There is a great deal of difference between an eager man who wants to read a book and a tired man who wants a book to read.

G.K. Chesterton

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 174: Thầy Về Với Tổ Tiên
ồi tôi chui tuột vào trong giấc ngủ Nam Kha lúc nào không hay, bỗng nghe có tiếng gọi giật gọng của mẹ tôi:
- Bình! Bình! Bình ơi!
Mắt nhắm, mắt mở, tôi chồm xuống thang, lật màn mẹ, thì mẹ tôi đã nói như thúc giục:
- Con xem thầy con thế nào?
Tôi quay vội sang màn thầy! Thầy tôi nằm xoay ngang ra cái giường, người đang khò khè lúc to, lúc nhỏ, tôi vội ôm thầy tôi, đặt nằm ngay ngắn, gối đầu cho người cẩn thận. Tôi hướng sang màn mẹ tôi, nói khẽ:
- Con đã đặt thầy, nằm thẳng lại rồi.
Nói rồi tôi mò lên gác vì mệt và buồn ngủ quá! Chừng hơn một giờ sau, tôi còn đang chập chờn ngao du vào xứ mộng, thì mẹ tôi lại gọi nữa:
- Bình ơi! Con, con xuống xem thầy ra sao? Mẹ thấy khác thường lắm!
Tôi cũng thấy trong lòng một cảm giác lạ thường, vừa nóng, vừa lạnh như trong mùa Đông không đủ áo. Tôi hấp tấp leo xuống thang, nhìn vào màn thầy, thầy tôi vẫn nằm trong tư thế khi nãy, tôi cầm tay thầy tôi gọi khẽ:
- Thầy ơi! Thầy!
Không còn có tiếng khò khè lúc trước, tôi gọi to hơn:
- Thầy, Thầy ơi!
Tôi để một ngón tay vào mũi người, người không còn thở nữa, tôi quay sang màn mẹ tôi, nói trong nước mắt:
- Mẹ ơi! Thầy đã chết rồi!
Mẹ tôi gào lên:
-Ối ông ơi! ông bỏ tôi… ông đi!
Mẹ tôi vật vã, gào thét, tôi vào ôm lấy mẹ tôi, cổ tôi nghẹn lại không nói ra lời, nhưng nước mắt của tôi cứ cuồn cuộn giàn ra. Bà Chức đã chạy sang, tôi chỉ kịp quay lại nói:
- Mẹ trông nhà giùm con, con sang nhà cô chú Tuất, con về ngay.
Sang tới nhà cô Xuân bên Lăng Cha Cả, tôi đập cửa, mới 5 giờ sáng, tôi chỉ kịp nói với em Xuân: “Thầy chết khoảng 4 giờ sáng!”. Vội vàng, tôi dặn thêm:
- Em cho các cháu đi báo cho cô Thu, mợ Út, họ hàng. Em bảo con Lan hay thằng Cường lên Hồng Ngự báo cho chị Hai và các cháu nhà thím Lý.
Tôi phóng vội về nhà vì nhà không có một ai. Về đến nhà thì đã đầy người, bà con, hàng xóm, không biết ai báo. Cô Thu đang ôm mẹ tôi ở trên giường, người cứ vật vã, khóc không còn ra tiếng nữa. Chỉ là những tiếng khào khào, như tiếng con ngan đực gọi vợ, gọi con, gọi đất trời!
Càng về trưa, nhà tôi đông nghẹt các ông, các bà, không có trầu mà cũng chả có nước uống, nhưng tất cả mọi người đều thông cảm cho cảnh huống neo đơn của gia đình tôi. Nhìn đám đông các ông bà già cả, trẻ con, người lớn, xúc động, tôi thấy được nghĩa tình của xóm phố, luồn sâu vào trong đó có cả cái nghĩa của người cùng một nước.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương.
Người trong một nước, phải thương nhau cùng.
Một mặt khác, cũng phải có một sợi tơ tình nhỏ bé là trước đây cuộc sống của bố mẹ tôi đối với xóm giềng cũng phải có tình, có nghĩa, có thủy, có chung.
Những anh em biệt kích và những bạn tù địa phương ngoài Bắc của tôi, như Tuấn Nguyệt, Mạc Lịch v.v… cũng đến viếng xác thầy tôi. Chắc anh này báo cho anh kia, tôi không thể báo được cho ai. Điều này cho tôi càng thấy rõ: Trong cuộc sống tiền tài, vật chất thật là quan trọng, nhưng xuyên suốt toàn bộ, tình và nghĩa là quan trọng nhất, là Kim Chỉ Nam của kiếp sống con người.
Do cuộc sống quá cực khổ, lầm than dưới nanh vuốt của con Hồng Tuộc, hầu hết người dân thấy tiền là trên hết:
Tiền là Tiên….là Phật…là sức bật…v.v…
Nó chỉ đúng 80 – 90 phần trăm, chứ dứt khoát không phải tất cả Trước đây ông bà mình có câu: “Có tiền….mua tiên cũng được!”
Nhưng chắc chắn không thể mua được lòng Trời, dù cho có bao nhiêu tiền, chúng ta dù ai, cũng phải thừa nhận: Có những sự việc, những loại không phải có tiền mà mua được! Có những loại tình, loại nghĩa không thể mua được bằng tiền. Sự già, sự trẻ, chết và sống v.v... Đầy dẫy những thứ không phải từ đồng tiền.
Do những tấm lòng của thân nhân, họ hàng, bạn bè và bà con xóm giềng, có cả Cha Bình, Cha làm phép cưới cho tôi và Hoa, Cha vào làm phép xác tại nhà. Ba ngày sau đưa thầy tôi ra nghĩa địa ở Nam Hòa. Đi theo đám, ngoài mẹ tôi (có cháu Lan dìu), các em, các cháu, họ hàng và bà con thân thuộc. Tôi là người con trai duy nhất chống gậy, đội mũ rơm đi sau quan tài.
Có một số điều kỳ diệu:
- Thầy tôi cố chờ tôi tròn 20 năm (1962- 1982)
- Cháu đích tôn của người vừa ra đời ngày hôm trước, thì người vào cõi vĩnh hằng, ngày hôm sau.
Như thế sau này, cứ ngày sinh nhật của cháu Mai Lynh, hôm sau là ngày giỗ của ông nội.
Cũng thật là một sự việc khó quên, hai mẹ con Hoa ở nhà thương về phải ở bên bà nhạc. Thậm chí khi đưa đám thầy tôi rồi, mà mẹ tôi dứt khoát chưa cho mẹ con Hoa về nhà, vì người không muốn bà đẻ có hơi hướng tử khí. Người muốn phải để một vài ngày, cho không còn hơi hướng và phải rẩy nước phép cả trên gác dưới nhà. Tôi hiểu không hợp lý tình lắm giữa tâm linh và khoa học. Tốt nhất là tôi phải vâng theo ý của người, nhưng chắc chả ai cấm được cái chân và khóa được trái tim của tôi, với vợ và con gái yêu của tôi. Thành ra trong ba ngày tôi phải phục tang, hễ khi nào nghỉ ngơi, ăn uống là tôi thay quần áo tang, để chạy vội sang chuyện trò với vợ con, một ngày chả biết mấy lần.
Con gái cưng của tôi nó như con chó con, cái mũi tí hon, cái tay bé tí, đôi mắt của nó nhỏ xíu, long lanh như hai hạt kim cương, cứ trừng trừng nhìn tôi. Con ngươi của nó, chuyển hết từ mầu hồng sang mầu xanh, rồi chuyển lại mầu hồng như muốn nói:
- Con đã biết, bố là bố của con rồi nhé!
Tôi cúi xuống thường cho nó một cái hôn nồng nhiệt, con gái của bố mới có bốn, năm ngày mà đã thông minh thế!
Một lần tôi bế nó trong lòng, nó dám run rẩy giơ bàn tay “ngọc” lên cằm sờ râu của tôi (mấy ngày lo đám ma, không cạo). Tôi tức mình “quắc” mắt lên ”lườm”nó, như muốn cho nó biết “oai”:
- “Cô nương” dám sờ râu “cọp” à?
Lườm thì lườm, nhưng tôi vẫn hôn lấy, hôn để, cái mùi thơm từ khi lớn lên tới giờ, tôi chưa bao giờ được ngửi mùi thơm kỳ diệu, nó như… tôi chịu, tôi phải nhờ những nhà văn nào có tài, may ra mới lột tả được! Tôi chỉ thấy nó… tuyệt vời lắm, như hơi của “tiên nga” vậy. (Tôi đã được hôn đâu, mà biết?).
Sau đám tang của thầy tôi chừng một tháng, một hôm thằng Lợi mách và bầy mưu cho tôi:
- Tao có quen một bác tên là Nhiên, bác thầu nhiều công trình để tu sửa, bác là người của chế độ cũ, nên bác trả lương cho người công nhân, rất “biết điều”. Hiện nay bác đang thầu sửa chữa bệnh viện tâm thần ở Biên Hòa, tao có nói chuyện về mày, bác sẵn sàng giúp đỡ mày! Bác sẽ cấp cho mày cái giấy, nhận mày vào làm công nhân sửa chữa. Mày có giấy này, mày làm đơn xin với công an xem nó có cho mày đi một tuần. Cứ một tuần về trình diện một lần, có giấy chứng nhận mày làm việc, ở bệnh viện tâm thần Biên Hòa!
Tôi đã làm một lá đơn, đầy đủ tình lý lên Tiểu Ban Quản Lý Những Người Học Tập Được Về, rồi ra Phường, lên Quận, xuống CA khu vực, cả chữ ký của ông trùm Lộc (khu phố), lại lên Thành gần một tháng trời, đi về. Cuối cùng, tôi được chấp nhận cho trình diện mỗi tuần, với điều kiện phải có giấy xác nhận của Bệnh Viện Tâm Thần Biên Hòa, hàng tuần.
Đúng là đường đi của tôi từ chỗ lội bì bõm bùn lầy đã lên đường đi, dù là đường đất nhưng không còn chỗ lầy lội. Tôi đã được gặp bác Nhiên, bác chừng 60 tuổi, bác đang ở tạm tại nhà của một đại úy công an, trong khu Tam Hiệp gần bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Tôi cũng được quen biết vợ chồng Phạm Lộc là con của bác Nhiên. Vợ của Lộc là cô Liên, cả hai vợ chồng đã lên nhà tôi chơi nhiều lần ở Ông Tạ. Để tiện công việc làm ăn, tôi cũng được ăn ngủ ở nhà anh đại úy CA, với bác Nhiên.
Anh đại úy CA này tên là Trường, người Lái Thiêu, vợ của anh là chị Hiền, là con gái của một ông Giám Đốc hay Thứ Trưởng Bộ Y Tế thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. (Được biết, ông này ngoại giao giỏi, nên ngoại quốc giúp đỡ thuốc men nhiều, vì thế cộng sản vẫn dùng để ông này xin thuốc). Cuộc tình giữa con gái của một thế gia, với một đại úy CA, hẳn cũng có nhiều vấn đề xã hội. Anh chị Trường + Hiền ở một căn nhà to có vườn cây chung quanh, anh chị đã có hai đứa con bốn năm tuổi.
Hàng ngày, tôi đi làm với bác Nhiên, bác phụ trách một đội công nhân tu sửa bệnh viện, chừng gần hai chục người. Anh Trường và tôi thường hay tâm tình, anh thường vui vẻ nói đùa: “Anh (chỉ tôi) 18 năm tù, còn tôi cũng suốt 18 năm đi phục vụ Cách Mạng, sống heo hút trong núi rừng “.
Anh Trường có cái thú uống trà và hút thuốc lá ba số 5, ở một phòng khách nhìn ra vườn cây. Những ngày mưa dầm, những đêm trăng tỏ, tôi và anh đổi trao hai mảnh đời ở hai chiến hào đối nghịch. Và hiện nay, anh ở phía chiến thắng có tiền, có quyền, có vợ đẹp con khôn. Tôi ở phía chiến bại, không tiền, mất quyền công dân, hàng ngày đi làm cu- li, nắng mưa trèo leo, chui rúc để kiếm miếng cơm cho mình, cho mẹ già và vợ dại con thơ. Cứ chiều thứ Sáu, cùng với “ông” xe đạp ra tàu, đi về với vợ con để chiều Chủ Nhật, trở lại bệnh viện làm cu- li.
Những buổi sáng, những buổi trưa, ngồi nhâm nhi ly trà hoặc cà phê “vị đời” trong những quán nước trước cổng bệnh viện chờ giờ mở cửa. Đủ mọi thành phần công nhân, chuyên môn, cán bộ, từng nhóm ồn ào hay trầm lắng. Do những “vi ba” của sóng mắt, tôi quen biết một cậu tên là Lê Hiệp. Cậu có nước da bánh mật, chừng 29- 30 tuổi, đôi mắt cậu “lắng đọng” trầm ngâm, hay dõi nhìn những đám mây trời đen trắng.
Để rồi tôi được biết cậu là bác sĩ chuyên về não bộ, cậu còn là bí thư chi đoàn thanh niên cộng sản của bệnh viện. Cậu là con một điền chủ, của một cơ sở cách mạng thuộc tỉnh Cần Thơ. Cậu đã có ba năm y khoa dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mấy năm cuối và ra trường dưới chế độ này. Như tôi đã trình bày quan điểm từ trước: Nếu muốn tiếp xúc với cuộc đời bằng những bàn tay xòe mở rộng, thì sẽ gặp những bàn tay mở rộng, xòe cả năm ngón. Ngược lại bằng những bàn tay nấm chặt khư khư, thì cũng sẽ có những nắm đấm đối xử lại. Gieo bắp thì thu lượm bắp, gieo lạc thì sẽ thu hái lạc.
Sau khi cậu biết tôi từ trong hang tối chui ra, cậu lại rất quý mến, nhiều buổi cậu đã bỏ những đám bác sĩ, y tá áo trắng đồng nghiệp để, đến bàn một anh chàng cu- li, người chẳng giống ai để tâm tình, trò chuyện. Qua nhiều những dò dẫm, lòng ướm thử lòng, cậu đã nói rõ:
- Anh tìm được đường nào “oversea”, anh báo, gọi em sẽ theo anh. Ngược lại, nếu em có “mối”có “đầu”anh sẽ đi với em!
Nhiều những ước định hẹn hò thỏa thuận, nếu như mưa thuận, gió hòa, gặp thời cơ thì sẽ nẩy mầm sinh hoa, kết trái cho đời. Cậu là một người trí thức đã đắm mình trong lò máu mê và độc dược, của con Hồng Tuộc. Điều cậu băn khoăn khắc khoải nhất là: Hiện nay dân tình lầm than đói khổ, xã hội bị khóa chặt trong một căn nhà. Người dân bị bịt mồm, bịt mắt, thuần phong, đạo lý bị đảo lộn, tình người như nắng hạn kinh niên.
Vậy tại sao cái chế độ phản dân chủ đó vẫn tồn tại? Tôi hiểu đây là một vấn đề lớn của đất nước, và của thời đại, không thể vội vàng hồ đồ thiếu sàng lọc cân nhắc! Vì thế tôi xin hẹn cậu một bữa khác, sẽ cho cậu biết cái chủ quan hạn hẹp của tôi.
Ở giữa mảnh vườn rộng, nhà đại úy công an Trường có một căn nhà con, chắc xưa kia là nhà để hạt giống và dụng cụ làm vườn. Vì tôi thích thoải mái, phóng khoáng nên tôi đề nghị với anh Trường và chị Hiền, tôi dọn dẹp và sửa chữa căn nhà đó, kê được một cái giường và một số đồ lặt vặt. Tôi sẽ ra đó ở và ngủ đêm, để nghe chim hót, côn trùng ca nhạc và những tiếng thì thầm, trong đêm thâu của cây vườn.
Đã hơn ba tháng, căn nhà với tôi đã hít thở, đánh hơi nhau như người nhà, như bạn bè gần gũi thân quen. Một đêm vào khoảng 2 giờ sáng, tôi còn mê mệt sau một ngày leo trèo trên mái nhà, để đảo ngói (vì dột) một căn nhà rộng, thuộc khu da liễu của bệnh viện. Bỗng có nhiều tiếng huỳnh huỵch của bước chân, tiếng lách cách của sắt thép, rồi tiếng hô giật giọng, của một người giọng Bắc rặt:
- Bò dậy và giơ tay lên!
Tôi choàng ngồi dậy, ánh đèn bấm loang loáng, hai người đứng đầu và cuối giường, lăm lăm chĩa hai khẩu AK 45 vào tôi. Hai người nữa đeo súng ngắn, mặt tên nào cũng đằng đằng sát khí, chúng bắt tôi đưa giấy tờ, tôi chẳng có một giấy tờ gì, ngoài cái giấy ra trại của bộ nội vụ. Thấp thoáng phía bên ngoài còn hai tên nữa, cũng lăm lăm hai khẩu CKC thập thò ngoài cửa. Hai tên đeo súng ngắn, đeo lon thiếu úy và trung úy, chúi đầu xem tờ giấy ra trại rồi chúng nhìn nhau. Bốn mắt chúng vừa như vui mừng, vừa như ngơ ngác nhìn một con thú lạ, mà chúng chưa xác định được, là loại gì?
Chúng bật hẳn đèn điện lên, dù ngọn đèn chỉ có 25 watts cũng đủ để thấy rõ mắt của hai tên cầm giấy càng trắng ra, như không tin vào đôi mắt của mình. Tên trung úy cầm giấy, còn chiếu đèn bấm vào cái giấy ra trại, của tôi xem lại. Tôi suy đoán qua thái độ của hai tên chỉ huy, giấy này là của bộ nội vụ, nghĩa là từ trung ương Hà Nội. Mười tám năm tù giam từ 1962, từ khi chúng còn là một cậu bé 9 – 10 tuổi, cái tội gián điệp, chỉ cái từ này hình như đã “dị ứng” với chúng ở giai đoạn ấy.
Mấy ngày nay, anh Đại úy Trường CA đi công tác xa không có nhà, hai tên đeo súng ngắn thì thào với nhau một lúc, rồi chúng yêu cầu tôi theo chúng về đồn. Hai tên mang CKC đi trước, hai tên cầm hai khẩu AK theo phía sau. Khi trở về sân nhà, chị Hiền và bác Nhiên nhìn tôi đi giữa 6 người súng ống, mặt lầm lì. Bác Nhiên và chị Hiền nhớn nhác lo sợ. Tôi bình thản nói với chị Hiền và bác Nhiên:
- Chị và bác giúp tôi, cho người về Sài Gòn báo cho vợ tôi biết nhé! Và cứ yên tâm!
Chúng dẫn tôi đến một chiếc xe đò Đồng Nai, đã xỉn mờ đi hai ba chữ, đậu khuất nẻo trong một khóm tre đầu ngõ. Thái độ của chúng đẩy tôi lên xe, súng ống bố trí trước sau, cứ sợ như tôi chạy trốn, tôi đã định ghé vào tai tên Trung úy người Bắc nói cho y rõ:
“Tôi đã làm đơn trở lại nhà tù từ 7- 8 tháng nay rồi, tại sao tôi lại chạy? “.
Tuy vậy, tôi cũng thấy lóe ra một vấn đề của anh Đại úy Trường, đang đêm súng ống vào nhà một Đại úy CA để bắt người, lại bắt vào lúc anh không có ở nhà, kết hợp với những đổi trao tâm tình nhiều lần giữa anh và tôi. Chúng dùng một tên người Bắc chỉ huy vụ bắt bớ này, rõ ràng chúng đã không còn tin tường hoàn toàn vào anh Trường! Anh vẫn có, vẫn còn cái tính bộc trực thắng thắn của người miền Nam. Anh lại lấy con gái của một công chức cao cấp của chính quyền “ngụy” thì hẳn những quan hệ, những giao tế sớm muộn dần dà đã nẩy sinh tự nhiên trong cơ thể của anh một số chất “miễn nhiễm”đối với những nọc độc, thuốc lú, thuốc mê của chủ nghĩa cộng sản bịp bợm.
Về tới đồn CA mới gần 4 giờ sáng, trời hãy còn tối đất nên chúng giam tôi vào một cái buồng con bằng tre, nứa phía sau đồn. Nhìn những phên nứa, nhìn những dây lạt buộc những thanh tre của cửa và vách. Tôi tự nghĩ nhà giam tôi lúc này, không phải là căn buồng này, mà là cái đầu của tôi thôi.
Cho tới trưa ngày hôm sau, chẳng có ai hỏi han gì đến tôi, thoáng mấy tên CA đi lại từ xa, tôi gào gọi để hỏi, thì tên nào cũng trả lời không biết! Cũng chẳng có cơm nước gì! Mãi tới chiều mới có tên tù hình sự, đưa vào cho tôi một bát cơm gạo hẩm, với miếng cá khô. Đói khổ đã quen, nên không trở thành vấn đề lấm! Chỉ cần ngày một bát cơm như thế thì tôi chịu được.
Đúng như rằng, ngày hôm sau, cũng chẳng hỏi han đến và cũng chỉ một bát cơm hẩm như vậy. Nhưng tôi tin rằng với những phương tiện liên lạc có thể như điện tín, hay xe cộ v.v... chúng đã hỏi hay báo về Biên Hòa; có khi về tới Sài Gòn rồi.
Sáng hôm sau nữa, khoảng 10 giờ, một tên CA vào mở buồng, giọng Biên Hòa rổn rang:
- Anh mang hết đồ đi ra ngoài!
Ra đến sân đồn, y dẫn tôi vào một văn phòng, cậu Tập đang ngồi với một tên Trung úy CA, quay ra cười với tôi. Tên Trung úy CA, cầm tờ giấy ra trại của tôi, y cười rồi đưa trả lại tôi. Cậu Tập đứng lên bắt tay với y, rồi ra hiệu cho tôi theo cậu ra sân. Tôi cũng chẳng cần chào tên Trung úy, bốn năm tên CA nữa thập thò phía trong, cậu Tập dẫn tôi đến một chiếc Honda dựng ở một góc sân. Ý của cậu Tập là đưa ngay tôi về Sài Gòn vì bà cụ (mẹ tôi), vợ tôi đang nóng lòng mong đợi tôi ở nhà.
Tôi đề nghị cậu Tập, đưa tôi vào Tam Hiệp đến nhà chị Hiền đã, và cái tôi cần giải quyết đầu tiên, khi nhìn thấy một quán nước bên đường. Tôi đã ăn hết một cái bánh tét và ba quả chuối tiêu to.Tất cả 1 đồng 20.
Bác Nhiên và anh Trường không có nhà, chỉ có chị Hiền và mấy đứa nhỏ, nội dung sự việc:
Đã từ lâu CA Biên Hòa đã rình để bắt Cao Xuân Huy (hiện ở Califomia, viết “Tháng Ba Gãy Súng”). Được báo Huy là sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, đang bí mật tổ chức vượt biên, chúng dò được Huy vẫn lén lút đi về ẩn náu trong nhà của Đại úy CA Trường. Anh Trường lại là phó phòng ngoại vụ, của sở CA Biên Hòa, nhưng đã có nhiều biểu hiện tiêu cực, nên chúng để lại như một hình thức; mà không còn thực quyền. Chính vì những mâu thuẫn lằng nhằng này nên chúng đã vồ “hụt” Cao Xuân Huy, nhưng lại vớ được tôi, một tên gián điệp do CIA đào tạo, đã ở tù 18 năm ngoài Bắc. Giấy còn ghi rõ, không có quyền công dân trong 5 năm.
Ngay ngày hôm chúng bắt tôi, bác Nhiên đã mang giấy chứng nhận của bệnh viện tâm thần Biên Hòa: “Tôi là công nhân hàng ngày làm việc, trong đội sửa chữa của bệnh viện”. Anh Trường về đã giận dữ phản đối. Tóm lại với giấy tờ thật của bộ nội vụ, và sự xác nhận của bệnh viện Biên Hòa, chúng đã biết bị lầm. Nhưng từ xưa những việc chuyên chính với thành phần đối kháng, thì lầm cũng không bao giờ có lỗi.
Cậu Tập, là ủy viên tài chánh của một phường, ở Sài Gòn lên lĩnh cháu về. Dù sao tôi cũng biết ơn cậu Tập, đã có công lên đón tôi về, đã nói lên tấm lòng của cậu mợ, quan tâm đến đứa cháu rể.
Sau này nói chuyện lại, lúc đầu bác Nhiên, chị Hiền và cả anh Trường tưởng tôi bị bắt, vì do tôi bí mật hoạt động gì đó, nên mọi người đều xanh mắt lo lắng. Khi biết rõ là lầm, bác Nhiên mới lo giấy tờ xác nhận của bệnh viện, anh Trường mới nổi nóng phản đối, vào nhà anh, một đại úy CA để bắt tội phạm. Điều này cũng đã nói lên nhiều vấn đề.
Tôi lại tiếp tục hàng tuần đi làm việc ở bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Một buổi sáng, tôi và mấy người lúi húi sửa tường và mái của một căn nhà kho, trong một cái hẻm của bệnh viện, thoáng một bóng trắng từ khu nhà thí nghiệm len lỏi vào chỗ chúng tôi đang thi công. Từ xa tôi đã biết là bác sĩ Hiệp, tôi tiến ra, cậu đã vồ lấy tay tôi, như gặp lại một người thân lâu ngày xa cách:
- Anh làm em mấy đêm không ngủ, em lo cho anh quá!
Giọng miền Nam của cậu đã được giao thoa, trong cộng đồng dân tộc, nghe như mưa rào cuối xuân của Đà Lạt. Mai là ngày nghỉ của cậu, cậu có nhã ý muốn tôi đến chỗ cậu ở trong đêm nay, trưa mai cậu sẽ đưa tôi trở lại bệnh viện để làm việc.
Cái chính là, những lần trao đổi tâm tình với cậu, tôi tỏ ra là người rất say đắm thiên nhiên, cậu cũng đồng quan điểm thưởng ngoạn như tôi. Theo cậu, nơi cậu ở hiện nay, phong cảnh rất có nghĩa tình với cậu, nên cậu muốn tôi cùng thẩm nhận với cậu, như cùng khao khát một món ăn của tinh thần.
Tôi biết ngoài những công việc chuyên môn bận rộn, lại ôm một trọng trách là bí thư, của chi đoàn thanh niên cộng sản của cả bệnh viện, phải là một người đỏ cả chân tay, mặt mũi, nếu không (ít ra con Hồng Tuộc đã tin) cơ thể, tim, óc của cậu đã được ướp ngâm, dầm trong rãi, rớt đầy nọc độc, mê, lú của nó, như đã được cấy “sinh tử phù “.
Bác Nhiên đang có mặt ở trong nhà kho, tôi vào tỏ ý xin nghỉ buổi sáng mai, bác sắp sếp người thay tôi. Bác Nhiên đã nhìn thấy bác sĩ Hiệp, đứng nói chuyện với tôi, Hiệp lại là thành phần lãnh đạo của bệnh viện, nên bác vừa gật đầu, vừa chớp con mắt, đang nhiều lòng trắng của bác, như một dấu “hỏi” to tướng và đen ngòm. Tôi lại trở ra với Hiệp, ngay sau buổi làm chiều hôm ấy, tôi gửi “ông“xe già của tôi ở một buồng quen.
Tôi và Hiệp rong ruổi trên chiếc Honda, trở về xã Bình Trước Biên Hòa. Không ngờ chỗ Hiệp ở, gần rẻo một nhánh của sông nước Đồng Nai, những cây trái và những ngọn dừa, cành lá rung rinh xào xạc như reo vui, mừng đón chúng tôi về. Mới nhìn thấy cảnh mà lòng tôi đã lâng lâng dạt dào cảm xúc, chả trách Hiệp đã ngẩn ngơ ca tụng, với tôi mấy lần. Nhà Hiệp mướn là một căn nhà nhỏ, xinh xinh ở cách gần 100 mét, một xóm quần tụ gần hai chục căn, lẫn lộn nhà gỗ và nhà gạch. Ở giữa khu xóm là một căn nhà cao, có lá cờ đã ngâm trong máu, đã ướp nhiều độc dược và thuốc mê. Nhìn lá cờ đang ngoe nguẩy giẫy dọn trên mấy ngọn dừa, tôi có cảm tường nó đang rắc những phấn độc, phấn lú để mọi người không thể nhìn rõ được thân hình, tim gan của nó.
Trong nhà của Hiệp chỉ có sách vở và treo những hình ảnh của Marx, Engel và Lénine to tướng ở trên cao, phía dưới lúc nhúc 7- 8 tấm hình nhỏ hơn, của các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam trong đó có ông già không có gia đình, nhưng lại có nhiều vợ nhiều bồ và con rơi. Một chiếc tủ con hầu hết là sách vở chuyên môn y khoa của Liên Sô, Tiệp, Đức v.v… Một chiếc tủ to, nhiều tầng đầy sách đã phì hơi của chúng ra đầy phòng, mùi tanh của máu và súng đạn, thoáng có cả cuốn Tư Bản Luận, và cuốn Lénine Toàn Tập.
Hiệp xuống bếp vào buồng, lo chuyện của chủ nhà, khi ra nhìn thấy tôi đang tần ngần ngắm nhìn những tấm hình, Hiệp tiến lại gần hạ giọng:
- Chiếc áo choàng của em đấy mà!
Tôi quay lại, lắc đầu, dịu dàng nhìn cậu:
- Hiệp không cần thanh minh! Bây giờ, anh em mình định ăn món gì?
- Vì không định trước, chỉ có cá lóc kho và có ít sò huyết hôm qua.
- Tôi hỏi vậy thôi? Món ăn “tinh thần “ngoài kia, còn nhiều quá! Vậy “vật chất” chỉ cần qua loa, ăn ít cái này thì mới ăn nhiều cái kia được!
Tôi xắn tay, chạy xuống bếp cùng với Hiệp loay hoay làm một bữa cơm “nhẹ chất, nặng tình”. Nhìn một rổ sò huyết, tôi không tin Hiệp lại tìm mua những thứ này. Nó không biện chứng, hợp lý với một người chỉ cặm cụi vào học hành, sách vở lại còn yêu thiên nhiên? Nghĩ thế tôi hỏi thử sự suy đoán của mình:
- Hiệp cũng chịu khó, tìm được món sò huyết rất quý!
Hiệp đang thái hành, ngẩng lên nhìn tôi đăm đăm, như xét đoán cách nói và thái độ, của tôi là thực hay đùa? Rồi Hiệp chậm rãi:
- Có bao giờ em lại đi mua những thứ này! Họ biếu, họ tặng nhiều thứ lắm! Em đã đẩy ra từ chối nhiều lần, nhưng không phải lần nào cũng theo ý mình. Anh quên, em là bí thư chi bộ?
Trời tháng Bẩy, cứ đòi “nhẩy” lên giường, vừa mới cơm nước xong, bên ngoài trời đã cập quạng, gà đã lên chuồng. Hai anh em dọn dẹp, chén bát xong, đom đóm đã lập lòe ngoài phên dậu.
Một điều thú vị nữa, là Hiệp với tôi lại cùng có một sở thích lạ đời “thích bóng tối“ không phải để làm những chuyện mờ ám. Bóng tối thường có sự tĩnh lặng đi cùng. Mỗi khi trong cuộc sống gặp những sự việc khó khăn trở ngại, đêm thâu, tôi thích ngồi một mình, ngâm, dầm trong bóng đêm, để nghe những nỗi niềm da diết đầy vơi của nỗi buồn trong lòng, để suy nghĩ tìm một phương hướng chống đỡ, chuyển đổi những khó khăn vây quanh.
Hôm nay tôi thích đi trong đêm tối, bắt những con đom đóm để tìm lại một chút hơi hướng ngày “thơ” của tôi. Tôi đề nghị với Hiệp, trong ánh sáng của ngọn đèn 40 watts lủng lẳng giữa nhà, mắt của Hiệp long lanh như hai vì sao nhỏ, miệng cười khìn khịt:
- Em đang định rủ anh ra ngoài!
Đi với một anh đít đầu đều đỏ choét, như mặc chiếc “áo giáp”thật dầy, chống cả “lam sơn, chướng khí “. Hiệp và tôi đã đuổi bắt được mỗi người 5, 6 con đom đóm trong tiếng gió lướt thướt, dứt day với những cành lá của cây vườn. Đây đó trong bóng đêm, một vài chùm sáng lóe lên từ những ngôi nhà như những miếng bạc, miếng thiếc trong chậu mực Tàu. Một lần Hiệp đuổi vồ được một con đom đóm, xô vào một gốc cây, Hiệp cười ré lên, kéo tôi ra một đường làng, nói văng vào luồng gió:
- Em không nghĩ tâm hồn của anh còn “ngây thơ” thế?
Tôi cũng “quẳng” vào tiếng xạc xào của lá cành:
- Bù trừ kỳ diệu của cuộc đời, mà Hiệp!
Dưới ánh sao mờ, bốn người từ trong một đường giong tiến ra, đèn bấm lóe lên:
- Thủ trưởng đi thực tế tình hình!
Bốn người lại tiến vào một giọng khác! Qua dáng dấp và thập thò khẩu súng trên vai, tôi đã đoán ra rồi, nhưng Hiệp vẫn nói:
- Du kích xã này, họ đều là đoàn viên.
Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm, mới 5 giờ, trời còn tối, vừa là thói quen, vừa muốn thăm cảnh lạ, nhìn Hiệp vẫn say sưa với những chạy nhẩy của tối hôm qua, tôi lẹ làng lách ra ngoài, không gây một âm thanh. Tôi muốn gặp cây vườn để hít thở cái khí hậu mát rượi trong lành, của buổi sớm mai. Một tiếng còi tàu nhớn nhác te…..te……..cù……cú……..cu từ trong xóm, luồn vào luồng gió sớm vọng về, như gọi vừng Đông trở dậy.
Nhìn một con đường nhỏ, nhiều lá khô dẫn đến một cây đa già, cành lá xum xuê, to cao nhất vùng, tôi rảo bước tiến về phía cây đại thụ. Cây đa gốc rễ rườm rà ôm cả một khoảnh đất rộng. Một cái am quét vôi trắng, như chiếc rương con trong một cái hốc của gốc cây, có một bát nhang đã hương tàn khói lạnh. Trời êm ả dần, tôi nghe thấy cả tiếng thỏ thẻ của một đôi chim sớm, đang âu yếm dựa nhau trong một khóm lá, thập thò liếc nhìn tôi.
Phía Đông đã rạng ra, rồi đỏ dần lên rừng rực, làm vàng ửng cả lá lẫn cành đa. Một vệ đất thoai thoải dài xuống một con rạch cạn, vì nước triều đang xuống dần, tôi ngồi xuống một gốc soan, nằm nghiêng dài bên cây mít mật, đeo lủng lẳng những trái. Tôi ngồi đăm chiêu, nghe tiếng lá khô, khẽ thì thào với gió nhẹ, để chờ mảnh mặt trời ban mai bò dậy.
Tiếng con dế mèn ré lên ro ro cao vút, ở dưới gốc cây soan tôi đang ngồi, như ru hồn tôi vào cõi mộng. Một bàn tay êm ái đặt nhẹ vào vai tôi. Cậu Hiệp đã ngồi bên tôi từ lúc nào, đã làm tôi tỉnh hẳn, Hiệp nói như trách, như hờn:
- Sao anh không gọi em dậy?
- Nếu gọi Hiệp dậy, thì làm sao tôi nghe được tiếng hờn trách lúc này? Cũng như ông mặt trời hôm nay, biết là có người đợi, nên ông ở lỳ, không chịu “nhò” mặt ra.
Tôi đứng dậy kéo tay Hiệp:
- Trời còn sớm, anh em mình xuống dưới con rạch, nhìn mấy con cáy ra ràng!
Hai anh em lần theo mép nước mé rạch, tôi kéo vội Hiệp nấp vào một bụi si dại, tôi chỉ cho Hiệp một con cò trắng đang lom khom bắt mồi dưới một dòng nước cạn. Chúng tôi nín thở, lách gần đến chỗ con cò, để xem nó bắt mồi. Không phải cò mà là con hạc, hai cái chân cao lêu khêu và cái cổ dài ngoẳng.
Nó không hề biết, có hai anh chàng đang theo dõi, ngắm nhìn dung nhan của nó, rõ ràng hai cái chân của nó run lên bần bật trong nước. Tôi lại trách ngầm nó: “Anh chàng hay cô nàng, ra đây kiếm ăn sớm làm gì cho lạnh?” Nhưng tôi chợt nhận ra, không phải‟ nó run. Mỗi lần cái chân phải run bần bật, cái mỏ vàng nhọn hoắt, dài đến hai ngón tay lại chộp lấy, chộp để trên mặt nước. Thì ra cái chân phải của nó giậm xuống bùn cát, để xục những con mồi chạy tóe lên mặt nước, cho cái mỏ nó chộp.
Tôi chợt nhớ, ngày tôi còn 7- 8 tuổi, có lần đi học về trên con đường làng, dọc theo con sông đào, đầy bèo bồng. Tôi đã mải mê theo ông đánh giậm hàng giờ, chân của ông cũng giậm giậm cái càng tre như con hạc bây giờ.
Hiệp ngửng lên nhìn tôi, đôi mắt lấp lánh trầm trồ:
- Lần đầu tiên em nhìn thấy!
-Ơ tù mất nhiều năm, nên tôi cũng là lần đầu!
Hiệp nói, chỉ hơn 100 mét nữa là ra sông Đồng Nai, vì đây là cửa của con rạch. Trên đường đi, có lẽ hình ảnh con hạc vẫn còn chen chúc trong óc của Hiệp, nên quay sang hỏi tôi:
- Có phải hạc làm chân nến, ở đền thờ phải không anh?
- Đúng! Vì chân dài, cổ cao, hơn nữa dáng của hạc sang và đài các hơn là cò.
Con sông Đồng Nai đã nằm ngửa, phơi mình phía trước mặt, làn gió hè vẫn nhè nhẹ phe phẩy lá cành. Dòng sông rộng, nhìn bờ bên kia hãy còn mờ mờ trong sương sớm, tôi chỉ mặt nước chỗ gần bờ, phía đầu gió hỏi Hiệp:
- Hiệp nhìn mặt nước chỗ này, hình dung và cảm tưởng ra sao?
- Như một tấm gương để ngửa, đến nỗi chỉ nhìn mặt nước, em thấy hai con cuốc đen, đang dài cổ đuổi nhau sang bên kia bờ.
Thấy cảm xúc của Hiệp có dồi dào, tôi chỉ tay ra phía gần giữa sông, đầu làn gió mới tạt đến mặt sông, hỏi tiếp:
- Còn chỗ kia?
Nét mặt đăm đăm rồi sáng hẳn ra, nhìn tôi:
- Em thấy nó hơi nhăn nhăn như da trái bưởi, đến mùa thu hoạch.
Vồ vập chỉ mặt nước sát phía bờ bên kia cuối gió, tôi hỏi tiếp:
- Chỗ kia Hiệp hình dung giống cái gì?
Không do dự, Hiệp vừa cười vừa nói, nghe như đậu sào giá:
- Theo em, trông nó như chiếc bánh tráng (đa), nướng già than.
Tuyệt vời! Tôi quên béng, nên vỗ tay đôm đốp. Vừa đúng lúc một chiếc thuyền từ đầu nguồn đi sát ngay gần bờ. Trên thuyền, phía đầu mũi có một ông cụ già và một cô gái, tường tôi vỗ tay gọi vào, hay trêu cô gái đẹp? Ông cụ giơ tay khoắng lên như hỏi, làm cho cả tôi và Hiệp đều giơ tay lắc lia lịa, rồi quay lại nhìn nhau cười, như ngỗng hét gọi sao.
Thấy cảm giác phong phú sinh động khác thường của Hiệp, một nhà khoa học rõ ràng, tôi đâm ra băn khoăn suy nghĩ nghề nghiệp có thể khác nhau do cuộc sống, nhưng tâm hồn có thể “cùng ngồi một chỗ, cùng đi một chiều”. Tò mò, tôi thử đi sâu hơn tí nữa, tôi quay lại Hiệp thành thật:
- Tôi thừa nhận óc tường tượng của Hiệp thật là phong phú, có khi nào Hiệp hình dung ngay chỗ Hiệp và tôi, đang đứng. Trước đây, hàng trăm, hàng nghìn năm xưa đã có nhiều người đặt chân đến, qua lại? Của nhiều thời đại, nhiều thế hệ? Từ đấy suy ra: có khi ở giữa rừng sâu, hẻo lánh hay ở giữa thành phố tráng lệ, do những biến thiên, loài người xã hội, chuyển đổi có khi lại là ngược lại với nhau, tang thương vũng thành đồi?
Thấy tôi lan man đi vào những lãnh vực không cần thiết, nên Hiệp đã kéo tay tôi quay về. Mặt trời đã cao hơn một con sào!
Chuyến đến thăm nhà cậu Hiệp, chỉ ngủ có một đêm, nhưng đã làm cho lòng tôi ghi nhớ mãi. Chuyến đi đã làm cho tôi và cậu hiểu thêm nhau, và tin tướng nhau hơn.
Đã từ hàng tuần lễ trước, sắp sửa đến ngày kỷ niệm 100 ngày của thầy tôi, do chủ trương ấp ủ trong lòng, mỗi khi hai mẹ con ngồi bên nhau trong bóng đêm. Từ ngày thầy tôi chết, mẹ tôi gầy hẳn đi, người ít nói hẳn. Sáng tối người ở lại ngoài nhà thờ lâu hơn. Trước đây là hai ông bà chậm chạp lầm lũi, dẫn nhau đi nhà thờ. Buổi lễ sáng sớm cũng như buổi chầu chiều muộn, bây giờ có khi do tôi, do Hoa, có khi bà Chức. Cũng có ngày do một vài cô gái trẻ 16-17 trong ca đoàn dẫn mẹ tôi đi, hoặc dẫn về.
Để phần nào thể hiện bổn phận làm con của tôi đối với thầy tôi, và an ủi mẹ tôi phần nào, tôi sẽ xây mộ cho thầy tôi, trong dịp tròn 100 ngày.Mẹ tôi rất vui, một buổi người dúi vào tay tôi cái nhẫn hai chỉ, tôi bán được gần 100 đồng, cô Tuất góp 60 đồng, cô Thu 45 đồng, đặc biệt cháu Thanh Lan cũng góp 10 đồng để xây mộ cho ông.
Tôi và cậu Quang (cháu của Hoàng Ngọc Chính) đã đi mua gạch, cát và ciment. Tôi và Quang chẳng biết gì về thợ nề, nhưng đã có anh Tuấn Nguyệt, anh đã làm thợ nề và làm đội trưởng xây dựng nhiều năm, ở trong tù. Tuấn Nguyệt và Quang đã nồng nhiệt tích cực cùng với tôi, cuối tuần này sẽ xây mộ cho thầy tôi.
Chỉ hai ngày, thứ Bẩy và Chủ Nhật, ba chúng tôi đã xây xong ngôi mộ của thầy tôi, tương đối là hoàn hảo, so với những ngôi mộ khác chung quanh. Mẹ tôi muốn ra tận nơi, để người được sờ tận tay, ngôi mộ mới của thầy tôi, tôi đã làm vừa lòng người.
Một điều cũng thật là kỳ diệu! Cây mai, từ ngày anh Tuấn Nguyệt cho, Tuấn Nguyệt đã nói:
- Từ khi anh đi tù về, đã có cây mai này ở nhà, đã mấy năm rồi, chẳng bao giờ có hoa.
Nhà ông cụ của anh, có nhiều loại cây cảnh. Tôi đã đèo chậu mai từ trên Hạnh Thông Tây về, và nó là cây duy nhất trong ngôi nhà khô cằn nhựa sống, của thầy mẹ tôi. Cũng đã hơn một năm, tôi thay chậu, bón phân chăm sóc, mỗi ngày mỗi tốt tươi, nhưng cũng chẳng có hoa bao giờ. Đã có một lần nó ra một chiếc nụ, rồi rụng đi.
Tháng ngày trôi, cháu Mai Lynh ra đời, thầy tôi giã biệt cuộc đời. Hôm nay sau khi xây mộ cho thầy tôi 100 ngày, một buổi sáng, cây mai nở ra một chiếc hoa to đỏ chót. Tôi mới biết nó là loại Mai Tứ Quý.
Cây mai đã “xấn” vào đời tôi nhiều dấu mốc, tôi đã đứng cạnh cây mai này, để buổi đầu nối duyên đời với em Hoa, vợ tôi và cũng cây mai này, đã có tên Mai Lynh con gái cưng của tôi Bây giờ lại nở một bông hoa đỏ chót như chào đón tôi, như tươi cười hân hoan run rẩy trong làn gió nhẹ, mỗi khi tôi đến gần.
Một buổi sáng chủ Nhật, tôi đã bế con gái tôi xuống đến sát bà “Mai bốn quý”. Tôi đã cho phép tôi ghé mũi đặt chiếc hôn đầu, lên cánh hoa đang thì mới lớn, có một mùi hương ngầy ngậy, làm rạo rực lòng tôi. Và tôi cũng đưa dần chiếc bàn tay thiên thần nhỏ xíu, của Mai Lynh sờ nhẹ vào cánh “bích mai” đang hơ hớ trong nắng sớm, của một ngày.
Vào một ngày thứ Bẩy, sắp hết giờ Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa, tôi và mấy bạn thuộc phe chiến bại đang cắm cúi quét rác và móc lỗ cống, trước chợ Nam Hòa. Bỗng có tiếng Honda từ ngoài Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa đường Bắc Hải đi vào. Một anh chàng đang ngơ ngác thăm hỏi mấy người đi đường, tôi có nhìn lầm không? Rõ ràng là anh chàng Lê Hiệp, làm sao tôi có thể tin được, vì chẳng bao giờ, tôi nghĩ tới. Tôi đã chạy xô đến, để hỏi
- Hiệp vào đây để làm gì?
Hiệp nhìn thấy tôi, như tìm thấy một món đồ cậu đã đánh rơi, cậu vồ vập, dựng xe vội vàng rồi ôm chầm lấy tôi:
- Em đang... đi tìm anh? Em hỏi thăm đến ba, bốn người rồi!
Tôi cũng bấn loạn dồn dập:
- Có ngờ đâu Hiệp lại mò đến đây! Làm sao biết tôi ở khu vực này?
- Em hỏi bác Nhiên và phải đến Phạm Lộc mới biết, hoàn cảnh sống của anh, vì thế em quyết định một buổi phải đến thăm bà cụ và đứa con gái “rượu“của anh. Hơn nữa em phải gặp anh để lấy một món nợ…………
Tôi vẫn chưa nghĩ ra, tôi còn thiếu Hiệp món nợ gì…?.. thì Hiệp đã hạ giọng:
- Món nợ ân tình… ở cổng Bệnh Viện Tâm Thần..anh đã khất em… một bữa khác… ấy mà?
Mắt trái của Hiệp hơi khép lại hai cái, tôi đã chợt hiểu và lòng thấy một niềm hân hoan nở rộ lên. Điều này đã nói rõ nỗi khắc khoải thực sự, của một anh chàng trí thức, với quê hương dân tộc.
Từ nãy, mấy anh cùng phe “chiến bại” và cả cô nàng Ngọc Anh trong phe “chiến thắng” cũng đang thô lố mắt, nhìn cảnh tôi và Hiệp gặp nhau. Chỉ còn nửa giờ nữa thì mãn giờ lao động, tôi đã dẫn Hiệp đến cô Ngọc Anh, vừa là giới thiệu, vừa là nhân chứng xin cho nghỉ vì có bạn ở xa tới bất ngờ. Hiệp và Ngọc Anh đã nhỏ to trao đổi, và chắc Ngọc Anh đã minh định được, một bác sĩ trẻ cùng phe với cô nàng, chứng cớ cô nàng đã giục tôi:
- Anh Bình hãy nghỉ tay, cũng sắp hết giờ rồi!
Tôi cảm ơn và chào mấy anh bạn của tôi, tôi dẫn Hiệp về trước. Hiệp đã ân cần thăm hỏi sức khỏe của mẹ tôi, con gái bốn tháng của tôi, Hiệp đã chuẩn bị từ trước, có một số thuốc cho mẹ tôi và con gái của tôi. Tôi đã bế con gái, để Hoa lo một bữa cơm giản dị, cho cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa tôi và Hiệp.
Tôi thấy Hoa đã chạy ra, chạy vào, ra chợ rồi sang cả nhà mẹ, ôm về một bó củi. Tôi chợt nhớ, củi đã hết từ hôm qua, Hoa tất tả ngược xuôi, nhưng bữa cơm cũng chỉ có hai món: Một đĩa tôm rang và một đĩa đậu rán. Qua thái độ và ánh mắt, Hiệp lại tỏ ra càng đồng cảm, trong cảnh sống của tôi. Hiệp đã chậm chạp, tâm sự:
- Em rất thương bà cụ! Một mẹ già mù lòa vì đứa con trai ra đi biền biệt, gần hai chục năm. Nay trở về, nhưng cũng không nhìn thấy mặt con, lại mang bệnh lao phổi nặng, thương yêu cháu mà không dám bế cháu của mình!
Chiều hôm ấy Hoa đã bế con về bên mẹ, cho cháu chơi với bà ngoại. Tôi và Hiệp lên căn gác hẹp, cũng có một ấm trà với bao thuốc lá Hoa Mai.
Đã từ lâu, tôi đã xác định, càng thêm thời gian thì càng được thẩm thấu, như một phương châm hành xử:
“Cả cái tuổi thanh xuân của một đời người, tôi còn coi nhẹ, huống chi bây giờ bất kể một việc gì, nếu việc đó có góp phần lớn, nhỏ cho dân tộc tôi, cho quê hương tôi được tự do ấm no thực sự, thì tôi sẵn sàng kể cả mạng sống”.
Tôi chỉ ân hận một điều: Tài tôi hèn, trí tôi thiển, không đóng góp được bao nhiêu, trong phương châm hành xử của tôi. Hôm nay nằm bên Hiệp, một trí thức trẻ, một mầm non đang lớn của con “Hồng Tuộc”của thời đại, khắc khoải, băn khoăn về sự lầm than, quằn quại của người dân, dù tôi không đủ kiến thức quán triệt, thì cứ làm được đến đâu, hay đến đấy. Chả lẽ phải đợi cho đủ, cho chín mới làm? Tôi vẫn thấy thà còn thiếu vẫn hơn là không làm. Tôi cũng nói rõ cho Hiệp hiểu như vậy, còn nguy hiểm thực sự tôi không hề nghĩ đến.
Cứ cho là Hiệp sẽ báo cáo, đầy đủ tư tưởng của tôi với lãnh đạo của Hiệp, thì tôi vẫn cứ làm. Hai điều xấu là bị bắt vào ngục tù trở lại, điều này tôi đã làm đơn xin trở lại rồi. Điều thứ hai là bị bắn chết, hay giết chết. Ngay từ 1962 khi tôi xông vào bức màn sắt, tôi đã xác quyết chết đối với tôi là “hòa”vì tôi có biết cái quái gì nữa đâu. Điều mà Hiệp băn khoăn nhiều đêm ngày là tại sao chế độ cộng sản bị toàn dân (đa số) chán ghét đả phá, mà nó vẫn tồn tại, hết năm này lại đến năm khác?
Để nói về vấn đề nóng hổi, lớn lao này phải nói nhiều, diễn giải nhiều, hay viết hàng vài trăm trang giấy mới lý giải, minh chứng được cốt lõi. Vậy tôi chỉ đưa ra một vài nét cơ bản, rồi chính cái đầu của Hiệp, sẽ dần dần “đục đẽo” hết nó ra.
Từ cái mâu thuẫn nội tại là tâm lý và tư tưởng của con người, càng no đủ càng tự do dân chủ, thì mâu thuẫn này càng hằn rõ. Mâu thuẫn nội tại, là đã nằm sẵn, như một chất hữu cơ, có tự do, dân quyền thì phải có cái đó:
- Tính đố kỵ tự nhiên của con người.
- Cái tôi to lớn, ai cũng tự cho mình là một trung tâm, “mục hạ vô nhân”.
- Thờ ơ, không quan tâm những nguyên nhân xa, mà chỉ chú ý những điều sát sườn, trực tiếp: Hết gạo thì ra sức chạy gạo, mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân vì đâu:
- Có gạo ăn no đủ.
- Cùng cực, lầm than, đói khổ.
Riêng ở Việt Nam của chúng ta hiện nay (1982) ở trong nước: Một số ít người do đặc quyền, đặc lợi thì không kể, hầu hết mọi tầng lớp người dân, đều phải sống trong cảnh lầm than đói khổ, khẩu súng và nhà tù đã khóa miệng, bịt mắt mọi người dân. Họ đều mong muốn đổi thay cái chế độ tàn bạo, vô nhân tính này.
Ở ngoài nước (Việt Kiều), những người đã di tản, vượt biên chạy trốn cái chế độ phi nhơn, vô thần này. Đương nhiên họ muốn lật đổ, thay đổi cái chế độ hiện hành. Dù cho cộng sản là con “kỳ nhông” luôn đổi mầu, đổi sắc để tồn tại. Như vậy cái câu dậy bảo của tổ tiên, ông cha từ ngàn xưa: ý dân là ý trời, đã không đúng nữa hay sao?
Tôi xin tạm thời dùng hình tượng, giả dụ như sau: Tất cả những người dân Việt đều quần tụ sinh sống trong một cái khu hẻo lánh, chung quanh có núi cao, hào sâu, chỉ có một hướng cửa mở duy nhất, để mọi người ra vào, sinh hoạt, một hòn đá to lớn như một chướng ngại chặn ngang lối ra vào. Mọi người trong khu, bất kể thành phần nào, ra vào đều phải vất vả, cực nhọc trèo qua hòn đá này. Lúc đầu vì chưa hiểu rõ, hoặc vì những quyền lợi cá nhân nên những người lãnh đạo trong khu, ra sức lắt léo thuyết phục mọi người: Hòn đá to lớn chắn ngang càng làm cho khu ở chúng ta thêm đẹp, thêm hùng tráng. Không những che chắn, gió độc, gió chướng mà còn ngăn cản cướp trộm, giữ gìn an ninh, cho mọi người trong khu v.v...
Nhưng cũng đã từ lâu, trải qua thực tế, hầu hết mọi người trong khu, đều thấy hòn đá bất tiện, gây nhiều trở ngại cho cuộc sống, nhất là với giới gánh gồng, kéo xe. Ngay cả một số người lãnh đạo trong khu, cũng đã thấy những trở ngại của hòn đá. Mọi người đều muốn lật hòn đá ra chỗ khác. Cũng đã có một số người, một số đoàn này, đội kia định xô đẩy hòn đá xuống hồ, xuống biển. Nhưng hòn đá to quá, không thể làm gì được.
Đã qua và hiện nay, là như thế. Muốn nhấc hòn đá, xô đẩy lật nhào nó xuống biển, thì tất cả mọi người dân trong khu đều phải ra mó tay vào hòn đá. Chưa hết, khi đã hô hào được mọi người trong khu ra cùng mó tay vào hòn đá, nhưng không cùng một lúc; khi người này nhấc, thì người kia không, hay ngược lại thì hòn đá ấy vẫn nằm đấy. Phải có một người, một tổ chức có uy tín, có thực lòng (đa số chỉ có ở miệng, không phải ở tim) mọi người trong khu đã thấy, đã tin tướng. Người đó, tổ chức đó yêu cầu mọi người trong khu ra đều mó tay vào hòn đá, rồi hô một hiệu lệnh thống nhất: Một, hai, ba: Mọi người đều hất, đều xô thì hòn đá sẽ lăn xuống biển, xuống hồ.
Hòn đá ấy là chủ nghĩa cộng sản, là cái bộ chính trị, là những tên lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam hiện nay.
Hiệp đã đứng hẳn lên, đến ôm lấy cổ tôi, hổn hển:
- Em cảm ơn anh!
Khi ấy đã 10 giờ! Đêm hôm đó, mẹ con Hoa ở bên bà ngoại, Hiệp vẫn không muốn nằm chiếc giường duy nhất, anh chị Hiền cho mượn trong dịp cưới. Hiệp thích tôi trải chiếu xuống sàn gác, để cùng thường thức cảnh đời của giai cấp vô sản. Trước khi ngủ Hiệp còn thì thầm như nói với chính mình:
- Chuyến đi đáng đồng tiền bát gạo!
Hơn một tuần sau, vợ chồng Lộc+ Liên xuống chơi. Lộc cho biết, qua sự giới thiệu của Nguyễn Hữu Lợi, biết là tôi muốn “oversea”. Hiện nay, Phạm Lộc kết hợp với một vài người nữa, bí mật tổ chức một chuyến đi cho chính mình. Lộc đã biết điều kiện, hoàn cảnh nghẹt thở của tôi, chỉ riêng một mình tôi, nếu đồng ý đi thì chuẩn bị. Nếu đắm tàu, hay cướp biển chết cả, thì có gì để nói, nếu thoát ra tới ngoại quốc phải thanh toán, cho vợ chồng Lộc + Liên ba cây vàng.
Nếu tôi chưa được tiếp xúc trước đây với Lộc+ Liên, đã hiểu lòng tự trọng và danh dự của nhau, và nếu không có sự giới thiệu của Lợi, chẳng bao giờ có sự thỏa hiệp với một điều kiện lý tưởng như thế ở giai đoạn ấy. Chẳng nói thì ai cũng biết là tôi đã gật đầu đồng ý, đến “sái” cả cổ. Hôm nay tâm tình bằng những bàn tay “xòe” nên tôi được biết Phạm Lộc, không phải là con trai của bác Nhiên. Do bối cảnh loạn ly của đất nước, Cao Xuân Huy là anh cùng mẹ khác cha với Phạm Lộc. Vì vậy, chuyến đi sẽ có cả Cao Xuân Huy, dự trù vào cuối năm 1982.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen