Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Jack Kerouac
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: On The Road
Dịch giả: Cao Nhị
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 20
Cập nhật: 2023-06-22 21:34:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
[6]
gay khi ra khỏi Gregoria, đường bắt đầu xuống dốc, những cây lớn bắt đầu xuất hiện hai bên đường, và trong vòm lá, lúc đêm dần xuống, chúng tôi nghe thấy triệu triệu côn trùng rỉ rả, họp lại thành một bản hợp xướng chói tai, không dứt. “Chà!” Dean nói và bật đèn pha. Đèn hỏng. “Mẹ kiếp, trò gì thế này?” Hắn cáu tiết đấm bồm bộp vào bảng điều khiển. “Ôi, khổ thân tôi rồi, phải chạy trong cánh rừng này mà không có đèn, kinh khủng thật, cơ hội duy nhất để nhìn thấy đường là khi có cái xe nào khác, mà ở đây làm quái gì có cái nào! Tất nhiên là không một tia sáng! Ôi, ta làm gì bây giờ, chết hệt thật?”
“Cứ đi thôi. Hay là quay lại?”
“Không, không đời nào. Tôi vẫn lờ mờ thấy mặt đường. Cứ đi chứ.” Thế là chúng tôi phóng đi trong đêm đen như mực, giữa tiếng côn trùng ra rả, cây cối um tùm và bầu không khí như nặng nề mùi thối rữa. Chợt bọn tôi nhớ lại đường đi vẽ trên bản đồ, ngay ở dưới Gregoria là đường chí tuyến Bắc. “Ta đang ở một vùng khí hậu mới. Thảo nào có cái mùi này. Ngửi thử xem!” Tôi thò đầu ra cửa xe; côn trùng tạt vào mặt hàng đàn; bỗng có tiếng ầm ầm khi tôi dỏng tai nghe tiếng gió. Bất chợt đèn pha hoạt động lại, chĩa thẳng ra phía trước, soi sáng con đường đơn độc chạy giữa hai hàng cây cao đến cả chục mét, đầy dây leo, ủ rũ đứng đó sừng sững như bức tường thành.
“Khốn kiếp!” Stan gào lên ở băng sau. “Mẹ kiếp!” Hắn vẫn còn xỉn nguyên và những phiền muộn của chúng tôi cùng cánh rừng này chẳng làm hắn phải bận tâm chút nào. Chúng tôi cùng bật cười.
“Cứt! Cứ việc lao tới trong cánh rừng chết tiệt này, sẽ ngủ lại đây đêm nay, tiến lên!” Dean cũng gào lên. “Thằng Stan nói đúng! Thằng Stan bất cần đời! Nó đang phê vì bọn gái đó, vì trà, và vì cái điệu mambo khó bề tiêu hóa của một thế giới khác đó, bật to đến nỗi màng nhĩ tôi đến giờ vẫn rung lên theo nhịp của nó đây này - ôi! nó phê mà vẫn ý thức rõ được những việc nó đã làm.” Bọn tôi cởi phăng áo ra, cứ cởi trần mà lái xe lao vào rừng. Không có thị trấn nào cả, chẳng gì hết, chỉ hết rừng lại rừng, cứ chạy mãi về phía Nam. Không khí mỗi lúc một oi nồng hơn, tiếng hát của côn trùng lúc một chói tai hơn, cây cối mỗi lúc một cao to hơn, mùi vị mỗi lúc một nồng nặc hơn, cho đến tận khi bọn tôi quen dần đi và bắt đầu thấy thú thú. “Tôi chỉ muốn mỗi một điều, là được bỏ sạch quần áo ra mà lái xe, lái xe đi mãi trong cánh rừng này,” Dean nói. “Lạy Chúa, chừng nào kiếm được một góc kha khá tôi sẽ làm thế...” Và bỗng Limón xuất hiện trước mắt chúng tôi. Đó là một thị trấn vùng rừng với vài ngọn đèn vàng vọt, bóng tối đen thẫm, vòm trời cao rộng và một đám người túm tụm trước một ngôi nhà gỗ - một ngã tư miền nhiệt đới.
Xe dừng lại trong sự dịu dàng không tưởng tượng nổi. Trời nóng như ở trong lò nướng bánh vào một đêm tháng Sáu tại New Orleans. Khắp nơi trên phố, những gia đình quây quần chuyện gẫu trong bóng tối. Thỉnh thoảng lại có một đám con gái đi qua, nhưng còn trẻ quá và chỉ tò mò muốn xem trông chúng tôi thế nào. Họ đi chân đất và trông bẩn thỉu. Chúng tôi ngồi tựa lưng vào hàng hiên gỗ ở một cửa hàng tạp hóa tồi tàn, xếp đầy những bao bột và dứa tươi đang nẫu dần, ruồi nhặng bâu đầy quầy. Bên trong chỉ có nhõn một ngọn đèn dầu, ở ngoài có thêm mấy ngọn đèn vàng mờ mờ, còn thì tất cả đều tối thui. Giờ thì dĩ nhiên chúng tôi đã quá mệt và thấy nhất thiết phải được ngủ một giấc, thế là lái xe đi cách đó một đoạn, trên một con đường xấu khuất nẻo. Nóng không tưởng, đến nỗi không tài nào ngủ được. Dean phải lấy ra một cái chăn, trải trên mặt cát mềm và nằm lăn ra đó. Stan thì nằm xoài trên băng ghế trước, mở toang cả hai cửa xe cho thoáng. Tôi nằm ở băng sau, người đầm mồ hôi, phải ra khỏi xe và cứ lảo đảo đứng mãi trong đêm. Rắp một cái, cả thị trấn bắt đầu đi ngủ. Chỉ còn nghe thấy tiếng chó sủa. Làm sao mà mình ngủ được bây giờ? Hàng ngàn con muỗi đã đốt chán chê chúng tôi, suốt từ ngực, sang tay, xuống đến mắt cá chân. Chợt đầu tôi lóe lên một sáng kiến: tôi trèo phắt lên mui xe bằng thép và nằm ngửa trên đó. Cũng chả có tí gió nào, được cái thép cũng man mát và làm khô mồ hôi trên lưng tôi, làm xác hàng ngàn con côn trùng dính bết lại với nhau thành từng bánh trên da tôi. Tôi nhận ra rằng rừng đã chiếm lĩnh con người, và con người trở thành chính nó. Nằm trên nóc một cái ô tô, ngửa mặt lên bầu trời đen cũng giống như nằm trong một cái hòm đậy kín trong đêm hè. Lần đầu tiên trong đời, thời tiết không còn là thứ chạm đến tôi, vuốt ve tôi, khiến tôi đổ mồ hôi hoặc rét run cầm cập, mà nó trở thành chính da thịt tôi. Tôi và bầu khí quyển hòa làm một. Hàng cơn mưa côn trùng bé li ti dịu dàng quạt mát mặt tôi khi tôi thiếp đi, cảm thấy hết sức dễ chịu và thoải mái. Bầu trời không một ngôi sao, nặng nề và vô hình. Tôi có thể cứ nằm như thế suốt đêm, mặt ngửa lên trời, chỉ khó chịu như được bọc trong nhung lụa thôi. Những con bọ bị đập chết lẫn vào máu tôi, bọn muỗi sống hút được một lượng máu nhiều hơn; cả người tôi bắt đầu thấy ngứa ran, mùi rừng ẩm ướt và thối rữa như tẩm lấy người tôi từ tóc đến mặt, đến chân và đến tận ngón chân. Tất nhiên là tôi để chân trần. Để dễ thấm mồ hôi, tôi mặc vào cái áo phông bê bết xác côn trùng rồi lại nằm ngửa ra. Một cái đống đen lù lù trên đường cái còn đen hơn chính là chỗ Dean đang nằm ngủ. Tôi nghe thấy tiếng hắn ngáy. Cả Stan cũng ngáy.
Thỉnh thoảng ở xa xa, một ánh đèn mờ nhợt lóe lên trên thị trấn, đó là viên cảnh sát trưởng đi tuần đêm bằng cây đèn pin yết ớt, miệng lẩm bẩm một mình trong rừng đêm. Rồi tôi thấy làn ánh sáng ấy chiếu lại gần và tiếng chân ông ta bước nhẹ trên cát. Ông ta dừng lại và chiếu đèn vào cái xe. Giọng run run, nghe như càu nhàu, nhưng hết sức dịu dàng, ông ta nói, “Dormiendo?” chỉ vào Dean trên đường. Tôi biết từ này nghĩa là “ngủ”.
“Si, dormiendo.”
“Bueno, bueno*,” ông nói một mình và vẻ như miễn cưỡng, sầu não, ông tiếp tục cuộc đi tuần đơn độc của mình. Chúa chưa từng tạo ra những người cảnh sát đáng yêu như vậy ở nước Mỹ. Không nghi kỵ, không làm loạn lên, không làm phiền: đó là người canh gác cho thị trấn ngủ, chấm hết.
Tôi lại nằm dài trên cái giường bằng thép của mình và duỗi thẳng tay. Tôi thậm chí còn không biết trên đầu mình có cành gì không, hay là chỉ có trời cao thông thống, mà dù sao thì cũng chẳng khác gì nhau. Tôi há miệng và nuốt vào thật sâu không khí của rừng già. Đó phải đâu là không khí, chẳng thể nào là không khí, đó là sinh khí hiển hiện, sống động cây cỏ và đầm lầy. Tôi thức suốt. Gà bắt đầu cất tiếng gáy, lôi bình minh đang say ngủ đâu đó dậy. Không khí vẫn đặc quánh, không gió, không sương đêm, chỉ có sự nặng nề của chí tuyến Bắc ép chặt ta vào trái đất, người mẹ chung của chúng ta. Không có một dấu hiệu nào của bình minh trên bầu trời. Bỗng tôi nghe thấy tiếng chó sủa loạn lên trong bóng tối và tiếng vó ngựa lúc một gần hơn. Có tên kỵ sĩ nào lại điên khùng phi ngựa trong đêm thế này nhỉ? Bỗng thấy một con ngựa hoang, trắng toát như bóng ma, đang chạy nước kiệu trên đường, đúng về phía Dean đang ngủ. Đàn chó chạy theo chân ngựa sủa ỏm tỏi. Không nhìn rõ, chỉ biết đó là những con chó già bẩn thỉu của rừng già, còn con ngựa thì rất lớn, trắng như tuyết, sáng rực lên trong bóng tối, rất dễ nhận ra. Tôi không thấy sợ cho Dean. Con ngựa đã nhìn thấy hắn, phi sát đầu hắn, tránh cái ô tô như một con tàu, khẽ hí lên một tiếng rồi tiếp tục phi thẳng qua thị trấn, hoảng loạn trước lũ chó, rồi lại phi vào rừng ở đầu kia thị trấn, chỉ còn nghe thấy tiếng vó ngựa xa dần. Đàn chó không sủa nữa, chúng nằm xuống liếm cho nhau. Con ngựa kia là thế nào nhỉ? Vị thần nào, bóng ma nào, linh hồn nào? Khi Dean tỉnh dậy, tôi kể hắn nghe chuyện này. Hắn cho là tôi đã ngủ mê. Rồi hắn mơ màng kể chuyện cũng từng nằm mơ thấy một con ngựa trắng, và tôi nói không thể là chuyện trong mơ được. Stan cũng từ từ thức dậy. Cứ hơi động chân động tay một tí là người chúng tôi lại toát hết mồ hôi. Trời vẫn tối thui. “Ta lên xe, phóng đi cho mát đi!” tôi kêu lên. “Tôi đang chết vì nóng đây.”
“Chí phải!” Xe chạy ra khỏi thị trấn, tiếp tục phóng như điên trên đường, tóc tai chúng tôi bay phần phật. Bình minh đến nhanh chóng trong sương mù xám, làm hiện ra trên hai bên đường vô số đầm lầy với cây cối ủ rũ nghiêng mình rủ bóng. Xe chạy song song đường xe lửa một thôi dài. Cây ăng ten đài phát thanh Ciudad Mante thấp thoáng phía trước, như thể chúng tôi đang ở Nebraska vậy. Đến một trạm bán xăng, xe đậu lại đổ đầy bình, đúng lúc hàng đàn côn trùng đen kịt còn sót lại từ đêm qua lao đầu vào bóng điện và lả tả rơi xuống chân chúng tôi, có con có cánh dài đến gần chục phân, có con nhặng to tổ chảng nuốt được cả con chim, cùng hàng ngàn con muỗi khổng lồ và cả đống con trùng thuộc đủ mọi thể loại, trông như nhện nhưng không biết là con gì. Tôi nhảy tưng tưng trên lề đường vì sợ. Cuối cùng tôi phải trèo vào xe, tay ôm lấy chân, nhìn côn trùng chất đống lúc nhúc dưới bánh xe mà chết khiếp, “Chuồn thôi!” tôi kêu lên. Nhưng Dean và Stan thì vô tư trước bọn côn trùng. Họ bình tĩnh uống nước cam Mission Orange và đá vỏ chai ra xa. Quần áo họ, cũng như quần áo của tôi đều bê bết, đen ngòm những máu và xác côn trùng. Bọn tôi hít hà mùi quần áo của nhau.
“Ông biết không,” Stan nói. “Tôi bắt đầu thấy khoái ngửi cái mùi này rồi đấy. Tôi chẳng ngửi thấy mùi người chính mình nữa.”
“Đúng là một mùi thơm kỳ lạ,” Dean nói. “Tôi sẽ không thay áo cho đến khi tới Mexico City, tôi muốn giữ lấy cái mùi này lại để làm kỷ niệm.” Thế rồi xe lại tiếp tục lăn bánh, tự tạo ra chút gió cho bộ mặt nóng bừng đang bị nướng chín của mình.
Bóng núi xanh rờn hiện ra trước mắt. Lên khỏi con dốc này là đến cao nguyên lớn và đường sẽ chạy thẳng đến Mexico City. Chẳng mấy chốc xe đã ở độ cao trên một cây số rưỡi, vượt qua những con đèo mây phủ, xa xa phía dưới ẩn hiện một dòng sông vàng. Đấy là dòng sông Moctezuma vĩ đại. Những người da đỏ dọc đường, trông thật là kỳ dị. Bản thân họ đã là một quốc gia, quốc gia da đỏ miền núi, biệt lập với mọi thứ thuộc thế giới bên ngoài, ngoại trừ đường cao tốc xuyên châu Mỹ. Họ nhỏ người, vạm vỡ và ngăm đen, hàm răng rất xấu, họ khuân trên lưng những bọc lớn. Trên những bờ dốc cheo leo bên kia khe núi um tùm cây dại là những mảnh ruộng chắp vá. Họ đi lại trên những con dốc này để cày xới, thu hoạch mùa màng. Dean lái xe chầm chậm, năm dặm một giờ, để ngắm cảnh. “Chà, tôi còn chẳng nghĩ là có cảnh kia trên đời nữa!” Trên đỉnh núi cao nhất, chúng tôi thấy rất nhiều cây chuối. Dean ra hẳn khỏi xe mà chỉ trỏ, mà xoa bụng, mà ngắm mãi. Chúng tôi đang đứng trên mép núi nơi có một cái lán nhỏ lợp tranh treo lơ lửng trên bờ vực thẳm như thách thức. Dưới chân chúng tôi chừng một dặm, ánh mặt trời tạo nên một dải hơi nước vàng óng bao phủ con sông Moctezuma.
Đứng trước lán, một cô bé da đỏ chừng ba tuổi, ngón tay đút miệng, cứ giương đôi mắt to màu nâu lên mà nhìn chúng tôi. “Hẳn là nó chưa hề được nhìn thấy ai dừng chân tại đây. Hê lô, bé con, khỏe chứ? Cháu có thích bọn chú không?” Dean nói. Con nhỏ bẽn lẽn quay đi phía khác. Chúng tôi nói chuyện với nhau còn nó thì lại tò mò nhìn bọn tôi, vẫn mút tay. “Này, giá mà có cái gì cho con bé nhỉ!” Dean nói. “Nghĩ thử coi, sinh ra và lớn lên trên mép đá này... mép đá đó là thứ duy nhất nó biết được trên đời. Bố nó hẳn đang mò mẫm trèo xuống dưới bằng một sợi dây thừng, lấy dứa từ trong hang ra hoặc đốn củi trên vách đá gần như thẳng đứng. Không bao giờ nó được đi khỏi chỗ này và không biết gì hết về thế giới bên ngoài. Đây là một dân tộc biệt lập. Hãy hình dung ra vị thủ lĩnh man rợ của họ! Có thể, cách xa con đường này, vượt qua bờ vực kia, cách đây nhiều dặm, họ man rợ hơn và kỳ quái hơn, bởi vì đường cao tốc xuyên châu Mỹ chỉ mới làm dân tộc này văn minh lên một chút ở những nơi nó chạy qua. Hãy chú ý đến những giọt mồ hôi lấp lánh trên chân mày con bé,” Dean chỉ tay, nhăn mặt đau đón. “Mồ hôi của nó không giống như mồ hôi của ta, nó nhờn và quanh năm ở đó bởi ở đây trời nóng quanh năm, con bé không biết thế nào là không có mồ hôi, nó sinh ra và chết đi cùng mồ hôi.” Mồ hôi trên chân mày con bé đọng thành giọt lớn, nặng nề và bất động; nó cứ ở nguyên đó, lấp lánh như một giọt dầu ô liu hảo hạng. “Ôi, tâm hồn họ chắc cũng phải khác với ta nhiều lắm. Cả những mối quan tâm cá nhân, những giá trị và ước mơ nữa.” Dean lại cho xe lên đường, mồm không ngậm lại được vì kinh ngạc. Hắn cho xe chạy chỉ mười dặm một giờ, háo hức mỗi khi thấy bất cứ bóng người nào trên đường đi. Chúng tôi cứ lên dốc và lên dốc.
Xe càng lên cao, không khí càng mát mẻ. Các cô gái da đỏ đi trên đường đều quàng khăn, trùm từ đầu xuống hai vai. Họ cuống quýt vẫy chúng tôi. Xe dừng lại. Họ muốn bán cho chúng tôi mấy mảnh thạch anh thô. Những cặp mắt to màu nâu ngây thơ nhìn sâu vào mắt chúng tôi, chân thành và thánh thiện đến mức không ai trong chúng tôi có chút ý nghĩ giới tính nào với họ. Họ còn rất trẻ, có cô chỉ mười một tuổi mà trông như gần ba mươi. “Nhìn những cặp mắt kìa!” Dean hổn hển nói. Hệt như mắt Đức Mẹ đồng trinh khi bà còn là con nít. Có thể nhận ở đấy cái nhìn từ bi và nhân ái của Chúa Jesus. Họ cứ nhìn chúng tôi không chớp mắt. Chúng tôi dụi những đôi mắt xanh của mình và nhìn lại họ. Tia u sầu và đầy sức thôi miên của họ vẫn như xuyên qua chúng tôi. Nhưng khi họ lên tiếng, họ bỗng trở nên hết sức điên khùng và có thể nói là ngớ ngẩn. Chỉ trong lặng lẽ họ mới là chính họ. “Họ chỉ mới học được cách bán những mảnh thạch anh này thôi - khoảng chục năm kể từ ngày xây dựng con đường này - trước đó, cả dân tộc này hẳn chỉ câm lặng.”
Các cô gái cứ léo nhéo ở quanh xe. Một con bé chân thành nhất bíu lấy cánh tay đẫm mồ hôi của Dean. Nó líu lo bằng tiếng da đỏ. “Ừ, ừ, được rồi, cưng ạ!” Dean nhẹ nhàng đáp, nhuốm chút buồn phiền. Hắn xuống xe, lục tìm trong cái va li tàng ở khoang sau - vẫn cái va li Mỹ rách nát ấy - và lấy ra một cái đồng hồ đeo tay, chìa ra cho con nhỏ. Nó khóc nấc lên vì sung sướng. Đám con gái túm lại, sững sờ. Dean lựa trong tay con bé một “mảnh thạch anh nhỏ nhất, xinh xắn nhất, tinh khiết nhất mà cô bé đã tự tay nhặt được ở trong núi để tặng tôi.” Hắn lấy một mảnh không lớn hơn quả dâu. Rồi hắn đeo cái đồng hồ đeo tay lủng lẳng vào tay con bé. Miệng họ bèn tròn lại như miệng một đám trẻ trong dàn đồng ca. Con bé sung sướng nhét vội đồng hồ vào trong cái áo lót rách nát. Họ ve vuốt Dean và cảm ơn hắn. Hắn đứng giữa đám người, bộ mặt khốn khổ ngước nhìn trời, tìm kiếm một ngọn đèo tiếp theo, ngọn đèo cuối cùng, trông hắn như nhà Tiên tri được cử đến với họ. Hắn trèo vào xe. Các cô gái không muốn chúng tôi đi. Xe cứ chạy thẳng, họ còn chạy theo vẫy mãi. Đến khúc quanh, chúng tôi rẽ và ngỡ là chẳng bao giờ còn trông thấy họ nữa nhưng họ vẫn chạy theo. “Ôi, tôi đến tan nát cõi lòng mất,” Dean kêu lên và lấy tay đấm ngực. “Không biết họ sẽ mang theo sự trung thành kỳ diệu này bao xa nữa! Chuyện gì sẽ xảy ra với họ? Nếu xe cứ đi thật chậm, có lẽ họ còn đuổi theo đến tận Mexico City không chừng!”
“Ừ,” tôi nói. Có thể như vậy lắm.
Xe cứ tiến sâu mãi vào vùng núi cao đến chóng mặt của dãy Sierra Madre Oriental. Những cây chuối lấp lánh ánh vàng trong sương mù. Bên ngoài những bức tường đá dọc mép vực là màn sương mù dày đặc. Thăm thẳm bên dưới, con sông Moctezuma giờ trông như một sợi chỉ vàng mảnh trên cái thảm xanh của rừng già. Những thị trấn ngã tư đường kỳ lạ trên nóc nhà thế giới lần lượt trôi qua cùng những người da đỏ đội mũ rộng vành hay cuốn khăn rebozo* ngước mắt nhìn theo chúng tôi. Cuộc sống ở đây như cô đặc lại, tối tăm và xưa cũ. Họ nhìn Dean vừa nghiêm túc vừa điên rồ ngồi sau tay lái bằng cặp mắt chim ưng. Ai cũng chìa tay ra. Họ từ trên những triền núi cao nhất xuống đây, chìa tay ra xin một cái gì đó từ nền văn minh mà không hề biết đến nỗi u sầu và những ảo ảnh tan vỡ thảm hại của nó. Họ không biết rằng nền văn minh đã tạo ra một loại bom có thể phá nát tất cả cầu cống, đường sá, đưa tất cả về thời hỗn mang và rằng có thể rồi chính chúng tôi, một ngày nào đó, cũng sẽ nghèo khổ như họ, cũng sẽ phải chìa tay ra xin y như họ. Chiếc Ford cà tàng, chiếc Ford Mỹ già nua đời 1930 ọc ạch leo dốc qua bọn họ rồi biến vào đám bụi mù.
Chúng tôi đến ngoại vi cao nguyên cuối cùng. Giờ thì mặt trời vàng rực rỡ, bầu trời xanh biếc, còn sa mạc là một khoảng bao la cát nóng, thỉnh thoảng lại thấy một con sông vắt qua rồi đột ngột xuất hiện một tán cây rợp bóng. Dean ngủ, Stan cầm tay lái. Dân chăn cừu xuất hiện, ăn mặc như thời tiền sử, phơ phất dải áo dài, đàn bà khuân theo hàng bó cây lanh vàng ruộm còn đàn ông cán giập chúng. Trên sa mạc lóa nắng, họ ngồi túm tụm dưới những gốc cây lớn, còn đàn cừu thì vật lộn dưới ánh mặt trời, tung lên đám cát bụi mù mịt. “Này này,” tôi đánh thức Dean, “dậy, dậy mà xem dân chăn cừu này, dậy mà nhìn thế giới vàng nơi Chúa Jesus đã ra đời, để ông có thể nói được rằng mình đã được tận mắt chứng kiến!”
Hắn nhấc đầu lên khỏi lưng ghế, hé mắt nhìn toàn cảnh mặt trời đỏ đang phai dần một lát rồi lại ngả ra ngủ tiếp. Khi tỉnh hẳn dậy, hắn tả lại từng chi tiết cảnh tượng và nói, “ừ, tôi thật sung sướng vì ông đã nhắc tôi nhìn ra. Ôi, lạy Chúa, tôi sẽ làm gì đây? Sẽ đi đâu đây?” Hắn xoa bụng, ngước đôi mắt đỏ ngầu nhìn trời, hắn như sắp khóc.
Sắp đến lúc kết thúc chuyến đi rồi. Hai bên đường, những cánh đồng lớn trải ra mênh mông; một làn gió quý giá bỗng thổi qua những lùm cây lớn hiếm hoi, vờn trên các khu truyền giáo cũ kỹ đang chuyển sang sắc hồng cam dưới ánh tà dương. Mây sà xuống thấp từng đám to lớn, cũng nhuốm hồng. “Mexico City lúc hoàng hôn!” Chúng tôi đã đến nơi, cả thảy một ngàn chín trăm dặm, từ những khoảng sân trong chiều Denver đến vùng đất rộng lớn vĩ đại này, và giờ sắp sửa đi đến tận cùng con đường.
“Chúng ta sẽ thay mấy cái áo đầy xác côn trùng này ra chứ?”
“Khỏi, cứ mặc như thế này mà vào thành phố, cho máu.” Và chúng tôi tiến vào Mexico City.
Một dải núi ngắn bất chợt hiện ra rồi đưa chúng tôi lên một độ cao mà từ đó nhìn xuống có thể thấy toàn bộ Mexico City cùng những ngọn núi lửa của nó trải rộng ra trước mắt, nhả khói lên trời trong ánh chiều chạng vạng. Chúng tôi phóng xe hết tốc lực xuống núi, qua đại lộ Insurgentes rồi thẳng tiến vào trung tâm thành phố. Bọn nhóc chơi bóng trên những khoảng đất rộng, bụi tung mù mịt. Mấy gã tài xế taxi đuổi theo chúng tôi và hỏi thử xem bọn tôi có cần tìm gái không. Không, lúc này thì không. Những căn nhà ổ chuột xây bằng gạch sống rải rác trên khắp miền đồng bằng; những bóng người cô đơn vật vờ đi trong các ngõ lờ mờ tối. Chẳng mấy chốc đêm sẽ đến. Bất chợt thành phố bỗng trở nên ồn ã, chúng tôi đang đi ngang qua những quán cà phê đông đúc, nhà hát và đủ loại ánh sáng. Trẻ bán báo nhằm mặt chúng tôi mà rao tướng lên. Thợ cơ khí lừ đừ bước đi, chân đất, lỉnh kỉnh những cờ lê và giẻ rách. Những lái xe người da đỏ đi chân đất đón đầu chúng tôi, vây quanh rồi bóp còi inh ỏi, tạo nên một mớ lộn xộn giữa đường. Tiếng ồn thật kinh khủng. Xe Mexico không có cái nào lắp giảm thanh. Người ta liên tục bóp còi đến sướng tay. “Chà!” Dean kêu lên. “Xem kìa!” Dean đánh võng xe lách qua con đường đông đúc, trêu đùa với mọi người. Hắn lái xe hệt như một người da đỏ. Hắn cho xe vào một ngã tư có vòng xuyến sau đại lộ Reforma và lái vòng vòng quanh đấy, giữa hàng loạt xe khác phóng ầm ầm về phía chúng tôi từ mọi hướng, bên trái, bên phải, izquierda*, ngay trước mặt, và nhảy nhót la hét vì sung sướng. “Ây, đây là kiểu giao thông từ lâu tôi mơ ước. Mạnh ai nấy chạy!” Một cái xe cứu thương lao đến như một trái phá. Xe cứu thương Mỹ gặp đám đông bao giờ cũng kéo còi. Còn xe cứu thương của những người da đỏ vĩ đại ở đây thì mặc sức phóng với tốc độ tám mươi dặm một giờ giữa đường nội thị, mọi người khác đều phải dạt sang bên, nó không dừng lại vì bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đơn giản là lao thẳng qua. Chúng tôi nhìn nó khuất tầm mắt trên những bánh xe quay tít ngay giữa sự hỗn loạn của giao thông trung tâm thành phố. Lái xe là người da đỏ. Mọi người, kể cả các bà già, cứ chạy thục mạng theo những chiếc xe buýt không bao giờ đậu lại. Cánh trẻ thì cá cược xem ai đuổi kịp trước rồi chạy theo xe buýt thành từng đoàn, nhảy lên bám vào xe như những lực sĩ. Mấy gã lái xe buýt đi chân đất, rất khùng, hay châm chọc kẻ khác, mặc áo phông cộc tay, ngồi xổm bên cái vô lăng thấp và to đùng. Trên đầu họ đặt các tượng thần. Đèn trên xe buýt màu vàng xanh nhờ nhờ soi những khuôn mặt đen đúa trên những chiếc ghế gỗ.
Tại trung tâm Mexico, hàng ngàn dân hippy, đầu đội mũ rơm rách nát, người khoác áo ve dài để lộ ngực trần, thơ thẩn trên các đường phố chính. Một vài người trong số họ bán cả thánh giá có tượng Chúa mini lẫn cỏ trong các ngõ nhỏ, số khác quỳ gối trong những nhà nguyện tồi tàn ngay cạnh dãy nhà lụp xụp nơi đang diễn hài kịch khiêu dâm. Vài ngõ nhỏ đầy sỏi đá với những miệng cống hở hoác và những cánh cửa nhỏ dẫn vào các quán rượu không lớn hơn phòng toa lét kẹt giữa các bức tường gạch sống. Phải nhảy qua một cái hố mới mua nổi một ly rượu; dưới đáy hố là cái hồ cổ đại của người Aztec. Muốn ra khỏi quán lại phải dán lưng vào tường và cứ thế nép mình cho đến khi lại ra được ngoài phố. Họ phục vụ cà phê pha với rượu rum và nhục đậu khấu. Điệu mambo vang lên ồn ã khắp nơi. Hàng trăm gái điếm đứng dọc theo những con phố hẹp tối tăm, cặp mắt buồn lấp lánh nhìn chúng tôi trong bóng tối. Chúng tôi lang thang như trong cơn mộng mị. Ba thằng vào ăn món bít tết rất ngon mà chỉ mất bốn mươi tám xu trong một tiệm ăn Mexico lát đá kỳ dị, có cả mấy thế hệ nhạc công chơi đàn marimba đứng trước một cây marimba to đùng, những ca sĩ hát rong ôm đàn ghi ta đi loanh quanh cùng những ông già say sưa thổi kèn trumpet chỗ góc nhà. Khi đi qua mùi chua nồng của các quán rượu Tequila, ta sẽ được phục vụ ngay một cốc nước xương rồng, chỉ với giá hai xu. Phố xá nhộn nhịp thâu đêm. Dân ăn mày cuộn mình trong những tấm poster quảng cáo giật ra từ các hàng rào mà ngủ. Từng gia đình một ngồi trên vỉa hè, khẽ thổi lên vài khúc sáo và lặng lẽ cười trong đêm. Những đôi chân trần, những ngọn nến lờ mờ cháy, cả Mexico biến thành cái trại khổng của người Bô hê miêng. Trên các góc phố, mấy bà già thái thủ bò luộc thành từng miếng rồi nhồi vào món bánh ngô đem bán kèm với nước sốt cay đặt trên những tờ báo cũ. Đây chính là thành phố vĩ đại, man rợ và tự do cuối cùng của những người Fellahin thuần phác mà chúng tôi biết sẽ tìm thấy ở cuối con đường. Dean bước đi trong thành phố, hai tay buông thõng hai bên mình như thây ma, miệng há, mắt ánh lên và dẫn đoàn lữ hành tơi tả của mình đi cho đến bình minh, đến tận khi ra tới cánh đồng và gặp một chú nhóc đội mũ rơm cười nói huyên thuyên với bọn tôi, rủ chơi trò rượt bắt. Bởi mọi thứ chẳng bao giờ ngừng.
Sau đó tôi lên cơn sốt mê man đến ngất đi. Bệnh kiết lỵ. Khi tỉnh, tôi ôn lại trí nhớ và được biết mình đang nằm trên một giường bệnh ở độ cao gần hai nghìn năm trăm mét so với mặt biển, trên nóc nhà thế giới, biết rằng mình đã kéo lê cả kiếp này và nhiều kiếp khác nữa trong cái thân xác thảm hại này, và rằng mình đã có được tất cả những giấc mộng đó. Rồi tôi nhìn thấy Dean cúi xuống cái bàn nhà bếp. Đã nhiều đêm trôi qua và hắn đã rời khỏi Mexico City. “Ông làm gì thế, anh bạn?” tôi rên lên.
“Sal tội nghiệp, Sal tội nghiệp, ông bị ốm rồi. Stan sẽ chăm sóc ông. Cố nghe tôi nói đây, dù ông đang bệnh: tôi vừa nhận được ở đây giấy tờ ly hôn với Camille, tối nay tôi về New York với Inez, nếu cái xe còn đủ sức.”
“Lại từ đầu à?” tôi kêu lên.
“Bắt đầu lại hết, chiến hữu ạ. Phải trở lại cuộc sống cũ thôi. Tôi cũng ước giá mà được ở lại với ông. Lạy giời tôi có thể quay lại đây.” Tôi ôm chặt lấy bụng, rên lên. Khi ngước mắt lên được thì thấy gã Dean liều lĩnh và cao ngạo ấy đang đứng cạnh cái va li cũ nát cúi xuống nhìn tôi. Tôi không còn nhận ra được hắn nữa, hắn biết vậy, hắn thông cảm, rồi kéo chăn lên đắp cho tôi, “ừ, ừ, ừ, giờ thì tôi phải đi. Sal thân mến, tạm biệt nhé.” Thế là hắn đi. Mười hai tiếng đồng hồ sau, trong con sốt khốn khổ, tôi cuối cùng cũng ý thức được rằng hắn đã thực sự đi. Lúc bấy giờ, hắn đang lái xe một mình về nhà, giữa những rặng núi mọc đầy cây chuối, lần này thì là trong đêm.
Khi khá lên tôi mới nhận ra hắn đúng là một kẻ phản bội, nhưng đồng thời cũng buộc phải hiểu đám bòng bong phức tạp không thể tưởng tượng nổi của đời hắn, hiểu lý do tại sao hắn lại vứt tôi lại ở đây, ốm đau, để trở về với mấy cô vợ và sự khổ đau của mình. “OK, Dean già, tôi không oán thán gì đâu.”
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường