There is no such thing as a moral or immoral book; books are well written or badly written.

Oscar Wilde, Picture of Dorian Gray, 1891

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 132: Say Đi Em!
rời sáng dần, nhìn sang phía hai chiếc ao 1 và 3 đã thấy những bóng người trong sương trắng. Đầu óc tôi vẫn còn chìm nghĩm vào những dòng tư tưởng mênh mông; bỗng tiếng của anh chàng Gôm, trong đám vớt bèo ở dưới ao ré lên:
- Đỉa …! Đỉa…!
Rồi y chạy bổ lên bờ. Tiếp theo có nhiều tiếng gào giật đùng đùng:
- Đỉa ….! Đỉa ….! … Nhiều đỉa quá!
Một số người nhào vào bờ. Chàng Gôm mặt tái ngoét, hai tay thay nhau bấu, lôi một con đỉa hẹ như cái sơ mít đang bám phía trên đầu gối, chân nhẩy giẫy đành đạch. Gôm lính quýnh mãi không lấy được con đỉa ra, cứ dứt đầu này thì đầu kia nó lại bám vào da. Thương hại, tôi chạy lại bên Gôm, nhổ một bãi nước bọt vào tay, rồi xát vào đùi Gôm, chỗ con đỉa bám. Tôi lôi con đỉa ra một cách dễ ợt, rồi ném mạnh ra xa vào chỗ đống bùn, trước những con mắt mở to của Lê Văn Kính và thầy tu Nguyễn Thanh Đương. Kinh người miền Nam hỏi tôi một cách trầm trồ:
- Bình bạo thế! Làm sao lại phải dùng nước bọt?
Tôi cười thản nhiên:
- Ồ, còn nhỏ, tôi mò cua bắt ốc là thường. Còn nước bọt nó trơn, con đỉa không bám được vào da nữa. Người ta nói: “Dai như đỉa đói” là như thế!
Miễn, cán bộ toán và tên CAVT (công an vũ trang) cũng tươi mặt mỉm cười nhìn tôi. Phía cuối toán cũng có vài anh nữa ở dưới ao, đang ném những con đỉa ra mãi tít xa ngoài giữa ao. Một số anh nhanh nhẩu quát:
- Hãy ném đỉa lên bờ, ném xuống ao, nó trở lại cắn nữa!
Cả cái vòng tròn của cái ao to, nhiều toán cũng ném đỉa tứ tung. Xa xa hai chiếc ao hình sự và K2 cũng đang í-ới về đỉa. Bỗng có tiếng những cô gái hét lên, chạy xôn xao, nhưng xa quá nên tôi chỉ thấy thấp thoáng trong sương mờ. Có mấy anh ở dưới ao, hướng về tên CAVT cao giọng:
- Đề nghị cán bộ, cho mấy chúng tôi tình nguyện sang bắt đỉa cho phía phụ nữ đó ạ!
Tên vũ trang đứng gần phía đống lửa, mắt y long lanh nhìn sang phía K2, đầu lắc lắc, miệng y lại cười cười. Tôi có cảm giác tưởng như y muốn nói:
- Nếu tự nguyện sang bắt đỉa cho phụ nữ được thì tôi chả để đến phần các anh đâu!
Lẫn vào trong tiếng trống, tiếng loa hò hét; bỗng một hồi kẻng lanh lảnh phía cổng trại như ngoáy vào sương mù làm cho những tiếng loa, tiếng trống im bặt. Giờ hạnh phúc, giờ giải lao, giờ ăn sắn bồi dưỡng đã đến rồi; một đoàn người gánh gồng từ trong cổng trại đang tiến ra các bờ ao. Nguyễn Huy Lân và mấy anh tổ trưởng toán 2 đang lúi húi trải một tấm nylon xanh cũ, nhiều chỗ đã đen nhẻm xuống đất gần chỗ đống lửa, để cho anh nhà bếp đặt gánh sắn còn bốc hơi.
Mùi sắn thơm ngọ, phả vào trong màn sương đặc, nhưng chợt có một mùi thơm khác, mùi thơm lạ, mùi của mều, của protéin. Mùi thơm ngậy, luồn vào trong gió rồi lách vào mũi của mỗi người, làm cho nước miếng của tôi đã rỉ ra trong miệng. Tôi nhớn nhác nhìn về phía đống lửa: Bùi Tâm Đồng, Lê Văn Kinh, Nguyễn Văn Gôm và Lò Văn Lui, anh nào mồm cũng đang nhóp nhép nhai. Mặc, đám đông đang ríu rít chia sắn bồi dưỡng, tôi sà đến chỗ đống lửa. Miệng còn đang nhai, Lê Văn Kinh giơ cho tôi một miếng đen đen cháy, bằng ½ ngón tay út vồn vã:
- Còn một con cá bống cơm đây, phần Bình.
Nước bọt đã ứa ra miệng, tôi cầm lấy với ánh mắt biết ơn. Của quý mà anh em dành cho; miệng nhai, mũi ngửi nó vừa thơm vừa bùi lại ngầy ngậy, mắt sáng ra háo hức:
- Cá bống cơm ao bèo bồng, sao mà ngon thế hở trời!
Tôi chợt thắc mắc:
- Sao cá bống mà lại không có xương sống?
Cả 4 người đều cười như nắc nẻ:
- Đỉa đấy ông bạn ơi! Làm gì ra có cá bống!
Nghe thế, tôi cũng thấy hơi nhờn nhợn, lợm giọng nhưng kệ nó, vì ngon quá! Hơn nữa, cả 4 người họ đang đi lùng sục bới trong những đống bùn. Từ sớm tới giờ mọi người vất đỉa lung tung, bây giờ lại đi tìm. Anh nào chưa nếm mùi “cá bống cơm” thì còn lửng lơ, chỉ nhìn quan sát tò mò. Anh nào đã nếm mùi thì đều đôn đáo, tay cầm sắn, mồm nhai, nhưng mắt vẫn nhớn nhác nhìn đây đó để tìm “cá bống cơm”. Thậm chí có mấy người còn lội hẳn xuống ao, chân tay khua động nước, rồi đứng yên chờ cho đỉa đến cắn, bắt đem lên nướng. Thành ra giờ đây lại đi tìm đỉa, chứ không còn sợ đỉa nữa.
Câu chuyện “cá bống cơm” này đã hơn 30 năm, bây giờ Lê Văn Kinh (người nhái) đang ở Florida đôi khi trên phone tôi và Kinh vẫn còn nhắc lại để rồi hai ông già còn cười, cùng nhớ lại “Đàn cá bống cơm ao bèo” của muôn năm cũ.
Gần nửa đêm hôm qua, tôi giật mình thức giấc vì tiếng báo cáo đi cầu của anh Lồ Cao Diu ngay sàn trên, đối diện với tôi. Tôi cứ nằm nghe tiến gió rừng rì rào lẫn với những tiếng gáy cò cử của một số người trong buồng: bỗng hai tiếng sấm đoành… đoành ở phía Tây, làm rung rinh cả căn buồng. Rồi nhu có một chiếc xe lửa nhiều toa gầm ghì chạy ngang dọc trên bầu trời. Những lằn chớp nháy, có lúc xanh lè ngoài cửa sổ, một trận mưa như đổ nước xuống từ trên trời.
Mưa rào rào xối xả vào mái nứa, vào phên tre, gió càng mạnh thốc vào cửa sổ. Đã có nhiều người dậy hút thuốc lào, đi vào nhà cầu, nên không ai còn phải báo cáo nữa. Thực ra cái khâu tù đi ỉa, đi đái đêm phải báo cáo này, đã từ lâu không còn nghiêm ngặt áp dụng nữa, như tôi đã trình bày 2 năm trước đây, ở phân trại E; cho nên giờ đây các buồng đi cầu đêm, rất ít người báo cáo. Có chăng chỉ còn một số người, đa số là dân tộc hãy còn do thói quen, tính mộc mạc ngoan ngoãn chấp hành.
Nằm mãi nghe sấm chớp, gió mưa gào thét tôi chợt nhớ tới giọng ca rên rỉ khàn khàn, đùng đục, dài lòng thòng của ca sĩ Thanh Thúy trong bài “Mưa Rừng” thủa nào:
Mưa rừng ơi… Mưa rừng.. Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên, phải chăng mưa buồn vì lòng người…. Mưa sầu vì tình đời … Lá vàng rơi lìa cành … gợi ta nỗi niềm riêng….. Ôi! Ta mong ước xa xôi, nhưng đêm mãi cô đơn... gửi tâm tư về đâu?… Mưa thương ai? Mưa nhớ ai?….Mưa rơi như nhắc nhở, mưa rơi trong lòng tôi… Mưa rừng ơi! Mưa rừng…. Tìm đâu hỡi ơi… bóng ngày xưa?……
Rồi tôi đi vào giấc ngủ muộn lúc nào không hay.
Sáng hôm nay, trời trong xanh không một vẩn mây, cảnh vật núi đồi như được lau chùi cọ rửa sạch sẽ đêm qua. Ngồi xếp hàng đôi, bên cạnh Đinh Sơn BK, tổ trưởng tổ kỹ thuật, chờ cán bộ Ý trực gọi đến toán 2 xuất trại như mọi khi, Sơn ghé sang tôi hỏi nhỏ:
- Bình có biết máy bay của Lâm Bưu trên đường chạy trốn, bị tên lửa bắn rơi tan xác ở Tân Cương do chính Mao trực tiếp ra lệnh không?
Tôi lắc đầu, ngạc nhiên vồ vập:
- Tin ở đâu, có chắc không?
Sơn càng nói nhỏ hơn nữa:
- Do tự giác, ngoài dân họ đồn ầm lên! Họ nói do đài BBC đưa tin.
Phần vì thấy sự việc còn mãi ở bên Tàu xa xôi, không trực tiếp giải quyết gì đến cảnh đời của mình; phần khác tâm trí tôi còn bao nhiêu thấp thỏm với ngôi nhà xây số 3. Đêm qua, khoảng 2 giờ tôi nghe nhiều tiếng xon xao và tiếng chân của một số đông người, đi từ cổng trại đi vào. Thấy bác Tiến đã dậy rồi, tôi ghé sang mùng bác nói nhỏ:
- Bác ơi! Không biết tù ở đâu đến, mà lại đến khuya thế?
Bác thì thào:
- Bác cũng không đoán ra!
Rồi bác nhấc màn chui ra, đi vào nhà cầu.
Mới sáng sớm, khi cán bộ điểm xong, tôi phải phiên trực mâm lấy sắn sáng. Tôi chạy hộc tốc như các mâm khác, xuống bếp để lĩnh soong sắn. Vì có giao tình riêng với anh Khuê toán trưởng nhà bếp, tôi đã lủi vào buồng anh thăm hỏi, tù nào ở đâu chuyển đến đêm qua? Do những liên hệ phục vụ cơm nước, nên anh đã cho biết: có 52 Biệt Kích thuộc trại Phong Quang Yên Bái chuyển đến ngôi nhà số 3 đêm qua.
Lúc đầu, chắc chưa phân bổ tổ, toán để lao động nên không thấy có ăn sáng. Hàng ngày, cứ khi nào xuất trại xong 9, 10 giờ sáng, nhà bếp mới khênh cơm nước lên, đi thẳng vào trong cổng khu nhà số 3.
Hầu hết anh em BK (Biệt Kích) ở trại 1, đều băn khoăn nghe ngóng tìm hiểu xem có những ai quen biết, thậm chí có cùng toán BK của mình chăng? Mới hơn một tuần, Gôm ở dưới buồng của anh Thái y tá về cho biết: sáng nay có một anh BK từ ngôi nhà số 3, được khênh xuống bệnh xá, hơn một giờ sau đã chết rồi. Nguyễn Văn Thú, Chăn và tôi định kín đáo chiều nay đi làm về, sẽ ghé xuống xem BK đó là ai? Vì sao chết để cùng chia sẻ gọi là một chút nghĩa tình của anh em. Nhưng cho tới lúc chúng tôi đi làm về, thì anh Thái lén lúc cho biết: Đã đem đi chôn lúc 2 giờ trưa rồi. Anh Thái ghé vào tai tôi như nói riêng:
- Do may mắn nên Thái biết được tên người chết là Vũ Khắc Hải, chết do bệnh lao, suy nhược, vì không có thuốc. (Mãi gần một năm sau, khi Hiệp Định Paris 27-1-1973 sắp ký, tôi mới biết rõ anh VKH thuộc toán Roméo gồm 10 người, ra Bắc từ 19 tháng 11-1965)
Thật là bất ngờ, tối hôm qua, sau khi cán bộ trực Ý vừa điểm buồng xong chừng 40 phút; anh em vừa họp tổ sinh hoạt hàng tuần, lại có tiếng chìa khoá rủng rẻng ở cửa buồng, rồi cửa mở. Cán bộ Ý bước vào buồng, bên ngoài còn lố nhố một số CAVT. Hắn đứng giữa nhà dõng dạc:
- Những anh có tên sau đây, chuẩn bị công, tư trang quần áo khi gọi đến tên trong vòng 10 phút, phải ra khỏi buồng để chuyển trại.
Ai cũng mắt mở to, thao láo nín thở lắng nghe; lần lượt 19 anh, hầu hết là BK của toán 2 và 3. Tôi tập trung tinh thần lắng nghe, đợi gọi tên mình, óc lướt nhanh những gì còn mắc mứu với những người trong buồng, cũng như buồng khác. Trong buồng của toán 2 (mộc) và 3 (xẻ) gồm 97 người. Có chừng 20 BK gián điệp; còn lại là những người dân tộc và chính trị địa phương. Tôi bàng hoàng không hiểu ra sao; có những toán chia đôi, xẻ 3 không theo một cái khuôn thước nào, có toán đi hết:
Toán Strata:
Nguyễn Cao Sơn, Nguyễn Như Ánh đi
Trần Quốc Quang, Trương Nàm Tráng ở lai
Toán Người Nhái Cancer:
Lầu Chí Chăn, Lý Giòng Slau ở lại.
Dương Long Sang,Voòng Hợp Văn đi.
Ngay đêm ấy, nhà bếp đã được lệnh bí mật chuẩn bị cơm nước đi đường. Cho đến sáng hôm sau, cả 3 Biệt Kích ở toán rau cũng phải đi, bao gồm 22 người. Còn lại 6 người ở lại trại I là:
- Lầu Chí Chăn
- Lý Giòng Slau
- Lê Văn Bưởi
- Đặng Chí Bình
- Trương Nàm Tráng
- Trần Quốc Quang.
Đặc biệt, trong những người đi,có cậu Hoàng Mạnh Hùng. Ngay từ đầu năm 1968, tôi ở dưới Hoả Lò lên vào phân trại E gặp cậu, tôi và cậu đã mến nhau coi như anh em. Tôi đã trèo lên sàn trên để giúp Hùng, buộc gói chăn màn. Hùng là dân tộc Nùng, thuộc toàn Samson BK, ra Bắc ngày 5-10-1966. Tôi xin sơ lược vài nét về toán Samson:
Toán gồm có 8 người. Địa bàn hoạt động tại Điện Biên Lai Châu vùng ngã ba Trung Quốc, VN và Lào. Ngày 5-10-1966 từ Long Thành đi trên hai chiếc trực thăng ghé qua Thái rồi qua Lào đến địa bàn hoạt động.
1. Vương Văn Can, toán trưởng bị chết trận (3-12-1966)
2. Nông Quốc Hải, toán phó (đã chết ở trại Quyết Tiến)
3. Shè Khừu Sáng, truyền tin (hiện ở Atlanta – Mỹ)
4. Hoàng Mạnh Hùng, toán phó (hiện ở New York – Mỹ)
5. La Văn Thịnh, toán viên
6. Nguyễn Văn Châu, năm 1977 được cho ra công nhân (đểu) Hồng Thắng rồi mất tích. Cho tới nay không biết.
7. Lưu Văn Y, chết trận ngày 3-12-1966
8. Văn Tế Xương, toán viên. Vì một chiếc đồng hồ đeo tay, bị giết ở biên giới Miên Việt (1987)
Toán được tiếp tế lần thứ nhất: 5 kiện hàng có 3 máy truyền tin (13-10-1966)
Lần thứ hai: 10 kiện hàng (28-11-1966)
Rồi bị lộ, chiến đấu chống trả. Toán bị 2 chết và 1 bị thương là Sáng, gãy một chân và lòi một mắt. Toàn toán bị bắt ngày 3-12-1966. Một chuyện như giai thoại, theo Hoàng Mạnh Hùng mới kể lại (2004):
Trước ngày đi công tác, trong khi đo giầy cho Sáng, Sáng lấy một chiếc giầy vẽ một con mắt to tướng. Khi ra Bắc chiến đấu, Sáng bị bắn lòi một con mắt, như vậy phải chăng là một cái “điềm”?
Chúng tôi cũng nhiều dọ dẫm, nhưng tù nhân không một ai biết số BK ở trại 1 đã chuyển đi đâu? Một sự chuyển đổi có dụng ý: Đêm ngày hôm sau, đúng là ngày 3 tháng 2 (ngày thành lập đảng Lao Động VN) thì 71 người BK từ trên trại Quyết Tiến, Cổng Trời, Hà Giang chuyển về ngôi nhà xây số 1. Từ đấy liên hệ nhớ ngày BK ở trại 1 chuyển đi là 2-2-1972. Chúng tôi đoán tình hình bên ngoài có chuyển biến; ngày đầu tháng 2-1972 tù trại 1 chuyển đến, chuyển đi xoành xoạch làm xáo trộn toàn bộ trại, tù nhân cũng như cán bộ. Tiếp theo lại có mấy đợt tha tù chính trị miền Bắc như tu sĩ, phản tuyên truyền, phản cách mạng và tù dân tộc thiểu số nữa (Sau này, chúng tôi mới hiểu cộng sản chuẩn bị để ký hiệp định Paris)
Riêng về toán 2 mộc, sau khi cả Nguyễn Huy Lân (Toán trưởng) và Đinh Sơn (tổ trưởng tổ kỹ thuật) chuyển đi; anh Nguyễn Trọng Tiềm tù chính trị miền Bắc lên làm toán trưởng. Tôi là tổ trưởng tổ kỹ thuật (thay Đinh Sơn), chuyên đóng những hàng kỹ, gỗ quý, thường làm cho các cán bộ đặt là chính.
Trước đây lực lượng Biệt Kích hầu như đảm nhận những sản phẩm chính yếu của toán mộc. Giờ đây do những anh em tù chính trị miền Bắc là nồng cốt. Khá tay nghề chỉ còn tôi và Lầu Chí Chăn đều trở về tổ kỹ thuật, để làm hàng đặt của cán bộ các phân trại. Cán bộ toán 2 vẫn do ông Lê Trí Miễn phụ trách, hàng ngày chúng tôi vẫn đi lao động trong lán thủ công phía trái của trại. Do những xáo trộn như tôi đã trình bầy, bây giờ ngay đầu lán mộc, cạnh tổ kỹ thuật của tôi lại có một tổ làm guốc (mặt hàng mới) gồm 4- 5 người, do anh Phạm Phú Lục làm tổ trưởng.
Qua trao đổi tâm tình, được biết anh Lục là người Bình Định, cán bộ huyện tập kết, Anh bị bắt vì có tư tưởng chống đối đường lối lãnh đạo độc tài của đảng Lao Động, đã bị bắt 6 năm rồi. Khi còn ngoài xã hội, anh đã từng phục vụ trong một cơ sở thủ công về dép, guốc phụ nữ ở Hải Phòng. Sáng nay anh ghé sang tôi, đứng nhìn Chăn và tôi đang thao tác một cái tủ lệch, kiểu Đức bằng gỗ lát cho ông Toán, chánh giám thị trại. Lúc chỉ còn mình tôi Lục đến sát tôi nói nhỏ:
- Bình có biết Kissinger sang Trung Quốc chuẩn bị cho Nixon sẽ sang gặp Mao đấy?
Tôi vừa lắp cái bản lề cánh tủ, vừa hỏi lại Lục:
- Tin ở đâu mà đặc biệt thế?
Lục nheo nheo cặp mắt, miệng nói như vội vàng:
- Cứ biết thế, đừng hỏi!
Rồi Lục bước vội sang tổ guốc, cùng lúc ấy Chăn và Phùng Văn Tại lặc lè, khênh một tấm ván gỗ mỡ về. Tại cùng tổ của tôi, anh là một chủng sinh, cũng cái tội không chịu bỏ tu để về nhà lấy vợ; tôi cũng nói sơ qua sự việc đó với Chăn và Tại.
Mấy ngày nay, nhìn sang toán xẻ, tôi thấy có nhiều tù lạ. Chăn đã cho biết, đó là những Biệt Kích ở trại Quyết Tiến trong khu nhà xây số 1. Trong khi thao tác, tôi nhìn sang, thấy dáng dấp mấy anh em quen quen. Lợi dụng sự đi lại trong giờ giải lao, tôi lỉnh sang. Đúng như rằng, tôi vừa ghé sang đến toán 3, thì một anh còn trẻ từ một góc trong chạy vội ra mừng rỡ, vồ vập:
- Anh Bình! Anh lại ở đây à?
Tôi cũng vui ra mặt, ôm chầm lấy, đó là Lưu Nghĩa Lương. Từ ngày ở xà- lim 1 Hoả Lò tôi ra trại chung (cuối 1967) 5 năm bất ngờ gặp lại. Mừng rỡ như chị gặp em, tíu tít bao nhiêu chuyện, Lương ríu rít:
- Nguyễn Phương, Hoàng Cung, Trịnh văn Truyện, Hoàng Trọng cũng có ở đây anh ạ!
Tôi choáng người, vừa nhìn dáo dác vừa hỏi ngay:
- Đâu? Đâu?…
Lương đã dẫn tôi ra sân sau, của toán 3. Tôi choáng vì mấy người đó là thủy thủ trên con thuyền định mệnh, đã đưa tôi ra Bắc 10 năm xưa. Tôi mới bước chân tới sân sau, một việc tuy nhỏ bé, nhưng đã khắc ghi vào lòng tôi cho đến bây giờ. Vì nó nói lên sự thủy chung, tư cách ứng xử truyền thống nho phong của một con người. Tôi bước vào, có 5- 6 anh đang cởi trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại, chắc vừa cưa xẻ, ngồi nghỉ mệt: Anh Nguyễn Phương (chuyến đi của tôi anh là Tarzan thợ máy dễ mến), các anh Cung, Truyện thoáng thấy tôi, vội vàng với tay lấy cái áo đang treo ở cột khoác vào, rồi đều quay lại, hơi thấp đầu nói nhỏ:
- Chào ông!
Tôi quá cảm động cũng không nói lên lời, thành ra lí nhí:
- Cám ơn các anh!
Có thể trong một phút bất ngờ, phản xạ tự nhiên? Các anh quên mất các anh là tù và tôi cũng là tù.
Tuần trước, tôi và Lầu Chí Chăn lên gian vernie, do Quý cụt làm tổ trưởng. Ngồi nói chuyện với Quý, tôi và Chăn đều ngửi thấy mùi “cồn” nồng nặc. Chỉ ngửi mùi cồn, mà người cũng thấy lâng lâng, hồn muốn bay la đà nhấp nhổm. Thế là Chăn và tôi đã lén lút thì thầm:
Nếu vernie này, lọc qua một cục bông gòn thì có thể uống được.
Đời bây giờ tăm tối mịt mù, hãy thử cho say một bữa, cho lòng đê mê, cho hồn bay bổng lên cuộc đời một lần, cho sướng. Bàn tính, chuẩn bị, theo dõi mọi tình huống.
Quý cụt được cán bộ toán tin cẩn, giao chìa khoá kho, nhưng chúng tôi đã dạm thử nhiều lần, thấy không kết quả. Còn Phạm Phú Lục tổ guốc là phụ tá cho Quý (Quý cụt tay không thể mang vác), thường xuyên ra vào kho. Sau khi tôi dạm ý, anh ta đã đồng ý ở mức độ: coi như không hề biết dù có trông thấy.
Đành phải trù liệu một kế hoạch nhỏ. Bắt buộc phải cho bác Lương Yên người Lào, gốc Việt, làm vệ sinh của toán tham gia. Bác có điều kiện gác tên công an võ trang ở chòi gác, cách lán chừng 5 chục mét và coi cán bộ, bất chợt đi ra thì làm hiệu tay.
Tôi sẽ nói chuyện với Quý cụt, để giữ nó mươi phút. Chăn ở một cái ngách, luồn trèo lên mái nhà kho. Khéo léo cắt, tháo lạt buộc những tấm phên nứa trên mái, rồi chui xuống; đã chuẩn bị một ống nứa chứa chừng một lít. Sau khi xong, trèo lên, buộc lại trong vòng 10 phút. Sau những chuẩn bị táo bạo, kết quả: Lầu Chí Chăn đã dũng cảm thi hành công tác, một cách mỹ mãn: chiều hôm đó đã có một ống nứa đầy vernie, nút kín, dung tích gần một lít, giấu trong cầu bào của tôi.
Cái khâu lọc vernie không thể thực hiện được, vì cái mùi cồn nồng nặc. Đã từ những tháng trước, tôi có giao tình “hẩu” với anh trật tự mới của trại là Shi-ha Nam (người Campuchia). Tên Việt anh ta là Nam, nhưng chúng tôi gọi đùa là Shi-ha-Nam (Campuchia khi đó có ông vua Shihanouk) rồi thành tên, cả trại đều gọi. Nghe nói anh ta mang tội buôn lậu thuốc phiện, tù bên phía hình sự. Cho nên tôi chịu trách nhiệm đưa vernie vào trại. Tôi đã chuẩn bị, nếu bị lộ tẩy thì nói là đem vernie về đánh lại mấy cái hòm (rương) đã quá cũ v.v… của chúng tôi.
Với nhiều những ứng biến khéo léo, buổi chiều thu quân hôm ấy, tôi đã đưa lọt vernie vào buồng giấu kỹ. Cái khâu lọc vernie làm cho tôi nát óc; ngay sau khi cơm nước xong, tôi chạy sang gặp anh Hiệp ở buồng số 1 bên cạnh (Hiệp đã đánh cờ với tôi ở phân trại E), không ngờ quá dễ dàng giải quyết cái khâu này. Vernie gồm có cồn và cánh kiến hoà tan, bây giờ chỉ cần đổ một ít nước lạnh vào, cánh kiến sẽ nổi lên, vớt hết đi, nước còn lại có mầu sữa loãng, lại đỡ mùi hăng của cồn xông lên.
Quan điểm của tôi và Chăn là khi mình có một món ăn ngon, muốn cho mọi người thân quen được thưởng thức. Bạn bè thân quen thì hàng chục, tôi hiểu rằng hễ nhiều người biết thì sẽ lộ. Khâu đổ nước vớt cánh kiến, lúc đầu chúng tôi định giải quyết ở trong nhà cầu, nhưng thấy thường xuyên có người ra vào, nên quyết định làm ở trong mùng. Tôi, Chăn và anh Lương Yên đều nằm sàn dưới, không tiện; Phạm Phú Lục nằm sàn trên, nhưng Lục e ngại vì anh có trách nhiệm trong kho vernie.
May quá, anh Hưng, một dân chơi Hà-Nội như Nguyễn Văn Gôm (Gôm không hẩu rượu nên không để tham gia). Hưng thuộc toán 3 nằm cùng buồng với toán 2. Do một sự tình cờ, Hưng chui vào gầm sàn để tìm chiếc dép râu, mà anh cho là một người bạn nào đó đã trêu anh, vì thế anh đã nhìn thấy ống nứa đựng vernie. Tôi phải dàn xếp, sau khi biết nội vụ, Hưng rất hân hoan, nồng nhiệt xin tham gia. Hưng đã háo hức thì thào vào tai tôi:
- Anh Bình có biết không? Ngày xưa còn đi học ở Hà-nội, em là con sâu rượu. Bị bắt hơn 4 năm nay em thèm, em nhớ hơn cả người yêu; xin anh cho em tham gia, với lòng tự trọng, em xin giữ bí mật, dù có bị thiệt hại.
Thấy Hưng khẳng khái và nhiệt tình tôi và Chăn đều để Hưng cùng thưởng thức. Hưng lại ở sàn trên, nên tối hôm đó, sau khi cán bộ điểm xong, Hưng bỏ mùng sớm. Hưng lấy lý do thấy người khó chịu, Chăn chui vào mùng, 2 người làm việc. Tôi chịu trách nhiệm “ghếch” quan sát, phòng hờ mọi tình huống. Vả lại, thông thường, khi điểm xong nếu không sinh hoạt tổ, toán thì tùy theo, tụm 5, tụm 3 chuyện trò tán gẫu. Nhiều người đi nằm vì muốn yên tĩnh hoặc mệt mỏi v.v…
Để giảm bớt nguy cơ bị phát hiện, tôi bàn với Chăn: chơi theo lối cá lẻ, nghĩa là mỗi người 1 ly (ống nứa con) vào mùng của mình thận trọng mà hưởng. Ba người kia biết tôi và Chăn, còn 3 người ấy không hề biết cùng uống tối hôm đó. Sau khi sắp xếp ổn, mỗi người đều có 1 ly riêng vào mùng tự thưởng thức.
Phần tôi, chao ôi! Sao mà đê mê thế hỡi trời! Đúng là: Chiến đấu càng gian nan, chiến thắng càng vinh quang. Tôi trang trọng nói rằng: Không phải ai cũng được hưởng cái thú Lưu Linh tuyệt vời như chúng tôi. Giữa cái nghiêm khắc ngặt nghèo; cái khổ đau tràn lối, bị o-ép tứ bề của nhà tù cộng sản mà được hưởng cái ngất ngưởng đê mê và cũng tê tái cuộc đời, thì mới cảm nhận đến cái đáy cùng bủn rủn, ngất ngây của kiếp người. Tôi xin cảm tạ ông thần Lưu Linh!
Khoảng hơn 9 giờ, tai tôi nghe rõ vừa kẻng cấm xong, chừng mươi phút; bỗng anh chàng Hưng ở sàn trên ông ổng rời rạc, rên rỉ bài thơ “Say Đi Em” của Vũ Hoàng Chương:
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ Chưa cuối xứ Mê Ly…. Chưa cùng trời Phóng Đãng… Say đi em! Say đi em! Say cho lơi lả ánh đèn. Say không còn biết chi đời… Đất trời nghiêng ngửa. Mà trước mắt thành sầu… chưa sụp đổ. Thành sầu, không sụp đổ… Em ơi!
Không thể được, tôi bò dậy, trèo vội lên và chui vào mùng của Hưng. Hưng đang nằm ngửa, chân giạng ra, hai tay chới với giơ lên phía đình màn, miệng vẫn gầm gừ như con chó đang tranh ăn, tôi đập khẽ vào ngực Hưng:
- Làm cái gì vậy Hưng?
Hưng gạt tay tôi ra, mồm còn lảm nhảm:
Trời say ta cũng lăn quay.
Ở đời được mấy lần say mà già.
Tôi bịt miệng Hưng và ghé sát vào tai:
- Muốn cả lũ vào kỷ luật, cùm ư?
Hưng im bặt và như tỉnh ra. Tôi lại ghé sát vào tai Hưng nói tiếp:
- Bản lĩnh của người con trai, lý trí vững mạnh của Hưng đâu? Hãy uống một ngụm nước rồi nằm im.
Nói rồi, tôi với tay lấy chai nước ở phía đầu giường, mở nút đưa cho Hưng. Như có một sức mạnh tiềm ẩn, Hưng ừng ực uống hai ngụm, còn nói khẽ:
- Xin lỗi anh Bình!
Rồi Hưng nằm xuống trong thái độ tỉnh táo; ngồi thêm chừng 2 phút, tôi mò xuống chỗ Lương Yên. Anh nằm như chết và đang kéo gỗ. Tôi lại trèo lên mùng Phạm Phú Lục, anh ta cũng nằm ngủ rồi. Tôi lại lỉnh xuống mùng của Chăn. Thấy nằm yên ắng, tôi cầm tay, Chăn nói như bình thường:
- Yên trí, không sao đâu!
Buột miệng tôi nói khe khẽ với vẻ tự hào và hơi ích kỷ:
- Thế mới xứng đáng là Người Nhái chứ!
Tôi vào đi tiểu, rồi mò về mùng chui vô, lòng vừa buồn vừa vui. Vui vì xem ra sự việc đã ổn, buồn vì tiếc, cả 10 năm trường, được cái may mắn diện kiến với cụ Lưu Linh, nhưng không được hàn huyên, tâm sự.
Đêm nay nằm trằn trọc mãi không ngủ được; tôi chợt nhớ đến lúc sinh hoạt của toán buổi tối hôm qua. Nghĩ đến bộ mặt ngơ ngác, nhớn nhác của anh chàng Phạm Phú Lục, bụng tôi còn cười rung lên. Đã trở thành thông lệ hàng năm, cứ mỗi độ Hè về tù lại phải tắm “khô” nghĩa là, tắm không cần nước.
Tuy vừa hết Xuân mới chạm đến Hè mà trời đã nóng chảy mỡ, nhất là ngồi trong một cái buồng chật chội hàng trăm người. Tuy hầu hết anh em đều cởi trần, nhưng ngồi sinh hoạt mồ hôi lúc nào cũng nhơm nhớp. Nhiều anh cái tay tẩn mẩn cứ vân vê lưng, tay, cổ của mình; hàng 5- 6 ngày không có điều kiện tắm rửa nên nó ra hàng cục ghét. Cái tay buồn cứ vò mãi, vê mãi, ghét thành từng cục, có khi bằng hột đậu xanh, cá biệt có khi bằng hạt đậu đen rồi búng đi tứ tung trong buồng.
Vì thế có anh đang ngồi bị “độp” một cái vào mặt, có khi vào tai, vào cổ v.v… Lúc đầu người nào chưa hiểu thì giật mình ngơ ngác, nhìn khắp chung quanh xem có ai trêu ném mình, có khi nhìn lên mái nhà, suy đoán là con mối hay con gián ỉa?
Tối hôm qua, anh chàng Lục đang phồng mang, trợn mắt phát biểu ý kiến xây dựng phê bình anh Lê Văn Bưởi, không chịu lao động tích cực, mà chỉ làm cầm chừng. Đột nhiên, một cục ghét bắn ngay vào mắt anh, Lục giật mình nhìn khắp mọi người tưởng ai ném anh ta, nhưng họ đều ngồi yên, không ai nhìn, anh đành cúi xuống giụi mắt. Chỉ có người búng viên ghét ấy, thì cười rung bụng và cứ mỗi lần nghĩ tới, bụng tôi lại rung lên bần bật (kể cả lúc bây giờ ngồi viết lại).
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen