To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 112: Một Chuyện Tình Trong Chế Độ Ưu Việt
áng hôm nay khi toán 2 xuất trại, lúc toán ra khỏi cổng trại đi gần đến cổng khu thủ công. Những anh đi đầu của toán đã bắt đầu quay rẽ vào cổng, tôi bỗng thấy anh em trong toán xôn xao hẳn lên. Nhất là cậu Toàn và Châu, cứ rên lên ư ử. A, đây rồi, ở phía con đường dẫn ra trại chính, có một đoàn tù nữ khoảng hơn một chục chị, tuổi từ 20 đến 30. Đi phía sau có một bà cán bộ quản giáo chừng 30 tuổi. Đoàn tù đang đi rẽ vào một con đường dẫn ra phía sau khu nhà của ban giám thị. Tôi hơi ngạc nhiên, hơn 3 tháng tôi đến trại này, hôm nay tôi mới nhìn thấy một đoàn tù nữ vào trại E. Hầu như chả có con mắt nào của đoàn tù toán 2 lại không hướng nhìn về phía đoàn tù nữ chằm chằm, kể cả hai tên công an vũ trang và tên quản giáo Kích đi phía sau toán.
Lê Sơn đi bên cạnh tôi, mắt cũng đang đờ đẫn nhìn về phía đoàn nữ tù ấy. Tôi không kìm hãm được sự háo hức, muốn biết tại sao lại có đoàn nữ tù này, nên đành phải bất lịch sự với Lê Sơn. Tôi đập vào tay anh hỏi khẽ nhưng cũng đầy sôi nổi:
- Họ làm gì mà vào đây thế?
Anh chẳng trả lời tôi, mắt anh vẫn hướng về phía xuân xanh ấy. Nhìn mắt anh, tôi có cảm tưởng nó lồi hẳn ra và bất động như mắt giả. Hình như anh không nghe thấy cả câu tôi vừa hỏi. Toán 2 đã đi vào cổng lán, vậy mà còn nhiều cái đầu vẫn ngoái lại phía sau như người ta vừa nhìn thấy một cái vật gì quý lắm, kỳ vĩ lắm trong cuộc đời này không bằng. Cũng như miếng ăn, khi người ta bị đói nhiều ngày, cho nên cái uy lực của nữ giới lúc này cũng thật kinh hồn! Rồi cả buổi sáng và cả buổi chiều, suốt ngày cái chủ đề phụ nữ đã trở thành chính yếu trong lúc bàn tán hay chuyện trò của toán 2. Nhân thế, hôm nay qua Lê Sơn và Quý Cụt tôi mới biết thêm được nhiều vấn đề của trại. Chỉ có tôi mới thực là ngố Tầu, mãi hôm nay tôi mới hiểu, thường ngày vẫn có một đoàn nữ tù từ trại nữ vào chỗ lán may (phía sau khu nhà giám thị) vừa học may do một anh tên Hoàng Xuân Oánh ở trong trại E chỉ dạy và phụ trách.
Thảo nào, những ngày trước đây, có lần tôi thấy một anh chừng 4 chục tuổi từ ngoài cổng trại đi vào một mình, khi trại đã sắp điểm vào buồng lúc chiều muộn. Anh Đồng thì phải, có chỉ anh đó nói là Oánh thợ may, án chung thân, rồi tôi không để ý nên cũng quên đi.
Thường thường mọi khi, đám tù nữ thợ may này vào đến trại này cũng đã 8 giờ là lúc toán 2 đã vào lán thủ công làm việc được hàng giờ đồng hồ rồi. Chiều 4 giờ toán nữ đã trở về K2 (trại nữ), trong khi toán 2 mãi 5 giờ mới nghỉ tay lao động. Do thế, chả bao giờ gặp nhau hay trông thấy nhau. Hôm nay, hẳn bên đám tù nữ có một chuyện gì đặc biệt nên mới vào sớm như vậy, để rồi đã gây ra một mối bất an trong lòng những người tù toán 2 trong một số ngày.
Cũng ngày hôm nay tôi mới hiểu được sơ sơ về anh chàng Oánh này, khi tôi tỏ vẻ trầm trồ ca ngợi cái vị trí ngon lành, độc đáo được phụ trách một đoàn tù nữ trong giai đoạn hạn hán, hanh khô này của anh ta. Tôi nói như vậy, thực ra cũng không ngoa, không cường điệu. Ông bà mình thường nói “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, đấy là trong lẽ bình thường của người đời. Trong trường hợp này thì khí thế còn cao hơn nhiều. Những người tù nam và những người tù nữ, hàng tháng, hàng năm, có khi hàng chục năm không trông thấy nhau. Họ là những người tù chứ không phải đi tu, thì phải nói là như lửa vời dầu xăng ấy chứ. Hễ cứ để gần nhau là tất nhiên phải nổ!
Vụ án của Hoàng Xuân Oánh cũng một thời sôi nổi điển hình của thành phố Hải Phòng năm 1960. Oánh là chủ nhiệm một hợp tác xã may mặc lớn ở Hải Phòng. Anh ta có một người vợ trẻ với đứa con một tuổi. Khi người vợ có mang, rồi đến ngày khai hoa nở nhụy của đứa con thứ hai, được bố mẹ vợ cho đứa em gái vợ 17 tuổi, đang học lớp 9 (hệ 10 năm) từ quê ở Kiến An lên giúp chị. Ông bà phần vì thương đứa con gái phải vượt cạn một mình, phần vì tin tưởng vào người con rể có uy thế, học thức đã được nhà nước giao cho làm chủ nhiệm một hợp tác xã may mặc lớn, nên đã để cho đứa con gái còn hơ hớ tuổi xuân lên giúp chị.
Rồi chuyện đi về, ở ăn sao đó giữa Oánh và cô em vợ thì không ai biết được, kể cả bố mẹ vợ cũng như chính vợ của Oánh, cho tới khi nội vụ đổ bể; sự việc phải ra trước vành móng ngựa, người ta mới hỡi ơi ra. Nội vụ như sau:
Người em vợ đó tên là Hồng Hạnh, bị ông anh rể cho ăn trái cấm nên đã có thai. Cô Hạnh lo sợ quá, khi cái bụng càng ngày càng to, làm sao để che dấu được làng nước và bố mẹ. Chàng Oánh thì cũng bấn xúc xích lên, còn mặt mũi nào để nhìn bố mẹ vợ và ngày cả vợ mình. Hơn nữa, có thể cái địa vị béo bở của chàng cũng sẽ tan theo mây gió. Bởi vậy, Oánh đã tính toán kỹ một kế hoạch, nhưng có lẽ tính kỹ quá thành ra tính quẩn. Anh đã chuẩn bị một âm mưu để giải quyết với người em vợ. Anh viết một lá thư đầy nghĩa tình nồng thắm, thương yêu hẹn Hồng Hạnh ở một cánh đồng vắng, nơi cũng đã từng nhiều lần hò hẹn với Hạnh trước đây. Lúc này, Hồng Hạnh đã có mang được 5 – 6 tháng. Gặp nhau giữa đất trời bao la trên cánh đồng lúa đang vào thời kỳ giáp hạt. Trước khi Oánh thực hiện ý đồ của y, y còn muốn diễn lại câu thơ trữ tình của cụ Nguyễn Công Trứ với Hồng Hạnh một lần nữa:
Giang sơn một gánh giữa đồng.
Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?
Sau khi đã ứ hự với Hồng Hạnh xong, Oánh liền rút trong bọc ra một con dao nhọn dài hơn 20 phân. Lúc này Hồng Hạnh đã chợt hiểu, mặt không còn hạt máu, cô liền quỳ xuống giữa cánh đồng, lậy Oánh như tế sao. Nước mắt đầm đìa, cô khẩn nài xin Oánh đừng giết. Rằng đời của cô đã tàn rôi cũng không thiết sống nữa, nhưng xin hãy tha cho đứa con còn trong bụng chưa được chào đời. Hồng Hạnh xin cam chịu mọi hình phạt búa rìu, tủi nhục của cuộc đời để cho đứa con được ra đời rồi Hồng Hạnh sẽ tự tử, hoặc lúc đó Oánh giết thì cô không còn oán thán gì nữa. Nhưng Oánh lúc này như một tên hung thần cứ đâm túi bụi vào thân hình một con người mà vừa trước đó mấy phút, Oánh còn đắm say, cuồng bạo yêu đương.
