To read a book for the first time is to make an acquaintance with a new friend; to read it for a second time is to meet an old one.

Chinese Saying

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Tran Hoai Linh
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2986 / 46
Cập nhật: 2015-07-07 01:55:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hiều hôm ấy trung đội trưởng Mánh lên tiểu đoàn bộ chơi. Danh nghĩa là để thăm tiểu đoàn trưởng Nguyên, cháu ruột anh, nhưng thực ra là để làm nhiệm vụ “dò la tin tức” mà anh em trong đại đội gợi ý.
Tin chiến thắng từ khắp nơi truyền về khiến mọi người xôn xao. Người ta bắt đầu thấy rằng hình như tiểu đoàn mình bị “bỏ quên”. Ở các tiểu đội, không ngày nào là không xảy ra những cuộc tranh cãi kịch liệt. Lính ta sôi lên sùng sục vì bị chôn chân ở điểm cao này, trong khi các đơn vị bạn đang tung hoành ngang dọc.
Sau mấy câu thăm hỏi lấy lệ, Mánh đi thẳng vào vấn đề:
- Mày thử hỏi lại trung đoàn xem thế nào chứ Nguyên. Chẳng lẽ tiểu đoàn mình cứ nằm bẹp ở đây mãi?
Nguyên vẫn cắm cúi ghi chép, anh biết chú lên gặp mình cũng chỉ vì chuyện ấy:
- Chú sốt ruột lắm hả?
- Cả tiểu đoàn chứ riêng gì tao.
Nguyên ngẩng lên lườm chú:
- Sao chú vơ đũa cả nắm thế. Ban chỉ huy tiểu đoàn vẫn bình tĩnh lắm.
- Nói phét! Dễ mày chỉ muốn ngồi đây mà ôm lấy mấy cái núi đá.
Nguyên khẽ lắc đầu cười. Lúc này, nếu có một người lạ nào đến, hẳn họ không thể ngờ người thanh niên trẻ đó lại là cấp trên của người đã cứng tuổi, có gương mặt dày dan gió sương kia. Con người dày dạn ấy, con người đã sống đến nửa phần thời gian mà một con người có thể tồn tại trên mặt đất ấy, mà lại “thưa thủ trưởng…”, “báo cáo thủ trưởng…” với cái anh chàng mặt còn non choẹt kia, coi sao được? Mà anh ta lại trắng trẻo quá, đẹp trai đến mức có thể nghi ngại nữa. Theo xét đoán thường tình của người đời, những anh chàng có bộ mã như thế thường là “trói gà không chặt”, chứ làm nên công trạng gì. Nhưng nếu anh ta ra trận thì tình hình lại khác. Anh sẽ gặp không ít những cảnh có vẻ trái khoáy như thế, nhưng anh không ngạc nhiên. Anh cán bộ trẻ ngồi bên chiếc máy điện thoại, mắt đăm đăm nhìn lên cửa đột phá. Anh cán bộ cấp dưới của anh, có khi nhiều tuổi gấp rưỡi anh, chỉ huy đội bộc phá mở cửa nằm bên cạnh mắt cũng đăm đăm nhìn lên cửa bộc phá. Bỗng đôi mắt anh cán bộ trẻ sáng rực lên, anh khoát tay ra một mệnh lệnh đanh gọn “Mở cửa!”. Anh đội trưởng bộc phá mở cửa hơi nghi ngại “có sớm quá không đồng chí?”. “Không sớm đâu, pháo sắp chuyển làn, phải mở cửa thật nhanh để khi pháo bắn vào trung tâm, xung kích đã có thể đánh chiếm đầu cầu”. Và trận đánh đã diễn ra đúng như anh tính toán. Pháo vừa chuyển làn thì cửa đột phá đã thông, địch chưa kịp ngóc đầu lên, xung kích đã ập tới, tung lựu đạn, thủ pháo, xỉa AK vào các hầm cố thủ. Hay một trường hợp khác – Anh cán bộ trẻ dẫn trung đội hoặc đại đội của anh cán bộ nhiều tuổi đến một khu vực và bảo: “sao các đồng chí bố trí dọc theo triền đồi thế này”, “ Sao lại bố trí ở đây, gần chân dốc quá?” “Chính thế! Này nhé, xe tăng địch từ trên đèo lao xuống sẽ phải lượn một vòng cua (anh vẽ xuống đất một vòng cung tròn và kẻ một đường tiếp tuyến), đang ở đà lao xuống dốc, chúng nó rất khó ngoặt thẳng vào trận địa các anh mà chỉ còn cách dừng lại quay ngang xe mới dùng pháo được, như thế B.40, B.41 của các anh có thể diệt nó ngay từ mép đường”…
Chỉ khi nào được chứng kiến những trường hợp như thế chúng ta mới hiểu được cặn kẽ và có cơ sở những hiện tượng “trẻ” chỉ huy “già” như hiện tượng của chú cháu Mánh. Còn những lúc bình thường, quả thật, mỗi khi nhìn thấy một anh cán bộ trẻ, mặt còn non choẹt, ra lệnh hay căn vặn cán bộ cấp dưới nhiều tuổi hơn mình ta thường cảm thấy nó cồm cộm thế nào ấy.
Trường hợp của chú cháu Mánh chỉ là một trong hàng trăm trường hợp mà chúng ta vẫn thường gặp ở các đơn vị. Nguyên vừa trưởng thành đã rời mái trường vào bộ đội. Nguyên vừa trưởng thành đã rời mái trường vào bộ đội. Hai mươi bốn tuổi đời nhưng anh đã có bảy năm cầm súng. Khi Nguyên đi bộ đội thì chú Mánh hãy còn là tổ trưởng tổ mộc của hợp tác xã, với cái bút chì lúc nào cũng dắt ở vành tai. Năm 1970, trước khi vào “Bê dài”, anh được đơn vị cho ghé thăm nhà. Vừa xuống xe ở Bến Vạng, khoác ba lô đi bộ được một quãng thì thấy một chiếc máy kéo “Công Nông” bì bạch đi tới. Anh bỗng sững người khi nhận ra chú ruột của mình mặc bộ quần áo bảo hộ lao động lấm lem dầu mỡ, đội một chiếc mũ nan rộng vành, ngồi ngất nghểu trên ghế lái. Nguyên vội vàng vẫy mũ hét toáng lên:
- Chú Mánh! Chú Mánh!....
Chú Mánh vội dừng xe, ngẩn mặt ra giây lát mới nhận ra cháu mình. Chú vội nhảy xuống, chạy ào tới, ôm choàng lấy Nguyên:
- Thằng trời đánh! Tưởng ai. Sao mà lớn ngồng rồi thế này?
Rồi chú giằng lấy ba lô của Nguyên, quẳng lên thùng xe và nháy mắt, cười:
- Mày thấy chú mày có cừ không? Tay lái vững nhất xã đấy nhé! Thôi lên xe tao kéo về.
Nguyên vội lắc đầu:
- Cháu chịu! Ai lại ngồi thế này, ngượng chết!
- Á à!... Mày chê xe “Công Nông” kém tư thế hả? Phải rồi, đại đội trưởng rồi mà. Người ta ngồi “com-măng-ca” chứ ai thèm ngồi thùng xe “Công Nông”!
Nguyên sung sướng cãi lại:
- Ai bảo cháu đã là đại đội trưởng? Mới phụ trách đại đội tạm thời thôi, chú ạ!
- Lắm chuyện! Phụ trách hay không phụ trách thì mày cũng đã chỉ huy đại đội rồi. Mày tưởng ở nhà không ai biết mày đánh đấm ra sao đấy phỏng? Thằng Tĩnh con nhà ông Yên xóm Thượng, bị thương về điều trị ở Hà Nội kể hết. Thôi, lên xe đi!
Nguyên giãy nảy:
- Đã bảo cháu không đi xe chú mà lại!
Chú Mánh phủi tay:
- Thôi, mặc xác mày. Không đi xe thì cuốc bộ mà ngắm cảnh cho sướng mắt.
Nói thế nhưng chú còn đứng đó kể huyên thuyên đủ mọi chuyện một lúc lâu mới chịu lên xe. Nguyên đứng ngẩn ra bên đường, nhìn theo mãi cho đến khi chiếc xe của chú mình khuất hẳn sau rặng điền thanh ở đầu lối rẽ vào làng anh mới chậm rãi vừa đi bộ vừa say sưa ngắm cảnh đồng quê, hít thở bầu không khí quen thuộc của quê hương.
Mấy ngày ở nhà anh lại phát hiện thêm nhiều điều mới mẻ ở người chú ruột. Chú nhanh nhẹn hơn, khỏe hơn và làm việc “khoa học” hơn cái hồi còn làm thợ mộc. Đầu giường chú vất ngổn ngang dăm ba cuốn sách về nguyên lý cấu tạo các loại máy kéo, máy nổ, sách dạy nuôi lợn, trồng khoai tây, cà chua v.v… Một hôm, Nguyên còn tìm thấy cả một cuốn “Con đường dẫn đến tài năng” kể về cuộc đời các nhà bác học trên thế giới. Thấy Nguyên tỏ vẻ ngạc nhiên, chú mỉm cười, giải thích “Đọc cho biết thôi mà cháu. Chú có mơ ước trở thành bác học đâu!”. Tất cả những sách vở, bản vẽ, đến sắp đặt nhà cửa, cách nói năng chuyện trò, phương pháp làm ăn... đều chứng tỏ rằng chú anh đang “đổi mới”.
Chú yêu xe, yêu máy móc lạ lùng. Có thể nói chú mê xe, mê máy như mê gái. Chỉ trừ những bữa ăn và buổi tối, còn lúc nào cũng thấy chú ở bên chiếc xe “Công Nông”. Hết lau chùi, cho dầu mỡ, vặn ra vặn vào lại loay hoay sửa nhà chứa xe. Hễ thấy Nguyên đi qua là chú lại gọi vào bằng được và bắt đầu “mở máy”:
- Anh nông dân bây giờ khác xa ngày xưa lắm cháu ạ - Chú nói – Bố mẹ cháu ấy, mới ngày nào còn è cổ ra kéo cày ở ngoài đồng Vạng. Đến những thằng địa chủ giàu sụ, ruộng thẳng cánh cò bay cũng chẳng dám mơ đến chuyện xe cộ, máy móc nữa là anh nông dân. Cả cái xã này có mỗi thằng chánh. Nhưng tậu được một cái xe đạp cho con trai nó đi học trên tỉnh. Mỗi khi nghe tiếng chuông xe đạp của nó kêu kính cong ngoài đầu làng mọi người phải dạt ra hai bên đường. Bọn chú hồi đó còn nhỏ cứ lồng ngồng chạy theo xe nó cho đến khi mệt bở hơi tai mới chịu thôi. Có bận, nó đang đi nhanh bỗng chơi ác, phanh gấp lại một cái, nhiều đứa ngã dập mày dập mặt ra ấy chứ. Hồi ấy chú nghĩ rằng, có lẽ suốt đời mình không được đặt đít lên cái yên xe đạp bao giờ. Hà … hà! Vậy mà sự đời cũng hay, cầu được ước thấy. Hồi xe “Thống Nhất” mới ra những loạt đầu, chú liều lĩnh dấu thím mày, dắt con nghé lên chợ tỉnh bán rồi tậu luôn một cái xe. Buồn cười, mua được xe rồi mà không biết đi có nhục không cơ chứ! Vậy là phải dắt bộ từ trên tỉnh về, nghĩ lại mà buồn cười. Nhưng cái sự đời, được miếng tiết lại muốn biết miếng dồi. Có lúc chú đã nghĩ: “cứ đà này rồi mình biết lái cả ô tô cũng nên”. Hà hà… Nghĩ bậy thế thôi, chứ ai ngờ rồi chú lái ô tô thật. “Công Nông” cũng là một thứ “cơ giới nhẹ” chứ sao! Hả? Khi hợp tác xã chuẩn bị nhận máy kéo, cử người đi học lái xe là chú xung phong luôn! Cũng trầy trật ra phết đấy chứ cháu tưởng ngon à? Văn hóa của chú thấp quá, ban quản trị họ không nhận. Cậy cục, xin xỏ mãi, các ông ấy thấy mình nhiệt tình quá nên cho đi thôi chứ chẳng mấy ai tin chú học nổi. Chú bỏ tổ mộc sang tổ máy nhiều người chê chú là dại. Hà hà… kể làm cái anh thợ mộc có nhàn nhã hơn thật. Làm hết việc hợp tác thì nhận khoán nhà cửa, giường tủ của bà con xã viên, rỗi rãi lại có thể đi đây đi đó làm ngoài, mỗi ngày cơm rượu hai bữa rồi bỏ rẻ cũng được dăm đồng bạc đút túi nữa. Vì thế, nên những ngày chú mới rời cái cưa cái đục đi học lái máy kéo, thím mày cũng mặt nặng mày nhẹ mãi đấy chứ.
Chú Mánh của anh là như vậy. Nguyên ngạc nhiên khi nhìn thấy chú mình mặc bộ đồ công nhân lái máy kéo bao nhiêu thì cũng lại sững sờ bấy nhiêu khi gặp chú mình trong bộ đồ giải phóng quân. Chú lại như “lột xác” một lần nữa. Hôm trung đoàn tổ chức hội nghị “Những trận đánh hay, những người đánh giỏi”, ngồi dưới hàng ghế đại biểu, Nguyên đã rưng rưng nước mắt khi chú anh bước lên diễn đàn. Vẫn bằng cái giọng gồ ghề, chân chất nhưng rất đỗi say sưa như hôm nào kể về công việc thợ thuyền, đồng áng của mình, chú trình bày trước hội nghị những trận đánh xuất sắc của trung đội chú, một trung đội có tác phong đánh nhanh, diệt gọn, đặc biệt giỏi khi đảm nhiệm nhiệm vụ của một mũi thọc sâu nên đã được mang danh hiệu “Trung đội gió lốc”.
Con đường đi lên của chú dường như chẳng có gì đặc biệt. Chú chỉ là một người nông dân đã biết biến đổi mình, nghĩa là biết tự vượt lên những hạn chế của giai cấp mình để theo kịp trào lưu chung của cách mạng, theo kịp giai cấp tiên phong. Từ một người nông dân cũ, chú trở thành một người nông dân mới rồi trở thành người chiến sỹ giải phóng. Đến mùa xuân năm 1973, giữa những ngày cả nước tưng bừng phấn khởi vì hiệp định Pa-ri vừa ký kết thì người chú ruột thân yêu của anh đã được kết nạp vào Đảng.
Hôm đó Nguyên cũng có mặt. Anh đã khóc khi nhìn thấy chú mình nghiêm trang đứng trước cờ Đảng, giơ nắm tay gân guốc lên ngang đầu, run run đọc những lời tuyên thệ.
