Nghị lực và sự kiên nhẫn cần có cho bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào.

Theodore F. Merseles

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 126
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3766 / 38
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
- 3 - -
rong lúc hai sĩ quan Mỹ và Việt đốp chát nhau, trong lòng địa đạo chật hẹp ngay dưới chân họ, Tuyết Lương đang bươn bả trườn người. Mặc bộ đồ bà ba đen miền nam mấy năm nay đã trở thành bộ đồ ra trận của Việt Cộng, và bằng những cử động thoăn thoắt thành thạo, Tuyết Lương chuồi người tới trước. Hai đầu gối và hai cùi chỏ ấn nhịp nhàng như bốn chiếc giầm chèo chỏi xuống lòng đất khô. Khẩu Colt.45 tịch thu được của Quân đội Hoa Kỳ nằm nguyên trong bao súng, được quấn chặt vào bắp đùi trái rồi thắt gút bằng một sợi dây rừng. Hai đầu mút dây chừa hai đoạn dài theo cách nàng thường dặn mọi người trong trung đội xung kích đặc biệt phải làm. Để hễ mình tử trận, đồng đội sẽ dễ dàng kéo xác ra khỏi khu vực đụng độ.
Vừa rồi, qua cửa trinh sát ngụy trang dưới gốc một bụi tre cách mép bãi đất trống hai chục thước, Tuyết Lương thấy và nghe loáng thoáng viên đại úy Mỹ và viên trung úy Nam Việt Nam lời qua tiếng lại. Dù không biết chính xác họ đang cãi nhau chuyện gì nàng vẫn có thể dễ dàng nhận ra vẻ xung khắc rõ rệt trong giọng nói của cả hai vì nàng ở khá gần.
Khi lính Cộng Hoà bắt đầu tiến vào xóm, Tuyết Lương còn đếm được cả thảy có bao nhiêu người. Và khi bò trong lòng đất tối đen như mực, thêm lần nữa nàng nhẫm tính trong đầu số lượng và các loại vũ khí vừa ghi nhận. Mười hai khẩu súng trường Garand M-1 nặng nề. Mười chín súng các-bin M-2 loại báng nhẹ. Một trung liên BAR. Hai súng phóng lựu kiểu mới M-79 với khả năng tác xạ khủng khiếp, có thể bắn tạc đạn chính xác với cự li ngoài một trăm thước. Hai sĩ quan Mỹ cũng mang theo tiểu liên xung phong AR-15 kiểu hiện đại như thường lệ. Nếu kế hoạch phục kích này thành công, chừng ấy vũ khí quả là một khối lượng dồi dào cho Tiểu đoàn 514 kiệt xuất của Quân Đội Giải Phóng.
Khi trườn tới một đoạn địa đạo rộng hơn, Tuyết Lương nhớm chân và bắt đầu khom lưng như người đang chạy để bươn bả lẹ hơn. Nàng nôn nóng muốn báo cáo càng nhanh càng tốt cho trạm chỉ huy cách đằng trước tám trăm thước, cũng đặt ngầm dưới đất. Hệ thống địa đạo bên dưới ấp Mộc Linh có độ dài tất cả gần mười cây số. Nó chằng chịt như một cung mê với nhiều đường hầm toả ra mọi hướng. Tuyết Lương biết nó rất rõ, không kém các đường mòn trên mặt đất trong ấp vì suốt sáu tháng vừa qua, chính nàng đã tiếp tay với dân làng hối hả đào chúng.
Cùng kiểu với mạng lưới địa đạo Củ Chi, một huyện cách Sài Gòn khoảng ba chục cây số, nhưng qui mô nhỏ hơn. Loại mạng lưới này được thiết lập trong lòng đất theo kỹ thuật du kích chiến lão luyện, khởi đầu được quân Cộng Sản của Mao Trạch Đông triển khai tại Trung Hoa và sau đó được hoàn thiện tại Triều Tiên. Kỹ thuật đào do chính các chuyên gia Bắc Triều Tiên sang Hà Nội trực tiếp truyền nghề qua các khóa tập huấn ở Bắc Giang. Chiến tranh du kích đi liền với địa đạo như hải chiến đi đôi với tàu thuyền. Nó biến đổi tùy mục đích dùng để ẩn núp, làm kho tàng hay mai phục đánh độn thổ hoặc đôi khi là căn cứ địa tùy vào địa điểm chiến lược. Nó dài ngắn sâu cạn tùy tính chất đất, khí hậu và con nước và mức độ phản ứng của dân chúng địa phương đối với các hình thức huy động của Mặt Trận. Nói chung, nó biến hóa hơn rất nhiều so với óc tưởng tượng của QĐVNCH và đồng minh người Mỹ của họ.
Mộc Linh là một địa điểm đặc biệt vì thế đất khô, hầu hết trai tráng là du kích quân và vị trí chiến lược gần Rừng U Minh mênh mông và lầy lội. Tại đây, nó gồm một hệ thống địa đạo dẫn tới những cửa tẩu thoát trổ ra nơi bìa rừng chung quanh làng, nhiều hầm kho tàng, nhiều đường trinh sát dẫn tới các cửa quan sát bố trí theo từng khoảng cách đều đặn dọc bờ kênh hoặc con đê bắc ngang cánh đồng với các lỗ châu mai được ngụy trang cẩn thận. Sáng nay, nếu các chốt hỏa lực từ những lỗ châu mai chế ngự mọi ngả đường vào ấp Mộc Linh đều nổ súng, có thể nhiều lính Cộng Hoà đã bị bắn gục khi họ đang lội bì bỏm giữa mặt ruộng trống trải. Nhưng phương án kế hoạch là dụ cho họ tiến sâu vào tâm điểm của Mộc Linh. Chỉ tấn công sau khi các phương tiện cơ giới dùng để đổ quân cùng máy bay trực thăng tháp tùng có trang bị hoả tiễn và đại liên đã quay đầu trở về hậu cứ. Đó cũng là cách thường được Quân Đội Giải Phóng áp dụng để giảm thiểu số thương vong và tăng tối đa số lượng vũ khí tịch thu được.
Trong khi chúi mình lom khom bò như chạy, Tuyết Lương thận trọng tránh những lối vào có cắm ám hiệu, dẫn tới các đoạn đường hầm nghi trang cách riêng, chỉ dùng để dụ địch. Ở đó có gài mìn và đặt bẫy chông tẩm độc - làm bằng tre vót nhọn, tẩm phân người hoặc phân gia súc thối rữa vì để lâu ngày. Những đường hầm ấy được chuẩn bị kỹ lưỡng và chăm sóc đặc biệt để nếu đối phương có tìm thấy địa đạo rồi mò xuống, từ trong bóng tối, quân du kích có thể phục kích dễ dàng. Cho tới nay, Tuyết Lương biết rõ gần như ấp cố thủ nào trong vùng giải phóng cũng có địa đạo, không dài thì ngắn, nhưng ít khi đối phương dám xâm nhập. Lính Cộng Hoà thường tỏ ra chẳng thú vị việc phải xuống bất kỳ đường hầm nào bị họ phát hiện. Bom xông khói, súng phun lửa, lựu đạn cay được họ dùng, thường chỉ có thể trục ra vài du kích quân núp dưới đó. Và vì lính chính quyền không biết chắc sâu bên trong cửa hầm có những nguy cơ nào đang chờ đón họ nên họ thường bằng lòng với việc chỉ đánh sập cửa hầm.
Trạm chỉ huy ở Mộc Linh đặt trong một nhà bếp làm theo kiểu lò Hoàng Cầm, từng được sử dụng rộng rãi tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đó là một căn hầm trong lòng đất, từ đó có những đường hầm nhỏ đào theo độ nghiêng, toả ra ngoài như nan hoa xe đạp để phân tán khói từ hàng chục bếp lò cho khói thoát ra ở những cửa lộ thiên đặt tận khu rừng rậm cách nhà bếp hàng trăm thước. Khi Tuyết Lương tới nơi, nàng ngạc nhiên thấy Ngô Văn Đồng, chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 514 chủ lực quân cơ động, đang mải miết chuyện trò với một người lạ nhỏ thó mà trông rất có uy quyền.
Chẳng cần đợi hiệu lệnh mở miệng, Tuyết Lương nói ngay trong tiếng thở hổn hển:
- Báo cáo đồng chí tiểu đoàn trưởng, tại Cửa ra Số 17, tôi đếm được ba mươi bốn thằng lính Diệm, hai thằng sĩ quan ngụy và hai thằng giặc Mỹ. Bọn chúng mang mười hai khẩu Garand M-1, mười chín khẩu các-bin tự động M-2, một khẩu trung liên Browing, hai khẩu tiểu liên AR-15 - và hai súng phóng lựu M-79 kiểu mới. Thằng trung úy của Diệm cật vấn ba bà con được ta để lại trong xóm. Nhưng sau đó nó và thằng Mỹ cãi nhau. Rồi tôi thấy bọn chúng có vẻ lưỡng lự.
Dù ngoài năm mươi tuổi, Ngô Văn Đồng người vẫn gầy nhom và cao lêu đêu, không khác chút nào so với thuở đóng vai phu xe kéo ở Huế. Anh cau mặt quay lại nhưng vẻ khó chịu vì câu chuyện bị vô phép phá ngang chợt dịu xuống khi nhận ra kẻ đang báo cáo. Nghe xong, anh hỏi lại:
- Có phải đồng chí nói chỉ có ba mươi tư thằng lính ngụy?
Vừa hỏi anh vừa bước thật lẹ tới tấm bản đồ vẽ Mộc Linh cùng các cửa địa đạo, được gắn trên chiếc chiếu cói che vách hầm. Chỉ vào bản đồ, Tuyết trả lời gọn gàng:
- Không. Tôi chỉ nói là riêng phần tôi, tôi thấy có ba mươi bốn thằng. Còn các trạm canh khác nơi mấy cửa hầm sát Cánh Đồng 13 có báo cáo với tôi rằng quân số địch từ trên máy bay lên thẳng đổ bộ xuống gồm đủ một đại đội với hơn một trăm thằng. Chúng nó đang tập trung tại chỗ này, ở xóm thứ nhất.
Đồng chăm chú nhìn vào điểm ngón tay Tuyết dí trên bản đồ:
- Tốt. Vậy chúng ta cứ thi hành đúng phương án và kế hoạch đã lên.
Đột nhiên anh mỉm miệng cười, xoay qua người tóc hoa râm đang đứng kế bên:
- Tôi chắc thế nào chú cũng từng nghe nói ít nhiều tới đồng chí Tuyết Lương, trung đội trưởng nổi tiếng của chúng tôi đây. Chị rất giỏi xoay xở, không biết sợ hãi là gì và đúng như những gì người ta thường kể về chị.
Nói tới đó, Đồng lại quay sang Tuyết:
- Vị khách của chúng ta đây là một đồng chí lãnh đạo cách mạng. Hôm nay đồng chí ấy tới quan sát cuộc hành quân của chúng ta. Ông là chiến hữu của cha tôi thuở trước - tôi cũng từng chiến đấu dưới quyền của ông tại Điện Biên Phủ. Vì lý do an ninh, chúng ta chỉ nên gọi ông là "Đồng chí Phạm".
Trong khi quan sát diện mạo Tuyết, bộ mặt da nhăn như cổ gà của Đào Văn Lật nhúm lại thành một nụ cười ấm áp. Bộ bà ba đen và hai gò má của Tuyết lem luốc đất địa đạo, mái tóc cắt ngắn ôm gọn khuôn mặt xinh xắn, nhưng ngược lại, dáng điệu nàng kiêu hãnh, thân hình cân đối và khẩu súng lục buộc chặt bên đùi tạo cho Tuyết thành một hình ảnh đáng nể. Lật nói, mắt không rời Tuyết:
- Đồng chí nổi tiếng dũng sĩ và đẹp. Gặp đồng chí mới biết quả thật lời nhân dân nói chẳng sai chút nào. Theo đồng chí, gan dạ và nhan sắc, cái nào có tác dụng hơn?
Tuyết trả lời câu hỏi thách thức ấy với nét mặt cứng nhắc:
- Báo cáo đồng chí, tôi thấy cái sau chỉ quan trọng chút ít so với cái trước. Điều làm tôi quan tâm không phải là những lời người ta đồn đãi về vẻ bên ngoài của mình.
Ánh mắt Lật chợt lóe lên khi lướt qua chiếc áo bà ba đen mộc mạc, không che đậy hết đường nét mềm mại trên bộ ngực của Tuyết. Chỉ một thoáng phù du, Lật cảm thấy đâu đó trong lòng mình âm thầm rung lên nỗi chua xót thường làm ruột anh co thắt, suốt nhiều năm trời, mỗi khi lâm vào khoảnh khắc như thế này. Trên vẻ mặt của Tuyết có điều gì đó không xác định nổi - có thể đó là sự hoà hợp hiếm hoi giữa thanh tú tuyệt vời và hiên ngang mãnh liệt, cũng có thể là lãnh đạm như sỏi đá và hận thù rực lửa - nó làm Lật lần đầu tiên, từ nhiều năm nay, lại nghĩ tới Liên. Và bỗng dưng Lật có cảm tưởng như thể đang có bàn tay ma quái nào đó cầm lưỡi dao lấp lánh và sắc lẽm ngày nào cứa mạnh vào da thịt mình thêm lần nữa.
Lật nói với giọng êm và nhẹ:
- Đồng chí ạ, đối với một phụ nữ yêu nước và can đảm thì cái sau có lẽ không quan trọng. Nhưng tôi chắc chắn rằng đối với các chiến sĩ trẻ tuổi và nhạy cảm dưới quyền chỉ huy của đồng chí thì cái sau rất tuyệt vời. Nó giúp cho họ thêm hào hứng để có những hành động dũng cảm.
Tuyết nhìn thẳng tới trước, không nói. Từ ngày tham gia lực lượng du kích tới nay, nàng cố tình giữ trạng thái lạnh lùng và dửng dưng trong mối quan hệ với nam giới chung quanh. Và nàng giữ mãi nguyên tắc giao tế đó với mọi người, không chừa một ai, kể cả đối với các cán bộ lãnh đạo. Tuy vậy, Tuyết có đủ nhạy cảm để có thể đoán ra "Đồng chí Phạm" này thuộc cấp bộ chóp đỉnh. Ông từ Hà Nội vào nam hẳn để góp phần củng cố tổ chức của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đang hồi cực kỳ khó khăn vì hệ thống ấp chiến lược cùng các cuộc càn quét bằng giang thuyền và trực thăng vận của Mỹ Diệm. Tuyết cũng biết rõ những người Cộng Sản kỳ cựu thường đánh giá nàng như một kẻ cá nhân chủ nghĩa thích phiêu lưu, một kẻ chỉ hành động bốc đồng theo cảm tính, nên không đáng tin cậy. Do đó Tuyết quyết định rằng sẽ chẳng thực tế chút nào nếu mình để mất thiện cảm của người đồng chí thượng cấp này. Tuyết nói nghiêm trang:
- Thưa "Đồng chí Phạm", nếu tôi được phép đoán thì, rõ ràng đồng chí từ xa đến Long An này để lãnh đạo chúng tôi thi hành những nhiệm vụ mới nhằm đối phó hữu hiệu với tình hình mới. Nếu quả đúng như vậy, tôi tin rằng công tác ấy sẽ được thực hiện hoàn hảo và đồng chí chắc chắn sẽ mang nhiều thắng lợi về cho trung ương.
Đôi mắt Lật lấp lánh thú vị. Anh nói với vẻ tế nhị và nhã nhặn như thể anh chỉ phục vụ cho đường lối chính thức của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam:
- Tôi được phái đến đây chỉ để đóng góp tất cả năng lực khiêm tốn của mình vào công cuộc chiến đấu của nhân dân miền nam nhằm thiết lập một chế độ Cộng Hoà độc lập trung lập và hòa bình. Hết thảy chúng ta đều biết rằng tới một ngày nhất định, công cuộc đó sẽ đạt tới cực điểm của nó là một cuộc tổng khởi nghĩa của toàn thể nhân dân miền nam. Tôi hy vọng đồng chí và tôi sẽ có thể chung vai sát cánh hoạt động để cùng đạt tới cứu cánh đó.
Tuyết trả lời với giọng trịnh trọng:
- Tôi sẵn sàng thực hiện bất cứ công tác nào do trên đề ra. Nhưng lúc này, tôi phải quay về với nhiệm vụ trinh sát của mình.
Trong vài giây, Lật đăm nhìn theo lỗ địa đạo nơi Tuyết vừa chui vào. Rồi anh trầm ngâm bước tới đứng kế bên Đồng, sát tấm bản đồ ghim trên vách. Trong khoảng thời gian hai người trao đổi ý kiến, các giao liên tấp nập vào ra, chuyển cho Đồng những mảnh giấy vuông, mỗi bề dài chừng một ngón tay trỏ, viết nguệch ngoạc. Hầu hết giao liên là các cháu nhi đồng chưa tới tám tuổi, chân tay khẳng khiu, trên mình mặc độc chiếc quần xà lỏn lem luốc, lưng quần buộc dây chuối. Trước khi xem xét cẩn thận tin tức chúng mang tới, Đồng xoa đầu, véo má khen ngợi từng đứa, cho mỗi đứa một cục kẹo. Trên mặt bàn kê sát mé dưới tấm bản đồ ghim nơi vách, những mảnh giấy thông tin ấy chất thành một đống, chờ đốt bỏ. Đồng mỉm cười chỉ vào đống giấy:
- "Đồng chí Phạm" ạ, diễn tiến đúng y kế hoạch. Các trinh sát báo cáo rằng bọn Mỹ Diệm đâm đầu vô bẫy của chúng ta. Lúc này, bọn chúng vào tới xóm hai, đang lục soát nhà dân và tra hỏi thêm mấy bà già. Chỉ cần mươi mười lăm phút nữa, chúng sẽ đặt chân vào đúng vị trí ta dành sẵn cho chúng.
Gật đầu tán thưởng, Lật cầm chén trà nhỏ màu vàng đặc quánh do một cần vụ của Đồng mang tới. Ngồi xuống kế bên tấm bản đồ, anh trầm ngâm nhắp từng ngụm nước bốc khói:
- Đồng chí Tuyết Lương rõ ràng là một nữ du kích cốt cán và đặc biệt. Tôi nhớ hình như có nghe nói chồng chị bị người của Diệm tra khảo tới chết tại Sài Gòn - không biết tôi có đúng không đấy?
- Đúng - chuyện đó xảy ra cách đây hai năm. Lúc đó, chị Tuyết thề sẽ trả thù cho cái chết của chồng. Anh ấy là liệt sĩ Triệu Hùng Lương, tham gia Việt Minh từ lúc còn đi học.
- Nhưng có phải đồng chí Tuyết mang hai dòng máu? Liệu cái đó có làm cho chị ấy khó có thể hoà đồng với người khác?
Đồng lắc đầu:
- Tôi nghĩ không có chuyện đó. Người nước ta nói chung, đặc biệt dân miền nam, thường không kì thị ngoại nhân nếu kẻ đó không tiếp tay cho ngoại xâm. Hơn nữa, từ mấy chục năm nay, hầu như người ta không còn có thành kiến đối với "con lai". Trên chiến trường, chị Tuyết ra tay không chút xót thương. Cái gan dạ của chị thậm chí nhiều đàn ông không theo kịp. Chị đã tự tay bắn chết nhiều thằng ngụy. Có thể thái độ lạnh lùng là cách thức chị ấy dùng để làm chủ những xúc cảm quá sôi nổi trong lòng.
Với vẻ nghĩ ngợi, Lật nhìn chằm chặp người tiểu đoàn trưởng:
- Nhưng giai đoạn này đúng là có dấu vết cuồng loạn trong thái độ của đồng chí ấy. Tính cứng rắn đang trở thành tính dễ gãy.
Đồng nhún vai, mỉm cười:
- "Đồng chí Phạm" ạ, mắt của chú sắc bén hơn mắt của tôi. Tôi không nhận thấy gì cả!
- Anh Đồng này, lý lịch trích ngang của đồng chí Tuyết như thế nào?
- Mẹ đồng chí Tuyết xuất thân từ một gia đình quan to giàu có nhưng chị ra đời trước ngày cha mẹ thành hôn và được gởi cho họ hàng lén lút nuôi nấng, cho học trường Tây. Chị lớn lên vừa tủi thân vừa oán hận. Rồi tới năm mười bảy tuổi, chị bỏ nhà ra đi lập gia đình với đồng chí Lương. Họ có hai con. Dân làng kể lại chị hay nói với họ rằng đó là lần đầu tiên trong cuộc đời chị biết thế nào là được sống hạnh phúc với một gia đình cha mẹ con cái quây quần yêu thương nhau. Khi bọn Diệm ác ôn sát hại liệt sĩ Lương, đồng chí Tuyết phải đi tiếp nhận thi thể chồng - nhưng chị không khóc. Tại chỗ nhận xác và ngay lúc đó, chị chỉ nói một câu duy nhất rằng "Tao thề, từ nay tao chỉ biết sống để giết chúng mầy".
- Rồi đồng chí ấy làm đúng như vậy?
- Đúng. Chị gài chất nổ dưới một bàn cà-phê, giết gọn hai thằng ác ôn tra khảo chồng mình. Sau đó, chị liệng lựu đạn vô hai thằng CIA Mỹ đã tiếp tay thẩm vấn chồng chị - nhưng hai thằng giặc Mỹ đó chỉ bị thương không nặng lắm.
- Bằng cách nào đồng chí Tuyết tham gia tiểu đoàn của anh?
- Khi một tù nhân khác vì chịu không nổi tra tấn khai ra tung tích của chị, chị phải trốn khỏi Sài Gòn. Chị đem hai con về ở làng của mẹ chồng gần khu vực này nhưng rồi vẫn không thể sống yên thân với bọn ngụy xã ấp. Lúc đó cán bộ Mặt Trận địa phương giới thiệu chị tham gia tổ công tác đặc biệt. Chị đem tên chồng ghép với tên mình thành bí danh Tuyết Lương. Rồi chẳng cần chờ ai thúc hối, chị tiến hành liên tiếp mấy cuộc ám sát bọn ngụy quyền phản động thối nát trong các làng xã vùng này.
- Anh chỉ nghe về chị Tuyết có chừng ấy sao?
Đồng gật đầu:
- Vâng. Từ một năm nay, tôi giao cho đồng chí Tuyết chỉ huy trung đội xung kích đặc biệt. Vùng này nữ du kích chiếm tới hai ba chục phần trăm quân giải phóng. Trong tất cả các đơn vị chủ lực có nữ du kích, chị Tuyết gan góc nhất, xuất sắc hơn hẳn mọi người.
Lật uống cạn chén trà rồi đứng lên:
- Trận đánh này anh giao chị ấy công tác gì?
- Tôi giao chị chỉ huy hai trung đội gồm bốn chục chiến sĩ. Nhiệm vụ là băng ngang cánh đồng, diệt gọn những lính ngụy sống sót sau cú phục kích, rồi thu lượm vũ khí của chúng.
Chỉ tay vào bản đồ Đồng nói tiếp:
- Từ xóm ba vào xóm bốn có một đường đê dài tám trăm thước. Khi qua đó bọn địch phải đi hàng một. Con kênh chạy cặp một bên đê. Chúng ta bố trí súng liên thanh ở phía bờ kênh đối diện với chân đê bên này, ngay quãng giữa đường đê. Bọn lính Mỹ Diệm sẽ đi dàn ra theo hàng dọc nên khi xạ thủ của ta khai hoả, bảo đảm sẽ không bắn trúng quá nhiều lính ngụy - chỉ bắn vừa đủ cho bọn chúng kinh hoảng, nhảy đại xuống khỏi mặt đê để núp ở mé ruộng phía chân đê bên kia.
Đồng ngừng nói, cười chầm chậm:
- Dọc theo chân đê bên kia chúng ta đã gài mìn, đặt bẫy chông và bố trí hai khẩu liên thanh khác ở cửa địa đạo có ngụy trang ngay hai đầu góc chéo khoảng ruộng đó để bắn quạt dọc theo chân đê. Với cự li gần như thế, ta giết sach những tên chưa bị sa hầm chông hoặc đạp mìn mà chưa chết. Cùng lúc đó, Tuyết Lương sẽ chỉ huy người của chị xuất phát từ các cửa địa đạo ở bên kia cánh đồng, dẫn họ băng qua mặt ruộng, diệt gọn những đứa còn sống.
- Kế hoạch nghe thật tuyệt! Xứng danh "chiến sĩ Điện Biên!"
Lật nồng nhiệt vỗ vai Đồng và gật gật đầu nhìn vào huy hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ được người tiểu đoàn trưởng hãnh diện đeo thường xuyên trên ngực áo bên trái.
- Và làm thế nào đồng chí gài bẫy dụ được bọn chúng? Trước đây lực lượng địch chưa lần nào vào sâu vùng này sao?
- Báo cáo đồng chí, chưa. Hôm qua chúng tôi cho di chuyển bốn đại đội thuộc Tiểu đoàn 514 tới Mộc Linh để giả bộ làm mồi nhử. Chúng tôi phải bảo đảm sao cho thằng mật báo viên của ngụy mà chúng tôi biết rõ, thấy chắc chắn bốn đại đội đó, và tôi ra lệnh cho họ chỉ ở lại đây cho tới khi trời sắp rạng sáng. Rồi tôi điều họ di chuyển tới Rừng U Minh - lúc này, họ đang ở cách đây mười sáu cây số, ém quân sâu trong rừng. Các mật báo viên của ta nói với tôi là cả một tiểu đoàn lính Diệm đang chờ để hễ có tin báo về là lên trực thăng vận nhảy xuống đây ngay - đó là lý do khiến tôi chỉ dám liều lĩnh bố trí một nhúm nhỏ các chiến sĩ của ta. Rồi đồng chí thấy, quân ta sẽ biến thật lẹ xuống các địa đạo trước khi địch kịp thời dùng máy bay oanh tạc hay đổ bộ thêm lính ngụy tới tiếp viện.
Nói tới đây, Đồng mỉm cười thêm lần nữa:
- Nói cho cùng, chỉ là một cuộc hành quân đơn giản thôi!
Ngay lúc đó, một cậu bé tóc bù xù, người mảnh dẻ, trên mình chỉ mặc quần xà lỏn, chạy ào vào dúi vô tay Đồng một mảnh giấy giao liên. Trong khi chờ hồi báo, nó vừa nhìn chằm chặp bộ mặt rúm ró già chát của Lật vừa ngậm kẹo, nhảy lò cò hết chân nọ tới chân kia.
Đọc xong mảnh giấy, Đồng nói âu yếm:
- Ốc Tí tài lắm, chạy giỏi lắm. Bây giờ Ốc Tí co giò chạy thiệt lẹ tới đường hầm Số 11 - rồi Ốc Tí ở đó chăm sóc mẹ với chị cho tới lúc trời tối nhá.
Thằng bé sung sướng toét miệng cười, vụt chạy. Sau đó, Đồng quay qua Lật, vẻ mặt nghiêm trang trở lại:
- Lúc này bọn địch đã vô tới xóm ba. Tôi sắp ra lệnh cho Tuyết Lương đem hai trung đội xung kích vào vị trí.
Trong khi người tiểu đoàn trưởng viết vội vàng vào một mảnh giấy khác, Lật gọi thêm trà cho cả hai. Chờ Đồng viết xong, anh chuyền cho Đồng một chén trà. Lật vừa nói vừa cười:
- Nếu tôi không lầm, thằng nhỏ giao liên vừa rồi là con trai út của anh. Bộ dạng bên ngoài của nó ngó thiệt lanh lẹ dẻo dai.
Đồng đưa chén trà lên miệng, vẻ mặt anh dịu lại:
- Đúng vậy. Nó tên Kiệt, nhưng như chú vừa nghe, người trong gia đình chúng tôi thường gọi nó là "Ốc Tí".
- Vậy nó còn một thằng anh nữa, phải không?
- Đúng vậy - thằng Minh, lúc này được mười sáu tuổi. Hôm nay lần đầu tiên nó ra trận với công tác bắn tỉa. Tôi ra lệnh cho nó núp trên một cành cây cuối cánh đồng để tiếp tay kéo hỏa lực địch về phía đó trong trường hợp phải ra mặt dụ cho đại đội ngụy đi lên mặt đê.
Lật hỏi với giọng ngạc nhiên:
- Nhưng tại sao cháu nó mới ra trận lần đầu anh lại giao loại công tác mạo hiểm đến thế?
Nét mặt Đồng thoáng rắn lại:
- Tôi không muốn có ai đó nghĩ rằng tôi đối xử đặc biệt với nó chỉ vì nó là con trai của tôi. Tôi muốn huấn luyện nó bằng gian khổ, giống như chúng ta thuở trước. Vã lại, cuộc đời của nó chỉ đáng sống khi hiến thân cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước - đó là cách tôi dạy bảo nó. Nếu chú thấy khẩu súng trường Garand cũ kỷ của nó - bóng lưỡng hơn bất cứ thứ vũ khí nào tôi từng thấy trong đời mình.
Lật nói trầm giọng:
- Nhưng anh bạn thân thiết ạ, cứ việc nuôi dạy nó thêm một thời gian nữa đã sao. Không cần phải hoàn toàn khắc nghiệt với cháu Minh đến thế chỉ vì cả nhà anh đã chịu nhiều khổ nạn ở Yên Bái và Vinh.
Đồng ngồi nhìn đăm đăm tấm bản đồ một hồi lâu, cuối cùng anh lên tiếng với giọng xúc động:
- Chính tại vùng đất này cha tôi có mảnh ruộng đầu tiên và duy nhất trong đời ông. Chính xã này là nơi tôi và Học được sinh ra - chỉ cách ấp Mộc Linh một cây số rưỡi. Mảnh ruộng đó bị tịch thu khi suốt mấy vụ mùa liên tiếp, chúng tôi không đóng nổi thuế và không vay đâu ra tiền để trả góp. Lúc đó cha mẹ tôi phải bỏ quê cha đất tổ mà đi, lang thang làm thuê ở mướn cho người ta. Có lẽ lúc này chú đã hiểu tại sao từ ngoài bắc tôi chụp ngay cơ hội tranh thủ vào lại đây. Ở đây, ít ra tôi cũng có thể thanh toán vài món nợ cũ mà người ta đã vay của cha tôi - và Minh cũng muốn làm tất cả những gì cháu nó có thể làm để tiếp tôi một tay.
Lật chầm chậm gật đầu và thở dài:
- Vâng anh Đồng ạ, tôi hiểu - cuộc đời quả thật rất mỉa mai, phải không? Cha mẹ anh có lần vì hoàn cảnh bắt buộc phải đi ở mướn như những người nô lệ cho một tay thợ săn Pháp và các thân chủ Mỹ giàu có của hắn khi họ tới rừng núi của chúng ta để chơi trò săn bắn. Giá như thuở ấy họ biết rằng tới một ngày nào đó, con trai của họ và hết thảy con trai của chúng ta đều trở thành những tay đi săn nơi rừng núi ruộng đồng này - và rằng ngày đó, chính người Pháp và người Mỹ lại là con mồi!
Đồng nhìn đồng hồ đeo nơi cườm tay, lãng đãng gật đầu. Lần đầu tiên Lật thấy xuất hiện vẻ căng thẳng trên nét mặt khắc khổ của người tiểu đoàn trưởng. Kế đó, Đồng nói, giọng siết lại giữa hai hàm răng:
- Lúc này, hẳn các chiến sĩ bắn tỉa của ta đã vào vị trí.
Trăng Huyết Trăng Huyết - Anthony Grey & Nguyễn Ước