You practice mindfulness, on the one hand, to be calm and peaceful. On the other hand, as you practice mindfulness and live a life of peace, you inspire hope for a future of peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1824 / 44
Cập nhật: 2015-11-06 01:07:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tiếng Động Buổi Trưa
gười đàn ông uống hết ly nước bỏ chiếc ly nhựa màu cam đã cáu bẩn xuống mặt bàn gỗ thấp, ông ta lấy ra rúm thuốc để trong chiếc hộp sắt đã cũ, vấn một điếu, đưa lên môi thấm nước, cử chỉ nhẹ nhàng thuần thục để làm thành một điếu thuốc gọn gàng trước khi ngậm lên môi. Người đàn bà khoảng ba mươi tuổi im lặng giữ đứa con trong lòng cho nó bú chốc chốc nhìn lên như chờ đợi. Người đàn ông mồi lửa, kéo hơi thuốc thứ nhất chậm chạp, đôi mắt nhăn lại vì khói đặc, ông ta nhìn quanh quất gian nhà, đôi mắt đưa lướt theo hai bức vách cây đóng bằng những ván thùng đủ cỡ, trên đó còn nhiều những vết đinh lớn đã đen lại, những khe hở được dán những miếng giấy báo cắt dài. Ngừng lại một lúc, chừng như ông ta nhìn ra khung cảnh ở bên ngoài cửa sổ, bãi đất trống màu cát trắng nhoa nhuếch với những đống rác đã đốt bỏ lại và đầy những ống bơ đã sét rỉ đen đủi đủ cỡ. Rất xa, phía sau những vồng cát mấy ngọn dương liễu tiêu sơ.
- Chị cho tôi vào coi phía trong chút.
- Dạ, bác tự nhiên.
Người đàn ông im lặng đứng lên, điếu thuốc đang cháy dính trên môi đen ướt, ông ta đi vào, tới khoảng ván ngăn với phía trong ông ngừng lại đưa tay lên sờ vào thân cột gỗ, lần gỗ cũ sù sì không được bào sơn phủ ra ngoài màu xanh nhạt. Khoảng trong ngôi nhà rộng hơn phía ngoài, mái tôn thấp là là xuống phía sau, bức ván trong cùng có nhiều khoảng hở, một cửa nhỏ thông xuống khoảng đất trống phía sau. Trong khoảng sân rộng không quá hai thước được bao lại bởi những cột sắt và kẽm gai, nơi góc, bên những phuy nước có một cây chuối được trồng từ bao giờ vẫn èo oặt với hai tàu lá nhỏ vàng úa như bị hơ vào ngọn lửa. Nơi chân hàng rào có mấy khóm sả lá xanh và cao. Người đàn ông nhìn ra khoảng đất trống phía sau, những vạt đất không đều, nơi đó trước kia là một khu vực dùng chứa những đồ phế thải, nay còn lại mấy khung xe nhà binh đã hư hỏng, mấy chiếc bánh xe bỏ ngổn ngang, mấy chiếc thùng sắt bỏ rải rác, phía sau có một chiếc máy bay trực thăng không còn cánh quạt và gãy ở giữa trông như một con vật thời cổ sử trong hình thù quái đản, màu xám và đen của chiếc máy bay nổi lên khoảng cát trắng. In lên bầu trời nắng gắt những cột gỗ đen đủi trơ vơ. Trở vào, người đàn ông đá mũi giày vào chân vách gỗ, từng miếng gỗ đen mục rụng xuống.
Người đàn ông trở lại ngồi xuống, ngả người ra sau ghế, hút những hơi thuốc cuối cùng. Người đàn bà nhìn lên trong giây phút. Giọng người đàn ông đặc nước miếng nói trong khi cúi xuống dập bỏ diếu thuốc:
- Nhà của chị nát quá, chắc cũng đến ba bốn năm.
- Dạ, năm trước lụt nên hư hao phía dưới, nhà em cũng mới sửa lại...
- Nhà của bà cụ ở phía trên kia còn tốt hơn nhiều.
- Thôi để tùy bác tính cho.
Giọng người đàn bà nhẹ nhưng nhạt nhẽo. Người đàn ông tự rót lấy cho mình một ly nước khác. Hai đứa trẻ từ ngoài đi vào, một đứa ở trần, một đứa mặc chiếc áo trong những bao quần áo cứu trợ. Hai đứa trẻ ngơ ngác nhìn người đàn ông, người đàn bà một lúc rồi xô nhau chạy ra ngoài cùng với tiếng la, thứ tiếng động bỗng nhiên quý hiếm trong không khí im lặng tức thở. Người đàn ông đứng lên kéo vạt áo xuống:
- Thôi để rồi tôi trả lời chị sau chắc cũng chưa gấp gì.
- Dạ thưa bác, kể cũng gấp vì chúng tôi định về trong nội cháu.
- Chào chị.
- Dạ.
Người đàn bà bế con trong tay, đứng lên đưa người đàn ông ra cửa, nắng chói chang, trên quốc lộ, trước mặt hơi nóng như bốc lên oằn oại, khu trại binh phía trước vắng tanh với màu đất đỏ, một chiếc xe nhà binh chạy nhanh với tiếng máy gầm gừ và gian nhà rung chuyển lên trong chốc lát. Người đàn ông lưỡng lự đứng lại trong hiên mát như ngại ngần bước qua những tấm gỗ bắc làm lối đi để ra ngoài quốc lộ.
- Con chó của ai mà ngộ vậy chị.
- Dạ, chó hoang.
Giọng nói của người đàn ông như có đổi khác. Con chó đang thơ thẩn trên mép quốc lộ, màu lông vàng bẩn, mông tóp, lưng hơi cong xuống với cái bụng xệ, nó không bước bình thường mà như hơi nhảy lên, nó chỉ có ba chân, một chân trước bị cụt. Con chó trông đã già nhưng vẫn còn khỏe. Người đàn ông đưa mắt theo dõi con chó đang men theo mép cỏ cháy bên quốc lộ, bỗng nhiên nó nhảy nhanh hơn, phóng mình chạy xuống phía dãy nhà, rồi mất hút:
- Chó có ba chân có thể đưa đi làm xiếc được.
- Dạ, nó dữ lắm.
- Chó hoang mà.
- Lúc trước Mỹ nuôi.
Người đàn ông bỗng nhiên như bị lôi kéo vào câu chuyện của con chó hoang. Người đàn bà đang sửa lại thế bế đứa con. Nắng làm cho đứa nhỏ chói mắt, nó oằn người lên, người đàn bà bế vác nó lên vai cho đứa nhỏ quay vào phía trong nhà.
- Sao nó không mang con chó theo.
- Dạ không rõ. Bây giờ con chó sống quanh quẩn trong khu trại bỏ trống.
- Bây giờ ở đây khác hẳn hồi một năm trước, chị nhỉ.
- Dạ, lúc trước đông vui, làm ăn cũng dễ, bây giờ Mỹ nó đi hết rồi.
Người đàn ông nghĩ tới khung cảnh hơn một năm trước, khu trại binh trước mặt đầy quân đội Mỹ, khu đất trống bên này quốc lộ, xa cách với khu trại binh trở thành một khu đổ rác. Ít lâu sau ở bên những đống rác đó mọc lên những nhà chòi nhỏ che bằng những tấm vải nhựa, trước hết là của những người tới chờ đợt nhặt rác, có những túp lều trở thành quán giải khát bán những lon bia, nước ngọt ướp lạnh để trong những chiếc thùng, có thể thêm những gói kẹo, thuốc lá. Ít lâu sau những túp lều biến thành những ngôi nhà nhỏ có người ở, không bao lâu cả một khu vực trở thành một xóm người đông đảo kéo dài lên mãi phía trên ngả ba. Ngoài những người nhặt đồ phế thải còn có những người buôn bán, những tiệm giặt đồ, bán nước đá cũng bắt đầu làm ăn dễ dàng, số công nhân vào làm trong các khu trại lính gia tăng kéo theo những quán ăn bình dân mọc lên sống nhờ vào đám công nhân. Những ngôi nhà từ những túp lều được bán đi bán lại nhiều lần, những bảng hiệu xanh đỏ xuất hiện, thời kỳ cực thịnh của khu vực bên này quốc lộ được biểu hiện rõ nhất khi có hai quán nước lớn gắn máy hát lôi kéo lính Mỹ tới cười đùa với những cô gái từ xa đến với quần áo xanh đỏ. Người ta sống ở chung quanh đó có một đời sống khác, trẻ con bắt đầu hút thuốc lá, ăn kẹo cao su, chúng biết nói những tiếng Mỹ cần thiết và chạy theo những chiếc xe trên quốc lộ với bàn tay chìa ra, chúng cũng biết chửi tục lớn tiếng, mọi người uống bia hộp, mời nhau bằng những đồ hộp để trong những thùng nước đá. Sinh hoạt những ngày cũ không còn nữa. Những đống rác cao nghệu ngày nào nay chỉ còn những đống than và ngổn ngang những ống bơ không cháy đi được.
- Chắc bọn Mỹ chặt chân con chó?
- Dạ không, con chó bị thương hồi có pháo kích.
- Kỳ vậy...
Người đàn bà cười hồn nhiên, người đàn ông cũng cười. Đứa nhỏ đã ngủ trên vai người đàn bà.
Chiếc hầm trú ẩn trong gian nhà làm bằng những bao tải cát mới được dẹp đi sau này, trong những năm trước nhà nào ở đây cũng có hầm trú ẩn. Có lúc chính chị cũng đã trở thành một người đi làm những bao cát bán cho lính Mỹ ở đồn bên kia quốc lộ, những chiếc xe Mỹ mang theo những chiếc bao không đến, chạy sâu vào trong khu đất bỏ hoang thuê đàn bà trẻ con đổ cát đầy vào trong những chiếc bao rồi cột chặt lại. Ở đây, gần như ai cũng có thể kiếm được việc làm một cách dễ chịu. Hàng đêm mọi người bị đánh thức trở dậy với những loạt đạn pháo kích. Sự đe doạ bỗng trở thành quen thuộc. Mỗi buổi sáng thức dậy người ta kéo nhau đi coi những dấu vết tàn phá, xem có ai chết hay bị thương không, người ta cũng theo dõi những thiệt hại của trại lính Mỹ một cách bình thản. Tiếng đạn pháo kích đến, tiếng súng bắn đi, tiếng máy bay lên xuống, tiếng xe cộ chạy suốt ngày đêm đã khiến cho khu xóm có một bầu khí đầy tiếng động, thứ tiếng động của chiến tranh, thứ tiếng động mệt nhoài, tiếng động như lùa khỏi đầu khối chất lỏng đen để chỉ còn lại một khoảng trống ngu ngơ thờ thẫn biểu lộ trên nét mặt thiếu máu và ngái ngủ. Người đàn bà nhớ lại những ngày đầu cùng chồng đến đây, hai vợ chồng lúi húi trong nhiều ngày, nhiều đêm để mỗi lúc làm cho cái chòi trở thành một ngôi nhà như hiện nay. Trước đó, một lần cả khu nhà mới đã bị vây lại bởi những hàng kẽm gai, những người cảnh sát đã tới đòi họ đi khỏi và dở theo những căn nhà tôn. Chị đã ngồi lại trong căn nhà và khóc trong khi chồng ở phía ngoài không thể vào được, lúc đó chị mới có thai, người chồng mua bánh mì liệng qua hàng rảo vào cho vợ. Những khó khăn đã qua, chị cùng những người khác đã được ở lại làm ăn, những ngôi nhà sang bán mỗi lúc một có giá, những tờ văn tự viết tay giữa hai người với nhau, có những ngôi nhà mỗi lần sang bán người chủ lại phải dở ra từng tờ một, những tờ giấy được viết từ những người đầu tiên, có những người chỉ còn tên gọi trên tờ giấy, người ta không còn biết được mặt mũi ra sao. Một chiếc xe hàng vắng khách chạy nhanh ngoài quốc lộ. Người đàn ông nói:
- Hồi trước tôi có một người bà cô lên chữa bệnh ở trong trại lính này. Họ giỏi thật, bệnh tật bao nhiêu không khỏi, đến lúc về thì mập mạp ra. Mỗi tháng còn phải trở lại để họ khám rồi phát thuốc cho uống... Nhiều người mắc bệnh kinh niên được nhờ lắm.
- Dạ.
Người đàn bà nói nhỏ, chừng như chị muốn cắt đứt câu chuyện. Người đàn ông lần theo hàng hiên đi về phía trên vừa đi vừa ngắm nghía, có lúc ông ta ngừng lại gõ tay vào những vách gỗ, lay động thử một chiếc cột hàng rào. Người đàn bà trở vào nhà, nhẹ nhàng đặt đứa con xuống chiếc giường nhỏ, chưa buông tay, đứa nhỏ đã oằn người, mếu xệch và khóc thành tiếng. Người đàn bà vội vàng bế nó lên, tay vỗ miệng ru, đi quanh quẩn trong khoảng hẹp của căn nhà ngoài. Người đàn bà chợt nhận ra có người đang đi từ phía quốc lộ xuống. Chị ngừng lại nơi cửa. Một người lính xách chiếc mũ sắt nơi tay, tóc rối bù, da mặt đen cháy nhễ nhại mồ hôi, người lính bước lên hiên, dáng dè dặt nhìn về phía đầu nhà.
- Phiền chị cho tôi xin chút nước.
Người lính vừa nói vừa đung đưa cái mũ sắt. Người đàn bà lanh lẹ:
- Anh vô lấy giúp tôi chút.
Người lính bước vào, nhìn vào trong nhà. Người đàn bà nói:
- Nước trong ấm đây anh.
- Dạ không, tôi xin nước lạnh, cái xe nó nóng quá.
Người đàn bà phác một nụ cười:
- Anh xuống phía sau.
Người lính đi xuống phía sau, dáng anh ta ngại ngần, lúc sau anh đi lên với một mũ nước đầy. Anh ta đứng lại nơi cửa nhìn ra nắng ngại ngần, giọng anh bâng quơ:
- Trời nắng chi lạ.
Người lính cúi người ngồi xuống nơi bậc cửa, để chiếc mũ nước một bên, đưa cánh tay lên quệt mồ hôi trên mặt. Anh ta chú ý tới con chó nằm nơi đầu hiên nhà, lưỡi thè ra thở mệt nhọc:
- Chị nuôi con chó ngộ ghê.
Người đàn bà đứng lại nơi cửa nhìn ra chỗ đầu hiên. Con chó trở lại từ lúc nào đang nằm soài người trên đất, hai chân sau ruỗi ra, chân trước để dưới chiếc đầu nằm ép xuống. Chiếc chân cụt lộ hẳn ra một bên thừa thãi, mắt nó nhắm lại hiền lành, cái lưỡi đốm thè ra, rớt rãi chảy nơi hai khóe mõm. Người lính lấy thuốc châm hút, anh ta duỗi hai chân về phía trước phơi đôi giày đã vẹt hết đế, gấu quần sờn rách, những sợi lông chân quăn lại trên lớp da vảy cá sần sùi. Người đàn ông trở lại, ông ta lặng lẽ bước đều đo khoảng rộng của căn nhà rồi ngửng lên nhìn người đàn bà:
- Nhà của chị không được bốn thước, hẹp thua căn nhà đằng kia. Nếu dở xuống cũng không được bao nhiêu gỗ còn xài được - Ông ta nhìn lên mái tôn - tôn cũng hư nhiều quá...
Người lính nói:
- Chị bán nhà này à?
- Dạ, chúng tôi về quê.
- Ừ, bây giờ chị ở đây cũng ghê, đồng không mông quạnh thế này, lại ở bên trại lính...
Người lính bỏ dở câu nói. Người đàn ông đã thấy con chó, ông ta vừa nhìn vừa cười cười:
- Nó lại đây rồi, tôi vừa thấy nó quanh quẩn bên kia.
- Dạ, nó chạy khắp xóm, nhưng tối lại nó ở trong trại lính.
- Tội chưa, chắc nó nhớ chủ nó. Quên sao được, những miếng thịt bò thơm phức, những khúc xương ngoạm không nổi, được tắm rửa, được vuốt ve thì cầm lòng sao được.
Người đàn ông cười thành tiếng lớn vẻ khoái trá với chính điều mình nói. Người lính lặng lẽ hút thuốc nhìn ra nắng. Người đàn bà nói giọng kể:
- Trước kia hằng đêm vùng này bị pháo kích, mỗi lần như thế dân chúng đem những người bị thương lên cửa trại lính, những lính Mỹ ở đấy họ rất sốt sắng, họ băng bó cho những người bị thương nhẹ, cho nằm lại bệnh viện những người bị nặng, có người được đưa thẳng sang Mỹ. Một đêm trong khi bị pháo kích, đạn làm bốc cháy một căn nhà, lính Mỹ đã ùa ra chữa cháy hôm ấy không có ai bị thương. Chỉ có con chó bị mất một bên chân lăn lộn và kêu, một lính Mỹ đã đưa nó vào bệnh viện băng bó, cho thuốc. Một người nẳm trong bệnh viện kể lại, Mỹ nó chữa cho con chó như chữa cho người, con chó lành và nó quanh quẩn ở trong đó, không ra khỏi. Nó là chó hoang nên cũng không ai quan tâm, về sau tôi có lần vào trong đó xin thuốc thấy con chó nằm ngay ở cửa ra vào, thấy người nó vẫy đuôi ra vẻ mừng rỡ, quen thuộc. Ai cũng nói con chó có phúc, chắc có mấy kiếp tu, được chữa lành lại được nuôi sung sướng.
- Bọn Mỹ lạ thật.
- Trời ơi, các ông chưa biết đó. Họ bắt cóc cả người bệnh nữa.
- Thế là làm sao.
- Hồi đó có một ông già ở đây. Ông ta bị bang hay sao đó, bụng lớn như cái thúng, ông ta thường ngồi ở ngã ba xin tiền. Một hôm bỗng nhiên thấy ông ta biến mất, con cháu đi tìm không thấy, có người nói thấy một chiếc xe Mỹ bắt ông ta lên. Có người nói Mỹ nghi ông ta làm mật thám cho giặc, ngồi ở đường để đếm xe qua lại nên bị bắt, có người nói Mỹ nó bắt ông đi triển lãm, có người còn nói hay ông ta bị làm thịt, có người nói Mỹ gì đó ăn thịt người... Ba tháng sau người ta thấy ông già xuất hiện ở ngay ngã ba, lúc bấy giờ người ta mới biết là quả thực Mỹ nó bắt ông ta vào trong nhà thương, sau nó đưa ông ta đi Mỹ vì nhà thương họ không đủ phương tiện chữa cho ông già, ông già trở về khỏe mạnh, cái bụng lớn không còn, nhưng từ đó ông già không thể ngồi mà xin tiền khách bộ hành nữa, ông khỏe rồi, không ai còn cho tiền, ông ta phải làm việc mệt nhọc...
Người lính, người đàn ông cùng phá lên cười. Con chó nghe tiếng động ngóc đầu trở dậy, hai mắt mở lớn, ngậm mõm lại trong giây lát rồi nằm xuống như trước.
Người lính búng mẩu tàn thuốc còn lại trên tay vào con chó, nó nhảy lên, chạy ra phía ngoài xa một chút, nó đứng im trong nắng nhìn người lính.
- Nó dữ lắm, không ai dám trêu nó.
- Một thứ anh hùng độc thủ chứ ít sao.
- Hôm trước họ tìm cách để hạ nó mà không được, nó đã từng cắn một đứa nhỏ bị thương nặng ở mặt. Người ta sợ nó thành tinh, không ai tới gần nó được.
Người lính gật gù, người đàn ông hơi mỉm cười ngắm nghía con chó. Chiếc chân cụt quá cao, lên sát gần mình khiến cho nó có một hình thù lạ.
- Hồi này nó đói nên tiều tụy hẳn.
- Mỹ nó về hết rồi còn đâu nữa mà sung sướng.
Người đàn bà nhìn người đàn ông:
- Thưa bác, bao giờ thì bác cho biết ý được để chúng tôi lo.
- Chị để cho tôi hai bữa.
Người lính nói:
- Chị bán nhà cho ông đây.
- Dạ.
- Tôi tính mua lấy gỗ về làm cái bếp... Anh tính, gỗ mục cả.
Người lính đứng lên, xách lấy mũ nước:
- Thôi chào chị, cám ơn chị.... Chào ông.
- Không có chi.
Người lính đi xuống, bước qua những tấm ván, nắng chói lòa phía ngoài quốc lộ. Con chó bỗng nhiên đuổi theo chồm lên lưng người lính. Người đàn ông, người đàn bà cùng hét lên, đứa bé khóc thét. Người lính liệng chiếc mũ nước lại chạy nhanh rồi ngồi thụp xuống thủ thế. Con chó lùi một chút rồi nhảy vụt qua đầu người lính. Người lính hơi chùn người xuống, quay trở mặt với con chó.
- Nó điên rồi.
Người lính chạy nhanh về phía quốc lộ, con chó đuổi theo người đàn ông cầm vội chiếc gậy đuổi theo, người đàn bà lo lắng trong khi cố gắng nựng đứa con trong tay. Khoảng bụi bốc lên theo sau những bước chạy của người lính và con chó. Người lính nhảy lên xe, con chó chạy quanh, có lúc không còn nhìn thấy, bụi, nắng và màu vàng bẩn của con vật như nhòa với nhau. Một tiếng nổ chát chúa vang lên. Người đàn bà thấy người lính đã nhảy xuống khỏi xe với khẩu súng trên tay, người đàn ông hấp tấp trở vào:
- Coi đạn lạc thì khốn. Anh ta muốn hạ con chó.
Con chó chạy vụt lên dọc theo quốc lộ hướng về trại lính. Người lính đuổi theo, súng trên tay, anh ta ngừng lại trong giây lát, những phát đạn nối tiếp, con chó chạy không quay đầu lại. Không khí khô nóng khó chịu. Người lính không còn đuổi nữa. Anh ta trở lại, đóng cửa xe, đi xuống nhặt chiếc mũ sắt rồi vào trong bóng hiên:
- Con chó thành tinh rồi. Nó trổ ngón hiểm quá.
Người đàn bà nói:
- Anh thật hay, tôi tưởng nó cắn được anh.
- Nguy hiểm, nếu tôi không ngồi xuống kịp...
Người đàn ông cầm chiếc gậy vứt đi, hai tay phủi vào nhau:
- Phải hạ nó, nếu không có lúc nó cán chết người... Tôi về chị.
Người đàn ông quay ra chào người lính rồi đi theo hiên nhà vẻ phía trên, lúc sau người lính thấy ông ta đạp chiếc xe đạp qua quốc lộ, chiếc mũ rộng vành đội trên đầu khi ngang qua chỗ chiếc xe, ông ta giơ tay lên cao ra dấu chào. Người lính mỉm cười vẫy tay theo.
- Con chó nó chạy vào trong trại lính phải không anh?
- Phải, nó khôn quá, nó biết tôi bắn nên chạy chữ chi, không chịu chạy thẳng. Tôi sợ đạn lạc nếu không đâu thoát được tay tôi. Tôi đợi xem nó có dám ra không.
- Nó không ra đâu, anh ơi; hôm trước người ta đã rượt nó một lần nó chạy tọt ngay vào trong ấy, mấy ngày liền tôi không thấy, tưởng nó đi đâu rồi, bỗng một buổi tối tôi nghe thấy tiếng súng nổ, tiếng con chó cắn dữ bên đó, sau mới biết nó cắn mấy người vào trong trại ăn cắp đồ lính canh họ phát giác ra. Có những đêm nghe nó tru lên trong đêm vắng như tiếng ma...
Người lính ngồi nghe chăm chú. Anh ta nói:
- Chồng chị đâu?
- Nhà tôi đi hành quân...
- Chị về ở với gia đình là phải, thời buổi loạn lạc, lúc đêm hôm...
Người lính bỏ lửng câu nói, đứng vụt lên, cầm khẩu súng:
- Nó kia rồi...
Anh ta chạy về phía quốc lộ, cầm ngang khẩu súng, đầu bổ về phía trước, chân đạp về phía sau những đám bụi. Người đàn bà đứng tựa lưng vào thành cửa nhìn theo. Con chó xuất hiện ở phía xa, bên chiếc chòi canh cao, người lính chậm lại, tiếng súng nổ chát chúa, đứa nhỏ giật mình, một tay bấu vào cổ người đàn bà. Người lính đã chạy lên quốc lộ, hơi nắng oằn oại trong khung cảnh trơ trọi màu đất cát nhoa nhuếch và những hàng kẽm gai. Lúc sau người lính khuất dạng, thỉnh thoảng vang lên tiếng súng khô nóng khó chịu...
1972
Tiếng Sáo Người Em Út Tiếng Sáo Người Em Út - Dương Nghiễm Mậu Tiếng Sáo Người Em Út