Love, like a mountain-wind upon an oak, falling upon me, shakes me leaf and bough.

Sappho

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Gallico
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2067 / 22
Cập nhật: 2015-01-26 12:43:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Hai -
ái gã tự nhận mình là Ông bầu Coq tên thật là Michel Peyrot, gã lớn lên giữa rác rến của thành phố Paris, tương tự như đời sống của thi sĩ Villon thủa thiếu thời. [François Villon (1431-1465), thi sĩ Pháp, sống một cuộc đời lãng tử, mấy lần suýt bị treo cổ. Nhờ sức mạnh của nguồn cảm hứng và sự chân thành của lời thơ, ông được coi là ông tổ của thơ trữ tình Pháp – ND]
Cuộc đời của gã là một cuộc đời không có gì là êm ấm, là tình thương cả. Gã không hề biết cha gã là ai. Năm gã lên sáu thì mẹ gã, một mụ đàn bà lang thang kiếm ăn trên vỉa hè bị mưu sát. Michel được một gia đình làm xiếc nuôi. Mẹ nuôi của gã, một cô đào thương hết thời, phải kiếm thêm sau khi trình diễn bằng cách rước khách phía sau lều vải, cha nuôi của gã chuyên biểu diễn trò ảo thuật nuốt lửa, rượu chè be bét tối ngày.
Năm Michel mười hai tuổi, diễn viên nuốt lửa cha nuôi biểu diễn thi với một người của gánh khác, nhưng vì quá say tính lầm số lượng dầu hỏa có thể chứa hai bên thành má để phun ra khỏi miệng thành những ngọn lửa, ông ta nuốt dầu nóng vào, lửa bốc cháy vào chết thảm. Bà vợ cũng đã hao mòn vì bệnh tật sống chẳng được bao lâu. Thế là năm mười ba tuổi Michel lại một lần nữa bơ vơ giữa dòng đời.
Năm mười lăm tuổi, gã là một đứa trẻ man rợ, thành thạo mọi ngón hiểm độc lừa đảo trong các gánh hát rong, các gánh xiếc hạ cấp. Năm nay gã ba mươi lăm tuổi, bảnh trai một cách đểu cáng, mái tóc đỏ hoe và cứng, đôi mắt màu tro mở rộng trên khuôn mặt mét, chiếc mũi đã quặp đặc biệt đàn ông lại càng quặp hơn vì bị đánh dẹp trong thời gian gã thử học quyền Anh, chiếc miệng vật dục, tất cả tạp cho gã dáng điệu của một tên điếm đàng.
Suốt đời gã, chẳng có ai tử tế với gã, nên gã cũng đối xử lại với cuộc đời như vậy. Hoàn toàn trân tráo, gã chẳng coi thần thánh, đàn ông đàn bà, con nít ra quái gì. Suốt ba mươi lăm năm trường, gã nhớ chưa có lần nào yêu thương ai hay tha thiết với cái gì cả. Gã coi đàn bà như những công dụng làm thoả mãn sự thèm muốn của gã và sau khi dùng rồi thì vứt bỏ hay hành hạ. Tại sao gã lại thâu lượm con nhỏ gầy ốm tả tơi như đồ trôi sông tên là Mouche, gã cũng không hiểu nổi. Gã đành nhấn mạnh là không phải gã quyết định thu nhận con nhỏ vào cái gi đình kỳ quái của gã, mà Carrot Top, lão Reynardo, mụ Muscat, và xừ Nicholas đã quyết định như vậy.
Mặc dù là chính gã ngồi đằng sau tấm màn một chiều sau sạp điều khiển và nói bằng bảy giọng nói khác nhau, nhưng nhiều khi, lạ lùng thay, bảy con búp bê chúng hành động khơi khơi như những cá nhân riêng biệt ngoài sự kiểm soát của gã. Michel không bận tâm suy nghĩ nhiều về hiện tượng này mà chỉ biết đại khái như vậy thôi, không cần thay đổi nếp sống quen thuộc của mình, hiện tượng này cũng làm cho gã có cái thú là lạ.
Vì sống với những người làm xiếc, Michel đã tập được nghề ảo thuật, nuốt kiếm, chạy nhảy trên dây, nhưng thuật nói bằng hơi trong bụng là ngón sở trường nhất của hắn.
Đời sống của lũ múa rối được khai sinh từ hồi Michel Peyrot ở tù trong trại giam của bọn Đức trong thời chiến tranh và thời gian này có thể coi như giai đoạn trau giồi thêm cho những gì la bỉ ổi của bản chất con người.
Trong giai đoạn đen tối và xấu xa của đời gã ấy, gã đã đẽo gọt, mặc y phục cho bảy con múa rối và cho chúng xuất hiện trình diễn giúp vui cho bạn tù, và gã khám phá ra rằng càng ngày chúng càng có khuynh hướng không chỉ chịu nói những chuyện tục tĩu, bỉ ổi để chọc cười bọn lính mà thật ra chúng còn muốn trở nên những cá nhân có đời sống riêng của mình.
Trong những lúc trình diễn, gã ngồi nấp sau cái sạp, Michel Peyrot không còn là gã nữa, nhưng là bảy con múa rối. Golo, tên Sénégalais vô lại, hiểu rõ điều mâu thuẫn này. Đối với hắn đó là vì có ma rừng giúp cho linh hồn gã thoát ra khỏi xác và nhập vào các đồ vật khác, nhưng đồ vật này lúc đó mang linh hồn thật của gã. Nhưng còn có một biểu thị khác mà Michel Peyrot không hề biết tới, và điều đó là trong khuôn khổ của sự sáng tác người sáng tạo không thể nào hoàn toàn độc ác được, gã không thể sống một đời chỉ toàn có xấu xa thôi.
Nếu Carrot Top, Gigi, và tên khổng lồ Ali đang dựng lại cho gã tuổi thơ ấu gã đã bị tước đoạt thì Reynardo, bác sĩ Duclos, mụ Muscat là những phương tiện để gã có thể vượt ra khỏi sự tù túng của chính gã, Michel không hề biết tới điều này. Thường gã đùa rỡn trân tráo với những việc, những tình cảm mà lũ múa rối do gã khai sinh diễn tả, những việc, những tình cảm ấy hoàn toàn xa lạ với gã.
Nhờ tài trình diễn múa rối mỗi ngày một tinh vi, và khi chiến tranh chấm dứt, gã trở về Pháp. Michel Peyrot nghiễm nhiên trở thành Ông bầu Coq, cùng với tên Golo, mà gã thấy nằm chờ chết đói trong trại giam, vừa làm đầy tớ, làm nhạc trưởng, làm lao công sân khấu, cả hai cùng lên đường.
Đêm rồi khi gánh hát dừng lại bên cạnh Port Neuilly ở Paris, chính cặp mắt tinh đời và trân tráo của Ông bầy Coq chợt nhìn thấy đôi vai rũ xuống, và bước đi mù quáng đến chỗ tự sát của đứa con gái khổ sở, tay xách chiếc va-ly mây, nhưng chính tên Carrot Top, thằng bé tóc đỏ tai nhọn, đã cứu nàng. Đối với Coq thì cả đến một lũ con gái tuyệt vọng xếp hàng một nhảy xuống dòng sông Seine gã cũng thây kệ. Hắn hoàn toàn dửng dưng trước đàn bà và sự chết, cũng như đàn bà đi tìm cái chết. Nhưng gã thây kê Carrot Top và lũ múa rối muốn đối phó với đứa con gái ra sao tuỳ chúng, gã cũng thấy hay hay.
Nhưng khi màn kịch nho nhỏ của bảy con múa rối đã khởi sự, chúng tha hồ hành động theo ý muốn để bắt bồ với con bé, với bản năng bén nhạy của nhà trình diền, gã nhân ngay ra giá trị của đứa con gái có thể tin cẩn được, nó nói năng thành khẩn với bọn múa rối trên sạp như nói với người thật vậy. Dù con nhỏ là ai, và là cái gì đi nữa thì nó cũng có được tính quý hoá là bắc cầu thông cảm giữa những trình diễn viên và khán giả quá xa cách và nó làm lòng người xem rung động. Gã để ý đến sự xúc động con nhỏ gây cho đám đông cục cằn toàn là phu lục lộ, giới thợ thuyền và những thằng lưu manh bao quanh sạp của gã. Nếu huấn luyện sao cho con nhỏ biết trình diễn nhịp nhàng tự nhiên với lũ múa rối của gã, để con nhỏ đứng trước quầy, thì thật là ăn khách đó. Bằng không gã muốn đá đi lúc nào mà chẳng được.
Nhưng có một đặc điểm ở con nhỏ hấp dẫn đối với gã khi gã hé chiếc màn để ngó đôi vao so lại, đôi má hóp, đôi mắt đen sầu não, nước da trắng như tuyết, hai thái dương nổi gân xanh dưới mái tóc đen cắt ngắn, hay đúng hơn gã xốn xang ruột gan, làm sự cay cú thù hận của gã thức dậy, những tình cảm này thì gã luôn có thừa. Đó là sự thơ ngây, trong trắng của con nhỏ. Đó là cái nét mà gã ghét cay ghét đắng nếu có ở người nào, dù người đó là đàn ông, đàn bà, con trai, hay con gái. Nếu có đủ khả năng thì gã đã sẵn sàng làm nhơ nhớp cả thế giới này rồi.
Ở băng sau, Mouche đã ngủ một giấc ngủ li bì của kẻ kiệt lực về tinh thần cũng như thể xác. Khi thức dậy trời sáng rồi, nàng thấy mình bơ vơ. Cơn hãi hùng hồi hôm vùng trở lại, nàng tung cửa xe ra láo liêng nhìn quanh mình. Nhưng nhờ ánh nắng và ngoại cảnh nên nàng thấy bớt sợ đôi phần. Chiếc xe cà tàng đậu lại ở một chỗ rất bừa bộn đàng sau những chiếc sạp, những quầy hàng của một chợ phiên khác. Ở xa phía sau, nàng nhìn thấy hai cột tháp song song của thánh đường Rheims [trong kỳ đệ nhị thế chiến] bị phá hại.
Gần đấy có một máy nước, nàng ra đó rửa mặt, nước lạnh khiến đầu óc nàng tỉnh táo. Lúc nàng chui qua mấy sợi dây thép chăng ngang và mấy cây cọc chống đỡ một căn lều gần đấy, bỗng nàng nghe tiếng khàn khàn quen thuộc gọi nàng: “Ố la, cô Mouche!”
Nàng len lỏi ra con đường họp hội chợ. Đích thị là tên Reynardo. Chiếc sạp mà nàng đã nhìn thấy dưới ánh đuốc đêm rồi đã được dựng lại. Trong ánh sáng ban ngày thật là sập xệ. Nhưng không chối cãi được Reynardo là con chồn lông đỏ trân tráo có bộ mặt hay hay.
Nó huýt sáo kêu nàng và trễ cằm xuống hỏi: “Rửa mặt rồi hả, cô bé?”
“Rồi,” Mouche đáp, rồi đáo để hỏi lại: “Chú rửa chưa?”
“Chưa, nhưng đừng méc ai nghe. Chẳng rửa đã sao đâu!” Hắn vẫy đuôi rồi tụt xuống. Carrot Top lên thế, tên này cầm tấm giấy bạc một trăm phật-lăng bằng cả hai tay. Hắn nói:
“Ồ, chào cô Mouche, ngủ ngon chứ?”
“Ngon lắm, cám ơn.” Một sự sảng khoái quý hoá truyền qua cơ thể nàng. Tụi nó lại có mặt đầy đủ, những người bạn nhỏ thân yêu của đêm rồi. Thật là thoải mái được đứng đây nói chuyện với chúng.
Carrot Top cất cao giọng nói: “Nè, mua bánh, mua phó-mát mà ăn điểm tâm.” Hắn đưa cho nàng tấm giấy bạc. “Ở cuối phố có hàng chạp phô đó. [nguyên văn: epicerie] Tôi còn mắc sửa soạn trình diễn. Còn bao nhiêu đem về trả lại nghe.”
Nàng vừa quay đi thì thấy đằng sau có tiếng “suỵt” gọi. Nàng ngó lại thấy Reynardo nấp ở góc sạp, gật đầu vẫy nàng, nàng lại gần, hắn ghé mõm vào tay nàng, giọng hắn khàn khàn, “việc đếch gì phải thối lại nữa.”
Mouche hỏi, “Chú nói gì cơ, chú Reynardo?” Con chồn lẳng lơ lườm, “Gọi tôi là Rey đi. Xì... Ai cũng biết thời buổi đắt đỏ, cái gì cũng lên giá. Cứ nói là ăn sáng tốn kém lắm rồi, giữ luôn chỗ tiền còn lại. Nhưng phải nhớ là sáng kiến này do tôi đưa ra nghe. Mỗi người phân nửa đó nghe, cô bé...”
Mouche lắc đầu lia lịa như muốn từ chối, không muốn bị coi là cô bé. “Nhưng, Rey... Thật mà! Làm thế bất lương quá.”
“Ha ha!” con chồn cười. “Làm sao được, có thế hoạ may mới có chút tiền còm dính túi chớ. Mà đừng nghĩ là cô được hưởng một mình đâu, còn tôi nữa đấy.”
Khi Mouche đi ăn sáng về con dư ba chục phật-lăng thì Carrot Top và Gigi, con bé nhí nhảnh, đang có mặt trên sân khấu. Thằng nhỏ đang chải đầu cho con bé, cái mặt nhọn của nó làm tăng vẻ chăm chú, đăm chiêu. Chừng năm sáu người đứng bu lại coi.
Carrot Top ngước nhìn lên, “Về rồi đấy à, cô Mouche? Ăn quà sáng chưa?”
Mouche lễ phép trả lời, “Dạ, cám ơn. Tiền còn dư đây.”
Carrot Top hờ hững gật đầu, cầm lấy tiền rồi lẩn xuống dưới sạp, nó lại xuất hiện gần như liền ngay sau đó và nói, “Tôi đang gỡ đầu cho con Gigi. Rối tùm lum à.”
Gigi rên rỉ. “Xạo! Hắn gỡ đau thấy mồ!”
“Rối như tổ quạ à?” Mouche hỏi. “Thôi để đấy cho tôi, cái việc này thì bọn con gái thế nào cũng khá hơn.”
Carrot Top lập nghiêm nét mặt. “Đàn ông vẫn là thợ làm đầu tài ba nhất...” Hắn cãi lại nhưng vẫn nhường chiếc lược lại cho Mouche. Nàng nhẹ nhàng gỡ mấy sợi tóc rối trên mái tóc màu vàng cũng Gigi ra.
Gigi nhõng nhẽo, “Tôi muốn kết tóc lại, để loè xoè nó đâm cả vào mắt. Kết tóc tôi lại đi, cô Mouche.”
“Được rồi, Gigi.” Mouche gật đầu, “để tôi kết thành hai dải vểnh sang hai bên tai, theo kiểu đàn bà xứ Breton nghe.”
Tự nhiên, như thể không có ai nhìn mình, nàng khởi sự chải tóc, chia chúng ra từng lọn rồi kết thành dải, vừa làm vừa hát bài vè kết tóc, bài vè mà từ bao nhiêu thế kỷ rồi những người mẹ thường hát cho các cô con gái nhỏ của mình nghe, để chúng khỏi cục cựa lúc kết tóc. Ve vẻ vè ve.
Tình Nghệ Sĩ Tình Nghệ Sĩ - Paul Gallico Tình Nghệ Sĩ