The smallest bookstore still contains more ideas of worth than have been presented in the entire history of television.

Andrew Ross

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Tran Hoai Linh
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2986 / 46
Cập nhật: 2015-07-07 01:55:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
rong phòng tác chiến sư đoàn, tiếng chuông điện thoại đổ dồn dập. Các sĩ quan tham mưu bận tíu tít. Bản đồ bày la liệt trên bàn, trên giường. Có chỗ người ta trải ni lông xuống đất rồi trải bản đồ lên trên và nằm bò xoài ra mà đọc. Anh trưởng ban tác chiến sư đoàn giọng đã khản đặc nhưng vẫn phải liên tiếp nhấc hết máy này đến máy khác. Nói chuyện với ai, anh cũng hò hét, hoa chân múa tay như thể người đó đang ở trước mặt mình vậy.
- Này các cậu ước chừng bao nhiêu xe? Nhiều lắm! Nhiều lắm là bao nhiêu? Trinh sát gì mà báo cáo theo kiểu đó. Hả, nghĩa là đen đặc những xe. Đúng rồi! Có lẽ chúng nó chuồn đấy. Phía thị xã thế nào? Khói. Rồi! Nhiều tiếng nổ lớn. Nghĩa là làm sao? Đốt hả? Vậy là chúng nó chuồn thực rồi. Bám cho chắc nhé mười lăm phút báo cáo một lần.
Anh bỏ chiếc máy liên lạc với đài quan sát rồi nhấc một máy khác:
- A lô! Cho tôi nói chuyện với Z1. sao? Z1 đang làm việc với X3 à? Khi nào xong cho tôi nói chuyện với Z1 ngay. Bây giờ cho tôi xin A1 của 40. Được rồi, tôi đợi đây. Ai đấy? Anh San đấy à? Này, các cụ đã thấy động tĩnh gì chưa? Các cụ ngủ đấy à? Đài quan sát không thấy gì à? Ông phải quất vào đít mấy cậu trinh sát ấy đi. Này khả năng hai xuất hiện rồi đấy. Chuẩn bị cơ động nhé. Tôi đang đợi lệnh chính thức của trên. Có thế nào tôi sẽ báo cho anh biết ngay. Anh cho báo động toàn trung đoàn đi.
Anh vừa đặt máy xuống thì tư lệnh trưởng Thanh Đồng bước vào:
- Thế nào rồi?
Ông vừa hỏi vừa đi đến bên bản đồ.
- Báo cáo thủ trưởng, đài quan sát ở Ia Leo báo về trên đường 14 và đường 7 xe địch chạy đen kịt, thị xã đang bốc cháy, có nhiều tiếng nổ lớn. Hình như địch bắt đầu hủy kho tàng.
Tư lệnh trưởng khẽ gật đầu:
- Rõ rồi. Chúng nó chuồn đấy. Bộ chỉ huy chiến dịch cũng vừa thông báo cho ta tình hình ấy. Các cậu làm phương án chốt chặn ở phía nam thị xã Cheo Reo – ông chỉ lên bản đồ - Đây, khu vực này. Dứt khoát phải chặn chúng được ở đoạn từ thị xã đến chân đèo Tu Na. Trước mắt sử dụng lực lượng của tiểu đoàn 3 trung đoàn 6. Chỉ có tiểu đoàn 3 mới có khả năng đuổi kịp địch. Chậm nhất mười giờ Mai tiểu đoàn 3 phải tới vị trí chốt chặn.
Anh trưởng ban tác chiến nhìn lên bản đồ, lo lắng:
- Xa quá, lại toàn núi cao, e tiểu đoàn 3 không ra kịp.
- Phải kịp! – Tư lệnh trưởng khoát tay phác một cử chỉ dứt khoát – Hết cách rồi. Tất cả các lực lượng của sư đoàn đều nằm trên trục đường 14, cách xa điểm chốt chặn hàng trăm cây, chỉ có tiểu đoàn 3 là gần hơn cả. Hãy ra lệnh cho nó đi và hãy tin ở nó. Xưa nay nó đâu phải là tiểu đoàn xoàng.
Anh trưởng ban tác chiến đề nghị:
- Báo cáo thủ trưởng, có lẽ ta họp phòng tham mưu.
Sư đoàn trưởng xua tay:
- Không họp hành gì nữa. Anh chuẩn bị phương án đi. Ba mươi phút báo cáo tôi. Sau đó tôi sẽ đề nghị thường vụ Đảng ủy thông qua. Phương hướng hành động của các trung đoàn như sau: trung đoàn 6 cơ động ngay về phía Cheo Reo trong đêm nay. Huy động toàn bộ xe cộ, kể cả xe kéo pháo lên Buôn Hồ - Đạt Lý đón e6; nội ngày Mai e6 phải có mặt ở nam Cheo Reo để xây dựng một hệ thống các bức tường chốt chặn không cho địch vượt qua. Trung đoàn 4 cũng cơ động gấp về tây bắc Cheo Reo và chuẩn bị phương án tiến công thị xã. Trung đoàn 5 phát triển dọc lên đường 14 lên hướng bắc, đánh chiếm các vị trí: Kênh Săn, đồn Tam Giác, quận lỵ Phú Nhơn rồi theo đường 7 bám sát đội hình tháo chạy của địch. Tất cả các đợn vị phải hành động khẩn trương, táo bạo, hiệp đồng chính xác. Nhắc tất cả các đơn vị điều này: nếu để địch chạy thoát về đồng bằng khu năm thì sư đoàn ta sẽ mang tội, mang nhục.
Sư đoàn trưởng ngừng lại đột ngột, ngương mặt ông đỏ hồng lên vì xúc động. Các cán bộ có mặt trong phòng tác chiến đều im phắc, lắng nghe. Sư trưởng nhìn quanh, thấy mọi người chăm chú lắng nghe theo mệnh lệnh của mình, ông khẽ mỉm cười như để dịu bớt sự căng thẳng đi một chút rồi nói tiếp:
- Địch rút chạy là một thời cơ lớn, các đồng chí ạ. Bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ, trải qua bao mất mát hy sinh, hôm nay chúng ta đã nhìn thấy ngày giải phóng toàn bộ cao nguyên này và sau đó tình hình toàn chiến trường có thể sẽ phát triển rất nhanh, rất thuận lợi. Lúc này chúng ta không được phép trù trừ, do dự mà phải động. Phải hành động, các đồng chí ạ. Chúng ta không được phép để cho địch rút quân về đồng bằng ven biển.
Phải tiêu diệt chúng nó ngay tại mảnh đất tây Nguyên này. Đó là mệnh lệnh mà cũng là danh dự. Tôi không ưa dài lời nhưng hôm nay cũng xin nói như vậy để các đồng chí rõ. Bây giờ tất cả chúng ta hãy bắt tay vào hành động đi. Hành động thật tích cực, sao cho cả sư đoàn biến thành một cơ thể khỏe mạnh, linh hoạt, phát huy hết sức mạnh tổng hợp của toàn sư đoàn thì mới đáp ứng được với tốc độ phát triển của tình mới.
Rồi ông quay sang anh trưởng ban tác chiến:
- Bây giờ anh cho tôi nói chuyện với tiểu đoàn 3.
*
Nguyên ghì chặt tổ hợp, nghe như nuốt lấy từng lời… Chính trị viên Khẩn ngồi bên thỉnh thoảng lại sốt ruột hỏi:
- Thế nào?
Nguyên vừa “vâng”, “rõ” vừa quơ tay bấu chặt lấy tay Khẩn như muốn truyền tất cả niềm vui sướng vô bờ của mình sang cho Khẩn. Nhưng khổ quá, Khẩn vẫn chưa biết có chuyện gì tự nhiên Nguyên lại điên lên như thế? Cuối cùng, Nguyên đứng thẳng người, áp chặt ống nói giọng anh trang nghiêm hẳn lên “Báo cáo thủ trưởng! Tiểu đoàn 3 xin hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Nói xong câu ấy, Nguyên đặt ống nói xuống, quay lại ôm chầm lấy Khẩn.
- Vớ bở rồi!
- Cái gì?
- Địch rút chạy khỏi Tây Nguyên…
Khẩn thảng thốt kêu lên:
- Thật à?
- Chứ sao! Chúng nó không chịu nổi nữa rồi. Bộ tư lệnh sư đoàn ra lệnh cho tiểu đoàn mình cơ động về nam Cheo Reo chặn địch ngay đêm nay.
- Ngay đêm nay?
- Ngay bây giờ phải tổ chức hành quân thì mới kịp.
Anh vơ vội xà cột, lấy tấm bản đồ ni lông tra trải xuống đất, xem xét một lát rồi chỉ vào một điểm bên con sông xanh ngoằn ngoèo:
- Đây, chỗ này. Thử tính xem bao nhiêu cây!
- Ít ra cũng hơn ba chục cây!
- Mà lại phải xuyên rừng, trời tối, dốc nhiều…
- Gay nhỉ?
Nguyên bặm môi suy nghĩ một lát rồi đề nghị:
- Lệnh cho các đại đội chuẩn bị cơ động ngay. Trời sắp tối rồi. Vừa hành quân ta vừa họp ban chỉ huy triển khai phương án tác chiến.
Khẩn gật đầu đồng ý ngay. Lúc này phải biết quý từng phút một. Thời gian là sức mạnh, đến vị trí chốt chặn sớm phút nào thắng lợi thêm phút đó.
Phải thông báo ngay cho anh em biết địch đang tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Chỉ cần anh em biết vậy tự khắc họ hiểu phải làm gì. Không phải dễ dàng gì mà thằng địch chịu nhả vùng đất này cho ta. Bao nhiêu máu, bao nhiêu mồ hôi, anh em họ hiểu cả. Chúng nó đã kiệt sức, đã rữa nát, đã tháo chạy nhưng phải đánh cho nó quỵ hẳn, để không bao giờ còn đủ sức trở lại vùng đất này nữa!
Khẩn vừa thu dọn đồ đạc của mình vừa suy nghĩ như thế. Trong khi đó Nguyên gọi điện thoại ra lệnh cho các đại đội tập trung bộ đội chuẩn bị hành quân. Tiếng nói của Nguyên đanh gọn chững chạc, bề thế nữa là đằng khác. Khẩn hơn Nguyên năm, sáu tuổi nhưng vẫn luôn coi Nguyên như một người bạn bằng vai phải lứa. Anh “mê” Nguyên ngay từ những ngày đầu khi Nguyên được cử về làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn này. Nguyên trẻ mà không xốc nổi. Nguyên có trình độ văn hóa cao, nắm vững lý luận quân sự cơ bản nhưng không khoe khoang, tự phụ. Các đại đội trưởng trong tiểu đoàn đều hơn tuổi Nguyên nhưng ai cũng phục anh; không phải chỉ phục tài chỉ huy mà phục cả về cách sống, phương pháp làm việc. Tiểu đoàn 3 tự hào về anh, các chiến sỹ trẻ yêu mến anh vì anh gần gũi họ, là hình ảnh lý tưởng của họ. Mỗi khi có những tình huống đột xuất thế này. Khẩn rất tin ở bản lĩnh của Nguyên, không bao giờ anh vội vàng hấp tấp.
- Tôi nhắc lại – Tiếng Nguyên vẫn vang lên đĩnh đạc – Mười lăm phút nữa đại đội anh phải xuất phát và ba mươi phút sau phải có mặt ở ngã ba suối cạn. Thông báo ngay cho anh em biết địch đang rút chạy khỏi Tây Nguyên, theo đường 7 và tiểu đoàn ta được lệnh phải chặn chúng lại cho sư đoàn tiêu diệt – Anh cất tiếng cười vang – Hổ bắt đầu ra tay! Đúng đấy. Cứ nói toạc ra cho anh em phấn khởi. Không cần úp mở gì cả. Anh cần hỏi gì nữa không? Tôi cho thu dây đây.
Chỉ trong khoảnh khắc, khu vực đóng quân của tiểu đoàn đã sôi sục hẳn lên. Những tiếng gọi nhau ơi ới. Tiếng xong nồi rổn rảng. Những bước chân chạy rậm rịch, Nguyên đã chuẩn bị xong đồ đạc của mình. Anh ngồi xuống, mở xà cột lấy ra cuốn nhật ký công tác, ghi vội mấy dòng:
Ngày 16-3-1975
17g30’. Sư đoàn thông báo tin địch rút chạy theo đường 7 và ra lệnh cho tiểu đoàn cơ động đến nam thị xã Cheo Reo đánh chặn. Thời cơ đến nhanh quá.
Vui. Nhưng gay go đây. Một đêm hơn 30 cây số đường rừng. Dốc. Tối. Không có đường. Cẩn thận đưa tiểu đoàn đi lạc thì ốm đòn. May quá, mình cắt rừng theo góc phương vị không đến nỗi tồi lắm.
Mình tin chắc chắn ngày Mai sẽ là một ngày quyết liệt. Thung lũng Cheo Reo. Đèo Tu Na. Nhưng cái tên nghe lạ hoắc. Nơi này sẽ là nơi như thế nào với đời mình?
