Đôi khi, những thành quả tuyệt vời lại xuất phát từ những thất bại sớm gặp phải.

Thomas H. Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: El Amor En Los Tiempos Del Cólera
Biên tập: Hoàng Ngọc
Upload bìa: Hoàng Ngọc
Số chương: 51
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3975 / 121
Cập nhật: 2015-12-03 04:33:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 42
hiều ấy dưới trời mưa rào tầm tã ông đưa cô gái về đến trường nội trú đúng lúc chuông cầu kinh Đức mẹ vừa đổ hồi, sau khi họ cùng nhau xem xiếc múa rối ở công viên, sau khi cùng ăn trưa tại các quán bán cá rán, sau khi cùng xem những con thú dữ bị nhốt trong chuồng của một gánh xiếc vừa mới đến thành phố, sau khi vừa mua đủ loại kẹo bánh ở các phố để mang về trường nội trú, sau khi ngồi trên xe mui trần vài lần lượn quanh thành phố để cho cô gái quen dần với ý thức ông chỉ là cha đỡ đầu chứ không phải người tình của cô. Ngày chủ nhật ông cho ô tô vào đón cô phòng đi dạo chơi cùng với bạn gái của mình nhưng ông không muốn mình thấy cô gái nữa, bởi vì kể từ tuần lễ trước ông đã có ý thức đầy đủ về khoảng cách quá lớn trong tuổi tác của cả hai người. Đêm ấy ông đã có quyết tâm ngồi viết cho Phecmina Đaxa một bức thư xin thứ lỗi, chứ không phải để nhân nhượng bà, nhưng rồi ông lại để sang ngày hôm sau.
Thứ hai, đúng ba tuần sống trong đam mê, ông bước vào nhà mình người ướt đẫm nước mưa, và nhặt được phong thư của bà.
Đó là lúc tám giờ tối. Hai người hầu gái đã đi nằm và họ để ngọn đèn duy nhất thường xuyên thắp sáng trên lối đi soi đường cho Phlôrêntinô Arixa vào phòng ngủ của ông. Ông biết rằng bữa cơm tối của mình được để phần ở bàn ăn nay đã nguội lạnh, nhưng sau bao ngày gặp gì ăn nấy ông quen ít thấy đói do đó niềm vui như mở cờ khi nhận được bức thư lại càng khiến ông không cảm thấy đói. Vì tay run rẩy, ông vất vả lắm mới bật được công tắc ngọn đèn phòng ngủ đặt trên chiếc bàn con kê ngay cạnh đầu giường, rồi với vẻ bình tĩnh giả tạo vốn là một thủ thuật rất đặc trưng cho tính cách của ông để tĩnh tâm lại, ông cởi chiếc áo khoác ngoài và vắt nó lên chiếc ghế tựa, rồi cởi đến chiếc áo gilê và gấp nó lại thật cẩn thận rồi xếp nó lên trên chiếc áo véxtông. Ông cởi chiếc nơ lụa đen và chiếc cổ giả đã quá mốt từ lâu rồi, cởi cúc áo đến tận bụng và cởi dây lưng để được hít thở dễ dàng hơn. Cuối cùng ông cởi chiếc mũ ra để ở cạnh cửa sổ cho nó mau khô. Bỗng nhiên ông rùng mình sợ hãi vì không biết lá thư ở đâu và có lẽ đó cũng là cung cách để ông mừng rơn khi ông nhìn thấy nó, bởi ông không nhớ rằng mình đã để nó ở trên giường. Trước khi mở phong thư, ông lấy khăn mùi xoa lau khô nước trên bì, chú ý không để mực trên chữ viết tên ông bị nhòe, và trong lúc thận trọng làm việc ấy ông nhận ra rằng cái sự kiện bí mật này không chỉ có hai người biết riêng với nhau thôi, mà ngược lại, ít nhất có ba người cùng biết; bởi vì bất cứ người nào mang phong thư đến đây hẳn phải để ý mà thấy rằng bà quả phụ Ucbinô ba tuần lễ sau khi người chồng quá cố đã viết thư cho một người nào đó không thuộc giới quý tộc của mình, bà viết với biết bao vội vã và đến mức không gửi nó qua bưu điện, với biết bao thận trọng đến mức không cho phép trao nó tận tay người nhận mà phải luồn nó xuống phía dưới cửa làm như thể nó là một đồng tiền không phải của ai cả. Ông không cần phải xé bì thư vì hồ dán đã bong ra cùng với nước mưa thấm ướt ngoài bì, nhưng thư vẫn ráo nguyên; nó gồm ba tờ giấy, không có phần bắt đầu và được ký bằng những chữ đầu của họ tên một người đàn bà có chồng.
Ông ngồi trên giường đọc lướt bức thư, chú ý đến giọng điệu hơn là nội dung của nó. Trước khi đọc sang tờ thứ hai ông biết rằng nó đúng là một bức thư quở mắng mà ông đang chờ đợi. Ông đặt lá thư xuống dưới ánh sáng ngọn đèn ngủ, cởi giày và tất ướt, rồi tắt ngọn đèn thắp sáng trưng cả phòng ngủ, cuối cùng ông đeo túi bọc hàm râu rồi lên giường nằm mà không cởi quần áo và sơ mi, đầu gối trên tấm gối rộng và to thường vẫn dùng khi nằm đọc sách báo. Ông nằm trong tư thế ấy đọc lại bức thư. Lần này ông đọc kĩ lưỡng đắn đo suy nghĩ từng chữ để không một ẩn ý nào mà ông không phát hiện ra. Sau đó ông còn đọc lại bốn lần nữa cho đến khi ông hoàn toàn mãn nguyện đến độ các chữ viết trong bức thư ấy bắt đầu mất đi ý nghĩa của chúng. Cuối cùng ông cất lá thư không có bì vào ngăn kéo chiếc bàn con kê ngay đầu giường, rồi ông nằm ngửa, đầu gối trên hai bàn tay chắp lại đặt sau gáy và ông nằm yên trong bốn giờ liền mắt nhìn vào khoảng không trong tấm gương nơi trước đây thường phản chiếu hình ảnh bà, mũi thở hít rất nhẹ nhàng đến độ tưởng như không thở, ông nằm trong tư thế chết lặng còn hơn cả một tử thi. Đúng nửa đêm ông đi vào nhà bếp. Ông pha cà phê rồi mang ra một phích cà phê đặc sánh như dầu thô về phòng ngủ. Tháo hàm răng giả, thả nó vào ca nước ngâm lúc nào cũng sẵn sàng để ở chiếc bàn con, ông lại lên giường nằm trong chính tư thế một bức tượng đá hoa cương. Ông nằm như vậy và chỉ khi người hầu gái bước vào phòng lúc sáu giờ sáng mang theo một phích khác đầy cà phê.
Đến giờ ấy, Phlôrêntinô Arixa biết rõ mỗi bước đi sau này của mình sẽ như thế nào rồi. Thực ra những lời lăng nhục trong bức thư không làm ông đau lòng. Ông cũng chẳng bận tâm đến việc thanh minh đối với những lời buộc tội vô lý của Phecmina Đaxa, mà những lời lẽ ấy trong bức thư có thể còn bị hiểu nhầm hơn thế nữa nếu như không hiểu biết tính cách của Phecmina Đaxa cùng tính chất nghiêm trọng của sự kiện. Điều duy nhất khiến ông thú vị là bản thân bức thư này đã tạo ra cho ông điều kiện và thừa nhận ông có quyền được trả lời bà. Hơn thế nữa: bà đòi hỏi ông điều đó. Vậy là cuộc sống bây giờ đã đi tới giới bạn do ông muốn. Những việc khác đều phụ thuộc ở ông và ông nhận thức rõ ràng rằng cái địa ngục riêng của mình trong hơn một nửa thế kỷ đã đặt ông trước những thử thách sống mái vì chúng là những thử thách cuối cùng. Ông đã sẵn sàng đối diện với chúng bằng nhiệt tình cao hơn, bằng nỗi đau khổ lớn hơn, bằng tình yêu sâu sắc và nồng nàn hơn so với tất cả những thử thách trước đây.
Năm ngày sau khi nhận được bức thư của Phecmina Đaxa ông đến văn phòng Hãng Tàu thủy Caribê và ông cảm thấy mình trôi nổi trong khung cảnh trống trải khác thường do những chiếc máy chữ ngừng việc, làm câm bặt tiếng nổ đều đều như mưa rơi của chúng. Khi tiếng máy chữ lại đổ nghe rào rào, Phlôrêntinô Arixa bước vào phòng làm việc của Lêôna Catxiani và ông ngắm nhìn bà ngồi sau chiếc máy chữ cá nhân đang tuân theo sự điều khiển của những ngón tay bà. Bà ta biết mình đang được ông chiêm ngưỡng. Với nụ cười rạng rỡ như ánh mặt trời bà nhìn ra cửa, nhưng vẫn tiếp tục đánh máy chi hết đoạn văn.
- Lêôna của lòng tôi, làm ơn hãy cho tôi biết điều này, - ông hỏi bà. - Cô cảm nghĩ thế nào nếu cô nhận được một bức thư tình được đánh máy?
Điệu bộ của bà, người vốn không hề ngạc nhiên trước bất cứ một sự kiện nào, là một điệu bộ ngạc nhiên chính đáng.
- Ôi, ông ơi! - Bà thảng thốt kêu lên. - Xin ông hãy nhớ cho rằng chưa bao giờ em nghĩ đến điều đó.
Cũng chính vì thế mà chẳng có câu trả lời nào khác. Cho đến lúc ấy chính Phlôrêntinô Arixa cũng chưa hề nghĩ tới và chính vì thế ông quyết dấn theo nguy hiểm đến cùng. Trong khung cảnh bọn dưới quyền đùa rỡn một cách phải phép, nói "vẹt già thì không thể học nói được", ông mang về nhà mình một trong những chiếc máy chữ ở văn phòng. Lêôna Catxiani thường hào hứng trước bất cứ một chuyện lạ nào, tự nguyện giúp ông học đánh máy chữ đúng phương pháp. Nhưng ông rất khó chịu đối với việc phải rèn luyện theo đúng phương pháp ngay từ thời Lôtariô Tugut muốn dạy ông bọc viôlin theo đúng nốt nhạc với lời đe đọa rằng ông sẽ phải mất một năm để tập chơi đàn, năm năm để rèn luyện chuyên cần mới hòng được nhận vào dàn nhạc chuyên nghiệp và ngày nào cũng phải dành ra sáu giờ rèn luyện trong cả cuộc đời mới hòng trở thành một nhạc công cự phách, ông đã không tán thành. Ông đòi mẹ mua cho một cây đàn viôlin của người mù. Với kiến thức về năm nốt nhạc cơ bản mà Lôtariô Tugut dạy, ông đã dám chơi cây đàn viôlin trong đội đồng ca của Nhà Thờ lớn trước một năm, và từ nghĩa trang của những người nghèo theo hướng gió thổi, ông gửi những bản nhạc tình chơi ban đêm cho Phecmina Đaxa. Nếu điều đó ông đã làm được vào lúc hai mươi tuổi với việc khó như việc sử dụng cây đàn viôlin thì ông không thấy vì sao mình lại không thể làm được ở tuổi bảy mươi sáu với một công cụ chỉ cần dùng độc ngón tay như chiếc máy chữ.
Quả nhiên là như vậy. Ông cần ba ngày để học thuộc vị trí cách chữ trên bảng các tút chữ, sáu ngày nữa để học cách vừa nghĩ vừa viết, và thêm ba ngày nữa để hoàn thành một bức thư không có lỗi, sau khi xé bỏ một nửa ram giấy. Trên đầu bức thư ông viết rất trịnh trọng: Thưa bà và cuối thư ông ký tên họ viết tắt của mình, như ông vẫn làm như vậy trong các bức thư tẩm hương thời trẻ của mình. Ông gửi bức này qua đường bưu điện trong một bì thư có đường viền tang tóc như sự bắt buộc đối với thư từ gửi cho một bà mới góa chồng, và ở chỗ tên người gửi bị bỏ trống.
Đó là một bức thư sáu trang giấy hoàn toàn khác với những bức thư ông từng viết. Nó không có giọng điệu, không có phong cách và cũng chẳng có hơi hướng văn chương kiểu cách của những bức thư ông viết trong thời yêu say đắm, và chủ đề của bức thư này là rất trí tuệ và được suy nghĩ chín chắn đến độ chỉ hương thơm bông hoa dành dành cũng đã có thể là một sự thái quá. Về một phương diện cụ thể nào đó mà xét, bức thư này gần giống với những bức thư giao dịch thương mại mà chẳng bao giờ ông có thể viết được. Những năm sau này, một bức thư riêng được viết bằng phương tiện máy móc sẽ bị coi là một hành vi xúc phạm, nhưng lúc ấy máy chữ là một công cụ hết sức đắc dụng ở văn phòng cũng như gia súc đắc dụng ở ngoài đồng, và sự sử dụng máy chữ riêng ở gia đình vẫn chưa thấy được đề cập trong các sách giáo khoa về phép lịch sự. Lúc ấy máy chữ tựa như một cái mốt mới đầy hấp dẫn và vì vậy Phecmina Đaxa đã có thể hiểu được ông trong việc dùng máy chữ để viết thư cho bà, bởi trong bức thư thứ hai bà viết cho Phlôrêntinô Arixa, sau khi đã nhận hơn một trăm bốn mươi bức thư của ông, bà bắt đầu xin lỗi ông vì chữ viết của mình quá xấu do việc bà chưa sử dụng phương tiện viết lách tiến bộ nào hơn là một chiếc bút sắt.
Phlôrêntinô Arixa không quan tâm lắm đến bức thư cực kỳ tốt đẹp mà bà gửi cho ông, trái lại ông đang cố sức tìm ra một phương pháp quyến rũ khác hẳn ngay từ đầu mà không hề đề cập đến những mối tình trong quá khứ, cũng không nói đến thời quá ngây thơ, có mới nới cũ. Đúng ra nó là một sự suy nghĩ lao lung về cuộc đời. Căn cứ vào chính đời sống của họ, căn cứ vào chính kinh nghiệm sống về các mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà như đã có vài lần ông từng nghĩ đến để viết một cuốn sách hoàn chỉnh nhan đề là Bí mật của những người đang yêu. Chỉ có điều lúc ấy ông gói bức thư trong một phong cách của bậc trưởng lão, chỉ nói về những ký ức của cụ già để người ta không nhận ra một cách quá rõ ràng trên thực tế nó là một tư liệu về tình yêu. Trước đây ông viết rất nhiều bức thư mà khá lâu sau này khi chúng được đọc lại với cái đầu tỉnh táo thì chúng đều bị ném vào lò lửa. Ông biết rằng bất cứ một sự vô tình nào, tỉ như chỉ thoáng một nỗi hoài nhớ thôi, cũng có thể làm sống lại những thói xấu của quá khứ trong trái tim ông. Dầu đã nhìn thấy trước rằng bà sẽ gửi trả lại ông trăm bức thư trước khi bóc lá thư thứ nhất ra đọc, ông vẫn mong muốn rằng đừng bao giờ xảy ra chuyện ấy. Vậy là như trong một cuộc chiến đấu cuối cũng ông đã suy nghĩ cặn kẽ đến từng chi tiết nhỏ nhất: tất cả đều phải khác hẳn để đưa những điều mới lạ, những hi vọng mới vào tâm hồn một người phụ nữ đã sống trọn cuộc đời mình trong hoàn cảnh đầy đủ nhất. Nó phải là một niềm hi vọng sôi nổi đủ sức đem lại cho bà một lòng dũng cảm, một thái độ quả cảm cần phải c ném vào sọt rác những định kiến của một giai cấp vốn không phải là giai cấp xuất thân của bà nhưng nó đã thấm vào xương tủy để trở thành của bà. Ông cần phải chỉ cho bà nghĩ về tình yêu như một tình thế sung mãn của cuộc đời chứ không phải là một phương tiện để đạt tới một cái gì trong cuộc đời: Tình yêu có cội nguồn và cứu cánh ở trong chính bản thân nó.
Ông có được một thái độ chủ động để không nôn nóng chờ đón bức thư phúc đáp đến với mình ngay lập tức, bởi chỉ việc bà không gửi trả lại bức thư ấy đã khiến ông bằng lòng rồi. Bà đã không trả lại bức thư ấy cũng như bà không gửi trả những bức thư sau đó, và khi ngày cứ qua đi thì nỗi khao khát trong lòng ông càng tăng lên, bởi những ngày không có thư bị trả lại càng nhiều lên thì hi vọng sẽ nhận được lá thư phúc đáp ở trong ông ngày càng mãnh liệt hơn. Mức độ thường xuyên của những bức thư được ông gửi đi phụ thuộc vào tốc độ các ngón tay mổ xuống các tút trên máy chữ: lúc đầu mỗi lá thư một tuần, tiếp đó là hai lá thư một tuần và cuối cùng mỗi lá thư một ngày. Ông rất hài lòng trước sự tiến bộ của bưu điện so với những ngày ông còn làm công ở đây, bởi vì không còn mối nguy hiểm bị người khác nhìn thấy hàng ngày mình đến Sở Bưu điện gửi thư chỉ cho một người, cũng không cần phải nhờ người mang thư đến bưu điện. Ngược lại, ông có thể sai một người lao công đi mua tem và bì thư dùng trong cả một tháng rồi sau đó cứ việc bỏ thư vào một trong ba thùng thư đặt ở khu phổ cổ. Ngay lập tức ông biến thông lệ đó thành thói quen của mình, tranh thủ lúc mất ngủ ông ngồi viết thư. Ngày hôm sau, trên đường đến văn phòng, ông bảo người tài xế cho xe dừng lại chừng một phút ngay trước thùng thư ở góc phố. Chính ông xuống xe, bước tới thùng rồi bỏ thư vào thùng. Không bao giờ ông để người tài xế làm hộ mình. Đôi lúc ông thận trọng tới mức cùng một lúc mang vài lá thư đi bỏ vào thùng để cho hành vi của mình có vẻ tự nhiên hơn. Dĩ nhiên, người tài xế không biết rằng các bức thư phụ kia chỉ là những tờ giấy trắng mà ông gửi cho chính mình bởi vì không bao giờ Phlôrêntinô Arixa có quan hệ thư từ riêng với ai, ngoại trừ những thư thông báo của người cha nuôi mà cứ đến cuối mỗi tháng ông phải gửi cho cha mẹ Amêrica Vicunha trong đó ghi lại những nhận xét của ông về đạo đức, tính thần, sức khỏe và cả những tiến bộ đáng mừng trong học tập của cô.
Kể từ tháng thứ nhất trở đi, như các tờ báo đánh số ông bắt đầu đánh số các bức thư để Phecmina Đaxa có ý niệm rằng chúng được viết liên tục bức nọ tiếp bức kia. Ngoài ra, khi các bức thư này được viết đều đặn hàng ngày, ông đổi các bì thư có viền hàng tang sang các bì thư trắng, và dài hơn và nhờ chính sự thay đổi này ta có cảm giác chúng giống với những bức thư giao dịch thương mại. Khi làm việc thay đổi bì thư này, ông đã sẵn sàng sử dụng tinh thần bình tĩnh của mình vào một thử thách lớn nhất, ít ra cũng đã để ông không có cảm giác rõ rệt về việc mình đang để mất thời gian do chỉ sử dụng một phương pháp duy nhất. Quả nhiên là ông đã chờ đợi, chờ đợi mà không hề có những tai biến trong tinh thần như trong thời trẻ của mình, chờ đợi với tinh thần bền bỉ của một cụ già trơ lì như xi măng không có việc gì làm hơn là suy tư. Hơn thế nữa, ông còn tự tin rằng mình đang sống và đang làm chủ những giác quan của một người đàn ông đang hướng về một ngày mai mà dù sớm dù muộn Phecmina Đaxa sẽ phải nhận thấy rằng muốn thỏa mãn những khao khát của cuộc đời góa bụa cô đơn của mình thì không có cách nào khác hơn là phải hạ cầu thành cho ông bước vào.
Trong khi đó, ông vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường của mình. Vì thấy trước bức thư trả lời của Phecmina Đaxa sẽ có lợi cho mình, ông tiến hành công việc tu sửa lần thứ hai ngôi nhà để nó xứng đáng với người đàn bà sẽ là chủ của nó ngay từ ngày được mua. Ông lại đến thăm Pruđênhxia Pitrê vài lần nữa như đã hứa trước với bà, để chứng tỏ cho bà biết rằng ông vẫn yêu bà bất kể sự suy sụp của tuổi tác, yêu bà một cách đàng hoàng, giữa ban ngày ban mặt và cửa mở toang, và không chỉ yêu bà trong lúc ông cô đơn không nơi nương tựa. Ông vẫn đi qua nhà André Varông cho đến khi thấy ngọn đèn buồng tắm tắt, và ông định bụng đến chơi cho đến khi mụ người với những cơn thác loạn như điên trên giường bà ta dẫu ông vẫn giữ sức để không để mất khả năng bình thường của sự ân ái, phù hợp với niềm tin của ông, vốn không bao giờ bị bóc trần cho đến khi đó, rằng cơ thể vẫn tiếp tục hoạt động khi người ta vẫn sống năng động.
Cái khúc mắc duy nhất hiện nay là quan hệ của ông với Amêrica Vicunha. Ông vẫn bảo người tài xế đến trường nội trú đón cô từ lúc mười giờ sáng ngày thứ bảy hàng tuần, nhưng ông lúng túng không biết nên đối xử với cô như thế nào trong ngày cuối tuần. Lần đầu tiên ông không quan tâm chăm sóc cô và cô đã nhận ra ngay sự thay đổi trong tình cảm của ông. Ông đã giao cô gái cho các cô hầu để họ đưa cô đi xem phim buổi chiều, đưa cô đi chơi công viên thiếu nhi, đưa cô đi xem xổ số hoặc họ phải đặt ra một chương trình vui chơi giải trí ngày chủ nhật cùng với các bạn học để ông khỏi phải dẫn cô đến cái thiên đường bí mật của mình ở phía sau văn phòng hãng tàu thủy mà lúc nào cô gái cũng muốn được trở lại đấy kể từ lần đầu tiên được ông dẫn tới. Trong đám mây mù được tỏa ra bởi ảo tưởng của mình, ông không biết rằng chỉ trong ba ngày cô gái bỗng trở thành người lớn, và kể từ ngày ông đón cô từ trên chiếc thuyền máy ở cảng Pađrê đến nay đã ba năm trôi qua rồi. Dù ông đã cố gắng rất nhiều, sự thay đổi trong cách đối xử của ông vẫn rất đường đột đối với cô gái nhưng cô gái không nhận ra được nguyên nhân. Cái ngày trong hiệu kem ông nói với cô gái rằng mình sẽ cưới vợ, như vậy ông đã hé cho cô biết sự thật rồi. Cô gái giật thột đầy hoảng hốt, nhưng vì nghĩ rằng đó là một khả năng không thể xảy ra được nên cô đã quên luôn. Nhưng bỗng nhiên cô gái nhận thấy rằng ông đối xử với mình khác hẳn với những nguyên cớ không thể giải thích được, cứ như thể ông là người trẻ hơn cô sáu mươi tuổi chứ không như trên thực tế ông già hơn cô sáu mươi tuổi.
Tình Yêu Thời Thổ Tả Tình Yêu Thời Thổ Tả - Gabriel Garcia Márquez Tình Yêu Thời Thổ Tả