Anyone who says they have only one life to live must not know how to read a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 113: Một Vụ Vượt Thoát
ôi nhớ khoảng hơn một tuần, sau vụ mất quần đùi của Phan Thanh Vân. Lúc này chừng 4 giờ chiều, tôi và Quý Cụt đang mải mê đánh vernie mấy chiếc giường đôi kịp cho ngày mai, trại ngoài vào lấy. (Giai đoạn này, ít khẩu hiệu, sơn vẽ nên một mình Lê Sơn làm. Tôi phải sang phục vụ vernie với Quý Cụt). Bất chợt, có 2 tiếng súng nổ ròn, rổn rang lên từ phía trong rừng. Mọi người còn đang ngác ngơ, thì tiếp theo 2 phát nữa đoàng đoàng, chát chúa ở ngay cổng trại.
Tôi mở to mắt sớn sác nhìn Quý và Lê Sơn. Vì là lần đầu tiên quá bất ngờ nên một thoáng, tôi tưởng như ở trong Nam, lại có đụng độ đánh nhau tới nơi. Nhất là lúc này, tiếng kẻng bom ở cổng trại đang khua vang liên hồi, dồn dập. Ngay giữa sân, tên bộ đội vũ trang đang thổi còi ré lên, tay y khua rối rít dục tù ra xếp hàng tập họp. Tên Kích và tên cán bộ toán 3 chạy xổ từ trong buồng ra sân mặt hớn hở, hớt hải, miệng hò hét inh ỏi. Nhìn thấy tôi đứng ngây người ra, Lê Sơn và Quý Cụt vừa thu dọn đồ, vừa bình thản cho tôi biết chỉ là rải rác khắp nơi trong rừng. Toán nào phát hiện, toán của mình có tù trốn, cán bộ nơi đó cấp tốc bắn 2 phát súng báo hiệu. Những toán lao động gần đấy, cán bộ lại bắn tiếp 2 phát nữa. Nghĩa là bắn chuyền cho đủ cả 5 phân trại đều biết là đã có tù trốn, và tất cả các toán kể cả tự giác cũng phải thu quân về trại.
Khi toán 2 vừa ra khỏi cổng khu thủ công để về trại thì gặp một lũ cán bộ, công an vũ trang súng ống túa ra hướng có 2 phát súng nổ đầu tiên. Ngay ở cổng trại, Phong, tên thiếu úy công an vũ trang, tay đang cầm 4 sợi dây da dắt 4 con chó to lớn đang lồng lộn sủa gâu gâu inh ỏi. Chúng đang nhe miệng thò ra những chiếc răng nhọn hoắt, trắng hếu, lợi và lưỡi đỏ lòm trông thật dữ tợn. Lê Sơn đi bên cạnh, ghé sát tôi thì thầm:
- Giống bẹc-dê này của Đông Đức đấy! Con cháu của bẹc-dê thời Hitler khát máu ngày xưa.
Tên cán bộ nào cũng tớn tác, khẩn trương sôi nổi hẳn lên. Lúc toán 2 vào trại cũng là lúc tên Cẩn trực trại và một tên cán bộ giáo dục, tay đang xách mấy bộ quần áo rách từ trên phía buồng số 3 chạy ra phía cổng trại. Tò mò, sau khi vào khỏi cổng trại, tôi quanh lại liếc nhìn ra: chúng vất mấy bộ quần áo rách đó xuống đất, 4 con chó xông đến hà, hít một lúc, rồi tên thiếu úy Phong và 3 tên vũ trang nữa; mỗi đứa dẫn một con chó chạy xồng xộc về hướng có tù trốn.
Bây giờ thì chúng tôi đã hiểu, người tù trốn là anh Phồn Lạc. Anh là người thuộc đảng Việt Xã trong Liên Hiệp Pháp, anh ở toán làm gạch. Tên trực trại đã vào buồng số 3, đến chỗ anh lục tung quần áo bát đĩa của anh. Y vừa tìm những vật khả nghi có liên quan đến việc trốn tù, vừa lấy quần áo của anh cho chó đánh hơi, đánh mùi để đi tìm anh.
Câu chuyện đảng phái của anh, từ hơn một tháng trước tôi đã nghe anh em nói đến, nhưng chỉ hiểu sơ lược, loáng thoáng: đảng Việt Xã trong Liên Hiệp Pháp được thành lập ở Sơn Tây, quy tụ được một số người. Đa số là những thành phần lính tráng, hạ sĩ quan đã từng ở các đơn vị quân đội thuộc Liên Hiệp Pháp trước 1954. Thêm vào đó là một số thân thuộc, họ hàng con cháu của họ, hầu hết là người Sơn Tây. Họ đã bí mật hoạt động được vài năm. Những người lãnh đạo trong đảng có thể chỉ có tinh thần cương cường chống cộng sản nhưng thiếu trình độ tổ chức; không đủ kiến thức để nhìn rõ mình và kẻ thù. Không có đường lối vững vàng, sáng tỏ để thu hút, lôi kéo quần chúng cùng đứng dậy để chống kẻ thù chung. Tôi nói như vậy là căn cứ vào 3 sự việc sau:
1/ Ngay cái sự việc đặt đảng trong Liên Hiệp Pháp đã không có chính danh rồi. Nếu ban lãnh đạo chỉ cần có một ít kiến thức hiểu biết thì dứt khoát họ đã không dùng tên đảng như vậy.
2/ Với một lực lượng hơn 20 người, không có nội ứng mà dám chủ trương cướp trường sĩ quan bộ binh của cộng sản ở Phùng, Sơn Tây để đoạt khí giới phát triển lực lượng.
Số lượng người đã ít, lại ô hợp, không được huấn luyện kỹ. Vũ khí lại thô sơ thiếu sót: chỉ có 7 khẩu CKC và 2 khẩu AK, còn hầu hết là mã tấu với lựu đạn. Lợi dụng một đêm tối trời, không trăng sao, đoàn quân của đảng quấn giẻ, tẩm dầu vào đuôi 3 con trâu. Bật hồng đồng loạt đốt cho 3 con trâu chạy vào cổng trường sĩ quan lục quân như một lá chắn, như một mũi nhọn xung phong để đoàn quân nương theo vào phá trường. Để rồi hơn 1 tiểu đoàn bộ binh của cộng sản ở Ba Vì gần đấy đến bao vây và bắt gọn.
(Trên đây, chính là lời của anh Phùng Văn Cần, một trong những yếu nhân của đảng. Trong trại anh em thường gọi đùa là “tướng Cần” đã nói chuyện với tôi một buổi tối ở hội trường).
3/ Riêng phân trại E này có hơn một chục người của đảng Việt Xã. Trong đám này có 2 người tương đối có cỡ của đảng là Đinh Khắc Sản, hiện anh đang làm toán trưởng của toán 3 (xẻ gỗ). Theo như quy ước đã dự trù, nếu sau này lật đổ được cộng sản, anh sẽ thành bộ trưởng nội vụ. Người thứ 2 chính là anh Phùng Văn Cần, tức “tướng Cần”. Người ta gọi đùa như vậy, bởi vì chính anh là người chỉ huy cuộc tấn công “châu chấu đá xe” vào trường sĩ quan lục quân ở Phùng.
Tôi rất ngạc nhiên về trình độ văn hóa và kiến thức của cả 2 người. Văn hóa, có lẽ chỉ xong tiểu học và kiến thức cũng chỉ xoay quanh cái tỉnh Sơn Tây mà thôi mà dám lập một đảng cách mạng.
Có lẽ vì thế, nên tụi cộng sản đã để cho 2 người sống. Mỗi người chỉ mang cái án 20 năm. Một sự việc về tính chất đâu có phải là nhỏ.
Từ khi ra Bắc, trong cái điều kiện giới hạn, hẹp hòi của tôi. Trước đây biết một chút về đảng Tân Phong của Phạm Huy Tân, rồi giờ đây lại biết một ít về cái đảng Việt Xã này, làm cho lòng tôi chả có cái gì vui.
Trở lại việc anh Phồn Lạc trốn tù. Hầu hết trong trại, cho tới khi cơm nước xong, vào buồng điểm, khóa buồng, anh em tuy không dám bàn tán, xầm xì, nhưng nét mặt của ai cũng đăm chiêu khác thường. Trong lòng tôi, tuy chả nói với ai, tôi vẫn cầu mong cho anh Lạc may mắn thoát khỏi những nanh vuốt của kẻ thù. Khi nãy nghe anh Đồng nói sơ qua tôi đã hiểu: mỗi khi có tù trốn, một số cán bộ và công an vũ trang đã được phân công từ trước. Tất cả sơ đồ, địa hình toàn bộ khu vực trại có những đường mòn dẫn tới đâu, đều có cán bộ mang cơm nắm đi nằm ếm khắp các nẻo đường. Bởi thế, đã từ lâu, thỉnh thoảng có tù trốn, nhưng sớm muộn trong vài ngày là đều bị bắt lại. Tuy tình huống khác nhau nhưng mỗi người đều gặp những chuyện không ngờ cả.
Tôi nằm đắp chăn, cứ hình dung tưởng tượng. Bên ngoài, một lũ người và một lũ chó đang xục xạo khắp nơi để tìm một con mồi. Con mồi đó thật khốn khổ yếu đuối, so với cái lực lượng lớn mạnh như thế đi săn tìm. Tôi hiểu anh Lạc, trước khi trốn đi, cũng đã phải nhiều đêm ngày đấu tranh gay gắt, giằng co tơi bời ở trong lòng. Hẳn anh cũng đã biết, anh chẳng có hy vọng nhiều thoát khỏi, có chăng chỉ một chút le lói niềm tin ở những chuyện bất ngờ. Một kiếp người, một mạng sống thật rẻ để đánh canh bạc này. Một canh bạc, một ăn mười thua để rồi cuộc đời sẽ chết hay sẽ khổ đau hơn nữa. Hoặc nếu may mắn, được ở trong cái tỷ lệ 1/10 thành công thì cũng chỉ tìm được một cuộc sống tối thiểu bình thường cho một kiếp người.
Trời bên ngoài càng lúc càng tối dần, nhưng niềm hy vọng anh Lạc trốn thoát, lại càng lớn dần lên. Phan Thanh Vân nằm bên cạnh vẫn chưa ngủ. Thấy anh trở mình xoành xoạch, thỉnh thoảng thoát ra một tiếng thở dài nhè nhẹ. Chẳng hiểu Vân có đang nghĩ đến anh Lạc như tôi không? Hay Vân sắp được tha, Vân đang suy nghĩ về những cảnh đời sắp tới của Vân? Lòng người vạn ngả, ai hiểu được lòng ai? Dù có nằm bên cạnh nhau.
Hồn tôi bồng bềnh, lãng đãng chìm dần vào giấc ngủ muộn thì 3 tiếng súng dóng đuôi nhau giật ré lên trong rừng sâu. Âm thanh của 3 tiếng nổ, kéo dài ra đập vào những cây nứa già rên lên như ai oán làm tôi choàng tỉnh dậy. Hai ba tiếng nói dội vào bóng đêm ở phía sàn trên:
- Bắt được tù rồi!
Tim tôi hơi giồi lên nghẹn lại. Tôi chưa hiểu lúc này là mấy giờ khuya? Thấy Vân trở mình, tôi lên tiếng:
- Mấy giờ rồi Vân?
- Khoảng 11 giờ!
Giọng tỉnh queo của Vân làm tôi tỉnh hẳn. Như vậy, Vân vẫn chưa ngủ. Tôi đã hiểu khi có 3 tiếng súng, là ở nơi đó đã bắt được tù. Tôi chưa biết người anh Phồn Lạc, nhưng lúc này tôi thấy thương anh thật nhiều. Bây giờ mọi người trong buồng đang nằm yên ổn trong chăn ấm, nhưng ở chỗ kia, chỉ gần đây thôi hẳn là anh Lạc đang tối tai mặt mũi đón nhận những trận đòn thù, hội chợ. Ôi, một kiếp người yếu đuối, lẻ loi trước cường quyền!
Chừng nửa giờ sau, trong buồng hơi xôn xao. Một số người xô ra phía cửa sổ nhìn ra ngoài sân trại. Tôi cũng nhào đến. Kia kìa! Hai chiếc đòn nứa còn tươi, được buộc với 3 đoạn nứa nhỏ nằm ngang thành một chiếc cáng thô sơ. Tên Thái đi trước, tên Tân trật tự đi sau. Hai tên đang khênh trên cáng một thân hình gầy guộc, trần như nhộng, mặc mỗi chiếc quần đùi rách, đầu tóc, mình mẩy đầy bùn đang nằm khòng khoèo bên trên. Tên Cẩn trực trại và mấy tên bộ đội nữa cầm một chiếc đèn bão và súng ống đi kèm theo sau về phía nhà kỷ luật.
Bao nhiêu người trong buồng chen nhau nhìn cảnh ấy, nhưng rồi chẳng ai nói với ai một lời, đều về chỗ nằm của mình trùm chăn, tôi cũng vậy. Một nỗi sầu của đời đang phủ dần xuống lòng mọi người.
Sáng hôm sau ra lán lao động. Mới khoảng 10 giờ, Nguyễn Huy Lân đã lên chỗ lán vernie nhỏ nhẻ nói cho biết một ít chi tiết về vụ Phồn Lạc trốn mà Lân vừa được lão cán bộ Kích rỉ cho biết sáng hôm nay: toán gạch làm việc ở một bãi đất trống và trũng cách trại E hơn 2 cây số (đường chim bay) về phía Tây. Trong khu vực toán gạch này, trống trơn, chỉ có một căn nhà con, được chia làm 2 gian, một gian cho cán bộ ngồi làm việc, một dùng để làm kho. Một chiếc lò gạch to với một cái sân rộng có một số gạch thô đang phơi và mấy đống gạch đã nung rồi. Nhiều bộ phận khác nhau của toán cũng đều làm việc suốt ngày ở ngoài trời.
Buổi chiều, khi gần hết giờ, tù cất dọn dụng cụ và rửa chân tay rồi tập họp điểm số như thường lệ thì thấy thiếu một người. Sau một lúc tìm, xét, cuối cùng đã biết là anh Phồn Lạc. Mọi người từ toán trưởng trở xuống đều khẳng định: hơn một giờ trước, vẫn còn thấy anh Lạc, nhưng bây giờ thì không ai biết anh Lạc đi đâu. Sau đó cán bộ bắn súng v.v…
Các bộ phận đi nằm lỗng (*), đã sục khắp nơi trong rừng. Vòng đai tìm kiếm càng lúc càng mở rộng. Suốt từ 5 giờ chiều cho tới 10 giờ đêm, Phồn Lạc vẫn bặt vô âm tín. Sau đó, ban tham mưu và trinh sát của trại, có người đặt vấn đề hãy trở lại hiện trường toán gạch tìm kiếm, điều xét lại một lần nữa. Cuối cùng, chỉ vì mấy con chó chết cứ sục vào đống gạch ở giữa sân sủa ăng ăng. Sinh nghi, cán bộ cho lục bới từng đống gạch và đã tìm thấy Phồn Lạc đang nằm run như con cầy sấy trước một định mệnh quái ác, trêu người. (*)Nằm lỗng là nằm phục kín đáo ở những nẻo đường mòn dẫn ra các đường mòn dẫn ra các đường lớn để đón bắt tù trốn.)
Lạc đã bị khảo tra, đánh đập chết đi sống lại mấy lần vì không chịu khai ra ai đã đồng mưu xếp gạch che kín lỗ cho Lạc. Nhưng anh Lạc dù bị đánh tưởng không cón thể sống được nữa, anh vẫn cương quyết trước sau như một là do tự một mình anh. Anh cứ trình bầy là chính anh đã chuẩn bị nhiều ngày mà không cho ai biết. Ngay cả cách xếp gạch để che kín lỗ cuối cùng là một chiếc que gỗ và một miếng ván hình vuông xếp được 12 viên gạch. Nguyễn Huy Lân kể sự việc của anh Lạc đến đây thì Lê Sơn ném mạnh cái bút lông đang vẽ xuống nền nhà, giọng bực tức:
- Cái thằng Lạc này dốt thế mà cũng đòi trốn! Không có một chút óc linh hoạt, bén nhậy tí nào cả.
Thái độ sửng cồ của Lê Sơn làm cho Lân, Quý và tôi nhìn nhau cười. Tôi cười nhưng tôi lại nghĩ đến một vấn đề khác. Tôi cảm thấy thoải mái, thích thú làm việc ở cái lán vernie này, không phức tạp vì không có ai làm chó má cả. Có lẽ Lân cũng hiểu vậy, cho nên chỉ lên đây, Lân mới nói chuyện cởi mở không phải giữ gìn. Khi nghe Sơn nói thế, Lân cau mày cãi lại Lê Sơn:
- Mưu sự tại nhân, chẳng qua là số trời chứ dốt gì?
Sơn quay phắt lại nói như gắt:
- Này nhé, nằm im trong đống gạch, nghe ngóng theo dõi. Khi nghe thấy bắn hai phát súng thì hiểu ngay là sẽ thu quân. Chờ chừng 1 đến 2 giờ thì phải chuồn đổi địa điểm ngay. Nhược bằng tính nằm lỳ, thì bằng mọi giá phải chuẩn bị tỏi, hay dầu cao sao vàng sát vào quần áo, vào người để bịt mũi lũ chó. Ai chả biết trại có một đội chó kinh hồn. Bất cứ ai muốn vượt ngục trại này, trước hết đều phải nghĩ cách vô hiệu hóa lũ chó đã.
Nguyễn Huy Lân nhìn tôi rồi lại nhìn Lê Sơn. Nét mặt Lân như đanh lại, đỏ lên tưởng như ngấu nghiến cãi nhau tay đôi với Lê Sơn, nhưng bây giờ hình như hơi nóng đã xì ra hết; Lân lại đổi “gam” thành ra ca ngợi Lê Sơn:
- Ừ, trốn phải như Lê Sơn mới là trốn, cứ như xi-nê! Đến nỗi hơn 2 năm sau, tình cờ bắt được Lê Sơn; mọi người mới vỡ lẽ ra vì sao Lê Sơn đã biến mất như tàng hình.
Thấy tôi trố mắt, háo hức ngạc nhiên nhìn Lê Sơn, Lân lại quay nhìn Sơn lần nữa rồi nói như thúc giục:
- Hãy kể lại cho thằng Bình nó nghe một cú vượt thoát tuyệt hảo của mày đi!
Để thỏa óc tò mò đang nóng của tôi, tôi trầm trồ để thêm:
- Thế Sơn trốn bao giờ? Tình tiết ra sao, hãy cho tôi học hỏi một chuyện hay của đời.
Quý Cụt từ nãy vẫn cắm cúi chà sát mẩu bông gòn thấm vernie lên mặt chiếc cánh tủ, ngửng lên tham gia:
- Vụ Lê Sơn vượt đã lâu rồi, từ đầu 1964 kia.
Tôi chợt nhớ đến lần vượt trốn của tôi ở dưới Hỏa Lò, cũng đầu năm 1964. Lòng tôi như chìm hẳn xuống, môi mím chặt lại, lưỡi tôi lo le đẩy vào chỗ trống của 3 chiếc răng cửa hàm dưới. Một nỗi buồn kém khả năng, thiếu bản lãnh rỉ dần ra.
Mặt Lê Sơn tươi lên roi rói, bất cứ một ai cũng hả hê thích thú khi có người khen đúng khả năng của mình. Sau đây là nội dung sơ lược vụ trốn tù của Lê Sơn và do chính anh thuật lại:
“Giai đoạn này Mỹ chưa bắn phá miền Bắc, nên hầu hết tù chính trị vẫn còn ở ngoài trại chính (tức trại xây đã hoang tàn, chỉ còn bức tường đá xây chung quanh mà tôi đã trông thấy trong ngày đầu tới trại này). Tuy cổng xây, nhưng hàng ngày cửa thường không đóng, vì luôn luôn có một công an vũ trang vừa canh gác, vừa trực gõ kẻng vào những giờ quy định, cũng như trại E hiện giờ.
Do cái khả năng viết, vẽ trang trí của tôi, nên thỉnh thoảng tôi được cán bộ vào đưa ra cơ quan ban giám thị làm việc, hoặc ở lại trại để kẻ những khẩu hiệu v.v… Từ ít lâu nay tôi đã có chủ trương trốn, bởi thế lợi dụng những buổi ra vào giữa trong trại và khu ban giám thị, bên ngoài tuy luôn luôn có cán bộ đi theo. Tôi quan sát, để ý theo dõi những giờ giấc sinh hoạt hàng ngày của cán bộ cũng như toàn bộ những khung cảnh của khu vực trại giam.
Ở trại giam trung ương nào cũng vậy, thường ngày có cán bộ giáo dục, trực trại vào nhận những phạm nhân ra ngoài giáo dục, hoặc tìm hiểu tình hình trong trại. Chỉ sau một thời gian để ý tôi đã nhìn thấy một kẽ hở, từ đấy tôi nghĩ có thể thực hiện được ý đồ vượt thoát của tôi. Trong những buổi kẻ vẽ hay trang trí ở cơ quan, tôi đã xin được một chiếc mũ bộ đội cũ, nhưng tôi không hề đội bao giờ. Tôi đã tháo được một cái huy hiệu công an mà người mất ai cũng có thể nghĩ là đã rơi tuột đâu mất. Chính tôi đã làm giả một đôi lon trung sĩ. Tôi sẵn có một cái sơ mi bộ đội cũ mà tôi đã giấu được không bị đóng dấu. Tôi thường có gần một chục cái bánh sắn mua của trại, vẫn để hợp pháp trong cái rương nhỏ của tôi. Mọi việc tôi đã chuẩn bị tương đối kỹ, chỉ còn đợi thời cơ. Và rồi chờ mãi thời cơ cũng đã đến.
Một buổi chiều trời mưa lâm râm nhì nhẹt, tôi đang phải kẻ mấy cái khẩu hiệu ở hội trường trong trại. Tôi để ý theo dõi từ trưa tới giờ, một tên công an vũ trang mặt mũi còn mới toanh, chắc hẳn mới đổi về. Y vừa đến cổng trại để đổi thay ca gác với một tên cũ. Không chần chờ do dự, tôi về buồng chuẩn bị. Trong buồng chỉ có một bác Tân già nằm ốm bịnh ở sàn trên, đang đắp chăn ngủ yên ắng. Tôi chạy sang buồng bên cạnh gặp anh Lù Pả đang lục đục ngồi hút thuốc lào. Anh Pả hôm nay xin nghỉ bệnh.
Trong trại, do cách sống đứng đắn, hào phóng của tôi và nhất là uy tín làm việc của tôi đối với cán bộ, bộ đội. Bởi thế, đa số anh em trong trại đều tin tưởng ở khả năng xoay sở của tôi. Vả lại, tôi chưa làm thiệt hại đến ai bao giờ nên tôi nói là họ tin theo. Lúc ấy tôi hỏi nhỏ anh Pả, anh có muốn trốn theo tôi không? Mới đầu anh còn ngạc nhiên, nhưng sau thấy thái độ khẩn trương, thận trọng, thận trọng của tôi nên anh tin ngay và gật đầu. Tôi nói: anh phải tuyệt đối theo lời tôi chỉ dẫn, bảo làm gì thì làm cái ấy là được rồi. Anh đã hiểu tôi từ nhiều năm trước rồi nên anh gật đầu. Tôi căn dặn: bây giờ anh chuẩn bị quần áo đàng hoàng, nghĩa là mặc quần áo sạch sẽ. Anh có hòm, rương gì không? Anh lắc đầu và nói chỉ có một cái túi vải. Tôi dẫn Pả sang lấy cái rương của tôi. Những gì không cần thiết ném bỏ lại vào gầm sàn dưới. Những gì cần mang theo, dồn hết vào một cái rương này mang đi.. Pả ngạc nhiên, mắt đờ đẫn nhìn tôi rồi nhìn cái rương tưởng như không tin vào cái tai của mình, đến nỗi tôi phải nhắc lại:
- Tôi bảo sao, anh cứ làm vậy!
Mọi thứ khi chuẩn bị xong, lúc này đã khoảng 3 giờ hay 3 giờ rưỡi chiều rồi. Trời có vẻ hơi hừng sáng, chỉ còn lất phất mấy sợi mưa phùn lưa thưa. Từ ở trong nhà cầu, tôi đội mũ đeo lon đi ra trước con mắt to đầy ngạc nhiên nhưng vẫn còn nhiều lo lắng của anh Pả. Tôi bình thản và tỏ ra rất đường hoàng để trấn áp nỗi lắng lo của Lù Pả, tôi bảo anh ta:
- Bây giờ cứ xách chiếc rương đường hoàng theo tôi ra cổng trại.
Ra tới sân, tôi kéo hơi thấp chiếc mũ xuống một chút vì thoáng gặp bác Thản già quét dọn vệ sinh trại từ phía dưới bếp đi lên. Lúc bác đi ngang qua, bác còn cúi đầu lễ phép chào tôi. Phải nói là lúc bác ngửng lên nhìn theo thì tôi và Lù Pả đã ra gần đển cổng trại rồi.
Ra tới cổng, tên công an vũ trang ở trên chòi gác vừa thò cổ ra ngó xuống, tôi hơi ngửng lên, tay chỉ Lù Pả đanh giọng:
- Đồng chí cho tôi nhận tên phạm này!
Y nhìn một tí rồi gật đầu, tôi quay lại khoắng tay cho Lù Pả, ra ý bảo đi trước (ra ngoài trại, tù phải đi trước, cán bộ theo sau). Tôi nhìn mặt Lù Pả hơi tái đi, chiếc rương anh đang xách cứ rung rung. Tim tôi cũng hơi nghẹn lại, nhưng tôi vẫn bước dõng dạc sát phía sau Lù Pả. Ra tới chỗ đường rẽ, cách cổng trại chừng 60 – 70 mét mà tôi tin chắc tên công an gác cổng vẫn còn nhìn theo. Một ngả tiến về khu giám thị và khu công an vũ trang. Một ngả dẫn ra Phố Lu, Lào Cai cách đấy 8 – 9 cây số. Tôi lên tiếng khẽ bảo Lù Pả đi phía trước, giữa lúc anh Pả đang ngập ngừng chưa biết sẽ rẽ theo hướng nào:
- Rẽ về phía ban giám thị!
Từ phía sau nhìn Lù Pả, lúc này không phải chỉ thấy cái rương rung rung nữa, mà như cả người anh Pả, những bước chân đi xiêu vẹo đò đẫn như muốn khuỵu xuống. Tôi cũng hơi lo, tôi vội lên tiếng nữa để động viên:
- Anh hãy yên tâm! Tôi đã có chủ định, sắp đến chỗ an toàn rồi.
Từ cổng trại đển khu nhà của ban giám thị khoảng 250 đến 300 mét. Con đường, một bên là chiếc ao lớn, một bên là một triền đồi dốc, hẹp trồng khoai lang. Dù tôi đã động viên, nhưng khi càng tiến đến gần căn nhà chính của ban giám thị thì anh Pả như không muốn bước nữa.
Từ nãy, tôi rất lo, nếu giữa quãng đường trống này, có một tên cán bộ nào đó, bất chợt từ trong khu giám thị đi ra, thì thật là nguy hiểm. Bởi vậy tôi giục anh Pả phải bước nhanh. Khi đến trước một luống hoa, tôi tiến nhanh lên phía trước, kéo tay anh chạy lủi vào một bụi nứa có những dây sàn sạt leo kín. Từ đấy tôi kéo anh Pả luồn ra phía sau của căn nhà chính ban giám thị. Chỗ này có mấy bụi giong riềng rất rậm.
Ngay sát vách phía sau nhà của giám thị, chúng tôi chui vào nằm im. Tôi đã tính rồi, chính cái điều bất ngờ nhất, nên chỗ này cũng là chỗ an toàn nhất trong lúc này.
Về tâm lý, không một ai có thể nghĩ tù trốn, lại vào chỗ khu giám thị, nơi đầy rẫy cán bộ chỉ huy của trại mà nằm. Bởi thế, kể cả người lẫn chó, chẳng bao giờ xục vào miếng đất đã có chính quyền bảo kê đó.
Quả như tôi đã dự đoán, cho tới lúc kẻng lấy cơm, chừng 15 phút sau thì có 2 phát súng nổ ngay phía cổng trại (lúc chia cơm, không có tôi đặt bát cơm canh, từ đấy tôi dự đoán họ đã phát hiện ra). Sau đó là tiếng kẻng báo động, tù phải vào buồng ngay. Như vậy tù phải mang cơm vào buồng ăn. Tiếp theo là tiếng chó sủa ầm lên.
Trời càng tối tiếng chó và những âm thanh huyên náo, nghe càng nhỏ dần về phía rừng sâu. Tôi ra hiệu và nói khẽ cho Pả nằm yên tại chỗ. Tôi khẽ bò ra phía trước để nghe ngóng, quan sát. Trong nhà ban giám thị điện vẫn sáng trưng, 6 – 7 người lố nhố đang ngồi họp, trong đó có ông Toán, chánh giám thị. Mọi chỗ khác đều yên ắng như tờ. Với những kinh nghiệm của những năm tháng trước đây còn ở bên quân báo, qua một số âm thanh, một số địa hình tôi đã nắm, kết hợp với những nguyên tắc di chuyển đêm trong một vùng nghi ngờ có những ổ phục kích, tôi vững tâm, rời chỗ nấp tiến bước về hướng chủ định. Trước khi rời khỏi đám giong riềng, tôi thì thào cho Pả hiểu:
- Tôi sẽ mang anh ra tới chỗ an toàn, lúc đó chúng ta sẽ chia tay. Tôi sẽ tìm đường về xuôi, còn anh sẽ về ngược, vì quê anh ở bản Pó thuộc Bắc Cạn. Với một quy ước kiên định, không hề biết gì về nhau cả.
Với những phương pháp đi đêm đặc biệt ở trong rừng, chúng tôi đã vượt qua được nhiều chặng nguy hiểm. Cuối cùng tôi đã đưa anh Pả đến được con đường hàng tỉnh mà anh đã quen biết. Chúng tôi chia tay nhau, để đi về 2 ngã đời khác biệt. Riêng về chiếc rương gỗ, khi đi khỏi khu ban giám thị chừng nửa cây số, chúng tôi đã dúi nó xuống một đám bùn có bèo lục bình, sau khi đã lấy hết những thứ cần mang theo.
Phần tôi, sau 6 ngày lần mò vất vả, tôi đã về tới Hà Nội. Quê tôi ở Vĩnh Yên, nhưng tôi không hề bén mảng. Hà Nội lúc này dân chúng đang chuẩn bị sơ tán, không khí chiến tranh đang bao trùm khắp đó đây. Tôi làm giấy giả, thay tên đổi họ, rồi tôi lấy vợ và đã có một đứa con trai. Vì tôi nằm trong lòng chế độ này, do đấy tôi lách được vào nhiều khoảng hở để sinh hoạt, tồn tại. Cũng vì cuộc sống, tôi phải đi buôn hàng chuyến trên con đường Hải Phòng, Hà Nội và Hòa Bình. Thời gian cứ như vậy trôi đi được gần 2 năm.
Vào một buổi đó, trên chuyến tàu xuôi từ Phú Thọ về Hà Nội, tôi đang ngồi ngả lưng vào thành tầu. Thân hình lắc lư với những cái nhún nhẩy của con tầu đang đi. Tôi thả hồn theo khói thuốc sau một lúc kháo chuyện với mấy người bạn đồng hành. Rõ ràng, có một mầu vàng chắn ngang vào những làn khói thuốc trước mắt. Tôi choàng tỉnh, nhìn một bóng hình to lớn, lồ lộ đứng ngay trước mặt tôi. Ông Toán, chánh giám thị trại cải tạo trung ương số I Lào Cai.
Tôi choáng hồn, đứng bật dậy, không phải để chạy (vì còn chạy đâu được) mà để chào ông ta, nhưng ông ta đã đặt một tay lên vai tôi đè tôi ngồi lại ghế. Ông nói vừa nhẹ nhàng, nhưng cũng như vừa ra lệnh:
- Cứ ngồi yên!
Tôi cứng đơ người ra như cái máy. Tôi chỉ thoáng liếc chiếc lon thiếu tá còn mới, đỏ ráu ở cổ áo ông ta (khi tôi trốn, ông mang lon đại úy). Tôi cười như mếu nhìn ông ta, bao nhiêu những khí thế linh hoạt có sẵn trong người đều như biến đi hết. Người tôi cứng ra như “Từ Hải chết ngồi” không còn biết nói năng chi, cứ im thin thít như thịt nấu đông.
Mấy anh bạn đồng hành, thấy ông công an to quá cũng đã chuồn sang toa khác từ lúc nào. Tôi còn đang bấn loạn, thấy cả một cuộc đời, cả vợ, cả con bỗng chốc tan thành khói mây thì ông Toán đã rút trong cặp ra cái còng số 8 đen xì mở ra. Tôi líu ríu như một cái máy giơ 2 tay ra cho ông ta còng. Khi xuống ga Hàng Cỏ, ông đã điện cho xe công an đưa tôi vào gửi ở Hỏa Lò. Sau 2 ngày, chính ông ta đến lĩnh tôi ra và đưa trở lại trại I này.”
Lê Sơn nói đến đây thì ngừng lại, coi như câu chuyện đã kết thúc nhưng nét mặt anh vẫn còn đăm chiêu, nhìn ra khoảng trời phía bên ngoài. Giây phút hồn anh lắng đọng đã ép, nén chúng tôi cũng nín chìm vào nỗi niềm. Một phút nặng nề riêng tư, đột nhiên anh lại nói tiếp như minh giải với những tảng mây đang lững lờ trôi ngoài khung trời ấy, hay với cõi hồn xa cũ:
- Nếu không vì cuộc sống, để tôi phải bôn ba cầu thực thì có trời mà bắt được tôi!
Câu nói của anh vẫn lọt thỏm vào cái hũ im lặng của 3 người. Còn một chút khắc khoải trong dòng liên tưởng của tôi, nên đành làm rạn vỡ cái trầm lắng do câu chuyện:
- Thế về trại rồi sau đó ra sao?
Như choàng tỉnh, mặt Lê Sơn rắn lại, mắt anh như có những tia sáng, quắc lên:
- 6 tháng trời, cùm kẹp thê lương! Nếu không vì một số cán bộ có thiện cảm riêng tư từ trước thì họ đã để cho chết rồi. Với bao nhiêu kiểm thảo, kiểm điểm, học hành cho đến rã người ra.
Sơn ngừng lại một lúc rồi lại tiếp, giọng đầy ai oán:
- Khi được thả cùm ra, tôi đã được khênh về buồng, rồi ốm thêm 2 tháng nữa mới khỏi, mới lại người. Mọi người tưởng tôi không còn sống được. Trước đây tôi bị ràng, bố, theo dõi chặt chẽ lắm, chỉ mới lỏng ra được hơn năm nay.
Để cho Sơn nói xong, tôi chỉ hỏi một câu trống không, có thể trả lời theo nhiều hướng:
- Thế bây giờ sao?
Nhưng Lê Sơn rất bén nhậy, đã trả lời đúng ý tôi muốn biết:
- Bây giờ thì tôi không muốn trốn nữa, vì tôi sắp được về rồi!
Quý Cụt, Lân và tôi đều mở to mắt thì Sơn để một ngón tay lên miệng cộc lốc:
- Bí mật!
Nói rồi, anh quay vào tiếp tục kẻ, vẽ.
Nghe xong câu chuyện vượt ngục của Lê Sơn, tôi thừa nhận anh thật nhanh lẹ, có tài. Tôi nghĩ đến đoạn Sơn dẫn Lù Pả ra khỏi cổng trại: Nếu lúc ấy lại có một cán bộ quen, bất chợt đi ra thì làm sao? Nghĩ thế, vì tôi liên tưởng đến vụ trốn của tôi ở Hỏa Lò. Thôi, định mệnh! Lại nhắc đến những chữ “nếu” đáng ghét trong cuộc đời này làm gì nữa.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen