Never judge a book by its movie.

J.W. Eagan

 
 
 
 
 
Tác giả: Mitsuyo Kakuta
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1761 / 82
Cập nhật: 2017-08-04 14:04:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
au mấy lần đổi xe buýt và xe điện tốc hành, chúng tôi đến một thành phố huyên náo. Nhà ga chật cứng người. Hầu như không có trẻ em, chỉ thấy nhóm đàn ông lớn tuổi hơn bố hoặc nhóm phụ nữ già hơn mẹ, hoặc một nhóm cả phụ nữ lẫn đàn ông đang túm tụm trò chuyện, uống rượu. Tiếng loa thông báo tuyến xe điện xuất phát, chuyển tàu cứ lặp đi lặp lại không ngớt.
Trong lúc bố tra tìm gì đó ở quầy thông tin có màu xanh lá cây, tôi đứng ngắm bóng mình đang phản chiếu trên lớp cửa kính tiệm quà lưu niệm ở tầng một nhà ga.
Tôi gần như muốn hỏi đứa con gái đang phản chiếu mờ mờ trong lớp kính “mày là ai?”. Đứa con gái đứng trước mặt tôi gần như xa lạ với hình dáng của tôi mà tôi biết lâu nay. Đương nhiên, toàn thể và từng bộ phận là những gì thuộc về tôi, nhìn rất quen, đó là cặp mắt tôi luôn mong nó sắc sảo và dài hơn một chút cho ra vẻ người lớn, cái miệng rộng đến phát ghét. Nhưng, có gì khác nhỉ. Cứ như mọi thứ bên trong đã được hoán đổi, chỉ chừa lại một lớp da mỏng.
Tóc thì bù xù, lỡ cỡ chấm vai, lại còn chỉa lung tung. Áo quần trên người bạc phếch, cổ áo thun giãn rộng ngoác, cái quần lửng đến đầu gối như mượn của một thằng nhóc hay chơi đá bóng có bà mẹ thích ăn mặc lòe loẹt. Tay chân thò ra từ bộ quần áo thì cháy nắng đến phát khiếp. Mặt mũi thì còn tệ hại hơn. Đã đen vì bắt nắng thì chớ, đầu mũi còn đỏ ửng vì bắt đầu lột da nữa chứ.
Nhìn tổng quát thì khá bẩn thỉu. Đúng vậy, cực bẩn. Tôi mơ hồ nhận biết là mình rất bẩn. Bị bố dắt đi, mỗi tối một chỗ nghỉ, ngày nào tôi cũng tắm vậy mà không hiểu sao có cảm giác không rửa sạch được bụi đường. Cảm giác thật kỳ lạ. Tôi đã vò khăn với xà phòng thật kỹ, dốc sức chà toàn bộ thân người sao cho những vết bẩn biến mất nhưng chỉ thấy làn da cháy nắng đau rát mà không có cảm giác sạch sẽ. Buổi sáng, tôi đánh răng lâu hơn bố gấp năm trăm lần – bố chỉ đút bàn chải đánh răng vào miệng được chừng năm giây chứ mấy – rồi tôi đánh bọt xà phòng, rửa mặt thật kỹ. Vậy mà cứ rời phòng trọ, đi xe điện, lên xe buýt là tôi lại có cảm giác mình bẩn hơn hôm qua. Những vết bẩn cứ như một lớp màng bao bọc toàn thân tôi và dày lên mỗi ngày.
Thế nhưng tôi không hề khó chịu chút nào. Tôi ngạc nhiên nhất là mình không lấy làm khó chịu vì điều đó. Dám chắc mẹ mà thấy tôi bây giờ sẽ nhíu mày đến không đếm nổi những nếp nhăn mà hỏi “con bị sao vậy?” cho mà xem. Và bình thường thì tôi đã buồn rầu nghĩ mình là đứa trẻ dơ bẩn nhất thế gian này rồi.
Vậy mà nhìn bộ dạng mình bẩn thỉu hơn bất cứ đứa trẻ nào đang phản chiếu trong tấm kính kia, tôi lại nghĩ “cũng được lắm”. Cho dù mẹ có nhíu mày nhăn mặt hàng trăm nếp. Con nhóc trong tấm kính đang nhìn tôi đây là một đứa con gái vững chãi, bản lĩnh, như đã từng cùng ai đó chạy trốn khắp đất nước từ lúc mới sinh ra.
Từ tấm cửa kính, bóng bố rời quầy thông tin màu xanh lá cây và đi về phía tôi. Bố cũng bẩn kinh hồn. Bố chỉ có hai cái một áo thun và một sơ mi trắng để thay đổi, cách ba ngày thay giặt một lần nhưng cả hai đều đã ngả vàng, những vết bẩn cũng ăn sâu. Nào vết nước tương, nào vết rượu đổ ngả màu.
- Gì? Muốn mua gì à?
Bố đến bên cạnh và hỏi tôi đang đứng như trời trồng trước cửa hàng lưu niệm, hỏi vậy nhưng nói thêm ngay “nhưng bố không có tiền mua đâu”.
Cứ nghĩ từ đây sẽ lại lên xe điện, đi xe buýt nữa thì bố lại đi về hướng siêu thị trước nhà ga.
- Mua gì vậy?
Tôi hỏi khi thấy bố đẩy chiếc xe mua hàng màu bạc. Bố chỉ cười giả lả, không trả lời.
Tôi lờ mờ biết được số tiền bố mang theo đang ít dần đi. Không mua nào đồ tắm, áo quần, bánh kẹo vô tội vạ như lúc trước nữa, thời gian đầu còn ở nhà nghỉ, nhưng từ lúc trọ ở chùa thì mỗi lần nghỉ ở đâu bố đều kiểm tra giá cả từng chút một. Có lần bỏ ra cả ba tiếng đồng hồ hỏi vòng quanh chỉ để tìm cho ra nhà trọ rẻ nhất.
Tôi hỏi bố đang đứng sững người trước quầy rau củ:
- Bộ có tiền sao?
Bố cúi xuống nhìn tôi và cười to đến mức thật thiếu tự nhiên.
- Xem ra không mấy tin tưởng bố nhỉ. Không có tiền thì vào siêu thị làm quái gì. Bí quyết để vui vẻ trong siêu thị là mặc sức mua sắm mà không lo nghĩ đến chuyện tiền nong.
Nói rồi bố ào ào nhặt nào ớt, nào hành tây, bắp sú vào rổ, đúng là mặc sức.
Nghe bố nói không cần phải lo nghĩ nên tôi lấy làm yên tâm, nhìn một lượt siêu thị. Ôi chao, siêu thị! Lâu ngày quá đi mất! Mà sao ở đây rộng quá vậy không biết. Mát mẻ, sáng sủa, sạch sẽ, hết thảy mọi vật đều trật tự, đâu vào đấy. Tuy nằm trước nhà ga nhưng siêu thị vắng vẻ đến lạ lùng. Chỉ có một ông bác mang dép và một người phụ nữ mặc quần lửng đi giữa các kệ hàng như phiền hà lắm vậy.
- Tiếp theo là thịt! Haru! Bổ nhiệm con làm Bộ-trưởng-bộ-thịt. Cứ chọn loại con thích đến chán thì thôi.
Nghe bố nói, tôi ghé mặt gần sát những kệ thịt tỏa ra luồng khí lạnh và say sưa lựa. Thịt bò với từng thớ xen vân mỡ cắt lát trong vỉ dán tem vàng. Tôi chưa từng ăn bao giờ. Thịt gà có xương mẹ hay gọi là tulip. Xúc xích phô-mai. Thịt bò để xào lăn. Tôi cho vào xe đẩy từng ấy thứ rồi liếc nhìn bố.
- Bộ trưởng, Ngài cứ cho vào đi, đừng ngại!
Vì bố nói vậy nên tôi lấy thêm thịt bò săn bóng như châu báu để ăn sukiyaki, vỉ thịt heo xắt mỏng và xếp tròn như bông hoa. Tôi thấy mình thật sự biến thành một đứa trẻ khác. Tôi hưng phấn ghê gớm.
- Con muốn làm Bộ-trưởng-bánh-kẹo nữa.
- Bổ nhiệm luôn. Bộ trưởng, mời lựa bánh kẹo.
Tôi đi như bay từ kệ thịt sang góc bánh kẹo đầy màu sắc, phủ đầy những kệ hàng cao. Có loại potato chips tôi chưa từng thấy bao giờ. Chắc là sản phẩm mới ra hay hàng độc quyền ở địa phương. Loại nào mà tụi Nakayama nói nhỉ, snack cay hay là snack đậu nhỉ. Còn cái này thì giống loại có bán ở tiệm bánh kẹo sau trường năm ngoái hãy còn mở. Mà sao trên đời có nhiều loại bánh kẹo thế này không biết. Nếu tôi là một con bê háu ăn hẳn đã chết vì… mất thời gian lựa chọn!
Tôi lang thang cùng bố hết chỗ này đến chỗ nọ đã hơn hai tuần. Tuy không còn nhớ thứ ngày gì nữa nhưng chắc cũng đã vào tháng Tám rồi, khoảng đó. Trong khoảng thời gian này, tôi chưa từng đặt chân vào siêu thị nào rộng lớn như vậy. Tôi gần như quên mất rằng trên đời cũng có những chỗ rộng lớn, tiện lợi và khiến con người ta phấn khích.
- Bố làm Đại-sứ-gia-vị!
Bố nói và đi lựa nước chấm thịt nướng nên tôi hiểu ra tối nay sẽ ăn gì. Bố cũng phấn khích như tôi, mất thời gian lâu la để ngắm nghía, lựa chọn dù chỉ một chai nước chấm.
Chúng tôi đẩy cái xe chất đầy hàng hóa đến quầy tính tiền, thở phì phò và đứng xếp hàng chờ, ngắm chị nhân viên da trắng cột tóc cao lần lượt quét mã vạch từng món hàng qua cái máy. Cứ mỗi món được quét qua, tổng số tiền lại nhảy lên trên màn hình, kêu píp píp, khi được nửa xe thì bố bắt đầu sốt ruột. Vừa lúc chị nhân viên quét vỉ thịt bò vân mỡ dán tem vàng thì:
- Xi… xi… xin lỗi…
Bố lúng túng, đụng phải tay chị ấy. Chị nhân viên giật mình, rụt tay lại.
- Tôi nhầm, loại bà ấy dặn không phải cái này, thật tình, có đem theo giấy đây chứ mà chỗ này rộng quá, tôi lại ham lựa nên cho cả những thứ không cần thiết vào, kiểu này bị xử chứ chả chơi, xin lỗi cô, bà nhà tôi, “chằn” lắm.
Vừa nói linh ta linh tinh một cách khó hiểu, bố vừa bốc trả lại những món hàng chị nhân viên đã quẹt mã vào rổ. Chị đứng sững nhìn bố sau đó nhìn tôi và cười ra chiều bối rối. Tôi cũng ngại ngần cười đáp trả.
Bố kiểm tra lại giá và đi trả lại từng món hàng, thịt bò, bánh kẹo, rau củ lên kệ.
- Xin lỗi Haru, mức chi nhiều hơn bố tưởng.
Bố đỏ mặt nói với tôi. Tôi không lấy làm bực tức. Cũng không nghĩ bố mất phong độ. Có điều thấy bố hơi tội nghiệp nên tôi nói:
- Chỉ lúc bỏ đầy xe mới thấy vui thôi chứ mua nhiều vậy, hai người ăn sao hết. Lúc nãy quá vui rồi nên đâu có sao.
Bố vẫn đỏ mặt nhìn tôi, quệt mồ hôi trán và nói nhỏ:
- Xin lỗi Bộ trưởng.
Không sao cả. Vì tôi biết rõ tuy có Bộ-trưởng-thịt, Bộ-trưởng-bánh-kẹo, Đại-sứ-gia-vị nhưng đâu có Bộ-trưởng-ngân-khố.
Rốt cuộc, chúng tôi thậm chí không cần đến xe đẩy để mua hàng. Một chút rau, một vỉ thịt heo, một vỉ thịt bò, xúc xích và nước chấm, hết thảy vào vừa đủ một bao nilon và chúng tôi cứ xách nguyên bao lên xe buýt.
Tôi dựa vào cánh tay bố, ngủ thiếp đi trên chiếc ghế hai người ngồi. Bây giờ tôi không còn lo lắng mỗi khi nghe bố nói lên xe trạm nào, đi tàu mấy giờ, đổi tàu ở đâu nữa, cũng không còn nghĩ đến chuyện có thể không về nhà được nữa. Tôi còn thật lòng nghĩ cứ như vậy đến tháng Chín cũng chẳng sao. Giấc ngủ trên xe buýt chập chờn, nông, sâu theo từng chuyển động của xe, đôi khi tôi lại nghe tiếng bao nilon sột soạt bên tai.
Chúng tôi xuống xe ở trạm cuối, đó là một công viên rộng lớn, nhiều cây cỏ um tùm. Cửa ra vào có một tấm pa-nô lớn. Dò nhìn theo những chữ cái phai màu trên tấm bảng, nào quảng trường phun nước, nào khu trò chơi vận động, khu đạp xe, khu tập đua xe mô-tô, khu BBQ, khu cắm trại v.v… mới biết công viên này rộng đến không ngờ.
- Tuyên bố kế hoạch hôm nay!
Bố đứng giạng chân trước tấm pa-nô nói:
- Năm giờ, chuẩn bị cơm tối và những việc khác. Bảy giờ, dùng cơm tại khu BBQ, chín giờ lửa trại, mười giờ đi ngủ.
BBQ, lửa trại thì tôi đoán được nhưng lịch đi ngủ thì tôi không nghĩ đến.
- Bộ trong công viên có chỗ ngủ sao?
Nghe tôi hỏi vậy thì bố chỉ lên khu cắm trại trên tấm pa-nô, dõng dạc trả lời:
- Có!
- Nhưng mình đâu có đem theo lều hay túi ngủ gì?
- Bố có sáng kiến hay lắm, yên tâm đi!
Bố cười rồi hướng ánh mắt về phía quảng trường trước cổng, tiếp tục:
- Từ giờ đến năm giờ, con muốn đi đâu chơi tùy thích, sau đó đến khu BBQ là được. Dụ dỗ mấy nhóc đang cắm trại cũng được, biết đâu được chia cho miếng thịt hay đồ ăn không chừng.
Bố nói rồi rảo bước đến chỗ bốt điện thoại công cộng bên trạm xe buýt. Tôi đứng ở cổng công viên nhìn bố trong chiếc hộp bằng kính vuông góc, áp ống nghe vào tai, vẻ mặt nghiêm trọng. Cầu cho kẹt máy. Cầu cho mẹ không chấp nhận trao đổi. Nhận ra mình đang có suy nghĩ đó trong đầu, tôi quay lưng về phía bố, chạy vào công viên.
Ngay ngoài là một bãi cỏ rộng cùng khu trò chơi vận động ở trong một góc. Cổng vào yên ắng là thế vậy mà bên trong lại khá ồn ào. Trên bãi cỏ, người nằm mơ màng, cặp chơi ném đĩa, nhà có em bé đang ăn cơm hộp.
Khu trò chơi vận động khá đông, mấy đứa trẻ trạc tuổi tôi đứng xếp hàng chờ đến lượt. Tôi không giỏi thể dục thể thao gì mấy. Vì vậy chẳng lòng dạ nào mà chờ đến lượt mới được chơi nên tôi quyết định nằm nghỉ dưới một gốc cây to đầy bóng mát. Quay đầu về bên phải thì thấy nhóm ba người xem chừng là nữ sinh trung học mặc áo tắm nằm ngủ trên tấm trải. Quay sang trái thì thấy một ông già ngậm tẩu đọc báo, cạnh ông là hai con chó trắng và đen hơi to to đang ngồi ngoan ngoãn. Nhìn thẳng lên thì thấy bầu trời xanh qua kẽ lá, lững lờ như một thứ chất lỏng.
Tôi nhắm mắt, định tái hiện bầu trời xanh ngắt dưới làn mi thì có gì đó lạnh, nhẹ chạm vào. Tôi ngồi dậy, nhận ra đó là một quả bóng nhựa. Màu vàng như viên kẹo. Con chó đen ngồi cạnh ông già đuổi theo quả bóng chạy đến, thè lưỡi nhìn như muốn nói gì đó.
- Xin lỗi!
Có tiếng ai đó, tôi liền ngẩng đầu lên nhìn thì thấy một thằng con trai ăn mặc giống tôi đang đứng đó. Nó cao hơn tôi chừng một nắm tay và chắc tôi phải tắm trắng ba ngày tròn mới mong trắng được như nó. Cái quần lửng đến đầu gối, cái áo thun rộng thùng thình. Có điều đỡ hơn cái áo màu mè hoa lá cành của tôi nhiều.
- Chủ con chó này cũng là mày hả?
Tôi ngạc nhiên khi lời nói vọt từ miệng mình một cách trơn tru, tự nhiên như vậy. Có thể do bố hay gọi tôi “mày” này “mày” nọ, nhưng với một đứa con trai lần đầu gặp mà bị gọi “mày” thì không biết nó có khó chịu không, tôi nói rồi lại thấy hồi hộp.
- Ờ, nó tên Đen, con kia tên Trắng. Đơn giản dễ nhớ đúng không?
Thằng nhóc vừa xoa đầu con Đen vừa trả lời vẻ thoải mái. Thoải mái ở đây có nghĩa là không lấy gì làm khó chịu khi thình lình bị bắt chuyện, bị gọi là “mày” và cũng không có vẻ đề phòng, lại còn kèm cả thái độ thân mật.
- Vậy người đó là ông mày hả?
Tôi đưa quả bóng ra và hỏi nó.
- Ờ, còn bạn đi một mình hả?
- Có bố nữa, đến cắm trại.
- Hừm… thích ghê. Tớ sống gần đây nên chưa bao giờ cắm trại ở đây cả. À, mà cũng chưa từng cắm trại ở đâu hết.
Thằng nhóc nói rồi cười, vẫy tay, ném bóng ra xa. “Đen, chạy đi! Mau!” – nó vừa hét vừa đuổi theo con Đen vừa vọt chạy theo trái bóng.
Hẳn là còn sớm, chưa đến năm giờ nhưng tôi vẫn nhảy bước một, vẻ vụng về, tới khu BBQ. Có lẽ tôi đã thay đổi toàn bộ trừ lớp da bên ngoài. Nếu là tôi không bị cháy nắng thì không thể bắt chuyện với một đứa con trai xa lạ như vậy, mà nếu có bị bắt chuyện đi chăng nữa thì chắc cũng đã mắc cỡ giả vờ không nghe thấy rồi. Làm quen với một đứa con trai, được nó trả lời tử tế, rồi nói chuyện qua lại, cảm giác thật vui, y hệt như đi mua sắm thỏa thích trong siêu thị.
Đúng như dự đoán, khu BBQ thật đông, người nhóm lửa, kẻ lắp bếp lò, ai đó rửa rau. Tôi phải mất cả buổi chứ chẳng nói phét, mới tìm ra bố.
Mặt mày đỏ gay, bố đang nhen bếp ở một khu đất như đã bị vạt cỏ, gần khu nhà vệ sinh công cộng.
- Cái đó, ở đâu thế?
Tôi chỉ bộ lò BBQ hỏi.
- Mượn.
- Hơ, người ta cho mượn hả? Tử tế quá vậy. Lúc nãy con nói chuyện với một đứa nhưng dẹp vụ rủ rê vì nó nói ở gần đây, cũng không có vẻ gì là có thịt thà, rau củ cả. Còn dắt theo cả chó nữa, ở đâu ra thịt chớ.
Tôi cười. Bố ra sức dùng giấy báo quạt mớ than đang bốc khói, chẳng nghe tôi nói gì. Tôi cũng đâu lấy làm phiền, vẫn tiếp tục nói:
- Có hai con chó, buồn cười lắm, con lông trắng thì gọi là Trắng, con lông đen thì gọi là Đen. Chả tinh tế chút nào. Nhưng tụi con trai thì cả đám, đứa nào cũng vậy thôi. À à, nhưng mà thằng đó khác với tụi con trai lớp con. Có vẻ nghiêm túc hơn. Thì ông nó đó…
- Nhờ cái!
Bố cắt ngang lời tôi, có vẻ bực dọc rồi. “Giúp bố một tay!”
Chuẩn bị từ trước năm giờ mà đến gần tám giờ mới có cơm tối. Việc nhen lửa nhóm bếp với chúng tôi quả là cả một vấn đề, trong lúc tôi rửa rau, bố đi đâu đó mua bia mãi đến lúc quay lại thì trời đã tối đen. Những người xung quanh vui vẻ dùng bữa trước đó hầu như biến mất sau khi để lại mùi thịt nướng, mùi nước sốt.
Trong im lặng, chúng tôi xếp thịt, rau lên vỉ, trước khi ăn, kiểm tra kỹ xem đã chín chưa. Mùi nhà vệ sinh bốc lên nồng nặc. Xem ra bố xuống tinh thần trầm trọng. Tôi có hơi bực mình một chút khi bố nhen lửa không ra hồn, chuẩn bị thì lập cà lập cập mà còn đi mua bia (có tiền để mua bia thì mua cho người ta vỉ thịt bò lăn đi) nhưng khi thấy bố ăn miếng thịt nướng, tự dưng tôi thấy tội tội nên bắt chuyện:
- Ngon nhỉ!
Bố chỉ gật đầu rồi lại im lặng một lúc, sau đó mới nói nho nhỏ:
- Bố không ra gì, nhỉ?
Tôi an ủi:
- Con sẽ nhen được lửa thật nhanh, chắc chắn có cách, con sẽ nhớ mà. Còn lúc đi siêu thị, con sẽ hỏi bố có cần bia không? Cho nên… không sao đâu.
Rốt cuộc bố cũng ngẩng đầu lên, nói “vậy à?” và cười nhe hàm răng trắng bóc.
Cách khu BBQ mấy mét là khu cắm trại. Bóng lều mờ mờ trong đêm tối. Cái có ánh đèn, cái không. Có đôi tình nhân đem ghế ra trước lều, ngồi dựa vai nhau uống gì đó. Tôi hỏi bố:
- Ai cho mình mượn lều?
- Không ai cho mượn hết.
Bố nói. Trước khi tôi kịp hỏi “vậy làm sao ngủ?” thì bố nói tiếp “đi tìm thôi!”
Theo kế hoạch của bố thì nhất định sẽ có những chiếc lều không còn sử dụng được nữa vứt ở bãi rác và chúng tôi sẽ mượn từ đó. Tôi hối hận vì đã an ủi bố bằng những lời ngọt ngào lúc nãy. Lẽ ra lúc đó tôi nên nói “à á, bố đúng là không ra gì” mới phải.
Nhưng thực tế thì đúng là ở bãi rác có chiếc lều bị vứt bỏ thật. Bố cong lưng lôi nó ra giữa đống giấy vụn, vỏ hộp bánh kẹo, túi nilon, vỏ lon bia và rồi còn tìm cả phụ kiện như vít, ốc… phớt lờ ánh mắt của những người đem rác đến vứt.
Rút kinh nghiệm thất bại lúc nãy, trong lúc bố dựng lều thì tôi nhóm lửa trại. Tôi xếp chéo mấy khúc than còn sót lúc làm BBQ, nhét giấy báo, châm lửa và ra sức quạt cho lửa khỏi tắt. Làm vài lần như thế thì than từ từ hồng lên, rồi bắt đầu cháy đỏ. Đang ngắm ngọn lửa nhảy nhót reo vui, cao chừng đến đầu gối thì tôi nghe tiếng bố hét toáng:
- Xong rồi!
Quay lại thì thấy tuy hơi nhỏ nhưng đúng là ra cái lều. Trên chóp lều hở một lỗ to như bị cháy. Biết là đồ bỏ đi thì phải chịu thôi nhưng tôi vẫn có chút thất vọng.
Tôi và bố ngồi cạnh nhau, nhìn ngọn lửa cháy không mấy mạnh mẽ cho lắm. Bố uống bia. Hai má và đầu mũi tôi hơi hâm hấp nóng.
- Thương lượng sao rồi?
- Ừ thì đại khái!
Bố nói cho qua chuyện.
Đôi tình nhân ngồi kề vai nhau trước lều lúc nãy đã khoác tay nhau bắt đầu đi dạo. Khi bóng họ khuất sau bóng cây trong đêm tối, bất chợt tôi nghĩ ra:
- Bố và mẹ gặp nhau ở đâu?
Có vẻ như bố rất vui khi nghe câu hỏi đó nên ghé mặt sát vào tôi, phả toàn mùi bia trong lời nói:
- Bố làm thêm ở quán nhậu. Thế rồi mẹ với bạn bè đến đó, bố bị “cưa” đấy nhé!
- Bố bắt chuyện với vị-khách-mẹ hả?
- Không, không, ngược lại. Mẹ là khách, bắt chuyện với bố chứ.
- Chỉ giỏi chém gió!
- Nghiêm túc đấy!
Bố hất cằm vênh váo.
- Không phải mẹ bắt chuyện mà là gọi món thôi chứ gì?
- Đã nói là không phải mà. Người ta bắt chuyện với bố, “anh làm đến mấy giờ?”
- Hê hê hê…
- Tức là “cưa cẩm” đó!
- Lúc đó bố mấy tuổi?
- Hai mươi ba, mẹ hai mươi mốt.
- Hê hê hê…
Tôi thử hình dung cảnh tượng đó trong đầu. Cảnh bố trẻ hơn bây giờ đem bia ra, mẹ trẻ hơn bây giờ uống bia rồi bắt chuyện với bố. Chẳng ổn tí nào.
- Chắc lúc đó chỉ có bố là đàn ông thôi chứ gì?
- Coi thường bố quá, nhân viên quán lúc đó toàn đàn ông nhé, năm người đấy.
Tôi lại nhắm mắt, hình dung cảnh đó một lần nữa. Nhưng trong đầu chỉ hiện lên cảnh bố và mẹ bây giờ, cười nói, gây gổ, xoay lưng lại với nhau và làm phần việc của mình. Bố lại bật nắp lon bia mới. Tôi thầm nghĩ “chém gió là cái chắc”. Không thể nào tưởng tượng được mẹ lại là người bắt chuyện với một người đàn ông không quen biết. Hình ảnh mẹ không bao giờ mặc váy, rảo bước trong khu chợ, còn dễ hình dung hơn. Ngược lại là cái chắc. Bố mới là người bắt chuyện với khách đến tiệm lúc đó là mẹ. Hẳn bố cứ bám dai như đỉa nên được mẹ chấp nhận hẹn hò; lửa cũng không nhen được, tay chân thì lóng ngóng làm mẹ thấy tội nghiệp nên lỡ nói lời an ủi giống tôi lúc nãy, chắc luôn. Kiểu như “không sao đâu, để em làm cho”.
- Mẹ say bố như điếu đổ ấy chứ!
Mặt bố ửng đỏ vì bia và lửa, bố “cường điệu” như vậy nên tôi càng chắc chắn là bố xạo.
Bố bắt đầu say, đòi “cắm trại mà, hát đi, nhảy múa đi!” rồi lớn tiếng gây ồn ào nên tôi cố sức kéo bố vào lều, chuẩn bị chỗ ngủ. Tôi gom đống báo bố lượm về, trải ra rồi lấy hết quần áo đặt chồng lên để nằm nhưng dưới lưng vẫn lộm cộm, đau cả người. Không biết có phải vì say quá rồi không mà ngay khi nằm lăn ra là bố chẳng còn nhắc gì đến hát hò, nhảy múa nữa mà cất tiếng… ngáy luôn.
Tôi cũng nằm xuống và ngước nhìn mái lều. Một lỗ hổng to bằng cả mặt bố trên chóp. Nhìn qua cái lỗ, tôi thấy đây đó những vì sao. Trong khoảnh tròn như vậy mà thấy được cũng khá nhiều, lớn, nhỏ, đủ cả. Những vì sao cứ nhấp nháy như đang trò chuyện với nhau. Tôi thấy khoảng trời nhỏ xíu xiu, được cắt tròn trịa đó thật hợp với những người đang chạy trốn như bố con tôi.
Lưng thì đau ê ẩm, tiếng bố ngáy thì ồn ào nên tôi không ngủ được, cứ nhìn khoảng trời hình tròn đầy sao trên đầu. Tôi nghĩ ngợi, là ai bắt chuyện trước đi nữa thì trước khi gặp nhau ở quán nhậu, cả bố và mẹ đều là những người xa lạ với nhau. Mẹ không phải là mẹ mà là một thiếu nữ, bố cũng không biết gì về mẹ hay tôi, và không chừng lúc đó cả hai đã có người yêu cùng ăn sáng, đi xem phim rồi cũng nên. Trong một thế giới không có lấy cả một cọng tóc của tôi. Nghĩ vậy là tôi bỗng có cảm giác kỳ lạ vô cùng.
Tôi có cảm giác như cơ thể mình tự nhiên bay bổng, cứ thế bay lên, bồng bềnh giữa các vì sao đang nói chuyện với nhau. Bố đang nằm ngủ bên cạnh cũng bồng bềnh giống tôi và đang ngáy. Mẹ đang ở xa lắc bên kia ngọn núi cũng vậy, cả dì Yuko, dì Asako, người yêu của dì Yuko, mỗi người một vị trí, cũng như bị những vì sao kéo bổng lên. Bên phía đối diện có cả bà lão ở chùa, ông mặt bóng dầu. Cả con Đen, con Trắng, thằng nhóc cũng đang bồng bềnh mà ngủ. Tôi dụi mắt thì thấy xa hơn nữa có chú Kanbayashi, Chizu cũng đang nằm giữa bầu trời đêm yên tĩnh.
Cảm giác chúng tôi đang bồng bềnh giữa bầu trời đầy sao kia là một nhóm những người xa lạ, hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của nhau, bị tách rời cho đến khi là cha mẹ, con cái, anh chị em, người quen của nhau.
Tôi Bị Bố Bắt Cóc Tôi Bị Bố Bắt Cóc - Mitsuyo Kakuta Tôi Bị Bố Bắt Cóc