Never judge a book by its movie.

J.W. Eagan

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Blair
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: A Journey : My Political Life
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 31
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13: Iraq: Đếm Ngược Tới Chiến Tranh
hi nghĩ cách trả lời câu hỏi đã đặt mình vào tận cùng của bằng chứng về cuộc Điều tra Chilcot cho cuộc Chiến tranh Iraq vào tháng 1 năm 2010, tôi phát ốm, một kết quả cộng hưởng giữa tức giận và đau đớn. ‘Ông có tiếc điều gì không?’ Đây không phải là câu hỏi được đặt ra hay trả lời trong sự chiêm nghiệm thầm lặng của tâm hồn; không phải một điều có thể cân đo đong đếm, xem xét hay giải thích bằng sự thâm thúy và sắc sảo hay thậm chí là sự thành thật dễ dãi.
Đó là một câu hỏi theo kiểu giật tít của báo. Nó phải cần phải có một câu trả lời chuẩn mực. Nếu trả lời ‘có’ tôi dễ dàng biết ngay kết quả: ‘Thủ tướng BLAIR XIN LỖI VÌ ĐÃ GÂY CHIẾN TRANH’, ‘CUỐI CÙNG ÔNG TA ĐÃ NÓI XIN LỖI’. Hãy chọn một biến thể. Ấn tượng tạo ra vẫn không đổi. Những người phản đối chiến tranh có thể sẽ vui mừng; những người ủng hộ có thể sẽ mất tinh thần, tưởng tượng rằng sự ủng hộ và trong một số trường hợp, sự hy sinh của họ đã trở nên vô ích. Trả lời ‘không’, bạn sẽ trở thành kẻ chai sạn, thờ ơ với nỗi thống khổ hay có thể tệ hơn, chống cự một cách ngoan cố, không phải vì sức mạnh mà bởi vì bạn biết không thể làm gì hơn.
Vì vậy tôi nhận trách nhiệm, thừa nhận rằng quyết định là của tôi và tránh một tít báo có thể phản bội mình. Tuy nhiên, đó là một câu trả lời không hoàn chỉnh.
Tôi cảm thấy phẫn nộ vì đã bị đặt vào một cuộc điều tra mà lẽ ra được dành để nói về những bài học rút ra, nhưng lại không tránh khỏi bị biến thành một phiên tòa xét xử, kiểm nghiệm đức tin; và trước một số gia đình của những người ngã xuống, những người tôi muốn ôm xiết, dù biết rằng nếu làm thế, vòng tay ôm đó sẽ ngay lập tức bị lạm dụng và hiểu lầm. Nhưng cơn phẫn nộ này là ích kỷ, nhỏ nhặt và nhất thời.
Nỗi đau vẫn còn đọng lại không phải vì ích kỷ. Liệu họ có thực sự nghĩ rằng tôi không quan tâm, không cảm thấy gì, không tiếc nuối gì khi sự mất mát của những người nằm xuống luôn hiển hiện trong tôi tới từng đường gân thớ thịt? Và không chỉ có những người lính Anh mà cả các nước khác, phần lớn là người Mỹ, nhưng cũng có người Nhật, Hà Lan, Đan Mạch, Estonia, Tây Ban Nha, Italia và tất cả những quốc gia khác trong liên minh của chúng tôi. Và chính những người Iraq, không chỉ những người đã thương vong trong chiến tranh, mà cả những người đã chết dưới tay những kẻ khác, những cái chết mà chúng tôi không thể ngăn cản. Các nhà ngoại giao, như Sergio Vieira de Mello tài giỏi, những người đã trao mạng sống của mình vì một lý do mà họ không bao giờ ủng hộ. Những thương vong ngẫu nhiên của những cá tính đỏng đảnh trong chiến tranh, như Ken Bigley và những lính hộ vệ riêng bị bắt làm con tin cùng với Peter Moore.
Thờ ơ trước những điều này là vô nhân tính, là thiểu năng về cảm xúc. Nhưng không phải lời buộc tội đó đã gây ra đau đớn cho tôi.
Sự đau đớn xuất phát từ một nỗi buồn vượt xa những miêu tả thông thường, là mũi dao đâm vào lòng trắc ẩn của bạn khi nghe thấy tin tức về thảm họa. Nước mắt, dù đã rơi rất nhiều, cũng không chứa đựng được hết những nỗi đau đó. Tôi cảm thấy tiếc thương đến tuyệt vọng cho họ, tiếc thương những cuộc đời yểu mệnh, tiếc thương những gia đình mà sự mất mát người thân còn trở nên tệ hơn bởi những lời thị phi về lý do khiến những người yêu thương đó phải nằm xuống, tiếc thương cho sự chọn lựa vô cùng bất công rằng mất mát nên thuộc về họ. Tại sao lại phải là con họ, chồng họ, gia quyến của họ vào lúc đó, ở nơi đó, trong hành trình, nhiệm vụ hay cuộc tập kết đó?
Lý do số phận đưa ra lựa chọn đó xuất phát từ quyết định của tôi. Nhưng lúc đó đã có hàng triệu những yếu tố ngẫu nhiên khác cùng kết hợp khiến họ phải bỏ mạng.
Nỗi đau xuất hiện từ tình trạng khẩn cấp phải hành động, phải giao phó. Không phải cảm nhận, mà phải thực hiện.
Lúc này tôi đã vượt qua những biểu hiện của tình cảm đơn thuần. Tôi cảm thấy những lời an ủi và thông cảm là hoàn toàn không phù hợp. Họ đã chết, còn tôi, người đưa ra quyết định dẫn tới cái chết của họ, vẫn đang sống.
Tôi đã cố ý dùng từ “trách nhiệm”, cho dù nó cũng chưa diễn tả được hết ý nghĩa mà tôi mong muốn.
Tôi không hối tiếc về quyết định đi đến chiến tranh vì một lý do. Tôi chưa bao giờ đoán được cơn ác mộng tiềm tàng sau đó và đấy cũng là một phần trách nhiệm. Nhưng khái niệm ‘trách nhiệm’ không thể hiện gánh nặng được trút bỏ mà là một gánh nặng còn tiếp diễn. “Tiếc nuối” có vẻ nặng về quá khứ. “Trách nhiệm” bao gồm cả hiện tại và tương lai.
Ngay cả khi rời nhiệm sở và hiện giờ đảm nhiệm một vai trò hoàn toàn khác, tôi vẫn tận tụy với cuộc chiến trước kia vốn đã gây ra những sự kiện dưới đây. Tôi luôn nghĩ về đất nước Iraq và Afghanistan với những hậu quả mà những nạn nhân của cuộc chiến đang gánh chịu từng ngày từng giờ trong cuộc sống của mình; nhưng hơn thế, tôi dùng sự chiêm nghiệm đó để tiếp tục cam kết một mục tiêu cho nhiệm vụ lớn hơn, một nhiệm vụ mà tôi vẫn chưa hoàn thành. Tôi không thể hồi sinh những người đã chết; nhưng có thể cống hiến phần đời còn lại cho cuộc chiến lớn hơn, cố gắng đem lại ý nghĩa, mục đích để quyết tâm đó của mình không suy chuyển dù bằng cách này hay cách khác. Tôi không thể diễn tả sự tiếc nuối bằng lời; mà chỉ có thể hy vọng chuộc lại lỗi lầm cho hành động của mình bằng cả phần đời còn lại.
Có thể khi đọc đến đây, nhiều người sẽ phản đối gay gắt quyết định của tôi. Nhưng chỉ trong một khoảnh khắc thôi, hãy để mỗi chúng ta quay lại thời điểm bắt đầu và tôi sẽ cố gắng giải thích rõ điều đã diễn ra trong tâm trí mình lúc đó.

Rắc rối trong tranh luận về vấn đề Iraq nằm ở chỗ mỗi người trong chúng ta đã không còn lắng nghe nhau. Có thể có nhiều những người “không ràng buộc” trong công chúng hơn chúng ta thường nghĩ. Theo kinh nghiệm của tôi, “mọi người” − đối lập với những người khác, người tham gia, người bình luận, những kẻ theo đóm ăn tàn, người cuồng nhiệt trong phạm vi ám ảnh chật hẹp của chính trị − luôn có một sự trân trọng bẩm sinh dành cho sự phức tạp của quá trình ra quyết định. Họ hướng tới một quan điểm nào đó theo bản năng. Họ được chuẩn bị để thay đổi nó theo thời gian. Họ hiểu rằng lãnh đạo là một nghề khó nhọc. Và họ có một quá trình suy luận khác với các chính trị gia, lúc nông cạn đến ngạc nhiên, có khi lại sâu sắc hơn rất nhiều. Giờ đây công chúng không còn quá bận tâm tới vấn đề Iraq, nhưng nếu có, họ sẽ vẫn khá dễ dàng bị thuyết phục.
Những người quan tâm sâu sắc đến chủ đề này thì không thế. Họ tự quyết định và sự thông thái − chắc chắn giữa những người tiến bộ − đã biến hầu hết thành đá hoa cương; và điều này khá tiêu cực: đó là một sai lầm. Trong số tất cả những quyết định tôi từng đưa ra, quyết định về vấn đề Iraq cũng là một quyết định mà ngay cả những người bạn thân nhất của tôi cũng không tán thành; thực ra, không chỉ đơn giản là không tán thành, mà còn thấy vô cùng khó hiểu. Chính trị gia Geoff Gallop, một trong những người bạn lớn tuổi nhất của tôi đã từng nói ông có quan điểm khác với tôi, nhưng: ‘Chỉ không hiểu sao anh lại làm thế, Tony.’ Nhiều người ủng hộ cho rằng tôi làm thế vì những động cơ đúng đắn, nhưng vẫn coi đó là một ‘vết nhơ’ trên một lý lịch đáng lẽ ra đã rất ấn tượng. Và tất nhiên những người không ủng hộ thì coi đó là bằng chứng cuối cùng của hành động xấu xa đáng ghê tởm.
Tôi hoàn toàn hiểu tại sao người ta lại có quan điểm này. Nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn này là hiệu lực hóa những nghị quyết của LHQ về WMD (vũ khí phá hủy hàng loạt) của Saddam và chúng tôi đã không tìm thấy WMD sau khi giành quyền kiểm soát đất nước. Chúng tôi đã cho là có chương trình vũ khí phá hủy hàng loạt đang hoạt động nhưng thực tế là không. Hậu quả, sau vụ hành quyết Saddam vào tháng 5 năm 2003, vô cùng đẫm máu, có sức tàn phá ghê gớm và gây nên tình trang hỗn loạn chưa từng có. Nếu chúng tôi tìm thấy WMD thực sự, quan điểm có thể sẽ khác đi; và nếu chúng tôi chấm dứt mâu thuẫn vào tháng 5 năm 2003 với hậu quả giống như ở Kosovo, cuộc tranh luận có thể sẽ trở nên kém sôi nổi và có tính hàn lâm. Nhưng cách thứ nhất có vẻ sẽ khiến động cơ tiến hành chiến tranh trở nên thiếu nhất quán; và cách thứ hai sẽ lưu giữ sự việc diễn ra cùng hậu quả của nó liên tục trong suy nghĩ của chúng tôi.
Vì vậy đó là một lý do và là một lý do hoàn toàn dễ hiểu, đối với một người bình thường. Nhưng còn một lý do khác nữa. Chính trị ngày nay vận hành bằng cách sử dụng những quan điểm được hình thành, tôi luyện nhanh chóng và sau đó trở nên gần như không thể thay đổi được. Người ta có ít thời gian để chiêm nghiệm và cân nhắc; các vụ việc được đánh giá nhanh chóng, người ta ít quan tâm tới những gì đang diễn ra ở các góc độ khác nhau và vì thế phán quyết được đưa ra với tốc độ và sự khốc liệt mà một quá trình xem xét tỉ mỉ hơn có thể tránh được. Một khi những phán quyết như thế được thực hiện, các câu chuyện được viết ra sẽ có xu hướng tái khẳng định những phán quyết này. Mặt khác bản thân những câu chuyện lại bị phớt lờ, cho đến khi việc thử thách phán quyết bị coi là hoang tưởng. Sự cân bằng là một khái niệm xa lạ trong thế giới ngày nay. Nó đòi hỏi những quan điểm chắc chắn và được xác định nhanh chóng.
Cho nên, vì những lý do này, nhiệm vụ của tôi thật khiêm tốn: không phải là thuyết phục người đọc về tính đúng đắn của nguyên nhân, mà đơn thuần là thuyết phục họ rằng có thể giải thích nguyên nhân đó. Phải mở rộng tư tưởng của bản thân. Tôi từng nghĩ lại xem mình có làm sai không.
Tin tình báo về Saddam và vũ khí hủy diệt hàng loạt hóa ra hoàn toàn sai lệch. Người ta – và chính tôi – cũng nói rằng nguyên nhân xảy ra cơ sự này vẫn là một điều bí ẩn. Tại sao Saddam lại phải ngăn cản các thanh tra viên lâu đến thế nếu ông ta không có gì phải giấu giếm? Thậm chí cả khi để họ vào Iraq, tại sao vẫn cản trở họ? Tại sao ông ta lại gây ra chiến tranh cho đất nước mình chỉ để bảo vệ một tin đồn? Liệu đó có phải là sự ngược đời? Xin dẫn lời cựu thanh tra vũ khí của LHQ, Charles Duelfer: ông ta nghĩ nước Mỹ cùng đồng minh đang khoác lác khi đe dọa sử dụng vũ lực, nhưng thực ra chúng tôi đã thành thực; còn chúng tôi nghĩ ông ta thực sự có vũ khí hủy diệt hàng loạt trong khi ông ta lại chỉ đang khoác lác mà thôi?
Khi nhìn lại tất cả các vụ việc để phục vụ cuộc Thanh tra Chilcot, tôi đã đọc lại bản hoàn chỉnh của Báo cáo Nhóm Khảo sát Iraq từ năm 2004 và có nhiều thời gian hơn để nhìn nhận lại mục đích của nó. Được tổng hợp bởi nhóm các chuyên gia Mỹ/Anh do tiến sĩ David Kay và sau đó là Charles Duelfer chủ trì để xác định sự thật về Saddam và WMD, bản báo cáo được công bố thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, khi David Kay lãnh đạo nhóm, đã kết luận rằng vào năm 2003, Saddam không hoạt động chương trình sản xuất WMD. Điều này là đề tài cho báo giới và không ngạc nhiên khi nó dẫn tới quan điểm rằng thông tin tình báo đã hoàn toàn sai lệch, rằng Saddam có chứng cứ về việc tuân thủ nghị quyết của LHQ và cuộc chiến này hoàn toàn phi nghĩa. Những thông báo do tiến sĩ Kay thêm vào hầu như đã bị bác bỏ, bao gồm cả tuyên bố cho rằng Saddam có thể còn là một mối đe dọa lớn hơn thực tế, một dấu hiệu mà ở thời điểm đó không thể giải thích được, dựa trên những kết quả thu được ban đầu.
Bản báo cáo thứ hai của Charles Duelfer không được công bố cho đến tháng 9 năm 2004. Nó nhận được ít sự chú ý hơn trước, nhưng đây vẫn là một bản phân tích hoàn chỉnh. Dưới áp lực của những thách thức trong giai đoạn ở Iraq, tôi đã không lĩnh hội được hết nó. Hơn nữa, chỉ vài năm sau đó Charles Duelfer đã xuất bản cuốn sách của mình, mô tả chi tiết việc biên soạn bản báo cáo đó. Vì mục đích của cuộc điều tra Chilcot, tôi đã nghiên cứu cả hai. Những điều không thể giải thích nổi đều đã được giải thích trong cuốn sách đó.
Đội ISG dưới sự lãnh đạo của Duelfer đã cố gắng tiến hành các cuộc phỏng vấn với những nhân sự chủ chốt của chế độ, những cộng sự hàng đầu của Saddam. Trong một quá trình đặc biệt kéo dài vài tháng, nhân viên FBI, George Piro, cũng tự mình bố trí phỏng vấn Saddam. Đội ngũ này đã khám phá ra những băng ghi âm các cuộc họp mà Saddam đã có với các nhân viên tiền nhiệm trong đó thảo luận chương trình sản xuất WMD. Câu chuyện thực sự lại nổi lên và tài liệu này rất đáng đọc.
Về bản chất, sau khi các lệnh cấm được ban hành, chế độ của Saddam bị ép buộc nghiêm trọng. Căng thẳng càng trở nên phức tạp hơn khi con rể của Saddam tiết lộ về mối quan tâm không ngừng của ông ta tới sự phát triển WMD. Tiết lộ này được phát sóng cho toàn thế giới vào năm 1996. (Về sau người này đã được dẫn dụ quay về Iraq và bị giết hại.)
Saddam đã có một quyết định rất khôn ngoan. Từ giữa những năm 1990 trở đi, chính sách của Saddam là phá bỏ các lệnh cấm này bằng mọi giá. Chương trình WMD đang hoạt động bị đóng cửa. Tài liệu chưa bị phá hủy bởi các thanh sát viên vào năm 1991 đã bị vứt bỏ. Ông ta biết rằng mình không thể mạo hiểm sản xuất WMD và cố gắng che giấu chúng nữa.
Tuy nhiên, ông ta vẫn duy trì niềm tin tuyệt đối vào tầm quan trọng chiến lược của WMD đối với chế độ của mình và sự sống còn của nó. Ông ta tin rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là thiết yếu để đẩy lùi những người lính Iran, những người đầy ắp nhiệt huyết tôn giáo, đã ném mình vào những làn sóng chống lại vũ lực của Iraq trong chiến tranh Iraq – Iran.Ông ta nghĩ chỉ có sử dụng vũ khí hóa học mới có thể đối phó với số lượng đông đảo của quân đội Iran. Vụ tấn công bằng hơi độc đối với người Kurd đã thổi một luồng hơi nóng không chỉ bằng quân sự mà còn bằng tâm lý với hy vọng thách thức Saddam, vì vậy những vũ khí này đã đóng một vai trò nòng cốt trong việc đàn áp cuộc nội chiến. Saddam biết rằng Iran đang tăng cường tiềm năng chế tạo vũ khí hạt nhân và tin rằng Israel đã có sẵn khả năng rồi. Đối với ông ta, việc sở hữu năng lực hạt nhân như vậy có thể phục vụ mục tiêu cơ bản: trở thành lực lượng áp đảo trong thế giới Ả Rập.
Vì vậy ông ta quyết định che giấu hoặc loại bỏ bất cứ bằng chứng nào về một chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân, hóa học hay sinh học đang hoạt động. Tuy nhiên, những gì ISG phát hiện ra lại cho thấy đây chỉ đơn thuần là một quyết định khôn khéo để tạm treo chương trình, chứ không phải một quyết định mang tính chiến lược để hoàn toàn loại bỏ nó.
ISG kết luận:
Saddam muốn tái tạo năng lực sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq – về cơ bản đã bị phá hủy vào năm 1991 – sau khi các hiệp ước bị dỡ bỏ và nền kinh tế Iraq dần ổn định, nhưng có thể phải dựa dẫm vào hàng loạt các tiềm năng vốn có trước đó. Saddam khao khát được phát triển năng lực hạt nhân – theo xu hướng gia tăng, bất chấp áp lực từ dư luận quốc tế và những hiểm họa cho nền kinh tế – ông ta có ý định tập trung vào các tiềm lực chế tạo tên lửa đạn đạo và vũ khí sinh học chiến thuật (CW).
Kết luận về vũ khí hạt nhân đã được chứng thực bởi Báo Cáo Butler vào tháng 7 năm 2004, mặc dù nó được viết trước bản báo cáo đầy đủ của ISG vào tháng 9 năm 2004. Báo Cáo Butler kết luận:
Từ kết quả của bản Tổng duyệt của chúng tôi và xem xét những dẫn chứng đã được ISG tìm ra và thẩm vấn nhân viên người Iraq, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng trước chiến tranh, các nhà cầm quyền Iraq đã có chiến lược nhằm khôi phục việc theo đuổi các chương trình vũ khí cấm, bao gồm chương trình vũ khí hạt nhân nếu có thể, khi LHQ tiến hành điều tra thì chúng đã được giải tán và các lệnh cấm đã dần mất hiệu lực hoặc bị tháo gỡ.
Khi theo đuổi chiến lược này, Saddam đã quy tụ những nhà khoa học và kỹ sư cần thiết để hoàn nguyên một chương trình như thế; ông ta đã vi phạm lệnh cấm bằng việc nhập khẩu hàng hóa có hai công dụng và duy trì các phòng thí nghiệm không được tiết lộ đối với LHQ mà vốn có thể được khởi động lại để phục vụ các mục đích về WMD. Những hoạt động này được tài trợ bởi sự thao túng bất hợp pháp của chương trình đổi dầu lấy lương thực trong đó cho phép một số hoạt động bán dầu để mua thức ăn và thuốc men.
Theo những nhân viên tiền nhiệm đã phỏng vấn, thì Cục Tình Báo Iraq (IIS) đã duy trì từ năm 1991 đến 2003 một hệ thống phòng thí nghiệm được giấu kín không công khai để nghiên cứu và kiểm nghiệm các loại hóa chất và thuốc độc khác nhau. Họ đi đến khẳng định:
ISG không có bằng chứng cho thấy các nhà khoa học thuộc Ban Giám Đốc của khoa Tội Phạm Học IIS (M16) đang sản xuất CW hay BW trong những phòng thí nghiệm này. Tuy nhiên, các nguồn tin cho thấy M16 đang có kế hoạch sản xuất một vài chất CW bao gồm hơi cay sulfur, hơi cay nitrogen và Sarin.
Sự tồn tại, chức năng và mục đích của các phòng thí nghiệm không bao giờ được tuyên bố trước LHQ.
Chương trình IIS bao gồm sử dụng con người cho các mục đích thí nghiệm.
Tất cả những điều này xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn do ISG tiến hành tất nhiên là điểm gắn kết trong các cuộc điều tra Hans Blix từ tháng 11 năm 2002 đến tháng 3 năm 2003. Đó không phải bằng chứng hỗ trợ tình báo về một chương trình WMD đang hoạt động mà chúng tôi theo đuổi vào. Vì vậy các yếu tố trên thực tế khác với những gì chúng tôi nghĩ là thật. Nhưng các yếu tố đó đã cung cấp nền tảng rõ ràng nhất có thể để đánh giá rằng hắn thực sự là một mối nguy hiểm và đặc biệt, lời cáo buộc hắn đang vi phạm hiến chương LHQ là hoàn toàn chính xác.
Nếu chúng tôi lui quân vào năm 2003, thì tình hình nguy hiểm vô cùng rõ ràng; các thanh sát viên LHQ do Blix dẫn dầu sẽ không bao giờ có những cuộc phỏng vấn đó; họ có thể sẽ kết luận (một cách sai lầm) rằng Saddam đã từ bỏ hy vọng về WMD; các lệnh cấm sẽ được bãi bỏ; và việc tái xác lập áp lực lên một chính quyền đã được ‘dọn quang’ gần như là bất khả thi. Saddam lúc đó có ý định; có sách lược; và với mức giá dầu tăng, ông ta sẽ có quyền lực kinh tế khổng lồ.
Giờ, bạn có thể tháo gỡ nhiều phần của luận đề này. Có thể ông ta đã quyết định là thực ra mình không cần đến vũ khí hủy diệt hàng loạt; nếu ông ta cố gắng phát triển chúng, có thể cộng đồng quốc tế sẽ hành động; trong bất kỳ trường hợp nào, việc đó có thể mất thời gian. Nhưng nếu bạn đọc Báo Cáo ISG, bức tranh một chính quyền có mối ràng buộc lớn nhất cũng là chính quyền bị áp chế từ bên ngoài. Bản chất của nó hoàn toàn đen tối. Ví dụ, một điểm nhỏ: những miêu tả của cuộc thử nghiệm được tiến hành trên người để nghiên cứu thuốc độc sinh học – thừa nhận phục vụ mục đích ám sát, không phải WMD.
Ý tôi ở đây không phải là thuyết phục rằng chúng tôi đã đúng khi trừ khử Saddam, mà chỉ nhằm mục đích kêu gọi những ai vốn tuân thủ sự thông thái của số đông ít nhất hãy dừng lại và suy nghĩ. Tôi không khẳng định luận đề này có thể được bác bỏ, rằng nếu chúng tôi không hành động vào năm 2003, Saddam đã có thể tái xuất mạnh mẽ hơn, cạnh tranh với Iran cả trên phương diện WMD và trên phương diện hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố trong khu vực. Saddam rồi cũng sẽ già đi và không còn gây đe dọa nữa; và các con trai ông ta, được chuẩn bị để kế nghiệp, sẽ tiến hành cải cách.
Lập luận đạo đức chống lại những gì chúng tôi đã làm cũng tương tự, chúng liên quan đến những hỗn loạn và cái chết theo sau cuộc trừ khử Saddam. Không có đánh giá đạo đức nào có thể hoặc nên được dựa trên những thống kê toán học khô khan: đây là số những người bị Saddam giết; đây là số những người chết sau khi hắn bị lật đổ. Phép tính đó có thể gây ác cảm. Tuy nhiên, vì người ta nói quá nhiều về số người Iraq thiệt mạng sau tháng 3 năm 2003, thì một cuộc tranh luận về dẫn chứng tốt nhất chứ không phải tồi nhất nên được khởi xướng.
Với câu hỏi ‘liệu Iraq ngày nay có tốt hơn dưới thời Saddam không?’ câu trả lời khôn ngoan đó là: tất nhiên. Ước tính về những người chết dưới thời Saddam như sau:
• Chiến tranh Iran – Iraq, 1980-1988: 600.000 - 1,1 triệu người thương vong ở cả hai phía (Anthony Cordesman, The Lessons of Modern War (tạm dịch: Những bài học từ chiến tranh hiện đại, Tập II, trang 3);
• Chiến dịch Anfal chống lại người Kurd, 1988: gần 100.000 người chết phía Kurd; thêm nhiều người bị thương và mất tích (Human Rights Watch, ‘Genocide in Iraq’ – tạm dịch: Giám sát Nhân quyền, ‘Tội diệt chủng ở Iraq’, 2003);
• 1991 Cuộc xâm lược Kuwait / Chiến tranh vùng Vịnh: 75.000 người chết (Milton Leitenberg, ‘Deaths in Wars and Conflicts in the 20th Century’ – tạm dịch: Thương vong trong các cuộc Chiến tranh và Xung đột thế kỷ XX, trường Đại học Cornell, Chương trình nghiên cứu hòa bình);
• 1991 Chiến dịch/Sự trả đũa Shia: 50.000 người chết (Leitenberg).
• Các vụ giết hại vì mục đích chính trị trong các năm: 100.000 hoặc hơn (Human Rights Watch – tạm dịch: Giám sát Nhân quyền, ‘Công lý cần cho các tội ác của chính quyền Iraq’, tháng 12 năm 2002).
Nhưng điều này chỉ nói lên một phần của câu chuyện. Khi Saddam lên nắm quyền vào năm 1979, Iraq giàu có hơn cả Bồ Đào Nha và Malaysia. Đến năm 2003, 60% dân số sống phụ thuộc vào cứu trợ lương thực. Hàng triệu người bị suy dinh dưỡng, hàng triệu người khác bị lưu đày. Một thống kê toàn diện về cục diện xã hội Iraq dưới thời Saddam được tiến hành. Theo LHQ, đến năm 2002 số trẻ em dưới 5 tuổi bị chết là 130/1000 ca sinh, một con số khủng khiếp hơn cả Congo. Tới năm 2007, do tác động của liên minh và sau đó là việc chính quyền Iraq giới thiệu các chương trình miễn dịch và dinh dưỡng, con số này giảm xuống chỉ còn trên 40/1000 người. Sự khác biệt này tương đương gần 50.000 – 60.000 trẻ em được cứu sống hàng năm.
Trước khi ai đó nói “à, nhưng đó là lệnh cấm”, thì họ nên nhớ rằng Saddam được tự do mua thực phẩm và thuốc men theo ý muốn. Nhưng ông ta đã chọn cách không làm vậy, để có thể đổ vấy một cách sai lầm rằng chính phương Tây đã gây ra cái chết cho trẻ em Iraq. Tại khu vực của người Kurd, mặc dù các lệnh cấm được lan tỏa tại khu vực này, nhưng tỷ lệ tử vong ở trẻ em chỉ bằng một nửa so với miền trung và miền nam Iraq.
1/3 số trẻ em ở miền trung và miền nam Iraq phải chịu đựng nạn suy dinh dưỡng kinh niên trước năm 2003. Số người tử vong do bệnh tả và viêm đường hô hấp nghiêm trọng có thể được ngăn chặn dễ dàng. Ngay cả trong cuộc chiến tranh kéo theo sau đó, giữa năm 2005 và 2007, bệnh suy dinh dưỡng cũng giảm còn dưới 1/4 so với kỷ nguyên của Saddam.
Đó là những cái chết chúng ta không bao giờ nhìn thấy; sự tàn sát mà chúng ta không bao giờ chứng kiến; nỗi đau chưa bao giờ xuất hiện trên truyền hình. Nhưng chúng đều chân thực và sống động, như những mất mát bi kịch sau khi Saddam bị tiêu trừ.
Mất mát đó là gì? Một lần nữa, ‘sự thật’ được gói gọn và nhanh chóng trở nên không thể bác bỏ. Người ta công bố rằng có tới 500.000 hay 600.000 người chết trong khoảng từ năm 2003 đến năm 2009. Một khi được tuyên bố, các thông tin này bị cắt xén với bối cảnh chung rồi được nhắc đi nhắc lại.
Nguồn gốc của con số này được công bố trong tạp chí y khoa Lancet tháng 10 năm 2004 vốn là một bản phân tích khoa học số thương vong ở Iraq. Con số mà họ đưa ra – 600.000 người chết – dẫn đầu các bản tin và trở nên áp đảo, được khai thác lại như một sự thực hiển nhiên. Về sau, phương pháp luận mà tạp chí dùng làm căn cứ khảo sát đã bị nghi ngờ nghiêm trọng; những con số của nó bị cáo buộc là thiếu chính xác và gây hiểu lầm; và đánh giá đưa ra đã gặp phải nhiều nghi vấn. Số liệu này là ngụy tạo.
Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, những người đã tiến hành một Cuộc điều tra chi tiết tất cả các dẫn chứng, kết luận rằng cơ quan Thống kê tử thi của Iraq, cùng với kho dữ liệu từ cuộc Khảo sát Điều kiện sống và Sức khỏe Gia đình Iraq, có thể đưa ra ước tính chính xác nhất. Viện Nghiên Cứu Brookings đã tự tổng hợp số liệu và đi đến quan điểm tương đồng với cơ quan Thống kê tử thi (một nhóm phản đối chiến tranh). Các con số cùng nằm trong khoảng giữa 100.000 và 112.000.
112.000 là một con số khá lớn nhưng vẫn khác một trời một vực với con số nửa triệu kia. Tuy nhiên, kết quả của họ cho thấy đa số – khoảng 70.000 người – đã không bị quân của liên minh giết hại mà chết trong các vụ thanh toán bè đảng trong khoảng những năm 2005-2007 do quân nổi dậy được al-Qaeda và Iran hậu thuẫn gây ra.
Hơn nữa, điều này được đưa ra không phải để chứng minh rằng việc loại bỏ Saddam đem lại điều gì tốt đẹp hơn cho Iraq, mà là cân bằng những gì Iraq đã thực sự trải qua dưới thời Saddam và những gì diễn ra sau khi ông ta bị loại trừ.
Như vậy đây không chỉ là một trường hợp “giá như trước đây chúng ta biết được điều mà bây giờ chúng ta mới biết”. Trên cơ sở thông tin hiện tại, tôi vẫn tin rằng để Saddam lãnh quyền sẽ là một mối nguy lớn hơn tới an ninh của chúng ta thay vì loại bỏ và rằng mặc dù hậu quả rất thảm khốc, nhưng thực tế việc để Saddam và các con trai lãnh đạo Iraq sẽ mang lại những tình huống khó khăn hơn rất nhiều. Không điều gì có thể làm giảm áp lực việc chỉ trích rằng chúng tôi đã không dự đoán được bản chất của những gì có thể xảy ra một khi Saddam không còn nữa. Việc lập kế hoạch cho các hậu quả là một vấn đề gây tranh luận gay gắt. Thực tế, chúng tôi đã không dự tính vai trò của al-Qaeda hay Iran. Chúng tôi có nên làm thế hay không lại là một vấn đề khác; và nếu dự tính, thì những gì chúng tôi có thể làm trong trường hợp đó, một lần nữa, cũng là cả một thách thức to lớn.
Vì những lý do này mà tôi không thể thỏa mãn mong muốn của những người đã ủng hộ mình, những người muốn tôi nói: đó là một sai lầm nhưng là sai lầm tạo ra từ thiện chí. Những người bạn phản đối chiến tranh nghĩ tôi đang tỏ ra ngoan cố; những người khác, ít thân thiện hơn, thì nghĩ tôi bị hoang tưởng. Tôi sẽ nói với cả hai rằng: Hãy giữ tư duy cởi mở.
Trong khi tôi phải chấp nhận thực tế của những gì đã xảy ra khi loại trừ Sadda, những người có quan điểm khác phải chấp nhận rằng lẽ ra đã xảy ra thực tế rằng Saddam và các con vẫn nắm quyền ở Iraq. Nhìn vào lịch sử 25 năm cầm quyền của ông ta, liệu họ có dám nói với tôi rằng 5, 10, 15 hay 25 tiếp theo, tương lai đất nước ấy có thể sẽ sáng sủa hơn.
Tuy nhiên, tôi đang nhảy cóc. Hãy quay lại thời gian những năm 2001-2003 và bắt đầu lại. Có hai cách mô tả những gì đã xảy ra: một là xem xét bản chất của việc đưa ra quyết định; hai là xem xét trình tự thời gian của các sự kiện. Tôi sẽ bắt đầu từ bản chất của quyết định.
Trước hết, có lẽ bằng một cuộc đàm phán sơ bộ, chúng ta không nên coi giả thuyết về sự thông đồng là một phần của câu chuyện. Không có “lời nói dối” vĩ đại nào về WMD. Bạn có thể thẩm tra thông tin tình báo mà tôi nhận được trên rất nhiều website của Chính phủ. Các bản báo cáo từ Ủy ban Tình báo chung (JIC) đã được mở rộng qua nhiều năm và tất cả đều đồn đoán về một chương trình vũ khí hóa học và sinh học đang hoạt động. Có những người trong cộng đồng tình báo quốc tế tranh luận về phạm vi của chương trình, nhưng không ai tranh luận một cách nghiêm túc rằng nó có tồn tại. Nghị quyết 1441 của LHQ ban hành tháng 11 năm 2002, đã được nhất trí thông qua, cũng chỉ nói thế.
Nguyên nhân của điều này rất đơn giản. Vào năm 1981, Israel đã ném bom cơ sở nghiên cứu vũ khí hạt nhân ở Tuwaitha gần Baghdad, dựa trên bằng chứng xác đáng rằng đây là một phần của chương trình đang hoạt động và gia tăng nhằm tạo dựng tiềm năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Chương trình sinh học và hóa học được tiếp tục. Vào năm 1988, là một phần của chính sách Ả Rập hóa, trong đó có việc đưa người Kurd ra khỏi đất nước về phía bắc của Baghdad, đã có một vài vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào các làng người Kurd trong đó hơn 100.000 người đã bị giết, bao gồm cả một vụ tấn công vào Halabja khiến vài nghìn người bị tiêu diệt chỉ trong vòng một ngày.
Vào tháng 3 năm 1990, phóng viên Farzad Bazoft của tờ Observer bị treo cổ, nghi là do hoạt động gián điệp về các vụ lắp đặt quân sự. Là một phần của cuộc đình chiến sau Chiến tranh Vùng Vịnh theo sau cuộc xâm lược Kuwait của Iraq, các thanh sát viên vũ khí đã được cử đến Iraq để định vị và phá hủy kho đạn hóa sinh của họ. Phải nói rằng, người ta quan tâm đến việc sử dụng chúng đối với dân thường Iraq thì ít, mà phần lớn về tiềm năng sử dụng trong các tên lửa hỏa tiễn vốn từng được bắn vào Israel trong khoảng thời gian xung đột, dẫn đến nguy cơ sử dụng chúng trong các cuộc chiến rộng hơn trên quy mô khu vực.
Các thanh sát viên vũ khí đã liệt kê những vật liệu họ tìm thấy và cả những vật liệu họ không tìm thấy. Trong một báo cáo vào tháng 1 năm 1999, sau đó được trích dẫn rất nhiều, họ cho biết đã liệt kê một lượng lớn vật liệu WMD không được lý giải cặn kẽ.
Ngay từ đầu hành vi cản trở đã xảy ra. Vào tháng 3 năm 2003, khi xung đột bắt đầu, có ít nhất 17 lệnh cấm riêng biệt mà LHQ đã ban hành về việc Iraq từ chối hợp tác với các thanh sát viên. Năm 1998, đội điều tra đã bỏ đi để phản đối. Như tôi đã nói lúc đầu vào tháng 12 năm 1998 Tổng thống Clinton và tôi đã hợp thức hóa một cuộc không kích vào Baghdad với mục đích phá hủy các trang thiết bị. Việc làm này đã đạt được mục đích, nhưng không ai có thể dám chắc nó có hiệu quả. Những lời đồn đoán mạnh mẽ nổi lên, rằng chương trình này vẫn tiếp tục.
Tôi không biện minh cho xung đột năm 2003, mà nhớ lại một cảm giác giờ đây đã được găm sâu trong trí nhớ, về cảnh tượng Iraq dưới thời Saddam. Chính phủ của ông ta là một nguồn bạo lực và áp chế đáng kinh ngạc đối với đất nước; và là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn và xung đột trong khu vực. Một chút dư âm của việc này có thể được tìm thấy trong các báo cáo từ năm 1999.
Tình trạng nhân quyền ở Iraq đang trở nên tệ hại hơn, sự đàn áp quyền công dân và quyền chính trị vẫn không hề suy giảm. Chế độ thịnh hành với những vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống đi ngược lại nhiều ràng buộc quốc tế của Iraq và vẫn còn là mối đe dọa với hòa bình thế giới và an ninh khu vực. (Báo cáo Tạm thời của Max der Stoel, báo cáo viên LHQ về vấn đề Iraq từ 1991-1999, tại hội nghị lần thứ 54 của cuộc họp Đại Hội Đồng LHQ [UNGA], 14 tháng 10 năm 1999).
Những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra một cách hệ thống ở Iraq trong khi chính quyền Iraq đã tận dụng mọi cơ hội để công khai nỗi thống khổ của dân chúng dưới thời ban hành các lệnh cấm. Chính quyền đó đã thực hiện một hành động bưng bít toàn diện những thông tin về hành động dã man mà lực lượng an ninh của nó đã và đang tiến hành. (Báo cáo Ân xá Quốc tế, 24 tháng 11 năm 1999).
Vấn đề là trong khi không một điều nào trong đây biện minh cho chiến tranh, thì nó lại thực sự ẩn chứa điều ngớ ngẩn của quan điểm cho rằng Bush đã đánh dấu hiệu quả một mốc mới trên bản đồ và quyết định, một cách khó giải thích, sẽ tiến tới Iraq. Đúng là những gì xảy ra trong cuộc chiến vùng Vịnh đầu tiên, khi quyết định không tiến tới Baghdad được đưa ra sau khi khai trừ Iraq khỏi Kuwait, đã ảnh hưởng tới lối suy nghĩ của Mỹ. Quyết định như thế vì một lý do chính đáng đến hoàn hảo: theo sau vụ ngừng bắn vào tháng 3 năm 1991, Saddam dấn sâu hơn vào một cuộc đàn áp đẫm máu dân thường khiến hàng ngàn người dân vô tội bị chết và sự kìm kẹp của chính quyền quân phiệt đối với đất nước ngày càng được xiết chặt.
Thông qua chương trình đổi dầu lấy lương thực, cộng đồng quốc tế đã cố gắng giảm nhẹ đau khổ cho người dân. Một chương trình như vậy rất cần thiết bởi vì những lệnh cấm vẫn còn hiệu lực, chính xác là vì WMD và những nghi ngại khác liên quan đến Saddam. Nhưng nó không bao giờ thực sự có hiệu quả; ngân sách liên tục bị Saddam cùng các con trai và cộng sự thay nhau bòn rút. Kết quả, thực phẩm và thuốc men thường không thể lọt vào được để đến tay người dân.
Vấn đề về dầu lửa làm dấy lên một luận điệu mới: rằng tất cả mọi xung đột chỉ là vì dầu lửa. Mặc dù lý giải này nghe thật phi lý, nhưng nó vẫn có sức nặng thuyết phục và đến nay vẫn còn nhiều người ủng hộ. Thực ra, nếu dầu là mối quan tâm của chúng tôi, chúng tôi đã có thể nhanh chóng sắp đặt một thỏa thuận với Saddam. Ông ta còn có thể sẵn sàng hỗ trợ nhiều hơn vì đã gỡ bỏ các lệnh cấm và tránh được mối đe dọa từ các cuộc kiểm tra. Sau xung đột năm 2003 và theo một quy định của hiến chương LHQ, chúng tôi đã thiết lập một khung hoạt động do LHQ quản lý để đảm bảo rằng tiền thu được từ sản xuất dầu sẽ đến được với người dân Iraq. Và ngày nay, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, khoản tiền đó đang được sử dụng để tái thiết cơ sở hạ tầng cho người Iraq, trường học và bệnh viện; và là một lý do khiến bình quân GDP trên đầu người ở Iraq vào năm 2010 tăng gấp ba so với Iraq năm 2003.
Có lẽ lúc này là thời điểm thích hợp để giải quyết những cáo buộc nghiêm trọng rằng các lệnh cấm có tác dụng ngăn cản Saddam và vẫn có thể tiếp tục làm thế, do đó loại bỏ được mối đe dọa do hắn tạo ra. Vì thế, người ta lập luận, chiến tranh là không cần thiết.
Sự thật là cho đến năm 2001, khung chương trình của các lệnh cấm đã không còn thống nhất. Chính vì điều này mà các cuộc thảo luận được bắt đầu ở UNSC vào giữa năm 2001, yêu cầu một chính sách về các lệnh cấm thay thế. Saddam đã thành công trong việc lừa phỉnh người dân tin rằng các lệnh cấm có liên quan đến hoàn cảnh thống khổ của họ. Các lệnh cấm đã bị vi phạm. Hắn đã rút ra hàng tỉ đô-la mờ ám từ các dự án bán dầu.
Cuộc thảo luận tập trung vào cái được gọi là “lệnh cấm thông minh”, điều sẽ trở thành mục tiêu lớn hơn nữa. Lập luận rằng những ‘lệnh cấm thông minh’ này có thể đã khống chế Saddam không đứng vững trước phân tích tỉ mỉ hơn. “Lệnh cấm thông minh”, như ban đầu được nhận định, phụ thuộc chủ yếu vào việc những quốc gia xung quanh Iraq thay đổi chính sách và ngăn chặn việc rò rỉ hàng hóa và dịch vụ trái phép, vốn là một yếu tố chủ chốt làm suy yếu khung chương trình ban đầu. Tới lúc này, dự thảo đầu tiên của chính sách “lệnh cấm thông minh” bao gồm việc nghiêm cấm những hình thức kinh doanh như vậy và các giới hạn then chốt đối với Saddam.
Tôi không nghĩ là những lệnh cấm này đã từng có hiệu quả, ngay cả với những lệnh thay thế. Nhưng nếu không sử dụng chúng thì sẽ không còn cách nào khác. Trong khi cuộc thảo luận diễn ra, một vài quốc gia phản đối những điều khoản hà khắc hơn và chúng đã được loại bỏ. Đặc biệt, những lệnh cấm với các quốc gia lân cận đã bị loại bỏ. Theo như Kenneth Pollack viết trong cuốn sách của ông ta về chủ đề này, (The threatening storm: The case for invaliding Iraq – tạm dịch: Cơn Bão đe dọa: Lý do xâm lược Iraq), điều này đã biến chính sách trở thành trung lập. Ông ta nói rằng có một vài tiền đề để các lệnh cấm có thể hoạt động và kết luận rằng không điều nào trong số đó có thể xảy ra.
Không, dù đúng hay sai, chúng tôi cũng đã làm thế vì những lý do đã nêu và vì tư tưởng đằng sau những lý do này. Vậy: chúng là gì?
Nếu không có sự kiện 11 tháng 9, cuộc chiến Iraq có thể đã không xảy ra. Đôi khi người ta nghĩ điều này hàm nghĩa tôi ám chỉ Iraq là một mối đe dọa giống như Afghanistan, nghĩa là có một mối liên hệ với al-Qaeda. Nhưng thực tế không phải vậy. Đúng là một vài cá nhân trong hệ thống Mỹ đã nghĩ có tồn tại một mối liên hệ như thế. Cũng có rất nhiều thông tin tình báo cho biết al-Qaeda đã được Saddam cho phép vào Iraq vào giữa năm 2002 (với những hậu quả nghiêm trọng về sau) và rằng ông ta chắc chắn có chuẩn bị ủng hộ khủng bố, như việc chấp nhận trả tiền cho gia đình của những kẻ đánh bom liều chết người Palestine. Nhưng việc đánh giá mối đe dọa không dựa trên sự tài trợ của Saddam đối với chủ nghĩa khủng bố hay các nhóm khủng bố.
(Có một thông tin bên lề rất thú vị về điều này. Về sau nổi lên tin đồn rằng al-Zarqawi, người được ủy quyền của bin Laden, đã đến Iraq vào tháng 5 năm 2002, dự các cuộc họp với những người Iraq tiền nhiệm và thiết lập một cơ quan đại diện ở đó vào tháng 10 năm 2002. Tin tình báo này đến nay vẫn chưa bị bác bỏ. Có thể lẽ ra chúng tôi nên chú ý nhiều hơn tới tầm quan trọng của nó, nhưng chúng tôi đã quá chú ý đến việc tránh phát ngôn sai lầm về al-Qaeda và Saddam đến mức thành ra đánh giá nó quá thấp, ít nhất là về phía nước Anh.)
Mối liên hệ với sự kiện 11 tháng 9 cũng xuất hiện theo cách này. Cơn sốc thật sự từ cuộc tấn công làm 3.000 người chết – vụ tấn công khủng bố đơn lẻ tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới – là ở chỗ nó thể hiện hệ tư tưởng của al-Qaeda về sự phá hủy không giới hạn, rằng lẽ ra con số đó có thể là 30.000 hoặc 300.000, như chúng mong muốn. Đây không phải cuộc tấn công khủng bố được xác định nhằm đạt được mục tiêu có thể định hình và trong tầm với; nó là lời tuyên bố cho một cuộc chiến mang mục đích tôn giáo một mất một còn. Vì thế nó thuộc về một trật tự khác với bất cứ trật tự nào mà thế giới đã đối mặt trước đó.
Cùng thời điểm đó, vụ việc về WMD cũng lớn mạnh dần. Một lần nữa, lịch sử được viết lại để áp đặt mẫu hình tệ nhất có thể lên hành động đã diễn ra, hầu như có vẻ toàn bộ sự việc về WMD đã trở thành hành động can thiệp thuận tiện để biện minh cho một quyết định vốn đã được đưa ra. Thực ra, vấn đề làm giàu – và không chỉ làm giàu hạt nhân mà cả các vũ khí hóa học và sinh học – chính là nguồn gây ra căng thẳng leo thang thậm chí trước cả sự kiện 11 tháng 9. Vô số hiệp định và hiệp ước được ban hành thiếu tính bắt buộc. Những hoạt động của A. Q. Khan, nhà khoa học Palestine - người đã đưa Pakistan vào tình trạng chạy đua sử dụng vũ khí hạt nhân, là chủ đề trong nhiều cuộc thảo luận, tranh cãi và quan ngại sau cánh gà của giới tình báo. Công nghệ của ông ta rao bán. Chúng tôi chắc chắn rằng một số quốc gia như Lybia có sở hữu các chương trình hóa học hoặc sinh học hoặc hạt nhân đang hoạt động.
Sau ngày 11 tháng 9, người ta suy nghĩ thế này: nếu những nhóm khủng bố có thể tăng cường tiềm lực WMD, liệu họ có sử dụng nó không? Dựa trên dẫn chứng về ngày 11 tháng 9, thì câu trả lời là có. Vậy làm sao chúng ta có thể đóng cửa các hoạt động này? Làm sao chúng ta có thể gửi một thông điệp rõ ràng và sống động tới những quốc gia đang phát triển hay có thể sẽ phát triển loại tiềm lực đó rằng họ nên dừng lại? Làm sao chúng ta có thể cho thấy việc coi thường ý chí của cộng đồng quốc tế sẽ không được nhân nhượng thêm nữa?
Xét về mặt này, có một sự khác biệt không hữu dụng mà cũng chẳng khôn ngoan đang ngày càng phát triển. Thông thường và trước hết đối với trường hợp của Iraq, người ta sẽ nói: bạn đang theo đuổi sự thay đổi thể chế, hay là vũ khí WMD? Câu trả lời thực sự là một mặt, đây là những câu hỏi riêng biệt, nhưng mặt khác, tất nhiên, hai câu đó lại có liên quan tới nhau. Nếu Iran là một quốc gia dân chủ được lãnh đạo tốt đang có quan hệ hòa hảo với thế giới và đang muốn tăng cường tiềm lực về chế tạo vũ khí hạt nhân, thái độ của chúng tôi sẽ rất khác. Chúng tôi sẽ vẫn quan tâm và vẫn phản đối, nhưng ngữ cảnh của nguy cơ và mối đe dọa có thể được thay đổi đáng kể. Và nếu là quốc gia dân chủ, họ có thể đã không tìm kiếm một tiềm lực như thế. Nói cách khác, sự dự đoán nguy hiểm được phần nào điều khiển bởi sự đánh giá đối với chế độ cầm quyền. Theo một nghĩa rất sâu sắc, người ta đã tìm ra và đánh giá những tham vọng với WMD và đánh giá được những nguy cơ của nó chính trong chế độ của Saddam.
Một ví dụ cho lối tư duy rối ren này có thể được tìm thấy ở việc liên tục thông báo rằng trong khi nước Mỹ có chính sách thay đổi chế độ, nước Anh lại có chính sách liên quan đến WMD. Vì thế, người ta nói rằng, chúng tôi đang ở hai mặt khác nhau của một lập luận và cuối cùng nước Anh đã được kéo dần về phía lập trường của nước Mỹ.
Việc tham khảo Đạo luật Giải phóng Iraq năm 1998 do Tổng thống Clinton thông qua sẽ có tác dụng cung cấp thêm thông tin. Vào lúc đó, chính sách của Mỹ trở thành vấn đề thay đổi chế độ, nhưng nếu vậy − như đã nói rõ trong Đạo luật – là do vấn đề WMD và sự vi phạm hiến chương LHQ của Saddam. Nó không liên quan tới tư tưởng đạo đức chống lại Saddam; chính xác là nó nhằm giải quyết mối đe dọa WMD và làm khơi dậy ý chí của cộng đồng quốc tế thông qua hành vi bất tuân của hắn.
Vì thế, trong lúc hậu quả của ngày 11 tháng 9 còn dữ dội trên thế giới và tôi, trong vai trò người lãnh đạo, đang dự tính những nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai, khả năng những kẻ khủng bố phát triển được WMD luôn thường trực trong tâm trí tôi.
Đúng là, trên một số khía cạnh, bạn có thể nói rằng những nhóm như al-Qaeda và các chế độ như chế độ của Saddam không nằm trên hai mặt đối lập. Al-Qaeda nhằm vào các Chính phủ và thường là những Chính phủ trong thế giới Ả Rập. Các Chính phủ − và đặc biệt là những nền dân chủ độc tài − từ xưa đã không thích và không tin tưởng những kẻ hoạt động bên ngoài tầm ảnh hưởng của họ. Chủ nghĩa cuồng tín có hại cho hệ thống trị vì thông qua luật lệ được áp đặt bằng nắm tay sắt. Tất cả những điều này đã đúng và hiện vẫn đúng.
Nhưng tôi nghĩ rằng mình có thể nhìn sâu xa hơn, rằng ở một mức độ nhất định, dưới vẻ bề ngoài, vẫn có một liên minh được hình thành giữa những nước yếu thế và các nhóm khủng bố. Có một kẻ thù chung: phương Tây và các đồng minh của họ trong thế giới Ả Rập và đạo Hồi. Họ có chung một nỗi sợ hãi đối với văn hóa, thái độ và tư tưởng của người phương Tây. Điều này cũng có lý, vì sự dung nạp tư tưởng đó chính là mối đe dọa về vật chất đối với họ. Có một lý do khiến Saddam và tất cả các lãnh đạo Ả Rập đều khăng khăng chống lại bước đầu kiến thiết nền hòa bình cho người Saudi, được thiết lập bằng lòng dũng cảm của Thái tử Abdullah vào năm 2002. Hòa bình giữa Israel và Palestine là mối đe dọa với tất cả những người cực đoan, giống như ngày nay. Lẽ ra nó có thể mang ý nghĩa cùng tồn tại nhưng với những nhóm người như al-Qaeda, đây lại là một lời nguyền. Còn với những chế độ như của Saddam, đó là mối đe dọa. Một khu vực bình ổn, trên công cuộc cải cách, sẽ không phải là một khu vực dễ cai trị đáp ứng được ý nguyện của Saddam và các con trai mình.
Việc có chung một kẻ thù đã được củng cố bởi một loạt thái độ: sự thờ ơ đối với mạng sống con người; sự biện minh cho việc giết người hàng loạt để đạt được những mục đích đáng ghê tởm đối với hầu hết mọi người; và sự hào hứng viện dẫn tôn giáo và lịch sử của đạo Hồi để theo đuổi những mục đích như vậy.
Liệu một người như Saddam có muốn al-Qaeda trở nên lớn mạnh trong phạm vi Iraq? Chắc chắn là không. Liệu ông ta có chuẩn bị sử dụng họ bên ngoài Iraq? Rất có thể. Liệu có một nguy cơ thực sự của hành vi làm giàu vũ khí, không chỉ từ Iraq mà còn ở những chỗ khác, lọt vào các nhóm khủng bố vốn không hề chống đối việc sử dụng WMD? Chắc chắn, tôi đã nghĩ như vậy.
Thực ra, tôi vẫn nghĩ vậy. Đã bao lần tôi nghe thấy, xét về phía Chính phủ Iran, có người nói với tôi rằng người Shia sẽ không bao giờ hình thành liên minh với các nhóm người Sunni ở Trung Đông? Nhưng khi họ phát hiện ra rằng nó phục vụ một mục đích chiến lược, họ thực hiện – vì họ chia sẻ với những nhóm này niềm thích thú với tình hình bất ổn và sự căm ghét những giá trị ‘phương Tây’, điều mà họ xem như là một mối đe dọa lâu dài đối với sự khống chế quyền lực của mình.
Tôi cũng cảm thấy Trung Đông nên được xem như là một khu vực mà những vấn đề của nó liên quan mắt xích với nhau và gặp phải thách thức cơ bản: đất nước này đang cần cấp thiết một quá trình hiện đại hóa. Nó là sự hòa trộn đáng báo động của các thành phần gây nguy hiểm: một quan điểm lầm lạc về tương lai; một câu chuyện về đạo Hồi hiểu theo nghĩa tốt nhất là không đầy đủ và theo nghĩa xấu nhất là nguy hiểm; và được cai quản bởi những chính quyền lẽ ra có thể là đồng minh của phương Tây nhưng hóa ra lại nằm dưới áp lực nội bộ nặng nề. Các nhà lãnh đạo thường có động cơ tốt, nhưng lại cổ xúy những hệ thống bất ổn sâu sắc đến hiển nhiên. Vì thế các nhà lãnh đạo có thể rất cởi mở với phương Tây, nhưng xã hội của họ lại không thế. Cuộc đàm luận giữa những lãnh đạo trong thế giới đó và trong thế giới của chúng tôi có thể đi đến thống nhất về nhu cầu nhổ sạch tận gốc rễ chủ nghĩa cực đoan, nhưng cuộc chuyện phiếm trên đường phố của họ lại thường xuyên đại diện cho chủ nghĩa cực đoan đó.
Điều này được minh họa bằng thái độ với Israel. Các nhà lãnh đạo về cơ bản đều muốn hòa bình. Điều trước kia từng được dùng như một lời kêu gọi giờ đây lại trở thành khó chịu và hơn nữa trở thành một nguồn bất mãn nội bộ. Trong khi có lúc họ muốn tận dụng vụ việc, nhưng giờ chỉ muốn xử lý nó, “quét” nó khỏi đường đi, khỏi chương trình nghị sự. Và mặc dù tại thời điểm đó, Iran được xem là ít gây đe dọa hơn (một điểm họ sẽ đưa ra để chống lại cuộc chiến Iraq), thậm chí từ lúc đó đã có một sự lo lắng không ngừng về tầm ảnh hưởng và ý định của Iran. Họ có thể không thích Israel, nhưng không bao giờ lo sợ nó. Iran là một nỗi lo âu của tất cả những trật tự khác.
Nhưng, dù chỉ đọc lướt các tiêu đề báo chí địa phương ở Ả Rập cũng cho thấy, ở mức độ đường phố và giữa những bài bình luận của giới tri thức, Israel bị căm ghét. Nó trở thành một phương tiện để truyền dẫn nhu cầu thay đổi chủ quan, bằng cách tập trung năng lượng và cam kết chính trị vào một mục đích khách quan, một sự bất công không chỉ với người Palestine mà cả với đạo Hồi ở bất cứ đâu, một bằng chứng quan trọng và bền bỉ cho thấy phương Tây không thân thiện với lợi ích của người theo đạo Hồi và với chính đạo Hồi.
Như tôi đã lập luận trên đây, sự kết hợp dễ gây kích động nhất mà giới chính trị biết đến là một dân tộc phải đối mặt với lựa chọn giữa Chính phủ không dân chủ nhưng có tư tưởng đúng và phong trào phổ biến có tư tưởng sai. Sự lựa chọn đó luôn luôn xuất hiện trong và ngoài phạm vi khu vực. Trong trường hợp của Saddam, điều này gần như đảo lộn, có nghĩa là tầm ảnh hưởng của hắn trong khu vực vừa tiêu cực vừa phản tiến bộ với những người muốn đưa người dân của họ vào cuộc hành trình tới tương lai như nhiều nước vùng Vịnh.
Tôi nhìn vào tình hình khu vực và cảm thấy các cơ hội cho một cuộc thay da đổi thịt chắc chắn là không cao, thậm chí còn tệ hơn nếu Saddam vẫn còn quyền lực. Tôi chưa bao giờ thực sự hiểu thuật ngữ ‘neocon’ nghĩa là gì. Trước sự sửng sốt của tôi, người ta giải thích rằng: Nó có nghĩa là sự áp đặt nền dân chủ và tự do, điều mà tôi cho là kỳ cục vì nó giống như bản chất đặc trưng của sự “bảo thủ’’. Nhưng qua phân tích, nó thực sự là một quan điểm cho rằng sự đổi mới toàn bộ là bất khả thi, rằng khu vực cần được tái sắp xếp một cách cơ bản.
Thông điệp liên bang của George Bush vào tháng 1 năm 2002 nổi tiếng với nhận định về ‘‘trục ma quỷ’’, nối Iran, Iraq, Syria và Bắc Triều Tiên với nhau. Nó cho thấy nước Mỹ đã quyết tâm thay đổi thế giới, chứ không chỉ lãnh đạo nó; và, như trường hợp Afghanistan đã minh chứng, có thể huy động vũ lực nếu cần.
Từ phương diện của tôi, có hai điểm bất lợi đối với cách thể hiện luận đề của những người ủng hộ thông điệp này. Thứ nhất, bằng cách gói nó trong ngôn ngữ đảng phái – ‘‘neocon’’ – nó sẽ gây ra những vấn đề hiển nhiên cho những người đến từ phe tiến bộ trong giới chính trị, như tôi chẳng hạn. Thứ hai, như đã nói trong bài diễn thuyết tại hội nghị tháng 9 năm 2001, tôi tin rằng hiến chương về vấn đề của người Palestine có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt để giải quyết cuộc chiến ở quy mô rộng này. Nó không châm ngòi cho chủ nghĩa cực đoan, nhưng việc giải quyết nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện của trận chiến loại bỏ nó.
Tuy nhiên, khi đặt các vấn đề này sang một bên, tôi đã đi đến cùng một kết luận từ lập trường tiến bộ, giống với George từ lập trường bảo thủ, rằng khu vực này cần một sự thay đổi cơ bản và sự thay đổi này phải mang một tính chất mới. Vào những năm 1980, chúng tôi đã trang bị vũ khí cho Saddam vì chúng tôi có những kẻ nổi loạn ở Afghanistan, để có thể ngăn chặn Iran và Liên Bang Xô Viết. Đây là một bước tiến khôn ngoan nhưng lại là một sai lầm trong chiến thuật. Nhưng lần này, chúng tôi sẽ mang lại dân chủ và tự do, trao lại quyền lực cho người dân, giúp họ xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi sẽ không đem đến những chủ nhân mới, mà đem đến cơ hội để họ trở thành chủ nhân, cũng giống như nhân dân của chúng tôi là chủ nhân của chúng tôi vậy.
Và chẳng phải chúng tôi đã chứng minh lý tưởng đó thực tế có thể đạt được hay sao? Ở Afghanistan người ta đang chuẩn bị cuộc bầu cử đầu tiên và Taliban ở thời điểm đó dường như đã bị trục xuất hoàn toàn. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của tôi, chúng tôi đã lật đổ Milosevic và thay đổi bộ mặt của Balkans. Ở Sierra Leone, chúng tôi đã cứu và sau đó giúp bình ổn nền cộng hòa sau những thiệt hại từ các cuộc chiến tranh kim cương. Chúng tôi có sức mạnh quân đội của nước Mỹ, chưa kể đến Anh và các nước khác. Saddam không có đường nào để chống trả: hắn chỉ có thể chịu thua, hoặc ra đi một cách tự nguyện, hắn nên biết rằng lựa chọn còn lại là sự tiêu trừ không tình nguyện.
Vì vậy, nếu có một thông điệp cần gửi về sự phản đối của cộng đồng quốc tế, nó nên được gửi cho Iraq. Nếu có một chính quyền có bản chất đáng lên án và thiên hướng gây xung đột quá rõ ràng, đó sẽ là chính quyền của Saddam. Nếu có một dân tộc đang cần được giải phóng, chắc chắn đó là Iraq.
Chuyện hóa ra không diễn ra theo cách đó. Chính xác là vì gốc rễ của cuộc chiến trên quy mô rộng hơn này bắt nguồn rất sâu, chính xác vì nó là một cuộc chiến bản năng sống còn giữa những người theo thuyết hiện đại hóa và những kẻ phản động, chính xác là vì điều đã và đang trên bờ vực của đổ vỡ chính là toàn bộ tương lai của đạo Hồi – căn nguyên cho niềm tin, câu chuyện của nó về chính mình và ý thức về vị thế của nó trong thế kỷ XXI – chính xác là vì tất cả những điều này, không thể có chuyện những thế lực phản đối hiện đại hóa và cũng là phản đối chúng tôi, lại có thể buông tha lãnh thổ của họ một cách dễ dàng. Họ sẽ chiến đấu như thể sự tồn tại của họ phụ thuộc vào nó, bởi vì nó đã và đang phụ thuộc. Hãy để những giá trị của nền dân chủ tự bắt rễ; hãy để sự phát triển do phương Tây đầu tư giúp đất nước thịnh vượng; giúp cho người dân ở chính thế giới Ả Rập nhìn thấy lợi ích khi sự hiện đại tiếp cận công việc đại, niềm vui và cuộc sống và câu chuyện về phương Tây như những kẻ thù, những kẻ vô đạo, phải sụp đổ và được nhìn nhận như một điều nhảm nhí phục vụ những kẻ tư lợi.
Và chúng sẽ chiến đấu, sử dụng một vũ khí mà hầu như bất cứ Chính phủ nào, ngay cả Chính phủ có truyền thống lâu đời nhất, cũng không thể đối phó: nạn khủng bố. Sự thật là tình trạng nổi loạn giữa những nhóm người Sunni, chưa kể đến một số vụ tấn công khủng bố có nguy cơ cao được xen vào, tuy phá hoại nhưng vẫn có thể kiểm soát. Điều đã thúc đẩy cơn đại hồng thủy này và gần như bẻ đôi đất nước chính là những cuộc tấn công khủng bố bừa bãi do al-Qaeda cầm đầu ở các chợ, các khu mua sắm và thậm chí ở chính các nhà thờ Hồi giáo, giết hại số lượng lớn những dân thường vô tội, làm lan tỏa nỗi sợ hãi và hoảng loạn; kết thúc bằng những vụ tấn công chọn lọc đặc biệt hướng vào những đền thờ và thánh địa của người Shia và chính dân thường Shia. Những cuộc tấn công đó được thiết kế để đổ thêm dầu vào ngọn lửa chia rẽ bè phái.
Nếu để riêng lẻ, chính khủng bố cũng có thể bị đánh bại. Nhưng điều đã tiếp thêm cho nó sức mạnh hủy diệt đó là nạn khủng bố kết hợp với sự hình thành tầm ảnh hưởng của Iran giữa những nhóm người Shia cực đoan và cuối cùng với al-Qaeda, những người đã sử dụng khủng bố và sau đó là những thiết bị phát nổ ứng biến (IED) để chống lại Anh, Mỹ và các lực lượng khác, dẫn tới sự suy giảm lực lượng trợ giúp cho toàn bộ chiến dịch. Chúng tôi lẽ ra đã có thể bắt đầu chiến đấu với Saddam; nhưng cuối cùng chúng tôi lại phải đối phó với chính những lực lượng phản ứng mà chúng tôi đang chiến đấu ở mọi nơi trong khu vực, bên ngoài khu vực và thậm chí trên chính đường phố của chúng tôi.
Nói cách khác, nếu để một mình, đất nước có thể đã tự xoay sở. Điều khiến cho nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn, thậm chí gần như bất khả thi, chính là những hoạt động của thế lực bên ngoài, khăng khăng đẩy mạnh sức tàn phá và sự náo loạn. Cả al-Qaeda và Iran đều biết điều gì ở Iraq đang gặp nguy hiểm. Nhưng không ai trong số họ để yên cho đất nước đó tự bình ổn mà không cần chiến tranh và đến khi ý chí của chúng tôi suy yếu, ý chí của họ lớn mạnh. Sau đó nhờ quyết định thúc đẩy mạnh mẽ của Bush – mà thế cân bằng của ý chí chiến thắng mới được chuyển lại về phía những lực lượng dân chủ và hiện đại hóa.
Cục diện vấn đề thực sự rất khó khăn, khó khăn hơn sức tưởng tượng của bất cứ ai. Tuy nhiên, những hậu quả sau chiến tranh đã ‘chứng tỏ’ rằng việc tiễu trừ Saddam là sai. Chúng tôi loại bỏ Saddam. Người dân được trao cơ hội về một quá trình dân chủ được LHQ bảo trợ và một khoản tiền lớn để xây dựng đất nước của mình. Họ muốn nhận nó và tỏ rõ nguyện vọng qua cuộc bầu cử. Tuy nhiên, việc loại bỏ Saddam lại cho các lực lượng khủng bố và chống dân chủ một cơ hội phá hủy đất nước. Điều này gây ra một cuộc chiến đẫm máu. Vì thế, người ta cho rằng hãy để Saddam đó. Do đó, người Iraq, hơi giống với người Afghanistan, được tặng một lựa chọn: bị cai trị bởi kẻ độc tài tàn bạo mà họ đang có, hay bị thống trị bởi những kẻ khủng bố, những kẻ sẽ ban hành nền độc tài của riêng mình. Vì vậy họ có thể phải sống dưới một nền chuyên quyền muôn thuở hoặc một nền cai trị bằng tôn giáo.
Như một người Iraq đã nói với tôi trong chuyến thăm tới Baghdad ngay trước khi tôi rời sở nhiệm: “Vậy ý các ông (ý chỉ các nhà phê bình phương Tây) là: Chúng tôi có thể có Saddam hay bị những kẻ khủng bố thống trị; tại sao chúng tôi không thể có những gì các ông có? Đương nhiên chúng tôi đã phải đánh bại Saddam; giờ chúng tôi phải đánh bại khủng bố. Nhưng bắt buộc phải có một lựa chọn tốt hơn cho tương lai của chúng tôi”.
Rắc rối ở chỗ kẻ thù mà chúng tôi đang chiến đấu ở Iraq và Afghanistan đã tìm ra một khía cạnh rất quan trọng trong tâm lý người phương Tây hiện đại: chúng tôi muốn các cuộc chiến của mình diễn ra ngắn gọn và thành công. Nếu chúng đẫm máu, kéo dài và thiếu chắc chắn, ý chí của chúng tôi sẽ suy yếu. Đặc biệt, sự mất mát của những người lính đã làm chúng tôi thoái chí và tuyệt vọng. Thay vì khơi gợi những cảm xúc tức giận, quyết tâm hay thậm chí là báo thù, nó gợi lên cảm giác về một nỗi đau không xứng đáng, về một cuộc chiến nặng trĩu thương đau. Và tất nhiên trong kỷ nguyên truyền thông đại chúng ngày nay, nó được phát đi ngay lập tức, trong đời thực – và trong đời thực, chiến tranh chưa bao giờ là một điều gì khác ngoài sự kinh hoàng. Mỉa mai thay, người cuối cùng ngã lòng chính là những chiến binh, những người lính tình nguyện gia nhập quân đội và những người muốn quân đội sẵn sàng chiến đấu. Nhưng công luận đã quá mệt mỏi, cảm xúc của họ cạn kiệt còn tinh thần thì suy sụp. Kết quả của cuộc chiến ở Iraq kéo theo sự sa sút ý chí chết người và chỉ có thể được phục hồi bằng quyết tâm nhảy vọt để tránh rơi xuống vực thẳm ở người Iraq.
Thực tế là, ở Iraq đã tồn tại hai xung đột: một xung đột tương đối ngắn nhằm loại bỏ Saddam và một xung đột kéo dài nhằm giải quyết những hậu quả sau chiến tranh do các hoạt động gây bất ổn của khủng bố gây ra. Chính ở xung đột thứ hai này, vô số thương vong khủng khiếp đã xảy ra, cả với những dân thường vô tội theo đạo Hồi ở Iraq và cả với lính Mỹ, Anh cũng như quân đồng minh. Nhưng nhượng bộ một hành vi khủng bố được tuyên truyền rộng rãi và hướng dẫn tỉ mỉ như vậy có thể gây ra một thoái trào mang tính thảm họa, khơi mào cho một cuộc chiến lớn hơn.
Vì thế lập luận này đã gây tranh cãi dữ dội vào lúc đó và vẫn còn gây tranh cãi đến tận bây giờ. Lịch sử sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Còn tôi không tìm kiếm thỏa hiệp mà chỉ tìm kiếm sự thấu hiểu rằng các lập luận ủng hộ và bác bỏ đã và đang tỏ ra cân bằng hơn những gì mà sự thông thái phổ biến gợi mở.
Đây không phải là Suez, nơi mà vào năm 1956 Anh và Pháp đã đi ngược lại ý muốn của Mỹ, tìm cách lật đổ Nasser nhưng thất bại. Đây cũng không phải Việt Nam, nơi cuộc chiến chính nghĩa xảy ra và những người nổi dậy giành được phần thắng.
Ảnh hưởng tới các chính quyền khác tại thời điểm hành động chính là điều bị lãng quên trong tất cả những điều ồn ào xung quanh cuộc chiến ở Iraq. Vào đầu năm 2003, Lybia bắt đầu đàm phán để loại bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và hóa học, cuối cùng đã tập hợp và tiêu hủy toàn bộ chúng. Vào tháng 10 năm 2003, lần đầu tiên kể từ tháng 8 năm 2002, Iran, ban đầu bị bất ngờ trước hành động của Mỹ, đã quay lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của mình. Bắc Triều Tiên quay lại các cuộc đối thoại sáu bên theo yêu cầu của Tổng thống Bush. Các hoạt động của A. Q. Khan đã trở thành mục tiêu của phong trào cấp tiến của Chính phủ Pakistan và cuối cùng phải đóng cửa. Những kẻ làm giàu và cung cấp vật liệu WMD đã ngay lập tức co vòi lại. Hậu quả bất lợi từ thái độ không khoan nhượng của người Mỹ rất phổ biến, nhưng cũng có cả những kết quả quan trọng và ôn hòa. Người ta đoán rằng Bush đủ bản lĩnh để làm bất cứ điều gì nên họ cẩn trọng hơn. Như tôi được biết từ các cuộc nói chuyện riêng với các nhà lãnh đạo trong thế giới Ả Rập, phản ứng của họ vào lúc đó, dù công chúng đang ở vị trí nào, cũng là thái độ ngầm chấp thuận đối với một nước Mỹ tỏ ra không chấp nhận mưu đồ đen tối của bất cứ ai. Khi xung đột tiếp tục và tâm trạng dân chúng thay đổi, sự đồng thuận cũng thay đổi theo; nhưng họ không bao giờ muốn một Tổng thống Mỹ yếu đuối. Họ hiểu rõ khu vực của mình và cũng đôi chút lo sợ rằng điều Mỹ có thể làm không phải là điều xấu.

Trình tự thời gian của các sự kiện dẫn tới tháng 3 năm 2003 được đánh dấu bởi sự hình thành xung đột diễn ra một cách ổn định. Trạng thái tâm lý của người Mỹ từ sau sự kiện 11 tháng 9 đã thay đổi triệt để và cơ bản. Chủ nghĩa cực đoan nằm trong đạo Hồi, dựa trên sự xuyên tạc sự thật của nó, đã tuyên bố chiến tranh với Mỹ. Thậm chí hơn cả những người đứng ngoài như tôi, giới chức Mỹ hiểu rõ: chúng tôi phải có một cái nhìn mới mẻ hoàn toàn đối với thế giới. Những nước nuôi chứa hay cứu viện cho khủng bố chính là những kẻ thù tiềm năng hay các nước tham gia vào hoạt động WMD cũng vậy. Khả năng hai phe này quy về một mối − những kẻ khủng bố và những quốc gia được gọi là ‘hai mặt’ cùng phát triển vũ khí hạt nhân, hóa học hay sinh học – là một nguy cơ lớn khó lường trước được. Trong một động thái ít được biết đến tại hội nghị G8 năm 2002, các quốc gia chủ chốt đã nhất trí sử dụng hàng tỉ đô-la để bảo vệ hoặc loại bỏ những kho sản xuất WMD trước kia của liên bang Xô Viết. Mỗi quốc gia đều đồng ý triển khai và trên thực tế đã triển khai Đạo luật chống khủng bố đầy đủ, xiết chặt điều luật về rửa tiền có thể được liên kết với hoạt động thương mại trong khủng bố hay WMD và chống lại bất cứ nhóm nào có âm mưu xúi giục, thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan.
Trong cuộc họp đầu tiên với George vào tháng 2 năm 2001 ở trại David, vấn đề Iraq đã được nêu lên nhưng không có thái độ thúc bách trong bối cảnh ban hành sắc lệnh trừng phạt mà tôi nói trên đây. George đã xác định thiết lập một nền tảng quyền lực cánh tả ở Mỹ, có khả năng giúp ông ta duy trì qua hai nhiệm kỳ và được tập trung đặc biệt vào giáo dục và cải cách thuế. Chúng tôi tiến hành khá thuận lợi, nhưng cũng khá thận trọng. Thực ra, Cherie có lẽ đã làm việc đó suôn sẻ với Laura Bush hơn là tôi làm với George lúc đầu. Tôi có thiện cảm với Laura ngay lập tức – Đệ nhất phu nhân là người khiêm tốn, không giả tạo, nhưng ẩn chứa sức mạnh thực chất rất dễ nhận ra dưới vẻ bề ngoài. Việc được đón nhận vào một gia tộc quyền lực như vậy hẳn không dễ dàng và Barbara hẳn phải là một bà mẹ chồng rất nghiêm khắc (dù rằng vẫn còn đáng yêu hơn hẳn hình ảnh đôi khi được thể hiện trước công chúng). Laura sở hữu niềm tin thầm lặng và sâu lắng vào bản thân, điều đã tạo cho bà sự cứng rắn, gai góc khi đối mặt với những thử thách phía trước.
George rất hài hước, khiêm tốn và tự nhiên một cách vô cùng cuốn hút, nhưng thật sự ông ấy khá bảo thủ trong khi tôi lại khá cấp tiến. Chúng tôi hiếm khi thống nhất được với nhau về một vấn đề xã hội nào đó; về vấn đề biến đổi khí hậu, chúng tôi thậm chí ở hai thái cực đối lập.
Đó không phải lần đầu tiên tôi đến Trại David – tôi đã từng đến đó với Bill, nhưng điều này cũng khiến việc đó trở nên kỳ quặc. Lần trước, Bill và tôi đã ngồi dưới ánh nắng mặt trời tháng 2 năm 1998, tranh luận xem làm thế nào để trung tâm cánh tả có thể tự đưa mình thoát khỏi tình trạng vĩnh viễn thiếu hụt những bứt phá quyền lực ngắn ngủi trong một Nhà nước bảo thủ quá bình lặng. Đây chính xác là kiểu đối thoại đầy nhiệt huyết, có tính trí tuệ và nhận thức mà Bill yêu thích và tôi liên tục học hỏi thêm được từ ông, bổ xung thêm phân tích của riêng mình và liên tục ngạc nhiên xen lẫn can đảm hơn mỗi khi suy nghĩ của chúng tôi tương đồng.
George không hề như vậy, điều này không phải là do ông ấy không thông minh; trái lại ông là người rất thông minh. Một trong những bức biếm họa lố bịch nhất về George đó là bức vẽ thể hiện ông trong vai một kẻ ngốc sẩy chân rơi vào chức Tổng thống. Không có ai lại “sẩy” chân rơi vào một vị trí như thế và lịch sử của các cuộc tranh cử Tổng thống ở Hoa Kỳ được rải đầy những thất bại của những người thông minh nhưng thua cuộc bởi trên chính trường, thông minh thôi thì không đủ. Không ai kém thông minh lại có thể sống sót qua thử thách của cuộc tranh đấu tay đôi trong chín tháng bầu cử vốn thường kéo theo vài năm cố gắng cật lực. Điều này cũng tương tự như chính trị ở Anh, nhưng thêm một lý do khác: Các cuộc chất vấn của bộ trưởng. Một kẻ ngốc không thể sống sót sau một phiên họp. Để sống sót và ngẩng cao đầu trong một khoảng thời gian dài – giả dụ một năm là lãnh đạo Phe đối lập – bạn phải thông minh, vượt qua một bài kiểm tra trí tuệ cơ bản một cách xuất sắc, nếu không, bạn sẽ bị ăn tươi nuốt sống.
Nhưng để thành công trên chính trường Mỹ hay Anh, bạn cần không chỉ sự thông minh mà phải có khả năng kết nối và lí giải chính xác sự kết nối đó bằng ngôn ngữ đơn giản. Sự đơn giản của ngôn ngữ dẫn người ta đến việc bỏ qua phần trí tuệ trong đó. Reagan rất thông minh. Thacher rất thông minh. Và đôi khi sự đơn giản thuần túy lại chạm đến một điều rất khác – sự đơn giản – sản phẩm của một bản chất quyết đoán. Sự đơn giản đó có thể thúc đẩy; hoặc cũng có thể bỏ qua sự phức tạp của vấn đề; và có thể, tất nhiên, đôi khi dẫn tới một quyết định sai lầm. Nhưng nó không sinh ra từ sự thiếu trí tuệ. Bạn có thể làm sáng tỏ một quyết định và hành động trong những trường hợp yêu cầu sự minh bạch như thế, vừa mạnh mẽ vừa bổ ích. Có những nhà lãnh đạo trăn trở quá nhiều; những người muôn đời suy đi tính lại; những người mà sự cân nhắc của họ có thể trở thành cái kết cho chính nó và sự thay thế cho tính minh bạch của quyết định. Tất nhiên việc suy nghĩ trước khi làm là rất tốt, nhưng quá trình suy nghĩ cũng cần một thời lượng nhất định và ngay sau đó phải là hành động. Điều này vốn đã đúng, nhưng nó còn đúng hơn nữa bởi vì khi lãnh đạo một đất nước, hay thực ra khi lãnh đạo bất cứ một tổ chức nào, chậm trễ trong việc đưa ra hành động là một việc làm để lại nhiều hậu quả. Không hành động là một quyết định nhằm duy trì hiện trạng. Việc duy trì hiện trạng cũng có kết quả nhất định và thường có cả ý đồ riêng. Vì vậy việc loại bỏ Saddam có một hệ quả khổng lồ. Không loại bỏ ông ta cũng không vì thế mà tránh được hệ quả. Chúng ta có thể tranh luận về bản chất của hệ quả xem nó có thể sâu sắc tới mức nào, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, hệ quả xảy ra là tất yếu.
George có một sự đơn giản tuyệt đối trong cách nhìn nhận thế giới. Dù đúng hay sai, nó cũng dẫn tới lối lãnh đạo quyết đoán. Bạn có thể bất đồng gay gắt với các quyết định, nhưng bạn phải biết rằng điều đối lập cũng có những vấn đề của riêng chúng.
Khi chúng tôi ngồi ngoài tòa nhà chính của trại David, trên ban công dưới ánh mặt trời tháng 2 và nói chuyện trên cơ sở ‘tìm hiểu lẫn nhau’, tôi thấy George khác Bill một trời một vực nhưng cũng rất cương quyết, rõ ràng và biết chính xác mình muốn gì.
Chuyến viếng thăm trại David chính là kỳ nghỉ chào mừng trong lúc tôi chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2001, dù ngay sau đó nó bị trì hoãn do bệnh dịch lở mồm long móng gia súc. Tôi đã trải qua một thời gian khó khăn theo đuổi các cuộc biểu tình phản đối thuế nhiên liệu, dẫn trước ít nhất 10 điểm trong các cuộc bỏ phiếu thăm dò và cảm thấy vững tin ở chính mình. Tôi có thể thấy rõ George đang hợp tác với tôi với mong đợi rằng có thể tiếp tục hợp tác với tôi một năm sau đó. Vì vậy cả hai chúng tôi đều muốn tiếp tục thỏa hiệp với nhau.
Trại David được xây dựng trên địa hình khá cao của khu rừng xung quanh Công viên Núi Catoctin với phạm vi hơn 140 héc ta. Nó là một chuỗi những căn nhà gỗ, đậm chất Mỹ và được xây rất kiên cố. Các tòa nhà chính; nhà ăn của Tổng thống, một rạp chiếu phim (nơi chúng tôi đã xem bộ phim Meet the Parents) và vô số phòng làm việc và giải trí. Nó được trang bị rất đầy đủ. Nó vẫn có nét của một trang trại, nhưng khi cần lại có thể biến hóa rất nhanh thành một rạp hát.
Tôi rất thích nơi ấy. Khu trại này có rất nhiều sân chơi để đi dạo xung quanh, những lối đi uốn lượn quanh các gốc cây. Giới truyền thông bị chặn ở phía ngoài và chỉ được phép vào khi có họp báo. Có một phòng tập thể dục và một nhà thờ nhỏ và đồ ăn ở đây rất ngon. Đây là một nơi rất tuyệt để thư giãn và lập kế hoạch và chỉ cách Nhà Trắng một chuyến trực thăng ngắn, vì vậy những điểm hấp dẫn của nó càng được phóng đại gấp bội.
Những tháng sau chuyến viếng thăm ấy (chuyến đi thực tế thú vị), tôi thậm chí còn nghĩ về vấn đề Iraq nhiều hơn Bush.
Từ sau cuộc ném bom vây ráp vào Baghdad tháng 12 năm 1998, đã có hàng loạt những hoạt động quân sự / phi quân sự và hoạt động ngoại giao nhằm vào Saddam, dù không mấy thành công. Sau cuộc tái đắc cử của tôi vào tháng 6 năm 2001, đã có một cuộc thảo luận kéo dài giữa Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nga về chế độ của những lệnh cấm mới nhằm yêu cầu Saddam cho phép các thanh sát viên LHQ quay lại Iraq. Người ta liên tục quan ngại về các lợi ích kinh tế của Nga. Khi Vladimir Putin và tôi thảo luận các lệnh cấm tại Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Genoa vào tháng 7 năm 2001, ông ấy đã nói đùa rằng mình ủng hộ họ, với điều kiện chúng tôi phải bồi thường cho ông ấy 8 tỉ đô-la mà Iraq nợ Nga.
Mỹ có kế hoạch lặp lại các hoạt động năm 1998 nếu Saddam từ chối tuân thủ, nhưng về bản chất toàn bộ bối cảnh là sự ổn định chứ không có áp lực ngoại giao khẩn cấp, với chính tôi là người kiên quyết nhất ủng hộ biện pháp mạnh, dù tôi cũng chưa nghĩ đến việc loại bỏ Saddam bằng vũ lực.
Vào tháng 7 năm 2001, tôi thậm chí đã viết thư cho Thủ tướng Khatami của Iran để cảm ơn sự hỗ trợ của ông ấy cho bản thảo nghị quyết của chúng tôi về vấn đề Iraq. Tôi từng được nghe rằng Khatami đề nghị một cơ hội rất thực tế cho việc tái lập quan hệ của chúng tôi với Iran và đưa nước này quay lại nhóm quyền lợi. Tôi đã hoài nghi nhưng cũng vui lòng thử.
Tháng 8 năm 2001, các sĩ quan quân đội Mỹ và Anh đi tuần trên vùng cấm bay ở miền Nam Iraq đã thông báo rằng mối đe dọa tới máy bay của liên minh đang gia tăng rõ rệt và tới cuối tháng 8, máy bay F-16 của Mỹ đã hoạt động trên không phận Basra nhưng không chiếc nào làm huyên náo giới truyền thông.
Với cuộc tấn công vào New York và Washington vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, tất cả những điều này đã thay đổi. Như tôi đã giải thích trước đây, đột nhiên toàn bộ bản chất của mối đe dọa về an ninh đảo lộn hoàn toàn: từ mức độ thấp tới mức độ quan trọng nhất; từ mối đe dọa có thể giải quyết được qua thời gian, tới mối đe dọa khẩn cấp, ngay lập tức, gây áp lực và có độ chi phối lớn.
Trong nháy mắt, thái độ của người Mỹ thay đổi. Saddam khiến người ta gợi nhớ về những cuộc chiến đau lòng đã qua, một kẻ thù mà chúng tôi đã đánh bại nhưng vẫn hiện hữu trong nỗi đau của rất nhiều người. Nhưng người ta đã không coi ông ta là một mối đe dọa. Mối đe dọa trực tiếp không hề gia tăng, nhưng ông ta hiện ra trong niềm tin của người Mỹ về một cuộc tấn công đã gây ra nhiều chấn động, đi kèm với những ẩn ý nghiêm trọng về một thế giới cần được thiết lập lại. Những quốc gia có chính quyền từng không được ưa chuộng nhưng vẫn được chịu đựng, chỉ sau một đêm đã trở thành kẻ thù tiềm ẩn cần đối phó, cần được yêu cầu thay đổi thái độ, hoặc thay đổi chính quyền.
Trên hết, đó là cảm giác báo động. Trong thời gian này, “không hành động” thực ra chính là “một hành động” với những hậu quả gây ra có thể nguy hiểm khôn lường. Tại thời điểm đó, nỗi sợ sự phán xét của lịch sử không phải là nỗi sợ kèm theo hành động, mà là không hành động. Làm thế nào để thay đổi thế giới là một thách thức lớn cần câu trả lời; nếu không trả lời hoặc không đưa ra được quyết định cho câu hỏi đó, sẽ bị xem là một nguy cơ lớn hơn, trên quy mô rộng hơn.
Câu hỏi đặt ra ngay lúc đó là làm sao để giải quyết bin Laden, al-Qaeda và Taliban, nhưng rõ ràng Mỹ đang linh hoạt tiếp cận những vấn đề rộng hơn liên quan đến WMD. Vào tháng 11 năm 2001, Tổng thống Bush ban hành một cảnh báo chung công khai tới những Chính phủ đang phát triển WMD; và đặc biệt tới Iraq, để đưa các thanh sát viên quay lại. Một nhóm thượng nghị sĩ liên đảng đã nhắc nhở ông trong một lá thư có lời lẽ gay gắt vào đầu tháng 12 năm 2001, yêu cầu loại bỏ Saddam, rằng chính sách của Mỹ là sự thay đổi chính quyền.
Vào tháng 1 năm 2002, Saddam bắt đầu quá trình mở lại các cuộc đàm phán với LHQ liên quan đến các thanh sát viên vũ khí dưới áp lực từ nhiều phía. Nhưng sự tuân thủ của ông ta đối với hiến chương LHQ chỉ ở mức tối thiểu, như trong bảng sau, bảng này được tổng hợp cho cuộc thảo luận cho phía PLP ở cuộc họp Nội các vào tháng 7 năm 2002.
Bảng đề cập đến những yêu cầu mà Iraq phải đạt được dựa trên rất nhiều hiến chương của Hội Đồng Bảo An LHQ và bằng chứng tuân thủ của chính quyền.
Yêu cầu Iraq có hợp tác không?
UNSCR 66I – 6.8.1990
Iraq phải tuân theo Nghị quyết SCR 660 (Rời Kuwait)
Lệnh cấm vận thương mại ở Iraq, ngoại trừ lĩnh vực năng lượng và y tế Liên minh 37 quốc gia bị trục xuất khỏi Iraq
Không
UNSCR 686 – 2.3.1991
Iraq phải trả lại toàn bộ tài sản cướp được từ Kuwait. Không
UNSCR 687 – 2.4.1991
Iraq phải tôn trọng biên giới với Kuwait theo thỏa thuận năm 1963.
Iraq phải chấp nhận việc phá hủy, di dời và giao nộp toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình.
Iraq phải công bố toàn bộ các giai đoạn liên quan đến quá trình xây dựng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Iraq phải hợp tác với các thanh sát viên INMOVIC và IAEA.
Iraq phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho những tổn thất trực tiếp do cuộc xâm lược Kuwait của mình.
Iraq phải phối hợp tìm kiếm các nạn nhân mất tích người Kuwait và các nạn nhân mất tích khác kể từ khi Iraq xâm lược Kuwait.
Iraq không được cam kết ủng hộ nạn khủng bố toàn cầu. Có
Không
Không
Không
Không
Không
Không
UNSCR 688 – 5/4/1991
Iraq phải dừng ngay việc đàn áp những người dân thường Iraq.
Iraq phải cho phép việc tiếp cận các tổ chức nhân quyền thế giới.
Iraq phải phối hợp với Tổng Thư Ký LHQ về các nhu cầu của người dân Iraq. Không
Không
UNSCR 707 – 15.8.1991
Iraq phải đưa ra bản công khai đầy đủ, chi tiết cuối cùng về các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình. Không
Iraq phải để các thanh sát viên UNMOVIC và IAEA tiếp cận vô điều kiện và không giới hạn.
Iraq không được gây trở ngại cho các chuyến bay của UNMOVIC và IAEA.
Iraq phải giảm toàn bộ các hoạt động hạt nhân thay vì hợp pháp hoá việc sử dụng các đồng vị của nó.
Iraq phải cung cấp cho IAEA/UNMOVIC bất cứ sự hỗ trợ hậu cần cần thiết nào. Không
Không
Không
Không
UNSCR 715 – 11.10.1991
Iraq phải hợp tác với quá trình điều tra của IAEA.UNMOVIC.
Iraq phải cho phép các luật hình sự chống lại các chương trình vũ khí hàng loạt ở Iraq. Không
Không
UNSCR 949 – 15.10.1994
Iraq không được sử dụng lực lượng để đe dọa các nước láng giềng của mình hay các hoạt động của LHQ.
Iraq không được tăng cường quân sự ở miền Nam Iraq. Không
Không
UNSCR 1051 – 27.3.1996
Iraq phải thông báo cho IAEA/UNMOVIC về việc vận chuyển các chi tiết hai công dụng của vũ khí hủy diệt hàng loạt. Không
UNSCR 1284 – 17.12.1999
Iraq phải hợp tác với UNMOVIC.
Iraq phải hợp tác với Ủy ban Ba bên.
Iraq phải hợp tác với chương trình đổi dầu lấy lương thực. Không
Không
Không
Tất nhiên, khi những đồn đoán về âm mưu đang nảy sinh trong khu vực gia tăng, người ta cho rằng LHQ đưa ra quyết định tiễu trừ Saddam bằng vũ lực vào cuối năm 2001 và từ đó trở đi, chiến tranh là điều không tránh khỏi. Nhưng thực tế không phải vậy. Đó cũng là cách chính trường vận hành. Hay là con người. Vì rốt cuộc chính con người đưa ra các quyết định chính trị.
Điều đã xảy ra, như tôi nói, đó là thái độ mạo hiểm của Mỹ đã bị lật ngược. Iraq giờ đây đã tâm điểm vấn đề của chương trình nghị sự. Có một nhóm những người tin rằng Saddam là người không thể thay đổi và cũng đoán chắc rằng ông ta đang chỉ đạo một chương trình WMD. Người ta cũng tin rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu Saddam mất đi quyền lực, tất cả đều đúng nhưng còn xa mới có thể dẫn đến quyết định. Thay vì quanh co và không chân thành, nếu Saddam thực hiện tâm huyết mà Gaddafi mong muốn làm cho Lybia, thì vấn đề có thể đã được giải quyết. Nếu ông ta cởi mở, lên án thay vì ủng hộ cuộc tấn công ngày 11 tháng 9, thể hiện rõ rằng ông ta hiểu luật chơi đã thay đổi về cơ bản, thì có thể sẽ tìm được cho mình một lối thoát. Nhưng nếu như thế thì đã không còn là Saddam.
Quyết định đối phó với Saddam đã sôi sục trong tâm trí nước Mỹ kể từ ngày 11 tháng 9; nhưng sự đối phó về lý thuyết vẫn là một bài học ngoại giao thành công.
Tôi biết vì tôi đang nói chuyện với George. Ông ấy có thể đã nghĩ rằng việc hành động là cần thiết ở một khía cạnh nào đó và tới cuối năm 2002 mọi chuyện đã trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Nhưng vào những tháng đầu và giữa năm 2002, mọi việc không như vậy. Và thậm chí tới cuối năm 2002 đầu năm 2003, chúng tôi vẫn cố gắng tránh xung đột. Tất nhiên, hiện tại người ta nhấn mạnh vào sự thật rằng đã có một kế hoạch quân sự cho thấy hoạt động ngoại giao chỉ là màn kịch. Việc lập kế hoạch là không tránh khỏi và đúng đắn, không phải vì chiến tranh là tất yếu mà bởi vì đó là một lựa chọn và lựa chọn đó cần được lập kế hoạch cẩn thận.
Lần đầu tiên chúng tôi chính thức giáp mặt với vấn đề này là trong chuyến thăm của tới Crawford, nông trại của George ở Texas vào tháng 4 năm 2002. Khu trang trại nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh có diện tích khoảng 1.600 héc ta với một ngôi nhà chính và nhà khách cùng với vô số nhà phụ. Như thường lệ, tôi đi cùng gia đình, vợ, mẹ vợ và Leo. Việc này thật kỳ quặc. Cherie thường muốn cả gia đình đi cùng tôi, nhưng thành thực mà nói khi đang làm việc, tôi muốn được ở một mình không có ai quấy rầy hơn, để có thể tập trung hoàn toàn vào vấn đề trước mắt, không phải lo lắng về việc Leo buồn chán, mẹ vợ tôi than phiền hay dành thời gian bên vợ. Vì vậy tôi thường bị căng thẳng và khó chịu trong những lần công tác có gia đình đi cùng.
Tuy nhiên, George và Laura chào đón chúng tôi rất niềm nở. Thời tiết quá lạnh khiến tôi rất thất vọng. Tôi vốn nghĩ rằng Texas nắng quanh năm và trông đợi nó không lạnh như ở Anh. Tôi luôn dành thời gian cuối tuần bên gia đình và cố gắng giữ cho khoảng thời gian đó không bị ảnh hưởng bởi công việc trừ phi có việc tuyệt đối cần thiết. Tuy nhiên, đây là ngoại lệ và tôi cho rằng cách tốt nhất để hiểu được tâm lý của George về vấn đề này là làm việc đó ở ngoài Washington hay thậm chí là trại David.
Tới lúc này, tôi khá chắc chắn rằng việc loại bỏ Saddam sẽ giúp thế giới và đặc biệt trao cho người dân Iraq một ân huệ. Dù tôi biết việc thay đổi chế độ không phải là chính sách của chúng tôi, tôi đã nhìn nhận đổi thay một cách lạc quan, trực diện. Trong bài diễn thuyết ở Chicago năm 1999, tôi đã phát biểu học thuyết mới về ‘trách nhiệm bảo vệ’, rằng một Chính phủ không thể tự do đàn áp và dùng vũ lực với công dân của mình. Tôi đã hiệu lực hóa nó ở Kosovo và Sierra Leone.
Do những khó khăn mà một động thái như vậy yêu cầu, do chiến tranh nên là biện pháp cuối cùng chứ không phải đầu tiên, tôi đã kết luận chắc chắn rằng chúng tôi chỉ có thể tiến hành nó dựa trên sự bất tuân đối với hiến chương LHQ. Dù có là bạo chúa, Saddam cũng không thể bị tiễu trừ chỉ dựa trên bản chất bạo chúa đó.
Sau đó, một lời đồn đại nữa được đưa ra ánh sáng, dựa trên những quan sát của Đại sứ Anh tại Mỹ khi đó, Ngài Christopher Meyer. Ông này tuyên bố rằng tại Crawford, tôi đã chính thức lên tiếng ủng hộ Mỹ, đã đăng ký quyết định thay đổi chính quyền và phát biểu điều đó trong bài diễn thuyết ở Texas vào ngày sau khi ở Crawford, vì George Bush.
Thực ra, ông này không bao giờ xuất hiện tại cuộc họp của Bush; thậm chí còn không ở cùng một tòa nhà; tôi không đưa ra cam kết nào như thế − trong thực tế tôi đã nhấn mạnh đường lối của LHQ; và bài diễn thuyết của tôi ở Texas hoàn toàn trùng khớp với các tuyên bố khác trước công luận của tôi.
Tuy nhiên, tôi cũng cân nhắc rõ ràng về hai vấn đề. Thứ nhất, Saddam buộc phải tuân thủ hiến chương LHQ, những năm tháng gây cản trở và bất hợp tác đã đến hồi chấm dứt. Thứ hai, nước Anh cần phải duy trì trạng thái ‘kề vai sát cánh’ với Mỹ trên phương diện quốc gia. Đây không phải một chính sách thô thiển hay thiếu suy nghĩ như người ta vẫn nghĩ. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích của họ; hay đưa ra chính sách đối ngoại phụ trợ hay có nghĩa là liên minh giữa hai quốc gia là một lợi ích chiến lược thiết yếu, một tài sản chiến lược thiết yếu đối với nước Anh.
Nó cũng hàm ý rằng chúng tôi coi các cuộc tấn công vào nước Mỹ như là tấn công vào chính mình. Nó biện luận cho thái độ coi chúng tôi thực sự đang cùng ở trong tình trạng chiến tranh, với một lợi ích chung trong một kết quả thành công. Ngày ấy tôi đã tin, cũng như bây giờ vẫn vậy, rằng nước Mỹ không thể thua trong cuộc chiến này, rằng nhiệm vụ của chúng tôi trong vai trò một đồng minh đang đối diện với một mối đe dọa chung là ở bên cạnh lúc họ cần.
Tôi biết điều này nghe có vẻ ủy mị hay thậm chí, như một số người nghĩ, tự huyễn hoặc xét trên vai trò của chúng tôi trong quá trình đưa ra quyết sách của Mỹ. Tôi đã ý thức rõ rằng nước Mỹ sẽ đưa ra những quyết định của riêng mình vì quyền lợi của bản thân họ. Nhưng tôi cũng biết rằng trong thế giới mới đang thành hình quanh chúng ta, nước Anh và châu Âu sẽ phải đối mặt với một tương lai bất định hơn nhiều nếu không có Mỹ. Như sự thất bại của chủ nghĩa Cộng Sản cho thấy – không có Mỹ, hệ thống đó không thể bị đánh bại – liên minh của chúng ta với Mỹ thực sự có sức ảnh hưởng. Kinh nghiệm của tôi về việc kêu gọi sự giúp đỡ từ Bill Clinton trong việc hành động với Kosovo − ông ấy đã làm và điều đó đã cứu được người Balkan − đã cho thấy chúng tôi có những lý do đương đại và không thuần túy là những lý do lịch sử để hiểu rõ chúng ta cần nước Mỹ. Vì vậy khi họ cần chúng ta, liệu chúng ta sẽ từ chối; hay, tệ hơn, hy vọng họ thành công nhưng có thể thành công mà không cần chúng ta? Tôi đã nghĩ lại và cảm thấy sức nặng và lịch sử của liên minh, theo một cách kiên quyết, một tiếng gọi của nhiệm vụ, một lời kêu gọi hành động, lời kêu gọi ở bên họ, khi họ gặp khó khăn.
Tại cuộc họp báo ở thư viện trường Crawford, với những lá quốc kì Mỹ và Anh làm nền, chúng tôi đã truyền đạt một thông điệp mạnh mẽ. Nó thay đổi cơ bản thái độ của chính quyền đối với các cuộc thanh tra WMD, hay đối diện với một triển vọng thay đổi hoàn toàn chính quyền.
Tuy nhiên, trong phòng họp kín, cuộc nói chuyện của chúng tôi có nhiều sắc thái hơn. Chúng tôi có chung phân tích về bản chất của Chính phủ Saddam, những nguy cơ của nó đối với nền an ninh quốc gia và khu vực. Mối quan tâm kéo theo của tôi khi đó là xác định được câu hỏi về Saddam trong bối cảnh rộng hơn của Trung Đông như một khu vực trong giai đoạn chuyển giao. Ngay từ lúc đó, dù không rõ ràng như bây giờ, tôi đã nhìn rõ những vụ việc khác nhau như một phần không thể thiếu của cùng một bức tranh. Vì thế tôi đã có những đóng góp đáng kể với George về tiến trình hòa bình của Israel – Palestine. Với tôi đây là sức mạnh mềm không thể thiếu để có thể đem đến trạng thái cân bằng cho sức mạnh cứng mà sẽ cần thiết nếu Saddam buộc phải bị tiễu trừ.
Tiến trình đó đang trong một mớ hỗn loạn. Theo sau cuộc nổi dậy của người Palestine năm 2000 là một chuỗi những sự kiện với người Palestine có liên quan trong các cuộc tấn công khủng bố và sự trả đũa nghiêm trọng của người Israel dẫn đến hậu quả là một tình trạng chiếm đóng gia tăng rộng rãi. Quá trình gần đi đến đột phá vào cuối nhiệm kỳ của Clinton giờ đây đã không thể cứu vãn. Chắp nối nó lại và đặt nó lại con đường cũ là một việc vô cùng cấp thiết đối với quá trình kiến tạo điều kiện để những biện pháp cứng rắn hơn có thể được áp dụng mà không cần một cuộc nổi loạn trên đường phố Ả Rập và làm căng thẳng toàn bộ thế giới đạo Hồi. Chỉ 6 tháng sau vụ thảm sát ngày 11 tháng 9, nhu cầu hành động đã dần mờ nhạt và sự nhiệt tình ủng hộ bất kỳ hình thức đối phó bằng quân sự nào đã giảm thiểu tới mức thấp nhất.
Vài ngày trước khi rời đến Crawford, tôi đã có một cuộc họp ở Chequers với những sĩ quan quân đội cấp cao. Cuộc họp không chỉ để chuẩn bị cho chuyến đi Crawford, mà còn để tung ra những câu hỏi cơ bản về những gì kéo theo sau các hành động quân sự. Đã từng có thảo luận về việc liệu mục đích của chúng tôi tập trung vào WMD hay thay đổi chính quyền. Tôi đã nhấn mạnh rằng cả hai vấn đề có liên hệ với nhau và rằng tại thời điểm này rất khó có thể nói bản chất của mối đe dọa WMD cụ thể với Iraq đã thay đổi rõ ràng trong những năm gần đây. Chỉ có thể công nhận cách đánh giá nguy cơ đã thay đổi.
Thủ lĩnh mới của Bộ Quốc phòng, Ngài Mike Boyce, sĩ quan tàu ngầm và nguyên Bộ trưởng Hải quân và Ngài Anthony Pigott, đại tướng đã từng nghiên cứu các lựa chọn quân sự, có một bài phát biểu. Họ cảnh báo rằng để tiễu trừ Saddam có thể sẽ phải trải qua một cuộc chiến đẫm máu và lâu dài. Nước Mỹ liên quan đến việc lập kế hoạch bước đầu, nhưng khó có thể đọc được họ định đi đâu với kế hoạch đó. Chúng ta cần phải tiếp cận kế hoạch đó và tham gia thực hiện một phần kế hoạch. Tất nhiên, như từ trước đến giờ, điều này đưa ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan: nếu bạn muốn trở thành một phần của quá trình lập kế hoạch, ít nhất bạn phải tuân theo nguyên tắc, sẵn sàng trở thành một phần của hành động. Trước đó, vì có thể thấy việc này sẽ kết thúc qua việc Saddam bị tiễu trừ bằng vũ lực, tôi đã từ chối trở thành một phần của kế hoạch. Từ khoảng tháng 4, chúng tôi đã liên quan khá mật thiết tới những giai đoạn tư duy ban đầu của Mỹ.
Không điều nào trong đây ngụ ý chiến tranh là điều chắc chắn. Điều này không chắc chắn và thực sự là một phần liên tục trong các cuộc trao đổi của George và tôi trong những tháng đó, có lẽ tới gần tháng 11, chúng tôi lo lắng phấp phỏng rằng từ khi chúng tôi lập kế hoạch đối phó với một khả năng, thì trong tâm trí của giới truyền thông, nó đã là điều không tránh khỏi. Chúng tôi làm rõ những khái niệm cơ bản: Saddam phải tuân thủ hiến chương LHQ và cho phép các thanh sát viên quay trở lại; ông ta không được phép gây rối − phải tuân thủ tuyệt đối; và nếu từ chối, chúng tôi sẽ chuyển sang tình trạng có đủ thẩm quyền để loại bỏ ông ta. Vì vậy tiến trình ngoại giao và lập kế hoạch diễn ra song song, vừa riêng biệt vừa được liên kết ở những điểm nhất định.
Tuy nhiên, điều này làm cho chính trị trong nước trở nên vô cùng khó khăn. Dĩ nhiên, mọi người đang đọc các bản báo cáo, đoán rằng mọi việc đã được quyết định và do đó tự xác định vị trí của mình. Nếu chúng tôi nói rằng quyết định chiến tranh không được thông qua, họ sẽ hỏi chúng tôi có lập kế hoạch không; nếu chúng tôi thừa nhận là đang lập kế hoạch, thì điều đó có nghĩa là chiến tranh thực tế đã được ủng hộ. Quan niệm về một việc có thể hoặc không thể xảy ra là quá mập mờ. Và, công bằng mà nói, nhiều quan điểm bắt nguồn từ vài bộ phận của hệ thống Mỹ đã gợi ý rằng chính sách chỉ nên đi theo một hướng duy nhất.
Chúng tôi trở về từ Crawford với nhiệm vụ được suy nghĩ rất thấu đáo. Tôi đã thực hiện một tuyên bố về tiến trình hòa bình ở Trung Đông, theo sau cam kết của George với tôi về việc tiếp tục tham gia. Chúng tôi ổn định Cục Ngân sách, về vấn đề này, tôi cũng có nhiều cuộc họp với Gordon, nhìn chung tương đối hài lòng. Cuối cùng chúng tôi cùng thống nhất về một chính sách nâng cao thuế Bảo hiểm Quốc gia để trả cho Dịch vụ Y tế Quốc gia.
Thời gian này và cũng là lần đầu tiên kể từ khi chúng tôi tham gia vào Chính phủ, mối quan hệ với báo chí trở nên thực sự gay gắt. Sự thất vọng của phe cánh tả trước thái độ của Đảng Bảo thủ khiến họ sôi sục tấn công trên phương diện cá nhân bằng những lời nhục mạ rất cay độc vào tôi vào bất cứ bộ trưởng nào có vẻ dễ bị tấn công và vào những người thân cận của tôi.
o O o
Chúng tôi đã có một thiên tiểu thuyết phi thường về lễ tang của Hoàng thái hậu. Bà qua đời ở tuổi 101. Cả nước buồn đau trước sự ra đi của bà. Bà là một nhân vật điển hình của Vương quốc Anh trong nhiều thập kỷ, được yêu quý và tưởng nhớ nhờ sự khắc kỷ và can đảm trong chiến tranh, khi bà quyết đòi ở lại London trong thời gian xảy ra sự kiện Blitz.
Việc sắp xếp cho một sự kiện trọng đại tầm cỡ quốc gia như vậy luôn luôn phức tạp. Linh cữu Thái hậu sẽ được đặt nằm ở sảnh cung điện Westminster trong một tuần, trước khi tiến hành tang lễ chính thức. Từ văn phòng của tôi, Clare Summer, một công chức và một người phụ nữ dễ thương, có năng lực và rất thẳng thắn, liên hệ với Black Rod, một đại tướng đã nghỉ hưu, về nghi thức lễ tang. Vì một số lý do tế nhị, đã xảy ra một vụ việc liên quan đến những gì tôi làm hoặc nơi tôi đứng hay tương tự như thế (tôi không thể nhớ lại chi tiết vì nó quá nhỏ nhặt), điều này đã được xử lý rất đơn giản, vì thế Clare đã nghĩ và đồng ý làm theo chính xác những gì Black Rod muốn. Tôi không bao giờ biết về việc đó cho đến mãi về sau.
Tờ Telegraph, Spector và Mailon Sunday sau đó đã đưa câu chuyện về việc tôi và Alastair đã can thiệp vào tang lễ của mẹ Nữ hoàng: nào là gây ra nỗi khiếp đảm và đau đớn, thật là thiếu tôn trọng khi can thiệp thô lỗ như vậy, vv… Toàn là tin tức rác rưởi. Lần duy nhất trong đời, hành xử một cách ngu ngốc, tôi đã xem đó là chuyện lớn và quyết định đến gặp Hội đồng Khiếu nại Báo chí (PCC). Đó là lần cuối cùng tôi vướng vào sai lầm như vậy. Công bằng mà nói, vị CEO của hội đồng này đã vô cùng khéo kéo, nhưng tất nhiên ban hội thẩm PCC được thành lập gồm các biên tập viên. Chúng tôi phát hiện ra rằng nguồn tin này xuất phát từ những vị trí thân cận với Black Rod. Vì vậy PCC cảm thấy khó xử và không thể đi đến kết luận cuối cùng. Nhưng nó đã để lại dư vị rất cay đắng.
Sau đó Steve Byers, một bộ trưởng tài năng, quyết định từ chức. Ông đã trải qua những tuần bị tấn công liên tục, bị thóa mạ là một kẻ dối trá, một kẻ lừa đảo và một tên bạo chúa vì đã từ chối sa thải trợ lý báo chí của mình Jo Moore (người đã gửi một bức email vào ngày 11 tháng 9 nói rằng đây là thời gian thích hợp để ‘‘chôn vùi’’ tin xấu) và vô số vụ việc liên quan đến vấn đề đường sắt. Hoàn toàn không có sự biện hộ nào cho việc từ chức đó nhưng tôi có thể nói ông ấy đã chịu đựng quá đủ. Bạn phải là một siêu nhân hay một người thiểu năng mới có thể chịu đựng tất cả những điều đó, với gia đình, bạn bè của bạn biết tin và vô cùng đau đớn còn kẻ thù thì reo mừng và tôi thấy ông ấy đã bị hạ gục. Việc sắp xếp lại nhân sự cho tôi một cơ hội đưa David Miliband vào vai trò bộ trưởng, chưa đầy một năm sau khi ông ta được bầu làm nghị sĩ.
Chúng tôi có một phiên họp nội các vào tháng 6, trong phiên họp đó John Prescott đã nghiêm khắc tấn công Peter Mandelson và những người khác, mà theo ông, đang gây ảnh hưởng xấu tới sự cân bằng giữa Đảng Lao động mới và cũ. Tôi phản đối việc đó khá mạnh mẽ và nói đây đang là thời điểm khó khăn nhưng Chính phủ lại bất đồng như thế và chúng ta không thể run sợ mỗi lần gặp thử thách như thế được.
Dù sao, bạn cũng có thể thấy bức tranh toàn cảnh: hỗn hợp thông thường của tính lịch sử, tính nhất thời và sự vặt vãnh. Và xuyên suốt, giờ đây là một chủ đề cố hữu và được quan tâm sâu sắc − Iraq và phương án hành động của chúng tôi.
Vấn đề Iraq sẽ được xem xét lại vì rất nhiều lý do, nhưng có một nghiên cứu thú vị xung quanh sự thật rằng đó là cuộc chiến bộ binh đầu tiên trong kỷ nguyên mới của chính sách minh bạch và truyền thông 24 giờ. Nó có nghĩa là hàng ngày, nhiều câu chuyện có thể xuất hiện và chèo lái cuộc tranh luận từ hướng này sang hướng kia và song song với các hoạt động báo cáo, thường xuyên biến phỏng đoán thành sự thật. Có lúc chúng tôi không dám chắc liệu mình có đang điều khiển chương trình nghị sự hay là đang bị nó điều khiển. Trong kỳ nghỉ ở Pháp vào tháng 8 năm 2002, tôi đã nhận một cuộc gọi từ George, người cũng thất vọng không kém trước thực tế là tất cả mọi người đều nghĩ chúng tôi đã quyết định và cuộc tuần hành tới chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, cũng không đáng ngạc nhiên khi họ cảm nhận theo cách này. Tại một cuộc họp ngay trước kỳ nghỉ vào cuối tháng 7, Mike Boyce đã nghĩ nước Mỹ đã quyết định vấn đề đó, ngoại trừ một sự thay đổi thực sự trong thâm tâm Saddam. Geoff Hoon, lúc đó đang là Thư ký Bộ Quốc phòng, đã nêu ra các lựa chọn – cho một khởi đầu mới phát sinh, tức là từ từ xây dựng lực lượng; hay một khởi đầu đang vận hành, tức là di chuyển nhanh; và cũng bàn về việc quân đội nên di chuyển tới đâu vào thời điểm đó người ta ưa chuộng gửi quân miền bắc tới. Vì vậy khó có thể đọc những biên bản của các cuộc họp trong thời gian này mà không suy đoán rằng quyết định đã được đưa ra rồi.
Nhưng đây là sự khác biệt giữa người đưa quyết định cuối cùng và những người xung quanh. Những người xung quanh có thể tranh luận và đồn đoán; nhưng chỉ có một người đưa ra quyết định. Tôi biết vào thời điểm đó George vẫn chưa quyết định. Ông ấy đã đưa ra một khung hành động trong đó nguyên tắc nòng cốt chính là Saddam phải tuân thủ trọn vẹn và giải giáp vũ khí, nhưng vẫn chưa quyết định xử lý Saddam như thế nào.
Vào cuối tháng 7, tôi gửi cho George một bức thư mật riêng, trong đó phác thảo trường hợp lựa chọn đường lối của LHQ; và nhấn mạnh một lần nữa tiến trình hòa bình ở Trung Đông. David Manning, cố vấn ngoại vụ của tôi, đến Washington, để trao đổi rõ với ngoại trưởng Condoleezza Rice và sau đó là trực tiếp với Tổng thống. Tôi cũng nối theo sau bằng một cuộc gọi.
Tranh luận xung quanh về LHQ trong ban điều hành rất căng thẳng. Chúng tôi đồng ý gặp lại sau kỳ nghỉ hè.
Tôi đã cùng đội cộng sự thân tín nhất xem xét những mặt khác nhau của thách thức. Nếu nó dẫn đến một cuộc chiến tranh, chúng tôi có thể làm gì để hạn chế đổ máu tối đa? Đó là câu hỏi về quân sự. Trên cơ sở tiến hành việc này, làm sao chúng tôi có thể cực đại hóa liên minh? Đó là câu hỏi về LHQ. Và làm sao chúng tôi có thể tiến hành mà không khơi lên làn sóng phản đối ở Trung Đông? Đó là câu hỏi về Ả Rập.
Khi trở về từ kỳ nghỉ, tôi đã có một cuộc họp báo ở Sedgefield. Tôi luôn thấy rất thư giãn khi ở đây, ngay cả trong những giờ phút căng thẳng nhất. Tôi cũng làm rõ được phương châm của mình. Tôi quyết định phải thật cứng rắn: phải giải quyết Saddam; làm như thế là đúng đắn; chúng tôi phải gửi một thông điệp thẳng thắn và đơn giản về vũ khí hủy diệt hàng loạt tới thế giới.
Một quyết định thuộc về số mệnh cũng đã được đưa ra vào lúc đó. Người ta muốn xem bằng chứng về Saddam và WMD. Bằng chứng này được lưu giữ trong cục tình báo. Việc tiết lộ tin tình báo không phải là thông lệ, vì những lý do hiển nhiên. Chúng tôi quyết định phải làm thế. Sau đó, nhiều lần, tôi rất tiếc vì đã đưa ra quyết định này. ‘‘Hồ sơ’’, theo cách nó được gọi, về sau đã trở thành chủ đề cho sự cáo buộc lẫn nhau và kết tội luẩn quẩn. Thực tế, chúng tôi đã làm thế vì không có cách nào từ chối, đặc biệt khi tính đến sự phản đối dành cho nó. Tuy nhiên, điều chưa từng có tiền lệ trong vụ việc này chính là một phần của rắc rối. Cả những người phản đối và người ủng hộ của hành động chống lại Saddam đều thúc giục chúng tôi chia sẻ thông tin tình báo mà chúng tôi có trước công chúng.
Giờ đây khi nhìn lại tôi có thể nói hai điều về hồ sơ này. Thứ nhất, trái lệ về hiệu lực hồi tố, ở thời điểm đó – tháng 9 năm 2001, nó được coi là mờ nhạt và không có yếu tố mới. Bản yêu sách khét tiếng dài 45 phút đã choán thời gian gần cả ngày của giới truyền thông nhưng rồi lại bị bỏ ngỏ sau đó và thậm chí còn không được tôi nhắc tới tại bất kỳ thời điểm nào trong tương lai, bao gồm cả cuộc tranh luận chủ chốt tại quốc hội vào ngày 18 tháng 3 năm 2003, cuộc tranh luận đã hợp thức hóa hành động quân sự. Trong số 40.000 câu hỏi ở dạng văn bản của nghị viện đưa ra giữa tháng 9 năm 2002 và cuối tháng 5 năm 2003 khi BBC đưa tin về nó, chỉ có hai câu hỏi về vụ việc 45 phút đó. Trong số 5.000 câu hỏi vấn đáp, không có câu nào nhắc tới vấn đề này. Không ai thảo luận nó trong toàn bộ cuộc tranh luận vào ngày 18 tháng 3 năm 2003. Vì thế ý kiến cho rằng chúng tôi tiến tới chiến tranh chỉ vì bản yêu sách này là hão huyền.
Thứ hai, nếu chỉ công bố những bản báo cáo của JIC, tức những báo cáo tình báo dựa trên tài liệu thô, thì có thể đã tốt hơn rất nhiều. Chúng tôi đã tranh luận về điều này, nhưng cũng dễ hiểu khi các lực lượng tình báo cảm thấy đây là sự vi phạm truyền thống quá nặng nề. Nhưng nếu có làm thế, chúng tôi có thể đã tránh được rất nhiều thương đau – cũng như những lời cáo buộc hoàn toàn không có cơ sở về việc nói dối và bịa ra tin tình báo, v.v… Hoặc cũng có thể không.
Khi xét đến những lời cáo buộc khác nhau về hồ sơ, cũng đáng để nêu ra một vài lời đồn đại chủ yếu. Bản thân hồ sơ là kết quả của JIC. Họ đã bảo vệ quyền tác giả của nó một cách sốt sắng và chính đáng. Nội dung đã được công bố, như bốn cuộc thẩm tra đã tìm ra, là bản tóm tắt chính xác của các tài liệu. Cả tôi và Alastair đều không viết điều nào trong đó. Tôi chỉ viết lời đề tựa thôi.
Người ta nói rằng bản báo cáo vào tháng 3 năm 2002 về Iraq đã cảnh báo rằng tin tình báo về Iraq là ‘‘rời rạc’’ và ‘‘chắp vá’’. Người ta sau đó đã bỏ đi điều tiếp theo được tuyên bố: ‘‘nhưng rõ ràng là Iraq tiếp tục theo đuổi chính sách thu nạp WMD và các phương tiện chứa đựng chúng.’ Cho tới tháng 9 năm 2002, đã có thêm nhiều tin tình báo. Bản báo cáo cuối cùng đã nhắc đến điều này một cách kiên quyết hơn. Ngay trước khi hồ sơ được tiết lộ, tin tình báo đã cập nhật về một thiết bị sản xuất di động vừa được chế tạo. Việc này đã khiến người ta miêu tả rằng chương trình WMD của Saddam đang trong tình trạng ‘lớn mạnh’.
Có lẽ chúng tôi có thể đối mặt với một vụ việc sâu xa hơn nữa. Cuộc Điều Tra Chilcot có được dẫn chứng tình báo rằng ngay trước khi chiến tranh bùng nổ, Saddam có thể sẽ không đủ khả năng lắp đặt WMD nhanh chóng. Giới truyền thông lại đưa tin rằng cuộc điều tra cho thấy, tôi đã được cảnh báo về mối đe dọa ít nghiêm trọng hơn dự tính. Nhưng thực tế tin tình báo chính xác đó là Saddam đã tiến hành những biện pháp che giấu chương trình của mình, bao gồm tháo dỡ và lưu giữ những thiết bị nhất định. Vậy tin tình báo không phải là ông ta đã từ bỏ chương trình của mình mà là che giấu nó khỏi các thanh sát viên. Tôi đã được đặc biệt lưu ý rằng tin tình báo khẳng định chắc chắn sự tồn tại các chương trình WMD. Vậy là, trái hẳn với việc được cảnh báo phải dừng lại, nó xác định rõ yêu cầu phải tiếp tục.
Dù sao, không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ vẫn còn những lời kêu gọi tiếp tục điều tra sau cuộc điều tra thứ 5. Chúng tôi tin rằng, Saddam chắc chắn đang có một chương trình WMD. Xét đến quá khứ của hắn, chúng tôi có nhiều lý do chắc chắn để tin như vậy. Không hề có ý đồ lừa gạt. Thực sự, trong bất kỳ trường hợp nào, một ý định như vậy cũng là ngớ ngẩn, vì một khi Saddam bị loại bỏ, sự thật cũng sẽ bị tiết lộ. Báo cáo ISG cũng giải thích cả việc tại sao chúng tôi mắc phải sai lầm và điều gì vẫn còn chính xác.
Vào ngày 7 tháng 9, trước ngày công bố hồ sơ, chúng tôi đã quay lại Trại David. Tại cuộc họp này chúng tôi muốn thuyết phục George đi theo đường lối của LHQ, tức đồng ý rằng trước khi đưa ra hành động nào chúng tôi cũng cần phải đưa ra hiến chương của LHQ và cho Saddam một cơ hội cuối cùng.
Đây không phải một cuộc ngã giá đơn giản. Bối cảnh của Mỹ, về mặt chính trị, hoàn toàn trái ngược với chúng tôi và LHQ không có nhiều tiếng nói ở đó. Cuộc họp diễn ra khá căng thẳng, dù cho tới lúc đó George và tôi đã khá tâm đầu ý hợp. Cuối cùng, một đối một, tôi thuyết phục được ông ấy, không phải như một ân huệ mà bởi vì tôi nghĩ cuối cùng ông ấy dễ dàng chấp nhận hơn nếu chúng tôi có một đồng minh đứng đằng sau. Tôi nói rằng mình rất sợ hậu quả mà những hành động đơn phương của Mỹ hay những hành động chung của Mỹ và Anh gây ra. Trước buổi họp, tôi đã gửi công hàm cho George, bày tỏ những mối quan ngại của mình và chỉ ra rằng để tránh hậu quả khôn lường thì hai bên nên liên minh với nhau. Chúng ta cố gắng giữ hòa bình, kể cả nếu cuối cùng phải gây chiến. Đây không phải là Kosovo hay Afganistan. Trận chiến này sẽ còn khốc liệt hơn thế gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, đúng là tại thời điểm đó, lo ngại về các hành động vũ trang xoay quanh vấn đề độ rủi do của việc hạ bệ Saddam và phản ứng tiêu cực của những nhóm người theo chủ nghĩa nhân đạo. Dĩ nhiên, có cả vấn đề Sunni/Shia, nhưng tại thời điểm đó, mà thực chất là đến tận sau khi Saddam bị hạ bệ, người ta vẫn không nhận thức được mối nguy cơ thực sự: sự can thiệp từ bên ngoài của al-Qaeda và Iran. Quan điểm của quân đội và giới tình báo Anh là dù Saddam có tài trợ cho các nhóm khủng bố, thì hầu như không có chứng cứ nào cho thấy mối liên hệ giữa al-Qaeda. Và sau chiến tranh Iraq-Iran, với một triệu người chết trong trận chiến này, người ta cho rằng Iran sẽ tương đối phục tùng. Người ta bàn cãi nhiều về vấn đề nhóm thiểu số Sunni đột nhiên từ người thống trị trở thành kẻ bị trị. Nhưng câu hỏi chính là khả năng của Saddam trong việc chống lại một chiến dịch quân sự và về mức độ hỗ trợ của hắn. Điều này liên quan trực tiếp đến những cuộc tranh luận về việc lên kế hoạch khắc phục hậu quả chiến tranh.
Khi George tuyên bố ủng hộ chính sách của LHQ, không khí trở nên bớt căng thẳng hơn. Dick Cheney đã có mặt ở đó một thời gian và nêu rõ rằng ông kiên quyết không đi theo con đường của LHQ.
Dick là trung tâm của nhiều giả thuyết âm mưu tới mức hầu như không thể bàn về ông một cách chừng mực. Với phe cánh tả, ông là một nhân vật phức tạp bị thù ghét. Kể cả những người không thuộc phe nào cũng không ưa gì ông. Và không phải người nào ở cánh hữu cũng thực tâm ủng hộ Dick.
Quan điểm của tôi về Dick không giống với số đông. Tôi cho rằng ông ta có nhận thức sâu sắc đáng nể. Về bản chất, ông tin rằng Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh với khủng bố và các nước tiếp tay cho chúng, rằng đây là mối nguy hiểm trực tiếp đối với Mỹ, do đó cách duy nhất để chiến thắng là một cuộc đối đầu sử dụng tối đa sức mạnh quốc gia với kẻ đang phá hoại lý tưởng, nhằm bảo vệ nền dân chủ vững mạnh của Mỹ. Để làm được điều này, ông sẽ phải đương đầu với nhiều nước, Iraq, Syria, Iran, đối phó với những kẻ thay thế như Hezbollah, Hamas. Nói cách khác, ông cho rằng phải đổi mới thế giới và rằng sau sự kiện 11 tháng 9, việc làm mới này phải được thực hiện bằng sức mạnh và khẩn trương. Vì vậy ông ta chủ trương sử dụng sức mạnh toàn lực. Không nếu, không nhưng, không có thể. Ta đang truy đuổi ngươi, nên hãy thay đổi và bị thay đổi đi.
Dĩ nhiên, thái độ này khiến người dân khiếp sợ và khó chịu. Nhưng, tôi không cho rằng quan điểm này là ngông cuồng như ý kiến của nhiều người. Đây là một cuộc đấu tranh. Kẻ thù của chúng ta có lý tưởng của họ. Điều đó đe dọa chúng ta. Câu trả lời cuối cùng chính là dân chủ và tự do rộng rãi. Khó mà tưởng tượng được viễn cảnh này khi nghĩ đến nhiệm vụ hạ bệ một kẻ như Saddam.
Tôi cho rằng vấn đề của Dick là ở chỗ cách thức tiến hành còn chưa đầy đủ. Vì trận chiến này xuất phát từ một lý tưởng, ta phải tiến hành và chiến thắng nó ở tầm ý tưởng, không chỉ đối với chúng ta mà cả với những người đã rơi vào hoặc trở thành con thiêu thân của lý tưởng đó. Nói cách khác, đây không thể là một trận chiến sử dụng hoàn toàn chiến lược sức mạnh vũ trang. Nó phải sử dụng nhiều hơn là sức mạnh quân sự. Nó phải lôi kéo được những người ở chính khu vực Trung Đông, trong thế giới đạo Hồi và phải xây dựng các liên minh trong thế giới đó. Đây không phải là một chính sách ủy mị, mà là một phần trọng yếu để chiến thắng. Đó là lý do vì sao, diễn biến với Palestine lại có tầm quan trọng lớn đến vậy. Đây không phải là màn diễn phụ; đây là trung tâm của sân khấu chính, nơi trận chiến đang thực sự diễn ra.
Vì thế, khi đề cập đến vấn đề nhân quyền và tù binh, ta phải dùng hành động để chứng tỏ sức mạnh của các ý tưởng thay thế của mình cho dù khiên cưỡng thế nào. Sự thật là bối cảnh kỷ nguyên thông tin đang làm biến đổi cách thức diễn ra các cuộc tranh luận, đây không phải là sự nhượng bộ nhu nhược, mà là một nhu cầu cấp thiết.
Tôi đã bàn nhiều về quan điểm sâu sắc của Dick, song phương pháp và thông điệp của ông phù hợp với thế giới những năm 1980, chứ không phải đầu thế kỷ XXI.
Vào cuối tháng 9, chúng tôi đã cam kết rõ ràng với Nghị quyết mới của LHQ. Điều này cũng hỗ trợ nhiều cho mối bận tâm của Ngoại trưởng của chúng tôi, Peter Goldsmith, về tính hợp pháp của việc hành động mà không có cam kết.
Bài phát biểu của tôi tại buổi họp của đảng năm đó trôi qua suôn sẻ một cách bất ngờ. Dù có đề cập đến Iraq và chính sách đối ngoại, nhưng tôi dành hầu hết bài phát biểu để nói về sự cần thiết phải cải cách. Chúng tôi đã giải quyết tốt các kế hoạch về y tế, giáo dục và tội phạm. Tôi cảm thấy yên tâm về tình hình và tin tưởng vào năng lực của các bộ trưởng trong việc quản lý các vấn đề này.
Một người bạn lâu năm, Bill Clinton, như thường lệ, xuất hiện tại buổi họp để phát biểu và nhắc mọi người nhớ rằng tôi là người tiến bộ và biết ít nhất một người Mỹ ngoài George. Bill thậm chí còn đến Blackpool McDonald để mua hamburger và khoai tây chiên. Sự xuất hiện của ông khiến vài vị thực khách đêm khuya ngạc nhiên và thích thú. Bill có khả năng vô hạn trong việc trò chuyện với dân thường, ông thích làm vậy và cảm thấy sảng khoái sau mỗi lần như thế. Tôi cũng có thể làm vậy nhưng luôn hơi dè dặt, không biết chắc liệu mình có đang áp đặt hay làm phiền người khác không. Bill thì sẽ thoải mái tán dóc, như thể là đêm thứ Ba nào ông cũng ăn McDonald ở Blackpool vậy. Kevin Spacey cũng ở đó. Anh chàng này rất vui tính và đã thủ vai Bill trong vở kịch Northern night (Đêm phương Bắc) một cách xuất sắc. Cũng biểu diễn đêm đó là Paul Rodgers, ca sĩ độc quyền của Công ty Free and Bad. Vậy là người ta chụp được một bộ ảnh kỳ quái của tất cả chúng tôi, một cảnh tượng khiến những nhà hoạt động chính trị phải thán phục.
Tôi luôn cho rằng cả những người không ưa hoặc không tán thành với tôi vẫn phải công nhận sự thật rằng tôi không chỉ là một nhà lãnh đạo quốc gia mà còn là một nhân vật có tầm cỡ quốc tế. Dù sao đây cũng không phải là lý do khiến tôi làm bất kỳ điều gì, nhưng người Anh luôn thích Thủ tướng của họ có vị thế cao trên trường quốc tế. Người ta sẽ không nhận ra hầu hết các nhà lãnh đạo nước ngoài nếu họ lai vãng quanh Đại lộ Guildford. Người ta sẽ nhận ra Tổng thống Mỹ, hoặc sau này có thể là Sarkozy, nhưng có lẽ không ai nhận ra Chirac kể cả tại thời điểm này. Tuy nhiên, nhân dân Anh muốn biết rằng liệu người Toulouse có nhận ra tôi không. Các nhà lãnh đạo của chúng ta phải nổi bật và nếu không ăn mặc bảnh bao thì chí ít cũng phải gây ấn tượng. Nhưng trong một thế giới đang dần biến đổi, tầm vóc cũng như trách nhiệm của nước Anh đã không còn như trước, việc này càng trở nên khó thực hiện hơn.
Một lần nữa tôi nhấn mạnh lại: đây không phải là lý do cho những hành động của Anh ở Afghanistan, Iraq hay bất kỳ nơi nào khác, nhưng việc liên minh với Mỹ đã cho Anh một vị thế lớn hơn. Phần còn lại của thế giới cho rằng sự thân thiết của chúng tôi với Mỹ là một vấn đề thì lại không thể chứng minh gì thêm cho luận điểm này. Trái lại, sự thân thiết ấy đã lập tức cho chúng tôi động lực. Không gì vô lý hơn khi cho rằng liên minh với Mỹ làm giảm vị thế của nước Anh trên trường quốc tế mà ngược lại mới đúng. Điều này đúng kể cả ở Trung Đông, đúng với con bài ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tôi vẫn nhớ lần tranh luận với Robin Cook về quan điểm chính trị thuần túy đối với Iraq. Ông ta nói với tôi rằng: Điều này sẽ gây ra thảm họa khi bầu cử; hãy nhớ Wilson và Việt Nam – ông ta đã không đứng về phe Mỹ. Tôi đáp lại rằng thế anh còn nhớ kết quả của cuộc bầu cử 1970 không? Một lần nữa, tôi không nhận xét gì về quyết định đó, tôi chỉ nhận xét về quan điểm chính trị ẩn sau quyết định đó.
Tháng 10 năm 2002, chúng tôi có bằng chứng về nguy cơ khủng bố tiếp diễn khi một hộp đêm ở Bali bị đánh bom, khiến hơn 200 người chết, trong đó có nhiều khách du lịch, chủ yếu là người Úc. Đây là một đòn giáng chí mạng vào sự tự mãn của bất kỳ dân tộc nào. Sau đó là một vụ tấn công con tin ở nhà hát Moscow, khiến hơn 100 người thiệt mạng. Ít lâu sau vào tháng 2 năm 2003, chúng tôi lo sợ khi nhận được tin tình báo về nguy cơ sân bay Heathrow bị tấn công. Chúng tôi lập tức tổ chức một cuộc họp khẩn cấp bất thường. Một trong các lựa chọn là đóng cửa sân bay, nhưng tôi e điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng với nền công nghiệp và các hãng hàng không Anh. Thay vào đó, tôi quyết định sắp đặt hàng các rào bao quanh sân bay nhằm ngăn cản ý định khủng bố, gồm nhiều phương tiện bọc sắt và các đội tuần tra được trang bị vũ khí tối tân. Kế hoạch này thành công, nhưng báo chí lại buộc tội chúng tôi dựng chuyện nhằm viện cớ mở đầu cuộc “chiến tranh chống khủng bố”.
Nghị quyết LHQ được thông qua kịp thời vào tháng 11 năm 2002 và ngay sau đó, các thanh tra vũ khí, do Hans Blix dẫn đầu, được phép trở lại Iraq. Hans là một người tò mò, thông minh và có năng lực, nhưng ông ta lại là người cảm nhận được gánh nặng chính trị trong việc thanh tra. Điều này khá tự nhiên, nhưng thực tế ông ta chỉ cần hoàn thành công việc của mình. Nếu Saddam phục tùng, tốt thôi. Nếu không, cũng không sao cả. Đó là quyết định của ông ta. Nhưng chúng tôi mới là những người quyết định hậu quả. Thay vào đó, ban đầu ông ta nói rằng Saddam không hợp tác; nhưng rồi vì nhận ra kết quả của sự phản kháng đó, ông ta dần dần chuyển sang nói rằng Saddam có thể hợp tác. Không rõ là thực tế đã thay đổi hay sự nhận thức về ngụ ý chính trị của ông ta đã thay đổi. Ông ta liên tục nói rằng “Tôi phải quyết định chiến tranh hay hòa bình”, còn tôi cố khẳng định rằng “Không phải vậy. Anh chỉ cần cho chúng tôi biết đánh giá chân thực của mình thôi.” Tuy nhiên, công bằng mà nói, ông ta ở vào vị thế gần như tiến thoái lưỡng nan và như tôi sẽ kể ở phần sau, thực tế đã đóng góp nhiều vào cố gắng cuối cùng để giải quyết vấn đề trong hòa bình.
Cuối năm 2002, quân đội của chúng ta đã sát cánh bên quân đội Mỹ. Chúng tôi vẫn đang bàn cãi về các lựa chọn. Về bản chất Anh có ba phương hướng tham gia. Một là hỗ trợ hậu cần thuần túy. Hai là không quân và hải quân, với các lực lượng đặc biệt. Thứ ba là Anh tham gia vào lực lượng bộ binh trong Iraq. Mike Boyce – người có vóc dáng và sự tự tin tăng dần lên theo thời gian, khẳng định rằng phương án tối ưu về phía Anh là phương án thứ ba. Ông ta cho rằng quân đội Anh sẽ gặp vấn đề trầm trọng nếu không tham gia toàn diện và việc tham gia toàn diện sẽ cho phép Anh tạo ảnh hưởng lớn hơn nhiều tới quan điểm của Mỹ. Tôi cũng cảm thấy như vậy.
Năm mới sang kéo theo cảm giác rằng chúng tôi đã ở giai đoạn cuối. Các thanh tra vũ khí đã vào được Iraq. Báo cáo Blix đầu tiên vào giữa tháng 1 đã rõ ràng. Saddam không phục tùng. Sẽ có báo cáo chi tiết trong vòng một tháng. Nghị quyết LHQ thông qua vào tháng 11 vẫn im hơi lặng tiếng, một nghị quyết mới cần phải được xây dựng trước khi tiến hành bất kỳ hành động vũ trang nào. Các cuộc tranh cãi pháp lý về việc chiến tranh có cần thiết hay không lại nổ ra và Peter Goldsmith một lần nữa lại lo lắng về nó. Nga phản đối và rất có thể nghị quyết thứ hai này sẽ bị phủ quyết.
Tôi vẫn nghĩ có thể sẽ có một nghị quyết thứ hai, George thì đinh ninh rằng ông không cần nghị quyết đó. Jack Straw và những người khác cảnh báo rằng, nếu không có nghị quyết thứ hai của LHQ, tôi có thể không sống sót nổi qua cuộc bỏ phiếu của Hạ viện.
Tôi bị cô lập về chính trị hết mức có thể. Một mặt, Mỹ liên tục trêu tức và về cơ bản thì tôi đồng ý với quan điểm của họ: Saddam là một mối đe dọa, ông ta sẽ không bao giờ hoàn toàn hợp tác với cộng đồng quốc tế và thế giới, không kể đất nước Iraq sẽ tốt đẹp hơn nếu ông ta bị hạ bệ. Bản năng của tôi ở cùng phe với họ. Chúng tôi đã liên minh với họ. Tôi đã cam kết sau ngày 11 tháng 9 sẽ “kề vai sát cánh” với họ. Tôi đã quyết tâm thực hiện cam kết này.
Mặt khác, tôi bị Nội các, chưa kể các nghị sỹ Đảng Lao động, phần lớn giới truyền thông và công chúng cô lập. Tôi lo lắng, không phải vì mình sẽ mất chức, mà vì có quá nhiều thứ đang trên miệng vực. Chiến tranh và hòa bình. Cuộc chiến chống khủng bố. Tương lai của quan hệ đồng minh quý giá với Mỹ. Danh tiếng của đất nước và lực lượng vũ trang Anh. Trên hết là cuộc sống của con người. “Hòa bình” sẽ không chỉ đơn thuần là hòa bình với những người dân Iraq sống dưới ách thống trị của Saddam.
Suốt tháng 12 năm 2002 và kỳ nghỉ đông ngắn vào tháng 1 năm 2003, tôi trăn trở về vấn đế này, cố suy tính tìm một hướng đi đúng đắn. Tôi đã nghĩ tới tính thiết thực, những tính toán chính trị và cả nội tâm cá nhân. Tôi biết đây có thể sẽ là dấu chấm hết đối với sự nghiệp chính trị của mình. Tôi chỉ quan tâm: làm thế nào mới đúng?
Giờ tôi đã biết và sau Báo cáo Blix thứ nhất, rằng việc ngăn chặn những điều không thể lường trước rất dễ dẫn đến chiến tranh. Chúng tôi có thể chọn cách rút lui, điều này thì tôi chắc chắn. Phương án một được xây dựng với ẩn ý này. George thường xuyên cho tôi cơ hội rút lui và nằm ngoài vòng xung đột, chỉ cần tham gia giải quyết vấn đề hậu chiến. Khi đó chúng tôi có nhiều đồng minh. 13 trong số 25 nước EU có khả năng tham gia. Liên minh cuối cùng có thể lên đến hơn 30 nước khác nhau. Nhưng nhiều nước chọn con đường né tránh trận chiến đầu tiên.
Tôi vẫn còn nhớ Giáng sinh năm đó ở Chequers. Như mọi năm, có một cây thông khổng lồ được đặt ở sảnh lớn, những đồ trang trí, không khí hân hoan theo lễ nghi và sự trang nghiêm từ lâu đã trở nên thiêng liêng. Gia đình tôi tới dự, gia đình của Cherie cũng vậy. Căn nhà náo nhiệt, hối hả, tràn ngập không khí Giáng sinh. Tôi để mọi người lại và đi lên phòng dài – không gian yên tĩnh mà tôi thường lui tới, với những cuốn sách cổ, một số có từ thời Caxton47. Tôi ngồi xuống và suy ngẫm. Tôi thực sự tin vào điều gì? Rằng Saddam sắp tấn công Anh hay Mỹ? Không. Rằng ông ta là mối đe dọa vũ khí hủy diệt hàng loạt lớn hơn Iran hay Bắc Triều Tiên hay Libya? Không hẳn thế, dù ông ta là nhà lãnh đạo duy nhất có thể đã dùng loại vũ khí này. Tạm thời không nói tới chuyện đó, với những chuyến thanh tra đem lại kết quả như nhau, liệu ông ta sẽ đe dọa sự ổn định của khu vực? Rất có thể. Ông ta sẽ lọc ra các nguyên liệu vũ khí hủy diệt hàng loạt và giúp đỡ các nhóm khủng bố? Đúng, Saddam rất có thể làm vậy. Liệu loại bỏ ông ta có tốt hơn cho đất nước Iraq không? Dĩ nhiên rồi. Có thể làm điều đó mà không nổ ra một cuộc chiến tranh dài đẫm máu không? Không ai biết chắc được điều này. Tôi có muốn thêm thời gian không? Có, nhưng là để tôi tìm các cách khác, chứ không phải vì tôi tin rằng bản chất của chế độ Saddam sẽ có ngày thay đổi. Liệu một Iraq mới có giúp xây dựng một Trung Đông mới không? Tôi cho rằng có thể.
Tôi có nghĩ rằng nếu chúng tôi rút lui bây giờ thì sau này sẽ phải đối mặt với Saddam không? Điều này quá rõ ràng: có, người đàn ông này, với quá khứ như thế, sẽ luôn luôn là nguồn gốc của sự bất ổn. Vào một lúc nào đó, đặc biệt là nếu bây giờ được củng cố sức mạnh, ông ta sẽ quay lại với những âm mưu cũ của mình.
Vậy, tham gia hay không tham gia? Tham gia. Tôi quyết định! Và nếu tham gia, toàn diện thì tốt hơn là một phần. Tôi vẫn nghĩ có thể tránh được chiến tranh. Tôi vẫn nghĩ có thể có phương án thay thế khác như ngoại giao, hoặc điều phi thường sẽ xảy ra để tránh xung đột. Tôi đã quyết tâm, ít nhất là cố thuyết phục Mỹ cho Iraq thêm thời gian. Nhưng tôi đã nói mình sẽ đứng về phía họ và nếu không thể tránh được xung đột, tôi sẽ dốc toàn lực chứ không phải tham gia nửa vời.
Nếu lúc đó bạn nói với tôi rằng sẽ không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt sau khi lật đổ Saddam và rằng sau khi lật đổ hắn sẽ có 6 năm xung đột vật lộn với chủ nghĩa khủng bố, gây ảnh hưởng nặng nề đến người dân Iraq, thì liệu quyết định của tôi có khác đi không? Tôi tự đặt câu hỏi đó mỗi ngày. Quá nhiều máu đã đổ. Quá nhiều cuộc đời đã bị hủy hoại một cách tàn nhẫn. Vâng, một Iraq mới giờ đây đang hiện ra và cuối cùng ta cũng nhìn thấy những tia hy vọng. Nhưng cái giá phải trả có đáng không?
Và rồi tôi nghĩ đến việc để Saddam tiếp tục cầm quyền. Tôi còn nhớ những câu chuyện mà một vài người Iraq đã kể tôi nghe về cuộc sống dưới quyền Saddam. Những vụ giết chóc, những vụ tra tấn và trên tất cả là nỗi sợ bao trùm. “Bạn không tin ai cả ngoài gia đình thân thiết nhất của mình”. Tôi nhớ một người đàn ông nói: “Không ai cả.” Trong những ngày tồi tệ nhất của năm 2006 khi Basra dường như giày xéo dân chúng, tôi từng hỏi một người dân rằng liệu có tốt hơn không nếu điều đó chưa từng xảy ra. “Ông nói đùa à?”, anh ta nói. “Sẽ mất thời gian. Iraq từng là một đất nước mục nát. Với một số người, hiện tại thậm chí còn tồi tệ hơn. Đúng thế. Nhưng không, anh không biết quá khứ như thế nào đâu. Và ít ra thì giờ đây tương lai của chúng tôi nằm trong tay chúng tôi.”
Nhưng ngày đó, tôi không thể nhìn thấy tương lai; tôi chỉ có thể quan tâm tới những vấn đề hiện tại. Tháng 2 năm 2003, một triệu người đã diễu hành ở London phản đối cuộc chiến tranh. Chưa từng có cuộc biểu tình nào lớn hơn thế và nó nhắc tôi nhớ về tình thế cô lập của mình và trách nhiệm của quyết định mà tôi sắp đưa ra.
Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi - Tony Blair Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi