I have learned not to worry about love;

But to honor its coming with all my heart.

Alice Walker

 
 
 
 
 
Tác giả: Mỹ Hạnh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5004 / 11
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16 -
ám cưới Ngàn Phương tiến hành gấp rút nhưng vẫn đầy đủ lễ nghi cổ truyền. Bề ngoài ai cũng tấm tắc khen cô dâu chú rể xứng đôi. Rước dâu về Đại Lộc, thiên hạ chen nhau coi mặt dâu bà Hiền chật nhà. Tối đến, trong căn phòng nhỏ, Ngàn Phương đứng bên cửa sổ nhìn ánh trăng đêm soi thấy vạn vật mà lòng ngổn ngang trăm mối. Phúc đi vào, anh đến bên cô, đặt tay lên vai vợ. Ngàn Phương quay lại cười với chồng:
- Anh còn yếu quá! Chuyện vợ chồng là chuyện lâu dài. Ráng tịnh dưỡng đã, được không anh?
- Được!
Ngàn Phương hôn nhẹ má chồng thay lời cảm ơn. Cô đi ngủ ngay.
Ở nhà ba hôm, hai vợ chồng sửa soạn đi. Tối đó thưa chuyện với mẹ xong, cả hai nói với Lộc:
- Anh chị đi, ở nhà, hàng tuần em nhớ về thăm mẹ nghe. Em phải chăm lo học hành.
Lộc nhất nhất vâng lời. Hôm sau hai vợ chồng về Đà Nẵng, cả nhà mừng vui.
Ngàn Phương thấy mẹ hơi khác lạ, đợi Phúc nghỉ trưa, cô vào phòng mẹ, thấy bà khóc đỏ mắt, bà Thêm ngồi bên nói nhỏ cái gì, Ngàn Phương kêu lên:
- Mẹ! Mẹ dấu con chuyện gì?
Bà Thuận nức nở:
- Không phải mẹ dấu! Vừa mới có tin, mẹ nói sợ con buồn rầu đau lại. Cậu con chết rồi! Bọn chúng giết cậu ngay chân cầu Thủy Tú, mổ bụng, moi tim, cắt mũi, khoét mắt, phơi xác trên cầu ngay hôm Tết…
Ngàn Phương choáng váng mặt mày, cô đau khổ đến không khóc nổi:
- Mẹ! Ai báo tin cho mẹ, dì con à?
- Một đồng chí của dì con. Xác cậu con phơi ba ngày trên cầu. Sau được dân làng Thủy Tú đem chôn, nay báo tin về để biết. Tiểu đội 6 người, hy sinh cả.
Bà Thuận lại khóc thương em đoài đoạn ruột gan. Ngàn Phương trấn tĩnh, cô hỏi mẹ:
- Giờ mẹ tính sao?
- Mẹ phải về đó xây mộ cho cậu ấy. Ông bà ngoại mất sớm, mẹ là con lớn.
Ngàn Phương đồng ý với mẹ. Đêm ấy, nằm bên Phúc đang say ngủ, Ngàn Phương khóc âm thầm, cay đắng. Bao năm không gặp người cậu thân yêu nhưng cô vẫn nhớ như in bóng dáng cậu cao lớn, đẹp, lại rất hiền hậu. Tính cậu trầm lặng ít nói, nhưng rất thương yêu Phương. Thuở ấy cô còn rất nhỏ, hay được ngồi trong lòng cậu. Cậu Tư thường vuốt tóc cháu nói với chị mình:
- Ngàn Phương tội. Chị đầu, đông em, em thương nó nhất!
Giờ cậu không còn! Bọn tàn ác giết cậu đi rồi còn nhục hình thân xác! Trời ơi! Có thể nào như vậy được sao?
Cả đêm Ngàn Phương không ngủ. Cô dành trọn đêm dài ôn lại thời thơ ấu để tưởng nhớ đến người cậu thân yêu từ nay và mãi mãi không về!
Ngàn Phương ở lại Đà Nẵng ba ngày nữa, cùng mẹ đi xây mộ cho cậu. Dân làng nơi ấy tốt quá, nghe tả dáng người, họ chỉ ngay mộ cậu. Một ông già nói:
- Họ chiến đấu dũng cảm lắm! Em của cô là đội trưởng. Trận này họ tiêu diệt nhiều nên khi cậu hy sinh, chúng hành hạ thi thể để trả thù, thấy thảm quá! Chúng tôi ở đây thấy vậy nên chôn cất tử tế lắm, đầy đủ hết, chừ cô chỉ cần xây mộ dựng bia là được.
Bà Thuận thay mặt gia đình cảm ơn dân làng. Bà cho ngừơi xây mộ.
Trước khi Ngàn Phương về Huế, cô nói mẹ làm mâm cơm cúng cậu. Trước di ảnh của cậu, Ngàn Phương khấn vái:
- Cậu sống, chết vì dân vì nước ắt có anh linh, có hồn thiêng. Cậu phù hộ cho các cậu, dì còn sống đến ngày bình yên. Con hứa trước cậu, dù còn một tấc hơi cũng đem hết sức mình giúp đỡ dì Ba.
Hôm sau, hai vợ chồng Ngàn Phương về Huế.
oOo
Trình giấy hôn thú cho bà trưởng trại, Ngàn Phương xin phép ở ít hôm, chờ thuê được nhà, bà ta đồng ý. Ngàn Phương nói với chồng:
- Anh nằm nghỉ, em vào bệnh viện.
Đường xa, sức khỏe yếu, Phúc mệt nhoài, anh đồng ý.
Đến cổng bệnh viện, nhiều người thấy Ngàn Phương họ nháo nhác cả lên, làm cô chào hỏi và cảm ơn không kịp. Gần hai tiếng đồng hồ cô mới lên được văn phòng bác sĩ chỉ huy trưởng trình diện. Sau vài lời an ủi, động viên, ông nói với cô:
- Sức khỏe và tinh thần cô chưa được ổn, không thể làm bên trại 7. Tôi cho cô về làm bên khu sĩ quan.
- Thưa bác sĩ trung tá, tôi làm việc với bác sĩ Trình đã quen.
- Tôi biết cô rất ăn ý với ông thầy. Từ hôm xảy ra chiến sự, tôi đã chuyển bác sĩ Trình về khu sĩ quan.
Chào ông, Ngàn Phương về trại mới. Cô thật sự vui mừng khi thấy bác sĩ Trọng đứng nói chuyện với bác sĩ Trình ngay ở văn phòng. Thấy cô, cả hai không tỏ vẻ ngạc nhiên mà mỉm cười.
Bác sĩ Trọng nói:
- Chúng tôi mới nhắc thì cô về. Nghe cô lấy chồng tôi giận lắm đó. Ông Tâm trong đó than phiền về cô.
Bị phủ đầu, Ngàn Phương chẳng biết nói sao, cô ấp úng rồi nói:
- Ngàn Phương cảm ơn các bác sĩ vì tôi lo lắng. Ơn này thật khó đền trả được!
- Đừng nói chuyện nghĩa ân, cô lành là tốt rồi, phiền cái là …
Ông Trọng nín ngang câu nói, Ngàn Phương hiểu bác sĩ Tâm đã nói rõ chuyện của cô. Chợt bác sĩ Trình lên tiếng:
- Cô về làm đây à?
- Dạ!
- Rất tốt, qua trình diện ông Toản đi, ngày mai hãy đi làm.
Ông cùng bác sĩ Trọng đi ra, Ngàn Phương nhìn theo …
Xiết chặt tay Châu, Ngàn Phương bước nhanh trên lối đi trải đá của ngôi giáo đường. Châu sốt ruột hỏi:
- Răng không về nhà, ra đây mần chi?
- Em muốn nói chuyện với chị trước khi về nhà.
- Chuyện chi nói đi, mi thiệt lộn xộn.
Nghe Ngàn Phương kể hết chuyện, Châu bàng hoàng đến độ ngồi trơ như tảng đá. Khá lâu chị lay mạnh tay cô:
- Mi đã tỉnh hay còn điên hả Phương? Tại răng mi làm rứa?
- Em lấy chồng, chị nói em điên, thật tức cười.
- Không ai lấy chồng kiểu mi! Mi qua mặt ai, không qua mặt được tao! Mi trốn chạy cái chi? Thằng Hoàng bặt tin tức, mi giận mẹ hắn đoản hậu, tao cho là được. Còn thằng Dũng, hắn có lỗi chi với mi? Hắn không tốt hơn cái thằng nớ răng mi đành đoạn rứa?
Đợi Châu nói hả hơi, Ngàn Phương từ tốn:
- Em đã nói với chị hôm ở Duy Tân lý do không thể ưng Dũng rồi.
- Nhưng thằng Phúc có chi hơn hắn?
- Cái gì Phúc cũng thua, nhưng Phúc không đòi những gì em không muốn cho ai.
- Nghĩa là răng? Tao không hiểu chi hết!
- Chị Châu! Chị ráng hiểu! Lát nữa đây mình về gặp Phúc, chúng ta còn một khoảng thời gian chung sống bên nhau. Em muốn chị có sự cảm thông chan hòa để Phúc được vui. Em nói cho chị rõ, em yêu Phúc là vì Phúc là Ngàn của em! Em hứa là người vợ tốt của anh ấy, nhưng không muốn cái riêng của em bị anh ấy biết đến! Hơn nữa, anh ấy chỉ cần một người vợ đầy đủ bổn phận với anh ấy. Mẹ và em trai anh ấy đơn giản bình dị, chắc không nhìn thấy những gì trong tim em. Nhưng dù sao, em cũng không muốn anh ấy có chút nghi ngờ và đau khổ nào. Chị hiểu chưa?
Châu ôm đầu than thở:
- Trời ơi! tao không hiểu nổi. Thằng Dũng yêu mi như rứa, mi còn điên hơn những lúc đang điên! Rứa mà hắn với cái chân gãy, một vết thương lủng phổi, bị mìn hất văng giữa rừng, lúc tỉnh lại giữa trời đêm một mình lê lết. Nghĩ đến mi, đã có can đảm sống, bó xương gãy, nhịn đói, nhịn khát, bò ra được quốc lộ, gặp xe hội thập tự tiểu khu Quảng Trị đem về cứu. Hắn có kể với mi không?
Ngàn Phương lắc đầu, cố nuốt nước mắt vào lòng, cô không nói được câu nào. Châu nói tiếp:
- Hắn kể với tao. Lúc nớ, hắn nhớ mạ, hắn khóc! Nhưng khi nghĩ đến mi, hắn như có thêm sức mạnh ý chí, hắn mới sống được trở về. Ngàn Phương! Mi thiệt tàn nhẫn!
- Em xin chị, chị hãy cảm thông. Còn Dũng, Dũng sẽ hiểu em!
- Tao không cảm thông nổi! Mi giết người không gươm đao!
Không nhịn được, nước mắt Ngàn Phương tuôn ra:
- Chị Châu! Em khổ lắm! Chị thương em với! Phúc đang ở nhà, chị ráng vui vẻ, em đi thuê nhà ngay.
Thấy cô bạn nhỏ đầm đìa nước mắt, Châu thở dài, biết làm sao hơn. Ván đã đóng thuyền rồi! Con bé lúc nào cũng cư xử khác người. Đến lúc lấy chồng, thiên hạ còn nhức óc theo nó!
Châu tặc lưỡi, chị đặt tay lên vai cô gái:
- Thôi đi, suy nghĩ cho cùng, mi lấy chồng cho mi, chẳng phải cho tao, hờn giận vô ích! Chừ về để tao gặp hắn. Còn Dũng mi tính răng?
- Em có viết thư gửi Dũng rồi. Chị an tâm - Cô gái gạt nước mắt nói.
oOo
Ngàn Phương được bệnh viện cấp cho một phòng ở ngay khu tiếp liệu nhờ sự hết lòng giúp đỡ của bác sĩ Trọng. Đây là trường hợp hạn hữu của bệnh viện. Hôm dọn đồ đạc đến, cả bệnh viện mới bật ngửa. Cô y tá xinh xắn ngày nào vừa hết bệnh đã lấy chồng không kèn trống. Bạn bè chẳng thiếu lời trách móc. Cô cứ xin lỗi mãi. Phúc thấy bạn của vợ ân cần thu vén nhà cửa dùm, anh rất cảm động. Ngày đầu trong căn phòng khá ngăn nắp, anh ngợi khen Ngàn Phương có bạn hiền. Rồi nói thêm:
- Nhưng anh mến Lạc nhất em ạ! Hôm đám cưới mình, cô ấy lo tất bật đủ mọi chuyện. Hồi rước dâu ra, thấy cô ấy khóc, anh đã cảm động. Em có một tình bạn cao cả như vậy là vì em sống tốt phải không?
Nghĩ đến Lạc, Ngàn Phương bùi ngùi. Đó là người bạn gái thời thơ ấu cho đến giờ vẫn một lòng thương mến cô. Chỉ có Lạc mới hiểu Ngàn Phương. Cô thẫn thờ trả lời chồng:
- Lạc là bạn chí thân thời thơ ấu. Nó thương em lắm.
Chuyện trò một lát, Phúc nói với vợ:
- Anh cần kiếm chuyện làm, chớ ở nhà buồn lắm!
- Anh cứ tĩnh dưỡng, đợi giải ngũ rồi tính.
Đêm ấy trong căn phòng nhỏ, hai người chính thức thành vợ chồng.
Cũng đêm ấy, Dũng chong đèn đọc thư Ngàn Phương gởi, chẳng biết bao nhiêu lần:
Dũng thân mến!
Hôm nay Ngàn Phương viết thư gửi Dũng báo tin Phương lập gia đình. Phương cùng anh ấy về Huế, đợi đủ bốn năm sẽ chuyển về Đà Nẵng. Phương biết lấy chồng không mời Dũng, Dũng buồn, nhưng trong hoàn cảnh này Phương đơn giản hết mọi việc. Cốt yếu từ nay, Phương yên thân sống đời làm vợ, không còn buồn giận cũng chẳng ước mơ, chỉ sống như bao người đã sống.
Dũng ơi! Lá thư này Phương viết thay lời tạ tội cùng bạn tri âm, mong Dũng đọc kỹ để rõ tấm lòng Phương.Ta quen nhau khá lâu rồi Dũng nhỉ, và đã từng ngoéo tay thề dù thời gian có thay đổi, thì tình bạn vẫn mãi vững bền. Ngàn Phương vốn dĩ bạc phận. Thuở ấy chưa kịp rời tuổi dại, Ngàn Phương đã yêu người chẳng yêu mình, để con tim mang nhiều sầu hận những tưởng không còn biết rung động. Ngàn Phương đi vào cuộc đời với bao chông gai, nhưng tấm lòng chờ đợi của Hoàng, qua bao nhiêu năm không dời đổi khiến Ngàn Phương xao xuyến… Hoàng lại là người được anh Ngàn gởi gấm chăm sóc Phương, nên sự gần gũi trở thành tơ vương. Phương ngỡ rằng từ nay thuyền đã có bến, Phương sống được đời bình dị với tình yêu và sự đùm bọc của Hoàng, nào ngờ … Dũng ơi! Đất bằng dậy sóng, một lần nữa Ngàn Phương mang thêm vết thương lòng, kèm bao lời sỉ nhục. Trong khi ấy, Ngàn Phương đã đau khổ tột cùng, vì bao người thân yêu của Phương gặp bất hạnh. Ba bỏ đi! Dũng mất tích! Vì vậy Phương mang bệnh tinh thần. Cũng nhờ Dũng tận tình chăm sóc bao ngày, nên rồi sóng gió cũng qua đi. Công ơn Dũng, Ngàn Phương đâu trả nổi.
Dũng ơi! Thư viết đến đây, Ngàn Phương quá đỗi đau lòng! Vì tình ái bao la vô bờ mà Ngàn Phương không thể đáp đền. Nhưng biết làm sao hơn khi ai kia thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành. Phương đành chịu mang tiếng tàn nhẫn phũ phàng còn hơn đem lại cho Dũng tình yêu không trọn vẹn! Dũng hiện thân cho những gì cao đẹp, Phương lại quá bé nhỏ tầm thường đâu xứng với ai kia. Cho nên Dũng ơi, con thuyền mục nát này tự tìm bến đỗ, để sống hết quảng đời còn lại, vì trách nhiệm chứ không vì bao mơ ước xa vời. Chỉ mong Dũng hiểu được nỗi lòng mà không hờn trách. Mai này gặp nhau, tình cảm xưa dù đã mất, mong Dũng đừng ngoảnh mặt quay lưng. Chỉ vì … Dũng ơi! Hình ảnh người bạn tri âm bên cung đàn trên con tàu lướt sóng ngày ấy, Dũng hát cho ai nghe giữa ngàn trùng gương sóng vỗ dưới ánh trăng đêm, mãi mãi với Ngàn Phương đâu thể phai mờ!
Ngàn phương không thể viết gì thêm, nguyện cầu ơn trên giúp Dũng tròn ước nguyện ngày nào Dũng từng mơ ước.
Dũng không một tiếng thở than, không một lời rên xiết, anh với tay ôm chiếc đàn, trái tim nhức nhối bật thành tiếng hát. Anh hát lại bài hát hôm nào đã viết riêng cho Phương.
Tiếng đàn vừa dứt, anh vung tay đập mạnh vào vách, đàn vỡ tan. Anh gục đầu bất động bên chiếc bàn con. Bên trong có người mẹ nhìn con gạt lệ. Ai? Ai đã đem đau khổ đến cho con bà? Ai đã giết chết trái tim nó đêm nay chỉ bằng một trang thư nhỏ? Bà nguyền rủa nó đời đời!
oOo
Cuối năm 1968, Ngàn Phương sinh con đầu lòng là gái, đặt tên là Ngàn Sương.
Giữa năm 1970, cô sinh một trai, nhưng sinh khó suýt phải mổ, đặt tên Nghĩa.
Bác sĩ chuyên khoa sau khi giúp mẹ tròn con vuông khuyên Ngàn Phương đừng sinh nữa, sẽ ảnh hưởng không tốt.
Cũng năm ấy Ngàn Phương được thuyên chuyển về Đà Nẵng. Trên chuyến xe của bệnh viện cấp chở đồ đạc, hai vợ chồng bồng hai đứa con cùng rơi nước mắt trước hàng mấy chục cánh tay vẫy chào đưa tiễn. Cánh con gái ôm chầm bé Sương hun hít không nỡ rời. Thằng Trị giờ đã lớn, cứ tần ngần không nỡ rời cu Nghĩa mới ba tháng tuổi. Chị Châu hẹn về Đà Nẵng thường xuyên. Bác sĩ Trình vắng mặt. Ông có nói trước với hai vợ chồng, ông không thích những chuyện từ giã, chia ly!
Về Đà nẵng, hai vợ chồng khẩn khoản nói với bà Hiền, chiến sự lan tràn dữ dội, Lộc học Y ở Sài Gòn, quê nhà không có ai, đường đi về khó khăn. Vợ chồng cô xin bà thương cháu nội, về Đà Nẵng sinh sống. Sau bao suy nghĩ, bà Hiền thương dâu con, bằng lòng rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Bán nhà ở quê, bà sang luôn hàng, về Đà Nẵng mua một căn nhà nhỏ tại Thanh Bình ở với vợ chồng Ngàn Phương. Còn bao nhiêu vốn liếng, bà sang cho Phúc một quầy sách nhỏ, cho thuê truyện và bán dụng cụ học đường. Bà ở nhà coi cháu, hai vợ chồng ngày hai buổi đi làm. Công việc Phúc nhẹ nhàng, anh lại siêng năng, hiền hòa nên quầy anh luôn luôn đông khách. Ngàn Phương đi làm về, làm thêm ngoài nên cũng khá dư tiền.
Cuộc sống như vậy bình lặng trôi đi. Hạnh phúc không sôi nổi, nhưng êm đềm. Ngàn Phương ăn ở trọn đạo với nhà chồng, hết lòng chiều chuộng thương yêu Phúc. Vợ chồng đều đặn hàng tháng gởi tiền giúp Lộc ăn học thay mẹ. Ba năm qua, Thạch Thảo thi rớt đại học, cô thi vào trường tá viên điều dưỡng. Ra trường làm có tiền, lại cùng Ngàn Phương dìu dắt đàn em. Mấy đứa cũng lớn nhiều, Thạch Tú đã thi tốt nghiệp. Từ ngày ông Thuận bỏ đi, bà Thuận buôn bán tảo tần, nhưng không còn người chồng phá của, bà cũng đủ ăn đủ mặc, sống sung túc, êm đềm hơn xưa.
Ngày thôi nôi cu Nghĩa, Ngàn Phương gởi thư ra Huế mời bác sĩ Trình và chị Châu. Ông không vào nhưng có gởi quà tặng nhờ Châu đem đến. Thằng Trị được mười tuổi, cao gầy, đen thui vì dang nắng, cũng theo mẹ vào thăm. Chị em gặp nhau mừng rỡ. Lúc chuyện trò, Châu nói:
- Có tin thằng Dũng, mi biết chưa?
Ngàn Phương buồn bã lắc đầu:
- Hồi đó Dũng bỏ đi. Nghe chị báo Dũng ở Sài Gòn, em hay vậy thôi, chứ không tin tức gì.
- Chừ hắn nổi tiếng lắm! Giới trẻ và tầng lớp học sinh sinh viên đều biết nhạc sĩ Nguyễn Dũng. Hắn hoạt động trong giới chuyên sáng tác những bài nhạc phản chiến và ca ngợi tình yêu quê hương. Dũng vừa được giải thưởng sáng tác của Hội âm nhạc và Nhạc viện Sài Gòn tổ chức. Hắn sắp ra nước ngoài.
- Để làm gì?
- Học thêm về âm nhạc ở Pháp, do tiền bảo trợ của Hội và Nhạc viện Sài Gòn.
- Sao chị biết rõ vậy?
Châu nhìn Ngàn Phương chăm chú:
- Hắn mới về thăm nhà hôm rồi, có ghé chị.
Ngàn Phương mừng rỡ, hỏi Châu hối hả:
- Thiệt không chị? Dũng ra sao? Khỏe không? Có hỏi gì em không?
- Nó cũng rứa, có điều già dặn hơn, lặng lẽ hơn. Hắn ở xa mà chuyện chi của mi hắn cũng biết! Hắn nói sắp thôi nôi thằng Nghĩa, dễ sợ chưa?
Ngàn Phương bàng hoàng:
- Trời ơi! Thiệt hả chị? Làm sao Dũng theo em từng bước khi ở nơi xa xôi? Thì ra bao năm, Dũng chẳng thể quên em!
- Hắn nói với chị, trong tình yêu vô vọng, hắn vẫn cố gắng thực hiện hoài bão đời mình. Nay tâm nguyện đạt thành một phần nhờ lời khuyên của em. Hắn hứa không phụ lòng người bạn ngày xưa và biết ở đây em cũng đang gắng sức để không phí hoài tuổi trẻ. Chị có hỏi rứa nghĩa là răng? Hắn nói chuyển lời là em hiểu!
Ngàn Phương lệ dâng mờ mắt:
- Dũng thật quá cao thượng! Đến những gì sâu kín của em, Dũng hiểu, vẫn dấu trong lòng. Em vô cùng hối tiếc vì không hàn gắn được tình bạn ngày xưa…
- Chị có trách, hỏi hắn răng tệ rứa? Hắn nói không thể quên, thì đừng nên gặp! Em bằng lòng vui với cuộc sống hiện tại, thì hắn phải để em quên.
- Dũng nói gì nữa không chị? - Ngàn Phương lệ đã nhạt nhòa.
- Một tháng nữa hắn đi. Bốn năm sau hắn mới về. Chỉ có rứa thôi.
Muốn hỏi thêm nhưng nghe tiếng cha con Phúc lao xao ngoài ngõ, Ngàn Phương lau nhanh nước mắt, ra hiệu với Châu.
Khi Phúc vào nhà, anh thấy Châu ngồi một mình.
- Sao chị ngồi một mình?
Tình Cho Không Tình Cho Không - Mỹ Hạnh