To read a book for the first time is to make an acquaintance with a new friend; to read it for a second time is to meet an old one.

Chinese Saying

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Đồng
Thể loại: Kiếm Hiệp
Upload bìa: Lê Thành Tâm
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1071 / 13
Cập nhật: 2016-03-03 14:07:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
ào ngày mùng tám tháng chín âm lịch, trước ngày lễ Song Cửu, Trần Thiếu gia về thăm nhà.
Tùng Liên đang ngồi trong nội hoa viên ngắm hoa cúc, thì trông thấy Dục Như và vài gia nhân vây quanh một nhóm đàn ông; một người ở giữa đám, mặc y phục trắng, nhìn xa từ đằng sau thì rất trẻ, và rất cao. Tùng Liên đoán người ấy phải là Phi Phố. Nàng đứng nhìn trong lúc gia nhân chở cả một xe đầy hành lý vào hậu viên, chạy đi chạy lại giống như những con vật trên chiếc đèn cù. Rồi mọi người đi vào trong nhà, nhưng Tùng Liên cảm thấy lúng túng ngượng ngùng nên không vào theo mọi người. Nàng hái một vài bông hoa cúc và thong thả bước về hậu viên; trên đường đi nàng bắt gặp Cát Vân và Mai San dẫn con cái theo sau. Cát Vân nắm cánh tay nàng và nói:
- Ðại Thiếu gia đã về, tại sao muội muội không đến gặp?
Tùng Liên trả lời, "Em phải đến gặp hắn ư? Hắn phải tới chào em chứ, phải không?"
Cát Vân nói, "Phải rồi, Ðại Thiếu gia phải là người tới gặp muội muội trước."
Mai San đứng bên cạnh, nóng ruột đẩy vào gáy thằng Phi Lang. "Ði mau lên. Ði mau lên."
Mãi đến bữa ăn tối Tùng Liên mới thực sự gặp Phi Phố. Tối hôm đó Trần Tả Thiên sai gia nhân sửa soạn một đại tiệc mừng Phi Phố về nhà. Bàn ăn đầy những món ăn xa hoa và nấu nướng thật cầu kỳ; Tùng Liên nhìn đồ ăn và không thể không nghĩ rằng bữa tiệc chào mừng nàng khi nàng vào nhà họ Trần không được thịnh soạn như bữa tiệc này. Nàng cảm thấy đau tủi, nhưng sự chú ý của nàng lập tức chuyển sang Phi Phố. Phi Phố ngồi cạnh Dục Như; Dục Như nói điều gì với Phi Phố, rồi chàng nghiêng người về phía Tùng Liên, mỉm cười và gật đầu. Tùng Liên cũng mỉm cười và gật đầu đáp lại. Cảm tưởng đầu tiên của nàng về Phi Phố là một thanh niên trẻ và đẹp trai không ngờ; cảm tưởng thứ hai của nàng là Phi Phố có vẻ rất sâu sắc trầm tư. Nàng thường thích đánh giá cá tính người khác khi gặp họ.
Hôm sau là ngày Hội Song Cửu. Những người làm vườn gom hết những chậu hoa cúc trong vườn vào một chỗ, và sắp xếp những chậu hoa theo những màu sắc khác nhau để tạo ra những chữ "Phúc, Lộc, Thọ". Tùng Liên dậy sớm và một mình đi dạo quanh quẩn, và ngắm hoa cúc. Một cơn gió lạnh thổi qua và nàng chỉ mặc một chiếc áo len không có tay; nàng đứng đó khoanh tay trước ngực, hai bàn tay ôm lấy vai, đi quanh và ngắm những chậu hoa. Nàng trông thấy Phi Phố từ đằng xa, ở nội hoa viên, đang bước về phía nàng. Tùng Liên lưỡng lự, không biết có nên chào Phi Phố trước hay không, thì Phi Phố đã lên tiếng từ đằng xa:
- Chào Tùng Liên.
Tùng Liên hơi giật mình khi thấy Phi Phố gọi thẳng tên nàng; nàng gật đầu và trả lời, "Theo trật tự gia đình thì Ðại Thiếu gia không nên gọi nhũ danh của tôi."
Phi Phố đứng bên kia dẫy chậu hoa, vừa mỉm cười vừa cài nút áo, và nói, "Tôi phải gọi là Tứ Nương mới đúng, nhưng dì chắc phải kém tôi vài tuổi. Dì năm nay bao nhiêu?"
Tùng Liên nhìn xuống những bông cúc, cố tình bày tỏ một sự bất như ý. Phi Phố hỏi tiếp, "Dì cũng thích hoa cúc ư? Tôi tưởng tôi sẽ là người đầu tiên thưởng thức hoa cúc sáng sớm hôm nay; không ngờ dì còn dậy sớm hơn tôi."
Tùng Liên trả lời, "Tôi thích hoa cúc từ hồi còn rất nhỏ, chứ không phải hôm nay tôi mới bắt đầu thích hoa cúc."
- Dì thích loại cúc nào nhất?
- Tôi thích tất cả mọi loại, nhưng tôi ghét hoa cúc móng cua.
Phi Phố hỏi, "Tại sao thế?"
- Cúc móng cua nở thô quá.
Phi Phố lại bật cười và nói, "Thực là lý thú; tôi lại là người thích cúc móng cua nhất."
Tùng Liên ngắm nhìn Phi Phố một giây lát. "Tôi nghĩ Thiếu gia hợp với cúc móng cua."
Phi Phố hỏi thêm, "Tại sao vậy?
Tùng Liên tiến tới vài bước và nói, "Hoa không phải là hoa, người không phải là người; hoa là người và người là hoa; Thiếu gia không hiểu cái nguyên tắc sơ đẳng ấy ư?"
Tùng Liên chợt ngẩng đầu và bắt gặp trên đôi mắt ướt của Phi Phố một tia sáng lạ lùng thoáng qua rất nhanh, như một chiếc lá rơi. Nàng trông thấy tia sáng ấy và hiểu ngay.
Phía bên kia những chậu hoa cúc, Phi Phố đứng chống tay lên mông, và chợt nói, "Vậy thì tôi bỏ cúc móng cua ra ngoài."
Tùng Liên không nói gì. Nàng nhìn Phi Phố bê những chậu cúc móng cua đi và thay thế bằng những chậu cúc đen. Một lát sau Tùng Liên lên tiếng, "Hoa thì đẹp đấy, nhưng mấy chữ này không hay; tầm thường quá."
Phi Phố chùi bùn ở tay và nheo mắt nhìn Tùng Liên. "Những chữ ấy không thay đổi được. Phúc Lộc Thọ là những chữ Lão gia sai sắp thành. Năm nào cũng vậy, và tập tục này đã truyền từ tổ tiên nhà ta."
Bất cứ khi nào Tùng Liên nghĩ đến giây phút nàng thưởng thức hoa cúc vào ngày Hội Song Cửu, nàng cảm thấy hạnh phúc trong lòng. Dường như ngày hôm ấy nàng và Phi Phố có một sự thông cảm bí mật giữa hai người. Thỉnh thoảng, khi nàng nghĩ tới lúc Phi Phố bê những chậu cúc móng cua ra ngoài, nàng thường bật cười to tiếng. Riêng Tùng Liên biết rằng nàng không thực sự ghét cúc móng cua.
° ° °
Mỗi khi Trần Tả Thiên ngủ chung với Tùng Liên, nàng thường hỏi, "Lão gia thích ai nhất? Trong bốn người chúng tôi, Lão gia thích người nào nhất?"
Trần Tả Thiên thường trả lời, "Dĩ nhiên là nàng rồi."
- Thế Dục Như thì sao?
- Bà ta đã trở thành một con gà mái già từ lâu rồi.
- Còn Cát Vân?
- Cát Vân vẫn còn dễ thương, nhưng thân thể nàng ta đã nhão nhoẹt rồi.
Tùng Liên không thể tự kiềm chế được sự tò mò khi hỏi về Mai San. "Vậy còn Mai San thì sao? Chị ấy gốc gác ở đâu?"
- Ta không biết cô nàng quê quán ở đâu; ngay cả cô nàng cũng không biết.
- Thế thì chị ấy là người mồ côi hay sao?
Trần Tả Thiên trả lời, "Mai San là một cô đào hát trong một gánh hát lưu động chuyên trình diễn nhạc kịch Bắc Kinh. Ta cũng là một diễn viên tài tử. Ðôi khi ta vào hậu trường và mời nàng đi ăn tối; rồi việc này dẫn tới việc kia, và nàng đi theo ta."
Tùng Liên vuốt ve mặt Trần Tả Thiên và nói, "Tất cả đàn bà đều đi theo Lão gia."
Trần Tả Thiên trả lời, "Nàng chỉ nói đúng một nửa; tất cả đàn bà đều muốn đi theo một người giầu có."
Tùng Liên bắt đầu cười. "Lão gia cũng chỉ đúng một nửa; lão gia phải nói là khi một người trở nên giầu có thì người ấy thèm muốn có nhiều đàn bà, muốn nhiều đến nỗi không bao giờ cho là đủ."
Tùng Liên chưa bao giờ nghe thấy Mai San hát nhạc kịch Bắc Kinh, nhưng sáng hôm ấy nàng bị đánh thức ra khỏi giấc mơ bởi tiếng hát trong vắt, ngân dài theo điệu nhạc kịch Bắc Kinh. Nàng lay Trần Tả Thiên đang ngủ bên cạnh và hỏi có phải là tiếng hát của Mai San hay không. Trần Tả Thiên phờ phạc trả lời, "Con chó cái đó khi vui thì ca hát, khi buồn thì khóc lóc." Tùng Liên mở cửa sổ và trông thấy một lớp sương giá mùa thu trắng như tuyết rơi đêm hôm trước. Một người đàn bà mặc quần áo đen đang ca hát và nhảy múa dưới cây tử đằng hoa. Ðúng là Mai San.
Tùng Liên khoác một tấm áo choàng, đứng bên lối đi nhìn Mai San ở đằng xa. Mai San đang để hết tinh thần vào bài hát; Tùng Liên cảm thấy Mai San hát và diễn một cách rất ai oán, khiến nàng vô cùng xúc động. Sau một lúc lâu, Mai San ngừng bặt. Nàng dường như nhận thấy lệ tràn trong mắt Tùng Liên. Mai San hất hai ống tay áo rộng và dài lên vai, và bước về phòng. Một vài giọt sương trong như pha lê lấp lánh trên mặt và quần áo nàng trong ánh sáng buổi sớm mai; mớ tóc tròn uốn cao và quấn chặt của nàng ẩm một chút sương sớm, và toàn thể hình dáng nàng như thấm đượm và mang nặng nỗi sầu, như một cọng cỏ trong gió.
Mai San đứng lại trước mặt Tùng Liên và lạnh lùng hỏi, "Cô khóc hả? Cô có một cuộc đời sung sướng, phải không? Tại sao lại khóc?"
Tùng Liên rút ra một chiếc khăn tay, chùi khóe mắt, rồi nói, "Tôi không biết tại sao. Chị hát bài gì vậy?"
- Ðó là bài "Người Ðàn Bà Treo Cổ". Cô thích bài ấy ư?
- Tôi không biết gì về nhạc kịch Bắc Kinh; chỉ vì chị hát cảm động quá đến nỗi tôi cảm thấy buồn bã và muốn nghe.
Trong lúc Tùng Liên nói, nàng nhận thấy lần đầu tiên, mặt Mai San hiện lên một nét thân thiện. Mai San cúi đầu, nhìn bộ y phục sân khấu của nàng và nói:
- Tất cả chỉ là sự diễn xuất và không đáng phải buồn rầu. Nếu cô diễn xuất hay, cô có thể lôi cuốn được người khác, nhưng nếu cô diễn xuất dở thì cô chỉ lừa dối được chính cô thôi.
Trong buồng Tùng Liên, Trần Tả Thiên bắt đầu húng hắng ho; Tùng Liên nhìn Mai San một cách ngượng ngịu. Mai San hỏi, "Cô có phải giúp Lão gia mặc quần áo không?"
Tùng Liên lắc đầu và nói, "Lão gia có thể tự mặc quần áo được mà. Lão gia có phải là một đứa trẻ đâu."
Mai San có vẻ bất mãn. Nàng bật cười và nói, "Tại sao Lão gia luôn luôn bắt tôi phải giúp đỡ khi mặc quần áo và đi giầy? Dường như người ta được chia thành hai loại người, một loại được kính trọng và một loại không đáng kính trọng."
Ðúng lúc đó Trần Tả Thiên la to từ trong phòng, "Mai San, vào đây hát cho ta nghe một vài bài!"
Mai San lập tức nhướng cặp lông mày mỏng như lá liễu của nàng; nàng cười một cách lạnh lùng, chạy lại cửa sổ và hét vào bên trong, "Mụ già này không thèm hát đâu!"
Tùng Liên hiểu rõ tính khí của Mai San. Khi nàng nói xa xôi về tính khí ấy với Trần Tả Thiên, thì lão nói, "Ðó là lỗi của ta đã chiều chuộng làm mụ hư hỏng từ nhiều năm rồi. Khi mụ cảm thấy bất cần, mụ nguyền rủa tám đời tổ tiên ta. Cái con điếm chó ấy, sớm muộn gì ta cũng phải trừng trị mới được."
- Lão gia không nên tàn nhẫn với chị ấy; chị ấy thực đáng thương, không có gia đình, và lo sợ lão gia không thương yêu, nên chị ấy trở nên cáu kỉnh.
Sau đó Tùng Liên và Mai San có một sự giao tiếp thân mật. Mai San rất mê chơi mà chược. Nàng thường rủ người vào phòng nàng chơi; họ thường chơi từ ngay sau bữa ăn tối cho tới rất khuya. Từ bên này tường, Tùng Liên có thể nghe thấy tiếng lách cách inh ỏi của quân mà chược suốt đêm, khiến nàng không ngủ được. Khi nàng than phiền với Trần Tả Thiên thì lão nói:
- Ta nghĩ nàng phải ráng mà chịu đựng; khi mụ chơi mà chược thì mụ có vẻ hơi bình thường hơn. Nhưng khi mụ thua hết tiền, ta sẽ không cho tiền nữa. Thôi cứ để mụ chơi. Ðể mụ chơi cho tới lúc mụ phải tự bỏ.
Có một lần Mai San sai đầy tớ mời Tùng Liên sang chơi mà chược, nhưng Tùng Liên từ chối, và nói với người đầy tớ, "Mời ta chơi mà chược ư? Thực là lạ lùng, ngươi tưởng ta cũng chơi mà chược ư?"
Khi người đầy tớ trở về, Mai San thân hành tới gặp Tùng Liên và nói, "Tụi tôi chỉ có ba người thôi - chúng tôi cần thêm một chân nữa; làm ơn giúp tôi đi."
- Nhưng tôi không biết chơi; như thế tôi sẽ thua hay sao?
Mai San nắm lấy cánh tay Tùng Liên. "Ði với tôi nào. Nếu cô thua, tụi tôi không lấy tiền của cô. Hơn nữa nếu cô được, cô giữ lấy tiền được, nếu cô thua tôi sẽ đền tiền cho cô."
- Chị không cần phải thiên vị tôi đến thế; chỉ tại vì tôi không thích chơi thôi.
Tùng Liên thấy nụ cười của Mai San biến thành một nét cau mặt trong lúc nàng nói. Mai San hỏi, "Hừ, ở đây cô được cái gì đáng giá đến thế? Cô cư xử như là cô đang ngồi trên một đống vàng lớn và không thèm nhúc nhích; chẳng qua chỉ là một lão già gần như kiệt lực rồi, chỉ có thế thôi."
Tùng Liên bực mình đến nỗi nàng bừng nổi giận; ngay lúc nàng đang định tuôn ra những lời chửi tục đang sôi sục, thì nàng cố gắng nuốt cơn giận, bậm môi và suy nghĩ một vài giây. Cuối cùng nàng nói, "Thôi được, tôi sẽ sang chơi với chị."
Hai người đàn ông chơi mà chược đã ngồi chờ sẵn tại bàn; một người là tên quản gia Trần Tả Văn, còn người kia nàng không biết. Mai San giới thiệu với nàng người đó là một bác sĩ. Ông ta đeo kiếng gọng vàng; da mặt ông ta ngăm ngăm đen, nhưng môi ướt, đỏ tươi và trông mềm mại như môi đàn bà. Trước kia Tùng Liên đã từng trông thấy ông ta ra vào phòng Mai San, và vì một lý do nào đó, nàng không thể tin ông ta là bác sĩ.
Tùng Liên rất lơ đãng khi nàng ngồi vào bàn mà chược; nàng thực tình chơi không giỏi, chỉ biết lắng nghe và hoang mang không hiểu khi họ la những tiếng, "quân của tôi" hoặc "đấy là quân tôi đang chờ." Tất cả những gì nàng làm là miễn cưỡng xỉa tiền ra, và dần dần nàng cảm thấy khó chịu phải chơi. Cuối cùng nàng nói, "Tôi nhức đầu, cần nghỉ một lát."
Mai San vội nói, "Khi cô ngồi vào bàn rồi thì cô phải chơi tám vòng - đó là luật chơi. Chắc cô buồn là vì bị thua đấy."
Trần Tả Văn nói xen vào, "Ðừng buồn, thua bạc sẽ tránh được nhiều tai họa."
Mai San tiếp theo ngay. "Thì cứ như tối nay cô làm ơn cho Cát Vân vậy mà; gần đây mụ ta vô cùng buồn chán. Cho mụ ta mượn lão già một tối và bắt mụ ta trả lại cho cô tiền cô thua mà chược."
Hai người đàn ông phì cười. Tùng Liên cũng bật cười và nói, "Mai San, chị thực là biết cách làm cho người ta phải tức cười." Nhưng trong tâm nàng, nàng cảm thấy dường như nàng phải nuốt một con ong.
Tùng Liên lạnh lùng quan sát những cái liếc mắt đưa tình giữa Mai San và ông bác sĩ; nàng cảm thấy không gì có thể thoát khỏi sự hiểu biết trực giác của nàng. Trong lúc người ta sắp lại bài, một quân mà chược rơi xuống đất. Khi Tùng Liên cúi xuống để nhặt quân bài lên, nàng trông thấy bốn cẳng chân đang quấn quýt lấy nhau; bốn cẳng chân vội rời nhau ra và trở về vị trí bình thường, nhưng Tùng Liên đã trông thấy những gì đã xảy ra.
Vẻ mặt nàng không thay đổi, nhưng nàng không nhìn thẳng vào mắt của Mai San hay của ông bác sĩ nữa. Lúc đó cảm xúc của nàng rất là phức tạp; nàng hơi hoảng sợ, và bối rối, và cũng hơi thích thú khi khám phá ra sự bí mật ấy. Nàng tự nói thầm, "Mai San, chị sống quá phóng túng, quá vô liêm sỉ."
Treo Cao Ðèn Lồng Treo Cao Ðèn Lồng - Tô Đồng Treo Cao Ðèn Lồng