Ở ban chỉ huy tiểu đoàn về, Mánh phải đi qua cái khe duy nhất còn nước của dãy điểm cao. Khi đi anh đã chuẩn bị một chiếc túi ni lông màu xanh, loại túi mà các đơn vị vận tải vẫn dùng để thả trôi các bì gạo trên những con sông, con suối, một hình thức vận tải sáng tạo trong những ngày địch đánh phá dữ dội các tuyến đường giao thông. Năm ngoái, đơn vị đã trang bị đủ cho mỗi chiến sỹ một chiếc. Vừa để gói quần áo vừa để chứa nước, hoặc làm phao bơi mỗi khi vượt sông. Ấy thế mà cả trung đội chỉ còn độc một chiếc túi của trung đội trưởng Mánh là chưa bị thủng. Cánh lính trẻ không biết lo xa, đi lấy gạo, lấy sắn, bọn nó cũng mang lót ba lô để khỏi phải giặt. Vào chiến dịch, đơn vị được phân công chốt giữ điểm cao cho lấy một tháng, xa nguồn nước là các cha biết nhau ngay. Làm cái anh lính ở chiến trường mà không biết chắt chiu thì có phen còn nhịn đói ấy chứ. Lắm đứa tuềnh toàng tới cái mức không còn lấy một mẩu của cái bao gạo. Hễ được phân công đi công tác là nháo cả lên rồi xúm lại kêu với trung đội trưởng: “Chú Mánh! Cháu không không có cái gì đựng gạo, làm thế nào?”, “Ngửa áo ra mà đựng!”. Quát thế nhưng cuối cùng bao giờ Mánh cũng phải mở ba lô lấy những cái bao gạo rách của bọn chúng vứt đi anh đã nhặt về, vá lại đem cho chúng nó dùng. Nếu không, chúng nó dám cởi áo ra gói gạo thật chứ chẳng chơi.
Mánh dừng lại bên khe nước, lấy khăn mặt ra rửa mặt rồi mở chiếc túi ni lông, dùng mũ múc nước đổ vào. Được lưng chừng túi, anh xoắn miệng túi lại, vác lên vai rồi đi ngược lên dốc. Nước rỉ ra áo, thấm vào người anh lành lạnh.
- Chà, thủng rồi… - Mánh lẩm bẩm – Mấy thằng nỡm đi lấy nước chiều qua đây mà. Thế có đáng tế cho chúng nó một mẻ không cơ chứ!
Mánh vừa lẩm bẩm rủa thầm “mấy cái thằng làm ăn hậu đậu” vừa lom khom vác bao nước ngược lên đồi. Bỗng như một trận gió, một tốp máy bay lên thẳng ầm ĩ lao tới, tiếng động cơ rít lên ken két. Mánh nép vội vào một bụi cây nhìn lên. Anh nhận ra trong tốp máy bay có cả một chiếc “tàu quạt”. Chúng nó sắp giở trò gì đây? Hay vị trí trú quân bị lộ? Tốp máy bay mỗi lúc một hạ độ cao, có lúc tưởng như chúng trượt bụng trên những vạt rừng. Tiếng động cơ rít đến nhức màng tai.
Reng reng … reng … ào
Reng reng … reng … ào
Phù … ụp!
Mánh nằm ép mình xuống đất, vô ý, anh buông bàn tay tóm miệng túi, nước đổ òa trên lưng. Cáu tiết, mánh bật ngửa lên, vung nắm đấm lên trời:
- Tiên sư mày! Có thấy con c… tao đây này!
Rồi anh lồm cồm bò dậy vừa nhìn lên trời đoán hướng bay của chiếc “tàu quạt”, vừa lao từ bụi cây này sang bụi cây khác, tay vẫn nắm chặt chiếc túi còn lọp bọp những nước.
Vượt qua một quãng trống nữa, Mánh về tới kiềng của đại đội. Đại đội trưởng Quảng đứng nép bên một gốc cây quan sát máy bay, thoáng thấy bóng người chạy, anh liền quát:
- Đi đâu mà lộn xộn thế?
Mánh vội lên tiếng:
- Tôi đây, mánh đây mà.
- Anh Mánh hả? Anh về nắm trung đội của anh đi. Sẵn sàng đánh địch đổ bộ nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật.
Mánh chạy vội về khu vực trú quân của trung đội mình. Thấy Ổn còn đứng trên mặt đất, tay lăm lăm khẩu AK, anh liền quát:
- Xuống hầm ngay!
Ổn chỉ tay lên trời.
- Nó bay thấp quá, chỉ một loạt…
- Liệu hồn! – Mánh đe – Nổ súng bây giờ thì mất đầu cả lũ.
Mánh chạy về hầm của mình, trung đội phó Đạt cũng đã nai nịt gọn gàng đứng bên cửa hầm. Thấy Mánh về anh vội hỏi:
- Lộ sao thế, anh Mánh?
Mánh lắc đầu:
- Chưa rõ. Thông báo cho các tiểu đội sẵn sàng chiến đấu chưa?
- Rồi!
- Nó mà nhảy xuống đây thì phiền lắm đấy.
- Nhảy thì đánh, gì mà phiền.
- Đánh! Nhưng ăn thua mẹ gì. Nó có nhảy thì cũng chỉ vài mống mà lộ cha nó cả thế trận.
Mánh nhảy xuống hầm lấy bao đồ thắt vào lưng. Lúc này Đạt mới nhận thấy quần áo Mánh ướt nhèm, liền cười hỏi:
- Anh nhảy xuống suối đấy à?
- Đâu – Mánh nhăn nhó – Tại cái túi nước chết toi này đấy chứ!
Bỗng ạch … oành... ạch… oành!...
Đạt xô vội Mánh vào trong hầm:
- Nó phóng cối đấy!
Ạch… oành… ạch… oành!
Những tiếng “oành” chát chúa như nổ ngay trên nóc hầm. Đạt lo lắng nhìn Mánh:
- Khu vực mình rồi!
Mánh chợt nhớ đến Ổn, anh vội ra cửa hầm nhô đầu lên hỏi:
- Có ai việc gì không?
Không nghe tiếng trả lời. Anh định vọt lên khỏi hầm chạy đi thì đồng chí liên lạc đại đội luồn rừng chạy đến, thở hổn hển:
- Chú Mánh! Đại đội ra lệnh tuyệt đối giữ bí mật. Kiềng vẫn chưa bị lộ.
Mánh lẩm bẩm: “Vậy mà chúng nó làm dữ thế!”
Tốp máy bay lên thẳng lại xẹt qua, xối xuống từng tràng đại liên. Chúng càng giận dữ, điên cuồng bao nhiêu thì mặt đất càng trơ lì, gan góc bấy nhiêu. Chúng đợi một vài loạt súng hồ đồ bắn trả, nhưng núi rừng vẫn thờ ơ, bắt buộc chúng phải tin rằng chúng đang “đấm” vào một chỗ không người. Ầm ĩ. Náo nhiệt một lúc, lũ máy bay lần lượt kéo nhau chuồn thẳng. Bầu trời lại quang đãng, không gian bỗng lắng hẳn xuống và tiếng ve rừng lại trỗi ran lên dưới thung lũng.
Mánh cởi áo, vắt kiệt nước rồi phơi lên sợi dây rừng dưới một lùm cây nhỏ. Trung đội phó Đạt mở ba lô lấy cho Mánh chiếc áo khác, anh cầm cổ áo giũ một hồi:
- Khiếp! Áo với xống! Toàn mùi thuốc lào!
Mánh chậc lưỡi
- Già rồi! Diện với ai mà cậu bảo phải thơm tho?
- Thì cũng phải cho sạch sẽ một tí chứ! Mẹ đĩ mà ngửi thấy mùi thuốc lào ở áo anh cũng bỏ chạy xa ba cây số!
Mánh cười khì khì:
- Ấy! “Người yêu” của mình lại mê cái mùi ấy mới chết chứ. Hồi tớ về phép, trước khi đi chiến đấu, bà ấy bắt phải bỏ lại cái áo, bảo để đêm gối đầu cho con nó đỡ khóc. Tớ cho là cóc phải, bà ấy nhớ cái hơi của mình mà thôi!
Đạt chưa có vợ, anh không hiểu khi xa nhau, người vợ có nhớ chồng đến mức ấy không, chứ riêng với anh, nói thì nói vậy hễ Mánh đi vắng một đêm thì anh thấy trống trếnh làm sao ấy. Cái hầm cứ rộng hoác ra và anh trằn trọc khó ngủ. Không biết anh có nhớ cái hơi đẫm mùi thuốc lào của Mánh hay không, nhưng chắc chắn anh nhớ cái giọng thủ thỉ kể chuyện của Mánh. Mánh cứ rì rầm kể hết chuyện này sang chuyện khác. Lúc đầu anh cười đến phát ho sặc sụa lên, cười mãi mệt, anh nằm im và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đối với anh Mánh, Đạt cũng không giấu diếm chuyện gì, kể cả chuyện vui lẫn chuyện buồn. Mới đêm qua thôi, nằm trong căn hầm này, Đạt đã kể cho Mánh nghe về mối tình của mình. Anh còn bấm đèn pin đọc cho Mánh nghe lá thư gần đây nhất của Dung, lá thư mang đến cho anh một nỗi buồn vô hạn: Dung đã đi lấy chồng sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài trở về. Đọc đến đoạn Dung kể rằng: Dung đã khóc sưng cả mắt lên nhưng gia đình vẫn không nghe, vẫn ép Dung phải lấy một tay kỹ sư, cùng công tác ở phòng kỹ thuật của một nhà máy với anh trai Dung, thì Mánh bật dậy, phẫn nộ quát lên:
- Nói láo! Nó chẳng khóc lóc cái cóc khô gì đâu. Đồ bội bạc. Làm gì có cái chuyện ép duyên bịa đặt ấy.
Đạt sững sờ:
- Bịa đặt!... Anh cho rằng Dung không hề bị ép duyên?
- Không! Làm gì có chuyện ấy. Cậu không thấy lời lẽ của nó viết trơn như mỡ cả một lượt đấy à? Nghe thì lâm li đấy, nhưng chỉ là nước mắt cá sấu, cậu hiểu không? Đau khổ! Đau khổ mà nó còn viết nổi cho cậu tám trang giấy. Văn chương chữ nghĩa hay hớm chưa? Đem vào Sài Gòn mà đăng báo được đấy!
Nhận xét của Mánh khiến Đạt rụng rời. Anh như thấy trời đất đổ sụp quanh mình. Có thể như thế không? Lẽ nào một người con gái như Dung mà lại bội bạc, lừa dối? Nhưng quả thực Dung nhiều lời như thế. Lá thư dứt tình mà Dung viết trơn tru như đã chuẩn bị từng lời, từng chữ vậy. Lòng dạ đàn bà con gái, chả biết thế nào? Thề thốt, hứa hẹn như thế, nhưng biết đâu, sau khi đi học ở nước ngoài về, Dung chẳng tính toán khác đi. Cuộc sống thực bao giờ chẳng hấp dẫn hơn là ôm ấp một giấc mộng xa xôi?
Mối nghi ngờ mỗi ngày một lớn lên trong lòng Đạt. Chiều nay, khi anh Mánh lên tiểu đoàn, còn một mình trong hầm, Đạt mang tất cả những lá thư của Dung ra đọc lại. Nhận xét của Mánh đêm qua đã khiến đầu óc anh tỉnh táo hơn. Và quả thực, đọc đến lá thư cuối cùng thì anh cũng nhận ra sự giả dối, trắng trợn của nó. Căm giận tràn đầy, tim anh như thắt lại, anh vò nhàu nát tất cả những trang thư đó rồi châm lửa đốt. Nhìn ngọn lửa xanh lè cứ liếm dần những trang giấy bội bạc ấy, anh nhếch mép cười. Thế là hết! Từ nay anh sẽ không vướng bận gì cả. Sẽ không còn đau đáu chờ đợi một chuyến thư vào. Sẽ không còn những phút ngồi một mình mơ mộng và tủm tỉm cười mỗi khi nghĩ tới ngày gặp lại. Sẽ không còn gì cả. Tất cả đã tiêu tan như những tàn tro kia. Bây giờ anh chỉ còn chiến đấu. Chiến đấu và chiến đấu.
Mánh đã nhận ra điều đổi khác đó trong đôi mắt Đạt. Nó đang ngấm đòn. Nó sẽ đau khổ, nhưng rồi khi hiểu ra tất cả, nó sẽ bình tĩnh trở lại. Lúc đó sự khinh bỉ sẽ lấn át sự nuối tiếc. Nó sẽ thấy cái con trời đánh ấy chẳng có gì đáng để nó phải đau khổ nữa. Nhưng phải có thời gian, cái gì mà chẳng cần thời gian. Mong sao nó bình tĩnh lại được trước khi bước vào chiến đấu thực sự. Đối mặt với kẻ thù cần phải tỉnh táo, bởi vì dù là sự hi sinh cũng chỉ có sự hy sinh tỉnh táo mới có ích cho cuộc chiến đấu của chúng ta.
Trước khi lên đại đội hội ý và báo cáo tình hình trong ngày, Mánh ghé qua tiểu đội một. Tiểu đội trưởng Hưng ngồi bên cửa hầm, bàn chân vẫn quấn băng kín mít. Thấy anh đến, Hưng quẳng cho anh một đoạn gỗ:
- Ngồi xuống đây tí đã anh!
- Thôi, mình phải đi hội ý bây giờ. Chân đã đỡ chưa?
Hưng lắc đầu:
- Vẫn còn sưng, anh ạ! Chỗ bị dập chưa lên da non.
- Biết tay chưa? Làm ăn tiếu táo nó tai hại thế đấy!
Hưng nhăn nhó:
- Chỉ tại mấy ông tướng nghịch. Em đang ở dưới hầm vét đất, mấy thằng ôn con ở trên đùa nghịch đạp phải tảng đá to như cái ba lô vừa mới bẩy lên, thế là nó lăn ầm xuống… Anh không biết chứ, lúc đó em tưởng nát bét bàn chân.
Mánh cúi xuống, nâng bàn chân trái của Hưng lên xem rồi kết luận:
- Có lẽ phải đi viện, cậu ạ!
Hưng giãy nảy lên:
- Không! Mấy hôm là nó khỏi thôi mà!
Mánh lắc đầu:
- Không ổn. Lỡ mà có lệnh cơ động gấp thì làm sao?
Hưng quả quyết:
- Em đi được. Đây, em đi thử cho anh xem.
Hưng đứng bật dậy, định đi mấy bước cho trung đội trưởng xem, nhưng Mánh vội ấn vai Hưng xuống:
- Thôi, rởm vừa vừa chứ. Thế cho các anh biết thân.
Hưng ngồi xuống, đưa tay lên gãi gãi mái tóc xoăn đen mượt của mình rồi đột ngột ngẩng lên nhìn Mánh:
- Anh Mánh này… Em nói thật, anh đừng để em mắc khuyết điểm không phục tùng mệnh lệnh. Nếu đại đội bắt em đi viện là em cứ ì ra đấy.
Mánh trợn mắt:
- Ghê nhỉ! Anh dám thách thức với tổ chức cơ à? Trò đùa! Kỷ luật là kỷ luật. Đại đội ra lệnh anh không chấp hành mà được à?
Hưng nhăn nhó vẻ đau khổ:
- Nhưng anh nói với đại đội một tiếng. Khổ lắm! Ai muốn thế này làm gì cơ chứ?
Nhìn vẻ mặt Hưng trung đội trưởng Mánh suýt phì cười. Anh cũng hù cho Hưng sợ vậy thôi, chứ cũng chưa đến nỗi nào. Vừa lúc đó, Ổn hát nghêu ngao đi tới. Thấy trung đội trưởng, cậu ta lè lưỡi một cái rồi im bặt. Đợi cho Mánh đi khỏi, Ổn mới dám bước tới:
- Thế nào? Anh Hưng?
Hưng quắc mắt:
- Còn thế nào? Chúng mày làm khổ tao. Ông ấy đang định đuổi tao đi viện kia kìa.
Ổn tắc lưỡi:
- Ông ấy dọa chơi đấy!
Rồi Ổn nháy mắt, chỉ về phía đại đội:
- Để em lên “oa-tơ-ghết” xem sao?
Ổn nhe bộ răng sún ra cười rồi nhanh như sóc, nhảy qua những bụi ô rô tiến về phía hầm đại đội. Các trung đội trưởng đã đến đủ và đang báo cáo tình hình. Trung đội trưởng Mánh đến muộn, chính trị viên Thìn chỉ một khúc gỗ và bảo:
- Anh ngồi đây nghe luôn anh Mánh!
Rồi Thìn lại cười, hỏi:
- Chúng nó bảo lúc máy bay bắn cối, anh sợ quá chúi xuống suối nằm, đúng không?
Mánh cười khẩy:
- Nói láo! Thằng này coi mấy cái “chuồn chuồn” ấy ra cái gì.
Đại đội trưởng Quảng khích thêm:
- Không nhảy xuống khe sao thấy anh ướt như chuột thế?
- Hà hà… tại cái túi nước. Mẹ khỉ, mình vác nước trên vai, lúc chạy máy bay quên khuấy, buông tay ra. Thế là nó đổ ào ra, tưới từ đầu đến chân.
- Vậy là anh cũng có hoảng?
- Thì… đã sao? Tránh voi chẳng xấu mặt nào!
Đại đội trưởng Quảng nháy mắt cười rồi quay sang trung đội trưởng trung đội hai:
- Nào, báo cáo tiếp đi Lân. Quân số hai mươi lăm. Ốm một. Rồi! Tiếp tục! Vũ khí trang bị như cũ. Được, con số cụ thể tôi có rồi. Tình hình tư tưởng của bộ đội ra sao?
Lân suy nghĩ một lúc rồi tiếp tục báo cáo:
- Về tư tưởng của anh em thì chẳng có gì đặc biệt, chỉ có điều ai cũng sốt gan sốt ruột lắm rồi. Tình hình mặt trận càng phát triển thuận lợi, anh em càng sốt ruột. Họ liên tục chất vấn tôi tại sao đơn vị ta lại cứ ngồi ì ở cái xó này? Khó trả lời quá! Đã có lúc tôi nghĩ, có lẽ đại đội đừng nên thông báo tin chiến thắng dồn dập quá!
Chính trị viên Thìn lắc đầu:
- Thế anh cứ tưởng rằng cứ để anh em mù tịt, không biết gì đến tình hình diễn biến chung của chiến dịch thì họ yên tâm à? Không đâu! Anh em họ tinh lắm. Dù không thông báo thì bằng những kinh nghiệm riêng của mình, bằng sự nhạy cảm đặc biệt của người chiến sỹ, họ vẫn đo được nhịp độ phát triển của chiến dịch. Vấn đề là làm thế nào để anh em ta hiểu rằng, ta nằm đây cũng là đang nằm trong thế trận chung của chiến dịch, chứ không phải ta đang ở ngoài cuộc.
Trung đội trưởng Lân khẽ xua tay:
- Không ăn thua anh ạ. Tôi đã giải thích như thế nhưng anh em họ bảo rằng: “Anh nói thế thì nói chứ chính anh cũng sốt ruột bỏ cha nữa là tụi tôi”. Thì đúng như thế, biết làm sao? Tôi cũng xin thắc mắc, tại sao ta cứ chịu nằm bẹp ở đây trong khi các đơn vị bạn đang đánh ran lên xung quanh?
Mọi người cất tiếng cười vang. Đại đội trưởng Quảng quay sang chính trị viên Thìn:
- Tay Lân thế mà thâm. Nó nói thế là có ý bảo: “Ban chỉ huy đại đội có nói thánh nói tướng gì thì nói chứ chính các cha cũng đang sôi ruột lên chứ hơn gì anh em!”. Phải không ông Lân?
Trung đội trưởng Lân vội xua tay cải chính:
- Ấy chết! Các anh cứ suy diễn thế thì anh em hết nhờ.
- Vậy thì thế này – Thìn mỉm cười nhìn mọi người – chiều nay lên báo cáo tình hình ở tiểu đoàn mình cũng sẽ nói như vậy. Mình sẽ nói rằng chúng tôi cũng đã giải thích tình hình nhiệm vụ để anh em yên tâm, nhưng họ bảo: “Các thủ trưởng đại đội nói thế chứ chính các ông ấy cũng có yên tâm mà ngồi chờ đâu, các ông ấy cũng đang thắc mắc, có điều là cán bộ nên không tiện nói ra thôi”. Thế nào ông Khẩn, ông Nguyên cũng động lòng và bảo: mấy thằng nói thế khác nào nó nói kháy ban chỉ huy tiểu đoàn. Có phải các anh định nói rằng ban chỉ huy tiểu đoàn nói gì thì nói chứ cũng đang nhấp nhổm, cũng thắc mắc với trên um cả lên chứ hơn gì anh em. Cứ như vậy, dưới huých lên trên, sẽ tới sư đoàn cho mà xem…
Đại đội trưởng Quảng vột ngắt lời:
- Thôi! Lý sự tào lao mãi. Tóm lại là tất cả đều đang sốt ruột. Phải không? Cứ cho đánh mù trời như trung đoàn 4 là yên hết.
… Mới chỉ “oa-tơ-ghết” được đến đó, Ổn liền hớt hải chạy về. Một bộ sậu gồm Phùng, Kén, Lúa, Hải… đang ngồi chầu hẫu trước cửa hầm tiểu đội trưởng Hưng, hoa chân múa tay tán rào rào. Thấy Ổn về, mặt mũi tươi tỉnh, Hưng liền hỏi đón:
- Thế nào?
Ổn không trả lời ngay mà đứng chống nẹ, hỏi lại:
- Vậy thì các anh đang bàn luận cái gì mà ồn cả lên như chợ vỡ thế?
Cái giọng Quảng Bình của Kén chua như dấm nhung lại cố gắng gườm lại cho nó bè ra, vẻ quan trọng:
- “Bộ tư lệnh” đang họp, bàn tình hình chiến sự. Coi bộ ngán quá hè? Nằm dài, tay chân tớ đâm trắng bệch ra như bà đẻ rồi các cha này. Ăn rồi ngủ, ngủ rồi túm năm tụm ba tán róc, ớn quá rồi!
- Đấy đấy! - Ổn xua tay ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi tuyên bố - không phải chỉ cánh ta mà cả cán bộ trung đội, đại đội - Ổn hạ giọng xuống một chút, liếc xung quanh xem có ai nữa không rồi mới thì thào – Thậm chí cả tiểu đoàn nữa cũng đang thắc um lên kia kìa – rồi Ổn nhắc lại lời của đại đội trưởng – Tóm lại là tất cả đang sốt ruột phải không? Cứ cho đánh mù trời lên như trung đoàn 4 là xong hết.
Hưng hỏi tiếp:
- Thế còn việc của tớ?
Bấy giờ Ổn mới chợt nhớ ra:
- À… việc của anh… đại đội chưa bàn đến!
Hưng nhăn mặt:
- Chán bỏ mẹ! Cốt có việc ấy…
Lúa vỗ vai Hưng an ủi:
- Anh cứ yên trí. Không ai bắt anh đi viện lúc nước sôi lửa bỏng thế này đâu.
Kén hăng hái tuyên bố:
- Nếu đại đội lệnh cho anh phải về tuyến sau, chúng tôi sẽ kiến nghị…
Chỉ một lát sau, mọi người đã quên ngay cái chân đau của Hưng, quay sang bàn những chuyện khác. Thoạt đầu là chuyện trung đoàn 4 đánh Thuần Mẫn rồi chuyển qua tranh cãi xem ta có đánh Buôn Ma Thuật không? Thoắt cái đã ngắt sang sang chuyện săn nai ở Gia Lai đầu mùa mưa năm ngoái, chuyện con voi của binh trạm bỗng nhiên nổi giận kéo đổ tất cả nhà cửa của binh trạm bộ rồi chạy vào rừng… Tóm lại, toàn là những chuyện không đầu không cuối. Họ cứ ồn ào tranh cãi như vậy cho đến khi trung đội trưởng Mánh đi hội ý về, hét um lên:
- Trời ơi! Vón cục cả lại với nhau thế này à? Chiều nay nó đã gõ vào đầu rồi đấy các bố ạ. Nó mà cho một quả xuống đây rồi lại khiêng nhau không kịp.
Lính tráng im bặt, ngơ ngác nhìn nhau rồi vỗi vã tìm đường lỉnh ngay. Anh trung đội trưởng “lắm điều” đứng nhìn các chiễn sỹ của mình rồi lắc đầu ca cẩm:
- Đến mệt vì cái đám cứng đầu cứng cổ này. Chuyện ở đâu mà lắm thế không biết. Sểnh ra một tí là y như rằng…
Trong Cơn Gió Lốc Trong Cơn Gió Lốc - Khuất Quang Thụy Trong Cơn Gió Lốc