Mỗi con người có 03 loại tính cách: tính cách anh ta phô bày, tính cách anh ta có, và tính cách anh ta nghĩ anh ta có.

Alphonse Karr

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 148: Tự Thắng Giả Hùng
hìn anh em toán mộc, kỳ cọ đùa vui với dòng Suối Tiên, tôi chợt nghĩ, biết đâu ở ngay phía đầu nguồn bên kia, lại chả có vài nàng sơn nữ cũng đang tắm rửa, kỳ cọ như chúng tôi trong buổi chiều tàn của núi rừng? Nghĩ như vậy, tôi lấy hơi, lặn sâu xuống đáy suối, và ngâm ở dưới ấy một hơi dài, cho lòng đê mê, cho võng đời đong đưa.
Tôi trèo lên chỗ Khánh Lèo (Phạm Ngọc Khánh) đang ngồi trên một hòn đá to, trồi lên giữa suối. Dựa lưng vào Khánh, tôi đưa mắt nhìn khắp núi đồi, của vùng Suối Tiên. Tai nghe tiếng chim rừng líu lo, hòa với tiếng réo roàn roạt của dòng nước, xoáy quanh mấy hòn đá nằm giữa dòng, thành một điệu nhạc nghê thường của Thiên Thai. Phải rồi! Suối Tiên thì phải ở cõi tiên! Mình cứ hình dung tưởng tượng đây là cảnh tiên, cảnh của Thiên Thai mà cụ Văn Cao thời tiền chiến, đã khảm (phổ) nhạc vào:
Thiên Thai…. chốn đây… Hoa Xuân … chưa gặp bướm … trần gian…. Có một mùa đào…dòng ngày tháng… chưa.. tàn qua … một lần… Thiên Thai … chúng em xin dâng.. cho chàng … hai trái… Đào thơm… Ái ân thiên tiên.. em không ngờ phút mê cuồng… có một lần… Ánh trăng … tan thành suối… trần gian….
Anh chàng Khánh thật là bất lịch sự, cậu ta dịch mạnh chiếc lưng ra, làm cho tôi ngã “tỏm” xuống nước. Tan biến một giấc mơ tiên của tôi, chỉ có… một lần!
Trên đường theo toán về trại, tôi cứ luẩn quẩn suy nghĩ mãi: Nguồn vui nào đã đẩy tôi vào một giấc mơ tiên vừa qua? Đúng rồi! Chính do bao tải lạc 40 kg, của buổi sáng hôm nay. Cơm nước chiều vừa ăn xong, là tôi chuẩn bị hưởng thụ mấy phút hạnh phúc, một ngày của tôi.
Tôi mà không trình bày lại sự việc, để cho nhiều người cùng biết thì “mấy phút hạnh phúc” của tôi sẽ giảm “sướng” đi rõ rệt.
Xin thưa sự việc như sau:
Hơn 20 ngày trước, do một sự may mắn, tôi và Quách Nhung đã “móc ngoặc” mua được hai bao thuốc lá Điện Biên. Sau những thảo luận cân nhắc, ý kiến của tôi đưa ra đã được Quách Nhung đồng ý “ngoắc” ngón tay út.
- Khổ đau, nặng nhọc làm càng nhanh, để rút ngắn thời gian khổ cực lại
- Hạnh phúc, nhàn hạ phải biết kìm hãm, chế ngự để kéo càng dài, không thể kéo được nữa, mới chịu thôi.
Do điều kiện khó khăn ở trong tù, chúng ta có hai bao thuốc. Mỗi một ngày, sau khi cơm nước buổi chiều, mỗi người chỉ kéo một hơi thôi, như thế chỉ hết nửa điếu thuốc. Kiên trì, cương quyết chỉ một hơi! Vừa không hại sức khỏe, không tốn tiền, vừa ngon, say sưa vì 24 giờ mới hút có một lần. Dù ngày vui, hay ngày buồn cũng không thay đổi. Điều này duy trì được, cũng nói lên bản lĩnh chế ngự của một người. Chúng tôi học theo một ý tưởng trác tuyệt, đã trở thành danh ngôn của cụ Dương Hùng, đời Hán:
Tự tri giả anh… tự thắng giả hùng.
(Tự kìm chế, tự biết được chính mình, đã là giỏi, là anh hùng rồi).
Rất buồn cười, Quách Nhung cũng như tôi, mỗi lần hút đều phải cố thở hơi ra hết, để lấy sức kéo vào. Hút xong, mặt anh nào cũng đê mê, đờ đẫn, mắt lờ đờ. Mặt đực ra, như mặt ngựa mót đi cầu. Như thế một điếu thuốc lá Điện Biên, chúng tôi chỉ kéo được bốn hơi là hết.
Ngày hôm qua (May 5- 04), gọi điện thoại sang Atlanta. Quách Nhung đã nói nguyên văn: “ở Mỹ bao nhiêu thuốc ngon mà em vẫn thèm, một hơi thuốc lá Điện Biên ngày ấy!”
Quách Nhung đã xấp xỉ lục tuần, được ra tù 1983. Lập gia đình, đã có bốn con, ba gái một trai. Đứa gái lớn đã vào Đại học và đứa con trai, nhỏ 15 tuổi. Hiện nay Quách Nhung sống, hạnh phúc với gia đình ở Atlanta.
Toán BK của Quách Nhung hơi đặc biệt (toán gồm 5 người), nhưng hiện nay (12/2004). Chỉ duy nhất Quách Nhung còn sống. (những người khác chết, nhưng không phải là chết trận).
Tên toán là Horse, ra Bắc ngày 10/5/1965. Địa bàn hoạt động thuộc tỉnh Sơn La.
1. Đinh Thế Chân, toán trưởng, bị cùm chết ở trại Phong Quang, Yên Bái.
2. Quách Nhung, toán phó, hiện ở Atlanta Mỹ.
3. Bùi Văn Ơn, nghe miền Nam mất. Anh buồn, không chịu ăn uống, rồi mang bệnh chết 3/1976 tại trại Hoành Bồ, Quảng Ninh.
4. Đinh Công Sửu, bị ung thư chết 6/1980 tại trại Thanh Phong, Thanh Hoá.
5. Nguyễn Quốc Thắng, chết vì sốt rét 3/1986 tại tỉnh Đồng Nai, VN.
Tôi nhớ lại một buổi, hôm đó là sáng Chủ nhật, sau khi làm vài động tác thể dục như mọi lần, tôi quay vào nhà. Thoáng thấy bóng bác Chấp đang đứng trầm ngâm một mình, ở một góc sân. Đã từ lâu, tôi muốn dành một buổi thăm hỏi bác về toán Castor của bác.
Hàng chục năm nay, từ ngày gặp bác. Qua các anh em BK, tôi đã hiểu toán của bác là toán BK đầu tiên, nhảy ra Bắc bằng máy bay. Và cũng là toán khởi đầu bị phản gián, giống như một chuyện đã xẩy ra giữa 2 cơ quan tình báo IS (Intelligence Service) của Anh và Gestapo của Đức trong thế chiến II. Sau này đã đóng thành phim “Đây Luân Đôn gọi Bắc cực” (Londre appel pole Nord), tôi đã được xem. Hôm nay có dịp, tôi đã kéo, mời bác vào một chiếc ghế vắng, trong hội trường.
Bác rất vui và niềm nở, nhưng khi tôi đề cập tới toán Castor, thì bác tỏ ra uể oải, lờ đờ như không muốn nhắc lại. Gặp nhau từ hàng chục năm, qua nhiều các trại tù, tôi rất quý mến bác, và tôi cũng được lòng mến thương của bác. Lúc đầu, tôi chưa hiểu nên rất ngạc nhiên, sau tôi hiểu dần tâm trạng của một người cảm thấy một chút sượng sùng, vì công việc của mình đã làm. Cho nên, buổi nói chuyện ấy, tôi chỉ biết sơ lược về toán Castor.
Toán Castor nhẩy ra Bắc ngày 27/5/1961. Địa bàn hoạt động thuộc Mộc Châu, Sơn La (Bắc Thái). Toán có 4 người:
1. Hà Văn Chấp, toán trưởng, hiện ở CA. (2/05).
2. Lò Văn Piếng, truyền tin, hiện ở VN, do lằng nhằng ghép người, phái đoàn Mỹ từ chối, nên không thể đi H.O.
3. Quách Thức, toán viên. 1982 được tha về lấy vợ, vết thương cứ loét dần, 1987 đã chết ở VN.
4. Đinh Văn Anh, toán phó, hiện ở CA. (2/05)
do Nguyễn cao Kỳ lái máy bay thả toán, lại thả vào một bản làng. Quách Thức đã bị thương do đạn du kích, ngay khi toán đổ bộ. Kiện hàng rơi mãi cuối làng.
Tôi vẫn gặp cả 4 anh ở trong tù. Rồi dòng đời đẩy xô, xê dịch, chìm nổi của mỗi người, với hoàn cảnh nghiệt ngã của quê hương, để rồi tôi đã gặp lại bác Chấp và Đinh Anh mấy lần, mỗi khi tôi có dịp ghé đến CA. Dù chuyện trò, ăn uống khi gặp lại, nhưng chẳng ai hỏi lại nhau những chuyện thuộc quá trình. Hơn nữa bác Chấp đã 84- 85 tuổi rồi, tâm trí của bác đã bị thời gian hút hết mầu mỡ, chỉ còn lờ mờ xộc xệch trong quãng đời cập quạng, để chờ đi về cõi vĩnh hằng.
Giai đoạn này, do tôi cần một số dữ kiện cho tập cuối cùng của TĐ. Mới hôm qua (25-2-05) tôi đã gọi nói chuyện với anh Đinh Văn Anh gần 2 giờ liền, để biết thêm những chi tiết ngộ nghĩnh của toán Castor, tưởng như nếu phải viết một bài báo mấy kỳ mới tạm đủ. Những chi tiết tưởng như không thể tin được nhưng tôi đối chứng với Phan Thanh Vân (vừa tròn thất thập) hiện ở Washington DC, Đinh Văn Anh 74 tuổi ở CA và với những BK khác, tôi phải tin:
- Nguyễn cao Kỳ phải lái máy bay ra Bắc lần thứ 3, mới thả được toán Castor.
- Từ sự quan hệ thân mật giữa ông Trần Khắc Kính và Nguyễn Cao Kỳ, đã chuyển đổi được cuộc đời Nguyễn Cao Kỳ.
- Phan Thanh Vân phải lái chuyến bay định mệnh 2-7-1962, để rồi bị tên lửa tầm nhiệt của cộng sản chờ săn hạ ở xã Tô Hiệu, Cồn Thoi, giữa ranh giới Thanh Hóa và Ninh Bình.
- Đinh Văn Anh, VC không khai thác được khóa an toàn (security), chúng phao tin ĐA xuống dù vào cây, đã chết.
- Điều trùng hợp lạ lùng là lại có 3 anh chàng Lò Văn Piếng. Cùng là người Thái trong, lại cùng gia nhập biệt kích, nhẩy ra Bắc ở 3 toán khác nhau, nhưng chỉ có LVP của toán Castor làm truyền tin. Để rồi chính Việt Cộng cũng bị lầm, chúng chủ trương tha một người, lại tha một người khác.
Cái người đối với chúng có công, là Lò Văn Piếng (Bẩy Tá) cùng với Hà Văn Chấp gọi báo về cho tình báo miền Nam, sắp xếp cho chuyến bay tiếp tế của Nguyễn Cao Kỳ, vẫn còn trong tù. Chúng lại gọi tha cho Lò Văn Piếng (Bằng) mới bị bắt sau này ra công trường. Còn một Lò Văn Piếng (Duy) nữa, những tiếng ” lóng ” ghép theo, chỉ những BK người Thái mới phân biệt v.v.
Vì không phải chủ trương của người viết, nên xin không trình bầy tiếp.
Sáng hôm nay, một tin bất ngờ làm rúng động anh em BK, cũng làm rúng động cả trại tù Thanh Phong luôn. Một sự việc từ trước, chưa bao giờ xẩy ra với Biệt Kích, Gián Điệp. Bộ Nội Vụ (bộ CA) đã gọi tên, tha cho về với gia đình ở miền Nam 3 BK:
- Đèo Văn Bạch là trường truyền tin của toán Dauphine, án tù 18 năm. Như vậy anh Bạch chỉ ở tù 16 năm.
- Thân Văn Kính án chung thân, toán trưởng của toán PEGASUS bị bắt 20-2-1963. Như vậy anh Kính cũng chỉ tù hơn 16 năm.
- Anh Đinh Văn Lâm án chung thân,toán trưởng của ATILLA, ra bắc ngày 25-4 -1964. Như vậy anh Lâm chỉ ở tù 15 năm.
Toán DAUPHINE và toán PEGASUS tôi đã nêu ở trên rồi. Dưới đây là toán BK ATILLA ra Bắc 25-4 -1964. Toán gồm 6 người, do anh Đinh Văn Lâm làm toán trưởng, nhảy ở vùng Thanh Chương, Nghệ An.
1. Đinh Văn Lâm toán trưởng, hiện ở NJ (Mỹ) án phạt chung thân.
2. Nguyễn Văn Sửu án phạt 20 năm, hiện ở Atlanta (Mỹ)
3. Nguyễn Văn Hình án phạt 16 năm, truyền tin trưởng, hiện ở Australia.
4. Nguyễn Văn Thi án phạt 18 năm toán phó. Đã chết 27-8-1964 trong trại tù số 3, ở Nghĩa Đàn, Nghệ An.
5. Nguyễn Văn Kế án phạt 8 năm, hiện ở Cali (Mỹ)
6. Nguyễn Văn Hữu án phạt 6 năm, truyền tin phụ, hiện ở NY (Mỹ). Một điều hơi khác thường, với Nguyễn Văn Hữu.
Án phạt của Nguyễn Văn Hữu chỉ có 6 năm, nhưng mãi tới 7-1982 mới được tha. Như vậy, Hữu đã ở tù 18 năm. án nhẹ nhất, lại ở lâu nhất, của toán ATILLA. Toán nhẩy xuống, trong vòng một tháng sau là bị bắt.
Ba anh BK có án được tha, lại là loại có án nặng. Điều này làm xôn xao, cho toàn thể anh em Biệt Kích Gián Điệp. Mỗi người đều suy đoán, theo sự chủ quan của mình, cuối cùng chẳng có một cơ sở nào, để kết luận.
Đến cuối tháng 1-1980 gần Tết âm lịch lại gọi tên tha cho 2 anh nữa là:
- Hoàng Văn Vân, án chung thân thuộc toán Pégasus (tôi đã tường thuật). Như thế anh Vân cũng chỉ ở tù gần 17 năm. Hiện nay, anh Vân đang ở Atlanta.
- Đặng Công Trình án phạt chung thân. Anh Trình ở trong toán SCORPION (tôi đã tường thuật), nhẩy ra vùng Yên Bái ngày 17-6-1964, như thế anh Trình chỉ ở tù 16 năm rưỡi.
Qua 2 lần tha biệt kích, gián điệp của miền Nam trước hội nghị Paris. Mỗi lần tha như vậy, đều có 5- 7 anh tù hình sự cũng được tha. Nhìn vào từng cơ sở, hiện tượng, so sánh, cọ sát, tình hình trong cũng như ngoài nước. Rồi những dư luận của những thân nhân gia đình, của anh em BK ra thăm trong dịp tết âm lịch, tôi cũng nhận định suy đoán, theo sự hiểu biết chủ quan của tôi:
Có những điểm chung:
- Thành phần, hầu hết các anh được tha đều có án, và cùng chưa hết án.
- Không kể cái gọi là ” cải tạo ” tốt hay xấu.
- Phải còn khỏe mạnh, tỉnh táo.
- Những người có án nhưng đã ở quá án, lại không được tha.
- Những người không phải ra tòa xử, chỉ có cái án “cao su ” là tập trung cải tạo, thì hãy còn nằm yên đấy.
- Thời gian tù đầy hầu hết 15 – 18 năm, tuổi đã lớn, già, biết bao nhiêu bệnh tật, hiểm nghèo của những anh tù Biệt kích gián điệp Thậm chí có những toán BK được xử công khai có báo chí nội, ngoại tham dự. Tòa đã xử trắng án như toán Boone của Nguyễn Huy Lân. Tất cả các anh cũng tù 15- 16 năm rồi, bây giờ cũng cứ nằm đấy.
Như thế rõ ràng ai cũng thấy:
Việt Cộng tha những anh BK này là vì chính trị, là vì họ chứ không phải vì cá nhân, những biệt kích này. Qua tin đồn của những người ra tiếp tế, tổng hợp rồi suy ra:
- Những người di tản (30 – 4 -1975). Những người vượt biên của miền Nam họ có những thân nhân, chồng, cha, anh em phải vào cái gọi là ” trại cải tạo ” của Việt Cộng đặt ra.
Đầu tiên, nhà nước cách mạng ra thông báo:
Các hạ sĩ quan, binh lính đem cơm gạo, thực phẩm sinh hoạt trong 3 ngày. Gọi là đi học tập 3 ngày, mà như đi liên hoan. Mỗi ngày vài giờ lên lớp giải thích về hòa hợp dân tộc, về trách nhiệm của mỗi người dân với tổ quốc, quê hương. Còn thì chỉ ca, hát vui cười, để hưởng cái không khí mới của cách mạng.
Đúng 3 ngày, dự một bữa tiệc liên hoan, rồi ra về. Mặt ai cũng hồ hởi, vui tươi để rồi làm cái loa tuyên truyền. cộng sản không phải trả tiền, không phải chỉ dẫn, mà chúng không thể làm được.
Chừng một tuần sau, để cho sự tuyên truyền đó đã đủ ngấm, mới có lệnh mời các vị sĩ quan cấp úy, cấp tá v.v... đi học tập để thấm nhuần đường lối của Nhà nước Cách mạng. Nhà nước CM nghèo, các anh hãy mang cơm gạo, thực phẩm, quần áo sinh hoạt trong 10 ngày (rất biện chứng và hợp tình, lý).
Các vị sĩ quan cứ rầm rập, hớn hở mà đi, dặn vợ con, bạn bè những công việc trong 10 ngày nữa. Thậm chí, có rất nhiều chuyện, hiện nay nghĩ lại còn phải buồn cười. Có vị đã đặt tiệc ở nhà hàng, đến ngày đó mang đến số nhà ấy v.v… Để rồi các vị đi luôn, bây giờ đã 5 năm rồi, mà cứ đi… đi… … … mãi không chịu về.
Ở ngoại quốc, ở Mỹ có hội ân xá Quốc Tế sờ sờ ra đấy. Đa số thân nhân của các vị sĩ quan đó, đã làm đơn đến cơ quan ân Xá Quốc Tế, của Liên Hiệp Quốc để khiếu nại, để complain. Cơ quan ân Xá Quốc Tế của LHQ (VC đã là thành viên) chắc cũng đã nhiều lần bực bội phản kháng VC.
Chúng ta đã không lạ: VC lắt léo giải thích lằng nhằng, để kéo dài… … Nhưng những Biệt Kích, Gián Điệp này cũng có những thân nhân, vượt biên. Bây giờ họ đã biết chồng, cha, anh, em của họ đã đi tù, từ những năm 1960 – 1964-1965 cho tới nay 1980. Họ đã ở trước cả hội nghị Paris 27- 1- 1973 không những đã không được trao trả, mà còn giam giữ ở các trại tù miền Bắc, cho đến ngày nay v.v…
Hội Ân Xá, hay LHQ không thể tin được! Nhưng đơn từ, tên, tuổi, người thật, việc thật, không muốn tin, cũng phải tin. Họ ngạc nhiên hỏi VC, không còn thái độ lịch sự ngoại giao nữa. Tụi VC cũng không còn cái lý cù nhầy, lắt léo nào cho ổn. Cho nên, chúng đành vội vàng tìm những tên BK (như trên) tha về, (cho ra cái lồng lớn). Để những tên này, chống đỡ với dư luận, trong và ngoài nước, dùm cho chúng. Việt Cộng rất biết: Đành rằng mỗi một tên BK về miền Nam được bồi dưỡng hàng tuần, phải ký cam đoan một điều kiện: Khi về với gia đình ở miền Nam, tuyệt đối không được nói bất cứ một chuyện gì, về tù đày cùm kẹp ở các trại tù v.v… Nếu không giữ đúng thì anh sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Năm cái từ “hoàn toàn chịu trách nhiệm ” này. Bất cứ ai còn ở trong tay của VC (ở trong nước, cũng là trong tay VC) thì phải khiếp sợ 5 cái từ này: VC có thể bắt, giết bất cứ lúc nào, không cần phải có lý do.
Chúng ta cứ hình dung: Một anh BK như trên, về miền Nam gặp gia đình: Anh tương đối khỏe mạnh, tỉnh táo. Bố mẹ, hay vợ con hỏi:
- Án của anh bao nhiêu?
- Chung thân.
- Anh ở tù bao lâu?
- 16, 18, 15 năm!
Như thế, ai cũng thấy nhà nước VC nhân đạo quá!
VC thừa hiểu dù bắt anh viết cam đoan, nhưng chúng biết chắc, sớm muộn anh sẽ nói rõ với bố mẹ, vợ con, bạn bè của anh. Nào VC cùm kẹp, bắt ăn ngô, khoai, sắn, đói khổ lắm v.v…
Bấy giờ ngay vợ con anh, bố mẹ anh nghe anh nói, nghe anh kể, những nỗi đói khát cùm kẹp, của anh sẽ bằng một ánh mắt: Anh tả oán như vậy để cho bố thương, vợ thương, chứ đâu mà Việt Cộng lại như vậy? Cụ thể nhất, là anh vẫn khỏe, hoạt bát, chưa hết án, đã được về! Không những chính người thân của anh, mà còn không tin anh, mà còn tự nguyện sẽ làm một cái loa tuyên truyền rất hữu hiệu, mà VC tuyên truyền thì không hữu hiệu được như thế!
Thực tế có biết đâu, Việt Cộng đã tuyển chọn hàng trăm Biệt Kích tù đày, gầy ốm yếu, bò lê, bò càng, ho hen què quặt. Những anh tốt đẹp nhất do phấn đấu riêng, hay trời cho cơ thể người đó v.v…
Sáng hôm nay xếp hàng theo toán ra lán thủ công như mọi ngày, cảnh vật chung quanh làm tôi hơi băn khoăn. Bây giờ đã giữa tháng tư, tôi đã nghe thấy những tiếng cuốc của cụ Nguyễn Khuyến, gào gọi mùa Hè về từ hơn một tháng rồi. Sao hôm nay còn có sương mù? Nhìn chiếc lán thủ công, nhà máy phát điện con con của trại ở cạnh chiếc đồi trọc, phía bên kia con đường dẫn ra Suối Tiên, mờ mờ trong sương đục. Làm tôi lại nhớ đến bác Hàn Mạc Tử:
Ở đây sương khói… …mờ nhân ảnh….
Ai biết tình ai……có……đậm đà?
Tôi và Lầu Chí Chăn đang thao tác kỹ thuật đặc biệt, cho cái bàn kiểu, gỗ lát, cũng cho ông giám thị Nho, thì có bóng tên Thượng úy Hoàng Duyên vào cửa lán thủ công. Y lại tiến đến tổ kỹ thuật, chúng tôi chào lấy lệ, rồi lại cắm cúi vào chiếc bàn. Y tiến sát gần, thấy thái độ của y ngập ngừng, tôi lên tiếng trước:
- Cán bộ có muốn đóng một cái bàn, thế này không ạ?
Mặt y tươi hẳn lên, rồi vồn vã:
- Tôi sợ anh không còn thời gian, để đóng bàn cho tôi!
Tôi và tên Duyên này cũng đã đôi lần chuyện trò quan hệ, giữa một người với một người, chứ cũng chưa hề có thân tình. Vả lại kỳ này có thể nói, là giai đoạn thoải mái nhất từ khi tôi ở tù.
Rất nhiều cán bộ, hoặc bộ đội (CAVT) Thiếu uý, trung sĩ, đã móc ngoặc với tổ kỹ thuật chúng tôi, để làm lén lút đồ tư. Cái hòm gỗ mỡ (2 cân gạo), cái bàn con uống trà (3 kg gạo) v.v… Chúng tôi hiểu nếu họ cứ xin cơ quan để làm đồ tư, giá cao hơn đến 8-10 lần, lại còn phải xét, duyệt, bình bầu lôi thôi. ở đây chỉ mất một phần 8 hay I phần 10 mà lại còn được gỗ tốt, làm kỹ. Hai bên cùng có lợi. Thỏa thuận 2 bên những quy định, chúng tôi làm xong, giấu ở đống vỏ bào nào, ở lán. Họ để gạo ở chỗ nào v.v…
Vì thế khi nghe tên Duyên nói: “Tôi không còn thời gian để đóng bàn cho y”. Tôi lại hiểu là: “Tôi làm đồ tư nhiều quá, còn thời gian đâu?” Thấy tôi như chưa nắm được câu nói, y đã nói rõ hơn:
- Anh đã có lệnh tha rồi!
Tôi cười, nhớ lại ngày Tết âm lịch vừa qua, đúng sáng mồng một Tết, một số chúng tôi ra ngoài sân trại gặp nhau chúc Tết, chuyện trò tâm tình của một ngày đầu Xuân ở trong tù. Có những anh trầm tư, cúi đầu một mình lê những bước chân chậm chạp, trong những góc vắng vẻ của cái sân. Thả lỏng cho dòng tư tưởng, đi theo những tuyến đường riêng của nó. Bỗng tên Hoàng Duyên, đeo chiếc hàm thượng úy đỏ chói, hớn hở đi vào cổng trại.
Một vài anh em, đã xô đến để chúc mừng buổi đầu Xuân. Tên Duyên cũng vồn vã chúc Xuân, với mọi người tù. Trong các buồng anh em càng kéo ra đông, nhiều anh em ca hát, thậm chí Toán Xồm còn mang cả chiếc đàn guitar chế biến đặc biệt ở trong tù, ra gẩy. Không khỉ ngày Xuân như được hâm nóng dần, tên Duyên quay lại mặt như hoa nở, cũng nhún nhẩy theo điệu đàn của bản nhạc vàng:
Xuân này con không về
Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương…
Mẹ thương con xin đợi ngày mai…
(Hình như của Trịnh Lâm Ngân.)
Tên Duyên còn vẫy tay, thúc giục một số anh, vẫn còn dè dặt đứng nhìn:
- Các anh hãy nhẩy và hát lên đi, cho vui ngày Xuân!
Tôi, Quách Nhung, Quách Rạng cũng nhún nhẩy với cô nàng Xuân, của khung trời Thanh Phong. Tôi biết tên thượng úy Hoàng Duyên này, hiện là chỉ huy của CAVT (gồm 2 đại đội), của trại tù Thanh Phong. Hôm nay y ra lán mộc, lại nói đùa với tôi, tôi cũng đùa lại chứ có ngán gì. Nghĩ thế, tôi cười nói:
- Bây giờ chỉ có một người nói tôi “được tha” tôi mới tin!
Mấy anh em chung quanh, đều quay lại mở to mắt nhìn tôi. Tên Duyên, cũng hấp him đôi mắt tò mò, ngước lên nhìn chằm chằm vào tôi:
- Ông Trung tá chánh giám thị, Nguyễn huy Thùy hả?
Tôi cứ nói thẳng, cái đùa bỡn trong lòng:
- Bây giờ chỉ có ông Trần Quốc Hoàn, (bộ trường bộ nội vụ) xuống cầu bào này nói: “ĐCB! Hôm nay ta tha cho ngươi!”
Làm gì có cái chuyện, ông Trần Quốc Hoàn xuống cầu bào, nói như thế? Nhưng qua buổi đùa bỡn này, tôi biết tên Thùy đi học Liên Xô về, đã lên Trung tá.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen