Mỗi con người có 03 loại tính cách: tính cách anh ta phô bày, tính cách anh ta có, và tính cách anh ta nghĩ anh ta có.

Alphonse Karr

 
 
 
 
 
Tác giả: Linh Vũ
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Mike Nguyen
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1767 / 1
Cập nhật: 2015-07-18 07:21:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
au bữa cơm chiều, Mai, Tuấn lén xuống bếp tìm cô Bảy. Thấy không có ai khác, Mai ra hiệu cho Tuấn đến gần cô. Bắt gặp vẻ e dè bí mật của hai cháu, cô Bảy tươi cười hỏi:
- Hai cháu cần gì đó? Lại chuyện gì nữa đây?
- Thưa cô… cháu muốn hỏi…
Tuấn ngập ngừng chưa biết nhập đề cách nào, thì Mai đã cướp lời:
- Dạ, chắc cô biết cuốn sổ đạc điền cất ở đâu phải không?
- Chà, bộ hai cháu muốn đo đất dùm cô chắc!
- Không phải đâu cô, chúng cháu đang chơi ô chữ.
Tuấn nhanh nhẩu giải thích. Rất may cô Bảy không thắc mắc gì, vui vẻ trả lời:
- Sổ đạc điền ở nhà tư làm gì có. Hình như đó là sổ vẽ bản đồ ruộng đất của mỗi vùng. Như nhà mình ở đây thuộc tỉnh Ban Mê Thuột, phải lên tòa hành chánh tỉnh mới có. Muốn gì thì hỏi chú, chú rành mấy chuyện này, còn cô đâu biết gì. Các cháu chơi trò ô chữ tốt lắm, khỏi phá phách ai hết, cô hoan nghênh hết mình.
Tuấn đỏ mặt vì câu nói sau cùng của cô Bảy. Mai lí nhí cám ơn cô rồi lủi ra sau nhà. Thấy không có ai, Mai mới khẽ nói:
- Cô Bảy cho biết cuốn sổ đạc điền ở trong tòa hành chánh tỉnh. Tấm giấy tụi mình đang giữ chính là một tấm bản đồ, có lẽ in từ cuốn sổ đạc điền ra. Mai thấy chuyện khó là làm sao xuống tòa hành chánh tỉnh mà tìm bây giờ.
- Dễ ợt. Chừng nào người lớn có việc xuống tỉnh, tụi mình xin đi theo là xong.
- Hay đó, nhưng Tuấn muốn anh Minh, anh Danh dẫn vô tìm hay sao? Hai ông tướng đó sẽ đặt nghi vấn ngay cho coi. Mình tìm cách đến tòa hành chánh tỉnh không cho ai biết mới được.
Tuấn cho là phải. Hai anh em quyết định chờ cơ hội thực hiện ý định.
Vừa bước vào nhà, hai đứa chợt giật mình vì tiếng kính bể, rồi tiếng Danh vang lên:
- Tại cậu đó, cậu đụng vào tay tớ.
Minh cãi lại:
- Tại cậu chứ, tớ đâu có cầm búa.
Ngay lúc đó, chú Bảy chạy lại coi.
- Sao? Có bị đứt tay đứt chân gì không hai cháu?
- Dạ không.
- Thế thì không sao! Mai hai cháu xuống tỉnh mua cho chú tấm kính khác lắp vào.
Mai kéo Tuấn lên lầu, khẽ bảo:
- Nghe chưa, ngày mai hai “tướng lớn” xuống tỉnh, tụi mình phải xin đi theo mới được.
- Nhưng Mai mới nói là…
- Đúng rồi! Trong khi hai “tướng” mua hàng, tụi mình sẽ lẻn đến tòa hành chánh xem một chút. Như vậy còn khuya “hai tướng” mới để ý.
Tuấn do dự:
- Lỡ chú Bảy còn phạt tụi mình thì sao?
- Cứ yên trí. Việc ấy để Mai lo cho…
° ° °
Sáng hôm sau, trong khi Minh, Danh đang ghi chép những thứ cần phải mua, Tuấn nóng lòng chờ vẫn không thấy Mai xin phép đi. Ngay lúc đó Xuân ở đâu đi tới, vẻ mặt tươi cười:
- Má em bằng lòng rồi, chị Mai ơi.
Bấy giờ Tuấn mới biết Mai thật khôn, biết lợi dụng cả Xuân.
Mai hớn hở hỏi:
- Chúng mình cùng đi cả hả Xuân?
Cô Bảy bước ra dặn dò:
- Được rồi, cả các cháu cùng đi. Nhưng nhớ một điều là phải coi chừng đừng nghịch ngợm gì hết. Dân vùng này không thích người lạ tới ở đây. Mình mới tới phải gắng giữ gìn, đừng để họ có dịp phê bình mình nghe chưa?
Mai nhanh nhẹn trả lời:
- Dạ, chúng cháu hứa sẽ vâng lời cô.
Trại Bích Câu không xa tỉnh Ban Mê Thuột là bao. Xuống một cái dốc, rồi đi một quãng đường nữa là đã thấy mấy căn nhà đầu tỉnh. Tuy gần, nhưng đường núi quanh co, cũng phải mất cả tiếng đồng hồ mới tới. Minh, Danh dẫn đầu đám trẻ. Vừa đi, hai anh vừa bàn tán về thái độ của dân vùng này đối với người lạ. Minh cắt nghĩa:
- Chú Bảy nói cho mình biết tại sao rồi. Thái độ đó cũng như một truyền thống còn sót lại từ hồi xa xưa. Tuy thế, còn khó gột rửa hơn là phải bỏ một tục lệ kỳ quái.
Danh không chịu:
- Tại sao cùng là người với nhau mà họ lại có thái độ kỳ quặc như vậy?
- Muốn hiểu, mình phải trở lại thời xa xưa. Vào thời kỳ mà rừng núi kể như giang sơn riêng biệt của các sắc dân Thượng. Người Thượng tự do sinh sống trong mỗi vùng dành cho sắc tộc của mình. Nhưng từ ngày có bóng dáng người Kinh lên đây khai khẩn, người Thượng không còn được tự do như xưa nữa., nghĩa là họ mất dần quyền làm chủ núi rừng.
- À tớ hiểu rồi. Người Kinh lên đây chiếm đất khai phá. Quyền lợi của người Thượng bị đe dọa, họ phản ứng lại chứ gì?
- Đúng rồi, vì thế trước kia mình thường được nghe kể những chuyện đụng chạm giữa Kinh-Thượng, nhưng ngày nay hết rồi. Thái độ không chấp nhận người lạ biến mất dần nơi người Thượng. Nhưng một điều lạ là thái độ đó lại đâm rễ sang nhóm người Kinh. Nhóm người Kinh thiểu số đó không muốn có người lạ đến tranh giành khai thác với họ. Tóm lại, mọi sự khởi đầu cũng chỉ vì quyền lợi sau này. Nó như bệnh di truyền, truyền lại cho con cháu.
Danh kết luận:
- Tớ vừa nghĩ, biết đâu mấy con bò của chú Bảy bị thương bữa trước cũng vì lý do sâu xa đó. Gia đình chú Bảy mới tới vùng này chưa được bao lâu mà.
- Dám lắm, nhưng đó chỉ là giả thuyết, phần tụi mình là phải tìm ra sự thật.
Mai, Xuân và Tuấn đi sau, lâu lâu ba anh em dừng lại hái hoa rừng. Vừa thấy một cánh hoa đẹp, Xuân chạy lên trước để hái. Chẳng may đạp nhằm phải cái gai, Xuân đứng lại nhăn nhó. Minh, Danh vội chạy đến, thấy chân của Xuân bị đâm chảy máu, ngần ngại chưa biết tính sao. Xuân nói:
- Các anh đi đi, để mặc em về nhà một mình cũng được.
Minh do dự, xem đồng hồ. Nếu leo lên trại Bích Câu, rồi lại xuống tỉnh, chắc khi về trễ mất. Minh hỏi lại Xuân:
- Nhưng Xuân có chắc không cần ai giúp không?
Mai xen vào:
- Thôi để em về trại với Xuân, em không đi nữa.
Bản tính dễ cảm, thương người đã vượt trên quyền lợi riêng. Mai rất muốn ra tỉnh nhưng nhìn gương mặt thiểu não của Xuân, Mai không đành lòng.
- Tuấn cũng về với Xuân cho vui. Mai với Tuấn làm cái kiệu bằng tay rồi khiêng Xuân. Như vậy Xuân bớt đau.
Nói là làm, Mai, Tuấn khiêng Xuân trên tay vừa đi vừa nói chuyện cho Xuân quên chỗ chân đau.
Một lát sau ba em đã về tới trại. Cô Bảy cảm động thấy các cháu tận tình với Xuân. Để bù lại cuộc đi chơi hụt, cô nhờ Mai, Tuấn mang trứng lên chòi của cai Bần. Cô dặn:
- Các cháu cứ thẳng đường mòn ở sau nhà, tới căn nhà nhỏ đầu tiên ở mé tay trái. Đấy là nhà của cai Bần. Nếu ông ta không có nhà các cháu cứ để giỏ trứng ở cửa rồi ngày mai hãy lên lấy tiền.
Mai mừng rỡ xách giỏ trứng ra đi. Tuấn chần chừ hỏi:
- Anh cất cái bản đồ ở nhà nghe, vì mình đâu có ra tỉnh nữa.
- Cứ mang đi, lên núi mình càng tự do coi lại cho kỹ.
- Ừ nhỉ.
Tuấn nhìn em trìu mến. Hai anh em nắm tay nhau tung tăng đi về phía nhà cai Bần.
Trên Đồi Cỏ Trên Đồi Cỏ - Linh Vũ Trên Đồi Cỏ