God be thanked for books! they are the voices of the distant and the dead, and make us heirs of the spiritual life of past ages.

W.E. Channing

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Văn Bổn
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Gió
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4411 / 93
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hìn đoàn người mang gùi, gồng gánh cả gia tài, con cái còn bú mớm trên lưng dời đến chỗ ở mới, ông Kỳ Ngoại cảm thấy như mình có lỗi. Cũng do cái ước muốn tạo lập một làng quen thuộc trong tâm tưởng mình, cho vợ con mình, họ mới phải khổ như vậy. Ông già Bách đoán biết, vỗ vai bạn già cười khà khà: “không đáng lo lắng vậy đâu. Dân sóc Po chúng tôi quen lắm cảnh vài mùa rẫy là phải dời đi tìm một vạt rừng mới thôi. Đất rừng nơi cũ đã cho hết cái sống rồi. Với lại rừng mênh mông bạt ngàn, lo chi.”
Mất mấy ngày lếch thếch, gồng gánh trèo đèo, vượt suối, đêm nghỉ, ngày đi, đoàn người sóc Po đã tới chỗ mới. Tuy mệt nhọc là thế, nhưng khi ngắm nhìn cánh rừng mới, nhìn dòng sông Nhỏ trong veo, họ líu ríu mắt long lanh niềm vui. Họ bấu một vốc đất màu đỏ dưới chân đưa lên miệng nếm thử, ngửi, cả cười. Trẻ con đã tuột xuống khỏi lưng mẹ, bò toài khắp bãi cát vàng trải dài dọc bờ sông. Thấy con sông lớn quá, chúng sợ hãi kêu rú, rúc vào chân mẹ.
Người lớn lập tức chặt cây dựng lều, nhà sàn, bếp núc, ngắm nghía cánh rừng nào sẽ làm mùa rẫy năm nay. Nhìn con sông rộng, người già cũng sờ sợ. Họ chỉ quen cả đời tắm rửa, lấy thức ăn, uống ở con suối hẹp, kín đáo giữa rừng sâu thôi. Nghe nói sông có cả loài sấu to, dữ dằn, họ càng sợ sệt. Nhiều người già đã quỳ bên các gò mối cao, bên các gốc cây cổ thụ, lâm râm khấn vái thần Rừng, Thần Núi, giờ thì thêm cả thần sông, thần sấu dữ nữa.
Khi Suman, nhóc Lâm Kỳ, Lâm Huỳnh và số trai sóc Po dẫn hai con trâu đen mượt qua con sông Nhỏ, cả sóc Po đổ ra la lối, thích thú. Tuy nhiên, cũng có vài người già lâm râm khấn vái thần Trâu. Lũ trẻ tung tăng chạy theo hai con trâu, nhìn ngắm, chọc ghẹo: Tru, Tru….
Suman và ông già Kỳ Ngoại, cả ông già Bách cùng đẽo cây làm bừa. Được cầm rìu, đục loay hoay bên súc gỗ trường quánh rất dẻo, để đẽo cày, ông già Kỳ Ngoại sảng khoái, như gặp lại một phần ở quê hương sông Hồng của ông. Hai con trâu tơ này là do ông già Đồng Nai, ông già xứ Quảng cho.
Người dân sóc Po không quen việc cày cấy, làm lúa nước như gia đình Lâm Huỳnh. Ông già Bách và Suman đành lo việc trồng lúa rẫy trên dãy rừng bao quanh thung lũng sông Nhỏ.
Nhẩm tính trên đầu ngón tay, ông già Bách và Suman đôn đốc dân sóc Po, phát rừng, đốt rừng trước khi mùa mưa kéo đến. Suốt ngày, dưới cái nắng chang chang, hằng trăm con người lưng trần vung rựa quéo, dao rừng phạt những cây thấp, rừng chồi. Những cây già cỗi đành phải để lại. Lâm Kỳ, Lâm Huỳnh suốt ngày lên sóc kế cận lo cơm nước giúp dân sóc. Dân sóc chú ý cách nấu nướng của cô gái Lâm Huỳnh. Họ ngượng ngùng khi ăn uống, nhưng cảm thấy rất ngon miệng. Thực ra thức ăn cũng chẳng có gì hơn, chỉ rau rừng, đọt cây trâm lang, canh chua với đọt bứa, vài con cá sông kho, thế mà họ chưa từng được nếm đến bao giờ.
Những hôm bí thức ăn, Lâm Kỳ, Suman rủ nhau vào rừng đánh bẫy kỳ nhông. Một khoanh thòng lọng bằng tóc đàn bà hay lông đuôi trâu đặt trên miệng hang kỳ nhông khi chúng ra khỏi hang kiếm cái ăn. Lâm Kỳ, Suman và vài chú bé người sóc Po cầm roi, cành cây dàn hàng ngang quất tron trót trong không khí, đập lung tung vào lùm bụi. Kỳ Nhông hoảng sợ chạy về hang, bị thòng lọng quấn cố. Có buổi, bắt được đến vài chục kỳ nhông rất mập. Chiều chiều, trong khi mọi người tắm táp, giặt giũ, Suman và Lâm Kỳ vác xà búp, dao rừng men dọc bờ sông Nhỏ, rình đâm cá éc, cá lăng. Cá éc thường cạp rêu ở ghềnh đá. Có bữa, họ đâm, chém được chục ký cá sông.
Đêm đến các lều bao quanh thung lũng nhóm bếp, lửa đỏ nơi nơi. Từ dưới thung lũng nhìn lên như sao trời.
Mùa mưa sắp đến rồi. Trời oi nồng. Mối càng đùn cao các gò mối. Đêm, chúng bay sà vào các bếp lửa cho đàn mối rơi rụng vào đấy. Hàng chén đầy mối càng béo múp. Chúng cho vào bếp, chảy mỡ, rất thơm. Ông già Bách đem rượu ra mời ông Kỳ Ngoại nhắm rượu với mối càng đem nướng lên.
Mùa đốt rẫy đã đến. Đó là những ngày đêm lửa đỏ trời, khói cay mắt. Ngọn lửa phát từ trên hướng gió, cháy rần rật, ngốn ngấu cành cây rừng khô héo. Rắn rết, cả kỳ nhông bị đám lửa rừng thiêu cháy, thơm ngát cả cánh rừng. Lũ trẻ và Lâm Kỳ chạy quanh các đám lửa đón bắt những chú trăn to bị bỏng, những con kỳ nhông bị nóng ngạt thở trồi lên khỏi miệng hang…
Đốt rẫy xong, lập tức dân sóc xúm vào dọn dẹp cành cây, những khúc cây to, còn tươi, chất thành đống ngoài bìa rẫy.
Mưa xuống ướt đất, dân sóc thành hàng dài, kẻ cầm nọc chọc thành lỗ, người phía sau bưng rổ, gùi, tay nhúm lúa giống rắc xuống lỗ, khoả chân lấp đất. Không lấp kỹ, chim rừng sẽ nhặt cả lúa giống.
Lâm Huỳnh, Lâm Kỳ cũng tập trỉa lúa rẫy. Lâm Kỳ cầm nọc thoăn thoắt, Lâm Huỳnh đi sau lưng mang gùi, vói tay nhón thóc giống cho xuống lỗ, đưa chân khoả đất lên trên. Giữa cái nắng, cái ói bức, mặt Lâm Huỳnh đỏ rựng, tóc khéo nắng. Nhưng bà mẹ của Lâm Huỳnh rất vui, vừa nghĩ đến ngày mùa ở đông bằng sông Hồng xa xôi, vừa nghĩ đến tương lai mai này cho hai con một khi tuổi già đã đến. Thương các con lắm, nhưng còn cách nào hơn?
Nhìn cảnh chàng trai Suman đem nước uống, thức ăn cho Lâm Huỳnh, bà ngoảnh mặt làm ngơ, coi như không thấy. Thực ra bà cũng tự thú nhận với lòng là hai đứa nó rất xứng đôi vừa lứa. Còn chuyện môn đăng hộ đối ư? Biết làm thế nào được trong hoàn cảnh này?
Mùa mưa ập đến giữa đất rừng phương Nam. Tối trời tối đất. Sáng nắng chiều mưa. Nước mưa từ các hẻm núi, từ các khe sâu ào ào tuôn thành thác trắng xoá. Thung lũng sông Nhỏ lênh láng nước. Cá dưới sông Nhỏ theo nước lên bờ, lóc cả vào thềm nhà, mái hiên.
Ông già Bách, Suman lập tức vác bừa, dong trâu chạy thi cùng sấm chớp nhằng nhịt. Nhiều cây cao bị sét đánh khét lẹt. Nhiều bà già hoảng sợ khấn vái thần sấm, thần mưa.
Lâm Kỳ phải canh chim rừng suốt ngày. Chúng hàng đàn vần vũ lấp ló trên cay cao, bất ngờ sà xuống đám mạ đã lên mộng lấp lánh dưới ánh nắng. Suman phải bện bù nhìn, cho mặc quần áo bằng vỏ cây rừng, đội nón, giăng tay. Lâm Kỳ rất thích đám bù nhìn giữ lúa mạ.
Suman, ông già Bách, Kỳ Ngoại cùng trai tráng sóc Po kẻ dắt đôi trâu chưa quan cày bừa, người cầm cày, đứng trên chiếc bừa chơm chởm răng. Cả thung lũng đã được cày bừa hai lần. Mạ đã lên cao, xanh mởn.
Buổi sáng cấy xuống đồng trên thung lũng sông nhỏ trước đây là hoang dã, bà mẹ Lâm huỳnh thức sớm nấu xôi cho hơn năm mươi công cấy. Bà chạnh nhớ ngày mùa năm nào bên sông Hồng. Thuở ấy, bà còn trẻ lắm, mùa nào bà cũng được dân làng chọn cấy lối đầu mùa trong tiếng hát quan họ réo rắt. Anh chàng Kỳ Ngoại gánh mạ vãi khắp ruộng cho đám thợ cấy. Lạnh cắt da. Rồi cây lúa mới xanh ngọn đã bị hạn, cháy nắng, nứt nẻ. Thế là hàng trăm con người thành hàng ngang, hàng trăm chiếc gàu sòng cứ ào ào múc nước đổ vào ruộng lúa.
Vừa chống hạn xong, lại phải chống úng. Nước lai láng. Lại phải thành hàng, gàu sòng lại múc nước thâu đêm. Có mùa vỡ đê, hạn hán, bão lụt. Phải gieo mạ cả trên sân gạch trước nhà để kiếm hạt lúa.
Còn ở đây mùa cấy xong, bà và dân làng phó mặc cho trời đất. Khỏi phân tro, tưới tát. Khỏi chống hạn, chống úng, mưa bão. Cây lúa trời nuôi cứ thế mà xanh tốt, bông sai, hạt mẩy. Một số dân làng Tri Ân cùng ông già Đồng Nai, ông già xứ Quảng vượt sông lên chơi, thăm thú, động viên, mang cho cả gà qué, trái cây. Họ gọi là quà “dưới xuôi” lên tặng “miền ngược”. Bà mẹ Lâm Huỳnh cười rơi nước mắt: “Mình đã trở thành dân miền ngược ư?”. Như hồi còn ở sông Hồng, thỉnh thoảng cũng có đồng bào miền ngược về xuôi, mang theo nào quế, trà, nấm, măng lưỡi mèo, lưỡi trâu, mật gấu, đổi lấy quà miền xuôi. Họ ăn mặc khá đẹp.
Bây giờ bà và gia đình đã thành dân “miền ngược” rồi ư?
Ông Kỳ Ngoại cười khà, má đã lõm sâu, hai đuôi mắt hiện hai chum vết chân chim, hai cái răng cửa đã từ giã ông lâu rồi: “Miền ngược, miền xuôi, Đàng Trong, Đàng Ngoài…”. Số trời đã định rồi, không cãi lại được rồi. Cầu mong sao Lâm Kỳ, Lâm Huỳnh của chúng ta có hạnh phúc, kẻ ác quên nguôi đi cái án đã gán cho gia đình ta ở sông Hồng, là yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Đây sẽ là quê hương thứ hai của họ tộc chúng ta. Nay mai thôi nơi này sẽ thảnh làng xã trù phú, mở mang dọc theo con sông nhỏ này, ăn thông với con sông cái là con sông Đồng Nai, xuôi dòng vài chục quăng rựa là phố thị trù phú….Nếu còn sức, sau mùa thu hoạch này, tôi sẽ rủ ông già Bách cùng đi một chuyến xuống tận cùng dải đất phương Nam coi sao. Nghe nói dưới đó còn hoang vu, trù phú hơn ở đây nhiều. Đất mênh mông, sông rạch chằng chịt. Cá mú đầy đồng, chim muông bay đen trời, chưa mấy ai khai phá.
Bà cười, nhìn hai má nhăn nheo của chồng:
- Thôi xin ông. Chỉ cầu mong được yên lành chốn này là được rồi. Cái hồi bị chúng truy lùng ở sông Hồng, hai vợ chồng chúng ta chỉ cầu trời cho một khoảnh đất, một cánh rừng để sống đời, rau cháo có nhau để nuôi con cái khôn lớn, thành người…
- Tôi chỉ sợ bà buồn, bà nhớ mái nhà ở sông Hồng.
- Buồn nhớ thì bao giờ cũng còn. Nhưng làm thế nào được hả ông?
- Bà đã nghĩ vậy tôi mừng. Ông sáu Đồng Nai nhiều lần khuyên tôi đã tới xứ này cứ yên tâm ở lại xứ này. Xứ Đồng Nai này không phụ lòng bà con tứ xứ tới đâu. Đất đai, rừng núi mênh mông. Hột lúa trên rừng, trên ruộng. Con cá dưới sông, đừng nghĩ gì hết, hao tổn sức lực tinh thần. Sao không coi là con dân Đồng Nai, có được không? Có tốt hơn không? Nói cùng nếu bọn chúng có truy tìm gia đình anh, gia đình ông Quảng, bà con Đồng Nai chúng tôi đứng giương mắt nhìn à? Không. Dân Đồng Nai tứ hải giai huynh đệ. Một khi đã thề nguyền kết nghĩa dưới sự chứng giám của núi sông xứ Đồng Nai khoai củ rồi thì hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly….
- Tôi tin tưởng ở ông sáu Đồng Nai, ông già xứ Quảng, ông già Bách, cả thằng Suman nữa. Tại cái tính tôi hay cả nghĩ, nhớ nhung vậy thôi. Nhớ ngày nào gồng gánh chạy té tát khắp nơi ở đồng bằng sông Hồng, trèo đèo ngược suối lên cả miệt Lạng Sơn, Cao Bằng, không chốn nương thân. Nơi nào cũng bị truy đuổi, cũng dồn vào đường cùng..Ngày nay được như vậy còn mong muốn gì hơn nữa chứ? Tôi nói vậy ông thấy phải không? Tôi với ông cũng đã quá tuổi sáu mươi rồi, còn sống được ngày nào, cũng chỉ vì con cái thôi..- Bà lại kéo chéo khăn rằn lau nước mắt, khiến ông rưng rưng, tức ngực khó thở, hai dòng nước mắt chực tuôn trào.
Mùa gặt lúa nước đã đến. Nắng phương Nam chang chang. Nắng run rẩy lá cây, ngọn cỏ. Đàn chim rừng rào rào sà xuống các đám lúa nước vàng trĩu hạt. Hàng trăm người dân sóc Po đã gặt lúc rẫy xong, treo từng bó trên nhà sàn. Đêm đêm, tiếng chày giã gạo lúa mới vang động khắp cánh rừng. Trẻ con tíu tít, lủi rừng bắt chim, săn kỳ nhông, xuống thung lũng bắt cá cạn.
Dân sóc Po cùng Suman, ông già Bách kéo xuống dàn đầy cánh đồng lúa. Họ không quen gặt lúa nước bằng liềm, hái. Thôi, cứ cắt ngang thân cây lúa, bó để đấy. Ông Kỳ Ngoại, bà mẹ của Lâm Huỳnh, Lâm Huỳnh, Lâm Kỳ và cả ông già Bách cũng xúm vào đập lúa rải vàng các đồi, sân nhà. Tiếng đập lúa ầm ầm xuống hàng chục chiếc ghế gỗ. Hạt lúa bay tung toé xung quanh bồ chằm bằng lá buông. Lâm Kỳ, các cô gái sóc Po xúc lúa hạt đem rê, đổ vào cà tăng bện bằng mây rừng, lá buông, coi đây là lương thực chung cho cả sóc làng. Khi bàn đến chuyện ấy, ông già Bách cười khì: “làng chưa ra làng, Sóc không còn là sóc xưa. Hay đó”.
Suman cũng cười khà khà, đập từng bó lúa ầm ầm xuống mặt ghế đập, mồ hôi ròng ròng. Lâm Huỳnh vào nhà lấy cái áo của bố ra trao tay Suman: “bụi lúa ngứa lắm, mặc cái áo vô, kẻo ngứa không chịu được đâu.” Suman cầm chiếc áo săm soi, lộn qua lộn lại một lúc, cười khì: “đâu có quen bận áo như vầy? không ngứa đâu, Lâm Huỳnh mặc thêm vào cho ấm”. Lâm Huỳnh và bà mẹ cười: “Nóng muốn cháy da đây, ở đó mà “mặc thêm cho ấm”. Suman cũng cười: “Sao tui nghe ông già Quảng nói: ở quê ông, gặp mùa nắng mặc thêm nhiều áo sẽ bớt nóng.”
Bà mẹ cười, lúc lắc mái tóc vướng đầy bụi thóc:
- Đúng đấy, ở đồng bằng sông Hồng, vào mùa nắng gọi hè, nắng như thiêu như đốt, bà con đi làm đồng quàng thêm chiếc áo tơi bằng lá buông, coi như cái mái nhà vậy mà.
Lâm Huỳnh cũng cười ngất, nghĩ: “Suman cố ý tìm hiểu cách sống, cách làm ăn của người miền xuôi để làm gì nhĩ?” Cô mỉm cười má bỗng đỏ rựng. Thằng Lâm Kỳ đang đập lúa cạnh đấy bỗng trông thấy, la lớn:
- A, bắt quả tang nhé, mặt chị Lâm Huỳnh đỏ hơn thoa son.
Lâm Huỳnh bỏ thúng lúa đang rê, đuổi theo Lâm Kỳ quanh quẩn khắp sân lúa. Lâm Kỳ luồn lách rất khéo, bất thần sà vào bổ đập lúa của Suman, khiến Lâm Huỳnh húc đầu vào nách của Suman. Cả hai cùng bật ngửa trong tiếng cười vang của mọi người.
Ông già Bách đưa mắt ý tứ nhìn ông già Kỳ Ngoại.
Vài cô gái người sóc Po cất tiếng hát véo von, uốn lưng vung bó lúa đập mạnh xuống lưng ghế đập. Hai chân ghế nhảy chồm chồm, trong tiếng hát khào khào của cô gái độ đôi mươi, ngực đồ sộ phơi trần ra nắng gió trước bàn dân thiên hạ.
“Em như cái bông
Đến mùa nảy trổ
Anh như bướm đỏ
Bay lượn đến bao giờ?”
Cả tháng trời thu hoạch mùa lúa nước, mùa lúa rẫy, mọi người mệt bã nhưng lại là mùa rất vui vẻ, xích gần nhau giữa người miền xuôi, miền ngược, người Đàng Trong, người Đàng Ngoài. Riêng Suman và Lâm Huỳnh dường như đã hiểu nhau rất nhiều đến mức không còn cái ý nghĩ người của hai miền xa xôi nữa. Đi rừng, hái nấm, bẻ măng, đánh bẫy gà rừng, chim muông, họ cùng được đi bên nhau từ sáng sớm đến đỏ đèn. Xuống sông vớt củi, đâm cá, họ cũng có hai bên nhau. Nhiều cô gái sóc Po bấy lâu để ý Suman, mê mẩn Suman nhưng thấy tình cảnh Suman với Lâm Huỳnh, các cô đã âm thầm rút lui, cắn răng hướng tình yêu, sự lựa chọn của con tim về một chàng trai khác của sóc Po, hoặc chàng trai ở làng Tri Ân của ông già Đồng Nai.
Hình như họ không có tật tranh giành từ miếng cơm manh áo đến tình yêu. Bộ ngực, tấm thân trời cho của họ, đẹp đẽ là thế họ cũng không cất giấu cho riêng họ và cho đêm tối. Xấu che, tốt khoe. Còn với các cô gái miền xuôi như Lâm Huỳnh hay cô gái của ông già Quảng ở làng Tri Ân thì “xấu tốt đều che tất”. Đó là gia phong là phong tục, nhân cách sống. Đến nay, bà mẹ Lâm Huỳnh, thằng nhóc Lâm Kỳ, cả ông già Kỳ Ngoại nữa cũng cảm thấy không kỳ quặc khi ra khỏi nhà đã gặp các cô gái sóc Po hơ hớ, tuổi mười hai mười lăm cứ quấn sơ sài một mảnh vải che kín bụng dưới, phần còn lại của cơ thể cứ khoe với trời, đất, núi, sông. Nhiều lúc ông Kỳ Ngoại đang tắm dở dang ở khe suối có ống tre làm máng, các cô gái trẻ sóc Po cứ thế trần truồng ào vào tắm cùng ông, cười nói hồn nhiên, da dẻ thơm ngát mịn màng, ánh lông tơ. Những lần đầu, ông ngượng đến đỏ chín khuôn mặt nhăn nheo vội vàng đứng dậy bỏ đi. Các cô cười ran, còn chạy theo nắm tay ông kéo xuống khe:
- Bố đi đâu. Tắm chưa xong mà. – họ bắt chước Lâm Huỳnh, Lâm Kỳ gọi ông là bố.
Thế là ông vùng vãy cố thoát khỏi các cánh tay trần, tấm thân trần áp sát bao vây, quất chặt lấy ông. Họ lại kéo ông đến vòi nước, kỳ cọ tắm táp cho ông. Hơi thở thơm nồng phả nóng mặt mũi ông. Tắm thân trắng phau, nóng hầm hập áp sát người ông..Ông gần như ngất đi, ông sợ đủ thứ. Đó là thói quen của họ nhưng với mình đó đâu phải thói quen? Người đời sẽ bảo: lợi dụng, sàm sỡ, ham muốn. Thế đấy. Họ không quen che giấu, kể cả của quí ấy đang thời đẹp rực rỡ như hoa rừng. Còn dân mình thì giấu tuốt. Tại sao thế nhỉ? Với ông già Đồng Nai cũng thế: nghĩ sao nói vậy, nói lời thì giữ lấy lời. Ở làng Tri Ân, quanh làng không rào giậu, không bị che chắn bao bọc bởi luỹ tre làng. Nhà không cửa đóng then cài như cái làng ở đồng bằng sông Hồng, một con gà, một ngọn gió cũng không qua lọt.
Mùa màng đã xong, ông già Bách bảo:
- Lễ cúng Giàng xong, vui chơi một con trăng, lại lo mùa tới.
Sóc đang rộn rịp lễ cúng Giàng, mừng mùa lúa mới, gọi là lễ hội đâm trâu, hoặc có nơi gọi là lễ ăn nhang. Nhang là trâu. Trâu thì cả sóc mới chỉ có hai con, giết đi một mùa lúa nước tới lấy đâu trâu kéo, cày bừa?
Ông Kỳ Ngoại đắn đo mãi mới bảo ông già Bách:
- Hay bỏ tục đâm trâu?
- Không được, sợ mùa tới bị thất, bị Giàng phạt.
Suman nói:
- Hay để tui với Lâm Kỳ xuống làng Tri Ân tìm trâu?
Hai ông già suy nghĩ lúc lâu, gật đầu dặn thêm:
- Đổi lúa, khoai, lấy trâu. Trâu bé cũng được. Không xin, đừng làm khổ ông sáu Đồng Nai nữa, phải tự lo lấy thôi.
Nói vậy nhưng trong bụng ông Kỳ Ngoại không muốn để Suman đi chuyến này. Ông không thể giải thích cùng ông già Bách và Suman: ông ngại cô gái xứ Quảng ở đấy. Lần trước ông đã thấy ánh mắt, nụ cười của cô ta cùng chàng trai trẻ Suman. Lần ấy ông mặc kệ, nhưng lần này ông đâm lo. Và ông hồi nhớ lại mốt tình của ông và bà vợ thuở ấy, rắc rối lắm. Giá như con gái ông và Suman không có tình ý gì. Vả lại cái sóc Po này, cả cái vùng rừng này và cả cái làng nhỏ tương lai này có còn chàng trai nào hơn nữa đâu? Và nếu có chưa chắc có chàng trai nào thay thế được Suman trong con tim non trẻ của Lâm Huỳnh.
Ngắm nhìn gốc cây trắc già với chum rễ cắm sâu xuống lòng đất, ông cảm được cái tình cảm, cái tâm tư kỳ bí ấy cứ càng ngày càng cắm sâu vào tâm hồn, chi phối mọi nỗi lo lắng của ông mỗi khi ông nhìn thấy Suman và Lâm Huỳnh quất quít bên nhau.
Suman và Lâm Kỳ ra đi từ ba ngày hôm trước.
Đến trưa ngày thứ sáu dân sóc Po và hai ông già Bách, ông Kỳ Ngoại bắt đầu sốt ruột, lặng lẽ hút thuốc, ra vào che tay nhìn xuống dòng sông Nhỏ lặng lờ mùa tháng giêng, hai. Chẳng thấy một bóng dáng nào dắt trâu trở về
- Hay để toi xuống đó coi sao? –Ông già Bách bảo bạn
- Nếu đi hai ta cùng đi. Mùa này ở nhà cũng chẳng có việc gì bận rộn lắm. Mọi sự chuẩn bị cho lễ cúng đã gần xong.- Ông Kỳ Ngoại lắc đầu nhìn bạn già đang đốt thuốc lá, cái môi dưới trề ra.
- Đâu có được, anh phải ở nhà. Đường sá khó khăn, chưa quen rừng núi, tôi đi hay hơn. Có chuyện gì xảy ra tôi cũng quen cách xử sự theo phong tục trong này, đúng không?- Ông Bách nói.
Lâm Huỳnh càng sốt ruột hơn. Cô hết ra lại vô, lên chòi, xuống sông, ngực cứ như đeo đá. Lần đầu trong đời cô biết thế nào là sức mạnh của tình yêu. Cô chợt thì thầm hát lại mấy câu ca dao cổ ở đồng bằng sông Hồng thuở bé cô thường nghe bà nội, rồi mẹ hát ru trong đêm vắng:
“Gió sầm sịt lưng chừng ngoài biền Bắc
Hạt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên
Em muốn yên mà nghĩ chẳng đặng yên
Sợ mưa dầm, nước mặn, biết tựa con thuyền vào đâu?”
Cô nằng nặc đòi được đi theo ông già Bách. Nhìn thẳng vào đôi mắt sâu thẳm của cô một lúc, ông già Bách ngẩng nhìn ông Kỳ Ngoại:
- Cho nó đi thôi.- Ông đưa tay chỉ cây trâm lang non trước hiên nhà, nói xa xôi- Đừng để nó héo như cái cây trâm lang mùa nắng.
Ông Kỳ Ngoại đưa mắt tìm kiếm bà vợ đang lom khom thổi lửa dưới gốc cây trắc cổ thụ, trầm ngâm rất lâu, mới thủng thỉnh bước ra gần vợ, thì thầm điều gì đó. Đôi mắt trong veo của Lâm Huỳnh nhìn cảnh bố mẹ thì thầm cùng nhau, gần như tuyệt vọng. Rồi ông Kỳ Ngoại trở vào, bảo ông già Bách:
- Nó đi với anh vợ chồng tôi yên bụng. Mọi chuyện do anh định đoạt tại chỗ cho êm đẹp. Chắc cũng chẳng có chuyện gì quan trọng lắm đâu. Lo là lo vậy thôi. Trời sinh con người khác loài cây cỏ là vậy. Lo suốt đời, lo cả con bò trắng răng…
Thế là hai bác cháu qua sông Nhỏ vào sáng sớm. Mặt sông phẳng lặng, bốc nhẹ hơi sương ấm nồng mùi khói đâu đó đốt rẫy đưa về.
Con thuyền độc mộc độc mộc do chính tay Suman, ông già Bách và ông Kỳ Ngoại đốn gỗ, moi ruột, lấy dầu chai ở các gốc dầu cổ thụ trét kín.
Ngồi ở đầu mũi thuyền Lâm Huỳnh chạnh nhớ Suman lúc anh chàng vung rìu moi ruột cây trắc cổ thụ hõm sâu thành lòng con thuyền.
Ông già Bách không cho Lâm Huỳnh thọc tay xuống sông nghịch nước, sông có sấu dữ. Không được quên sấu dữ rình mò mọi lúc. Ông bảo Lâm Huỳnh thế khiến Lâm Huỳnh giật mình rụt tay về, so vai, lồm cồm theo lòng thuyền bò ra sau lái ngồi gần ông già.
Hình như cô gái nào cũng có bản tính tìm nơi che chở.
Con thuyền đã cắm mũi vào bờ bên kia sông Nhỏ. Một con cá sông gần ký nhảy bắn lên không, quẫy cựa lúc lâu mới lao xuống lòng thuyền. Lâm Huỳnh vội vàng bò đến chộp con cá cười sằng sặc, khoe cùng ông già. Ông già tái mặt, nhưng cũng cố cười theo: “Chim sa cá lụy”. Theo ông đó là điềm xấu. Đáng lẽ phải quay lại thôi nhưng ông thừa biết ông không đủ sức bắt Lâm Huỳnh phải quay trở lại và thật lòng là ông không đành lòng nhìn đôi mắt khắc khoải của nó. Đến như bố mẹ nó mà phải đành lòng cho nó đi chuyến này huống gì ông? Và có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời ông cãi lại điềm xấu biểu hiện trước mắt. Nếu có dân sóc Po ở đây, ông không thể làm điều trái ngược ấy. Tất cả tội lỗi hiểm nguy về sau họ sẽ đổ riệt cho ông: Thần Rừng, Thần Núi, Giàng sẽ trừng phạt ông.
Ông chỉ bảo cô gái:
- Để con cá lại thuyền, trở về sẽ lấy.
Lâm Huỳnh hào hứng bước thoăn thoắt theo ông. Đến chiều tối hai bác cháu mới đến đầu làng Tri Ân. Lâm Huỳnh háo hức, mặc dầu rất mệt mỏi sau cả ngày cuốc bộ, trèo đèo, lội suối dưới cái nắng chang chang, mồ hôi đẫm lưng áo, khát nước cháy họng.
Vừa đến đầu ngõ làng Tri Ân bỗng Lâm Kỳ từ đâu chạy nhào đến mặt mày sưng tím, khóc thét nhảy vào ôm chầm ông già Bách, Lâm Huỳnh run cầm cập, ôm choàng lấy em, hỏi lớn:
- Có chuyện gì? Ai đánh em? Còn anh Suman đâu không thấy?
- Họ vậy đánh anh Suman đông lắm, đi cứu anh Suman đi ông. Có ông mới cứu được anh Suman. Ông bác Sáu Đồng Nai, ông Quảng cũng đành bó tay, bị họ bao vay đầy trời.
Ông già Bách chạy trước, tay giơ cao chiếc xà búp và chiếc ná thần cánh rộng hai sải tay.
Lâm Huỳnh Lâm Kỳ chạy theo sau. Từ xa tiếng kêu thét hỗn loạn, tiếng sắt thép va chạm nhau ghê rợn.
Giữa sân nhà ông già Sáu Đồng Nai, một đám đông trai tráng đang bao vây Suman và ông già Đồng Nai, ông già Quảng vào giữa. Họ gầm ghè, giơ cao dao, mác thông, xà búp, rựa quéo đi rừng. Gần tay thanh niên miền xuôi dữ tợn nhất, cô gái xứ Quảng rất đẹp mà Lâm Huỳnh nghe Lâm Kỳ kể trước đây cũng bị họ trói ké vào gốc cây mít già.
Suman nói to:
- Tôi có nói với Thần rừng, Thần sông, Thần núi làm chứng: tôi không hề có ý xấu với cô gái kia của các anh đâu. Nếu các anh đổ oan cho tôi, nhục nhã tôi sẽ đánh lai. Tôi nói thiệt sức các anh ở đây tôi coi như con thỏ, con cheo ở rừng, ở sóc Po thôi.
Phúc, thanh niên ăn mặc bảnh bảo thét lớn:
- Câm miệng. Ở đây ai là con thỏ con sóc của mày? Tao biết mày giỏi võ, lại có gồng có ngải độc trong người nhưng tụi tao đâu có ngán. Tao là dân tứ chiến, từ xứ khu eo miền Quảng Ngãi vô đây, đâu phải chuyện chơi. Cả cô gái này cũng là dân xứ Quảng đâu phải tha phương vô đây cúng không cho mày, một lũ Mọi?
Suman rú to, nhảy dựng lên tại chỗ, bắp thịt cuồn cuộn, râu bó hàm dựng đứng:
- Ê có gì nói tui là được, không đựơc động đến Mọi của sóc Po tui.
Cô gái xứ Quảng khóc lóc, chợt nói to trong nước mắt:
- Có ông bác Đồng Nai, ông bác Quảng làm chứng đó. Tôi với anh Suman kia không hề có nói chuyện riêng, không hề gặp gỡ riêng. Khi anh ấy đang cùng thằng nhỏ Lâm Kỳ nắm mũi trâu dẫn ra bờ sông. Tại sao anh lại đổ tiếng oan, đổ cái nhục lên đầu tui?
Phúc, thanh niên bảnh bao cười hơ hớ:
- Không có gì à? Tại sao mấy đêm qua cô trốn tôi, cô không trò chuyện với tôi ngoài bờ sông như khi thằng Mọi kia chưa tới đây mua trâu, lái trâu hả? lái trâu thì tôi chẳng lạ đâu.
Ông già Đồng Nai bước ra giữa sân, lông mày dựng đứng, đưa tay chỉ thẳng mặt thành niên bảnh trai tên là Phúc:
- Nè, tới đây phải ăn nói đàng hoàng, chú em. Đất rừng, sông núi xứ này có chủ, có cách sống đàng hoàng. Tôi hỏi chú từ đâu tới? Chú tự xưng là người xứ Quảng hả? Xin lỗi Tôi nghe giọng nói của chú chẳng có chút nào Quảng hết trọi. Có ông già Quảng cố cựu ở đây làm chứng, dân cái làng Tri Ân này là nghĩa khí: tứ hải giai huynh đệ, hoạn noạn tương cứu, sanh tử bất ly. Tôi chứng minh chứ Suman người sóc Po đây đã tới đây lần này là lần thứ hai. Lần này, chú tới tìm mua con trâu về sóc làm Lễ cúng Nhang. Chú có biết tục lễ cúng Nhang của người sóc Po không? Hai đêm, chú cùng chú nhỏ ngủ ở nhà tôi, có ông Quảng, chú có biết ông Quảng đây không? Không chớ gì? Suman không hề chuyện trò riêng tư gì với nhỏ Hồng. Tôi nói như đinh đóng cột, tôi không bênh ai hết. Chớ có muốn ăn gắp lửa bỏ tay người. Xấu lắm. Dân Đồng Nai ở đây không chịu cái thói ấy đâu. Rồi tôi khắc lời chuyện thứ nhất. Nghe cho rõ, còn lời thứ hai: nếu chú em và năm chú em cùng phe có muốn trổ tài cao thấp cùng chú Suman tại đây, tôi ông Quảng và người già ở đây xin chứng kiến. Nhớ: chỉ so tài, thử tài nhau thôi, để mà biết nhau, học tập cái hay của nhau thôi. Nhớ: đao kiếm vô tình. Là thử tài, không phải chuyện trai gái. Nhớ rõ chưa?
Phục chột dạ, trao đổi gì đó cùng bốn tay cùng đi một lúc mới cất đầu nói:
- Nếu ngộ nhận chuyện kia tôi cũng xin lỗi, còn tranh tài cao thấp là chuyện khác. Tôi cũng muốn thử tài Suman nhưng chúng tôi gồm năm người, cùng thử tài một lúc với Suman được không?
Không đợi ông già Đồng Nai hỏi, Suman gật đầu, thủ thế. Chợt Lâm Huỳnh nhào ra giữa sân, nắm tay Suman mếu máo:
- Suman đừng vì em mà lao vào nguy hiểm. Chúng nó thâm hiểm lắm, chúng muốn cậy đông hiếp yếu đó. Em đã hiểu lòng anh rồi, đừng vì em mà….
Ông già Bách và ông già Quảng bảo Lâm Huỳnh:
- Cháu Lâm Huỳnh, cứ để Suman tỉ thí cùng năm chú em kia. Cần lắm. Cần cho mai sau nữa. Bác nói lại, đây là chuyện tranh tài cao thấp, cũng là tập tục ngàn xưa của người dân Đồng Nai này. Không phải chuyện trai gái thường tình đâu, cháu khỏi lo.
Suman gỡ tay Lâm Huỳnh rời khỏi cánh tay mình, nói nhỏ:
- Lâm Huỳnh bên bụng. Đây là chuyện tranh tài, thử sức thôi.
Lâm Huỳnh không còn cách nào khác, đành phải rời tay Suman, sau khi bảo nhỏ, giọng chìm trong nước mắt:
- Họ muốn giết anh, nhớ đấy. Chỉ cao thượng với người cao thượng, hào hoa với người hào hoa thôi. Nhớ đấy.
Lâm Kỳ đứng bên ngoài, hai bàn tay nắm chặt, sẵn sàng xông vào tiếp cứu nếu Suman gặp nguy. Có chết cùng chết.
Hai ông già ngồi trên hai chiếc ghế bằng hai gốc cây già, chứng kiến. Dân làng Tri Ân tụ tập vòng trong vòng ngoài, đông nghẹt. Lâm Kỳ nói thầm vào tai Lâm Huỳnh:
- Chị chớ lo, anh Suman chấp cả năm người ấy, như cọp xông vào đàn cừu non thôi. Với lại, dân làng Tri Ân tuy cười nói vậy nhưng họ không bỏ Suman đâu em biết.
Năm tay thanh niên dàn ra sân, bao quanh Suman, Suman đứng giữa, xuống tấn, gồng mình, bắp thịt cuồn cuộn, kêu răng rắc, râu tóc dựng ngược, mắt toé lửa xanh, hú một tiếng dài bảo:
- Vô đi, thử tài chơi cho vui làng Tri Ân.
Phúc nhử tay hai lần, lao vào Suman. Lập tức Suman hú một tiếng ghê rợn, búng người lên cao, quay ba vòng như cái bông dầu trong gió, mới sà xuống, hai chân đứng trên vai hai tay thanh niên đứng gần, một tay giáng mạnh xuống đầu tên thứ ba. Tên thứ năm nhoài người ra la lớn, lao vào Suman khi hai chân Suman vừa chạm đất. Chẳng ngờ, Suman uốn người như mèo rừng, dung một tay quặp cổ một tay thanh niên, đập mạnh vào đầu tên đứng gần. Hai tên này ôm đầu, lảo đảo, kêu rú thê thảm. Phúc núng chí, nhưng đã đâm lao phải theo lao thôi. Hắn soài người dùng một chân quét hớt hai chân Suman khi anh vừa chạm đất. Lập tức Suman uốn người như con báo dữ, dùng đầu đập mạnh vào trán Phúc. Hắn rú to một tiếng, đưa tay vuốt máu xối đỏ trán, rồi ngồi phịch xuống sân.
Suman vòng tay bái tổ, bái Thần Rừng, Thần Núi, quay lại cúi chào hai ông già Đồng Nai và xứ Quảng, nói:
- Được rồi hả bác? Thôi thử nhau vậy thôi. Làm cho chảy máu cháu không vui bụng đâu.Thần rừng, thần núi cũng không vui bụng. Tài giỏi là để đấu nhau với giặc, với thú dữ trong rừng thôi.
Dân làng Tri Ân vỗ tay vang trời, Lâm Kỳ và Lâm Huỳnh chạy ra nắm tay Suman, dắt đến chào hai ông già.
Đến trước mặt ông già Bách, đến lúc này Suman mới trông thấy. Suman cúi đầu tạ lỗi cùng ba ông già:
- Cháu có lỗi, cháu múa rìu qua mắt thợ.
Ba ông già cười ha hả, vỗ vai Suman. Đón chén nước trong tay Huỳnh trao tận tay Suman, ông già Đồng Nai cười ha hả:
- Học được cách nói của dân Đồng Nai rồi đó, cả cách nói của dân đồng bằng sông Hồng nữa: “múa rìu qua mắt thợ”.
Năm tay thanh niên bảnh bao chuẩn bị cuốn gói. Họ gánh mỗi người hai chiếc thùng thiếc bên trong chất đầy vải nhiều màu. Chiếc đòn gánh bằng gỗ cẩm lai đen mun, sắc cạnh, có thể làm vũ khí lúc đi đường. Hoá ra họ là dân buôn bán vải rong, lang thang từ làng này qua làng khác, có sức mạnh, giỏi võ và gan dạ. Sống lang thang như dân du mục, nên tác phong cách ăn nói bạt mạng, giọng lơ lớ của người Triều Châu, Phúc Kiến bên Tàu. Chàng trai đứng đầu đến chào ông già Đồng Nai, ông già Quảng, cả Suman và Lâm Huỳnh. Gặp ông già Bách đang uống rượu họ nói:
- Mùa tới, chúng tôi sẽ đem vải đẹp lên sóc Po, ông vui lòng chứ?
Ông già Bách gật gù:
- Dân sóc Po chưa quen mặc vải đẹp. Có muối, đá lửa, dầu hôi thay dầu chai, ông đem lên. Chúng tôi sẽ đổi lại dầu chay trét ghe thuyền, thúng mủng, khoai củ, lúa má, sừng nai, mật gấu….
- Tốt, tốt lắm. Chúng tôi sẽ đến thăm sóc Po. Nói xông Phúc, chàng trai háo sắc liếc sang Lâm Huỳnh một cái mới quay đi, chạm nhẹ vào cánh tay cầm xà búp của Suman. Suman cười không nói gì.
Năm tay trai trẻ bán vải rong chưa ra khỏi xóm, đã gặp một chàng trai cao lớn, vạm vỡ, tóc rễ tre, vai gấu, ngực đồ sộ từ dưới bến bước lên, trợn mắt nhìn chằm chằm vào năm tay thanh niên bán vải, cất tiếng cười ha hả, ngạo nghễ:
- Trái đất tròn, lại gặp các chư vị đây. Đi đâu mà vội vàng vậy Phúc?
Phúc lật đật đặt gánh vải xuống, cung tay cúi chào chàng trai mới tới:
- Chào anh Hai. Mạnh giỏi chứ, anh Hai?
- Cám ơn các hú. Mạnh giỏi hơn lần gặp trước. Vô đây làm một ly ấm bụng rồi đi?
- Xin cám ơn anh Hai “tứ hải”
- Nè, sao mặt mũi bầm tím vậy? Đánh nhau hả? Cái tật coi trời bằng vung của mấy chú không bỏ được sao? Làm ăn mà đeo đẳng cái máu yên hung rơm đó, chết có ngày. Dân Đồng Nai chúng tôi không chịu cái kiểu ngổ ngáo ấy đâu đó.
- Dạ, tụi em có lỗi. Có mắt mà không thấy núi Thái Sơn
- Vùng này không có Thái Sơn. Chỉ có núi Chứa Chan, núi Bà Rá, Ông Yệm thôi. Nhưng chẳng kém núi Thái bên Tàu đâu
Thế rồi chàng trai ngang tàng cất tiếng cười ha hả, bước vào chào ông già Sáu Đồng Nai, ông già Quảng. Trông thấy ông già Bách, chàng trai mừng rỡ reo to, giọng rổn rảng:
- Ông Bách, mạnh giỏi hả ông Bách? Ai đây, à chàng trai hùng sóc Po, xin chào.
Ông già Bách cũng vui mừng không kém. Hoá ra họ đã quen nhau từ lâu. Chàng trai Đồng Nai đập đập vào vai Sman, nức nở:
- Trời trời, mới đó mà đã cao lớn, to khoẻ thế này rồi. Thế nào, vợ con gì chưa?- Nhìn theo ánh mắt ngượng ngùng của Suman, chàng trai giật bắn khi trông thấy cô bé Lâm Huỳnh như cái hoa rừng rực rỡ. Hiểu ra mối quan hệ thầm kín của cô gái và Suman, chàng trai Đồng Nai cất tiếng chào Lâm Huỳnh:
- Xin lỗi cô, nãy giờ tôi không trông thấy. Xin thành thật chúc mừng cô và Suman. Tôi quen Suman từ lúc anh chàng mới cao bằng này nè- Anh đưa tay ngang ngực mình, tiếp- hay lắm, ông trời se duyên. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.
Suman ngang tàng là vậy mà bỗng đỏ mặt kêu to:
- Anh Tứ Hải, đừng làm cô ấy ngượng, tôi giận anh đó.
- Vậy à? Xin lỗi
Quay sang ông già Đồng Nai, chàng trai Tứ Hải phong trần, nhỏ giọng lễ phép:
- Thưa bác, cha tôi đã qua đời hơn ba tháng nay. Tôi không sao báo tin buồn tới bác được. Lúc lâm chung cha tôi có trối: khi nào gặp lại bác, nói với bác là cha tôi rất mãn nguyện. Vậy thôi. Tôi chưa kịp hỏi: mãn nguyện về cái gì? Thì cha đã trút hơi thở cuối cùng.
Ông già Đồng Nai vịn vai chàng trai Tứ Hải, giọng rất buồn:
- Bác có biết tin buồn đó, sắm sửa hành lý định đi viếng anh Hai thì có chuyện không vui ở đây. Đành thất lỗi…Còn câu trăn trối rất mãn nguyện là thế này…- Ông già Sáu Đồng Nai im lặng, đưa đôi mắt sáng rực nhìn chàng trai Tứ Hải, nhìn ông già xứ Quảng, Suman, ông già Bách, Lâm Kỳ và Lâm Huỳnh lựa lời:
- Đấy gặp nhau tứ hải giai huynh đệ, cái tình như chén nước đầy thế này là ước nguyện của anh ấy lúc sinh thời. Anh ấy từng nói: “Mình may mắn là dân bản địa, nhiều đời sinh ra, lớn lên ở đây. Thời thế đổi thay, xáo trộn, nhiều gia đình, nhiều người bị truy đuổi, áp bức, thất cơ lỡ vận chạy đến xứ mình tìm đất sống, mình phải trải lòng ra đón họ, bảo bọc họ. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, sao cho xứng hai tiếng Đạ Đồng-Đồng Nai.” Điều mãn nguyện thứ hai chính là sự trưởng thành mau chóng của cháu đó, Tứ Hải..Bác gặp lại cháu thế này, bác cũng rất mãn nguyện. Cám ơn trời, phật, đất Đồng Nai..Chuyến đi của cháu vừa rồi thế nào?
Chàng trai Tứ Hải lúng túng, mặt ửng đỏ:
- Dạ cũng tạm được. Cháu đã gặp các bác, chú ấy ở biên giới xứ Cao Miên, ở biên giới xứ Xiêm, Miến Điện…
- Thông đồng bén giọt cả hả cháu?
- Dạ..cũng được – Tứ Hải nhìn nhanh những người chung quanh cảm thấy không tiện nói đầy đủ về chuyến viễn du năm tháng qua. Gian nan và nguy hiểm thì rất nhiều. Hàng chục lần cái chết đã kề cổ.
Suman, ông già Bách và Lâm Huỳnh háo hức nhìn chằm chằm chàng trai Tứ Hải. Chắc chàng ta mang một sứ mạng quan trọng lắm cho bản làng vùng Đồng Nai thượng, Đồng Nai hạ này chăng?
Ông già Bách có mang máng biết nên càng im lặng.
Chàng trai Tứ Hải nhìn thấy Lâm Kỳ cảm giác rất quen thuộc, thích thú. Tứ Hải đặt gói hành lý đầy bụi xuống sân, bước đến quàng vai Lâm Kỳ, tươi cười như từng quen thân nhau, khiến Lâm Kỳ đỏ mặt, cầu cứu chị Lâm Huỳnh. Lâm Huỳnh biết Tứ Hải đã từng quen rất nhiều chú bé kháu khỉnh dọc con đường cát bụi của chàng trên nhiều vùng xa xôi từ Nam chí Bắc, Đông, Tây nên tưởng đã gặp, đã thân quen cùng Lâm Kỳ. Hơn nữa, Lâm Huỳnh biết một con người quanh năm một túi hành lý trên vai, ngày đêm rong ruổi, lãng tử như anh ta, chắc chắn rất thèm khát một tình cảm riêng tư.
Ông già Bách cũng hiểu thế, lo sợ nghĩ: “Đừng có rủ rê thằng nhỏ đó. Nó là con trai độc nhất của ông Kỳ Ngoại từ sông Hồng trôi giạt vô đây đó”. Nhưng ông không tiện nói ra. Chỉ có Suman mới dám nói toẹt ra cái ý nghĩ của Lâm Huỳnh, ông già Bách, ông Già Đồng Nai:
- Đừng rủ nó, anh Tứ Hải
- Tại sao hả Suman?
- Bố nó chỉ còn có mỗi nó là con trai
Tứ Hải chợt hiểu, cười khoái trá, nhìn Lâm Huỳnh bên em trai:
- Là em trai của chị Lâm Huỳnh hả chú nhỏ? Chà bảnh trai quá trời, lại có tướng con nhà võ, nhà văn nữa. Nhưng thôi, dẹp cái ý nghĩ đó đi, mất vui. Cô Lâm Huỳnh đừng lo, tôi không rủ rê nó cuốn theo con đường gió bụi gian truân của tôi đâu. Một mình tôi đã quá mệt mỏi rồi.
Suman nhe răng cười:
- Nếu cần anh Tứ Hải cứ rủ tôi.
Quay sang Lâm Huỳnh, Tứ Hải cười cười:
- Có được không, cô Lâm Huỳnh?- Và anh chàng Đồng Nai cười thoải mái, ngửa mặt lên trời- Nói chơi thôi, việc của tôi kỳ cục lắm, không thể có nhiều người cùng lang thang được đâu. Tôi trả lại cho cô Lâm Kỳ, cả Suman đó.
Ông già Sáu Đồng Nai rất mừng trước thái độ phóng khoáng, cởi mở của thằng cháu trai, định giết gà đãi mọi người, nhưng Tứ Hải khoát tay từ chối trước:
- Tôi có việc, không ở lại được. Xin bác và mọi người hiểu cho.
Ông già Đồng Nai hiểu: nó còn trở ra dải đất hẹp miền Trung, có thể sẽ ra luôn đồng bằng sông Hồng, lên tận biên giới Tàu…
- Thôi, thì uống một chén rượu, hãy lên đường. Cháu là cái vỏ quan trọng giữ gìn cuộc sống, hạnh phúc của vùng Đồng Nai này.
Đón chén rượu trong tay ông già Đồng Nai, Tứ Hải ngửa cổ uống cạn, rối cúi đầu cáo từ, biến mất dưới bến nước. Con thuyền độc mộc lao qua phía cánh rừng đại ngàn.
Thuở Hồng Hoang Thuở Hồng Hoang - Hoàng Văn Bổn