Outside of a dog, a book is man's best friend. Inside of a dog it's too dark to read.

Attributed to Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 175: Thăm Mộ Cụ Ngô Lần Hai
ộc sẽ liên lạc, báo trước cho tôi hàng tuần, để tôi chuẩn bị. Qua một số hiện tượng, tôi hiểu đây là chuyến đi thực sự chứ không như chuyến thứ hai, tôi mất công thấp thỏm một đêm trong bụi cây găng già. Vì đã đi hụt hai chuyến, nên tâm tư của tôi vẫn lặng lờ như đất trời, có thể nắng và cũng có thể mưa, nhất là thời gian ấy, chẳng phải chuyến đi nào cũng đến bờ.
Tuy vậy với Hoa, người vợ hiền thương yêu của tôi, do điều kiện ngặt nghèo tôi không thể đưa được vợ con đi, để nếu có làm mồi cho cá thì cũng vui lòng cùng nhau. Ngược lại, thành công thì cùng được thở hít bầu không khí tự do, đúng với kiếp sống của con người.
Đã phải nhiều đêm, nhiều lúc tâm tình, khích lệ, động viên, trang bị tư tưởng cứng rắn chịu đựng cho Hoa. Dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải can trường đứng thẳng, bằng chính đôi chân của mình. Cũng do hoàn cảnh đẩy xô của dòng đời, và bối cảnh đau thương của dân tộc, đời tôi đã lăn lóc trong bãi rác và bùn lầy, nên tôi muốn con gái của tôi, cũng phải có ý chí nhẫn nại, chịu đựng những bão tố của cuộc đời. Từ những tâm ý này, những lần tôi chơi đùa với con gái 5 tháng tuổi, tôi đã tập dần, tung con tôi lên cao, rồi bắt lấy như một quả bóng. Mẹ nó nhìn thấy, đã nhiều lần hết hồn, kêu thét lên. Từ ăn, ngủ hay chơi bời đều với tâm ý rèn luyện của tôi. Thâm tâm tôi, mong muốn sau này con tôi, dù có được bọc trong nhung lụa, nếu cần nằm đất, bờ cát, cũng là chuyện bình thường.
Quan điểm của tôi vẫn muốn, ít nhất là những người thân của tôi: ”Là hạ sĩ hay sĩ quan nhưng phong cách, hành xử là người lính”. Tôi rất đả phá lối “người lính tính quan”.
Còn người mẹ khốn khổ mù loà, nhưng tôi càng kính yêu người hơn. Đã nhiều lúc, nhiều đêm tôi ngồi ôm mẹ tôi hàng giờ, có những lúc để dòng nước mắt rỉ chảy vào tim, nhưng cũng có nhiều lúc giàn cả ra mặt. Nhìn đôi mắt của người hoắm sâu vào, tôi đã thấy tôi bé nhỏ lại, như ngày còn thơ ấu. Tôi nhớ tôi đã có cảm giác: Ngôn ngữ trên thế gian này không còn, hay không có một từ nào đủ để nói được cái bao la, êm dịu, lồng lộng nhân từ thương yêu của đôi mắt người mẹ.
Nhưng bây giờ, người phải chịu đựng khổ đau biết chừng nào, không làm sao nhìn được con trai vì thương khóc nó nên bị mù. Qua ánh điện chiếu vào màn, nhìn mẹ tôi gục đầu thiểu não, một nỗi xót xa héo hắt từ trái tim bầm tím của tôi rỉ chảy ra, tôi đã ôm lấy cổ mẹ rên rỉ:
- Mẹ có biết con thương mẹ nhiều lắm không mẹ? Con thương mẹ hơn là thương đời con!
Người xoa đầu tôi như ngày tôi còn bé, nhưng người không nói một lời. Tôi đã thong thả thưa với người chi tiết buổi nói chuyện với Phạm Lộc.
Người nghe tôi trình bày chuyến đi sắp tới với Phạm Lộc, người đã nói với tôi những lời mà tới nay và cho tới khi tôi lìa đời tôi vẫn không quên:
“Mẹ mù loà, cô đơn,cần con lắm! Vợ dại, con thơ của con cần con lắm! Nhưng con phải đi, ở dưới nhà nước này, con chỉ là con trâu, con ngựa.”
Con xin kính vâng theo lời mẹ! Con rất tự hào, trong huyết quản của mẹ có truyền thống trinh liệt của bà Trưng, bà Triệu. Con quỳ xuống kính cẩn lạy mẹ!
Đã từ lâu, từ cái ngày tôi đến kính viếng thăm mộ Cụ Ngô và ông Nhu ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi đã hơn một năm rồi, tôi đã có ý định khi có thời gian tôi sẽ đến thăm các người một lần nữa. Nhưng con Hồng Tuộc nó quần thảo tôi như chong chóng, chả còn thời gian nào. Kỳ này lỗ mũi của tôi đã được tháo ra một bên, mỗi tuần trình diện có một lần nên cuộc sống đã thong dong, thoải mái đôi phần.
Tối khuya hôm qua, đạp xe từ ga (xe lửa Biên Hoà đi Sàigòn) về tới nhà, em Hoa vẫn chờ tôi ở cửa như mọi khi. Hoa nói ngay:
- Thứ tư, anh Tuấn Nguyệt dẫn một anh là Mạc Lịch lại thăm anh. Có chào mẹ và bế Mai Lynh.
Thật là vui. Mạc Lịch là dân sport, dân “thổ công” của Hà Nội, cũng đã được ra chiếc lồng to, bây giờ lại ở Sàigon nữa. Tôi định hôm nào có thời gian, sẽ lại thăm anh. Tôi và Lịch có nhiều kỷ niệm ở trong tù. Nhưng, ngày mai thứ bẩy không lao động XHCN, tôi đã có chủ trương sẽ lên nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi viếng Cụ Ngô.
Lần này, tôi muốn mang cả vợ lẫn con gái của tôi đến chào và thăm viếng hai vị. Tôi đã dặn Hoa: Chúng ta không có điều kiện, vậy chỉ cần mua hai cái hoa hồng, hai cây nến và hai cây nhang là đủ rồi. Các vị cần tấm lòng chứ đâu cần lễ vật?
Đã chuẩn bị từ hôm trước, sáng thứ bẩy, với “ông” bạn già thủy chung, mẹ con Hoa ngồi ở yên sau, hướng về nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, tôi “giấn” bàn đạp. Trên đường đi nghe con gái í óe phía sau với mẹ nó, tôi có cảm tưởng, dù tôi là kẻ chiến bại, không còn một cuộc sống bình thường như mọi người; tôi vẫn gồng gánh bảo bọc được cho vợ con tôi, một gia đình nhỏ bé trong cuộc đời này.
Trời hôm nay hơi đùng đục mầu sữa đặc, cổng nghĩa trang còn mờ mờ trong sương sớm. Sau khi gửi xe, tôi ôm con gái, Hoa ôm nhang, nến và mấy cánh hoa hồng còn trong bọc giấy. Một đàn sáo đá năm, sáu con đang ríu rít trên cổng, đều cúi xuống hót toen toét như một điệu kèn mở màn cho ngày hội, khi chúng tôi bước vào. Nhìn những ngôi mộ to, nhỏ xây cao thấp mập mờ trong làn sương mỏng, tôi nhớ đến một ý thơ:
….Ở đây sương khói mờ …. nhân ảnh……
Lòng tôi cũng nao nao về kiếp nhân sinh, trong cõi thế tình. Mặt trời đã thức dậy, những ngọn cây vàng ửng lung linh, lắc lư, cả khu nghĩa trang như được lọc hết những sương mờ. Hơn hai chục con sếu cổ dài, từ hướng Đông bay đến ngọn cây thông đầu đàn, kêu quàng quác, như đội quân cảnh đang điều hành giữ an ninh trật tự, cho ngày hội. Trời cũng trong xanh hẳn lại. Phía Tây Nam từng đống mây trắng, đang đùn lên như một đám cháy rừng.
Đã có ý niệm từ lần trước, tôi dẫn vợ con tôi ngoằn ngoèo tiến về phía hai ngôi mộ. Khí hậu êm ả trong làn gió nhẹ, đột nhiên ồn ào như tiếng thác chảy đầu ghềnh, một đàn cò trắng đến hơn ba chục con, tranh nhau đậu xuống hai cây muỗm già, ở phía đầu hai ngôi mộ. Chẳng biết chúng bàn tán gì mà cứ kêu: Cò… Cò… cò… inh ỏi. Cây muồng đã đội cái xuân nửa chừng, phía bên trái cũng có đám con chèo bẻo ở đâu mới mò đến. Cái loại chèo bẻo này, lúc nào cũng ra vẻ chính nhân, trông mặt thì mô phạm, nghiêm trang nhưng trong lòng, thì chứa nhiều uế khí.
Trong khi Hoa đang cắm bông, đốt nến, thắp nhang ở hai ngôi mộ, tôi đặt con gái của tôi lên chiếc nắp bằng, ngôi mộ cụ Ngô, để mặc cho nó lân la, bò trên ấy. Tôi đi vặt những nhánh cỏ may, mọc trườm ra, hết mộ cụ Ngô lại sang mồ ông cố vấn. Tôi ôm con gái của tôi, đứng bên cạnh vợ, bắt đầu làm dấu thánh giá, nguyện kinh, theo thủ tục tôn giáo.
Thật là lạ kỳ, một đàn năm con bồ câu từ mãi phía mặt trời mọc, sà đến cây bằng lăng, ngay đầu ngôi mộ. Chúng rúc mỏ vào cánh của nhau, rồi cùng nhìn xuống chúng tôi, đầu chúng cứ gật gù, miệng kêu: hù hù.....lù...... hì, nghe như nốt nhạc mở đầu của một bài ca “Tôi yêu “:
Tôi yêu…..quê tôi…..yêu mãi…bây giờ càng yêu.
Yêu chim bay qua…mang đến tin mừng thái hòa.
Yêu anh, yêu em, yêu nước, yêu trời gần xa
Và yêu mối tình nở hoa….ngàn năm không hề phai nhòa
Chẳng hiểu từ một nguồn cảm thầm kín nào, tôi nghe chim câu gù, lại ra bài ca của Trịnh Hưng, từ ngày còn cụ Ngô. Rồi óc tôi nhớ, mắt tôi nhìn rành rọt một buổi cụ Ngô và đoàn tùy tùng, đến đặt vòng hoa trước đài chiến sĩ trận vong năm 1956. Tôi nhớ nguyên văn lời cụ Ngô:
“Chúng ta thành kính, nghiêng mình trước anh linh các chiến sĩ quân dân chính, đã bỏ mình vì chính nghĩa, để kiện toàn cuộc cách mạng giải phóng con người.
Ngô Đình Diệm”
Hôm nay tôi cũng thành kính, nghiêng mình trước anh linh của cụ và ông cố vấn. Tôi là người có tội với dân tộc, xin cụ và dân tộc tha tội! Nếu rồi đây tôi có chui vào lòng biển cả, xin cụ và ông cố vấn để một con mắt, đến vợ con và người mẹ mù lòa, của tôi.
Hoa quay lại tôi, giọng đẩy thắc mắc:
- Sao ở đây, có nhiều chim thế hở anh?
Tôi định nói: “Anh cũng thấy lạ!” nhưng tôi lại nói như giải thích:
- Trong nghĩa địa nhiều cây, lại yên vắng nên chim thường hay đến nghỉ ngơi, chuyện trò.
Hai con bướm trắng xanh, như hai bông hoa nhài thời con gái, từ đám cỏ úa vàng phía sau mấy ngôi mộ lớn, bay đến. Chúng khỏa cánh dập dờn quanh chúng tôi, rồi một con đậu vào cái lẵng đựng đồ của mẹ con Hoa, đang để dựa vào thành mộ cụ Ngô. Một con khỏa một vòng nữa, rồi đậu ngay vào đầu bé Mai Lynh. Đôi cánh thong thả mở ra, khép vào như một bàn tay vỗ về con gái tôi. Nhìn Hoa đang mở to mắt, ngắm con bướm trên đầu Mai Lynh, lòng tôi bỗng co lại lượn lờ vào cõi siêu hình.
Tôi ôm Mai Lynh, không dám cả thở mạnh, vì con bướm chỉ cách mặt tôi, chừng hơn gang tay. Tôi nhìn rõ hai chấm vàng và đỏ cạch, hai bên cánh, một mùi hương hoa thiên lý vung lên rắc đều, trộn lẫn với khói nhang, thành một cái hương vừa thần bí, vừa man mác thanh cao. Con Lynh hình như cũng cảm nhận, thấy có cái gì ở trên đầu, nó rút bàn tay bé xíu ở túi áo ngực của tôi, ngọ ngoạy giơ tay lên đầu. Tôi muốn bảo con tôi, bỏ tay xuống, nhưng mãi cũng không thể phát ra lời. Hai con bướm đã như hẹn, cùng bay lên, theo nhau đảo một vòng về phía chúng tôi, rồi cùng bay trở về đám cỏ vàng, phía mấy ngôi mộ lớn, như những chiếc đền, chiếc miếu con.
Mặt trời đã lên gần đỉnh đầu, một tay bế con, một tay kéo sát Hoa lại và hướng vào hai ngôi mộ, đều cúi đầu nói to:
- Chúng tôi kính chào hai vị!
Hoa đã nhắc từ lúc đi, khi về phải ghé vào nhà ông Cả Nhưỡng mua thuốc đánh răng, vì đã hết hai ngày rồi. Loại thuốc ông tự pha chế, giữa xà phòng và vôi bột, cứ hai đồng một lọ sành con.
Từ ngày tôi về, cũng chả quen biết gì chuyện đánh răng, vì đã quên béng từ dạo trong tù. Nhưng từ ngày đón Hoa về, cô nàng bắt ra nhà ông Cả Nhưỡng, mua loại thuốc vôi với xà phòng phát minh trong nhân dân này. Tôi phải ngoan ngoãn chấp hành sự điều hành của “nội tướng”. Nàng còn khoe, chiều nay sang bà Cần lấy hai kí mì vụn xuất khẩu, nàng đã mánh mung móc ngoặc từ hàng tuần lễ trước. Tôi chỉ nghe, thực tế tôi chưa được thưởng thức cái món mì xuất khẩu, nó ra làm sao. Thế mà chiều nay tôi sẽ được đã đầy … mà ngây ngất, dù là vụn vẫn còn hơn là không biết gì.
Chưa có ăn, nhưng viễn tưởng đã như một ngọn “thu phong” cuối hè ùa vào lòng. Mới tới cửa nhà, Hoa đã nhẩy xuống đưa con cho tôi, rồi nàng ghé sang nhà bà Cần ngay. Tôi ôm con vào trước đưa cho bà, rồi ra dắt “ông” bạn đứng dựa tường từ nãy đi vào.
Chỉ thoáng nghe tiếng ọ ẹ của cháu, mẹ tôi đã vén màn, mặt người tươi roi rói, người vội vàng lấy chiếc khẩu trang đeo vào. Đã từ hơn một tháng trước, Hoa phải đạp xe sang bệnh viện Hồng Bàng, để hỏi bác sĩ chuyên môn: “Mẹ tôi bị bệnh lao phổi, người quá thèm khát bế cháu, có cách gì giải quyết được, không bị lây nhiễm cho cháu?”. Ông bác sĩ chuyên môn, dặn chỉ cần rất đơn giản: “Trước khi bế cháu phải rửa tay xà bông, và đeo khẩu trang! Tuy vậy cố gắng hạn chế “bế cháu”.
Từ dạo ấy, mẹ tôi đã giải quyết nỗi bức xúc của người, mặt của mẹ tôi có sinh khí hẳn lên. Hoa cũng rất băn khoăn về vấn đề này, nhưng tôi khích lệ và xoa dịu:
- Em thông cảm với mẹ, người chả còn sống được bao lâu nữa!
Thậm chí, tôi đã nói thầm cả với con gái của tôi:
“Con chịu khó làm vui lòng bà, Chúa sẽ ân thưởng cho con sau này”.
Khi tôi đã dựa “ông” bạn vàng vào phía trong cửa sổ, quay lại, thì một tay người bế cháu, một tay người móc túi đưa cho tôi một lá thư, ngoại quốc. Lá thư từ Cali (Mỹ), do một bà bạn của mẹ tôi, tên là Lưu.
Đọc lá thư giản dị vài dòng, nhưng đã làm cho lòng tôi bồi hồi xúc động. Như vậy tình người, tình quê hương hãy còn thấm đượm như thế ư? Một bà vợ của một ông trung tá, di tản từ 1975. Bà này là khách hàng quen biết của mẹ tôi, từ ngày mắt của mẹ tôi còn sáng, bán hàng tấm ở chợ Nam Hòa, rồi cho tới khi mẹ tôi bị lòa, vì nhiều đêm ngày khóc thương đứa con trai cả đi… đi mãi không về với mẹ.
Người bạn đó, vẫn một lòng, đến từng nhà thương thăm hỏi, cho tới khi mẹ tôi bị mù hẳn ở nhà. Bà ấy đã nhờ chồng, lái xe đến nhà để thăm hỏi, giúp đỡ mẹ tôi, những tháng năm còn dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Bây giờ nơi xứ người, hẳn sau những tháng năm ngơ ngác tảo tần đã tạm thời ổn định, bà vẫn chưa quên người bạn lòa ở quê nhà. Bà ấy gửi về một chút quà, để nói lên phần nào tấm lòng của bà ấy với người bạn bất hạnh này. Chừng nửa tháng sau, có giấy báo từ Cục Hải Quan Tân Sơn Nhất, để mẹ tôi ra lãnh đồ. Lần đầu tiên từ ngày đất nước sang trang, mẹ tôi có quà ở ngoại quốc gửi về.
Trước ngày tôi đi nhận quà, nhà hết gạo, củi, con không có tiền mua sữa hộp. Cứ mỗi tuần con tôi uống một hộp sữa đặc “Ông Thọ” để bồi dưỡng, theo yêu cầu của chuyên môn. Con gái tôi bị suy dinh dưỡng cấp 2.
Bấn quá! Tôi đã lục lọi nhiều thứ, cái gì có thể đổi thành gạo, thành củi ở trong nhà. Hoa đã phải nhặt nhạnh dần, đưa ra chợ trời Tân Bình, từ cái búa, cái kìm, vài cái bát, cái nồi, phích nước. Hôm nay còn cái áo “veste” của thầy tôi, người đã cho tôi khi còn sinh thời, như một gửi gấm cho đứa con trai, còn lại trên cõi đời.
Chính vì tôi thấu hiểu ý nghĩa tấm lòng của người, nên dù tôi thiếu đói, cũng quyết giữ lại như một di vật của tình phụ tử. Nhưng giờ đây, con gái tôi thiếu thuốc, không sữa trong suy nhược, tôi làm sao duy trì được sự quyết tâm trước đây? Đã mấy đêm trăn trở giằng co với chiếc áo, tôi chưa mặc một lần, để rồi sáng hôm nay, tôi phải đưa cho Hoa, ra chợ Tân Bình.
Hai bố con ôm nhau, với căn nhà rỗng không còn gì để bán và hai cái bụng cũng rỗng, như căn nhà. Phải nói là ba cái, hẳn người mẹ lòa của tôi, cũng chẳng khác gì bố con tôi, và cả người mang chiếc áo đi! Tôi thương Hoa quá! Vì đẻ con nên đã bỏ việc, vì người mẹ mù lòa, bệnh tật và vì anh chồng không có tài xoay xở. Anh chồng đó lại bị con Hồng Tuộc quấn chặt trong vòi của nó, nên cũng đã buộc chặt cả đời Hoa.
Khoảng quá trưa, mãi gần 2 giờ Hoa mới về. Tâm trạng của tôi ngồi ôm con chờ Hoa, nỗi khắc khoải chờ mong thấp thỏm, như ngày tôi còn bé nơi quê nhà, ngoài miền Bắc mong mẹ của tôi về chợ. Thoáng một tiếng động cửa, một bóng người thoáng qua, cánh cửa sổ dưới nhà, một nguồn nóng ấm lại trào ra trong cõi lòng heo hút vắng lạnh. Đời trai ngang dọc, để rồi giờ đây ngồi ôm con bất lực, than vãn ư? Nỗi niềm vơi đầy cứ gậm nhấm đay nghiến, dằn vặt, vò xé trái tim đã rỉ máu, của tôi.
Một chiếc áo vét, thầy tôi mới mặc một lần, Hoa mang đi, chiều Hoa mang về 1 kí 5 gạo, và một hộp sữa Ông Thọ, không còn đủ tiền mua thuốc an thần cho mẹ. Dù gì cũng cảm ơn Hoa, một cô nữ sinh lớp 11, bây giờ phải ngắc ngoải đứng ở chợ trời. Càng ghi nhớ công ơn những tay chân của ông già không vợ, nhưng nhiều con rơi, đã vào “giải phóng” cho đồng bào ruột thịt miền Nam, đói khổ.
Trưa hôm nay, tôi từ bên khu Thanh Đa chỗ vợ chồng Lợi, đạp xe về, thấy một chiếc xe đạp lạ dựng bên ngoài cửa. Vào nhà tôi còn nghi ngờ cả mắt tôi. Lầu Chí Chăn to lớn (người nhái) đang ôm đứa con gái sáu tháng của tôi. Như thế Chăn đã được về do áp lực của Quốc Tế. Gia đình Chăn, đã bồi dưỡng u hề cho Chăn, bên Chợ Lớn gần hai tháng rồi, mặt của Chăn hây hây hưng phấn như con hổ, vừa thoát ra khỏi chuồng.
Chăn chỉ còn mẹ và các anh ở cây da sà Chợ Lớn. Một điều hơi đặc biệt, Chăn ghé tai tôi nói nhỏ: “Chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã trả tiền tử tuất, nhưng gia đình Chăn do khá giả nên còn giữ nguyên vẹn cho tới ngày bất chợt, Chăn được trở về”. Chăn rất thương cảm con gái nheo nhóc của tôi, và hẳn từ sớm, Chăn đã thăm hỏi mẹ tôi, Hoa và cũng đã nhìn rõ cảnh sống nhiều ngõ hẹp của tôi.
Hoa cũng thật tài ba đảm đang xoay xở, nàng đã chạy vạy ở đâu ra hai quả trứng vịt, để có một bữa trứng tráng già lửa, thơm phức cả nhà. Trong bữa cơm duy nhất, chào mừng người bạn tù mới xổ lồng. Ngoài trứng chỉ có món mắm tôm chưng cố hữu, món ăn phù hợp với bà đẻ ăn kiêng, mẹ tôi bệnh phổi, mù lòa cũng phải ăn kiêng và tôi lại cũng thích ăn kiêng trường kỳ.
Cảnh đời của tôi, đã nhiều đêm ngày đẩy đưa tâm tư của tôi trở về, cảnh đời của “chị Dậu”, bà phó Đoan, cô Loan, anh Vọi và cậu Điệp v. v … Chả trách gần đây, tướng Trần Độ, ông Phạm Quế Dương, Trần Dũng Tiến phản kháng bộ chính trị và trung ương đảng cộng sản đòi cho bằng được: Để người dân được sống, được hưởng như cảnh đời của người dân, dưới thời thực dân Pháp thuộc, cách đây gần một thế kỷ?
Chăn đã làm tôi ngạc nhiên, lúc ra về, Chăn đã rút túi lấy tiền, đút vào tay đứa con gái sáu tháng của tôi, một tờ giấy bạc to nhất mới ra, của nhà nước: 100 đồng. Để thấy giá trị của 100 đồng lúc ấy: Cái áo vét còn mới của thầy tôi, ra chợ Tân Bình chỉ được 17 đồng, đủ mua hộp sữa và lkg 5 gạo. Tôi đã dứt khoát từ chối, dù là tôi không có tiền, nhưng Chăn đã nói rõ ràng:
- Tôi không đưa tiền cho anh chị! Đây là tiền của một ông chú, cho đứa cháu gái! Anh chị không có quyền từ chối! Chỉ có nó, nhưng nó đang cầm, với đôi mắt long lanh vui mừng!
Nhìn tờ giấy 100 đồng con Mai Lynh đang mân mê cầm, tôi liên tưởng đến hình ảnh Lầu chí Chăn, chui vào kho vẹc-ni múc ra một ống bương veni, gần hai lít, ở trại trung ương số 1 Lào Cai. Và gần nhất, Chăn đã khênh cả một bao tải lạc (đậu phụng) trong kho, của trại Thanh phong, Thanh Hóa.
Ăn cướp chứ không cắp, trộm lèm nhèm! Hai hôm sau, tôi đi lĩnh được một hộp quà, của bà bạn mẹ tôi, ở Tân sơn Nhất, gồm hai chục mét vải “soa” đen may quần, hai chục mét vải popeline trắng để may sơ-mi, hai lọ thuốc lao phổi. Đặc biệt có một “tuýp” thuốc đánh răng Colgate, loại kem đánh răng quý báu, có thể chữa được chứng đau bụng “khan “, nghĩa là không phải đau bụng đi ngoài (lỏng).
Rất nhiều anh em, kể cả những anh chàng tu sĩ, chủng sinh, người dân tộc, khi bị đau bụng bất thường, trại không có thuốc, bấn quá đã lấy thuốc Colgate uống, mà lại khỏi. Và rồi sau đấy, cứ đau bụng nhiều người uống khỏi, để trở thành thuốc đau bụng thần diệu, ở trong tù.
Cho nên trong cuộc sống chuyện gì cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Người ta vẫn nói: “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí “, nhưng kỳ này, tự nhiên Lầu Chí Chăn mang đến cho 100 đồng, rồi người bạn của mẹ, từ mãi bên Mỹ lại gửi cho quà.
Tôi chạy ra nhìn bông hoa mai Tứ Quý đỏ chót, đang lắc lư, rung rinh với gió. Một ý tướng mơ hồ, lảng vảng vào tâm hồn tôi: “Có còn niềm vui, niềm may mắn nào nữa không? Xin thỉnh cầu!” Kỳ này, chúng tôi mua được một số thuốc cho mẹ, trước đây không đủ tiền mua, cháu Lynh cũng thế, sữa hộp được tăng cường lên hai hộp một tuần. Em Hoa và tôi cũng “bốc” với hương đời một tí, cho nên chúng tôi dám thưởng thức những con cá chiên nóng đòn, những quả cật, qủa tim, lòng heo còn tươi rói.
Bữa cơm, nhìn mẹ tôi ăn những miếng thịt kho tàu mà hằng năm, người không nghĩ đến, ruột tôi nở ra từng khúc. Trông nét mặt người hân hoan, lòng tôi mát dịu như được đón nhận làn gió sớm mùa xuân, dù rằng số tiền bán mấy chục mét vải cũng chả được bao nhiêu.
Vả lại, “tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống” nhưng trong cảnh mẹ, con và vợ như những cây rừng, lâu ngày nắng hạn, cằn cỗi, tại sao có chút nước, lại cất đi, để dành?
Chỉ hơn một tuần sau, tôi nhìn mẹ tôi, nhìn con, nhìn vợ tôi và ngay tôi đã có khí sắc như mọi người. Cảnh sống bươn chải cực khổ, lầm than thì gia đình nào cũng vón cục lai, kể cả anh em, ruột thịt, bạn bè, ai cũng phải tự lo để tồn tại.
Một buổi chiều tối vợ chồng Phạm Lộc đến báo cho tôi biết, chuyến đi sẽ vào ngày 26-11-1982. Đúng 2 giờ chiều sẽ đón tôi tại một địa điểm, trên đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận. Chỉ còn hai ngày nữa để chuẩn bị. Theo yêu cầu của mẹ tôi, và cũng là ý định của tôi, ngày mai tôi sẽ dẫn mẹ tôi, vợ con tôi ra thăm mộ và đọc kinh, cho thầy tôi.
Hôm sau Hoa cũng phải lo mua một cây nến, ba nén nhang và một bông hoa hồng. Chẳng biết ý tưởng của tôi thế nào, tự nhiên tôi vào bếp lấy con dao ra, tôi chọn, tìm một cành mai đưa ra cho thầy tôi. Có thể khi ấy, tôi nghĩ tới những ngày người còn ở với mẹ con tôi, cả tới khi tôi đã cưới vợ. Tôi thường thấy thầy tôi đứng ngắm nghĩa cây mai thật lâu, sau mỗi lần người làm một điếu thuốc lào. Tôi đã chọn một cành mai, tôi ưng ý nhất, cắt mang ra mộ, gọi là thể hiện tình người con trai hẩm hiu, đối với phụ thân trước khi ra đi vào đại dương nhiều bão tố, và nhiều những sự việc không biết trước.
Hoa bế con, một tay tôi xách chiếc lẵng có cành mai, nến, nhang và một đóa hồng tươi duy nhất. Giống như thăm mộ cụ Ngô và ông cố vấn. Một tay tôi dắt người mẹ bất hạnh của tôi, chúng tôi bồng bế, dắt díu nhau lần mò ra nghĩa địa Nam Hòa. Mới có hơn ba tháng, từ ngày xây mộ, thế mà hôm nay, cỏ đã mọc um tùm. Tôi để mẹ tôi ngồi ghé trên mộ, tôi dọn sạch cỏ chung quanh, cả mấy ngôi mộ bên cạnh, hàng xóm của thầy tôi. Hoa vừa bế con, vừa thắp nhang đốt nến, mùi nhang lẫn vào cỏ tươi vừa mới vặt, tôi có cảm tưởng là mùi của thầy tôi, sau mỗi lần người hút thuốc lào.
Một điều cũng hơi một chút lạ, tôi thấy như có sự trùng hợp, khi chúng tôi râm ran đọc kinh, theo nghi thức tôn giáo. Một con bướm trắng có hai cái lông mào trên đầu, đỏ như cái mầu bông mai Tứ Quý ở nhà, con bướm cứ lượn lờ đến mấy vòng quanh ngôi mộ. Hai chiếc cánh trắng như đôi mắt con nai rừng, cứ nhắm vào rồi lại mở ra nhìn tôi trừng trừng. Tôi đã ôm lấy mẹ tôi, tay người lần hạt, miệng người vẫn mấp máy đọc kinh, nhưng hai dòng lệ lại giàn chảy ra, từ đôi mắt hoắm sâu của người.
Tim tôi như muốn ngừng lại, niềm xúc động cuồn cuộn tràn ứ, làm mờ cả mắt tôi. Tôi nói hết làm sao được lòng thương yêu, của tôi với người. Người sẽ phải vĩnh viễn, sống trong đêm tối! Âm thanh càng đào, càng khoét, càng quấy, chọc trái tim quắt queo, như chiếc lá môn khô già, đang thối rữa của người. Mẹ ơi! Con thương mẹ lắm! Óc của tôi ngắc ngoải tiếng gọi đó, nhưng miệng của tôi không phát được ra thành lời.
Hôm nay, không những tôi kính chào, từ biệt thầy tôi nằm dưới mộ, tôi cũng kính chào từ biệt người mẹ mù lòa, tôi hiểu tôi ra đi trái tim của người càng tàn lụi, thối rữa thêm vì nhớ thương. Nhưng mẹ tôi đã thể hiện quyết tâm rồi, người còn đủ sáng suốt để phân định, giữa nghĩa nước và tình nhà.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen