This nice and subtle happiness of reading, this joy not chilled by age, this polite and unpunished vice, this selfish, serene life-long intoxication.

Logan Pearsall Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Blair
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: A Journey : My Political Life
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 31
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19: Mạnh Mẽ Đương Đầu
rong hai năm cuối cùng tại nhiệm, có thể hiểu theo nhiều cách, là những năm tốt nhất và tệ nhất của tôi. Tốt nhất là bởi vì vào thời điểm đó tôi cảm thấy được tự do, mạnh mẽ và trưởng thành hơn trước bất kỳ vấn đề gì. Tệ nhất là bởi nó cũng chỉ tạm được như tôi cảm nhận. Trong hai năm này, đảng tôi trở nên hỗn loạn. Gordon liên tục ở trong trạng thái bày mưu tính kế; giới truyền thông chống Blair (nghĩa là hầu hết trong số đó) đã từ bỏ việc ra vẻ khách quan; Iraq đã lảo đảo trên miệng vực; và khi tất cả những kẻ khác thất bại, thì có một cuộc điều tra của cảnh sát về tôi và bộ máy của mình đã suýt nữa lật đổ cả Chính phủ mà hầu như không đưa ra được phán quyết nào. Giờ đây tôi nhớ lại và nghĩ: Làm thế nào tôi có thể trụ được?
Vào thời điểm này, tôi cố gắng mang một cái vỏ “tâm lý” bằng sắt rất hiệu quả, mà tên bắn không lọt và cố đạt được trạng thái không trọng lượng cho phép tôi, ở mức độ nào đó, bay lên trên những đám người hiểm ác cố gắng xé toạc đùi tôi ra.
Lúc đó, tôi thực sự can đảm và giờ đây tôi không khỏi tự hào khi nhìn lại. Tôi đã bị dồn vào góc tường, do đó phải lựa chọn giữa việc gục ngã hay chiến đấu chống trả. Tôi nhớ lại nhiều năm trước, một người bạn của tôi trong khu vực bầu cử, người từng khá thô lỗ ở khu phố đó, nói với tôi rằng: nếu anh từng tham gia vào một cuộc đánh lộn trên phố, cố gắng trụ vững, đừng gục ngã. Mọi người luôn nghĩ nếu bạn ngã xuống đất, người ta sẽ để cho bạn yên; nhưng sự thực là không, họ sẽ đá vào đầu bạn và gần như giết chết bạn. Vì vậy hãy cố trụ vững trên đôi chân của mình, anh ta cảnh báo. Họ sẽ khiến bạn tái mặt, nhưng bạn sẽ sống.
Tuy lúc đó, có thể mặt tôi biến sắc, nhưng tôi đã trụ được và làm được rất nhiều việc. Điển hình là một ngày vào giữa năm 2007 – nửa nhiệm kỳ của nghị viện – đó là thời điểm phù hợp để ra đi, nhưng tôi có thể rời đi sớm hơn nếu Gordon hợp tác và muộn hơn nếu ông ấy không hợp tác. Đương nhiên là ông ấy không thực sự làm như vậy, hay không tạo cho tôi sự tin tưởng sẽ tiếp tục chương trình một cách thích đáng; nhưng tôi đã bị đẩy ra bất chấp sau sự nổi dậy tháng 9 năm 2006, nghĩa là muộn hơn nhiều.
Bất chấp tất cả khó khăn kể trên, tôi rất tin vào những gì mình đang làm. Dĩ nhiên, sẽ tốt hơn nếu tôi ở lại thêm một năm, hay 18 tháng nữa và đưa chương trình cải cách đi xa hơn, tốt hơn cho đảng và cho đất nước. Mặc dù vậy, những điều tôi đã làm được rất quan trọng và sẽ phát huy ảnh hưởng lâu dài.
Lý do tôi tự tin như vậy là vì giờ đây tôi đã tiến gần đến một chương trình nghị sự chính sách. Tôi có các bộ trưởng ở các vị trí chủ chốt, những người hiểu điều tôi đang cố gắng gây dựng và tại sao. Tuy chương trình này là nguồn cơn cho sự thất vọng triền miên của “người hàng xóm”, nhưng tôi có thể nói rằng, Gordon cũng lo ngại về việc đẩy mọi việc đi quá xa, vì sợ những người của Murdoch và những người khác kết luận rằng ông ấy chống lại cải cách.
Mỗi bước đi là một cuộc chiến; nhưng vào thời điểm đó tôi đã quá quen với tất cả những điều đó; tôi sẵn sàng thức dậy mỗi ngày và chuẩn bị sẵn súng ống đạn dược để bước ra và chiến đấu với bất cứ thứ gì cản đường, không phải tôi không sợ hãi, nhưng gần như không để ý tới sự an toàn về chính trị của chính bản thân mình.
Không phải tôi không “lắt léo” để tìm đường tiến lên; mà đôi lúc còn đưa ra một số thỏa hiệp chiến thuật. Nhưng nhìn chung, đây là lần đầu tiên kể từ khi trở thành một Thủ tướng, tôi được dẫn dắt đơn giản bởi những điều tôi thực sự nghĩ là đúng trong cả về chính sách đối nội và đối ngoại. Tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý rằng bất cứ lúc nào mình cũng có thể bị đánh bại và ra đi, nhưng sẽ không thay đổi dù chỉ một li các mục tiêu chiến lược sống còn đã đặt ra.
Vào tháng 2 năm 2006, tôi đã viết một văn kiện cho các hội nghị mà Philip, Alastair và tôi sẽ nhóm họp với Gordon, Ed Balls, Ed Miliband và Sue Nye. Tôi chủ tâm muốn họ tham gia vào, đặt ra trước mặt họ các ý tưởng, thực sự cố gắng thuyết phục họ. Vài lần tôi đã đưa ra những điều khoản hợp lý để rời sở nhiệm, nếu có một mối quan hệ thích hợp trong thời điểm đó. Tôi thể hiện thái độ cứng rắn: sẽ không ra đi tự nguyện nếu không đạt được cam kết rõ ràng rằng Gordon sẽ tiếp tục chương trình cải cách.
Trong văn kiện hồi tháng 2 đó, tôi đã vạch ra một mẫu cơ bản về cách chúng tôi làm việc và sau đó nghiên cứu một chương trình nghị sự trong tương lai đối với từng mục riêng. Ngoài ra, tôi đã triển khai một cơ quan thực thi nội bộ, đứng sau Bộ Tài chính, có tên gọi Cơ quan Đánh giá Tiết kiệm Cơ bản FSR. Mục đích của FSR là đánh giá xem chúng tôi có thể chuyển dịch nằm ngoài những khoản đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ công ở điểm nào; và thay vào đó tập trung vào một Chính phủ nhỏ hơn, chiến lược hơn. Theo ý tôi, bản thân ý tưởng này rất đúng đắn nhưng việc giải quyết các tranh cãi về “một Nhà nước lớn”; các khoản “thuế và chi tiêu” cũng quan trọng không kém mà tôi chắc chắn rằng những vấn đề này sẽ làm chia rẽ liên minh nội bộ và do đó ảnh hưởng tới khả năng chiến thắng của chúng tôi. Nó đã nhắc lại những lập luận đã được đưa ra trong cuộc bầu cử năm 2005.
Không may là, FSR bị công kích dữ dội và là vấn đề mà tôi không thể hoàn tất trước khi rời đi và hoạt động của nó đã trở thành yếu tố thực sự phụ thuộc vào sự hợp tác của Gordon.
Mặc dù vậy, phần còn lại của chương trình tiến triển rất nhanh. Về vấn đề cải cách trường học, đặc biệt là với Andrew Adonis giờ là Bộ trưởng và Conor Ryan, cố vấn đặc biệt của tôi, chúng tôi đã có thể thúc đẩy một chương trình rất tham vọng hỗ trợ thành công mong ước của tôi.
Chúng tôi đã trải qua khoảng thời gian trước Giáng sinh 2005, trong không khí vô cùng bận rộn. Vào 25 tháng 10, chúng tôi công bố Tài liệu Trắng (White Paper) về trường học mới, trong đó chúng tôi ủng hộ ý tưởng về các trường công độc lập không phải trả học phí. Chúng tôi không phục hồi các nguyên tắc lựa chọn, điều đã quá chia tách đất nước giữa các trường chuyên và trường thường; nhưng ở tất cả các khía cạnh khác chúng tôi đã phá vỡ những đặc tính của trường công thường truyền thống. Chúng tôi làm rõ rằng, trong tương lai, tất cả các trường có thể và nên trở thành những quỹ tự cung tự cấp hay các trường hoặc học viện cơ bản với sự linh hoạt hơn gấp bội trong việc tuyển nhân sự và trả lương, với đối tác từ bất kỳ lĩnh vực nào họ muốn và khi các trường mở rộng được người lớn và thanh niên sử dụng để học tập, chơi thể thao, giải trí và các hoạt động cộng đồng khác trở thành một phần của cộng đồng nơi đặt trụ sở.
Trong một bài diễn văn mùa hè năm 2005 trước Diễn đàn Chính sách Quốc gia – cơ quan là sản phẩm của một cuộc cải cách trước của đảng, giúp quá trình hoạch định chính sách cấp tiến hơn và bớt sự công kích hơn – tôi đã vạch ra cơ sở căn bản cho vấn đề cải cách.
Cho dù đến lúc đó tôi thường tự viết hầu hết những bài diễn văn quan trọng của mình, nhưng Phil Collins, người đã gia nhập nhóm, là người viết diễn văn giỏi nhất mà tôi từng có, đã giúp tôi rất nhiều. Dưới áp lực thời gian, các bài diễn văn thường được viết vào sáng sớm ở căn hộ phố Downing. Tôi thường dậy vào khoảng 5 giờ, đi thật khẽ xuống cầu thang để không đánh thức bọn trẻ, pha một tách trà và vào mang vào phòng khách. Ở đó, tôi ngồi xuống ghế cạnh một cái bàn tròn bọc da và viết bài diễn văn bằng bút mực, thỉnh thoảng tôi lại nhìn ra cửa sổ ở phía sau nhà, ngắm mọi người đi bộ thể dục ở Công viên St James hay hối hả đến chỗ làm trong ánh nắng sớm và đôi lúc liếc mắt sang ngôi nhà nổi tiếng nhất nước Anh. Tôi phân vân không hiểu cuộc sống của họ ra sao, tâm trạng của họ thế nào trong ngày hôm đó, suy nghĩ nào chi phối họ, mỗi cuộc sống là một mạng lưới đan xen giữa tình bạn, sự lo âu, tham vọng và nỗi sợ hãi.
Trong bài diễn văn, tôi viết:
“Nếu đó là một hệ thống lạc hậu, thì hệ thống đó cần phải thay đổi. Không thay đổi, nghĩa là chúng ta quan tâm tới hệ thống đó hơn quyền lợi của người dân. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Và dĩ nhiên, các công cuộc cải cách phải đúng đắn kéo theo những sự thay đổi đúng đắn. Nhưng mọi người lại thường xuyên cho rằng thay đổi là vi phạm nguyên tắc, trong khi thực tế, họ không bảo vệ nguyên tắc mà là thực tiễn và thường là một thực tiễn đã lỗi thời.
Tuy nhiên cũng đang có những ví dụ thực sự về sự tiến triển, được thôi thúc bởi ý nguyện của chúng ta nhằm vượt qua những kháng cự đối với sự thay đổi, mà còn bởi ý nguyện đầy nhiệt huyết của những công chức nhằm giải phóng sức sáng tạo và phát kiến của họ. Do đó, đây là thời gian để đẩy nhanh hơn nữa công cuộc cải cách và tiến hành cải cách trên tất cả các mặt trận: mở cửa hệ thống, phá vỡ những hòn đá tảng chai lỳ, đặt các bậc cha mẹ, học sinh, bệnh nhân và những công dân tuân thủ pháp luật vào trung tâm của hệ thống. Thực sự, chúng tôi đã đạt được những tiến bộ lớn, từ đó rút ra những bài học, không phải ngủ quên trên thành công hiện tại mà để đưa thành công đến một cấp độ cao hơn trong tương lai …
Tám năm trôi qua, chúng tôi đã căn cứ vào những bằng chứng thực tế để có thể đưa ra kết luận rất rõ ràng rằng: công cuộc cải cách không thể thực hiện chỉ bằng tiền thay vào đó là tiền kết hợp với hiện đại hóa hệ thống, các thực tiễn hoạt động và các động lực kết hợp sẽ tạo ra được kết quả tốt nhất.
Tất cả những cải cách này, theo những phân tích cuối cùng, là phương tiện dẫn đến một kết quả cuối cùng. Kết quả này không phải là sự lựa chọn. Kết quả là những dịch vụ chất lượng bất chấp sự giàu có. Kết quả là cơ hội để tối đa hóa khả năng của bạn cho dù bạn bắt đầu như thế nào trong cuộc đời. Kết quả là sự tiến bộ tột cùng của giá trị. Nhưng những phương tiện tiến bộ duy nhất là những phương tiện đem lại kết quả lũy tiến.
Những học viện đầu tiên đã bị quá tải. Rõ ràng là không phải bởi đây là những tòa nhà mới mà chính xác là bởi vì các trường theo kiểu học viện này dường như không thuộc về một bộ máy hành chính xa xôi nào đó, những người cai trị Chính phủ, địa phương hay quốc gia, mà thuộc về chính bản thân nó, phục vụ lợi ích của nó. Trường hoạt động dựa trên nguyên tắc tự cung tự cầu. Điều này ngay lập tức đem lại cho trường niềm tự hào và mục đích hoạt động. Bởi những nhà tài trợ là những cá nhân kiên định và thành công, họ đã đem sự kiên định đó và thành công đó đến với trường. Và trên tất cả, chúng được giải phóng khỏi những can thiệp và điều chỉnh chính trị đúng đắn từ Nhà nước hay chính quyền địa phương, thậm chí còn bất bình thường và thường xuyên trong những hoàn cảnh tệ nhất. Các học viện đó chỉ phải phấn đấu làm thế nào để phát triển trường và biến nó thành một địa điểm lý tưởng cho các học sinh – một vấn đề về chất lượng không bị chi phối bởi định kiến chính trị mà bởi những suy nghĩ thông thường.
Do đó, ngay cả trong những khu vực như Hackney, nơi tôi đến thăm Học viện Cộng đồng Mossbourne mới tại Hackney Downs, địa điểm mà việc cải cách trước đây chưa được thực hiện toàn diện, nơi mà lớp trung lưu địa phương kiểu cách và sống tách biệt, chúng tôi tập trung nghiêm khắc vào các quy định, việc học sinh mặc đồng phục; cư xử đúng mực với các bậc cha mẹ và học sinh giàu và nghèo đều được hưởng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ như nhau. Khi chương trình Dispatches trên kênh 4 giấu giếm thực hiện một chương trình về Học viện Doncaster mới, với hình ảnh một số bậc cha mẹ than phiền rằng con họ bị cảnh báo sẽ bị đuổi học nếu không đến trường đúng giờ, tôi biết rằng các chương trình cải cách đã thức sự có tác dụng. Dĩ nhiên, người thực hiện chương trình truyền hình nghĩ rằng mọi người sẽ nổi giận với kỷ luật hà khắc đó, tuy nhiên, về bản chất những bậc cha mẹ khác lại cảm thấy vui mừng.
Mặc dù ý tưởng về học viện bị giảm sút sau khi tôi ra đi, nhưng nó thực sự có tầm ảnh hưởng sâu rộng và sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh. Vào cuối năm 2006, tôi thông báo mở rộng gấp đôi chương trình hiện thời đối với 400 trường và thực sự cảm thấy hài lòng nếu đạt được điều đó đồng thời chúng tôi cũng kết hợp mô hình học viện với các trường dạng quỹ, thực hiện những bước tiến vững chãi trên con đường cải cách. Nhưng một lần nữa tôi lại sợ tiếng la hét từ phía nhà kế bên.
Gordon sẽ bác bỏ rằng ông ấy chưa bao giờ phản đối chương trình này và công bằng mà nói thì ông ấy chưa bao giờ trực tiếp làm vậy; nhưng rõ ràng, người của ông ấy không ủng hộ và việc lấy bất cứ thứ gì ra khỏi Bộ Tài chính phải cần một con dao rựa, liên tục cắt xén hàng rào “phản đối” dày đặc mỗi ngày của họ. Tôi nhớ lại một sự kiện ở phố Downing, khi chúng tôi chào mừng các hiệu trưởng đến xin cấp danh hiệu “trường học kiểu quỹ”. Một trong số họ đã vô tình kể với tôi rằng ông ấy đã đến bất chấp lời khuyên của một nghị sỹ quốc hội địa phương. “Ồ”, tôi nói, lúc đó khá bực tức “ai vậy?”
“Ed Balls”, người đó trả lời, mà không biết rằng chính mình đã giúp tôi xác nhận lại đánh giá của bản thân về điều mà nhóm của Gordon Brown đang thực sự hậu thuẫn.
Những đánh giá ban đầu về các học viện thường bị xem là tiêu cực, nhưng ngay cả những đánh giá tiêu cực đó cũng đánh dấu thành công của chúng. Mọi người so sánh các học viện với những trường tốt nhất, mà quên rằng, trong mọi trường hợp, chúng có khả năng thay thế các trường công đã trở nên rệu rã – cũng giống như việc chúng tôi đã chọn những hạt rắn nhất để tách vỏ. Việc mọi người đưa ra so sánh như vậy chứng tỏ kỳ vọng rất cao mà họ đặt vào các học viện này. Họ đã giả định rằng chúng sẽ là các trường tốt hơn hẳn một bậc, phù hợp để sánh ngang với các trường tốt nhất. Và đó chính xác là thước đo mà chúng tôi muốn.
Hiện nay, dĩ nhiên là kết quả đã rõ ràng: các học viện tiến bộ nhanh gấp ba lần các trường khác. Nhưng vào thời điểm đó, một số vẫn còn phải chật vật để vươn lên, một số thậm chí đã xuống cấp và phải phục hồi lại; nhưng về tổng thể, các học viện đã thành công.
Sự phản đối của đảng là khá dai dẳng và nhất quán. Đáng buồn là ngay cả Estelle Morris cũng nghi ngờ về các học viện, trở lại câu ngạn ngữ cổ “tiêu chuẩn, chứ không phải cấu trúc” và than vãn rằng thực tế chúng tôi đã đi ngược lại câu ngạn ngữ đó. Nhưng, nếu không có cấu trúc khác, thì các trường không có khả năng đạt được tiêu chuẩn cao hơn. Neil Kinnock cũng tham gia, lúc đó ông ta thường xuyên đứng về phe bên kia và vận động cho việc thay thế tôi bằng Gordon. Ông ta cho rằng các học viện đó quá quý tộc, mặc dù theo một cuộc kiểm tra mới nhất thì, tính “quý tộc” theo nghĩa trường dành cho người giàu có thì ít mà tốt hơn các trường địa phương khác thì nhiều. Đối với tôi đó là điều cốt lõi. Mặc dù được thúc đẩy tốt, nhưng chính tính cổ điển đã giảm. Đã có một lập luận trung tâm về bản chất của Lao động mới và sự vô địch trong cảm hứng của đảng. Sự công bằng không thể và không bao giờ ảnh hưởng tới lợi ích của sự xuất sắc. Sự kiên định của tôi không bao giờ chùn bước trước sự xuất sắc, cho dù nó có ở đâu đi nữa. Tấn công nó – không xét tới cảm nhận của chúng tôi về các trường chuyên, trường tư, trường đặc biệt, bất kỳ loại trường nào khác – là phạm một sai lầm chết người. Nó đồng nghĩa với việc chúng tôi sẵn sàng từ bỏ thứ gì đó xuất sắc mà về cơ bản đại diện cho một hệ tư tưởng sai lầm.
Bây giờ, việc một trường như vậy đại diện cho một hệ tư tưởng sai lầm có thể đúng. Tôi phản đối việc chọn trường vào tuổi 11. Nó tước đoạt quá thô bạo, quá dứt khoát, quá quyết liệt các cơ hội trong đời một đứa trẻ ở độ tuổi quá nhỏ, hay nói một cách bớt xúc cảm hơn thì là khả năng học tập của trẻ. Tôi thường liên hệ tới trường hợp của anh trai tôi, Bill. Anh ấy thông minh, hiểu biết, điềm đạm và rõ ràng là một người tốt. Thật vinh dự khi có một người anh trai như anh ấy. Anh ấy cũng rất thông minh, hiện làm quan tòa tại Tòa án Tối cao, sau khi là luật sư số 1 của Nữ hoàng và tác giả của nhiều tác phẩm kinh viện về luật ngân hàng.
Khi Bill tham gia thi đầu vào ở trường Fettes những năm 1960, lúc đó 13 tuổi, anh ấy chỉ vừa đủ điểm qua và được xếp vào hệ thấp hơn của học viện. Anh ấy thực sự chẳng hề đê lại ấn tượng gì. Nhưng 5 năm sau khi tham gia kỳ thi ở Oxford, anh ấy phát triển hơn nhiều và vào trường Balliol (thuộc Oxford) nhờ học bổng.
Trẻ em thay đổi theo thời gian và do đó, chia tách chúng ở độ tuổi quá nhỏ là một phương pháp hoàn toàn sai lầm và không công bằng. Nhưng cách mà các trường học thường được triển khai và trường chuyên bị từ bỏ khá gần với sự phá hoại các học viện. Nó cũng không ảnh hưởng mấy đến các Bộ trưởng Nội các – chủ yếu thuộc Lao động, nhưng cũng có những người thuộc Đảng Bảo thủ, những người, dĩ nhiên, tiếp tục gửi con cái của họ tới trường tư. Không trải nghiệm thực tế sự thay đổi qua con cái mình và không có cảm nhận gì với việc giảng dạy, họ đã ban hành quy định rằng các trường chuyên (chọn lọc và xuất sắc) sẽ được chuyển thành trường toàn diện (trường thường) (không chọn lọc và thường thì cũng không xuất sắc và đôi khi còn thực sự kinh khủng).
Điều này được thực hiện, bởi người ta cho rằng nguyên nhân mà trường chuyên tốt hơn vì chúng được chọn lọc. Giả định này cũng mắc phải sai lầm tương tự khi người ta nói rằng trường tư tốt chỉ bởi vì cha mẹ của học sinh là những người thuộc tầng lớp trung lưu, đóng góp nhiều tiền hơn và trang thiết bị tốt hơn, có nghĩa là chúng tốt chỉ vì đẳng cấp và đặc quyền đặc lợi.
Sự thực là cả hai dạng trường đó đều tốt vì nhiều lý do khác nữa. Họ độc lập. Họ có ý thức sâu sắc về bản sắc và đặc tính. Họ được lãnh đạo tốt và được cho phép dẫn đầu. Họ linh hoạt hơn. Họ sáng tạo vì không ai bắt họ không được phép như thế. Họ theo đuổi sự xuất sắc. Và đây là yếu tố chủ chốt – họ cho rằng sự xuất sắc hoàn toàn có thể đạt được. Hay nói theo cách khác, họ tin rằng thất bại là điều có thể tránh được; và sẽ là lỗi của họ nếu họ không tránh được nó, chứ không phải là lỗi của “hệ thống”, “lai lịch của bọn trẻ” hay “sự thiếu thốn của các bậc cha mẹ”.
Dĩ nhiên, giờ đây, những đặc tính này sẽ dễ hơn nếu cha mẹ bạn thuộc tầng lớp trung lưu hay bạn được lựa chọn. Dễ suy nghĩ, dễ làm hơn. Nhưng toàn bộ nền tảng của chương trình cải cách trường học của tôi đó là các trường công, những trường không chọn lọc không thể đạt được những đặc tính đó, do đó chúng tôi đã:
a. chuẩn bị sẵn sàng thừa nhận nguyên nhân vì sao các trường chuyên và trường tư hoạt động hiệu quả.
b. sẵn sàng để các trường công có sự tự do tương tự và khuyến khích triển khai các cách làm việc mới với các đối tác mới.
c. sẵn sàng cấp nhiều vốn hơn cho các trường này.
Tôi thường có những tranh luận nội bộ dữ dội về tất cả những điều này, ngay cả với những nhân viên thân cận nhất của mình. Cuối cùng, chúng tôi đi đến kết luận rằng nếu bạn triển khai một trường thực sự tốt trong một khu vực đầy rẫy những trường trung bình, thì tất cả các bậc cha mẹ đều đổ xô gửi con đến trường tốt. Và dĩ nhiên, điều đó sẽ tạo ra sự lo lắng trong nhóm các bậc cha mẹ không gửi được con đến trường tốt, những ủy viên hội đồng địa phương, các giáo viên và nhiều người khác. Nhưng theo tôi, đó không thể là lý do để không triển khai những trường thực sự tốt; mà đó phải là lý do để phân tích tại sao những trường khác chỉ có chất lượng trung bình hoặc tồi và tìm cách thay đổi chúng.
Tôi còn nhớ lần đến thăm một trường ở London, ngay trước cuộc bầu cử năm 1997. Khi hiệu trưởng đón chúng tôi vào, thì có một cuộc gây lộn diễn ra ở phòng giải lao của bọn trẻ. Chúng tôi đứng trò chuyện một lúc cho tới khi – tiếng động của trận ẩu đả làm chúng tôi xao nhãng – hiệu trưởng nói: “Chúng ta nên chuyển sang nơi khác”. “Chúng ta có nên ngăn chúng lại không?” tôi hỏi và chỉ vào đám học sinh đang hỗn chiến.
“Không nên”, ông ấy nói rồi đưa chúng tôi xuống phòng mình. Sau đó ông ấy giải thích rằng các gia đình ở khu vực này gặp vấn đề ra sao, ma túy thực sự là vấn đề nhức nhối, trẻ em được nuôi dạy rất tệ và không thích học hành. Đó là lời lý giải đáng tin – và đối với ông ta rõ ràng là thuyết phục – về việc tại sao trường học lại thất bại. Tôi cũng phải nói rằng ông ấy là một người rất tốt và rất gắn bó với trường. Ông cũng nói thêm rằng do danh tiếng của trường không tốt – chẳng hạn như tất cả mọi người đều nghĩ trường đáng bỏ đi – và rốt cuộc, họ đã nhận những học sinh bị đuổi học từ những trường khác.
Vậy là chúng ta đã chấp nhận thất bại và không chỉ là thất bại cá nhân của một số học sinh nào đó, mà là thất bại của tập thể trường. Tôi biết hai điều rõ ràng rằng: tôi sẽ không bao giờ chấp nhận điều như vậy đối với con cái mình; và không bao giờ có chuyện tất cả các học sinh và/hay tất cả các bậc cha mẹ cùng có suy nghĩ hay gặp vấn đề như nhau. Chúng ta đã để cho tư tưởng “con sâu làm rầu nồi canh” khuấy đảo. Dĩ nhiên, chúng ta không nên chấp nhận thất bại thậm chí ngay cả đối với những người không bị ảnh hưởng và ở bên ngoài. Nhưng để chấp nhận điều đó đối với cả trường – và có hàng trăm thứ như thế khi chúng tôi nhậm chức – thì thật thô thiển, bất công không thể tin nổi về mặt ý thức xã hội; và còn gì nữa, chính hệ tư tưởng sai lầm của chúng tôi đã giúp nó nảy sinh.
Trước thời điểm năm 1997, Đảng Bảo thủ đã xử lý một phần vấn đề với các trường “nhận trợ cấp”, những trường nhờ “cấp bậc” của họ đã có được nhiều tự do và độc lập hơn. Tuy nhiên, họ chỉ giải quyết được một phần vấn đề và về cơ bản là cho phép các trường đã cải thiện được chất lượng hoạt động tự do. Điều này không sai và tôi đã nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng dù chúng tôi đã bác bỏ hệ thống “cấp bậc” – đảng tôi ghét các trường “nhận trợ cấp” – nhưng vẫn cố gắng giữ lại phần tự do cơ bản trong các trường đó. Nhưng giai đoạn từ ngày 1 tháng 5 đến 27 tháng 6 năm 2007, thực sự là giai đoạn điều chỉnh một phần của chương trình đó đầu tiên – tập trung vào các trường nghèo nhất thay vì các trường nhận trợ cấp – và thứ hai, thông qua các chương trình học viện, tạo ra một dạng trường mới thỏa mãn mục đích của cả các trường nhận trợ cấp và cả các chương trình cải cách của chúng tôi: đó là chất lượng của trường công. Trong khi những người thuộc Đảng Bảo thủ tập trung sự quan tâm vào các trường trung lưu, thì tôi biết rằng để có được sự chấp nhận của tất cả mọi người hay ít nhất là sự chấp nhận rộng rãi, thì chương trình đó phải thỏa mãn nhu cầu cho cả các trường tệ nhất lẫn các trường tốt nhất của hệ thống.
Nhưng cuộc đấu tranh diễn ra rất quyết liệt. Và ngay cả vào những tháng cuối năm 2005, khi tôi đang sát cánh với một nhóm các bộ trưởng nội các đáng tin cậy, những người có cùng một tầm nhìn với tôi và biết rõ rằng đây là nơi mà Đảng Lao động thuộc về, thì chúng tôi vẫn phải vật lộn đấu tranh với một bộ phận lớn của đảng. Mặc dù vậy, tôi cảm thấy chúng tôi đã giành thắng lợi trong vấn đề này.
Chúng tôi cũng “chiến đấu” trong các mặt trận khác nữa. Ngay trước Giáng sinh, Luật Đối tác Dân sự đã có hiệu lực, trao cho những đôi tình nhân đồng giới quyền và nghĩa vụ giống với những cặp vợ chồng đã kết hôn. Tôi rất tự hào về điều đó. Dĩ nhiên là đại bộ phận PLP ủng hộ vấn đề này, nhưng chúng tôi cũng đã phải trải qua những cuộc tranh luận đầy tính đả kích, khi Đảng Bảo thủ tấn công chúng tôi vì chúng tôi bảo vệ quyền của người đồng tính. Vào những năm 1980, đó thực sự là vấn đề đối với chúng tôi, do chúng tôi sợ mất phiếu bầu trong cuộc bầu cử phụ, nhưng giờ đây chúng tôi đã đưa được đạo luật này đi vào hoạt động và mọi người chìm trong bầu không khí hân hoan vui mừng.
Những đôi tình nhân đồng giới đầu tiên làm lễ thành hôn ở Belfast. Tôi đã dự đoán sẽ có phản đối, nhưng mọi việc trôi qua mà chẳng có lời xì xầm nào. Chúng tôi đã nhận được thư từ khắp nơi trên thế giới và tôi đánh giá cao những ý nghĩa mà nó mang lại với rất nhiều người, hơn cả tưởng tượng của tôi khi thông qua đạo luật đó. Người ta chắc hẳn sẽ cảm thấy thật tệ khi bị xem là công dân hạng hai chỉ vì những điều mà mẹ thiên nhiên đã đem lại. Do đó, tôi đáng ra không nên ngạc nhiên khi người ta bày tỏ cảm xúc dạt dào như vậy trước sự kiện này. Nhưng tôi đã thực sự bất ngờ.
Tuyệt vời nhất tính đến thời điểm đó là những thành viên của Đảng Bảo thủ cũng đến để ủng hộ sự kiện này, hành động này đồng nghĩa với việc vấn đề quyền lợi của người đồng giới sẽ không còn được xem là ranh giới chia rẽ nền chính trị Anh. Tôi nghĩ, đây là một lợi ích quan trọng đối với khả năng tranh luận chính trị của chúng tôi và cách mà vấn đề này phát huy tác dụng cho thấy đã có những thay đổi nào đó về bản chất của chính trị. Tôi luôn nhận thấy rằng chính trị tiên tiến phải tạo ra một mô hình khác để đạt được sự ủng hộ rộng và sâu hơn. Dần dần, tôi đúc rút được lập trường về thứ chính trị gọi là “cứng rắn với tội phạm, ủng hộ người đồng tính” – một lần nữa giống như Bill Clinton.
Điều này dường như là sự tương quan giữa hai vấn đề hoàn toàn riêng biệt, nhưng đối với tôi chúng thể hiện sự thay đổi quan trọng trong quan điểm xã hội tiến bộ. Thời xưa, một Đảng Bảo thủ luôn luôn có lập trường cứng rắn đối với những đạo luật, sắc lệnh và những vấn đề thuộc phạm vi “điều chỉnh chính trị” (sử dụng những ngôn ngữ và hành vi không xúc phạm một nhóm nào đó) như nhập cư và đồng tính. Những người cánh tả theo chủ nghĩa tự do, những người cánh hữu thì không. Thế hệ tôi đã định nghĩa chúng theo một mô hình khác: cuộc sống cá nhân là lựa chọn của bạn, nhưng điều mà bạn làm cho người khác thì không. Do đó có sự phân biệt giữa quan điểm về con người (không phân biệt đối xử về chủng tộc, giới tính) và quan điểm về trật tự xã hội. Chúng ta vẫn có khả năng tìm thấy những quan điểm cũ kỹ và chia rẽ ở cả phe cánh tả và cánh hữu, nhưng đã ít hơn nhiều và các chính trị gia nếu không hiểu được thay đổi của tình hình sẽ gặp khó khăn.
Chúng tôi không mấy hài lòng khi nói đến luật chống khủng bố mới mà chúng tôi lúc đó đang thúc đẩy thông qua phán quyết của Thượng viện tháng 12 năm 2004 rằng việc giam giữ kẻ tình nghi là trái pháp luật theo Công ước châu Âu về quyền con người, điều lúc đó cũng phù hợp với luật pháp Anh. Tôi đã có sự bất đồng cơ bản với bộ máy tư pháp và giới truyền thông, hay ít nhất là phần lớn trong số họ, về mối nguy mà chúng tôi đã phải đối mặt.
Mặc dù những quyết định này được cho là các quyết định nghiêm ngặt hơn về mặt pháp lý, mà rốt cuộc trong lĩnh vực quyền con người, có rất nhiều đánh giá chủ quan trong giới chính trị. Tôi ngờ rằng một quyết định như thế sẽ được thông qua vào tháng 9 năm 2001 hay tháng 7 năm 2005 – thời điểm khủng bố trỗi dậy dữ dội, tấn công Mỹ và London – nhưng thời gian trôi đi đã kéo theo cả tính cấp thiết phải làm điều đó. Và thực tế chúng tôi đang đề nghị cấp các quyền lực hà khắc, không chấp nhận được về nguyên tắc, trừ một số tình huống hiếm hoi nhất.
Thực chất, vấn đề hoàn toàn rõ ràng, ít nhất có thể miêu tả như sau: chúng tôi (“chúng tôi” là lực lượng an ninh, cảnh sát, các chính trị gia) tin rằng những kẻ tình nghi là khủng bố đang bị theo dõi là một mối nguy thực sự. Nhưng để chứng minh một lời cáo buộc lớn hơn những nghi ngờ hợp lý luôn rất khó khăn. Chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian và nhân lực để theo dõi tổ chức đó, tiến hành những giám sát và đánh giá liên tục. Chúng tôi muốn đợi đến khi các chứng cớ về chủ nghĩa khủng bố được thu thập, nhưng cũng sợ rằng nếu chờ đợi quá lâu sẽ có điều gì đó không lường trước xảy ra, âm mưu ra hoa kết trái và chúng tôi bỏ lỡ nó. Với những kẻ tình nghi là người ngoại quốc, tôi đã mường tượng đến việc cho họ một lựa chọn: rời nước Anh, hay ở lại và bị bắt giam.
Cả hai điều này đều không phù hợp với các nguyên tắc thông thường về việc buộc phải đem người bị bắt ra tòa để xem Nhà nước có được quyền giam giữ người đó hay không và cũng phân biệt đối xử công dân nước ngoài với công dân Anh, do đó đây là một khó khăn về pháp lý nhưng nảy sinh từ những đòi hỏi an ninh thực tế.
Một khi Thượng viện ra phán quyết, chúng tôi phải sửa luật. Chúng tôi muốn trao cho cảnh sát quyền giam giữ kẻ tình nghi khủng bố tới 90 ngày mà không có lời buộc tội. Dĩ nhiên có một bộ các biện pháp phòng hộ, bao gồm thực tế cứ mỗi 7 ngày họ phải ra tòa một lần. Nhưng cảnh sát hiểu rõ rằng quyền này có tác dụng và sau vụ đánh bom tháng 7, tôi nhận thấy chúng tôi phải chọn lập trường cứng rắn. Chúng tôi đã thử một lần vào trước cuộc bầu cử 2005. Đảng Bảo thủ phản đối bất kỳ việc giam giữ mà không có xét xử nào. David Davis, người vào thời điểm đó đang giữ chức Bộ trưởng Giám sát Nội vụ, từng chuyển lập trường của các thành viên Đảng Bảo thủ sang tự do trong nhiều đạo luật và sắc lệnh, đã không chỉ phản đối luật khủng bố quốc tế mà cả các biện pháp xét xử gian lận bởi quan tòa, các hành vi chống xã hội và tiến trình phạm tội. Tôi quý David và nghĩ rằng ông ấy là một chính trị gia khác thường và nguyên tắc. Nhưng tôi cũng nghĩ đó là một sai lầm điên rồ của Đảng Bảo thủ.
Mặc dù vậy, trong giai đoạn chuẩn bị bầu cử, ngoài những sự ủng hộ trước đây, Đảng Bảo thủ lại tập hợp thêm được nhiều ủng hộ mới. Những tờ báo cánh hữu như Mail hay Telegraph đáng ra phải công kích Đảng đối lập nhưng thay vào đó lại quay sang công kích chúng tôi cứ như tôi là Thủ tướng của Đảng Bảo thủ. Mọi việc diễn biến rất tồi tệ.
Sau cuộc bầu cử, chúng tôi đã có thể bàn đến vấn đề này với thái độ bình tĩnh hơn, nhưng Đảng Bảo thủ vẫn duy trì lập trường phản đối. Đảng Dân chủ Tự do về bản chất là phản đối vấn đề này và phần lớn nội bộ PLP cũng nổi loạn. Vào thời điểm đó tôi đã biết và giờ đây lập trường cũng không thay đổi, rằng chúng tôi đã giám sát khoảng 20 tế bào tổ chức cực đoan và khủng bố tiềm tàng và tôi muốn quyền đó được thông qua, không chỉ vì sự đúng đắn của nó mà còn bởi tôi muốn gửi tới thế giới một thông điệp mạnh mẽ rằng, nước Anh sẽ là một nơi không thân thiện với các nhóm khủng bố muốn hoành hành ở đây. Như tôi thường nói với mọi người: anh không thể thích cách làm của Bush, nhưng kể từ sự kiện 11 tháng 9 năm 2001, không có vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nào xảy ra ở nước Mỹ. Đừng lờ đi khả năng rằng đó có thể không phải là do may mắn.
Mặc dù công chúng đứng về phía tôi, nhưng đa số thành viên trong Hạ viện thì không. Vào tháng 11 năm 2005, chúng tôi đã mất một phiếu lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Tuy nhiên, tôi dễ dàng chịu đựng được điều đó. Lúc đó, tôi đã tính rằng, cơ hội duy nhất để tồn tại trong hai năm, thời hạn cần thiết tối thiểu mà tôi tự đặt ra cho mình để sắp đặt đâu đấy chương trình cải cách, là quản trị theo cách khiến mọi người luôn luôn bị bất ngờ về sự khác biệt bề ngoài với đảng hay thậm chí là ý kiến của công chúng, do tôi nghĩ rằng điều mình làm là đúng đắn và sẽ đem lại lợi ích dài hạn cho cả đảng lẫn công chúng. Nói theo cách khác, tôi tin rằng cách duy nhất để giữ quyền lực là sẵn sàng đánh mất nó, nhưng đánh mất một cách có nguyên tắc.
Trái ngược với những cách làm truyền thống được cho là uyên thâm, khi nói đến việc bỏ phiếu, tôi quyết định không thỏa hiệp về bản chất, tôi thua nhưng không nhượng bộ.
Dĩ nhiên, khi chúng tôi thua, sẽ có rất nhiều kiểu bài báo viết về uy quyền tiêu tan của Thủ tướng, v.v… nhưng tôi xem thường những điều đó. Tôi cho rằng những điều tôi tin là đúng sẽ giúp tôi có được sự ủng hộ của công chúng. Bây giờ đây, để thực hiện điều đó trong các trường học hay trong Dịch vụ Y tế Quốc gia có thể sẽ khác. Nhưng đối với những vấn đề đơn giản, gần như nguyên sơ như vấn đề an ninh quốc gia – về bản năng tôi cảm thấy thua còn thoải mái hơn là thắng thông quan thỏa hiệp hay nhượng bộ.
Vài tuần sau, cơn bão đã ở lại đằng sau, chúng tôi lại triển khai một biện pháp gây tranh cãi khác: cho phép Luật sử dụng đồ uống có cồn ở Anh đồng nhất với đạo luật tương tự ở châu Âu. Tôi nghĩ rằng việc khăng khăng áp đặt một khung thời gian đóng cửa các quán rượu cứng nhắc là không hợp lý và xét trên nhiều khía cạnh lại phản tác dụng. Tôi cũng phản kháng cố hữu đối với ý tưởng đó bởi vì chỉ có một cộng đồng thiểu số hành xử sai lại khiến số đông áp đảo bị hạn chế quyền được tự do uống rượu khi muốn. Câu. Tôi lựa chọn phương án nghiêm khắc với một số ít người không tuân thủ pháp luật và thoải mái với số đông tuân thủ pháp luật. Như thường lệ, tờ Mail đã tung ra một chiến lược công kích, được ủng hộ bởi một số tờ báo khác, nhưng chúng tôi không hề run sợ. Tessa Jowell rất cứng rắn và thực hiện mọi việc đến cùng (mặc dù từ giây phút đó Tessa đã trở thành mục tiêu bị công kích).
Tôi đẩy mạnh cải cách tất cả các mặt trận. Vào cuối năm 2002, tôi đã bổ nhiệm Adair Turner rà soát lại chính sách hưu trí. Điều này đã làm nảy sinh sự phản đối dữ dội từ phía Gordon, cũng như việc bổ nhiệm David Freud, một cố vấn độc lập, thực hiện những rà soát tương tự về an sinh xã hội. Tôi biết Adair và David sẽ trình tôi những bản đề xuất cấp tiến. Cả hai vấn đề này phải được cải cách.
Cả hai lĩnh vực đều liên quan đến những quan ngại của tôi về mô hình chi tiêu công trong tương lai. FSR đã được thành lập để chuyển các tranh luận từ lượng đầu tư sang giá trị được bổ sung nhờ đầu tư, điều giải thích tại sao tốc độ của cải cách lại nhanh như vậy. Tôi chưa hình dung chính xác bao nhiêu phần trăm chi tiêu công sẽ là thích đáng để đảm bảo sự cân bằng về kinh tế giữa khu vực công và khu vực tư nhân, nhưng tôi biết đã có một giới hạn cho vấn đề này. Vì vậy tôi nghĩ, sau năm 2005, là thời điểm đúng đắn để chuyển trọng tâm và bỏ đi ý niệm rằng vấn đề này chỉ nhằm vào việc xem bộ phận nào sẽ chi tiêu nhiều nhất.
Tôi nghĩ điều này đúng đắn đối với đất nước và cũng là một bước đi khôn ngoan về chính trị. Tình hình đáng ra đã khó khăn hơn nếu Đảng Bảo thủ thực hiện bản năng ban đầu của mình – hậu thuẫn cải cách. Được ủng hộ và chào mừng bởi đảng đối lập chẳng có vẻ gì thoải mái. Mặc dù David Cameron đã bắt đầu với quan điểm này và trong giáo dục, ít nhiều họ cũng duy trì nó, ở các lĩnh vực khác trong cải cách dịch vụ công, họ bắt đầu liên minh với những quyền lợi bất di bất dịch, chẳng hạn về y tế. Về mặt chính trị, điều này quá phù hợp và cho phép chúng tôi bảo vệ được liên minh cơ bản của mình, những người không tin vào các liều thuốc thử của Đảng Bảo thủ và cảm thấy họ thay đổi lập trường quá thường xuyên.
Mặc dù vậy, vấn đề không chỉ ở lượng chi tiêu công, mà cả các thành phần cấu tạo của nó cũng rất quan trọng. Đây là nơi mà cải cách hưu trí và an sinh xã hội có vai trò quyết định. Như mọi dân tộc phát triển khác, chúng tôi sẽ đối mặt với các vấn đề lớn từ chi phí lương hưu trong thời gian tới. Số người già ngày càng tăng trong khi số người thuộc thế hệ trẻ hơn giảm; mọi người kỳ vọng chất lượng sống được cải thiện; và chi phí chăm sóc sức khỏe tăng do tuổi thọ tăng: rõ ràng chúng tôi sẽ lâm vào cảnh thiếu hụt tài chính ở một giai đoạn nào đó.
Chúng tôi nên đương đầu với vấn đề này ngay từ bây giờ và đặt ra một khuôn khổ giúp chúng tôi quản lý được chi phí và chuyển dần trách nhiệm dự phòng tài chính cho tuổi già từ Nhà nước sang cá nhân. Nhà nước vẫn ở đó và đóng vai trò là người tạo điều kiện, trong trường hợp khó khăn là người bảo lãnh; nhưng sẽ tốt hơn nếu mọi người tự cung cấp tài chính cho mình nhiều hơn; và ngoài ra việc này cũng phản ánh một khía cạnh khác nữa: đó là ngày nay người ta có thể lựa chọn một cách linh hoạt hơn rất nhiều về cách họ chu cấp cho tuổi về hưu – làm những công việc bán thời gian, có cổ phần trong căn nhà của họ, trong nhiều công cụ đầu tư tiết kiệm, thay vì các loại hình lương hưu truyền thống.
Trước đây chúng tôi đã từng thử các cải cách thiếu may mắn của Harriet Harman và Frank Field, nhưng các quỹ hưu trí “cổ đông” này chưa bao giờ thuộc về một dạng nào đó rõ ràng, nó vẫn mập mờ giữa sự chu cấp Nhà nước và chu cấp tư nhân. Trong thời gian dự định thực hiện cải cách theo hướng đó, tôi đã học được một bài học lớn hơn: chúng tôi phải hiểu rằng nếu một phương thức không bị ai đó phàn nàn ở điểm nào đó, thì phương thức đó sẽ không hiệu quả. Đồng thuận thật tuyệt vời, nhưng trong chính trị hiện đại, bất đồng lại tốt cho các cuộc tranh luận, nó giống như loại vật chất của các nhà triết học mà các nhà giả kim nhọc công tìm kiếm để có thể biến kim loại rẻ tiền thành vàng; như vậy, nếu một điều nghe có vẻ quá hay ho có thể trở thành sự thực thì nó không khả thi. Do đó, đồng thuận thật tuyệt vời nhưng đồng thuận tuyệt đối sẽ không tốt, nếu nó là một phần của ảo tưởng rằng chúng ta có thể tạo ra những thay đổi thực sự với những tác động thực sự nếu làm hài lòng tất cả mọi người. Hoàn toàn sai lầm. Và trong những tình huống này, “đồng thuận” có thể là một dấu hiệu cho thấy công cuộc cải cách không thực sự tốt như mong đợi.
Ý tưởng cổ phần hóa quỹ lương hưu không vấp phải nhiều phản đối; nhưng cũng không mấy hiệu quả. Chúng tôi cần suy nghĩ cấp tiến hơn và đặt ra cả một chương trình thực tế hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước, bao gồm có việc nâng tuổi về hưu và một phương pháp toàn diện hơn cho những người có thu nhập trung bình tiết kiệm các khoản tiền chuẩn bị khi về hưu.
Tôi đã đề nghị Adair điều hành hoạt động cải cách này. Ông ấy có hai phụ tá giỏi giang là John Hills và Jeannie Drake. Họ đã soạn ra hai báo cáo vào tháng 10 năm 2004 và tháng 11 năm 2005 và cuối cùng các báo cáo này đã định hình nên mô hình chu cấp lương hưu cho thế hệ sau. Chương trình cải cách này bảo vệ hệ thống lương hưu cơ bản của Nhà nước, nhưng sử dụng nó như một nền tảng, mà dựa vào đó các cá nhân có thể chọn cách tăng lương hưu bằng nỗ lực và quyết định của bản thân, đồng thời làm điều đó trong một khuôn khổ cho phép việc chi tiêu cho lương hưu không tăng trong tương quan tỷ lệ với GDP.
Với tư cách là một đội, họ đã tổ chức rất nhiều hoạt động tư vấn rộng rãi và chúng tôi đã gần đạt đến sự đồng thuận có thể mà không cần phải nhượng bộ các nguyên tắc cơ bản của cải cách. Tuy nhiên, những sự ủng hộ đó đã mất do nhiều lý do. Đảng Bảo thủ không hoàn toàn hậu thuẫn nó và phản ứng của bộ tài chính rất dữ dội. Lần này, sự bất đồng của Gordon là thực. Không chỉ đơn giản là chống lại tiến trình – ông ấy cảm thấy rằng bằng cách bảo vệ hệ thống lương hưu Nhà nước cơ bản, chúng tôi đã thực hiện một cam kết không cần thiết. Ông ấy ủng hộ việc phân chia lương hưu trong hệ thống lương Nhà nước cơ bản cân xứng giữa người giàu và người nghèo.
Tôi hoàn toàn phản đối việc đó. Tôi cảm thấy, về tổng thể công chúng sẽ coi lương hưu Nhà nước cơ bản là “cổ tức” hay “quyền lợi” được hưởng do họ đóng góp vào quỹ bảo hiểm quốc gia. Bắt đầu can thiệp vào việc đó và đặc biệt là cơ sở của một số biện pháp tái phân bổ lương hưu, chúng tôi sẽ bị “bẫy” trong một cuộc tranh luận thực sự tai hại.
Điều này cũng chạm vào một vấn đề chính trị rất nhạy cảm khác. Tôi đã phản đối ý tưởng đánh thuế 50% cho những người thu nhập cao trước cuộc bầu cử 1997. Tôi đã luôn để ngỏ phương án cắt giảm thuế, đối với mức thu nhập thấp nhưng đã cho phép tiến hành một số biện pháp tái phân bổ chi tiêu quan trọng.
Các mức trần của Bảo hiểm quốc gia đã thay đổi; trợ cấp cá nhân được sửa đổi; và quan trọng hơn, do kinh tế tăng trưởng, chúng tôi đã chi hàng tỉ bảng cho những người về hưu và các gia đình nghèo nhất. Sẽ là ảo tưởng nếu đề xuất rằng Chính phủ giai đoạn 1997-2007, không tiến hành tái phân bổ. Việc tái phân bổ đã diễn ra và được thực hiện với quy mô lớn.
Và cũng hoàn toàn đúng đắn khi nói rằng do nền kinh tế tăng trưởng mạnh, tầng lớp trung lưu và những người có thu nhập cao sẽ làm ăn rất tốt và những người có thu nhập cao nhất cũng làm ăn tốt nhất. Do đó, bạn có thể so sánh thu nhập giữa người có thu nhập vô cùng cao và vô cùng thấp và nói rằng khoảng cách thu nhập đã được nới rộng. Thực tế, việc những người thu nhập cao làm ăn tốt luôn có vai trò của nó. Và thu nhập của những người thu nhập thấp đã được cải thiện đáng kể. Tôi không phải là người thích giảm thuế và cũng có thể làm khác đi, nhưng dầu sao chăng nữa tôi sẽ làm điều đó.
Những người về hưu nghèo nhất đã được hưởng mức gia tăng khổng lồ trong thu nhập, điều mà những người về hưu giàu hơn có thể phẫn nộ (chẳng hạn như mẹ vợ tôi thường xuyên tỏ ra bực tức về việc này).
Về mặt tình cảm, tôi cũng đồng ý với quan điểm rằng một số người có thu nhập cao một cách vô lý, nhưng về mặt lý trí, tôi nghĩ đó là cách thế giới vận động trong một nền kinh tế toàn cầu hóa và việc ngăn chặn nó chỉ có hại nhiều hơn có lợi. Liệu Wayne Rooney có nên kiếm được nhiều tiền hơn một y tá không? Hay một diễn viên hoặc một tác giả của các cuốn sách bán chạy nhất? Hay các nhà giao dịch cổ phiếu và chứng khoán phái sinh? Những người bán doanh nghiệp vào đúng thời điểm và bỏ túi hàng trăm triệu đô-la với một mức thuế lãi vốn thấp? Không điều gì có lý cả, nhưng sẽ là vô lý khi ngăn chặn nó trong một thế giới mà trong đó, dù thích hay không, vẫn có những người nhất định có những kỹ năng ở cấp toàn cầu có thể chuyển nhượng được, trong bối cảnh cung ít cầu cao.
Và nếu có thể đánh thuế gấp đôi các cầu thủ của giải Ngoại hạng, bạn cũng chẳng đem về nhiều tiền cho ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, rốt cuộc bạn lại thúc đẩy việc ban hành các mức thuế cao hơn đánh vào một chuỗi thu nhập, mà người bị ảnh hưởng là những người làm việc chăm chỉ, không có các kỹ năng toàn cầu chuyển nhượng được và không thực sự là những người mà chúng ta gọi là “giàu không xứng đáng”.
Do đó tôi cũng đã nghĩ rằng sau năm 2005, đó là điều chúng tôi cần quan tâm. Một số người có thể nói chúng tôi đã không tái phân bổ đầy đủ. Chúng tôi đã tiến hành rất nhiều hoạt động tái phân bổ và cần trao một số TLC cho tầng lớp trung lưu và hạ-trung-lưu nữa. Vì vậy, tôi hậu thuẫn và khuyến khích Adair nghiên cứu một chính sách tránh bất kỳ ý niệm nào về việc tái phân bổ quỹ lương hưu cơ bản của Nhà nước.
Và về lĩnh vực này, phe cánh tả rất hoan hỉ, vì họ sợ rằng sẽ hủy hoại hệ thống lương hưu cơ bản của Nhà nước bởi một ý tưởng khác, chẳng hạn như ý tưởng dẫn tới việc giảm nguyên tắc phân chia cho tất cả mọi người. Và còn gì nữa? Chúng tôi đã thực hiện việc này trên cơ sở quay trở về hình thức nâng mức lương hưu dựa trên thu nhập, không phải là giá cả. Nhưng bằng việc thừa nhận điều này – điều mà tôi nghĩ là đúng đắn trong bất kỳ trường hợp nào, sẽ tạo ra mối liên kết giữa lương hưu và sự đóng góp dựa trên thu nhập vào Bảo hiểm Quốc gia – chúng tôi đã đạt được một gói biện pháp có vẻ công bằng và cân bằng.
Cuộc tranh luận về an sinh xã hội luôn gay gắt hơn nhiều, nhưng chỉ ở mức cần thiết và đã có những nhân vật kiệt xuất thuộc phe tiên tiến trong chính trị có thể nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi. Lý do cải cách đã được vạch ra từ trước đó: người ta đã lạm dụng lợi tức cấp cho người không có khả năng làm việc; quá nhiều người phụ thuộc vào lợi tức dài hạn; quá ít biện pháp hỗ trợ tích cực được áp dụng để đưa họ vào thị trường lao động.
John Hutton đã là một Bộ trưởng Y tế tuyệt vời, góp phần vào quá trình thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách. Ông là một nhân tố quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội – một người tốt, trung thành, cần cù và thông minh. Đối với những người tham vọng, ông ấy dường như thiếu đi động lực quyết tâm cuối cùng; nhưng đối với bản thân, ông ấy hoàn toàn thoải mái với mức độ tham vọng đó. Điều này đã tạo cho ông ấy, ngoài những đức tính khác, sự dũng cảm – mong muốn làm những điều đúng đắn trong quyền hạn của mình hoặc là không làm gì cả. Đó là một thái độ tích cực và hỗ trợ ông ấy rất nhiều. John không tranh cãi quá nhiều với Gordon mà vui vẻ làm việc quanh ông ta, giống như một bưu tá chuyển thư cho một ngôi nhà với một con chó săn lớn sủa inh ỏi. Ông ấy không lờ nó đi hay không cẩn thận đề phòng. Thậm chí ông ấy có thể ném một miếng bánh quy cho nó và chuyển thư.
Đánh giá của David Freud về chi tiêu cho an sinh xã hội, với trọng tâm nhằm vào phúc lợi cho những người không đủ năng lực, đã dẫn đến một báo cáo đúng đắn và cấp tiến, cho phép chúng tôi thiết kế lại ngân sách cho an sinh xã hội một cách kịp thời.
Các đề xuất của Turner và Freud đã trao cho chúng tôi những cơ hội lớn để mô tả, định nghĩa và tiến hành các cải cách quan trọng, không chỉ đối với đất nước mà với cả sự tồn tại của Chính phủ. Tôi vẫn nói với Gordon rằng, ngoài thực tế rằng cả hai đề xuất đó vô cùng đúng đắn, nếu chúng tôi không thực hiện chúng, thì một Chính phủ của Đảng Bảo thủ trong tương lai sẽ thực hiện, nhưng theo cách của Đảng Bảo thủ. Do đó chúng ta hãy sở hữu và thực hiện chúng. Chúng cũng sẽ tạo cho bạn một nền tảng tuyệt vời để chứng tỏ tính liên tục và gắn bó đối với cải cách.
Về cơ bản, cả hai đề xuất đó đã một lần nữa vẽ lại ranh giới giữa trách nhiệm cá nhân và Nhà nước. Theo tôi, đó là cách thức thích hợp để thể hiện mối quan hệ giữa xã hội và công dân trong thế kỷ XXI. Mọi người phải tự gánh thêm trách nhiệm, không chỉ trả các mức thuế cao hơn; và mặc dù họ rất sẵn lòng chu cấp tài chính cho những người không thể tự chăm sóc mình, nhưng sự hào phóng đó vẫn không dành cho những người mà họ tin rằng, với một số lý lẽ nào đó, đang đùa giỡn với hệ thống. Không may là tôi không thể thuyết phục được Gordon hiểu điều đó.
Khi tất cả công việc quan trọng và nghiêm túc nhằm định hình bản chất tương lai của lĩnh vực an sinh xã hội đang được tiến hành, thì xảy ra các vụ bê bối chi phối các dòng tít báo chính. Chúng có thể làm giảm tỷ lệ tín nhiệm bằng một đợt tấn công dữ dội nhất. Nhưng các bạn biết không, sau đó mọi việc sẽ lại qua đi, chúng ta vẫn phải tồn tại. Và bí quyết để tồn tại là giữ bình tĩnh, trong khi tất cả mọi người xung quanh để mất nó.
Trong những tháng đầu năm 2006, chúng tôi đã sống trong trạng thái cùng tồn tại. Bề ngoài, những điều chỉnh trong hệ thống y tế quốc gia, trường học, tội phạm, lương hưu và an sinh xã hội đều được thực hiện hoặc lên kế hoạch thực hiện. Cấu trúc cơ bản của một hệ thống dịch vụ hiện đại đã liên tục được tranh luận trong Chính phủ, nhưng vào thời điểm đó, nó bị bưng bít và công chúng chẳng biết gì về nó, do đó thật buồn khi phải nói rằng họ không có cơ hội thực sự tham gia vào các tranh luận. Điều này bắt nguồn từ văn hóa truyền thông được phát triển trong hai thập kỷ trước đó. Người ta chỉ quan tâm tới bê bối, còn chính sách thì không (trừ phi nó kết hợp với những điều gây tranh cãi).
Việc thảo luận về cải cách được tăng cường gấp bội bởi thực tế là sau 9 năm, giới truyền thông đã quyết định cần phải cải cách. Nếu vì bất kỳ lý do gì – có thể là những bất đồng thực sự, sự chán nản, khát khao tìm kiếm một điều gì đó hay một ai đó để chấp bút – thì một bộ phận quan trọng trong truyền thông quyết định họ muốn thay đổi, họ tạo nền tảng cho các phóng sự phản ánh sự đúng đắn công cuộc cải cách. Trong phương kế cuối cùng, họ từ bỏ chính sách ưu ái các vụ bê bối và sau đó đối với công chúng, họ phát biểu như thể là Chính phủ đã bị sa lầy điều đó chẳng khác nào ý ám chỉ Chính phủ không thể làm gì cho người dân.
Trong hai năm cuối của tôi, họ liên tục nói rằng chúng tôi đã mất động lực, trong khi ở bất kỳ mục tiêu nào chúng tôi cũng tràn trề sinh khí tiến lên phía trước, ít nhất là đối với vấn đề cải cách trong nước – điều thực sự đúng là họ đã mất hết kiên nhẫn và sự quan tâm.
Vào lúc đó thì David Hill đang phụ trách truyền thông thay thế Alastair. Tôi nghĩ Alastair đã hết chịu nổi giới truyền thông giai đoạn trước và sẵn sàng có thể nổi điên với giới truyền thông. Đó là một khoảng thời gian kỳ lạ.
Vào tháng 1, chúng tôi gặp phải chuyện Ruth Kelly và danh sách những kẻ phạm tội tình dục. Ôi, nhiều ngày và nhiều tuần chúng tôi phải đương đầu với sự giận dữ tột cùng và những lời bình luận điên cuồng về sai lầm bị phát hiện, trong đó một người nào đó đã không được đưa vào danh sách do sai lầm của hệ thống (nhưng không có bằng chứng nào cho thấy có ai đó thực sự bị tổn thương do hệ quả của việc này) và người ta cho rằng đó thực sự là kết quả của một hệ thống mới sắp được triển khai.
Vào tháng 3, vụ bê bối “tiền đổi lấy danh” xảy ra và thêm các tình tiết liên quan tiếp tục bị đào xới sau đó.
Và vào tháng 4, lại đến vụ Charles Clarke và các tội phạm nước ngoài, những người này đã thụ án xong và đáng ra phải bị trục xuất khỏi nước Anh, nhưng điều đó đã không xảy ra. Sự việc rất nghiêm trọng, nhưng Charles đã mắc sai lầm khi cố gắng cởi mở quá sớm, khi mà toàn bộ sự việc chưa sáng tỏ – vấn đề này và nhiều việc khác, đã tồn tại trong một thời gian dài, rất lâu trước khi tôi lên nắm quyền – và ông ta bị công kích, gây ảnh hưởng nặng nề đến tôi, bản thân ông ta và Chính phủ.
Dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, chúng ta cũng phải vượt qua nó và tôi dần dần trở nên khéo léo hơn trong việc xử lý những kiểu giận dữ như thế này. Về cơ bản, bạn phải nhanh chóng giành thế chủ động bằng cách khẩn trương hiểu rõ chi tiết của sự việc và “quay” mọi người bằng những chi tiết thực tế, bối cảnh, những lời bác bỏ, giải thích và nghệ thuật dùng ngôn ngữ kỹ thuật, chuyên ngành làm mọi người lúng túng chẳng biết đâu mà lần.
Và tất cả những vụ bê bối đó vẫn còn chưa đủ, thì ngay sau đó đã xảy ra vụ John Prescott và tin tức về mối quan hệ tình ái với cô Thư ký Tracey Temple.
Chính trị và tình dục, một điều kỳ lạ. Người ta thường nói với tôi rằng quyền lực là một dạng thuốc kích dục và do đó phụ nữ − khi chính trị vẫn do nam giới thống trị − sẽ đến với các chính trị gia theo cách mà họ không bao giờ ngờ tới. Tôi cho rằng điều này là đúng đắn, do hầu hết các chính trị gia đều có sự đảm bảo về tài chính. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với các chân dài và đại gia. Những phụ nữ này nhìn thấy điều gì ở những người đàn ông kia? Điều này chẳng quá rõ ràng sao!
Điều thú vị là tại sao các chính trị gia lại mạo hiểm như thế. Tôi cho rằng đó chính xác là bởi bạn phải kiểm soát bản thân ở mức độ cực điểm khi ở vị trí lãnh đạo. Các chính trị gia luôn sống cùng các áp lực. Họ bị kiểm soát chặt chẽ việc đi đâu, nói gì, làm gì và hành xử như thế nào. Và bản năng được tự do luôn sôi sục trong bạn, bạn muốn phá tung nhà tù của sự tự kiểm soát, rồi đến khoảnh khắc gặp gỡ, thật hồi hộp, thật hư đốn và thiếu kiểm soát bản thân, đột nhiên, bạn đi ra khỏi thế giới của toàn những âm mưu, những vấn đề vô tận, những sự vụ nghiêm trọng chồng chất để đến một hòn đảo vắng vẻ xa xôi hẻo lánh của niềm vui, sự giải phóng và khoái lạc. Bạn trở thành một người khác, trong một khoảnh khắc, ít nhất là cho đến khi trở lại với thực tại.
Nhưng đó không phải là một cái cớ thích hợp. Thật khờ khạo khi tự đặt mình vào tình huống đó; và hành động một cách vô trách nhiệm; bởi khi bị phát hiện, việc đó có thể làm tổn thương vô cùng lớn những người xung quanh bạn. Đây là nơi chính trị gia bỗng trở nên ngây thơ một cách bất thường và không thể hiểu nổi. Anh ta có thể chọn một loạt phương án an toàn. Không, khoan đã, không có phương án an toàn nào cả. Nhưng anh ta có thể chọn phương án an toàn hơn cả nhưng đã không làm như vậy. Anh ta đã mở lòng với người đầu tiên có vẻ như quan tâm và đam mê anh ta thật sự, như một người bình thường và trên tất cả anh ta mở lòng với bất kỳ ai không suy nghĩ, hành động hay nói chuyện như một chính trị gia đồng nhiệm.
Chính trị ở một mức độ nhất định là thứ rất, rất tẻ nhạt. Các vấn đề liên quan đến chính trị rõ ràng là không – chúng rất vĩ mô và thường đó là lý do khiến người ta gia nhập vào thế giới chính trị − nhưng dần dần sự lớn lao đó dễ dàng biến mất trong môi trường mà chúng tồn tại. Hết ngày này qua ngày khác, hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, mọi việc diễn ra trong một vòng luẩn quẩn buồn chán. Đôi khi bạn gặp những người khá đặc biệt và hứng thú. Tôi đã may mắn khi được làm việc và gặp gỡ những người rất hài hước và tài năng. Mối quan hệ của tôi với các nhân viên trong văn phòng và mối liên kết mật thiết với các nghị sỹ, các bộ trưởng luôn được ghi dấu ấn bởi những câu chuyện cười, chúng tôi cười đùa với nhau về những điều ngớ ngẩn trong đời sống chính trị và chính điều đó làm cuộc sống bớt tẻ nhạt hơn. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn sự lạc quan và vui vẻ bên những người xung quanh tôi.
Nhưng ngoài các khu rừng nhiệt đới, ngoài những loại thú ăn thịt người, còn có những “đầm lầy” của các thủ tục hành chính mệt mỏi, các vấn đề gây tranh cãi, giới truyền thông ồn ào và những cuộc họp lặp đi lặp lại.
Đối với nhiều chính trị gia bạn bè của tôi, họ gần như thiếu đi phần “niềm vui sống nho nhỏ” tôi đã nói tới và “đầm lầy” là tất cả những gì họ trải qua. Tôi hoàn toàn hiểu được mong muốn được giải thoát của họ. Và điều này thực sự chẳng liên quan gì tới việc cuộc hôn nhân của bạn có hạnh phúc hay không. Đó là sự bùng nổ của sự vô trách nhiệm trong một cuộc sống mà trái lại bạn đang phải gánh trên vai đầy trọng trách. Không may là, giống như tất cả các vụ nổ, nó luôn để lại hậu quả.
Khi tôi đang họp với một vị khách nước ngoài thì Gus O’Donnell, người kế vị Andrew Turnbull là Bộ trưởng Nội các, xin được gặp tôi và Jonathan Powell gấp. Tôi biết sẽ chẳng bao giờ có tin tốt cả. Nhưng tôi phải nói rằng mình không đón đợi được nghe tin choáng váng về John Prescott và Tracey.
Thoạt đầu và tôi sợ rằng có nhầm lẫn, tôi đã không ngờ sự việc lại nghiêm trọng đến thế. Tôi tiếc cho John, hơn hết là tiếc cho Pauline vợ ông ấy và cả Tracey. Điều mà những người ở bên “bới móc sự việc” trong bất kỳ vụ bê bối nào không bao giờ nhận ra rằng họ sẽ tự gán cho mình một cái mác vĩnh viễn. Vị chính trị gia kia có thể phục hồi, ít nhất cũng là phần nào đó; nhưng người “kể chuyện” kia thì không. Họ là chú thích của một câu chuyện. Lựa chọn duy nhất của họ là lợi dụng nó để kiếm tiền hay chết chìm cùng nó. Một người bị sa sút nhân phẩm, rồi bị chuyển đi nơi khác; người kia thì ít ầm ĩ hơn, nhưng dù có thế thì họ vẫn bị gắn với vụ bê bối đó suốt đời không gì xóa sạch. Dù gì đi nữa thì rõ ràng Tracey đã không làm điều đó vì tiền và sự vỡ lở của câu chuyện đó là một tai nạn ác ý.
Chúng tôi phải trải qua một quãng thời gian khó khăn sau sự việc đó. Câu chuyện trở nên phức tạp hơn, do Tracey là nhân viên văn phòng John nên điều này đã tạo thêm căn cứ cho người ta vin vào để chỉ trích. Mặc dù vậy, tôi kiên quyết không để John ra đi. Ông ấy là một thành viên tích cực của đảng, là người luôn trung thành, là cánh tay đắc lực và rất can trường. Tôi biết rằng đối với ông ấy, việc trở thành một Phó Thủ tướng là một thành công rất tự hào và ông ấy xứng đáng được như vậy. Sa thải ông ấy vì một sự việc, mà xét cho cùng là một vụ bê bối tình dục ngu ngốc, sẽ kết thúc sự nghiệp của ông ấy một cách tàn nhẫn, quay lưng lại với tất cả những cống hiến của ông ấy.
Giới truyền thông cuối cùng cũng đưa ông ấy vào trọn tầm ngắm của mình, đặt ông ấy vào vị trí bia tập bắn. John chưa bao giờ che giấu sự ghê tởm đối với họ. Còn họ chẳng bao giờ giấu giếm sự khinh miệt đối với ông ấy. Từ khi vụ việc xảy ra đến khi ông ấy rời nhiệm sở, mọi việc giống như họ đã dựng lên một hàng rào, thỉnh thoảng tấn công bằng một khẩu bazooka đầy giận dữ, thỉnh thoảng bằng một ống thổi lửa đầy lố bịch, nhưng lúc nào cũng thể hiện sự thích thú đầy nhẫn tâm khi hủy diệt được người khác.
Không may khi những đợt tấn công liên tục đó đã tạo ra một hậu quả khác ảnh hưởng đến tôi. Nói một cách ích kỷ thì việc sa thải ông ấy sẽ tốt hơn. Nó sẽ trao cho giới truyền thông “mảnh da đầu” của kẻ bại trận mà họ muốn. Nó tạo ra một số sự thay đổi ở vị trí lãnh đạo và ngay cả nếu có tạo ra một cuộc đua TB/GB, nó sẽ khiến mọi người ngừng tránh né. Nhưng đơn giản là tôi không thể buộc mình làm điều đó. Pauline quả quyết rằng ông ấy sẽ ở lại, theo quan điểm của tôi là đúng. Bà ấy không đổ lỗi cho ông ấy vì ngoại tình, bạn có thể hiểu điều đó. Ngoài ra, bà ấy là người biết rằng điều gì có ý nghĩa, điều gì không. Bà ấy bị phản bội nhưng không bị bỏ rơi; và do đó bà ấy giận dữ nhiều hơn là quẫn trí. Tôi cảm thấy rằng mình cũng nên làm điều đúng đắn vì bà ấy. Và thế là ông ấy đã ở lại.
Nhưng sự phiền muộn đã đến với John sau những đợt công kích. Từ khoảnh khắc đó, ông ấy chẳng vui vẻ gì khi ở lại. Đó là sự kháng cự chứ không phải niềm vui. Ông ấy muốn ra đi; nhưng rất khó cho ông ấy khi ra đi mà không có tôi cũng rời nhiệm sở. Dần dần và ngày một kiên quyết, mong muốn được từ chức của ông ấy đã trở thành niềm tin rằng đã đến lúc cần thay đổi lãnh đạo. Dĩ nhiên, còn có nhiều yếu tố khác tác động vào. Nhưng vấn đề này không phải là không quan trọng.
Đó là thời điểm kỳ lạ nhất. Chương trình cải cách đang tiến triển mạnh, nhưng xung quanh tôi vẫn còn một mớ lộn xộn các vụ bê bối và các sự việc gây tranh cãi. Trong cái “tổ chim” đặt trên ngọn cây cao, với những bạn bè tâm giao, chúng tôi có thể nuôi dưỡng tâm trí và cơ thể của mình trước khi mạo hiểm trở về tầng cây thấp hơn; và chúng tôi dọn đường đến đó với tâm trạng và ý chí tốt nhất có thể. Chúng tôi đang trải qua một thời kỳ khó khăn thực sự.
Bối cảnh này đôi lúc khiến tôi mắc sai lầm. Sau các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 5 năm 2006, với kết quả khá tệ, tôi đã quyết định cải tổ Nội các. Đó là một dạng thông lệ nên thực hiện hàng năm. Rõ ràng là các Chính phủ cần có sức sống mới và cần để những dòng máu mới chảy trong huyết quản. Ngoài ra, một vị Thủ tướng hay Tổng thống luôn tham gia thương lượng về vị thế của đảng, qua đó, làm thỏa mãn những tham vọng của cá nhân trong nội bộ. Một số tham vọng có lý, một số thì không, nhưng tựu chung đối với những người sở hữu chúng, chúng luôn có lý. Nếu bạn không thăng chức cho ai đó, họ sẽ không bằng lòng với bạn. Nếu bạn thăng chức cho họ, bạn sẽ phải đưa người khác ra và rồi người đó lại phật ý. Bạn phải tìm kiếm một loạt các phương pháp phức tạp để giữ những người bị giáng chức ở lại phe mình, nhưng tôi phải nói với bạn rằng, từ kinh nghiệm của mình tôi biết: việc này không bao giờ thành cả. Điều duy nhất quyết định sự trung thành của họ từ khoảnh khắc đó là tính cách. Người tốt sẽ trung thành; người xấu thì không. Nếu bạn không đem lại cho họ điều gì thực sự tuyệt vời như một lựa chọn khác với chức danh bộ trưởng; thì họ sẽ không bị lừa phỉnh (dại gì) và về bản chất, tất cả diễn ra trước mắt giới truyền thông và được cho đó là bị sa thải. Trong những tình huống này thì những người tốt thật quý và hiếm.
Vậy bạn phải cải tổ. Nhưng người ta cũng khuyên rằng luôn thăng chức hay giáng chức vì mục đích, chứ không vì tác động. Với lần cải tổ này, tôi quyết tâm gây chú ý, chứng tỏ rằng chúng tôi vẫn còn mạnh và tôi sẽ vẫn tiếp tục điều hành đất nước trong tương lai. Tôi đã nghĩ về việc đưa Charles Clarke lên làm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông ấy sẽ đảm nhiệm tốt vị trí này và có lẽ nhìn lại quá khứ, tôi nghĩ mình nên bổ nhiệm ông ấy. Nhưng ông ấy lại sa lầy vào vụ bê bối khốn khổ liên quan đến “tội phạm nước ngoài”. Tôi cũng đã tính đến việc giữ lại Jack Straw. Ông ấy đã làm việc chăm chỉ và được các bộ trưởng ngoại giao khác ngưỡng mộ. Không có lý do thuyết phục nào để thay ông ấy, có chăng chỉ là ông ấy đã đảm nhiệm vị trí này 5 năm rồi; nhưng khi nghĩ về điều đó, tôi thấy việc thay thế ông ấy chỉ vì lý do đó thì quá ngớ ngẩn. Tôi thậm chí cũng đã nảy ra ý tưởng về David Miliband, nhưng rồi lại cho rằng vì quyền lợi của mình, ông ấy vẫn nên tiếp tục xử lý các vấn đề nội bộ, bởi điều đó sẽ giúp ông ấy có một hồ sơ tốt hơn ở trong đảng.
Cuối cùng tôi đã đưa ra một loạt các quyết định “tệ nhất thế giới”. Tôi đã bổ nhiệm David vào vị trí Bộ trưởng Môi trường và chuyển Margaret Beckett từ đó về làm Bộ trưởng Ngoại giao. Bà ấy kinh ngạc nhiều hơn là phấn khởi về việc được thăng chức. Và không bất ngờ khi Jack bực tức về việc bị thay thế. Tôi đã đề nghị Charles vào Bộ Quốc phòng. Ông ấy đã từ chối mà theo tôi đó là một quyết định xuẩn ngốc và trở lại làm một nghị sỹ không trọng trách trong Chính phủ. Nhìn chung, đó là một mớ lộn xộn xuất hiện không đúng lúc, với những người không phù hợp, những người mà tôi cần theo phe mình. Những quyết định cải tổ còn lại trong thực tế đã giúp một số người trẻ thăng tiến, như Douglas Alexander, James Purnell, Andy Burnham và Jim Murphy. Nhưng về tổng thể, các quyết định này chẳng làm được gì nhiều cho Chính phủ mà lại có hại cho tôi.
Mọi việc diễn ra thật tồi tệ, thậm chí vào mùa hè năm 2006, đã xảy ra chiến tranh Israel/Lebanon. Sự kiện đó và phản ứng của tôi đối với nó, có lẽ đã khiến tôi bị tổn hại nhiều hơn bất kỳ sự kiện nào khác kể từ cuộc chiến Iraq. Nó chứng tỏ rằng suy nghĩ của tôi khác với suy nghĩ của đông đảo giới truyền thông truyền thống và người dân Anh như thế nào, nhưng nó cũng chứng tỏ suy nghĩ của tôi đã được định hình vững chắc (hay bị đóng khung?) như thế nào.
Cả trường đoạn này cho thấy khó khăn trong việc đối phó với cuộc chiến hiện đại, không cân sức mà chúng ta đang tham gia vào. Hezbollah đã triển khai một cuộc tấn công vào Israel, một cuộc tấn công mức độ thấp nhưng đã làm nhiều binh lính Israel thiệt mạng. Dải Gaza vào thời điểm đó đã bị phong tỏa, sau khi Hamas tiếp quản và trục xuất chính quyền Palestine. Khi người Israel đẩy mạnh việc chiếm dải Gaza và tiến trình hòa bình ở đây chẳng đi đến đâu, Hamas đã nã tên lửa vào các thị trấn của Israel. Và rồi Hezbollah mở một mặt trận mới.
Đó thực sự là một sự khiêu khích có chủ ý. Israel đã rút khỏi Lebanon. Thực tế, vấn đề Shebaa Farms – mảnh đất đã bị Israel tước đoạt vào những năm 1980 và hiện vẫn bị chiếm đóng và đó là căn cứ lý thuyết cho việc Hezbollah cho rằng họ vẫn phải sử dụng vũ trang – không được giải quyết, nhưng diện tích đất liền rất nhỏ. Vấn đề này không thực sự làm bất kỳ ai bận tâm và thách thức thực sự trong nội bộ Lebanon là xử lý với sự kiểm soát từ từ nhưng vững chắc và tăng cường độ của Hezbollah về cấu trúc chính trị và quân sự của nước này. Lebanon là một nước dân chủ. Beirut đã được xây dựng từ các thảm họa xảy ra vào đầu những năm 1980. Nhưng căng thẳng vẫn còn tiềm ẩn, tạo ra những cuộc tranh giành quy mô rộng hơn, tồn tại dai dẳng khắp khu vực. Về cơ bản, nước này đang hòa bình, nhưng nền hòa bình đó dễ bị tổn thương, các chính trị gia dân chủ của nước này ngày đêm sống trong hiểm nguy, nhiều người trong số họ, chẳng hạn như Rafiq Hariri đã bị ám sát và ảnh hưởng lan tỏa của Syria. Một mảnh đất đẹp đẽ, có lịch sử lâu đời và đầy tiềm năng, nhưng cũng là mảnh đất thu hút tất cả các hơi độc của một khu vực mà trung tâm của nó đang thối rữa.
Israel phản ứng với sự khiêu khích này theo cách họ phải làm. Người Israel tin vào một điều và niềm tin ấy xuất phát từ kinh nghiệm: nếu bị khiêu khích, đừng giơ nốt má còn lại ra, phải phản công và phản công mạnh mẽ. Anh lấy của tôi một mắt; tôi sẽ lấy của anh hai. Họ tin rằng nếu thể hiện bất kỳ dấu hiệu yếu đuối nào, thì lịch sử của dân tộc có 60 năm ngắn ngủi của họ sẽ kết thúc.
Không còn nghi ngờ gì về việc ai là kẻ khởi động cuộc chiến. Có những mô thức quen thuộc cho sự bùng phát này. Israel bị tấn công. Israel chống trả. Và đây là vấn đề. Thoạt đầu, người ta ủng hộ họ. Ở hậu trường, nhiều nước, thậm chí ở Trung Đông, lo lắng về mối liên hệ của Hezbollah với Iran và coi họ như lực lượng Hamas thừa lệnh của thế lực Iran, kín đáo kêu gọi Israel hủy diệt Hezbollah. Các nhà lãnh đạo phương Tây có chung quan điểm thoạt đầu cũng thi nhau khuyên Israel giữ lập trường cứng rắn và tấn công quyết liệt.
Khi xung đột bắt đầu, Hội nghị thượng đỉnh G8 ở St Petersburg đang diễn ra. Nó đáng nhớ vì hai điều. Thứ nhất là khoảnh khắc tuyệt vời của “George”, không biết rằng micro đang được bật trong phòng họp, đã chào tôi theo phong cách “rất George”: “Ê, Blair”. Chúng tôi tiếp tục trò chuyện mà không biết nó đã được ghi lại để lưu truyền cho hậu thế, cho tới khi tôi nhận ra rằng người ta đang nghe mình, nhưng đó toàn là những chuyện vui vẻ và tình hình đáng ra có thể tệ hơn thế cả nghìn lần. Người Anh xôn xao, vì một lý do nào đó, họ cảm thấy nước Anh bị xúc phạm. Chúng tôi trở nên khô khan, suồng sã. Tôi không nghĩ vậy, do đó tôi nghĩ câu chào “Ê, Blair” khá vui vẻ. Thực tế, nó chỉ biểu lộ sự thân mật mà thôi. Trong tất cả những nhân vật cấp cao tôi gặp trong giới chính trị, ông ấy là người ít khiếm nhã và ít khó chịu nhất. Ông ấy có thể nói chuyện với Alastair hay Jonathan theo cách thức và sự thân mật mà gần như tất cả các Tổng thống của tất cả các quốc gia không bao giờ làm. Riêng Alastair thường trêu đùa George theo cách mà có lẽ không ai làm, ngay cả những người thân cận của ông ấy và tôi nghĩ George có vẻ thích điều đó. Sau khi tôi rời nhiệm sở, một nhóm bạn của tôi đã tới thăm Nhà Trắng, cùng với Leo, mà không có tôi hay Cherie. George tình cờ đang làm việc trong phòng và biết họ đến. Ông ấy đã ra và dẫn họ đi thăm quan, đưa họ đến Phòng Bầu Dục, chụp một bức ảnh với họ và cư xử rất dễ mến. Ông ấy không cần làm như vậy. Ông ấy cũng không cảm thấy bị buộc phải làm như vậy. Ông ấy làm điều đó một cách rất tự nhiên thôi.
Vậy, “Yo, Blair” là một câu chuyện đùa tếu; nhưng không may chỉ có mình tôi hiểu điều đó. Dù gì thì đó cũng là chuyện bực mình nhỏ. Thứ hai đó là các thảo luận về Lebanon. Thú vị là đằng sau tất cả những tuyên bố, giải pháp và các cuộc họp báo thường thấy, mọi người đều có chung niềm tin rằng Hezbollah đáng bị thế và nếu Israel đánh bật họ ra, thì tốt hơn nhiều.
Dĩ nhiên, những điều xảy ra sau đó chẳng xa lạ gì. Sau khi Israel trả miếng quyết liệt, thì Hezbollah phản công bằng rốc-két. Mô hình dễ dàng nhìn thấy của một trận chiến như thế này là: lực lượng siêu việt “phương Tây”, vũ khí siêu việt, gây ra sự hủy diệt. Trong vài ngày, dư luận quốc tế đã chuyển từ việc bất bình với phe khiêu khích sang căm giận phe tấn công trả đũa. Đột nhiên Israel trở thành kẻ xâm lược. Những thiệt hại họ gây ra thực sự gây kinh hoàng. Nhưng khi lực lượng được triển khai theo cách đó thì mọi việc luôn diễn ra như vậy. Lựa chọn không rõ ràng. Trả đũa quá nhẹ nhàng thì kẻ khiêu khích sẽ táo bạo hơn. Ở Israel, người ta đã lo lắng rằng, như thế họ còn quá nhẹ tay. Ở Anh, cũng như ở nơi khác, trừ Mỹ, dư luận cho rằng: Israel đã đi quá xa.
Về bản chất, hành động kể trên không hiệu quả, nếu “hiệu quả” có nghĩa là kẻ thù thất bại. Đó là ý nghĩa của chiến tranh hiện đại. Hezbollah đã và đang là phong trào du kích nội thành. Họ nhắm vào dân thường một cách có chủ ý. Vũ khí của họ nghèo nàn hơn nên họ gây thương vong tương đối ít. Họ có dáng vẻ của một nạn nhân can trường. Israel là một Chính phủ có một lực lượng quân đội và không lực được đào tạo bài bản và được trang bị vũ khí hiện đại. Họ không nhắm mục tiêu vào dân thường. Nhưng vũ khí cuối cùng và duy nhất của họ, trong một khu dân cư có lực lượng du kích đóng, là ngăn chặn. Do đó họ sử dụng quân lực để cố gắng ngăn những cuộc tấn công tiếp theo xảy ra. Và tất yếu là một số lớn dân thường đã bị thiệt mạng. Và rất nhanh chóng họ bị gán cho cái mác của kẻ đàn áp.
Dư luận quốc tế, từ chỗ thấu hiểu sự khiêu khích ban đầu, đã nhanh chóng chuyển thành đau lòng với những cảnh tàn sát người vô tội Lebanon xảy ra hàng đêm. Họ đau buồn sâu sắc và rồi chuyển thành lên án. Vào lúc đó tôi phải đưa ra lựa chọn về chính trị, điều đã khiến tôi phải chịu những tổn hại thực sự và kéo dài. Dư luận châu Âu lúc đó nhanh chóng đoàn kết xung quanh lập trường yêu cầu Israel ngừng bắn. Đơn phương. Ngay cả nếu Hezbollah có tiếp tục bắn rốc-két. Dư luận Mỹ thì hoàn toàn khác, hơn 60% người Mỹ ủng hộ hành động của Israel.
Tôi nghĩ rằng ngừng bắn đơn phương là sai trái. Việc này cần phải được tiến hành ở cả hai bên và chúng tôi không kỳ vọng Israel sẽ dừng lại cho đến khi im tiếng rốckét. Nhưng dường như đó không phải là điều hầu hết mọi người cảm nhận. Họ chỉ thấy rằng chúng tôi có quan điểm khác về sự tàn sát này. Tôi nghĩ, Thủ tướng Israel, Ehud Olmert, đã ở một tình thế thực sự khó khăn. Tôi biết nếu tôi là ông ấy tôi sẽ nghĩ rằng không thể dừng lại cho đến khi Hezbollah cũng làm như vậy; hay cho tới khi họ bị đánh bại; hay cuối cùng thì Lebanon đã chịu đủ tổn thương và Hezbollah nhận thấy họ không thể tiếp tục làm thế một lần nữa. Đó là phương pháp ngăn chặn gớm ghiếc và kinh khủng đối với Lebanon. Nhưng tôi có thể hiểu điều đó từ lập trường của Olmert và Israel.
Ẩn dưới tất cả sự việc này, dĩ nhiên, là tình trạng của tiến trình hòa bình Israel/Palestine. Do sự đình trệ của tiến trình này, tất cả điều tồi tệ sẽ có thể xảy ra. Khi tiến trình này vận hành, mỗi đường hầm – trong một khu vực đầy đường hầm tối tăm – sẽ đột nhiên nhận được một chút ánh sáng ở phía cuối nó. Trong tâm trí tôi, tất cả trở lại với cùng một vấn đề như trước, trong đó xung đột Israel/Ả Rập là biểu hiện bên ngoài, không phải là nguyên nhân. Israel/Palestine luôn là một nguồn tiềm năng các va chạm và chiến tranh bởi những khác biệt về tôn giáo.
Việc chiếm đất của người Palestine có thể không công bằng, tùy thuộc vào quan điểm của bạn, nhưng đây là một khu vực có nhiều bất công. Điều biến nó thành mối nguy cho an ninh toàn cầu là việc Jerusalem là thánh địa của người Hồi giáo, thánh địa thiêng liêng thứ ba trên thế giới bởi theo người Hồi giáo, nhà sáng lập ra đạo Hồi đã được đưa đến đó trong một giấc mơ; việc người Do Thái xâm chiếm mảnh đất đó là sự lăng mạ, sỉ nhục và trên tất cả là biểu tượng cho sự yếu kém của đạo Hồi. Nó gợi nhớ lại tất cả hình ảnh các nạn nhân của đạo Hồi trong các cuộc Thập Tự chinh. Nó gợi sự bất kính đối với tôn giáo và người ta bị ám ảnh bởi điều đó.
Dần dần, với những bước đi tạm thời trước khi đòi hỏi những sải bước mạnh bạo, người ta đã đi đến một giải pháp sơ thảo, một thỏa hiệp thực sự. Israel có Nhà nước của mình; Nhà nước của Palestine được công nhận. Jerusalem được chia đôi, ít nhất là về mặt lãnh thổ. Các vùng đất thiêng được chia sẻ.
Nó sẽ có tác dụng như một giải pháp – không có sự lựa chọn nào khác – nhưng để đến được nó phải vượt qua tất cả các vật cản khác. Do đó người ta sẽ phải trải qua một tiến trình phức tạp khủng khiếp để đạt được nó. Kết quả ít khi có tính đột phá, bị ngắt quãng bởi những giai đoạn dài thoái lui hay lệch hướng. Khi tiến trình tiến triển, tất cả mọi thứ khác có vẻ tốt đẹp hơn; còn khi không, như tôi đã nói, những điều tồi tệ sẽ xảy ra. Và xung đột ở Lebanon chỉ là một ví dụ khác.
Cuộc chiến kéo dài hơn mức cần thiết. Sự ghét bỏ của cộng đồng quốc tế với Israel – và lần này là công chúng quốc tế, chứ không phải Chính phủ – đã trở nên sâu sắc hơn. Vì hầu như hiếm có người hiểu quan điểm của Israel, tôi đã bị tổn thương bởi việc đó.
Vào tháng 9 năm 2006, tôi công du tới Beirut. Tôi đã liên tục đàm luận với Thủ tướng Lebanon, Fouad Siniora trong suốt quá trình xảy ra chiến tranh. Ông ấy là một người tốt, nhưng rõ ràng đã bị mắc kẹt giữa sự ghét bỏ Hezbollah và việc chẳng thể làm bất cứ điều gì ngoài việc dùng lời để ngăn chặn hành động của Israel. Di chuyển bằng một chiếc máy bay quân sự, sau đó tôi được hộ tống từ sân bay bởi một lực lượng an ninh nghiêm ngặt chưa từng thấy. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tôi chẳng được nhiều người Lebanon yêu quý. Nhưng các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt đã hiểu sự phúc tạp của tình hình và trên hết họ biết rằng việc để Hezbollah trỗi dậy thành công sẽ là một thảm họa cho tương lai của Lebanon. Tôi đã gặp Thủ tướng Lebanon trong văn phòng của ông ấy, ở một khu vực cổ xưa của thành phố và cho dù luôn bị các vấn đề chính trị choán hết tâm trí như thường lệ, tôi vẫn cảm nhận vẻ đẹp đẽ, giàu có về lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật và văn hóa của khu vực này.
Fouad Siniora rất đạo mạo và thân thiện. Ông ấy đưa ra một thông điệp thẳng thắn là: sẽ không bao giờ có hòa bình nếu vấn đề Israel/Palestine không được giải quyết. “Có hòa bình, tất cả mọi thứ đều khả thi; không có hòa bình, không có gì cả”, ông ấy nói. Tôi cam kết sẽ cố gắng hết sức để khiến Tổng thống Mỹ tái tập trung các nỗ lực vào quá trình vãn hồi hòa bình.
Tôi đã gặp nhiều thành viên của Chính phủ Lebanon, một số người theo đạo Hồi, một số theo Đạo Thiên chúa, một số theo Druze. Tất cả đều cảm thấy biết ơn vì có người đến gặp họ. Thông điệp họ đưa ra thật vô cùng thương tâm: quốc gia của họ đang trên miệng vực, nó cần phải được cứu; nhưng số phận của nó lại phụ thuộc vào việc giải quyết cuộc tranh giành quyền lực ở cả khu vực. Một vài người cho biết đồng nghiệp của họ đã bị ám sát trong những năm qua, gần như là bị “hạ” từng người một và họ nói, chẳng có chút than vãn nào, rằng họ rồi có lẽ cũng phải chịu chung số phận như thế, nhưng mặc dù vậy, tinh thần của người dân vẫn tốt và sẽ phát huy đúng lúc. Tại cuộc họp báo của chúng tôi, đã có một sự gián đoạn cố ý và dĩ nhiên như thường lệ, việc này ngay lập tức trở thành tin nóng của báo chí.
Khi trò chuyện với Siniora, tôi nhận ra rằng vấn đề chính trị của riêng tôi giờ đây rất nghiêm trọng; thực tế là vô phương cứu chữa. Đôi khi tôi phân vân vì sao mình đã không chọn lựa cách thức đơn giản là nhượng bộ và phê phán Israel, đồng thời kêu gọi họ ngừng chiến đơn phương. Người Israel sẽ hiểu điều đó và đó sẽ là chốt khóa an toàn mà ai cũng biết để đối phó với những chỉ trích dữ dội của giới chính trị.
Nhưng đến bây giờ tôi đã hiểu toàn bộ cách thức giải quyết vấn đề này theo cách thức truyền thống, do bản thân nó là một phần của vấn đề. Và nhân đây, vấn đề là gì? Đó là câu hỏi hay đầu tiên. Đối với hầu hết mọi người vào tháng 7 năm 2006, theo các tin tức trên báo chí truyền hình thì đó là cuộc xung đột Israel/Lebanon. Tôi thì không thấy như vậy. Tôi xem vấn đề này là một cuộc chiến lớn hơn giữa các phần tử cực đoan của đạo Hồi và phần còn lại của chúng ta. Đối với tôi, Lebanon đã bị lôi kéo vào một điều gì đó lớn hơn và quan trọng hơn là một cuộc chiến tạm thời với Israel. Thực tế, tôi đã nghĩ rằng toàn bộ vấn đề Israel là một phần của một bức tranh rộng lớn.
Dĩ nhiên, tôi có thể thấy rằng ở mức độ nào đó, hành động của Israel là không cân xứng. Tôi có thể thấy những điểm bất hợp lý trong một số lập trường nhất định của Israel. Tôi có thể thấy sự không công bằng rõ ràng mà người Palestine phải gánh chịu. Nhưng không điều nào đi được đến tận gốc rễ của vấn đề, trong một cuộc đấu tranh sâu hơn và rộng hơn đã ảnh hưởng tới cả Trung Đông và đạo Hồi. Vậy điều gì đang kìm giữ tiến trình hòa bình. Vấn đề Shebaa Farm? Không nghiêm trọng như vậy. Một cuộc tranh chấp về trao đổi đất và biên giới năm 1967 giữa người Israel và Palestine. Loại nó đi.
Những người hiểu lý lẽ nửa vời có thể tìm ra cách vượt qua vấn đề này khi họ muốn, nếu các thành tố vận động trong cuộc đấu tranh này cho phép. Đối với tôi, bạn không thể hiểu Hezbollah nếu bạn không hiểu vai trò của Iran; hay không thể hiểu Lebanon nếu không hiểu Syria; không thể hiểu Hamas nếu không hiểu vai trò của cả hai; hay không thể hiểu cả quốc gia trong trạng thái hiện tại nếu không hiểu lịch sử, không chỉ của khu vực mà của cả tôn giáo, cách họ nhìn nhận bản thân, cách họ phát triển các truyền thuyết của mình, cách họ nhìn nhận tình thế khó khăn của mình. Và ở đây, cũng như ở Iraq hay Afghanistan, có sự cạnh tranh giữa hiện đại và lai tạp. Do đó tôi cho rằng giải pháp không nằm ở việc chỉ sử dụng quyền lực cứng hay quyền lực mềm, mà là kết hợp hai yếu tố này.
Như tôi đã giải thích từ trước, đây đã là chủ đề lặp đi lặp lại đối với tôi kể từ tháng 9 năm 2001. Tôi đã ủng hộ lập trường quân sự cứng rắn của Mỹ: chúng tôi có thể làm gì khác sau khi hàng nghìn người vô tội đã bị giết hại vào ngày 11 tháng 9? Khi sự hoảng loạn trở thành vũ khí ưa thích của al-Qaeda và những phần tử hậu thuẫn Iran ở Iraq hay của Taliban ở Afghanistan, tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng, chúng tôi phải chống lại chúng, chứ không thể nhượng bộ.
Mặc dù vậy, tôi luôn cho rằng, chỉ bằng các biện pháp quân sự không thể giúp chúng tôi giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh. Bên cạnh quân sự, cần phải có những nỗ lực kiên quyết và mạnh mẽ thúc đẩy hòa bình, đáng chú ý là hòa bình giữa Israel và Palestine, thúc đẩy sự hòa giải, vượt qua những chia rẽ về tôn giáo và văn hóa, liên kết những người thiện chí, bất kể niềm tin của họ là gì, trong một thế giới hiện đại và cùng tồn tại hòa bình.
Tính thô bạo của đấu tranh quân sự, những sai lầm và rủi ro không thể tránh khỏi, đã chia rẽ dư luận thế giới. Có những người tin rằng bản thân Bush là một vấn đề và có những người nghĩ quyền lực mềm là một sự xao nhãng ngờ nghệch. Theo thời gian, những người sau đã bị những người trước vượt qua. Toàn bộ suy nghĩ này – với những hệ quả vang vọng lại đã phát triển thành lập trường rằng: để thành công, không thể “là Bush”. Làm điều ngược lại với ông ta và mọi chuyện sẽ ổn. Đó là quan điểm nguy hiểm và chệch hướng.
Do đó tôi đã chịu sức ép. Nhưng lúc đó tôi cảm thấy thực sự khó có thể thỏa hiệp được. Nếu tôi đã chỉ trích Israel, điều đó còn hơn cả việc thiếu trung thực và nó sẽ hủy hoại quan điểm về thế giới mà tôi đã cố gắng giữ gìn. Do đó tôi đã không làm thế, nhưng tôi có thể cảm thấy được rằng Nghị sỹ Đảng Lao động cũng đã đồng loạt chuyển sang phàn nàn, công kích. Người dân đã nghe được điều này và xuôi theo những lời đồn thổi thay vì nhà lãnh đạo của họ. Nhưng tôi có sự kiên định để trấn an mình và nó khá hiệu quả (tôi cho rằng điều đó luôn xảy ra với các nhà lãnh đạo khi sự ngạo mạn lấn át họ).
Nghị viện thường nghỉ họp vài ngày trước khi chúng tôi bắt đầu kỳ nghỉ hè. Quãng thời gian đó tôi thường ở Chequers, dành thời gian suy nghĩ và nghỉ ngơi ở bên gia đình. Tôi thường mặc quần jeans và áo phông xử lý giấy tờ, chơi guitar, chạy bộ trong rừng hoặc thưởng thức một ly rượu vang ở ngoài trời sau bữa tối và hít thở khí trời về đêm. Những nhân viên ở đó rất thân thiện và cũng rất đơn điệu, họ chỉ ở đó để giúp việc. Dĩ nhiên các Thủ tướng cần được thử thách, nhưng đôi khi bạn cũng cần có những khoảng thời gian, không ai nói ầm ĩ bên tai bạn, không thảo luận chiến lược với bạn, không ai giúp bạn giải quyết một tình huống khó khăn; không ai làm một điều gì đó quá nhiều, trừ việc hỏi bạn muốn ăn gì cho bữa tối.
Tinh thần của con người luôn tìm được cách để thích nghi. Tôi không có ý định so sánh (dù xa xôi) quãng thời gian khó khăn của một Thủ tướng với những quãng thời gian khắc nghiệt mà nhiều người đã phải trải qua và trải qua một cách anh hùng. Tôi chỉ muốn nói rằng, ở vị trí của một nhà lãnh đạo, nhưng cũng là người bình thường, bạn khám phá ra dưới áp lực bản năng nội tại đó để tồn tại. Bạn phải tiếp tục sống. Bạn phải tìm thấy ý nghĩa của việc đó. Đối với tôi vào thời điểm đó, ý nghĩa duy nhất là trung thực với bản thân. Tôi có thể là một trong số ít người có quan điểm như vậy, nhưng đó là quan điểm mà tôi tin.
Mùa hè đó, ngay trước khi chúng tôi dự định ra nước ngoài, với việc Lebanon vẫn ngập trong bạo lực đầy ác mộng, tôi nhận ra tôi nên hoãn kỳ nghỉ. Tôi chủ yếu ở Phố Downing để cố gắng thống nhất các giải pháp của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt xung đột. Có hai điều chi phối tâm trí tôi khi nghĩ xem có nên quyết định hoãn nghỉ hay không. Tôi đã rất miễn cưỡng trong việc này, khi biết rằng nếu không cẩn thận kỳ nghỉ đó đơn giản là không thể xảy ra và trên hết, có quá nhiều phương tiện truyền thông hiện đại bám theo nó. Cuối cùng, tôi đã ở lại London cho đến khi chắc chắn đạt được một giải pháp.
Vào thời điểm tôi lên máy bay đi St Lucia, tôi đã kiệt sức và mong mỏi tới cảnh được ngồi trên thuyền giữa đại dương ấm áp, gió mơn man bờ vai. Đó là kỳ nghỉ hè cuối cùng của tôi với tư cách là một Thủ tướng.
Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi - Tony Blair Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi