Vẻ hào nhoáng sang trọng là thứ mà mọi người luôn ao ước, nhưng chính sự trưởng thành trong khó khăn mới thực sự làm người ta ngưỡng mộ.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Lưu Chấn Vân
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đông Mai
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 12
Cập nhật: 2023-03-26 23:05:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21
au khi đàm phán hỏng với Tuyết Liên tại quán canh thịt dê trên thị trấn, Chủ tịch thành phố Mã Văn Bân rời khỏi trấn Rẽ, trên xe ông không nói một lời. Chủ tịch huyện Trịnh Trọng ngồi ngay cạnh, thư ký trưởng Ủy ban ngồi ghế phụ phía trước. Trên xe Mã Văn Bân cứ im lặng khiến người khác cũng không dám mở lời. Đường quê hơi xóc, lại ngoằn ngoèo, trong đêm tối chỉ nhìn thấy đèn xe phía trước nhấp nhô lên xuống. Đoạn chạy từ đường rải đá đến đường cao tốc, trên xe gần như không một tiếng động. Ra tới đường cao tốc, người của Mã Văn Bân phải về thành phố, phía Trịnh Trọng cũng phải quay về huyện. Trịnh Trọng bước từ trên xe Mã Văn Bân xuống, xe của huyện đang theo phía sau cũng vội dừng lại bên đường. Trịnh Trọng cùng đám người ở huyện đứng bên đường, cùng đưa mắt tiễn. Xe Mã Văn Bân tiến vào trạm thu phí đường cao tốc, đột nhiên dừng lại, rồi quay đầu. Trịnh Trọng vội vã chạy lên. Mã Văn Bân ấn hạ tấm gương của cửa sổ xe xuống, nhìn ra màn đêm phía xa, vẫn không nói gì. Trịnh Trọng đành phải đứng bên cạnh xe chờ đợi. Ông ta lại hướng mắt nhìn về phía đường cao tốc, nhìn từng ngọn đèn xe chạy cực nhanh vụt qua. Nhìn mãi hồi lâu cuối cùng mới nói: “Tôi đã thất vọng cùng cực về cái người phụ nữ nông thôn này rồi.”
Nghe Mã Văn Bân thốt ra câu này, cả người Trịnh Trọng thoáng run lẩy bẩy. Nếu Chủ tịch nói ra câu “thất vọng cùng cực” với một cán bộ nào đó thì không khác gì cuộc đời chính trị của người cán bộ ấy đã đến hồi kết. Nhưng Tuyết Liên không phải cán bộ, chỉ là một người đàn bà nhà quê đi kiện, vậy mà từ thành phố tới huyện lỵ lại không ai có thể làm gì được cô ta. Văn Bân từ phía xa thu mắt lại thở dài: “Xem ra, chúng ta đã xem thường cô ta rồi.”
Trịnh Trọng không biết trả lời thế nào cho phải. Nếu phụ họa theo, ngoài việc hạ thấp bản thân chẳng khác gì hạ thấp cả Văn Bân. Tại quán canh thịt dê trong thị trấn, mọi người nghe đều hiểu, Văn Bân bị người đàn bà nhà quê kia chế giễu có khi còn là chửi xéo. Đây là điều mà chẳng ai ngờ tới được. Nhưng nếu không phụ họa theo nhất thời cũng chẳng nghĩ ra cái gì để đáp lại. Nên Trịnh Trọng chỉ biết mấp máy miệng rồi ngậm lại. Mã Văn Bân nhìn Trịnh Trọng một cái rồi đẩy nhẹ chiếc kính tròn của mình: “Nếu đã như vậy, vậy cứ theo cách của cậu mà làm.”
Đối với câu này của Van Bân, Trịnh Trọng nhất thời chưa phản ứng kịp. Theo cách của mình ư? Mình có cách gì nhỉ? Là cách nào thế? Đến ông ta cũng không dám hỏi rõ. Đột nhiên Trịnh Trọng nhớ ra, hồi mình làm phó Chủ tịch thường vụ huyện ở huyện bên, đã từng xử lý vụ quần chúng vây đánh Ủy ban huyện bằng phương pháp đối đầu không khoan nhượng. Chợt hiểu ý của Mã Văn Bần, ông ta bèn trả lời: “Để em về bắt cô ta lại, kiểu gì cũng sẽ tìm được lý do thôi.”
Ai ngờ Trịnh Trọng hiểu lầm ý của mình. Văn Bân khẽ cau mày: “Không phải bảo cậu bắt người. Sao có thể bắt người lung tung được? Lý do mà không thỏa đáng, hậu họa sẽ khôn lường lắm. 20 năm trước, từ thành phố đến huyện lỵ, cách chức một lúc nhiều người như vậy, chẳng phải đều vì bắt nhốt cô ta vào trại tạm giam sao? Cậu đâu thể cứ nhốt cô ta cả đời được? Hơn nữa, cô ta không phải một người phụ nữ nông thôn bình thường, tên cô ta đã gắn liền với lãnh đạo nhà nước ngày trước. Mặc dù cụ ấy đã không còn, nhưng ảnh hưởng của chuyện này, vẫn không thể đánh giá thấp được. Cô ta là ‘Rau cải thìa’ đương đại, là người nổi tiếng đó. Đi ra khỏi cái huyện này hay thành phố này, chẳng ai biết Mã Văn Bân và Trịnh Trọng là ai, nhưng mọi người đều biết ở đây có ‘Rau cải thìa’ đấy. Danh tiếng cô ta lớn hơn tôi với cậu nhiều lắm. Mà cô ta chẳng phải ‘Rau cải thìa’, không phải ‘Phan Kim Liên’, cũng không phải ‘Đậu Nga’, cô ta đích thị là ‘Na Tra’, là ‘Tôn Ngộ Không’. Sao có thể tùy tiện bắt được? Nếu bắt e là lại bắt tầm bậy thôi!”
Càng nói, Mã Văn Bân càng có vẻ muốn nổi cáu. Trịnh Trọng toàn thần toát mồ hôi. Ông ta trách mình nói nhanh quá, nhất thời lý giải sai lời của Mã Văn Bân khiến lãnh đạo trút cơn giận của cả buổi tối xả hết lên đầu ông ta. May Văn Bân điềm đạm, vừa định nổi cáu, đã bình tĩnh lại: “Chuyện này không giống với khi cậu làm phó Chủ tịch thường vụ huyện, kia là quần chúng vây đánh Ủy ban huyện, còn ‘Rau cải thìa’ ở đây đâu vây đánh cậu. Bất cứ chuyện gì đều không được bắt chước nhau, hiểu chưa?”
Bình thường Trịnh Trọng phản ứng rất nhanh, giờ đầu óc trống rỗng, không biết tiếp theo nên phải trả lời thế nào, nói hiểu rồi hay chưa hiểu, ông cũng sợ nếu tiếp tục trả lời sẽ sai, khiến lãnh đạo lại nổi giận. Lúc này từ phía trong cửa sổ xe, thư ký trưởng Ủy ban thành phố thò đầu ra ngoài, nhanh trí giảng hòa: “Chủ tịch nói đúng, việc có tính chất khác nhau, cần dùng phương pháp giải quyết khác nhau.”
Rồi ông lại nói giọng trêu đùa: “Nếu cô ta đã không vây đánh Ủy ban huyện, chúng ta chỉ còn cách sử dụng biện pháp bất đắc dĩ là sai người bao vây cô ta.”
Cuối cùng Trịnh Trọng cũng hiểu ý của Mã Văn Bân, là bắt huyện cử người trông coi Tuyết Liên, không cho cô ta ra khỏi huyện đến Bắc Kinh kiện cáo. Nhưng cách ấy không phải sáng kiến của Trịnh Trọng, cũng chẳng phải là cách gì mới. Để ngăn cản dân chúng lên gặp cấp trên, chính quyền các nơi thường xuyên làm như vậy. Lúc này Trịnh Trọng đã hiểu được nguyên nhân khiến Mã Văn Bân nổi giận. Không phải là vì bực tức Trịnh Trọng mà là đang bực tức với chính ông ta. Một người đàn bà nhà quê đi kiện khiến Mã Văn Bân dằn vặt mãi mà vẫn không tìm ra cách nào khả dĩ hơn để đối phó với cô ta. Cả tối mất công vô ích đã chẳng nói làm gì, lại phải áp dụng biện pháp bất đắc dĩ này rồi sử dụng phương pháp bất đắc dĩ kia. Mã Văn Bân thích làm cái mới, thích làm chuyện người khác không làm được. Cuối cùng, chuyện người khác không làm được ông cũng không làm được. Ông tức là tức ở điểm này. Để giải vây cho Mã Văn Bân, Trịnh Trọng vội nói: “Vấn đề xảy ra tại huyện em, trách nhiệm thuộc huyện em, mong Chủ tịch và thư ký trưởng yên tâm. Chúng em nhất định áp dụng mọi biện pháp khuyên giải cô ta ở nhà, không để cô ta đến Bắc Kinh kiện cáo gây ảnh hưởng tới Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc nữa.”
Tôi Không Phải Phan Kim Liên Tôi Không Phải Phan Kim Liên - Lưu Chấn Vân Tôi Không Phải Phan Kim Liên