Forever is not a word…rather a place where two lovers go when true love takes them there.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1459 / 21
Cập nhật: 2015-07-18 12:57:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
à Ba cầm tờ báo đọc:...
Tiếng còi vang ầm như tiếng hò hét kêu dân đi bộ hãy mau mau nhường đường. Cách không xa quốc lộ tiếng trống xập xình, tiếng nhạc văng vẳng làm cho khách đi coi bước vội vã còn khách đi chợ mua hàng thì phát thèm vào coi cái mình muốn tìm.
Bà Ba đọc tới đây thì buông tờ báo, gọi thằng Xe lên, gắt:
- Ở Giảng Võ có nhiều trò vui thế sao mày không mách cho tao?
- Dạ con thấy bà bận luôn tay luôn chân, có thì giờ đâu mà đi mấy nơi nham nhở đó.
- Bây giờ ở dưới đó còn vui không?
- Dạ bữa nay mới có đưa ông Táo về trời, họ định chơi qua mùng 7 Tết mới bế mạc, nghe nói sẽ mở cuộc chơi khác cũng không ngoài chủ đề bảo tồn văn hóa. Dạ con định xin phép bà nghĩ một ngày để đi xuống đó dạo cho giáp các phố nhưng sợ bà mắng cho "trẻ mà ham vui mất đạo đức!".
- Ở dưới đó có gì mà đi dạo mất đạo đức?
- Dạ Hà Nội có băm sáu phố phường thì bây giờ ở dưới đó cũng được những ba nhăm ạ. Dạ lúc nãy ở nhà dưới con nghe cô Hai nói sẽ giải phóng Thủ Đô. Đó chỉ là một cách nói thôi, thực ra là Giảng Võ ngày nay không chỉ là Chợ Cơ Bắp thôi mà là chợ tổng hợp người ta gọi là chợ thập cẩm, thưa bà. Con xin lỗi bà, bà có cho phép con mới dám kể nốt ạ!
- Mày cứ kể đi! Tao đâu có phải là công an mà mày khúm núm thế?
- Dạ ở dưới đó cái gì cũng có hết, từ cây tăm xỉa răng hai đầu, một đầu nhọn, một đầu dẹp mà người ta gọi là "xà beng hai đầu" có tẩm dầu gì thơm thơm cay cay...nói nôm na ra đó đó là con rắn trum hai đầu, đều là đầu tử hết chớ không có đầu sanh, dạ,tiện bằng gỗ thơm!
- Nước nào sản xuất vậy?
- Dạ con nghe nói là made in Thaila tha liếc gì đó! Con có dùng đâu mà biết! Ở đó dạ, đến xe hơi tàu lặn cũng có bày bán ạ!
- Xe hơi tàu lặn làm sao trưng bày được ở đó?
- Dạ người ta làm mô hình như sa bàn Điện Biên trước kia vậy.
- Đó là đồ nhà binh sao đem bán được?
- Dạ con không biết, con thấy thế thì thưa thế. Dạ...đó là hàng chín ạ. Còn hàng sống nữa.
- Hàng sống có phải là "chợ người" hay chợ "cơ bắp" gì đó phải không? Thôi đừng có nói nữa, tao chui xuống đất bây giờ.
Thằng Xe gãi đầu gãi tay và tiếp:
- Dạ hàng sống kìa mới được giá. Hôm trước bà mới dạo có mặt tiền "Chợ Cơ Bắp" thôi. Ở mặt hậu kìa, mới trưng bày nhiều hàng sống.
- Đâu mày kể hết tao nghe coi.
- Dạ...trong đó có Hàng Bẹp, Hàng Bầu, Hàng Bia, Hàng Phì Phạch.
- Hàng Bẹp là hàng gì?
- Dạ con mắc cỡ miệng quá nói không suông bà ạ!
- Mày cứ coi tao như ông táo vậy, mắc cỡ cái gì?
- Dạ con xin lỗi bà. Dạ một nhà thơ nào đó có nói là: "chị em ta bán trôn nuôi miệng và các ông...nhớn thì bán miệng nuôi trôn". Làng Bẹp nằm trong câu thơ đó! nhưng mà chưa đủ. Chữ Bẹp là chữ ngày xửa ngày xưa các bậc cỡi rồng nhả khói phun mây mới dùng cái chữ đó! Tức là nằm nghiêng một bên để đi mây về gió với nàng tiên nâu nên cái vành tai nó "bẹp" đi, nhưng bây giờ tiếng "bẹp" còn thêm một nghĩa nữa, tức là ngày xưa nằm gối sành gối gỗ để hút, ngày nay nằm gối...dạ, xin bà thứ lỗi cho, nằm trên đùi non mềm cho đỡ bẹp tai đấy ạ!
Bà Ba bất thần quay đi, mặt đỏ rần, khoát tay:
- Thôi được, tao hiểu rồi, còn hàng Bầu, hàng Bia là hàng gì?
- Dạ đã trót kể thì con xin kể "tận cùng bằng số" để hầu bà, con chỉ xin bà một điều là bà đừng cho con nghĩ việc ạ! Dạ con không nói giấu chi bà, nhờ cái xe jeep mà con lén chạy hàng cho cô Hai, và kiếm mối cho con được khá tợn. Nếu không có nó, vợ con con rách lắm ạ. Dạ cô Hai bảo cô sẽ che chở hết nên con mới dám giấu bà.
- Tao hứa là không cho mày nghĩ việc chừng nào ông mày còn làm cục trưởng cục A1...
- Dạ con xin kể tiếp ạ! Hàng Bia đây không phải là thức giải khát đâu.
- Thôi tao biết rồi! Ba cái thứ "bia ôm" đó xưa như trái đất rồi, tao không phải nghe mày lên lớp nữa!
- Dạ, hì hì..."Bia" đây không phải là "bia ôm" đâu ạ! Mà bia đây là cái "bia" để lính ta tập bắn hay tập đâm lê đấy ạ! Có lẽ đây là ngôn ngữ của nhà binh các ông quan hoặc lính muốn giấu cấp trên nên nói là "đi bia" để cấp trên tưởng rằng họ đi "bia ôm" thì không bắt tội họ ạ. Nói tóm lại bia tức là bia đỡ đạn còn "đi bia" là đi đó đó!
- Ngôn ngữ ta phong phú thật! Còn Hàng Bầu tức là ở đó có lắm hoa quả bầu bí hả?
- Dạ không phải trái bầu tòng teng ở trên giàn đâu! Mà là trái bầu của các em các cô các bà đeo trong bụng đấy ạ! Dạ bầu có nhiều thứ! Bầu của các em ham vui, lỡ dại, gọi là "Bầu Nhí", bầu của các bà có chồng đi xa gọi là "Bầu Ba Trăng" hoặc "Bầu Liềm", còn bầu của các bà có chồng mà đi lang gọi là bầu "...Ngựa" ạ! Con xin lỗi bà. Bà đã cho phép thì con mới dám thưa ạ. Nhưng mà không phải người có bầu chờ đúng lứa rồi mới hái. Các em Bầu Nhí và Bầu Ba Trăng thì đem ra chợ bán ạ, như bán mạ non vậy ạ.
- Trời đất. Làm thế nào?...
- Dạ trăm sự cũng nhờ cò, tức là kẻ dắt mối. Có tay cò là êm xuôi hết tất cả. Cò đại diện. Người mua nói ra yêu cầu, cò đi liên hệ như làm mai đám cưới vậy mà! Khi người mua và kẻ bán thỏa thuận với nhau rồi thì hai bên ký tên chồng tiền cọc trước. Tạm ví dụ bà muốn mua một đứa thì con chạy có liền, đúng ý bà. Trong trường hợp này con là cò bào thai ạ!
- Sao không chờ đẻ rồi hãy mua? Bà Ba vừa thốt ra câu nói bỗng xua tay lia lịa. Mày đưa tao đến khu bảo tồn văn hóa đi.
- Dạ cô Hai bảo con đến gặp cô ấy gấp. Sắp tới giờ rồi!
- Thì mày chở tao đi luôn cũng tiện.
Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ á lấy bông lên bông, một bầy tang tình con nít. Á mấy lượn lượn...lượn...
Một anh hề đội mũ nồi tay ôm cái trống cơm tay vỗ bụng hát, chân nhảy lom xom. Sau lưng anh ta là cái cổng, hai cột gạch, trên đầu căng tấm bảng bằng vải gió thổi phập phồng dòng chữ: KHU BẢO TỒN VĂN HÓA DÂN TỘC
Khu bảo tồn văn hóa dân tộc ở hai đầu có hình hai con rồng phun khói. Trên đầu cột có
hai con cá Lý Ngư. Ở dưới đất thì anh hề hát liên tục hết Trống Quân tới Cò Lã, ở trên không thì cặp cá Lý Ngư há miệng đớp mất mấy chữ nên BẢO TỒN thành BẢO ỒN, còn DÂN TỘC thì thành DÂN TỘ.
Con cò bay lả bay la
Nó bay qua thị xã nó bay về Đồng Đăng
Tình tính tang, tang tính tình... Thương nhau cởi áo cho nhau Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay
Thình thùng thình, tình tính tang Anh chàng rằng anh chàng ơi Mình có nhớ nhớ ta chăng
Ta về về ta nhớ nhớ hàm răng mình cười
Anh hề hát đến đây thì một thôn nữ xuất hiện phụ họa thêm. Cô nàng mặc áo dài nâu, hai vạc trước thắt quả găng, khăn mỏ quạ, vừa múa vừa hát:
Cây trúc xinh xinh tang tình là cây trúc mọc qua lá ngõ...em xinh em đứng một mình cũng
xinh.
Thằng Xe vừa đưa bà Ba đến. Thấy hai người hát dưới một bối cảnh dân tộc, bà nghĩ
thầm: "Có thế chứ! Người Việt Nam đâu đã hỏng cả! Nhất là người Thủ Đô này! Tất cả những gì bắt đầu hư hỏng sẽ đuợc sửa chữa lại. Đến đổi như Cải cách ruộng đất kia đảng còn lái lại được! Rồi đâu lại vào đấy. Bây giờ có ai biết là cải cách ruộng đất "thắng lợi" đã làm bác Hồ rơi lệ đâu!
Bà đến tìm chỗ bán vé, nhưng người ta bảo vào cửa tự do. Bà Ba lấy làm sung sướng bước qua cái cổng có rồng bay cá cười. Đi vài bước nữa đã thấy quán nước chè xanh và Lá Vôi. Hương vị dân tộc đượm nồng. Từ bên trong một túp lều một cụ già lụ khụ bước ra tay cầm một nhánh cây, miệng ngâm theo điệu sa mạc:
Lá diêu bông ơi hỡi lá diêu bông
Ai tìm được lá diêu bông
Em sẽ gọi là chồng
Em đã tìm được lá diêu bông
Nhưng chị đã lấy chồng
Em đi khắp trời tìm lá diêu bông! Diêu bông hỡi, diêu bông hỡi!
Bà Ba bước lại gần để thưởng thức giọng ngâm. Bà chợt nhận ra người quen nhưng nét quen đã mờ nhạt như một cành tre sau làn khói nên bà chẳng dám nhận. Nhưng lão già kia chống gậy đi lại phía bà, uống ngụm nước chè xanh dặng hắng rồi nói:
- Tôi xin hiến bà con mình một bài thơ xưa lắm. Rồi cụ ngâm:
Đêm liên hoan, đầu nhấp nhô như sóng biển ngang tàng
Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn
- Anh tự phương nào lại?
- Tôi từ đất dấy lên
Chúng ta cùng một mẹ hiền
Lúa thơm bầu sữa bông mềm áo tơ
Chúng ta cùng một mối thù
Cùng quen với tiếng đạn vù bên tai.
Bà Ba nhìn gần những nét nhăn và mép tóc bạc lòa xòa che lấp một nửa vầng trán và cái miệng xinh xinh. Bỗng bà kêu lên:
- Chú...chú...phải không?
Lão già ngước lên, cặp mắt chớp chớp:
- Ai gọi tôi kia?
- Trời ơi, sao bây giờ chú ăn mặc kỳ cục vậy? Áo trấn thủ đâu?
- Mất lâu rồi! Kẻ trộm lấy. Cô là ai?
- Tôi là một người Việt Nam. Sao chú làm trò gì vậy?
- Thì đi đến mấy chỗ đông người ngâm thơ, kiếm tiền mua gạo chớ trò gì. Ở đây kiếm được khá lắm.
- Sao cháu nghe nói chú ở Hội nhà văn gì ấy mà?
- Cái cô này, nhà văn là nhà văn chớ nhà văn gì là sao? Bây giờ tôi hết ở đó rồi. Cô là ai mà biết tôi?
- Cháu là...cán bộ phụ nữ, đã từng nghe chú ngâm thơ, xem chú diễn kịch "Kinh Bắc" ở
Bắc Kạn Thái Nguyên năm 1948-1949 gì lận.
- Ờ...hồi đó tôi có diễn kịch trong những đêm lửa trại. Xưa quá rồi tôi cũng không còn
nhớ.
- Hồi đó vui ghê. Còn bác Thế Lữ đâu rồi hả chú?
- Anh ấy cũng ở đâu Hà Nội, lâu rồi tôi không có gặp.
Bà Ba mở bốp lấy ra một xấp giấy bạc dúi vào tay người ngâm thơ. Người kia lắc đầu nguầy nguậy:
- Cô đừng làm vậy bêu riếu chánh phủ.
- Ủa sao chú nói chú ngâm thơ kiếm tiền mua gạo? Bà Ba cứ dúi xấp bạc vào tay nhà
ngâm sĩ rồi đi thẳng.
Bỗng nghe tiếng đàn rền rền như tiếng dương cầm. Bà dừng lại lắng tai: Thánh đường tôn nghiêm
Giặc sầm tới chiếm
Gác cao tòa thánh
Đặt súng thay chuông Hung ác bạo cường Tàn sát dân lành
Eve Maria lạy chúa tôi...Đây xưa nay ngày nhắn ngày
Tiếng tiếng buông
Tiếng buông hồi chuông nhân từ
Cầu Chúa ban phước lành...
Bà Ba nhìn bên đàng thấy một người gầy gò, nét mặt buồn như một giọt nước mắt, ngồi trên một đống gạch vụn, tay ôm cái thùng đàn ghi ta không có cần đàn, tay bấm những phím đàn tưởng tượng:
Nhưng rồi đây rồi đây kháng chiến thành công
Nhạc thánh buông lơi đổ tiếng vàng
Đời đời ấm đọng gác nghiêm trang
Bà Ba không nhìn rõ được là ai, chỉ nhớ có lần bà đã nghe ở đâu hát bài đó trong kháng chiến trên đường đi công tác. Bà đã đi qua khỏi rồi mà tiếng nhạc như còn vương theo cành cây ngọn cỏ bên đường bà đi như dư âm những ngày cũ còn vọng lại, thì bỗng nghe tiếng chào hỏi thân ái:
- Cô gì ơi! Còn nhớ tôi không? Nay cô cậu đã được mấy cháu?
- Dạ chỉ mới được một đứa cháu ngoại. Còn mấy đứa kia tôi chưa gã cưới đứa nào hết!
- Ai vậy kìa? Bà Ba vừa hỏi vừa nhìn theo tiếng hỏi. Bà thấy bên vệ đường trên một chiếc
bàn gỗ bày biện những chiếc ấm đất, một bộ lư đồng và mấy quyển sách nát. Đứng sau chiếc bàn là một ông già đầu hói, miệng ngậm ống điếu làm bằng một thứ rễ cây sần sùi có hình thù rất kỳ quái. Bà không nhận ra là ai nhưng thấy mấy món đồ cổ hay hay thì hỏi:
- Mấy chiếc ấm đất này cụ có bán không ạ?
- Ở nhà cô có người nghiện chè tàu à?
- Dạ bố cháu cũng thích uống chè nhưng không phải là người nghiện.
- Cô ưng chiếc nào nào?
- Cụ cho cháu xem chiếc ấm ở giữa kia kìa.
- À đó là chiếc Mạnh Thần! Cụ già vừa nói vừa lấy chiếc ấm trao cho bà Ba. Bà nhận lấy, giở nắp ra cầm tay rồi úp chiếc ấm lên mặt bàn. Xong bà nói:
- Đây là ấm Mạnh Thần thứ thiệt gốc xưa lắm. Ngoài ra chắc nó đã được dùng châm trà lâu đời rồi nên nó có gai trong lòng. Nếu không có trà, châm nước sôi vào uống cũng như có trà ạ!
Ông lão cười cười:
- Sao cô chắc gốc nó xưa lắm?
- Thưa cụ ấm thật thì miệng ấm và vòi ấm đề cắn mặt bàn trên một đường thẳng ạ. Nếu là ấm giả thì không được như thế. Xin cụ cho biết giá?
Lão già hơi ngạc nhiên nhìn người đàn bà, và nói:
- Đây là chiếc ấm của ông Đồ Nghiễn bạn tôi, vì nghiện trà mà sa sút rồi gặp lúc đê vỡ cơn lụt bất ngờ cuốn phăng hết tài sản, may mắn còn vớ được một ít đồ đạc, trong đó có chiếc ấm này. Ông giao cho tôi giữ và dặn nếu gặp người mua thì bán với giá cao, nhưng nếu gặp người sành uống trà và hiểu được giá trị của nó thì xin biếu không. Đã có nhiều người hỏi mua nhưng không ai như cô hiểu giá trị chiếc ấm. Vậy tôi y lời dặn của chủ nó mà biếu chiếc ấm cho cô.
- Cảm ơn cụ và xin nhờ cụ chuyển lời đến chủ nhân rằng vợ chồng tôi có lời đa tạ.
- Không có chi! Của quý gặp đúng chủ thì mới đáng cái công người sáng tạo ra nó. Cũng như một áng văn chương hay mà lạc vào tay kẻ dốt nát thì chẳng hoài công lắm sao? Lão già nói xong lấy giấy gói nắp và ấm riêng ra rồi hai tay nâng trao cho Bà Ba.
Bỗng có tiếng:
- Bát Phở của cụ gọi đã xong, xin mời cụ sang dùng!
Ở cạnh đó có ông hàng Phở còn trẻ râu mới cạo còn xanh cả cằm. Anh ta nói tiếp:
- Đây là Phở đặc biệt dành cho cụ.
- Phở gì mà đặc biệt thế?
- Phở nai!
- Sao lại phở nai?
- Người ta nấu cả Phở chó nữa kia! Thì phở nai có gì là lạ, thưa cụ!
- Nhưng mà nai ở đâu thế?
- Con "nai đen" nhà tôi ấy mà. Ông lão hàng xóm có con chó xấu xí định đổi cho tôi để bắt con nai đen ra chưng bày ở vườn bách thảo bán vé cho khách vào xem lấy xu, nhưng lão Lành bảo nai lông đen đốm vàng là điềm bất lợi nên thủ tiêu nó đi để khỏi liên lụy. Cho nên tôi đành giao cho lão Lành đâm họng lột da nó lấy thịt nấu phở bán cũng ra tiền vậy! Anh hàng phở nói tiếp: Ông cụ biết không, khi sắp bị lão Lành cắt tiết với chiếc liềm cùn, nó vươn cổ lên ngâm thơ.
- Öi chao, nai gì lại biết ngâm thơ?
- Mà là thơ triết lý chớ không phải thơ cơm phở bình dân ta thường thấy ở các quán cóc bên đường!
- Thơ ra làm sao, anh có nhớ không?
- Nó ngâm: "Ta nhắm mắt để nhìn, Ta mím môi để nói".
Ông khách kêu lên:
- Thế là thế nào?
- Dạ tôi cũng chả biết thế nào, chỉ nhớ thế thì thuật lại cho cụ nghe thế.
- Phở nai có ngon không? Đó mới là điều chính.
- Tôi xin hứa với cụ là "tuyệt sắc giai nhân". Thịt của nó do anh hàng phở Tư Lùn phụ trách chế biến. Anh ta là tay nấu phở chuyên nghiệp, nhưng chỉ nấu bán cho những người sành ăn phở, chớ không bán cho những kẻ đổ cơm nguội vô tô phở và chê phở không ngon.
Lão già hỏi:
- Lúc nãy tôi nghe anh nói tên Lành, Lành nào vậy?
- Tên Lành nhưng dạ chẳng lành. Anh ta cũng tập tễnh làm thơ, nhờ cung đình nâng đỡ nên ra được tập "Từ Khi Ấy", "Gió Lộn Lèo" v.v...dạy trong các lớp mẫu giáo và trường làng.
- Tôi không có đem tiền theo đây, anh cho tôi thế các quyển Vang Bóng Một Thời hay quyển Chùa Đàn để lấy bát phở đem về cho vợ tôi được không?
- Dạ cháu không dám láo xược thế đâu. Chữ của cụ đâu có rẻ như phở vậy được.
- Cảm ơn anh, nhưng cái thời hạm hoành hành này, đến đất đai của Tổ Tiên còn chẳng ra chi nữa là chữ nghĩa. Chữ của tôi anh còn cho bằng tô phở đó đã là quý lắm rồi. Nhiều người cày cục viết ra cả quyển sách mà đem đổi bó rau muống, còn không được kia đấy anh ạ! Thời này đâu phải là thời văn thơ thịnh vượng.
Anh hàng phở cố nén bực tức, nói mát mẻ:
- Thế nhưng có người làm thơ lục bát trật mẹ nó hết 3 vần liền trong 3 câu nhưng lại được
tôn vinh là thi sĩ số 2, chỉ sau cụ Tiên Điền thôi thì sao hở cụ?
Bà Ba nghe anh hàng phở nói chuyện văn chương với lão khách chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao nhưng nghĩ thầm: "Như thế này cũng đã may mắn cho nền văn hóa dân tộc lắm rồi. Tuy họ không sáng tạo ra cái gì mới nhưng ít ra họ cũng không phá hoại văn hóa của tổ tiên là Phở! Lạy trời cho họ đừng phá Đền Kiếp Bạc để lấy gạch vụn xây lăng mộ kẻ hậu sanh.
Bà Ba đi ít bước nữa thì có một người mang kính gọng vàng chặn lại. Hắn nói:
- Đây là biên giới của ánh sáng và bóng tối của nền văn minh phương Tây đang chen lấn vào nền văn hóa xưa của ta vừa được phục hồi dưới ánh sáng chế độ. Xin mời các ông các bà mua vé xong rồi vào hội trường nghỉ chân ít phút để được ban tổ chức đả thông cách thức vào khu vực giải trí cổ truyền này ạ!
Bà Ba mua vé xong thì được hướng dẫn vào một ngôi nhà nhỏ không có vách bốn bên. Khách đã vào ngồi ở đây chật ních. Nhiều người phải đứng ngoài thềm. Tay mỗi người đều cầm vé giơ lên như để chứng minh rằng mình vào đây đàng hoàng không phải đi chui.
Người mang kính gọng vàng hướng dẫn:
- Kính thưa quý khách. Đây là khu bảo tồn văn hóa dân tộc. Trước khi vào cuộc xin quý khách hãy nắm vững nội qui chơi cho đúng luật để khỏi uổng tiền mua vé. Nhằm mục đích bảo vệ vốn cổ của dân tộc, chúng tôi mở ra khu vực này, trước là bảo tồn văn hóa sau là vui chơi những ngày xuân đầm ấm. Muốn tham dự trò chơi này quý khách được xếp thành 2 phạm trù. Phạm trù thứ nhất là "ngẫu nhiên". Phạm trù thứ hai là "tự nhiên". Ngẫu nhiên là may mắn gặp nhau chớ không có hẹn trước. Tự nhiên là đã có hứa hẹn với nhau rồi. Khi vào khu vực, quý khách nào có vé màu xanh lơ thì đi bên trái. Quý khách nào có vé màu hồng thì đi bên phải, những quý khách đi theo phạm trù ngẫu nhiên, nghĩa là gặp ai hay nấy, không có lựa chọn bạn chơi trước. Còn quý khách có vé màu hồng thì đi chung với người bạn có vé màu hồng đã thông cảm với nhau trước đây một phút hay một năm, điều đó không thành vấn đề, miễn một nam một nữ là hợp lệ.
Ba Bà nghe đả thông mà ngạc nhiên không hiểu gì cả. Nhưng cũng cứ theo sự hướng dẫn của người mang kính gọng vàng mà mãi tới bây giờ bà mới nhận ra là cặp kính không có tròng.
- Đây là trò chơi văn hóa có tên là "bắt trạch trong chum". Bà con hãy nhìn những cái
chum đứng trong sân đề khoảng cách. Mỗi cặp phụ trách một chum.
Cái trò này bà Ba đã từng thấy trong thời kỳ kháng chiến mà cấp trên bảo là khiêu dâm và vô văn hóa nên đã cấm chơi từ 1948 đến nay. Nay sao lại xuất hiện ở Thủ Đô?
Bà Ba không dám nhìn vào những cặp mông căn rướn ôm những cái chum. Ở trong đó hai cái đầu 1 nam 1 nữ húc nhau và thi bắt trạch ở dưới đáy chum.
Bà bỏ đi nhưng vẫn thấy họ đang làm gì. Có cặp làm đổ chum nước ra đầy đất. Con trạch bò lăn lóc trên đất nhưng họ có cần gì con trạch đó. Họ đang tranh con trạch khác.
Bà Ba đi sâu vào khu Bảo tồn văn hóa. Bỗng bà thấy một cuộc mua bán hay hay lạ mắt. Bà dừng lại nghe tiếng người lau nhau hỏi:
- Cụ bán mỗi lần được bao nhiêu tiền?
Lão già không trả lời kịp. Chờ dứt các câu hỏi cụ mới tổng luận một lượt và còn kể thêm những râu ria về làng bán máu:
- Mỗi lần chìa tay ra mong người ta nhận mua là được rồi. Đâu có nghĩ đến việc kiệt sức tàn hơi. Có bán được máu thì mới mua được cái tọng vào mồm. Có cái vô thì mới có cái bán ra được! Mỗi lần họ châm kim vô gân hút ra được một ống to bằng ngón tay thế này này thì được
150 nghìn đồng là thượng số thì bỏ túi được 50 nghìn tức là ghé chợ mua thức nọ thức kia mang về thuyền là vui rồi. Là vì phải tiền đấm, tiền lót cho cán bộ giữ cửa, cán bộ thu mua, ghi biên nhận là 150 nhưng họ chỉ trả 100 thôi, hai lượt tiền xe đi xe về, tiền đò tiền ghe nữa chứ! Dù là
máu của mình nhưng có đâu ăn được trọn.
Có lẽ nghe thấy tiếng "ghe" nên có người hỏi:
- Cụ là người miền Nam à?
- Tôi là người Bình Định, tập kết ra đây hồi hòa bình năm tư (54).
- Rồi sao cụ không về quê?
- Ở đâu chẳng là quê? Ở đâu thì cũng chết. Đi về quê mà thế này thì xấu hổ quá! Tôi không muốn về nữa.
Có người hỏi tiếp:
- Cụ sống như thế này đã bao lâu rồi?
- Không lâu! Chừng vài chục năm nay thôi! Trước kia tôi còn trẻ ở trong quân đội, thì tôi có hiến máu cứu đồng đội vài lần. Do đó mới biết máu mình không phải là nước lã. Rồi nghe người ta đi bán mình cũng mò theo vết chân họ. Bây giờ già rồi máu cũng già theo, khó bán lắm! Người ta thấy mặt đã lắc đầu chê bai đủ thứ. Mình phải năn nỉ, lót chỗ nọ, đút chỗ kia mới bán được. Ban đầu cũng tiếc cũng sợ, nhưng sau rồi quen dần!
Sẵn trớn lão già nói luôn:
- Có người đàn bà bốn mươi ngoài ở cạnh bè thuyền tôi, trông như bà lão 60 vì cái nạn bán máu. Bà ta bán máu để nuôi con đi học, nhưng mấy đứa lúc học đến lớp 4 thì nghĩ ở nhà đi bươi rác ăn mày mới đủ sống. Muốn bán máu thì phải chờ đến ngày như ở quê tôi móc dừa khô vậy. Cán bộ họ xét sổ kỹ lắm. Lần này cách lần kia phải 2 tháng. Nhưng cái mồm của mình rất ác, nó có đợi 2 tháng mới đòi ăn đâu. Cho nên phải nhảy rào! Như nhà nông bán lúa non vậy. Lúa còn xanh trên ruộng mà kêu người tới bán. Đói không đợi lúa chín kịp.
Nhảy rào thì tốn tiền trà lắm. Mình cần bán nên phải lòn cúi năn nỉ. Nhiều khi họ thấy tội nghiệp nên cũng nhận lời. Muốn có máu sớm phải ăn cá mè rán hoặc hút trứng gà sống. Đó là người cùng nghề bảo nhau như thế, không biết có đúng không nhưng thấy người thợ chài đi qua thì dặn họ để giành cá mè cho. Chả là sông này có nhiều cá và nhiều vạn chài sống bằng sự bố thí của Bà Thủy mà!
Người lớn thì bán máu đã đành. Trẻ con cũng bán được, nhưng phải trên 10 tuổi. Có gia đình túng quá đem con đi bán máu. Cán bộ không chịu mua vì xem khai sanh chưa đến tuổi bán. Nhưng nếu không bán được...thì về "nhà" lấy gì mà ăn cho nên phải van nài cán bộ. Cuối cùng
họ cũng động lòng mua cho. Miễn được mua là mừng rồi, kể gì sự nguy hiểm xảy đến.
Lão già chừng như mệt nên giọng trở nên khàn khàn. Có người thấy thế đưa cho một bọc đá lạnh xi rô. Trông lão già ngơ ngác, một người nói:
- Cụ ngậm cái ống thòi ra đó mà hút đi cho đỡ mệt. Lão già giơ cái bọc lên nhìn qua nhìn lại. Người kia hiểu tâm lý, lại bảo:
- Cụ hút đi! Nước đỏ nhưng không phải máu đâu. Xi rô đấy.
Lão già mới chịu ngậm ống hút. Hai má lão móp vô, lão hút mấy cái đầu nuốt ực ực, ngừng lại như ngẫm nghĩ..., rồi lại hút đến cạn bọc nước.
Lão quay ra nói:
- Thấy màu đỏ tôi cứ tưởng là máu. Chả là người ta lấy máu cũng đựng trong bọc như thế này nhưng to hơn! Rồi lão chép miệng tiếp. Trong "làng" có 112 người tất cả. Có những người bị chê, không bán được. Họ đã bán trên 30 năm nay rồi, bây giờ ra lão, đi vô Thanh Hóa không xong, xuống Thái Bình người ta cũng lắc, vô mãi tận Vinh cũng không được. Thì ra ở đâu chánh sách của đảng cũng thế, không mua máu người già quá 70. Mà đằng này các lão ấy đã cổ lai hy bằng cụ Hồ rồi, làm sao người ta chiếu cố như đối với tôi mới 75.
Ngưng một chút lão lại tiếp:
- Có lúc tôi cũng muốn về quê, nhưng rồi không muốn nữa. Vả lại, quê hương mình thì ở đâu cũng thế! Cây khô tưới nước cũng khô, vận nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo! Hơn nữa, xưa kia tôi đi tập kết với ý nghĩ vinh quang nên tôi mới đi. Bây giờ trở về mà như thế này ư? Biết trong đó máu có giá cao như ngoài này không?
Một người hỏi:
- Sao cụ không theo đơn vị mà trở về với anh em có phải tiện hơn không?
- Cái hồi ra đây được vài năm thì tôi đã bị giải ngũ, ra dân rồi còn đâu. Mười lăm năm sau, tôi mới nghe tin chiến thắng ở miền Nam, thì tôi chỉ là cái xác, dẫn xác thề này về...vợ con ở đâu thì quê hương ở đó. Về làm gì nữa. Ích lợi chi vợ chồng thằng ăn mày. Tôi không nói giấu chi bà con. Vợ tôi đi ăn xin ở ngoài đường kia, chờ tôi ra mang kết quả.
Bà Ba đứng tự nảy giờ lẫn trong đám người, nghe đến đây bà vụt móc bóp và dúi vào tay lão già một nắm bạc. Lão già đưa cặp mắt sâu hút nhìn người đàn bà sang trọng, miệng há ra ú ớ. Một lúc, lão mới nói được:
- Dạ ở đây, xin lỗi...là...là phòng hút máu à? Thằng Xe đứng bên Bà Ba vội nói:
- Cụ cứ cầm đi. Bà Tướng biếu cụ đấy. Bà không cần máu của cụ đâu.
Bất giác Bà Ba quay sang bảo thằng Xe:
- Thôi đi về!
Thằng Xe đang mãi mê với những cuộc vui bắt trạch nhưng cực chẳng đã phải nghe lệnh
chủ.
Trên đường về bà hỏi thằng Xe:
- Chợ quỷ yêu gì kỳ quái thế hả mày? Hết Cơ Bắp đến Lên Cơn, qua Lên Cơn đến Chợ
Chó, khỏi Chợ Chó đến...
- Dạ thì nó thế, con không biết ạ. Nhưng còn nhiều khu vui hơn nữa kia.
- Như gì?
- Dạ sau khi "bắt trạch" tới phần "tắt đèn" ạ và gì gì nữa, con không biết, chỉ nghe nói
thôi.
- Đã bảo về là về!
- Dạ.
Xe chạy lách ra khỏi đám đông, ra đến đường cái, bất thần Bà Ba hỏi:
- Mày có nghe lão già nói không?
- Dạ chuyện bán máu ở Hà Nội mình cũng thường thôi. Hằng ngày ở các Bệnh Viện đều mua. Người bán xếp hàng chờ như ở Bách Hóa Tổng Hợp...
- Thế à, tao mới biết hôm nay đấy.
- Dạ thì cũng như các cô sử dụng cái "vốn tự có" của mình để hái ra tiền nuôi thân và nuôi gia đình thôi. Chính cô Hai cũng...cũng...
- Hả, con Xuân cũng...cũng...à?
- Dạ không, cô Hai không dùng "vốn tự có" nhưng mà cô giúp cho các cô dùng nó ạ! Dạ dạ...thì cũng như là giúp lão già kia bán máu của lão ta vậy!
Bà Ba về tới nhà, mệt mỏi rã rời. Bà tưởng đã đầu thai sang kiếp khác. Ối trời ơi! Bảo tồn văn hóa như thế đó ư? "Cách mạng thay cũ đổi mới, cái mới hơn cái cũ" là như thế đó ư?
Bà Ba nhớ cái anh chàng hướng dẫn viên giới thiệu những tiết mục cho người tham dự, trời đất ơi, hắn mang kính không có tròng, chỉ có bộ gọng vàng thôi. Hắn muốn bịp đời hay muốn mỉa mai cách mạng? Người hướng dẫn gì lại không có mắt? Nếu cán bộ và lãnh tụ kháng chiến ngày xưa (nay đều đã ra lão cả) đều mang kiếng loại này thì chả trách cái cuộc cách mạng đi đến ngày nay. Rồi sẽ đến ngày mai nữa. Cái ngày mai đó đã liệu ra như thế nào, không cần chờ nó tới mới biết được.
Sao hồi khởi đầu đi kháng chiến, vui quá, cứ đi rủ nhau đi, không có suy tính thiệt hơn gì hết. Miễn được mang ba lô đi thoát ly là thấy mình cao cả hơn người rồi. Cứu quốc. Hai tiếng ấy nó thiêng liêng làm sao! Nếu biết cách mạng "thành công" mà như thế này thì cụ Hồ có chổng mông gào rách họng cũng không ai đi. Đi để bây giờ những thằng mọi rợ làm giàu bằng bán đất tổ tiên, bằng cướp của đồng bào, bằng gian lận mánh mung, bằng đua nhau trở thành hạm. Bất giác bà Ba nhớ những đêm lửa trại quân dân cá nước, nắm tay nhau ca hát và cùng nhau phác họa tương lai đẹp tựa "bình minh nạm vàng" 1
Ngày mai đây: Tất cả sẽ là chung 2
Tất cả sẽ là vui và ánh sáng
Bố tiên sư thằng viết ra câu đó.
Bây giờ người ta họa lại:
Ngày mai đây: Tất cả sẽ là đô
Tất cả sẽ đen thùi như mõm chó.
Không còn tìm đâu ra được một niềm vui ngày kháng chiến, những đêm ngủ trong hang núi, những ngày sống bằng vắt cơm với dăm hạt muối vừng.
Quê hương anh nước mặn đồng chua 3
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Tôi với anh đôi người xa lạ
rên chiến trường chẳng hề quen nhau
Bây giờ cán bộ và lãnh tụ đi xe hòm ở nhà lầu nên dân nói như nước đổ lá môn, dân bị gậy ăn mày lãnh tụ quay mặt, nói chuyện tỉ, tê. Lãnh tụ là cá, dân là nước chăng? Có thể nào người đi kháng chiến tưởng tượng ra nỗi cảnh một ông Đại Tướng bị đồng đội đánh thuốc độc chết chăng? Có thể nào người đi kháng chiến lại trở thành những con hạm mặt đỏ chín đầu mười đuôi chăng?
Có thể nào người ta tưởng tượng nỗi một ông Lê Nin đội cái mê thúng rách bên cạnh lăng bác Hồ? Có thể nào người ta tưởng tượng được những bàn bán bánh mì pa tê giá rẻ như cho, đặt ngay sau lăng bác, để khách chen lấn tới mua làm cho phóng viên ngoại quốc hiểu nhầm rằng dân đến viếng lăng lãnh tụ chăng?
Khi hào quang đã mất, người ta làm mị thuật để dối dân và lừa thế giới. Nếu biết trên trần gian cái thiên đường Mác Lê được xây dựng như thế này chắc Mác Lê và Bác Hồ ôm nhau khóc ròng và chắc Diêm Vương đình hoãn việc xây dựng thiên đàng Mê Lác ở cõi âm ty vĩnh viễn. Trời đất ơi! Một lão già thất thập cổ lai hi đã bán máu để có tiền mua cái tọng vào mồm trong gần
nửa thế kỷ mà vẫn sống tiếp tục bán. Một khu vực bảo tồn văn hóa với những nhà văn hóa ngâm thơ kháng chiến, đổi chác văn chương và hát với cây đàn không dây để kiếm đồng tiền dổm như cái nghiệp dĩ của mình. Một khu vực bảo tồn văn hóa với trò bắt trạch trong chum cách mạng. Con trạch nào được nhốt trong chum ắt phải nhắm mắt lại như con nai thiêng trước khi bị đâm họng, để nhìn thấy cách mạng đang tiến vi vút trên mảnh đất Thủ Đô.
Đây Hồng Hà Hồ Tây 4
Đây lắng hồn núi sông nghìn năm
Đây Thăng Long đây Đống Đa
Đây Hà Nội Hà Nội mến yêu...
Hà Nội là đây chứ Hà Nội nào nữa. Việt Nam đâu có đến hai Hà Nội. Cách mạng Việt Nam đâu có hai cụ Hồ, cách mạng Việt Nam đâu có 2 người bạn Trung Quốc. Nhưng Hà Nội nào đánh bom ba càng còn Hà Nội nào dựng Thủy Long Cung. Cụ Hồ nào ở Hang Pắc Pó còn Hồ nào bị dân gọi là Hồ chủ tiệm? Trung Quốc nào giúp Việt Nam đánh thắng Tây Mỹ, còn Trung Quốc nào lấn ranh đất Việt Nam, Trung Quốc nào phục ruợu dân Việt Nam bằng bia Vạn Lực?... Có cô du kích xóm Lai vu 5
Rắn quấn trong chân vẫn bắn thù
Mỹ hại muôn nhà lo diệt trước
Rắn, mình em chịu có sao đâu.... Vô sản ngày nay có khác xưa
Nghĩa tình e sớm nắng chiều mưa
Chợ trời thật giả đâu chân lý
Hàng hóa lương tâm cũng thiếu thừa
Lương tâm nào biến thành hàng hóa? Tội nghiệp ông nhà thơ có một thời là thần tượng của tuổi trẻ. Vẫn là thần tượng sau Hòa Bình. Nhưng rồi thần tượng ham mê thang mây, ghế gỗ rời bỏ nàng thơ và đã sụp đổ với cái ghế hư...danh.
Bà Ba hết nhớ chuyện xa đến chuyện gần. Chuyện xa thì vui. Chuyện gần không vui lắm. Còn chuyện bây giờ thì đã không vui lắm, lại buồn. Buồn đời. Buồn cho cách mạng, buồn cho văn hóa vô văn hóa, buồn cho đảng có những đầy tớ mang tim chó 6. Giá bà đừng đi Giảng Võ có khỏe nhẹ tâm trí hơn không? Đi làm chi để phải suy nghĩ và buồn thê thiết. Trời đất ơi, cách mạng giờ đã đẻ ra những băng ăn trộm chó để cho chuộc, đẻ ra những con trạch. Cách mạng đã làm cho nhà văn đem đổi tác phẩm lấy một tô phở. Cách mạng xã hội chủ nghĩa đã đẻ ra những lão già vừa bán máu vừa ăn mày để nuôi sống mình suốt từ khi có Xã Hội Chủ Nghĩa. Xã hội chủ nghĩa là mô hình man rợ nhất, nó chê chủ nghĩa tư bản nhưng nó đã trở thành tư bản, nó đòi tiêu diệt chủ nghĩa tư bản nhưng nó theo đóm ăn tiền tư bản, nó và chỉ có cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa mới làm cho những người như Bà Ba Sao biến thành hạm trong bầy hạm Ba Đình như trong truyện này.
Con nòng nọc rụng đuôi để trở thành ếch lúc nào nó không hay. Bà Ba Sao còn chút lương tâm, nhưng rồi nó bị màu vàng che lấp đi dần. Vào khu bảo tồn văn hóa bà hãi quá. Bà không ngờ nó như thế. Bà lặng lẽ vứt tấm vé, chui lộn trở ra. Thà mất tiền mà không mất gì khác. Hú vía!
Bà như con nòng nọc quay lại nhìn cái đuôi cách mạng đã rụng trôi bập bềnh ở phía sau bà. Hình như nó muốn ráp vào thân cũ nhưng mà linh hồn của Đại Tá Trần dụ Châu cứ lỡn vỡn theo bà và giữ chặt cái đuôi...ếch bà không cho bà trở lại làm chú nòng nọc ngây thơ trong trắng....Ai biết bà đã đi bắt trạch trong chum? Bà đã vào khu đó, nhưng bà không thò vào chum. Bỗng nghe tiếng gõ cửa. Bà ngồi bật dậy, như một kẻ bị bắt quả tang, chạy trốn. Thì thằng Tuấn lù lù đi vào, nó không nhìn thấy mẹ nó.
Bà quát như để lấy lại tinh thần cho mình:
- Mày đi đâu về mà rách tả tơi thế kia?
- Con đi coi triển lãm chó lu lu...má à!
- Bữa nay sao mày không đi học?
- Đau có bữa nào con...không đi học Nhót, Karôkê, Lampada, ChaChaCha...má!
- Mày đi theo lũ bụi đó hả? Bố mày về tao mách. Thằng Tuấn lại ngồi trên ghế đối diện với Bà Ba.
- Bụi là tụi vô sản kìa má biết không, chúng nó không chịu chơi! Hì hì hôm nay con xin má đưa cho con nửa tê ủa nửa tỷ.
- Mày lúc nào cũng đòi tỉ, tê. Tỉ với chả tê! Tao in được giấy bạc đấy à?
- Tiền là cơ sở vật chất để kiến thiết xã hội chủ nghĩa má biết không? Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược cũng không! Má mà không cho con đúng số thì thằng Hoàng Tỳ con của ông Khắc nó cười con thối đầu...Hì hì, sẵn dịp con cho ba cho má một tin mừng lớn!
- Tao phải một lần mừng về con Xuân rồi, bây giờ tới mầy nữa!
- Tin mừng này không giống của chị Hai với ông Bác Sĩ về nguồn đâu má! Con được bầu làm oải trưởng, mà là đô oải trưởng, chớ không phải oải thường. Đây là một cuộc bầu dân chủ nghe má! Hằng trăm đô oải giơ tay không thiếu một đứa chớ không phải kiểu 99% chưa bầu mà đã biết kết quả hay nhứt trí cao thông qua như báo Nhân Dân đăng đâu má à!
- Tao không từng nghe chức gì lạ vậy.
- Oải là uể oải chán nản, tung hê, nghĩa là bất cần đời đó má! Còn đô oải trưởng là xếp đám oải toàn Thủ Đô lận nghe má!
- Xếp lớn vậy sao còn xin tiền?
- Tối nay mời má đến Đêm Màu Hồng dự tiệc vui lớn.
- Tiệc gì mà vui dữ vậy?
- Tiệc cưới của con.
- Trời đất! Mày cưới ai sao mày không cho tao với bố mày hay?
- Dân chủ thứ thiệt chứ không phải dân chủ giả hiệu. Chúng con gặp nhau. Rồi con bị tiếng sét ái tình ở "đêm màu hồng" cho nên con cần nữa tỷ để mở đại tiệc vui cho đúng "một luyến ái mô đéc" của oải đó má!
- Mầy có điều tra kỹ không? Con cái nhà ai vậy?
- Không cần điều tra lý lịch 3 đời cụ kỵ như đảng đâu má!
- Vậy làm sao ăn ở cho bền được con?
- Nàng là nữ oải trưởng Thủ Đô. Chỉ yêu con thôi! Mà dầu nay yêu mai ghét cũng bê tê vê đê! Trên đời này có ai yêu ai mãi có ai ghét ai hoài đâu má? Con cần nửa tê ủa nửa tỉ. Nếu không có thì thứ bảy này má đến Đêm Màu Hồng nhận xác con! Nhận luôn xác con dâu của má. Đồi thông hai mộ, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài xã hội chủ nghĩa! Nói xong Tuấn đứng dậy định đi.
Bà Ba đành dấu dịu để cầm chân cậu ấm:
- Con ngồi xuống đó nói cho má nghe rõ đầu đuôi rồi má sẽ cho...o!
- Thì con đã nói rồi. Đây không phải là hành động lén lút như đảng cắt đất cho nước bạn, mà là chuyện công khai. Cả Thủ Đô này ai cũng biết rằng chúng con là đô oải trưởng và nữ oải. Các bạn oải con rất tán thành cho chúng con xả máy với nhau.
- Còn cha mẹ nó thì sao?
- Cha mẹ không có quyền can thiệp thô bạo vào tình yêu. Tức là tự do luyến ái. Điều này có ghi trong hiến pháp Ba Đình dưới tiết mục "tự do thân thể". Ô kê gà đen cũng như chó mực. Thôi được rồi! Con chào má. Oải chỉ hành động, không có nói nhiều. Oải cũng không nói láo như ai kia.
Bà Ba không thể làm gì hơn là xuống nước nhỏ hơn nữa:
- Má cho con đủ hết, nhưng con phải nói cho má rõ câu chuyện đã. Áo không mặc qua
khỏi đầu con ạ. Má có một mình con là trai. Dù gì thì con cũng là giọt máu của ba má. Con chọn vợ thì đã đành là tự do thân thể, nhưng má muốn biết con dâu của má là ai, bước vào nhà này có xứng đáng hay không chứ, đâu phải bất cứ người nào.
- Nó là con của Đại Tướng đó má!
- Đại Tướng nào, con làm ơn nói cho má nghe rõ hơn chút!
- Nước mình có mấy Đại Tướng, má? Nhưng con nhỏ này rất tự tôn về mọi phương diện. Nó chấm con vì những bước nhảy "phăng" còn con phục nó vì nó có chí lớn như biển Đông trước mặt! Hoan hô anh em ít ra xa lắc ít xa rao, bốn phương trời vỗ nhịp ta đau đó má!
- Nghĩa là sao?
- Nó yêu con nhưng bảo con phải hứa là giúp nó trả thù cho bố nó!
- À, Đại Tướng Sáu Di đó hả, tốt lắm! Má chịu gốc bần cố nông, đúng lập trường.
- Không phải ông Đại Tướng chết ở trong Nam. Ông Đại Tướng này chết ở Hà Nội!
- Máy bay Mỹ oanh tạc Hà Nội có chết con rắn mối nào đâu mà chết tới ông Đại Tướng?
- Ông Đại Tướng này bị đồng chí ổng giết bằng thuốc độc. Ăn cơm xong rồi ngã lăn ra phèo. Trước khi chết ổng có trối lại: "Người ta giết tôi!". Con nhỏ này đứng bên giường bệnh của bố nên nghe rõ mấy tiếng đó. Và nó hiểu, qua giọng nói của bố nó, "người ta" là ai?
- Là ai thì là, chứ đi hoang như thế thì làm sao mà trả thù được?
- Má đừng xem thường đám oải tụi con! Xe be chạy xuống dốc Cầu Long Biên chúng con dám vọt Honda qua bụng nó đấy! Thì có kém gì ngày xưa anh hùng Phan đình Giót lấp lỗ châu mai, La văn Cầu tự chặt tay không? Bạt núi ngăn sông chẳng khó gì đâu với tuổi 20! Miễn là dám nghĩ dám làm. Cùng đi lên! Còn chơi! Hết thôi!
- Nó báo thù cho cha nó, còn con báo thù cho ai mà chấp nhận nguy hiểm?
- Cha nó là cha con! Cũng như cha con là cha nó. Má không tin thì má chịu khó đến dốc Cầu Long Biên xem. Sau khi dự tiệc vui ở "Đêm Màu Hồng" đoàn xe oải chọn lọc cáu cạnh 15 chiếc, sẽ biểu diễn chui qua bụng xe be cho má coi. Đứa nào gan nhất sẽ được làm ý trung nhân của nữ chúa oải và sẽ lên đường diệt bạo Tần như tráng sĩ Kinh Kha ngày xưa, mà sông Hồng là Dịch Thủy tân kỳ nghĩa là trả thù cho ông Đại Tướng.
- Còn mày là cái gì của nó?
- Là bạn đời của nàng chứ không phải ý trung nhân người yêu lý tưởng của nàng!
- Cái kiểu gì kỳ cục vậy? Đã có chồng còn có ý trung nhân?
- Dạ oải tụi con có ước thề vậy đó má à! Hiện nay ở trong... Bà Ba bảo:
- Mày nói lại tao nghe coi. Mày cưới con nào? Ý trung nhân là sao?
- Con xin lỗi má. Má lạc hậu rồi. Má không theo kịp trào lưu mới đâu má à. Má đã 60 mấy còn con mới 28. Ban tuyên huấn có dạy lứa tuổi nào tư tưởng ấy. Thời của má hát "đổi mới tuổi 20 đi giải phóng miền Nam" nọ kia, còn thời này còn giải phóng ai nữa cho nên chúng con
"chơi xả láng trời sáng về luôn", hoặc "chơi tới sáng ráng luôn ngày, chơi mút chỉ cà tha..."
- Mày quá lắm rồi nghe Tuấn. Bố mày về tao mách cho ổng ổng làm gì thì làm mày.
- Bố con cũng đang đi "mút chỉ cà tha" đó má à!
Bà Ba hơi nhợn khi nhắc đến ông Tướng nhà nên lảng sang chuyện khác:
- Mày đi đâu vội vậy, bia gì mà hết? Ba cái thứ "ôm" đó hả?
- Xì, cái đó xưa rồi má, ai còn đi nữa? Bia đây là bia bắ...ắn cơ! Tức là "bắn bia" đấy! Tụi con có súng còn đối phương thì có bia. Súng bắn bia đỡ.
- Tao không hiểu mày nói gì đó thằng quỷ.
Thằng Tuần gãi đầu gãi tai nhăn nhó như khỉ ăn ớt:
- Tức là...nói ra sợ má không hài lòng.
- Mày cứ nói đi, tao nghe...
- Tức là khai thác cái "vốn tự có" của hai bên đó má. Bia là đó đó má.
- Nghĩa là sao?
- Thôi, con không thể nói nữa!
Rồi thằng Tuấn bỏ đi một nước. Bà Ba réo to hậm hực, nhưng lần này nó không quay lại. Nó đi thẳng ra cửa. Ở trong chòi gác có anh lính gác, còn 2 bạn của nó đang chờ nó ở ngoài đường: Một đứa tên là Dương, một đứa tên là Luật, đều là con của hai ông Tướng khác cũng có villa ở trong thành nội cửa Nam.
Cả hai nổ máy xe Dream. Dương kề xe lại cho Tuấn và giơ tay chào anh lính gác theo kiểu nhà binh. Rồi hai chiếc xe phóng vút đi ra cửa Nam.
- Đi đâu? Dương hỏi.
- "Bát" Hồ một vòng lấy gió đi!
Thế là hai chiếc xe phóng ra Hàng Bông, rẽ trái rồi chạy thẳng ra bến tàu điện Hà Nội ở đường Đinh Tiên Hoàng, ngay cạnh Nhà Thủy Tạ, rẹt một hơi xuống Ngã Tư Tràng Tiền rồi quành lên phía Bưu Điện đối diện với Cầu Thê Húc. Ở đây có nhiều bóng mát ban ngày và nhiều vũng tối ban đêm, ngoài ra còn nhiều thân cây cổ thụ nữa. Đang chạy trước bỗng Luật chậm lại chờ Dương đến ngang và ngoách mặt sang bờ hồ nói:
- Có tụ điểm nhí kìa ta, bắt không?
- Đâu?
- Cả bầy co cụm kìa!
- Không phải đâu! Luật cãi lại. Các tiểu thư ta dạo mát đấy! Đừng đụng vào mà "vỡ mặt chế độ".
Dương cứ phóng, không coi nhận xét của Luật có giá trị gì! Dương đuổi theo Luật đến Lò
Sủ thì quát:
- Đã bảo mà! Đảo lại đi! Rồi không chờ đợi Luật nghe lời, Dương quành trở lại. Thấy thế, Luật cũng theo chân Dương. Hai chiếc xe chạy song song nhau, Luật bảo:
- Tớ có thấy, nhưng không phải ghẹ đâu. Chúng nó toàn mặc đồ hiệu không mà! Dương cãi lại:
- Đã bảo mà! Có cuộc không? Nói rồi Dương tốp ga rà sát lề và nhấc xe dắt lên bờ, đi lại phía các em tụm lại với nhau đang ngó ra đường cười rúc rích. Một cô mặc áo xanh da trời đứng bên cô áo trắng váy đen, cô thứ ba khoác một màu hồng nhạt mong manh như khói. Cả ba đều theo mốt tân thời Xã Hội Chủ Nghĩa. Ngày xưa gái Hà Nội chuộng hiệu Le Mur (cát tường) còn bây giờ không biết cát gì, chỉ giữ đúng tỉ lệ "bảy phần da, ba phần vải" lại thêm đeo khẩu trang thì đúng dân chơi rồi, chạy trời sao khỏi nắng?
Dương khẳng định lập trường bất ư cục kịt như thế rồi dừng xe, hai tay thọc túi quần đi thẳng đến mục tiêu, chưa kịp hỏi thì đã bị phủ đầu lơ lững:
- Có "đi" không? Mây hồng nhạt nhô hẳn khỏi hai bạn và hất hàm cười. Dương đáp ngay như đã quen cách đối phó cho những câu như trên:
- Đi chứ! Nhưng đi đâu? Thiên đàng hay địa ngục?
- Rõ vớ vẫn! Làm gì có địa ngục mà đi?
- Chỉ có thiên đàng thôi! Cô áo xanh nghiêng mặt khiêu khích. Nghe thế thì Dương càng chắc thu hoạch vụ mùa 100%, bèn nói:
- Nhưng trước nhất phải bỏ khẩu trang để được chiêm ngưỡng "lông...nhan" đã chứ! Một cô làm theo yêu cầu của Luật và gắt trả:
- Có phải tiểu thư mặt lọ đâu? Ô kê chưa? "Phụ đề Việt ngữ hoàn toàn". Một trong hai cô kia tiếp ngay:
- Sẽ chiều từ A tới dách (Z) hoặc lộn đầu từ Z lên A như 6 với 9. Cô kia tiếp:
- Ngoài ra còn rau răm lá quế hành ngò tùm lum tà la và điện nước đầy đủ. Vừa lúc đó thì Tuấn tới, Tuấn hỏi:
- Đồ lê ghim thì rõ rồi! Còn điện nước là sao?
- Điện là ổ điện, nước là vòi nước chứ là sao? Thanh niên cuối thế kỷ 20 rồi mà lạc hậu dường ấy thì còn làm nên trò với chả trống!
Dương hất hàm:
- Nhưng trống có thủng không đấy? Thủng vừa thì còn tạm được chứ thủng to thì còn đánh làm sao?
- Dề! Trống kêu to là nhờ dùi, có nện khéo tay thì trống thủng to mấy cũng kêu vang.
- Đỏ hay xanh?
- Xanh hay đỏ cũng được.
- Bao nhiêu?
- 8000 dổm 1 dù. Bèo thế thì đánh ngay đi, không trả giá nữa, chối tai lắm.
- Ai bao phòng? Dương cắt gọn.
- Đằng nớ! Váy đen nghêng mặt. Kẹo kỷ quá nhỉ!
- Đằng ni hết khả năng, đằng nớ bao đi.
- Thôi được!
- Tàu suốt thì sao?
Cô áo hồng xòe 3 ngón tay, trề môi:
- Giá một dù thuê phòng bằng giá một chầu ngồi đồng, hạ quá!
- Chầu đôi, chầu ba thì bao nhiêu?
- Nhân 2, nhân 3, cộng thêm 1 nghìn bồi dưỡng. Đó là nguyên tắc. Dân chơi còn phải hỏi giá. Dề!
- Đây chỉ cần 1 đơn vị thôi.
- Cái nào?
- Cái đó! Luật trỏ áo hồng.
- Tôi đồng ý, nhưng phải trả boa cho hai đứa tôi tiền nước bọt. Áo xanh nói giọng hậm
hực.
- Bao nhiêu?
- Hai đứa một nghìn.
- Nhất trí. Này, có bỏ ông "ca bốt lốt" trong túi không? Coi chừng bò vàng nó chụp bắt
tại trận trong túi là không có chạy được đó!
- Không lo, bò gặp thì cho cỏ lót mồm, ngoặm mê man là hết bắt!
- Áo hồng lên xe hoa đi.
- Xe bò chớ xe hoa gì!
- Thôi, lên đi! Dù xong bỉ đủ!
- Luật chơi không thế! Tiền trao cháo múc.
Tuấn móc túi đưa cả nắm bạc. Cô bé hồng nghiêng ra đèn đếm cẩn thận rồi bảo:
- Dư một ngoe cho một buổi ngồi đồng còn có phòng thì thiếu 2 ngoe.
- Cất luôn đi! Rồi...cho xin cái ân huệ cuối cùng!
- Ân huệ đó thì đến nơi đã. Bộ mót dữ rồi sao?
- Không! Thế này thôi. Tuấn giơ tay ra, cho biết hàng thiệt hay hàng giả.
- Thiệt 100% mà...à!
Cô gái né người qua một bên. Tuấn quơ hụt. Dương nói:
- Thôi được, nếu báo cáo tô hồng thì sẽ sụt hoa hồng. Nào, lên đời đi! Nhưng nên nhớ chầu ba đấy.
- Chầu mấy thì chầu!
rồi!
Luật đèo áo hồng, vừa chạy vừa hỏi:
- Em ở đâu?
- Xóm "bụi" Đống Mác.
- Có phôn tay không?
- Anh không có à? Anh cho có bằng này, rủi bị bò đá em đấm mõm chúng nó thì sạch túi
- Để anh châm thêm! Bất thần Luật quờ tay ra sau rồi kêu lên, hàng này mà kêu là hàng
thiệt. Không được đâu! Luật dừng xe gấp!
Cô bé nhảy xuống đất, lúng túng loay hoay một lúc thì cái hàng giả rơi xuống theo, cô ta vội vã nhặt lên và luồn vào trong áo, năn nỉ:
- Anh đi đi! Em chỉ lấy nửa giá thôi. Bố em hy sinh giải phóng miền Nam, ngày mai giỗ mà trong nhà không có một đồng một chữ, mẹ em không biết lấy gì đi chợ.
Dương vừa chạy trờ tới nghe được bèn dừng lại. Tuấn móc túi quần đưa cho cô bé. Này đem về đưa cho mẹ em đi. Đi chợ mua cá thịt về giỗ bố. Chúng anh không đi nữa.
Khi mặc cả thì đứa nào cũng lộ nguyên hình một cây kẹo kéo rít từng ly một, nhưng khi nghe cô bé than ngày giỗ bố hy sinh thì chúng lại trở về với con người thật biết xót thương người.
Thấy con bé ngập ngừng Tuấn liền dúi mớ giấy bạc vào tay nó và gằn giọng:
- Bộ chê dổm hả?
- Dạ không. Em chỉ mong được dổm là quý rồi.
- Vậy còn xem xét cái gì?
- Ơi này được dổm trong tay là quý rồi! Đừng coi thường nó! Chỉ sợ dổm mà giả nữa thôi!
- Nghĩa là sao?
- Anh không biết bạc giả nằm đầy tủ mọi người à?
- Anh có nghe nói nhưng chưa nhận diện được bao giờ nên không biết.
- Em cũng thế. Nên em sợ lắm. Rủi cầm bạc giả trong tay thì toi công. Sở dĩ em cảnh giác là vì em có một ông anh đi biên giới đi luôn qua Trung Quốc, về kể lại.
Tuấn hỏi:
- Anh gì mà kể chuyện đó?
- Anh ruột thật mà.
- Ừ, anh nối ruột, thôi được anh ta nói sao?
- Anh nói...thôi anh hay cạch lắm, em không nói đâu.
- Không nói thì tôi cũng biết. Bạc giả là bạc giả, chớ gì mà phải nói.
- Nhưng mà ở đâu ra thứ đó mới được chứ.
- Ở bên xứ anh Ba chứ đâu. Nó theo bia Vạn lực, trứng gà, phuých nước, đeo cánh phượng hoàng mà sang chứ đâu.
- Phượng hoàng ở đâu mà đeo được?
- Phượng hoàng là xe đạp đấy. Xe đạp phượng hoàng của Trung Quốc bền, đẹp mà rẻ hơn của ta nên dân mến chuộng hơn. Xe Honda của Trung Quốc cũng thế. Nó giống in honda Nhật nhưng chỉ 2/3 giá thôi. Còn chén bát, tơ lụa thì quá sức đẹp...Nó đang lấn át thị trường mình! Bây giờ dân xài đồ Trung Quốc và tiền Việt Nam in bên Trung Quốc tức là tiền giả đấy.
Cô bé thấy ông bạn vàng biết còn hơn mình nên không giữ bí mật nữa mà bật mí luôn.
Nàng nói:
- Anh ấy dặn đừng lộ ra, công an bắt. Nhưng anh đã biết cả rồi, em chẳng giấu nữa. Anh ấy tâm tình rằng mang 300 ngàn sang đó thì mua được một triệu bạc giả. Như vậy là lãi được 700 ngàn, nhưng đấm lót cho bò đen hết vài trăm nên về nhà 1 chuyến còn vài trăm. Ở biên giới bây giờ các tiệm hàng sợ bạc giả nhất. Họ bán đồ lấy tiền vô nhưng không kiểm soát nổi thành ra có khi lãi đâm ra lỗ. Chủ tiệm phải thuê chuyên gia để kiểm tra từng tờ một nhưng rồi vẫn không
khỏi. Xã hội mình sao lắm đồ giả thế hả anh?
- Ừ tiền giả, răng giả, tóc giả, trong một người có nhiều bộ phận giả lắm.
- Em có không?
- Không đâu, em không xài thứ đó. Em chỉ cải tiến con người em thôi!
- Cải tiến là sao?
- Là nâng ngực lên. Kẻ mày, đánh phấn, thoa son chớ không độn. Độn dã man lắm! Em tuyệt đối không chơi.
Thấy con bé ngập ngừng Tuấn liền dúi mớ giấy bạc vào tay nó và gằn giọng:
- Bộ chê dổm hả?
Con bé bỗng ôm mặt khóc óe lên làm cả ba đứng sững như trời trồng. Tuấn bảo Dương và
Luật:
- Ta trở lại vòng 2 con kia. Thả con này đi!
Ba đứa trở lại chỗ vừa rồi. Dưới gốc cột đèn hai con vật trần truồng đang đứng nép vào
nhau, người này cho người kia là bóng tối che chở cho mình để không nhô ra ánh sáng bất cứ cái gì trên mình kể cả những sợi tóc xanh chìm trong bóng tối.
Bên cạnh đó quần áo bị xé nát vứt đầy dưới đất.
- Các em làm sao thế? Tuấn hỏi với giọng xót thương.
Đáp lại chỉ có tiếng khóc. Tiếng khóc ri rỉ như tiếng trẻ thơ bị mẹ đánh đòn cố nén tức tưởi, giờ được người bênh, ré lên.
- Này, cái gì thế?
Tiếng khóc càng to hơn, rưng rức, như bị ức hiếp tố cáo kẻ ức hiếp. Thì bỗng một bà xỉa xói đang tới gần.
- Cha tiên nhân cái quân mới nứt mắt đã đứng đường gọi khách. Mấy đứa đâu rồi? Giã cho mềm xương chúng nó ra. Đồ đĩ hà ràm! Chúng mày có rượng lắm thì về mà đ...bố chúng mày!
Bỗng một em nói qua nước mắt:
- Chúng em có biết chồng bà là ai mà bà ghen với chúng em?
- Thì cũng tại cái ngữ chúng mày cả. Không ngựa cái thì cũng chó cái. Còn dám to mồm hả? Bà thì rạch cho tét đến rốn...bây giờ! Chúng bây đâu? Khện tiếp cái bọn lấy mồm dưới nuôi mồm trên nát ra cho bà!
Không thấy ai đến hưởng ứng, bà ta quát vào mấy cái gốc cây gần đấy:
Đánh chửa đạt kế hoạch mà đòi ăn tiền bà ư? Bà chỉ thí cho bát cháo loảng còn chưa
đáng!
Rồi quay lại 2 nàng, bà chống nạnh hai quai, vêu cặp môi vĩ đại ra:
- Này, bà báo danh truyền đời cho mà biết liệu cái thần hồn, về tìm nghề khác mà làm ăn,
bà gặp lần nữa nữa bà bỏ vào cốt bà quết như quết cáy đấy.
Thấy thế, Tuấn đâm ra tội nghiệp, đến can gián người đàn bà:
- Chúng nó nghèo nên mới đem thân làm cái nghề nhục nhã này bà "Giám Đốc" ạ. Tha cho chúng nó nhất phen! Tuấn gọi càn chớ có biết bà Giám Đốc nào!
- Nghèo thì thiếu gì nghề lương thiện. Rửa bát, lau nhà, cho mấy ông lớn nhà giàu cũng sống vậy, cứ gì phải đi làm đĩ! Chính vì cái lũ này mà gia đình tôi lại trở nên khốn đốn lâm ly. Ông nhĩ, chồng tôi lãnh lương bao nhiêu thì cứ đi ôm đi lắc, mẹ con chúng tôi nheo nhóc. Rồi... bà ta gục đầu xuống nức nở, mẹ con tôi rồi sẽ đi ăn mày mất ông à.
- Cán bộ nát giỏ cũng còn bờ tre, vợ con đâu có đến nỗi nào mà phải đi ăn mày! Hai ba người lực lưỡng ở đâu chạy tới bảo người đàn bà:
- Bà để đấy. Chúng tôi giã tiếp cho. Bà không được quỵt 50% như đã giao kèo đấy!
- Đừng quá mạnh tay xảy ra án mạng tôi không chịu trách nhiệm đấu đấy!...Nhưng mà
thôi, cho chúng nó biết thân! Thế cũng đủ rồi!
Thằng Luật kêu:
- Đánh ghen đấy tụi bây! Vù! Bò vàng tới! Vù mau! Ba thằng chạy một lúc dừng lại. Thằng Dương bảo:
- Hay ta kiếm món khác tha lại vườn hoa Con Cóc "ngồi đồng" đi!
- Vùng đó bị bò vàng ngó kỹ lắm, không tiện đâu!
- Thế thì đi tìm cái món "gỏi gà" 7 ta chén vậy!
- Nhưng món ấy giá cao lại phải đặt trước mất thì giờ chờ đợi.
- Thôi được, tớ bao cả! Đến khách sạn "Hồng Hoa" đi. Ở đó có giường run.
- Thuê ca hay thuê đêm?
- Tốt cả! Cứ chơi. Đời ngắn, đêm dài. Mai lăn đùng ra chết. Ở đó mà tính ca với đêm. Tuấn gạt ngang, giọng kẻ cả theo lối các nhà quân sự:
- Không bàn nữa! Đi xích hầu giành phòng trước, hễ đại đơn vị tới là nổ liền!
Thằng Luật rành một cây. Phéng cái là nó đã hướng đạo cả bọn đến khách sạn Hồng Hoa ở đường Trần Húng Lìu.
- Ơ kìa, tên đường gì lạ thế, sao lại Trần Húng Lìu?
- Hà Nội bây giờ đường "dời" cả rồi. Đừng có mò trăng đáy biển nữa. Chủ khách sạn thấy mặt bọn Tuấn, mừng như bố tái sanh.
- Ơ kìa, lâu nay sao không thấy đến? Chà nhị vị, ủa tam vị công tử.
- Mới đến hôm qua còn vờ, bố khỉ! Luật nói khẽ.
- Hì hì, cái nghề của tôi bao giờ cũng thế, có nói không, không nói có. Trách yêu câu đầu. Rồi sau mới đi vào thực tế:
- Nào muốn gì? Từ cơm phở bình dân, gỏi gà, cho đến râu rồng xào ròn đến giò phượng rút gân! Ông chủ trạc 50 râu cằm nhẵn nhụi, một tí ria mép rất nghệ thuật.
Chủ khách an tọa xong, ông mới trang trọng lấy ra một quyển album dày, bìa bọc da nâu,
in hình một hoa hồng trong đó một em thò cổ ra mời "hái". Ông chủ xoa tay và giở ra:
- Tôi bảo đảm quý công tử sẽ hài lòng vượt chỉ tiêu!
- Giá cả ra sao?
- Ô la là...Ông chủ kêu lên và ngã đầu ra thành sô pha. Người nhà mà, "bê tê vê đê" 8. Hơi đâu lo cái khoảng đó.
Tấn rút 2 tấm các vi dít ra để trên bàn, tay đập đập:
- Không có đô hoặc dổm sẵn trong túi, nhưng mót quá thì ghé đây, ông chủ cứ cầm 2 cái các này đưa tới Cửa Nam, bố tôi sẽ làm vui lòng kẻ đến, tôi xin bảo đảm! Nói xong Tuấn rút bút ra ký tên, đề ngày tháng và cứ để trên bàn. Ông chủ cầm lấy đưa lên mắt xem qua, thấy dòng chữ
Thượng Tướng Hoàng su Phì
Cục trưởng cục A 1
Trung ương đảng cộng sản Việt Nam
Quân đội nhân dân Việt Nam
Trung ương
Việt Nam
Thượng Tướng phu nhân
Hoàng su Phì
Tổng cục trưởng tổng cục X... Cục trưởng cục A 1
thì cười ngất:
- Thế này còn hơn tiền muôn bạc vạn. Vinh dự cho dịch vụ của chúng tôi lớn lắm. Ha ha...
Nào, ta vô đề đi!
Nói xong, ông chủ quay cuốn album lại ngay trước mặt Tuấn và giở ra từng chương mục, rồi giải thích:
- Hiện tôi có số phôn tay của 40 nàng. Toàn loại siêu người mẫu, từ 18 đến 20, trên 21 không lấy tiền. Hoa hậu chỉ một, còn Á Hậu cả bầy đều là nai tơ cả, vừa nhú lộc nhung, mới ra
rừng, nhưng cũng có con, hì hì...thấy đèn thì cứ ngó.
Toàn là hàng hiếm, các cậu liệu đánh đòn tâm lý để đạt kết quả vượt mức và giữ quan hệ
lâu dài nhé!
- Được rồi! Hễ nai là thích cỏ non. Nai chà hay nai tơ thì cũng thế! Ông chủ xua tay:
- Đây không bắt nai chà đâu. Toàn nai tơ ngơ ngác đạp trên lá vàng "bốn con 9" không. Các cậu có cần ngay thì tôi gọi để "đi" trước. Giờ này khách gọi không hở.
Tuấn vung tay:
- Gọi cả bầy lại đây chúng tôi lựa. Con nào bỏ lò thì giữ lại. Con nào thả về rừng chúng tôi vẫn có "boa" như thường.
Ông chủ xem tướng thì biết ngay các công tử này không phải "thợ săn thiện nghệ" nhưng cũng nói nịnh: Tôi biết các cậu chỉ thích thứ xịn, vậy xin cứ thẳng thắn, để tôi đáp ứng gần đúng sở trường từng người!
- Phải, phải!
Ông chủ trỏ vào tập album và nói:
- Cái này rậm ri ô kê gà đen mát mẻ như rừng Trường Sơn. Cái này thì núi đồi Ba Vì cao chốn chở. Cái này thì như bột nặn tượng và cặp mắt lá răm hồ thu sóng nước long lanh. Trăm hoa đua nở, mỗi cái mỗi vẽ. Cả ba đều sanh năm 1983. Có cái hoa pan Thái trắng nữa, nhưng lại cứng hơn 3 cái kia 2 niên. Cô Thái này trắng như đêm.
Tuấn xoa tay:
- Vậy thì gọi cả lại đây, ta lấy một thắng hai. Rồi luân lưu với nhau cho giáp mặt. Luật hỏi:
- Có sân khấu quay không đấy?
- Dạ có ạ. Quay tròn, run lia, lắc lên lắc xuống, lắc qua lắc lại đủ hết các mô đen tân kỳ Âu Á. Các cậu có thể lựa chọn cho hợp với khả năng chiến đấu...Tôi quên nói để các cậu yên tâm đi vào vườn hoa hàm tiếu. Cái nào cũng có ngoại hình rất xinh đẹp, đều đạt tiêu chuẩn quốc tế người mẫu: 1.68-84-62 cả, nhưng giá hơi cao. Ít lắm cũng một tê 1 dù, còn tàu suốt thì phải 2 tê rưỡi.
- Bê tê vê đê! Ông cứ gọi đi! Nhớ giữ hai cái "các" để thanh toán.
- Các cậu có cần nhớ tên không, thì tôi ghi ra kẻo nhầm! Đây là tên di động, nghĩa là nay tên này mai tên khác, để tránh bị bò ráp.
Tuấn quơ tay:
- Chúng tôi chỉ cần chất lượng, không cần mũi dọc dừa mắt lá dâm gì cả. Nhanh lên đi! Kêu đích danh cái hoa pan đến đây. 21 tuổi miễn hay thì thôi! Ở đây không cần thơ chỉ cần thơ...ớ.
Ông chủ tiếp:
- Đây là các con nai mới ra rừng. Rau om lá quế gia vị điện nước chưa quen. Có gì thì các cậu ướp thêm! Nghề dạy nghề. Xin miễn thứ!
- Được rồi, chương trình cơ sở nắm vững là ô kê gà đen!
- Hì hì đó là cái cẳng rồi các cậu khỏi phải "no". Để chúng tôi "no". Hí há. Bây giờ đã 9 giờ rồi. Còn có 8 tiếng vàng ngọc nữa thôi. Nếu lố 1 phút các em cũng tính.
- Xì! Làm như chúng tôi sòng phẳng như Tây ba lô vậy. Em nào gia vị đầy đủ điện nước
thỏa thê chúng tôi sẽ tính cho một dù thành rưỡi, một chuyến suốt thành chuyến khứ hồi. Chịu không? Còn phần "boa" ông chủ là riêng đó!
- Các cậu quả đáng mặt dân nhà làng. Chơi thế mới gọi là chơi. Các nai mới nể.
- Thôi dzô đi! Để lâu, nguội!
--------------------------------
1 Thơ Nguyễn Bính
2 Thơ Tố Hữu
3 Thơ của Chính Hữu
4 "Bài hát của người Hà Nội" nhạc của Nguyễn đình Thi
5 Lời một nữ văn sĩ trong nước
6 Trùm chăn ngồi trên băng đá công viên để làm tình
7 Gái gọi
8 Bất thành vấn đề
Tôm Hùm Huýt Sáo Tôm Hùm Huýt Sáo - Xuân Vũ Tôm Hùm Huýt Sáo