Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Tác giả: Viên Linh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1069 / 9
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tập 7
au khi Hiệp đi, gã đào huyệt cũng ra về. Trong ngôi biệt thự mở toang các cửa bây giờ chỉ còn hai mẹ con bà Thịnh Phước và lão gia nhân. Liên giữ dáng điệu bình thản như lúc đầu, ngồi thẳng người trong chiếc ghế bành đối diện với mẹ. Vẻ mỏi mệt chỉ nhận thấy trên cặp chân dài luôn luôn đổi chỗ của nàng. Sau mười lăm năm không gặp mẹ ghẻ, Liên đang nhận mặt bà với những hình ảnh và dấu tích cuối cùng. Nàng chờ đợi một cách kiên nhẫn.
Già Năm thắp ngọn đèn Huê kỳ lớn và đặt lên cái giá gỗ trên tường; từ đó ánh sáng toả vào cả hai gian phòng trong qua vòm cửa hình cung. Bà Thịnh Phước ngồi thu chân trên ghế, khuôn mặt trắng xanh lộ dưới ánh đèn không được tỏ lắm.
Bà hỏi Liên:
"Chúng nó đi hết rồi phải không con?"
Liên nhướng mắt nhìn mẹ nhưng lại cúi xuống ngay. Nàng hút một điếu thuốc để thư thả dò xét thái độ bà Thịnh Phước. Khi nhả khói, Liên nói:
"Thưa mẹ, vâng. Anh Học và anh Sĩ đi từ hôm qua".
"Ta biết. Ta nghe thấy hết, trông thấy hết".
Bà nói, tay trái chỉ lên trần nhà. Liên không nhìn theo ngón tay chỉ ấy. Nàng chưa từng đặt chân lên cái rầm thượng của nhà mình lần nào nhưng nàng đã nghe già Năm nói đến. Bấy giờ già đang ngồi băn khoăn ở góc phòng.
Bà Thịnh Phước vẫy tay gọi lão gia nhân:
"Năm, lên rầm thượng mang ấm sâm Cao Ly xuống đây. Có lẽ cũng hết rồi đấy".
Lão gia nhân lặng lẽ đứng lên. Liên nghe lão đi qua phòng, thắp một ngọn đèn nhỏ và trèo lên những bậc thang gỗ. Tiếng chân lão sàn sạt.
"Thế bao giờ thì con đi?"
"Thưa mẹ, có lẽ mai".
"Ta hỏi thế vì ta biết chắc con cũng không muốn ở lại đây".
"Anh Học với anh Sĩ không biết mẹ còn sống thế này, nếu biết có lẽ các anh ấy sẽ trở về.
"Ta coi như chúng chết rồi". Bà bỗng cười nhạt. Nụ cười không đủ vẻ kiêu hãnh khinh miệt hay chua chát. Nó hiện trên môi bằng những đường da mệt mỏi. "Thành ra chính ta vĩnh biệt chúng chứ không phải chúng vĩnh biệt ta".
Lão gia nhân mang ấm sâm đặt trên bàn. Lão nói:
"Còn chăn màn, hoa quả nữa".
Bà Thịnh Phước lắc đầu:
"Thôi, cứ để yên trên đó. Ngồi xuống đây đi Năm".
Lão gia nhân tươi cười:
"Thật con không ngờ.
Bà Thịnh Phước nghiêng đầu tu ấm sâm nói:
"Ta cũng không ngờ nữa chớ, mặc dầu chính ta xếp đặt hết cả. Từ mấy cái điện tín đến cỗ áo quan làm sẵn. Nhưng mà thật ta không dè tụi nó lại đem chôn ta được, thằng Hội đồng với thằng Chưởng khế".
"Cụ ngờ các cậu mà sao cụ không ngờ người dưng?"
"Ta không rõ nữa. Năm à, sáng nay ta cũng không ngờ tụi bay đào mả ta, vậy mà tụi bay đào đó".
Lão gia nhân không nói năng. Lão thất chí đến cùng độ và muốn khóc lóc. Liên đốt một điếu thuốc khác. Nàng nói:
"Tại mẹ muốn nằm trên đỉnh đồi Lương Sơn".
"Phải. Ta nhớ ra rồi". – Bà quay qua lão gia nhân – "Năm à, sáng mai gọi tụi Hội đồng đem bản chúc thư đến đây...". – Bà ngừng một lát, bỗng thở dài – "Thà ta không sinh đẻ đứa nào. Thật có cũng bằng thừa".
"Mẹ đừng giận. Không phải các con mẹ thừa đâu".
"Con nói cái gì?"
Liên bình thản như không:
"Tất cả đều do thái độ của mẹ. Anh Học, anh Sĩ hay chú Hiệp, cả con nữa, đều đã thể hiện cách đối xử với nhau trong tình huốngcái chết của mẹ. Ai cũng nghĩ rằng mẹ chết rồi. Nay mẹ còn sống nên mẹ đã làm hỏng hết. Mọi thứ trở thành lỗi thời và thừa ra. Mẹ ạ, có ai nhìn thấy cái chết của mình đâu. Mẹ đã nhìn thấy mẹ chết dưới mắt các con nên mẹ là người khác rồi. Mẹ không còn như trước nữa.
Liên vuốt tóc, ngó thẳng vào một miếng tường.
Bà Thịnh Phước thở dài:
"Có lẽ thế cũng nên".
"Mẹ có thấy rằng ai cũng vẫn thế, duy mẹ đã thay đổi".
Bà Thịnh Phước tỏ ra buồn rầu:
"Bây giờ ta sáng suốt lắm. Có lẽ thế".
"Anh Học, anh Sĩ và chú Hiệp đều khổ sở vì cái chết của mẹ. Các anh ấy vẫn như trước, mẹ ạ".
Liên nhìn người mẹ ghẻ một lát, nàng tiếp:
"Các anh ấy vẫn là người con của gia đình, đều trở về sum họp ngày mẹ từ trần. Trong tâm trí mọi người, họ là người biết giữ lễ nghĩa. Mẹ đã phá bỏ lễ nghĩa ấy. Nên đối với các anh ấy, mẹ chết vì tuổi trời chỉ được hưởng bấy nhiêu. Bây giờ mẹ thấy mẹ sống là ngoài vòng lễ nghĩa, ngoài tình mẫu tử của những người thân. Việc ấy không phải lỗi ở người sống ngoài thời gian của mình. Cho nên mẹ đang sống đời người khác. Vì mẹ làm sao sống lại đời mình được một lần nữa. Mẹ chết rồi".
"Có lẽ thế. Chính ta thấy chán ta lắm".
"Thực ra mẹ phải không chán. Như thế mẹ mới sống một đời thứ hai được. Vì cuộc đời nào cũng bắt đầu bằng vô tư và hạnh phúc".
"Ta lo lắng và sầu não bao năm nay. Bây giờ thì hết rồi".
"Mẹ ơi, vậy mẹ vẫn còn sống" – khóc – "mẹ vẫn còn sống".
"Phải. Thế là vô lý phải không con".
"Thế là khổ cực vô cùng. Thế là sống với những người lạ mặt. Nếu mẹ sống đời người khác là mẹ đã hoá thân. Song mẹ vẫn sống đời mình, vậy là mẹ sống trong cái xác cũ, trong quê hương cũ đã có lần từ bỏ".
"Thật khổ thân các con".
"Khổ thân anh Học, anh Sĩ. Hai người tưởng mình không làm trọn đạo. Hai người tin ở mẹ quá nhiều. Và tưởng còn mẹ trong tâm hồn mà thôi".
"Còn con và thằng Hiệp?"
"Nó sẽ vô cùng thảnh thơi sống đời mình, không ràng buộc chút chi nữa hết".
"Thật sao?"
"Con hy vọng như vậy".
"Nếu ta gặp lại chúng nó?"
"Mẹ không có thế gì quyết định trở lại".
"Dù sự tình cờ hả con?"
"Sự tình cờ? Điều đó ở trong niềm tuyệt vọng".
"Phải. Nhưng nếu chúng nó gặp lại ta?"
"Mới đầu, họ cho mẹ là một oan hồn. Sau, họ cho mẹ là kẻ quái gở. Cuối cùng là sự chán nản khôn lường và có thể là họ tự tử. Vì trong hai cái thừa và chán, phải huỷ bớt một. Mà lúc thương mình càng nhiều thì thù người càng nhiều. Nên tự tử là để kẻ còn sống nhìn thấy cái thừa còn lại là chính mình".
"Cuối cùng, ta mỏi mệt rồi. Cho ta đi nằm thôi, Năm".
"Mẹ phải khỏe lên. Vì bây giờ mẹ chỉ có một mình trên đời".
Đêm đã rất khuya. Trong bầu trời rì rào hơi gió biển xa, Tây Phố thầm lặng thức dậy mùi cá tanh thoang thoảng. Liên nằm ngả người trên vai ghế, mắt khép, hơi thở đều đặn thảnh thơi. Nàng có thể ngủ một giấc đêm nay. Tất cả xong rồi.
Trong hơi đêm quê nhà, Liên nghe tiếng mưa nhỏ reo nhẹ nhàng trên mái ngói, trên các tầng lá cây um tùm ngoài vườn. Bông gòn mùa này chắc nở hết. Đường phố chắc đầy vỏ khô. Hoa tử vi giờ này chắc rụng hết. Một thời ấu thơ xa xăm dần dần hiện hình trong trí nhớ nàng. Ở đó cùng với Hiệp nàng ngồi xe xích lô nhà đến trường tiểu học. Mỗi sáng tinh sương hai chị em thu mình trên xe, trong áo len dầy, bít tất và dép nhẹ, với ngô rang đầy vốc tay trong túi ấm. Lần lượt, Tây Phố mở mang một cách chậm chạp. Những nhà chài nghèo đói, những đứa trẻ lem luốc, ngày tháng lũ lượt sống bên ngoài hàng rào gạch xây của toà biệt thự Thịnh Phước.
Rồi lớn lên, mười lăm tuổi, với người thanh niên trầm ngâm khắc khổ trên bàn thầy học. Những tối mở cổng xua lũ ngan quang quác như bầy gia nô dữ tợn đón thầy vào nhà. Hai chị em cặm cụi dưới ánh đèn với những vần chữ Pháp nắn nót ghi trên vở. Thầy Vịnh. Xa như người dưng, gần như cổ tích. "Chắc đi khỏi đây lâu rồi, con đàn vợ nặng rồi…".
Chợt Liên giật mình ngồi dậy ra khỏi cơn mơ tưởng. Một con dơi lớn vòng một vòng sát trần nhà rồi biến mất. Cái ghế trước mắt nàng – nơi bà Thịnh Phước ngồi – đã trống lạnh. Cánh cửa gỗ gụ với quả nắm bằng đồng đặc đã đóng kín. Lão gia nhân ngủ ngồi – có thể lão vẫn thức – trên chiếc ghế đôn góc phòng, gần chiếc va-li của Liên. Nàng đứng dậy nhẹ nhàng tới khung cửa sổ mở ra vườn, im lặng nhìn về phía thung lũng Suối Cá Thần. "Mạch nước giếng nhà ta ăn tới lòng Suối Cá Thần từ một đời rồi. Thần Ngư ấy à, đó là một Ông Cá vẩy vàng, lớn bằng cả tàu chuối, năm thì mười hoạ mới nổi lên mặt nước một lần. Không ai trông thấy tận mắt, nhưng đêm đêm vào cuối mùa mưa, tháng Mười, tháng Một, từ thung lũng Suối Cá Thần hào quang chiếu lên rạng rỡ cả một vùng mây. Mỗi lần Ông nổi lên thế nào ở đây cũng có người chết…".
Khi quay lại, Liên thấy lão gia nhân đã đứng dậy. Lão nhìn nàng không nói năng. Như một linh hồn u uất sắp đến hạn kỳ. Đằng sau lão, quả nắm bằng đồng đặc xoay nhẹ, bà Thịnh Phước hiện ra sau cánh cửa vừa mở. Bà nhìn Liên lặng lẽ, hình như không định nói gì. Câu chuyện có vẻ đã kết thúc, bà không cần có mặt nữa. Liên có cảm tưởng bà như một thiếu phụ tội lỗi sắp phải rời bỏ ngôi nhà của chồng con. Suốt đêm cuối cùng, bà thao thức không ngủ. Lo lắng cho tương lai, nghi ngờ về dấu tích. Nhưng bà phải đi. Vào lúc rạng đông bà lén vén tấm màn trắng tinh để nhìn mặt đứa con yêu dấu một lần cuối cùng còn thiêm thiếp trong giấc ngủ, trước khi bà lẳng lặng bỏ xứ lên đường. Nhưng tình cờ đứa con mở mắt, nhìn bà. Bà gượng mỉm cười với nó rồi khép cánh màn lại: "Con chưa ngủ sao?".
"Thưa mẹ, chưa".
Liên nhìn thấy nụ cười của mẹ phảng phất trong ánh đèn mù mờ. Bà ngập ngừng trong giây lát rồi chậm rãi bước trở ra, ngồi xuống ghế. Gian phòng im, Tây Phố cũng đã về khuya. Bà Thịnh Phước mở nắp sâm lấy bã đưa lên miệng nhấm thong thả. Dáng điệu bà bình thản và mỏi mệt:
"Liên à, độ này con sống ra sao?"
Liên nhìn mẹ trong một thoáng lo âu về thân mình. Nàng duỗi những ngón tay dài lên đùi.
"Thưa mẹ, cũng bình thường".
"Con phải nghĩ đến mai sau mới được. Rồi những khi đau ốm nữa".
"Mẹ không phải lo. Con không bao giờ ốm cả. Khi nào con ốm tức là con chết, còn không thì thôi".
"Ta tiếc ngày xưa đã ngăn cấm con và thằng Vịnh. Hồi ấy ta giận mẹ con vô cùng, dù mẹ con đã chết". – Bà lắc đầu cười – "Rồi cũng không ai giữ được thầy con. À Liên!"
Bà ngừng nói, nhả bã sâm ra tay coi rồi lại ngậm lại. Trong khoảng im lặng, Liên nghe một tiếng vỏ trái bông gieo khô trên đường. Nàng như đang nhớ đến một ảnh hình mù mịt từng vùng vẫy mà chưa thoát khỏi cơn bóng đè của tháng năm quên lãng. Nó giẫy giụa chập chờn cố ngoi lên vùng ánh sáng của tâm trí.
Tiếng bà mẹ cất lên:
"Con bỏ nhà đi mười lăm năm nhưng ta chỉ bỏ con vài ba năm thôi. Sau ta muốn gọi con về mà không được. Ở Tây Phố cũng có người còn nhớ đến con".
Trí óc Liên rung rinh mở lớn. Nàng nghe một hào quang nhập trong mình và cơn bóng đè vỡ biến, hình ảnh của Vịnh trở về, ủ rũ và thổn thức.
"Vâng. Gì mẹ?"
"Thằng Vịnh đó. Nó có gửi đến ta một cái hộp bằng sơn mài để chuyển cho con. Dễ đến sáu năm rồi".
"Sáu năm, vâng, con tưởng lâu hơn thế".
"Thế ra con cũng đã được tin nó?"
"Thưa mẹ, không".
"Nó lấy vợ và mới được một con thì chết. Thằng nó lao mà".
"Ra chết rồi. Ô, sao con không biết".
Bà Thịnh Phước đứng dậy trở vào nhà trong. Liên thấy ngọn đèn nhỏ di chuyển và một lát có tiếng ổ khoá ở hòm chuông reo nhẹ. Lúc sau bà Thịnh Phước đóng hòm lại, lên dây ổ khoá chuông và thong thả trở ra. Bà đặt trước mặt Liên một cái hộp sơn mài hình chữ nhật. Liên nhìn thấy trên tay áo bà một vết bụi trắng.
"Nó khoá kín và không trao chìa khoá. Nó chết hai hôm sau khi đưa cái hộp này cho mẹ".
Liên đỡ cái hộp lên đùi, không mở ra. Nàng đứng dậy tới cửa sổ nhưng lại quay vào chỗ cũ ngay. "Ta đinh ninh sẽ gặp lại Vịnh. Vậy ra anh chết rồi. Anh chết rồi, anh Vịnh".
Bà Thịnh Phước nhẹ nhàng trở vào phòng ngủ. Liên nghe trên trung tâm thị trấn tiếng người vãn hát ra về. Nàng nhớ đến con đường từ nhà qua đài Tử sĩ, qua nhà thờ và rẽ vào trường tiểu học.
Lão gia nhân đến cạnh nàng, ra hiệu nàng lắng nghe. Phòng trong bà Thịnh Phước đang leo lên chiếc cầu thang gỗ trên rầm thượng. Tiếng bước nặng nhẹ không đều như tiếng cất mình bơi hai chân trần và hai tay chống của một người đang bò. Liên giấu mặt trong cái vuốt tay. Nàng xoay thử quả nắm bằng đồng nhưng cánh cửa đóng kín.
Liên gọi lớn:
"Mẹ đi đâu đó?"
"Con ngủ đi, ta lên chỗ của ta mà".
Liên ngửa mặt nhìn lên trần nhà. Nàng bảo lão gia nhân đóng cửa và đi vào gian phòng trống có tay mở bằng sứ đã sút ra.
Ngoài trời nín thinh, ngoài tiếng gió loạt xoạt thỉnh thoảng từ biển xa vọng về.
Thị Trấn Miền Đông Thị Trấn Miền Đông - Viên Linh