A house without books is like a room without windows.

Heinrich Mann

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1036 / 5
Cập nhật: 2015-07-15 04:08:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ên thật của em là Nguyễn Thị Hương Trầm. Nhưng từ hai năm qua, mọi người đều gọi em là Vành Khuyên. Từ bạn bè, từ các thầy cô trong trường, đến chính gia đình em nữa, tất cả đều đã như quên hẳn cái tên Hương Trầm.
Cho đến bây giờ, và có lẽ còn cho đến mãi mãi, em nghĩ rằng sẽ không bao giờ em quên được cái tên Vành Khuyên kỷ niệm mà mọi người đã gọi em bắt đầu từ buổi văn nghệ tất niên năm em học lớp sáu.
Trời phú cho em giọng hát ngọt ngào ngay từ khi còn bé. Chị Hương Trinh tập cho em hát. Năm em lên lớp bốn, anh Trung lại dạy thêm em về nhạc lý và xướng âm. Mỗi lần trong nhà có đám xá, tiệc túng, luôn luôn em được các anh chị giới thiệu ra biểu diễn và luôn luôn, sau bài hát em được tán thưởng nhiệt liệt.
Vào lớp sáu, em đã khiến cô chủ nhiệm phải đặc biệt chú ý vì giọng hát và khả năng nhạc lý của em. Và chính cô đã động viên em ghi tên dự tranh giải “Tiếng Hát Vành Khuyên”, một giải thưởng đặt ra hàng năm dành cho học sinh nào trong trường dự thi và được chấm điểm cao nhất trong buổi văn nghệ tất niên do nhà trường tổ chức. Lúc đầu, em còn e ngại - vừa sợ, lại vừa mắc cỡ nữa – nhưng các thầy cô, một số bạn bè và gia đình đều ngỏ ý khuyến khích. Thế là em bậm gan ghi tên thi. Người đoạt giải “Tiếng Hát Vành Khuyên” năm trước đã chuyển qua trường khác, nên trong cuộc thi năm ấy, thí sinh toàn là những “lính mới”. Điều đó vừa là điều kiện thuận lợi, vừa giúp em thêm vững tâm.
Cuộc thi khởi diễn với hai vòng loại. Mười sáu người năm ấy rút thăm chia thành tám đội, cứ hai người, ban giám khảo lại chấm loại một. Ở vòng thứ hai, thêm bốn nữa bị loại. Bốn người còn lại sẽ vào thi chung kết trong buổi tất niên. Thật may mắn, ở vòng đầu em loại một chị lớp tám, đến vòng kế loại được một nhỏ lớp sáu. Rồi cuối cùng, trong buổi văn nghệ tất niên, trong bốn người vào chung kết, em được chấm điểm cao nhất, đoạt giải “Tiếng hát Vành Khuyên”. Theo thông lệ, sau khi đoạt giải, em đã phải đi một vòng tất cả các lớp trong trường gọi là để ra mắt, có cả phần biểu diễn theo yêu cầu nữa. Từ đó, cả trường gọi em bằng cái tên mới “Vành Khuyên” suốt một năm, tức là cho đến buổi văn nghệ tất niên của năm học sau.
Lên lớp bảy, dịp Tết, em lại giữ được danh hiệu “Vành Khuyên” một lần nữa. Và bây giờ, đầu năm học lớp tám, có lẽ là thật sớm, em đã chuẩn bị ráo riết tập dượt ba bản nhạc ưng ý cho lần dự thi thứ ba, lần quan trọng nhất vì theo thể lệ cuộc thi, ai giữ được danh hiệu “Vành Khuyên” ba năm liên tiếp, sẽ mãi mãi được gọi là “Vành Khuyên”, đồng thời được thưởng một chiếc cúp lưu niệm.
Chiếc cúp tuy có hấp dẫn thật đấy, nhưng dù sao nó cũng chỉ là một vật kỷ niệm để trưng bày, chẳng sao so được với hai chữ “Vành Khuyên”, cái tên em mang từ hai năm nay. Em muốn mãi mãi, khi nào còn học trong ngôi trường cấp hai thân yêu của mình, em còn được gọi là “Vành Khuyên”…
Nhưng rồi mới đây, em đã cảm thấy bâng khuâng lo sợ. Năm nay lớp em có thêm một nhỏ mới đổi từ trường huyện lên, nhỏ HạnhTrang, cũng rất khá nhạc lý. Mới rồi đây, trong giờ sinh hoạt cuối tuần, nhỏ đã hát một bài theo yêu cầu của bạn bè – vì tò mò mà cũng là “ma cũ ăn hiếp ma mới” – và nhỏ đã khiến cho cả lờp sững sờ trước tiếng hát tuyệt vời của mình. Em bỗng thấy nghèn nghẹn nơi cổ khi cô chủ nhiệm và các bạn trong lớp cùng tán thưởng Hạnh Trang một tràng pháo tay thật dài. Cô chủ nhiệm nhận xét:
- Hạnh Trang hát rất vững nhạc, giọng lại truyền cảm chẳng kém Vành Khuyên.
Nhỏ Ngọc Mai:
- Bên tám lạng, đằng nửa cân.
Thúy Hiền, nhỏ lém nhất lớp:
- Yêu cầu Vành Khuyên hát đáp lễ một bài.
Mấy nhỏ khác nhao nhao lên:
- Phải đó, Vành Khuyên thay mặt bạn bè cũ hát đáp lễ một bài đi.
Cô vui vẻ hỏi cả lớp:
- Các em nghĩ sao về đề nghị của Thúy Hiền nào?
Các nhỏ tóc dài trong lớp reo ầm lên “chịu”,
“Chịu”. Còn dám tóc cụt thì tán thêm: “Sáng kiến tuyệt vời”. Cô bảo em:
- Vậy thì bây giờ Vành Khuyên tính sao? Em chiều ý các bạn được chứ?
Em đang mang tâm trạng ganh tức với Hạnh Trang, tự thấy khó mà hát được, vì thế nên em đứng lên thưa:
- Thưa cô, xin cô cho em được hẹn bữa khác. Bữa nay… Bữa nay giọng em không được như mọi ngày…
Nhỏ Ngọc Mai lớn giọng:
- Nè! Hổng được đâu nghe. Bộ định “trốn nghĩa vụ ” hả?
Nhỏ Thúy Hiền:
- Vành Khuyên mà không hát, tụi mình oa xịt nó ra nghen tụi bay. Nè… Một, hai, ba… oa.. oa xịt…
Thúy Hiền được một lũ tóc dài hưởng ứng “tẩy chay” em. Cô chủ nhiệm nhìn em cười mỉm, chờ đợi. Còn Hạnh Trang, nhỏ ấy nói với em:
- Từ ngày đổi lên đây học, Trang đã được nghe tiếng Vành Khuyên. Nhưng mới là nghe tiếng chớ chưa được thưởng thức giọng hát của Vành Khuyên lần nào. Nhân đây, Trang cũng xin yêu cầu Vành Khuyên hát một bản…
Không biết những lời của Hạnh Trang có phải là thành thật? Nhưng em vẫn cứ nghĩ đó là những thách thức. Tự ái trong em bừng dậy. Chẳng phải suy nghĩ thêm, em đáp ngay:
- Vâng, vậy thì Vành Khuyên xin làm vừa lòng các bạn.
Cả lớp vỗ tay ầm lên khiến cô phải đập thước nói:
- Này! Có vui thì cũng vừa vừa thôi. Để các lớp bên cạnh người ta còn học…
Thúy Hiền cũng vẫn là nhỏ ấy – đề nghị:
- Tuổi mười lăm đi, Vành khuyên!
Ngọc Mai:
- Thôi! Sơn nữ ca, thích hơn.
Em:
- Vành Khuyên sẽ hát bài “Màu xanh học trò” của chị Hương Trinh của Vành Khuyên, bài hát mà cách đây hai năm, Vành Khuyên đã hát khi vào chung kết thi “Tiếng hát Vành Khuyên”…
Tất cả lại vỗ tay khích lệ, rồi sau đó im lặng lắng nghe em hát. Em gởi hồn vào lời ca, vào âm điệu trầm bỗng của bản nhạc. Tiếng em vang vọng trong bầu không gian ấm cúng của lớp học:
Em đi trong màu xanh của trời
Biển cùng xanh, rừng cây cũng xanh
Em đi trong tuổi thơ học trò
Là tuổi xanh đẹp như ước mơ…
Vừa hát, em vừa liếc về phía Hạnh Trang xem nhỏ ấy phản ứng thế nào. Nét mặt hơi nghiêm của nhỏ ấy thật khó cho em suy đoán.
Khi những lời ca cuối cùng của bài hát vừa dứt, Thúy Hiền mở đầu cho một tràng pháo tay của cả lớp. Hạnh Trang vỗ tay thật nồng nhiệt. Nhỏ ấy quay sang nhỏ Túy ngồi cạnh nói gì đó. Những lời ngợi khen em?
Chuông báo đã đến giờ ra chơi. Cả lớp đứng dậy chào cô chủ nhiệm ra lớp rồi mới cùng ùa ra sân.
Thúy Hiền bá vai em kéo đi:
- Theo tao, tao thưởng ly chanh muối!
Với cả lớp, em xem nhỏ nào cũng như nhau cả, trừ Thúy Hiền. Phải nhận rằng nhỏ Thúy Hiền vừa lém vừa tốt bụng. Chỉ phải cái hay nói thẳng tuột, chẳng giữ ý tứ gì. Nhỏ lại “thẳng tuột”:
- Nè, Vành Khuyên! Hạnh Trang nó hát hay ghê phải không?
Em bỉu môi:
- Ừ hay lắm!
Thúy Hiền bật cười:
- “Ghen” rồi phải không, “cô nương”?
- Không biết!
- Nói thế chớ làm sao hay bằng… tiếng hát Vành Khuyên cho được!
- Em bật cười: “Đồ nịnh”, nhưng lòng thấy vui vui.
Cũng vừa đến quán ước, Thúy Hiền gọi hai ly chanh muối cho hai đứa. Đang còn đợi thì Hạnh Trang đến, nhỏ ấy cũng gọi nước chanh muối. Rồi, nhỏ ấy bắt chuyện:
- Thúy Hiền với Vành Khuyên mau chân ghê…
Thúy Hiền nheo mắt:
- Tại Vành Khuyên nó khát nước quá. Mới trổi giọng oanh vàng xong mà…
Hạnh Trang cười:
- Vành Khuyên hát hay lắm, lời đồn chẳng sai.
Câu khen của Hạnh Trang khiến tự ái em được vuốt ve. Em thấy nhỏ ấy không còn “khó ưa” nữa. Em đáp lễ:
- Hạnh Trang hát cũng rất tuyệt…
Đến lượt Thúy Hiền:
- Chắc thế nào Tết này, Hạnh Trang cũng thi “Tiếng hát Vành Khuyên”?
Lại một cách “thẳng tuột” của Thúy Hiền. Nhỏ ấy đã hỏi đúng câu hỏi em muốn đặt ra mà không tiện. Hạnh Trang khuấy ly nước chanh muối mới đem ra, hơi mỉm cười. Nụ cươi ấy có ý nghĩa gì? Nhắp một chút nước chanh, Hạnh Trang khẽ lắc đầu:
- Trang chưa nghĩ đến chuyện đó. Nhưng, có lẽ Trang sẽ không xin thi…
- Vì sao vậy?- Thúy Hiền hỏi.
Hạnh Trang quay sang nhìn em, nụ cười tươi hơn:
- Thì có Vành Khuyên đây, sao Trang dám thi nữa.
Em đỏ mặt:
- Hạnh Trang nói vậy chớ…
Thúy Hiền:
- Chỉ cần năm nay được giải nữa là Vành Khuyên nó đoạt cúp và được giữ luôn tên Vành Khuyên đó, Hạnh Trang à.
- Nếu vậy thì Trang càng không có lý do gì mà ghi tên thi nữa. Vành Khuyên xứng đáng được vinh dự kia…
Em tin là Hạnh Trang thành thật trong câu nói cuối. Ý nghĩ ấy khiến em thấy mình đã quá nhỏ nhen khi tự xem Hạnh Trang như một đối thủ để ghen ghét, ganh tức…
Bọn em chuyển qua nói chuyện khác cho đến khi cả ba uống nước xong. Hạnh Trang dành trả tiền. Vậy là em nợ nhỏ ấy một ly chanh muối.
Lúc xếp hàng vào lớp, Thúy Hiền nói nhỏ với em:
- Nè, Vành Khuyên, hình như Hạnh Trang nó muốn làm quen với mày đó.
- Tao cũng nghĩ thế.
- Mày chịu không?
- Để xem đã!
° ° °
Chẳng những hát hay, Hạnh Trang còn học giỏi. Nhỏ đã khiến mọi người phải ngạc nhiên khi trong cuộc thi “Học sinh xuất sắc trong tháng’, nhỏ đã đánh bại Lan Vi - nhỏ luôn đứng nhất lớp cũng là nhỏ thường chiếm giải này.
Trường em có một truyền thống mà em cho là rất đẹp, là thường tổ chức rất nhiều cuộc thi để học sinh trong trường ganh đua học hỏi. Ngoài “Tiếng hát Vành Khuyên” dành cho giọng hát hay nhất, trường còn treo nhiều giải khác như giải “Nữ công”, “Thể thao”… Tại mỗi lớp, nhà trường cũng khuyến khích tổ chức những cuộc thi tương tự. Tại lớp em, một trong những cuộc thi nội bộ là cuộc thi “Học sinh xuất sắc trong tháng”.
Muốn dự giải này, chúng em phải xếp hạng từ một tới mười trong tháng. Các thí sinh ngồi thành một vòng tròn và tự đặt câu hỏi cho nhau. Giáo viên hướng dẫn sẽ rút thăm chọ số thứ tự cho từng thí sinh. Có bao nhiêu người dự thi thì có bấy nhiêu vòng câu hỏi. Ở vòng câu hỏi đầu tiên, nhỏ số 1 sẽ đặt câu hỏi cho nhỏ số 2 trả lời. Nhỏ này, nếu trả lời được, sẽ đặt câu hỏi cho nhỏ kế tiếp, bằng không, nhỏ số 3 sẽ trả lời thay. Vòng thứ hai, nhỏ số 2 sẽ là người đặt câu hỏi trước tiên. Vòng thứ ba là nhỏ số 3… cho đến vòng cuối cùng. Kết quả căn cứ vào số câu hỏi mà mỗi thí sinh đặt được. Như vậy, người đầu tiên của mỗi vòng đều đương nhiên được ghi trên bảng kết quả một điểm làm vốn. Người cuối cùng của vòng chỉ cần trả lời được câu hỏi là được cho một điểm. Ai đặt được nhiều câu hỏi hơn cả, cũng có nghĩa là đã trả lời được nhiều nhất, sẽ chiếm giải, lãnh một phần thưởng tượng trưng mua bằng tiền quỹ lớp.
Hạnh Trang xếp hạng ba trong tháng và nhỏ ghi tên thi. Tháng này, chỉ có tám trong số mười người đầu tiên ghi tên. Nhỏ Vũ Ninh hạng tư và em hạng tám, rủ nhau nghỉ một kỳ để làm khán giả. Coi vậy chứ làm khán giả cũng thú vị không kém. Vừa vẫn tự kiểm tra kiến thức của mình được, vừa hồi hộp theo dõi kết quả…
Rút thăm, Hạnh Trang được số 5 ngồi giữa, Quỳnh Phương số 4 - nhỏ nhì lớp – và Lan Vi số 6. Phải trả lời những câu hỏi của Quỳnh Phương, nhỏ đã vài lần chiếm giải, và đặt đầu câu hỏi cho Lan Vi, cây gạo bài, không ai nghĩ là Hạnh Trang sẽ đoạt giải. Thế mà kết quả không ngờ, Hạnh Trang đã trả lời trôi chảy những câu hỏi của Quỳnh Phương, lại đặt hai câu khiến Lan Vi không trả lời được.
Hạnh Trang quả là một nhỏ khéo cư xử. Đoạt giải “Học sinh xuất sắc trong tháng”, nhỏ biết mình đã làm Lan Vi và Quỳnh Phương thất vọng nên nhỏ đến “trao đổi” với hai đối thủ của mình ngay:
- Hai bạn làm Trang đến “điêu đứng” vậy đó. Phục hai bạn ghê!
Quỳnh Phương thì cười vui vẻ trong khi Lan Vi có lẽ buồn, chẳng nói năng gì.
Thúy Hiền cười nói đùa với Hạnh Trang:
- Hồi nãy lúc Hạnh Trang đang thi, Thúy Hièn ngồi ở dưới cầu nguyện cho Trang đoạt giải đó. Có cám ơn thì cảm ơn đi…
Hạnh Trang khoanh tay trước ngực, cúi đầu thật thấp:
- Vâng… Trang xin thành thật cảm ơn lòng… xấu của Thúy Hiền đó!
Mọi người cùng cười vui vẻ trong khi Thúy Hiền tỉnh bơ, đứng ưỡn ngực dõng dạc đáp lại:
- Ta giả ơn cho đó. Nhưng chỉ cảm ơn suông thì có hay chi. Nhớ lát nữa đãi ta một ly chè thật ngon nghe chưa?
Hạnh Trang hỏi em:
- Tháng sau, Vành Khuyên có thi không?
- Để xem đã…
- Trang dặn Vành Khuyên điều này. Có thi, nhớ đừng rút thăm ngồi cạnh Trang đấy nhé…
- Sao vậy?
- Bộ Vành Khuyên muốn hai đứa mình thành đối thủ của nhau sao?
Em nửa đùa nửa thực:
- Hạnh Trang làm quen với Vành Khuyên đó phải không?
Hạnh Trang không đáp chỉ mỉm cười e lệ.
Tiếng Hát Vành Khuyên Tiếng Hát Vành Khuyên - Nguyễn Thái Hải Tiếng Hát Vành Khuyên