Love is like a glass door… sometimes you don’t see it, and it smacks you right in your face.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Tran Hoai Linh
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2986 / 46
Cập nhật: 2015-07-07 01:55:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
áng hôm sau, Mai theo anh đến phòng thẩm vấn. Cô bỗng hồi hộp khi nghĩ rằng mình sắp nhìn thấy một người lính giải phóng bằng xương bằng thịt chứ không phải bằng những hình vẽ méo mó trên những tờ báo Sài Gòn. Cô cũng có một cảm giác yên lòng khi thấy trong phòng thẩm vấn không có những dụng cụ tra tấn. Như vậy là sẽ không có đánh đập, ít ra là ở trong căn phòng này. Phòng thẩm vấn lại có vẻ lịch sự sạch sẽ vì bên cạnh bộ xa lông rất sang trọng, trên bàn còn có một bình trà, một bộ ấm chén. Bên cửa sổ, ngoài bao lơn còn có cả những chậu cây kiểng.
Chỉ có một vật trong cái phòng này là cô không ưa. Đó là con đại bàng bằng đồng hun quắp thanh kiếm mà cô đã nhìn thấy hôm qua ở cổng căn cứ. Nó được gắn trên tường, bên dưới ảnh ông Thiệu, đôi mắt nó nhìn xuống, xoi mói, quằm quặm.
Anh cô ngồi vào bàn, chuẩn bị đôi thư giấy tờ rồi bấm chuông. Lát sau có một thiếu úy trẻ bước vào, đứng nghiêm trước mặt Quang:
- Trình thiếu tá! Tù binh đã được giải đến.
- Cho hắn vô đây!
Có tiếng chân bước lệt sệt rồi trên khung cửa hiện ra một thân hình vững chãi, một mái tóc rối bù, một gương mặt bầm dập, méo mó vì bị đánh. Người lính giải phóng bước vào, một bên chân dường như bị đau nhưng dáng đi của anh ta vẫn khoan thai chắc nịch. Bộ quân phục xanh của anh đã nhàu nát, nhiều chỗ bị rách tướp, thấm máu, khô cứng lại thành những vệt thẫm. Mái tóc anh xoăn nhẹ, rủ xuống trán. Duy chỉ có đôi mắt anh, đôi mắt mà sau này Mai nhớ mãi, là vẫn sáng rực, đầy nghị lực và tự tin. Anh nhìn thẳng vào mặt thiếu tá Quang bằng những ánh mắt giễu cợt. Rồi ánh mắt ấy chợt dừng lại phía Mai, thoáng chút ngạc nhiên, như tự hỏi: người con gái này là ai, tới đây với mục đích gì? Mai chợt lúng túng, cúi mặt. Cô như muốn nói với anh: “tôi không phải là người trong cuộc, nghĩa là không dự phần vào việc hành hạ anh mà tôi chỉ là một “khán giả” của cuộc thẩm vấn vày”.
Thiếu tá Quang khẽ mỉm cười (lần đầu Mai nhìn thấy cái mỉm cười ấy ở anh mình), chỉ chiếc xa-lông:
- Mời anh ngồi!
Người chiến sỹ ấy ngồi xuống, gương mặt anh vẫn không chút thay đổi, xao động.
- Mời anh uống nước để ta bắt đầu cuộc nói chuyện. Tôi rất lấy làm buồn khi phải nhìn thấy anh thế này.
Mai liếc xéo về phía anh cô như tự hỏi “có đúng là anh ấy đã nói những lời giả dối ấy không? Nhưng không phải anh ấy thì là ai?”. Giọng điệu ấy có khác chi giọng điệu tên thiếu tá Mỹ chiều qua, cũng lịch sự theo kiểu giả dối và thêm nữa, rất trắng trợn.
- Hôm nay tôi hy vọng chúng ta sẽ nói chuyện với nhau dễ dàng hơn, thân thiện hơn.
Anh chiến sỹ giải phóng khẽ nhếch mép cười:
- Cám ơn! Ông cứ bắt đầu đi. Tôi nghĩ rằng nó sẽ không “thân thiện” hơn đâu. Tốt hơn hết ông hãy vứt bỏ cái trò ve vãn ấy đi và hãy làm tất cả những gì mà ông có thể làm.
- Ông Tuấn – Mai chợt giật mình khi nghe thấy cái tên ấy – Chúng tôi đâu có muốn đối xử với ông như vậy. Chúng tôi sẵn sàng đền bù cho ông tất cả. Chỉ cần ông cho chúng tôi biết một điều…
Anh chiến sỹ giải phóng chợt cất tiếng cười:
- Vẫn cái điều ấy… Hướng chiến dịch chính ở đâu chứ gì?
Thiếu tá Quang hồ hởi gật đầu:
- Đúng lắm! Đó là tất cả những gì chúng tôi muốn biết. Ông chỉ cần nói một câu là êm thôi mà.
Anh chiến sỹ giải phóng xây hẳn người lại, gương mặt anh thoắt trở nên linh động, đầy sức sống:
- Thú thực, ông đã làm cho tôi vui. Tôi cứ hy vọng mỗi ngày ông đưa tôi trở lại căn phòng này và hỏi câu hỏi đó. Cho đến khi chiến dịch nổ bùng. Lúc đó, hẳn ông sẽ biết hướng chính của chiến dịch ở đâu. Tôi sẽ không nói gì đâu, mặc dù tôi biết có thể tôi phải hy sinh tính mạng.
Thiếu tá Quang đã thấy khó chịu, nhột nhạt, nhưng vẫn cố giữ vẻ điềm tĩnh:
- Tôi e rằng tới lúc đó… ông sẽ hối hận.
Anh chiến sỹ giải phóng lắc đầu kiên quyết:
- Sẽ không có chuyện đó đâu, thưa ông thiếu tá. Vì nếu cuối cùng tôi hy sinh mà điều bí mật kia giữ được thì tôi vẫn lãi cơ mà – anh chợt mỉm cười – trong ngành kinh doanh mà các ông rất sành thì có bao giờ người ta từ chối lời lãi đâu
Quang cựa quậy liên hồi trên ghế. Mai chợt giật mình khi nhìn thấy đôi mắt của anh trai mình. Nó đã đỏ vằn, tóe lên những tia dữ tợn. Đột nhiên, gã đứng dậy, đi những bước dài trong phòng để tự trấn tĩnh mình. Tiếng cá sắt trên đế giày nghiến ken két trên nền đá hoa. Cuối cùng, Quang dừng lại trước bàn, đứng đối diện với người lính giải phóng, tiếp tục thuyết phục:
- Ông Tuấn! Tôi hỏi thực ông: có lúc nào ông nghĩ đến cha mẹ, anh em và những người thân yêu đang chờ ông ở đất Bắc xa xôi kia không? Ông chết, cứ cho điều đó với ông nhẹ như lông hồng đi… Nhưng bao nhiêu người thân yêu của ông sẽ chịu đau khổ? Đồng đội ông, nếu họ có biết sự hy sinh ấy thì cũng chỉ cúi đầu, bỏ mũ vài phút, sau đó họ sẽ quên ngay. Trong cuộc chiến tranh đẫm máu này, mỗi ngày có đến hàng trăm người phải bỏ mạng, ai mà nhớ cho xiết. Vậy thì, cái chết của ông liệu có ý nghĩa gì?
Anh chiến sỹ giải phóng chợt đứng vụt dậy, nhìn thẳng vào mặt thiếu tá Quang. Giọng anh bỗng vang lên sang sảng, đĩnh đạc như những lời buộc tội:
- Ông thiếu tá! Tôi đã có ý định không tranh luận gì với ông, nhưng nghe những điều ông vừa nói, tôi tự thấy phải nói thêm một điều nữa. Ông vừa nói đến cái chết và sự sống. Cố nhiên, quan niệm của chúng tôi và các ông về điều ấy thật khác xa nhau. Tôi sãn sàng chết để không phải sống kiếp sống của các ông, làm một tên lính đánh thuê cho bọn xâm lược Mỹ. Các ông sẵn sàng bán rẻ cả tổ quốc danh dự của mình để mua lấy kiếp sống hạ đẳng.
