It is what you read when you don't have to that determines what you will be when you can't help it.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Du Tử Lê
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 811 / 13
Cập nhật: 2016-06-03 16:17:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ùa đông. Indianapolis. Tôi biết, thời tiết không chỉ mặc cho rừng phong chiếc áo mới, lợp mái trắng cho các ngôi nhà xám; nó còn phóng tay phung phí rải lớp sơn dầy, trắng, sốp như bông gòn lên đường đi, lên cảnh vật. Những đêm thình lình tỉnh dậy, ngó ra ngoài cửa sổ, nếu không có đồng hồ, tôi sẽ không thể biết, đêm còn ở với tôi, hay ban mai đã mở mắt. Mùa đông. Indianapolis. 1969. Tôi biết, thời tiết không chỉ cho tôi những tấm gương ánh bạc khắp nơi; nó còn cho tôi mầu sắc và âm thanh nữa. Những ngôi nhà của những nhân viên cơ hữu trong căn cứ đã bắt đầu gắn lên cánh cửa của họ, những vòng nguyệt quế; kéo những sợi dây đèn mầu qua những hang đá, cột cổ những con nai, những chiếc xe chở ông già Noel; cùng những thiên thần mang đôi cánh canh chừng giấc ngủ Chúa Hài Đồng trong hang đá. Donna bảo tôi, Giáng Sinh là mùa lễ quan trọng nhất của người Mỹ. Nó quan trọng hơn ngày đầu năm dương lịch. Với người Mỹ, Noel là mùa của sum họp và những ước nguyện tốt lành cho người thân, cho chính mình.
"Nhưng với chúng ta," Donna nói, "lại là mùa ly, biệt."
Tôi giải thích cho Donna biết, tôi rất muốn ở lại qua Noel. Nhưng lịch trình do nhà trường sắp xếp. Tôi kể, nhà trường đã mua sẵn vé greyhound cho tôi, đi từ Indianapolis về tới trạm chính ở San Francisco. Từ đó, tôi sẽ đổi xe để tới Căn cứ và, cũng là phi trường quân sự Travis. Tôi phải trình diện ở nơi này, để nhận vé trở về Saigòn. Tôi nhấn mạnh:
"Donna đừng quên tôi bị chi phối bởi nhà trường. Tôi không có tiền và, cũng không biết phải làm gì, nếu không có nhà trường lo cho tất cả mọi thủ tục cần thiết đó."
Nếu ông Kearney nghe được điều tôi nói với Donna, ông sẽ biết ngay, đó là những lời nói láo. Bằng cớ, hai tuần trước khi khóa học chấm dứt, ông bà đã hỏi tôi có chương trình đặc biệt nào cho những ngày nghỉ không? Ông Kearney còn hé mở xa gần cho tôi thấy, ông có thể cho tôi đi thăm thủ đô Hoa Thịnh Đốn, vùng Baltimore, hoặc New York.
"Nếu đi New York, chúng ta sẽ tạt qua Montreal. Tôi có thể giúp Lang một tay," ông Kearney nói. "Luôn cả phần nào đó phí tổn, nếu Lang không có đủ tiền cho chuyến đi kia."
Tôi biết những địa danh mà ông Kearney đề cập tới đều là những chốn nổi tiếng. Nhiều người Mỹ sinh trưởng ở nơi khác, có khi tới lúc chết, còn mang theo mơ ước viếng thăm những địa danh kia vào lòng đất. Nhưng tôi điếc căm ham muốn ấy. Với tôi là Saigòn. (Dù Saigòn theo mô tả của Thượng nghị sĩ Mansfield là một ổ điếm vĩ đại. Tôi suýt bị gửi trả về nước chỉ vì khi bàn cãi thời sự này trong lớp, tôi là người Việt Nam duy nhất đứng dậy phản đối. Tôi nói, có thể Thượng nghị sĩ Mansfield đúng nhưng chỉ đúng phần ngọn và, quên phần gốc. Phần gốc là lính Mỹ. Chính họ đã biến Saigòn thành ổ điếm...)
Tôi nghĩ phản bội tôi dành cho Bậu, trong thời gian xa cách, đã đủ. Tôi nghĩ, những đau đớn, những thất vọng tôi để lại cho Donna, đã nhiều. Với bất cứ người nào, dù cho đó là người con gái ốm o từ thể chất tới tinh thần như Bậu; hoặc mạnh khỏe, vững vàng như Donna, thì, điều gì tôi để lại cho họ cũng đã là quá đủ. Tôi chẳng thể trút xuống tâm hồn họ, ít nhiều tồi tệ mới.
Mùa đông. Indianapolis. Những lớp tuyết mỗi ngày mỗi dầy, cao thêm trước cửa nhà, trên đường đi. Những manh vải mầu đỏ xẫm cuối cùng, được gió và tuyết cởi, dứt khỏi những cành phong cao nhất. Các chương trình phát thanh đã bắt đầu bỏ những đĩa nhạc có những bài hát quen thuộc.
Mùa đông. Thời tiết đã mang lại cho thành phố, nơi tôi sắp rời, bỏ nhiều thêm âm thanh và mầu sắc. Thời tiết cũng lấy đi khỏi thành phố chúng tôi đang ở, lấy đi khỏi tâm hồn tôi và Donna, những lượng rượu Giáng Sinh, những men cay, tới nồng hy vọng và hạnh phúc của một năm mới, phía trước. Không cần ai phải nói, tôi cũng biết Giáng Sinh đã rút xa bờ cát cùng, những ngày đầu tiên tẻ nhạt của một năm mới xa lạ.
Nếu sự rút lui kia chỉ để lại trong tâm hồn Donna một khoảng trống bập bùng hoang mang rình rập bất trắc; thì, với tôi, nó lại thắp lên những thiếu hụt, những nhớ nhung chẻ vụn, những cồn cào rách, tơi. Buổi sáng, Chicago. Mùa đông khoác lớp da xám ngoét, như thân thể một người bệnh kiệt máu; mà những cành cây trơ xương như những ống nylon dẫn nước biển, chằng chịt chạy trên thịt da chờ chết. Buổi sáng, mùa đông kiệt máu kia theo tôi qua những đường phố, lên những cây cầu, chuồi dưới những tàng phong cháy đỏ nỗi muộn phiền ngộ dại liu điu. Buổi sáng. Chicago. Cuối cùng, tôi hiểu, cách gì tôi cũng phải trả Bậu, trả Donna, trả Thục, trả Thư..., về với thời tiết của riêng họ. Dù cho họ có như con nhộng ngộp trong chiếc kén thời tiết phù du mỗi người.
Và, D., D., rất yêu dấu của tôi. Tôi biết, tới giờ, D. vẫn còn thắc mắc về sự đổi thay đột ngột của tôi hôm đó. Tôi biết... Bởi chính tôi, tới giờ, cũng không hiểu điều gì đã xẩy tới cho mình. Tôi không muốn đổ lỗi một cách dễ dàng cho những trận chill winds ở Chicago. Tôi cũng không muốn đổ lỗi một cách dễ dàng cho những cánh rừng phong cháy đỏ nỗi muộn phiền ngộ dại liu điu. Tôi cũng không muốn đổ lỗi cho Nguyên Đán sắp tới cùng lúc với mùa đông dợm bước ra đi. Dù tôi hiểu, nếu tôi có đổ lỗi cho chúng, thì cũng chẳng oan ức gì cho ai; ngoại trừ tôi: người muốn che dấu thời tiết/ tuổi già/ bất lực trong chiếc kén hôn ám cuối đời, tự mình, dệt lấy.
1.97.
Tiếng Kêu Nào Bên Kia Thời Tiết Tiếng Kêu Nào Bên Kia Thời Tiết - Du Tử Lê Tiếng Kêu Nào Bên Kia Thời Tiết