Books are immortal sons deifying their sires.

Plato

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1853 / 13
Cập nhật: 2015-07-12 10:33:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ối hôm sau, tôi đến nhà Đao sớm, gọi là để lấy tài liệu. Đao cũng đang chờ tôi. Anh súc tráng cái ấm da lươn, nhưng con mắt vẫn ve vé nhìn chéo qua cửa sổ. ở đấy căng ngang một sợi dây phơi mà Đao đã buộc diều. Chỉ cần nhìn sợi dây rướn lên hạ xuống, anh có thể biết được cái diều đang bay lượn ra sao. Dạo này Đao có thú vui để diều suốt đêm.
- Ông Chích ấy mà, mệt quá, chú ạ. Xã đã để cụ ấy làm cố vấn. Nói đúng ra, đấy chỉ là cái ghế nghỉ danh dự ngồi chơi xơi nước. Nhưng khổ nỗi, cụ ấy lại cứ tưởng mình là cố vấn thật. Mấy ngày lại đến góp ý có tính chất chỉ đạo cán bộ xã. Mình chỉ gật gù chiếu lệ. Ông cụ lại càng góp ý khoẻ. Khổ thế chứ! Các cụ già thường chỉ thích nói, nói rất dài, nói lấy được, mà không chịu biết xem bọn trẻ nó nghe mình như thế nào.
Đao chiêu một ngụm nước, giọng trầm hẳn lại:
- Trong các cuộc họp, bọn mình nể ông cụ là bậc cố cựu, nên thường mời nói trước. Kể ra cụ cứ vui vẻ vài câu, rồi tin tưởng giao cho bọn trẻ gánh vác công việc, đằng này cụ lại nói cứ như cụ đang đứng đầu xã. Đầu tiên là cụ tóm tắt tình hình thế giới và trong nước mà cụ nghe được qua đài, rồi cụ nâng lên thành quan điểm chính trị xã hội. Rồi cụ dặn dò bà con phải kiên trì Chủ nghĩa xã hội, cấm không được dao động, hoang mang, ăn phải đũa bọn đế quốc sài lang đang giãy chết. Còn cụ, cụ nói, một mình cụ, cụ cũng tiến thẳng lên Chủ nghĩa xã hội. Người nghe cụ đã quen, quý mến cái nhiệt tình của cụ. “Bà con đã tin tưởng đầy đủ chưa? - Cụ nói - Ai còn chưa tin tưởng đầy đủ thì để tôi quán triệt thêm tí nữa... Mà ai đã tin tưởng đầy đủ rồi thì cứ việc tự do ra về...” Thế là người ta ra về, chú bảo có chết tôi không?
Đao lại nhìn chéo qua sân để theo dõi độ rướn của cái dây phơi:
- Ông cụ xọp đi nhiều sau ngày rời ghế chủ tịch. Dân làng lại xì xèo nữa chứ. Khổ, làm lãnh đạo hay thôi không làm nữa thì cũng là một việc bình thường. Nhưng chết nỗi, dân mình lại chưa quen được với sự bình thường ấy. Nếu đang làm việc mà nghỉ, lập tức họ sẽ nghĩ, chắc ông này có sai lầm hay tham ô hủ hoá gì? Thế thì ai mà chẳng sợ. Người ta tiếc cái chức thì ít mà sợ dư luận thì nhiều. Sớm nay, ông cụ lại đảo qua đây, đưa cho tôi bản quy hoạch nông thôn, gọi là cách làm ăn mới, để tôi nghiên cứu và thực hiện. Cái đích thì hay, nhưng chẳng có cơ sở nào để thực thi. Tôi nghĩ không khéo bố già lẫn cẫn mất rồi. Bữa nọ ông cụ lại qua, xin xã cho viết hồi ký, thế mới bỏ mẹ tôi chứ!
Đao đẩy khay nước ra trước mặt tôi. Nước hơi non. Chè không chín được, cứ nổi phễnh lên, dạt hết cả vào miệng chén.
- Thôi, ta bắt đầu chứ chú!
Đao lôi trong xắc-cốt ra hai tập bản thảo dày cộp. Một bản của ông Chích với những nét chữ xiêu vẹo, thỉnh thoảng lại có những chữ viết hoa rất tuỳ hứng. Còn một bản của ông giáo Diến với các chương mục rất rõ ràng, rành mạch, có cả gạch đít bằng mực đỏ.
- Thôi được. - Tôi gập hai tập bản thảo lại. - Tôi sẽ đọc và bổ sung trong quá trình viết. Còn bây giờ, anh cung cấp cho một số tư liệu.
- Được! Có ngay đây!
Đao nói nhanh. Rồi không cần giấy tờ, sổ sách, anh bắt đầu trình bày một cách trơn tru. Tôi vội mở bút ghi. Nhưng được một lúc thì tôi ngẩn ra. Số liệu cụ thể. Nhưng nó như ở một bản báo cáo tổng kết nào đó. Ví như làng có bao nhiêu con lợn. Số chị em phụ nữ đặt vòng tăng giảm thế nào. Vận động bà con làm được bao nhiêu hố xí hai ngăn. Lại có cả câu ca: Anh không tham bạc tham vàng - Chỉ tham hố xí nhà nàng hai ngăn, làm như lấy em chỉ là vì cái hố xí...
- Thôi, được rồi. - Tôi ngắt lời Đao. - Cái này đưa vào phần phụ lục. Còn bây giờ, anh nói cụ thể thành tích của làng kia. Ví dụ như trong kháng chiến chống Pháp, ta diệt được bao nhiêu thằng Tây, phá được bao nhiêu đồn bốt. Rồi trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ, ta đã chiến thắng như thế nào?
Gương mặt Đao thoáng vẻ trầm ngâm. Thay cho câu trả lời, anh rít liền mấy hơi thuốc, rồi ngửa cổ phả khói mù mịt. Đợi cho làn khói bạc tan lễnh trong không gian, Đao mới đột ngột bảo:
- Thôi, cái đó tuỳ chú! Chú xem thế nào, chú cứ viết tự do thoải mái. Mà chuyện của làng mình, chú còn lạ quái gì!
Tôi chẳng còn lạ gì thật. Nhưng đó là chuyện đánh Mỹ kia. Chứ thời chống Pháp thì tôi có hiểu gì đâu. Bây giờ tìm dấu vết của cuộc kháng chiến ấy thật khó. Làng không có lô-cốt, không có một đồn bốt nào. Nghe đâu, trước đây, đội du kích của làng hoạt động cũng dũng cảm lắm. Nhưng họ khiêm tốn quá, chẳng để lại một dấu tích gì. Còn các cụ già làng, mỗi khi nhớ lại thời tao loạn oanh liệt, thì lại hể hả kể về những trận phục kích, những lần giật đổ tàu địch bên đường 5 ở mãi mấy xã bên kia. Còn thời chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ thì tôi được chứng kiến. Những ngày ấy thật sôi động. Đêm nào bầu trời cũng rừng rực chớp đạn. Rồi những tin chiến thắng phát trên đài, trên các loa truyền thanh. Làng lúc nào cũng chộn rộn, rạo rực. Nhưng chưa có quả bom nào rơi xuống làng. Làng không có anh hùng, cũng không có thương binh liệt sĩ. Kỳ tích của làng là hoan hô máy bay Mỹ cháy trên bầu trời và nghe tiếng bom gầm ở xa xa. Bây giờ cần ghi lại một bộ sử với những tư liệu cụ thể thì sao khó thế. Tôi viết rồi lại xoá. Xoá rồi lại viết. Loạy nhoạy đến gần một tháng mà vẫn chưa xong cuốn sử. Tôi tạt sang nhà ông Chích. Ông vắng nhà đã nửa tháng nay. Nghe bà Chích nói thì ông lên chơi với thằng con trai trên thị xã. Thế là tôi đành phải quay về. Trăng sáng vằng vặc. Những ngôi nhà cao tầng hắt bóng xuống con đường nhựa đen thẫm, còn ngoằn ngoèo những vệt trâu đái. Tôi định qua nhà Đao thì thấy anh bất ngờ từ ngõ nhà lão Cối nhô ra.
- Khoa đấy hả? Tôi đang tính đi tìm chú đây!
- Tập sử chưa thể viết được. - Tôi nói ngay. - Tư liệu mỏng quá. Phải chờ thêm nữa.
- ừ thôi, cái đó để sau cũng đươc. Nhưng mà vẫn phải viết. Các làng khác họ viết ào ào cả rồi. Có làng còn mang lên Hà Nội thuê in thành sách nữa.
- Thế có chuyện gì vậy anh?
- Tôi vừa bị một vố.
- Sao?
- Mất cái diều rồi.
Đao nói hổn hển. Anh như người bị hụt hơi.
- Chú biết không? Nửa đêm qua, không nghe thấy tiếng sáo, tôi cứ tưởng nó bụp hay đứt lèo. Ra sờ thì chỉ còn mỗi cái cuống dây. Sợi dây bị cắt vát, chú ạ. Rõ ràng là nó đã bị cắt bằng panh sa lam. Đứa nào cắt thì chú còn lạ gì nữa. Tôi nhao đi khắp các cánh đồng tìm, xem nó có rơi xuống chỗ nào không. Nhưng chịu. Không có tăm tích gì cả, chú ạ. Mình thì đang rối cả ruột, mà làng này có lão vỗ tay trong bụng đấy.
- Ai?
- Chú còn lạ quái gì. Nghiễm nhiên cái diều lão ấy nhất làng rồi. Nhưng mà được. Tôi sẽ kéo cổ lão ta xuống.
Đao nói thật dứt khoát. Rồi anh tiết lộ cho tôi biết kế hoạch của anh. Ngày mai, anh sẽ đặt ông Hội cái diều mười hai mét. Anh sẽ đẵn cây xoan đào xuống để khoét sáo. Lần này, sáo phải to bằng bắp đùi. Anh sẽ chơi năm tầng sáo, cho nó đánh nhạc giao hưởng giữa lưng chừng trời.
- Khối lão sẽ tức nổ ruột ra đấy. - Đao cười. - Chỉ tuần sau là xong thôi. Tuần sau, tôi sẽ khánh thành diều. Chú phải đến dự đấy nhé.
Tôi không dự được buổi lễ khánh thành diều ấy. Hôm sau tôi lên đường sớm. Mẹ tôi tiễn tôi ra đến cổng đồng thì dừng lại, rút trong cái khau tát nước treo một đầu cuốc ra đùm xôi lạc và cái tỏi gà, ấn vào ba-lô-tôi, để tôi ăn đường, rồi lững thững bước xuống ruộng. Bóng bà cụ nhỏ thó như bóng cò, bóng vạc giữa những thửa ruộng khoán còn lễnh đễnh sương sớm. Lòng tôi thoáng se lại. Cái làng quê nhỏ bé, bình lặng của tôi đã kẻ thành vệt xanh mờ. Lót đót vượt lên khỏi nền xanh tre chuối là những bóng dừa, tán cau và những tầng nhà cao vót, in lên vòm trời đầy nắng những đường nét vừa hiện đại, vừa muôn thuở hoang sơ...
Thời Sự Làng Tôi Thời Sự Làng Tôi - Trần Đăng Khoa