- Câm ngay!
Quang hét lên như một con thú rồi chồm qua bàn thoi một quả đấm vào giữa mặt người lính giải phóng. Mai ôm mặt hét lên một tiếng “Anh Hai!”. Khi mở mắt ra, cô chợt rùng mình khi nhìn thấy một dòng máu đỏ lòm đang chảy trên miệng người chiến sỹ giải phóng. Anh đưa cánh tay lên lau dòng máu trên miệng mình rồi ngước nhìn Quang một cách căm hờn và khinh bỉ:
- Đây chính là điều “thân thiện” mà ông đã rào đón phải không ông thiếu tá. Tôi biết ông không còn cách nào khác. Nhưng nghe những lời ngọt ngào, xảo trá của ông, tôi còn khó chịu gấp trăm lần ông thoi quả đấm vào mặt tôi kia.
Quang giận điên, lồng lên như một con thú. Tiếng gã rít lên, rờn rợn:
- Được! Mày sẽ được toại nguyện. Trung sĩ Hớn! Cho nó vào buồng tra tấn. Đập nát sọ nó ra cho tao!
Mai gục xuống bàn để khỏi nhìn tên trung sĩ to béo, trước khi lôi người lính giải phóng ra khỏi phòng, đã liên tiếp thoi nắm đấm vào bụng anh. Sau đó là tiếng đấm đá huỳnh huỵch, tiếng nước xối, tiếng những dụng cụ tra tấn ném xuống sàn xi măng xoang xoảng… Hóa ra, buồng tra tấn chỉ cách căn phòng lịch sự này có một bức tường!
Một lát sau, không chịu nổi những âm thanh khủng khiếp đó, cô đứng phắt dậy, ôm đầu chạy vụt ra cửa.
Trở về phòng ngủ của mình, Mai thấy mệt mỏi, rã rời như vừa qua một cơn bệnh nặng. Cô nằm vật trên giường, bần thần suy nghĩ. Trong đầu cô luôn vang lên những lời đối đáp của anh cô và người tù binh cộng sản. Cô đã thấy trong cuộc đụng độ này, sức mạnh không thuộc về anh cô. Mặc dù đã nắm trong tay sinh mạng của người tù binh ấy nhưng rõ ràng anh cô đã tỏ ra bất lực. Còn anh ta thì đĩnh đạc, ung dung và tự tin biết mấy. Anh ta đã nói rất minh bạch về cái sống và sự chết. Anh ta đâu có sợ chết nếu cái chết là một sự hy sinh cao cả. Anh ta không mưu cầu danh lợi cho riêng mình. Vậy thì anh ta có một sự hy sinh trong sáng. Bọn tướng tá Sài Gòn vẫn thường lớn tiếng nói về sự hy sinh. Nhưng, hãy thử bảo họ hy sinh một phần trong những gia tài kếch xè của ho cho Tổ quốc xem họ có giãy nảy lên không? Chưa nói đến sự hy sinh cao cả nhất, đó là hy sinh tính mạng, hy sinh sự sống của mình.
Nói rằng anh ta hành động như vậy, dũng cảm như vậy là vì cuồng tín, có đúng không? Nhưng hành động của anh ta đã được tính toán chặt chẽ, tỉnh táo, không thể là kết quả của một niềm tin ngây thơ. Vậy thì, anh ta tin vào cái gì hẳn cái đó phải trong sáng, đẹp đẽ lắm mới đến cái độ anh ta sẵn sàng hiến dâng cả tính mạng mình để bảo vệ niềm tin ấy.
Ờ, mà anh ta cũng tên Tuấn? Một sự trùng hợp kỳ lạ, như cố ý vậy. Mai chợt rùng mình khi nghĩ rằng, ở một nhà lao nào đó, người yêu của cô cũng đang bị tra tấn, đánh đập như thế. Gương mặt trong sáng, đẹp đẽ như thiên thần của anh cũng sẽ bầm giập, méo mó như gương mặt người tù binh cộng sản kia.
- Ôi! Không thể như thế được! Mai kêu lên thoảng thốt rồi gục đầu xuống gối, khóc nức nở.
Khóc một hồi, Mai thấy tự nhiên lòng mình nhẹ nhõm hơn. Một ý nghĩ hết sức minh bạch chợt vang lên trong cô: “Phải nhanh chóng trở về Sài Gòn để tìm cách cứu anh ấy. Mình yếu đuối nhưng… mình có tiền bạc. Tiền bạc có thể làm được tất cả, kể cả việc chứng minh rằng anh ấy vô tội! Ôi ngu dại quá! Sao mình không nghĩ ngay ra điều đó khi còn ở Sài Gòn? Đúng rồi! Anh ấy vô tội! Trời ơi! Hãy nhanh chóng trở về Sài Gòn”…
Cô đứng bật dậy, cuống quít chạy từ góc này sang góc kia như người mất trí. Chợt nhớ ra điều gì, cô cất tiếng cười vang rồi chạy lại, vồ lấy máy điện thoại, rối rít gọi tổng đài xin số máy của đại úy phi công Huỳnh Thuận.
Thanh Mai uể oải đặt ống nghe xuống, khẽ thở dài. Vậy là cô phải nằm lại một ngày nữa ở cái thị xã buồn tẻ này. Kể từ cái ngày chợt nảy ra ý nghĩ trở về Sài Gòn gấp để đi tìm Tuấn tới nay đã bốn ngày trôi qua nhưng Mai vẫn chưa đi được vì một lý do đơn giản: không có máy bay. Anh Quang không cho cô đi đường bộ vì sợ không an toàn. Còn Huỳnh Thuận thì cứ đều đều, mỗi ngày ba lần điện thoại tới tận nơi thăm hỏi. Lần nào khi Mai hỏi: Em đã có thể về Sài Gòn được chưa?” anh ta đều lắc đầu, thất vọng. Đã có lúc Mai bực mình và nghĩ rằng: hay anh ta cố tình muốn kéo dài thời gian ở Buôn Ma Thuột của mình để thực hiện ý đồ chinh phục? Nhưng, nhìn vào đôi mắt đượm buồn của Thuận, Mai cố ghìm mình để không nói buột ra điều đó.
Những ngày ấy đối với Mai thật vô nghĩa, buồn bã, trống vắng đến không chịu nổi. Kết quả cuộc thẩm vấn của anh cô vẫn không đâu vào đâu nên anh cô lúc nào cũng hầm hè, bực dọc, sẵn sàng nổi quạu. Có lần Mai hỏi:
- Thế nào, anh tù binh của anh đã chịu khai chưa?
Quang phác một cử chỉ thất vọng:
- Vô ích! Hắn ta là một tảng đá chứ đâu phải là người.
Mai nói móc:
- Vậy coi chừng anh bị lột lon đó.
Thế là Quang nổi đóa:
- Thôi! Cô im đi! Biết chi mà xớ rớ vô chuyện người ta.
Buổi chiều Quang vẫn đưa Mai tới tiệm “Bồng Lai” để ăn cơm, uống cà phê và nghe nhạc, nhưng tình cảm giữa hai anh em như đã có một khoảng cách. Mai không còn hồn nhiên như trước, mỗi lần nói chuyện với Quang, cô phải cố ghìm mình để đừng phát ra những câu móc ngoéo chua cay, tránh cho anh mọi sự hiểu lầm. Quang cũng buồn rầu khi nhận ra sự đổi khác đó. Quang hiểu rằng để Mai ở đây lâu thật bất lợi. Tên thiếu tá Mỹ ngày nào cũng tới vài lần để ve vãn Mai. Cô em gái bướng bỉnh của anh thì lại lấy làm thích thú về điều đó, cô không bỏ lỡ một cơ hội nào để công kích, đá móc, xỏ xiên tên Mỹ. Có lần cô đã làm hắn nổi giận, đùng đùng bỏ về, đã tưởng hắn sinh chuyện. Nhưng hôm sau, tên bụng phệ si tình ấy lại mò đến, lại cười nói hố hế như không có chuyện gì xảy ra. Biết đâu hắn chẳng đang nuôi dưỡng một âm mưu nào đó. Quang biết, đối với người Mỹ, không có một thủ đoạn nào họ không dám làm để đoạt được tham vọng. Bởi vậy chính Quang là người sốt ruột hơn cả. Ngày nào Quang cũng giục Thuận mau tìm cách đưa Mai về Sài Gòn. Tình hình cao nguyên ngày càng căng thẳng, ngột ngạt, chiến sự có thể xảy ra bất cứ lúc nào, để Mai ở đây ngày nào là nguy hiểm ngày đó.
Cho đến một buổi chiều, Mai đang nằm dài trên đi-văng đọc cuốn “Trọn đời lỡ hẹn” của bà Lan Phương thì thiếu tá Quang hớt hải chạy về. Nhìn thấy vẻ mặt hớt hải của anh, Mai biết có chuyện hệ trọng, vội nhỏm dậy hỏi:
- Có chuyện gì thế anh Hai?
Quang giục:
- Em chuẩn bị đồ đạc ngay đi, anh đưa ra sân bay. Một giờ nữa Huỳnh Thuận sẽ bay về Plây Cu.
Mai ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại về Plây Cu, anh?
Quang nhăn nhó giải thích:
- Tình hình căng thẳng lắm rồi. Thám sát của ta vừa phát hiện thấy nhiều dấu hiệu chứng tỏ Việt Cộng đang chuẩn bị tiến công Buôn Ma Thuột. Không chừng chỉ nội trong đêm nay, trận đánh sẽ diễn ra.
Mai hỏi ngây thơ:
- Vậy, mình biết trước mà không làm cách sao ngăn cản được ư?
Quang lắc đầu, chán ngán:
- Bây giờ thì vô phương. Các lực lượng chủ lực tinh nhuệ của ta đã bị xé ra làm trăm mảnh vì kế nghi binh của họ rồi. Vả lại, đến bây giờ mà trên quân đoàn họ vẫn chưa chịu tin Việt Cộng sẽ tiến công Buôn Ma Thuột. Họ trả lời rằng đó là những hoạt động nghi binh, còn đại quân của Việt Cộng thì đã tập trung xung quanh Plây Cu. Đến nước này rồi mà đại tá tư lệnh sư đoàn và ngài tỉnh trưởng vẫn còn đang ngồi chơi tứ sắc.
- Vậy hả?
- Vậy đó…! Tướng tá của ta là đồ ăn hại ráo trọi.
Mai bỗng đột ngột nảy ra ý định muốn ở lại để “xem họ đánh nhau ra sao”, nhưng nhìn nét mặt cau có của Quang, Mai đành im lặng đi thu vén đồ đoàn của mình để chuẩn bị ra sân bay.
Tuy vậy, thị xã vẫn được lệnh báo động.
Trên đường ra sân bay, Mai đã nhìn thấy rõ không khí chiến tranh. Mọi người đi lại hấp tấp, vội vã. Những ánh mắt nhìn nhau lo âu. Binh lính đi lại nhộn nhịp. Xe nhà binh phóng như điên. Thành phố hôm qua còn bình thản như thờ ơ với mọi chuyện mà hôm nay đã thoắt biến đổi, tất cả như đang nín thở, lo âu, hồi hộp chờ đợi những tai họa như bất thần ập tới.
Nghĩ đến cảnh ngày mai bom đạn sẽ rơi xuống nơi này, rồi đổ nát, điêu tàn, nhà cháy, người chết… Mai khẽ rùng mình. Chiến tranh quả thực là tàn nhẫn và khắc nghiệt. Chỉ có một kẻ hân hoan đón nó, đó là Thần Chết. Hắn mong cho nhân loại cấu xé lẫn nhau, để chiếc lưỡi hái đen ngòm tội lỗi của Hắn tha hồ mà gặt những linh hồn khờ dại ngốc nghếch hoặc hoàn toàn vô tội.
Đối với Hắn thì người chính cũng như kẻ tà, đều béo bở như nhau. Giờ đây có lẽ Hắn đang bay lơ lửng ở đâu đó trên bầu trời của cái thị xã xanh tươi này và khoái trá chờ đợi con người nã đại bác và xối bom đạn vào nhau.
Ở phi trường, không khí chiến tranh càng rõ hơn. Những người lính xách súng AR.15 chạy ngược chạy xuôi. Từng tốp máy bay lên thẳng vũ trang ầm ĩ cất cánh. Một phi đội A.37 lặc lè bom vừa bay lên. Ở các trạm điện thoại, tiếng chuông réo liên hồi. Những người lính lặng lẽ đi, lặng lẽ chạy, vẻ mặt đầy vẻ lo âu, phiền muộn.
Huỳnh Thuận đang ngồi tán dóc với mấy anh bạn cùng phi đoàn dưới cánh máy bay. Thấy chiếc xe của Quang đã tới, anh vội vã chạy ra đón. Họ bắt tay nhau mà không nói gì cả. Mai hiểu bây giờ không phải lúc để tâm sự hay đùa bỡn. Thậm chí, Thuận cũng không biểu lộ những nét vui mừng vì sắp được đưa một thiếu nữ lên trời như hôm nào ở phi trường Tân Sơn Nhất. Mai bỗng thấy sự xuất hiện của mình ở đây thật vô lý, từ đây cô sẽ thành gánh nặng cho mọi người, cô thở dài buồn bực vì nhận ra điều đó.
Sau khi Quang nói những lời ủy thác của mình, Thuận chỉ khẽ gật đầu và quay sang Mai, an ủi:
- Cô Mai yên tâm, tôi hứa sẽ đưa cô về Plây Cu nếu có anh ban nào bay về Sài Gòn, tôi sẽ gửi cô về với gia đình.
Nói xong những câu ấy, hai người như quên bẵng sự có mặt của Mai và quay sang nói chuyện với nhau về tình hình nghiêm trọng hiện nay. Quang tỏ ra phẫn nộ khi gã nói rằng bộ tư lệnh sư đoàn đã không chịu nghe theo những đề nghị về phòng thủ của gã, rằng, khả năng Buôn Ma Thuột bị tiến công đã rõ như hai với hai là bốn, vậy mà các cấp chỉ huy của gã vẫn như điếc như mù. Theo gã, nếu bị tiến công, thị xã Buôn Ma Thuột có thể mất nội trong vài ngày. Nghe nói tới đó, Mai chợt lo cho số phận của anh mình. Biết đâu, đây chẳng là lần cuối cùng anh em cô được gặp nhau. Tim cô như thắt lại, nghẹn ngào, nước mắt tự nhiên trào ra. Và, cô cứ lặng lẽ khóc như vậy cho tới khi Quang tiến lại, đặt tay lên vai cô em gái cưng của mình.
- Lau mắt đi, coi tội chưa?
Mai vội níu lấy cánh tay anh:
- Em lo cho anh quá.
Quang vuốt tóc em an ủi:
- Không sao đâu, cưng ạ. Anh không chết đâu. Số anh hên lắm mà. Anh nói Thuận nó lo cho em chu đáo rồi. Cuối tuần em sẽ về tới Sài Gòn.
Những lời an ủi ấy của Quang không làm Mai yên tâm, nhưng cô không muốn để anh buồn nên cố gắng ra bộ tươi tỉnh. Thấy vậy Quang hơi yên lòng, gã nhìn đồng hồ rồi nói với Mai:
- Hôm nay anh phải trực nên không thể chờ tới lúc Thuận cất cánh được. Em ở lại đây rồi về nghen!
Nói rồi Quang kêu Thuận ra một góc rỉ tai nói nhỏ điều gì đó. Mai chỉ thấy Thuận gật đầu và liếc xéo về phía cô. Biết cả hai đang bàn định về số phận của mình, lo lắng cho mình, cô khẽ thở dài, quay đi.
Lát sau Quang tiến lại, âu yếm hôn lên trán Mai và nói:
- Thôi, em về nghen! Anh gửi lời chào ba má. Em phải vui lên chứ, cưng!
Mai khẽ nhếch mép cười, nhưng nụ cười trên môi cô mới gượng gạo làm sao! Quang quay gót, đi nhanh lại xe. Gã bước vội lên xe, nổ máy, đưa tay vẫy chào hai người rồi cho xe lao vút đi. Mai chạy lên mấy bước, thảng thốt gọi:
- Anh Quang!
Nhưng Quang không quay lại. Mai đứng lặng trên đường băng nhìn theo chiếc xe cho tới khi nó khuất sau dãy nhà kho trước mặt. Lòng cô rối bời. Miệng cô luôn lẩm nhẩm mấy tiếng “Chiến tranh! Chiến tranh!”.
Thuận đã tới bên cô. Anh cũng chỉ lặng yên, không nói gì. Lòng anh cũng đang như lòng cô. Rối bời.
Lát sau, Mai quay lại nhìn thẳng vào đôi mắt đượm buồn của Thuận, khẽ hỏi:
- Theo anh, nếu Buôn Ma Thuột bị tiến công, quân ta có giữ nổi không?
Thuận lắc đầu:
- Vô phương!
Mai cũng chợt thấy điều đó thật rõ ràng. Trong đầu cô thoáng hiện lên hình ảnh người chiến sỹ giải phóng mà cô đã gặp ở phòng thẩm vấn của anh cô. Anh ta là tù binh, bị xiềng xích, bị đánh đập nhưng anh ta có sức sống hơn cả những người được tự do như anh Quang, như Thuận. Niềm tin của anh ta chặt chẽ, vững chắc chứ đâu có ốm yếu như niềm tin của Quang, của Thuận. Có một cái gì khác biệt giữa họ mà cô không hiểu nổi? Một người ngồi trong tù, bị xiềng xích lại mỉm cười và tin mình sẽ thắng; còn những người như Thuận đây chẳng hạn, ngồi bên những chiếc máy bay hiện đại, được tự do mà luôn nhăn nhó, sầu não và chỉ nghĩ rằng mình sẽ thua? Tại sao lại như vậy? Sức mạnh của họ, của những người như anh tù binh cộng sản kia, ở đâu?
Đột nhiên, cô quay lại hỏi Thuận:
- Anh có sợ chết không?
Thuận nhìn cô, hơi ngạc nhiên vì câu hỏi ấy. Suy nghĩ một lát, anh trả lời:
- Nói cho cùng thì ai mà chẳng yêu quý sự sống của mình. Nói cho thật lòng tôi rất sợ phải chết, cô Mai ạ. Tôi sợ, không phải vì nghĩ rằng: nếu mình chết, có nghĩa là chẳng được ăn, nói, đi đứng, yêu thương… mà vì rằng, sẽ có một lúc nào đó tôi chết vì cuộc chiến tranh này mà không hiểu mình chết để làm gì? Người ta đã nói quá nhiều đến sự hy sinh, đến lòng ái quốc, đến sự tri ân liệt sỹ của muôn đời. Nhưng tôi thấy rằng, xin lỗi cô, tất cả đều láo toét hết. Tôi chỉ thấy có mỗi một ý nghĩa ràng buộc tôi với cuộc chiến tranh là tiền. Nếu bây giờ người ta cắt lương của tất cả các sỹ quan và bảo rằng để đóng góp vào việc mua sắm vũ khí chống cộng chẳng hạn; rồi hô hào họ hãy chiến đấu, hãy hy sinh, thì tôi đoán chắc với cô rằng: chỉ một tuần, có khi chỉ vài ba ngày thôi; thì sẽ chẳng còn thằng ma nào chịu bận cái bộ đồ lính này làm gì. Chiến tranh như một áp phe lớn, là tôi nói chiến tranh ở phía chúng ta, bọn Mỹ có tiền và tung ra, chúng ta là những người làm công cho họ. Vậy thì, giữa kẻ làm công và ông chủ áp phe chỉ có mỗi sơi dây ràng buộc là tờ i ti ê iên tiên huyền tiền.
Thuận đánh vần chữ “tiền” bằng một giọng khinh bạc và cay đắng. Mai hiểu, Thuận là người thành thật. Ít có ai dám nói ra điều đó, mặc dù hầu như tất cả mọi sĩ quan, binh lính chế độ này đều nghĩ như vậy. Cô thấy rằng giữa Thuận và anh cô đã có những quan điểm trái ngược nhau. Anh cô thường nói đến lý tưởng, đến tự do, đến lòng yêu nước, đến hiểm họa cộng sản… Nhưng, chưa bao giờ cô thấy anh cô nhắc tới những điều đó với một tình cảm chân thành như Thuận nói đến “tiền”.
- Hôm rồi – cô nói – Tôi có được xem anh Quang hỏi cung một tù binh cộng sản. Tôi có thể nói với anh rằng đó là một con người đáng kính phục. Bị tra tấn đến bầm giập cơ thể nhưng anh ta vẫn không hề khai nửa lời. Anh ta luôn tỏ ra đĩnh đạc, tự tin. Tôi đã nghe anh ta nói thế này về cái chết và sự sống “ Tôi sẵn sàng chết để khỏi phải sống kiếp sống nô lệ như các ông. Còn các ông thì sống bằng mọi giá…”
Mai không dám nhắc lại mấy câu cuối, sợ chạm đến lòng tự ái của Thuận, cô dừng lại ở đó và hỏi:
- Về họ, anh Thuận có nhận xét gì không?
Thuận hơi ngạc nhiên về những vấn đề mà Mai đặt ra. Rõ ràng, đó không phải là những điều chỉ muốn biết để thỏa trí tò mò. Mai đặt ra những điều đó chứng tỏ cô đã có những suy nghĩ nghiêm túc về thời cuộc. Có thể, cũng như anh, cô đang đi tìm sự thật của cuộc chiến tranh này. Anh biết, đối với cô có thể hoàn toàn thành thật:.
- Về họ - Anh nói – tôi chưa có được những hiểu biết chính xác và sâu sắc. Có lẽ những ngăn cách về ý thức hệ đã ngăn trở chúng ta hoặc vì chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật. Bởi vì sự thật bao giờ cũng khắc nghiệt. Tôi chỉ có một nhận xét: họ thực sự có sức mạnh. Sức mạnh của họ không xuất phát từ nguồn gốc vật chất. Bằng chứng là họ đã bắt đầu đối chọi với chúng ta bằng những vũ khí thô sơ và bằng tay không. Còn chúng ta thì bắt đầu cuộc đối chọi với họ bằng những phương tiện hiện đại. Bây giờ, tuy so sánh lực lượng giữa ta và họ đã gần ngang bằng nhau, thậm chí có những mặt họ hơn hẳn chúng ta. Điều đó chứng tỏ họ đi lên mà ta thì đi xuống, mặc dù ta chẳng thiếu một thứ gì trong tay. Vậy thì, sức mạnh của họ phải có nguồn gốc từ một cái gì đó, thuần nhất về tinh thần, về lý tưởng. Khái niệm lòng yêu nước của họ hình như đúng hơn của chúng ta. Họ có một ý chí kiên định về toàn vẹn lãnh thổ. Còn chúng ta, chúng ta chỉ mong đất nước Việt Nam này có hai quốc gia riêng biệt. Thậm chí, đã có một thời, người ta mong muốn miền nam này trở thành một bang của hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, nhưng sau đó, thấy như vậy thì trắng trợn quá, nên không còn ai dám nhắc tới điều đó nữa. Nhưng tôi tin rằng không ít người trong chính phủ ta còn mong muốn như vậy. Họ đang hoảng sợ vì Mỹ ngày càng lộ rõ ý định bỏ rơi chúng ta. Cô có thấy ở Sài Gòn dạo này người ta đang làm ầm ĩ lên về chuyện đó không? Như thế là nghĩa lý gì? Kêu van quốc hội Mỹ đừng bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa (!) Chao ôi! Khái niệm về “danh dự” và Tổ quốc” của chúng ta là như vậy đấy. Ở bên kia Thái Bình Dương, người ta đang mặc cả xem cái giá của chính phủ Sài Gòn là 1 tỷ 7 hay là 2 tỷ 2 (!) Vậy thì cô bảo nó đáng giá bao nhiêu?
Mai biết Thuận chỉ đặt ra câu hỏi mà không cần trả lời nên cô im lặng ngước nhìn anh, biểu lộ sự đồng tình. Trên gương mặt Thuận lộ rõ những nét xúc động, anh định nói điều gì nữa nhưng lại cố kìm nén. Hồi lâu sau, anh mới nói tiếp bằng giọng nói nhẹ nhàng, thoải mái, bớt chua cay hơn:
- Như thế cô cũng thấy một cách hết sức rõ ràng là sức mạnh của chúng ta không tùy thuộc ở chúng ta. Vậy thì, đừng hy vọng gì cả.
Mai đột ngột hỏi:
- Như vậy, cuối cùng chiến thắng sẽ thuộc về họ.
Thuận mỉm cười, chua xót:
- Biết đâu có một sức mạnh thần bí nào đó – chúa chẳng hạn – cứu được sự sụp đổ của chúng ta.
Mai im lặng giây lâu rồi đột nhiên hỏi:
- Này, tôi hỏi thực anh nhé! Nếu anh biết trước rằng anh đang nằm trong một con thuyền sắp đắm sao anh không thể nhảy ra mà bơi vào bờ. Hoặc giả, anh cảm thấy họ đúng hơn chúng ta sao anh không đứng hẳn về phía họ.
- Sự đời đâu có đơn giản thế cô Mai? Tôi đã nói với cô rằng tôi chỉ mới cảm thấy. Chúng ta ngồi trong một vũng bùn, thấy hết cái thối tha của nó nhưng giũ được đâu có dễ. Hơn nữa không phải tôi hoàn toàn tán thành cộng sản, tôi chưa hiểu họ. Cái đã hiểu mà tôi còn chán ngấy nữa là cái chưa hiểu.
- Vậy anh mơ ước một xã hội như thế nào?
- Chà… Rắc rối đấy. Cô truy tôi tới cùng. Thôi được, ý nghĩ của tôi về một xã hội lý tưởng như thế này: đó là một xã hội không có phe cánh này nọ, không thân cộng và cũng không thân Mỹ.
- Một chế độ trung lập?
- Gần như thế. Nhưng thôi, quái quỷ thật! Sao tôi lại có thể nói chuyện với cô thoải mái và say sưa như thế này? Tôi mong rằng cô đừng mang những chuyện này nói với ai. Họ sẽ cho cô là điên khùng. Như tôi chẳng hạn, bạn bè vẫn gọi tôi là thằng khùng vì tôi thường có những ý nghĩ kỳ quặc.
Thuận nói rồi bước tới xách va li của Mai về máy bay. Trong giây phút này, Mai chợt thấy Thuận gần gũi với mình hơn. Mấy ngày trước đây, Mai chỉ coi Thuận như một gã si tình, vì say mê mình nên tận tụy. Bây giờ cô hiểu rằng Thuận có những phẩm chất đáng quý hơn cô và anh cô vẫn đánh giá. Ít ra anh là người có tâm huyết, có chính kiến rõ ràng về thời cuộc. Theo cách hiểu ngây thơ của cô thì Thuận có cả những trăn trở, xót xa vì cảnh đất nước bị điêu tàn vì chiến tranh, lửa máu. Nhưng Mai cũng hiểu rằng Thuận bất lực và bế tắc, chính anh ấy cũng chưa tìm được cách cứu vớt bản thân mình, chính anh ấy cũng chưa biết nên tin vào đâu? Vậy thì, làm sao mình có thể gửi gắm ở con người ấy niềm tin của bản thân mình?
Nghĩ vậy Mai khẽ thở dài, lặng lẽ bước theo Thuận trên đường băng xám xịt.
Đã đến giờ cất cánh. Chiếc C.130 từ từ lăn bánh trên đường băng rồi đột nhiên tăng tốc độ. Mai chợt thấy cảnh vật nhòe đi sau cửa kính. Cô nhắm mắt lại. Khi tiếng động cơ đã êm dịu trở lại, cô mới mở mắt và thấy mình đã ở trên không trung. Từ trên cao nhìn xuống, thị xã Buôn Ma Thuột vẫn bình yên như chưa hề xảy ra một biến cố gì. Đó là sự bình yên giả tạo, cũng như sóng biển lặng đi trước lúc bắt đầu một cơn bão.
Ở Plây Cu tình hình cũng căng thẳng không kém gì Buôn Ma Thuột. Chiếc máy bay của Thuận vừa hạ cánh chừng ba mươi phút thì sân bay bị một trận pháo kích dữ dội chưa từng thấy. Trọng pháo 122 ly của Quân giải phóng cứ nhè đúng những kho xăng, kho đạn, khu để máy bay mà nổ. Khói lửa đùn lên kín trời. Cả sân bay nhao nhác. Lính cứu hỏa đội mủ vàng ngồi trên xe vòi rồng vun vút phóng đi. Không gian như tấy lên, nồng nặc mùi thuốc bom, thuốc đạn, mùi ét xăng, mùi thịt người chết…
Thuận đưa Mai về với chị Tám, chị họ anh, vợ một kỹ sư sửa chữa máy bay.
Đó là một người đàn bà mềm mại, yếu đuối, có gương mặt nhẹ nhõm thanh thoát như những cô gái trong tranh tố nữ, đôi mắt chị lúc nào cũng như mọng nước, đượm buồn. Mai đến giữa lúc chị đang bồn chồn đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng lại thấy chị chạy ra cửa ngóng và thở dài não ruột. Thuận ghé tai Mai nói nhỏ “anh Minh đang ở ngoài khu sửa chữa máy bay, chỉ đang lo đó. Em tính cách sao an ủi chỉ đi”.
Nhưng Mai đã tỏ ra bất lực. Chị Tám không còn lòng dạ nào để tiếp chuyện cô nữa. Chị đi đi lại lại trong phòng, bồn chồn, khắc khoải. Rồi chị quay tê-lê-phôn xin nói chuyện với khu sửa chữa nhưng người ta nói rằng đường dây đã bị đạn pháo băm nát, chưa kịp sửa. Thế là chị la trời, chị khóc, chạy ra chạy vô như một người mất trí. Đến lúc mệt quá, chị chạy vào giường gục xuống gối. Mai nghiễm nhiên phải đóng vai trò một “người lớn”. Cô an ủi, vỗ về chị, nói với chị rằng, có lẽ anh Minh của chị đã chạy kịp vô hầm; rằng, kinh nghiệm cho thấy bom đạn tùm lum như thế nhưng thường tác hại chẳng là bao. Cứ như cô coi tướng (qua hình của anh Minh) thì ảnh cao số lắm, chưa thể chết được. v.v… Tất cả những điều cô viện ra đó đều rất vu vơ, cô nghĩ được điều gì thì nói điều ấy, vậy mà chị tin. Giống như một người sắp chết đuối được người ta ném cho những cọng rơm, chị bình tĩnh trở lại, ôm lấy Mai thủ thỉ:
- Chắc ảnh không hề chi, phải không em?
Mai gật đại:
- Chắc vậy chị ơi, ảnh sắp về với chị cho coi.
Mai vừa nói xong thì có tiếng Hon-đa lao xẹt tới. Chị Tám bật dậy như một chiếc lò xo:
- Ảnh về rồi! Trời ơi! Ảnh về thiệt đó em!
Chị mừng quá, quýnh quáng không biết làm gì. Chị chạy ra tới cửa lại lao trở vào ôm lấy Mai:
- Trời ơi! Em cưng của chị! Em nói trúng phóc hè!
Buông Mai ra chị lại lao ra cửa như một cơn lốc. Mai mỉm cười chợt nghĩ: tình cảm của những người vơ yêu chồng mãnh liệt vậy đó, mình chưa hề lo cho ai như thế, ngay cả đối với Tuấn. Khi nghe tin anh ấy bị bắt, mình có lo sợ nhưng đâu có quýnh quáng điên dại tới mức đó.
Anh Minh dắt vợ vào, vừa đi vừa vỗ về. Chị vợ không biết đào đâu ra nhiều nước mắt như thế. Chị cười mà nước mắt vẫn chảy chan chứa trên mặt. Anh minh thì buồn bã, mệt mỏi, trên gương mặt đầy vết sạm của khói, quần áo nhàu nát bẩn thỉu. Chị Tám sờ nắn khắp người, coi anh có bị thương không, rồi chị giục anh đi thay đồ. Anh minh như bị chị vợ lôi đi. Mai có cảm tưởng anh làm tất cả những việc đó: rửa mặt, chải đầu, thay đồ, uống cà phê,… chỉ vì chị.
Nửa giờ sau, chị Tám mới qua cơn xúc động. Lúc đó chị mới nhớ rằng trong nhà còn có một người thứ ba nữa và chợt thấy ngượng vì tình cảm xô bồ của mình. Chị mời Mai ra uống cà phê rồi giới thiệu với chồng:
- Đây là cô Mai, em gái thiếu tá Quang ở sư đoàn 23 bạn của cậu Thuận. Ở trỏng tình hình căng, anh Quang gửi cổ ra ngoài ni để rồi về Sài Gòn.
Kỹ sư Minh khẽ gật đầu chào Mai:
- Ngồi xuống em. Ai chứ thiếu tá Quang với anh cũng là chỗ quen biết. Ủa, nhưng nghe nói em đang học luật cơ mà? Bỏ học rồi à?
Mai bẽn lẽn đáp:
- Dà…! Em ngán học hành quá rồi mà anh.
Minh cười, xoa tay:
- Các cô các cậu hồi này hư lắm, học hành thì lười nhác, chơi bời thì xả láng, càn quấy… Nhưng anh tin em không thuộc vào loại người như vậy. Hay em tính thôi học để lấy chồng cho êm?
Mai cười khúc khích, vội cải chính:
- Đâu có! Em ngán thì bỏ… chồng con chi thời ni cho cực, anh ơi.
Rồi cô lảng sang chuyện khác:
- Ngoài phi trường giờ sao rồi anh?
Minh thở dài:
- Tiêu hết! Mấy chục máy bay đi đời, kho tàng cháy tùm lum cả.
- Có ai chết không anh?
Minh ngước nhìn cô gái tỏ vẻ ngạc nhiên vì câu hỏi ngây thơ ấy.
- Dĩ nhiên là có chứ. Bom đạn quá trời vậy mà. Chị Tám em đây có phước nên còn được nhìn thấy anh đó. Thời buổi này lấy chồng làm lính cực lắm em ơi.
Mai an ủi:
- Nhưng anh là kỹ sư cơ mà!
Minh nhếch mép cười ngao ngán:
- Với bom đạn thì thịt lính hay thịt kỹ sư đều như nhau cả thôi.
Chị Tám vỗ vào vai chồng:
- Khiếp hè! Nói vậy mà nghe được.
Mình nhìn vợ rồi quay lai nói với Mai:
- Em thấy không! Lúc này thấy anh còn sống trở về chị Tám em coi mừng hết nói nổi. Vậy, thử đặt giả thiết anh bị bom đạn nó xơi tái như mấy anh bạn xấu số kia thì lúc đó chị Tám em sẽ sống ra sao?
Chị Tám chợt tái mặt:
- Anh! Đừng nói nữa, em sợ!...
- Nhưng đó là sự thật, em ạ. Biết đâu ngày mai hay ngày kia chẳng đến lượt anh. Chiến tranh mà! Anh và em đều ghê tởm nó, nhưng vẫn phải tiếp tục sống vì nó, làm sao khác được.
Mai chợt nhớ những lời Thuận nói với cô ở sân bay Buôn Ma Thuột. Có lẽ Thuận đã đúng khi nói rằng những người như anh chỉ là những kẻ làm công cho một áp phe chiến tranh. Tại sao lại phải như vậy? Chẳng lẽ, còn người không thể làm gì để sống ngoài việc “làm chiến tranh?”. Ôi! Ước gì tất cả những cái chết tiệt ấy mất đi. Con người chỉ sống yêu thương, hòa hợp với nhau. Cùng là người Việt Nam tại sao bên này lại bắn giết bên kia? Theo cô, bên nào cũng phải gánh lấy một phần trách nhiệm vì sự đổ máu ấy. Nhưng ai, bên nào, sẽ lãnh trách nhiệm của lịch sử để dập tắt ngon lửa đau thương này? Cô không tin những người như anh Quang, như Thuận, như anh Minh, như những người lính đang hoảng loạn ngoài sân bay kia lại có thể đảm đương nổi vai trò lịch sử đó. Vậy thì ai? Có thể là những người cùng lý tưởng với người tù binh cộng sản ấy được chăng? Nhưng, đến lúc này, những hiểu biết của cô về họ vẫn còn mong manh quá. Cô cũng không rõ, trong thâm tâm, cô mong cho bên nào thắng trận nữa. Chưa bao giờ tâm trạng cô lại bị chia năm xẻ bảy như trong những ngày này.
Chiều ấy khu gia binh trĩu nặng màu tang. Tiếng khóc than của những người vợ lính có chồng chết trong vụ pháo kích và trong những trận đụng độ lẻ tẻ phía ngoại thị từ ngày qua cho tới nay, vang lên rền rĩ, ai oán. Thuận đi tới tối xẩm vẫn không thấy trở lại. Pháo vẫn bắn từng chập khi dài, khi ngắn, sân bay vẫn đang cháy, không hiểu Thuận có hề chi không? Cô chợt thấy thương Thuận quá, có thể Thuận sẽ chết, điều đó có khăn gì đâu, điều đó có khó khăn gì đâu. Nếu vậy, Thuận sẽ không còn có cơ hội để hiểu ra cái điều anh đang muốn hiểu; thậm chí, tới phút đó Thuận vẫn chưa thể hiểu được mình chết vì cái gì?
Đối với một con người, còn có gì đau xót hơn thế nữa?
*
Mười giờ sáng hôm sau Thuận mới trở về, mệt mỏi, bơ phờ như người mất hồn. Anh cứ ngồi lì ra trên ghế, mặc cho chị Tám và Mai săn sóc. Một hồi lâu anh mới quay sang Mai nói nhỏ:
- Buôn Ma Thuột bị tiến công, có lẽ đã mất rồi.
Mai chợt bủn rủn chân tay:
- Sao?... Vậy thì… Anh Quang có sao không?
Thuận ngồi lặng lẽ một lúc mới đáp:
- Có trời mà biết được. Một phi công trực thăng mới bay trợ chiến ở trỏng về cho biết Quân giải phóng đã chiếm được những nơi trọng yếu của thị xã và đang tiến công căn cứ sư đoàn 23.
Mai thảng thốt kêu lên:
- Chỗ anh Quang!
Thuận gật đầu xác nhận:
- Phải, chỗ đó! Cả quân đoàn 2 đang choáng váng vì đòn tiến công bất thần đó.
Mai giận dữ hét lên:
- Sao lại bất thần? Anh Quang đã đoán trước. Đã…
Thuận chợt cất tiếng cười, khô khốc:
- Anh Quang! Anh Quang cô thì là cái thứ cóc khô gì… cả một lũ tướng tá lốc nhốc còn mù tịt, còn bất lực nữa là…
- Thế còn anh Quang?
Trong ánh mắt Thuận lại lóe lên những tia sắc lạnh đến rợn người.
- Ông Quang à? Hứ… khỏi lo. Ổng sẽ chết…như một người hùng của thế giới tự do.
Chợt hiểu rằng điều mình vừa nói đã khiến Mai hoảng sợ, anh vội vàng hạ giọng, an ủi:
- Tôi nói vậy chứ chết cũng khó lắm, cô Mai ạ. Có thể anh Quang sẽ bị bắt làm tù binh. Nếu vậy thì thật may mắn cho ảnh.
Im lặng một lúc lâu. Không khí trong nhà như đã nhuốm màu tang tóc. Thuận vẫn ngồi lầm lì như một tảng đá, điếu thuốc trên môi anh lập bập, khói phun mù mịt, gương mặt u uẩn của anh ẩn hiện, xa xăm. Hồi lâu anh nói:
- Cô Mai ạ, máy bay của tôi cũng đã bị cháy. Phải, chính cái máy bay mà cô đã bay từ Sài Gòn lên cái vùng khói lửa này ấy. Nó tiêu ma rồi. Người ta đã chuyển tôi sang môt phi đội máy bay chiến đấu A.37 vì hiện nay đang thiếu người lái. Có thể chiều nay tôi sẽ bay đi Buôn Ma Thuột, ném bom vào một chỗ nào đó mà người ta sẽ chỉ cho tôi, để chi viện cho những người đang cầm cự một cách tuyệt vọng ở đó. Cố nhiên, bây giờ người ta không thể làm gì hơn
Mai lo lắng hỏi:
- Anh đi… ném bom! Vậy, có nguy hiểm lắm không?
Thuận cười,chua chát:
- Biết nói sao? Mình dội bom xuống đầu họ thì họ phải tìm cách xả đạn vào đầu mình. Đó là quy luật của chiến tranh mà. Nếu tôi có chết cô cứ bám riết lấy anh Minh và chị Tám, anh chị đây sẽ tìm cách đưa cô về Sài Gòn an toàn.
Mai nhìn Thuận rồi nhìn chị Tám đầy vẻ hoang mang. Sao người ta ở đây nói đến cái chết với vẻ thờ ơ như vậy? Chẳng lẽ tính mạng con người rẻ rúng đến vậy hay sao? Còn cô, sao chưa bao giờ cô nghĩ rằng mình cũng có thể trúng một viên đạn. Có thể như vậy lắm chứ. Có lẽ, cho đến tận phút này cô vẫn cảm thấy mình còn là người ngoài cuộc, chính mình cũng đang là nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc này.
Chị Tám mang rượu và mực nướng lên. Thuận vừa xé mực ăn vừa nhấm nháp ly rượu. Mắt Thuận nhìn ở tận đâu đó xa hút. Dường như lúc này anh quên tất cả rồi. Quên cả cái chuyện Quang định làm mai cho anh lấy cô em gái đang ngồi kia làm vợ. Quên cả bầu trời ám khói chiến tranh; quên cả chính mình nữa. Có cái gì đáng để cho anh nhớ chăng? Phải, nếu có thì cái đó ở xa lắm, từ thủa anh còn là cậu bé kháu khỉnh, nghịch ngợm, chuyên gây gổ, đánh lộn để rồi về nhà với cái trán sưng vù, cho má vừa khóc vừa lấy dầu xoa lên vết đau đó. Còn bây giờ, những cái bây giờ sao mà mờ nhạt, vô vị đến thế? Cả tình yêu mà anh dành cho Mai cũng nhạt nhẽo, vô vị như vậy. Thật may mắn vì anh chưa nói gì với Mai. Nếu anh nói ra. Mai nhận lời thì một mai anh chết, Mai sẽ đau khổ; Mai không nhận lời thì cho đến khi chết anh vẫn còn mang mối hận tình. “Tốt quá! Mình chưa nói gì cả và như vậy nếu mình có chết thì cũng chẳng có gì phải ân hận. Không đúng! Mình có nhiều điều phải ân hận chứ. Trong đó điều ân hận lớn nhất là mình đã phó thác cuộc đời mình, tuổi trẻ mình cho một cái gì đó rất vô nghĩa nhưng cũng rất bẩn thỉu. Phải, bẩn thỉu quá, ghê tởm quá! Bẩn thỉu và ghê tởm tới mức không ít người như mình, nhận ra sự bẩn thỉu, ghê tởm ấy mà không tìm cách thoát ra được”.
Thuận vừa ngồi nhấm nháp vừa tự vấn mình, hơi men càng bốc lên, đầu óc anh càng nhằng nhịt những ý nghĩ, những câu hỏi, những câu trả lời. Nhưng… cũng đến lúc phải đứng lên, trở về với thực tại. Hà! … Cuối cùng cũng chẳng có gì khác hơn là trở về với thực tại. Chết chìm trong lòng nó. Anh đặt cái ly đánh cạch xuống bàn, đứng vụt dậy chụp mũ lên đầu rồi quay lại nói với chị Tám:
- Em đi nghen! Nếu rủi em có chết thì chị lo cho cô nhỏ này nhé.
Chị Tám la lên:
- Nói tầm bậy tầm bạ không hà.
Thuận không đáp, chỉ cười để chứng tỏ rằng mình tin vào những lời vừa nói. Rồi anh quay sang Mai, đặt tay lên vai cô, ân cần nói nhỏ:
- Anh đi nghe Mai! Nếu anh không trở về thì Mai hãy nhớ lấy những điều mà chúng mình đã nói với nhau ở sân bay Buôn Ma Thuột. Còn, nếu anh trở về thì sớm muộn anh cũng sẽ hiểu ra cái điều mà chúng ta chưa hiểu nổi…
… Và Thuận ra đi. Mai thấy có cái gì nghèn nghẹn nơi cổ. Phút ấy, nếu Thuận quay lại, đến bên cô, có lẽ cô sẽ không ngăn nổi mình, sẽ ôm lấy Thuận mà hôn, mặc dù cô không yêu Thuận. Cô thấy thương anh, thương số phận của anh vô cùng. Khi cái bóng cao lớn của Thuận đã đi khuất, Mai chợt có linh cảm rằng từ nay mình sẽ mất một nơi nương tựa vững chắc nhất, tin tưởng nhất.
Lại có tiếng đại bác rít trên đầu. Chị Tám hốt hoảng dắt tay Mai lôi vào hầm trú ẩn. Tiếng pháo nổ mỗi lúc một dữ dội. Hai người đàn bà nép vào nhau khẽ thở dài.
Cái điều Mai linh cảm thấy khi tiễn Thuận ra phi trường chiều hôm qua đã trở thành sự thật. Thuận đã ra đi và không bao giờ trở về nữa.
Sáng hôm sau, Mai và chị Tám đang ngồi nghe Minh kể về tình hình Buôn Ma Thuột thì một trung úy phi công từ ngoài bước vào. Sau khi chào mọi người, anh ta hướng về Mai hỏi:
- Xin lỗi, cô có phải là cô Thanh Mai không ạ?
Biết có tin chẳng lành. Mai đứng bật dậy, mặt tái nhợt đi:
- Vâng, tôi là Thanh Mai, có chuyện gì vậy ông?
Người sĩ quan không quân ngập ngừng giây lát rồi nói:
- Dạ thưa… Tôi được ủy thác tới báo tin… đại úy phi công Huỳnh Thuận đã bị các lực lượng phòng không của Quân giải phóng bắn hạ!
Mai lao tới ôm lấy chị Tám:
- Trời! Chị ơi… Anh Thuận!
Hai chị em ôm lấy nhau mà khóc. Mai cũng không hiểu sao mình lại đau xót thực sự như vậy. Thì ra Thuận vẫn gần gũi với cô hơn cô vẫn thường nghĩ.
Cô xót xa cho cuộc đời anh, một cuộc đời đầy u uất, trắc ẩn. Anh chết cũng tự nhiên như anh đã sống. Tựa hồ, anh biết mình sẽ chết mà không sao tránh nổi cái chết.
Chị Tám vừa khóc vừa kể lể gì đó. Hình như chị đang kể về gia đình Thuận. Đó là một người đàn bà bất hạnh. Sinh Thuận xong bà lâm bịnh và sau đó tuyệt đường sinh nở, người mỗi ngày một cằn cỗi. Ba Thuận lấy vợ hai và từ đó ông ta quên luôn rằng mình đã có một người vợ cả đang đau khổ vì bệnh tật. Thuận lớn lên trong một gia đình như vậy. Tuy vẫn được cha nuôi nấng, cho học hành, nhưng cuộc đời của mẹ anh, anh đã sớm nhìn thấy cảnh đời đen bạc.
Mai tự hỏi: “cuộc đời anh có thể khác đi được không?”. Nhưng làm sao mà trả lời được câu hỏi ấy, khi chính cô cũng không hiểu rẳng, rồi đây, cuộc đời mình có thể khác đi được không?
Anh trung úy phi công nói lí nhí mấy câu gì đó. Hình như anh an ủi Mai và chị Tám rồi vội vã quay gót. Còn Minh, anh cũng chẳng biết nên an ủi vợ và Mai câu gì. Họ khóc cho người chết và cũng khóc luôn cho số phận của những người đang sống. Mai khóc Thuận và cũng là khóc Quang. Vợ anh khóc cho em họ và cũng là khóc chồng. Đồng thời, họ cũng đang than khóc cho số phận của họ nữa.
Mặc cho hai người đàn bà nỉ non than khóc, Minh lững thững bước ra khỏi nhà, đứng nhìn về phía sân bay. ở đó, những đám cháy vẫn bốc lên dữ dội, khói đùn lên đen trời. Đó, sức mạnh của họ là như vậy đấy! Anh không hiểu, không hình dung nổi đối phương đã lấy đâu ra lực lượng để vừa giương đông vừa kích tây. Họ ép Plây Cu tưởng tắt thở, tưởng chỉ ngày một ngày hai sẽ đánh chiếm thị xã này, ai ngờ họ lai bất thần úp Buôn Ma Thuột. Toàn bộ lực lượng của sư đoàn 23 và phần lớn các liên đoàn biệt động tinh nhuệ đã được tung đi giải tỏa, nhưng vô hiệu. Cả cao nguyên có nguy cơ mất trắng, nếu Việt Cộng đánh tiêp Plây Cu hay Công Tum nữa thì quân đoàn 2 còn đâu lực lượng mà chống đỡ. Các lực lượng dự bị chiến lược của bộ tổng tham mưu cũng bị chia năm xẻ bảy và bị chôn chân khắp nơi rồi. Tình hình này cũng đừng trông mong gì ở bọn Mỹ. Chúng đang đứng ngoài nhìn xem liệu ta có đứng được hay không, hễ ta xuống thế là chúng phủi tay liền, bản chất của bọn Mỹ là như vậy.
Tình hình có thể còn xấu đi rất nhiều, rất nhanh. Anh cảm thấy mình cần phải có biện pháp nào đó để thu xếp cho Mai và vợ mình lánh trước đi. Tốt nhất nên để cho họ về Nha Trang trước, như vậy anh đỡ vướng bận, đỡ lo lắng hơn. Nghĩ vậy anh vội vã bước vào nhà.
Cả hai chị em đã thôi khóc, mỗi người ngồi một nơi, mặt mày ủ dột, não nề. Anh tiến lại, đặt tay lên vai Mai nhẹ nhàng an ủi:
- Đừng buồn nữa em. Anh chẳng biết an ủi em ra sao cả. Trong lúc này có bao nhiêu điều bất hạnh, chúng ta làm sao mà đủ nước mắt để khóc tất cả những điều đó. Phải có nghị lực, phải bình tĩnh để mà vượt qua, em ạ.
Mai ngước nhìn Minh bằng đôi mắt biết ơn. Cô biết, anh muốn nói nhiều hơn tất cả những điều anh đã nói. Chợt anh thở dài, hỏi:
- Em với thuận… thế nào rồi?
Mai khẽ lắc đầu:
- Không… có gì đâu anh. Nhưng… chính vì thế mà em thương anh Thuận hơn. Anh là một người tốt, ngay thẳng, chính trực mà …chết…
Nói tới đó nước mắt cô tự nhiên lại trào ra. Không muốn kéo dài cảnh đó, Minh quay sang bảo vợ:
- Em này, anh tính vầy có được không? Tình hình ở đây căng lắm, e rằng rồi đến lượt Plây cu cũng bị tiến công. Anh tính thu xếp để em và Mai về Nha Trang trước đi!
Chị Tám giãy nảy:
- Không được! Em không thể bỏ mặc anh ở đây.
- Bộ em tính ở đây làm gì?
Chị Tám dằn dỗi:
- Em không thể bỏ anh ở đây một mình, vậy thôi. Cứ ở đây, chết bỏ!
Rồi, không để chồng tiếp tục thuyết phục, chị quay sang bảo Mai:
- Êm rồi, chị em mình ra phố mua cái gì… cúng cậu Thuận cho khỏi tội.
Mai ngoan ngoãn đứng dậy, tới trước gương sửa mình qua quýt rồi xách làn cùng chị Tám bước ra. Chị Tám liếc xéo về phía chồng một cái mà không chào, ra bộ mặt giận. Anh Minh đành bất lực, cười xòa cho qua chuyện.
Ra tới đường phố, Mai mới thấy rõ hơn tình cảnh chiến tranh. Dân phố kéo kín đặc các quầy bán gạo, dầu, chất đốt. Giá cả tăng vùn vụt. Dân chúng thì thầm kháo nhau về những chuyện bom đạn, chết chóc, bắt bớ về Quân giải phóng đánh nơi này nơi nọ. Có ngươi còn quả quyết rằng chỉ vài bữa nữa Quân giải phóng sẽ chiếm được cả Plây Cu và Công Tum.
Quầy vàng hương đông nghẹt. Nhiều thiếu phụ chít khăn tang, mắt đỏ hoe tới mua hàng. Bà bán vàng hương mập ú như một cái thùng tô nô, toe toét cười, đon đả mời khách. Mai chợt thấy khó chịu. Sao mụ ta lại cười được nhỉ? Có lẽ nhiều người chết nên mụ ta mừng vì hàng mắc?
Có tiếng la hét ở đầu phố. Rồi tiếng súng nổ. Đám người vô công rồi nghề ấy la lên oai oái, đạp nhau chạy tản ra, để rồi, chỉ một lát sau lại ùn ùn kéo tới. Một bà bán hàng rau tất tưởi chạy ra, mặt trắng như sáp, miệng ngọng líu:
- Li…ính biệt động… say rượu… Đánh lộn… chọi lựu…đạn… bắn súng… đạn…sạ…ạt màng… tang…
Ở một góc chợ, người phế binh hát rong vẫn đang phật phừng cây đàn ghi-ta cho đứa con gái ốm nhách, gân cổ ca mấy câu vọng cổ. Tiếng hát của em bé gái chưa vỡ giọng nghe the thé như tiếng kêu của một chim bị săn đuổi. Tiếng hát của em lạc lõng chìm nghỉm trong tiếng ồn ào của người xe, của những tiếng rao hàng.
Mai cúi đầu lặng lẽ đến bên cha con người phế binh rồi mở ví rút ra tờ giấy bạc một trăm bỏ vào chiếc mũ cói cáu bẩn của em bé. Em ngừng ca, ngước nhìn Mai bằng ánh mắt biết ơn của kẻ hèn mọn. Mai vội vã quay đi, trốn ánh mắt ấy, chậm một chút nữa có lẽ nước mắt cô lại trào ra.
Trong Cơn Gió Lốc Trong Cơn Gió Lốc - Khuất Quang Thụy Trong Cơn Gió Lốc