Bread of flour is good; but there is bread, sweet as honey, if we would eat it, in a good book.

John Ruskin

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 162: Nỗ Lực Để Sinh Tồn
ính toán, cân nhắc rồi tôi âm thầm chuẩn bị, đôi dép không cần thiết, tôi bỏ vào một góc khuất, cởi chiếc quần “jean” rách, đã bạc màu, thắt chặt hai ống lên cổ. Cái giấy ra trại, cái nhẫn chị Lợi đưa, chiếc đồng hồ Seiko 5 của thầy tôi cho, tất cả tôi túm lại trong một cái túi nylon, đút gọn vào trong một cái túi con khâu ngầm trong quần đùi, rồi cài kim băng.
Nghĩ đến đôi dép để đấy không tiện, sau này CA khám thấy đôi dép, chúng nghi ngờ có người trốn, tôi đi đôi dép đàng hoàng. Trời đã cập quạng tối, tôi đến rủ mấy cậu Bạch, Thâu và Triết có theo tôi bơi vào bờ ngay từ còn ngoài biển v.v…? Cả ba cậu thấy tôi chuẩn bị, bằng những con mắt sợ sệt, e ngại, cuối cùng các cậu đều nói:
- Thôi! Anh ơi! Bị bắt một, hai năm về, tính chuyến khác, bây giờ xuống biển đêm, chả biết thế nào. Nguy hiểm lắm!
Tôi thật ngạc nhiên: Cậu Thâu và Triết đều gốc chài lưới, mà cũng rụt rè, sợ sệt như vậy. Tôi đã thấy một điểm sáng, từ trong chỗ đen ngòm lóe lên, như thế sắp tới đất liền rồi. Rồi ánh đèn bấm từ thuyền trước cũng lóe lên, biển lúc này tuy có động, sóng to, gió lớn hơn, lại có trận mưa đêm nữa, như vậy là càng tốt cho kế hoạch của tôi. Tôi phỏng đoán cách bờ chỉ khoảng một cây số hay một cây số rưỡi là cùng, tôi lại bơi bỏ xa chỗ đèn pin lóe lên, thì cho đến hai cây là hết cỡ. Tôi đã được ăn một bát cơm và một gói mì khô. Có nguy hiểm, nhưng xét cơ thể của tôi, có thể chịu đựng được cái lạnh ở dưới biển.
Tôi hỏi lại các cậu lần nữa, các cậu vẫn e ngại lắc đầu. Không thể chần chờ, bắt tay các cậu, tôi xuống vào chỗ người ta vẫn đi cầu phía khoang cuối. Xác định phương hướng, tôi tụt xuống biển, trừ ba cậu, cả thuyền không ai hay. Chìm nghỉm, sóng to gió lớn, tôi sải bơi theo sóng, áng chừng nửa giờ, tôi lặn sâu xuống, sờ chân xem có thấy đất chưa. Lặn đã hết cả hơi, chân tôi không hề chạm vào một vật gì. Tôi nhổm lên, nhìn vào phía trong, vẫn một mầu đen kịt, tôi cũng chẳng nhìn thấy hai con thuyền đâu, chỉ thấy sóng biển trắng đầu nhấp nhô.
Cứ xác định hướng ấy, bơi nữa (nếu không xác định đúng, mà lại bơi trở ra biển, thì tôi chẳng còn ngồi viết những dòng này). Tôi lại bơi nữa, cũng áng chừng nửa giờ, bỗng có một loạt súng AK 47 pằng......pằng... pằng.....vang réo vào tiếng gào của sóng. Tôi lặn vội xuống biển, tôi tưởng trong bờ CA đang nhằm bắn tôi, nhưng thấy yên. Tôi cũng thấy mệt qua rồi, vì sự sống, tôi cố bơi nữa, tay chân của tôi đã rã rời, tôi tưởng phen này đành buông xuôi tay chân cho hết một kiếp người nhiều cực nhọc.
Giữa lúc tôi nghĩ đến mẹ tôi mù lòa, bố tôi lẩn thẩn thì chân của tôi chạm đất, tôi đã đứng được lên, nhưng người yếu quá! Một cơn sóng đánh tôi đổ nằm ra, bây giờ cả tay tôi cũng đã chống sờ thấy đất cát, tôi cố lết vào thêm để có thể nằm ra được mà không có nước. Tay tôi vừa chạm vào mấy cành lá con con, tôi hiểu là loại “đước” con thường mọc ở bờ biển. Hai tiếng súng pằng… pằng… Lần này là của CKC réo vào không khí, từ ở phía phải.
Tôi suy đoán là lúc này cả thuyền đã bị bắt, sau khi CA tra xét biết là có người trốn, nên chúng tản ra các bờ để truy lùng. Vì nghĩ như thế, nên tôi vẫn cứ phải nằm ngâm trong nước biển lạnh hàng giờ nữa. Người tôi rét run, hai hàm răng đánh vào nhau cằm cặp, lúc này tôi mới chợt thấy cái quần jean buộc ở cổ đã gửi nó trong lòng biển, cả đôi dép cũng không còn. Quần đùi, chân không giầy, dép với một cái sơ mi mầu “gụ” đã sờn vai. Tuy tôi ở miền Nam từ 1954, nhưng chỉ ở Sài Gòn. Có một lần xuống Hồng Ngự thăm mộ người em mới đây, chỉ ở một đêm sáng hôm sau đã trở về. Nói chung ở những tỉnh khác của miền lục tỉnh, tôi chưa hề đặt chân.
Tôi có cảm tưởng như từ thuyền đổ bộ, xâm nhập vào để hoạt động tình báo, chống cộng sản của 1981. So với đầu 1962 tôi đổ bộ vào Hà Tĩnh của miền Bắc, nhưng lần này khó khăn hơn vì không được trang bị quần áo, và lương thực.
Một điều tôi không ngờ, và chưa bao giờ thấy, đó là muỗi. Muỗi như những đàn ong, vo vo quấn lấy mặt, lấy cổ, lấy tay và lấy chân của tôi. Vỗ, đập, đuổi, người cứ phải giẫy lên khoa chân múa tay, để xua đuổi muỗi. Đứng cũng không yên, cứ như tập võ, múa Mai Hoa Quyền. Tôi chợt nhìn mấy cành đước, tôi bẻ hai cành, mỗi tay một cành, đập và xua đuổi muỗi. Tuy có khá hơn, đỡ mệt hơn là làm bằng hai bàn tay, tôi đành chịu trận để chờ trời sáng. Thật là may, khi mặt trời bắt đầu thò lên, thì những con muỗi cũng đi đâu mất tiêu. Miền Bạc Liêu, Minh Hải, tôi đáng ghi nhớ nhất là muỗi.
Vừa quan sát, vừa nghe ngóng tôi cứ tiến dần vào phía trong, vì có một chút kinh nghiệm hoạt động nên lòng tôi cũng có phần tự tin, khi vào miền đất lạ. Tôi suy đoán, trong vùng vì có người trốn vượt biên, nên ở các chặng đường có thể có CA để ý người lạ, nhưng chắc rằng chả quan trọng như tù trốn, tuy vậy, tôi vẫn luôn luôn để ý mọi hiện tượng trên đường đi. Thực sự, tôi cũng chẳng biết đi về đâu? Chỗ nào cũng sông ngòi hay rừng non. Mãi gần trưa, chân tay đã mỏi rời, tôi đã đến một con sông to, nước phù sa cuồn cuộn chảy, có chỗ rộng năm sáu chục mét, rải rác hai bên bờ có những chiếc vó rất to.
Tôi cứ theo bờ sông, đã có lúc tôi định bơi sang bên kia bờ, nhưng chưa biết hướng ấy đi về đâu? Điều cần là tôi phải gặp người, để lựa lời thăm hỏi. Nhìn phía trước có một căn nhà tranh con con ở mé sông, từ xa tôi thoáng thấy bóng một người đi vào. Đến gần, nhìn cái cửa phên tre khép hờ, căn nhà trơ vơ bên một bờ sông trống trơn, không có nhà cửa cây cối. Sát phía bên trong, là những ruộng bắp đã thu hoạch, sâu vào trong nữa là những cây rừng non. Chung quanh thật vắng vẻ, cạnh cái nhà nhỏ chỉ có một cái am con để một bát hương, nhưng đã tàn lạnh. Tôi chậm chạp lê chân tiến đến cánh liếp khép hờ, tôi lên tiếng cũng rề rà lửng thửng, tay đẩy cánh cửa liếp:
- Có ai …….không?
Thoáng nhìn thấy khẩu CKC dựng mé vách, một người mặc chiếc quần ka-ki xám, cởi trần chừng 35- 36 tuổi, tay đang cầm cuốn sách: “Thép Đã Tôi Thế Đấy” tôi hơi chột dạ, nhưng đã vào thì phải tiến tới.
- Chào anh! Nằm đây.... đọc sách là số “dách”!
Anh ta định cho chân xuống dép, với tay lấy cái áo sơ- mi nâu có cầu vai, tôi ngồi ghệ xuống chiếc giường tre, tay lắc lắc:
- Anh cứ nằm đi! Tôi xin ngụm nước uống thôi!
Anh ta vẫn đứng lên, vào góc buồng cầm cái ấm nhôm, rót ra cái chén ở chiếc bàn con. Anh ta nhìn tôi từ đầu đến chân, chỉ qua ánh mắt tôi đã thấy anh ta đã đặt vấn đề. Đúng như vậy! Anh ta nhìn ra phía sông, nói một câu:
- Đêm qua, được báo có người vượt biên trốn!
Hơi điếng người, nhưng tôi vờ như chuyện đó, không có liên quan. Tôi cầm chén uống nước, rồi cũng nhìn ra phía sông, như nói với mình:
- Ồ! Chuyện ấy, bây giờ cũng bình thường thôi! Hôm qua họp rồi uống say quá, sáng nay một đồng chí chở tôi trên chiếc Mobylette, chết máy còn đang nằm với xe ngoài lộ. Chân đau tôi bỏ cả dép lại, khát nước và buồn ngủ quá, tôi mò vào đây. Đồng chí có biết sửa xe máy dầu không?
Anh ta quay lại nhìn tôi cười nửa miệng:
- Chắc anh hai đói, và buồn ngủ lắm?
Không gọi tôi là đồng chí, cũng không trả lời câu tôi hỏi, tôi vờ uể oải dựa vào vách, mắt lim dim nói rời rạc:
- Hôm qua… say… nôn hết… vừa đói…vừa buồn ngủ!
Anh ta đẩy cửa buồng, không quên cầm khẩu CKC đi vào, nói vọng ra:
- Còn chút bánh canh, tôi mần nóng cho anh hai!
Tôi nói như ngái ngủ:
- Ờ. ờ, xin cảm ơn….đồng chí!
Nói rồi tôi ngả ngay xuống giường nhắm mắt, chừng bẩy, tám phút. Nghe tiếng cánh cửa buồng mở, tôi vẫn nằm yên, mũi thoáng có mùi rượu, rồi đập tay vào chân tôi, anh ta giục:
- Dậy! Anh hai… ăn cho nóng!
Tôi mệt nhọc chống tay bò dậy, có một chén rượu trắng và một tô bánh canh đang khói nghi ngút trên chiếc bàn con. Anh ta đã mặc quần áo chỉnh tề và đeo súng vào vai. Tôi như sáng mắt ra, nhìn tô bánh canh đang nóng, tôi cười với anh ta, rồi cầm chén rượu như đưa lên miệng định uống. Thực ra, để ngửi mùi rượu. Nhà quê trong lúc bất chợt làm gì ra thuốc mê? Nhưng tôi tỏ ý như chợt nhớ ra, để chén rượu ra mé bàn và cầm đũa:
- Hôm qua tại rượu, nôn hết, hôm nay không uống nữa!
Tôi ăn vồ vập, anh ta ngồi nhìn tôi ăn, rồi lại nhìn ra ngoài, về phía trái. Để cho bầu không khí bớt căng, nặng, tôi hỏi như quan tâm:
- Vụ bắp vừa qua, xã nhà thu hoạch, có năng suất không?
Anh ta thủng thẳng:
- Cũng được thôi!
- Miền Nam ta vẫn nổi tiếng cả nước, về thiên nhiên tôm cá. Trữ lượng thủy sản của con ngòi này, tôi vẫn nghe là cao nhất vùng này?
Anh ngồi nhìn tôi vừa ăn vừa hỏi, cái nhìn hơi nhíu nhíu con mắt của anh, như muốn nói với tôi: ” Hãy lo thân anh bây giờ đi! Đừng hỏi vớ vẩn nữa! “
Nhưng anh ta vẫn tỏ ra như người hiếu khách:
- Con ghềnh Hào này, cũng như các con ghềnh khác vùng này thôi! Cuối nguồn phía Hộ Phòng, cao hơn phía trên này.
Để phòng hờ lạc hướng, tôi hất hàm ra sông:
- Thế bên kia là xã gì?
Tôi mừng, nắm được biết đây là ghềnh Hào, còn Hộ Phòng ở phía dưới là phía nào? Nhưng chưa tiện hỏi. ăn xong, bát bánh canh nóng, thật là ngon, sau này dù cả ở Mỹ cũng không có bát bánh canh nào ngon bằng (vì trong người đã có đủ chất). Tôi chậm chạp đưa bát đũa ngâm vào chậu nước có bát đĩa ở mé hè, rồi lặc lè lê bước đến mé vách cầm ấm nước, trở lại bàn rót nước uống. Tôi biết anh chẳng bỏ sót một cử chỉ nào của tôi, nhưng tôi vờ như không biết. Tôi cứ lẩm bẩm trong miệng: Ngon quá! Tuyệt quá! Xin cảm ơn.. …đồng chí!
Rồi tôi nằm vật ra tiếp tục ngủ. Chừng năm phút, anh ta đứng dậy nhìn tôi mê mệt gáy gỗ. Anh ta đến khóa cửa buồng, rồi đẩy cửa liếp ra ngoài. Ra ngoài chừng hai ba phút, anh ta lại trở lại, đứng bên ngoài nhìn qua cửa bếp vào chỗ tôi nằm, năm mười giây rồi mới vội vàng ra đi về phía trái.
Tôi bò dậy ngay, nhìn theo, phải chừng 7- 800 mét có một căn nhà con như cái điếm canh, lúc sáng tôi đã đi qua. Khi anh ta đi chừng 500 mét, tôi đẩy cửa liếp đi ra ngoài quan sát. Con sông nước đang lên to, nên có chỗ rộng bẩy, tám chục mét. Nước lên là từ ngoài biển vào, vậy phía dưới Hộ Phòng là phía phải, ngược với chỗ điếm canh. Tôi ra hẳn ngoài nhìn cho kỹ! Chung quanh tất cả trống trơn, sát phía phải bờ sông, có một cái am con, chỉ cao đến cổ người đứng, mỗi bề chừng khoảng tám, chín mươi phân. Từ trên bờ xuống mép nước dốc ngược đến 45 độ, bờ sông toàn sỏi, đá cuội và cát.
Phía trong, có những ruộng bắp (đã thu hoạch), trong nữa là rừng non, từ căn nhà tôi đang đứng vào đến chỗ rừng non cũng hơn 100 mét. Thoáng bóng tên đó từ điếm canh đeo súng đi ra, bóng hai tên nữa ra bắt tay rồi lại vào, tên đeo súng dáng vội vàng trở về căn nhà có tôi.
Tôi suy nghĩ: Từ sau vụ 1978 người Hoa ra đi bán chính thức (nộp vàng, kim cương, tiền). Miền lục tỉnh, CA hiểu những người vượt biên, thường có vàng hay kim cương hoặc dollars. Trước đây chúng bắt được vượt biên, năm, mười tháng hay một năm, tùy theo đút lót chúng sẽ tha. Bây giờ 1979- 80- 81, CA hay du kích tính ăn “mảnh”.
Nếu trường hợp nào đó, chúng vớ được vượt biên, bắt giong về đồn, vừa mất công lại chả được cái gì, nên chúng thường cho đi “mò tôm”, sông rạch miền Nam thiếu gì? Khi đó người vượt biên nộp vàng, nộp tiền chúng cũng giết. Nộp vàng xong, chúng vẫn giết, để khám của giấu đút trong người, và khỏi tố chúng sau này. Không có của đưa cho chúng, cũng bị thủ tiêu để chúng khám trong người (người vượt biên hay giấu của kỹ lắm). Chúng vừa khỏi mất công giong về đồn, chỉ cấp trên hưởng, chứ chúng có chăng chỉ một tờ giấy khen, giải quyết gì?
Tên đeo súng đã về gần tới nơi, tôi nhìn khắp không có chỗ nào ẩn nấp, dù bơi sang bên kia cũng không kịp. Tôi chạy ngay ra chỗ chiếc am, nơi mé sông: nhìn vào chiếc am con, có cái bệ ở giữa, để mỗi bát nhang. Nhang cắm năm, bẩy cái, nhưng đều đã từ lâu, hương tàn khói lạnh. Một người không thể chui vừa vào trong am.
Trời nắng chang chang, khoảng 1- 2 giờ trưa. Tên đeo súng, đẩy cửa liếp vào nhà, chừng 30 giây, chắc nó tưởng tôi chui rúc trong nhà nên sục sạo. Y xô, dập mạnh cánh cửa liếp chạy ra ngoài, ngơ ngác nhìn khắp chung quanh. Y đoán với thời gian, tôi không thể bơi sang sông, dù vậy y cũng chạy ra nhìn dọc theo dòng nước mênh mông, đang chảy cuồn cuộn. Chỉ có một cái am con độc nhất ở mé sông, y cũng chạy ra nhìn, rồi thò cổ ngó phía sau am, cũng không có. Y lại chạy ra phía bên kia nhìn cả ra sau chiếc am, cũng không người.
Chẳng lẽ một người có thể biến? Cho nên y chắc, chỉ còn một cách duy nhất, là đã chạy vào trong rừng! Vì đinh ninh như thế, y chạy vội về điếm canh, thổi còi để báo anh em (trước đây định ăn riêng, ăn mảnh). Y cũng quỷ quái, cứ chạy được một tí, y lại quay người lại. Nhưng nếu y biết được rằng, một người muốn quay đầu lại thì cái lưng, cái vai đã báo trước rồi. Vì thế y quay lại nhiều lần không thấy gì, cũng như khi nãy rõ ràng y đã nhìn bên này cái am, lại chạy ra nhìn phía kia cái am, mà cũng không thấy ai.
Ai đã từng khi bé chơi “ú tim” trốn tìm mà phải nhanh như máy thì, đều hiểu. Cái chính là bất ngờ, và chủ quan coi thường đối tượng, chứ nếu y cứ chạy hết cả chung quanh cái am, thì tôi sẽ lòi mặt chuột ra thôi. Lúc ấy tôi phải có “vỏ bọc” tại sao ra đấy làm gì? Thừa sức để trả lời: như cầu khấn, lễ bái hay tìm chỗ giải quyết đại tiện, sau khi ăn v.v... Tóm lại thời gian y về gọi mấy tên du kích, thì tôi đã lẻn vào rừng non, dù y có biết cũng không đuổi kịp. Y nhanh, tôi cũng nhanh, mà tôi lại chạy trước y hàng chục phút.
Trước khi mấy tên đuổi vào rừng, cũng ra vẻ áp đảo tinh thần người chạy trốn, chúng bắn hai phát CKC vào rừng. Nhưng như tôi đã nói ở trên, tôi đã có một chút kinh nghiệm lặn lội ngoài Bắc với những bậc thầy của chúng rồi, nên làm sao chúng tìm được? Có chăng, là sự may rủi trong cuộc đời này, mà thôi!
Ngoài Bắc là phòng phản gián, những người đã được đào tạo có nghiệp vụ, những đồng chí du kích thì làm gì đã có nghiệp vụ? Chỉ là cái tinh khôn của tự nhiên mỗi người. Qua suy đoán, tên du kích đã đọc “Thép Đã Tôi Thế Đấy” và vài hiện tượng, chắc y cũng là một cấp chỉ huy của du kích? Y cũng không phải là không quái, khi nãy tôi đã cố ý đánh lạc hướng hỏi thăm cái xã bên kia sông. Vậy mà y cứ chú ý vào khu rừng non, nhưng ít ra y cũng đánh giá tôi chậm chạp, hơi lù đù v.v...
Phải nói tôi cũng rất vất vả chạy bán sống bán chết, ở trong rừng có nhiều chà-nà, chân tôi bị gai đâm mấy lần. Những cái nào rút ra được thì thôi, cái gai nào gẫy bên trong thì đành để vậy. Tôi hiểu cái kiếp sống của con người, chỉ cần sai chuyển một chút, thì cuộc đời đã hoàn toàn khác hẳn trong tương lai. Chỉ một vài giây thế này, thế kia đã thay đổi hẳn cả cuộc đời.
Đêm khuya hôm ấy tôi đã về đến Hộ Phòng, là một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Minh Hải, mỗi ngày chỉ có một chuyến ca – nô chạy khách về thị xã Bạc Liêu do nước triều. Về tới Hộ Phòng vừa mệt vừa đói, tôi vào một hàng cơm, chân vẫn đau đi lặc lè vì gai (bây giờ lặc lè thật). Gọi một đĩa cơm thịt bò, ăn một tí đã sạch đĩa.
Tôi gọi một đĩa nữa, cô bé chừng 14 – 15 tuổi cứ nhìn tôi mãi, tôi ngạc nhiên với cái nhìn của cô, nhưng khi cô ta vào trong gặp bà má ở dưới bếp, thì tôi đã hiểu. Con người của tôi lúc đó vừa xanh xao, lôi thôi, lếch thếch, quần ngắn không giầy dép, mà lại ăn khác thường. Cô bé sợ là dân đói rách, ăn mày, ăn xin không có tiền trả, gọi đĩa cơm đầu cô ta đã ngần ngại rồi.
Tôi ăn như máy, lại gọi nữa thì làm sao cô ta không nghi ngờ? Tôi hiểu vậy, nên tôi lặc lè tiến xuống bếp gặp luôn bà má. Tôi nhã nhặn:
- Thưa chị Hai, tôi bị lỡ độ đường! Tôi bị lừa, hiện nay giá vàng bao nhiêu? Tôi có cái nhẫn hai chỉ?
Chị đó chừng 45 tuổi, ngẩng lên nhìn tôi chắc để thẩm định. Mắt của chị như được tráng lên một cái mầu xanh nâu, cái mầu của tha nhân, hòa hợp nghĩa tình, chị nói như chia xẻ:
- Bây giờ họ lừa lọc nhiều lắm? Những tháng trước nhiều người mất hết cả tiền, lang thang ngoài bến bãi! Vàng hôm nay 400 một lượng.
Chị vừa nói vừa cầm chiếc nhẫn tôi đưa, vừa hất hàm cho cô con gái làm đĩa cơm tiếp. Tôi hỏi chị ngay, thích ứng kịp thời:
- Một đĩa cơm mấy đồng hả chị Hai?
Chị đã nói liền là “hai đồng”.
Như thế, tôi chả phải rụt rè với cái bụng nữa. Khi cô bé đau đĩa cơm đến, tôi nhìn cô, mắt tôi hơi nhay nháy như muốn nói với cô bé: “Đừng thấy bộ quần áo đẹp mà ham!”
Chẳng hiểu cô có hiểu ý tôi không, cô lại đỏ mặt lên ngượng nghịu! Để thưởng công đã thoát được một “ca” may mắn! Tôi quay lại vẫy cô bé, nói nho nhỏ:
- Cho tôi một ly nước chanh đá!
Trước khi đi, cô bé còn quay lại nhìn tôi vài giây, như muốn bảo: “Lại còn dám gọi cả nước chanh nữa!”
Tôi chỉ mỉm cười, rồi gật gật. Khi chị Hai ra tính tiền, để tôi rời quán, chị đưa cho tôi 75 đồng. Tôi ngạc nhiên:
- Sao chị lại đưa nhiều thế?
Chị cười nói:
- Tôi trả cậu như ngoài tiệm, mà không phải trả tiền công nhẫn.
Chị đã đeo chiếc nhẫn vừa vào ngón giữa. Ngoài ra, tôi còn hỏi chị được nhiều điều, về những chặng đường, từ Hộ Phòng về Sài Gòn.
Đến Bạc Liêu, phải đi xe lôi đến bến xe đi Cần Thơ, rồi về Bắc Mỹ Thuận. Trên đường đi cũng nhiều cảnh, nhiều người và cũng nhiều tình huống, nhưng xin quý độc giả cho qua.
Tới Bắc Mỹ Thuận trời đã bốn năm giờ chiều, trước đây chỉ nhìn thấy trên bản đồ, bây giờ dòng sông Cửu, đã ở ngay trước mặt tôi. Tôi có ngờ đâu, nó lai rộng như thế, tôi cứ hình dung tường cũng như con sông Đáy, của dòng sông Hồng Hà ngoài Bắc, mà tôi đã quen thuộc.
Đúng là trên bến dưới phà, thật là tấp nập, người thì đông. Nhìn những anh chàng mặc đồng phục xanh, các cậu khoác trên cánh tay chiếc băng đỏ, chạy lăng xăng miệng nhai nhồm nhoàm, khách ngược xuôi trên xe dưới đường, hầu hết đều đăm chiêu, tư lự. Những cảnh bán mua, những tấm mía hoặc trái cây, cá biệt có con gà, con vịt thì lấm lét chụp giựt, nói lên những cảnh sống lam lũ, chạy vạy tơi tả ngược xuôi của miền trù phú nổi tiếng. Một cái vựa lúa khổng lồ của Đông Nam Châu Á. Không hiểu trước đây, khi VC chưa cướp trắng trợn được miền Nam, thì có cảnh như thế này không?
Có chăng chỉ có trời thì vẫn chẳng hề đổi thay. Đứng từ chiếc phà giữa dòng nước đục ngầu, mang những mầu mỡ từ Tây Tạng, Trung Quốc, Lào và chút ít của Cao Miên, về vun đắp cho miền đồng bằng này thêm phì nhiêu. Đã từ lâu tôi vẫn có ấn tượng trời là một chiếc vung khổng lồ, mầu xanh lam úp xuống trái đất này. Vì vậy, có lần nhìn những đám mây trắng nõn nà đây đó một vài cụm, tôi đã tưởng, nếu tôi ở gần tôi sẽ nhặt nốt mấy búi bông con con đó, cho cái mầu xanh ” ái ân ” ấy, nó đã đầy và cho thiên hạ cũng đã đầy, mà mình có mất cái quái gì đâu.
Hơi đặc biệt hôm nay, nắng chiều đã xiên khoai, đứng trên tầng phà cao, trời lặng gió. Nhìn những làn sóng lăn tăn, từ mãi phía bờ tây xa tắp. Nước nhấp nháy, lóng lánh do ánh chiều, tưởng như những chiếc vảy bạc, của cổ một con rồng khổng lồ, có chín cái đầu.
Tôi cứ mẩn mê quê hương với rồng tiên, phà đã sang bờ lúc nào. Chân đã bước lên bờ, mà đầu tôi còn ngoảnh lại, tiếc nuối nhìn một cái cảnh mà rồi đây, tôi không còn thể nhìn thấy nữa. Một câu hát lê thê, nỉ non rúc vào tai tôi, làm cho tôi đờ cả người ra:
Nếu con không về….chắc mẹ…..buồn lắm…..!
Một tiếng hát khác nữa, ở trong đáy tâm tưởng của tôi, tự bật lại:
Nhưng nếu con… về… chắc mẹ… còn buồn hơn…!
Tôi chen lấn đám đông, dõi theo tiếng hát lúc này đã khè khè, như chiếc bễ lò rèn hết hơi. Kia rồi! Tôi không tin ở con mắt của tôi! Một anh mặc chiếc áo “treillis” đã cũ rách, đội chiếc mũ nồi mầu đỏ, đã trở thành nâu sậm, cả đôi chân của anh bị cụt sát háng. Anh nằm sấp trên một miếng gỗ, phía dưới lồi ra mấy cục. Hai tay của anh có hai miếng da trâu khô, anh di chuyển bằng hai cánh tay đó.
Anh chừng 42- 43 tuổi, khuôn mặt khắc khổ, cái môi dưới của anh bị mất một miếng, thành ra tiếng hát của anh tưởng rằng hết hơi. Anh chẳng xin ai, mọi người qua lại như không nhìn thấy anh. Thỉnh thoảng anh ngừng di chuyển, rồi cái giọng bi ai hổn hển lại cất lên được mấy câu:
Anh ra… đi… trong một chiều… sương… âm… u…!
Tôi cứ theo anh, nhìn anh xoay xở, tâm tư của tôi cởi ra, rồi lại buộc vào, với những tiếng thở dài không nín được. Tôi nhìn xuống đôi chân đất khập khiễng, vì đau và chiếc quần đùi mầu nâu non, đã phai và bẩn thành mầu bí ngô chín nửa chừng của tôi Tôi thò tay vào túi cố lựa ở trước quán cơm. Anh lại ngửng lên nhìn tôi, đôi con ngươi của anh, nắng nhạt buổi chiều làm xám lại như mầu hạt dẻ, cái mầu của nhiều đêm ngày vặn vò cắn xé trái tim anh. Tôi hỏi vội một câu, không cần lắm câu trả lời:
- Chân anh bị cụt lâu chưa?
- Em ở tiểu đoàn I dù, bị thương ở Cổ Thành Quảng Trị 72.
Choáng người, tôi lại hỏi vội một câu nữa:
- Có biết Đỗ Văn Tân không?
- Ở khóa 10 Thủ Đức, em ở khóa 26.
Anh lơ xe đã vời gọi khách, xe chuyển bánh, tôi rút ở túi quần còn 54 đồng rưỡi. Tôi không có gan đưa hết cho anh, tôi chia đôi, tôi lấy 27 đồng, đút cả vào chiếc gáo vỡ, bắt lẹ được tay anh! Tôi nói được một câu cuối:
- Cố gắng chịu đựng!
Tôi vội lên xe đò dù nhiều lúc phải nghiến răng vì cái chân bị nhói buốt! Tới lúc xe đò đã chạy, tôi mới trách mình sao lại không hỏi tên?… Nhưng tôi lại nghĩ: hỏi để làm gì? Chính mình còn đang quay cuồng trong gió bão của quê hương, biết lúc nào rụng rơi?
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen