If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5867 / 63
Cập nhật: 2016-06-23 09:39:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hững ngày yêu nhau là những ngày tuyệt thú. Tình yêu làm ta quên mọi ưu phiền, làm ta hứng khởi nghĩ chuyện tương lai. Nhưng tình yêu làm cô học trò lười biếng hư hỏng. Tôi có thể thức trắng cả đêm viết thư cho Dũng hay viết lăng nhăng kín những trang giấy nháp đầy tên Dũng và tên tôi. Song cố thức để làm xong một bài toán dễ thì không tài nào thức nổi. Tôi cúp cua đi chơi liên miên với Dũng chẳng áy náy gì cả. Ông thầy của tôi không dạy đức dục cho cô học trò đang ngồi cạnh ông ta, đầu ngả vào vai ông ta, đôi mắt khép chặt, linh hồn chới với trong linh hồn ông ta. Dũng, cái tên đẹp quá. Tôi đã học hai năm liền cuốn “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh, đã say mê Dũng của Loan. Hình ảnh một chiến sĩ cách mạng thuộc giai cấp tư sản, tóc lộng bời gió bốn phương, mắt vương khói mơ mộng, chiếc cravate trễ khỏi cổ áo một chút, đi trong gió heo may ở một miền xa xôi, sao mà đẹp thế! Sao mà cảm xúc thế! Tôi đã ước mong làm Loan để một chiều gió mưa nào đó, ngồi chờ Dũng trở về với một vết thương rướm máu để xé manh áo lụa mỡ gà băng bó vết thương cho Dũng. Tôi thường xưng Loan với Dũng. Chàng vuốt tóc tôi, mỉm cười âu yếm. Con trai bây giờ, nghe nói, họ phũ phàng lắm. Hễ nom thấy trái vừa chín là hái liền, nhai ngấu nghiến. Yêu là đòi hỏi xác thịt ngay. Họ bảo con gái thời đại muốn vậy. Yêu kiểu “Hồn Bướm Mơ Tiên”, con gái sẽ “đá” ngay, sẽ chê là một thứ “cả quỷnh”. Quan niệm gì tai ác thế? Tôi nghĩ rằng không lúc nào hơn lúc này, con người thèm mơ mộng, thèm cái không khí thanh cao của chùa Long Giáng chênh vênh trên một ngọn đồi. Trong “Quê Người”, nhà văn Tô Hoài tả một “xen” hẹn hò giữa đôi tình nhân tôi thích lắm, thèm lắm. Chàng Hời sang nhà nàng Ngây. Nàng đang dệt vải giữa ngọn đèn dầu, tiếng thoi kêu lách cách. Chàng không cần gọi không cần huýt sáo. Chàng ném qua khung cửa sổ một bông hoa ngọc lan. Lát sau, mùi hoa lan thơm nức cả gian nhà. Nàng ngừng dệt vải, nhẹ nhàng bước khỏi nhà, ra cầu ao. Đã có chàng ngồi chờ đợi. Còn gì lãng mạn, thanh cao hơn nữa? Ái tình như vậy mới là ái tình ngát hương hương hoa của người Việt Nam. Nhưng những “chất” ái tình thuần túy Việt Nam ấy đã bị lửa đạn chiến tranh đốt cháy rồi, đã bị “chất” ái tình siêu thực, hiện sinh từ phương trời Tây ùa vào làm ngập lụt rồi. Thành thử người ta mới có quan niệm khốn kiếp về tình yêu.
Mười năm trở lại đây, tiểu thuyết Việt Nam không còn những mối tình thơ mộng nữa. Chỉ đầy rẫy những hiếp dâm, và luân phiên nhau làm ái tình thỏa thuận hay cưỡng bức. Cầm tay nhau không mảy may rung động. Cần phải cho tay phiêu lưu khắp thân thể người yêu mới gọi là biết yêu. Nhìn nhau chẳng nhìn vào mắt nhau. Cần phải nhìn da thịt qua làn áo mỏng. Không khí của tiểu thuyết Việt Nam hôm nay là thế đó. Như một cái “mốt” người viết ăn khách, hàng trăm người bắt chước viết theo. Tình tôi và Dũng là mối tình của tiểu thuyết tiền chiến. Một người ngồi chờ một người. Sốt ruột, lo lắng. Gặp nhau trách nhẹ vài lời, cầm tay nhau hứa hẹn buổi hẹn hò sắp tới. Và không đòi hỏi gì nhau hơn là câu nói cũ rích “Anh yêu em, Em yêu anh”. Tôi đã quên Huy, quên cả những lời Huy dặn vì Dũng. Tôi chễnh mãng bỏ việc học hành, chìm đắm trong hạnh phúc tưởng tượng. Dũng sẽ cưới tôi làm vợ. Chàng nói vậy, con gái không mong gì hơn là được yêu và được làm vợ người mình yêu. Giới hạn của mối tình giữa tôi và Dũng là những tia nhìn đắm đuối trong lớp học và những nơi hò hẹn. Tôi chưa dám lại nhà chàng dù biết chàng sống trên căn gác trọ. Tôi cũng chưa dám mời chàng đến nhà tôi. Nhưng một hôm, Dũng đến nhà tôi. Khi chàng về, trận gió nhỏ đã hứa hẹn một cơn bão lớn. Cha dượng tôi tỏ vẻ khó chịu. Chưa bao giờ ông khó chịu với tôi cả. Ông gay gắt hỏi tôi: “Ai đó?” Tôi thản nhiên đáp: “Giáo sư của tôi”. Cha dượng tôi hằn học công kích những ông giáo sư lưu manh dùng học đường làm chỗ tán gái đẹp. Tôi tức phát khóc được. Mẹ tôi vào hùa với cha dượng tôi, cấm chỉ không cho tôi mời Dũng lại nhà. Từ bữa đó, cha dượng tôi có “bổn phận” canh chừng tôi kỹ lưỡng. Ông hỏi han từng ly từng tí những lần tôi rời khỏi nhà.
Tôi có cảm tưởng mình giống một cây ăn trái sắp chín muồi. Còn cha dượng tôi là lão giữ vườn tận tâm. Hơi bần tiện một chút. Dù vậy, trái cây tôi vẫn rớt vào tay người yêu. Tại sao cha dượng tôi “tận tâm” canh gác tôi thế nhỉ? Ông ấy ghen với Dũng. Thi sĩ Nguyễn Bính đã tả tâm lý của một người đàn ông muốn độc quyền môt người đàn bà. “Thế là ghen quá đấy mà thôi. Thế là yêu quá mất rồi. Và nghĩa là cô là tất cả. Cô là tất cả của riêng tôi.” Cha dượng tôi đã yêu tôi, yêu tôi từ lâu và bộc lộ tình yêu đó vào mùa hè. Đúng là mùa hè thảm khốc. Tôi thừa thông minh để nhận biết tình yêu thầm kín của người cha dượng “đẹp trai, trẻ tuổi” của tôi. Tôi hơi buồn cười và não nề khi nghĩ rằng ông ta đã “rấm” tôi từ ngày lấy mẹ tôi. Hay lão giữ vườn tiếc rẻ bông hoa quý nhất trong mảnh vườn bé nhỏ của ông ta? Một nhà văn viết nổi một tác phẩm, quý mến tác phẩm của mình bao nhiêu thì cha dượng tôi quý mến tôi dường ấy. Tôi là tác phẩm của cha dượng tôi. Nói cho đúng, ông đã “nhuận sắc” tác phẩm của cha tôi. Thì ông có bổn phận bảo vệ “bản quyền” chứ!
Một hôm ông bảo tôi:
- Này Châu, tôi muốn sau này cô hoàn toàn hạnh phúc.
Tôi cúi đầu đáp... xả giao:
- Cám ơn... “dượng”.
Ông nhìn tôi. Đôi mắt ông đẹp lạ lùng. Đôi mắt ấy, tự nhiên, tôi thấy nó long lanh một tình thương chân thật.
- Cô lớn rồi cần trang điểm, cần tiêu tiền. Một người có một thời rất thèm tiêu tiền. Nhiều người thèm tiêu tiền mà không có tiền tiêu, dễ dấn thân vào con đường sa đọa, hư hỏng cuộc đời. Tôi không thể để cô hư hỏng được. Tôi đã hứa với mẹ cô là sẽ lo cho chị em cô đến nơi đến chốn.
Giọng ông buồn buồn:
- Cậu Huy cư xử với tôi tàn tệ quá....
Tôi vội chặn trước:
- Em nó còn dại.
Cha dượng tôi gật đầu:
- Cậu ấy nông nổi lắm. Tự cậu ấy chuốc lấy món nợ chứ có ai nhắc nợ nần của cậu ấy. Tôi chả để ý đâu. Nói để cô hiểu là tôi quý mến cô và cậu Huy nhiều.
Ông đưa câu chuyện sang ngả khác:
- Cô là con gái nên cẩn thận hơn cậu Huy. Con trai hư hỏng có thể làm lại cuộc đời. Chứ, con gái đã vấy bùn nhơ thì chỉ còn có cách theo bùn nhơ mà tàn kiếp. Tôi nói cô đừng buồn nhé!
- Dạ, đâu dám buồn “dượng”!
- Tôi không ưa cái thằng “giáo sư” của cô đâu. Tướng nó là tướng phản bội. Nó không chung tình với ai cả. Nếu cô bị nó quyến rũ, cô sẽ khổ đấy.
Ông nói tới đây, bỏ dở chuyện tình của tôi.
- Cô cần mua sắm gì, cứ bảo mẹ đưa tiền cho. Tôi dặn mẹ cô rồi.
Đó là mẫu chuyện “tình cảm” sau những ngày ông giận tôi vì Dũng lại thăm tôi. Người cha dượng “trẻ tuổi đẹp trai” của tôi giảng luân lý như một ông giáo già lu khụ, làm tôi phải xét lại cái sự thông minh của tôi. Tuy thế, tình tôi và Dũng không suy giảm chút nào. Cha dượng tôi càng công kích Dũng tôi càng yêu chàng. Dũng đã lợi dụng chút nào đâu. Ái tình của chúng tôi là thứ ái tình hiếm hoi trong thời đại này. Thứ ái tình cổ lỗ xĩ, hãy còn hẹn hò nhau ở công viên bờ sông, ngồi gần nhau ngửi hương tóc của nhau và ngắm trăng lên hay nghe sóng vỗ vào bờ. Và khi chia tay, hãy còn nhìn quyến luyến, không dám hôn nhau từ biệt. Để đêm về nằm một mình, cả hai đều tiếc đã quên hôn nhau. Không phải là tôi không thèm được hôn. Tôi sẵn sàng hiến dâng đôi môi tôi cho Dũng uống hương tình. Tôi sẵn sàng nằm gọn trong bàn tay của Dũng. Nhưng Dũng đã từ chối mọi sẵn sàng câm nín ấy. Chàng cũng thèm hôn tôi, thèm ôm chặt lấy thân hình nảy nở của tôi. Chàng không dám, sợ tôi khinh bỉ. Tôi không dám dục chàng hôn tôi, ôm tôi, sợ chàng khinh bỉ. Cái sự sợ bị khỉnh bỉ của cả hai đứa đã làm cho mối tình trở nên thanh cao, lãng mạn, thơ mộng. Nhiều nhà văn cho thế là giả dối, giả đạo đức, muốn mà cứ vờ, sống không thực với lòng mình. Đạo đức là gì? Chính là sự thèm muốn nhưng giữ nỗi lòng mình. Nếu trơ trơ trước thèm muốn dục tình thì đâu còn là con người. Và hai tiếng đạo đức đặt ra làm chi cho rờm rà ngôn ngữ.
Tình yêu của chúng tôi xa xôi hơn bằng những buổi đi chơi xa hay ngồi trong rạp chiếu bóng. Vẫn chỉ cầm tay, đặt tay lên vai, hôn nhẹ trên làn tóc. Dũng của tôi đáng là típ người yêu... “cù lần”. Nhưng có một buổi chiều chàng không “cù lần” nữa. Chàng đã dám hôn lên má tôi. Rồi những buổi chiều tiếp theo chàng hôn lên môi tôi. Đã một nhà văn nào diễn tả nỗi cảm giác của người con gái lần đầu tiên được người yêu ôm ghì thể xác, hôn mình say đắm chưa nhỉ? Nụ hôn đầu, biết nói bao giờ mới hết tâm sự. Và, có lẽ, khó diễn tả nên những cuốn sách tôi đã đọc, tôi chỉ thấy các nhà văn viết có vài giòng. Và thế nào cũng có tĩnh từ đê mê, ngất ngây, rạo rực...
Thế thôi nhé, nỗi đê mê, ngất ngây, rạo rực! Xa nữa, mầy sẽ ngập xuống bùn nhơ. Tôi nhủ tôi vậy và đã từ chối nhiều lần, không về nhà Dũng. Tôi phải xét lại thứ tình yêu “Hồn Bướm Mơ Tiên”. Tôi vẫn yêu Dũng tha thiết nhưng không còn coi Dũng như hình ảnh Dũng của Loan, tóc lộng bời gió bốn phương, chiếc cravate trễ khỏi cổ áo một chút, đi trong mùa thu cách mạng. Đừng nên coi người tình của mình là thần tượng. Đừng nên coi ái tình của mình là vật đẹp muôn màu. Như vậy sẽ đỡ sầu một lần tuyệt vọng.
Viết đến đây tôi mới biết tôi chẳng hiểu gì về tôi cả. Vừa ca ngợi người tình của mình xong, vừa nhận xét thật đúng vì cha dượng của mình, đã phủ nhận tất cả. Trước khi yêu nhủ mình rằng hãy để dành chiếc hôn đầu cho đêm tân hôn. Rồi cứ thèm được hôn và phung phí hương tình trên đôi môi mình. Giá Dũng tấn công mạnh, Dũng không sợ mất tôi hay Dũng dọa bỏ nếu tôi không chịu dâng hiến trinh tiết của tôi cho Dũng, chắc chắn là tôi ngã lòng. Nỗi đê mê sẽ đê mê tuyệt đỉnh. Rồi sau đó mình ra sao, nào ai đoán nổi.
Dũng khôn lắm. Chàng biết cách huấn luyện một con thỏ thành một con gấu. Tính nhút nhảt, sự thẹn thùng của đứa con gái mới lớn lên dần dần mất đi khi nó ngồi cạnh tình nhân hay ngả trong lòng tình nhân. Biết Dũng khôn mà tôi cứ yêu chàng. Tình yêu khó giải nghĩa thật.
Cha dượng tôi vẫn theo rõi tôi và Dũng. Tôi không hiểu ông đã gặp Dũng nói gì mà Dũng giận dỗi tôi. Chàng đã tỏ vẻ lãnh đạm tôi một tuần lề liền. Rồi chúng tôi lại gặp nhau. Dũng bảo chắc chắn chúng tôi phải xa nhau vì cha dượng tôi dọa cho tiêu ma sự nghiệp của chàng nếu chàng còn bám sát “con gái của vợ ông”. Vào đúng dịp này mẹ tôi đi sinh em bé. Mẹ tôi nằm ở bảo sanh viện. Tôi bị giới hạn thì giờ hẹn hò Dũng. Cả ngày sau buổi học tôi phải lo cơm nước đi thăm mẹ tôi và săn sóc hai đứa em nhỏ.
Buổi tổi, tôi đang ngồi viết thơ cho Huy, cha dượng tôi tới bàn học, ông hỏi tôi:
- Cô viết thư cho thằng Dũng hả?
Tôi ngạc nhiên. Và không giữ nổi bình tĩnh, tôi đáp bừa:
- Vâng!
Rồi buông bút, xé bức thơ, tôi nói mà muốn khóc:
- Có gì làm phiền “dượng” không?
Ông gật đầu:
- Phiền lắm chứ. Tôi săn sóc cô đâu phải để thằng chó má đó quyến rũ cô. Tôi đã cảnh cáo nó rồi. Nếu nó khăng khăng không nghe lời tôi, tôi sẽ cho nó biết tay.
- “Dượng” định bỏ tù người ta à?
- Thê thảm hơn cả ngồi tù.
- “Dượng” không có quyền cấm tôi yêu thương.
- Tôi không cấm cô yêu thương nhưng cấm cô không được yêu thằng giáo sư Dũng. Tôi đầy rẫy tài liệu về nó. Nó đã làm hàng chục nữ sinh chửa hoang. Cô muốn nghe một nhà báo nói về nó, tôi sẽ dẫn nhà báo đến đây “mở mắt” dùm cô.
Tôi òa lên khóc. Cha dượng của tôi tàn nhẫn quá. Tôi không thể cãi lại ông được. Và đành gục xuống bàn, khóc tức tưởi.
Cha dượng tôi để mặc tôi khóc, ông lượm những mảnh giấy tôi vừa xé nát vất tung dưới nền nhà, chắp lại coi xem tôi viết những gì cho Dũng. Khi tôi ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn ông, khuôn mặt ông không đáng ghét như ban nãy nữa. Ông vỗ nhẹ vào vào vai tôi:
- Cô bướng lắm. Sao cô không nói cô viết thơ cho cậu Huy?
Tôi không thèm đáp. Ông lại vỗ nhẹ vai tôi, lần này bàn tay ông đặt hơi lâu trên vai tôi. Tôi rùng mình. Nghĩ đến cảnh nhà vắng người tôi muốn hất tay ông ra, vùng chạy. Bàn tay người cha dượng của tôi như một thỏi nam châm. Và tôi là một khối sắt. “Cô bướng lắm”. Tôi bướng, tôi ngang giống một con cua là cùng. Nhưng con cua đứng trước con ếch, đôi càng của nó cắp lại một cách sợ sệt. Và nó đứng im chờ phút giây nạp mình cho con ếch.
- Châu!
-....
- Cô Châu!
-....
- Cô khinh tôi hả?
Thỏi nam châm bóp khẽ khối sắt của vai tôi, rồi thôi. Sức hút của nó đã biến đi. Tôi nhẹ nhõm cả người.
- Cô có biết tôi thương cô dường nào không?
Tôi vẫn không thèm đáp. Phải chi tôi tự chủ được tôi như Huy. Trách gì cha dượng tôi đã “kỵ” Huy mà chẳng nói thẳng với nó.
- Tôi không muốn cô yêu thằng Dũng. Tôi sẽ đánh vỡ mặt nó ra nếu tôi còn bắt gặp nó đi với cô.
Tôi đưa vạt áo thấm nước mắt:
- “Dượng” ác quá!
Ông cười gằn:
- Tôi ác, đúng đấy, tôi cần ác với một đứa khốn nạn như thằng giáo sư Dũng.
Ông dằn mạnh hai tiếng “giáo sư”. Tôi yếu đuối không tài nào đương đầu nổi cha dượng của tôi. Tôi cũng không tài nào hiểu nổi ông yêu tôi ghen với Dũng hay ông thương tôi thật tình.
- “Dượng” chẳng có quyền gì cả.
- Thật chứ?
Tôi ức hết chịu đựng thấu, nói bừa:
- Thật
Ông khoanh tay trước ngực:
- Cô nhất định gắn bó với thằng Dũng?
Tôi mím môi. Rồi không biết sao, tôi phản ứng bằng cách đứng đậy. Cha dượng của tôi ôm chầm lấy tôi. Tôi giẫy giụa. Đôi tay cha dượng tôi ghì chặt hơn.
- Hễ Châu la lớn, tôi sẽ giết Châu rồi giết mẹ Châu.
Ông mỉm cười. Nụ cười của kẻ đắc chí. Hai con mắt ông ngầu đỏ. Ông thở nhanh và người ông nóng ran. Tôi không đủ thì giờ để ghê tởm ông. Mắt tôi mở căng. Tôi nghĩ đến cha tôi, đến mẹ tôi, đến em Huy, đến Dũng, nước mắt ứa ra.
- Tôi lạy “dượng”, con lạy “dượng”....
Ông dìu tôi đến giường ngủ của tôi, đẩy tôi ngả ngữa trên đệm.
- Được rồi, cô sẽ lấy thằng Dũng. Tôi đâu phải là đắp đập be bờ.
Tôi vùng dậy. “Chị coi chừng”. Lời dặn dò của Huy tự nhiên văng vẳng bên tai tôi. Không thể nào thoát khỏi sự nhục nhã đêm nay. Tôi đành dùng lời lẽ ngoan ngoãn, để làm lương tâm của cha dượng tôi thức giấc.
- Con nghe lời “dượng” rồi, con sẽ bỏ Dũng.
Ông thản nhiên:
- Muộn rồi.
- Con lạy “dượng”.
- Tôi đã làm gì Châu đâu!
- “Dượng” định làm gì con?
- Châu chưa hiểu à?
Cha dượng tôi đẩy nhẹ tôi nằm ngửa như cũ.
- Tôi yêu Châu!
Tôi không sửng sốt. Vì đã có lần tôi ngờ vực lòng tốt của cha dượng tôi: ông “ươm” tôi thật. Hay là, khi thấy bông hoa đẹp quá, người giữ vườn nổi máu ham, muốn thưởng thức trước khi có kẻ khác hái mất.
- Tôi yêu Châu!
- Con là phận con cái mà...
- Châu là con tôi bao giờ? Anh yêu em, anh yêu em...
Ba tiếng “anh yêu em” thoát ra từ cửa miệng người cha dượng của tôi làm tôi lợm giọng. Càng lợm giọng hơn khi tôi tưởng tượng trước ngày lấy mẹ tôi ông đã nói thật nhiều ba bốn tiếng đó. Tôi giống một con chuột nhắt nằm gọn trong móng vuốt của con hổ trong truyện ngụ ngôn ở sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” lớp Sơ Đẳng. Con Chuột nhắt đã “xin ông tha tôi làm phúc”. Và nó được tha. Con hổ không thèm ăn thịt nó. Nó nhỏ xíu, ăn không đã đói mà còn bẩn miệng. Còn tôi đứa con gái dậy thì, quyến rũ dễ gì thoát khỏi lòng thèm muốn của cha dượng tôi. Huy biết chuyện xảy ra như vậy, chắc nó sẽ giết cha dượng tôi. Sự khinh bỉ và lợm giọng chẳng giúp tôi giải quyết nổi thảm kịch sắp khởi diễn.
Tôi nhắm mắt, cầu cứu linh hồn cha tôi vô ích. Người đã chết không giúp người còn sống một điều nhỏ mọn. Tôi nghiến răng ken két.
- “Dượng” định hại đời tôi?
Cha dượng tôi không mảy may xúc động. Ông đã tụt dép, leo hẳn lên giường của tôi và không quên tắt ngọn đèn viết trên bàn viết. Bây giờ căn phòng của tôi ngập bóng tối. Thứ bóng tối khốn nạn phủ kín cuộc đời tôi. (bỏ 600 chữ)
Tôi nằm suy tư một chập rồi ngủ thiếp đi. Mãi mười giờ sáng hôm sau tôi mới thức giấc. Thể xác tôi mệt mỏi lạ lùng. Đôi mắt mở ra lại muốn khép lại. Tâm hồn cơ hồ một kẻ đi phiêu lưu, về đến cửa nhà cũ, chán ngán chẳng muốn bước vào. Ánh nắng buổi sớm hắt qua khung cửa sổ hẹp như tố cáo một sự nhơ nhớp trong căn phòng. Tôi rùng mình, vụt ngồi dậy. Dấu vết đau thương là một chấm đỏ loang rộng trên tấm drap trắng muốt. Tấm drap trắng ví như bộ lông trắng của con chim bồ câu. Và chấm đỏ chính là vết bùn nhơ vấy lên bộ lông trắng của nó. Tôi thấy nhức nhối khắp thân thể. Một chiếc nút áo bật tung. Tôi ôm mặt khóc, khóc suốt một ngày một đêm. Cha dượng tôi đã cho tôi uống thuốc ngủ để sự việc xảy ra êm ái như ý ông muốn. Cả ngày hôm đó, ông không gặp tôi. Còn tôi thì nằm đắp chăn trùm kín mít ngủ. Tôi muốn kéo dài dấu bùn nhơ, chưa chịu gột rửa.
Trần Thị Diễm Châu Trần Thị Diễm Châu - Duyên Anh Trần Thị Diễm Châu