"It's very important that we re-learn the art of resting and relaxing. Not only does it help prevent the onset of many illnesses that develop through chronic tension and worrying; it allows us to clear our minds, focus, and find creative solutions to problems.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5867 / 63
Cập nhật: 2016-06-23 09:39:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21
iữa lúc bị cầm chân, tôi nhận được một bức thư của Thanh Triều. Lâu lắm, tôi không gặp Thanh Triều. Anh ta không tới thăm tôi. Và tôi hơi ngạc nhiên thấy vắng mặt anh vụ này. Cửa phòng tôi luôn luôn đóng kín. Hai nhân viên an ninh thường trực gác cửa phòng tôi. Cửa chỉ hé mở khi tôi lách tay lôi cái gà-men cơm và khi tiếp người nhà Tony Phước và George Tạo. Tôi thận trọng vô cùng. Ông Bộ trưởng L. và ông Phó đang hầm hè nhau trong cuộc chiến tranh lạnh. Tổng thống Diệm làm trung gian, xử hòa. Mặc dù, Tổng thống đã đền ông Bộ trưởng L. một số tiền đáng kể, ông Bộ trưởng L. vẫn cay cú. Ông âm mưu lật đổ ông Phó trong kỳ tranh cử này.
Bức thư của Thanh Triều làm tôi thất vọng. Vì anh ta chỉ hỏi thăm sức khỏe và cho biết mấy tuần nay anh ta vắng mặt ở Sàigòn. Hồ Hải cũng đã lại biệt tích. Tôi đúng là con chim bị nhốt trong lồng. Nhưng rồi mọi việc đều qua đi êm ái. Người ta vội vàng quên hết câu chuyện không đẹp đẽ gì. Tôi trở thành nữ chúa rằn ri ngoài đời. Ngọc Salem đã thoát xác tiểu thuyết nhường ngôi vị cho tôi. Nhiều nhà báo trả giá tiền khá lớn để nhờ tôi viết hồi ký. Viết bất cứ gì thì viết, miễn là do chính tôi viết. Tôi từ chối. Nại cớ mình không biết viết. Nhà báo đề nghị tôi kể họ viết. Tôi từ chối luôn. Hai tháng sau, cái chết của Tony Phước bị quên lãng như những cái chết của chó bị xe cán. George Tạo tưởng đã hoàn toàn chinh phục tôi, tưởng đã độc quyền tôi. Nó đến với tôi khi không còn ai canh gác giữ gìn tôi nữa. Nó vẫn thèm khát tôi. Dạo này tôi tạm giải nghệ. Đi nhảy làm gì nữa. Tôi còn khá nhiều tiền gửi băng. Ăn tiêu hết đời tôi chưa dễ gì đã hết tiền. George Tạo cung phụng tôi đầy đủ hơn mấy tháng trước. Chiều nay, tôi định bố thí cho nó. Thì nó đã xui xẻo.
Bọn Nghiêm Quân, Nguyễn Đức, Lương con đã rình nó từ lâu. George Tạo vừa bước vào phòng tôi là bọn Nghiêm Quân ùa vào theo. George Tạo rút súng. Nhanh gấp mười lần nó, Lương con đã chụp tay George Tạo, dùng một thế khóa mạnh đến nỗi khẩu súng từ tay George Tạo rớt xuống sàn phòng. Tôi ngồi bất động. Để tỏ vẻ bình tĩnh, tôi rút thuốc, châm lửa hút.
Lương con lễ phép hỏi tôi:
- Chị cho phép chúng em xử thằng khốn nạn này.
Tôi nhả khói thuốc:
- Tùy chú.
Lương con thoi một trái vào bụng George Tạo. George Tạo ôm bụng, lao đao.
- Mày sẽ chết bằng tai nạn xe hơi. Chết ngay ở Sàigòn, gần dinh của bố mày, chứ không cần chết ở Đà Lạt.
George Tạo nghiến răng ken két:
- Sau đó, các con sẽ bị xử tử.
Lương con bồi thêm trái nữa trúng hàm George Tạo:
- Còn khuya. Cùng lắm các cha ra Côn Đảo, chờ ngày ân xá là cùng.
George Tạo vùng chạy. Lương con nhanh chân. Nó ngã sấp mặt. Lương con đè giầy lên gáy George Tạo:
- Mày chạy đâu?
Tôi vội đeo kính đen để nhìn cho sự tàn nhẫn dịu đi đôi chút. Lương con hỏi tôi:
- Chị có sợ phiền gì không?
- Không. Tôi muốn chú đừng để tôi phiền.
- Chị yên tâm. Nó sẽ chết giữa lộ. Em thanh thoán nó để trả thù cho đàn anh Tony Phước.
- Thật thế chứ?
- Nói thật chị đừng cười nhé!
- Chú cứ nói.
- Tony Phước chết thì kệ cha nó. Nó chết tức là hết người bao mình ăn hít. Tụi này giết George Tạo lấy món tiền còm. Lão bộ L. thuê. Tụi này vừa được tiền vừa được tiếng vì bạn rửa hận. Chính nghĩa chán.
Thằng nhãi chưa quá mười tám tuổi đã có những toan tính động trời như vậy. Nó nhìn tôi mỉm cười:
- Biết đâu lại chẳng được chị yêu thêm!
Tôi quát:
- Im mồm!
Tôi biết sự dọa nạt của tôi vô vọng đối với bọn mất dạy này. Nhưng lạ thay, Lương con đã nín thính. Tôi áp đảo chúng nó:
- Các chú đừng có hỗn. Chỉ cần một cái búng tay, sẽ có đứa cắt gân chúng mày.
Lương con gật đầu:
- Em biết.
Tôi dập điếu thuốc, đứng dậy:
- Hạ thằng Tony hay thằng George đâu có khó khăn gì. Các chú hãy biểu diễn một pha bay bướm khỏi phiền điều chi cho tôi, coi nào.
Lương con hăng hái:
- Chị sẽ vừa lòng.
Tôi đánh một đòn cân não:
- Tôi ra tòa, các chú sẽ khốn nạn hết. Nhưng rủi tôi có ra tòa, các chú yên chí, tôi biết bổn phận của một đàn chị.
Lương con hất đầu, Nghiêm Quân dựng George Tạo dậy. Nó dìu George Tạo tới tường. Rồi Nguyễn Đức khóa một tay, Nghiêm Quân khóa một tay để Lương con thoi tới tấp vào bụng, vào ngực George Tạo. Kẻ sa cơ nhìn tôi bằng ánh mắt cầu cứu. Luật đời dạy con người không được cứu vớt kẻ tàn nhẫn. Nó chết đi, đời loại trừ tên tàn nhẫn. Nó sống sót, đời sẽ thêm nhiều tên tàn nhẫn khác. George Tạo rống lên:
- Châu Kool!
Tôi mơ hồ nghe tiếng kêu đau đớn của chính mình khi nằm trên giường để cho bác sĩ nạo nhau. Nghe rõ tiếng kêu đau đớn của mình, tôi bỗng quên hết, quên hết. Chỉ còn nhớ khối căm hờn đang sôi sục như những cục vôi vừa vất xuống nước.
- Châu Kool ơi, em thương anh.
Tôi khoanh tay, lạnh lùng:
- Lương con, tôi không hề thương thằng này. Bắt nó phải nhận nó là Trần Thức Thời, là giáo sư Dũng, là cha dượng của Trần thị Diễm Châu.
Lương con tát George Tạo đến ứa máu mồm:
- Nhận đi.
George Tạo đau đớn quá, nhận nó là Trần Thức Thời, là giáo sư Dũng, là cha dượng của tôi. Tôi cười man dại, tiếng cười cơ hồ tiếng trống thúc dục Lương con giáng đòn thù.
Trận mưa đòn đã làm George Tạo rũ gục. Lương con chạy ra mở cửa, ngó phải ngó trái rồi ra hiệu cho Nghiêm Quân, Nguyễn Đức, vác George Tạo xuống sân. Lương con hỏi tôi:
- Chị đi không?
- Tôi muốn coi như đi xa từ mấy hôm nay. Chú xuống chờ tôi.
Lương con khép cửa. Tôi lấy cái xắc của Air France, bỏ vài bộ quần áo vào. Nghĩ sao, tôi lại chạy ra hé cửa:
- Thôi chú đi đi.
Tôi nằm nhà, chờ Lương con về báo kết quả.
Trần Thị Diễm Châu Trần Thị Diễm Châu - Duyên Anh Trần Thị Diễm Châu