Forever is not a word…rather a place where two lovers go when true love takes them there.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 126
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3766 / 38
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
- 17 - -
rong trời chưa rạng sáng ngày Chúa nhật 23 tháng Chín năm 1945, thiếu tá Paul Devraux thì thầm ra lệnh cho binh sĩ trong phân đội khẩn trương xuất phát theo mình, rồi anh bắt đầu nhắm hướng đông, lom khom chạy dọc các bồn cây long não trên lề Đại lộ Lura. Trong tình trạng sẵn sàng đụng độ, các quân nhân chạy đằng sau Paul hoàn toàn giống hệt cấp chỉ huy của mình: y phục rằn rện và mặt người nào cũng bôi lem luốc mấy vệt sơn đen.
Tay phải nắm chặt khẩu súng lục đạn đã lên nòng, chốt an toàn bật sẵn, và trong tư thế cúi mình, Paul im lặng di chuyển, khai thác tối đa lợi thế bóng tối còn đặc bên dưới các vòm cây. Mục tiêu tấn công là Hôtel de Ville - Toà Thị chính cũ - trụ sở của Ủy ban Hành chánh Nam bộ. Cùng thời điểm ấy, khắp Sài Gòn, các phân đội khác tổng cộng một ngàn năm trăm binh sĩ Pháp mới được vội vã tập hợp đêm qua, cũng bắt đầu xuất phát, nhằm chiếm lĩnh nhanh gọn các đồn cảnh sát, trạm bưu chính, kho tàng, và bản doanh trước đây của Sở Liêm Phóng.
Lực lượng Pháp được đặt dưới quyền tổng chỉ huy của đại tá Jean Cédile - “Cao Ủy” của tướng De Gaulle - kẻ vừa nhảy dù xuống một thửa ruộng lầy lội bên ngoài Sài Gòn vào cuối tháng Tám. Mục đích tối hậu của Pháp là lấy lại quyền kiểm soát Nam Việt Nam từ trong tay Việt Minh, bằng một cú đảo chánh quân sự lẹ như chớp.
Trong số các chiến sĩ âm thầm chạy lúp xúp đằng sau Paul có một trăm lính dù thiện chiến cùng nhảy xuống một lượt với Cédile. Lúc cánh dù vừa chạm đất, hết thảy đều bị lính Nhật vây bắt tại chỗ. Nhưng sau cùng, họ được quân Anh phóng thích cách đây mười hai tiếng đồng hồ, cùng một lượt với một ngàn bốn trăm quân nhân thuộc Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa Mười một.
Paul hiểu rất rõ rằng vì bị nhốt trong chuồng trại suốt sáu tháng nay và bị đối xử như súc vật - ban đầu bởi lính Nhật rồi tiếp đó bởi giám thị Việt Minh - nên các binh sĩ Pháp lúc này cực kỳ khích động và đều nổi máu hiếu sát. Cũng như Joseph, tối qua, Paul kinh hoàng trước cảnh tượng binh lính và thường dân Pháp tập kích những người Việt Nam vô tội trên đường phố. Vì thế, sáng nay, tại điểm tập trung dưới chân tường pháo đài cũ Vauban trong thành phố, anh nghiêm khắc ra lệnh và giải thích rành mạch cho binh lính thuộc quyền mình phải tránh mọi hành động trả thù đẫm máu. Nhưng dù hăm dọa toàn thể đơn vị rằng sẽ đưa ra toà án binh bất cứ kẻ nào vi phạm lệnh ấy, Paul có cảm tưởng lính chỉ miễn cưỡng nghe anh nói; lòng họï vẫn chưa nguôi buốt nhói bởi những sỉ nhục phải chịu suốt những ngày dài tù ngục.
Tới ngả tư Đường La Grandière và Đại lộ Lure, Paul ra lệnh cho lính dừng lại, nép vào mé tường cao trong khi anh dò xét con đường trước mặt để bảo đảm không có chướng ngại vật. Paul đưa mắt liếc thật lẹ Quân Y Viện Đồn Đất. Quang cảnh khu bệnh viện với mấy dãy nhà có hàng hiên bao quanh làm anh bất chợt thoáng tự hỏi không biết nơi căn phòng điều dưỡng ở trong ấy giờ này vợ mình còn ngủ hay đã thức. Hít vào một hơi, Paul vẫy người của mình vọt thật lẹ qua đại lộ, tiếp tục chạy tới. Ngay lúc đó, anh bỗng nhận ra rằng trong giờ vào trận, đối mặt với những cạm bẫy vô lường, sao mình lại quá đổi dao động với những cảm xúc riêng tư.
Đúng khoảnh khắc sắp chạm trán với dân quân Việt Minh, lòng tự tin quả quyết hôm qua của Paul giờ đây bị vây bủa bởi bứt rứt và nghi ngại. Anh nhớ lại vẻ mặt trang trọng của Joseph khi người bạn Mỹ nói tới những cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng ở phương bắc tưng bừng ủng hộ Việt Minh, diễn ra ngay trước mắt anh ta. Và Paul tự hỏi biết đâu lúc này, có thể mình đang phản bội những thiên hướng trước đây của mình.
Thuở niên thiếu, việc chứng kiến những cách thức đối xử của thế hệ cha ông đã làm cay đắng mối liên hệ giữa nước Pháp của mình với người An Nam trong bao nhiêu năm trời, khiến Paul quyết định rất sớm rằng mình sẽ không bao giờ lặp lại các lỗi lầm ấy. Rồi sau đó, những xúc độâng trước cái chết thảm khốc của cha trong bàn tay những kẻ sát nhân người An Nam lại làm căng thẳng mối quan hệ giữa anh với người bản xứ. Còn một điều nữa anh không dám chắc vì cảm thấy nó quá hụt hẩng. Biết đâu chính nỗi khắc khoải muốn đền bù cho sự vô tình của thế hệ cha ông ấy lại, một cách vô thức, đóng vai trò trong việc anh quyết định kết hôn với Lan.
Dù yêu thương vô hạn Lan cùng đứa con trai của hai người, Paul vẫn nhận ra Lan dường như lúc nào cũng giữ vẻ dè dặt đối với anh. Mối quan hệ vợ chồng thỉnh thoảng bị chửng lại ở một điểm tinh tế nào đó, dù anh có cảm tưởng đôi bên đều cố gắng khắc phục nhưng cả anh lẫn Lan chỉ có thể lướt qua nó, không thể làm tan biến nó. Cứ thế, thỉnh thoảng anh lục lọi cõi lòng mình và cay đắng tự hỏi phải chăng mình đã lập một quyết định không thể nào thực hiện. Lúc này, với hậu quả cuộc thế chiến, dân chúng An Nam đã ra khỏi tình trạng bi thảm và lần đầu tiên từ gần một thế kỷ nay, họ nắm quyền kiểm soát vận mệnh của mình. Còn chính anh lại là người sắp đập gãy vòng tay mong manh ôm độc lập tự do của họ và đẩy họ thêm lần nữa trở lại làm người dân của một xứ sở nô lệ cho đám tây thực dân. Phải chăng hành động này của anh đang làm cho những gì anh từng tin tưởng trong quá khứ trở thành vô nghĩa trong hiện tại?
Xa xa, đằng cuối Đại lộ Charner, mặt tiền Toà Thị chính với hàng cột nổi chống thẳng lên tận mái hiện lờ mờ trong tầm nhìn. Khi ánh mắt Paul bắt gặp các dân quân Việt Minh áo quần xộc xệch đang đứng gác bên ngoài những khung cửa sổ sáng ánh điện, lòng anh se lại. Chắc chắn đây không đúng cách thức lý ra phải xảy tới!
Phải chăng vì chủ trương của nhiều người An Nam muốn đề huề với Pháp lẫn lợi ich của những người trung thành với Pháp khiến những người Pháp có danh dự phải gánh vác nhiệm vụ trao cho xứ sở chậm tiến này một điểm khởi hành tốt hơn điểm xuất phát hiện nay của Việt Minh. Để từ đó, dân chúng An Nam được bảo hộ, bước từng bước hòa bình và ổn định trên con đường dẫn đến một nền tự do dân chủ chân chính? Phải chăng, dưới sự kiểm soát của Việt Minh, nền bảo hộ của Pháp sẽ bị thay thế bằng một cái gì đó sắt máu và tệ hại hơn, đó là sự khống chế của Mát-cơ-va qua Cộng sản Quốc tế Đệ tam? Câu hỏi ấy làm Paul đột nhiên và nhanh chóng lấy lại lòng tự tin rằng mình đang chọn lựa đúng. Anh đưa tay vẫy binh sĩ tiến vào con hẻm nhỏ cặp bên hông trụ sở của Việt Minh. Tâm trí Paul lại tập trung vào việc điều động sao cho thuộc cấp áp sát mục tiêu mà không bị phát hiện.
Lực lượng đột kích của Pháp không biết rằng hầu hết các ủy viên của Ủy ban Hành chánh Nam bộ đã rời Tòa Thị chính. Lúc mới chấp chánh, họ dùng Dinh Toàn quyền Đông Dương làm trụ sở cho guồng máy chính quyền cách mạng mới thành lập; sau đó, tướng Gracey buộc họ phải dời qua Tòa Thị chính. Công tác ngày càng nhiều và tình hình khẩn trương hiện nay khiến họ có mặt suốt ngày đêm tại đây, gần như không thiếu người nào. Nhưng tối hôm qua, dự tính tiến công bằng quân sự của Pháp không lọt khỏi tai mắt mạng lưới đặc vụ cảnh báo của người Việt Nam. Để bảo toàn lực lượng, các ủy viên - trừ một người - đều nương theo bóng đêm thoát về nhà mình. Ngô VănLộc tình nguyện làm người ở lại vì anh không có bà con ruột thịt nào ở Sài Gòn, nhưng động cơ chính là ngừa trước việc người Pháp có thể viện cớ rằng sự kiện không một ủy viên nào có mặt tại Toà Thị chính chứng tỏ Ủy ban Nam bộ đã bỏ phế guồng máy hành chính, có nghĩa là từ bỏ quyền cai trị Sài Gòn.
Trời sắp rạng sáng. Lộc nằm lơ mơ ngủ trong chiếc giường bố trên rầm thượng vắng vẻ, ngay dưới tháp chuông đồng hồ dùng làm chóp đỉnh của toà nhà thị chính già gần trăm tuổi; mặt tiền được trang trí bằng hàng chục phù điêu lấy sự tích từ thần thoại Hy Lạp và La Mã. Sát bên giường, trên sàn nhà, anh để sẵn một khẩu tiểu liên tự động báng ngắn, lấy cắp của quân Nhật. Trên chiếc ghế cạnh cửa ra vào, một dân quân Việt Minh trẻ tuổi, cận vệ của Lộc, ngồi ngủ gà ngủ gật, trên đùi gác khẩu súng cùng loại.
Cả ông thầy lẫn đệ tử đều giật mình choàng tỉnh khi nghe có tiếng súng nổ ròn ở đường phố bên dưới. Tiếng thét báo động chưa kịp thoát khỏi thanh quản, cả bốn dân quân Việt Minh gác mặt tiền đã bị lính dù đốn gọn bằng súng tự động. Vài giây sau, thầy trò Lộc nghe tiếng súng nổ thật gần và tiếng chân chạy rầm rập lên các tầng trên. Lắng tai chốc lát, Lộc ra lệnh cho cận vệ vào núp bên trong chiếc tủ lớn đựng ly tách kê ở cuối phòng. Kế đó, Lộc kiểm tra cửa rầm thượng. Hơi an tâm vì cửa tuy mỏng nhưng được khoá chặt, Lộc quay vào đứng trước mặt tủ, hờm sẵn súng thủ thế.
Chầm chậm, tiếng động của lính Pháp rõ dần khi họ đi lên theo ngả cầu thang. Lộc nghe loáng thoáng một mấy câu chửi thề bằng tiếng Pháp khi thấy trong toà nhà gần như không một bóng cán bộ Việt Minh. Tiếng lục lọi các tủ hồ sơ rồi tiếng đạp đổ loảng xoảng vang tới tai Lộc. Kế đó, anh nghe tiếng bước chân hối hả chạy ngoài hành lang dẫn lên rầm thượng.
Cửa bị đá tung. Hai lính dù xuất hiện, đồng loạt khai hỏa, dù chưa thấy rõ trong phòng. Lộc nhoài người xuống sàn nhà tránh loạt đạn quét đường, đồng thời anh buông súng. Một lính dù đưa chân giữ yên cánh cửa rồi cả hai bước hẳn vào phòng, hè nhau chỉa súng lên người Lộc. Cùng với viên thiếu tá đi theo họ, những bệt sơn trên mặt lem luốc như nhọ nồi tạo cho cả ba cái vẻ quái đản trong khung cảnh rầm thượng tranh tối tranh sáng.
Gã lính dù đứng gần nhất tung giày, đá một cú ác liệt nhắm thẳng mặt Lộc. Anh vặn người cố né nhưng không kịp. Mũi giày quất thẳng giữa trán làm Lộc choáng váng mặt mày. Trong mơ hồ, anh nghe tiếng Paul Devraux giận dữ, quát lính lui ra.
Vừa quì xuống một bên Lộc, Paul nhận ra ngay người “bồi” trại săn của cha mình thuở nào. Anh nói thật lẹ:
- Lộc ơi, tôi đây, Paul đây!
Cúi mình và luồn tay dưới hai vai còm cỏi của Lộc, Paul nâng anh ngồi lên rồi lớn tiếng gọi quân y. Lính cứu thương vừa từ cầu thang vọt lên còn thở hổn hển, Paul liền chụp xắc cứu thương, lấy miếng băng cấp cứu tẩm sẳn thuốc khử trùng ấn thật chặt lên lằn nứt dài và sâu đang ứa máu trên trán Lộc, chỗ mũi giày chọc trúng. Máu tạm cầm, Paul để miếng băng qua một bên và thở ra, nói như nghẹn:
- Anh Lộc, tôi xin lỗi đã xảy ra chuyện như thế này.
Lộc quắc mắc nhìn Paul, không nói một tiếng. Da mặt Lộc tím lại thành chiếc mặt nạ đắp bằng hận thù và kinh tởm. Lộc hít vào một hơi thật sâu, có vẻ như đang gom hết sức lực để mở miệng nói một câu gì đó. Nhưng đột nhiên anh đổi ý, nhổ toẹt một bãi nước bọt bay thẳng vào chính giữa mặt Paul. Viên sĩ quan Pháp dội người lui, đưa tay áo lên chầm chậm quệt má. Anh nhún vai và nói, giọng rầu rĩ:
- Lộc ạ, anh đừng nên qui lỗi cho hết thảy người Pháp vì hành vi của một thiểu số. Tới một ngày nào đó, các anh sẽ được trao trả độc lập - nhưng cái đó đòi hỏi thời gian.
Điên tiết trợn con mắt đầy gân máu nhìn quanh rồi ngó trừng trừng gã lính dù vẫn đứng kềm súng tiểu liên chỉa thẳng vào đầu mình, Lộc xoay người lại quát thẳng vào mặt Paul:
- Láo khoét. Nhân dân tao căm thù bọn Tây chúng mầy vô hạn. Mầy sẽ thấy. Tụi tao quyết chiến đấu giành độc lập tự do cho tới hơi thở cuối cùng.
Kinh hoàng bởi hận thù ngùn ngụt trong hai con mắt của người Việt Nam, Paul đứng lên chầm chậm, cảm thấy tức ngực và tuyệt vọng. Anh quay lưng sắp bỏ đi bỗng nghe từ dưới sàn vang lên tiếng thét ra lệnh bằng tiếng bản xứ:
- Giết! Giết thằng quan tư!
Ngoái mắt lui, Paul thấy cửa tủ ly tách nơi cuối phòng bật tung. Trong chớp mắt, khẩu tiểu liên báng ngắn của người dân quân trẻ khạc lửa. Paul cảm thấy đầu đạn trúng lổ chổ trên lưng mình, sức dội làm người anh xoáy vòng rồi hất anh văng tới đằng kia phòng.
Loạt đạn ấy chưa dứt tiếng nổ, hai lính dù đã khai hỏa. Thân thể gầy gò của người thanh niên Việt Nam bị hơn một chục đầu đạn cắm phập vào. Kế đó, lính dù quay mũi súng sang Lộc, bắn và tiếp tục bắn vào ngực vào đầu anh cho tới khi hai chân hai tay của Lộc không còn co giật, và anh nằm lịm chết trong vũng lai láng máu của chính mình.
Trăng Huyết Trăng Huyết - Anthony Grey & Nguyễn Ước