Let your bookcases and your shelves be your gardens and your pleasure-grounds. Pluck the fruit that grows therein, gather the roses, the spices, and the myrrh.

Judah Ibn Tibbon

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Tran Hoai Linh
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2986 / 46
Cập nhật: 2015-07-07 01:55:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ỹ sư Minh gào lên trong tiếng súng nổ rền:
- Ngồi cho vững.
Anh ngoắt vội chiếc xe sang bên đường rồi quay đầu. Chiếc Dép của anh vừa lách được qua một bên thì bỗng “rầm”. Anh ngoái lại, thấy một chiếc Đốt vừa lao sầm vào một chiếc xe chở hàng của trung tá Biền. Nó bật nghiêng sang bên đường, đầu bẹp dúm.
Cả đoàn xe náo loạn. Binh lính nhảy rầm rầm xuống rồi phóng vào rừng, mặc cho bọn sĩ quan hò hét, chửi bới hoặc bắn súng hù dọa. Một chi đội xe tăng mắc kẹt ở giữa đám xe hơi chở lính, chở đồ, đang lồng lộn gầm rú, vừa bắn pháo, bắn đại liên ầm ĩ vừa tìm đường thoát ra. Chúng lao tới, ủi đổ tất cả những chiếc xe nào ngáng đường. Một chiếc Méc-xê-đéc thấp tè nằm bẹp dí dưới băng xích của một chiếc M.48 và bị nó rê đi một đoạn dài. Người tài xế không hiểu sao vẫn ngoi được một nửa thân ra ngoài, rên ò ò… Một chiếc xe cây cỡ lớn cao ngất nghểu cũng vừa bị ủi đổ. Bốn, năm người lính tiếp vụ ngồi trên xe bị hất văng ra ngoài cùng với những két bia 33, những chai rượu Mác-ten, Uýt-ki và những thùng mỡ lợn.
Súng vẫn nổ rền bốn phía. Đạn gào rít trên đầu, man rợ như tiếng rít của một bầy quỷ dữ.
Những người đàn bà vợ lính hoặc không phải vợ lính, mặt xanh như tàu lá, vừa run rẩy khóc mếu vừa lễ mễ xách đồ, dắt díu con cái chạy tứ tung. Ông trung tá Lê Hữu Biền béo mập, ục ịch là thế mà bây giờ bỗng nhanh nhẹn như một con bói cá. Ông chạy tới xe này hét một câu rồi lại chạy tới xe khác hét một câu. Chẳng xe nào còn tài xế. Cái bọn mắc dịch ấy bỏ chuồn ráo trọi rồi. Khổ thân ông! Bà vợ cũng mất hẳn cái vẻ lịch sự, cao sang thường ngày. Bà cũng tru tréo, la hét, nhảy sòn sòn. Cái kiếng gọng bự đã rơi đâu mất, cái mi-ni-duýp đúng “mốt” không hiểu móc vào đâu mà rách toạc một đường từ gấu tới cạp. Vậy nên, khi ông trung tá kéo bà bỏ của chạy lấy người, nó cứ phập phành, phấp phới như một thứ cờ hiệu.
Minh đã quay xe nhưng không thể nào mà chạy lui trở lại vì đường đã tắc nghẽn. Vợ anh và Mai vẫn nằm ép trên đống va li vừa kêu khóc vừa run như cầy sấy. Súng vẫn nổ ran bên tai. Không hiểu đạn từ phía nào bắn tới. Chưa thấy một người lính giải phóng nào xuất hiện.
Minh bặm môi, suy tính giây lát rồi hét toáng lên:
- Xuống xe! Bỏ mà chạy thôi.
Chị Tám mặt bệch ra vì hoảng sợ nhưng khi nghe thấy chồng nói bỏ xe, chị hốt hoảng la lên:
- Sao bỏ?
- Bỏ! Nhanh lên không chết ráo bây giờ.
Mai lập cập nhảy xuống rồi quay lại đỡ chị Tám.
Minh nhăn mặt quát:
- Nhanh lên! Xớ rớ mãi!
Chị Tám quýnh quáng, chạy quanh chiếc xe, hai tay chị dang ra như muốn ôm lấy tất cả mà mang đi. Minh quay lại trợn mắt quát “Đi”, rồi cầm lấy tay chị mà kéo xềnh xệch.
Panh!
Một ánh chớp lóa trước mắt. Mai và chị Tám cùng ngã vật ra, chân tay bủn rủn.
Panh! Panh!...
Chiếc xe tăng M.48 vừa ầm ầm lăn qua vừa bắn. Tiếng xích sắt nghiến rợn người. Minh xốc nách vợ dậy và tiếp tục chạy. Được một quãng anh mới chợt nhớ mình đã không mang một chút gì, kể cả một ít thức ăn khô phòng thân. Anh vội ấn vai hai người đàn bà cho họ nằm xuống rồi hét vào tai họ:
- Nằm nguyên đó! Tôi trở lại xe.
Chị Tám hoảng hốt bật dậy lao theo.
- Mình ơi!
Panh! Panh…
Lại một chiếc M.48 nữa lao qua. Minh quay lại hét:
- Nằm đó! Tôi quay lại ngay
- Em đi với…
Chị Tám vẫn bươn bả chạy theo chồng.
Panh! Panh…
Chị Tám kêu thét lên một tiếng rồi ngã vật ra đường. Mai chồm dậy, kêu thất thanh:
- Chị Tám!
Chiếc xe tăng láng qua. Băng xích nghiến sát đầu chị. Đáng lý chị thoát chết nhưng vừa lúc đó một chiếc xe Dép chạy lộn trở lại láng vào vệ đường để tránh chiếc xe tăng. Mai ôm mặt hét lên một tiếng rợn người:
- Trời ơi!
Minh cũng hét lên một tiếng khủng khiếp rồi chạy lộn trở lại. Nhưng anh làm sao cứu nổi vợ. Chiếc xe Dép trườn qua người chị. Người lái xe hốt hoảng định phanh lại nhưng tên sĩ quan béo ị ngồi trên xe hét lên:
- Chạy mau!
Minh đứng sững trước xác vợ nát bấy, máu me bê bết. Bỗng anh hộc lên một tiếng rồi rút súng lao theo chiếc xe vừa giết vợ anh. Anh vừa chạy vừa vung súng ngắn xổ liền một băng. Nhưng anh bắn không trúng. Anh không phải là một sĩ quan chiến đấu, anh chỉ là một kỹ sư sửa chữa máy bay. Tên sĩ quan ngồi trên chiếc Dép quay lại nhếch mép cười rồi cũng nâng súng lên, nổ liền hai phát. Chiếc xe lại chồm lên. Hai phát đạn đều găm trúng bộ ngực ứ nghẹn căm hờn của Minh. Anh sững lại, loạng choạng rồi ngã vật xuống mặt đường.
Panh!... Panh!... Panh!...
Lại một chiếc xe tăng nữa lao tới. Khi băng xích của nó lướt qua, trên nền đường chỉ còn lại một nửa cái xác còn tươi nguyên, máu me đầm đìa.
Mai ôm mặt, ngã vật xuống vệ đường, ngất sỉu. Súng vẫn nổ. Xe tăng vẫn gầm rú. Binh lính vẫn hò hét và chạy tới chạy lui. Những người dân khốn khổ bị cuốn theo cuộc di tản vẫn kêu khóc rền rĩ, hoảng loạn, không biết chạy đi đâu cho thoát cơn khói lửa.
Mặt đất rùng rình chấn động. Bầu trời vẩn đục, quằn quại bởi những cột khói đang bốc lên dày đặc. Những cột khói, những tia máu đen đang vọt lên từ mặt đất.
Mai chạy phóng vào rừng như một người mất trí, không dám quay lại nhìn hai cái xác nát bấy của vợ chồng kỹ sư Minh. Mai chạy không phải chỉ để thoát chết. Hình như cô không còn nghĩ đến cái chết nữa, sớm muộn nó cũng sẽ đến, nghĩ làm gì? Cô chạy trốn khỏi cái nơi người ta đang đạp xéo lên nhau để thoát thân. Cô chạy, để trốn một sự thật tàn khốc, chạy trốn bộ mặt thật ghê tởm của chiến tranh.
Phía sau lưng cô, tiếng súng vẫn nổ ran như muốn xé nát tất cả. Tiếng xích xe tăng vẫn nghiến ầm âm trên đường, lúc này cô nghe giống như tiếng nghiến răng của một con quái vật háu đói. Nó đang nhai, đang nuốt, đang lồng lộn vì chưa được hả hê.
Rừng khộp mênh mông, khô khốc, nóng hừng hực như sắp sửa bốc cháy. Trên không trung, những tiếng rít xé trời của đại bác, của máy bay giống như tiếng cười gằn, tàn nhẫn, độc địa của thần chết. “Hắn” đang bay lơ lửng ở trên đó và reo cười nhìn nhân loại đang quằn quại trong cơn máu lửa. Đứng giữa khoảng trời đất này, cô chỉ là một sinh mệnh nhỏ bé, li ti như những hạt bụi.
- “Mình sẽ chết! Mình sẽ chết!”
Mỗi khi một trái đạn pháo rít qua đầu, cô lại nằm bẹp xuống nền rừng nóng rực và lẩm nhẩm mấy tiếng ấy.
- “Mình sẽ chết! Mình sẽ chết!”
Trên không trung lại nghe tiếng cười gằn của thần chết:
- “Ừ, mày chết đi, mau lên! Mày sống thì có nghĩa lý gì ở trên trái đất này”.
- “Không, ta phải sống! Sống để nói với ngươi rằng cong người không phải vô nghĩa đến thế”.
- “Ha ha! Vậy thì ta sẽ để cho mi sống. Sống và quằn quại. Hỡi con người ngu ngốc”.
- “ Không! Tao không ngu ngốc. Nếu tao ngu ngốc thì tao đã không biết đau khổ trước thảm họa của con người, của dân tộc”.
Mai lại bật dậy và chạy. Đôi dép đế cao su của cô đã văng mất từ lúc nào, cô không biết. Bàn chân cô rách toạc, rớm máu. Mồ hôi tuôn vã ra. Cuống họng khô cháy, rát bỏng.
Mai vẫn chạy. Chạy miết. Không cần biết mình chạy đi đâu. Đến khi đã mệt lử, cô đứng tựa vào cây thở dốc một hồi rồi lại chạy nữa. Chạy miết vào cái mênh mông, khô khốc và vô định của rừng cao nguyên.
Đến một lúc, tiếng súng ở phía sau lưng cô có dịu đi. Cô cảm thấy sức lực trong mình đang cạn dần. Cô không chạy được nữa mà bước đi từng bước chậm chạp. Lá khộp vỡ dưới chân cô rào rạo khiến cô rờn rợn tưởng như đang đạp lên những mảnh thủy tinh. Cô thở khò khè, nặng nhọc. Mồ hôi tuôn ra ướt cùng mình, ngực cô nóng rực như có lửa.
- Khát quá! Nước… thèm nước quá!
Cô khẽ rên rỉ như vậy và chợt hiểu mình đang có lê đi tìm một khe nước. Nhưng cô không biết rằng, ở xứ này vào mùa khô phải gian khổ lắm mới tìm được một khe nước. Trong tất cả những cuốn tiểu thuyết mà cô đã đọc, thiên nhiên đều dịu hiền, kiều diễm và đáng yêu chứ đâu có khắc nghiệt nhường này.
Mệt mỏi. Tuyệt vọng. Cô tìm đến một bụi cây vừa thở vừa khóc nức nở. Bây giờ cô mới hoảng sợ vì thấy mình cô đơn, không còn một ai để mà nương tựa, cậy nhờ trong cơn hoạn nạn. Cô xót xa cho số phận của vợ chồng kỹ sư Minh. Cái chết của họ thật đau đớn và oan nghiệt. Liệu cô có tránh khỏi một cái chết như vậy không? Nghĩ vậy cô lại khóc nấc lên. Khóc mỗi lúc một to. Rồi đột nhiên cô im bặt, hoảng hốt nhìn quanh. Hình như cô đã để tiếng khóc của mình bật ra to quá. Cô nghe được tiếng vang vọng của nó! Nhưng không phải, bởi vì, cô đã nín khóc rồi mà tiếng vang vọng ấy vẫn còn quanh quất đâu đây.
-… Con ơi… là… con ơi…ời…
Tiếng khóc bỗng bật lên thành tiếng kêu xé ruột. Mai giật mình ngồi bật dậy, ngơ ngác nhìn quanh. Không có một ai cả. Phải chăng tiếng khóc vừa rồi chỉ vang lên trong tưởng tượng của cô? Cô lại mệt mỏi nhắm mắt. Nhưng rồi, tiếng khóc ấy lại vang lên, tức tưởi:
- Ới con ơi là con ơi!...
Lần này thì cô đã nhận ra đó là tiếng khóc của một con người. Một người mẹ. Chỉ có người mẹ thì mới khóc con như vậy. Tự nhiên, Mai thấy dịu đi nỗi cô đơn. Dù là tiếng khóc, nhưng vẫn là tiếng của con người. Mai đứng dậy, ngập ngừng đi về phía tiếng khóc của người mẹ.
Cô đã tìm thấy người mẹ ấy. Chị nằm lăn trên mặt đất, đầu tóc rũ rượi, quần áo nhàu nát. Bên cạnh chị là năm sáu người đàn bà, mấy đứa trẻ, một ông cụ râu tóc bạc phơ và ba bốn người lính. Tất cả đều mệt mỏi, phờ phạc. Họ im lặng vì chẳng ai biết an ủi người mẹ kia như thế nào. Ông cụ tóc bạc nhắm mắt, lâm râm cầu nguyện, thỉnh thoảng lại đưa tay lên làm dấu.
Mai đến, đám người cũng chẳng buồn ngẩng lên nhìn vì cô cũng chẳng khác gì họ, cô cũng chỉ là một người trong bọn họ.
Người mẹ kia chợt đứng phắt dậy, hất mớ tóc rối bù ra phía sau. Đôi mắt chị sáng rực. Chị đứng dậy, không nhìn mọi người, xăm xăm bước đi. Một người lính từ nãy tới giờ vẫn ngồi tư lự vội vã đứng lên, tiến tới nắm lấy cánh tay chị.
- Đừng… Chị Hai! Ra đường bây giờ nguy hiểm lắm.
- Tôi không sợ - Chị quay lại nhìn xoáy vào mặt người lính – Tôi đi tìm con tôi, các người sợ nhưng tôi không sợ.
Cái nhìn sâu hoáy của chị khiến người lính kia phải lùi lại. Anh phác một cử chỉ tuyệt vọng, miệng vẫn lẩm bẩm:
- Chị… không nên… không nên ra ngoài đó.
Nhưng người mẹ ấy đã quay ngoắt, kiêu hãnh bước đi. Mọi người vẫn im lặng nhìn theo. Những người đàn bà khác thở dài, ôm chặt lấy con mình. Người lính ban nãy nhìn mọi người, rồi hỏi:
- Ta đi đâu?
- Đi đâu?
Một chị phụ nữ chừng ba mươi, bị một vết thương trên đầu, ôm một cháu bé chừng ba tuổi hỏi lại câu ấy. Không ai trả lời chị và anh lính. Trong hoàn cảnh này không ai biết nên đi đâu. Một lát sau, lại vẫn chị phụ nữ ấy thở dài, nói với mấy anh lính:
- Thôi thì mấy anh là đờn ông… Mấy anh đi đâu thời chị em tôi đi theo tới đó…
Ông cụ tóc bạc thôi cầu nguyện, thở dài não ruột:
- Thời buổi loạn lạc, trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết.
Một cô gái, nhỏ hơn Mai vài tuổi, ôm khư khư trong lòng một bọc áo quần, nói với mọi người:
- Biết vầy ta cứ ở lại Plây Cu…
Ông già vội xua tay:
- Không được cháu ơi! Bọn người trên rừng tràn xuống, nó sẽ giết hết. Chúng nó còn tàn bạo hơn cả quỷ sa tăng. Cầu chúa diệt hết chúng nó đi.
Chị phụ nữ bị vết thương trên đầu thở dài:
- Đường nào thì cũng chết… Sao không chết ở nhà ở cửa?
Than vãn đã chán, đoàn người khốn khổ ấy thấy cần phải đi. Giữa lúc đó, từ phía họ vừa chạy qua bỗng vang lên tiếng loa pin: - Hỡi đồng bào! Chúng tôi là Quân giải phóng, con em của nhân dân. Đồng bào tị nạn hãy ra đường, tìm gặp Quân giải phóng để được giúp đỡ. Không nên chạy vào rừng. Hỡi đồng bào! Chúng tôi là Quân giải phóng, con em của nhân dân…
Tiếng loa lúc gần, lúc xa nhưng mọi người vẫn nghe được những lời kêu gọi tha thiết. Họ ngơ ngác nhìn nhau, dò hỏi. Cô gái nhỏ tuổi ngập ngừng nói với mọi người:
- Các bác, các chị… Ta ra ngoài đường đi.
Ông già có mái tóc bạc vội xua tay:
- Đừng! Cháu ơi! Sao dại dột thế?
Một người lính, mặt đen như sắt, râu ria xồm xoàm, cười hềnh hệch:
- Nhỏ ơi! Nhỏ mà mò ra đường bây chừ thì tụi Cộng vồ lấy nhỏ ngay cho coi.
Không ai bàn tới chuyện trở ra đường nữa. Tiếng loa vẫn lúc gần, lúc xa rồi chìm nghỉm trong tiếng súng, đạn mỗi lúc một rộ lên.
Đoàn người lại uể oải đứng dậy, lê bước đi trong rừng.
Có đến chừng hơn trăm con người, phần lớn là đàn bà, trẻ nít quây quần trong một con suối cạn. Kẻ ngồi, người nằm la liệt. Ai cũng mệt mỏi phờ phạc, hốc hác. Ai cũng khát nước, cổ họng khô cháy, đôi môi cứng ngắc, nứt nẻ. Tội nghiệp nhất là đám trẻ con. Chúng khát quá, gào khóc đòi uống nước. Các bà mẹ dỗ chán chúng không nín. Các bà mẹ giận dữ phát vào mông chúng bành bạch. Để rồi, lại chính các bà ôm mặt khóc vì thương con.
Một vài người khôn ngoan mang theo được một chút thức ăn khô hay một bình nước bắt đầu phải giấu giếm. Họ lẻn ra một chỗ khuât ngồi ăn uống để tránh những con mắt hau háu của đồng loại. Đã có những vụ cướp giật. Cách đây vài chục phút có một tốp biệt động đi qua. Bọn lính thất trận ấy đã gí súng vào lưng người ta rồi lục lọi đồ đạc của tất cả mọi người. thức gì ăn được chúng cuỗm ngay, có đứa còn ngang nhiên gí súng bắt người ta lột cả nhẫn, dây chuyền, đồng hồ đưa cho chúng.
Mai chui được vào một bụi cây, nằm đó, lặng lẽ chứng kiến những cảnh ấy! Ở Sài Gòn cô không lạ gì những cảnh cướp giật của bọn du đãng. Nhưng cô không thể tưởng tượng được rằng ở trên đời lại có những kẻ táng tận lương tâm tới mức sẵn sàng giật lất những miếng ăn cuối cùng trên tay đồng loại. Cô không hiểu Việt Cộng họ dã man tới mức nào? Còn những hành động của bọn sĩ quan, binh lính của quân đội quốc gia mà cô đã chứng kiến từ khi rời khỏi Plây Cu tới giờ cũng đủ để cho cô ghê tởm. Cô không hiểu đến khi gặp cảnh cùng quẫn này thì liệu anh trai của mình có hành động như bọn lính man rợ này không? Thật kinh khủng khi phải trả lời câu hỏi đó. Bởi vì, cô không thấy có gì khác biệt giữa anh cô và những tên lính, những tên sĩ quan tàn bạo mà cô đã gặp.
Cô nhớ tới Thuận. Chỉ có Thuận là cô tin dù có rơi vào những cảnh huống bi đát như hiện nay, Thuận vẫn giữ được sự trong sáng của lương tâm con người. Nhưng, những người như Thuận hiếm hoi quá.
Vậy mà, đã bao nhiêu năm cô coi những người lính kia như những thần tượng. Cô tôn thờ họ như tôn thờ những bậc anh hùng. Cô nhếch mép cười mỉa mai khi nhớ lại những bức thư xuân mà cô, nhân danh một “em gái hậu phương chốn đô thành” gửi tới sa trường cho những người lính kiêu hùng. Có một lần, cô được thay mặt cho những cô “em gái hậu phương” của trường trung học Cô Giang tới thăm một đơn vị lính dù và được vinh dự khoác lên cổ những “Anh hùng diệt giặc” của đơn vị ấy những vòng hoa chiến thắng. Hồi ấy, cô tự hào về việc đó. Cô cảm thấy mình được đóng góp một phần vào việc khích lệ tinh thần chiến đấu cao thượng của họ. Bây giờ, thật trớ trêu, chính cô lại là một trong những người được chứng kiến sự rữa nát, bạc nhược, tàn bạo của những “bậc anh hùng” ấy!
Mỉa mai thay cho cô, mỉa mai thay cho cuộc đời. Nhưng, hơn lúc nào hết cô muốn sống. Muốn đem tất cả những điều mình được chứng kiến trở về Sài Gòn kể lại cho bạn bè cô, ba má cô, những người đang trông cậy vào “tinh thần chiến đấu quả cảm và hữu hiệu của quân đội”.
Mệt mỏi. Đói khát. Căng thẳng đầu óc bởi những suy nghĩ, dằn vặt, cô thiếp đi được một lát. Nhưng rồi những tiếng la hét, chửi rủa lại đánh thức cô dậy.
Khi mở mắt ra, cô liền được chứng kiến một cảnh mà tất cả những nhà soạn bi hài kịch trên đời này phải thèm muốn. Mụ vợ trung tá Biền đầu tóc rã rượi như một con điên, cái váy đầm đã rách như xơ mướp đang nhảy tưng tưng, xỉa xói vào mặt chồng và văng ra đủ thứ tục tĩu bẩn thỉu nhất trần đời. Lão trung tá mặt đỏ ửng, nghố nghế như một cái đụn thịt biết đi, ú ớ chống đỡ cơn tam bành cả mụ vợ. Lão cứ lùi mãi, lùi mãi, miệng lắp bắp. mụ vợ càng tiến tới, hung dữ như một con sư tử cái. Tiếng mụ rít lên xoe xóe:
- Thằng béo ị kia! Thằng mặt dày kia! Vàng bạc của bà đâu? Của cải của bà đâu? Dễ chừng cái mặt mày xúc được đấy hẳn? Đồ bò đực! Mày không mang được của cải vàng bạc của bà về thì bà xé xác mày ra!
Mụ vừa chửi rủa vừa lấn tới, vỗ bành bạch để minh họa cho những câu chửi rủa thêm sinh động. Lão trung tá vừa lùi vừa rít lên:
- Mụ câm ngay đi! Mụ tưởn tôi không xót của hả? Cả một cuộc đời tôi…
Mụ vợ càng nổi điên:
- Đời mày á? Mặt mày mà làm nên cơ nghiệp á! Tất cả là ở bà đây này!...
- Đồ đĩ! Câm ngay đi. Tính làm trời hả?
- Á à – Mụ sư tử cái rít lên – Mày bảo bà là đĩ hả? Ừ thì bà đĩ đấy! Bà có đi đánh đĩ thì mặt mày mới được vênh váo thế kia chứ? Bà đánh đĩ với tướng với tá. Chư, cái mặt mày thì ra cái thá gì.
Hự. Một cú đấm như trời giáng vào cái bộ ngực đồ sộ của mụ. Mụ nổi điên, xông thẳng vào túm lấy cổ áo đức ông chồng rồi vung tay nện bôm bốp vào cái mặt bự thịt của ngài trung tá! Vốn không phải người sinh ra để chiến đấu, vì trung tá chỉ là liên đoàn trưởng liên đoàn tiếp vận kiêm nhà buôn và chủ áp phe; vì vậy trong những phút đầu ngài đã tỏ ra lúng túng. Nhưng sau khi hưởng mấy cái tát, ngài cũng tìm cách bung ra khỏi đôi tay rắn chắc của mụ vợ. Và, ngài giành ngay được thế chủ động. Vì ngài có súng. Khẩu Brao-ning cỡ nhỏ ngài cưu mang bấy nay không phải vô dụng. Bị họng súng chĩa thẳng vào ngực nhưng mụ vợ vẫn không hề tỏ ra nao núng. Mụ vẫn xông tới, rít lên:
- Á à! Mày dọa bắn bà à? Đồ du côn! Thì mày bắn đi, bắn đi! Bắn vào đây này – Mụ vỗ bành bạch vào cái chỗ không nên gọi tên ra của người phụ nữ. Nhưng ngài trung tá không dại gì mà bắn vào cái chỗ ấy! Ngài nâng súng lên cao hơn, độ nửa mét, và siết cò!
Mụ vợ rú lên mấy tiếng thất thanh rồi ngã vật xuống. Những người đàn bà gần đó cũng thét lên những tiếng kinh hoàng. Một người lính địa phương quân đứng gần đó, chỉ vào mặt Biền mà chửi:
- Đồ dã man, khát máu!
Tên trung tá cất tiếng cười gằn. Mắt hắn thoắt đỏ dọc lên, vằn vèo những tia máu. Hắn nhìn tất cả mọi người bằng đôi mắt thù hằn ấy.
- Thằng nào chửi tao? Mày hả? Vậy thì cho mày đi theo con mụ đó luôn.
Pằng… pằng!...
Hai phát súng nổ. Người lính địa phương quân loạng choạng bước về phía nòng súng của tên sát nhân, mắt anh đã dại đi. Tên trung tá lẩy cò thêm một phát nữa. Anh lính địa phương quân hộc lên một tiếng rồi ngã gục.
Cùng lúc đó, không hiểu từ phía nào, một băng tiểu liên AR.15 nổ rẹt. Mọi người hoảng hốt nằm bẹp cả xuống lòng suối. Bọn trẻ con khóc ré lên. Khi định thần lại, người ta nhìn thấy tên trung tá đã nằm sõng xoài trong lòng suối cạn. Máu hắn và vợ hắn xối ra, chảy hòa vào nhau, nhuộm đỏ cả một khoảng đất cát và đá cuội.
Trong Cơn Gió Lốc Trong Cơn Gió Lốc - Khuất Quang Thụy Trong Cơn Gió Lốc