sài Gòn đã bị băng hoại như thế nào, đã vùng lên giành lấy quyền sống ra sao nữa.
Mai lau nước mắt, ngước nhìn anh, ngượng ngùng và tin cậy. Đột nhiên, cô gọi anh bằng tên.
- Anh Hưng này, khi mô các anh về giải phóng Sài Gòn..
Cô định nói tiếp “..ghé vô nhà em chơi”, nhưng không hiểu sao cô dừng lại ở đó. Trong gia đình, họa chăng chỉ có cô hiểu các anh được đôi phần, còn ba má cô, các anh chị và những người thân của cô thì vẫn coi các anh ấy như kẻ thù. Hưng thì lại tưởng đó là một câu hỏi nên vui vẻ trả lời:
- Khi nào thì chưa biết, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ về phóng Sài Gòn. Sống chết cũng phải về, cô Mai ạ. Thôi cô đi tắm đi, tôi về trước đây.
Nói xong anh mỉm cười, vẫy tay chào cô rồi đi ngược trở lên khu dân tị nạn đang tập trung. Mai đứng đó, nhìn theo cho đến khi anh khuất hẳn vào những vạt rừng xanh, cô mới vội vã chạy xuống bờ sông.
Qua khỏi những rặng ô rô, con sông xanh ngắt đột ngột hiện ra trước mắt cô khiến cô sững sờ, choáng váng. Cô khẽ rên lên: “trời ơi! Nhiều nước quá” và tự nhiên ứa nước mắt. Cô ngồi thụp xuống, lặng lẽ khóc một hồi rồi mới từ từ bước xuống bãi cát.
Cát mịn lún dưới chân cô, mát rượi. Gió đẫm hơi nước vồ vập thổi tới, hất bung mái tóc của cô lên. Những con sóng lăn tăn dịu dàng trào lên bờ cát. Mai hồi hộp lê từng bước trên cát, tim cô đập rộn ràng, hệt như bữa nào đi tới nơi hẹn gặp Tuấn buổi đầu. Tới mép nước, cô đặt chiếc túi du lịch xuống rồi để nguyên cả quần áo bước xuống. Nước ôm lấy cô từ tử, từ gối tới bụng… Không đừnng được nữa, cô nhắm mắt lại, chậm rãi dìm mình trong dòng nước xanh mát rượi. Cô lần ra sâu nữa, khi nước đã ngập tới cổ, cô mới dừng lại và cởi hết quần áo ngoài cho da thịt mình được tiếp xúc với nước. Sông trôi nhẹ, dòng nước mơn man ve vuốt da thịt cô, gợi nên những cảm xúc cảm êm dịu, ngọt ngào. Cô chợt vui sướng khi nhớ ra đây là lần đầu cô tắm sông. Cô hiểu rằng con người còn một hạnh phúc nữa là được tiếp xúc với thiên nhiên, với cuộc sống. Tuổi trẻ của cô đã bị bó cứng trong những căn phòng choáng lộn, những vườn hoa cây cảnh, những hòn núi giả ngô nghê, những phòng tắm sực nức mùi nước hoa thượng hạng, nhưng thiếu hẳn cái ngọt ngào nồng đượm của nắng và gió trời.
Ôi, con sông xa lạ, tưởng như không có quan hệ gì với cuộc đời cô, vậy mà giờ đây nó thân thiết với cô đến vậy. Nó rộng lượng bao dung biết mấy. Nó không cần biết cô là ai, từ đâu đến, sang hay hèn. Nó chỉ biết cô là một con người.
- Sông ơi! Suốt đời tôi không quên được người đâu.
Mai thầm nói với dòng sông như vậy rồi thích thú úp mặt xuống dòng nước, phồng miệng thổi cho bong bóng nổi lên từng chùm, trôi lờ lững trên mặt sông xanh biếc.
Tắm gội một lúc cô thấy mình tỉnh táo hẳn, cơ thể cô như khỏe mạnh hơn, bừng bừng nhựa sống; tưởng như bao nỗi gian lao, bao điều khủng khiếp bỗng tan biến đi khi cô dầm mình xuống dòng sông mát rượi, bao dung. Trong tâm hồn cô, những suy nghĩa đẹp đẽ, trong sáng lại vụt đến. Cô thấy cuộc đời đẹp quá, đáng sống quá. Cô muốn hét lên: “Tôi muốn sống! muốn sống! Tôi yêu cuộc sống quá chừng”. Hình như suốt cuộc đời, chưa bao giờ cô có được niềm vui trong sáng ấy. Chưa bao giờ cô tin tưởng ở cuộc sống, ở con người như hôm nay, bên dòng sông xa lạ này. Ôi! Nếu Thuận còn, thì dù anh ấy ở đâu cô cũng sẽ tìm tới, kể cho anh nghe về những giây phút hạnh phúc này của mình. Cô sẽ nói với anh rằng: “Anh Thuận ơi! Cuộc đời mà chúng ta đang sống vẫn có những con người có thể tin yêu. Em đã tìm thấy họ, vì thế em tin rằng cuộc đời rồi sẽ khác đi chứ không tối tăm, bế tắc như những năm chúng ta đã sống đâu, anh ạ”.
Tắm gội xong, cô lên bờ tìm chỗ khuất thay quần áo. Cô bận vào mình chiếc quần âu màu rêu, ông sớ là phẳng phiu và chiếc áo thun màu xanh. Bộ quần áo vừa như in lấy người khiến cô vô cùng thích thú. Cô mỉm cười nghĩ tới cái phút sẽ xuất hiện trước mặt người chiến sĩ ấy với bộ đồ này. Kể ra cũng hơi kỳ, có thể các anh ấy không thích lối ăn mặc này. Nhưng không sao, các anh ấy hiểu được mọi điều, sống vì những mục đích lớn lao, chấp nhận được cả cái quá khứ nặng nề và tâm hồn u uất của mình thì có sá chi kiểu ăn bận thế này hay thế khác.
Cô chợt nhìn xuống chân và cười khúc khích: “Ủa, sao mình không kiếm đôi dép mà đi cho đàng hoàng?”. Đôi chân cô bây giờ đã chợt nhớ ra những vết toạc, vết xước chằng chịt hằn lên trông đến kỳ. Nhưng, so với khi nãy, cái đau cũng đã dịu đi rất nhiều. Vì vậy, khi khoác chiếc sắc da du lịch lên vai cô bước đi khoan thai hơn chứ không còn cà khập cà khiễng như khi đi xuống nữa.
Lên tới đường cô dễ dàng kiếm ngay được một đôi dép da đế cao quai bự xỏ vào chân. Khi còn ở Sài Gòn cô thường xài dép này, vậy mà bây giờ xỏ nó vào chân cô đã thấy ngượng, phải mất một lát cô mới làm quen được với nó và bước đi thoải mái hơn. Nhìn đoàn xe ngồn ngang trên đường cô lại chạnh lòng nhớ tới vợ chồng chị Tám. Cô đừng tựa vào thành một chiếc xe, thẫn thờ. Cô bỗng hổ thẹn khi nghĩ rằng suốt mấy ngày qua, vì quá lo lắng cho số phận mình, dường như chẳng mấy khi cô nhớ tới họ. Giờ đây, khi mọi sóng gió dường như đã qua, cô tĩnh tâm lại và hình ảnh thân yêu của chị Tám, Anh Minh cứ chập chờn trước mặt. Cô rùng mình khi nghĩ tới hai cái xác nát bấy, đẫm máu trên mặt đường. Cô quay lưng, úp mặt vào thành xe rên rỉ: “Ôi! Anh Minh chị Tám ơi! Hãy chứng giám cho lòng em. Thiệt tình em đâu có dám quên ơn anh chị!...
Hai dòng nước mắt lại chảy chan chứa trên đôi má cô. Nó chảy mãi, chảy xuôi mãi cho tới khi cô thấy đôi môi mình mằn mặn.
Trong Cơn Gió Lốc Trong Cơn Gió Lốc - Khuất Quang Thụy Trong Cơn Gió Lốc