Thất bại lớn nhất của một người là anh ta không bao giờ chịu thừa nhận mình có thể bị thất bại.

Gerald N. Weiskott

 
 
 
 
 
Tác giả: Lưu Chấn Vân
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đông Mai
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 12
Cập nhật: 2023-03-26 23:05:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28
ại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc họp 12 ngày, Tuyết Liên vẫn chưa đến Bắc Kinh. Công sức đám người của Chánh án Vương Công Đạo lùng sục ở Bắc Kinh thế là coi như công cốc. Mười mấy cảnh sát thuộc cục công an huyện, giăng thêm một mạng lưới quanh bốn phía Đại lễ đường Nhân dân, phía ngoài mạng lưới của cảnh sát Bắc Kinh, cũng coi như phí công giăng lưới. Không phải Tuyết Liên không muốn đến Bắc Kinh, không phải cô đã từ bỏ ý định đến đây. Cũng chẳng phải vì trên đường đến Bắc Kinh cô bị cảnh sát Sơn Đông, Hà Bắc chặn lại giữa đường. Nguyên nhân là do Tuyết Liên đổ bệnh giữa đường. Cũng chính vì lo giữa đường cảnh sát chặn không cho đi kiện, cô đi từ Thái An đến Bắc Kinh, mà không dám ngồi tàu tuyến Kinh Hộ(14), cũng không dám ngồi xe khách đường dài, mà cô đi từ Thái An đến Trường Thanh, từ Trường Thanh đến Yến Thành, từ Yến Thành đến Vũ Thành, từ Vũ Thành đến Bình Nguyên, từ Bình Nguyên đến Đức Châu, từ Đức Châu đến Ngô Kiều, từ Ngô Kiều đến Đông Quang, từ Đông Quang đến Nam Bì, từ Nam Bì đến Thương Châu, từ Thương Châu đến Thanh Huyện, từ Thanh Huyện đến Bá Châu, từ Bá Châu đến Cố An, sắp sửa chuẩn bị từ Cố An đến Đại Hưng, rồi sẽ từ Đại Hưng đến Bắc Kinh... Cô đều ngồi xe dù đi giữa các huyện. Vì đi kiện suốt hai chục năm, đối đầu đấu trí với cảnh sát bao phen, cô mới chắt lọc được chút kinh nghiệm ấy. Mặc dù tới một trạm đổi một lần xe khiến người ta mệt mỏi, còn phải bỏ ra lộ phí gấp mấy lần, nhưng vẫn tốt hơn việc ham nhẹ nhõm và tiết kiệm tiền để cảnh sát tóm được. Đi một trạm dừng một trạm cũng mất thời gian, nhưng Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc phải họp gần nửa tháng, chỉ cần tới kịp Bắc Kinh trong thời gian diễn ra Đại Hội, sẽ không làm lỡ việc kiện cáo của cô. Cô cũng đã tính đến chuyện huyện biết cô đi Bắc Kinh kiện, sẽ cử người đến đây tìm kiếm. Cô đã kiện suốt hai chục năm, hai chục năm ấy năm nào cũng bị huyện cũng chặn lại. Cô chỉ có thể trốn tới được Bắc Kinh, vỏn vẹn có năm lần, lần nào cũng bị cảnh sát đuổi tới tận Bắc Kinh. Căn cứ theo kinh nghiệm chơi mèo vờn chuột với cảnh sát tại Bắc Kinh của mình, nếu cô đến Bắc Kinh sớm, sức lực tìm người của họ đang tràn trề, nói không chừng sẽ bị bắt được. Nhưng đến muộn vài ngày, cảnh sát đi tìm đã uể oải hơn, sẽ càng dễ dàng lọt qua khe hở của họ.
Xuất phát từ Thái An, trên đường đi rồi lại dừng, sau năm ngày, Tuyết Liên mới tới được Cố An, Hà Bắc. Tuy dọc đường vất vả, nhưng cũng không xảy ra sai sót gì. Cố An là nơi tiếp giáp giữa Hà Bắc và Bắc Kinh, từ Cố An đổi thêm hai lượt xe nữa, là tới Bắc Kinh. Tuyết Liên mừng thầm. Xe đến Cố An, thì chập tối, cô tìm được căn nhà nghỉ nhỏ trong một con hẻm rồi di ngủ sớm, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để mai đi Bắc Kinh. Cả đêm không có chuyện gì xảy ra, sớm hôm sau, khi tỉnh dậy, Tuyết Liên chợt cảm thấy ngồi không vững, lấy tay sờ lên trán, thấy nóng như lửa. Cô bèn thầm than khổ, đang đi lại như thế này, ốm đau đúng là không tiện một chút nào, đang đi kiện, cơ thể lại càng không được sinh bệnh tật. Nếu đổ bệnh, không chỉ có cơ thể bị ảnh hưởng, mà còn hủy hoại cả cáo trạng nữa. Nhưng cô đã tới Cố An, Bắc Kinh ở ngay trước mắt, Đại hội tại Bắc Kinh mà họp thêm một ngày coi như cô mất toi đi một ngày. Tuyết Liên không dám vì bị ốm mà ở lại Cố An nghỉ ngơi, nên gắng gượng đứng dậy, rửa mặt, ra khỏi nhà nghỉ, men theo con hẻm đi tới đường lớn, từng bước từng bước đi đến bến xe khách. Cô mua một bát cháo tại sạp bán cơm bên ngoài bến xe, hy vọng ăn hết bát cháo nóng, cơ thể ra mồ hôi, người sẽ hạ sốt. Nào ngờ ăn xong bát cháo, cô lại bắt đầu buồn nôn. Cháo vừa ăn vào, lại nôn ra hết. Cô đặt bát cháo xuống, do vẫn không muốn dừng nghĩ ở Cố An, nên gắng gượng mua vé, lên xe khách đi về phía Đại Hưng. Trên xe cô nghĩ về bệnh của mình, cũng chỉ vì đi từ Thái An đến đây, chuyển tới mười mấy lượt xe, đi đường quá ư mệt nhọc.
Vì tiết kiệm tiền, đến một vùng, cô chỉ mua ít bánh nướng rồi ăn dưa muối suông, ba ngày nay chưa được miếng rau nào, cũng chưa từng ăn một bát canh nóng. Lúc này Lý Tuyết Liên hối hận, tục ngữ nói Ở nhà chắt bóp, ra đường xông xênh, không nên bạc đãi mình suốt đường đi như thế. Bạc đãi mình không sao, làm lỡ việc đến Bắc Kinh kiện cáo, mới thành ra lợi bất cập hại. Lúc này Tuyết Liên lại nghĩ, đi đường mệt nhọc khiến cơ thể mỏi mệt chỉ là một phần, nguyên nhân lớn hơn, vẫn là do bị Lễ đầu to chọc giận. Hồi phổ thông, Lễ đầu to có ý với cô. Hai chục năm trước, lần đầu tiên cô đến Bắc Kinh kiện, Lễ đầu to còn từng giúp đỡ cô. Hai chục năm sau, Lễ đầu to lại theo đuổi cô. Vì để theo đuổi cô, Lễ đầu to còn giúp cô chuốc say mấy tên cảnh sát trông giữ cô, rồi cùng nhau trốn đến Sơn Đông. Vốn tưởng anh ta giúp vì muốn lấy cô. Trong nhà nghỉ ở huyện bên, còn để cho anh ta quan hệ. Chính vì hai người cảm thấy vui vẻ khi ở bên nhau, Tuyết Liên mới tin lời Lễ đầu to, không đi Bắc Kinh kiện nữa, cùng anh ta đi du lịch Thái Sơn. Ấy vậy mà ngàn lần không nghĩ tới đây lại là một cái bẫy, Lễ đầu to đã cấu kết với quan viên trên huyện. Lễ đầu to muốn thuyết phục cô, không chỉ vì muốn kết hôn cùng cô. Đằng sau vụ kết hôn ấy, mục đích thực sự chính là để cô không tiếp tục kiện cáo nữa; cô không kiện, quan viên từ trên xuống dưới chẳng phải đều được giải thoát ư? Chỉ vì không muốn cho Tuyết Liên đi kiện mà anh ta cấu kết với đám quan chức ở huyện để lừa cô. Khi Tuyết Liên vô tình nghe được cuộc điện thoại, cô như bị sét đánh ngang tai. Sét đánh ngang tai không chỉ vì hận Lễ đầu to cấu kết với quan viên, đồng thời còn vì hận chính cô nữa.
Năm nay Tuyết Liên bốn mươi chín tuổi, kiện cáo suốt hai chục năm, vào Nam ra Bắc, có tình huống nào cô chưa gặp? Sông bể gì đều đi cả rồi, chẳng ngờ thuyền bị lật trong cái cống ngầm, ngã ngửa trong tay Lễ đầu to. Mắc lừa thôi cũng chẳng sao, nhưng lại còn cho Lễ đầu to quan hệ. Bị lừa có thể báo thù, quan hệ rồi, gột rửa thế nào được? Bát bẩn còn có thể rửa, người bẩn rồi cọ rửa thế nào đây?
53 tuổi Mộc Quế Anh(15) làm thống soái, còn Tuyết Liên 49 tuổi lại thất tiết. Một trong những nguyên nhân khiến cô kiện cáo suốt hai chục năm qua, chính bởi Tần Ngọc Hà nói cô là Phan Kim Liên. Hai chục năm trước không phải Phan Kim Liên. Giờ cô đã quan hệ với Lễ đầu to nên bỗng nhiên trở thành Phan Kim Liên thật. Khi ấy cô muốn giết Lễ đầu to, nhưng nếu chỉ giết cô sẽ không hả giận. Giết Lễ đầu to xong, chẳng khác gì Tuyết Liên cũng tận số, không động được vào một sợi tóc của đám quan viên từ trên xuống dưới, trái lại còn giải thoát cho chúng. Trước khi giết Lễ đầu to, Tuyết Liên còn phải đi kiện trước đã. Kiện xong rồi giết Lễ đầu to cũng chưa muộn. Chuyện kiện cáo bây giờ, không còn như xưa; nói cách khác, nó giống lần đầu tiên cô đi kiện từ hai chục năm trước. Không chỉ kiện Tần Ngọc Hà, cô còn kiện một loạt quan viên từ trên xuống dưới, Ủy viên chuyên trách tòa án Giả Thông Minh, người đàm phán giao dịch cùng Lễ đầu to. Chánh án Vương Công Đạo, Chủ tịch huyện Trịnh Trọng, Chủ tịch Mã Văn Bân... chính bọn họ dã cùng nhau, từng bước từng bước ép Tuyết Liên đến bước đường này. Chính vì cô ôm một bụng bực tức lên đường, nên khắp người bốc hỏa. Do đó thấy oi bức, cô bèn mở cửa sổ xe cho gió tạt vào người.
Mặc dù đã lập xuân, nhưng trời vẫn còn lạnh.
Dọc đường cô bị trúng gió lạnh, oi bức chuyên thành thương hàn, khiến người càng sốt cao hơn. Trên chuyến xe dù đi từ Cố An đến Đại Hưng, Tuyết Liên đóng chặt cửa sổ xe bên cạnh nhưng đầu cô dựa bên cửa sổ, toàn thân sốt mỗi lúc một cao. Sáng sớm dậy khỏi giường chỉ thấy đầu sốt, giờ rõ ràng cảm thấy khắp người như rơi xuống lò lửa. Càng đi càng sốt, đầu óc có đôi chút mơ màng. Lúc này xe đi tới Đại Hưng, khu giáp ranh giữa Bắc Kinh và Cố An, Tuyết Liên bỗng phát hiện có bốn năm chiếc xe cảnh sát đỗ ở khu giáp ranh, xe cảnh sát đang rọi đèn, còn cảnh sát tay cầm dùi cui, đứng bên đường lớn, ra hiệu cho tất cả xe đi đến Bắc Kinh táp vào lề đường, để kiểm tra. Xe cần phải kiểm tra đỗ đầy bên đường, có xe khách cỡ lớn, có xe hàng, có xe hơi cỡ vừa, cũng có cả xe con. Tuyết Liên kinh sợ, toát mồ hôi khắp người, xuất phát từ Thái An, không dám ngồi tàu hỏa tuyến Kinh Hộ, cũng chẳng dám đi xe khách đường dài từ Thái An đến Bắc Kinh, đổi nhiều lượt xe dù như vậy. Xem ra cô vẫn không tránh khỏi sự kiểm tra của cảnh sát. Kiểu này uổng công chuyển mười mấy lượt xe dù, bị gió tạt, toàn thân sốt cao cũng thành ra công cốc rồi. Nhưng do kinh sợ mà toát mồ hôi, khiến khắp người cảm thấy nhẹ nhõm, sảng khoái hơn nhiều. Xe dừng lại đợi kiểm tra, xếp thành hàng dài. Chờ hơn tiếng đồng hồ, mới có hai cảnh sát lên chiếc xe Tuyết Liên đang ngồi để kiểm tra. Cảnh sát lần lượt kiểm tra chứng minh thư của từng người, hỏi lý do đi Bắc Kinh, kiểm tra giấy xác nhận mà Ủy ban huyện cấp cho từng người đi đến đây.
Giống hệt như hai chục năm trước khi cô đến Bắc Kinh lần đầu tiên, tại khu giáp ranh giữa Hà Bắc và Bắc Kinh, cũng vấp phải sự kiểm tra của cảnh sát. Những tình huống như này Tuyết Liến đã trải qua nhiều, đã từng gặp phải nên cô cũng không hoang mang. Cảnh sát kiểm tra lần lượt từng hành khách, có người qua được cửa, có người bị cảnh sát đuổi xuống xe. Những người bị đuổi xuống cũng đều im lặng không nói tiếng nào. Cuối cùng, cảnh sát củng kiểm tra đến Tuyết Liên. Đầu tiên anh ta xem chứng minh thư của cô. Tuyết Liên không đưa chứng minh thư thật của minh, mà đưa ra cái giả. Vì để tránh sự kiểm tra của cảnh sát mà ba năm trước, cô đã bỏ ra 200 đồng, tới một con ngõ ở quận Hải Định, Bắc Kinh, làm một cái chứng minh thư giả. Tên trên chứng minh thư, lấy chữ “Tuyết” trong tên cô, phía trước thêm một chữ “Triệu”, gọi là “Triệu Tuyết”, mang hàm ý “rửa oan”. Hai chục năm kiện cáo, chẳng phải để rửa sạch nỗi oan sao? Cái chứng minh thư giả này làm y như thật, năm trước cảnh sát không nhận ra, giờ tay cảnh sát kiểm tra Tuyết Liên cũng không nhận ra. Cảnh sát trả lại chứng minh thư cho Tuyết Liên, đoạn hỏi: “Đến Bắc Kinh làm gì?”
Tuyết Liên trả lời: “Khám bệnh.”
Trả lời hệt như hai chục năm trước. Cảnh sát nhìn cô nói: “Đến bệnh viện nào ở Bắc Kinh?”
Tuyết Liên: “Bệnh viện Bắc Kinh.”
Cô cũng trả lời hệt như hai chục năm trước. Cảnh sát hỏi tiếp: “Khám bệnh gì?”
Tuyết Liên nói: “Ông anh sờ thử đầu tôi xem.”
Cảnh sát đứng bẩn thần một lúc, bèn giơ tay sờ trán Tuyết Liên. Mặc dù ban nãy cô toát hết mồ hồi, nhưng đầu vẫn nóng như lửa vậy. Cảnh sát vội rụt tay về. Cảnh sát tiếp tục hỏi: “Giấy xác nhận của Ủy ban huyện đâu?”
Tuyết Liên lại nói: “Ông anh, tôi ốm đến mức này, còn sức đâu đi xin giấy xác nhận.”
Cảnh sát nói: “Vậy không được, cô phải xuống xe.”
Tuyết Liên nói: “Đầu óc tôi mơ mơ màng màng, lỡ may xuống xe mà chết, thì anh chịu trách nhiệm nhé?”
Cảnh sát hết kiên nhẫn nói: “Hai chuyện này khác nhau, có bệnh thì khám ở bệnh viện địa phương trước, đợi Đại hội diễn ra xong, rồi đến Bắc Kinh.”
Cũng nói hệt như người cảnh sát 20 năm trước nói. Tuyết Liên tựa đầu lên cửa sổ xe nói: “Tôi bị tràn khí màng phổi, không thở được là toi luôn. Ở đây xa xôi vắng vẻ như này, tôi không xuống đâu.”
Cảnh sát bèn kéo Tuyết Liên lên: “Đừng có quấy rối, không có giấy xác nhận thì xuống xe.”
Hai người bắt đầu giằng co. Trong lúc giằng co, ông lão ngồi bên cạnh Tuyết Liên bỗng đứng dậy; ông mặc bộ quân phục cũ, nhìn dáng vẻ trông giống cán bộ. Ông ta chỉ tay vào cảnh sát nói: “Cậu cần xác nhận, cô ấy bệnh nặng thế này, không phải là xác nhận đấy à?”
Ông lại nói tiếp: “Từ lúc lên xe cô ấy đã vịn vào tôi rồi, suốt dọc đường người nóng như cái lò lửa. Nếu cô ấy là chị cậu, cậu cũng mặc kệ sống chết của cô ấy như thế à?”
Câu nói ấy khiến Tuyết Liên thấy cảm động. Do bao nhiêu ngày, cô không được nghe lấy một lời quan tâm, câu nói của một ông lão xa lạ nơi đất khách, khiến cô ngổn ngang cảm xúc, cũng vì nhớ lại những ấm ức trùng trùng dọc đường đi trong bảy tám ngày qua. Từ những ấm ức trong bảy tám ngày này, cô nhớ tới vô vàn ấm ức suốt hai chục năm, bất giác gào lên bi thương, bật khóc. Thấy Tuyết Liên khóc, cảnh sát cũng ngẩn người, tay run run nói: “Không phải cháu không cho chị ấy đi Bắc Kinh, vì Bắc Kinh đang diễn ra Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc.”
Ông lão nói: “Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc họp thì sao? Dân chúng không được đến Bắc Kinh khám bệnh à? Cô ấy có phải người dân không?”
Thấy Tuyết Liên khóc, tất cả hành khách trên xe đều phẫn nộ, dồn dập đứng dậy, gia nhập vào đội hình chỉ trích cảnh sát trách cứ: “Sao chẳng còn ra thể thống gì vậy? Có còn nhân tính không hả?”
Một thanh niên đầu húi cua gào lên: “Không đồng ý thì chúng ta đốt xe.”
Khó mà dây vào sự phẫn nộ của dư luận, cảnh sát vừa hoảng hốt nói: “Cậu tưởng tôi muốn làm như này chắc. Đây là quy định của cấp trên...” vừa nói vừa chạy xuống xe.
Cảnh sát xuống xe, hành khách bèn tiếp tục lên đường đi về phía Đại Hưng. Tuyết Liên cảm ơn ông lão ngồi bên và mọi người xong, cũng không khóc nữa. Nhưng cơ thể cô vốn yếu ớt, sau khi gào khóc một trận, lại càng yếu. Trước khi khóc, khắp người cô lên cơn sốt, giờ đột nhiên lại thấy lạnh, lạnh đến mức răng va nhau cầm cập, người cũng run lên bần bật. Vì muốn đến Bắc Kinh kiện nên Tuyết Liên cố chịu đựng không nói. Lạnh run suốt một giờ, đột nhiên khắp người phát sốt, nhưng lần này là sốt khan, người không ra một giọt mồ hôi. Vừa lạnh vừa nóng như vậy khiến cô rơi vào hôn mê, đầu nghiêng, đrr lên người ông lão ngồi cạnh.
Ông lão thấy Tuyết Liên hôn mê, vội kêu bác tài dừng xe. Bác tài chạy tới kiểm tra, thấy cô hôn mê bất tỉnh, lại nghe ban nãy cô nói với cảnh sát mình bị tràn khí màng phổi, liền đôi chút hoảng loạn. Không phải hoảng loạn vì Tuyết Liên mắc bệnh, mà vì lo cô không thở được, chết ngay trên xe; một người chết trên xe ông ta, ông ta cũng sẽ bị liên lụy theo. Ông lão ngồi cạnh kêu lên: “Còn ngẩn ra đó làm gì? Mau đưa cô ấy tới bệnh viện.”
Lúc này bác tài mới định thần lại, hoang mang đi lái xe. Xe chạy từ quốc lộ xuống đường nhỏ, rẽ vào một con đường làng rải nhựa, tăng ga, tiến về phía trước. Đi hơn 15 dặm có một thị trấn tên là Đầu Trâu. Trấn Đầu Trâu nằm ở vùng giáp ranh giữa Hà Bắc và Bắc Kinh, nhưng vẫn thuộc tỉnh Hà Bắc. Chẳng khác gì lòng vòng một hồi, lại quay về Hà Bắc. Phía Tây trấn Đầu Trâu, là viện Vệ sinh dịch tễ. Xe đi xuyên qua chợ của thị trấn, tới viện Vệ sinh dịch tễ.
Tuyết Liên hôn mê bốn ngày tại viện mới tỉnh lại. Khi tỉnh dậy, mới biết mình đang nằm trên giường bệnh của bệnh viện địa phương, cánh tay đang châm kim tiêm, phía trên đầu treo một bình thuốc. Tuyết Liên kiện cáo suốt hai chục năm, trải qua bao phong ba bão táp nhưng chưa từng bị ốm. Không những chưa từng lâm bạo bệnh, cảm cúm nhức đầu thông thường cũng rất ít. Phong ba bão táp đã tôi luyện cho thân thể cô trở nên mạnh mẽ hơn. Lúc này hình như tất cả bệnh tật tích tụ trong hai chục năm qua giờ bung ra hết? Thấy cô tỉnh lại, bác sĩ nói với cô, mới đầu cô bị trúng gió nặng, rồi chuyển thành sốt rét, hơn nữa còn bị viêm dạ dày và viêm ruột. Chẳng rõ cô ăn phải đồ không sạch sẽ ở đâu, cô nằm trên giường nên không biết rằng mình đã đi kiết lỵ bốn ngày nay rồi. Đồng thời câu nói mà Tuyết Liên nói trên xe từ bốn hôm trước chuẩn rồi, cô còn bị tràn khí màng phổi nữa. Bệnh nào cũng liên quan đến bị “viêm”. Vậy nên bốn ngày nay, cô mới không hạ sốt. Lượng bạch cầu cao đến kinh người. Bốn ngày liên tục, không ngừng truyền dịch. Viện vệ sinh dịch tễ của trấn vốn dĩ không đủ thuốc, giờ gần như cô đã dùng hết toàn bộ thuốc tiêu viêm cho cô. Tuyết Liên cảm ơn bác sĩ xong, lại nôn nóng đứng dậy. Không phải vì mắc trọng bệnh, mà là nhìn thấy tờ lịch trên bức tường đầu giường, nhận ra mình đã hôn mê bốn ngày nên cô càng nôn nóng. Trong thời gian cô hôn mê, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc tiếp tục diễn ra dược bốn ngày. Nhẩm tính, thấy chỉ còn bốn ngày nữa, Đại hội sẽ bế mạc. Nếu cô không kịp tới Bắc Kinh, sẽ không kịp kiện cáo trong lúc diễn ra Đại hội. Nếnu như để lỡ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, sức nặng của cáo trạng này sẽ giảm nhẹ đi nhiều. Cùng một cáo trạng, tách khỏi Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc giống con hổ rụt lại thành con mèo, cáo trạng ấy lại sẽ giống như bao cáo trạng thường ngày khác; từ huyện lỵ tới thành phố sẽ chẳng có ai sợ hãi. Đợi sau khi bác sĩ đi khỏi, Tuyết Liên gắng gượng xuống giường. Nhưng nằm trên giường còn thấy đỡ chút, chân vừa chạm đất, mới biết cơ thể minh vẫn yếu ớt lắm, trời đất quay cuồng, hai chân còn mềm nhũn như bún, không bước đi nổi. Như vậy làm sao ra khỏi bệnh viện, lên đường đi kiện cáo chứ? Tuyết Liên ngồi thụp xuống, thở hắt ra, lại đành phải nằm đổ xuống giường.
Thêm hai ngày trôi qua. Còn hai ngày nữa, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc sẽ bế mạc. Tuyết Liên không thể tiếp tục nằm trên giường bệnh được. Thế nào là lòng như lửa đốt? Ngày trước Tuyết Liên không hiểu, giờ coi như cũng hiểu rồi. Nóng ruột không phải vì bị ốm không dậy được khỏi giường, năm nay không kiện thành công, mà là nếu cô kiện không thành, các cấp quan viên từ huyện lỵ đến thành phố, không biết sẽ vui đến mức nào. Cô bị Lễ đầu to và đám quan viên cấu kết với nhau lừa bịp, bao gồm cả việc cho Lễ đầu to quan hệ, đều thành tha không cho chúng. Còn cô thật sự biến thành Phan Kim Liên.
Nghĩ như vậy, lòng càng thêm bồn chồn. Cô hạ quyết tâm, nhất định phải rời khỏi đây, dù có phải bò, cô cũng phải lết đến Bắc Kinh trước khi Đại hội bế mạc. Cô nhờ bệnh nhân cùng phòng, gọi bác sĩ đến, nói cô muốn xuất viện. Bác sĩ là một người đàn ông trung niên gầy gò, răng vổ, nhưng trải qua mấy ngày tiếp xúc, Tuyết Liên thấy ông ta không xấu. Nghe nói Tuyết Liên đòi xuất viện, ông ta còn nóng ruột hơn cô: “Chị không muốn sống à? Cơ thể yếu thế này, sao xuất viện được?”
Tuyết Liên không muốn nói với ông ta cô còn phải đến Bắc Kinh kiện cáo, nói nguyên nhân khác, lại không hợp lý để được xuất viện, đành nói: “Tôi không có tiền.”
Bác sĩ tức thì đứng bần thần rồi quay người đi ra. 15 phút sau, anh bác sĩ này dẫn theo viện trưởng của viện, bước vào phòng bệnh. Viện trưởng là một phụ nữ trung niên, to béo, tóc xoăn. Viện trưởng hỏi Lý Tuyết Liên: “Chị có bao nhiêu tiền?”
Tuyết Liên lấy túi xách ở đầu giường, kéo khóa ra, tìm ví tiền lẫn trong đống quần áo. Mở ví, rút ra tiền lớn tiền nhỏ rồi cả tiền xu ngồi đếm. Tổng cộng 516 đồng 8 hào. Viện tưởng lập tức sốt sắng: “Vậy sao được? Chị ở viện sáu ngày nay, ngày nào cũng truyền nước. Viện có thuốc nào tốt, đều để chị dùng hết rồi. Tiền thuốc, cộng thêm tiền viện phí, phải hơn 5000 đồng cơ.”
Tuyết Liên nói: “Nếu không thì tôi phải xuất viện.”
Viện trưởng lại nói: “Không có tiền, chị càng không thể xuất viện.”
Tuyết Liên hỏi: “Tôi không xuất viện, không phải càng mất nhiều tiền à?”
Viện trưởng cũng cảm thấy Tuyết Liên nói có lý, bèn nói: “Mau bảo người thân của chị mang tiền đến.”
Tuyết Liên giải thích: “Quê tôi cách đây hơn ba ngàn dặm, họ hàng tôi toàn người nghèo, nếu như gọi đến cho họ tiền may ra họ còn đồng ý, bắt họ trả tiên viện phí, lại thêm bao tiền lộ phí, ai muốn đến chứ?”
Viện trưởng hỏi: “Vậy phải làm sao?”
Tuyết Liên nghĩ đoạn, nói: “Bắc Kinh cách đây cũng gần, chỉ hơn 200 dặm; tôi có người bà con, bán dầu vừng ở chợ nông sản Đông Cao Địa ở Bắc Kinh. Anh chị cử người đi cùng tôi đến Bắc Kinh lấy tiền đi.”
Tôi Không Phải Phan Kim Liên Tôi Không Phải Phan Kim Liên - Lưu Chấn Vân Tôi Không Phải Phan Kim Liên