As a rule reading fiction is as hard to me as trying to hit a target by hurling feathers at it. I need resistance to celebrate!

William James

 
 
 
 
 
Tác giả: Mitsuyo Kakuta
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1761 / 82
Cập nhật: 2017-08-04 14:04:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
uá trưa, chúng tôi đi tàu điện,lên lại xuống, ra đến cửa soát vé thì đã gần năm giờ. Đói bụng kinh khủng. Thật ra, lúc ăn sáng ở nhà nghỉ, bố đã nói “phải ăn luôn phần cơm trưa để tiết kiệm tiền” nên chúng tôi ăn sạch cơm trong thố không chừa một hạt, lúc đó bụng no căng đến nỗi tưởng như không nhúc nhích nổi, vậy mà kỳ lạ thay, đến mười hai giờ bụng lại réo như đồng hồ báo thức. Lúc ngồi trong tàu điện, xe bán cơm hộp được đẩy tới đẩy lui mấy lần nhưng bố không nói mua nên tôi cũng ráng nhịn. Cả bố và tôi đều lảng ánh mắt ra ngoài cửa sổ để khỏi phải nhìn vào bên trong chiếc xe chở cơm đó. Hơn một giờ trưa thì bụng bố sôi rõ to, sau đó bụng tôi cũng reo như hưởng ứng.
Bố lẩm bẩm một mình:
- Đúng là no dồn đói dập. Phải mà ăn dồn một lúc được thì con người ta còn làm được bao nhiêu thứ.
Tôi theo bố xuống một nhà ga nhuộm cam màu nắng chiều. Cả những dãy núi bao bọc sân ga cũng màu cam, cái bảng tên nhà ga cũng cam, cửa soát vé cũng cam, hết thảy như được bọc kín trong một viên kẹo màu cam. Tai trái, tai phải, bên nào cũng rộn tiếng ve. Bố quay lại nói “đi bộ đấy”, gương mặt bố cũng nhuộm cam.
Câu “đi bộ đấy” không đơn thuần là một câu nói đùa. Chúng tôi rời cửa soát vé, băng qua vòng xuyến, qua cả khu phố yên tĩnh với vài quầy hàng và cứ rảo bước dọc con đường chỉ có xe hơi chạy, thế rồi nhà cửa dọc đường cũng thưa dần, thay vào đó là những cánh đồng trải rộng như những tấm thảm xanh, chúng tôi cứ đi trên con đường thẳng duy nhất giữa những cánh đồng, mặt trời đã ẩn mình bên kia dãy núi, bầu trời chuyển màu xanh nhạt mà chúng tôi vẫn tiếp tục đi.
- Đói quá!
Giọng tôi khô khốc. Quần áo mặc trên người nhớp nháp mồ hôi, cổ họng khô đến mức không có cả nước bọt, đói đến mức nhấc chân không lên.
- Bố cũng vậy!
Giọng bố đi phía trước cũng khàn đặc.
- Phải đi đến tận đâu?
Bố dừng lại, chỉ tay về dãy núi hơi nhô lên, mờ mờ bên trái.
- Trên kia.
Bố gần như không còn chút sức lực. Bố xốc lại túi xách, rẽ trái, hướng về ngọn núi mà đi.
- Bố, chắc mình chết dọc đường quá!
Tôi dừng lại nói. Tôi nghĩ như vậy thật. Cơ thể rã rời, bụng đói meo, chung quanh sập tối, làm sao mà đi bộ lên đỉnh núi cho nổi.
- Mình đi taxi đi!
Bố đã đi trước mấy bước, từ từ quay lại nhìn tôi:
- Taxi ở đâu ra?
Mặt bố dài thượt.
- Thì gọi.
- Bằng cách nào?
Nhìn quanh, chẳng thấy điện thoại công cộng, nhà dân hay một chiếc xe nào. Chỉ toàn một màu xanh đến đáng ghét của những cánh đồng.
- Cũng phải ăn cơm chứ?
Tôi không còn sức.
- Ở đâu?
Bố hỏi lại, có vẻ sức tàn lực kiệt.
Đương nhiên, làm gì có nhà hàng, Mc.Donald hay gà rán Kentucky. Chỉ là cánh đồng nối tiếp cánh đồng và ngọn núi sừng sững trước mặt.
Bố nhìn vào mắt tôi rồi nói:
- Đi thôi! Hay quay lại nhà ga theo con đường lúc nãy để kiếm cái gì ăn?
Tôi đứng sững, trong đầu hiện lên con đường dài thăm thẳm đã đi từ chiều đến giờ. Lạnh cả sống lưng.
Tôi nặng nhọc nhấc chân “Đi!”
May có một máy bán nước tự động cũ kỹ, gần như muốn bể đôi, trơ trọi ngay đầu con đường hẹp xuyên qua núi. Chỉ biết là máy bán nước trái cây chứ không biết bên trong có những loại nào bởi mấy miếng nhãn đã bạc màu gần hết. Bố móc tiền lẻ mua hai lon. Tôi còn đang hồi hộp không biết nó còn hoạt động không thì nghe tiếng lục cục lạc cạc và hai lon nước mát lạnh lăn xuống. Bố cà phê còn tôi nước cam, chúng tôi ngồi xuống ngay chân núi, nốc một hơi, cạn sạch. Chẳng còn biết ngon dở. Cảm giác thứ chất lỏng mát lạnh đó trôi tuột qua cổ họng thật dễ chịu vô cùng.
Bầu trời xanh nhạt mỗi lúc đậm dần, ngọn núi xanh lá cây chìm trong màu đen. Chúng tôi cắm cúi leo lên con đường rừng hẹp đến nỗi chỉ một người đi được. Dưới chân cũng tối, ngẩng đầu lên nhìn chỉ thấy bầu trời sẫm màu lấp ló qua kẽ lá, tôi tủi thân đến mức chỉ muốn ngồi sụp xuống mà khóc. Nhưng vì biết rõ nếu làm vậy cũng chẳng có ai hiện lên giúp đỡ nên đành bặm môi leo lên con dốc cao, theo dấu cái áo sơ mi trắng của bố đằng trước.
- Cũng có những lúc như lúc này.
Đột nhiên bố lên tiếng, mặt vẫn hướng về phía trước.
- Cứ nhớ lấy. Cũng có những lúc như lúc này. Không taxi, không ngồi trong nhà hàng máy lạnh, chờ đồ ăn bưng ra. Quay lại cũng không dễ dàng, chỉ còn cách tiến về phía trước.
Bố vừa nói vừa thở.
- Mấy người cứ nghĩ taxi lúc nào cũng sẵn, ở đâu cũng có quán xá hàng ăn, và tin là mỗi khi có chuyện gì chắc chắn sẽ có ai đó ra tay giúp đỡ. Bụng thì lúc nào cũng no đẫy, còn khi khát thì có ngay máy bán nước!
Tiếng bố đứt quãng từng chặp một, vang lên chen giữa tiếng những cành cây khô bị bố đạp phải và tiếng lá cây xào xạc trên đầu.
- Cho nên chưa bao giờ có được cảm giác vui sướng tận đáy lòng khi làm được việc gì đó. Cứ chờ xem, lên đến đỉnh núi sẽ thấy sảng khoái vô cùng, chỉ cần nghĩ mình đói lả người thế này mà vẫn leo lên được đến đấy, lúc đó sẽ thấy bản thân mình tuyệt vời thế nào.
- Ông già!
Bằng một giọng thấp nhất có thể, tôi cắt ngang lời bố.
- Làm ơn tỉnh táo chút đi.
Bố không quay lại. Tôi dừng bước, có nói gì thì cũng không hả dạ mà im lặng thì cũng không đành lòng. Tôi lấy hết sức bình sinh:
- Bố nói đi, “mấy người” là con với ai hả? Mà đói bụng thì kiếm cái ăn, khát nước thì kiếm thức uống là chuyện thường tình, chứ không lẽ để mình chết đói? Bố nói vậy thì giỏi cả đời đừng ăn, đừng uống, đừng đi xe, đừng vào nhà hàng luôn đi. Gì mà vui sướng với chả hạnh phúc tận đáy lòng, gì mà đã làm được gì việc gì đó, dễ thôi, đâu cần phải cố tình để bụng đói đến lả người rồi lê lết trên con đường kinh dị này chứ. Đã keo kiệt kêu người ta ăn dồn bữa sáng mà còn ra vẻ! Đừng có mà dạy đời!
Tôi vừa nói vừa hậm hực vì những lời nói ra không như tôi nghĩ. Không phải tôi muốn nói “thử chết đói xem”. Cũng không phải tôi muốn nói “thất bại trong vụ ăn dồn bữa sáng”. Mà tôi muốn nói rằng tôi đã vui sướng tận đáy lòng khi chơi pháo hoa với bố, và cảm giác như đã làm được điều gì đó khi hét to nhất từ trước đến giờ ở nhà ga để bố bị bắt giải về đồn cảnh sát. Cho dù một trăm đứa trẻ mà bố biết chưa từng cảm thấy vui sướng tận đáy lòng thì bố cũng không cần phải nói những điều như vậy trước mặt tôi, trước mặt một đứa trẻ khác một trăm đứa trẻ kia.
Bố không quay lại, cũng không nói gì, không thay đổi tốc độ, cứ thế dấn bước về phía trước. Cái áo trắng dần lẫn vào trong những lùm cây. Muốn bỏ mặc tôi thì cứ bỏ, tôi cứ đứng yên tại đó, không nhúc nhích. Thế rồi cái lưng áo trắng vụt biến mất như bị bóng đêm nuốt chửng. Tôi ngồi thụp xuống, xoa xoa, đấm đấm hai cái chân đã đơ như cây gậy, lấy lại tinh thần. Chỉ thấy những cành cây mọc chĩa ra hoặc đan xen cùng đám lá ken dày. Hết thảy trông thật nặng nề, u tịch trong màn đêm. Không còn nghe tiếng cành khô bị chân bố đạp phải. Tôi cứ ngồi sụp như vậy, lấy đầu ngón tay vọc đôi giày vải đầy bụi. Tôi nghĩ bây giờ phải làm sao. Lạ là tôi không hề tủi thân hay bất an gì cả. Ngủ bụi à? Tôi chưa từng ngủ bụi bao giờ nhưng nằm ra đây ngủ thì chắc cũng đơn giản thôi. Có bị sâu bọ chích hay con gì như gấu chẳng hạn, nhảy ra gầm gừ, cắn xé cũng chịu.
Nếu chẳng may tôi bị sâu bọ có độc hay rắn cắn, bị gấu hay chó sói vồ mà chết ở đây thì chắc bố sẽ hối hận lắm, rằng đã nói những điều điên rồ chọc giận tôi rồi bỏ mặc vậy mà đi. Sẽ hối hận vì đã bắt cóc tôi. Và rồi có lẽ cả đời bố sẽ không thể nào quên được tôi, cho dù bố có yêu người nào đó hơn mẹ và có thật nhiều con với người đó đi nữa.
Vừa chà tới chà lui đôi giày vải vừa nghĩ vậy, tôi bỗng nghe tiếng chân tiến lại gần. Ngẩng đầu lên tôi thấy cái áo trắng mờ mờ trong màn đêm. Như ánh sáng ngọn nến.
- Bố có lỗi. Bố xin lỗi.
Đứng trước mặt tôi, bố nói. Tôi nắm bàn tay bố chìa ra, đứng dậy, phủi đất dính ở đít quần.
Tôi chẳng mong đợi trên đỉnh núi không một bóng người này có khách sạn năm sao hoành tráng với suối nước nóng, hồ bơi, khu trò chơi hay biệt thự gì nhưng thật lòng, lúc lên đến nơi, tôi vô cùng thất vọng. Có một ngôi chùa nhỏ ở đó. Phía bên kia sườn núi ngược với hướng chúng tôi leo lên là nghĩa trang. Chỉ có vậy. Chẳng có gì gọi là có thể đem lại sảng khoái.
Tôi buông thõng hai vai, buột miệng nói:
- Là ngôi chùa mà!
- Ưm, xem ra không phải là khu vui chơi giải trí nhỉ.
Bố nói rồi mở cổng chùa. Khuôn viên bên trong thật yên tĩnh. Phía trước mặt là cửa chùa đóng kín, bên hông là một ngôi nhà nhỏ. Hiên nhà có một cái đèn tròn màu cam nên xung quanh cũng sáng mờ mờ.
- Đi viếng mộ ai vậy?
Tôi cố nói đùa để chặn lại cảm giác thất vọng đang tụt dốc không phanh. Thế nhưng khi nói ra rồi mới thấy nó chẳng hay ho gì, mà ngược lại còn khiến tâm trạng u ám hơn.
- Không, hôm nay sẽ ngủ nhờ ở đây.
Bố nói và đi thẳng về phía ngọn đèn cam.
- Có người quen ở đây à?
- Không! Có biết túc phòng không? Là chùa cho lữ khách trú chân. Đây là chùa loại đó. Giá phòng cực rẻ mà còn “khuyến mãi” mấy trò cảm giác mạnh nữa.
Chẳng hiểu sao nghe vậy tôi buồn không thể tả. Chỉ vì giá phòng cực rẻ mà phải chịu bầm dập như thế này để lết đến tận đây sao? Thậm chí bố con còn cãi nhau nữa. Chắc là, mà không, chắc chắn là bố nghèo rớt mồng tơi rồi, hoặc keo kiệt đến đáng sợ. Mà bố thuộc loại nào đi nữa tôi cũng buồn.
Vậy chắc điều kiện trao đổi với mẹ là tiền chuộc tôi rồi, chắc luôn.
Bấm chuông cửa bên hông nhà thì một bà lão lưng còng xuất hiện.
- Tôi đọc sách được biết ở đây cho ngủ trọ. Chúng tôi chỉ xin nghỉ một đêm.
Bố nói vậy thì bà lão tỏ ra vô cùng ái ngại:
- A, à, chúng tôi đã nghỉ từ lâu rồi. Ừ nhỉ, cũng phải hai năm. Đọc sách à? Chắc là sách đó cũ lắm? Chứ hai năm trước tôi đã gọi điện thoại cho nhà xuất bản, nói họ đừng đăng nữa rồi mà…
Bà lão nói rồi há hốc miệng nhìn chúng tôi. Hẳn là nét mặt của bố và tôi, cả hai đều quá dễ hiểu. Thế rồi bà nói:
- Mà thôi, đã cất công đến đây rồi mà nói không cho trọ thì hai người cũng phải nửa đêm mới quay ra ngoài đường lớn được. Tôi cho nghỉ lại vậy, nhưng lần này thôi, đặc biệt đấy. Giữ bí mật giùm tôi nhé. Vậy trong sách đó đăng giá bao nhiêu? Năm trăm yên à? Vậy cũng được, cứ theo giá đó.
Cách nói chuyện của bà thật êm ái.
- Cảm ơn bà, thật may cho chúng tôi quá. Với lại, thật ra… cả ngày nay chúng tôi chưa được ăn gì ngoài bữa sáng.
Giọng bố khô khốc, ngập ngừng. Bà lão nhìn chúng tôi từ đầu đến chân – không sai một chữ – và cười to như thể người ta bấm những nốt cao của phím đàn piano vậy.
Bước lên thềm nhà, thấy một hành lang đen bóng, bên phải có một phòng kiểu Nhật nhỏ hẹp, bên trái là nhà bếp và phòng ăn, chúng tôi được dẫn đến phòng ăn. Ở đó để lộn xộn nhiều đồ đạc. Nào thùng các-tông nhỏ, nào thùng gỗ, bình rượu, nhưng giữa phòng có một cái bàn thấp thì lại chẳng đặt để gì, tôi và bố ngồi trước cái bàn đó.
- Thật xin lỗi chứ chúng tôi đã ăn tối rồi. Nhà chỉ có hai người nên nấu cũng ít. Tôi đây lại rất ghét bỏ thừa nên nấu chỉ vừa đủ, thật xin lỗi vì không có gì để mời cả.
Bà lão vừa nói vừa quay lưng lại phía chúng tôi và nấu gì đó trong bếp. Bếp cũng bày đủ thứ vật dụng. Từ gia vị cho đến tạp chí nấu ăn, bao bịch được cuộn tròn, vỏ hộp bánh kẹo bày bừa khắp nơi. Chẳng hiểu sao quang cảnh đó lại làm tôi thở phào nhẹ nhõm.
Bà lão đem ra cho chúng tôi cơm nắm, dưa món và canh miso. Tôi và bố ăn, không đãi bôi khách sáo. Nắm cơm ngon đến nỗi tôi cứ nghĩ đó không phải là cơm nắm, mà là món gì đó hệt cơm nắm, nhưng tôi chưa từng ăn qua. “Ngon quá!” – tôi suýt buột miệng thốt lên như vậy nhưng đã vội vàng nuốt lại những lời này vì không muốn bị bố lên lớp “đó, ý bố muốn nói là vậy đó”. Nhưng khi nuốt ngang lời cảm thán tôi lại nghĩ mình đúng là một đứa trẻ khó ưa. Cuối cùng tôi nói thật nhỏ:
- Ngon quá đi mất!
Bà lão nheo mắt cười.
- Đúng là ngon thật. Chưa từng được ăn cơm nắm ngon đến thế!
Bố cũng lên tiếng. Trong lúc chúng tôi ăn, ông già mặt bóng lưỡng ngó vào phòng ăn rồi khẽ cúi đầu. Chúng tôi cũng cúi đầu chào nhưng chưa kịp ngẩng lên thì ông đã biến mất.
Sau bữa ăn, bà lão đem một trái bưởi chùm ra cho chúng tôi. Trái bưởi nhỏ được cắt làm hai, giữa có rắc đường.
- Không có ai đến xin ngủ lại ạ? Một nơi lý tưởng như thế này mà…
Bố vừa lấy thìa xúc phần thịt bưởi vừa hỏi. Bà lão ngồi xuống cạnh tôi và gật đầu, nói chuyện như thì thầm:
- Cho đến ba năm trước thì có nhưng vì người ta đồn đại mà dần ít đi, một năm chừng một, hai người, không biết có không nữa, mà phải chuẩn bị, phục vụ cơm nước nên chúng tôi thôi luôn.
- Đồn gì ạ?
Bố hỏi. Bà lão nhìn bố, nhìn tôi rồi nhìn mấy đầu ngón tay mình và bắt đầu câu chuyện.
- Chuyện không phải để nói với khách đến trọ thế này nhưng có lẽ nên nói ra thì tốt hơn. Cũng năm, sáu năm rồi. Mùa hè, khách đến đây đông lắm. Tại mát mẻ, xuống núi đi thêm một đoạn là tới biển. Hôm đó cũng đông khách. Đi gia đình cũng có, người yêu nhau và bạn bè đi theo nhóm cũng có. Thế là tôi chia khu bản đường ra rồi mọi người ngủ ở đó, nhộn nhịp lắm, chỗ chật hẹp nên khách nghỉ cùng ngày cũng dễ thân nhau, trẻ con thì ném gối chọc ghẹo nhau, người lớn thì tụ họp bia rượu. Đến chừng hai giờ sáng mọi người mới chịu đi ngủ thì mới yên ắng một chút. Tôi phải chuẩn bị bữa sáng nên thức khuya.
Cánh cửa hơi hé ra, một làn gió êm dịu thổi vào. Tôi nhớ những đêm khó ngủ, có ai đó quạt mát bên gối cho tôi. Là ai nhỉ? Bà ngoại hay mẹ, hay là bố nhỉ? Những hạt đường còn lạo xạo trong miệng, chưa tan hết. Bà lão ngừng nói, quay lại nhìn cánh cửa rồi tiếp tục câu chuyện như thể công nhận có ai đó đến. Tôi cũng nhìn theo ánh mắt bà thì chẳng thấy gì ngoài cái liếp đong đưa chậm rãi.
- Tôi vo gạo, cắt sẵn rau củ ngâm, cho mọi thứ vào nồi kho thì… nghe có tiếng “xin lỗi” nhỏ lắm, như ai đó nói thầm vậy, tôi ngạc nhiên ra thềm xem thì thấy một cô gái đứng đó. Cô ấy mặc bộ yukata màu xanh đậm có hình hoa asagao, da trắng, môi tô son đỏ. Mà không đem theo hành lý gì cả. Chỉ có mỗi cái quạt giắt ở thắt lưng. Tôi hỏi có chuyện gì không thì cô ấy nói có người quen nghỉ ở đây hôm nay nên xin ngủ lại dù đã khuya.
Tôi nhìn bố. Bố không chớp mắt lấy một cái, cũng không nhúc nhích cử động gì, cầm khư khư cái thìa trong tay, ngồi yên nghe bà lão kể chuyện. Ghê quá. Chuyện bà lão kể nghe ớn lạnh. Chắc chắn câu chuyện sẽ đi theo chiều hướng kinh dị. Tôi cảm thấy thế nhưng không thể đứng dậy bỏ đi, cũng không thể lấy hai tay bịt chặt tai, nên đành ngồi như bố, chăm chú nhìn cặp môi mỏng của bà lão như đã bị những nếp nhăn vùi lấp.
- Tôi nói, nếu tìm người quen thì cứ tự nhiên rồi mời cô ấy đến bản đường, sau đó định quay lại nhà bếp thì nghĩ bụng không biết cô ấy có tìm ra không nên quay lại hành lang, ngó vào. Cô gái mặc yukata nhìn từng người, từng người đang ngủ thật chậm rãi, không gây một tiếng động nào. Cứ như hà hơi vào từng người một vậy. Lúc đó ánh trăng chiếu qua cửa sổ nên cô gái như đang phát ra ánh sáng. Cô xem mặt hết thảy nhưng hình như không tìm thấy người quen. Cô ấy không quay lại chỗ tôi mà nhẹ nhàng mở cửa, đi ra ngoài. Tôi lật đật chạy theo định nói nếu không tìm thấy nhưng cứ ở lại, không sao đâu thì…
Bà lão ngừng kể, nhìn ra hàng hiên một lần nữa. Tôi nghe rõ tiếng bố nuốt nước bọt cái ực.
- Cô ấy không còn ở đó nữa. Chẳng thấy đâu hết. Tôi tìm cả trong khu nghĩa trang nhưng chẳng thấy đâu, cứ như biến mất đi đâu vậy.
Bà lão liếc nhìn tôi, nhìn bố. Chúng tôi không nói gì. Vị bưởi đắng nghét ở đầu lưỡi.
- Hè năm sau cô ấy cũng lại đến. Cùng ngày, cùng giờ. Năm đó khách không đông mấy. Khoảng hai giờ đêm, lại cô gái mặc yukata đó đứng ở bậc thềm nên tôi nói nếu có người quen thì cô cứ tự nhiên, còn nếu không thì cô cứ ở lại đi, không sao cả. Thế là cô ấy trả lời thật nhỏ, còn nhỏ hơn cả tiếng ruồi bay nữa, là không phải tìm chỗ ngủ, mà là đi tìm người quen. Cô ấy nói vậy rồi nhẹ nhàng ra bản đường. Rồi cũng giống y hệt năm trước, cũng đi ngắm kỹ từng người đang ngủ như thổi hơi vào mặt họ, sau đó lại mở đúng cái cửa năm trước đi ra ngoài. Tôi cũng vội chạy theo nhưng y như năm trước, không vết tích, bóng dáng đâu cả. Chỉ khác là bên mé nghĩa trang có tiếng khóc ri rỉ. Tiếng khóc đó nhỏ, nhỏ hơn cả tiếng thở của đứa bé đang ngủ nữa. Tôi vừa sợ vừa lấy làm lạ nên tìm khắp nghĩa trang, vừa tìm vừa nói “cô ở đâu, cứ ngủ lại đây đi. Ra đây đi!” nhưng chẳng có ai hết. Trong khi tiếng khóc thì cứ văng vẳng như thể cả nghĩa trang đang rên rỉ vậy.
Thình lình cửa phòng ăn bật mở, cả bố và tôi đều hét không thành tiếng, nhảy dựng cả người lên mấy xăng-ti-mét. Ông già mặc bộ đồ ngủ xuất hiện ở cánh cửa thông với hành lang.
- Vừa phải thôi.
Ông nói với bà lão rồi đóng cửa. Bà lão le lưỡi, cười với tôi. Tôi thậm chí không thể cười đáp lại nổi.
- Cô… cô gái đó còn đến không ạ?
Tôi phải nuốt nước bọt đến ba lần, thu hết can đảm mới hỏi được như vậy.
- Thì năm nào cũng đến nên mới có lời đồn. Người ta nói ở đây có ma, năm nào cũng đến nhìn mặt khách trọ. Nhưng cái năm chúng tôi quyết định là năm cuối cùng đón khách thì có nói với cô ấy rằng sang năm chúng tôi không làm nữa, cô có đến chắc cũng không tìm ra người quen đâu. Thế là sau đó không thấy đến nữa thật. Cho nên không sao đâu. Hai bố con cứ ngủ ngon.
Bà lão nói rồi dọn cái đĩa đựng bưởi.
Cứ nghĩ bà lão cho chúng tôi ngủ tạm ở phòng nào đó, chúng tôi theo sau bà đi dọc hành lang dài thì đến bản đường rộng thênh thang, sàn gỗ đen bóng, cửa sổ kính đầy ánh trăng, trong góc là một bức tượng Phật uy nghiêm, xung quanh là những vật trang trí mờ mờ trong ánh sáng của hai ngọn nến. Sàn gỗ mát lạnh dưới chân dù tôi đang mang tất, còn toàn thân thì nổi da gà.
- Ngủ ở đây ạ?
Tôi hỏi, miệng khô khốc.
- Ừ, rộng rãi lắm. Nằm đâu cũng được. À, chăn màn trong cái tủ ở góc kia. Có đầy đủ hết, cứ lấy ra mà dùng. Với lại, phòng tắm ở góc hành lang đi từ hiên nhà lúc nãy, hai bố con cứ tự nhiên. Chúng tôi đã tắm rồi nên không việc gì phải ngại nhé. Vậy thôi, chúc ngủ ngon. Chúc hai bố con mơ những giấc mơ đẹp.
Bà lão nói như thể đang đọc lời thoại một vở kịch rồi quay lại hành lang liên phòng. Lúc nãy, bố nghe chuyện bà lão kể như bị thôi miên vậy mà bây giờ, không hiểu đã quên béng nội dung câu chuyện hay là để trấn áp nỗi sợ hãi mà bố lại phấn khởi nói:
- Vậy bố đi tắm đây. Mồ hôi bẩn quá. Haru kéo nệm ra nhé!
Tôi ra sức ngăn lại. Định để tôi một mình trong cái bản đường rộng và tối mờ này sao, đừng có đùa!
- Đang ra mồ hôi, bây giờ mà đi tắm là cảm lạnh đấy. Ở đây cũng mát mẻ mà. Để ngày mai hẵng tắm. Quyết định vậy đi.
Bố nhìn tôi, lẩm bẩm trong miệng “cũng có lý” rồi rảo bước sang bên trái phía sau tượng Phật, lấy chăn nệm ra. Trong cái bản đường rộng cũng phải năm mươi chiếu này, trải nệm ở đâu cũng là cả một vấn đề – bố thì muốn nằm ngay bên cạnh bức tượng. Chẳng may có chuyện gì thì Phật cũng sẽ phù hộ độ trì cho. Nhưng khi nhìn mặt Phật nghiêm trang dưới ánh sáng nến, thêm đôi mắt như nhắm hết nửa phần mà lại như đang chuẩn bị cử động thì tôi nhất định phản đối. Rốt cuộc chúng tôi quyết định nằm sát cánh cửa kéo nối liền hành lang – tôi còn đang tự nhủ “rồi, bây giờ chỉ có việc ngủ, ngủ say thì không sao hết” thì bố lại nói như muốn khiến người ta nhảy dựng cả lên:
- Đi “thử gan” không?
Tôi ngẩng phắt lên nhìn bố sững sờ. Bố thay áo, đứng trên nệm và cười hết cỡ.
- Còn chưa đến chín giờ mà. Đi dạo quanh nghĩa trang một chút đi.
- Đừng có hòng!
Tôi kịch liệt phản đối nhưng giọng nhỏ xíu, không chút khí thế, cứ như một đứa trẻ đánh trống lảng cho qua chuyện khi nói dối.
- Đã nói không sao mà. Bà lão đã nói dạo này không có gì mà, có hai bố con thì không sao mà!
- Sở… sở thích kinh dị!
- Vậy sao? Còn bố thì nghĩ mùa hè là phải đi “thử gan” chứ!
Bố liếc nhìn tôi.
- Vậy thôi, bố đi một mình vậy. Tại chưa thấy buồn ngủ.
Tôi bật dậy hết tốc lực, nắm chặt cánh tay bố.
- Đi thì đi, thử thì thử. Nhưng bù lại, bố không được để con một mình. Bố nên nhớ là để con một mình thì sẽ gặp rắc rối thế nào, con đã cho bố bị cảnh sát bắt rồi đấy thôi, bố mà chọc giận con thì còn hơn, hơn, hơn thế nữa ngay.
- Hiểu rồi, hiểu rồi, hai bố con cùng đi!
Chúng tôi mở cửa bản đường, chiếc cầu thang bằng gỗ kêu kèn kẹt, băng ngang qua đường biên, hướng về khu nghĩa trang. Chung quanh mờ sáng nhờ ánh trăng và có màu như nước rửa cây cọ vẽ màu đen. Không hề có âm thanh nào kể cả tiếng ve inh ỏi lúc chiều tối như thể chúng đã đi ngủ hết. Chỉ thỉnh thoảng có cơn gió thổi khiến cây cối cười vui, tiếng lá xào xạc vang bên tai.
Tôi Bị Bố Bắt Cóc Tôi Bị Bố Bắt Cóc - Mitsuyo Kakuta Tôi Bị Bố Bắt Cóc