Trong khi Oánh đã đâm hàng chục nhát dao rồi mà Hồng Hạnh vẫn còn cố gắng quỳ lên chắp tay để lậy Oánh xin tha cho mình và tha cho đứa con, cho tới khi gục xuống chết hẳn. Tên Oánh đã chuẩn bị sẵn một chiếc xẻng con, y tìm một chỗ khuất nẻo đào nông một hố để lấp xác Hồng Hạnh. Làm xong, y tắm rửa, thay áo quần rồi trở về với vợ con ở Hải Phòng coi như chẳng hề có chuyện gì đã xẩy ra.
Sau 2 ngày, bố mẹ Hồng Hạnh không thấy con gái đâu dù tìm hỏi khắp nơi, nên đã đến đồn công an để trình báo về sự mất tích của Hạnh. Cuối cùng, dân làng và nhà chức trách đã tìm được đến chỗ chôn xác Hồng Hạnh. Khi bác sĩ chuyên môn khám nghiệm, đã tìm thấy tất cả 37 nhát dao đã đâm khắp đầu, mình và chân tay của Hồng Hạnh. Với những cánh thư, và với những hiện tượng trước đấy, người ta dễ dàng tìm bắt được đích danh thủ phạm. Cho tới khi đưa ra tòa cử với cái án chung thân, tên Oánh đã phải diễn đi, diễn lại nhiều lần cái buổi y đã hạ sát Hồng Hạnh.
Ngồi nghe Quý Cụt và Lê Sơn thuật lại câu chuyện về tên Oánh, tôi đã nhớ lại bộ mặt và dáng người của y. Người y tầm thước, da trắng trẻo hay mặc đồng bộ mầu nâu. Y có cái trán cao, đặc biệt là đôi lông mày thật rậm, ăn nói thì nhỏ nhẻ, tỏ ra một con người hiền lành tử tế.
Qua sự việc của Oánh, kết hợp với một số vụ khác mà tôi đã biết, tôi đã thấy được cái chủ trương, cái nguyên tắc giải quyết của cộng sản. Những vụ án có tính cách trầm trọng làm đảo lộn luân lý, thuần phong, đạo đức làm dư luận quần chúng căm phẫn, chúng xử phạt có vẻ nặng nề để xoa dịu công luận. Nhưng khi vào trại giam, chúng lại chiếu cố, tin dùng cho làm những công việc béo bở ở trong tù như: tự giác, chăn nuôi, coi ao cá v.v… Dù cho án chung thân chăng nữa thì cũng chỉ ở mươi hoặc 12 năm là đã được tha rồi. Bởi vì theo chúng, những tội trạng đó chỉ nằm trong hệ mâu thuẫn nội bộ. Chúng rất lơ là với những chuyện trai gái, cướp bóc, cắp trộm, giết người. Ngược lại, cái điều chúng đặt lên hàng đầu, bất cứ vấn đề gì chỉ hơi dính dáng đến chính trị, thì chúng nỗ lực tìm tòi điều tra cho đến nơi, đến chốn, đến chân răng, kẽ tóc, đến cùng kiệt của sự việc mới thôi. Những điều này chúng đặt là thuộc hệ mâu thuẫn đối kháng. Đã vào tù, dù bất cứ dưới hình thức nào: án hay không chỉ khi nào tốt mới cho về. Mà tốt hay xấu trong tư tưởng thì làm sao mà biết được. Đấy là lý do cộng sản nó muốn giam giữ người tù đến bất cứ khi nào là tùy ý chúng.
Câu chuyện của anh chàng Oánh hôm nay lại làm tôi nhớ đển 2 câu chuyện mới xẩy ra 2 hôm trước ở trong trại mà mãi hôm nay anh em vẫn còn đùa cợt, bàn tán. Câu chuyện đau lòng là câu chuyện của tên trật tự ác ôn Phạm Huy Tân: buổi sáng y được gọi ra nhận tiếp tế vì vợ y lên thăm. Y hớn hở, vui mừng lộ hẳn ra trong cử chỉ và nét mặt. Y chắc nẩm, là trật tự, đệ nhất tay sai ở một trại; hẳn rằng ít nhất y cũng được 24 tiếng để hú hí với vợ con, chứ nếu không thì phải 48 tiếng, vì ngay những bọn tự giác, những bọn cải tạo tốt còn được 24 tiếng nữa là y. Nhưng không ngờ, ở đời chỉ có một chữ “ngờ” là chẳng ai học được. Tên cán bộ giáo dục đã giữ kín cho tới phút tên Tân ra gặp vợ mới ngã ngửa ra. Người vợ mang tiếp tế cho y 3 cái bánh mì, 6 quả chuối, 1 kg muối vừng và 2 bao thuốc lá Trường Sơn, kèm theo tờ giấy ly dị. Y thị nhờ đảng và ban giáo dục trại giải quyết thỏa đáng cho y thị, lý do: y thị, sau 6 năm suy nghĩ, quyết định dứt khoát không thể có tình cảm luyến ái vợ chồng với một tên phản cách mạng. Ai cũng biết, điều này đảng và nhà nước ủng hộ, giúp đỡ quá đi ấy chứ, dù cũng ra cái vẻ khuyên răn, giàn hòa. Bởi vậy, tên Tân không những không được 24 tiếng mà chỉ vỏn vẹn 20 phút đồng hồ, sau khi ký giấy, trước sự chứng kiến của ban giáo dục. Theo tên Thái y tá kể lại, Tân đã tâm sự với y: Tân đã cố nén lòng trên đường về trại, y thấy đời anh tan nát hết không còn gì nữa. Y trở thành một tên tù bơ vơ lạc lõng trên cái trái đất đầy bùn đen này. Để rồi y đã không thể ngăn nổi 2 giòng nước mắt đầm đìa khi bước chân vào cổng trại; mặc cho thiên hạ anh em cười chê. Riêng tôi, khi biết được chuyện không may của y, cũng thấy mủi lòng. Đành rằng y là một tên ác ôn, đã làm hại biết bao nhiêu đồng phạm, chẳng qua chỉ vì sự ngu muội của y, chứ y cũng chỉ là một nạn nhân, một tên tù không hơn, không kém. Tôi thấy ngao ngán buồn cho tình đời trong những cảnh đời dưới chế độ xã hội ưu việt của loài người. Tôi có ý định, hôm nào thuận tiện sẽ gặp, thăm hỏi, an ủi gọi là chia xẻ, cảm thông với y phần nào. Điều mà trước đây, tôi nghĩ chẳng bao giờ, nếu có đến với y chỉ là cái nắm tay và những cẳng chân mà thôi.
Còn câu chuyện thứ 2, câu chuyện buồn cười của anh chàng Phan Thanh Vân tư bản kếch xù. Theo Vân tường thuật lại: Vân có một đôi quần đùi thật đẹp của bà chị ở Pháp gửi cho. Vân cũng chả mặc bao giờ, trừ ngày mồng một Tết, Vân mặc một lần để thi đấu bóng bàn, trước những con mắt thòm thèm, suýt soa của nhiều anh em tù khác. Buổi trưa trời nắng hửng, anh chợt nghĩ đến chiếc quần đã mặc có thể bị ẩm mốc nên đem ra phơi ở chỗ những sào nứa, nơi chúng tôi thường ăn hơi mỗi buổi chiều. Phơi rồi, Vân cũng sợ bị mất cắp, bởi vậy anh ngồi ngay tại cửa buồng 2 vừa cuốn thuốc, vừa nhìn ra coi. Chỗ phơi chỉ cách Vân hơn 10 mét. Lúc anh cúi xuống cuộn điếu thuốc, khi ngẩng lên thì chiếc quần đã không cánh mà bay mất rồi. Hộc tốc anh chạy ra thì chỉ có vài người vẫn lảng vàng, trầm tĩnh đi đi, lại lại vì người ta cũng đang có nhiều nỗi ngược xuôi của đời tù nên không ngủ trưa được. Hỏi ai cũng không thấy, Vân bực vô cùng và ai biết cũng ngạc nhiên thay: ai lấy cái quần mà nhanh như biến thế!
Tối hôm đó, Vân bàn riêng với Nguyễn Huy Lân buồng trưởng và Đinh Khắc Sản toán trưởng toán 3. Ngày mai, Vân còn một chiếc quần đùi nữa, sẽ đem ra chỗ cũ phơi, Vân sẽ nấp ở trong buồng, nhìn qua một cái khe vách hở, rình bắt cho được cái tên ăn cắp khốn khiếp ngày hôm qua.
Chủ trương và tính toán như thế rồi, trưa hôm sau Vân cứ thế thực hiện để bắt con mồi. Vân ngồi im lặng rình trong một góc nhà phía sàn dưới, dù mót đi giải, anh cũng không đi.
Trong các buồng nhiều người nằm ngủ trưa để chiều đi lao động. Ngoài sân, trong hội trường, đây đó dăm ba người ngồi chuyện trò, thầm thì nho nhỏ, hoặc khâu vá ngoài sân. Chiếc quần đùi vải ngoại mầu vàng tươi, lồ lộ vẫn nằm yên trên một con sào lẫn vào những chiếc áo bông dầy cộm, rách tã, cùng những chiếc quần áo trại đã bạc mầu nắng mưa.
Vân ngồi đã mỏi người, tê chân. Anh nghĩ, có lẽ tên ăn cắp đã thấy anh ngồi rình (mặc dù chuyện rình chỉ có 2 người nữa biết), hoặc nó đã lấy được một cái đủ dùng rồi, vậy có ngồi đến tối thì chiếc quần vẫn nằm yên đấy. Từ những nghĩ suy như vậy nên anh bình thản hơn, thảnh thơi hút thuốc, đôi khi quay lại trả lời những người thấy anh ngồi đấy mãi lạ lùng nên han hỏi. Rồi một lần sau khi quay lại trả lời một người, khi quay ra thì chiếc quần đã biến mất lúc nào. Vân chạy vội ra tìm và ngơ ngác nhìn đây đó khắp sân.
Hẳn rằng tên ăn cắp, phải là 2 tên, đang đứng ở một chỗ nào đó nhìn Vân, rồi nhìn nhau thích thú. Một người to xác, nhưng lại thật thơ ngây. Cứ tưởng mình có vỏ quýt dầy nhưng đã gặp phải ngón tay nhọn hoắt. Nghe Vân kể lại sự việc tôi cũng buồn cười, mà không dám cười, bởi vì nỗi bực tức vẫn đang dàn đầy ra trên nét mặt Vân. Tôi góp y với Vân như sau:
Lần thứ nhất Vân mất quần đùi thì tôi đã hơi nghi, nhưng lần thứ 2 thì tôi khẳng định là ít nhất có 2 người cùng bàn nhau để ăn cắp chơi của người tư sản trong trại. Nghĩa là phải có một người nào vào làm cho Vân chia trí đi từ 30 giây cho đến 1 phút. Bây giờ đã mất rồi không nói làm gì nữa, cái điều cần nói là làm sao tìm lại được.
Bất kỳ ai lấy, chắc chắn: không dám dùng ở trong trại và cũng không dám để lâu ở trong trại vì ngoài những kỳ khám trại chính thức, cán bộ lại hay vào khám tư trang bất ngờ. Do đó, đường dây ra ngoài thì không thể ngoài những anh tự giác của toán, hoặc toán lâm sản. Cho nên tôi đề nghị Vân, không gì bằng hãy liên lạc, khéo léo đặt mua mấy người thân trong đám tự giác thì sẽ ra…Bởi vì chỉ có họ mới có điều kiện ra gặp nhà dân để mua bán đổi chác mà thôi.
Đang khi Vân đồng ý để tiến hành, thì 4 – 5 ngày sau, anh được gọi ra trại ngoài để gặp cán bộ. Khi về Vân cho biết: ông Toán đã báo cho biết là Vân sắp được tha, họ đang chuẩn bị cho Vân sẽ làm công nhân phục vụ ngay cho trại trung ương số I, trong bộ phận điện. Bởi vì, các phân trại, kể cả phân trại E này cũng sắp được phân phối máy phát điện nhỏ để phục vụ tối thiểu về điện cho trại.
Vân rất phấn khởi, lúc đầu chỉ nói riêng cho tôi biết rằng ông Toàn bảo nhà nước sẽ chiếu cố đặc biệt cho Vân, có thể sẽ cho Vân về Hà Nội để làm một con mắt giả. Tóm lại, Vân đang nhìn con đường ngày mai của anh càng ngày càng rộng mở. Vì thế, Vân chẳng còn, hay chẳng cần để ý gì về 2 chiếc quần đùi đã mất nữa. Phần tôi cũng thấy vui vui trong dạ. Trong cảnh khổ đau tăm tối này ai thoát ra được, dù ở cảnh nào thì cũng mừng cho họ. Phần khác, còn gì thú bằng, sự lý luận suy đoán của tôi với Vân trước đây đã diễn tiến theo chiều hướng như vậy.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen