Books are lighthouses erected in the great sea of time.

E.P. Whipple

 
 
 
 
 
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1859 / 68
Cập nhật: 2015-08-24 10:56:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
om, 23 tháng Mười Hai 1903
Ông Kappus thân mến,
Tôi không muốn để ông phải mong thư khi lễ Giáng Sinh đã tới, và giữa ngày lễ ông phải gánh chịu nỗi cô đơn nặng nề hơn lúc thường. Nhưng nếu nó quả là lớn thì ông hãy vui lên; bởi lẽ, cô đơn thiếu tầm vóc thì còn ra làm sao (ông tự hỏi như vậy); cô đơn chỉ có một, đấy là nỗi cô đơn lớn và không dễ gánh chịu, và hầu như ai rồi cũng có những giờ phút muốn đánh đổi nó lấy một sự đàn đúm nào đó dù tầm thường và rẻ rúng, lấy một cái vỏ của giao tiếp với bất kỳ ai, với kẻ thiếu tư cách nhất... Nhưng có lẽ đấy chính là những giờ phút cho cô đơn trưởng thành; bởi lẽ sự trưởng thành của nó đau như sự trưởng thành của các cậu bé và buồn như tiết lập xuân. Nhưng ông không nên rối trí vì lẽ đó. Ðiều thiết yếu vẫn chỉ là: cô đơn, nỗi cô đơn lớn lao tự bên trong. Ði vào chính mình và không gặp bất kỳ ai nhiều giờ đằng đẵng, phải làm được như vậy. Cô đơn, như lúc ta còn là đứa trẻ cô đơn khi người lớn đi đi lại lại, vướng víu trong những chuyện có vẻ lớn lao và trọng đại, vì người lớn trông bận rộn lắm và ta chẳng hiểu họ làm gì. Và một ngày kia ta bỗng thấy công việc của họ nghèo nàn, nghề nghiệp của họ cứng nhắc và không còn gắn liền với đời sống nữa, vậy cớ sao ta không tiếp tục làm như đứa trẻ, nhìn vào đó như nhìn thứ gì xa lạ, từ chiều sâu của thế giới riêng mình, từ chiều rộng của nỗi cô đơn riêng mình, mà nỗi cô đơn tự nó đã là công việc, là chức vụ, là nghề nghiệp? Cớ sao phải đánh đổi cái vô tri hiền triết của đứa trẻ lấy chống đỡ và khinh bỉ, trong khi vô tri là riêng một cõi, còn chống đỡ và khinh bỉ chính là tham dự vào chỗ mà mình muốn thoát ra bằng cách dùng chúng làm phương tiện.
Ông thân mến, hãy nghĩ đến thế giới mà ông mang trong mình, và tùy ông muốn gọi việc đó là gì cũng được: là hồi ức về tuổi thơ, hay là khát vọng về tương lai, - chỉ có điều hãy để ý xem trong mình có gì trỗi dậy, và đặt nó trên mọi thứ mình ghi nhận được ở xung quanh. Ðời sống nội tâm nơi ông đáng cho ông dành trọn tình yêu, ông phải bỏ công ra với nó như thế nào đó và đừng mất quá nhiều thời gian và dũng cảm để lý giải chỗ đứng của ông giữa người đời. Mà ai bảo rằng ông có một chỗ đứng? - Tôi biết, nghề nghiệp của ông vất vả và đầy mâu thuẫn với ông, tôi đã thấy trước và biết rằng ông sẽ ai oán. Bây giờ đã như vậy, tôi không thể an ủi mà chỉ biết khuyên ông hãy ngẫm xem, phải chăng mọi nghề nghiệp đều như thế, đầy đòi hỏi, đầy thù địch với mỗi người, như thể thấm đẫm lòng căm ghét của những kẻ đã đành câm lặng và bực bội mà nhận lấy cái phận sự tẻ nhạt. Hoàn cảnh của ông bây giờ không bị những khuôn mẫu, định kiến và sai lầm đè nặng hơn mọi hoàn cảnh khác, và có thể có những hoàn cảnh nào đó ra vẻ tự do hơn, nhưng không một hoàn cảnh nào nội tại là dài, rộng, và gắn bó với những điều lớn lao chứa đựng đời sống đích thực. Chỉ riêng gã cô đơn là như một vật thể tuân theo những quy luật sâu xa, và khi gã bước vào một sớm mai mới hé, hay phóng mắt vào buổi tối đầy sự kiện, và cảm nhận điều gì đang diễn ra, khi ấy mọi hoàn cảnh rời khỏi gã như rời khỏi một người đã chết, mặc dầu gã còn đó sờ sờ giữa đời sống. Ông Kappus thân mến, những điều bây giờ ông, một sĩ quan, phải trải qua chắc cũng tương tự như trong bất cứ nghề nghiệp nào hiện hành, thậm chí nếu bỏ qua mọi vị trí nghề nghiệp, chỉ cần tiếp xúc riêng và nhẹ nhàng với xã hội mà thôi cũng chẳng đỡ được cái cảm giác bó buộc đó. Chỗ nào cũng vậy; nhưng đấy đâu phải là lý do để sợ hãi hay buồn rầu; nếu không chung được với người thì ông hãy thử gần với vật, chúng sẽ không bỏ rơi ông; vẫn còn đó những đêm và gió lướt trên cây và trên nhiều vùng đất; vẫn tràn đầy sự kiện nơi muông thú và trong vạn vật để ông tham dự; và trẻ nhỏ vẫn như thế, như ông thuở bé, buồn rầu và hạnh phúc, - và mỗi khi nhớ về tuổi thơ là ông lại được sống giữa chúng, bầy trẻ cô đơn, còn đám người lớn chẳng là gì hết, tư cách họ hoàn toàn không đáng giá.
Và nếu ông sợ hãi và khổ sở khi nhớ về tuổi thơ cùng những thứ liên quan đến nó là cái giản dị và yên tĩnh, vì ông không thể tin vào Thượng Ðế hiển hiện khắp trong đó nữa, khi ấy, ông Kappus thân mến, ông tự hỏi, mình đã đánh mất Thượng Ðế thật chăng? Ðúng ra, phải chăng ông chưa bao giờ có Người? Vì có vào lúc nào kia chứ? Ông cho rằng một đứa trẻ có thể chứa nổi Người, trong khi những đấng nam nhi vất vả lắm mới gánh được Người và sức nặng của Người làm oằn lưng phụ lão ư? Ông cho rằng ai đã thật sự có Người lại có thể đánh mất Người như đánh mất một viên đá nhỏ ư, hay là ông không cho rằng ai đã có Người chỉ có thể bị lạc khỏi Người? Nhưng nếu ông nhận ra rằng, Người không tồn tại nơi tuổi thơ của ông, và trước đó cũng không, nếu ông đoán ra rằng Christus bị lừa bởi khát vọng của chính mình và Muhammed bị gạt cũng bởi kiêu hãnh của chính mình, và nếu ông kinh hoàng thấy ngay lúc này đây, giờ phút này, khi chúng ta đang nói về Người thì Người cũng không tồn tại, thì ông có quyền gì mà thấy thiếu Người, là đấng chưa bao giờ tồn tại, như thiếu một người đã thuộc về dĩ vãng, và tìm kiếm Người như thể Người đã mất?
Sao ông không cho rằng Người là đấng sẽ đến, là đấng tương lai, từ vĩnh cửu mà ra, là trái chín của cái cây mà chúng ta là lá? Ông ngần ngại gì mà không liệng ngày sinh của Người vào những thời sẽ đến, rồi sống cuộc đời ông như một ngày đau và đẹp trong lịch sử một cuộc thai nghén vĩ đại? Ông không thấy đó sao, mọi thứ đang diễn ra đều là khởi đầu, và liệu đấy có phải là sự khởi đầu của Người chăng? Vì sự khai mở tự nó luôn tuyệt đẹp như vậy? Nếu Người là đấng toàn thiện nhất thì phải chăng trước Người ắt là kém cỏi hơn, để Người có cái dồi dào và thừa thãi mà tuyển lựa cho mình? Phải chăng Người là đấng sau chót để mà gom tất cả vào mình, và chúng ta liệu có nghĩa gì nếu đấng mà chúng ta khao khát đã tồn tại trước rồi?
Như ong làm mật, chúng ta lấy cái ngọt ngào nhất từ mọi thứ và đắp nên Người. Chúng ta bắt đầu thậm chí từ cái nhỏ mọn, cái không đáng để ý (chỉ cần việc đó xuất phát từ tình yêu), chúng ta khởi công xây Người bằng việc làm và nghỉ ngơi sau đó, bằng một im lặng hay niềm vui nho nhỏ cô đơn, bằng mọi thứ do một mình ta làm, không có ai tham gia và cổ động. Người, là đấng mà chúng ta không có ngày chứng kiến, cũng như các bậc tiền bối đã không được chứng kiến chúng ta. Nhưng những người đã khuất từ lâu ấy vẫn còn đó trong ta, là món quà kèm theo, là gánh nặng chất lên số phận ta, là máu rạt rào, và là cử chỉ từ những tầng sâu của thời gian ngóc dậy.
Liệu có gì tước đi được cái hy vọng của ông mong hòa làm một với Người, đấng xa vời, đấng tột cùng không?
Ông Kappus thân mến, ông hãy mừng lễ Giáng Sinh với lòng thành kính ấy, rằng có lẽ Người cần chính nỗi sợ cuộc sống của ông để khai mở; có lẽ chính những ngày chuyển tiếp này là lúc tâm trí ông bận rộn với Người, như ông thuở còn là một đứa trẻ đã từng nín thở mà bận rộn với Người. Ông hãy kiên nhẫn, đừng miễn cưỡng và xin nhớ rằng, đất chẳng cản mùa xuân khi mùa xuân muốn đến, và ít nhất chúng ta có thể làm một điều là không gây khó cho sự trở thành của Người hơn mức ấy.
Mong ông vui và vững lòng.
Rainer Maria Rilke
Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi - Rainer Maria Rilke Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi