Books - the best antidote against the marsh-gas of boredom and vacuity.

George Steiner

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 137: Hung Thần Tằng Toét
hiều nay tôi đang lửng lơ, khệnh khạng (buồn chán không muốn làm gì cả) lắp ghép một cánh cửa chớp trên lán mộc, thì có tiếng ồn ào ở phía dưới chân đồi, nơi có toán 4, đa số là tu sĩ chủng sinh, trong đó có bác Túy, một ông Chánh Trương thường ngồi một mình đọc kinh, lần hạt, mà buổi đầu tôi đến trại đã thấy. Toán đang đào một chiếc ao ngay phía trái của trại, hàng tháng nay rồi, toán này bị hành, làm bùn đất.
Tuy đã giáp Tết nhưng trời vẫn còn lạnh buốt, với những cơn gió mùa Đông Bắc, về muộn. Từ chỗ lán mộc của toán tôi, trên một cái đồi con gần khu ban giám thị, nhìn xuống chỗ đào ao xa, khoảng 6, 7 chục mét. Từ dưới ao chuyển đất lên bờ, tù đứng thành mấy dây, để chuyền đất.
Qua dáng dấp, rõ ràng bác Túy, có thể vì tuổi già, hơn nữa bác đã ốm bịnh mấy ngày ăn cháo, nên không chuyển kịp đất. Tên Tằng (toét) từ cổng trại đi ra, đứng nhìn một lúc, rồi tay y khua khoắng chỉ trỏ gì đó, tôi không nghe rõ; đột nhiên tôi thấy tên Tằng đạp cho bác Tuý một cái, bác ngã sóng soài ra. Mấy anh chủng sinh chạy lại đỡ bác dậy, nhưng tên Tằng không cho một ai đỡ bác; y bắt bác đứng vào đường dây. Tên cán bộ toán, tên công an võ trang đứng gần đấy cũng không có thái độ gì. Bác Túy lặc lè, xớ rớ vừa đứng dậy được; tên Tằng xông đến đạp một cái nữa. Bác lộn từ ở trên bờ cao, lao xuống chỗ đất bùn, đầu cắm ngập xuống bùn. Chân tay bác giẫy chới với ở trên không, mấy người chạy xô xuống định kéo bác lên, nhưng tên Tằng quát to:
- Cấm không anh nào được mó vào người anh ta!
Chúng tôi ở lán đứng nhìn, cùng kêu giổ lên! May quá, đúng khi ấy Tôn đại úy (người miền Nam tập kết chừng hơn 50 tuổi) giám thị phân trại B, từ trên khu giám thị đi ngang thấy thế, ông ta quát:
-Ai kéo anh ta lên, không thì chết!
Tên Tằng chạy lại kéo tay tên đại úy Tôn (nói gì nhỏ, xa nghe không rõ), rồi một tay y chỉ về phía cổng trại. Giữa lúc ấy tên Hòa, cán bộ toán mộc ra đuổi chúng tôi về chỗ làm.
Tan tầm, toán mộc của tôi về ngang cổng trại. Bác Túy đang bị treo ngoài hè nhà trực trại, như cái trống. Đầu và chân bác thõng xuống, không động đậy, hai tay bác bị bẻ giặt phía sau lưng, treo lên mái. Những toán đi lao động về ngang đều nhìn thấy, tù nhân chỉ lấm lét, nhìn nhau! Người tôi như đờ đẫn, tôi ghé vào tai Phùng Văn Tại:
- Nó sẽ hành bác Túy, chết mất!
Mãi hơn 7 giờ, cơm nước đã xong, tên Hường trực trại vào gọi toán trưởng của toán 4 (đào ao) ra nhà trực. Hai mươi phút sau, Bằng trật tự và toán trưởng 4, khênh bác Túy về chỗ của bác. Một số các anh chủng sinh và quen biết, xúm lại lau bớt bùn đất, đắp chăn bỏ mùng cho bác. Bác không nói năng gì được nữa. Dưới ánh đèn không đủ sáng, tôi thấy tay và mặt bác sưng tấy lên nhiều chỗ. Vài người có một số thuốc riêng, cố cho bác uống. Nghe mấy anh lau rửa cho bác nói, ngực bác tím bầm sưng to ở phía trên mỏ ác. Tôi cũng được anh em toán thuật lại: Ông Tôn giám thị ở chỗ đào đất, bảo mấy người kéo bác Túy lên, nhưng tên Tằng toét đã hẩy tay ông Tôn và nói nhỏ:
- Ông hãy về làm việc của ông đi! Để tôi giải quyết!
Tên Tằng toét, có người nói y chỉ có cái lon thượng sĩ thôi, thấy lạ, tôi mò mẫm tìm hiểu. Chính anh Bằng trật tự đã cho tôi biết: Tằng chỉ là thượng sĩ, cán bộ giáo dục nhưng y là bí thư đảng ủy. Ông Thích, thiếu tá Giám thị trưởng của trại Phong Quang này, mà vẫn còn phải nể. Nhiều sự việc, tai nghe, mắt thấy để sự hiểu biết của tôi, được nới rộng.
Tôi cũng lấy làm lạ, không hiểu vì sao tên Tằng lại hành động dã man, với bác Túy như thế? Nghe dư luận, hơn một tháng trước, khi bác Túy (Lâm Đình Túy), từ trại Vĩnh Quang chuyển đến, cùng hơn một chục người tù khác. Trong lúc khám tư trang ở cuối hội trường, chăn màn quần áo của bác Túy còn để đấy, nhưng không thấy bác đâu. Chính tên Tằng, vào hội trường thấy bác Túy đang ngồi khoanh chân một mình dưới đất trong một góc, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm nhẩm đọc kinh. Y quát và kéo bác ra sân.
Đột nhiên bác Túy tát cho tên Tằng một cái. Vì bất ngờ, tên Tằng bị một cái tát như trời giáng. Mọi người tù có mặt đều choáng hồn, xanh mắt, một việc chưa thấy ở nhà tù Việt Cộng. Tên Tằng hùng hục đấm đá, rồi sai trói bác Tuý treo ngay ngoài nhà trực trại.
Sáng mồng một Tết, tôi dậy sớm ngồi trong mùng, đầu óc mông lung, rồi rũ rượi. Chợt một ý thơ xưa (tiền chiến) chẳng nhớ rõ của ai, tôi xin phép cứ đổi đại, để phù hợp với lòng tôi lúc này, miệng lẩm nhẩm cóc rỉ:
Xuân đã sang rồi… ai có hay?
Tình xuân chan chứa… ý xuân đầy.
Trại giam buồn lắm… xuân không đến.
Chỉ đứng bên ngoài… ngắm vào đây.
Xuân về mà lòng buồn rười rượi; bao nhiêu điều ngược, xuôi trong đầu. Tôi có ý định bàn với anh Bưởi và Lương, khi Tết xong, cứ lên cán bộ hỏi đại:
“Bây giờ đã có hiệp nghị Paris thì giải quyết chúng tôi thế nào?”
Xem họ trả lời sao? Bật dậy, gấp chăn màn, rửa mặt rồi lỉnh sang anh Bưởi và Lương.
Đầu tôi chợt lóe một tia sáng! 4 anh chàng: Tiệp, Đằng, Vinh và Thuần có liên hệ, đến trại tù quân đội; vậy thì biết đâu! Họ sẽ được về? Tôi phải thăm… hỏi!
Làm sao tôi quên một sự việc: khoảng 10 giờ tên Tằng vào trại, hôm nay y gọi trật tự hô hào các buồng ra sân trại chơi vui ngày Xuân (có thể y cũng vui vì Đảng của y đã ký được hiệp nghị Paris có lợi). Y cố khích lệ, đem vào một quả volley, bảo anh em chăng lưới. Rồi sai Bằng lấy một sợi dây thừng to, giở trò thi các toán kéo co.
Có thể tâm trạng của đa số tù nhân, ngày Xuân dân tộc mà! Ủ rũ trong buồng thì buồn quá! Gia đình, cuộc đời, đất nước, trăm thứ nó xé óc mình ra. Thì cứ vui đại cho quên đời v.v… Cho nên anh em cũng ra đông, hò reo, chạy nhảy, chuyện trò. Tôi nhớ nhất về cái vụ kéo co: 17, 18 toán toàn trại, thi kéo co với nhau. Cho tới chiều, toán thợ xẻ là vô địch.
Toán này có mấy cái ưu thế: kéo xẻ, việc nặng thường ăn mức 18 kg gạo, hai cánh tay chỉ có cò cưa suốt ngày. Tên Tằng cũng tỏ vẻ bực bội với toán xẻ. Y nghĩ thế nào không biết, y lấy chùm chìa khóa trong túi, lạch cạch mở cổng khu kiên giam hình sự: toàn những tay đầu gấu anh chị, võ biền. Đội xẻ kéo co có 16 người, y vào khu kiên giam hơn nửa giờ. Chả biết y kích bác ra sao ở trong đó, y chọn được 16 anh trẻ, ngổ ngáo, tay chân xâm vẽ rồng, phượng, trông gớm ghiếc.
Y dẫn 16 cậu ra sân; tinh thần thể thao của trại càng được khích lệ. Mấy chỗ bóng chuyền cũng dẹp, để tụ tập vây quanh đám kéo co. Phần thưởng là 3 cái bánh chưng; với những tiếng hò reo cổ vũ cho mỗi bên, cũng làm cho lòng ai, vài giờ quên đi…
Cái sầu vạn cổ, chất trong hồn chiều nay…
Chất trong hồn… chiều nay. Nhớ nhà châm điếu thuốc… Khói vàng bay lên mây… (Hồ Dzếnh).
Điều này cho tôi hiểu: Cái hệ thống uy lực của đảng cộng sản! Thông thường, khu kiên giam chỉ có lệnh trực tiếp của Ban giám thị trại, mới được mở cửa, thế mà tên Tằng, đã chả coi BGT ra cái gì, do một cái hứng cá nhân! Một ông đại úy giám thị một trại, mà một tên thượng sĩ coi như cái móng tay, chỉ vì đảng.
Cuối cùng chức vô địch trại, không một toán nào lấy khỏi tay toán cò cưa. Anh chị võ biền, ngổ ngáo mà đói meo thì cũng đành nhìn mấy anh già toán xẻ, mà lồi mắt ra. Tên Tằng cũng ứ ruột, máy tốt mà không có xăng thì cũng chào thua!
Như đã hẹn hôm mồng một Tết với Đằng, Tiệp, Vinh và Thuần, chiều nay tôi ghé sang nhà A khu II. Ngày Xuân còn rơi rớt, cũng có ca trà với mấy chiếc ly nứa con con, anh em hàn huyên cho niềm Xuân trong tù bớt phần nào da diết. Hỏi thêm một vài chi tiết liên quan, tôi gợi ý; nhìn các cậu, mắt ai cũng sáng dần ra. Anh Thuần tương đối lớn tuổi, khoảng 44, 45, tỏ ra chững chạc, điềm đạm. Nhưng, hầu như anh chỉ thể hiện, tình thương nỗi nhớ, vợ con là chính. Sau buổi nói chuyện, cả 4 người đều dạt dào hy vọng. Phần tôi, với những điều tôi hỏi các anh từng chi tiết sự việc, tôi cũng tin tưởng rất nhiều là 4 người sẽ về miền Nam.
Dù tôi hiểu họ cũng có nhiều tính toán trong lòng, tôi vẫn nói đại ý: Dù sắp tới suy nghĩ một chuyện gì thì cũng nên phòng hờ cả 2 trường hợp: tốt và xấu! Xấu là không được vể thì sẽ tính sao? Còn nếu tốt là được về thì sẽ làm gì. Làm gì cũng phải phòng hờ 2, 3 hướng! Bây giờ trước mắt, trong vòng một tháng kể từ hôm nay, chúng ta đều nghe ngóng, từng hiện tượng xem động tĩnh ra sao. Tùy theo tình thế diễn tiến thế nào, bấy giờ bàn tính thảo luận mới thích ứng.
Riêng Tiệp, tôi hẹn một ngày sang tôi, anh em mình sẽ nói tiếp, hiểu ý tôi nên Tiệp nhẹ gật đầu mà mấy anh em kia không để ý thấy. Vả lại tôi và Tiệp cũng thường xuyên gặp nhau từ trước, không như ba người kia. Khoảng 10 giờ tôi đang lơ mơ đi vào giấc ngủ, bỗng nghe tiếng sang sảng, giọng Nghệ An rủng rẻng, xoáy vào đêm rừng, rõ như hát:
- Nói dối trở thành công khai, hợp pháp! Thầy nói thầy thương yêu trò lắm! Trò nói trò kính yêu thầy lắm! Cả thầy lẫn trò đều hiểu là nói dối, nhưng cả hai bên đều chấp nhận và nó trở thành hợp pháp, công khai!” Rồi có tiếng cười ròn sằng sặc…..như nắc nẻ.
Thấy anh Trần Thế Khải dậy đi đái qua, ngồi trong màn tôi hỏi với ra:
- Sao lạ vậy! Ở đâu, ai mà dám nói thế?
Anh Khải ngập ngừng đứng lại, thì anh Khẩn toán trưởng cũng nằm trong màn nói vọng ra:
- Cái anh chàng Bổn đó mà! Ở ngay đầu lán A khu 1, nghe đâu anh ta bị bắt từ giữa 1954, đêm tối thỉnh thoảng anh ta cứ hay lảm nhảm như vậy!
Nhẩm tính, anh này đã tù 18 – 19 năm rồi còn gì! Chẳng hiểu anh ta tội tình gì? Gợi trí tò mò, định tâm sẽ tìm hiểu nếu có dịp, trong những ngày tới.
Ngay phía sau lán mộc của tôi, chỗ vẫn thường đi tiểu tiện; cạnh đó có một cây trò cụt. Cứ mỗi lần đứng tồ, mắt tôi lơ đãng nhìn cây trò cụt; không hiểu vì sao nó cụt lưng chừng, từ gốc tới chỗ cụt, chỉ chừng 1m50. Sau nhiều những trận mưa rừng rả rích, mãi trong một góc khuất, sáng nay nó nảy ra 3 – 4 cái nấm trắng hồng ngồn ngộn, non hơ hớ. Đúng là nấm mèo, loại nấm ở trại I tôi đã ăn nhiều năm, nhiều lần. Của núi rừng tặng thưởng, mình phải biết nhận chứ!
Nghĩ như thế, tôi cố tìm cách lại ra “tồ” lần nữa. Mắt trước, mắt sau tôi hái hết, giấu trong miếng giẻ, đem vội vào cầu bào cất kỹ. Như “buồn ngủ gặp chiếu manh”, cả một buổi làm, thỉnh thoảng như tôi muốn cười với gió núi, cây rừng; hứa hẹn sẽ có một bữa ngất ngây tuyệt cú mèo. Tôi nghĩ đến chiếc ca tráng men đã cũ mèm, vẫn đun pha trà 6, 7 nước, đến khi trà đã nhừ nát mới thôi! Nồi đấy, và đống lửa kia, ôi sao cuộc đời hậu hĩnh!
Gần tới giờ chiều thì chiếc ca nấm nóng hổi, đã sôi nhiều lần. Tôi đã lau chùi sạch sẽ, thương mến, nâng niu như một cô nàng, ngọc ngà mỹ miều, đang nằm khuất trong góc cầu bào rồi. Dù mùi thơm của nàng xì ra đã ngứa cả mũi, nhưng tôi cương quyết không nếm, hay ăn thử. Chế ngự sự ham muốn của lòng mình, để mang về trại (tin tưởng anh Bằng và khả năng ứng xử của mình). Chờ khi nào điểm xong, bỏ mùng, bấy giờ ta mới mở nàng ra mà thưởng thức. Chỉ mới suy nghĩ thế mà cái tay bào thẳm thấy khỏe hẳn lên, đẩy xoèn xoẹt phoi bào chạy ra văng tứ tung, như pháo bông ăn mừng đêm dạ hội.
Tối đến cơm nước cũng như mọi khi, đã vào nằm yên một chỗ trong dạ dầy. Tất cả đều diễn tiến, như đã dự trù. Bỏ mùng sớm, từ nãy tôi vẫn ủ kỹ nàng trong người, bây giờ tôi mới êm ái lôi tuột nàng ra chiếu. Sờ vào nắp ca vẫn còn âm ấm tay, chẳng cần ly bát, thìa đũa làm quái gì, có phải mỡ, mắm đâu? Mắt liếc nhìn bóng người qua lại lờ mờ phía ngoài mùng, tay tôi khe khẽ thò vào, lại thấy hơi nhơn nhớt. Nhón lẹ một miếng, tôi ngửa hẳn mặt lên, há hốc miệng ra từ từ sẽ đưa miếng nấm vào………… Nhưng mà ngọt quá, thơm quá! Ôi! Nấm mèo Yên Bái sao mà thơm ngon thế, hỡi núi rừng! Tôi ngấu nghiến nhai, rồi cầm cả ca uống ừng ực.
Chỉ một phút đã sạch trơn, sạch khô không còn một tí nước. Mặc cuộc đời, mặc thiên hạ tôi nằm đổ vật ra, để thưởng thức cái của hiếm, của núi đồi sơn cước; để cho con tì, con vị nó nhẩy nhót tự do, như chưa bao giờ nó hiểu thế nào là tự do. Nằm tơ mơ lòng vần thầm nhủ: Xin cảm tạ rừng thiêng Yên Bái đã ban đặc ân cho tôi!
Nhưng cũng đất trời hỡi, tự nhiên nhà cửa, đất trời quay như chong chóng, người tôi cứ giật lên từng cơn, cả tay chân cũng giật. Tôi chỉ kịp nhấc được cái mùng rồi tôi nôn thốc, nôn tháo xuống đất. Tôi chả còn biết ngượng ngùng, hay xin lỗi ai. Dưới đất chỉ có một đống lá rau cải bắp già và nước đen đen, vàng vàng. Từng sợi nhớt kéo dài từ đống nôn, nối dài tới miệng tôi, tôi không còn biết ngượng nữa, và tôi cũng không biết gì nữa.
Mãi khi tôi lơ mơ nhìn thấy ánh nắng, và bóng anh y tá đẩy cửa bước vào. Anh y tá này tên là Kiệt người miền Nam, anh nói nhưng mặt lại lạnh lùng:
- Đù mẹ, tôi tưởng đêm hôm qua anh chết rồi chứ!
Quá nhiều nỗi niềm trong lòng, nên tôi im luôn, chả nói năng gì! Tôi muốn hỏi anh vì sao tôi lại ở đây, mà bây giờ tôi đã biết đấy là buồng y tế, ở mãi gần nhà kỷ luật. Thấy thái độ của anh ta như vậy, tôi đành nuốt mọi thắc mắc vào trong lòng. Anh ta cũng đóng, rồi khóa cửa đi luôn. Mãi hơn 1 giờ sau, Y trở lại với tên Hường trực trại, bảo tôi hãy đi về lán. Do lòng không vui nên tôi cố gắng kéo người ngồi dậy, để chân xuống đất tìm dép nhưng chợt hiểu, nên tôi gắng đứng dậy, tập tễnh chân không đi về lán. Phải đến hơn 100m, lưng chừng có anh Bằng trật tự ghé đến, dắt tay tôi.
Về đến lán chưa nằm ấm chỗ, khoảng hơn 10 phút thì ông Tôn giám thị, đi theo có tên trực trại Hường bước vào lán. Nghĩ đến tấm lòng của ông Tôn hôm sự việc bác Túy, tôi cố bò dậy thể hiện một thái độ nhỏ với người có lòng. Yên lặng 5-10 giây, y liếc khắp lán một lượt quay lại, vẻ trang trọng:
- Anh phải thành khẩn biết ơn Đảng và nhà nước, đã cứu sống anh đêm qua!
Tôi tỏ ra thành khẩn, nói trong niềm xúc động:
- Tôi xin cảm tạ Đảng và nhà nước đã đặc ân cho tôi!
Trong lòng tôi lại nghĩ thầm:
“Như tôi đã thành khẩn cám ơn rừng thiêng Yên Bái, đã ban đặc ân cho tôi.”
Trước khi ra, y còn nói:
- Anh hãy nằm xuống đi, phải nhớ chú ý, cẩn thận ăn uống sau này!
Như tôi đã có chủ trương từ trước, sẽ lên hỏi thẳng cán bộ, Hiệp định Paris đối với chúng tôi thì sẽ như thế nào? Tôi cũng có nhiều lần bàn với anh Bưởi và Lương rồi; nhưng cứ lần lữa, rụt rè ngày này qua ngày khác. Bây giờ đã giữa tháng 3, từ ngày ký hiệp nghị Paris đã một tháng rưỡi rồi, mà không ai nói gì đến chúng tôi cả.
Trong dạ chúng tôi đều đinh ninh, những anh em Biệt Kích ở trại trung ương số 1, đã được về miền Nam rồi. Không do dự ngần ngại nữa, một buổi sáng tôi thấy ông Tằng (tôi đã biết là bí thư Đảng, ông Tôn Đại Úy giám thị không quan trọng). Tôi xông thẳng vào cửa chính, hỏi ngay tên có quyền, tôi tiến lên tới chỗ ông Tằng. Y quay lại tôi, mặt hơi ngạc nhiên.
- Thưa ông, tôi muốn gặp ông; khi nào thuận tiện ạ?
Mặt y tươi hẳn, nói nhè nhẹ:
- Anh về chỗ, hôm nào tôi sẽ gọi! Anh tên gì?
- Thưa ông tôi là ĐCB, người của VNCH bị bắt!
Ngay chiều hôm ấy, sau khi anh Khẩn toán trưởng đến cán bộ toán báo cáo công việc thường lệ. Anh quay xuống hàng toán đang ngồi, đến chỗ tôi:
- Anh Bình ở lại, gặp cán bộ!
Về lán, cũng hơi hồi hộp, nhưng lại nghĩ tới nguyên tắc: “Không liều không có cái gì cả!” Bây giờ hãy cứ xông đã!
Xuất trại xong chừng nửa giờ, anh trật tự Bằng vào buồng gọi tôi ra cổng trại. Tôi ra đến nơi, cán bộ trực trại Hường, đứng từ nhà trực trại, chừng 15-20 mét vẫy tay. Chắc có sự hợp ý trước, tên công an võ trang gác cổng chỉ nhìn tôi gật đầu. Tôi tưởng gặp trực trại Hường, nhưng khi tới nơi, y ra hiệu tay, tôi đến cửa một gian buồng, ngăn đôi với phòng trực trại. Bên trong, có tiếng nói lão Tằng:
- Cứ mở cửa vào!
Phòng rất đơn giản, chỉ có hai cái bàn to và nhỏ, tên Tằng cầm bút ngồi ở cái bàn to, trước mặt cũng có một ghế đẩu cho bị can ngồi, như phòng hỏi cung. Trong góc có chiếc bàn con và chiếc ghế, chắc cho tù ngồi viết báo cáo hay kiểm điểm. Mắt tên Tằng có cái lẹo, thành ra mắt lão nhìn như chỉ mở một nửa, hơi nhếch mép cười hỏi tôi:
- Anh muốn gặp tôi làm gì?
Trong túi tôi đã mang sẵn tờ báo ND có đăng bản Hiệp nghị Paris; nhưng tôi chưa lấy ra tôi hỏi thẳng:
- Thưa cán bộ, bây giờ có hiệp nghị Paris, nhà nước sẽ giải quyết tôi thế nào ạ?
Tên Tằng toét đứng xổ dậy, thái độ vẻ hùng hổ, mắt y càng nhắm lại. Y tiến đến chỗ cái bàn con trong góc, lật mấy tờ báo rồi lôi tờ ND, ném xuống bàn trước mặt tôi, giọng như riễu cợt:
- Đâu chỗ nào, nói trao trả các anh?
Mở tờ báo, liếc nhìn điều 8a, tôi chỉ vào giọng tin tưởng:
- Thưa ông đây ạ! Điều 8a đã nói rõ ràng: Trao trả lại người của 4 bên!
Mặt vênh lên, mắt y càng nhắm lại:
- Đọc kỹ lại đi! Anh là người Việt Nam hay là người nước ngoài?
Tôi hơi chột dạ, tuy vậy vẫn cúi xuống đọc: Nhân viên quân sự, dân sự nước ngoài bị bắt…. Tôi hơi đờ ra vài giây, vì bất chợt, nhưng tôi đã nói ngay:
- Thưa ông, theo công pháp quốc tế thì VNDCCH và VNCH là 2 chế độ chính trị khác nhau là 2 nước khác nhau!
Tôi mới nói tới đây y dõng dạc gạt ngay:
- Hội nghị Paris để giải quyết cho người nước ngoài, không phải giải quyết cho người VN. Thôi anh hãy về suy nghĩ cho nó kỹ! Anh không hiểu biết gì cả! Đừng có suy nghĩ viển vông!
Nói rồi, thái độ của y như muốn đuổi tôi về. Tôi không thể quên được một việc này. Khi tôi đã bước ra cửa, để về trại, y gọi giật lại rồi chỉ vào tờ báo:
- Có mục giải quyết cho người Việt Nam, đây này!
Tôi cắm cúi đọc điều 8c: Về vấn đề trao trả các nhân viên dân sự Việt Nam, bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam, sẽ do hai bên miền Nam, giải quyết.
Không biết rằng các ông ký hiệp nghị kể cả Mỹ, có hiểu rằng làm sao tù, dám cãi lý tay đôi với cán bộ giam giữ?
Các ngài, các quý vị có biết rằng với VC: Cũng cùng một sự việc! Quý vị thảo luận, bàn cãi thêm bớt điều này, khoản kia, quý vị nói chuyện với chúng ở đâu? Ở ngoại quốc, ở nước các quý vị, ở VN hay ở trong tù, là hoàn toàn khác nhau. Tôi xin tường thuật lại một sự việc cụ thể, mà tôi là nhân chứng cho sáng tỏ: Vụ việc của anh Trần Thế Khải. Anh là một chủng sinh tu sĩ, bố là ông Trần Tứ Hải cùng ở Hà-Nội. Cả hai bố con đều bị bắt, từ đầu năm 1964. Khoảng năm 1974 – 1975, tôi gặp hai cha con đều tù ở phân trại B Phong Quang. Sau khi VC cướp được miền Nam, thì chúng thả ông Hải về cuối năm 1975, anh Khải thì vẫn còn ở tù.
Đầu năm 1976, anh gửi một lá thư lén lút (qua những người đi tiếp tế), về cho ông bố là Tứ Hải. Thư hợp pháp, là thư tù viết mỗi tháng một lần, gửi cho thân nhân. Với điều kiện, thư viết xong để vào bì thư, không được dán. Đưa cho cán bộ duyệt xét, rồi cán bộ gửi đi. Tù nhận thư gia đình, cán bộ cắt ra, duyệt xét. Lá thư chui, anh Khải đã nói ý với bố, hãy hỏi cho ra nhẽ. Hiến pháp của VC có ghi rõ ràng, quyền tự do tôn giáo. Muốn tu hay tôn thờ đạo nào, là quyền của mọi người; vậy tại sao, anh chỉ đi tu dòng thôi, anh đã tự hiến dâng mình cho Chúa, mà Đảng và nhà nước đã bắt giam giữ anh, hơn 10 năm rồi?
Không biết vì sao lá thư chui của anh Khải, bị ban giáo dục phát hiện. Trước 4, 5 toán trong toàn khu II, phân trại B. Ban giáo dục do Tằng Toét triệu tập, để tố anh Trần Thế Khải đã vi phạm nội quy, trầm trọng.
Trong buổi truy ép này, anh Khải phải đứng riêng một chỗ, cho mọi người “nhằm” để truy ép, phát biểu. Có thể kỳ này VC đã chiếm được miền Nam, những kìm kẹp, o ép trong xã hội đã có phần lới lỏng, (trước đây, nó cứ đưa đi cùm, chẳng cần sinh hoạt) anh Khải phát biểu, rất hùng hồn:
- Thưa cán bộ: Hiến pháp của nước nhà, Đảng và nhà nước đã công nhận, quyền tự do tín ngưỡng; vậy tôi đi tu thì có tội gì?
Lời phát biểu rất lạ ở trong tù tôi chưa được nghe, trong khu này có hơn 1 chục tu sĩ chủng sinh, đang ngồi như: anh Phạm Sĩ An, Nguyễn Thanh Đương, Phùng Văn Tại, Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Xuân An, Phạm Xuân Thi.v.v… Mặt ai cũng hồng lên như thêm khí thế mới! Tên Tằng Toét, dõng dạc, bước đến gần anh Khải, rồi quay lại anh em, y khoắng tay gằn giọng:
- Đúng! Đúng chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nguyên tắc sống, một triệu lần ưu việt hơn bất cứ một chế độ nào: mọi người không ai ăn bám ai!
Ngừng lại một tý, rồi y quay lại, cao giọng hỏi cả buồng:
- Các anh có đồng ý như vậy không?
Cả buồng ồn ào lên tiếng:
“đồng ý ạ”
Y quay lại anh Khải, nhấn mạnh lần nữa:
-Anh có đồng ý cái nguyên tắc, đó không?
Anh Khải cũng dõng dạc trả lời:
- Tôi rất đồng ý!
Tên Tằng cười nửa miệng, y tiến sát anh Khải hơn, cầm cái ve áo của anh, y hằn học:
- Anh có làm được, cái áo này không?
Mặt anh Khải vừa đỏ mặt lên,vừa lắc đầu. Y lại chỉ đôi dép râu, anh Khải đang đi:
- Anh có làm được, đôi dép kia không?
Anh Khải lại lắc đầu! Y quay lại nói giọng đều đều.
- Cái kính anh đeo, bát cơm anh ăn, anh đều không làm được. Người khác đã làm cho anh! Vậy anh cũng phải có trách nhiệm, với người khác. Nghĩa là, anh cũng phải như mọi người dân, cũng phải đi nhân công, thủy lợi. Anh cũng phải đi nghĩa vụ quân sự, như mọi người!
Hầu hết anh em, trong đó có tôi đều ớ ra. Tôi định giơ tay phát biểu. Nhưng tôi chợt tự hiểu, tôi đành nuốt xuống, rồi ngồi yên. Tôi tin hầu hết anh em khác, cũng tự hiểu như tôi, kể cả anh Trần Thế Khải.
Nếu được tự do bàn cãi tranh luận thì ai cũng thấy: Trong vấn đề liên đới xã hội, không một ai có thể làm hết mọi nhu cầu của mỗi người. Vậy người làm cái này, người làm cái kia tác động qua lại vậy thôi, chứ từ xưa có ai ăn bám ai đâu? Cho nên, người nào đặt câu hỏi như vậy, là không hiểu gì về sự tương quan của xã hội, nếu không nói là ngu! Nhưng đấy là tự do bàn cãi. Chứ anh là người dân trong chế độ VC, nhất là tù nữa thì phải biết điều, nó khác hẳn nhau đấy. Không biết thì ráng mà chịu, đừng có kêu trời! Kết quả buổi truy ép anh Khải: Anh nhận vi phạm nội quy đã viết thư thắc mắc điều sai trái. Anh phải nhận 2 tuần kỷ luật, 6 tháng không được viết thư và nhận quà tiếp tế, của gia đình.
Do những chồng chéo liên hệ, để chế độ Độc Tài cộng sản còn duy trì, do đó chúng bị một số sức ép bên ngoài nên khoảng 1981 – 82 đa số các tu sĩ chủng sinh còn sống, được tha về. Người lập gia đình lấy vợ con, có người vẫn lén lút, tận hiến mình cho Chúa. Để rồi phải luồn lách, dưới nhiều hình thức, cuối cùng thụ phong linh mục “chui” được một số vị.
Phần anh Trần Thế Khải, 1982 anh được về nhà ở đường Ngô Thời Nhiệm, anh tiếp tục tu ở nhà thờ Hàm Long. Rồi được thụ phong linh mục chui do Đức Giám Mục Nguyễn Kim Điền. Sau đó được chính thức, về làm cha xứ ở nhà thờ cửa Bắc. Hai năm trước đây, đầu 2002, linh mục Khải bị ” stroke” liệt hết nửa người, linh mục đã trở về nhà chung của nhà thờ lớn để dưỡng bệnh. Bố của anh, là ông Tứ Hải đã chết từ năm 1985.
Xin trở lại chuyện của tôi, với Tằng Toét. Trên đường vào trại, tôi vừa buồn vừa ức. Buồn vì sự việc đã rõ ràng, họ giấu mình, họ không muốn trả mình! Ức vì “Con dại cái mang” Bố mẹ có tài có của, thì con cái được nhờ! Ngược lại bố mẹ đã không khôn lanh, hiểu được kẻ thù, lại vô trách nhiệm, thì con cái ráng mà chịu. Nhất lại là những đứa con, đã bị bỏ rơi như tôi!
Tuy vẫn đi làm (không đi làm không được) nhưng lòng buồn rã rượi. Trong lòng lại cứ hình dung, các anh em Biệt Kích ở trại 1 bây giờ, đang tíu tít chìm ngập vào một trời mầu sắc huy hoàng, của miền Nam. Tôi cũng đã cho anh Bưởi và Lương biết sự tình. Chúng tôi cùng nhìn nhau, bằng đôi mắt đờ đẫn, không còn sinh khí.
Mới được 3 – 4 ngày, một buổi sáng, Hường trực trại vào gọi tôi ôm chăn chiếu, chuyển về toán 6 (toán rau xanh). Tôi ôm chăn chiếu đi, và tự hiểu: Họ không cần nghề nghiệp gì cả, dù tôi có nghề mộc vững. Họ đầy ra chỗ cứt đái, đất cát, để tự ngẫm, tự thấy vì sao? Tôi ngồi đăm chiêu một lúc, rồi lòng như cứng lại: Không sao cả! Hãy gồng mình lên, đón nhận những trái đắng, mà mình đã tự nguyện gieo!
Toán rau, do một cán bộ tên Mão phụ trách, dáng y lùn lùn nhà quê đặc sệt. Tôi được phân công tưới, tiêu một số vườn cà, đậu, gánh gồng cứt, nước đái, ruồi, bọ tiếp xúc hàng ngày.
Có những buổi tôi đứng giữa trời bao la, bên cạnh những hố phân và nước tiểu, nghĩ suy: Một đời người của bất cứ ai, đều phải có những giai đoạn khó khăn, và những giai đoạn thuận tiện. Điều quan trọng khi gặp giai đoạn khó khăn, hãy vận dụng trí óc tìm ra phương cách, để chuyển đổi thành giai đoạn thuận tiện. Bây giờ, theo họ là tôi đang bị hành! Tại sao tôi không biết thưởng thức, cái tuyệt vời của thiên nhiên? Bình minh và hoàng hôn diệu kỳ? Mây chiều, gió núi và những sinh hoạt của sinh vật của đất trời, dù cho là con bọ, con bướm, con sóc, con trùng?
Rồi những ngày sau, tôi đã tìm ra những phương cách cải thiện: Cà luộc, cà nướng, đậu luộc, đậu nướng, mùa nào thức ấy, tôi qua mặt hầu hết! Khéo léo tôi kết hợp với anh Vàng Dơi, một người dân tộc Mèo, trong toán chúng tôi lại được về một tổ, cùng làm một công việc, thật là hết ý.
Đã có những con Cuốc gọi vào Hè; hàng ngày tôi chỉ đánh có cái quần đùi, còn trần trùng trục, ngoài vườn rau. Giữa thanh thiên bạch nhật, cán bộ, công an võ trang ngồi gác cả các khu vườn rau rộng. Tôi nằm ngửa, trườn vào giữa vườn ớt, vườn cà, (nếu ngồi sẽ thấy đầu nhấp nhô) tha hồ với tay chọn những quả, ưng ý nhất.
Tôi chỉ mặc mỗi cái quần đùi, có 2 lý do:
1) Mọi người từ cán bộ trại, toán trưởng tự hiểu, tôi không thể giấu đút được, một cái gì; mà lại ra vẻ chịu khó lao động.
2) Tôi khâu một cái túi nhỏ dài chừng 18 – 20 phân, rộng 6 – 7 phân, miệng túi khâu liền vào cạp quần phía trong. Cái túi lủng lẳng, khoảng giữa “tổ chim”. Thôi thì thượng vàng, hạ cám, toàn những thứ quốc cấm đầu mùa, vừa non, vừa ngon, kể cả ban giám thị cũng chưa có ăn, như ớt, cà, đậu v.v… Tôi cho vừa đủ vào túi, nhìn bên ngoài không có một hiện tượng khả nghi. Khi về cổng trại, cán bộ, cũng như trật tự thường chú ý khám xét, những anh quần áo rườm rà, ôm xách lềnh khềnh. Tôi chỉ mặc cái quần đùi, tay cầm một cái ca uống nước cũ mèm, nhiều khi tôi để vài cái rau già, có khi mở nắp đường hoàng v.v…
Tóm lại, giai đoạn này tôi không còn đói như trước đây, cơ thể của tôi còn được bồi dưỡng. Rau, trái ngon đầu mùa, thứ mà hơn một chục năm, cơ thể tôi không có (chỉ ăn muối rang là nhiều). Tôi cũng muốn cho, những bạn bè thân quen được hưởng ít nhiều, nên mới có cái túi bí mật trên. Một buổi vào giữa hay đầu tháng Tư, Tiệp sang tôi với đôi mắt long lanh, ghé tai tôi thì thầm:
- Anh nhận định rất đúng, hôm qua cán bộ gọi chúng em, họ chuẩn bị trao trả về miền Nam. Cán bộ căn dặn tuyệt đối không được nói, với bất cứ ai.
Tôi đờ người suy nghĩ: vui, buồn, lẫn lộn. Bốn người được về, thì mừng cho anh em rồi, nhưng điều đó càng khoét sâu những nỗi niềm riêng, trong lòng mình.Tôi đề nghị hôm sau gặp lại Tiệp, rồi chuẩn bị, trang bị, tư tưởng, quyết tâm, phương cách kỹ thuật v.v…
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen