I love to lose myself in other men's minds.... Books think for me.

Charles Lamb

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 145: Vào Lồng Nhỏ
áng ngày hôm sau, thì thấy mất Lý Cà Sa. Và ngay chiều ngày hôm ấy; gần giờ tan tầm, tên cán bộ Thành phụ trách đội mộc của công trường đến ngồi nói chuyện với tôi. Y nhìn tôi đang thao tác lắp cái giường đôi, cho vợ chồng một tên cán bộ khác, ở bên trại tù. Chuyện trò cười nói rôm rả, đến chỗ cắt 5 cái thang giường, để 2 cái vỉ giường, cho giải chiếu. Công việc cắt cái đầu thang giường này không phải thợ học nghề, mà ai cũng có thể cắt được. Nhưng, có thể do đầu óc tôi quá nhiều sự việc căng thẳng từ hôm qua, hoặc có thể mải vui câu chuyện với tên cán bộ của đội mộc. Tôi cắt hụt chừng 3 phân một cái thang giường, tên Thành đứng dậy gào to:
- À anh Bình, muốn phá hoại tài sản công trường, của nhà nước à?
Tôi ngửng lên nhìn y, tôi còn tưởng y nói đùa; nhưng nét mặt của y đã trả lời là nói thật. Thấy thế, tôi cười nói như diễu cợt:
- Cắt cái thang giường mà ông cho là phá hoại, nó chỉ…..
Y đã đứng dậy ra phía ngoài cửa, một tên công an võ trang đeo súng theo y tiến vào.
Tên cán bộ nói líu nhíu:
- Anh bị bắt sang trại tù! Anh theo vũ trang về trại.
Như thế là họ đã chuẩn bị sẵn từ trước, chỉ có tôi mới “tồ” nên bất ngờ mà thôi! Tôi theo tên công an vũ trang ra cổng lán mộc, trước những con mắt mở to của các anh em Biệt Kích khác. Đúng như lời dậy của cổ nhân: Chỉ có chữ “bất ngờ” cho tới già vẫn chưa ai học hết được!
Đã rõ như ban ngày là họ có chủ trương bắt tôi trở lại tù, dù tôi chẳng có vi phạm điều khoản nội quy nào của công trường, mà chính họ đã đặt ra, như Hiến Pháp của họ, cho đất nước. Tên công an võ trang dẫn tôi về công trường lấy chăn màn, quần áo để sang trại tù. Khi bước vào cổng trại tù, đã thấy tên cán bộ trực trại chờ sẵn ở căn buồng con, cạnh cổng vẫy tay. Tôi ôm chăn màn và chiếc hòm con đi theo, y bắt tôi mở hòm ra, lục tung khám xét mọi thứ. Tất cả thư từ, hình ảnh của cá nhân, hay bất cứ giấy tờ gì, y giữ lại hết, tôi phản đối:
- Thưa ông, thư từ hình ảnh là của thân nhân tôi, ở các trại tù khác, các cán bộ đã duyệt xét rồi!
Qua một vài nét tôi hiểu: đây không phải do y, mà y chỉ thừa lệnh; vì thế y chỉ cộc lốc:
- Không được! Phải duyệt xét lại!
Y ra hiệu tay, tôi ôm vật dụng theo y vào một căn lán trại tù. Y chỉ tay lên một chỗ ở sàn trên:
- Chỗ anh nằm đó!
Đây là khu hình sự, trại chưa đi lao động về; chỉ lèo tèo vài người ốm bệnh ở nhà. Tôi còn đang sắp xếp lại quần áo của tôi, sau khi đã bị lục tung, thì trại ầm ầm huyên náo. Tù đã đi lao động về.
Cái đêm hôm ấy trời lại mưa to tầm tã, sấm chớp ầm ầm. Nằm nghe sấm sét, gió mưa gào thét ngoài núi rừng, hình như cũng có một trận gió mưa tầm tã khác, đang diễn ra trong lòng tôi. Rũ rượi rồi tôi lịm dần vào giấc ngủ muộn, đầy khắc khoải. Gần sáng, giòng tư tưởng của tôi chợt ghé đến cụ: Tam Nguyên Trần Bích San với tư tưởng khích lệ, trác tuyệt của cụ:
Địa vô Sơn Thủy, phi kỳ khí.
Nhân bất phong sương, vị lão tài.
Xin phép tạm chuyển dịch: (Đất mà không có núi, có sông thì đâu có lạ kỳ, đâu có đẹp. Con người mà không từng trải thăng trầm gió, mưa thì làm sao có chí lớn, tài cao?) Có lẽ vì trong lòng tôi đã nhão nhoẹt nhiều quá, nên tôi tìm đại câu trác tuyệt của ông cha làm “cứu cánh” để tự an ủi mình, trong lúc buồn nản này. Tuy thế, tôi cũng tâm thành cảm tạ cụ Tam Nguyên Trần Bích San.
(Đến đây tôi xin phép quý vị độc giả năm, mười phút để nói về cụ Tam Nguyên Trần Bích San. Cũng là thể hiện sự tôn trọng các quý vị)
Từ một tâm niệm học hỏi, những kiến thức hữu ích, của nhân loại, tôi đọc bất kỳ một tư tưởng, một phát kiến uyên bác ở sách nào, báo nào, tôi đều thường ghi nhận. Tôi là thế hệ con cháu được thừa kế, ứng dụng, trong cuộc sống. Cái câu thâm thúy: “Địa vô Sơn Thủy, phi kỳ khí. Nhân bất phong sương, vị lão tài.” tôi đọc được trong một tờ báo, khi tôi còn ở trong tù. Tờ báo đó ghi tác giả là Tam Nguyên Trần Bích Lan. Câu nầy thật là thần kỳ, đã an ủi, thúc đẩy tôi khi lòng tôi nhão nhẹt, ủ rũ, vì VC bắt tôi vào tù trở lại.
Ngày nay tôi viết hồi ký TĐ, tôi chợt nhớ thầy Trần Bích Lan (nhà thơ Nguyên Sa) đã dạy tôi nhiều giờ Việt văn ở năm Đệ Nhị chuyên khoa 1958, trường trung học Nguyễn Bá Tòng Sàigòn, như vậy phải chăng có hai ông Trần Bích Lan? Tôi không có điều kiện tra cứu ở các thư viện, tôi phải thăm hỏi những bạn già trên 70 tuổi ở nhiều nơi, cả ở Pháp và Úc. Tất nhiên những bạn ấy, đều ít nhiều có Hán học chứ không phải mấy anh Tiến sĩ Tây học hay Mỹ học. Các anh đều lơ mơ nhưng đều xác quyết như tôi, là dứt khoát không phải của ông Trần Bích Lan (Nguyên Sa). Bởi vì từ khi Pháp đô hộ, thì còn làm gì có thi Hương, thi Hội, thi Đình để có cái Tam Nguyên như của cụ Tam Nguyên Yên Đổ?
Tôi đã định sửa lại chung chung là:”một câu trác tuyệt của người xưa”, nhưng tình cờ nói chuyện với một anh bạn già nữa là anh Nguyễn Văn Vĩnh, cùng khoá 11 Thủ Đức ở TX (anh cũng là một cây Nho xanh rờn). Anh hứa sẽ hỏi ông anh ruột (cụ Đào Nguyên Nguyễn Văn Nguyện) có quen với ông Trần Bích Lan (Nguyên Sa) và tôi đã được chi tiết rõ ràng:
Cụ Tam Nguyên Trần Bích San biệt hiệu Mai Nham, danh sĩ triều Nguyễn (1839-1977) là con của cụ Phó Bảng Trần Doãn Đạt. Cụ người làng Vị Xuyên (cùng làng với cụ Trần Tế Xương), Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Cụ đỗ dầu khoa thi Hội ở Huế 1865. Vua Tự Đức rất thương mến ban cho biệt hiệu là Trần Hy Tăng (Vương Tăng, Trung Quốc). Về sau cụ được thăng tri phủ Thăng Bình năm Tự Đức 20. Năm 1870 cụ đi sứ Trung Hoa, rồi được cử đi sứ nước Pháp. Khi cụ trở về được thăng tuần phủ Hà Nội. Cụ cũng để lại cho đời tập Mai Nham Thi Khảo (Xin các quý vị có tư liệu về cụ Tam Nguyên Trần Bích… chỉ giáo. Xin cảm ơn quý vị và trở lại Thép Đen)
Tinh thần của tôi như vừa được uống một liều thuốc tăng lực, để tỉnh táo xét suy: Chắc chắn họ không để tôi ở khu hình sự này lâu. Có lẽ vì họ được lệnh bất chợt, sợ đưa tôi vào khu Biệt Kích (khu Biệt Kích chỉ cách một hàng rào nứa) sẽ làm hoang mang, ảnh hưởng đến tinh thần của họ? Hay vì lý do khác, làm sao tôi biết được?
Đêm qua nằm nhẩm tính, tôi ra khu công nhân Hồng Thắng, chừng hơn 5 tháng đã lại bị bắt vào trại tù rồi. Đúng một tuần sau, tên trực trại vào gọi tôi ôm chăn chiếu sang khu Biệt Kích bên cạnh. Y chỉ cho tôi một chỗ cũng ở sàn trên và cũng câu nói của tuần trước, y đã nói với tôi bên khu hình sự:
- Chỗ anh nằm đó!
Tôi đã suy đoán không sai, lại được về tù chung với anh em Biệt Kích, như hơn 6 năm xưa.
Buổi trưa, trại về anh em chạy đến thăm hỏi tíu tít. Toán trưởng vẫn là Trương Bá Ngữ, toán phó là Nguyễn Xuân Sang. Quách Rạng đã ghé tai tôi nói nhỏ:
- Chúng tôi đã biết anh sẽ về đây, 2 ngày rồi!
Tôi còn đang ngạc nhiên, chưa kịp hỏi: Sao mà biết? Thì Rạng đã nói như trả lời:
- Lê Văn Kinh cũng đã bị bắt vào 2 ngày trước! Cả Nguyễn Cao Sơn cũng mới vào hôm qua. Cả hai còn nằm rũ ra kia kìa!
Có Kinh và Sơn cũng bị bắt vào, tôi hơi suy đoán ra: Đây là 3 tên (theo cái nhìn của cộng sản) nguy hiểm hơn, so với một số anh em Biệt Kích ở công trường. Tình hình, có biến chuyển thế nào cứ “vồ” 3 tên này trước đã.
Vụ việc của Lê Văn Kinh Người Nhái phá tàu ở sông Gianh 1962 tôi đã tường thuật rồi, còn toán Biệt Kích của Nguyễn Cao Sơn. Tôi nhớ trước đây có tìm hiểu về toán này, tôi chỉ biết sơ lược, bởi vì toán Biệt Kích này có một vài sự việc không bình thường, cho nên anh em trong toán đó không muốn nhắc lại, vì thế nên ít người biết chi tiết.
Tên toán là STRATA 120. Toán Biệt Kích của Nguyễn Cao Sơn tên là STRATA 120. Ra Bắc ngày 14- 5-1968, toán gồm 6 người.
1. Nguyễn Đình Lánh một chuẩn úy là toán trưởng (đã chết).
2. Trần Quốc Quang, toán viên.
3. Trương Nàm Tráng toán viên (người Việt gốc Tàu).
4. Nguyễn Ngọc Anh,
5. Nguyễn Như Ánh hiện nay ở Chicago.
6. Nguyễn Cao Sơn cũng là một chuẩn úy của trường Thủ Đức.
Chính vì một toán Biệt Kích lại có 2 chuẩn úy nên mới xẩy ra nhiều chuyện đáng tiếc sau này, khi vào vùng hoạt động mà đã bị lộ. Hiện nay, Nguyễn cao Sơn đã tới Mỹ, nhưng tôi không rõ tiểu bang nào.
Mấy ngày nói chuyện với Quách Rạng tôi cũng có hỏi sơ sơ được biết: Toán của Quách Rạng là GRECO ra Bắc ngày 14-11-1964. Toán gồm có 7 người:
1. Đinh Công Bích, Toán trưởng. Dân tộc Mường. Bích là Trung úy (xuất thân trường Võ Khoa Đà Lạt, rớt ra chuẩn úy). Chết năm 1979 tại trại Tân Lập (vợ có được lĩnh tiền của bộ quốc phòng ở Mỹ).
2. Bùi văn Cởi (chết trận).
3. Quách Hinh, truyền tin phó, hiện ở Atlanta, Hoa Kỳ.
4. Đinh thế Hùng, Truyền tin (chết ở trại Vĩnh Quang 1968).
5. Đinh công Ngọc, Truyền tin trưởng. Hiện ở Chicago.
6. Quách Rạng hay Quách Thái Bằng, phụ tá toán trưởng. Hiện ở Atlanta.
7. Quách Công Tiếng (Hạ), toán phó phá hoại. Hiện ở Atlanta.
Gần một tháng sau, những tin rỉ ra từ hướng này, hướng kia tôi biết là Vòng A Cầu ở toán Biệt Kích CANCER đã rủ Lê Trung Tín của toán RED DRAGON chạy sang Trung Quốc. Rồi sau đó kéo thêm Lý Cà Sa nữa.
Sau này nghe dư luận Lý Cà Sa có cầm quân Trung Quốc đánh sang tỉnh Lào Cai, trong đợt Trung Quốc vượt biên giới tấn công VN để dậy cho cộng sảnVN một bài học 17/2/79. Còn Vòng A Cầu, nghe đâu vẫn còn ở bên Trung Quốc thuộc tỉnh Quảng Đông? Riêng Lê Trung Tín hiện nay đã ở Mỹ nhưng tôi cũng chưa rõ ở tiểu bang nào? Mới đây, 12/2004 tôi nghe nói loáng thoáng: Tín đã từ Trung Quốc vượt trở về Việt Nam, rồi đi HO. sang Mỹ. Ở Colorado.
Bản thân tôi cũng đã nhiều đêm ngày tâm tư bị bóp nặn, giằng co: Nếu buổi hẹn 9:30-10:00 tối hôm ấy ở ngã ba cây Sồi, tôi thực thi lời hẹn thì sao? Thì có muôn ngàn tình huống tôi không thể biết. Nhưng có một tình huống tôi biết chắc: Tôi không được cái vinh dự, ngồi viết những dòng tường thuật này, để các quý vị độc giả nhìn lại một vài góc cạnh của một cuộc chiến “nồi da, nấu thịt”. Và một góc đen tối, ở phía Bắc quê hương thương đau của chúng ta.
Tôi bị bắt trở lại chừng gần 2 tháng. Một buổi sáng sớm khoảng 4 giờ, trật tự và cán bộ đã mở cửa vào buồng. Tuyên bố tất cả mọi người chuẩn bị công tư trang để chuyển trại. Mười lăm phút sau tất cả tù đều phải ra ngoài. Như một đàn gà được chuyển chuồng, rầm rập chạy lên, chạy xuống, chạy ngược, chạy xuôi, đôn đáo ai cũng tự lo cho mình. Cán bộ lại mở cửa, lần lượt hàng đôi ôm đồm chăn chiếu tiến ra sân.
Trời còn tối đen, ở sân đã có 2 chiếc xe chở khách đã tã, mầu sơn long lở. Cán bộ nhà bếp, trật tự và một anh bếp hình sự gánh đến một gánh bột mì luộc, lần lượt phát theo hàng mỗi anh một miếng mì luộc, chừng gần 2 lạng trong miếng lá chuối. Hơn 8 chục Biệt Kích chèn nhét lên hai chiếc xe thời cà cộ.
Chẳng một ai biết là sẽ chuyển đến trại tù nào? Riêng tôi cứ băn khoăn ngẩn ngơ. Như thế là tất cả: hình ảnh, thư từ, giấy tờ đã bị họ tịch thu khi bị bắt vào, bây giờ chuyển trại là coi như mất tiêu hết.
Tiếc nhất mấy tấm hình anh Tâm y tá chụp cho. (Sau này không ngờ Lê Văn Kinh, lại không bị tịch thu, Kinh còn giữ được, ở Florida, Kinh đã gửi cho tôi). Chả cần tường thuật lại cái cảnh 2 người một khóa của cuộc chuyển tù, biết bao khó khăn, khổ cực trong những sinh hoạt cá nhân. Tâm trạng người nào cũng ngơ ngác như đi giữa sa mạc, chẳng biết một hướng nào và về đâu?
Tôi cố căng mắt nhìn cảnh vật, vận dụng cái trí óc của người rừng dân tộc để suy đoán. Quá trưa, chúng tôi đã xác định xe ngắc ngư bò về miền xuôi. Tôi cũng thấy hơi lạ, đã từ hàng chục năm xưa tù chỉ có chuyển về miền ngược, miền núi rừng, giờ đây lại chuyển tù xuôi về đồng bằng. Do đều không biết nên anh em suy đoán linh tinh, tỉnh nọ, tỉnh kia, trại nọ, trại này v.v…
Gần chiều muộn hai xe ngừng lại trên một con lộ ở giữa cánh đồng lúa. Nhìn xa xa chung quanh là những xóm giềng của những nhà tranh và những lũy tre làng. Mươi phút sau, hai xe lại bắt đầu chuyển bánh. Đến một ngã ba, có một con đường đất rẽ vào làng, xe tiến vào. Đã có nhiều kinh nghiệm ở những nhà tù miền Bắc. Miền xuôi, thì phải có tường xây cao kiên cố, như Hỏa Lò chẳng hạn. Vì thế khi được lệnh của các cán bộ, có súng có ống bảo, tất cả xuống xe. Chúng tôi hầu hết đều ngỡ ngàng e ngại, chẳng lẽ họ cho chúng tôi đi ngủ, ở giữa cánh đồng này?
Tay bị khóa, và ôm vác trong cánh đồng chiều, theo các ông súng ống. Đi hàng đôi, chừng 5 – 600 mét, chúng tôi đã nhìn thấy những bức tường xây ẩn trong những lũy tre cao. Càng gần đến, càng thấy cái bề thế, của một trại tù lớn trong lũy tre, lại ở giữa một cánh đồng lúa đã chín vàng. Văng vẳng tiếng ễnh ương, tiếng côn trùng nỉ non, của đồng nội quê nghèo.
Vào đến trong trại, khi đã được mở còng tay, mới càng thấy qui mô của cái trại. Rất nhiều khu nhà xây, tường xây cao với những mảnh chai, dây điện chăng, cắm phía trên. Chúng tôi được dẫn vào một khu phía trái, trong một căn nhà xây, cũng sàn trên, sàn dưới bằng gỗ như của một trại tù miền ngược.
Điều đặc biệt vui là gặp lại mấy chục anh em Biệt Kích, ở trại I Lào Cai từ đầu 1972, chuyển đi trại Hoành Bồ Quảng Ninh. Anh chàng Nguyễn Huy Lân “mều” và Hoàng Mạnh Hùng cứ nắn, bóp tay tôi ríu rít. Lân Mều mở to mắt đập tay vào vai tôi:
- Sao chúng mày lại về đây?
Chẳng ai trả lời! Vả lại làm sao biết mà trả lời. Chỉ một lúc sau, chúng tôi đã biết: Đây là trại T 52 Hà Sơn Bình. Có rất nhiều quân cán của chính quyền VNCH bị giam giữ tại đây. Hàng chục năm mới gặp lại nhau, với bao nhiêu diễn biến của quê hương: Hội nghị Paris, Sài Gòn bị “đứt phim”, rồi mỗi cảnh đời tù của mỗi phía để trao đổi, hàn huyên. Xin xếp lại đấy, hãy nói những điều hiện tại và phía trước đi tới.
Tôi, Kinh và mấy anh em nữa được phân về đội mộc của anh chàng Lân “Mều”. Kể cũng lạ, hàng chục năm, ngay từ đầu 1968 đến giờ 5 lần, 7 lượt chạy nhiều hướng tù, mỗi người mỗi lối, cuối cùng vẫn anh chàng “Mều” này làm đội trưởng.
Trước đây gọi là toán, bây giờ đổi là đội. Chuyện lớn đổi thay, chuyện nhỏ cũng thay đổi. Đổi thay luôn luôn, tên nước, tên Đảng, tên cơ quan, tên tổ chức, kể cả hiến pháp. Từ đấy, bây giờ họ đặt là thành phố HCM, rồi đây ai cũng thấy một ngày nào đó, sẽ đổi thành một cái tên khác.
Cho nên ví tượng trưng chế độ cộng sản = con Bồ Nhông thì cũng không sai. Con Bồ Nhông luôn luôn thay đổi mầu, theo thời tiết và ánh sáng. Sáng, trưa, chiều, tối, nắng, mưa v.v…
Vì sao và mục đích nó phải thay đổi mầu, để làm gì? Hỏi để mà hỏi, chứ ai cũng trả lời được, vì ai đã ở nhà quê hay miền rừng núi, cũng ít nhiều thấy nó rồi.
Con bồ nhông phải thay đổi mầu của nó, chỉ vì muốn làm mờ mắt:
1/ Đối thủ: Thằn lằn, tắc kè, bọ cạp, rắn mối v.v… (Những nước nào? Những đối tượng nào? Tự suy).
2/ Kẻ đại thù, kẻ muốn xơi thịt nó: Diều hâu, cú mèo, quạ đen, hải âu v.v… (Nước nào, người nào. Tự thấy).
3/ Con mồi: Cào cào, dế, bọ xít, bọ ngựa v.v… (Nước nào, đối tượng nào. Tự suy ngẫm).
Không những làm mờ mắt các đối thủ, kẻ đại thù mà còn làm mờ mắt các con mồi của nó. Con nào nó đang ăn và sẽ ăn, chính con mồi cũng không hề hay biết. Cho nên, xin đừng coi thường, để rồi quên đi: dù nó có thay đổi như thế nào, nó vẫn là con bồ nhông mà thôi.
Tôi theo đội mộc của Nguyễn Huy Lân đi làm. Ra khỏi cổng trại rẽ về phía trái chừng 250 mét là tới lán mộc. Lán mộc ở đây cũng lợp ngói kiểu nhà “kiến thiết cơ bản” nhưng vách, tường không có. Toàn bộ lán chừng 2 chục cái cầu bào, cho những người thợ chính.
Cán bộ đội mộc, tôi đã thấy từ khi y vào khu Biệt Kích trong trại. Da y trắng trẻo, tôi cứ có cảm tưởng y là loại “tạch tạch sè” (tiểu tư sản) vậy mà y lại có cái tên là Hồng Thắng Tài. Ngay cái tên y cũng đã thấy khái niệm. Không biết do bố mẹ y đặt, hay y tự chọn lấy sau này? Đầy nịnh bợ và cũng tràn ắp lòng tin vào “chiếc bánh vẽ” của cộng sản. Một lòng theo Đảng, thì còn hơn là người có tài. Lân đã biết khả năng nghề nghiệp của tôi, và đã trình bày với tên Tài. Tên Tài đã phân công cho tôi, đóng một chiếc ghế lệch kiểu Đức.
Ngay buổi chiều hôm ấy, đội mộc ra khỏi lán trở về phía trước cổng trại. Một cảnh tượng đã hằn vào lòng tôi, đã cuốn chặt vào hồn tôi cho tới bây giờ, vẫn chưa lơi lỏng. Cả một cái sân lớn phía trước cổng trại, ngồi kín những binh lính của VNCH, quần áo rằn ri hoặc xám, chỉ có khác là không có súng ống. Lẫn vào đây đó có những tên áo vàng (cán bộ) và mầu xanh đeo súng là những tên công an võ trang. Nhìn chéo ra những cánh đồng lúa, trên những con đường đất dẫn về cổng trại, thỉnh thoảng một đoàn quân đội VNCH xếp hàng đôi tiến về cổng trại, theo sau có một tên công an võ trang “oắt tì” đeo súng áp tải.
Bây giờ đọc đoạn này, có còn ai thấy lòng dạ thế nào không? Chứ khi ấy, giai đoạn ấy ruột gan của tôi như vặn vò, rướm máu. Nhất là lại là buổi ban đầu sau 16 năm, nằm trong ngục tù. Hôm nay tôi mới nhìn thấy, những chiến hữu ruột thịt nhớ thương, khao khát của mình.
Hơn một tuần sau, tôi đã có một chút khái niệm về cái trại giam đặc biệt, Hà Sơn Bình này. Khoảng trên dưới 900 tù nhân, hầu hết là quân cán của chính quyền miền Nam. Đặc biệt là có 2 đội, VC gọi là “bò lục” chừng hơn 9 chục, toàn là đại tá của VNCH. Cứ sau khi toàn trại đi lao động, hai đội này mới được ra quét dọn, nhặt cỏ, những công việc vặt vãnh không cần chuyên môn.
Anh em cho biết đã có lần, 2 ông đại tá trong những ngày nghỉ, đã trèo vào khu Biệt Kích lén lút chuyện trò, có Biệt Kích “ghếch” áo vàng. Đặc biệt hơn nữa, cũng anh em cho biết: trong một khu đối diện phía bên kia, kiên giam toàn là tướng và hàng bộ trưởng, không có ra làm việc bên ngoài. Lòng tò mò tìm hiểu của tôi được khích lệ, lòng tự nhủ lòng: Được! Tôi còn ở đây rồi sẽ biết!
Cũng nguồn tin từ các ông “bò lục”, khi VC chiếm được miền Nam, nhiều kho vũ khí, và quân nhu còn lại, ta chưa kịp phá hủy. Bây giờ chúng lấy những bộ đồ đó, đành rằng chúng có thể đổi chác với các nước chung quanh, dân chúng của VC còn thiếu quần áo mặc, nhưng bao giờ chúng vẫn dành ưu tiên cho tuyên truyền. Bắt những tù VNCH mặc quần áo mới đó, cộng sản có những điều lợi: Càng khoét sâu, làm thối ruỗng ý chí của những người tù, mà đàng nào cũng phải cung cấp quần áo tù lao động, cho họ (nhất cữ lưỡng tiện). Những cán bộ, những người dân qua lại, chứng kiến càng nức lòng hồ hởi tung hô tài ba vô địch của chủ nghĩa cộng sản chuyên chính, (nhất cử, tam, tứ tiện). Tại sao chúng không làm?
Từ khi còn mồ ma HCM, VC luôn luôn kêu gọi đồng bào miền Bắc thắt lưng, buộc bụng để chi viện cho đồng bào miền Nam đang bị đói khổ, lầm than trong tay đế quốc và tay sai. Nhưng sau khi chúng cưỡng chiếm được miền Nam, không những nhân dân miền Bắc đã bật ngửa ra, mà ngay cán bộ của cộng sản cũng không thể ngờ. Cụ thể tên bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (giai đoạn ấy) đã thốt lên: “Không ngờ, đời sống của miền Nam trù phú thật”. Tôi đã đọc được câu nói của y trong một bài báo “Đảng ta thắng lớn” trên tờ QĐND cuối năm 1975.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen