A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Mỹ Hạnh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5004 / 11
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17 -
oàng rời thang máy bay bước vào phòng đợi, anh thấy đủ mặt cả nhà. Mừng rỡ không hết lời.
Anh bước vào xe, giục cha:
- Về nhanh thôi ba, con nhớ nhà quá!
Ngồi trên xe, Hoàng nhìn quanh quất phố phường. Bốn năm qua có nhiều thay đổi. Đường phố tràn ngập hàng quân nhu Mỹ, lính, cả những bãi rác khổng lồ ngay thành phố, và cả ăn mày, áo lính nhận chìm áo thường dân. Nhiều trạm gác, nhiều cảnh sát, quân cảnh, cả những gã kính râm mắt láo liên, đảo ngược đảo xuôi, soi mói từng người. Hoàng nói chuyện với ba:
- Sau bốn năm xa nhà, Đà Nẵng tệ hơn con tưởng.
- Con nhận xét gì?
- Quá lai căng vọng ngoại! Cứ đà này mất gốc nhanh thôi.
Thành, gã em trai chàng giờ đã ba mai trên ve áo bĩu môi nhìn anh:
- Anh cổ hủ bỏ mẹ! Ra nước ngoài du học bốn năm trời chẳng tiến bộ chút nào. Thời đại nguyên tử, người ta sống nhanh, sống gấp, kể gì đến ngày mai. Như anh làm sao theo kịp bước tiến bộ của thế giới?
- Em nói vậy không đúng! Chạy theo chủ nghĩa hiện sinh, sống gấp, sống buông thả đâu phải tiến bộ, đó gọi là trụy lạc. Em coi kìa, thành phố còn gì Việt nam đâu! Toàn lính và vũ trường. Toàn hàng hóa viện trợ. Như vậy là mất gốc, mất nước trong tương lai…
Thành ngả người ra ghế nệm, uể oải nụ cười ngạo mạn:
- Thôi anh ơi, đừng ông cụ nữa! Về vài ngày anh sẽ thấy, người ta sống cho hôm nay, còn ngày mai ai biết được, sống chết bất ngờ, nghĩ nhiều thêm mệt.
Thấy hai con mới gặp đã cãi nhau, ông Bình can ngăn:
- Tụi bây mới gặp, đã khích bác nhau rồi! Thằng Thành, con nhịn anh đi.
Gã lầu bầu rồi làm thinh. Bây giờ Hoàng mới để ý đến em mình, nó làm gì lên cấp lẹ vậy? Đại uý rồi!
Về đến nhà tắm rửa, ăn cơm xong, Hoàng dắt xe đi ngay. Bà Bình gọi lại:
- Con đi đâu giờ này?
- Con qua nhà người bạn.
- Mai không được sao? Mới về, cha mẹ chưa kịp hỏi chuyện.
Hoàng cười cười:
- Con đi tí về, mẹ tha hồ nói.
Anh phóng xe nhanh ra cổng. Bà Bình ngó sững theo. Ông Bình đi ra hỏi:
- Nó đi đâu?
- Thì còn đi đâu ngoài nhà bà mẹ con đó! - Bà Bình nói bằng giọng chua hơn giấm.
Ông Bình nhíu mày:
- Chưa kịp nói chuyện, nó lại đi rồi. Thế nào cũng có chuyện rắc rối.
- Giờ tính sao ông?
- Sao cái gì? Con đó có chồng con, vậy cũng yên chuyện rồi.
- Rắc rối là nó ở đây, thằng con mình mò tới thì nguy.
Ông Bình phẩy tay bằng dáng tự tin của một ông dân biểu hạ viện:
- Ối, bà làm như con mình lơ mơ lắm! Có điều chút nó về, bà lựa lời phân tích cho nó hiểu, vì bất đắc dĩ, nên mình lừa dối nó mấy năm.
- Vậy ông vô gọi điện cho thằng Thái, biểu nó về dự tiệc mừng cho con luôn.
oOo
Hoàng đẩy xe vào sân, thấy không có ai, anh gọi lớn:
- Dì Thêm ơi!
Từ sau bếp bước ra thấy Hoàng, bà Thêm rụng rời rớt luôn rá gạo. Hoàng cười to, chạy lại ôm bà:
- Sao? Thấy con mừng quá hả? Bác gái đâu? Mấy em đâu?
Bà Thêm nói mà run:
- Chúng đi … học… Chị Thuận tối mới về …
Hoàng ngạc nhiên khi thấy bà Thêm lúng túng, ngập ngừng. Anh ôm vai bà kéo ngồi xuống ghế:
- Dì làm sao vậy? Đau à? Thấy con cứ như thấy ma!
- Như ma thiệt đó! Cậu về làm gì? - Bà Thêm đã bình tĩnh lại.
- Con học xong thì về chớ ở bên đó làm gì? Dì ơi! Ngàn Phương có khỏe không? Mập hay ốm? Viết thư cho con cô ấy không nói, con cũng không hình dung được cô ấy như thế nào! Mai con ra Huế nói Phương nghỉ phép ít hôm.
Lòng trào dâng niềm vui, Hoàng nói miên man, anh chẳng để ý vẻ sửng sốt của bà Thêm.
- Hôm đó con gởi thư về nói Ngàn Phương đi đón con. Em điện qua nói bận! Độ rày đánh nhau dữ, chắc em con vất vả nhiều.
Bà Thêm vã mồ hôi. Bà không hiểu gì hết. Vậy là sao? Hắn đâu có vẻ gì có vợ bên Tây!
Soạn ra bao nhiêu quà, Hòang sắp ra bàn:
- cái này gởi bác gái, cái này bác trai. Cái này của dì. Cái này của mấy em. Còn quà Ngàn Phương đặc biệt, con đem qua Huế cho nàng.
Bà Thêm ngập ngừng:
- Cậu chẳng có vợ rồi sao?
Hoàng cười nói:
- Có chớ, chuyến này con về cưới vợ. Đã 30 rồi còn gì. Chắc Ngàn Phương buồn con lắm, dù em không nói ra. Dì ơi! Mỗi khi về đây có khi nào Phương trách con đi lâu quá không?
- Nó … nó…
Bây giờ Hoàng mới để ý đến nét khác lạ của bà Thêm. Anh kéo ghế ngồi sát tới hỏi:
- Dì sao vậy? có chuyện gì phải không?
- Không, không… có … gì…
- Có mà, dì đừng gạt con. Dì như ngồi trên lửa vậy! Nói đi, chuyện gì? Nhà cực khổ lắm hả? Yên tâm, con về đây rồi sẽ thu xếp xong hết. Con không để gia đình và Ngàn Phương cực khổ đâu.
Bà Thêm nói nhanh:
- Giờ tôi bận quá, để chiều cậu ghé gặp chị Thuận.
- Dạ được! Dì không muốn nói, tối đến con cũng biết mà.
Anh chào bà Thêm rồi vui vẻ phóng xe về nhà, bụng nghĩ thầm “Chiều đến thăm Lạc, rủ ra Huế chơi với Ngàn Phương”. Bước vô phòng khách, Hoàng thấy đủ mặt. Mỹ Lệ ngồi giũa móng tay, thấy Hoàng đi vào liền hỏi:
- Anh đi thăm người đẹp về đó à?
- Người đẹp nào? - Hoàng ngồi xuống bên em gái hỏi.
Bà Bình lừ mắt, Mỹ Lệ nín thinh. Tằng hắng một tiếng, bà Bình nói:
- Hoàng à! Mẹ muốn nói với con chuyện này.
Anh vui vẻ châm thuốc hút, nói với mẹ:
- Mẹ nói đi, con cũng có chuyện muốn thưa.
Ông Bình ngó con:
- Chuyện gì con nói đi!
- Con về đây lo công việc ổn thỏa, xin ba mẹ cho con được lập gia đình.
- Cô nào đó con?
- Ngàn Phương! Đã có lần con thưa với ba mẹ rồi! Cô ấy chờ con bốn năm nay, mong ba mẹ cho chúng con xây dựng với nhau.
Ông Bình điềm tĩnh, kéo gạt tàn thuốc về phía mình, nói:
- Ba sợ không được!
- Ba! Hồi đi ba đã hứa với con rồi! - Hoàng dằn giọng nói nhanh.
- Ba hứa, ba giữ lời nhưng con làm sao cưới cô ta được?
Hoàng tự tin:
- Sao không được? Bốn năm chứ 10 năm, 20 năm nàng vẫn chờ con. Mai con ra Huế đưa nàng về ra mắt ba mẹ!
Mỹ Lệ vọt miệng:
- Nó có chồng con, anh còn đòi cưới, thiệt tức cười!
- Đừng nói bậy! Em biết gì mà xen vào? - Hoàng nạt em gái.
Bà Bình giờ mới chen vào:
- Con đừng nạt em. Nó nói đúng đó! Con kia lấy chồng gần bốn năm rồi.
Hoàng đứng bật dậy:
- Mẹ! Mẹ không đùa đó chớ?
- Mẹ không nói láo đâu! Con đó có chồng, có con lâu rồi.
Hoàng lảo đảo khi nghe cha xác nhận. Anh biết cha anh không bao giờ đùa cợt.
- Vô lý, cô ấy mới đánh điện cho con cách đây mấy hôm.
- Ba biểu thằng Thái nó điện chớ không phải con kia đâu.
Hoàng lờ mờ hiểu có cái gì khuất lấp. Anh run rẩy cả người:
- Cả nhà dấu con chuyện gì? Nói con nghe đi. Đừng úp mở nữa.
Bà Bình kéo tay con:
- Con bình tĩnh ngồi đây mẹ nói. Mỹ Lệ lấy cho anh mày ly nước. Uống đi! Con biết không, con bé đó lấy chồng hồi đầu năm 68, đám cưới cũng rình rang lắm. Chồng nó đẹp trai, nhưng là thương phế binh loại nặng. Ngày nó lấy chồng, mẹ sợ con biết tin buồn khổ, rồi không học được, mẹ mới nhờ thằng Thái, nhận thư con, trao cho Lệ, nó giả nét chữ con kia, trả lời thư đã mấy năm rồi. Mẹ làm vậy do lòng thương con. Còn con đó, nó có hai đứa con rồi. Hoàng! Đời nay người xinh đẹp thiếu gì, con đừng tơ tưởng nữa!
Mồ hôi lạnh ra như tắm, Hoàng ngồi chết lặng. Chung quanh anh bao âm hanh như gần như xa, anh đột nhiên hét to:
- Không! Tôi không tin!
Bà Bình lo sợ nắm tay con:
- Hoàng! Bình tĩnh lại! Mẹ không gạt con đâu.
Thành bỏ tờ báo xuống, anh ta nhún vai, cười khảy:
- Anh như thằng điên! Tội gì vì một con đĩ mà vậy chớ!
Cú đấm nhanh như chớp của Hoàng trúng ngay mặt Thành. Hắn té nhào xuống nền gạch hoa. Bà Bình với Mỹ Lệ hốt hoảng ôm Hoàng la lên:
- Trời ơi! Hoàng đừng làm vậy! Tại sao vì con đó mà đánh em mình.
Hoàng chỉ tay vào mặt Thành đang lồm cồm ngồi dậy với miệng rỉ máu, nói như thét:
- Tao cấm mày không được xúc phạm đến Ngàn Phương. Mày làm đại úy ở đâu không biết, về nhà là em tao!
Ông Bình làm thinh theo dõi sự việc mà chẳng nói câu nào. Ông lờ luôn tia mắt Thành nhìn ông. Hắn nổi khùng nói:
- Tại sao anh không tin chớ? Nó có chồng có con, nói anh không tin, cứ như thằng điên la hét.
Hoàng nghe rời rã tay chân. Anh loạng choạng ngồi xuống. Sự thật hay ác ý của gia đình? Không! Mình phải ra Huế hỏi nàng cho ra lẽ. Anh đứng lên, đi nhanh ra cửa.
Ông Bình gọi to:
- Con đi đâu?
- Ra Huế, con hỏi nàng sự thật có đúng như ba mẹ nói không?
- Con không cần ra Huế. Nó ở đây, nếu con muốn gặp, ba đưa đi.
Hoàng bóp chặt đôi tay vào nhau, cố trấn tĩnh:
- Con muốn gặp. Gặp con mới tin.
- Được, với một điều kiện - Ông Bình ngó con không nháy mắt.
- Ba nói đi.
- Dù gì con cũng có ăn học. Ngàn Phương chồng con đã yên phận, con không nên vì lẽ gì làm gãy đổ hạnh phúc người ta. Nếu con hứa với ba không làm ồn ào, ba đưa con đi.
Hoàng gật đầu, bờ môi run rẩy:
- Vâng! Nếu quả thật nàng đã có chồng con, con đành cam chịu!
- Vậy con vào nhà nghỉ đi. Tan sở khoảng năm giờ nó về nhà, con sẽ gặp. Nó có vẻ hạnh phúc lắm!
Hoàng như một cái xác vô hồn lảo đảo lên lầu. Ông Bình và vợ đồng thở phào, nhìn nhau.
Trên tầng cuối nơi Hoàng ở, anh nằm sải dài ra giường bất động, đầu cứ vang vang câu nói của cha “Nó có vẻ hạnh phúc lắm… Nó có vẻ hạnh phúc lắm… Nó … có… vẻ…hạnh… phúc… lắm.” Hoàng rên lên. Anh trở mình, úp mặt vào gối…
oOo
Ông Bình chở Hoàng về đến nhà. Anh bước xuống đi thẳng lên lầu, không chào hỏi ai. Cả nhà nhìn nhau, rồi cùng thở phào. Mỹ Lệ thì thầm bên tai mẹ:
- Yên chí rồi, mẹ! Mai anh Thái vô làm tiệc mừng luôn.
- Ừ, để coi sao đã, mẹ thấy lo lo.
Thành với ly rượu trên tay, ngồi bỏ chân lên bàn, hừ giọng mũi, nói với bà Bình:
- Mẹ lo gì? Vài ngày thôi. Sự thật rành rành, ảnh không tin sao được.
Ông Bình cởi áo vest choàng lên ghế. Ông ngồi xuống, bưng ly rượu Thành đưa, uống cạn rồi nói với vợ:
- Phải đó em! Thằng Hoàng đã sáng mắt ra rồi, em đừng lo gì.
- Chỉ sợ nó tìm đến hỏi rồi oán mình.
- Em đừng lo. Nó đã hứa thì không nuốt lời đâu.
Về phòng ngủ, Hoàng gục ngay xuống, đau khổ làm anh tê liệt cả đầu óc. Anh không còn biết gì. Chập chờn trước mắt anh, hình bóng người thương đứng bên chồng. Người ấy giống Ngàn quá! Họ hạnh phúc bên nhau, cùng sánh bước vào nhà. Họ rất hạnh phúc! Hoàng nức nở không gì kiềm chế nổi. Chỉ vì nàng đã gặp một Nguyễn Ngàn khác, để thay thế cho Nguyễn Ngàn nằm dưới mộ kia! Vì vậy cô mới không còn nhớ đến anh, vì vậy mà cô vong thề bội ước …
Đêm ấy đóng chặt cửa, trong phòng riêng Hoàng uống rượu say mềm. Anh nằm như chết đến tận trưa hôm sau. Khi hay tin Thái từ Huế mới vô, để nguyên bộ y phục nhàu nát, Hoàng ngập ngừng xuống lầu. Anh chào Thái cộc lốc:
- Mới vô?
- Nghe mày về tao vào thăm.
- Cảm ơn!
Ngồi vào bàn ăn trưa, Hoàng nói với mẹ:
- Không tiệc tùng gì hết!
- Kìa con! Có Thái nó vào, hơn nữa…
- Nó bạn con, đâu phải bạn ba mẹ? Mẹ bận lòng cái gì?
- Nhưng Mỹ Lệ, theo lời mẹ, mời nó vô đây.
Anh cắt ngang câu nói:
- Vô làm gì?
Mỹ Lệ nguýt anh:
- Tụi em định làm đám cưới! Vì chờ anh về nên phải hoãn lại.
Bây giờ anh mới nhìn thằng bạn, Thái nãy giờ lúng túng sượng trân vì thái độ lạnh lùng của Hoàng. Hoàng hỏi bạn bằng giọng trịch thượng:
- Vậy à? Thái! Mày cua em gái tao hồi nào tài vậy?
Ông Bình hứ nhẹ:
- Con làm anh đầu, ăn nói với em phải đàng hoàng. Hai đứa nó tìm hiểu với nhau là do cha mẹ cho phép.
Hoàng nói với vẻ mỉa mai không che giấu:
- Dĩ nhiên điều gì có ba mẹ làm chủ nhất định phải quan trọng rồi!
Thái vô cùng khó xử trước cảnh tình này. Mặc cảm có lỗi với bạn làm anh thêm ngại ngùng. Chỉ vì Mỹ Lệ, vì muốn được làm rể trong gia đình này, Thái đã mù quáng nghe theo lời Lệ với bà Bình.
Không khí trong bàn ăn đột nhiên nặng nề. Hoàng vụt đứng lên bỏ bữa ăn, lấy xe phóng đi ngay. Anh chẳng biết đi đâu, làm gì? Xuống nhà Lạc, nghe cô đi dạy tận Quãng Ngãi đã hai năm rồi. Anh trở ra, lại đi lang thang, vô tình đi ngang qua nhà bà Thuận. Cảm giác đau khổ rã rời trở về, Hoàng chaỵ xe xuống bờ sông, ngồi đến chiều. Gió mát không làm dịu lòng anh. Vào ngay một tửu gia cạnh bờ sông, Hoàng gọi rượu uống. Anh uống mãi, uống mãi. Rượu đã mềm môi, đốt cháy cơ thể anh, mà mạch sầu kia cũng chẳng cạn. Một bàn tay đặt lên vai anh, Hoàng quay đầu nhìn, một thanh niên quen thuộc nào đó mà anh không nhớ nổi. Người thanh niên không nói gì, lặng lẽ ngồi một bên.
- Anh là ai? - Hoàng lạnh lùng hỏi.
- Anh không nhớ tôi à? Dũng đây, người lính tặng quà cho Phương và đã gặp anh đêm Giáng sinh năm đó.
Thoáng một chút bàng hoàng, Hoàng tỉnh táo lại:
- Là anh? Nhưng tại sao anh ở đây?
Dũng thản nhiên rót rượu vào ly, rồi nâng lên:
- Mời anh!
Họ uống cạn, Dũng nói:
- Hãy để tôi hỏi anh, anh về từ bao giờ?
Hoàng như tỉnh như say:
- Hôm qua hay hôm kia gì đó.
- Anh về còn bà xã đâu lại ngồi đây uống rượu một mình?
Hoàng trố mắt nhìn Dũng rồi phá lên cười:
- Bà xã? Anh ở đây không giữ được nàng, tôi ở tận Paris làm sao có nàng được chứ?
Dũng nhíu mày không biết Hoàng tỉnh hay say:
- Chớ không phải anh cùng đi với vợ hứa hôn của anh qua Paris để du học à?
Hoàng dằn mạnh ly xuống bàn:
- Anh đừng cười ngạo tôi! Nàng không còn là của tôi! Nàng đã tìm ra cho mình một Nguyễn Ngàn khác rồi.
- Anh muốn nói đến Ngàn Phương? - Dũng hỏi.
Hoàng cáu kỉnh văng tục:
- Mẹ kiếp! Vậy nãy giờ tôi nói ai? Tôi chỉ nói đến nàng, anh nghe chưa? Nghe chưa?
Dũng mơ hồ có điềm gì xảy ra, anh hỏi:
- Hoàng! Anh biết Ngàn Phương đã có chồng à?
Hoàng cười cay đắng, ly rượu đang đầy lại vơi:
- Và đã có con, vì gã đàn ông giống Ngàn ấy mà nàng lỗi hẹn với tôi. Nàng phản bội tôi! Trong khi đó, ở xứ xa, chỉ vì nghĩ đến nàng, tôi đã cố công ăn học.
Dũng sửng sốt:
- Nàng phản bội anh? Hoàng! Anh có say không đó?
Đập mạnh tay xuống bàn, Hoàng nói như quát:
- Tôi không say. Tôi về đây, giữ trọn lời hứa với nàng. Còn nàng lại phản bội tôi, đi lấy chồng, có con cùng kẻ khác!
- Thôi đi! Mẹ anh hại nàng dở sống dở chết. Nếu không có hắn, cô ấy đâu còn sống để anh trách móc. Anh thiệt hồ đồ!
Hoàng nhíu mày:
- Anh nói cái gì?
Dũng thở ra, anh đã hiểu phần nào.
- Có nghĩa là anh không biết. Từ thuở đó tôi cũng nghĩ anh không phải hạng người như vậy, dù tôi chỉ gặp anh có một lần và chưa hề trò chuyện.
- Anh nói tôi không hiểu gì cả.
- Tôi hỏi anh tại sao qua Pháp suốt bốn năm, anh không gởi thư cho cô ấy?
- Tôi không viết thư? - Hoàng chỉ vào mũi mình - Anh biết gì. Tuần nào tôi cũng viết, chỉ có cô ấy là không thèm viết trả lời. Sau mấy tháng lại nói vì bận rộn.
Chợt nhớ ra, Hoàng hỏi:
- Khi nãy anh nói mẹ tôi hại nàng là sao?
- Anh không hề biết mẹ anh ra Huế hạ nhục nàng đến độ nàng điên loạn 4, 5 tháng trời sao?
Hoàng như bị sét đánh ngang tai. Ly rượu trên tay anh rớt xuống bể tan. Anh trừng mắt nhìn Dũng:
- Anh nói gì? Nói lại cho tôi nghe rõ đi!
Dũng sẽ lắc đầu. Anh lặp lại, rõ ràng từng chữ. Hoàng tái mét mặt, run rẩy nói:
- Dũng! Anh biết hết phải không? Anh kể tôi nghe! Trời ơi! Tôi điên mất!
Dũng châm thuốc đưa tận tay Hoàng:
- Anh hút đi! Bình tĩnh lại! Tôi kể anh nghe. Thật ra lúc ấy chưa có tôi, vì tôi nằm ở Quảng Trị mấy tháng trời. Khi khỏe đã gần tết, tôi về tổng y viện gặp cô ấy vẫn còn điên loạn. Tôi chăm sóc được gần 20 ngày thì đến tết. Phúc, chồng cô ấy hiện giờ, lúc đó bị thương được đưa về Duy Tân. Trong tình trạng đó, họ gặp nhau. Cô ấy tỉnh táo dần, rồi cô ấy gặp lại mẹ anh. Lại một lần nữa bị bà sỉ nhục, còn em trai của anh đánh cô ấy té nhào. Nhờ sự xúc động mạnh này, Ngàn Phương bình phục …
Rồi Dũng kể Hoàng nghe những gì Châu đã kể với anh, những ngày anh trực tiếp chăm sóc cô, những đau khổ anh phải chịu khi thấy Ngàn Phương bệnh hoạn, cả nỗi lo âu cho mẹ anh ngoài Huế vì anh kẹt không về…
Anh kể luôn chuyện hai bức thư nàng gởi anh trước và sau khi lấy chồng.
Khi Dũng dứt lời, anh vô cùng hoảng sợ trước nét mặt đầy chết chóc của Hoàng. Hai tay Hoàng bóp chặt cạnh bàn, mồ hôi ướt đầm trên trán và đôi mắt ngầu đỏ những tia máu. Dũng lay tay anh, gọi khẽ:
- Hoàng! Anh bình tĩnh lại! Cái gì cũng phải từ từ. Ngàn Phương đã yên bề, anh đừng làm gì để hạnh phúc nàng đổ vỡ.
Hoàng rít lên, hai hàm răng nghiến chặt:
- Không! Tôi có chết cũng không đền bù nổi. Nhưng nợ ai vay, tôi lại trả? Họ đã giết chết đời tôi và nàng, họ phải trả giá!
Hoàng đứng lên vất mấy tờ bạc xuống bàn rồi anh lao ra cửa. Dũng chạy theo. Họ rượt đuổi nhau về tận nhà. Đẩy cửa, dựng xe, Dũng thấy xe Hoàng nằm ngả nghiêng bên thềm. Phía trong, tiếng la khóc ầm ầm. Dũng như bay vào cửa. Anh thấy Hoàng nắm cổ áo gã thanh niên em mình đánh túi bụi vào mặt, máu miệng rỉ ra hai bên mép, áo quần xác xơ. Bên kia, anh nhận ra mẹ Hoàng và cô em gái đang quýnh quáng chạy quanh gào khóc. Dũng nhào tới ôm lấy Hoàng, anh quát:
- Hoàng, tỉnh lại đi! Anh giết người mất!
Gã thanh niên vùng thoát được, chạy mất. Hoàng thở hồng hộc, đưa tay chỉ vào mặt bà Bình, anh hét:
- Bà không phải là mẹ tôi! Không phải mẹ tôi! Bà là kẻ giết người! Các người là lũ sát nhân!
Anh ngửa mặt lên cười như điên dại. Dũng không giữ nổi đành để Hoàng thoát khỏi tay mình. Chỉ với đôi bàn tay, Hoàng phá tan tành mọi đồ vật trong nhà. Hai bàn tay anh đẫm máu vì đập nát mặt kính tủ trà. Dũng kéo bà Bình và Mỹ Lệ, hét:
- Đi gọi người đến giúp mau, anh ấy điên rồi!
Hai mẹ con thụt lùi ra cửa vừa chạy vừa khóc. Bên ngoài khu nhà cửa kính cao tầng, người ta tụ tập đông đảo nhưng không ai dám vào. Bấy giờ Dũng đành đứng khoanh tay nhìn Hoàng đập phá. Lát sau Thành về, rồi đến ông Bình, ba người phải vất vả mới giữ nổi Hoàng lại. Thành hầm hầm rút súng:
- Anh đứng lên, nếu không tôi bắn.
Hoàng cười phá lên, ưỡn ngực bước tới:
- Mày bắn đi! Bắn tao khen mày giỏi! Tao cần mày bắn sao cho trúng tim tao! Thành, thật ra mày đã bắn tao từ bốn năm trước rồi!
Nhìn Hoàng lúc ấy thật kinh khiếp. Đôi bàn tay đầy máu, anh vuốt lên mặt, lên tóc. Anh cười nghiêng ngả trên khung cảnh đổ vỡ. Dũng đi lại bên anh:
- Hoàng! Ra xe tôi chở anh đi bệnh viện.
Anh khoát tay:
- Không cần đâu! Có nghĩa lý gì so với vết thương lòng tôi để lại cho nàng! Có nghĩa lý gì so với 9 năm trước tay phanh xe tôi đâm toạc vai nàng! Tất cả đều không thể đền bù nổi.
Ông Bình, trở lại tư thế của người cha, dáng vẻ là một ông dân biểu. Ông nghiêm giọng hỏi Hoàng:
- Vậy là nghĩa lý gì? Hoàng, con nói cho ba rõ?
Thành phun mạnh nước bọt xuống sàn nhà, nói giọng hằn học:
- Đúng là đồ điên! Ba cứ bao che cho nhiều vào!
- Phải! Tao điên! Điên trước sự dã man, tàn tệ của những con người trong nhà này. Này! Nhưng con người tự xưng là trí thức, danh giá, đạo nghĩa, những con người đại diện cho lẽ phải, cho quyền lợi của dân, những con người ấy đã toa rập giết chết một người con gái yếu đuối, mong manh, giết chết cả đời đứa con trai của họ bằng cái tình thương đáng ghê sợ của các người!
- Anh im đi! - Thành hùng hổ quát.
Hoàng cười gằn, tiến về phía thằng em, bàn tay đẫm máu vung lên đánh chát vào mặt Thành, in rõ vết máu trên má. Hắn điên cuồng không kém, rút súng ra. Dũng nhanh như cắt nhào lại khóa chặt tay hắn. Ông Bình lấy súng cất. Mỹ Lệ và bà Bình vừa về tới. Hoàng chỉ tay vào mặt thằng em, gằn giọng:
- Mày, không kể là một sĩ quan, chỉ là một thằng đàn ông thôi, cũng không thể đánh một người con gái. Huống chi người con gái đó đã điên loạn vì các người! Mày có trái tim không? Mày có phải là người không? Một con vật, nó còn biết thương nòi giống nó, huống gì …
- Hoàng! Câm ngay! - Ông Bình gằn giọng quát.
- Con không im! Con phải nói lần cuối cùng, rồi ngày mai không còn gì nữa. Hết rồi, hết thật rồi!
Anh quay sang bà Bình, bà với Mỹ Lệ run sợ, nép và góc phòng. Anh bước tới, bà sợ hãi lùi dần.
Ông Bình gọi thất thanh:
- Hoàng!
Nhưng anh đã dừng lại trước mặt bà, cười, tiếng cười ghê rợn trong đời bà chỉ nghe một lần duy nhất:
- Mẹ! Mẹ chẳng việc gì phải sợ! Nếu cái việc tàn nhẫn đó mẹ dám làm, thì trên đời này không có gì mẹ phải sợ cả! Con gọi mẹ một lần này thôi! Khi bà nhẫn tâm giết chết tình đứa con, giết chết đời nàng trong điên loạn, bà có cần gì một thằng Hoàng trong nhà này? Cần gì một thằng Hoàng trong đời bà?
Anh đứng đó đưa mắt nhìn quanh, khung cảnh nát tan, nó cũng như trái tim anh tan nát. Anh nhìn lại những người thân của anh suốt bao năm chung sống như muốn thu gọn hình ảnh ấy lần cuối cùng trước khi vĩnh biệt. Anh từ từ đi về phía thang lầu. Dũng bước theo:
- Anh Hoàng!
- Anh chờ tôi một lát!
Nhưng Dũng cũng bám theo anh lên tận phòng.
Hoàng đưa tay bật đèn, căn phòng sáng rực soi tỏ cảnh hỗn độn. Trên giường hai vỏ chai rượu còn lăn lóc.
- Đêm qua, vì oán hận nàng, tôi đã tìm quên trong men rượu. Còn đêm nay, tôi không biết phải làm gì để tìm quên nữa.
Hoàng kéo hai chiếc valy ra khỏi tủ, dồn đồ đạc vào. Anh đụng vào khung hình dưới đáy valy. Cầm lên anh đưa cho Dũng:
- Đây là kỷ vật duy nhất của nàng còn lại bên tôi! Tấm hình này cô ấy tặng tôi 7 năm về trước, lúc cô ấy ra đi tự lập đời mình. Phía sau có mấy câu thơ.
Dũng lật mở ra, nét chữ đã phai mờ theo thời gian:
Em đi ảnh gởi tặng người
Bài thơ em viết thay lời biệt ly
Nguyện thay từ buổi phân kỳ
Kiếp sau trả nợ lỗi nghì cùng anh
Hoàng cũng đăm đăm nhìn vào dòng chữ. Hai hàng nước mắt ứa ra, lăn trên gương mặt bơ phờ.
- Ngàn Phương! Bây giờ mới là vĩnh biệt! Kiếp sau anh trả nợ chứ không phải em! Hết thật rồi! - Anh hôn lên tấm ảnh, rồi bỏ vào valy, đóng lại.
- Dũng! Mình ra khách sạn.
- Anh định làm gì?
- Rồi anh sẽ biết.
Hoàng ra chỗ bàn, nơi treo bức tranh ngày nào anh vẽ, Hoàng thận trọng cuộn tròn lại, bỏ vào valy, xách xuống lầu. Dũng xuống theo. Thấy Hoàng hai tay xách hành lý, bà Bình kêu lên:
- Hoàng! Con đi đâu?
- Đi đâu? Bà cần gì phải biết? Tôi không còn là đứa con của nhà này nữa…
Ông Bình giận dữ:
- Mày thật bất hiếu! Nuôi mày mấy mươi năm, giờ đủ lông cánh, vì một đứa con gái, mày bỏ mẹ bỏ cha…
Hoàng không trả lời, anh đi nhanh ra cửa. Bà Bình nhào theo khóc rống lên:
- Hoàng! Con…
Hoàng bình tĩnh quay lại:
- Thưa bà, thằng Hoàng con bà đã chết rồi!
Anh lên chiếc Honda của Dũng, họ đèo nhau vút đi, bỏ lại sau lưng tiếng khóc của bà Bình và căn nhà với quá nhiều kỷ niệm buồn đau…
oOo
Dừng xe trước khách sạn, Dũng nói:
- Anh ở đây với tôi rồi tính.
Dũng đi vào, đổi chìa khóa, lấy phòng đôi. Anh quản lý hết hồn khi thấy mặt và hai tay Hoàng đầy máu. Dũng trấn an:
- Anh bạn tôi bị tai nạn, không sao đâu! Mời ngay dùm tôi một bác sĩ!
Người quản lý gật đầu, nhấc điện thoại. Chỉ 10 phút sau bác sĩ đến. Ông rửa vết thương rồi băng bó cho Hoàng.
Gởi tiền và cám ơn, Dũng tiễn ông ra cửa. Khi trở vào, Hoàng đã thay đồ nằm dài ra giường. Dũng đưa ly nước và viên thuốc:
- Anh uống đi, mai chúng ta sẽ nói chuyện.
Hoàng gạt đi:
- Không sao, tôi vẫn tỉnh táo, không cần ngủ. Chúng ta chắc không còn dịp gặp nhau. Đêm nay mình tâm sự. Dũng kể tôi nghe những chuyện của cô ấy từ bốn năm nay đi.
- Anh mệt lắm! - Dũng e ngại.
Hoàng lắc đầu cương quyết. Đêm ấy hai người đàn ông ngồi nói chuyện tàn đêm. Dũng kể hết cho Hoàng nghe những gì liên quan tới Ngàn Phương. Hoàng nghe, không nói một lời. Khi câu chuyện cạn dần, gạt tàn đã đầy ắp tàn thuốc, bấy giờ Hoàng mới khẽ nói:
- Từ hồi đó đến nay anh không gặp lại cô ấy à?
- Tôi có gặp, nhưng không để Ngàn Phương nhìn thấy. Như mấy hôm nay, từ Huế vào, tôi muốn gặp Ngàn Phương nên ở lại Đà Nẵng. Tôi gần đi Pháp.
- Anh đi Pháp à?
- Tôi đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác của Nhạc viện và Hội âm nhạc Sài Gòn, họ tài trợ cho tôi đi học bốn năm ở Paris.
Hoàng yên lặng một lúc, rồi nói như than:
- Nghĩ cũng buồn, chúng ta cùng yêu một cô gái, rồi bây giờ lại cùng nhau ngồi lại chia sẻ những kỷ niệm về nàng. Anh sắp đi Paris, tôi cũng vậy, bỏ lại nàng với hạnh phúc mong manh như khói sương…
- Hoàng! anh định bỏ Việt Nam đi không trở lại sao?
Hoàng ôm đầu, mặt đớn đau:
- Dũng, trái tim tôi tan nát rồi. Tôi yêu cô ấy từ thuở 15, qua bao nhiêu cay đắng mới được có nàng. Rồi người ta phá nát tất cả. Tôi còn ở lại đây làm gì thêm đớn đau hơn! Tôi phải đi, để tìm quên, để khỏi phải trở thành một đứa con bất hiếu.
- Chúng ta không thể nào quên! - Dũng tư lự nói một mình.
- Có lẽ vậy! Chúng ta không quên, thật kỳ lạ chuyện tình yêu! - Hoàng cười, tiếng cười khô khốc - Dũng! Anh hiểu mà, Ngàn Phương với bất cứ ai, chẳng là cái gì. Với chúng ta lại là phần đời không thể thiếu. Nay không còn cô ấy, mình chẳng còn lại gì.
- Hoàng! Anh định bao giờ đi?
- Sau khi gặp Ngàn Phương.
Dũng sửng sốt:
- Không được! Anh sẽ đem lại cho nàng nỗi đau lòng.
- Tôi nhất quyết rồi! Tôi cần sự tha thứ và cảm thông trước lúc ra đi.
Dũng bâng khuâng:
- Tùy anh vậy!
oOo
Bà Thuận chờ Hoàng suốt mấy đêm nay nhưng gặp anh bà vẫn hồi hộp. Hoàng ngồi đối diện với bà, hai tay còn băng kín, anh chậm rãi nói từng lời:
- Thưa bác, cháu chẳng biết nói gì lúc này. Cháu mong bác hiểu cho, cháu không có lỗi! Có điều cha mẹ làm, con cái phải chịu. Bác có thể nguyền rủa, nhưng hãy nhắn dùm cháu một lời: Cháu muốn gặp cô ấy trước lúc đi xa.
Bà Thuận phân vân. Nhìn gương mặt Hoàng, nghe giọng Hoàng nói, bà biết anh đang bị giày vò đau khổ. Chuyện ngày xưa con bà gánh chịu, hoàn toàn không phải do anh, nhưng nay ván đã đóng thuyền, dù rằng hạnh phúc Ngàn Phương chỉ là chiếc bóng.
- Hoàng à! Lỡ hết rồi! Nó đã yên phận, cháu tìm gặp lại làm chi, chỉ đem buồn khổ cho nhau.
- Nếu bác không giúp, cháu sẽ tìm gặp cô ấy tại Duy Tân.
Người mẹ hiểu anh nói thật:
- Thôi được, bác sĩ nói, mai chiều gì cháu ghé. Hôm qua nghe nó nói, ngày mai nó ra Huế gặp bác sĩ gì đó.
Trưa ấy Ngàn Phương nói với Phúc:
- Mai em về Huế gặp bác sĩ Trình, sao lại mấy hồ sơ chuyển viện, luôn tiện ghé thăm chị Châu và cháu Trị.
Phúc vui vẻ tán đồng, Ngàn Phương nói thêm:
- Chút lên xin phép mẹ, anh coi chừng con nghe.
Cô mang theo bộ đồ mát, bỏ vào xách tay. Sáng ấy trời có nắng, Ngàn Phương chào mẹ chồng, dịu dàng nói với Phúc:
- Mai em về, anh đừng trông mà em nhảy mũi đó.
Phúc cười vui:
- Em đi, anh mang con về cho bà nhỏ.
Lâu lắm mới thấy Phúc đùa, Ngàn Phương cười, bà Hiền cũng cười theo. Ra cửa, Ngàn Phương còn dặn với:
- Gởi giùm thư em viết cho chú nó. Gởi tiền măng đa, cuối tháng rồi đó anh!
Cô đến Huế 10h sáng, làm việc đến trưa thì xong. Về nhà gặp Châu 15phút nói chuyện. Châu đã hiểu, chị thận trọng hỏi:
- Giờ nó muốn gặp em?
- Hoàng sắp đi không về nữa - Ánh mắt cô xa vời.
- Em định gặp nó ở đâu?
- Em hẹn rồi, tại dòng Thiên An.
Châu bùi ngùi:
- Ngàn Phương! Buồn cho em quá.
Cô gái kiêu hãnh nói, dù trong lòng xót xa:
- Không cần thương xót em! Em đã từng nói không hề hối hận.
- Chị hiểu, nhưng tội cho Hoàng.
- Chẳng ích gì đâu chị!
oOo
Họ gặp nhau nơi triền dốc nhà dòng. Chiều thứ hai không một bóng người. Họ đứng bất động nhìn nhau như muốn gom bốn năm thương nhớ vào ánh mắt.
Hoàng hết chịu đựng nổi, anh kêu lên, chạy lại:
- Ngàn Phương!
Cô không đưa tay ra, chỉ khẽ gọi:
- Hoàng!
Tiếng gọi cô độc lẻ loi, đọng lại bao dư âm của thời gian. Hoàng chới với, khoảnh khắc nhớ thương khiến anh quên thực tại. Anh đưa tay muốn ôm lấy nàng. Ngàn Phương lùi lại:
- Đừng, Hoàng! Chúng ta không có quyền! Giữa anh và em còn có chồng và con em…
- Ngàn Phương!
Nỗi đau hiện rõ trên khuôn mặt Hoàng.
Ngàn Phương nối lời:
- Chúng ta bây giờ là bạn! Em đến gặp mặt theo yêu cầu của anh. Anh muốn nói gì, cứ nói.
Nàng ngồi xuống tựa vào gốc thông già, gương mặt trở lại kín như bưng.
Hoàng tê tái cõi lòng khi thấy người yêu lạnh lùng:
- Ngàn Phương! Em hiểu rồi phải không?
- Vâng! Em hiểu, không phải lỗi ở anh!
- Nhưng anh vẫn nói cho nhẹ lòng.
- Anh nói đi! Em nghe đây.
Hoàng kể Ngàn Phương nghe chuyện ba tháng trời không nhận thư nàng, chuyện tên bạn hèn mạt lấy thư cô và thư anh đưa cho mẹ và em gái để lấy lòng mẹ vợ tương lai, chuyện Lệ giả chữ nàng viết thư gửi qua để anh yên lòng học, chuyện anh gặp Dũng ở Hào Hoa tửu gia. Dũng nói hết sự thật Ngàn Phương bị bệnh do gia đình anh gây ra. Hoàng kể với Ngàn Phương như xưng tội với cha nhà thờ. Cô nghe đắng cay với bao chua xót. Nhớ về dĩ vãng, lòng càng tái tê. Bên ngoài, vẻ mặt nàng vẫn thản nhiên.
- Anh gặp Dũng hả? Dũng khỏe không?
- Dũng khỏe, anh ấy sắp đi Pháp nên về Đà Nẵng thăm em, nhưng lại không cho em gặp mặt.
Ngàn Phương dõi mắt về phía đồi núi chập chùng:
- Suốt đời anh ấy vì em chịu sống kiếp tha hương. Em, người con gái như bao người con gái khác, có khi còn tầm thường bé nhỏ hơn, nhưng … Tại sao em lại làm khổ bao nhiêu người? Vì hạnh phúc em, một lần gặp mặt, anh ấy cũng tự không cho phép mình!
Cô quay lại nhìn Hoàng, ánh mắt buồn vời vợi:
- Em đã hiểu lòng anh và anh cũng không nên trách gia đình làm gì. Lấy chồng là tự em định đoạt, không ai xúi biểu hay bắt ép. Hồi ấy em thề với mẹ anh, dù đem thân làm đĩ khắp nơi cũng không bao giờ làm dâu bà để được anh. Em giữ đúng lời thề! Em lấy chồng ngay sau khi lành bệnh. Anh cũng biết, em không bao giờ hối hận điều gì đã làm, dù tốt hay xấu, thành công hay thất bại. Điều kỳ lạ nhất, khiến em điên loạn, một phần do mẹ anh, mà giúp em bình phục cũng một phần nhờ mẹ anh. Hai lần làm nhục em trong hai giai đoạn. Cho nên Hoàng à, coi như giữa chúng ta, cả với mẹ anh, bao ân oán, nợ nần vất bỏ, từ nay đường ai nấy bước, đừng lưu luyến chi. Anh hãy tìm người xứng đáng mà lập gia đình, rồi thời gian sẽ giúp anh quên em…
- Anh không thể nào quên! - Anh nói mà ánh mắt bờ môi run rẩy.
Ngàn Phương thở dài:
- Không ích gì đâu Hoàng ạ! Muộn rồi!
- Muộn rồi! - Anh thẫn thờ lập lại - Phải, đã muộn rồi! Không còn gì cho một tình yêu và lòng chung thủy! Nhưng em hãy cho anh biết, em có hạnh phúc không?
Ngàn Phương trả lời, mắt không nhìn anh:
- Có! Phúc rất giống Ngàn! Lại tốt, anh ấy yêu thương em và hai con, không lúc nào để em buồn, không một thói hư nào để em chê trách.
- Thật hoàn toàn phải không em? - Anh cay đắng hỏi.
- Vâng, rất hoàn toàn, dù …
- Sức khỏe kém không thể bảo bọc cho em?
Ngàn Phương cười nhạt:
- Em không cần ai bảo bọc. Tự em bảo vệ được cho mình. Phúc dù là chồng, cũng chỉ là Phúc, không thể là em.
Hoàng thán phục cách sống ngoan cường, mạnh mẽ của người yêu. Vì vậy, anh càng đau khổ gấp bội.
- Ngàn Phương! Anh xin lỗi! Bốn năm qua em như được rèn trui thành gang thép!
Cô kiêu hãnh ngẩng cao đầu:
- Anh quên em bây giờ là mẹ của hai đứa con sao?
Hoàng âm thầm trong tiếng nói:
- Anh không quên! Anh vẫn nhớ nên càng đau khổ!
- Chẳng ích gì! Anh cố quên đi! Tương lai anh vô cùng rạng rỡ. Rồi anh sẽ có những gì anh muốn. Em chỉ xin nói anh một câu.
- Em nói đi!
- Anh đừng quên mình sinh ra và lớn lên ở nơi nào!
- Em trách anh đó phải không? Em nên hiểu, nếu anh ở lại, anh sẽ trở thành một kẻ khốn nạn với mẹ cha và cả với chồng em.
Ngàn Phương kinh hoàng nhìn gương mặt tái ngắt của Hoàng. Cô hiểu anh nói thật.
Nước mắtt chực tràn, cô ráng nuốt vào trong lòng:
- Vậy anh cứ đi đi!
- Em định từ biệt anh đó phải không?
- Vâng! Cuộc chia tay nào lại không có kết thúc. Em còn nhiều việc phải làm. Mình không còn gì để nói với nhau, thì nên chia tay…!
Ngàn Phương dợm đứng lên. Không còn chịu đựng nổi, Hoàng đưa đôi bàn tay còn quấn băng trắng nắm lấy tay nàng, nói như hét:
- Em đừng đi! Hãy cho anh giây phút cuối cùng! Ngàn Phương! Ở phương trời xa anh cũng như Dũng mãi mãi cô đơn!
Cô gỡ tay anh ra khỏi tay mình, nghẹn ngào:
- Em biết anh chịu đựng được tất cả, và rồi anh sẽ quên. Đừng để em cảm thấy có lỗi với chồng, Hoàng ạ!
Nghe câu nói như van của Ngàn Phương, nhìn dòng nước mắt tự bao giờ lăn trên má người yêu xưa, Hoàng đau xót rã rời. Hai tay đấm liên tục vào gốc thông già, mảnh băng trắng từ từ luống đỏ. Ngàn Phương run khi thấy đôi tay anh nhuốm máu. Cô kêu lên, chạy lại:
- Trời ơi! Sao vậy? Tay anh …
Cô níu tay Hoàng, anh hất ra âm thầm lên tiếng:
- Nó chẳng nghĩa lý gì với bao nỗi đau khác.
- Hoàng! - Cô òa khóc nức nở, ôm chầm lấy anh, thân run run như chiếc lá sắp lìa cành. Rồi tự bao giờ, cô tựa đầu vào ngực anh. Bàn tay rỉ máu ve vuốt mái tóc cô, vuốt ve mãi.
- Hãy cho anh hôn em lần cuối, Ngàn Phương. Chỗ vết thương ngày nào, rồi mai này ở xa em nửa vòng trái đất anh vẫn nhớ mãi.
Cô khóc ngất! Bờ vai vẫn như ngày nào, anh thận trọng, dịu dàng đặt vào vết sẹo nụ hôn dài, dài như một kiếp người! Ngàn Phương thẳng người lên, mặt xanh tái trong nắng chiều:
- Đã đủ rồi, chúng ta không thẹn với lòng. Vết thẹo đó chồng em không đặt bờ môi tới. Nó vĩnh viễn là của anh.
- Nụ hôn này anh mang theo cho đến cuối đời. Ngàn Phương! Em về đi! Đến lúc xa nhau rồi, anh đứng đây tiễn em…
Bóng cô lần lần khuất dưới đường mòn, rồi nhỏ dần, mất hẳn. Hoàng gục đầu vào đôi tay đau buốt. Người đàn ông ba mươi tuổi khóc duy nhất cho một người, cũng là lần khóc sau cùng đưa tiễn mối tình xưa.
oOo
Trút vào ly giọt rượu sau cùng, hai người cụng ly, ngửa cổ uống cạn. Dũng hỏi bạn:
- Anh nghĩ kỹ chưa?
- Rồi - Hoàng đáp từng tiếng một.
- Bỏ tất cả, qua bên ấy, tương lai anh thế nào?
- Đừng sợ tôi chết đói. Tôi có công việc làm rất tốt. Vì Ngàn Phương tôi bỏ tất cả về đây. Quay trở lại, tôi tin hợp đồng đó vẫn còn chờ tôi…
Dũng nói như khuyên can bạn:
- Hoàng nè! Nghĩ cho cùng thì làm con không ai từ cha mẹ.
Hoàng khoát tay, nhăn mặt:
- Đừng bao giờ nói với tôi về chuyện này, nếu anh là bạn tôi.
- Thôi được, mình nói chuyện khác vậy. Cô ấy thế nào?
Hoàng dịu ánh mắt, giọng nhỏ:
- Vẫn như xưa! Tôi nói câu tạ lỗi rồi chia tay. Cô ấy khóc, mình biết mình không có quyền lau nước mắt cho cô ấy nữa rồi.
Dũng dúi tàn thuốc vào gạt tàn:
- Anh có những giọt nước mắt làm hành trang lên đường cũng quá hạnh phúc rồi.
Hoàng trĩu nặng nỗi buồn trong đôi mắt. Anh như sực nhớ điều gì:
- Dũng nè, cô ấy xanh xao quá! Gia đình dường như không dư dật gì?
Dũng khoát tay đứng dậy đi về phía cửa sổ, mắt nhìn ra bên ngoài:
- Đừng nghĩ đến chuyện đó! Vô ích, cô ấy sẽ nổi khùng.
Hoàng lặng thinh khá lâu, anh hỏi:
- Anh đi, gia đình ngoài ấy ra sao?
- Ổn rồi, kể từ ngày tôi giải ngũ. Thằng em tôi làm ra tiền, lại biết lo cho mẹ già, chỉ có tôi! - Dũng nhẹ thở dài - Tôi đi, mẹ tôi buồn lắm! Nhưng biết làm sao, sớm muộn gì tụi nó cũng không tha tôi.
Hoàng ngạc nhiên, anh đi lại bên bạn:
- Anh làm gì mà tụi nó để ý?
- Tôi sinh hoạt trong phong trào sinh viên.
Dũng kể ngắn gọn cho Hoàng nghe cuộc sống anh trong ba năm qua và chuyện vì sao anh đi Pháp. Hoàng không giấu nỗi thán phục của mình đối với người bạn mới biết mà sao rất đỗi thân thiết:
- Nghĩa là đi tu nghiệp? - Hoàng cười - Đúng hơn là đi trốn.
Dũng cười cười:
- Hoàng phải hiểu vào Nhạc viện Paris với tôi là điều không tưởng nổi. Tôi phải cố gắng học để khỏi phụ lòng bao người. Anh Mạnh, người cầm đầu sinh viên Sài Gòn nói với tôi rằng: “Học, học mãi. Dũng hãy đi đi! Em là tinh hoa của dân tộc, của đất nước. Anh và các bạn phải bảo vệ em, cũng là bảo vệ những gì quý giá… không thể để cho lũ ấy giết em. Hãy nhớ, hãy khắc ghi trong lòng, dù ở bất cứ nơi đâu: mình là người Việt Nam”.
Hoàng trầm ngâm, khá lâu anh nói:
- Chúng ta sẽ gặp nhau bên ấy. Giờ anh đi gặp cô ấy đi.
Dũng sửng sốt ngó Hoàng! Anh cười, nụ cười buồn rồi choàng vai Dũng đi về phía bàn. Cả hai ngồi xuống, Hoàng châm thuốc, anh nói:
- Cô ấy đêm nay trực ở bệnh viện, Thạch Thảo mới nói với tôi. Cô ấy rất buồn khi biết anh ở đây mà không cho cô ấy gặp.
- Anh nói với Ngàn Phương à?
Hoàng gật đầu, vỗ vào vai bạn:
- Hãy gặp cô ấy lần cuối để chia tay, đừng để cô ấy buồn vì anh.
Dũng lưỡng lự:
- Có nên không?
- Nên.
Hai người đàn ông nhìn vào mắt nhau, họ hiểu nhau như đôi bạn tri kỷ lâu ngày. Dũng quay phắt chạy nhanh xuống lầu. Hoàng nhìn theo, anh thở dài …
Mười phút từ khách sạn đến Duy Tân, Dũng gởi giấy tờ xin vào gặp Ngàn Phương. Rồi cô đứng trước anh, nét mặt trầm lặng, bình thản, chỉ đôi mắt mở to, cánh mũi phập phồng… Họ lặng nhìn nhau. Dường như với cô khoảng cách hơn ba năm xa vắng đối với hai người không hề có. Cô không chào, không hỏi, cô chầm chậm bước đi, Dũng đành bước theo. Đến một khu trại bệnh, cô dừng lại:
- Dũng ơi! Mình vào thăm bác sĩ Tâm nhé! Hôm nay ông ấy trực.
Dũng gật đầu, Phương gõ cửa phòng. Cánh cửa hé mở, bác sĩ Tâm đang ngồ trầm ngâm bên cuốn sách dày cộm.
- Cô phương! Có chuyện gì? Phúc trở bệnh à? - Ông bước ra theo câu hỏi.
Ngàn Phương lắc đầu vội vã trước ánh mắt ngạc nhiên của Dũng:
- Dạ không! Tôi đưa Dũng, bạn tôi đến chào bác sĩ để đi xa.
Bác sĩ Tâm tươi cuời. Ông có trí nhớ rất tốt:
- Cô làm tôi tưởng… Tôi nhớ anh bạn hồi xưa của cô… Mời ngồi.
Ông mời thuốc. Phương pha trà.
- Anh giải ngũ rồi giờ đi đâu?
- Tôi được nhạc viện thành phố tài trợ cho đi Pháp.
Bác sĩ Tâm siết tay Dũng ngỏ lời chúc mừng. Họ trò chuyện khá lâu về mọi điều trong cuộc sống, trao đổi ý kiến về hiện trạng đất nước. Họ rất tâm đầu ý hợp. Chia tay nhau, họ chúc nhau thành đạt, chúc nhau sống tốt, đúng đạo làm người.
- Anh sẽ trở về chớ?
- Nhất định trở về, thưa bác sĩ! Còn bác sĩ, vẫn mổ cho V.C. đó chớ?
Ông cười, đôi mắt nheo nheo:
- Vẫn mổ.
- Còn cho cả máu nữa - Ngàn Phương chêm vào.
Dũng lo ngại:
- Chúng có làm khó bác sĩ không?
Ông rất tự tin, gõ gõ ngón tay lên ve áo, giọng hóm hỉnh:
- Anh quên tôi là thiếu tá bác sĩ quân lực VNCH sao?
- Tay dao cự phách duy nhất của Tổng Y viện về thần kinh-sọ não - Ngàn Phương chen vào.
- Ngành y là thầy thuốc, không có biên giới chính trị. Trước chúng tôi chỉ có hai hạng người: không có bệnh và có bệnh.
Dũng cười. Anh thán phục tài năng, đức độ và lòng can trường của người bác sĩ. Còn bác sĩ Tâm mừng cho anh đã tìm được hướng đi tốt đẹp cho đời mình.
- Tạm biệt!
- Chào bác sĩ!
Đi qua lối nhỏ trải sỏi, Ngàn Phương chỉ vào chiếc ghế đá:
- Chiếc ghế này Phương và Dũng ngồi hồi đó. Dũng hay đàn cho Phương nghe phải không? Căn phòng này Dũng ở cả tháng để chăm sóc cho Phương. Nơi Phương đang làm việc hiện giờ là trại tội phạm, ngày xưa là Ngoại bốn chỗ Phúc nằm.
- Kỷ niệm dù vui buồn, Dũng chẳng khi mô quên - Nói chuyện với Ngàn Phương, Dũng trở lại tiếng Huế như thuở nào.
- Vậy Dũng nhớ trở về nhé! - Cô dừng lại bên gốc dừa.
- Răng Phương lạ rứa? Dũng sẽ về mà.
- Chúng ta vẫn mãi mãi là bạn của nhau.
- Phải, chúnng ta mãi mãi là bạn - Anh giấu kín nỗi buồn.
- Hãy tha thứ cho Ngàn Phương những gì Phương làm Dũng đau lòng.
- Ngàn Phương có lỗi chi mô. Từ ngày xưa, Phương đã nói rồi. Dũng đến để chào tạm biệt để mai Dũng với Hoàng đi xa.
- Vậy mình tạm biệt Dũng nhé!
Anh khẽ lắc đầu:
- Cho Dũng hỏi một câu và hãy trả lời thành thật.
- Phương lúc nào cũng thật với Dũng.
- Ngoại trừ là một phế binh như Dũng, Phúc còn bệnh chi nữa không?
Thấy Ngàn Phương ngập ngừng, anh nói tiếp:
- Đừng giấu. Bác sĩ Tâm chẳng phải khi không giật mình lúc Phương tới.
Cô cúi đầu, rồi ngẩng lên:
- Phúc bị bướu ở buồng gan, chưa biết khi nào bệnh tái phát. Các bác sĩ chuyên khoa dự định mổ khi sức khỏe Phúc tốt.
- Phúc biết mình có bệnh không? - Anh nghe đắng cả miệng.
- Không! Hồi đó Phúc bị thương, khi chụp phim để mổ thì bác sĩ mới phát hiện.
- Và Phương biết ngay từ khi ấy?
Dũng dằn giọng hỏi, dù anh biết trước câu trả lời. Cô nhìn đi nơi khác:
- Chẳng có gì quan trọng đâu Dũng, cứ yên lòng ra đi.
- Vì răng tự chuốc khổ cho mình, Ngàn Phương?
Cô không trả lời, cô đưa tay như muốn giã biệt. Anh biết chẳng còn chi để nói, đôi mắt buồn, sâu hun hút nhìn Ngàn Phương như muốn khắc sâu hình ảnh thân thương của cô vào tận đáy tim mình. Dũng đi.
Sáng hôm sau, có hai thanh niên lên máy bay rời Đà Nẵng. Họ không biết, có cô gái còn rất trẻ với chiếc áo dài đen buồn muôn thuở đến sân bay âm thầm tiễn họ ra đi. Nàng đưa tay vẫy mãi, cho đến khi cánh chim sắt khuất ở cuối trời. Hai hàng nước mắt nàng rơi nhưng bây giờ chẳng có ai lau.
Tình Cho Không Tình Cho Không - Mỹ Hạnh