Trước tiên là phải tụt xuống núi, ánh trăng đầu tháng mỏng manh, yếu ớt không đủ sức xuyên qua màn sương đục nhơ như sữa. Đường xuống núi gập ghềnh, nhấp nhô đá tảng. Có lúc bàn chân đạp phải một hòn đá nằm vu vơ, hòn đá trượt dài xuống dốc lăn lộc cộc. Nghe tiếng đá lăn, các chiến sỹ giật mình né tránh, nhưng biết nó lăn về phía nào?
Bàn chân dập nát của Hưng chưa kịp lành bây giờ bắt đầu hành hạ anh. Ngay từ bước đi đầu tiên, anh đã hiểu rằng đêm nay sẽ là một đêm thử thách nếu anh nếu anh cố bám theo đơn vị. Hưng nghiến răng, nuốt cái đau vào lòng, mồ hôi vã ra như tắm. Ổn vẫn đi sát bên anh, thỉnh thoảng lại đưa tay dắt anh qua một tảng đá, một khúc cây chắn đường. Hưng biết Ổn đang hối hận nhưng đôi lúc cơn tức giận vẫn cứ trào lên. “Chỉ tại mấy thằng nỡm, nó hại mình thật. Thôi, cố mà lần đi, sống chết cũng phải lần tới vị trí chốt chặn. Tới đó bảo chúng nó đào cho một cái công sự bên đường rồi cứ nằm đó mà đánh”. Hưng tự an ủi mình như thế nhưng mỗi khi cơn đau dội lên, anh lại cảm thấy hình như mình ảo tưởng, không lượng đúng sức mình. Đôi lúc anh tự hỏi: có thật sức chịu đựng của con người chỉ có hạn thôi không?
Xuống đến lưng dốc, mồ hôi toát ra ướt đầm cả lưng áo. Mệt quá, anh định ngồi nghỉ một lát nhưng lại chợt nghĩ “Nếu mình ngồi xuống thì không thể nào đứng dậy nổi nữa”. Chân anh đã tê đi rồi, cái đau như ê ẩm tan đi khắp cơ thể chứ không chỉ đọng lại ở đôi chân nữa.
Đơn vị đã xuống đến chân núi. Ở quãng này rừng quang nên có thể nhìn thấy nhấp nhô những bóng người. Tiếng chuyện trò rầm rì, tiếng đá xô lộc cộc, tiếng anh nào đó ngã đánh huỵch và những tiếng cười. Ổn vẫn bước sau Hưng, lầm lũi như kẻ có tội. Mỗi lần Hưng nhấc chân lên, Ổn lại như thấy đầu gối mình giật thót, nếu ban ngày có thể nhìn thấy Ổn nhăn mặt hay nhếch mép một cái. Thỉnh thoảng Ổn lại thì thào: “có đau lắm không, anh Hưng?”. Lần thứ nhất, Hưng trả lời – “bình thường thôi”. Lần thứ hai Hưng trả lời – “ Đi được”. Lần thứ ba Hưng im lặng. Đến lần thứ tư, Hưng quay phắt lại quát: “Hỏi làm gì mà hỏi lắm thế! Đau chết người ta lại còn!...”. Thế là Ổn nín luôn, len lét bước đi bên cạnh. “Chà, giá mình bớt nghịch ngợm đi một tí”- Ổn nghĩ vậy nhưng không hiểu tại sao lại chợt phì cười: “Chẳng là, lúc ấy thằng Phùng kể một câu chuyện “tiếu lâm quê bọ” để chọc thằng Kén, mình buồn cười quá, cười ngả nghiêng nên mới đạp phải cái hòn đá chết tiệt ấy”…
Bỗng Hưng kêu ối một tiếng rồi ngồi thụp xuống ôm chân. Ổn cũng hốt hoảng ngồi xuống theo, miệng xuýt xoa:
- Sao thế, anh Hưng?
Hưng không nói được, chỉ bặm môi tưởng bật máu. Anh vừa vấp một cái, cơn đau dội lên tận óc. Anh ngồi bật xuống thở, nước mắt tự nhiên ứa ra, chảy âm ấm trên má. “Khỉ thế, chẳng lẽ mình lại khóc. Nhưng… đau quá! Bố ai mà chịu nổi. Hình như đơn vị đã xuống núi rồi, họ sẽ bỏ mình lại mất”. Nghĩ vậy Hưng giật thót giống như khi bị vấp. Anh cắn răng đứng bật dậy. Nhưng, cái chân như tê dại, không còn đỡ nổi cơ thể nữa, Hưng lại ngồi bệt xuống, thở dốc.
- Sao thế anh Hưng?
“Cái thằng! sao nó hỏi những câu vô duyên thế không biết?”. Hãy đứng dậy nào, nếu không thì chỉ còn cách nằm bẹp ở đây. Mà chúng nó thì đang chạy, xô nhau chạy, xe tăng nhung nhúc như cua bò, tha hồ xả B.40, B.41… Chà, có lẽ chẳng còn một dịp nào khác để đánh thế này nữa đâu? Hãy đứng dậy! Sống chết cũng phải tới được chỗ đó. Ôi, cái chân mình sao mà như chân của ai vậy này. Đồ bỏ đi! Nào, hãy thử một lần nữa. Nhưng, hãy khoan, chớ có nóng vội…
- Cho mình hớp nước.
Ổn chỉ chờ có thế. Ít ra cũng phải làm được một cái gì cho anh ấy chứ? Nếu có thể san sẻ được cái đau thì Ổn đã nhận phứt cho Hưng một nửa rồi.
Ngồi một lát, cơn đau dịu đi. Hưng lại vịn vào vai Ổn đứng dậy, chống gậy bước tiếp. Đường xuống núi dốc quá, chân Hưng run lên bần bật, bước đi như không còn chính xác nữa. Cái đau dồn từ chân lên, chẳng mấy chốc khắp cơ thể đều cảm thấy như đang nhức nhối, tê dại. Hưng nghiến răng bước ào đi. Được một lát, đôi chân như cứng lại, tê đi. Hưng bước đi thoải mái hơn một chút. Anh vừa đưa tay lên lau vầng trán lấm tấm mồ hôi vừa lẩm nhẩm đếm từng bước một. Đường xuống núi xoải dần, xoải dần… Ở phía trước, tiếng bước chân vẫn rậm rịch bồn chồn. Mỗi khi cái âm thanh xao động ấy lắng đi, Hưng lại ngơ ngác, lắng nghe rồi cố gắng bước đi nhanh hơn, như thể anh đang đuổi theo những âm thanh ấy. Anh có cảm tưởng nếu không còn nghe thấy tiếng những bàn chân rậm rịch, bồn chồn ấy, có lẽ mình sẽ không đủ sức để mà bước thêm một bước nào nữa.
Trung đội trưởng Mánh đón Hưng và Ổn ở chân núi bằng một tiếng quát phủ đầu:
- Sao chậm như rùa thế?
Hưng chợt thấy tắc ngẹn nơi cổ. Ức quá, ai muốn cực khổ thế này cơ chứ? Ôi, đôi chân! Mi phản bội ta rồi ư? Sao mi run thế này? Cái ông Mánh chẳng tâm lý cái quái gì cả, ai chẳng biết ông ấy có đôi chân còn tốt Nguyên.
Ổn vượt lên trước, tới bên trung đội trưởng thì thầm:
- Chân của anh Hưng đau quá, chú ạ.
Mánh cúi xuống đặt bàn tay lên bàn chân Hưng, bàn chân nóng rực như lửa, những mạch máu ở cổ chân giật giật liên hồi.
- Còn đi được không?
- Đi được.
Trung đội trưởng Mánh im lặng một lúc rồi chậm rãi nói tiếp:
Gay đấy, đường còn xa và nhiều dốc lắm, trời lại tối. Chân cậu như vậy là đau lắm, phải không? Sức chịu đựng của con người cũng chỉ có hạn thôi.
Họ im lặng. Một lát sau Hưng lần tới, nắm lấy bàn tay trung đội trưởng và nghiêm trang hỏi:
- Anh Mánh! Anh nói đi, liệu tôi có đủ sức đi tới đích không? Tôi tin ở sức của mình, nhưng tôi, chính tôi cũng không lường hết những khó khăn, đến một lúc nào đó, chịu không nổi, tôi sẽ làm cản trở bước tiến của đơn vị, mà trong tình hình này, như thế nghĩa là một tội lỗi. Anh cứ nói thật lòng đi. Nếu anh bảo, cậu không đủ sức đi tới đích đâu, thì tôi sẽ ở lại.
Trung đội trưởng Mánh xúc động ôm lấy đôi vai Hưng lắc lắc:
- Hưng! Mình tin ở sức chịu đựng của cậu. Cứ đi, Hưng ạ. Bao nhiêu năm mới có một trận này, nếu trung đội bỏ rơi cậu thì còn ra làm sao? Cùng lắm, bọn tớ sẽ khiêng cậu trên vai, tới nơi sẽ thả cậu xuống cho cậu đánh. Đồng ý không! Thôi, đừng băn khoăn gì nữa.
- Anh Mánh!
Họ ôm lấy nhau, siết chặt. Hưng lặng đi trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Từ đâu đó trong anh như vang lên hai tiếng thiêng liêng “đồng đội”. Trước mắt anh, trong ánh trăng mờ, núi rừng trập trùng, nhấp nhô như thách thức. Từ trên đầu hàng quân, tiếng truyền khẩu lệnh nối nhau đều đều:
- Truyền xuống! bám sát cự ly, giữ vững tốc độ.
Khi mệnh lệnh truyền tới Hưng, anh thấy máu nóng dồn lên rạo rực trong mình. Anh nhận lấy mệnh lệnh rồi hào hứng nhắc lại:
- Truyền xuống! Bám sát cự ly, giữ vững tốc độ.
Rồi anh căn răng, nuốt cái đau vào lòng, hăm hở bước theo đồng đội.
Một giờ sáng.
Nguyên ra lệnh cho tiểu đoàn dừng lại để củng cố đội hình. Cho đến lúc này hình như các đơn vị đều đã bị “trộn trấu”, quân đơn vị này lẫn vào đơn vị kia tốp năm, tốp ba kéo lê thê. Đến nỗi bộ phận đi đầu đã nghỉ được nửa tiếng đồng hồ, nhiều anh ngủ được một giấc kha khá rồi mà những bộ phận đi sau vẫn chưa bám được.
Bây giờ những tay lắm mồm nhất cũng không buồn tán tỉnh gì nữa. Bộ đội nằm rải rác dọc đường, theo đủ các tư thế và gáy pho pho. Một vài anh còn thức thì uể oải quạt muỗi hoặc tụm nhau lại quanh cái điếu cày của tiểu đoàn phó Hạnh. Một vài chiến sỹ rủ nhau lần đi tìm khe nước nhưng vô hiệu, tất cả các khe nước đều khô khốc, trơ trỏng đá cuội.
Nguyên cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Mồ hôi ra nhiều, không có nước uống, cơ thể như bị ép khô đi. Bụng đói cồn cào nhưng đưa miếng lương khô lên miệng không sao mà nuốt được. Ngồi nghỉ một lát, mồ hôi ngấm vào lạnh se se, đôi mi mắt nặng trĩu. Một con sâu vô hình luồn lách tư khắc các ngõ ngách của cơ thể, mơn man từng chân tơ kẽ tóc. Cái cổ bỗng nhiên mềm oặt. Có cảm tưởng chỉ cần mình buông chùng gân bắp một chút là lập tức bị đàn sâu vô hình ấy chụp lấy, cuốn chặt, đẩy vào một khoảng không êm đềm, vô định…
Nguyên đưa bàn tay lên, đập mạnh vào hai mắt và túm tóc mai mình dứt dứt liên hồi, đuổi cái đàn sâu vô hình ấy đi, nhưng chỉ được một lát, chúng lại ập đến, bò râm ran khắp cơ thể. Anh mệt mỏi tựa lưng vào gốc khộp. Đàn sâu vô hình kia chỉ đợi có thế, chúng lại mơn man, mơn man bò lên. Và lần này chúng đã thắng, anh như thấy mình trôi đi, chậm chạp và nhẹ nhàng.
… Anh bỗng thấy mình đứng trước một hồ nước rộng mênh mông. Mặt hồ xanh ngắt gợn sóng lăn tăn. Những chiếc lá trang to như cái nia rập rờn trên sóng, cá bơi thành từng đàn như khoai sát. Trên đầu, mặt trời đỏ rực như một khối cầu lửa ngày càng như càng sà xuống thấp. Anh thấy mình như bị thiêu nóng rực lên, cơ thể khô tọp đi rất nhanh. Đôi môi anh khô rộp, rat bỏng. “Khát quá!”. Anh kêu lên một tiếng như thế và cứ để quần áo lao xuống hồ. Anh bơi ra giữa hồ ngụp xuống, ngụp thật sâu mà mở miệng cho nước tuôn vào. Anh uống, uống như điên dại. Cang uống cáng khát, cổ anh vẫn khô cháy. Anh lặn xuống sâu nữa và tiếp tục uống, vừa uống vừa rên rỉ “Nước!... Nước nhiều quá!…”
Có người lay mạnh vai anh:
- Thủ trưởng! Thủ trưởng!
Nguyên mở choàng mắt đậy, ngơ ngác nhìn, miệng vẫn tóp tép như vừa uống nước thật. Chà, mình nằm mơ – Nguyên mỉm cười mơ hồ - một giấc mơ toàn nước.
- Báo cáo thủ trưởng! Sư đoàn gọi ta.
Nguyên đã nhận ra đồng chí trung đội trưởng thông tin ngồi bên mình. Bên cạnh anh, chiếc máy 2 oát đang kêu xè xè, trên mặt máy ngọn đèn nhỏ nhấp nháy, hố hả. Anh vội vang đỡ lấy tổ hợp trên tay đồng chí trung đội trưởng thông tin. Từ trong máy vang lên tiếng gọi:
- A3 đâu! Hà Nội gọi A3. nghe rõ trả lời.
Nguyên tỉnh hẳn, anh ghì ống nói, trả lời bằng cái giọng khàn khàn vì ngái ngủ:
- Hà Nội đâu! A3 đang nghe Hà Nội. A3 đang nghe Hà Nội.
- A3 chú ý! Nhạc trưởng đang nói chuyện với A3.
- A3 nghe rõ – Nguyên xúc động nói to lên – A3 đang nghe nhạc trưởng.
- A3 chú ý! Khán giả rất đông. A3 đưa diễn viên đến càng sớm càng tốt. Khán giả rất bận, rất vội, nhiều con mọn.
- A3 nghe rõ. Sẽ cố gắng đến sân khấu càng sớm càng tốt. Sức khỏe của diễn viên kém nhưng tinh thần rất hăng hái. Nhạc trưởng yên tâm.
- A3 cho biết bây giờ đoàn đã đến đâu rồi?
- A3 vượt qua Z1, Z2… Hiện đang chuẩn bị vượt qua Z3.
Nhạc trưởng im lặng một lát rồi tiếp tục bằng giọng ấm áp, nhẹ nhàng hơn:
- A3 đâu? Động viên anh em diễn viên đến càng sớm càng tốt. Tất cả mọi người đang trông đợi A3. Anh Cả gửi lời thăm A3, và nhắc nhở A3 phải cố gắng.
- A3 nghe rõ! Xin hứa hoàn thành nhiệm vụ.
- Chúc thắng lợi!
- Chúc nhạc trưởng khỏe!
- Nguyên vừa rời máy đã thấy Khẩn ngồi bên cạnh. Một số chiến sỹ còn thức ở gần đó cũng xúm lại quanh Nguyên.
- Thế nào? – Khẩn hỏi.
- Sư trưởng vừa nói chuyện với mình. Cụ lo mình đến chậm, bộ chỉ huy chiến dịch cũng vừa điện xuống nhắc tiểu đoàn ta phải khẩn trương hơn.
Một chiến sỹ từ phía sau vòng người nói với vào:
- Cho đi thôi, các thủ trưởng ạ.
- Phải đấy, đi thôi!
- Trời sắp sáng mất rồi.
- Nằm đây thì ngủ bẹp xuống mất.
- Chao ôi! Chạy đua với xe cơ giới của tụi nó. Mệt thật!
Nguyên quay lại nói với các chiến sỹ:
- Ta củng cố đội hình rồi đi ngay.
Nguyên mở xà cột, lấy bản đồ ra trải xuống đất rồi đặt chiếc địa bàn lên. Anh rọi đèn pin xem lại hướng đi của tiểu đoàn mình. Khi biết chắc đơn vị vẫn đi đúng hướng, anh quay sang nói với Khẩn:
- Ta mới đi được một nửa đường, anh Khẩn ạ.
- Gay nhỉ!
Vẫn anh chiến sỹ lúc nãy, từ phía sau vòng người bao quanh Khẩn và Nguyên, nói với vào:
- Đi thôi các thủ trưởng ạ! Chúng tôi còn đi được.
Nguyên gấp bản đồ, đứng bật dậy, vươn vai làm mấy động tác thể dục rồi truyền xuống một khẩu lệnh:
- Các đại đội lên đủ chưa, báo cáo!
Tiếng truyền khẩu lệnh, ran lên:
- Truyền xuống! Các đại đội lên đủ chưa, báo cáo.
- Truyền xuống…
- Này, dậy đi thằng nỡm. Truyền xuống, các đại đội lên đủ chưa…
- Trời ơi! Nó đeo cả ba lô mìn mà ngủ này. Dậy đi, truyền xuống…
- Truyền xuống…
Tiếng truyền khẩu lệnh nhỏ dần rồi mất hút ở phía cuối đoàn quân, giống như người ta truyền cho nhau một vật gì đó. Cái vật vô hình ấy không nặng lắm nhưng buộc mỗi người phải đỡ vào một tay, do đó nó có tác dụng như một lời đánh thức. Phút chốc đoàn quân lại cựa quậy, sôi động. Một anh chàng nào đó ngủ rốn bị bạn lôi dậy, bực dọc cằn nhằn. Tiếng đập muỗi đen đét. Tiếng điếu cày xóe lên. Rồi từ một góc nào đó bỗng vang lên một giọng hát nhỏ và ấm.
Hồng Hà mênh mông đưa cát tới chân làng quê. Cuối sông chiều bến ai về, có thấy đồng lúa, nương chè với mối tình thắm, bên làng quê…
Bài hát về một dòng sông, Nguyên chợt mỉm cười nhớ tới giâc mơ của mình. Nếu có một dòng sông, không cần, một dòng suối nhỏ thôi, bất ngờ chảy qua đây? Cả tiểu đoàn đang khát. Cơn khát của cả một tiểu đoàn.
Tiếng hát như một dòng nước róc rách chảy vào lòng Nguyên. Tự nhiên cơn khát trong anh như dịu đi. Từ một nơi nào đó trong lòng, trăm nghin sợi tơ mảnh rung lên rưng rưng. Anh nhớ. Bài hát gợi nhớ tới một người con gái có tên chung với tên của dòng sông trong câu hát. Ôi, bao giờ anh mới gửi được cho Hồng một bức thư xin lỗi. Sao anh lại ngốc nghếch đến mức ấy nhỉ? Giờ này chắc Hồng đang ngủ ngon. Có mơ thấy gì không? Chắc không thể mơ thấy nước như mình rồi.
Đột nhiên tiếng hát ngừng. Người vừa cất tiếng hát hỏi nhỏ:
- Anh Mánh đấy phải không?
- Mánh đây, Đạt đấy hả?
- Vâng, Hưng lên chưa?
- Đây cả rồi.
Nguyên đi về phía ấy! Anh đã được đại đội 3 báo cáo về tình hình vết thương của Hưng, nhưng từ chập tối đến giờ, quả thực anh quên không hỏi ban chỉ huy đại đội đã giải quyết trường hợp của Hưng như thế nào? Anh đã chỉ thị cho đại đội, nếu xét thấy Hưng không thể đi được thì cho ở lại rồi gửi về tuyến sau. Vậy mà Hưng đã theo đơn vị tới được tận đây với bàn chân bầm giập ấy.
Khi anh tiến lại thì các chiến sỹ đã quây thành một vòng tròn quanh Hưng. Anh vội rẽ đám đông tiến vào, rọi đèn pin soi xuống bàn chân Hưng và bỗng giật mình, kêu lên:
- Trời ơi! Thế này mà cậu cứ đi.
Hưng không biết nói gì, anh cũng sững sờ nhìn xuống bàn chân mình, lượt băng bên ngoài đỏ sậm lại vì máu rỉ ra.
Nguyên ngẩng lên, lo lắng nhìn trung đội trưởng Mánh.
- Bây giờ chú tính sao?
Anh trung đội trưởng quả quyết đáp:
- Được! Anh cứ để mặc trung đội tôi lo. Nếu cần, chúng tôi sẽ khiêng đồng chí ấy.
- Không! – Hưng thảng thốt kêu lên – Các đồng chí! Nếu tôi không theo kịp… Các anh hãy bỏ tôi lại đây, đừng vì tôi mà bấn bíu. Ngày mai tôi sẽ lần theo đơn vị.
- Đừng nói bậy – Mánh quát khẽ - Chúng mình sẽ không bỏ cậu lại. Đồng chí phùng đâu rồi, chuẩn bị cho tôi một cái cáng.
Hưng thét lên:
- Không! Tôi không để các anh cáng đâu.
- Các đồng chí cứ chuẩn bị cáng đi. Còn Hưng – Mánh quay sang nói rành rẽ từng tiếng – bây giờ không phải là lúc để cậu từ chói. Vấn đề không phải là cậu có nằm trên cáng cho anh em khiêng đi hay không, mà vấn đề là ở chỗ chúng ta có đùm bọc nhau tới được chỗ đó hay không? Chúng ta đã đi được quá nửa đường rồi, Hưng ạ. Cậu đi được từng ấy đường đất là một cố gắng không thể tưởng tượng. Đừng cố gắng nữa mà quá sức, đến nơi còn phải chiến đấu kia mà.
Tiểu đoàn trưởng Nguyên lặng lẽ lách qua đám đông các chiến sỹ để trở về đầu đội hình của tiểu đoàn. Anh thấy chẳng cần phải nói thêm điều gì nữa. Với một đội ngũ gồm các chiến sỹ như thế, chỉ cần anh biết chỉ huy là sẽ làm được tất cả, vượt qua được tất cả mọi khó khăn và không thể không đánh thắng.
Anh ra lệnh tiếp tục hành quân.
Đoàn quân xao động một lát rồi lặng lẽ đi trong rừng. Nhưng con đại bàng đất đang ngủ mê mệt dưới những vòm cây, bỗng giật mình, tỉnh dậy, đập cánh ào ào rồi bay vút lên, cất cánh kêu thảng thốt.
Gió thổi nhẹ. Sương xuống dày. Núi rừng như nửa thức nửa ngủ. Những sống núi nhấp nhô ẩn hiện sau màn sương trắng đục, phấp phỏng, bồn chồn.
Cũng trong đêm đó, trung đoàn 6 được lệnh cơ động gấp về hướng Cheo Reo.
Mệnh lệnh được ghi rõ: ngày hôm sau, toàn trung đoàn phải có mặt ở đông nam thị xã Cheo Reo để cùng với tiểu đoàn 3 hình thành một tuyến chốt chặn, bịt chặt thung lũng này, tạo điều kiện cho sư đoàn chớp thời cơ tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch ở Tây Nguyên đang tháo chạy.
Khi ấy trung đoàn còn đang đứng chân ở khu vực Buôn Hồ - Đạt Lý. Nghĩa là, trong đêm, trung đoàn phải cơ động hơn một trăm Ki-lô-met để tới khu vực tác chiến.
Để giúp trung đoàn 6 cơ động, sư đoàn đã huy động toàn bộ số xe có thể huy động được, kể cả xe của trung đoàn pháo cơ giới tăng cường, làm nhiệm vụ chuyển quân. Nhưng, số đầu xe huy động được cũng không đủ chở toàn bộ trung đoàn và các phân đội trực thuộc, tăng cường trong một chuyến. Các xe đều lèn chặt những người nhưng vẫn còn một phần ba quân số của trung đoàn phải hành quân bộ. Mặc dù đã được giải thích rất kỹ về tình hình xe cộ nhưng tham mưu trưởng Sự vẫn bừng bừng phẫn nộ. Anh gọi điện cho phòng hậu cần sư đoàn la um lên và gọi họ là “Đồ bủn xỉn!”. Tiếng anh thét oang oang:
- Này, các cha ơi! Đừng có lỡm anh em nữa. Chả lẽ sư đoàn lại chỉ có từng ấy cái xe? Cánh này phải chạy bộ hơn trăm ki-lô-mét chứ ít ỏi gì? Ngày mai không tới được khu vực đơm đó thì ăn cám ấy chứ lại? Này, xì cho cánh này vài chiếc nữa đi. Ngày mai bọn này thu về cho hàng xốc GMC, tha hồ mà chạy.
Anh chủ nhiệm hậu cần ở đầu dây bên kia nói như van:
- Khổ lắm! Tôi lạy ông. Còn chiếc nào nữa đâu? Tiếc các cậu làm gì?
- Con khỉ - Sự gắt lên – Thôi được, cánh này chạy bộ vậy. Thật không còn ra làm sao?
Sự bỏ máy, chạy ra chỗ xếp xe. ở đó đang ồn ào, lộn xộn như một cái chợ huyện. Các cán bộ chỉ huy chạy ngược chạy xuôi, la hét rùm trời; bộ đội cũng hò hét quát lác nhau, chen nhau để nhảy lên xe. Anh nào cũng sợ không có xe, người ta sẽ bỏ mình lại. Những anh chàng đã lên được xe, mặt mày phởn như sắp được đi chợ tết. Rồi thì câu từ trên xe xuống, câu từ dưới đất lên:
- Chào các bạn nhé!
- Cuốc bộ nhé!
- Này, “Chiến vổ” ơi! Tao lạy may. Ngồi xa Ca-bin ra một chút. Răng với chả lợi! Vậy mà cứ nhe ra mà cười được.
- Này… các chú! Nhanh lên vào giữ tù binh cho bọn anh.
- Đừng có vênh cái mặt lên vội.
- Này, ông lái ơi! Vù nhanh lên mà quay lại đón anh em nhé!
- Được rồi, yên trí.
- Mấy ông ranh con này lên thùng hết đi.
- Có em đón dọc đường à?
- Làm cái anh lái xe cũng sướng! Những lúc như thế này quý các cha bằng vàng.
Tiếng cười. Tiếng nói. Tiếng hát. Tiếng gọi. Tiếng xe rú máy. Kẻ chạy ngược, người chạy xuôi, ồn ào, lộn xôn. Rõ như một cái chợ.
Tự nhiên, Sự cũng hòa vào cái ồn ào, náo nhiệt đó. Anh có quá nhiều lý do để hò hét. Anh quát cán bộ phụ trách đơn vị để anh em lên xe vô tổ chức. Anh thét một anh lái xe nào đó đưa xe tới muộn. Anh hầm hè với một tiểu đoàn trưởng vì khai lậu quân số!... Ở đâu người ta cũng thấy anh, cũng nghe tiếng anh hò hét, nói cười. Thấy anh cứ tất bật, ngược xuôi, một vài chiến sỹ cũng túm lấy anh mà chọc chơi:
- Thủ trưởng ơi! Thủ trưởng giống như ông giữ trật tự ở ga tàu ấy nhỉ!
- Thủ trưởng giọng tốt quá đấy!
- Theo mình, chỉ cần một mình thủ trưởng Sự đứng ra giữa đường mà hét cũng đủ để bọn lính quân đoàn 2 ngụy sợ vãi đái ra quần.
- Thủ trưởng Sự ơi! Giá có thêm ít xe nữa thì oai nhẩy.
Gặp những đám như thế, Sự chẳng dại gì mà dừng lại lâu. Anh mà lên tiếng đối đáp là bọn giời đánh ấy lập tức moi đủ thứ chuyện của anh ra mà hỏi. Sự chỉ đưa tay lên, dứ dứ nắm đấm về phía họ và đe “liệu hồn” rồi bỏ đi. Tuy vậy, Sự biết anh em họ mến mình. Có thời gian mà ngồi tán láo với tụi nó cũng hay.
Hơn chục chiếc xe đã đầy ắp những người. Tất cả đã sẵn sàng chuyển bánh. Bấy giờ các chiến sỹ mới nhìn thấy trung đoàn trưởng của mình, ông đứng trên nóc ca-bin một chiếc xe, vẫy tay, ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi cất tiếng sang sảng:
- Các đồng chí! Chúng ta đều biết rằng quân địch đang tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Nhưng chúng ta nhất định không cho chúng nó chạy thoát. Đồng ý không?
- Đồng ý!
- Muốn vậy chúng ta phải cơ động thật nhanh. Đến nơi là đánh ngay. Thật dữ. Đồng ý không?
- Đồng ý!
- Chúng ta có ít xe. Bây giờ chia làm hai bộ phận: một bộ phận đi xe, một bộ phận chạy bộ. Khi nào tới vị trí tập kết, xe sẽ quay lại đón bộ phận đi bộ. Chúng ta phải tranh thủ từng phút. Các đồng chí đi bộ cũng phải cơ động ngay. Đồng ý không?
- Đồng ý!
- Các đồng chí! Tiểu đoàn 3 chúng ta đêm nay đã cơ động ra chặn địch. Chúng ta phải đến nhanh để cùng tiểu đoàn 3 khóa chặt địch trong thung lũng Cheo Reo cho đại quân của sư đoàn tiêu diệt. Đồng ý không?
- Đồng ý ạ!
Ông mỉm cười, nhìn bao quát một lượt rồi dõng dạc ra lệnh:
- Toàn trung đoàn xuất phát!
Tiếng reo hò lại nổi lên như sấm chen lẫn tiếng xe nổ máy, rú ga. Đoàn quân rùng rùng chuyển động. Những chiếc xe lăn bánh ra khỏi khu rừng trú quân. Vừa chạm vào mặt đường 14, những chiếc xe đó liền lao vút về hướng bắc như những mũi tên.
*
Chiếc xe Dép của chính ủy và trung đoàn trưởng là một chiếc xe chiến lợi phẩm trung đoàn vừa thu được trong trận Buôn Hồ. Trên xe có gắn một máy vô tuyến điện PRC.25. Anh chàng lái xe cho trung đoàn trưởng tên là Nhân, rất tự hào về cái máy ấy. Ngay từ hôm mới nhận xe về, không hiểu Nhân kiếm ở đâu ra một miếng vải đỏ rồi tỉ mẩn khâu thành một lá cờ đuôi nheo bé tí, treo lên chiếc cân ăng ten vắt vẻo ở đầu xe.
Đi được chừng vài chục phút, trung đoàn trưởng ra lệnh cho anh chiến sỹ thông tin đi cùng mở máy liên lạc với sư đoàn. Ông báo cáo ngay tình hình hành quân của trung đoàn với sư và yêu cầu cho sư cho ông biết tình hình của tiểu đoàn 3. Ông lo lắng nhiều về tiểu đoàn này, nếu nó tới vị trí chốt chặn muộn vài tiếng là địch sẽ sổng hết.
Mặc dù đã có dự kiến về khả năng địch có thể rút chạy khỏi Tây Nguyên, nhưng khi tình huống đó xảy ra, ông vẫn cảm thấy bị bất ngờ. Điều không ngờ nhất là con đường rút chạy của địch. Sao chúng nó lại chọn con đường này, con đường đi qua quê ông?
Ngồi trên xe, đôi lúc ông nhắm mắt lại, tưởng tượng tới một ngày trung đoàn ông đuổi giặc tới đó. Tới cái làng nhỏ của ông bên bờ sông Đà Rằng. Mơ ước gặp lai vợ con rạo rực trong lòng khiến đôi lúc ông cảm thấy như ngợp thở. Gió lùa vào xe ào ào. Ánh đèn pha quét trên mặt đường nhựa sáng loáng. Những ngôi sao xanh như lao vùn vụt về phía ông. Ông ngả lưng vào ghế, mở cúc áo ngực cho gió lùa vào da thịt. Phút chốc ông có cảm tưởng như mình trẻ lại, tim ông đập rạo rực, những mạch máu như căng lên. Tâm hồn ông thư thái hơn, những xúc cảm lạ lùng tưởng như không còn bao giờ có ở ông đang trở lại. Ông lim dim đôi mắt, lắng nghe, cảm nhận sự trở lại ấy. Phải, ông mới hơn bốn mươi tuổi. Người ta cũng có thể sống từng ấy năm nữa với cuộc đời. Ông mới chỉ sống một nửa cuộc đời mình, bao nhiêu năm nay ông luôn có ý nghĩ đó. Bây giờ, ông càng hiểu rõ điều đó hơn. Ông mới chỉ sống một nửa cuộc đời mình, con người mình; còn một nửa để lại nơi quê hương yêu dấu. Từ khi biết mình có con, khát vọng trở về với một nửa cuộc đời còn lại của mình càng mãnh liệt hơn trong ông.
- Đèo Tu Na có hiểm trở lắm không, anh Thuần?
Trung đoàn trưởng khẽ cười:
- Nào tôi có biết. Nhìn trên bản đồ thì con đèo này kẹt giữa hai dãy núi Chư Đrang và Chư Rhung, cả hai dãy đều cao tới gần bảy trăm mét. Con sông Ba chảy tới đây thì xoắn lại như ruột gà rồi lao qua khoảng giữa hai khe núi. Đường 7 chạy men theo con sông này.
Chính ủy rọi đèn pin vào khu vực chốt chặn trên bản đồ và hỏi thêm:
- Ta dự kiến thành lập mấy tuyến chốt?
- Ba. Tuyến ở sát chân đèo do tiểu đoàn 1 đảm nhiệm. Tuyến ở giữa cơ động do tiểu đoàn 2 đảm nhiệm. Còn tuyến ngoài cùng, quan trọng nhất, cách thị xã chừng cây số rưỡi, tôi dự tính giao cho tiểu đoàn 3. Anh thấy thế nào?
- Được đấy, nhưng thằng d3 hơi nặng “đô” hơn cả.
- Cậu Nguyên có thể làm nên trò trống đấy.
- Ờ, hắn còn trẻ, hăng lắm.
Đoàn xe vượt qua quận lỵ Thuần Mẫn, rẽ vào đường 7b. Từ đây con đường chạy thẳng tới thị xã Cheo Reo, nối với nhánh chính của đường 7 chạy từ Plây Cu về, qua tỉnh lỵ Phú Bổn, vượt qua thung lũng Cheo Reo rồi chạy thẳng về địa phận tỉnh Phú Yên. Trung đoàn trưởng Thuần tự nhủ mình: “cuối cùng ta đã tìm được con đường xứng đáng nhất để trở lại quê hương”. Phút chốc, ông như thấy hiện ra trước mắt mình những bãi cát dài trắng phau, lóa nắng, những vườn dừa xanh biếc… Và biển, xa trông như một lồng ngực trẻ phập phồng trong ánh trăng. Xa lắm, cái đêm An chèo thuyên qua sông Đà Rằng đưa Thuần đi hoạt động. Ngày ấy, hai người chưa hẹn hò gì, hay nói cho đúng hơn, Thuần chưa biết phải nói như thế nào với An về một lời hò hẹn. Có phải vì vậy mà khi anh nhảy lên bờ, ngoảnh lại thấy An ngồi thụt xuống lòng thuyền, đôi vai rung lên. An tức tưởi khóc, còn anh thì chỉ nói được những lời vụng về, vô nghĩa. Xa lắm, cái ngày anh trở về quê nhà sau mấy năm đi xa; anh khoác ba lô đi trên con đường mịn cát, rợp bóng dừa của làng quê. Gặp An, nhìn vào đôi mắt An, tự nhiên anh hiểu rằng chẳng cần phải nói gì nữa. Anh chỉ nắm lấy tay An và nói nhỏ: “Tối nay đợi anh ở vườn dừa bờ sông”. An lặng lẽ cúi đầu dạ khẽ một tiếng rồi đột nhiện chạy vụt vào ngõ xóm. Rồi lễ cưới, ồn ào và vui say. Rồi những ngày ngắn ngủi bên nhau. Rồi lại chia tay. Con sông Đà Rằng ngày ấy đang mùa lũ về, cồn cào sóng đỏ. Nhưng đó chưa phải là lần chia tay để xa nhau hai chục năm trời…
Tiếng chính ủy Tâm lại vang lên trong tiếng máy nổ đều:
- Hai khẩu cối 120 ly sư tăng cường còn bao nhiêu cơ số đạn, anh Thuần nhỉ?
- Hai cơ số.
- Hơi ít đấy.
- Tôi đã điện lên sư xin thêm. Sư hứa sẽ bảo đảm chủ đạn cho ta xài cỡ trung nông.
Đồng chí thông tin đeo cáp vào tai thực hiện phiên liên lạc thường xuyên với sư đoàn. Một lát sau, anh báo cáo với trung đoàn trưởng:
- Sư đoàn lệnh cho ta vượt qua đội hình của trung đoàn pháo, vượt anh tới vị trí tập kết thứ nhất.
Trung đoàn trưởng ra lệnh truyền lệnh thông báo cho các đơn vị rồi quay lại vỗ vai Nhân:
- Tăng tốc độ lên chú mày.
Nhân khẽ gật đầu, cười nhỏ:
- Thủ trưởng cho tôi điếu thuốc, nhạt mồm quá. Trung đoàn trưởng châm một điếu thuốc rồi cắm vào miệng Nhân. Cậu ta khoan khoái nhả khói mù tịt, xe trớn bánh, vượt lên nhẹ như ru.
Đoàn xe kéo pháo cũng đã dừng lại bên đường cho đoàn xe của trung đoàn 6 vượt lên. Những khẩu 122 ly nòng dài đã hiện ra loang loáng trong anh đèn pha. Lính pháo đã xuống xe, đứng túm tụm bên đường, mũ sắt nhấp nhoáng trong ánh đèn. Những gương mặt trẻ trung, những miệng cười, tay vẫy, những lời giục dã lại vang lên.
- Nhanh chân lên anh em nhé!
- Không cho chúng nó thoát.
- Đừng đấm vào vai bộ binh đấy nhé.
- Chỉ nói dại, pháo binh năm bảy lăm rồi cơ mà.
-…
Say cái vui chung của bầu không khí ra trận trung đoàn trưởng cũng nhô đầu ra khỏi xe đưa tay vẫy các chiến sỹ pháo binh. Anh lái xe ngêu ngao hát một bài gì đó. Gió vẫn lùa vào xe ào ào. Đêm cao nguyên mênh mông huyền ảo, chứa chất bao nhiêu bí ẩn. Anh chiến sỹ thông tin đang truyền đi một bức điện mới của trung đoàn trưởng, giọng anh trong trẻo, rung vang như giọng của một diễn viên kịch. Những chuỗi con số từ miệng anh ngân lên cũng có nhịp điệu, âm sắc như một đoạn thơ:
- …3421…1532…6873…1746…
Anh lái xe đã thôi hát, quay lại nói với trung đoàn trưởng:
- Ra trận mà cứ phơi phới. Điềm này là ăn to rồi các thủ trưởng ạ.
Trong Cơn Gió Lốc Trong Cơn Gió Lốc - Khuất Quang Thụy Trong Cơn Gió Lốc