Bạn bắt đầu từ đâu không quan trọng, quan trọng là kết thúc ở chỗ nào.

Dorothy Fields & Coleman

 
 
 
 
 
Tác giả: Jack Kerouac
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: On The Road
Dịch giả: Cao Nhị
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 20
Cập nhật: 2023-06-22 21:34:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
[10]
hicago khổng lồ đỏ rực lên trước mắt chúng tôi. Loáng một cái xe đã đến đại lộ Madison, giữa một đám bụi đời, một số túm tụm ngay giữa phố, chân ghếch lên vỉa hè, số khác chen chúc nhau trước các quán bar và các ngõ nhỏ, “Ê, ê! Ngó thử xem có phải thằng Dean Moriarty đấy không, biết đâu năm nay hắn lại tình cờ mò đến Chicago không chừng.” Chúng tôi vứt hai tay bụi đời quá giang xuống chỗ này và chạy thẳng vào trung tâm. Xe điện kèn kẹt, bọn nhóc bán báo dạo, những cô nàng ưỡn ẹo lướt qua, mùi xào nấu và mùi bia sực trong không khí, đèn nê ông nhấp nháy... “Ta đang ở một thành phố khổng lồ, Sal ạ! Hô lê!” Việc đầu tiên cần làm là đỗ chiếc Cadillac vào một chỗ thật tối, đi tắm rửa và thay đồ để đi chơi khuya. Chúng tôi tìm thấy đối diện trụ sở Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc một ngõ nhỏ lát gạch đỏ giữa các tòa nhà để đậu xe, cẩn thận cho đầu xe trông ra phố để có gì thì dông luôn. Rồi đưa hai thằng nhóc học sinh đến cái trụ sở đó; ở đấy, chúng được nhận một phòng và đồng ý cho chúng tôi dùng các thiết bị ở đó trong vòng một tiếng đồng hồ. Tôi và Dean cạo râu và tắm rửa. Tôi bị rơi mất ví tiền ở ngoài hành lang; tình cờ thế nào chính Dean lại nhặt được. Hắn đút túi thì mới phát hiện ra rằng đó là ví của tôi và tràn trề thất vọng. Chúng tôi tạm biệt hai chú nhóc, chúng sung sướng vì đã về đến nơi nguyên vẹn. Sau đó, chúng tôi đi kiếm cái gì nhét bụng. Chicago cổ kính ố vàng mang trong nó sự pha trộn kỳ lạ nửa miền Đông nửa miền Tây. Dean đứng nghênh ngang trước quán, tay xoa bụng, hít đầy lồng ngực mọi thứ ở nơi này. Hắn muốn bắt chuyện một ả da đen sồn sồn, ả bước vào quán, cứ bô bô lên rằng mình không có tiền nhưng đã có sẵn bánh và muốn được ai đó cho mình xin ít bơ. Ả ngoe nguẩy cái mông, thấy không được ai hưởng ứng lại ngoe nguẩy cái mông đi ra. “Chà!” Dean nói. “Hãy theo nàng ra phố, dẫn nàng về chỗ con Cadillac trong ngõ. Chúng ta sẽ tiệc tùng.” Nhưng rồi bọn tôi quên béng và phóng thẳng đến phố Bắc Clark, sau khi lượn lờ một lúc ở trung tâm Chicago, để xem múa hootchy-kootchy* và nghe nhạc jazz. Và đó thật là một đêm huyền diệu. “Ôi anh bạn,” Dean nói với tôi khi chúng tôi vừa đứng trước một quán rượu, “hãy thưởng thức con phố của cuộc đời đi, hỡi kẻ xa lạ đi ngang qua Chicago. Một thành phố mới kỳ dị làm sao... chà, người đàn bà đứng bên cửa sổ kia, nàng đang nhìn xuống với cặp vú đẫy đà núng nính trong chiếc áo ngủ, đôi mắt mở to. Ôi, Sal, phải xông lên, phải đi cho đến khi tới đích.”
“Nhưng đi đâu mới được chứ?”
“Tôi cũng không biết nữa, nhưng cứ phải đi thôi.” Một cái xe xô tới, một bọn nhạc công trẻ bước xuống, lôi mớ nhạc cụ ra khỏi xe. Chúng tôi theo họ, vào ngồi chen chúc trong quán rượu. Họ ổn định chỗ ngồi và bắt đầu chơi kèn. Đích chính là đây! Tay kèn chính là một gã dong dỏng, ủ rũ, tóc xoăn, chơi saxo, vai hẹp, sơ mi ngắn, ăn mặc mát mẻ trong đêm ấm áp, đam mê đong đầy mắt. Gã nhấc kèn lên, nhăn trán thổi những giai điệu mới mẻ và phức tạp, hoa mỹ nhịp nhịp chân lấy cảm hứng, lãng quên mọi thứ trên đời - rồi lên tiếng rất khẽ, “Bắt đầu,” và những người khác bắt đầu đoạn solo của họ. Đến lượt một gã rất giống Prez*. Đó là một gã đẹp trai tóc vàng, chơi giọng trầm, trông như một võ sĩ đấm bốc mặt đầy tàn nhang, đóng hộp cẩn thận trong bộ com lê ca rô vải sakin có những đường ly dài, cổ áo lật ngược ra sau và cà vạt thắt hững hờ tạo cảm giác bụi phủi một cách chủ ý. Gã đang đổ mồ hôi, giương kèn và oằn người thổi vào nó những giai điệu hệt chính Lester Young. “Ông thấy không, tay giống Prez này mang trong hắn nỗi lo của một nhạc công chơi nhạc để kiếm cơm, hắn là kẻ duy nhất ăn mặc đâu ra đấy, xem hắn căng thẳng thế nào khi thổi nhầm nốt thì biết, còn tay kèn chính thì, thằng cha tuyệt vời đó, chỉ bảo hắn đừng có lo, cứ thổi thôi - âm nhạc thuần túy và cảm xúc chứa chan trong giai điệu là tất cả những gì gã quan tâm. Gã là một nghệ sĩ thực thụ. Gã đang hướng dẫn tay Prez võ sĩ đấm bốc kia. Giờ thì những người khác đều nhận thấy!!” Tay kèn thứ ba là một gã chơi kèn alto, một thằng nhóc da đen mười tám tuổi chưa học xong trung học, lạnh lùng, trầm mặc kiểu Charlie Parker, miệng rộng, cao nhất. Hắn nâng kèn lên thổi một cách nhẹ nhàng và tư lự, gợi nên những đoản khúc như tiếng chim và sự logic mang tính kiến trúc như Miles Davis*. Đây hẳn là con cháu của những nhạc sĩ jazz thiên tài.
Từng có một thời Louis Armstrong cất lên những giai điệu bebop tuyệt đẹp từ bùn vùng New Orleans; trước hắn đám nhạc công khùng từng chỉ diễu hành trong các ngày lễ rồi xào xáo các hành khúc Sousa* thành điệu ragtime. Rồi đến điệu swing, và Roy Eldridge, sung mãn và tràn đầy nhiệt huyết, đã huy động toàn bộ sức mạnh của cây kèn để làm nên những làn sóng nhạc chở theo sự mạnh mẽ, logic và tinh tế - thả mình theo những giai điệu đó với đôi mắt lấp lánh, nụ cười hiền lành mà ban phát cho thế giới nhạc jazz niềm say mê cùng cực. Sau đó đến thời của Charlie Parker. Charlie Parker, một thằng nhóc từng sống cùng mẹ trong túp lều chứa củi ở Kansas City, chơi kèn alto giữa những khúc gỗ ngổn ngang, luyện tập trong những ngày mưa, và xoay xở mãi để được đi xem ban Basie, Benny Moten, Hot Lips Page và những nghệ sĩ khác diễn - Charlie Parker từng bỏ nhà đến Harlem, gặp gã nhạc sĩ khùng Thelonius Monk và một gã còn khùng hơn là Gillespie - Charlie Parker trong những ngày đầu sự nghiệp khi chơi kèn cứ đi vòng tròn và gật gù. Cũng đến từ Kansas City nhưng trẻ hơn Lester Young một chút, gã khùng sầu não thần thánh này đã gói trong mình cả lịch sử nhạc jazz; hồi còn hay nâng kèn lên cao ngang miệng, gã đã tạo nên những giai điệu vĩ đại nhất; khi tóc dài ra, gã trở nên uể oải hơn, rồi kiệt sức, cây kèn chúc xuống nửa chừng; rồi đến khi nó chúc xuống hẳn. Còn hôm nay, khi gã mang đôi giày đế dày để không thể cảm thấy cuộc đời dưới chân, cây kèn hờ hững tựa vào ngực gã, và gã thổi lên những đoản khúc du dương, phóng khoáng. Họ là con đẻ của đêm jazz nước Mỹ.
Nhưng kẻ lạ mặt vẫn tô điểm cho đêm - khi tay alto da đen đang say sưa chơi với cả tấm lòng, gã tóc vàng trẻ tuổi, cao, gầy đến từ phố Curtis, Denver, mặc quần jean, thắt lưng đính đinh kim loại, không rời khỏi miệng kèn trong khi chờ những người khác chơi xong; đến khi họ xong thật thì gã bắt đầu ngay, và khán giả sẽ phải nhìn quanh để xem tiếng nhạc phát ra từ đâu, bởi nó phát ra từ đôi môi mỉm cười như thiên thần đang đặt trên miệng kèn và là một đoạn solo kèn alto dịu dàng, ngọt ngào như thần thoại. Cô đơn như chính nước Mỹ, âm nhạc xé toang màn đêm.
Những người khác và quá trình sáng tạo âm thanh của họ thì sao? Có một tay kèn bass, tóc đỏ, rắn rỏi, ánh mắt dữ dội, đánh hông mạnh mỗi khi tới cao trào, khi hưng phấn miệng gã cứ há ra như bị thôi miên. “Trời ạ, trên đời thực sự có kẻ có thể bẻ cong bồ gã!” Tay trống u sầu, giống như gã hippy da trắng trên phố Folsom ở Frisco, hoàn toàn ngơ ngẩn, cứ đăm đắm nhìn khoảng không, nhai kẹo cao su, mắt mở to, gật gù cổ trong sự kích động như Reich nói và sự tự mãn ngất ngây. Chơi piano là một gã lái xe tải gốc Ý to con, giọng khàn, có bàn tay nần nẫn, một gã sôi nổi, lực lưỡng và cẩn thận. Họ chơi khoảng một giờ. Không ai lắng nghe. Mấy lão vô gia cư trên phố Bắc Clark thơ thẩn đến quầy bar, bọn điếm rít lên bực tức. Gã người Tàu bí ẩn đi qua. Tiếng ồn của vũ điệu hootchy-kootchy chen vào. Tất cả cứ thế tiếp diễn. Bên ngoài lối đi bỗng xuất hiện một bóng ma - một thằng nhóc mười sáu tuổi để râu dê xách theo chiếc hộp đựng kèn trombone. Không lời giới thiệu, không ai thèm nhìn nó. Ban nhạc diễn xong, đóng gói đồ chuẩn bị đi bar khác. Nó muốn nhảy lên, thằng nhóc Chicago gầy giơ xương đó. Nó đeo cặp kính đen lên, đưa cây trombone lên môi, và bắt đầu một mình. Nhưng rồi nó cũng cuốn gói theo họ. Họ sẽ không bao giờ cho nó chơi cùng, y như đội bóng bầu dục nghiệp dư sau thùng xăng. “Tất cả hội này đều sống với bà như Tom Snark và tay kèn alto Carlo Marx của chúng ta,” Dean nói. Chúng tôi đuổi theo họ. Họ đến câu lạc bộ Anita O’Day và ở đó dỡ đồ ra biểu diễn đến tận chín giờ sáng. Tôi và Dean ngồi đó uống bia.
Mỗi lúc tạm nghỉ, bọn tôi lại nhảy lên con Cadillac chạy khắp Chicago để quơ gái. Mấy em phát hoảng khi nhìn thấy cái xe to đùng, tơi tả, mang tính thấu thị của chúng tôi. Dean điên tiết ra nốc nước ở vòi công cộng và cười hinh hích như điên. Đến chín giờ cái xe đã hoàn toàn trở thành một đống sắt vụn, phanh hỏng; chắn bùn nát bét; cần truyền động lạch xạch. Dean không đỗ lại khi đèn đỏ được, nó cứ ầm ầm lao trên đường. Nó đã phải trả giá cho đêm. Giờ nó chỉ còn là một cái xế hộp đầy bùn chứ không còn là con limousine bóng lộn nữa. Ban nhạc vẫn đang chơi ở quán Neets.
Đột nhiên Dean nhìn chằm chằm vào góc tối cách xa bục biểu diễn và nói, “Sal, Chúa đã đến rồi.”
Tôi nhìn theo. Là George Shearing*. Như thường lệ gã ngả cái đầu có đôi mắt mù vào đôi tay nhợt nhạt, tai mở như tai voi, lắng nghe những âm thanh của nước Mỹ rồi làm chủ nó, biến tấu thành đêm hè kiểu Anh của chính gã. Gã thực sự đã làm thế. Gã chơi vô số điệp khúc với những cung bậc diệu kỳ, mỗi lúc một cao, cao hơn, cao hơn nữa, cho đến khi mồ hôi gã nhỏ xuống cây piano và mọi người lắng nghe trong sững sờ và kính nể. Người ta đỡ gã rời sân khấu sau một tiếng. Gã trở lại góc tối của mình, Chúa Shearing, và ban nhạc nói, “Gã đã chơi hết phần chúng ta.”
Nhưng gã trưởng nhóm gầy gò nhăn trán. “Dù sao ta vẫn cứ diễn.”
Một điều gì đó mới mẻ sẽ tới. Luôn có thêm, hay hơn một chút - không bao giờ vơi cạn. Họ kiếm tìm những đoản khúc mới sau những khai thác của Shearing; họ rất nỗ lực. Đôi lúc một âm thanh chói tai nhưng rõ ràng và hợp nhịp đã gợi người ta nghĩ tới một giai điệu một ngày nào đó sẽ trở thành giai điệu duy nhất trên thế giới và nâng tâm hồn con người đến niềm vui. Họ đã tìm thấy nó, rồi để vuột mất, họ vật lộn tìm kiếm, họ lại thấy nó, họ cười, họ thở than - còn Dean thì ngồi bên bàn, mồ hôi đầm đìa, cổ vũ họ cố lên, cố lên, cố lên. Chín giờ sáng, mọi người - các nhạc công, gái ế khách, kẻ đứng quầy bar, cả thằng nhóc bất hạnh, gầy giơ xương chơi kèn trombone - lảo đảo bước ra khỏi câu lạc bộ trong tiếng ngày Chicago ồn ã về nhà ngủ cho đến tận khi đêm jazz tiếp theo lại bắt đầu.
Dean và tôi rét run trong bộ đồ rách nát. Đã đến lúc phải đem xe trả lại cho khổ chủ ở ngoài thành phố, trong một căn hộ sang trọng ở khu Lake Shore Drive, có cả một nhà để xe hoành tráng dưới tầng hầm do mấy gã da đen lấm lem dầu mỡ quản lý. Chúng tôi lái xe đến đó, đánh cái xe lấm láp bùn vào chỗ của nó. Tay thợ máy không nhận ra chiếc Cadillac quen thuộc của họ. Bọn tôi đưa giấy tờ ra. Gã vò đầu bứt tai khi thấy nó. Bọn tôi chuồn lẹ. Hai thằng trở lại trung tâm bằng xe buýt, và mọi chuyện chỉ có thế. Từ đó chúng tôi không nghe thêm tin tức gì từ tay triệu phú Chicago này về tình trạng của chiếc xe nữa, dù gã đã có địa chỉ của chúng tôi và có thể đi thưa kiện bất cứ lúc nào.
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường